Chương 36
Vừa đặt chiếc giỏ xuống nền nhà, bà mẹ vui vẻ bảo hai đứa nhỏ:
- Hạ Vy mau ra lấy thức ăn dọn ra cho má để má lau dọn bàn thờ và sắp xếp hoa quả cúng.
Hai đứa nhỏ hớn hở vây quanh bà, hỏi rối rít:
- Ủa hôm này ngày gì mà má mua đồ nhiều dữ vậy?
- Hôm nay có giỗ hả má?
- Không phải con à! Tại lâu quá má không cúng kiến gì nên có dịp là má lo cúng kính đàng hoàng chứ để bàn thờ trống không hoài! “Thờ mà không phượng” tội lỗi quá!
Con em lăng xăng giúp mẹ lấy mấy cái rổ. Nó nói không ngừng:
- Trời ơi, đã có bánh ít, mà còn có bánh nậm, bánh cam, bánh tiêu, chè đậu. Còn gì đây? Ô! chả lụa! Còn mấy gói lá này là nem chua, gói này là bún với chả cá, còn gói này là thịt quay. Sao đủ thứ đồ ăn vậy má?
Bà mẹ nhắc nó:
- Để mấy thứ thức ăn xa mấy trái cây cúng Phật đi. Đừng để thịt thà mắm muối dính đồ cúng Phật không nên.
Con em há hốc nhìn những trái táo Mỹ đỏ bóng, những trái lê vàng mọng nước, những trái cam xanh có cành lẫn lá và những trái đu đủ chín hườm tươi còn mủ đầy trên đầu cuống. Nó nuốt nước miếng, hỏi:
- Sao hôm nay má cúng trái cây sang quá vậy hả má? Thường ngày má chỉ cúng có chuối mốc thôi hà! Hoa này cũng là hoa sang nữa! Hoa lay ơn chứ không phải hoa huệ thường như mấy bữa trước.
Con chị thú vị nhìn những thứ thức ăn do bà mẹ bày trong ba cái rổ. Nó cảm thấy yên tâm vì không còn phải nghe những tiếng than van, rên rỉ và hình ảnh sầu não của mẹ từ sau cái buổi kinh hoàng do “dì” Sáu gây ra. Nó mỉm cười tin chắc là mẹ nó đã gặp lại dì Sáu tại chợ Đầm và đòi được lại toàn bộ những của cải mà bà đã bị lấy cắp. Vui vẻ cùng em phụ mẹ, nó líu lo với con em về những món ăn mà chúng sẽ có được trong buổi cơm chiều hôm ấy.
Khi ba mẹ con quây quần xung quanh mâm cơm, bà mẹ niềm nở nói nói cười cười:
- Ăn đi con ! Ăn đi! Các con ăn cho đã chứ mấy hôm nay má không mua gì cho các con ăn hết! Tội nghiệp!
Con em giục bà:
- Má cũng ăn đi! Má ăn với các con đi cho vui!
Bà mẹ lắc đầu, mỉm cười:
- Má vui quá nên đâm ra no mà không ăn nổi nữa!
Con em nằn nì:
- Ăn đi mà! Ăn với con đi mà má!
Con chị cười thật tươi khi nó hỏi bà mẹ:
- Dì Sáu trả lại tất cả tiền và nữ trang cho má rồi phải không má? Con biết chắc chắn là vậy!
Khuôn mặt bà mẹ đang vui bỗng sa sầm:
- “Cái con đó” gạt má đi luôn rồi chứ đâu có tìm gặp má làm gì nữa đâu con. Đừng nhắc kẻ lường gạt đó nữa. Má mà nghĩ đến chuyện mất của là má điên đầu!
Con chị chau mày. Nó ngạc nhiên hỏi:
- Vậy má có tiền đâu mà mua nhiều thứ quá vậy?
Đưa đôi đũa chỉ vào các đĩa thức ăn trên mâm, bà mẹ vồn vã bảo nó:
- Ăn đi! Ăn đi rồi từ từ má kể cho nghe.
Con chị gắp thịt vào chén nhưng vẫn dán chặt đôi mắt trên khuôn mặt mẹ để chờ nghe câu chuyện của bà. Bà mẹ nhìn nó và nói:
- Má không làm chuyện gì bậy bạ để lấy tiền mua thức ăn cho các con đâu mà sợ! Má mới trúng số đó! Ăn đi!
Con chị cười bẻn lẻn, gắp thức ăn:
- Đâu có bao giờ con nghĩ má làm chuyện xấu để kiếm tiền đâu! Nhưng mới ngày hôm qua má còn than khóc là không có tiền mà bây giờ lại mua thức ăn cho tụi con quá nhiều nên con ngạc nhiên đó chớ!
Con em đang nhai cơm bỗng ngưng lại hỏi:
- Má trúng số nhiều tiền không mà mua nhiều đồ vậy?
- Má trúng tới một ngàn tư lận!
- Một ngàn tư! Trời ơi một ngàn tư là mua được mấy phân vàng rồi phải không má?
Con chị cũng nói cười vui vẻ như con em:
- Trời ơi má có đến một ngàn tư! Trúng số đến một ngàn tư là má hên quá rồi. Nhưng sao má không để dành tiền làm vốn buôn bán. Ăn hết tiền rồi làm sao có cho những ngày sau?
- Không sao, má vẫn còn tiền mà! Nhưng mà... từ nay về sau má không tằn tiện nữa. Chẳng thà má để cho các con ăn xài chứ không bắt các con nhịn ăn nhịn mặc để rồi bị gạt mất tiền như trước nữa đâu
Con chị vừa nhai cơm vừa ngẫm nghĩ. Nó nhớ quầy bán vé số Kiến thiết ở góc đường trước rạp hát Tân Quang nơi nó thường đi ngang để đến trường. Cứ mỗi sáng thứ tư, những tờ vé số có in hình màu, in mộc dấu và in giá tiền bị xé bỏ và xả vung vãi đầy trên nền đất trước quầy bán đã gợi sự tò mò của nó và nó đã từng nhặt hai ba tờ để xem chơi.
