28/4/12

Hai chị em (C5-6)

Chương 5

Tiếng trống thùng thùng báo hiệu giờ tan học đến hết hồi thứ ba mà cô giáo lớp 3C vẫn còn giữ học trò trong lớp. Sau khi phát vở viết chính tả xong, cô mới ra hiệu cho học sinh tuần tự bước ra khỏi lớp.
Sân trường lúc này đã đầy học trò. Đứa đi, đứa chạy, đứa la hét, đứa gọi nhau, đứa nói, đứa cười như thể chúng vừa thoát khỏi cái gò bó và tù túng trong các lớp học. Huyên thuyên, và ríu rít như chim trong nắng tươi, đám học trò trường nữ tiểu học lũ lượt đi dồn về phía hai cổng trường đang mở rộng. Ngoài cổng trường, nhiều chiếc xe đạp, xe vespa, xe xích lô mướn đang chờ đợi. Cha mẹ đưa mắt hướng về phía hai cái cổng trường, dáo dác tìm con. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng còi xe, tiếng cười nói la hét tạo một không khí tất bậc rộn ràng khác hẳn thời gian trước lúc vào học.
Len lỏi vượt qua những đứa học trò trong lớp, con chị nhanh chân bước về hướng cuối dãy hành lang rồi vào lớp con em. Không còn một đứa học trò nào trong lớp con em ngoài cô giáo đang thu nhặt những quyển sách và vở trên bàn.
- Dạ thưa cô, em Vy của em đâu cô?
- Lớp cô xếp hàng ra khỏi lớp từ hồi trống thứ nhất. Có lẽ Vy đang đứng ở trong sân trường chờ em.
Con chị hối hả chạy ngược về lớp của mình. Nó hy vọng sẽ gặp con em ở đó. Thất vọng biết bao, lớp học của nó vắng tanh. Không thấy em, nó chạy xuyên qua lớp học hướng về hành lang sân sau của trường. Chạy dọc theo các lớp học trên hành lang phía sân sau của trường con chị hy vọng tìm thấy con em vì nó cho rằng con em còn muốn lượm thêm hạt bàng khô ở những cây bàng trong sân sau của trường. Không thấy con em, cũng không thấy bóng dáng một đứa học trò nào trên sân sau, con chị hớt hơ, hớ hải chạy ngược về hướng sân trước của trường.
Sân trước của trường lúc này như thưa dần học trò hơn. Để chắc chắn hơn và cẩn thận hơn, con chị vừa đi chầm chậm dọc hành lang vừa đưa mắt cẩn thận nhìn vào trong các lớp học. Không tìm thấy con nhỏ em, thất vọng và bực bội, nó tựa người vào cái cột của hàng lang vừa thở vừa ngẫm nghĩ. Sáng hôm nay, em nó mặc áo đầm trắng, thắt một bím tóc. Nó nhớ như in là con em có một bím tóc do chính tay nó thắt cho. Chắc chắn với điều mình hồi tưởng, nó ngồi bệt xuống bậc cấp nơi dẫn xuống sân trước của trường, quan sát đám học trò đang hướng về hai bên cổng với hy vọng tìm thấy con em. Không có một bóng dáng nào như hình ảnh nó đang muốn tìm; và cũng không có con em trong đám học trò cuối cùng trên sân trường. Sợ hãi, nó đứng lên, khum tay làm loa trước miệng la to các hướng: “Vy ơi Vy!”. Một vài đứa học trò chưa bước ra khỏi cổng, ngơ ngác quay lại nhìn nó với ánh mắt lạ lùng. Mắc cở, nó im bặt, bước xuống thềm để đi theo những đứa học trò cuối cùng ra khỏi trường.
Xuyên qua đám học trò đi bộ trên đường, con chị cố vượt nhanh hơn từng đứa để nhìn mặt và hy vọng gặp được em. Đến đường Phan Chu Trinh, nó chợt nghe những tiếng gọi thất thanh của những đứa học trò hàng xóm:
- Hạ ơi! Hạ ơi! Em mày bị đụng xe rồi!
- Xe cán em mày rồi! Tao thấy rõ ràng em mày bị cán!
- Người ta chở em mày đi rồi!
