28/4/12

Hai chị em (C33-35)

Chương 33

Mặt trời rực đỏ trên cao. Những tia nắng sáng loà chiếu khắp sân trước của trường Nữ Trung Học Nha Trang. Một số đông người lớn và con gái trẻ ra vào trước cổng trường mở rộng trong khi số khác tụ tập trước bảng thông cáo, tụm nhóm nhỏ bàn tán xôn xao. Những người lớn là những phụ huynh và những đứa con gái kia là những học sinh lớp nhất của các trường trong thành phố Nha Trang và là thí sinh của kỳ thi vào trường công Nữ Trung Học vừa qua.
Trường Nữ Trung Học Nha Trang và trường Nam Trung Học Võ Tánh là hai trường công lập lớn ở Nha Trang do chính phủ dài thọ. Hàng năm, hai trường công lập này thường thâu nhận học sinh với số giới hạn cho nên được trúng tuyển kỳ thi vào hai trường này, học sinh không những được học miễn phí mà là niềm danh dự cho gia đình họ. Mỗi khi hai trường trung học công lập này thông báo kết quả kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất, dân chúng của thành phố Nha Trang luôn luôn nô nức đi xem kết quả rồi xôn xao với cảnh người đậu kẻ rớt.
Từ sáng sớm, kết quả kỳ thi đã được đăng trên bảng yết thị của trường Nữ Trung Học Nha Trang thế mà con chị không hay biết chút nào. Mãi đến trưa khi con Hồng gọi nó ngoài bức thành trước căn nhà nhỏ và rủ nó cùng đi xem kết quả, nó mới hay cái ngày mà nó xôn xao mong chờ nay đã đến. Đi bộ theo những đứa khác trong xóm, hai chị em nó và chị em con Hồng cùng đến trường Nữ Trung Học Nha Trang. Len lỏi xuyên qua đám người đang bu thành từng lớp dày trước những bảng thông báo, bốn đứa nhỏ tản ra khắp phía. Nhón người cao hơn những cái đầu trước mặt, con chị cố gắng đảo mắt xuyên qua các ô lưới. Nó thầm đọc trong đầu “Hoàng Thị Đan Hạ! Hoàng Thị Đan Hạ! Cầu trời cho có tên Hoàng Thị Đan Hạ”. Vài đứa đứng phía trước reo lên sung sướng một lúc rồi hè nhau chen ra ngoài để cho nó khoảng trống trước mặt sát gần tấm lưới chắn của bảng yết thị hơn. Nó đọc từng tên một, từng hàng một, lúc thì từ trên xuống, lúc thì từ dưới lên. Thất vọng vì không thấy tên mình, nó chen ra ngoài và nhìn hai cái bảng yết thị bên cạnh.
Con nhỏ em reo lên:
- Em thấy tên chị rồi!
Con chị vội vã lấn đến bảng yết thị nơi con em bị bao quanh bởi những đứa trẻ khác.
- Đâu? đâu Vy?
- Đây nè. Ở số một trăm mười ba đó!
- Trời ơi! Đúng rồi! Tên của chị! Hoàng Thị Đan Hạ! Tên chị! Tên chị!
Con Hồng vồ vập, chen vào chỗ hai đứa, châu mắt nhìn vào cái lỗ của lưới thép nơi con nhỏ em đang trỏ vào.
- Đâu đâu? Tên Hạ đâu? Nó hỏi.
- Đây nè! Tên chị Hạ nè. Hoàng Thị Đan Hạ ở số một trăm mười ba đó. Thấy chưa? Đây nè!
- Đúng rồi! Hạ được đậu rồi, sướng quá!
Con chị gật đầu nhưng nói với giọng đầy lo lắng:
- Không hiểu có tên trong danh sách này là được đậu rồi không ?
Một đứa con gái lấn sát vào người nó, nói giọng gay gắt:
- Chứ không có coi hàng chữ trên đầu bảng hả? Danh sách học sinh trúng tuyển vào lớp đệ thất của trường Nữ Trung Học Nha Trang đó là gì?
Một đứa khác cằn nhằn:
- Đậu rồi thì đi ra sau đi để người khác tìm tên đi! Hai ba người che trước bảng không cho ai thấy gì cả!
Con Hồng phản đối:
- Tui còn phải tìm tên của tui nữa. Tìm dùm Hồng tên Nguyễn Thị Thu Hồng đi mấy đứa.
Mặc cho những đứa con gái quoanh nó lao nhao yêu cầu đủ điều, con chị nấn ná bên tấm lưới, chòng chọc mắt vào hàng chữ “Hoàng thị Đan Hạ”.
Con em nói:
- Ở đây có tên Lê Thị Thu Hồng chứ không có tên Nguyễn Thị Thu Hồng
Con Hoa lo lắng:
- Có khi nào người ta đánh lộn tên của chị không?
Con Hồng lắc đầu:
- Con gái thường có tên các loài hoa. Thiếu gì đứa có tên Hồng. Con Nguyễn Thị Thu Hồng này có ngày sinh khác chị mà! Tìm tên Nguyễn Thị Thu Hồng, sinh ngày chin tháng mười hai năm một ngàn chín trăm năm mươi bảy đó!
Nghe lời nó, cả bọn chia nhau đi tìm tên “Nguyễn Thị Thu Hồng”. Loanh quanh trước những bảng yết thị cho đến lúc nắng nhạt và người vãn dần mà chẳng đứa nào tìm ra tên Nguyễn Thị Thu Hồng, sinh ngày chín tháng mười hai năm một ngàn chín trăm năm mươi bảy. Không muốn làm con Hồng thất vọng, con Hoa, con chị, và con em cố gắng tìm từng tên một trong những tờ giấy đánh máy danh sách học sinh trúng tuyển.
Con em chỉ vào lỗ trống của tấm lưới:
- Có tên con Tín đây nè chị Hạ. Ở số bảy mươi tám nè!
Con chị gật đầu:
- Lê thị Thanh Tín! sinh ngày bảy tháng chín năm một ngàn chin trăm năm mươi bảy. Đúng rồi, đúng là tên con Tín nhà mình.
Con em khoe con Hoa:
- Em bà con Vy cũng đậu vào trường Nữ Trung Học nữa đó Hoa! Tên nó đây nè!
Con chị chen vào, vui vẻ nói:
- Đúng rồi. Con Tín nhỏ hơn chị một tuổi mà giỏi ghê. Nó mới học lớp nhất xong là thi đậu liền. Chắc gia đình cô Bảy Mỹ sẽ thưởng cho nó nhiều thứ lắm.
Con Hồng cũng tụm vào nhóm, than vãn không ngơi:
- Má Hồng cũng hứa thưởng cho Hồng quà nếu Hồng thi đậu nhưng Hồng không mong quà đâu, Hồng chỉ mong được học ở trường Nữ Trung Học Nha Trang thôi. Học ở trường này được mặc áo dài trắng đồng phục và được xưng tên với chữ lót.
Con chị ngac nhiên:
- Hồng chưa học ở đây sao biết vậy?
- Chị Nguyệt, chị của con Vân trong xóm học ở trường Nữ Trung Học Nha Trang này nên Hồng biết mà! Hồi lúc học tiểu học tụi nó gọi chỉ là Nguyệt như tụi trong xóm mình gọi chỉ vậy đó, còn bây giờ bạn chỉ trong trường nữ này toàn gọi chỉ là Minh Nguyệt.
- Vậy Hồng muốn học trường đó để bạn Hồng gọi là Thu Hồng hả?
- Ừ, và được mặc áo dài trắng nữa.
Con chị hân hoan nói:
- Như vậy bạn trong trường Nữ Trung Học Nha Trang sẽ gọi Hạ là Đan Hạ và gọi con Tín là Thanh Tín. Nghe cũng hay lắm!
- Gia đình mà có hai người thi đậu là sướng quá rồi! Mấy chị em nhà Hạ học giỏi thật!
Con chị lắc đầu:
- Con em họ của Hạ thì giỏi thật vì nó học thẳng rồi thi đậu luôn. Còn Hạ phải ở lại hai năm lớp nhì đến bây giờ mới thi đậu được.
Con Hồng cúi đầu:
- Dầu gì Hạ cũng được đậu vào trường Nữ Trung Học còn đỡ hơn Hồng, bị rớt!
Con chị nhìn nó ái ngại:
- Có lẽ mình chưa tìm kỹ! Bây giờ tụi mình chia nhau tìm thêm một lần nữa đi!