Nó gật gù nói:
- Con thấy tờ giấy số Kiến Thiết chỉ có hai đồng thôi mà má trúng tới một ngàn tư thật là hên cho má quá đi!
- Má đâu có trúng số kiến thiết!
- Ủa! vậy chớ mà trúng số gì?
- Má trúng số đề.
- Số đề? Hồi giờ con chưa nghe ai bán số đề hết, chỉ thấy người ta bán số Kiến Thiết không hà!
- Số đề là số mà mấy người chủ cái ghi phiếu cho mình khi mình mua một con số bao nhiêu tiền chớ đâu phải là số Kiến Thiết.
- Vậy số đề là số mà người ghi ra ở giấy chứ không phải mấy tờ giấy số có hình như ở mấy chỗ bán vé số hả má?
- Ừ. Số Kiến Thiết là của chính phủ quốc gia phát hành còn số đề này chỉ ghi lậu thôi. Cảnh sát mà bắt được chủ cái thì bỏ tù chủ cái ngay.
Con chị trố mắt, chau mày:
- Lậu? Cảnh sát bắt? Đánh số đề mà “chùng chùng lén lén” tránh né cảnh sát như vậy thì má đánh làm chi? Sao má không mua vé số Kiến thiết có hơn không?
Bà mẹ lắc đầu:
- Đâu có ai trúng số Kiến Thiết nhanh như số đầu và số đuôi của số đề này đâu mà mua làm gì!
Con chị lắc đầu:
- Con không hiểu mấy cái số này. Gì mà số đề rồi lại số đầu, số đuôi!
Bà mẹ ngưng nhai cơm, nói với nó:
- Con cũng đừng tìm hiểu về mấy cái số đó làm gì. Đánh số đề này là cờ bạc mà.
- Cờ bạc? Sao má biết cờ bạc mà má còn đánh số đề?
- Bởi vì má thấy mấy dì bạn hàng đánh, má cũng đánh thử một lần cho biết mà thôi chứ đâu ngờ đánh một lần là trúng liền như vậy!
Con chị ngừng nhai, vừa suy nghĩ, vừa nói:
- Hôm nay là thứ ba. Chiều hôm nay có xổ số Kiến thiết mà má lại trúng số đề như vậy là số đề này có liên quan đến số Kiến Thiết hả má?
- Đúng rồi. Hai con số đầu tiên mà số kiến thiết xổ số đề gọi là số đầu. Còn hai con số cuối cùng của lô độc đắc ở số đề gọi là số đuôi.
- Rồi mình đánh làm sao?
- Mình muốn đánh con số nào thì đánh miễn là đành hai con thôi. Từ số không không đến số chín mươi chín.
- Má đã trúng con số nào vậy má?
- Má đánh số mười chín. Má đánh cả số đầu lẫn đuôi nhưng mà má đánh số đầu con số mười chín tới hai chục lận còn đánh đánh số đuôi con số mười chín chỉ có mười đồng thôi.
- Trời ơí! Má đánh một lần ba chục đồng! Đánh nhiều dữ vậy! Nếu thua thì mất nhiều tiền quá!
- Thua ăn gì thì chỉ đánh một lần thôi cho nên vừa thu tiền hàng xong là má đánh hết để thử thời vận. Trúng thì có nhiều, một lần thua thì thôi chứ má mất tiền và nữ trang quá nhiều rồi ba, bốn chục nữa có là bao?
Con chị lo lắng:
- Nhưng mà ba chục đồng đối với nhà mình cũng nhiều lắm. Má cố gắng làm, dành dụm thì sắm lại cũng được thôi!
Bà mẹ chép miệng, thở dài:
- Biết bao giờ mới sắm lại được? Một ngày má kiếm chỉ vài chục đồng lời mà phải chi phí đủ thứ chưa kể tiền học của em. Công sức má làm lụng vất vả bao nhiêu năm trời đã tiêu tan!
Trấn an con chị, bà mẹ nói tiếp:
- Má chỉ đánh một lần nên mới đánh nhiều tiền như vậy thôi chứ má không đánh nữa đâu. Lo ăn cơm cho xong rồi dọn dẹp, đừng lo nghĩ gì nữa!
Con em vẫn còn thích thú câu chuyện trúng số của mẹ, nó hỏi:
- Vậy rồi má trúng số đuôi hay số đầu?
Được hỏi trúng chỗ, bà mẹ vui vẻ trả lời:
- Má trúng số đầu con à. Má đoán ngay là nó ra con số mười chín đầu nên đánh nhiều tiền hơn số đuôi.
- Vì sao má chắc chắn là số đầu ra con số mười chín?
- Bởi vì má thấy con bướm đậu trên đầu của má. Má hỏi mấy dì bán hàng con bướm số mấy, mấy dì nói số mười chín vậy là má đánh số đầu con mười chín nhiều hơn số đuôi.
Con em cười nắc nẻ:
- Ha ha ha...Con bướm đậu trên đầu nên đánh số đầu mười chín! Tức cười ghê, con vật mà cũng có số! Mà má đoán hay quá hà! Đoán hay như vậy hèn chi trúng phóc!
Ngưng cười, nó hỏi đột ngột:
- Ủa! nói vậy mấy con vật trên đời đều có số cả hả má?
- Ừ, đúng vậy đó con.
- Vậy con chó số mấy vậy má ?
- Số mười một.
- Còn con dê?
- Con dê số ba mươi lăm.
Con em lại cười. Lần này nó cười lớn hơn trước:
- Ha ha ha... “ba mươi lăm là con dê xồm!” Hèn chi con hay nghe người ta nói mấy người đàn ông dê con gái là ba mươi lăm ! Té ra con số ba mươi lăm là con số của con dê!
Con chị giật nẩy mình. Nó đưa đôi mắt hốt hoảng nhìn con em rồi liếc nhẹ về phía bà mẹ. Nó thầm lo cho con em vì mấy chữ con nhỏ vừa nói không thích hợp với tuổi của nó tí nào và chắc chắn con nhỏ sẽ bị bà mẹ la ngay. Lạ lùng thay, bà mẹ cười theo con em và con nhỏ này ngước mặt lên trần nhà tiếp tục hỏi:
- Còn con thằn lằn số mấy hả má?
