28/4/12

Hai chị em (C39-41)

Chương 39

Sau khi đặt viên phấn trên bàn, thầy Bảo vui vẻ nói:
- Các em trong lớp này đều chăm chú nghe giảng bài, thảo nào, tỉ lệ phần trăm đạt điểm cao bài kiểm tra vừa rồi của lớp nhiều hơn và cao nhất trong khối lớp bảy. Đa số các em đều đạt điểm mười chín hay hai mươi. Các em giỏi lắm đó!
Thầy Bảo vừa dứt lời, cả lớp nhao nhao lên:
- Thưa thầy, hôm nay thầy có phát bài cho tụi em không?
- Thầy phát bài cho tụi em đi nghe thầy!
- Phát bài cho tụi em đi nghe thầy!
Từ dãy bàn cuối của lớp, con chị ngửng đầu lên, đưa đôi mắt chờ đợi sự ưng thuận của thầy. Con Mỹ Lệ, trưởng lớp của lớp Bảy một, ngồi đầu bàn cuối và ngồi cạnh nó, cằn nhằn bên tai:
- Thầy Bảo đã nói vậy tức là thầy sẽ phát bài. Cả lớp ồn ào như vậy thế nào cũng bị la cho coi!
Đúng như Mỹ Lệ nói, khuôn mặt của thầy Bảo đang vui chợt nghiêm lại. Thầy đưa ngón tay trỏ ngăn trước môi, và đảo mắt nhìn quanh lớp. Những tiếng ồn ào chợt nín bặt nhưng những con mắt mong mỏi chờ đợi vẫn dính chặt vào người thầy giáo dạy môn Công Dân Giáo Dục.
Đứng sau chiếc bàn giáo sư, im lặng trên bục nhìn xuống lớp một lúc, thầy Bảo gật đầu vài cái ra vẻ ưng thuận sự trật tự trong lớp rồi mở cặp lôi ra một xấp giấy. Thầy nói:
- Thầy sẽ đọc tên và đem bài đến tận chỗ của các em vì vậy khi nghe tên mình thì các em giơ tay lên. Nhớ giữ im lặng.
Con chị mỉm cười. Con số hai mươi bằng mực đỏ rõ rệt trên một góc của giấy kiểm tra hiện ra trong đầu của nó. Nó chăm chú theo dõi từng động tác của thầy Bảo và tiếp tục nghe thầy nói.
- Bởi vì bài kiểm tra này có một câu đòi hỏi suy luận cho nên một vài em có số điểm chênh lệch so với cả lớp. Nếu em nào có thắc mắc gì thì đưa tay lên, thầy sẽ đến chỗ giải thích cho.
Con chị mỉm cười hài lòng. Nó rất thích người thầy giáo dạy môn Công dân giáo dục này của lớp nó. Đúng với tên của môn học mà ông đứng trên bục giảng dạy mỗi ngày, thầy Bảo là một người thầy hết sức gương mẫu. Mặc dù khuôn mặt thầy còn rất trẻ nhưng trong ý nghĩ của nó, thầy Bảo thật sự đóng một vai trò như ba ruột của nó bởi vì ông là người đã chỉ cho nó phương pháp sống tốt và cách cư xử đúng đắn trong cuc sống sinh hoạt hàng ngày. Đối với nó, những bài giảng của thầy Bảo rất quan trọng cho nên nó hết lòng chú ý lắng nghe để mà áp dụng trong đời sống thực tế. Chăm học môn mình yêu thích, con chị tự tin rằng nó sẽ có điểm cao và sẽ là một trong những đứa học sinh có điểm mười chín, hai mươi mà thầy Bảo vừa khen ngợi.
- Hoàng Thị Đan Hạ.
Con chị giật mình đưa tay lên. Thầy Bảo đến sát bàn cuối bên cánh trái của lớp, vói người qua trước mặt con Mỹ Lệ rồi úp tờ giấy kiểm tra trước mặt của con chị.
Thầy Bảo vừa quay người đi, con chị vội vã lật ngược tờ giấy kiểm tra lên. Nhìn vào số điểm, nó chau mày thất vọng.
- Mười hai điểm trên hai mươi?- Nó hỏi một mình nhưng lớn tiếng đến độ những đứa ngồi gần đều có thể nghe được.
Con Mỹ Lệ nhìn sang, sửng sốt:
- Tại sao Hạ có mười hai điểm vậy? Cộng lại tất cả số điểm mà thầy cho các câu coi thầy có cộng đúng không!
Con chị vội mở rộng tờ giấy làm bài kiểm tra. Liếc sơ các phần ghi chú bằng chữ đỏ và cộng nhanh các số điểm, nó thở dài:
- Tại Hạ làm sai câu này nè!
- Câu nào vậy?
- Câu hỏi cuối! Câu số năm!
Mỹ Lệ nghiêng người chụm vào đầu nó, nhìn chăm chú trên trang giấy, gật gù:
- Ừ, đúng rồi! Đan Hạ làm sai câu này! Thầy Bảo có ghi chú là nhận thức vấn đề không đúng đây nè!
Xoay lại nhìn con chị, con Mỹ Lệ an ủi:
- Nhưng mà môn này có hệ số một thôi à! Hơn nữa mười hai điểm là trên điểm trung bình rồi Hạ đừng buồn làm chi.
Con chị liếc số điểm hai mươi trên giấy kiểm tra của con Mỹ Lệ và điểm mười chín của con Tuyết Lan rồi thở dài:
- Nhưng mà thầy Bảo nói nhiều đứa học sinh của lớp mình đạt mười chín và hai mươi điểm. Hạ có mười hai điểm tức là điểm chót bét rồi!
Thầy Bảo đang dáo dác tìm cánh tay đưa cao để đến hoàn lại tờ giấy kiểm tra cuối cùng, bước nhanh đến chỗ của chúng, hỏi:
- Các em đang thắc mắc điều gì vậy? Sao không giơ tay lên hỏi thầy? Các em có biết nói chuyện như vậy sẽ làm ồn trong lớp không?
Con Mỹ Lệ nói bắp bắp:
- Dạ... dạ thưa thầy... thưa thầy tụi em đang thắc mắc tại sao Đan Hạ không có điểm câu số năm.
