28/4/12

Hai chị em (C28-30)

Chương 28

Đêm hôm ấy là đêm trăng sáng. Trăng mười sáu tròn đẹp lơ lửng trên bầu trời như chiếc đèn điện tròn khổng lồ đang chiếu sáng khắp cả chân núi Chớp Chài nơi làng Minh Đức. Ánh trăng dịu dàng hòa mình vào trong không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng trải rộng ánh sáng trên những mái tranh, trên những cành ổi rồi len lỏi âm thầm xuyên qua những tàu chuối và đến tận những khóm tre bên dưới. Trăng đã đưa đường cho mọi người trong làng ung dung đi lại trên con đường đất dọc theo ngôi làng và vỗ về dân làng trầm lặng thưởng thức cái yên bình của đêm thanh. Những tiếng kêu gọi ơi ới, những tiếng nói ồn ào của ban ngày dường như tan biến mất ngay từ lúc trăng lên. Và trăng càng lúc càng sáng tỏ.
Gia đình dì Bốn, dì Sáu, dì Bảy và vài người lớn con nít quanh xóm đến nhà bà ngoại. Họ cùng với gia đình cậu mợ Hai, Cậu Tám, anh Thu tụ tập trên cái sân phơi lúa để vừa ngắm trăng vừa họp mặt chia tay với ba mẹ con. Hai con nhỏ ngồi cạnh mẹ và bà ngoại trên sân phơi lúa, mặt hướng về phía đỉnh núi sau mái tranh của nhà cậu mợ Hai. Anh Thu đem ấm trà lớn và khay đựng tách trà ra đặt ở giữa sân nơi mà vài gói gạo, vài gói bột mì tinh, vài túi nếp thơm, hai ba xấp bánh tráng, và vài khúc mía được xếp dồn cạnh nhau thành một đống nhỏ. Những thứ thức ăn này là quà của phần lớn những người có mặt biếu ba mẹ con trước khi họ lên đường.
Cậu Tám đặt khay bánh thuẫn đủ màu do vợ sắp cưới của cậu mới đem đến, vui vẻ nói:
- Xin mời tất cả các bác, các anh chị dùng bánh uống trà. Các cháu nhỏ thì ăn bánh ở đây nhưng lấy nước uống ở chỗ kia.
Hướng mắt về phía cái lu nho cạnh hoa trang con chị mỉm cười. Mặc dầu mẹ nó đã căn dặn phải lấy nước đun sôi trong nhà bếp uống nhưng vì lười nên nó thường bắt chước những đứa nhỏ con cậu mợ Hai dùng gáo dừa múc nước lu uống mỗi khi đi chơi núi hay đi chơi đồng về. Gần hai tuần uống nước lu với những con lăng quăng trong đáy, may mắn là nó không bị đau bụng. Yên lặng ngắm mọi người xung quanh, nó ngạc nhiên khi thấy họ không hề để ý đến lời mời của cậu Tám. Lạ lùng hơn nữa là những đứa nhỏ! Tưởng đâu chúng thích thú với những chiếc bánh thuẫn đủ màu trên cái khay lớn, nhưng chúng vẫn ngồi im và nhìn sững vào mặt của nó.
Một bà lão chen vào ngồi giữa bà mẹ và con chị, hỏi lớn:
- Bà nghe cháu của bà nói cháu kể chuyện đời xưa hay lắm phải không? Đâu? Kể cho bà nghe một chuyện trước khi đi dìa trong thành phố của cháu đi!
Con chị cúi mặt, mắc cở lắc đầu. Những đứa nhỏ bà con và hàng xóm đang ngồi trên các gờ quanh sân phơi lúa, nhích đến trước mặt nó để được ngồi gần hơn, nhao nhao nói:
- Kể đi Hạ! Kể chuyện cho tụi tao nghe với đi! Ngày mai chị em mày “dìa” trỏng rồi, tụi tao đâu còn được nghe chuyện nữa!
Chị Vương nói:
- Kể đi Hạ! Mai em đi rồi! “Nẫu nẫu” đến đây để nghe em kể chuyện mà em từ chối “dãy”na?
Con chị ngước mặt lên. Ánh trăng chiếu sáng từng khuôn mặt những đứa trẻ ngồi quanh nó. Những ánh mắt chờ đợi khiến nó nhớ lại buổi tối đầu tiên khi bọn trẻ trong xóm đến nhà ngoại chơi, lúc đó, nó vô tình kể cho bọn trẻ nghe những câu chuyện mà nó chỉ có tham vọng gây say mê và làm chúng cười bò bằng những chi tiết thêm thắt và phóng đại chứ không nghĩ những câu chuyện kỳ quái và dị thường của nó đã khiến cho bọn trẻ phải chơi trò “tay trắng, tay đen” để được ngủ lại và nghe thêm chuyện kể trong căn nhà chật chội của bà ngoại. Tệ hại hơn, những đứa nhỏ tuyên truyền đến tai những người lớn tuổi là nó kể chuyện hay mà không hề hay biết là chính sự im lặng, chú tâm nghe chuyện và những tiếng cười thích chí của chúng đã kích thích nguồn hứng thú của con chị khiến cho nó kể nhiều chi tiết thú vị và hấp dẫn.
- Kể đi Hạ! Mai mày đi rồi! Kể hôm nay là chuyện cuối mà! Một đứa nói.
Con chị lắc đầu. Kể chuyện trong bóng tối dễ dàng hơn dưới ánh trăng sáng, nhất là trước bao nhiêu người lớn tuổi đang ngồi xúm xít quanh nó. Những người mà nó tin chắc kinh nghiệm đời của họ sẽ làm cho họ cười thầm những chi tiết ngu xuẩn kỳ cục do nó bịa đặt ra.
Bà mẹ rót nước trà mời bà ngoại, quay đầu sang động viên nó:
- Con kể một câu chuyện đi! Đừng để mọi người chờ tội nghiệp.
Con em níu tay nó:
- Kể chuyện đi chị Hạ! Chuyện gì cũng được mà!
Khuôn mặt con em dưới ánh trăng trông ngây thơ và dễ thương như khuôn mặt dễ thương của con em trong phim Hai Chị Em Mồ Côi trong phim Ấn Độ lạ thường nhưng con chị không muốn kể câu chuyện khá dài này.
Ánh trăng soi trên mái nhà cậu mợ Hai càng lúc càng rõ và tiếng côn trùng kêu râm rang xung quanh vườn chuối càng lúc càng lớn hơn. Một vài con đom đóm bay lên bay xuống chơm chớp ánh sáng, mọi người vẫn yên lặng ngồi chờ và con chị vắt óc cố tìm một câu chuyện đặc biệt để kể. Một câu chuyện đặc biệt nào đây? Một câu chuyện nào có thể đặc biệt hơn câu chuyện Nàng Út Rẫy Dưa mà trong đó nó bịa thêm cảnh hoàng tử không thấy nàng Út bé tí tẹo nên đái trên những dây dưa đến độ cả lá và dưa đều chết héo sạch rụi, hơn câu chuyện Thạch Sanh Lý Thông mà trong đó nó bịa thêm là Lý Thông xấu đui xấu điếc đến độ khi ông ta xuống hang cứu công chúa, công chúa phải giựt mình hoảng hốt và luôn miệng than trời trách đất là thà được chết dưới hang còn hơn để kẻ xấu xí như vậy ôm kéo cô lên, và hơn câu chuyện Thần Biển và Thần Trời suốt đời ganh tị với nhau hoài về sắc đẹp màu xanh lơ mà trong đó nó bịa thêm cảnh họ đánh nhau điên khùng bởi hai tên gọi “màu xanh nước biển” và “màu xanh da trời” đến nỗi gây mưa to sóng lớn mỗi năm đây?