Nó hốt hoảng la lớn:
- Ở đâu? Bị cán ở dâu?
Vài ba đứa nhỏ xúm xít xung quanh nó, thi nhau nói:
- Nó bị tung xe chỗ đó đó!
- Tại nó chạy qua đường mà không nhìn xe gì hết mà!
- Chắc nó bị tung nặng lắm!
Con chị kinh hoàng gạt tay đi xuyên qua đám học trò đang tranh nhau nói để chen người vào đám người đang đứng dưới lòng đường cái. Người lớn con nít và các chiếc xe kẹt giữa rừng người hiếu kỳ tạo thành một đám đông chật ních không một chỗ chen chân. Hai người lớn đẩy nó và mấy đứa nhỏ học trò tò mò ngược lên lề đường:
- Thấy xe đụng người chưa sợ hả? Muốn chết sao còn đòi nhào xuống đường?
Con chị hỏi mà như la thất thanh:
- Xe đụng ở đâu? Em con bị tung xe ở đâu?
Người đàn ông khựng lại:
- Nói vậy, đứa nhỏ hồi nãy là em của con hả?
Nước mắt con chị ứa ra:
- Dạ! Em con đâu?
Một bà mẹ đứng cạnh, đang nắm tay một đứa con gái nhỏ, chợt xiết cánh tay con bé vào bụng, hỏi lớn tiếng:
- Em con? Trời ơi! Sao con để em đi một mình vậy? Xe cán nó xong rồi chở nó đi mất, không có ai biết nó ra sao cả.
Con chị khóc òa, la làng:
- Em con chết chưa? Em con chết chưa?
Mọi người dồn lại tụ quanh nó, xôn xao:
- Trời ơi! Nói vậy con nhỏ vừa rồi là em con này hả? Chớ mày ở đâu mà để em đi một mình vậy?
- Bởi vậy mà! Cái cỡ này mà cha mẹ không lo đưa đón con đi học, để tụi nó đi về một mình thế nào có ngày cũng có chuyện! “Bỏ lỏng” cho cỡ chút chút này đi tự do một mình coi sao được chớ?
- Người lái xe chở con nhỏ đó đi vô bệnh viện rồi chớ đi đâu. Chiếc xe hơi như vậy mà không thấy chạy ẩu qua đường!
Con chị khóc nức nở:
- Trời ơi! Em con chết chưa? Em con chết rồi phải không?
Những người lớn không trả lời, chỉ đưa mắt thương hại nhìn, và bàn tán nho nhỏ:
- Tội nghiệp con nhỏ đó! Xe hơi cán như vậy làm sao sống nổi?
- Cầu cho bác sĩ trị thế nào chứ tui thấy lúc đó nó không cựa quậy gì cả.
- Không hiểu ông tài xế có chở kịp vào bịnh viện để bác sĩ cứu không nữa chứ! Học trò tan học đường nào đường nấy đông nghẹt!
Bàng hoàng với những câu nói vừa nghe được, con nhỏ chị vụt chạy sang đường, khóc sướt mướt:
- Vy ơi Vy! Trời ơi, saoVy phải chết? Đừng chết nghe Vy ơi!
Ngổn ngang với những hình ảnh máu me tưởng tượng trong đầu, nó vừa chạy vừa nức nở thương tâm:
- Trời ơi! Trời ơi trời! Đừng cho em con chết nghe ông trời! Vy ơi đừng chết nghe Vy!
Đến gần nhà, hình ảnh con em giãy giụa trong máu vẫn còn ám ảnh trong đầu. Sợ hãi và tuyệt vọng khiến nó đi chậm hơn khi đến cổng nhà. Tựa người vào trụ cột phía ngoài bức tường thành, nó từ từ ngồi khụy xuống và khóc ấm ức:
- Tại sao Vy đi về một mình? Tại sao Vy không chờ chị?
Trời nắng càng lúc càng gắt mà con chị vẫn ngồi khóc một mình trước cổng. Có lẽ nó sợ bị những người lớn trong nhà chất vấn vì sao nó khóc lớn, la làng to, mà cũng có thể là vì nó không có một người nào trong đại gia đình họ Hoàng có thể chia sẻ nỗi đau đớn mà nó đang có.