Thầy Bảo kéo giọng kính cận lên:
- Câu hỏi nào vậy? Đưa cho thầy xem.
Con Mỹ Lệ rút tờ giấy làm bài và trao cho thầy bằng hai tay dùm cho con chị. Thầy Bảo lật qua lại tờ giấy đôi với đầy chữ chi chít, vừa đọc vừa nói:
- Câu hỏi của câu số năm là... theo em, em phải làm thế nào để chọn được những cuốn sách bổ ích, thích hợp lứa tuổi của mình. Hãy giải thích những điều em vừa nêu...và câu trả lời của em là... A đây! Câu trả lời của em là: Để có những cuốn sách bổ ích thích hợp với lứa tuổi của mình, em phải tự tìm kiếm những cuốn sách dành cho tuổi của mình. Khi đến tiệm sách em phải đến chỗ bán những cuốn sách dành cho con nít. Em sẽ tìm những cuốn sách hình, sách có tranh ảnh hoặc sách về truyện cổ tích. Em sẽ không tìm những cuốn sách dày dành cho người lớn hay truyện tiểu thuyết. Sở dĩ em làm như vậy là vì em biết rằng lứa tuổi người lớn và trẻ em khác nhau nên phải đọc sách khác nhau. Người lớn đọc sách của người lớn, trẻ em đọc sách của trẻ em.
Thầy Bảo ngừng đọc, nhìn con chị:
- Mặc dù em có lý luận riêng của em nhưng hiểu biết vấn đề chưa được đúng đắn. Những lý lẽ trong câu trả lời không đáp ứng yêu cầu câu hỏi. Em nên để ý nhiều đến chữ bổ ích.
Đọc ánh mắt thất vọng và bất mãn của con chị, thầy Bảo nói:
- Cho thầy mượn tờ giấy làm bài kiểm tra của em.
Dứt lời, ông bước nhanh về phía bảng đen, đứng trên bục hỏi cả lớp:
- Các em nghe thầy đọc câu hỏi này và giơ tay lên cho thầy biết em nào muốn trả lời.
Thầy Bảo đọc câu hỏi số năm xong, vài cánh tay đưa lên. Con Lộc đứng dậy trả lời:
- Thưa thầy, theo em nghĩ muốn tìm những cuốn sách bổ ích và thích hợp với lứa tuổi của mình, em phải hỏi ý kiến và lời khuyên của cha mẹ, thầy cô, anh chị hoặc những người đã từng đọc sách. Những người đã từng đọc sách, sẽ biết cuốn sách nào là sách tốt và sách nào là sách không nên đọc, như thế họ có thể chỉ cho em tìm được một cuốn sách bổ ích.
Một bàn tay khác lại giơ lên và câu trả lời là:
- Em nghĩ là khi muốn có những cuốn sách tốt em phải hỏi kinh nghiệm của những người đã từng đọc sách như thầy cô, cha mẹ và những người có uy tín khác như cô chú, bác dì cậu mợ. Sở dĩ em phải làm như vậy vì những người lớn có uy tín này là những người đã đọc sách rồi. Họ biết sách nào nên đọc hay không nên họ có thể hướng dẫn cho mình. Nếu mình tự tìm đọc đôi khi đọc nhầm những cuốn sách xấu, không hợp với lứa tuổi của mình.
Thầy Bảo nhìn quanh lớp học:
- Các em có bằng lòng với những câu trả lời vừa rồi không?
Cả lớp gật đầu và thầy Bảo nói:
- Đúng như hai em vừa trả lời. Khi muốn đọc những cuốn sách bổ ích các em phải hỏi ý của những người lớn, những người đã từng đọc sách. Theo cách như thế các em mới tránh đọc những cuốn sách xấu. Lời lẽ và ý tưởng trong một cuốn sách có thể là thuốc bổ cũng có thể là thuốc độc cho bộ não của các em. Nếu các em lỡ đọc nhầm những cuốn sách xấu thì sẽ bị tiêm nhiễm những điều không hay. Bởi thế, các em không nên tự ý tìm sách để đọc. Thầy thấy hiện nay có nhiều cuốn sách dành cho trẻ em mà trong sách lại có đầy những tiếng lóng, câu văn không đúng văn phạm, và hình ảnh nhố nhăng cho nên khi mua đọc các em phải cẩn thận.
Ngưng một lúc thầy Bảo giảng tiếp:
- Trái lại một số em cho rằng sách dày và nhiều chữ là những cuốn tiểu thuyết chỉ dành cho người lớn mà không bao giờ dám tìm đọc thì sẽ không bao giờ có dịp tìm hiểu và thu thập được những tinh hoa trong những cuốn tiểu thuyết giá trị và những cuốn sách văn học nổi tiếng. Tóm lại, các em cần tham khảo ý kiến của người lớn để đọc được những cuốn sách bổ ích, và phòng ngừa những cuốn sách vô ích.
Con chị cúi đầu. Nó nhớ những tủ kính đầy sách trong căn phòng của ông bác Cả, và khuôn mặt lạnh lùng của bà bác Cả rồi mỉm cười chua chát khi nghĩ đến chuyện bước vào ngôi nhà lớn và hỏi ông bác Cả nên đọc cuốn sách nào. Nó nghĩ đến cha mẹ của nó, người mà thầy và bạn đề cập đến chuyện tham khảo ý kiến để đọc sách, rồi lắc đầu. Ba nó đã thành người thiên cổ và mẹ nó là người chẳng bao giờ đọc sách là hai vấn đề tạo chung một hoàn cảnh khó khăn cho nó khi nó muốn tham khảo ý kiến tìm đọc những cuốn sách bổ ích mà thầy và bạn nó vừa nhắc đi nhắc lại. Nó chợt nhớ lại những cuốn sách có nhan đề tiểu thuyết mà nó chẳng bao giờ dám đụng đến vì nghĩ rằng những cuốn sách này chỉ dùng cho người lớn và những cuốn truyện tranh dành cho trẻ em như chú Thoòng với những lời giễu cợt lố lăng, những hình ảnh không thích hợp mà nó đã lầm mua, rồi lắc đầu một mình. Thấm sâu những lời giải thích của thầy Bảo, nó ngước lên nhìn thẳng vào mặt ông để nghe tiếp những lời ông răn dạy.