Ông Cậu Hai và cậu Tám đang quấn thuốc rê, chuyện trò gần ngọn đèn dầu thỉnh thoảng kín đáo đưa mắt nhìn nó. Ba thửa ruộng lúa chín vàng mênh mông của cậu mợ Hai và một thửa ruộng nho nhỏ lèo tèo nửa vàng nửa xanh của bà ngoại, và cậu Tám, mà nó được nhìn thấy khi đi chơi đồng những ngày trước đó, lần lượt hiện ra trong trí nó. Nó chợt nghĩ đến chuyện Ăn Khế Trả Vàng và toan thay thế cây khế kia bằng những thửa ruộng. Thế nhưng, nó không thể kể chuyện này bởi vì chắc chắn cậu Hai sẽ biết nó ám chỉ tính tham lam của người anh Cả muốn vơ quét hết phần của cha mẹ và bình tâm trước cảnh em chịu cảnh nghèo hơn, khổ hơn. Như thế, ông sẽ nghĩ nó là một đứa nhỏ hỗn láo, một đứa nhỏ mà mẹ nó không dạy chu đáo. Có thể là cậu Hai không nghĩ về những cái mà nó đang lo lắng suy nghĩ nhưng câu chuyện Ăn Khế Trả Vàng thật không phù hợp cho lúc ấy chút nào cho nên không đề cập đến chuyện anh em giàu nghèo vẫn hay hơn.
Con em níu tay nó một lần nữa. Nó nhìn mặt con em, nhìn lên đỉnh núi Chóp Chài hiện rõ trên bầu trời dưới ánh trăng vằng vặc rồi buột miệng kể:
- Ngày xưa có một người đàn bà không thích có chồng có con nên bỏ đi lên núi sống một mình như kẻ tu hành. Bà đi mãi, đi mãi cho đến khi gặp một hang núi cạnh con suối nước trong và rừng cây ăn trái xanh um. Những cây chim chim chín đỏ, những trái dú dẻ vàng mơ, những trái nhãn lồng mỏng vỏ ngọt lịm, những trái xay đen tuyền là thức ăn, nước suối là nước uống và hang đá là nhà của bà.
Im lặng một lúc, con chị chờ đợi những tiếng phản đối và trêu chọc. Nó cố tình lấy những loại trái cây trên núi Chóp Chài để lồng vào câu chuyện mà nó đang kể và mong câu chuyện kết thúc ngay từ lúc bắt đầu. Chắc chắn mọi người hiểu rằng nó đang bịa câu chuyện với những cây trái của địa phương và không ai muốn nghe những lời bịa đặt mà không có vẻ gì giống những câu chuyện thần thoại hay cổ tích thường nghe. Thế nhưng, những đôi mắt vẫn tiếp tục chờ đợi trong yên lặng và nó tiếp tục câu chuyện với giọng kể hùng hồn hơn:
- Một hôm, đang tắm dưới suối, bà bắt gặp hai tép bưởi hồng phấn tươi ngon kỳ lạ mặc dù chẳng có cây bưởi nào mọc gần đó. Không kềm nổi sự thèm ăn, bà bóc hai tép bưởi, cho vào miệng ăn hết sạch. Sau khi ăn hai tép bưởi bà có bầu chin tháng mười ngày và hạ sinh hai đứa con gái. Hai cô con gái của bà rất xinh đẹp và giống nhau như tạc. Họ được bà đặt tên là Ngọc Cam và Ngọc Khổ.
- A! Té ra chuyện Ngọc Cam Ngọc Khổ!
Con chị nín bặt. Nó nghĩ là bất cứ người Việt Nam nào, dù lớn hay nhỏ cũng đều biết câu chuyện Ngọc Cam Ngọc Khổ này và nó có thể kết thúc nơi đây. Thế nhưng, có tiếng hỏi lớn:
- Rồi sao nữa? Sao không kể tiếp “dãy”?
- Ơ... ơ... rồi khi hai đứa con gái Ngọc Cam, Ngọc Khổ lớn lên thì bà này trở nên già nua, bệnh hoạn và chết. Hai đứa Ngọc Cam và Ngọc Khổ chôn cất mẹ nhưng vẫn giữ lại bộ đồ của mẹ. Họ dùng bộ đồ của bà để đem củi khô xuống chợ đổi thức ăn. Ngày mà một cô mặc áo quần thì cô khác phải ở truồng ngồi núp trong hang.
Không có một tiếng cười và con chị lại nhìn vào mặt em nói tiếp:
- Một ngày kia, khi cô em Ngọc Khổ đem củi ra chợ bán thì gặp một chàng công tử con quan. Say mê với sắc đẹp Ngọc Khổ, chàng công tử này đưa nàng về nhà xin cha mẹ cưới hỏi. Trong khi công tử tìm cách sai người hầu giúp Ngọc Khổ đến hang núi rước chị trước khi cử hành hôn lễ thì Ngọc Cam khốn khổ với đoàn tùy tùng săn bắn của hoàng tử, con vua. Vị hoàng tử bám riết con nai đến tận hang núi và sai quan lính đốt quanh hang để xiết vòng vây con thú đang săn. Ngọc Cam đang núp trong hang núi, ngạt vì khói lửa, khóc than kêu cứu” Đừng đốt nữa! Tôi đang ở trong đây!” Hoàng tử và đám cận vệ kinh ngạc la to: “Người hay ma phải ra ngay không thôi ta đốt chết!” Hoàng tử nói. Ngọc Cam sợ bị chết cháy, chạy ào ra. Ngạc nhiên trước sự xuất hiện của nàng, hoàng tử hỏi rõ đầu đuôi, rồi sai quân lính cung cấp cho nàng áo quần trước khi đưa nàng về hoàng cung, xin hoàng thượng cưới nàng làm vợ.
Con chị nuốt nước bọt kể tiếp:
- Khi công tử đưa Ngọc Khổ đến hang núi tìm chị thì chỉ thấy một đám tro tàn trước cửa hang. Nghĩ là chị đã bị chết cháy, Ngọc Khổ than khóc, xin công tử cho để tang chị ba tháng mười ngày trước khi làm đám cưới. Mãn hạn, Ngọc Khổ đặt hương án làm lễ mãn tang chị và lúc ấy cô gặp Ngọc Cam cùng hoàng tử trên đường về hang núi tìm em. Hai bên trùng phùng hoan hỉ. Cuối cùng, Ngọc Cam ưng hoàng tử và Ngọc Khổ ưng công tử. Họ trở nên giàu có và hạnh phúc muôn đời.
Dứt lời, đôi mắt con chị còn mơ màng trên đỉnh núi Chớp Chài. Ánh trăng và bầu trời sáng làm rõ hơn cái chóp nhọn của núi nơi mà con chị tưởng tượng Ngọc Cam và Ngọc Khổ đã từng sống ở đó.
Một bà lão ngồi trước mặt nó giữa đám trẻ, đứng lên tìm chỗ nhổ bã trầu, rồi quẹt miệng bằng tay áo, tấm tắc khen ngợi:
- Chời quơi, con nhỏ có khiếu kể chuyện hay dữ dậy na bay! Cháu “quại” bà kể chuyện hay lắm đó nghe bà Năm!