Con Hồng lắc đầu:
- Thôi tụi mình về đi! Hồng đã đọc kỹ từng tên rồi. Không có tên của Hồng, tìm hoài chỉ phí công thôi!
Vừa dứt lời, con Hồng quay người đi thật nhanh ra khỏi cổng trường. Cả bọn im lặng nhìn nhau rồi cùng bước nhanh đi theo nó.
Nôn nao nhìn những tia nắng nhạt còn sót lại trên đường, con chị phá tan bầu không khí im lặng:
- Chiều đến mau quá! Giờ này chắc má đi chợ về rồi đó Vy. Má mà biết chị đậu chắc mừng lắm đó!
Con em hớn hở bước bên chị, nói huyên thuyên:
- Vậy là má không phải đóng tiền học cho chị nữa rồi. Em mừng cho chị và mừng cho má nữa!
Con Hồng đi chậm hơn, nói buồn bã:
- Còn má Hồng chắc buồn lắm. Má Hồng không có tiền cho Hồng học tư đâu.
Con Hoa an ủi:
- Má sẽ xin cho chị học lại lớp nhất thêm một năm nữa. Học thêm lớp tiếp liên thì sang năm thế nào chị cũng được đậu vào trường Nữ Trung Học mà!
Con chị bước ngang hàng với hai chị em con Hồng, tiếp lời:
- Đúng rồi đó Hồng! Hạ học hai năm lớp nhì mới đậu được đó. Hồng cố gắng học thêm lớp tiếp liên thì sang năm thể nào Hồng cũng được đậu vào trường Nữ Trung Học Nha Trang!
Con Hồng than van:
- Biết như vậy Hồng không bỏ học lớp luyện thi đệ thất giữa chừng đâu.
Con chị ngạc nhiên, nhìn mặt nó:
- Ủa Hồng có học luyện thi vào lớp đệ thất hả?
- Ừ.
- Ở đâu vậy?
- Ở đình Phương Câu đó! Hồng học với ông thầy Dần. Hạ có biết ổng không?
Con chị gật đầu:
- Hạ nghe ông thầy Dần dạy toán nổi tiếng lắm nhưng má Hạ không có tiền cho Hạ đi học.
- May là Hạ không học. Chứ Hồng đi học thêm cũng bỏ giữa chừng thôi.
Con chị kinh ngạc:
- Vì sao Hồng bỏ học nửa chừng?
- Bởi vì ông thầy Dần nhận học sinh đông quá. Có tới bốn mươi học sinh trong lớp lận nên lớp ồn lắm. Mặc dù ông thầy Dần dữ lắm nhưng tụi nó có sợ đâu. Khi ổng quay về phía bảng giảng bài là tụi nó nói chuyện. Hôm đó, trong lúc ổng giảng bài, mấy đứa con trai ngồi phía trước nói chuyện xì xào, Hồng không nghe ổng nói gì nên hỏi đứa bên cạnh. Khi ông quay xuống lớp, ổng tưởng Hồng nói ồn nên đến tát cho Hồng một tát tai. Sau ngày đó Hồng bỏ học luôn.
- Rồi má Hồng nói sao?
- Má Hồng không biết gì cả. Hồng đâu có kể cho má Hồng. Với lại má Hồng đi bán cả ngày và đâu có bao giờ coi vở ghi của Hồng đâu mà biết Hồng nghỉ học.
- Vậy còn tiền học thì sao?
- Đóng từ đầu tháng rồi. Không học thì mất. Nhưng mà Hồng chỉ nghỉ độ một tuần trước khi mãn khóa học luyện thi.
Con Hoa trách:
- Má mà biết chị Hồng bỏ học thêm nên bị thi rớt thì thế nào má cũng đánh chị cho coi!
Con em nói với con Hoa:
- Má Hoa không biết thì đừng có méc nữa. Nếu Hoa không méc thì làm sao chị Hồng bị đòn được?
Con Hồng nói nho nhỏ:
- Chỉ sợ má Hồng trách thầy Dần vì sao cho Hồng học thêm mà Hồng không được đậu. Nếu má Hồng hỏi thầy, sẽ biết Hồng bỏ học!
Con chị nhìn con Hồng:
- Có phải Hồng mắc cở vì bị đánh trước bạn bè nên bỏ học không?
Con Hồng cúi mặt, rưng rưng:
- Đúng vậy đó. Hồng mắc cở với cả lớp, nhất là với mấy đứa con trai học chung.
Chùi nước mắt, nó nói thêm:
- Hồng không dám kể cho má Hồng nghe bởi vì hễ mỗi lần Hồng có vấn đề gì, má Hồng luôn luôn nói là lỗi của Hồng trước nên mới gây ra vấn đề.
Không nghe một ai bàn bạc câu nào, con Hồng nói tiếp:
- Bây giờ Hồng thấy hối hận vì bỏ học. Phải chi Hồng học hết khóa, được thầy ôn bài, thì chắc không đến nỗi bị rớt như bây giờ.
Con chị an ủi:
- Đậu rớt do may rủi thôi. Hạ đâu có bao giờ nghĩ Hạ được đậu vào trường Nữ Trung học Nha Trang đâu!
- Tại Hạ đậu rồi mới nói vậy thôi!
- Thật đó! Hạ đâu có học giỏi đâu mà tin là mình được thi đậu chứ? Có lẽ Hạ nghe lời chị họ bày cho nên Hạ mới được thi đậu.
Nước mắt ráo rảnh, con Hồng hỏi dồn:
- Cách nào vậy?
- Trước ngày thi, chị Hải Châu dặn Hạ ngủ sớm và dậy thật sớm để chị chở đến trường bằng xe đạp. Sáng sớm, khi chị Hải Châu đến Hạ trường Nữ Trung Học Nha Trang để thi, cổng chưa mở cửa và chị chở Hạ băng qua đại lộ để đến quán chè của ông cai trường Lê Qúy Đôn mua chè ăn.
Con Hồng kinh ngạc:
- Ăn chè vào lúc sáng sớm?
Con chị gật đầu:
- Ừ. Hạ không bao giờ ăn ngọt vào buổi sáng nhưng nghe theo lời chị để được thi đậu. Chị nói với bà vợ ông cai trường bán cho Hạ ly chè đậu xanh để Hạ được may mắn khi thi. Khi nghe chỉ nói là ăn chè đậu xanh để được thi đậu, Hạ cố gắng ăn hết ly chè đậu xanh.
Con Hồng ngây người, ngớ ngẩn hỏi:
- Ăn chè đậu thì thi đậu sao?
- Chị Hải Châu nói ăn chè đậu xanh hay đậu đỏ mới thi đậu còn ăn đậu đen thì sẽ bị thi rớt vì đen đem đến xui xẻo. Hạ không biết có đúng không nhưng Hạ là người khách đầu tiên ngồi ăn tại quán chè đó. Lúc chị em Hạ tới quán, bà vợ ông cai chưa kịp bày hàng ra đầy đủ gì cả nhưng mà sau đó nhiều người chở con vào ăn chè đậu trước khi thi như cách chị Hải Châu bày cho Hạ.
- Hạ có tin là ăn chè đậu được thi đậu không?
- Hạ không biết! Nhưng Hạ làm thêm mấy điều mà chị Hải Châu căn dặn Hạ khi chị chở Hạ trở lại trường Nữ Trung Học Nha Trang là đọc kỹ đề bài trước khi làm, viết sạch đẹp và không bỏ một câu hỏi nào. Chị còn biểu Hạ làm câu dễ trước, khó sau và cố gắng suy đoán cách trả lời cho các câu hỏi bị bí.
Con Hồng chép miệng:
- Phải chi Hồng được căn dặn như vậy!
Con chị bâng khuâng nhìn cái quán nhỏ bên đường khi cả bọn ngừng lại ở ngã tư đường Hoàng Tử cảnh và Đào Duy Từ. Nó nói:
- Hạ được đậu cũng là vì Hạ có một người anh bà con dạy kèm cho Hạ toán lớp nhất nữa.
Quay đầu, giương đôi mắt ươn ướt về phiá căn nhà trọ của anh Lê và chị Tươi xa xa, nó rưng rưng nói tiếp:
- Bây giờ người anh họ của Hạ không còn ở Nha Trang này nữa nên Hạ không thể báo tin cho ảnh biết là Hạ được đậu vào trường Nữ Trung Học Nha Trang nhưng Hạ luôn luôn biết ơn ảnh vì ảnh đã giúp cho Hạ hiểu toán nhiều và làm được bài trong khi thi.