- Số điểm bài làm mà các em có không quan trọng. Điều quan trọng là các em phải hỏi khi có thắc mắc để có được những giải đáp đúng. Như vậy, các em sẽ làm đúng trong đời sống hàng ngày hơn.
Lật qua lại tờ giấy kiểm tra của con chị một lúc, thầy Bảo bước xuống, đến bàn cuối và đưa tờ kiểm tra về phía trước mặt con chị. Vươn hai tay để nhận nó, con chị chợt giật mình rụt cánh tay phải lại. Cánh tay vươn cao, thò ra ngoài tay áo dài để lộ ra mấy lằn roi sưng bầm và thâm tím. Nó vội xoay ngược cánh tay phải lại, và lúng túng dúi cánh tay ấy dưới cánh tay trái để đón lấy tờ giấy bằng hai bàn tay theo phép lễ độ của trò đối thầy.
Thầy Bảo ngỡ ngàng, toan hỏi nó điều gì nhưng cử chỉ ngượng nghịu và sắc mặt khá bối rối của nó khiến ông đành phải quay đi.
Con Mỹ Lệ thắc mắc:
- Đan Hạ bị sao vậy?
Con chị đỏ mặt:
- Hạ sợ thầy quá nên lúng túng, tay chân run lên như gặp ma đó mà!
- Không phải! Ý của Mỹ Lệ muốn hỏi là sao Đan Hạ có nhiều dấu roi trên cánh tay vậy?
Khuôn mặt của con chị tỏ ra bối rối nhiều hơn, nó nói thật nhỏ:
- Tại Đan Hạ “hoang” quá, leo hái khế trộm nhà nội, nên bị má đánh đó!
Dứt câu, nó không ngờ nó đã ứng đáp bằng những điều thêu dệt hay như thế; tuy nhiên, nó vẫn hồi hộp khi đôi mắt ngờ vực của con Mỹ Lệ, và ánh nhìn nghi ngại của thầy Bảo vẫn còn vương trong trí của nó. Không thể phủ nhận những vết tím bầm trên tay không phải là những dấu roi, nó chuẩn bị thêm những câu trả lời trong trường hợp bị hỏi dò hay hỏi vặn “Đan Hạ không hiểu vì sao Đan Hạ không bỏ tật leo cây nên bị má của Hạ đánh hoài đó Mỹ Lệ! Bởi vì má Hạ sợ Hạ bị nguy hiểm nên đánh cho Hạ sợ mà Hạ có chừa được đâu, Hạ thích leo cây hoài hà!”, “Dạ thưa thầy, em thường leo cây lắm! Má em sợ em té bị thương nên đánh em hoài mà em vẫn không từ bỏ được tính xấu này... Có lần em bị té từ trên cây khế cao xuống ngay trên lưng một con chó đang ngủ đến nỗi sau đó nó đau cả tháng đến chết. Chuyện xảy ra kinh khủng như vậy mà em vẫn không từ được cái tật leo cây nên bị má em đánh hoài...”
May mắn thay cho con chị, thầy Bảo bận trả lời câu hỏi cho một đứa trong lớp và con Mỹ Lệ không hỏi nó thêm điều gì nữa. Một lúc sau, con Mỹ Lệ len lén chờ thầy Bảo quay lưng, thì thầm nhanh vào trong tai nó:
- Đan Hạ nghe lời má của Đan hạ đi! Đừng “hoang” nữa! Là con gái, leo cây làm gì cho bị má đánh?
Con chị gật đầu nhưng không nhìn con Mỹ lệ. Nó nhìn những giòng chữ thầy Bảo viết trên bảng và tỏ vẻ chăm chú nghe ông giảng. Con Mỹ Lệ nhìn lên bảng, cũng tỏ ra chăm chú nghe thầy Bảo giảng giống như con chị nhưng sau đó nó kề miệng vào tai con chị nói thêm:
- Đừng cho các bạn thấy vết roi của Hạ. Đã học trường trung học rồi mà còn bị đánh, tụi nó cười chết!
Con chị quay sang nhìn con Mỹ Lệ và gật đầu. Cúi xuống nhìn chiếc áo dài trắng đang mặc, nó thầm cảm ơn chiếc áo dài đã che giấu toàn bộ những vết lằn roi trên da thịt để nó không phải nói dối thêm những lời đã được sắp sẵn kia. Thân thể của nó đang có rất nhiều vết roi. Những vết roi mà cả một tuần vẫn chưa được tan đi hết và có thể có thêm nhiều vết roi nữa tùy thuộc vào những ngày thứ ba sắp đến. Cố quên đi những dấu roi và không nghĩ đến những ngày thứ ba, con chị ngẩng đầu lên nhìn thầy Bảo. Lần này nó thực sự chăm chú lắng nghe giọng nói đều đều của ông đang vang vọng khắp lớp.


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 40

Buổi chiều ngày thứ ba hôm ấy không như những buổi chiều thứ ba trước đó. Nó không phải là buổi chiều thứ ba mà bà mẹ thường trở về với khuôn mặt buồn rầu, cau có hay vui vẻ xách vào nhà chiếc giỏ đầy ắp thức ăn. Đó là một buổi chiều mà nắng nhạt mờ sớm hơn những buổi chiều khác vì không muốn làm rõ đôi mắt sâu trũng, khuôn mặt hốc hác và mái tóc rối bời của bà mẹ. Vẫn như những ngày thứ ba trước, hai đứa nhỏ bồn chồn lo lắng khi nhận ra nét mặt âu sầu và mỏi mệt của mẹ. Con chị ra hiệu cho em dọn cơm chiều sau khi hai đứa chào mẹ về nhà.
Xuống bếp hâm cá, bưng nồi lên nhà, dọn mâm sẵn sàng trên “chỗ ăn cơm” đã lâu mà chẳng thấy mẹ có phản ứng gì, con chị đành lên tiếng.
- Má rửa tay rồi ăn cơm với tụi con đi má! Hôm nay có hai bác Tư về trong nhà nội. Mình ăn cho sớm rồi vào “trong đó” chào hai bác!
Khuôn mặt bà mẹ đang tối sầm chợt sáng rực lên:
- Hai bác Tư về rồi hả con?