Bà ngoại mỉm cười hãnh diện, vồn vã mời mọi người dùng trà và bánh. Người lớn, con nít tản mát ăn bánh uống nước vui cười thỏa mãn. Một lát sau, họ tụm năm tụm ba hàn huyên trò chuyện nhưng không quên bàn tán câu chuyện vừa nghe. Dì Tư, dì Sáu, dì Bảy và các bà dì quanh xóm vây quanh bà mẹ hỏi vì sao con chị biết nhiều truyện cổ tích và bà đã dạy con theo cách như thế nào. Bà mẹ cho họ biết là bà thường kể chuyện cổ tích cho hai đứa con gái bà nghe vào ban tối trước khi ngủ nhưng chưa bao giờ bà thấy con chị nói nhiều và kể chuyện nhiều như những ngày nó thăm quê lần này như thế. Bà mẹ nói năng điềm đạm khi tiếp chuyện với chị em ruột và chị em xóm giềng nhưng bà không giấu được vẻ mặt hân hoan.
Bà lão ngồi cạnh con chị, vỗ vai nó:
- Dìa “trỏng” ráng học giỏi nghe cháu. Khi nào được “dìa” đây nữa thì kể chuyện thêm cho mấy bà con nghe!
Con chị gật đầu ưng thuận. Trong lúc ấy, nó thầm biết ơn bà lão này đã khăng khăng yêu cầu nó kể chuyện và mọi người chú tâm lắng nghe câu chuyện của nó. Sự tôn trọng của mọi người đối với nó đã kích thích tinh thần của nó và làm cho nó có hứng thú diễn đạt những chi tiết trong câu chuyện linh động hơn và thú vị hơn. Lúc ấy, nó cảm thấy rất gần gũi những người nông thôn ở quê ngoại. Những người này đã cho nó cơ hội bày tỏ những điều mà nó phiêu lưu trong trí tưởng tượng. Và nó cũng hiểu được vì sao nó thường câm nín trước những người lớn trong đại gia đình họ Hoàng. Những lời châm biếm, và chê bai của họ đã khiến cho nó sợ hớ ra những điều không thông dụng, những điều dị kỳ trong trí tưởng tượng của nó.
Anh Thu dúi cho nó một gói nóng bỏng. Mở ra, nó hít hà với cái mùi thơm:
- Hạt nổ! Lúa nếp tươi! Anh mới rang đó hả?
- Cho em để thưởng công kể chuyện hay. Anh Thu nói.
Con nhỏ chị cảm động. Nó cười tươi vui sướng. Những buổi chiều đi thăm đồng về, anh Thu thường ngắt những nhánh lúa nếp chín vàng mọc lòa xòa bên bờ ruộng rồi bỏ vào nồi đất rang cho nó. Sau khi làm sạch trấu, anh Thu thường hỏi con chị là nó có muốn ăn hạt cốm không. Những lúc ấy, con chị thường ương bướng nói là hạt nổ chứ không là hạt cốm vì nó nổ trong nồi đất khi bị rang nóng và vì nó chưa được phết đường dính lại thành cốm. Chiều hôm nay anh Thu bận rộn với đống lúa phơi, thấy anh tất bật hốt lúa vào bồ cho đến lúc trăng lên, nó cứ ngỡ là anh Thu đã bỏ thói quen rang những hạt lúa nếp tươi nào ngờ anh ta vẫn còn cho nó ăn hạt nổ lần cuối cùng.
Con em ôm chặt lấy nó:
- Chị Hạ nhớ kể chuyện này lại cho em nghe khi mình về nhà nghe. Em thích nghe chuyện này lắm!
Con chị gật đầu, mỉm cười:
- Về nhà, chị sẽ chiều em hết mọi thứ, đừng lo! Bây giờ Vy ăn hạt nổ với chị đi!


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 29

Một buổi chiều chạng vạng tối, khi mà hai vợ chồng trẻ bị hai con chó cô Út sủa dồn từ cổng trước đến cây vú sữa và bà mẹ chạy ra xua chó cho họ, hai đứa nhỏ mới biết chúng còn có nhiều người bà con nữa chứ không phải những người đang cư ngụ trong khuôn viên nhà nội. Người đàn bà trẻ kia là chị bà con của chúng. Chị là chị Tươi, một trong bốn người con của người chị thứ ba của ba chúng. Vì mẹ của chị ấy đã mất nên các chị em của chị phải sống với ba chị trong Sài Gòn cho đến khi tất cả đều lập gia đình.
Bước vào căn nhà lù mù tối, chị Tươi cười nói vui vẻ liếng thoắng:
- Chà hai đứa con của mợ lớn như ri rồi thê! Vy đây sao?
Con em khoanh tay, cúi đầu:
- Dạ thưa anh chị mới đến nhà em.
Chị cười tươi roi rói, xoa đầu con nhỏ em:
- Ai ngờ con Vy ra ri! Ngày cậu mất Vy chưa biết đi mà ngày ni như ri rồi!
Xoay người về phía con chị, chị nói liên tục:
- Hạ đây phải không? Trời ơi! Hắn cao như ri rồi thê! Đến o con gái mấy hồi mợ nờ!
Con chị cúí đầu, mắc cở:
- Dạ, em chào anh chị mới đến.
Đặt hai chiếc xách tay nho nhỏ cạnh tường, người đàn ông cao lêu nghêu và ốm tong teo nhìn nó mỉm cười. Chị Tươi lấy tay đặt trên đầu nó rồi ướm vào người chị:
- Cao gần bằng chị rồi! Gần làm o con gái giúp mạ được rồi đó Hạ nờ!
Con chị ngẩng đầu mỉm cười. Lời nói của chị làm nó để ý là nó đã cao gần bằng chị và thực tế hình như không phải nó cao lắm so với lứa tuổi mà chỉ vì chị Tươi quá thấp đối với phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình. Chị Tươi trông càng thấp hơn khi đứng cạnh người bạn đời của chị. Anh ta cao nhòng như cây sào. Trái hẳn với vợ, anh ta rất im lặng. Thỉnh thoảng anh dè dặt trả lời “dạ có” hay “dạ không” khi bị bà mẹ hỏi đến. Khuôn mặt hốc hác, nước da xanh dờn, và đôi mắt trũng sâu của anh dưới ánh đèn dầu lập loè làm cho con chị đoán là anh đã trải qua một cơn bệnh ghê gớm lắm. Với ước đoán, con chị hiểu phần nào lời than thở của chị Tươi:
- Tội nghiệp! Chị mang tiếng ở Sài Gòn nhưng ra đây không có chi cho hai em!
Bà mẹ lắc đầu:
- Các con không cần phải cho hai em cái gì cả. Hai con đến thăm mợ và các em là qúy lắm rồi.
Con chị thở dài. Lần đầu tiên gặp người chị bà con này mà nó tưởng như đã gần gũi thân thiết từ lâu lắm. Những người nghèo hình như dễ gần nhau hơn những người giàu và những người nghèo gặp nhau. Hội ngộ với chị Tươi đã cho nó cay đắng nhận ra rằng những người bà con giàu có trong giòng họ nội thường bước thẳng vào ngôi nhà lớn, trái lại những người nghèo khổ cơ cực thường đi tẻ sang căn nhà nhỏ của ba mẹ con nó khi họ bước vào khuôn viên của đại gia đình họ Hoàng. Ngoài ra, nó còn nhận thấy rằng khi một người trong giòng họ mất đi thì mối quan hệ giữa những người thân còn lại của gia đình riêng của họ không còn chặt chẽ bao nhiêu với những người trong đại gia đình nữa, nhất là khi cái nghèo ám ảnh những người ấy. Buồn cười thay, đáng lẽ những người bị mất người thân, những người bị thiệt thòi cần được bảo bọc thương yêu bởi tình thương của đại gia đình thì họ lại bị đẩy lùi xa bởi cái khoảng cách giàu và nghèo trong giòng họ.