- Số chín mươi chín, số cuối cùng!
- Hay quá! Người ta đặt số cho mấy con vật cũng hay há má! Đứt đuôi như con thằn lằn hèn chi thằn lằn có số cuối cùng là chín mươi chín.
Nhìn xuống bếp, con em lại hỏi:
- Ông táo có số không má?
- Có chớ, ông táo số ba mươi chín hay bốn mươi gì đó má không nhớ.
Con chị gác đôi đũa trên cái chén, chau mày kinh ngạc:
- Làm sao mà má biết mấy con số này hay dữ vậy? Má mới đánh thử số đề ngày hôm nay thôi mà?
- Má có bảng ghi tên các con số mà! Chiều nay đi lãnh tiền ông chủ cái số đề cho má bảng tên các con số. Má có đọc sơ qua nên nhớ một vài con thôi.
Con em ngẫm nghĩ một lúc, lại hỏi:
- Má đánh hai chục mà trúng một ngàn tư...như vậy là đánh một đồng ăn bảy chục đồng lận hở má?
- Ừ đánh một đồng trúng bảy chục đồng, cho nên má đánh hai chục trúng một ngàn tư.
Con em hí hửng nói:
- Để hôm nào con nhịn tiền ăn sáng đánh thử một đồng xem có trúng không?
Bà mẹ nghiêm mặt:
- Không được! Còn nhỏ mà cờ bạc lớn lên quen thói hư!
Con em vét hết phần cơm trong chén vào miệng nhai một lúc rồi vô tư vô lự nói:
- Vậy thì khi tụi con dọn dẹp xong má cho con coi bảng tên các con số để con biết con nào là của con vật nào thôi.
Con chị lặng lẽ dọn mâm chén, không nói gì. Nó cảm thấy rõ ràng là mẹ nó hoàn toàn mâu thuẫn trong việc làm và lời nói của bà. Phân vân không hiểu điều gì đúng sai, nó lắc đầu nhè nhẹ một mình. Nhớ lại những tiếng rên khóc và cảnh ăn cơm nguội với rau mắm của những ngày trước đó, nó mỉm cười hài lòng nhìn bà mẹ và con em đang nói cười vui vẻ. Mang hai đĩa thịt quay và chả cá còn lại vào tủ đựng thức ăn, lòng nó mừng rơn. Nó hy vọng mẹ tiếp tục đánh số đề và gặp may mắn mãi mãi.
Trời bắt đầu tối dần dần. Từ trong ánh đèn lù mù của căn nhà nhỏ, tiếng đọc ê a của con em vang ra khu vườn đêm như tiếng đọc thuộc lòng bản cửu chương của đứa học trò chăm chỉ:
- Không một cá biển, không hai ốc, không ba ngỗng, không bốn công, không năm trùn, không sáu cọp, không bảy heo, không tám thỏ, không chín trâu , mười cua, mười một chó, mười hai ngựa, mười ba voi, mười bốn mèo, mười lăm chuột, mười sáu ong, mười bảy …
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 37
Nắng trước sân của căn nhà nhỏ nhạt dần dần. Trước bậc thềm nhà, xung quanh các gói ni lông đựng len và các cây que đan, con em ngồi tréo chân, chăm chú ngoáy hai que đan vào nhau. Nó huyên thuyên nói:
- Ngày hôm nay là thứ ba, thế nào má cũng trúng số nữa cho coi! Má đoán số hay ơi là hay! Lần nào má đoán con gì là trúng con nấy! Hôm trước má trúng con chín mươi chín tưởng đâu má thấy con thằn lằn nên đánh chín chín ai ngờ má nói là con bươm bướm to có số chín chín. Sê ri của con bướm là mười chín, năm chín, và chín chín đó chị Hạ!
Từ trong bếp, tiếng nói của con chị vọng ra kèm theo tiếng rang lào xào:
- Biết rồi! Có lần má còn kể là má trúng con chín mươi mốt vì thấy con bướm nhỏ đậu ngược trên mấy bó hoa của gian hàng bên cạnh gian hàng của má chứ gì? Hôm nay không biết má đoán con gì để đánh nhưng chị không tin má sẽ trúng hoài đâu!
- Em thấy lần nào má cũng đánh con số mười chín. Má nói với em là má nuôi con số mười chín vì má luôn luôn thấy bướm. Má nghĩ con bướm là tiên đó chị!
Tiếng rang lào xào vẫn đều đều nhưng giọng nói con chị trở nên mỉa móc:
- Chị không hiểu má! Má chỉ nói đánh thử một lần thôi mà bây giờ má lại đánh luôn.
Con em cãi:
- Tại vì má đoán hay, bày người ta đánh trúng mà không đánh thì uổng. Hơn nữa hồi giờ má trúng bao nhiêu lần rồi lỡ có thua vài lần cũng đâu có sao?
Tiếng rang lào xào trong bếp ngưng bặt và tiếng con chị lớn hơn :
- Nhưng mà chị lo lắm! Bởi vì càng chơi số đề, má càng đánh nhiều tiền và nhiều con số. Đánh như vậy lỡ thua một cái, ăn được bao nhiêu cũng hết trọi thôi
Con em không đáp lời nó. Hì hục đưa hai mũi que đan lên xuống thêm một lúc, nó hỏi:
- Em đan đến hai chục mũi xuống rồi làm sao nữa để có thêm một mũi?
Con chị nói lớn
- Vắt dây len lên que rồi đan một mũi xuống nữa rồi vắt dây len lên que nữa để có hai mũi thêm hai bên rồi mới đan tiếp tục hai mươi mũi xuống bên kia. Xong rồi qua phía bên kia đan toàn bộ mũi lên.
Con em im lặng tiếp tục lúi húi công việc của nó. Con chị hỏi vọng ra:
- Được chưa Vy?