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 34

Hai đứa nhỏ trở về nhà lúc trời chỉ còn vương vài tia nắng tàn trước cổng. Trong khi con chị còn loay hoay với chiếc khoen cổng, con em đã chạy ù về phía căn nhà nhỏ, gọi ầm ĩ:
- Má ơi! Chị Hạ đậu rồi! Chị Hạ đậu rồi má!
Từ trong cánh cửa mở rộng, bà mẹ thò đầu ra:
- Con gái lớn chín mười tuổi đầu rồi mà đứng ngoài đường la ông ổng vậy hả Vy! Không sợ “trong nhà” la má là không biết dạy con sao?
Con em hớn hở nói không ngừng:
- Con mừng quá má à! Tại chị Hạ thi đậu đó! Chị Hạ đậu vào trường Nữ Trung học Nha Trang rồi!
Bà mẹ đứng giữa ngưỡng cửa, mỉm cười:
- Má biết rồi. Má mừng lắm! Má chờ tụi con nãy giờ mà không thấy tụi con về. Đi coi kết quả sao mà lâu quá vậy?
Như chiếc bong bóng đang bay cao, bỗng xì hơi, con em khựng lại trước mặt bà, hạ thấp giọng hỏi :
- Ủa? Sao má biết chị Hạ đậu rồi vậy?
- Cô chú Bảy Mỹ chở con Tín vào cho bà nội hay là nó đã thi đậu. Chú Mỹ còn kể là lúc sáng đi xem bảng kết quả có thấy tên của chị Hạ nữa. Má nghe mừng lắm nhưng chờ hoài không thấy các con về.
Con chị tuột đôi dép trên bậc tam cấp, hỏi qua loa:
- Vậy cô chú Bảy Mỹ và con Tín còn ở trong nhà nội không hả má?
Bà mẹ nói vội vã:
- Còn chớ! Bởi vậy con đừng cởi dép ra ngoài làm gì. Mang luôn để đi vào thưa bà nội và các bác, các cô biết là con đã thi đậu.
Con chị ngơ ngác nhìn mẹ. Nó hỏi trong hoang mang:
- Vì sao con phải thưa “trong đó” biết là con thi đậu vậy hả má?
Bà mẹ nói nhanh như những bước chân thoăn thoắt mà bà đang bước qua các bậc tam cấp:
- Để bà nội và các bác, các cô mừng cho con. Đi mau lên đi các con!
Mang lại đôi dép để bước theo mẹ và em, con chị vẫn chưa hết thắc mắc :
- Mừng cho con để làm gì?
- Mừng cho con là con đã thi đậu chớ mừng làm gì nữa?
Dứt lời bà mẹ kéo tay con em bước nhanh qua sân giếng. Cả hai bước nhanh như chạy bao nhiêu, con chị càng bước khoan thai và chậm rãi bấy nhiêu. Nó vẫn còn hoang mang vì không hình dung được cảnh sẽ báo cho “trong đó” biết tin nó thi đậu ra sao và sẽ nhận những lời chúc mừng như thế nào. Trong ý tưởng, dù cho là tin vui hay buồn, đậu hay rớt, nó chỉ báo cho mẹ và em nó biết mà thôi. Bởi vì trong những giây phút vui vẻ hay đau buồn, chỉ có ba mẹ con nó là những người hiểu được nhau và chia sẻ với nhau. Đối với nó, nỗi buồn do thất bại là sự thua thiệt mà nó cần giấu kín để rồi âm thầm cố gắng vượt qua trong những lần sau; còn thành công là phần thưởng mà cũng nên được giữ bí mật giữa ba mẹ con chúng như số lời mà mẹ nó giấu nhẹm mỗi ngày sau khi buôn bán. Trong ý nghĩ đơn giản, nó ao ước được thi đậu để mẹ nó không còn phải trả tiền học cho trường tư thục Lê Quý Đôn chứ chưa bao giờ nó nghĩ đến chuyện báo cho đại gia đình họ Hoàng biết tin vui này.
Đến cửa sau của ngôi nhà lớn, bà mẹ mạnh dạn đưa hai chị em con nhỏ vào phòng tiếp khách riêng của bà nội mà không chờ một người nào mời ba mẹ con bước vào. Vui vẻ khôn xiết giữa đám người ngồi đứng ở trong phòng, bà mẹ hớn hở nói:
- Hạ, đến đây đi con! Đến trước mặt bà nội thưa cho bà nội biết tin vui của con đi!
Con chị ngập ngừng. Nó kinh ngạc nhìn bà mẹ. Lần đầu tiên nó thấy mẹ nó nói chuyện một cách tự nhiên đầy tự tin trước mặt mọi người trong gia đình nội, những người trong đại gia đình họ Hoàng, tại ngôi nhà lớn như thế. Theo ánh mắt và cái hất cằm của mẹ, nó tiến gần trước mặt bà nội và khoanh tay nói nhỏ nhẹ:
- Dạ thưa bà nội con đã được đậu vào trường Nữ Trung học Nha Trang rồi.
Bà nội mỉm cười, khoác tay bảo nó:
- Giỏi lắm, bà nội biết con đậu rồi! Đến đây với bà nội đi!
Nhận ra con Tín đang đứng bên trái cạnh cái ghế chạm trổ mà bà nội đang ngồi, nó líu ríu bước đến đứng bên phải của bà.
Bà nội kéo cánh tay nó và cánh tay con Tín đặt trước bụng, đưa ánh mắt đầy thú vị qua lại hai bên, nói cười vui vẻ:
- Năm ni bà có hai đứa cháu nội, ngoại đậu vào trường Nữ Trung học Nha Trang bà mừng còn hơn ai cho bà ngọc ngà châu báu! Chi cho sướng bằng có con cháu làm rạng danh ôn mệ. Con gái mờ giỏi hỉ! Hai đứa cháu gái của mệ giỏi hỉ!
Cô Bảy Mỹ cười hỉ hả bên chiếc bàn nước:
- Năm ni số học sinh thi đông hơn năm ngoái mà trường Nữ Trung học Nha Trang nhận học sinh có giới hạn nên có nhiều đứa bị rớt lắm mạ nờ. Con của bà Tài tốn bao nhiêu tiền học thêm luyện thi mà có tìm thấy tên trong danh sách trúng tuyển mô. Còn con bà Thục học ngày học đêm suốt cả tháng trời như con mọt sách cũng bị rớt. Mấy đứa con của mấy bà buôn bán trước đường Độc Lập mà con quen rớt sạch trơn, vậy mờ gia đình mình có tới hai đứa đậu! Đúng là gia đình mình có ơn phước ôn mệ!
Con Tín nghiêng đầu sau lưng bà nội chồm về phía con chị vồn vã hỏi:
- Trước khi thi vào trường Nữ Trung học Nha Trang, Hạ ghi phiếu màu xanh lá cây hay màu hồng vậy?
Con chị nhìn nó:
- Hạ ghi phiếu màu xanh lá cây. Được đậu, Hạ sẽ học sinh ngữ Pháp Văn.
Con Tín reo lên:
- Tín cũng ghi phiếu xanh lá cây! Cũng học Pháp Văn nữa! Vậy là hai đứa mình học cùng một lớp rồi.
Từ phòng ăn, bà bác Cả gái bước vào:
- Thưa mạ, nhà có chuyện chi mờ vui dữ rứa?
Khuôn mặt bà nội tươi roi rói.
- Con Hạ và con Tín được đậu vào trường Nữ Trung học rồi! Hai đứa có tin vui nên vào báo cho gia đình hay đó mờ!
Đôi mắt bà bác Cả gái đã lớn bỗng như lớn ra thêm. Bà hỏi trong kinh ngạc:
- Trường Nữ Trung học Nha Trang đã ra thông báo chưa mờ biết tụi nó đậu?
Cô Bảy Mỹ gật đầu, nhanh nhẩu đáp:
- Dạ trường đã ra thông báo rồi. Sáng hôm nay tụi em đi xem kết quả thấy tên hai đứa trong danh sách, mừng quá nên tụi em thu dọn tiệm sớm hơn ngày thường một chút để vào báo cho mạ mừng.
Cô Bảy Mỹ vừa dứt câu, cô Sáu tiếp lời:
- Chợ Đầm hôm ni có buôn bán được chi. Thiên hạ xôn xao con đậu, con rớt như giặc náo loạn thiên đình. Nhưng mờ về sớm như hôm ni để biết con cháu thi đậu còn hơn là ngồi ngoài chợ ế.
Cô Út đang rót nước trà, nói vọng lại:
- Học tài thi vận chứ có chi đâu mờ ngạc nhiên? Thiếu chi đứa học giỏi mà rớt còn đứa học dở lại may mắn được đậu.