Kéo tay chị Tươi ngồi xuống ghế, bà mẹ ân cần hỏi:
- Hai con làm ăn ở Sài Gòn ra sao?
Chị Tươi đang tươi roi rói bỗng sa sầm nét mặt:
- Con khổ lắm mợ ơi! Hai đứa con bị thất nghiệp mấy tháng nay mà tiền thuê nhà ở Sài Gòn mắc quá thành ra tụi con đánh liều ra đây kiếm sống.
Bà mẹ gật đầu:
- Không làm ăn được ở Sài Gòn thì làm ăn ở đây. Sống gần bà con không đến nỗi tệ đâu con.
- Dạ, nhưng tụi con không biết ở thành phố nhỏ như Nha Trang này có dễ kiếm việc để kiếm sống qua ngày không. Tụi con cũng không biết ở nơi mô nữa. Chị Tươi cúi đầu than.
- Tạm thời không có chỗ ở thì hai con ở với mợ. Kiếm được việc rồi hãy thuê nhà. Bà mẹ nói.
Quay người nhìn khoảng hẹp của nền nhà trước bàn phật và bàn thờ ba hai đứa nhỏ, chị Tươi nói ngập ngừng:
- Để con vô chào ngoại, cậu mợ Cả và mấy dì rồi mới tính được.
Nhìn qua khung cửa sổ chị Tươi hỏi như tự nói với chính mình:
- Giờ ni không biết ngoại và mấy dì đang làm chi trong nớ. Chắc đang còn ăn cơm. Thôi thì chờ thêm một chút nữa!
Bà mẹ tiếp tục thuyết phục:
- Tụi con đừng ngại. Mợ lấy chiếu ngủ ngoài đây với các em còn các con ngủ ở trong giường lớn. Ở một thời gian khi nào các con tìm được chỗ ở rồi hãy đi.
- Cảm ơn mợ. Nếu ngoại và mấy dì trong nớ không cho tụi con ở thì tối nay tụi con ngủ tạm trước bàn phật đây rồi sẽ thuê nhà.
Bà mẹ chuyển đề tài:
- Còn ba con ra sao?
Chị Tươi cúi đầu:
- Ba con thì bệnh nặng lắm. May mờ hai vợ chồng thằng Vỹ làm ăn được nên chăm sóc cho ông, chứ tụi con nghèo quá, đành phải mang tội bất hiếu mà thôi!
Bà mẹ gật gù:
- Tội nghiệp ba con thật! Vợ mất mà tự lo cho các con khôn lớn nên người như vậy là hay lắm rồi. Nhất là lo được cho cháu Vỹ học ra bác sĩ nữa chứ!
Chị Tươi thở dài:
- Mỗi người có một cái số! Trong mấy chị em con không ai khổ như con. Tụi con không làm được nên trò trống chi cho nên cứ phải nay đây mai đó. May là tụi con chưa có con.
Bà mẹ an ủi:
- Không sao đâu con. Ở trỏng làm ăn không được thì kiếm việc ở đây. Con có chữ nghĩa, kiếm việc mấy hồi!
Chị Tươi lắc đầu, không nói. Bà mẹ chép miệng, tiếp tục:
- “Gà trống nuôi con” như ba con mà nuôi được các con nên người, còn mợ không hiểu có nâng đỡ hai em học thành tài không?
Chị Tươi chớp mắt:
- Hai em học lớp mấy rồi mợ?
- Năm nay Hạ học lớp nhất con à, còn Vy học lớp nhì.
Chị Tươi tròn mắt:
- Ủa? Mần răng mờ tụi hắn học cách nhau có một lớp rứa mợ?
- Cách đây hai năm mợ lo đi buôn bán bỏ chị em nó ở nhà. Ăn uống thất thường lại kén ăn nên con Hạ bị bịnh mấy tháng trời. Thiếu bài vở, bị ở lại lớp nên nó phải học hai năm lớp nhì. Cũng may là năm nay nó được lên lớp nhất.
Chồng chị Tươi kéo cuốn vở sách Toán đang mở trên bàn gần hơn, đọc lướt vài giòng rồi ngẩng đầu lên nhìn con chị:
- Em đang làm mấy bài toán này hả?
Giọng nói miền nam dịu dàng hiền lành của anh đã khiến con chị thành thực giải bày những boăn khoăn trong ngày của nó:
- Dạ, em làm từ chiều đến giờ mà em không biết cách giải. Em không biết làm sao tìm được đáp số như đáp số đã cho. Những bài toán về tỉ lệ thuận, tỉ lệ nghịch khó quá; không giống như bài toán mẫu.
Bà mẹ buồn bã nói:
- Học hết năm nay, em Hạ phải thi vào lớp đệ thất của trường Nữ Trung Học Nha Trang nhưng mà nó yếu toán lắm, không biết nó có đậu được vào trường trung học công lập của chính phủ để mợ khỏi phải trả tiền đi học tư không. Mợ không biết chữ để dạy các em cho nên tụi nó học vất vả lắm con à!
Chị Tươi linh hoạt :
- Trời ơi, anh Lê giỏi toán lắm đó mợ! Trước tê anh dạy kèm toán ở Sài Gòn mờ mợ. Để ảnh vẽ cho Hạ mần, mợ đừng có lo!
Anh Lê hỏi:
- Cô giáo bắt Hạ làm những bài nào đâu?
- Dạ, bốn bài này.
Anh Lê đọc chăm chú các đề toán một lần, sau đó cầm viết, ngoáy các con số trên những tờ giấy nháp gần đó. Một lúc sau, anh ngoắc tay ra hiệu con chị ngồi gần.
Chị Tươi đứng lên vui vẻ:
- Hạ ngồi xuống chỗ chị đi. Anh Lê vẽ cho em một tí ti thôi là em biết mần ngay. Ngày mai không bị cô giáo la nữa mô!
Con chị hớn hở chen vào chỗ chị Tươi. Nó chăm chú nhìn anh Lê giảng giải và không ngần ngại hỏi anh những phần nó không hiểu rõ. Húy hoáy ghi ghi chép chép, bụng nó mừng rơn.
Con em kéo tay chị Tươi đến chiếc ghế còn lại:
- Chị ngồi đây đi.
Chị Tươi xoa đầu nó:
- Vy ngoan ghê hỉ!
Con em long lanh đôi mắt:
- Anh chị ở luôn trong nhà này với tụi em hở?
Chị Tươi cười:
- Vy có “ưng” anh chị ở với Vy không?
Con em nhanh nhảu trả lời:
- Dạ có. Em thích anh chị ở chung với tụi em. Em thích anh Lê bày toán cho chị Hạ mỗi ngày để chị Hạ không có khóc nữa.
Chị Tươi nói đùa:
- Chị ở với Vy, Vy có cơm cho chị ăn không?
- Dạ có! Em sẽ nhịn cơm cho chị ăn.
- Không phải cho một mình chị ăn đâu! Còn anh Lê nữa. Vy có cho anh Lê và chị ăn không?
- Em cho hết cơm của em luôn!
Bà mẹ chợt nhớ ra:
- Nãy giờ lo nói chuyện mà mợ quên hỏi hai con đã ăn gì chưa? Nhà mợ còn cơm nguội nhưng chẳng có thức ăn gì cả, chỉ có xì dầu thôi.