- Em đang làm, chưa biết được hay không!
Con chị cằn nhằn:
- Đã đan một chiếc vớ rồi mà đến chiếc thứ hai không nhớ!
Con em đáp lại:
- Em làm được rồi! Mới hỏi chút thôi, chị làm gì dữ vậy?
Con chị nói lớn:
- Làm gì dữ đâu? Chị chỉ nói là em không chịu để ý thôi! Nếu người ta dạy mình làm mà mình không để ý nhớ thì không làm đẹp đâu!
Con em cãi:
- Tại chị học ở trường Nữ Trung Học Nha Trang được cô dạy và làm chung với các bạn của chị nên chị làm nhanh và nhớ lâu được, còn em chỉ học qua chị thì làm sao mà nhớ lâu như chị? Biết vậy, không thèm học đan đâu!
Con chị cất giọng cầu hòa:
- Thôi được! Chị không chê em nữa đâu. Tiếp tục đan nữa đi cho xong một đôi vớ. Vì em học trường Lê Quý Đôn không có học môn Nữ Công và Hội Họa như trường Nữ Trung Học Nha Trang nên chị muốn em cũng được biết những thứ mà chị biết thôi chứ chị đâu muốn la em làm gì! Chị thương em như vậy mà em không hiểu còn hờn giận đủ điều!
Con em không đáp lại lời chị. Nó reo lên:
- Em đan xong hàng lên rồi. Có hai cái lỗ hai bên rồi! Bây giờ em nhớ lại cách đan rồi chị không cần nhắc em nữa.
Con chị khệ nệ khiêng chiếc chảo nóng từ bếp ra. Nó trải giấy báo giữa sân rồi đổ hết những thứ trong chảo ra trên tờ báo.
Con em chăm chú theo dõi từng động tác của chị, ngạc nhiên hỏi:
- Ủa nãy giờ chị rang cát hả?
- Ừ
- Sao cát có màu gì kỳ vậy?
- Màu này là màu lông của con chó Kiki đó Vy. Chị phải “cực khổ” lắm mới nhuộm được màu này đó!
Con em bỏ dây đan và que trước cửa nhà, đến ngồi bên chị:
- Trời ơi! Cái màu này y chang màu lông của con Kiki. Chị pha màu hay quá!
Con chị dùng đũa cào qua lại đống cát trên tờ báo
- Ừ chị trộn màu đà lẫn màu cam và chút chút mấy màu khác nữa để có màu này. Chị muốn làm hình con chó Kiki để nhớ nó.
- Sao chị làm hay vậy?
- Nhờ cô dạy vẽ của chị bày đó mà! Chị cũng bắt chước mấy đứa bạn trong lớp chị hòa màu đủ thứ để tìm màu lạ. Hôm nào chị sẽ chỉ cho em công thức pha màu để lấy các màu như màu xanh lá cây, màu cam và màu tím.
Xoay xoay những hát cát trong những ngón tay, con chị nói với em:
- Cát nguội rồi! Đi vào nhà xem hình chị vẽ đi Vy!
Khệ nệ đặt gói cát màu trên nền nhà, con chị lục đưa cho em coi bức vẽ trên mặt các tông hình chữ nhật kích lớn khoảng bằng những bức tranh chưng tường của các phòng khách:
- Đây nè! Em thấy chị vẽ cái hình này giống con Kiki không?
- Tướng ngồi của con chó này giống y chang tướng ngồi của con chó Kiki! Em phục chị thật! Rồi bây giờ chị làm gì với mớ cát này?
- Chị sẽ trét hồ xung quanh người con chó rồi rải cát màu này lên. Để khô một lúc, chị sẽ lật tấm hình ngược lại cho những hạt cát thừa rơi xuống. Sau đó chị sẽ dùng màu đen tô chỗ hai con mắt của nó và phần nền phía sau để cho hình con chó này nổi bật lên.
Dứt lời con chị thực hiện các bước mà nó nói. Con em chăm chú nhìn chị:
- Con Kiki chết đã lâu vậy mà chị còn nhớ nó!
Con chị vừa rải cát trên hình con chó vừa nói
- Chị thương con Kiki hơn con Vàng vì nó lo coi nhà, và dễ ăn chứ không như con Vàng, “công tử” Nhật, luôn ngủ trong nhà lại kén ăn. Hơn nữa, cũng tại vì chị nên nó mới chết vì thế chị phải nhớ nó chớ!
Con em phản đối:
- Nó chết có phải là do chị đâu mà chị cứ nói vậy!
Con chị lắc đầu
- Tại chị làm nên chị biết mà! Sau cái hôm chị trượt chân trên cành cây khế khô và té trên người nó lúc nó đang nằm ngủ dưới gốc khế, nó bệnh không chịu ăn mới chết.
- Em nghe cô Sáu và cô Út nói con Kiki già rồi nên mới chết mà!
Lật ngược bức vẽ cho lớp cát dư rớt xuống, con chị ngửng đầu lên nhìn em:
- Tại hai cổ không biết vì chị mà con Kiki chết đó thôi.
- Đâu phải đâu! Hai cổ là người lớn mà sao không biết được chứ? Chị không biết thì có! Em nghe Cô Út và cô Sáu nói rõ ràng là con Kiki già quá đến bệnh mọp người cho nên phải xin thêm chó con nuôi chớ một mình con Vàng không đủ trông nhà. Vậy đâu phải tại chị té làm nó chết! Nó bệnh già nên nó mới chết!
Con chị đang quệt màu nước vào cái nền phía sau hình con chó bỗng ngừng tay. Nó nghiêm mặt nói:
- Sao dám nói là chị không biết gì? Chị làm cái gì là chị biết cái đó! Hôm chị té trên mình con Kiki không có em. Em chỉ toàn nghe nói lại chứ biết gì mà nói? Đừng cãi nữa! Cãi với chị là hỗn nghe chưa!
- Chị nói không đúng em mới cãi chớ! Lúc chị kể em nghe chị té trên người con Kiki nó vẫn bình thường mà! Sau này nó mới bệnh rồi mới chết! Không phải mình làm mà nói hoài cho ra vẻ quan trọng!