Con chị gật đầu:
- Dạ, có lẽ hai bác đang ăn cơm với bà nội, các cô hay hai bác Cả gì đó. Lúc nãy con nghe chị Hải Yến nói với con là chỉ với chị Hải Châu làm cơm chiều để hai bác Cả đãi hai bác Tư.
- Vậy thì các con cứ lo ăn cơm đi đừng chờ má. Má rửa tay một chút lên ăn sau.
Bà mẹ vừa bưóc ra sân, tiếng chó sủa dồn dập từ phía trước cổng nhà bác Cả vang lên khuôn viên nhà họ Hoàng. Hai người đàn bà bất kể những cái vồ dập dữ tợn của mấy con chó Vàng, Lu Lu và Mi Nô, tiếp tục xăm xăm đi về phía căn nhà nơi mà bà mẹ đang đứng lặng người trước sân. Nhận ra hai người quen, sắc mặt của bà mẹ tái nhợt hẳn đi:
- Ủa chị Liên, chị Bốn đó hở? Sao mấy chị biết nhà em hay vậy?
- Không biết cũng phải tìm ra cho biết! Chị nợ tụi tui, hứa lần hứa lựa rồi trốn biệt. Không tìm chị để mất tiền hết hả?
Một bà khác có vóc người nhỏ hơn bà kia nhưng nói to chẳng khác gì bà ấy:
- Chị hẹn với tụi tui chiều nay mấy giờ trả nợ vậy? Chị có nhớ là chị nói mấy giờ không? Tui chờ chị từ ba giờ rưỡi chiều miết đến giờ này chẳng thấy mặt mũi chị đâu! Chị làm ăn kiểu gì mất uy tín vậy hả?
Bà mẹ cuống quít:
- Hai chị vào trong nhà tui đã. Từ từ hãy nói. Có gì mà la om sòm ngoài đây vậy?
Hai người đàn bà hậm hực vừa bước vào nhà vừa cằn nhằn:
- Tụi tui không muốn đến đây để nói lớn tiếng với chị! Tụi tui muốn chị trả ngay cho tụi tui số tiền mà chị thiếu tụi tui thôi!
- Lấy hàng mà không trả tiền hàng làm sao mà tiếp tục buôn bán với nhau được? Bạn hàng bao nhiêu năm uy tín nên tui mới tin chị giao hàng trước lấy tiền sau. Nay chị làm ăn kiểu này ai giao hàng cho chị nữa?
Đi ngang mâm cơm hai đứa nhỏ ngồi ăn trên nền nhà, hai người đàn bà không thèm hỏi một lời, họ tiếp tục vây quanh bà mẹ bằng những câu hỏi khó nghe. Một bà hỏi lớn tiếng:
- Sao? Chị tính sao? Có trả tiền cho tụi tui ngay không? Hay để tụi tui la làng?
Bà thứ hai đanh giọng nói như thép:
- Bất cứ cách nào chị cũng phải trả tiền cho tụi tui hôm nay chứ tụi tui không đi về đâu. Tụi tui ngồi vạ ở đây cho chị biết!
Bà mẹ rơm rớm nước mắt:
- Hai chị thông cảm dùm cho tui vài ngày nữa. Để thứ ba tới tui sẽ trả cho hai chị. Chiều thứ ba tuần tới khoảng ba giờ rưỡi chiều, tui có tiền là tui trả cho hai chị ngay.
Bà có vóc người to cao, đứng sát gần bà mẹ nạt lấy nạt để:
- Thứ ba! Thứ ba! Lần nào cũng nói là thứ ba! Chị có nhớ là chị hẹn mấy lần thứ ba rồi không? Tụi tui giao cho chị hàng chị bán xong xài hết tiền cho đã rồi bắt tui chờ tiền như vậy chị xem có được không vậy?
Bà nhỏ con hơn tiếp lời:
- Không nói nhiều nữa! Tiền nợ bao nhiêu trả hết cho tụi tui! Chờ chị hẹn nữa để cho mấy bà vựa trái cây Sài Gòn “nạo” tụi tui ra hở!
Bà mẹ vừa gạt nước mắt, vừa móc túi áo chìa ra một nắm tiền nho nhỏ:
- Chiều hôm nay tui mới mượn được mấy trăm để đóng tiền học cho con tui. Ngày mai là hạn chót cháu phải đóng tiền trường rồi. Hai chị thương dùm tui chờ thêm bảy ngày nữa tui trả hết cho chị.
Bà có thân hình to lớn giựt ngay nắm tiền mà bà mẹ vừa đưa ra. Bà ta vừa đếm vừa nói:
- Bảy trăm. Tụi tui lấy hết chừng này đã! Rồi ngày mai tui tới hàng chị lấy tiếp. Nếu ngày mai mà chị không chịu trả hết tiền cho tụi tui, tui xiết hết tất cả hàng cho chị dọn sạp hàng luôn khỏi buôn bán gì nữa!
Bà mẹ nghẹn ngào:
- Ngày mai chị muốn xiết hàng tui gì thì xiết, còn số tiền này tui mới mượn để trả tiền học cho con tui. Ngày mai là ngày hạn chót đóng tiền học rồi hai chị thương tình cho tui với! Làm ơn dùm cho tui một lần này nữa thôi. Chiều nay tui cực khổ lắm mới xoay sở được số tiền này! Làm ơn thương hoàn cảnh mẹ con tui chút đi chị Liên. Làm ơn đi! Chị Bốn ơi! Làm ơn nói với chị Liên đi!
Người đàn bà nhỏ con hơn người đàn bà đứng sát bà mẹ nhưng khí sắc hung dữ và lạnh lùng chẳng khác gì bà kia. Bà ta quay ra cửa ra vào, ngúng nguẩy nói:
- Thương chị rồi ai thương tụi tui! Mình đi về rồi ngày mai ra hàng chỉ tính sau đi chị Liên!
Người đàn bà to lớn cũng vung vảy theo sau người đàn bà nhỏ con. Họ bỏ bà mẹ đàng sau lưng với những tiếng “làm ơn” trong tiếng khóc than tuyệt vọng. Con em buông đũa chạy vào góc tủ khóc nức nở:
- Ngày mai con không có tiền đóng tiền học nữa rồi! Ngày mai con phải lên văn phòng nữa rồí!