Chị Tươi xua tay:
- Con chỉ chọc Vy thôi, tụi con đã ăn trên đường rồi mợ nờ!
Con em buồn bã:
- Nếu em biết chị đến em nhịn rau muống xào cho chị rồi.
- Mần răng mà Vy ưng nhường đồ ăn cho chị rứa?
- Để được chị ở với tụi em đó!
Chị Tươi cảm động:
- Chị sẽ ở với tụi em. Nếu không được ở trong khu nhà nội, anh chị sẽ thuê nhà ở gần các em.
Bà mẹ ân cần:
- Hai con đi đường xa chắc mệt lắm! Chuẩn bị đi nghỉ cho khỏe đã. Có chuyện gì để tính sau.
Chị Tươi nói:
- Con chỉ cần tắm trước khi vào chào ngoại. Lúc ngồi trên xe con bị thằng bé ngồi bên cạnh đổ thức ăn trên người hôi quá!
Bà mẹ ngần ngại:
- Hay là... con vào ngoại tắm luôn được không?
- Mần răng rứa mợ?
- Nhà tắm của mợ không có đèn không thấy đường tắm đâu.
Chị Tươi vui vẻ:
- Tưởng chi, chứ không có đèn điện con lấy cái đèn dầu con vịt ni tắm cũng được.
- Không được đâu!
Chị Tươi trố mắt:
- Răng rứa mợ? Mợ tắm được, con tắm được mờ! Con đã từng sống khổ rồi, chi mờ làm không được. Con bình dân lắm mợ à!
- Nếu con thắp đèn tắm, là bị nhìn trộm đó!
- Ai nhìn?
- Mấy đứa con trai hàng xóm sau lưng nhà mợ đó!
Đọc được vẻ ngạc nhiên của hai vợ chồng anh Lê chị Tươi, bà mẹ tiếp tục giải thích:
- Bởi vì tường nhà tắm của mợ bị vỡ loang lỗ hết cả mà nó lại là vách của vườn sau dãy nhà hàng xóm cho thuê, cho nên tụi con trai ở dãy nhà thuê thường ra đi tiểu luôn. Nếu tụi nó nghe tiếng nước dội và thấy bóng đèn, sẽ ngó vào nhà tắm và thấy hết.
- Vậy mần răng mợ tắm được?
- Mợ có lấy mấy miếng nhựa che những chỗ hổng nhưng phải tắm trong bóng tối. Vì nhà tắm thấp, tụi nó đứng sau, ngó qua kẽ hở của mái ngói thì thấy hết nên phải làm vậy. Mợ đã quen chỗ nào là chỗ nào nên múc nước tắm được chứ các con tắm không được đâu.
Chị Tươi nói ngập ngừng:
- Rứa thì... chắc là... tụi con phải chào ngoại rồi tắm trong nớ luôn.
Anh Lê nhìn vợ lắc đầu:
- Anh không cần phải tắm.
Chị Tươi nhìn anh Lê, toan nói gì lại nín lặng. Anh Lê ngó lơ về phía con chị, rồi chăm chú nhìn những con số mà nó đang ghi. Con chị trao vở cho anh Lê:
- Dạ, em đã làm xong hết rồi.
Anh Lê kiểm tra vở ghi của con chị, gật gù.
- Hạ biết làm rồi đó. Nếu có bài toán mới nào không hiểu thì hỏi anh, anh sẽ chỉ cho.
Chị Tươi đứng lên:
- Mình vào chào ngoại, cậu mợ Cả và mấy dì đi anh!
Bà mẹ đứng lên theo:
- Để mợ đưa các con vào đó, nếu không, mấy con chó sẽ cắn các con đó!
Ba người vừa bước ra khỏi nhà, con em đến ngồi cạnh chị Nhìn xuyên qua các khung sắt của cửa sổ, nó buồn bã nói:
- Chắc anh Lê và chị Tươi không ở nhà mình đâu!
Con chị nói với giọng buồn chẳng khác gì con em:
- Tại nhà mình nhỏ nên không có chỗ cho ảnh chỉ ở đó Vy!...Với lại nhà mình không có buồng tắm đàng hoàng nữa.
Con em bồi thêm
- Với lại nhà mình cũng không có điện nữa phải không chị Hạ?... Nhưng mà anh Lê với chị Tươi sẽ ở đâu?
- Ở trong nhà nội đó Vy!
Nhìn ánh mắt ngờ vực của con em, con chị khẳng định lời vừa nói của mình:
- Chị cá với Vy năm sợi dây thun là anh Lê và chị Tươi sẽ ở trong nhà nội mà!
- Không đâu! Cô Út sẽ chửi và không cho ảnh chỉ ở đâu.
Với sự hy vọng mơ hồ, con chị nói liều:
- Có thể là hai bác Cả sẽ cho ảnh chỉ ở!
Con em lắc đầu nguầy nguậy:
- Em không tin vậy đâu!
Con chị không từ bỏ niềm tin:
- Nếu không, ảnh chỉ cũng thuê nhà ở gần đây. Chị Tươi mới nói đó mà! Để rồi Vy coi!
Con em nhìn chị:
- Em biết chị Hạ muốn anh Lê dạy chị toán mà! Em cũng muốn ảnh chỉ ở gần mình. Nhưng mà chắc chắn ảnh chị không được ở đây đâu. Chị cũng biết vậy mà sao chị lại nói vậy?
Con chị chống cằm:
- Phải chi nhà mình rộng như nhà cô Bảy Mỹ phải không Vy?
Con em chớp mắt:
- Mình cố gắng học để lớn lên mình xây lại nhà nghe chị Hạ!
Con chị gật đầu, mặt tươi hẳn lên
- Ừ, mình sẽ đi làm kiếm tiền, sẽ xây nhà lại! Mình sẽ xây một phòng cho khách ở. Mình sẽ xây lại tường phía sau để không bị ai dòm khi mình tắm. Mình sẽ bắt điện để nhà mình sáng như nhà của người ta.
Con em hỏi:
- Mình có xây lầu không?
Con chị đáp ngay:
- Có chứ! Nếu mình có nhiều tiền thì mình sẽ xây lầu!
Con em gật đầu, ưng thuận
- Ừ! Có lầu thì nhà mình mới rộng được!
- Rồi mình trồng hoa nữa nghe Vy!
- Ừ! Mình trồng hoa cho nhà mình đẹp hơn! Mà chị muốn trồng hoa gì?
- Hoa cúc nè, hoa lan huệ nè và hoa hồng nữa.
- Mà trồng hoa là mình phải tưới nước chứ nó chết đó chị Hạ!
- Ừ, mình sẽ thay nhau tưới nước. Chị tưới một ngày, em tưới một ngày!
- Lúc mình có nhà như vậy anh Lê và chị Tươi sẽ ở chung nhà với mình há chị Hạ há!
- Ừ! Chắc như vậy rồi đó Vy! Không phải chỉ có anh Lê với chị Tươi đâu mà còn nhiều người tới chơi nữa. Con Tín, con Hạnh, thằng Đức, con Thúy Phong, Minh Thành, Minh Trung, Thúy Phi, Thúy Phương cũng đến nữa.
- Mình có cho tụi hàng xóm tới chơi không?
- Có chứ! Nhưng mà lúc đó nhà mình phải có cổng riêng phía trước nhà để mấy đứa hàng xóm không phải đi vòng trước nhà bác Cả. Nếu tụi nó phải vào cổng trước nhà bác Cả rồi tới nhà mình, tụi nó sợ không muốn đến chơi với mình đâu.