Đúng lúc đó, một nhóm người đang hè nhau kè một người ở giữa như đang kè một khối thịt nhũn hướng về phía cổng nhà. Người ở giữa nhóm người ấy chính là mẹ của nó. Khuôn mặt thất thần như điên dại, thân người rũ xuống như không còn một chút sinh lực trong bộ bà ba xộc xệch, bà mẹ bấn loạn rên rỉ không ngừng:
- Để cho tôi chết! Để cho tôi chết cho xong! Sống làm gì nữa chớ? Con tôi chết tôi còn sống làm gì?
Con chị kinh hoàng đứng lên. Bao nhiêu lo sợ, bao nhiêu tính toán tiêu tan với những điều nó vừa được chứng kiến, và nghe được. Nước mắt rơi lả chả, khuôn mặt nó biểu lộ nỗi kinh hoàng tột độ. Hình ảnh em chết, mẹ chết và mình nó bơ vơ trong khuôn viên nhà nội hiện ra trong đầu gây cho nó có cảm giác hoàn toàn bị bỏ rơi. Nó chơi vơi không hiểu đang ở thế giới nào. Thế giới của sự tưởng tượng hay thực tại? Nếu là thế giới tưởng tượng, nó luôn luôn hình dung những điều tốt đẹp để quên những đau buồn của thực tế mà nó đối diện hàng ngày chứ không bao giờ tưởng tượng thêm những nỗi đau buồn. Hơn nữa, trong cái đau buồn của thân phận mồ côi cha, nó không bao giờ nghĩ đến cảnh mẹ nó đành lòng tự tử để bỏ nó bơ vơ còn lại trên đời. Vì sao mẹ đòi tự tử khi nghe em nó chết? Vì sao mẹ nó không nghĩ đến nó? Vì sao mẹ nó có thể quên được là bà còn có một đứa con nữa trên đời? Phải chăng mẹ nó xác định là nó không thuộc của bà, mà thuộc về gia đình nội của nó? Phải chăng mẹ nó nghĩ nó là người ngoại cuộc trong căn nhà nhỏ ? Phải chăng bà không nghĩ đến, và không lo buồn với cảnh nó sống côi cút khi bà và con em chết đi? Phải chăng bà đã thừa nhận nó là người thuộc về ngôi nhà lớn để được sung sướng với cái gọi là về với cội nguồn? Phải chăng nó chỉ và sẽ thuộc về ba vì nó giống ba, còn con em thuộc về mẹ vì con em giống mẹ?
Người lớn trong gia đình họ Hoàng thường chú tâm và chiều chuộng con chị nhiều hơn con em bởi vì họ cho rằng con chị có khuôn mặt giống hệt cha của nó. Họ không đành lòng la mắng con chị chỉ vì họ bị ám ảnh bởi khuôn mặt giống hệt người ruột thịt đã mất. Trái lại, con em, dù có vô tội hay non nớt thể nào, họ không thể ngăn được những lời chửi xiên xỏ và mỉa mai như “Đồ cái thứ giống con gái mẹ! ” Cho dù bao lần chứng kiến sự phân biệt cư xử của những người lớn trong khuôn viên nhà nội, con chị không bao giờ có ý nghĩ là mẹ nó đồng lòng công nhận sự phân biệt này, vậy mà, sự thật vừa chứng kiến tạo cho nó cảm giác chơi vơi và mất hướng. Vừa lo cho em, vừa tủi phận mình, vừa giận mẹ, nó sụt sùi bước theo đám người đàn bà đi vào nhà.
Từ trong ngôi nhà lớn, bà nội, cô Sáu đổ xô về phía căn nhà nhỏ, sụt sùi hỏi:
- Vy mô? Vy mô? Tìm nó được chưa?
- Người ta báo nó bị tung xe mà không nói nó ở đâu. Mấy chị biết nó đâu không?
Những người bạn hàng của bà mẹ đỡ lời:
- Chỉ không biết cháu nó ở đâu đâu. Chỉ vừa nghe người ta báo con chỉ bị tung xe là chỉ nhào ra đường đòi tự tử làm chị em tui phải kéo chỉ về nhà.