Bác Cả gái kéo một chiếc ghế ngồi đối diện trước mặt bà nội và mọi người bên bàn nước, nhăn mặt nói với cô Út:
- May mắn chi mờ may mắn! Nếu tụi ni không làm chi được thì mần răng người chấm bài cho điểm đậu? Năm ngoái thằng Minh Thành được đậu vào trường Võ Tánh, năm ni thằng Minh Trung lại đậu vào Võ Tánh nữa. Mấy đứa nớ không làm bài được chi thì có thi đậu được răng?
Con chị kín đáo nhìn bà bác Cả. Khuôn mặt đỏ ửng của bà cho thấy là bà giận lắm. Cách đấy hai hôm, trường Võ Tánh ra thông báo kết quả thi tuyển và gia đình bác Cả vui mừng nhộn nhịp với tin thằng Minh Trung được thi đậu. Hân hoan, vui mừng chỉ là cái lệ của bà bác Cả bởi vì trong thâm tâm bà, bất cứ người cháu ngoại nào của bà đã đi thi thì tất phải đậu thôi.
Đứng bên con nhỏ em cạnh cửa phòng chị Hải Châu và Hải Yến, bà mẹ liếc nhẹ về phía cô Út, nói nhỏ:
- Có lẽ cháu Hạ đậu được vào trường công cũng nhờ may mắn thôi. Chứ cháu nó ốm yếu như vậy làm gì học bằng con người ta. Chỉ có năm lớp nhì không mà cháu còn phải học hai năm huống gì thi vào lớp đệ thất trường công. Có thể là vì cháu học hai năm lớp nhì nên có căn bản thi đậu vào lớp đệ thất của trường công lập không chừng?
Bà bác Cả nhìn thẳng vào mặt bà mẹ, cao giọng:
- Bài học và bài làm lớp nhì có giống lớp nhất mô nờ! Tui dạy học mấy năm tê tui biết mờ. Con Hạ ni đậu được là do nó có trí thông minh. Mang máu huyết họ Hoàng trong người, ai mờ không thông minh học giỏi!
Bà bác Cả vừa dứt câu, mọi người trong phòng trố mắt nhìn bà sững sốt. Câu nói cuối cùng của bà cứ như một lời ca cực kỳ thâm trầm và ý nghĩa đến độ nó ngân vang mãi trong lòng mọi người đang hiện diện tại căn phòng tiếp khách riêng của bà nội, đặc biệt là những người lớn. Bà nội lấy chiếc khăn mùi xoa trong túi áo chùi hai bên khóe môi dù chẳng có vết đỏ của trầu ăn nào. Ông chú Bảy Mỹ đưa mắt lơ láo qua khung cửa sổ, giả như chăm chú nhìn những con chim sẻ non đang chuyền cành. Cô Bảy Mỹ vuốt nhẹ sau lưng con Tín một cách không chủ đích. Bà mẹ hai đứa nhỏ, cô Sáu, cô Út cúi gầm mặt im lặng. Tất cả tỏ vẻ hổ thẹn vì đã không nhận ra những điều hay ho mà bà bác Cả vừa nêu. Có lẽ không ai ngờ được người chị dâu vị kỷ nhất và lạnh lùng nhất trong đại gia đình lại đề cao giá trị của huyết thống của gia đình chồng như thế. Cũng không ai tin được một người không có con trai nối dõi tông đường họ Hoàng như bà bác Cả lại tuôn ra những lời đầy mỹ ý đối với cái họ của gia đình chồng như vậy. Cho nên, lời nói của bà bác Cả không những tạo nên sự khâm phục mà còn làm dâng cao niềm xúc động trong lòng mọi người qua sự im lặng của họ.
Con chị ngẩng đầu lên. Nó bắt gặp ánh mắt thẳng thắn và trang trọng của bà bác Cả. Ánh mắt biểu lộ sự ngưỡng mộ thành thật giống như những lời đầy thiện ý mà bà vừa thốt ra. Nó chớp mắt và run run đôi môi. Nó định thốt ra hai tiếng cảm ơn như mẹ nó thường dạy khi nó nhận được món gì do những người lớn trong gia đình nội ban cho; thế nhưng, hai chữ này bị triệt tiêu ngay khi những ý nghĩ đối nghịch và mâu thuẫn hiện lên và đầy ắp trong trí của nó. Nó chợt rùng mình. Cảnh tượng bị thi rớt và câu nói “Mang máu huyết họ Hoàng trong người, ai mờ không thông minh học giỏi!” bị áp đảo bởi những câu “Lũ con ông Đạm là như rứa, có chi mờ lạ nờ! Có học hành chi mờ được thi đậu!”, “Cái lũ ngu nớ mờ! Suốt ngày chỉ lo chơi đất, chơi cát dơ dáy chứ học hành chi mô mờ được thi đậu?” Nó nuốt nước bọt và cúi mặt xuống. Cảnh tối tăm của những buổi tối ngồi học bên cạnh chiếc đèn dầu lù mù, cảnh tuyệt vọng đi tìm người giải cho những bài toán hóc búa, cảnh ngồi khóc âm thầm dưới gốc cây vú sữa cứ tuôn trào hiện ra.
Những cảnh tượng ấy làm cho nó cảm thấy cay đắng nhiều hơn những câu la mắng vừa nghe trong hồi tưởng. Nước mắt hoen trên mi, nó chua chát tự hỏi phải chăng sự thành công của bất cứ cá nhân nào trong đại gia đình này chỉ là do huyết thống và nổ lực riêng của người đó mà không cần sự hợp quần và khích lệ giúp đỡ của tất cả thành viên trong đại gia đình ấy? Phải chăng hoàn cảnh khổ sở túng cùng chẳng là vấn đề đáng được quan tâm? Phải chăng mọi người áp dụng câu “Sướng nhờ, khổ chịu!” để rồi ai được thành công thì được nêu danh trong cả họ, còn thất bại thì âm thầm chịu đựng một mình? Nó nghĩ đến một số bà con được thi đậu vào trường Võ Tánh và Nữ Trung học trước đó và những người bị thi rớt phải học ở các trường tư thục. Mọi người đề cập đến những món quà thưởng, những buổi liên hoan cho những người thi đậu nhưng chẳng có ai nghĩ đến chuyện chia buồn với những người thi rớt và những món quà tinh thần để họ vượt lên nỗi buồn khổ vì thất bại. Nó mơ hồ không rõ tập tục dành cho những người thi đậu được áp dụng trong đại gia đình họ Hoàng và không nhớ được bao nhiêu người trong giòng họ bị bỏ rơi khi họ bị thi rớt. Đứng giữa bao nhiêu người lớn trong đại gia đình, nó muốn hỏi nhiều câu với chữ vì sao nhưng nghĩ đến tuổi mười một, số tuổi còn con nít của mình, nó không muốn làm mất đi cái không khí trang trọng của buổi họp mặt.
Bà bác Cả hài lòng trước cái im lặng do tán đồng ngấm ngầm của mọi người. Bà hớn hở nói khi ông bác Cả bước vào phòng.
- Con Hạ đậu vào trường Nữ Trung học Nha Trang rồi đó anh. Anh có chi lo mờ thưởng cho nó đi!
Ông bác Cả nhướng cặp kính cận lên để l đôi mắt vui sáng:
- Rứa à? Giỏi hỉ! Rứa thì Hạ không còn phải học ở trường Lê Quý Đôn nữa rồi!
Con Tín nói:
- Con cũng đậu vào trường Nữ Trung học Nha Trang nữa đó cậu!
Ông bác Cả gật gù:
- Con đậu là đúng rồi. Con có khả năng và điều kiện. Còn Hạ đậu là do ba nó phù hộ!