Bà mẹ trở về nhà, thảng thốt hỏi:
- Chứ nãy giờ hai đứa chưa đi ngủ hả?
- Dạ tụi con chờ má . Con em nói.
- Khuya rồi! Lo ngủ đi, chờ má làm gì. Thấy má bận tiếp anh chị, việc gì đã làm thì theo đó mà làm, khỏi phải chờ!
- Má đi đâu nữa vậy? Con chị hỏi.
- Má xách mấy giỏ đồ này cho anh chị con. Anh chị sẽ ngủ trong nhà cô Sáu.
Hai đứa nhỏ reo lên mừng rỡ:
- Anh chỉ ở luôn trong khu nhà mình hả má?
- Anh chị con chỉ ở tạm thời thôi, chờ đến khi thuê được nhà sẽ dọn đi.
Con chị thu dọn sách vở trên bàn, vui vẻ nói với con em:
- Thấy chưa Vy! Chị nói bà nội cho anh chỉ ở trong nhà mình là cho ở trong nhà mình mà! Từ nay chị có người kèm cho chị học toán rồi!

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 30

Hai chị em con nhỏ ngồi trên bậc thềm trước căn nhà trọ của anh Lê và chị Tươi, lơ đễnh nhìn xe chạy ngang trên đường cái đầy nắng chói chang trước mặt rồi nheo mắt về phía cuối đường Hoàng Tử Cảnh nơi mà những cành cây của khuôn viên nhà họ Hoàng thấp thoáng xa xa. Ngồi chán, chúng lại đứng lên. Mặc cho những tia nắng gay gắt đang phủ đầy trên đầu và trên vai, chúng không chịu vào trong nhà. Đã khá trưa mà chị Tươi vẫn chưa về; anh Lê đang vật vã với cơn bệnh hoành hành như những lần trước.
Từ lúc anh Lê và chị Tươi thuê căn nhà trọ này, hai chị em con nhỏ thường đến nhà họ mỗi ngày. Đi học về, cơm nước vừa xong là con chị ôm vở bảo em đi với nó ngay. Mỗi lần đến căn nhà trọ, hai dứa nhỏ ít khi gặp chị Tươi nhưng thường xuyên chứng kiến cảnh anh Lê rên rỉ đau thương bởi cơn đau đớn. Sợ hãi trước chứng bệnh kỳ lạ mà anh Lê mắc phải, con em thường tử chối lời khẩn cầu của con chị. Nhưng mà lần nào cũng vậy, chị nó thường van nài dai dẵng đến độ nó đành phải bỏ giấc ngủ trưa, li nắng, đi b, và quan sát hoặc lắng nghe anh Lê vật vã trong cơn đau hoành hành cho đến khi con chị được anh giải cho những bài toán mới được về nhà.
Hôm ấy, hai đứa nhỏ không ngồi trong nhà quan sát anh Lê như những lần trước. Những tiếng rên rỉ đầy thảm thiết và đau thương của anh Lê làm cho chúng sợ đến kinh hoàng. Thấp thỏm trên ngưỡng cửa, con em lo lắng hỏi:
- Sao hôm nay chị Tươi về lâu quá vậy chị Hạ?
Con chị lắc đầu, dăm chiêu:
- Chị không biết nữa. Chị không hiểu sao chị Tươi thường bỏ anh Lê đi trong lúc anh Lê bị đau nặng như vầy?
Con em thản nhiên nói:
- Nhưng mà lần nào chị Tươi về thì anh Lê cũng hết bịnh ngay.
Con chị chép miệng:
- Vì chị Tươi cho anh Lê uống thuốc đó Vy!
- Sao chỉ không chịu mua nhiều một lần cho tiện, có phải không chị?
- Ừ! Chắc tại chỉ không có tiền nên phải vậy thôi.
Con em cằn nhằn:
- Thuốc gì mà chỉ chữa bịnh một chút rồi bịnh lại! Đáng lý anh Lê phải đi khám bác sĩ phải không chị?
Con chị gật đầu:
- Ừ!... nhưng mà chắc ảnh chỉ không có tiền đi khám bác sĩ đó Vy.
Nhìn vào trong, con em hỏi nhỏ:
- Anh Lê bị bịnh gì mà bị hoài vậy chị?
Con chị ậm ừ:
- Chị không biết! Chắc hồi nhỏ ảnh dơ đó! Cô giáo chị nói ở dơ hay bị bịnh.
- Hồi ảnh nhỏ sao chị biết?
- Tại vì chị Tươi hay nói là ảnh ít khi chịu tắm đó! Chị nghĩ hồi nhỏ ảnh không chịu tắm nên quen ở dơ.
Con em gật gù:
- Đúng rồi! Tội nghiệp ảnh quá đi! Nếu mà...
Con em chưa dứt câu nói, nín đột ngột vì tiếng kêu la rên xiết dữ dội của anh Lê vang ra. Nó hốt hoảng đứng lên, tròn mắt nhìn vào nhà, giục chị:
- Chết cha rồi! Anh Lê đau quá rồi! Mình vào nhà “cứuỂ anh Lê chứ không ảnh chết đó chị Hạ.
Con chị cũng đứng lên, khư khư ôm mấy cuốn vở. Không ngừng quay đầu ra đường, vào nhà, nó chép miệng, càu nhàu:
- Sao chị Tươi lại bỏ anh Lê trong lúc bệnh nặng như vầy không biết nữa!
Con em kéo tay chị. Con chị ngần ngừ nhìn xuống đường một lúc rồi theo em bước vào nhà.
Trên giường, anh Lê đang lăn lộn với cái chăn mỏng. Thân người anh run cầm cập như bị sốt rét. Anh cuống quít kéo mép viền chăn hết phía nọ lại đến phía kia như thể muốn che kín cả thân mình ngay lập tức. Tuy nhiên, anh càng muốn che hết thân mình bao nhiêu thì cử chỉ hấp tấp và vụng về của anh đã làm cho chiếc chăn hở hết bên này lại đến bên khác. Đa phần của chiếc chăn bị ép chặt giữa bụng và đôi chân co rúm cho nên anh Lê thực sự đang ôm chiếc chăn chứ không phải dùng chiếc chăn để bọc lấy người.
Con em sợ hãi, giật tay chị lia lịa :
- Anh Lê bị lạnh quá rồi đó! Mình đắp mền lại cho ảnh mau lên đi chị Hạ!
Con chị ngoạc miệng ra, xiết chặt những cuốn vở trong vòng tay. Nó kinh đảm hoàn toàn trước những cử chỉ kỳ lạ của anh Lê. Ôn lại những lần bị bệnh, nó thường nằm im trên giường để cho mẹ nó sờ đầu, xức dầu, cạo gió, cắt lể, đắp chăn và vỗ về cho nó ngủ. Cơn bệnh của anh Lê đã không để cho nó áp dụng được một trong những việc mà mẹ nó đã làm. Nó không dám đến gần cái giường và cũng không dám kéo tấm chăn để đắp dùm cho anh Lê như lời con nhỏ em yêu cầu. Trong khi con chị chưa biết định cách gì để giúp anh Lê thì anh ta ngồi bật dậy bất thình lình, cuống cuồng với những cái bứt rứt vô hình mà thân thể anh đang chịu đựng. Với đôi mắt hoang dại không thần sắc, anh ngồi co rúm và rên rỉ không ngơi. Đôi bàn tay xương xẩu như bàn tay của b xương cách trí, víu chặt vào đám tóc rối bù xù cứ như là anh muốn bứt nhẵn nhụi đi để giảm bớt cơn đau mà anh đang có.