- Dám nói kiểu như vậy hả? Cãi không đúng thì đừng có cãi! Im đi!
- Không im!
Con chị buông cây viết lông xuống, chỉ vào mặt em, hất hàm:
- Sao không im? Muốn hỗn hả?
- Không hỗn nhưng muốn nói cái đúng thôi! Cứ nói!
Con chị bịt tai:
- Nói gì thì nói đi, không ai thèm nghe đâu!
- Con Kiki già con Kiki chết! Già chết! Già chết!
Con chị trợn mắt, chỉ tay vào trán con em:
- Đi ra chỗ khác đi đừng coi hình con chó này của tui nữa!
- Không đi! Nhà của tui thì tui đứng!
Con chị vụt đứng lên, để tấm hình trên bàn học, chống nạnh:
- Dám xưng tui với tui hả?
- Chị cũng xưng tui sao không nói? Chị xưng tui được, tui xưng tui được!
Con em cũng đứng lên, chống nạnh. Mặt hai đứa xáp vào nhau gườm gườm những ánh mắt đỏ rực như lửa. Đúng lúc ấy, bà mẹ bước vào nhà. Khuôn mặt của bà hầm hầm và dữ tợn nhiều hơn mặt hai đứa nhỏ. Bà hét lên:
- Tụi bây đang làm cái gì vậy? Hết chuyện làm rồi bây giờ đi gây sự cãi nhau phải không?
Hai đứa nhỏ giật mình khi thấy sự xuất hiện của bà mẹ. Chúng vội tản ra hai phía khác nhau. Mỗi đứa ngồi trên một chiếc ghế cách xa bởi chiếc bàn học nhưng không quên đưa những đôi mắt trừng trừng nhìn nhau.
Bà mẹ chỉ trỏ quanh nhà:
- Coi tụi bây đây nè! Nhà cửa bày biện tùm lum. Nào là giấy, báo, rồi cát, rồi dây nhợ, len sợi không khác gì cái chợ chồm hổm.
Bước ra sân, bà lại nói to:
- Trước nhà lại để chảo nồi đen thui hèn chi mà tui không bị xui xẻo cho được!
Đi xuống bếp, bà lại hét lớn:
- Còn coi cái bếp của tui đây nè trời! Tụi nó bày đủ thứ màu! Chén ăn cơm mà nó nhuộm màu đà, màu nâu, màu vàng, màu đỏ đủ thứ! Coi như vầy có chết tui được không? Con cái lớn rồi mà nhà cửa, bếp núc như vầy coi có được không?
Bước lên nhà, bà chỉ vào mặt từng đứa:
- Nuôi cho tụi bay lớn đến chừng đó, ăn học đến chừng đó để bây giờ tụi bây bày nhà, bày cửa như vậy đó hả? Hai đứa đi vô nằm hết trên giường cho tao!
Hai đứa cúi đầu không dám nói gì và bà mẹ vụt bước ra sân đến hàng cây mãng cầu. Vừa bứt cành, vừa tuốt lá, bà càu nhàu không thôi :
- Con với cái! Nuôi cho lớn để tụi bay bày nhà bày cửa dơ dáy chứ không làm được ích gì!
Sau khi bứt một mớ cành mãng cầu, bà mẹ mang cả dép bước ngang qua những búp len đan trên bậc tam cấp mà quên cả thói quen tuột dép ra trước cửa nhà. Thẳng vào buồng ngủ, bà ngồi trên chiếc giường của bà, song song cạnh giường của hai đúa nhỏ, vươn roi đập mạnh vào mông con chị:
- Đã lớn đầu mà để nhà cửa bày biện dơ dáy như cái chợ nè! Làm chị mà không làm gương cho em nè!
Con chị giật nẩy mình. Nó vừa khóc vừa lấy tay xoa mông.
- Lấy cái tay ra chứ tao đánh nột cái nữa là gãy tay ngay bây giờ!
Con chị rụt rè rút tay ra khỏi mông nhưng không hết khóc. Khác hẳn những lần bị đòn trước là bà mẹ hỏi tội rồi mới vung roi. Ngọn roi đầu tiên bắt đầu hết sức bất ngờ làm nó không kịp chuẩn bị tinh thần. Ấm ức vì ngọn roi vô cớ, nó rên rỉ như người bị thương.
- Ai để cái chảo đen thui trước nhà? Bà mẹ hỏi lớn.
Con chị ngửng đầu nhìn mẹ. Nó muốn nói là nó đã dùng cái chảo để rang cát màu cho bức tranh thi vẽ toàn trường Nữ Trung Học và kỳ thi này có ý nghĩa quan trọng đối với nó nhưng ánh mắt nảy lửa hung tợn của mẹ làm nó chỉ trả lời hai chữ đơn giản:
- Dạ con.
Hai chữ này vừa thốt ra những vụt roi vung tới tấp vào mông nó. Nó hốt hoảng dưa tay đỡ những trận mưa roi. Bà mẹ vừa đánh vừa la:
- Để nồi chảo đen thui trước nhà để trù ẻo cho tao xui xẻo phải không? Làm con mà hại mẹ nè! Hại nè! Hại nè!
Những chữ “hại nè”càng lập đi lập lại bao nhiêu con chị càng bị nhiều vết roi trên cánh tay phải bấy nhiêu. Bất kể e ngại cánh tay khẳng khiu của nó bị những vết roi, bà mẹ đánh như muốn trút những nổi bực dọc mà bà có. Bất lực với thái độ dữ tợn kỳ lạ mà nó chưa từng thấy mẹ nó có trước đây. Nó nằm im, ghì đầu vào gối để chịu đựng cho hết trận đòn. Sau đó, nó nghe những tiếng khóc ré của con em:
- Làm em mà dám cãi chị nè. Chị em mà gây gỗ cãi nhau nè. Cãi cho đã rồi khóc trù cho nhà mạt nè! Tao đánh cho chừa cái tật gây chuyện! - Bà mẹ vừa đánh, vừa la.