Con chị đưa mắt kinh ngạc lên nhìn ông. Nó không tin những điều nó vừa nghe được. Nó thường nghe những người lớn trong đại gia đình họ Hoàng nói rằng ông bác Cả thường hay bông đùa qua những câu nói đầy ngụ ý, nhưng đề cập đến linh hồn ba của nó có nghĩa là ông cũng tin vào điều thần bí vô hình như nó thường âm thầm cầu nguyện ba nó những khi nó gặp khó khăn. Qua lời ông nói, nó thấy rõ là ông không tin vào khả năng mà nó có được và điều ông nghĩ trái ngược hoàn toàn với điều mà bà bác Cả khẳng định chỉ vài phút trước đó. Nó im lặng ngẫm nghĩ. Trước ngày trường Nữ Trung học Nha Trang thông báo kết quả học sinh đậu vào lớp đệ thất, ông bác Cả đã bàn với mẹ nó chuẩn bị cho nó học tại trường tư thục Lê Quý Đôn trong khi ông chẳng mảy may bàn bạc với cô chú Bảy Mỹ về chuyện chuẩn bị cho con Tín học ở trường tư để đề phòng chuyện con Tín thi rớt. Có lẽ sức học của con Tín và sự giàu có của cô chú Bảy Mỹ đã không làm ông quan tâm lo lắng như hoàn cảnh và khả năng của nó. Miên man với những ý nghĩ trong đầu, nó im lặng nhìn ông như những lần gặp mặt trước đây. Từ khi sinh ra đời cho đến lúc ấy, chưa bao giờ nó và ông nói chuyện hơn ba câu đối thoại. Cảm giác vui buồn lẫn lộn lâng lâng trong lòng, nó tiếp tục hòa theo cái im lặng của mọi người để lặng lẽ nghe lời ông bác Cả nói với bà mẹ.
- Con Hạ được đậu vào trường Nữ Trung học là tốt rồi nhưng thím ráng lo cho nó học để nó được lên lớp mỗi năm bởi vì học ở trong trường Nữ Trung học không phải dễ đâu.
Bà mẹ gật nhẹ đầu:
- Dạ em sẽ cố gắng.
Ông chú Bảy Mỹ nhìn bà thương hại:
- Hay là chị đưa các cháu ra nhà ở với tụi em và phụ tụi em trông coi tiệm để cho con Hạ và con Tín đi học chung với nhau? Em sẽ thuê thầy dạy kèm cho hai đứa học thêm mỗi chiều cho hai đứa nó có căn bản.
Cô Bảy Mỹ lắc đầu:
- Con Hạ ni có chịu ở chung với mình mô nờ! Nó lại trốn về đây, nhịn đói, bệnh đau rồi mình lại bị mang tiếng nữa. Phải chi nó như người ta, cho mạ nó làm ăn thì đỡ rồi!
Bà mẹ phân trần:
- Dạo này tui buôn bán trái cây cũng được lắm cô chú à! Tui hùn vốn với mấy chị em quen thầu trái cây Sài Gòn bỏ cho mấy bà bán rong trên đường Độc Lập chứ không phải chỉ có bán lẻ ngoài chợ Đầm thôi đâu. Hàng Sài Gòn về lúc nào là tui bán hết lúc nấy nên tui cũng có lời cũng khá lắm chứ không như trước. Nhưng mà... nếu như buôn bán không được chăng nữa, tui cũng phải ở nhà với mấy cháu. Cháu Hạ ốm yếu, bị thiếu máu, tôi không đành tâm bỏ nó đi làm xa.
Cô Bảy Mỹ nghe bà mẹ nói vậy, không nói gì thêm. Cô mở cái ví da cá sấu, bảo con chị đến gần:
- Cô cho con một ít tiền gọi là quà thưởng con thi đậu. Con muốn mua chi thì mua tùy ý.
Con chị lí nhí:
- Con cảm ơn cô. Con sẽ đưa má con mua vải trắng may áo dài cho con đi học.
Cô Bảy Mỹ gật đầu và đứng lên theo ánh mắt ra hiệu của chú Bảy Mỹ:
- Bây chừ tụi con phải đưa cháu về nghe mạ! Hôm nào tụi con mở tiệc ăn mừng cho con Tín, con sẽ mời mạ, mấy anh mấy chị và các cháu đến chia vui cùng gia đình con.
Cô chú Bảy Mỹ dắt con Tín bước ra khỏi phòng, ông bà bác Cả cũng quay lưng đi lên nhà trước. Vừa đúng lúc ấy, hai chị Hải Châu và Hải Yến dắt xe đạp vào sân gạch.
Dựng xe vào bức tường, chị Hải Châu hớn hở nói vọng vào nhà:
- Hạ đậu rồi phải không? Thấy chị đưa đi thi hên không?
Con nhỏ chị chạy vội ra đón hai chị. Nó rối rít nói:
- Em mừng quá chị Hải Châu ơi! Em không ngờ em được đậu vào trường Nữ Trung học Nha Trang.
Chị Hải Yến trao cho nó chiếc hộp chữ nhật nho nhỏ khi cả ba người bước vào phòng:
- Đây là quà thưởng em thi đậu của hai chị đó!
Con chị mở cái hộp có hình đàn cá bơi lội trong lớp nhựa ni lông trắng qua khoá nam châm. Nó reo lên:
- Hộp đựng viết. Em thích hộp đựng viết này lắm! Sao hai chị biết em thích hộp đựng viết kiểu này vậy?
Chị Hải Châu nói:
- Hôm nọ thấy Hạ chơi mở ra đóng vào với cái khóa nam châm của hộp viết của chị, chị biết Hạ thích nó nên sáng nay sau khi ghé trường Nữ Trung học xem kết quả, chị nói chị Hải Yến góp tiền mua cho Hạ ngay.
Ông bác Cả trở lại với cuốn sách dày cm trên tay:
- Cuốn tự điển Pháp Văn ni là quà của bác cho con. Con sẽ học Pháp Văn tại trường Nữ Trung học Nha Trang chứ không học Anh Văn như ở trường Lê Quý Đôn cho nên cuốn tự điển này rất thuận lợi cho con.
Cô Út và cô Sáu cũng chìa tiền cho nó:
- Hai o thưởng cho con đây. Dành tiền mờ mua xe đạp đi học.
Con chị chưa kịp cúi đầu cảm ơn ai, bà nội kêu nó đến trước mặt:
- Cái ni là tiền bà nội cho con. Bà nội cho con nhiều hơn cho con Tín vì dầu chi mạ hắn có của nhiều hơn mạ mi. Con cố gắng học giỏi thêm nữa để sau này được thi tú tài.
Lau nước mắt, bà nội nói tiếp:
- Tội nghiệp cho ba mi không còn sống để chứng kiến cảnh mi được thi đậu vào trường công Nữ Trung học Nha Trang.
Con chị cũng lau nước mắt như bà nội. Cúi đầu chào từng người để về nhà, nó rưng rưng khóc. Nghĩ đến người ba thân yêu đã mất, tim nó như bị xé nát.
Trên đường về căn nhà nhỏ, hai chị em con nhỏ đi chầm chậm lùi xa hẳn sau lưng mẹ. Con em hỏi nhỏ:
- Chị được thi đậu, có nhiều quà mà sao chị khóc vậy?
Con chị đáp với giọng trầm trầm:.
- Chị chỉ buồn vì không có ba để khoe với ba là chị được thi đậu thôi, chứ chị mừng lắm! Bởi vì được đậu vào trường Nữ Trung học Nha Trang là ước vọng của chị mà!
- Em cũng mừng cho chị nữa. Sang năm em cố gắng thi đậu vào trường Nữ Trung học Nha Trang để được học chung trường với chị và được mặc áo dài trắng.
Con chị gật đầu:
- Rồi hai đứa mình sẽ học cho đến khi tụi mình đậu tú tài.
Con em tán đồng ngay:
- Nhất định là mình phải cố gắng để thi đậu tú tài!
Ngước mắt lên nhìn những sợi dây điện giăng mắc trong những tàu dừa trên đầu khi hai đứa đi ngang sân giếng, con chị nói thêm:
- Rồi mình sẽ đi làm kiếm tiền để bắt điện riêng cho nhà mình sáng chứ không cần nhờ câu điện từ nhà hai bác Cả nữa. Câu điện từ “trong đó” như hiện giờ nhà mình sẽ bị tăm tối “cả đời” mà thôi!

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 35

Những hoài bão và ước mơ thầm kín của hai chị em con nhỏ bị hủy diệt đi khi bà mẹ dắt một người đàn bà lạ về nhà và bảo chúng gọi bà ta là “Dì” Sáu. Buổi chiều hôm ấy, sau khi dọn dẹp các thứ đem từ chợ về, bà mẹ bảo hai đứa nhỏ dọn cơm cho “dì Sáu” ăn chung. Ngồi xung quanh mâm cơm với mẹ và “Dì” Sáu trên nền nhà, cả hai đứa nhỏ vừa im lặng nhai cơm vừa để ý nghe những lời đối thoại.
“Dì” Sáu rưng rưng, đưa tay áo lau nước mắt:
- Trời ơi, nếu không có chị cho tá túc em không biết đi đâu và cũng không biết ở đâu. Khi không mà bị tụi nó rút cái “bóp tiền” lúc nào không hay! Nếu mà không được ở đậu đêm nay chắc em chết quá. Đàn bà con gái mà lưu lạc nơi không bà con thân thuộc như ở thành phố Nha Trang này em đâu biết phải làm sao?