Con em sáp lại gần chiếc giường. Đôi mắt sâu hắm của anh Lê lờ đờ nhướng lên. Nước mắt tuôn đầy trong hốc mắt, anh lắc đầu ra hiệu cho nó đi ra khỏi chỗ anh ngồi. Đôi môi tím đen run run như không thể mở ra được dù anh đang muốn nói điều gì đó với nó. Chúng mím vào nhau càng lúc càng chặt như thể giúp anh Lê giảm bớt cơn đau dữ dội đang dày vò trong thân thể mà anh đang chịu đựng.
Con em la to:
- Trời ơi! Chị Hạ ơi! Làm sao mình cứu anh Lê đây chị Hạ?
Con chị bật khóc:
- Chị không biết làm sao cứu ảnh nữa! Chị sợ quá! Chị không biết làm sao.
Mặc cho hai đứa nhỏ la to khóc lớn, anh Lê gục đầu trên đầu gối. Xiết vòng tay chặt cứng vào đôi chân khẳng khiu, anh run lên từng chặp.
Một lúc sau, anh Lê im lìm và hai đứa nhỏ ngưng la khóc. Lúc này, chúng rón rén đi vòng quanh giường, lúc thì ngướng đầu vào dò xét nghe ngóng, lúc thì sát người vào nhau thì thầm. Cả ba người giống như đang chơi trò chơi đoán tìm mà anh Lê là người đang nhắm mắt để đoán ai là người trong hai đứa đã làm cái gì đó.
Thình lình chị Tươi bước vào nhà như một cơn lốc. Quẳng chiếc giỏ đầy thức ăn giữa nhà, chị sà lên giường, đỡ đầu anh Lê lên, lo lắng hỏi:
- Anh mần răng rứa?
Anh Lê nhìn chị, vui mừng hỏi:
- Có không em?
Chị Tươi gật đầu, lục lọi trong túi áo. Nhận ra những đôi mắt nhìn tò mò của hai đứa nhỏ, chị ngưng lại, nghiêm nghị bảo:
- Hai đứa ra đàng trốc ngồi chơi để anh Lê hết bệnh rồi anh vẽ cho làm bài.
Hai đứa nhỏ líu ríu nghe lời. Con chị không hỏi là anh Lê sẽ có khỏe lại ngay không bởi vì nó biết trước là lần nào chị Tươi cho anh Lê thuốc gì đó thì vài giờ sau anh sẽ trở lại bình thường. Vui sướng ra mặt, nó cùng con em xòe bàn tay chơi với những cái bóng của những ngón tay trên sân nắng.
Chị Tươi trở ra ngoài nhà trước, gọi hai đứa nhỏ:
- Hai em vô nhà đi. Chị nói ra đàng trốc là ngồi trong nhà trước chứ chi mờ ngồi ngoài nắng như ri!
Con chị đứng lên, hỏi ngay:
- Anh Lê đỡ chưa hả ch
- Anh đỡ nhiều rồi. Để anh nghỉ một tí rồi anh dạy cho em.
Con em đến gần sát chị Tươi, nghiêng đầu hỏi hàng loạt:
- Anh hết bị run rồi hả chị? Chị cho anh thuốc gì mà hay quá vậy? Ảnh phải ngủ cho đỡ mệt hả? Chừng nào ảnh mới dậy được vậy?
- Cho anh ngủ yên vài giờ là anh dậy ngay thôi. Hai em phụ chị lo bữa ăn chiều! Khi nào anh dậy, mình ăn cơm. Ăn xong, đứa mô muốn anh chỉ vẽ làm chi thì làm.
Hai đứa quay đầu nhìn vào chiếc gường. Anh Lê đang nằm yên lặng, mắt nhắm nghiền. Những cử chỉ run lẩy bẩy, dằn vặt, cấu xé và vật vã đã biến mất đi đâu và anh Lê yên bình như đang nguôi ngoai hoàn toàn trong cơn mộng đẹp. Hai đứa nhỏ đưa những ánh mắt ngạc nhiên nhìn nhau nhưng không nói gì. Chúng yên lặng ngồi xuống hai chiếc ghế con con gần chiếc bàn gỗ thấp sát vách tường. Chị Tươi kéo chiếc giỏ đi chợ đến gần chúng, cười hóm hỉnh:
- Hạ để vở trên bàn coi nờ! Mần chi mờ phải ôm khư khư mấy cuốn vở như rứa? Để ở chỗ ni không ai lấy đâu mờ lo.
Con chị kín đáo ngoái cổ nhìn anh Lê lần nữa trước khi làm theo lời chị Tươi yêu cầu. Con nhỏ em nhìn chằm chằm chiếc giỏ đựng thức ăn của chị Tươi, but miệng kêu lên:
- Sao hôm nay chị mua nhiều thức ăn dữ vậy?
Chị Tươi nói một cách dịu dàng:
- Chị mua nhiều để cho hai đứa ăn chung với anh chị. Chị chưa bao giờ cho các em thứ chi Hôm nay chị đãi hai em ăn.
Con em vui ra mặt:
- Chị em mình ăn cơm chiều với anh Lê chị Tươi nghe chị Hạ, đừng ăn cơm chiều ở nhà hôm nay được không?
Con chị đăm chiêu, trả lời nhát gừng:
- Không biết má có cho không?
Chị Tươi xếp các thứ trên bàn, nói với giọng trách móc:
- Chi mờ không cho! Chị có mua rau, thịt, trứng, cá đủ thứ. Chị còn mua chả lụa nữa nè! Đã mua nhiều thức ăn cho hai đứa như ri thì hai đứa phải ở lại ăn với anh chị. Mần răng mờ mợ không cho hai đứa ăn với anh chị? Ăn với anh chị thì có chi nờ?
Con chị cúi đầu:
- Ăn cũng được thôi nhưng mà thực ra em không thích ăn gì cả. Em chỉ muốn anh Lê khỏi hẳn bệnh để dạy em làm bài thôi.
- Thì em ở lại ăn rồi anh Lê chỉ cho em làm bài, có chi mô mờ khó nờ?
Con chị rụt rè hỏi:
- Vì sao..anh Lê không đi bác sĩ khám để chữa hết bệnh vậy chị?
Chị Tươi dường như chỉ quan tâm về việc chị em nó ở lại ăn thức ăn cùng chị hơn là lo lắng đến câu hỏi của nó, chị nói:
- Thức ăn nhiều lắm! Ở lại ăn với anh chị hỉ?
Con chị gật đầu một cách chiếu lệ và không quên lập lại câu hỏi.
- Dạ em ở lại! Nhưng mà... không có cách nào chữa trị cho anh Lê dứt hẳn bệnh sao hả chị?
Chị Tươi không nhìn mặt nó, cũng không trả lời câu hỏi của nó. Thay vào đó, chị đặt mấy cái dĩa trên bàn, nói từ tốn:
- Hạ giúp chị mở mấy gói chả ni rồi sắp vô mấy cái dĩa ni cho chị để chị đi nấu cơm.
Con em liếng thoắng hỏi:
- Chị có muốn em giúp gì không?
- Em nhặt rau dùm chị nghe! Em có biết nhặt rau không?
- Dạ biết. Em phụ má em lặt rau hoài!
Chị Tươi xách nồi cơm, đi ra phía sau nhà. Con em ôm gói rau bước theo sau. Con chị ngồi lại ơ thờ mở các gói chả bỏ vào dĩa. Nó vẫn còn lo lắng căn bệnh mà nó cho là anh Lê chưa được chuẩn đoán bởi bác sĩ nhưng nó cảm thấy ân hận trước thái độ giả lờ của chị Tươi. Nó tự trách là đã không nghe lời mẹ “dựa cột mà nghe” thay vì “thưa thốt” luôn mồm cho nên mới bị chị Tươi tránh né, lơ là. Chắc chắn là chị Tươi đang giận nó nên không trả lời câu hỏi.