Mọi người đưa mắt dồn về phía bà mẹ. Bà mẹ không nói với ai một lời nào, bà đưa đôi mắt đỏ hoe tìm con chị.
- Sao con để em đi học về một mình vậy? Em chết rồi làm sao đây con? Con đâu còn có em?
Ray rức và ân hận vì cảm thấy có lỗi với chuyện con em đi về một mình, con chị vừa khóc vừa lúng túng phân trần:
- Con không để em đi học về một mình. Nó “tự động”đi về một mình. Con cố gắng tìm nó mà tìm không thấy. Đến khi con đi về, con nghe nó bị xe cán.
Dứt những lời phân giải, nó định hỏi vì sao mẹ nó đòi tự tử, tại sao mẹ nó muốn bỏ nó còn lại một mình trên đời nhưng vì nghẹn ngào nó chỉ im lặng với những giòng nước mắt tuôn trào không ngơi. Nó tưởng tượng hình ảnh nó bị trường hợp xe cán như con em, có thể mẹ nó cũng có những hành động và cử chỉ như vậy và cũng sẽ hỏi em nó những câu như đang hỏi nó. Nó lau nước mắt và tiếp tục đưa nhiều hình ảnh dịu dàng trong đầu để vỗ về cái tủi thân đang có. Đúng lúc đó, bà bác Cả gọi ơi ới ngoài cổng nhà:
- Thím Đạm ơi, người ta đưa con Vy về đây nì! Mau mau ra đây mà đón nó tề!
Mọi người mừng rỡ đổ nhào ra sân. Một người đàn ông đứng tuổi đang bế con em trên tay, đi hướng về căn nhà nhỏ theo hướng chỉ của bác Cả gái. Ông ngập ngừng hỏi:
- Dạ thưa ai là mẹ của em bé này ạ?
Bà mẹ bước ra trước đưa đôi tay mừng rỡ đón con em:
- Là tui đây. Trời ơi! Con cảm ơn trời cho con con còn sống!
Con em ngơ ngác trên hai cánh tay của người đàn ông lạ, nhoài người về phía mẹ, kêu lớn:
- Má ơi! Má ơi!
Bà mẹ mừng rỡ, định giang tay bế nó thì người đàn ông cản lại:
- Bà để tôi bồng cháu vào nhà luôn thể.
Bà mẹ hối hả đi trước:
- Xin ông cho cháu vào đây!
Mọi người nối đuôi theo, nhao nhao hỏi:
- Thưa ông, có phảì ông đưa cháu từ bệnh viện về không?
- Hiện thời cháu như thế nào vậy ông?
- Con có sao khôngVy?
- Con thấy trong người ra sao?
Đặt con em trên giường xong, người đàn ông nhìn mọi người chậm rãi nói:
- Thật may cho gia đình và cũng may cho tôi là cháu không bị sao cả.
Bà mẹ nhoài người về phía con em nằm, rờ nắn khắp người nó như muốn tin chác nó bằng xương bằng thịt thật sự. Một lúc, bà chăm chú nhìn người đàn ông, hỏi:
- Chuyện xảy ra như thế nào vậy hả ông?
Người đàn ông từ tốn giải thích.
- Tôi đang lái xe, bất thần cháu bé này chạy sang đường. May là lúc ấy tôi lái rất chậm bởi vì tôi biết học trò đang lúc tan trường và may mắn thay cháu lăn gọn vào giữa lòng xe. Lúc đó có lẽ vì sợ quá nên cháu bất tỉnh cho nên tôi đành đưa cháu vào bệnh viện và nhờ những phụ huynh đưa con đi học về gần đó nhắn lại dùm.
Bà mẹ lập đi, lập lại như đọc thuộc lòng:
- Cảm ơn ông. Cảm ơn ông rất nhiều. Tui không biết bao giờ mới hết trả ơn này cho ông. Tui thực sự không biết lấy gì đền đáp. Tui tạc dạ ghi lòng cái ơn này.
Mấy người đàn bà khác huyên thuyên:
- Trời ơi! Bị xe cán mà còn sống vậy là may quá!
- Bị cán, nằm giữa lòng xe mà còn sống là có bề trên độ đó mấy chị! Mạng con này cũng lớn lắm chứ!