Bà mẹ trao đũa cho dì Sáu, lắc đầu nói:
- Em ăn cơm đi đừng lo nghĩ gì nữa cả! Khi cái rủi đến thì không biết đâu mà ngừa cả em à. Cứ coi nhà “qua” như nhà của em vậy, đừng ngại gì cả! Tối nay ngủ đỡ với “qua” rồi sáng mai ra bến xe Ninh Hòa mà đón xe đi.
“Dì” Sáu uể oải chống đũa trên chén cơm, dàu dàu nét mặt:
- Nhưng mà em đã bị mất hết tiền nên không thể nào mua vé về Ninh Hòa được nữa. Má em đang đau nặng và đang chờ em từng giờ từng phút ... vậy mà mới đi từ Suối Dầu xuống đây đã bị kẹt ở đây rồi.
Bà mẹ đưa ánh mắt thương hại nhìn “Dì” Sáu:
- Không sao, lo ăn cơm đi! “Qua” sẽ cho em tiền đi xe.
Lời nói của bà mẹ với dì Sáu không được nhắc lại đến lần thứ hai nhưng đối với hai đứa nhỏ đó là lời hứa chắc chắn. Hai chị em nó nhìn nhau bàng hoàng. Cử chỉ rộng rãi và phóng khoáng của mẹ và đôi mắt tí hí không ngừng lén lén lút lút liếc ngang liếc dọc của người đàn bà lạ khiến chúng không an tâm. Cả hai đứa đều muốn nói cho mẹ biết những gì chúng cảm nhận và báo cho bà cảnh giác người đàn bà lạ hiện đang có mặt trong nhà nhưng chẳng đứa nào dám mở lời ra sao. Trong cách dạy của bà mẹ, phận làm con khi nghe cha mẹ chuyện trò là phải tìm cách lảng đi chỗ khác. Ăn cơm chung mâm, được nghe lỏm chuyện của người lớn quả là quá đáng rồi huống hồ chen vào câu chuyện. Hai con nhỏ nhai cơm chậm rãi. Chúng đưa mắt, ngầm nói với nhau là người đàn bà xa lạ trước mặt không có chút gì thành thật bởi vì khi bà ta nói chuyện, đôi mắt của bà không bỏ sót một nơi nào trong căn nhà.
Không để ý ánh nhìn mất thiện cảm của hai chị em con nhỏ, đôi mắt của “dì Sáu” đang buồn bã bỗng tươi sáng hẳn lên:
- Như vậy thì em đi ơn chị nhiều lắm.
Bà mẹ cười xuề xòa:
- Ơn nghĩa gì em ơi. Người với người giúp nhau là chuyện thường. Như “qua” đây cũng cực khổ đắng cay nhiều thứ lắm cho nên bây giờ thấy ai khổ là “qua” giúp ngay.
“Dì” Sáu nói nhanh:
- Chị ăn ở có phúc đức như vầy thì sau này không sợ khổ đâu!
Bà mẹ gật đầu:
- “Qua” cũng ráng tích phước để sau này đời con cháu qua sướng hơn qua chứ đời qua khổ quá rồi em à, có khổ nữa cũng chẳng thấm gì đâu!
“Dì” Sáu đảo mắt nhìn khắp mọi nơi trong nhà.
- Sao vậy chị? Có nhà ở thành phố như vầy là sướng lắm rồi đâu đến nỗi như ở miền thôn quê như chỗ Suối Dầu của em.
- Quê của “qua” ở Tuy Hòa chứ đâu phải ở Nha Trang đâu em! Theo chồng vào đây “qua” chịu bao nhiêu cay đắng với gia đình chồng chứ có sung sướng gì ở nơi thành phố này! Ngày chồng của “qua” chết, “qua” chỉ có trong tay một đứa con lên ba và một đứa chập chững biết đi. Đó! Bây giờ hai đứa nó lớn được chừng này rồi đó em.
Hai đứa nhỏ cúi dầu, đưa mắt nhìn xuống mâm cơm, vội vã gắp thức ăn. Linh tính cặp mắt của người đàn bà lạ đang nhìn dò xét, cả hai cùng tỏ vẻ chăm chú ăn cơm. Chúng không muốn trả lời bất cứ câu hỏi nào của bà ta.
Tiếng bà mẹ đều đều:
- Em biết không! Chồng chết, hai đứa con nhỏ ở hai tay, “qua” phải lây lất làm việc kiếm sống qua ngày chứ biết nhờ được ai. “Qua” khổ đến nỗi là ngày cha của “qua” bệnh nặng mà “qua” không có được một đồng về mua vé về thăm, bị bà con xóm làng chửi rủa. Bây giờ nhìn thấy cảnh em như vầy, qua thương lắm. Thôi ăn cơm đi rồi qua đưa cho tiền mai đi xe. Tối nay ngủ với “qua”, “qua”kể cuộc đời của “qua” cho em nghe.
“Dì” Sáu ưng thuận gật đầu, bình thản ăn cơm như người thân quen khá lâu với gia đình ba mẹ con hai đứa nhỏ.
Cơm nước xong, bà mẹ chuẩn bị đèn dầu cho buổi tối. Ngọn đèn vừa sáng lên, bà bảo dì Sáu ngồi cạnh rồi lục trong chiếc giỏ nhựa mà bà thường đem đi chợ để lấy ra một gói khăn mù xoa vuông vắn.
Hai đứa nhỏ đang thu dọn chén bát, không quên liếc nhẹ về phía họ. “Dì Sáu” ngồi xếp bằng, thẳng lưng nhìn chăm chú gói khăn mù xoa mà bà mẹ đang mở ra. Một xấp tiền dày cm vuông vắn nằm ngay giữa trung tâm chiếc khăn tay vuông vắn màu xanh mực được mở rộng. Những vết nếp gấp trên khăn cho biết bà mẹ đã cẩn thận xếp cất gói tiền khá chu đáo và trân trọng. Những tờ bạc màu xanh lá cây và hồng nhạt trong xấp tiền được xếp đè xuống có thứ tự chợt bung ra cho biết những tấm giấy tiền lớn ở bên ngoài và những tấm giấy tiền nhỏ ở bên trong. Rút vài tờ bạc từ bên trong, bà mẹ trao cho “Dì” Sáu:
- “Qua” cho em số tiền này để em mua vé xe. Ngày mai lo mà
về cho kịp thăm má chứ má em trông tội nghiệp! Già cả bệnh hoạn không biết trăm tuổi lúc nào!
“Dì” Sáu cầm tiền, run run nói:
- Số tiền này đủ cho em mua vé xe rồi. Em đi ơn chị. Thật tình là em không biết bao giờ mới trả được cái ơn này cho chị.
Bà mẹ vui vẻ:
- Có gì đâu mà ơn nghĩa! Làm phước được là “qua” vui lắm rồi! Ráng về đó lo cho bác mạnh khỏe hôm nào rảnh ghé nhà “qua” chơi. Biết đâu ngày nào “qua” đi mua trái cây vườn ở Suối Dầu, “qua” biết nhà em không chừng!
“Dì” Sáu đáp lại một cách mau mắn:
- Dạ phải đó chị! Khi nào em lo cho má em xong, em ghé lại đây đưa chị và hai cháu lên nhà em chơi cho biết nhà.
Bà mẹ nói dịu dàng:
- Thôi giờ em lo rửa ráy đi mà đi nghỉ, ngày hôm nay lo kiếm tiền mất chắc cũng mệt lắm rồi.
“Dì” Sáu nghe lời bà mẹ hờ hững bỏ mấy tờ giấy bạc vào cái giỏ da nhỏ của bà. Bà mẹ nhìn theo cử chỉ của “Dì” Sáu, cảnh cáo:
- Em bỏ tiền “tâm lơ tâm lất” như vậy hèn chi mà không bị tụi nó lấy cắp. Có tiền thì gói vào khăn hay vải gọn như “qua” vầy nè! Gói vầy mới không bị ai để ý lấy!
“Dì” Sáu cười bẻn lẻn:
- Ừ há! Em không nghi ngờ ai lấy cắp tiền của của mình nên ít khi để ý mấy chuyện nhỏ nhặt này lắm chị à. Thôi để em nhét kỹ vào dưới mấy cái áo này cho chắc ăn.
Mơ hồ với những lời đối thoại của hai người, hai đứa nhỏ lặng lẽ làm những công việc theo thói quen hàng ngày. Dọn dẹp chén bát xong, hai đứa sửa doạn đi tắm, học bài rồi đi ngủ.