Sắp xếp những đĩa chả ngay ngắn trên bàn xong, con chị tém gọn những chiếc lá chuối và giấy báo rồi đi ra ngoài sân trước. Nó đi thẳng đến chỗ chứa rác ở góc đường, quẳng rác vào đó rồi trở lại nhà. Chần chờ trên bậc thềm trước nhà một lúc nó ngồi xuống nhìn nắng nhạt nhòa trên con đường trước mặt. Vài người hàng xóm đi ngang nhìn sâu vào trong nhà với ánh mắt tò mò, và soi mói khiến nó bỏ ý định đi thẳng vào nhà sau để phụ chị Tươi làm bếp. Nó ngại căn bệnh của anh Lê tái phát, nó lo sự bất trắc nào đó xảy ra khi anh nằm trên giường một mình, nó không muốn những người đi đường nhìn thấy cảnh anh Lê dằn vặt trong đau đớn, và nhất là nó ngại không biết nói gì khi phải ngồi làm bếp với chị Tươi; cho nên nó ngồi yên một mình trước bậc thềm nhà, suy nghĩ mông lung thay vì đi ra phía sau bếp. Nó vẫn còn tự trách là đã quá tò mò và đi sâu vào chuyện riêng tư của người lớn nhưng sau đó lại tự an ủi rằng những sự việc diễn ra trước mắt không thể nào ngăn cản những thắc mắc mà nó có. Sống trong căn nhà trọ này đã hơn một tháng mà anh Lê chẳng bao giờ đi làm một ngày nào. Chị Tươi thường đi chợ vào buổi sáng nhưng chẳng phải buôn bán như mẹ của nó; trái lại, chị thường bán những gì chị có. Thỉnh thoảng vào những đêm khuya, trời đen như mực mà chị vẫn còn đến nhà hỏi thăm mẹ chúng hay cô Sáu cô Út xem ai muốn mua áo quần hay nữ trang của chị hay không. Những vật dụng trong nhà chị như lò than, ấm nước, nồi cơm đều mới toanh. Chúng chứng tỏ anh chị không chú ý nhiều đến chuyện ăn uống mà chỉ quan tâm nhiều đến căn bệnh trầm trọng của anh Lê. Nó không hiểu mức độ quan tâm của họ đối với căn bệnh kỳ lạ của anh Lê như thể nào nhưng nó hiểu rõ rằng họ rất nghèo và quẩn bấn trước tình cảnh vừa không có việc làm vừa phải bị bệnh hoạn. Nó thở dài chán ngán khi hiểu được cuộc sống không như những hình ảnh mà nó tưởng tượng mỗi ngày. Nó ngưỡng mộ kiến thức sâu rộng của anh Lê và luôn ao ước có một trình độ kiến thức như vậy để lớn lên đi làm có tiền xây nhà và bắt điện sáng cho mẹ. Thế nhưng trước thực tế mà nó đối diện - kiến thức sâu rộng của anh Lê không giúp anh ta có được một việc làm- đã làm nó mất lòng tin vào những mơ ước mà nó ôm ấp mỗi ngày. Phải chăng học giỏi để có việc làm tốt chỉ là một ước mơ hão huyền? Thở dài, cúi xuống nhìn hai cánh tay đen đủi và khẳng khiu, nó lắc đầu lẩm bẩm:
- Mình cũng ốm như anh Lê. Chắc rồi mình cũng sẽ bị bịnh như anh ấy. Lớn lên dù có học giỏi cách mấy, mình cũng không kiếm được việc làm đâu.
- Vô nhà ăn cơm Hạ! Nhà có chi mờ phải ngồi coi nhà rứa?
Con chị giật mình, ngẩng đầu nhìn lên, bắt gặp ánh mắt vui tươi của chị Tươi, nó mừng rỡ:
- Anh Lê đã dậy chưa mà ăn cơm hả chị?
- Chưa dậy cũng phải dậy để ăn một tí chứ sáng chừ anh có ăn chi mô nờ!
Anh Lê đang ngồi trên ghế con cạnh cái bàn đầy thức ăn, nói trong tiếng ngáp dài:
- Dậy để dạy cho Hạ làm toán nữa chứ!
Con em ngồi cạnh anh Lê, hỏi nhỏ:
- Anh đã hết đau chưa?
- Hết rồi! Vy sợ anh chết hả? Anh nghe Vy khóc quá mà.
Con em bẽn lẽn:
- Đâu phải là em. Chị Hạ khóc đó!
Anh Lê cười nhẹ, nói trầm tĩnh:
- Hạ sợ anh chết vì không có ai dạy cho Hạ học chứ thương gì anh!
Con nhỏ chị cúi đầu. Mặt nó buồn dàu dàu. Thật sự nó sợ anh Lê chết vì không ai dạy cho nó học như anh nói nhưng chẳng phải là nó không thương anh. Trong mơ ước của nó thường có hình ảnh nó mời anh Lê với chị Tươi ở trong căn nhà đẹp do nó tạo nên. Và cũng trong những hình ảnh tưởng tượng ấy, nó còn mơ cả chuyện biếu anh Lê thật nhiều tiền để bác sĩ chữa dứt bệnh cho anh.
Chị Tươi kéo tay áo nó:
- Anh Lê nói chơi cho vui thôi, đừng nghĩ ngợi chi cho mệt! Ngồi xuống ghế ni ăn cơm với anh chị!
Con chị gật đầu lặng lẽ ngồi xuống giữa anh Lê và chị Tươi. Chị Tươi vừa gắp thức ăn vào chén cho nó, vừa hỏi:
- Dạo ni Hạ học Toán ở trường ra răng rồi?
- Dạ em học đỡ hơn trước nhiều.
- Em có thể tự làm một mình được chưa?
- Dạ chưa được. Em cần anh giảng cho em vì những bài toán cô em cho thường khác hơn những bài mẫu ở lớp.
Anh Lê nói :
- Bài nào không hiểu cứ đem qua cho anh chỉ cho. Đừng ngại gì cả!
Con chị gật đầu biết ơn:
- Dạ.
Chị Tươi nhìn nó chăm chú:
- Rứa em không thể áp dụng cách cô giáo giảng và cách anh Lê vẽ để tự làm các bài toán mới một mình răng?
Con chị lắc đầu:
- Dạ không. Những bài toán lớp năm không giống nhau chị à. Hết tìm vận tốc, đường dài, rồi thời gian. Không giống nhau gì cả!
Anh Lê gàn ra:
- Không biết thì sang đây anh chỉ cho. Không có gì đâu mà lo!
Chị Tươi ngập ngừng:
- Em chỉ muốn là Hạ có thể tự làm một mình bởi vì khi nó thi vào trường công lập mà không tự làm được thì khó mà đậu được.
Anh Lê nhìn chằm chằm vào con chị, gật gù:
- Nó sẽ tự làm được! Từ đây đến lúc nó thi còn mấy tháng nữa; anh kèm được!
Ánh mắt của chị Tươi tỏ ra bối rối :
- Nhưng mà nếu...
Anh Lê nhíu mày:
- Nếu gì mà nếu? Em ăn đi cho mấy đứa ăn! Không nói chuyện học lúc này; để cho tụi nó còn vui thú mà ăn nữa chứ!