Con chị ngập ngừng đặt chén cơm xuống dất, những hạt cơm trong miệng chưa được nhai bỗng đắng chát như những hạt bồ hòn. Im lặng nghe mẹ khóc, em khóc mà con chị chẳng hề rơi một giọt nước mắt nào. Tâm trí của nó đi vắng đâu đâu. Nó không ý thức được nó đang nghĩ gì và suy tính được gì. Bỗng chốc, những mơ ước trong ảo tưởng lại hiện về. Nó mơ màng hang châu báu mà nó tìm thấy bất ngờ như Alibaba tìm được hang báu trong rừng. Nó mơ thấy Alađin yêu cầu thần đèn cho nó một số tiền lớn. Nó mơ thấy ba nó tàng hình lấy cắp tiền ở nhà băng và đặt một xấp giấy bạc lớn trên chính giữa bàn thờ của ông. Một lúc sau, nó lắc đầu chối từ. Nó biết những mơ ước kia chỉ là ảo tưởng hảo huyền mà nó quen tật mơ mộng khi nó còn học ở những lớp tiểu học. Nhìn về phía ngôi nhà lớn, nó mơ màng đến chuyện mẹ nó nhận được một số tiền giúp đỡ nào đó của những người từ tâm, và nhân hậu trong gia đình nội. Nó mơ màng cảnh bà nội, ông bác Cả, bà bác Cả, cô Sáu cô Út mỗi người góp tiền cho mẹ nó trả nợ và trả tiền học cho con em. Nghĩ đến cố tật mà bà mẹ im lặng chịu đựng khi gặp khó khăn và sắc mặt lạnh lùng của những người trong ngôi nhà lớn, nó lại lắc đầu từ chối những chuyện vừa suy tưởng. Bỗng dưng nó nghĩ đến món tiền bất ngờ có được do trúng số đề. Ngày hôm nay số đầu ra số mười một và số đuôi ra số chín mươi mốt. Sê ri số của con chó là mười một, năm mốt và chín mốt. Sáng nay nó gặp hai con chó Mi Nô và Vàng của cô Út trước cổng khi nó đi học. Con chó nhỏ có số mười một. Con chó Mi Nô là chó con nên nó có số mười một, còn con Vàng là con chó Nhật nhỏ con vừa là chó già nhất như vậy nó vừa có số mười một và vừa có số chín mươi mốt. Con chị đập tay vào đầu. Nó tiếc rẻ là nó đã không lấy số tiền để dành do bà mẹ thỉnh thoảng cho mua thức ăn sáng để đánh số đề. Nó tự trách là phải chi nó liều đánh sê ri số con chó thì nó đã trúng cả số đầu lẫn số đuôi. Và nếu được tiền trúng số đề thì có thể nó giúp mẹ nó phần nào, có khi đóng tiền học phí cho con em không chừng. Tiếc rẻ một lúc, nó giật mình nhớ ra là mình đã giải quyết mơ ước có tiền bằng cách cờ bạc rồi bàng hoàng hiểu ra vì sao mẹ nó luôn miệng chê trách những người chơi cờ bạc mà lại đa mang vào chuyện chơi số đề.
Trong lúc bà mẹ và con chị trầm tư mặc tưởng với ý nghĩ riêng và lắng nghe tiếng khóc thút thít của con em, vợ chồng ông bà bác Tư bước vào nhà. Ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của hai người sang trọng trong căn nhà tồi tàn, bà mẹ và con chị há hốc miệng đến độ cả hai đều quên chào ông bà.
Bà bácTư chặc lưỡi:
- Chà! Tối như vầy sao thấy đường ăn cơm?
Bà mẹ bối rối đi tới “phòng thờ” châm ngọn đèn dầu.
- Dạ em mời anh chị vào nhà chơi ạ!
Ông bác Tư bước ngang mâm cơm, hỏi con chị:
- Ủa răng mờ con ăn cơm có một mình rứa? Vy mô rồi?
Con chị đứng lên, trả lời:
- Dạ Vy ăn cơm xong rồi ạ. Thưa hai bác đến nhà con chơi.
Nói xong, nó gọi to hướng về phía tủ:
- Vy! Ra chào hai bác Tư kìa!
Con em nghe lời chị, lau nước mắt đến bàn học trước phòng thờ, khoanh tay cúi đầu chào hai người:
- Dạ thưa hai bác Tư mới đến nhà con.
Ngồi cạnh bà bác Tư bên bàn học, ông bác Tư nhìn quanh trên trần nhà:
- Ủa có bóng đèn điện trên tê răng không bật công tắc lên cho sáng mờ phải thắp đèn dầu? Trong nhà anh chị Cả có cúp điện mô nờ?
Bà mẹ cúi đầu:
- Dạ nhà em không có điện lâu rồi anh à. Chị Cả không cho nhà em điện. Chị nói mấy sợi dây điện câu từ “trong đó” ra đây vướng mấy tàu dừa nên không thể mở điện cho nhà em dùng được.
Ông bác Tư nhíu mày:
- Rứa thì thuê người chặt mấy tàu dừa nớ phứt đi rồi mở điện, có chi mờ khó mô nờ! Tối như ri mần răng hai đứa ni học được?
Con em đang đứng lặng yên cạnh ông, bỗng òa lên khóc nức nở:
- Con không được đi học được nữa! Con không còn đi học được nữa rồi! Má con không có tiền cho con đi học nữa!
Mọi người sửng sốt trước tiếng khóc to bất ngờ và cử chỉ tội nghiệp của nó. Ông bác Tư đang định nói thêm về chuyện tối tăm của căn nhà chợt khựng lại chăm chăm nhìn nó:
- Mần răng mờ con không đi học được?
Con em đưa hai tay ôm mặt thổn thức nói:
- Hu hu... Má con... hu hu... má con ... má con không còn tiền để cho con đi học nữa! Hu... hu... hu hu hu!
Bà mẹ đang đứng sau lưng bà bác Tư, bối rối nhận bắt ánh mắt đầy thắc mắc của hai ông bà bác Tư, lúng túng giải thích:
- Dạ... tại vì mấy hôm nay em buôn bán ế ẩm quá thành ra không có tiền đóng tiền học cho cháu. Ngày mai là ngày chót nộp tiền học cho cháu mà em không có đồng nào.