Con chị khóc. Con em khóc. Tiếng khóc nức nở và uất ức của hai đứa hòa lẫn nhau tạo một không khí u sầu và thê thảm trong căn nhà nhỏ. Đánh chán chê, bà mẹ buông roi bắt hai đứa đứng trước mặt như mọi lần và cả hai cùng xin lỗi:
- Thưa má, con xin lỗi má từ nay về sau con không bày dơ nhà nữa.
- Thưa má con không dám cãi với chị nữa. Lần sau nếu con tái phạm má đánh con nhiều hơn.
Sắc mặt lạnh lùng, bà mẹ nói:
- Được rồi. Thu dọn đồ đạc đi rồi ăn cơm. Trù ẻo cha mẹ, đem nồi đen để trước nhà rồi xem hôm nay có gì ngon mà ăn không?
Lờ mờ lời mẹ ám chỉ, con chị cúi đầu đi thu dọn các thứ từ bếp, trên sân đến trong nhà. Khi kéo giỏ đi chợ của mẹ sang một phía để quét nhà, nó chợt nhìn thấy những tờ giấy ghi số đề ngổn ngang trong ấy. Nó nhớ lại hôm ấy là ngày thứ ba và những tờ giấy ghi số đề không được chủ cái thu hồi chứng tỏ mẹ nó đã mất tiền vì thua số. Tổng cộng số tiền của những tờ số ghi, lòng nó đau như cắt. Nó lờ mờ hiểu được nguyên nhân trận đòn dữ dội vừa xảy ra. Có lẽ vì quá mê tín nên mẹ nó đã tin rằng bà bị thua số đề bởi vì do nó đem lại vận đen, vận xui đến cho bà. Nó đã để cái chảo đen trước căn nhà bà cư ngụ. Thở dài buồn bã, nó chế nước mắm vào cái chén con con.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 38
Từ sau ngôi nhà lớn, con em hớt hơ hớt hải vừa chạy về vừa la to:
- Chết rồi chị Hạ ơi! Má thua nữa rồi! Má trật số đề nữa rồi!
Con chị đang ngồi dưới gốc cây vú sữa lắng nghe tiếng ra đi ô, gắt nó:
- Im cho chị nghe chút đi!
Con em khựng lại, im lặng đứng bên chị nghe ngóng.Tiếng nói sài Gòn của một cô gái từ chiếc ra đi ô của dãy nhà người Hoa bên kia đường vang lên, rõ mồn một:
- Chúng tôi xin lập lại. Lô độc đắc một triệu đồng, vé có có mang số một, bảy, hai, không, chín, sáu.
- Chín sáu! Số đuôi là chín sáu!- Con em nói như hét - Đó mà! Em nói má trật hết rồi! Số đầu là mười lăm, số đuôi là chín mươi sáu. Phải chi hai số này nhích một chút đến số mười chín hay chín mươi chín thì đỡ rồi!
Con chị đứng dậy, phủi quần, buồn bã bảo em :
- Thôi mình vào nhà lo dọn dẹp đi Vy! Nếu không, hôm nay thể nào cũng bị má đánh nữa cho coi.
Con em nghe lời chị. Hai đứa lặng lẽ cùng đi vào nhà.
Tiếng hát từ máy ra đi ô của người hàng xóm tiếp tục vang lên rộn rã: “Kiến Thiết Quốc Gia giúp đồng bào ta nên cửa nên nhà giàu sang mấy hồi. Kiến Thiết Quốc gia...”
Con chị vừa đi vừa hát theo:
- Kiến thiết Quốc gia giúp đồng bào ta “tan cửa tan nhà” “lầm than” mấy hồi.
Con em trố mắt , cắt lời nó:
- Chị hát gì kỳ vậy? Bài hát Kiến Thiết Quốc Gia đâu phải vậy đâu! “nên cửa nên nhà giàu sang mấy hồi” chớ bộ!
- Nên cửa nên nhà cho ai đâu? Kiến thiết Quốc Gia này hại mọi người thì có!
- Hại gì?
- Hại người ta cờ bạc thua hết tiền, chớ hại gì nữa!
- Ai thua đâu?
- Má mình thua chớ còn ai nữa!
- Má mình đâu có mua vé số Kiến Thiết đâu mà thua? Má thua số đề chớ bộ!
- Đừng có nói chữ “chớ bộ” hoài mà hỗn nghe Vy! Suy nghĩ để xem chị nói đúng không! Nếu không có xổ số Kiến Thiết thì làm sao mấy người chủ cái bày trò chơi số đề được? Vậy cái xổ số Kiến Thiết Quốc Gia này không hại người ta tan cửa tan nhà lầm than sao?
Con em im lặng. Con chị nói tiếp:
- Vì ngày thứ ba nào cũng có xổ số này nên chị em mới bị đòn. Chị không thích loại số nào hết. Số Kiến Thiết! Số đầu! Số đuôi! Số đề ! Tất cả đều là mấy con số dễ ghét đối với chị. Chị ghét số cờ bạc lắm!
Con em không buồn nghe những lời ca cẩm của chị. Nó lắng nghe tiếng nhạc của bài hát xổ số Kiến Thiết đang loãng dần và hát lại lời con chị vừa hát.
- Kiến thiết Quốc gia giúp đồng bào ta “tan cửa tan nhà lầm than” mấy hồi... Kiến thiết Quốc gia giúp đồng bào ta “tan cửa tan nhà lầm than” mấy hồi.
Con chị giục em :
- Thôi đừng hát nữa! Lo phụ chị dọn dẹp đi! Vy xếp sách vở trên bàn cho ngay ngắn rồi quét nhà, còn chị dọn bếp, quét sân, rửa chén và xách nước cho má về không có chuyện la mình.