Tối hôm ấy, để tạo điều kiện cho dì Sáu quen với chỗ mới mà có thể đi lại dễ dàng nếu dì có thói quen tiểu tiện ban đêm, bà mẹ đã chuẩn bị chiếc đèn con vịt trên cái ghế gỗ cạnh giường. Ánh đèn dầu đủ làm rõ lối đi từ giường ra ngoài cửa ra vào và lờ mờ một vài nơi trong “buồng ngủ”. Ánh sáng của đèn làm cho hai đứa nhỏ xa lạ với ánh sáng khi nằm ngủ dù là ánh sáng chập chùng và nhỏ bé. Cả hai chị em đều trăn trở trên giường. Nhìn chán chê lên cái trần mùng, chúng lăn lộn với những chiếc gối ôm. Có lúc chúng nằm đối diện nhau và nhìn nhau chằm chằm. Chúng muốn trao đổi với nhau những điều mà chúng nghi hoặc về người đàn bà xa lạ hiện đang ngủ chung trong căn nhà của chúng nhưng chẳng đứa nào dám mở miệng ra bởi vì mẹ chúng và người đàn bà lạ kia đang nằm ngủ chung trên cái giường sát cạnh giường của chúng. Hai người đàn bà xầm xì hàng giờ để tâm sự bao nhiêu chuyện mà họ có được. Tiếng nói đều đều của họ đã làm cho hai đứa nhỏ xao lãng chuyện suy tư và những tia sáng lờ mờ từ ngọn đèn dầu đã làm cho chúng chìm nhanh vào giấc ngủ.
Con chị đang cùng em đắm chìm trong giấc ngủ êm đềm bổng giựt mình thức giấc bởi những tiếng gọi thất thanh của bà mẹ:
- Sáu ! Sáu! Sáu đâu rồi em?
Con chị giật mình, nhỏm người dậy. Nó thò đầu ra khỏi mùng:
- Má tìm “Dì” Sáu hở má? Coi chừng dỉ đi xuống nhà tắm để đi tiểu đó má à!
- Không có! Má thức dậy thấy nhà cửa mở “tạch bách” nên đi xuống nhà bếp và nhà tắm tìm dỉ nhưng không thấy dỉ đâu.
Con chị bước ra khỏi giường:
- Để con kêu thử coi dỉ ở đâu.
- Bây giờ mới bốn giờ sáng, kêu lớn tiếng, “trong đó” sẽ la mình bất lịch sự, làm náo động không cho ai ngủ. Hay là con ra phía trước nhà mình xem dỉ có đi lộn ra trước để đi tiểu không?
Nghe lời mẹ, con chị vội vàng đi ra phía trước nhà tìm dì Sáu. Sân đất giữa mặt trước của căn nhà và bức tường thành vắng lặng. Không thấy người đàn bà có tên “dì Sáu”, nó đi vòng ra giếng rồi vòng lại nhà bếp. Nó quên bẵng là nó đã đi một mình trong vườn giữa lúc màn đêm còn vây kín không gian. Có lẽ điều mà nó lo lắng và bận tâm lúc đó chỉ là sự biến mất đột ngột của một người đàn bà xa lạ trong nhà nó vào lúc nữa đêm chứ không phải là sự nguy hại nào đó có thể xảy ra cho bản thân cho nên nó đã thực hiện ngay lời mẹ yêu cầu. Tìm mãi mà không thấy được “Dì” Sáu, nó buồn bã đi vào nhà báo mẹ:
- Con không thấy “Dì” Sáu đâu cả mà à!
Không trả lời con, bà mẹ chăm chú lục lọi các thứ đồ đạc trong chiếc giỏ nhựa rồi bỏ tất cả vương vải trên nền nhà bên cạnh chiếc đèn dầu nhỏ. Lật úp chiềc giỏ nhựa cho bao thứ còn lại bên trong rơi xuống hết, bà nói một mình trong hốt hoảng:
- Chết rồi! Chết tôi rồi trời ơi! Cái gói tiền của tôi đâu mất rồi!
Linh tính có điều gì chẳng lành, con chị sà đến ngồi sụp xuống bên mẹ. Quan sát từng cử chỉ của bà một lúc, nó vội bước đến phòng thờ châm chiếc đèn dầu lớn đem lại:
- Con nghĩ là bà dì Sáu đã ăn cắp gói tiền của má rồi!
Không đáp lại lời nó, bà mẹ vò đầu bứt tai, tiếp tục nói một mình:
- Trời ơi! Con ngu quá rồi trời ơi! Tại sao con lại tin mà cho người lạ vào ngủ trong nhà như vậy hở trời!
Cuống quít, quơ quơ, quào quào các thứ trên nền nhà, bà nói vội vã với con chị :
- Đâu? Đâu rồi? Đâu rồi? Hạ ơi! Con lục từng thứ một trong cái giỏ này coi má có nhét lộn gói tiền đâu không chứ nghi ngờ mà người ta không có làm cũng mang tội nữa con à!
Con chị vội vàng làm theo ý mẹ. Trong khi lật từng thứ trên nền nhà để tìm gói tiền, nó nói chậm và rõ từng chữ một:
- Con nghĩ là “Dì” Sáu đó đã lấy tiền của má và trốn đi rồi. Nếu không, dì đi đâu? Nhà mình nhỏ xíu như vầy, dì ở đâu trong nhà mà mình không biết? Nếu dỉ có ra ngoài sân, mình kêu nhỏ dỉ cũng nghe được để vô nhà chứ đâu cần phải đi tìm!
Đôi bàn tay của bà mẹ đang lùng sục trong mớ đồ một cách hấp tấp bỗng ngừng lại một cách đột ngột. Bà mẹ ngửng đầu lên, chăm chú nhìn vào mặt con chị:
- Có phải là con đã có lòng nghi “Dì” Sáu là người không thật thà rồi phải không?
Con nhỏ chị vừa chớp mắt gật đầu, bà mẹ la ngay:
- Biết người ta gian xảo, tại sao không nói cho má biết để má đề phòng?
Con nhỏ chị nói lớn và nhanh như trả bài thuộc lòng cho cô giáo:
- Má đâu có hỏi con? Má luôn luôn dặn tụi con là không được xen vào chuyện người lớn, con đâu dám nói chen vào khi má nói chuyện với dỉ? Với lại, má cũng hay dặn tụi con là đừng bao nghi ngờ ai, phải biết cái gì chắc chắn và rõ ràng mới nói nếu không sẽ bị mang tội ... cho nên chiều hôm qua con không biết là con nghi ngờ có đúng không nữa.
Nhìn những bóng cây thấp thoáng xa xa trong vườn, con chị chợt quay đầu ra sau nhìn về phía giường bà mẹ và hạ giọng nói nhỏ:
- Mà coi chừng dỉ còn trong nhà đó má! Coi chừng dỉ còn nằm ở trên giường, nghe mình nói xấu như vầy là chết! Chứ từ nhà mình ra đến cổng trước phải qua khu vườn nội, dỉ mà đi ra thì bị mấy con chó Lu Lu, con Vàng và con Mi Nô cắn chết.
Bà mẹ nghe lời nó, rọi chiếc đèn về phía sau, nói to:
- Nó đâu có ở trong nhà mình nữa mà sợ chớ! Má đã kiếm nó trước khi con thức dậy rồi mà! Rõ ràng là má đã nhét gói tiền trong giỏ này tối hôm qua mà bây giờ mất đi đâu?
Đặt chiếc đèn xuống nền xi măng, bà mẹ nhìn ra ngoài vườn, chau mày:
- Mấy con chó nhà nội không cắn “con đoảng hậu ăn cắp” này đâu. Nó đã âm mưu trước rồi! Tưởng là chiều hôm qua, khi nó mới vô nhà, nó cho mấy miếng bánh dư cho mấy con chó ăn là vì nó không muốn bỏ thức ăn thừa sợ bị mang tội, ai ngờ bây giờ mới biết nó làm vậy để cho mấy con chó quen hơi tay của nó!
Con chị lắc đầu:
- Mà mấy con chó cũng không cắn dỉ đâu! Bởi vì “dỉ” đi từ nhà mình ra cổng, tụi nó tưởng “dỉ” là má.
Bà mẹ không nói gì thêm. Bà lặng lẽ chống hai cánh tay lên đầu gối ôm đầu, khóc nức nở. Con chị lưỡng lự một lúc rồi giúp mẹ thu dọn từng món bỏ vào chiếc giỏ nhựa của bà. Nó hỏi trong lo lắng:
- Như vậy má không còn tiền mua bán nữa sao hả má?