Ông bác Tư hỏi:
- Rứa anh Cả làm ở trường Lê Quý Đôn mà không xin miễn học phí cho con Vy được à?
Bà mẹ trả lời một cách nhã nhặn:
- Dạ, ảnh xin được giảm năm mươi phần trăm tiền học cho cháu mà thôi. Em phải trả năm mươi phần trăm số học phí.
Bà bác Tư kéo con em lại gần vuốt tóc nó:
- Đừng lo! Để bác cho mẹ tiền trả tiền học cho con. Sau này nếu mẹ con không đủ sức cho con học thì vào nhà hai bác ở. Hai bác sẽ nuôi cho con học thành tài.
Con em đang thút thít chợt nín bặt. Nó đứng yên trong vòng tay của bà bác Tư. Con chị quay sang nhìn nó với ánh mắt trách móc và bất mãn. Một lát sau, khi thấy bà bác Tư trao cho bà mẹ vài tờ giấy bạc, nó cảm thấy chua xót. Nó nhớ lời căn dặn thường xuyên của mẹ “Nghèo thì lo thủ phận không xin xỏ của bố thí, không dòm ngó chầu chực của bố thí, bởi vì nếu làm như vậy sẽ gây cho người giàu cái ấn tượng là hễ khi gặp mặt người nghèo, họ phải cho tiền cho của” rồi đắng cay tự hỏi không biết đến lúc nào mẹ nó mới có thể vững vàng và độc lập trong việc thu nhập tài chính hàng ngày để không phải ngửa tay nhận tiền của người khác. Nhớ lại cảnh đối chấp giữa mẹ nó và những người đàn bà đòi nợ, nó thấy lòng đau như cắt. Thêm vào đó, những lời hứa hẹn của bà bác Tư dành cho con em vô tình đánh rơi nó chơi vơi đến tận đáy đau buồn. Hoang mang với những chuyện dồn dập xảy đến, nó linh cảm cái bình lặng mà gia đình nhỏ của nó trong những năm trước sắp mất cả đi. Giấu khuôn mặt vào trong bóng tối, nước mắt của nó từ từ ứa ra, ứa ra không ngừng.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 41

Trời mưa. Mưa tầm tã và kéo dài từ lúc hai con nhỏ sửa soạn đi học cho đến lúc cả hai cùng về mà chẳng ngớt. Càng về chiều, nước mưa càng rơi nặng hột. Những hạt nước giăng đầy khắp không gian làm tối hẳn khu vườn nhà họ Hoàng. Nước mưa càng thì nhau rơi xuống, hoa lá và cây trái trong vườn càng bị ướt đẫm và sa xuống thấp hơn che khuất hẳn những lối đi. Bên bờ giếng, không gian quang đãng và sáng sủa hơn những nơi khác. Vài tia nắng chiều làm rõ hơn những giọt nước đang rơi nhanh. Những hạt nước long lanh như những hạt pha lê va trên bờ giếng, trên nắp lu bị vỡ tan tành. Chúng ào ạt theo những giòng tuôn của nước thi nhau đổ xuống các rãnh nước quanh giếng. Nước mương tràn đầy không ngừng trào ra vũng thấp đọng nước trước sân của căn nhà nhỏ nơi mà mực nước lấp ló đến tận bậc trên cùng của tam cấp và đang sắp sửa tiến sâu vào trong nền nhà.
Hai chị em con nhỏ ngồi cạnh bàn học nhìn mưa rơi. Mặc cho những giọt nước mưa va vào cành cửa sổ khép hờ văng ướt khắp mặt bàn, hai đứa không buồn nghĩ đến chuyện khép hai cánh cửa lại. Chúng không muốn đóng cửa vì căn nhà nhỏ của chúng đã bị tối hẳn và vì chúng muốn nhìn cảnh vật bên ngoài.
Tiếng mưa lào xào rơi trên cây lá ngoài khung cửa, nước mưa lộp độp rớt trên mái ngói kèm theo những tiếng tong tỏng của những giọt nước mưa va vào những cái thau thiếc khắp nơi trong nhà tạo nên những âm thanh đều đặn và buồn bã. Ngày mưa nào cũng thế, nó thường nhắc cho hai đứa nhỏ thấy cảnh nghèo của gia đình chúng rõ ràng hơn và đậm nét hơn. Mái ngói loang lỗ với những lỗ trống quen thuc từ năm này đến năm khác đã cho hai chị em con nhỏ nhớ rõ vị trí những chỗ dột trên mái ngói để đặt những cái thau vào đúng chỗ hứng những hạt nước mưa đen xì. Thói quen của chúng là sau khi xếp đặt hết tất cả những cái thau, chúng lấy giấy xếp thuyền, ngồi chồm hổm trước nhà thả và ngắm những chiếc thuyền giấy bị nước mưa nhận chìm trong vũng nước đọng trước cửa nhà. Những lúc ấy, chúng thường đóng cửa sổ nơi bàn học và mở cửa ra vào, vui chơi với thói quen cố hữu. Hôm nay, hai đứa nhỏ không chơi thả thuyền, không mở cửa ra vào nhưng mở cửa sổ trước bàn học. Mặc dù từ khung cửa sổ, chúng có thể thấy nước mưa ngập tràn đến tận bậc tam cấp trước nhà hai đứa vẫn ngồi yên lặng ngó mông lung. Một lúc, con em phụng phịu nói:
- Em không muốn đi nữa đâu chị Hạ!
Con chị quay sang nhìn nó, chau mày hỏi:
- Em không muốn đi đâu? Không muốn đi Sài Gòn hở?
- Phải, em không muốn đi nữa!
Con chị thảng thốt:
- Vì sao vậy? Rồi sao mà má nói với chú Mỹ?
- Hôm nay đi học, từ giã bạn em, thấy tụi nó khóc, em không muốn đi. Em không muốn xa bạn em, xa lớp em.
Con chị im lặng không nói. Con em nói tiếp:
- Với lại em không muốn xa chị và xa má nữa!
- Vậy tại sao em không nói là em không muốn vô Sài Gòn ngay lúc bác gái Tư hỏi em? Tại sao em im lặng? Tại sao em không nói với má là em không muốn đi khi má hỏi xin chú Bảy Mỹ cho em đi quá giang xe hơi chú vào Sài Gòn?