Con chị dứt lời, hai chị em vội vã thi nhau dọn dẹp. Nhà cửa tươm tất, gọn gàng, nước đầy lu, chén bát sạch sẽ đâu ra đó xong xuôi, con chị bảo em:
- Mà chưa chắc má thua số đề đâu Vy! Đi với chị ra chỗ bán vé số ở góc tiệm Hoa Hoa xem có số đầu và đuôi có đúng như mấy con số mà mình nghe không! Biết đâu mình nghe lộn làm sao? Biết đâu hôm nay chị em mình sẽ có đồ ăn ngon như những lần má trúng số?
Con em nghe lời chị và cả hai đứa lội bộ đi đến góc đường Độc lập và Đào Duy Từ. Bà bán vé số hỏi chúng:
- Mấy đứa cần gì? Muốn dò vé số hả? Đưa vé đây dì dò dùm cho!
Con chị lắc đầu:
- Dạ tụi con không có vé số. Tụi con chỉ muốn coi mấy con số mới xổ thôi.
- Coi số đầu số đuôi phải không? Cái bảng kết quả xổ số hôm nay đây nè!
Hai đứa chụm đầu nhìn vào mặt bàn có những tập vé số được chắn ngang bởi sợi dây thu được kéo căng từ cái đinh bên này đến đinh bên kia để ngăn gió thổi phồng lên. Bên cạnh những tập vé số Kiến Thiết mới toanh, một bảng ghi bằng chữ viết kết quả xổ số của ngày. Con em lẩm bẩm đọc:
- Lô một trăm đồng là số một năm, mười lăm! Lô đầu mười lăm! Lô độc đắc một triệu đồng là một, bảy, hai, không, chín, sáu, một trăm bảy mươi hai ngàn không trăm chín mươi sáu. Số đuôi chín sáu.
Con chị đọc thầm theo con em một lúc, quay lưng bỏ đi không nói cảm ơn với bà chủ bán vé số một lời. Con em chạy theo chị vừa thở hổn hển vừa cằn nhằn:
- Em nghe rõ ràng là số mười lăm đầu và số chín mươi sáu đuôi. Em biết má thua rồi mà chị cứ bắt em đi ! Mắc công đi cho mệt thôi!
Con chị buồn bã nói:
- Tại chị mong má trúng nên ra coi thử cho chắc ăn. Bây giờ má thua rồi hôm nay tụi mình đừng cãi với nhau nữa nghe. Chị nói gì Vy phải nghe lời chị. Má nói gì tụi mình phải làm ngay. Có vậy tụi mình mới khỏi bị đòn.
Con em gật đầu:
- Em biết rồi!
Hai đứa về nhà một lúc, bà mẹ về. Đặt quang gánh vào nhà bếp bà lặng lẽ bước vào nhà. Đi ngang qua sân gạch, phòng ngủ, phòng thờ, bàn học bà không màng để ý đến sự gọn gàng ngăn nắp khác hẳn những ngày bình thường để khen hai đứa nhỏ một lời nào.
Con em kín đáo nhìn mẹ. Nó yên lòng khi biết mẹ không tìm một khuyết điểm nhỏ nào để bắt tội hai chị em nó mặc dù nó biết chắc chắn là bà đang buồn bực vì thua số rất đậm. Hân hoan và tự tin quá đáng, nó vuột miệng hát lên những lời hát của chị mà nó được khảm sâu trong đầu nó từ lúc ban chiều:
- Kiến thiết Quốc gia giúp đồng bào ta tan cửa tan nhà lầm than mấy hồi. Kiến thiết Quốc gia giúp đồng bào ta “tan cửa tan nhà”....
Con chị há hốc miệng, đưa mắt hoảng sợ nhìn nó.
Bà mẹ đang lúi húi dọn các thứ trong chiếc giỏ đi chợ, vụt ngẩng đầu lên, trừng trừng nhìn con em, hỏi gằn:
- Con Vy vừa hát cái gì đó?
- Dạ...dạ...con hát bài Kiến Thiết Quốc gia
- Hát sao, hát lại cho má nghe!
Con em ngập ngừng nói từng chữ hơn là hát:
- Dạ...dạ... là Kiến thiết Quốc gia giúp đồng bào ta nên cửa nên nhà giàu sang mấy hồi.
- Hồi nãy không phải con hát như vậy! Con muốn láo hả?
Con em sợ sệt:
- Dạ không, để con hát lại! Kiến thiết Quốc gia giúp đồng bào ta... tan cửa tan nhà... lầm than mấy hồi..
Bà mẹ nghiêm mặt hỏi:
- Ai bày cho con bài hát này?
Con em cúi đầu ngập ngừng:
- Dạ...
Con chị đỡ lời nó:
- Dạ con bày em!
- Tại sao dám sửa bài hát của người ta? Con muốn ám chỉ gì đây?
Con chị cúi đầu và bà mẹ đay nghiến bằng những câu hỏi to tiếng:
- Muốn chửi xéo tao chơi số đề, chơi cờ bạc để gia đình tan nát lầm than phải không? Tụi mày đâu có biết tao làm ăn khổ cực nuôi nấng tụi mày như thế nào? Đủ lông đủ cánh rồi mà! Đủ chữ đủ nghĩa để chửi cha mắng mẹ rồi mà!
Con chị cúi đầu thấp hơn, vẫn im lặng. Bà mẹ đứng lên, đay nghiến tiếp:
- Hai đứa tụi mày bây giờ giỏi lắm! Học được đến lớp sáu, lớp bảy tưởng đã đủ chữ nghĩa để chửi cha chửi mẹ rồi phải không? Tao coi thử tụi bay muốn chửi tao đến chừng nào? Leo lên giường nằm hết cho tao!
Bà mẹ tức giận bước ra khỏi nhà và đến hàng cây mãng cầu bẻ cành. Tiếng lá tuốt và tiếng la ó của mẹ làm con em hốt hoảng. Nó lật đật chạy ù vào tủ áo, rút đại một chiếc, nhét vào sau mông. Cho chắc chắn hơn, nó ngoái đầu ra sau lưng nhiều lần để kiểm tra độ dày của hai cái mông tròn cộng thêm chiếc áo mà nó vừa nhét vào. Không an tâm với độ phồng khá lớn phía đàng sau, nó lật đật tuột quần xuống, kéo chiếc áo ra, xếp vội vàng rồi nhét bằng phẳng vào trong quần lót trước khi kéo quần dài lên. Xong xuôi, nó hối hả leo lên chiếc giường của hai chị em chúng và nằm sát tận chiếc màn giăng.