Bà mẹ nghẹn ngào trả lời:
- Má còn hàng với mấy dì, nếu bán chia ra vẫn còn có tiền; nhưng mà nếu mua nhiều hàng từ Sài Gòn phải cần tiền nhiều mới hùn với mấy dỉ được.
Thu hết can đảm, nó hỏi tiếp:
- Vậy má có còn “vốn” gì để bán lấy tiền mà buôn bán với mấy người bạn hàng của má không?
Bà mẹ giật nẩy mình khi nghe con chị nhắc chữ vốn. Bà hốt hoảng chạy vào tủ đựng quần áo cạnh đầu giường của hai chị em con nhỏ, kêu la rối rít:
- Chết rồi! Chết rồi! Cầu trời thương xót con đừng cho nó biết cái chỗ này.
Con chị bàng hoàng trước hành động kỳ lạ của mẹ. Linh cảm có một cái gì ghê gớm đang xảy ra cho gia đình, nó run run đứng lên để theo mẹ đến tủ đựng áo quần.
Bà mẹ liên tục rít lên những tiếng kêu than:
- Trời đất ơi! Chết rồi! Trời ơi là trời ! Tui mất hết thật rồi. Không còn ở chỗ này nữa rồi! Rõ ràng tui để chỗ này mà mất tiêu rồi!
Vừa lật từng chiếc áo rách và giẻ rách, bà tiếp tục lẩm bẩm một mình:
- Mới ngày hôm kia tui còn gói thêm vào năm phân vàng và chính tay tui giấu ở dưới đống áo quần rách này mà bây giờ không tìm ra. Giấu trong đống giẻ rách dưới hốc kẹt này mà sao nó biết như thần vậy trời?
Lật đật và rối rít lục loại dưới kẹt tủ, bà mẹ vùng vẫy, rên khóc như một người mất trí. Sau khi giũ giũ, xổ xổ đống giẻ rách và áo quần cũ, bà thét to lên như bị ai đâm vào người:
- Trời ơi! Cái quân vô hậu! Cái quân vô lương tâm! Ai ngờ đưa nó vào nhà cho ăn, cho ở, cho tiền mà nỡ lòng nào nó cướp hết của của tôi như thế này nè trời!
Con chị run rẩy tựa sát người vào cánh cửa tủ. Kinh hoàng trước cảnh mẹ tự dày vò một cách thương tâm, nó hốc miệng ra, cứng người chết trân, chết lặng.
Bất chợt, bà mẹ tung mớ áo quần cũ lên xuống khắp nơi xung quanh chỗ bà ngồi, rồi đập đầu trên nền xi măng la khóc:
-Trời ơi là trời! Con mất hết rồi! Con mất hết rồi trời ơi! Cho con chết đi cho rồi! Con còn sống làm chi nữa! Bao nhiêu mồ hôi nước mắt con dành dụm đã mất sạch sẽ rồi!
Con chị hốt hoảng kéo mẹ lên, la khóc vang khắp nhà:
- Má ơi má! Đừng làm như vậy má ơi! Đừng chết bỏ tụi con! Đừng chết bỏ tụi con má ơi! Tội nghiệp tụi con lắm má ơi!
Tiếng la của nó lớn và kinh đảm đến nỗi đánh thức con em dậy và tỉnh hẳn cơn ngái ngủ. Nhìn thấy mẹ lăn lộn trên nền nhà, con em chồm đến ôm bà, khóc nức nở:
- Má đừng làm như vậy nữa! Đừng làm như vậy nữa má ơi! Con sợ lắm! Ngừng đi! Ngừng đi má!
Bà mẹ vùi mặt trên nền xi măng, rên rỉ một cách tuyệt vọng:
- Quân lường gạt giết má chết rồi các con ơi. Nó lấy hết tiền, lấy hết của cải của mẹ con mình rồi!
Con chị gạt nước mắt không ngừng. Nó nói với con em trong tiếng khóc nức nở:
- “Dì” Sáu ăn cắp tiền của má trốn đi rồi Vy ơi!
Bà mẹ ngẩng đầu lên nhìn hai đứa nhỏ với đôi mắt thất thần, và nghẹn ngào trong từng lời nói:
- Đâu có phải là chỉ mất tiền thôi đâu con! Má mất hết vàng bạc luôn rồi.
Con chị rụng rời như bị ai chặt từng khớp tay chân. Nó run rẩy hỏi:
- Có phải ... có phải má muốn nói là tất cả vốn của nhà mình đều bị “Dì” Sáu lấy cắp không? Vàng bạc hồi môn của tụi con cũng mất luôn hả má?
Bà mẹ nức nở:
- Đúng rồi con ơi! Vốn, tiền của gia đình mình đều bị lấy cắp hết rồi!
Con em ngơ ngác hỏi:
- Má nói là tụi con mất hết mấy sợi dây chuyền và chiếc lắc mà tụi con hay đeo trong ngày những ngày tết ta đó hả má?
Con chị đáp thay mẹ:
- Đúng rồi đó em! Mình mất hết tiền, hết vàng bạc rồi! Chắc chắn là “Dì” Sáu này lấy của cải của nhà mình chứ không phải ai nữa đâu! “Dì” Sáu này ác quá!
Con em hỏi rối rít:
- Mà má đã biết nhà dỉ chưa? Má có biết nhà dỉ để đi đòi lại không?
Bà mẹ gạt nước mắt, lắc đầu:
- Nó gạt má nên dựng chuyện nói láo đủ thứ, chưa chắc gì nó ở Suối Dầu đâu! Mà Suối Dầu rộng lắm, biết đâu mà tìm!
Nhận ra hai khuôn mặt đầy lo lắng và tội nghiệp của hai đứa nhỏ, bà mẹ đập hai tay vào đầu khóc sướt mướt:
- Tại sao trời không cho con biết nó là thứ lường gạt để con phải gặp cảnh như vầy hả trời? Con bắt các con của con nhịn ăn, nhịn mặc bao nhiêu năm nay mà chỉ “mấy giờ mấy phút đồng hồ” thôi là bị quân vô lương lấy hết trơn. Tại sao con ngu vậy hả trời?
Con chị nhìn mẹ thương hại:
- Thôi má đừng buồn nữa. Khi nào lớn lên con sẽ kiếm nhều tiền mua lại cho má.
Bà mẹ sụt sùi lắc đầu:
- Chờ con lớn đến chừng nào? Làm sao má có tiền để hùn vốn với mấy dì bán sỉ nữa đây? Làm sao má có tiền để đóng tiền học cho em con?
Con em cúi đầu. Lời nói của bà mẹ khơi lại niềm đau của nó. Vì bị thi rớt kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất của trường Nữ Trung học Nha Trang nên nó phải học tại trường Lê Qúy Đôn. Mặc dù số tiền học phí được giảm năm mươi phần trăm nhưng giá tiền học phí vẫn còn rất lớn đối với sự thu nhập ít ỏi của bà mẹ cho nên bà phải tần tảo làm việc vất vả để lo đóng tiền học hàng tháng cho nó. Mỗi sáng đi học cùng chị ngang trường Nữ Trung Học Nha Trang, con em thường nhìn vào khuôn viên trường Nữ Trung Học Nha Trang một cách thèm khát. Nó ao ước được mặc áo dài trắng như chị của nó và được đứng dưới những hàng dương. Thế nhưng mỗi lần đi học, nó phải lội bộ ngang trường Nữ Trung Học Nha Trang trước khi băng qua con lộ Lê Thánh Tôn để đi đến trường tư thục Lê Quý Đôn.
Con chị thở dài. Nó ái ngại nhìn em một lúc rồi nhìn ra ngoài cổng. Trời bắt đầu sáng và những khóm hoa trước nhà bác Cả chờn vờn trong gió. Hoa lá như đang chuẩn bị đón những tia nắng sớm của buổi bình minh. Bỗng nhiên, những cành hoa hoàng anh bên vách hiên nhà bác Cả được tém qua một phía và “Dì” Sáu tươi cười đang đi về phía căn nhà nhỏ. Khuôn mặt của “Dì” Sáu càng lúc càng hiện ra lớn dần ngay sát mặt con chị.
- Dẹp mấy thứ này dùm má, rồi chuẩn bị đi học đi con!
Giật mình, con chị chớp mắt. Khuôn mặt tươi cười của “Dì” Sáu biến mất đi đâu chỉ còn lại khuôn mặt hốc hác và đôi mắt đỏ hoe của bà mẹ.