Con em ngập ngừng:
- Tại vì lúc đó em muốn đi! Lúc đó em không muốn ở nhà. Ở nhà, ngày thứ ba nào em cũng bị má đánh nên em sợ.
- Vậy sao bây giờ em không sợ nữa?
- Vì chị ở lại với má. Chị không sợ má đánh thì em cũng không sợ nữa.
- Chị ở lại với má được vì má không phải đóng tiền học cho chị, Vy à! Em ở lại với má, má không có tiền cho em đi học tư, em không thể nào học hết các lớp trung học để được thi Tú Tài đâu.
Con em rơm rớm
- Như vậy ngày mai em phải đi Sài Gòn hả chị?
Con chị điềm đạm nói:
- Ừ, em phải đi! Má đã nói chú Bảy Mỹ cho em đi ké xe vào Sài Gòn rồi, bây giờ em không muốn đi nữa má nói với chú làm sao?
Con em nghẹn ngào:
- Như vậy là em phải đi sao?
Con chị gật đầu:
- Ừ em đi Sài Gòn để em được nhìn thấy con voi ở sở thú nữa!
- Có thật là Sài Gòn có con voi ở sở thú không chị?
- Ừ, thật như vậy đó em!
- ... nhưng mà chị chưa đi Sài Gòn sao chị biết?
- Chị nghe bạn chị nói ở Sài Gòn có con voi to lắm. Con voi đó ở sở thú đó Vy! Sở thú là chỗ dành cho thú vật ở. Em vào Sài Gòn, thế nào cũng được đi sở thú và được coi voi. Được coi voi thật là em ngon hơn chị lắm rồi đó!
- Nhưng mà... em vẫn không muốn đi nữa?
- Vì sao?
- Em sợ ở chỗ lạ một mình!
- Bác Tư là bác mình mà? Em ở một hồi sẽ thành quen thôi. Đâu có lạ đâu!
- Lạ chứ! Chị Ly Ly đâu có thích nói chuyện với tụi mình? Lúc chỉ về đây, chỉ đâu có thèm ra nhà mình? Chị cũng không thèm chơi với tụi mình nữa! Em ở trong đó không có ai chơi với em, em thấy lạ hoài chứ không quen được đâu!
- Thì còn anh Duy. Bác Tư có hai người con lận mà!
- Anh Duy đó mình chưa bao giờ gặp mặt. Mà ảnh lớn như chị Ly Ly chắc cũng không thích chơi với em đâu.
Con chị thở dài
- Chị ở đây cũng không có Vy để chơi chung nữa. Chị đâu còn có ai chơi với chị nữa đâu! Bạn chị đâu có dám tới nhà mình chơi đâu mà chị có bạn.
- Vậy mà sao chị muốn em đi?
- Chị sợ má đánh lắm! Mỗi lần má thua số đề, má hỏi chuyện gì hai đứa hay đổ thừa cho nhau, một lúc cãi nhau, thế nào hai sau đó hai đứa đều bị đòn.
- Em hứa là em không cãi với chị nữa đâu. Em sẽ cố gắng không để má đánh mình nữa.
- Lúc má thua số, dù mình không cãi nhau cũng bị đánh Vy à. Nhưng mà bây giờ má không có tiền cho Vy trả tiền học làm sao Vy được đi học đây? Vy vô Sài Gòn là để hai bác Tư lo cho Vy tiếp tục đi học chớ!
Im lặng một lúc, con em khóc nức nở:
- Như vậy là em phải đi hả?
Con chị gật đầu:
- Ừ! Vy vào Sài Gòn còn đỡ hơn chị là không còn bị má đánh nữa!
- Còn chị thì sao?
- Không có em ở nhà chắc lúc đó má không còn đánh chị nữa đâu. Chị nghĩ là sau khi em đi má không đánh chị nữa. Đừng lo!
- Vì sao chị biết?
- Chị nghĩ vậy thôi!
- Chị nghĩ gì?
- Chị nghĩ là lúc đó má nhớ Vy mà không đánh chị nữa. Má cũng sẽ không đánh số đề nữa vì đánh số đề để làm chi khi má đâu cần kiếm tiền cho Vy đi học nữa.
- Nhưng má còn phải lo tiền mua sách vở và thức ăn cho chị nữa chớ!
Con chị gật đầu:
- Má sẽ lo cho chị!
- Má chỉ nuôi được một mình chị thôi! Không nuôi được thêm em đâu phải không chị Hạ?
- Ừ, nhưng khi Vy Vào Sài Gòn, ở nhà bác Tư giàu có Vy sẽ sướng hơn chị cho nên Vy đừng buồn nữa.
- Nhưng em đi rồi thì chị chơi với ai?
- Chị không chơi với ai nữa hết! Chị sẽ đan móc một mình cho đỡ buồn rồi gửi đồ chị đan cho cô Sáu bán lấy tiền mua thêm sách vở. Nếu sau này má không đủ sức nuôi chị, chị cũng cố gắng dành dụm tiền để học cho đến khi thi tú tài.
Con em đang u buồn với những lo lắng chợt hớn hở hẳn ra khi nghe đến hai chữ “tú tài”:
- Em cũng học hết các lớp trung học để thi tú tài như chị!
Con chị gật đầu:
- Ừ, thi tú tài xong mình mới được học thêm cái gì đó nữa để kiếm việc làm đó Vy.
- Học xong rồi là mình được đi làm và được kiếm tiền nhiều hơn má phải không chị Hạ?
- Ừ! Đúng đó Vy!
- Kiếm tiền nhiều như bác Cả, bác Tư, cô Sáu, cô Mỹ thì không cần đánh cờ bạc số đề phải không chị Hạ?
- Chắc chắn là như vậy rồi!
- Rồi khi có tiền nhiều mình sẽ “dùn” tiền với nhau xây nhà đẹp cho má ở với tụi mình hả chị!
- Đúng như vậy. Mình đã móc nghéo tay nói làm chuyện đó lâu rồi mà!
- Có nhà đẹp mình nhớ trồng hoa như bữa trước mình móc nghéo với nhau đó nghen chị!
- Chắc rồi! Chị không quên đâu!
Từ cổng trước, tiếng chó sủa văng vẳng hòa với tiếng mưa rơi.