Con chị nhìn theo từng cử chỉ của con em một lúc rồi lẳng lặng đến chiếc giường, mà con em vừa leo lên, úp mặt nằm dài sát phía ngoài mép như những lần bị đòn trong những ngày thứ ba. Lòng nó đau như cắt khi nghe những tiếng cầu nguyện thì thầm của con em:
- Con cầu trời phật đừng cho má con biết. Con cầu ba phù hộ cho con, đừng để má đánh con nhiều!
Con chị không nói với con em lời nào. Nó cũng không cầu nguyện. Tiếng chân của bà mẹ bước vào nhà và những tiếng cằn nhằn la lối quen thuộc như từng nghe trong những lần bị đòn roi trước đây làm nó không ý niệm được thời gian, cũng như không hay biết những gì đã diễn biến. Nó không nhớ bà mẹ đã nói những câu gì, la những vấn đề gì và dạy những điều gì khi bà đánh nó. Nó chỉ biết phản ứng lại những ngọn roi bằng cách đưa tay chống đỡ hay rụt rúm thân người. Một lúc lâu, nó giật mình khi nghe tiếng con em ấp a ấp úng bên tai. Con em đang giải thích về tội dối trá của nó
- Dạ... dạ... con không muốn gạt má! Tại con sợ bị đánh đau nên con mới nhét cái áo này vào mông của con thôi!
Bà mẹ đang giận dữ bỗng buông roi im lặng tha tội cho cả hai đứa. Hai chị em con nhỏ lồm cồm ngồi dậy, đứng trước mặt bà, khoanh tay nói như trả bài:
- Dạ thưa má, lần sau con không dám như vậy nữa.
- Dạ thưa má, lần sau con xin chừa.
Bà mẹ không bắt bẻ lời nói đơn giản và qua loa lấy lệ của chúng, không hỏi chúng có tội gì và cũng không bắt chúng hứa những gì bà không muốn chúng tái phạm. Bà lặng lẽ kêu hai đứa đi tắm rửa để chuẩn bị cơm chiều.
Tối hôm ấy sau khi cơm nước xong, hai đứa nhỏ vào giường ngủ sớm. Được thư giãn sau một ngày căng thẳng vì sợ đòn roi, con em nhắm mắt ngủ ngay khi vừa đặt lưng nằm xuống. Con chị nằm sát người vào con em. Nó đưa tay vuốt nhẹ trên lưng con này một lúc rồi tự rờ những vết roi nổi dày trên cánh tay, trên mông, và trên đùi của nó. Nó cảm thấy oán giận bà mẹ. Nó oán bà đánh nó với lý do không chính đáng. Nó giận bà chơi số đề trong khi bà luôn luôn chỉ trích tật xấu của cờ bạc. Nó căm ghét ngày thứ ba nhất là những ngày thứ ba bị đòn roi vì mẹ thua số. Tột cùng nhất, nó căm thù những người chủ số đề đã bày trò hại gia đình người. Tim nó đau đớn hơn những lằn roi trên da thịt khi nó nghĩ đến ba của nó. Ngập ngừng không biết cầu nguyện ra sao, nó ứa nước mắt ra, nói thầm:
- Ba ơi! Tại sao ba chết sớm như vậy? Ba có biết khi ba chết rồi tụi con khổ lắm không ba?
Nó nuốt nghẹn nhiều lần để cố nén những tiếng khóc nấc nhưng nước mắt của nó lại lần lượt trào ra đầy mặt và nó không ngừng liếm những giọt nước mằn mặn đầy tràn quanh môi. Bỗng nhiên nó ngưng khóc và chăm chú nhìn bóng người lù lù đang chun qua cửa mùng. Nhận ra bà mẹ trong bóng tối lờ mờ, nó vội nhắm mắt giả vờ ngủ say. Nó cảm thấy con em cựa mình bên cạnh qua lại vài lần và nghe tiếng khóc sụt sùi của mẹ vang lên. Nhắm chặt mắt như người ngủ mê, nó xoay người theo cánh tay điều khiển của bà. Cảm nhận hơi ấm của bàn tay mẹ và những hạt gì đó nham nhám sát lên những vết lằn của roi, nước mắt nó lại ứa ra. Nó cố gắng giữ thân người bất động như đang mê man ngủ khi bàn tay của bà mẹ lần mò tìm những lằn nổi của roi trên mông và đùi của nó và xoa những hạt nham nhám vào đó. Tiếng khóc sụt sùi của bà mẹ tiếp tục đơn độc trong bóng đêm làm tim con chị chùng xuống. Niềm oán hận mẹ đã được nguôi dịu đi. Nó mở mắt ra định ôm bà và khuyên bà đừng khóc khi bà lò mò bưng cái chén nhỏ chui ra khỏi mùng. Nó muốn nói là nó hiểu mẹ nó đang bị dằn vặt và nó sẵn sàng tha thứ cho mẹ những trận đòn oan ức mà mẹ nó đã không tự chủ được. Thế nhưng, thân người của nó trở nên cứng đờ như xác chết cóng và những giòng lệ âm thầm tiếp tục chảy ra.
Nhìn ánh sáng leo lét từ phía màn giăng, nó đau khổ khi nhận ra rằng ánh đèn nhỏ nhoi trên bàn thờ của ba nó không đủ sức chiếu sáng cho cả căn nhà đang từ từ tối thui như mực. Rờ rẫm những hạt nham nhám trên lằn roi, nó lấy đưa vào miệng. Những hạt muối mằn mặn như những giọt nước mắt mà nó liếm không ngừng vào miệng.
Trước cửa nhà, tiếng khóc rưng rức và âm thầm của bà mẹ trong bóng đêm hòa theo những tiếng côn trùng từ ngoài khu vườn của gia đình họ Hoàng như kéo dài một đêm vô tận.