- Mình có nuôi chó không chị?- con em hỏi.
- Không đâu! Nuôi chó, nó cắn người ta, không có khách nào muốn tới chơi nhà mình đâu!
Con em xụ mặt:
- Nhưng mà em thích nhà mình có một con chó Nhật như con Vàng hay con Mi nô của cô Út! Có chó Nhật nhà mình mới sang lận đó chị!
Con chị chưa kịp nói cho con em biết lý do nó không thích nuôi chó kể cả con chó loại Nhật nhỏ tí xíu mà con em mơ ước thì bà mẹ mở cửa lách mình vào nhà. Ướt đẫm người trong bộ áo bà ba xám, quần đen dính chặt vào da, bà run run hỏi :
- Các con đã hứng hết những chỗ dột trong nhà chưa vậy con?
Con chị chạy ra đón mẹ:
- Dạ, tụi con làm rồi má à! Má lo thay áo quần đi chứ không bị ướt lạnh bệnh chết!
Bà mẹ tần ngần nhìn con em đang dính cứng bên bàn học với vẻ ái ngại:
- Vy có sao không con? Có phải con buồn là má để con đi Sài Gòn ở với hai bác Tư phải không?
Con em vẫn ngồi yên trên ghế, nước mắt chảy dài, không nói một lời.
Bà mẹ ngồi bệt trên nền nhà ẩm nước, nghẹn ngào:
- Thương má mà hiểu cho má! Má không muốn bỏ con đi đâu. Má đau lòng lắm nhưng má hết cách rồi. Hãy hiểu cho tình cảnh của má mà bằng lòng vào ở với gia đình bác Tư để được ăn học nên người.
Con chị chạy đến bên em, lay tay nó:
- Vy nói với má là Vy không buồn má đi! Nói đi cho má đi thay quần áo chớ má ướt hết rồi kìa!
Nước mắt của con em từ từ rơi ra nhiều hơn trên đôi má nhưng nó vẫn không nói một lời nào. Quánh chặt trên chiếc ghế, đăm đăm vào một điểm mơ hồ ngoài vườn cây, nó cứ như người mất hết tri giác.
Hoang mang giữa cảnh em khóc, mẹ ướt đẫm trong nước mưa lẫn nước mắt, con chị buồn bã đứng yên nhìn ra song cửa sổ. Chiều đã đến và trời sập tối tự bao giờ nhưng mưa vẫn chưa dứt. Những hạt mưa thi nhau rơi xuống như những giọt nước mắt của trời trước cảnh chia ly của hai mẹ con nó với con em. Màn đục của mưa che mờ tất cả cây cối ngoài vườn và bóng tối của màn đêm buông xuống mỗi lúc một dày. Xa xa ánh điện của ngôi nhà bác Cả lập lòe. Giờ này chắc hẳn những người trong ngôi nhà lớn đang vui vẻ trò chuyện trong căn phòng khách ấm áp.
Thình lình, con em vụt ra khỏi bàn tay của nó chạy đến ôm bà mẹ:
- Má ơi! Con không buồn má nữa đâu! Con không giận má nữa đâu! Má đi thay đồ đi! Má đi thay đồ đi! Ngày mai con đi Sài Gòn cho! Con sẽ đi Sài Gòn cho!
Bà mẹ nấc lên:
- Tha thứ cho má! Tha thứ cho má nghe con! Má đã không làm nổi trách nhiệm của một người mẹ! Má không biết phải làm sao để nuôi con ăn học thành tài. Thương má thì đừng oán giận má nghe con!
Con em gục đầu trong ngực mẹ, gật đầu không ngừng:
- Con hứa là khi con vào Sài Gòn con sẽ học hành đàng hoàng mà! Con sẽ học cho đến khi thi đậu tú tài rồi sẽ về lại. Nhưng má hứa với con là má đừng đánh chị Hạ nữa nghe má! Khi con đi rồi má đừng đánh chỉ nữa nghe! Chị đã ốm rồi mà bị má đánh hoài tội chỉ lắm nghe má!
Con chị bàng hoàng khi nghe những lời em nói. Trong vô thức nó ngồi xuống chiếc ghế mà em nó vừa bỏ đi. Chằm chằm nhìn cảnh bà mẹ và em nó đang ôm chầm lấy nhau, nó không tin được những điều vừa nghe. Nó nhớ những ngày thứ ba mà mẹ nó thua số đề, hai chị em chúng thường cãi vả với nhau, và đổ thừa cho nhau những việc mà bà mẹ phật ý để tránh bị đòn roi. Những lúc đó, con em luôn luôn nghĩ cách bảo vệ cái mông của nó bằng cái áo, cái quần hay cái gối mỏng. Và như thế, con chị nghĩ rằng vì sợ bị đòn roi mà con em chỉ tìm cách bảo vệ cho thân thể của nó chứ chẳng nghĩ đến ai. Xúc động với những lời con em vừa nói, cảm giác hối hận từ từ dâng lên trong lòng con chị. Hai ngày trước đó, con em còn ngần ngừ chưa quyết định nên đi Sài Gòn không, con chị đã đem chuyện con voi ra lòe em để khích lệ con này đi Sài Gòn. Chính vì quá sợ những ngọn roi của mẹ, con chị chỉ nghĩ đến bản thân nó mà tạo dựng ra chuyện con voi chứ không biết chắc chắn là Sài gòn có sở thú hay có con voi ở sở thú hay không. Bấy giờ những lời con em nói với bà mẹ như hàng vàn con kiến đang cắn rứt lương tâm của con chị.
Mưa vẫn rơi, rơi mãi không ngừng. Tiếng mưa rơi trên mái ngói làm con chị có cảm giác buồn ngủ. Nó thèm một cơn ngủ vùi hơn là suy nghĩ vẫn vơ. Đứng lên, lần bước vào giường, nó thấy rõ bà mẹ và con em vẫn còn đang ôm chầm lấy nhau trong bóng tối lờ mờ quen thuộc.
Đắp chăn nằm một mình trên giường, giấc ngủ không đến nhanh như con chị tưởng và nó khóc âm thầm trong bóng đêm. Mưa vẫn còn đang rơi và nước vỡ trên mái ngói vẫn còn kêu đồm độp.