- Chị Năm “coi” mua hoa quả trái cây cúng tạ phật trời đi!
Bà nội và cô Sáu chỉ nói đơn giản:
- Cảm ơn cậu đã giúp cháu.
- Không nhờ cậu đưa cháu về chúng tôi không biết tìm cháu ở đâu.
Người đàn ông khách sáo:
- Dạ bổn phận người lái xe dù trái hay phải cũng phải lo
chăm sóc người bị tai nạn. Bây giờ gia đình cho tôi xin kiếu từ.
Dượm một vài bước, ông quay lại nói với bà mẹ:
- A còn cái cặp cháu bé trên xe của tôi để tôi đưa lại cho bà.
Bà mẹ vội vã đứng lên:
- Dạ để tôi đi lấy. Không dám làm phiền ông nhiều hơn nữa.
Bà mẹ theo ông ra cổng, đám bạn hàng của bà lục đục chào ra về, bà nội và cô Sáu trở vào căn nhà lớn.
Con chị ngồi cạnh con em, lo lắng hỏi:
- Em có bị cán chỗ nào không?
- Không có. Em không biết gì. Em chỉ sợ.
- Vì sao em về một mình vậy?
- Em thấy chị Huệ, em tưởng chị đi với chị Huệ, em theo chị Huệ!
- Chị Huệ học khác lớp chị mà! Mà đừng kể má cho má nghe về chị Huệ. Má sẽ hỏi chị Huệ là ai rồi má la chị chuyện dắt em đi học sớm đó nghen!
Im lặng một chút con chị nói thêm:
- Lần sau em phải chờ chị nghe. May là xe chưa cán em chết. Em mà chết, má và chị buồn lắm.
- Chị khóc hả?
- Ừ. Sợ em chết phải khóc chứ!
- Em đâu có chết đâu mà chị khóc?
- Bây giờ mới thấy em, mới biết em không có chết chứ lúc nãy tưởng em chết ai cũng khóc cả!
Dứt câu, con chị rơi nước mắt. Nó tủi thân vì chưa quên được cảnh mẹ nó đòi chết với con em để bỏ nó lại một mình trên đời.
Con em khuyên chị:
- Bây giờ em sống rồi. Chị Hạ đừng khóc nữa.
Con chị lau nước mắt, nuốt cục nghẹn trong cổ, gật đầu:
- Chị không khóc nữa đâu nhưng lần sau em không được đi theo ai nữa. Nhớ chờ chị dẫn đi về nghen.
Con em gật đầu, hỏi:
- Cái cặp em đâu?
Mẹ chúng vừa bước vào nhà, vừa hớn hở trả lời
- Cái cặp của con đây, không mất đâu mà sợ. Nằm yên đi con!
- Mấy trái bàng khô của con có còn trong cặp không?
Bà mẹ nhíu mày, ngơ ngác:
- Bàng khô gì?
- Mấy trái bàng khô của em mất rồi hả chị Hạ?
Con chị bối rối, chưa biết trả lời sao, may thay, nó đứng lên chào bà nội, cô Sáu, cô Út đang xôn xao bước vào nhà. Bà nội đặt các thứ ngay đầu giường chỗ con em nằm.
- Trái cam ni phần Vy. Hột xí muội và táo khô này cũng của Vy. Mấy lần trước Hạ có nhiều thứ rồi, lần ni để cho em!
Cô Sáu sờ trán con em và căn dặn:
- Nằm nghỉ cho khỏe! Không được đi xuống giường ngay nghe Vy.
Cô Út chìa hộp kẹo:
- O cho Vy hộp kẹo ni nì, Vy ăn cháo xong mới được ăn kẹo.
Nghe cô Út nói như thế bà mẹ hân hoan thấy rõ. Mặc dù cô chẳng nhìn bà và cũng chẳng hỏi han lời nào, sự hiện diện của cô đã cho bà hy vọng mối bất hòa sẽ được giải tỏa trong nay mai. Con em mừng rỡ đón lấy cái hộp hẹo ống tròn bằng giấy cứng với những hình kẹo sô cô la tròn tròn đủ màu bên ngoài. Nó vui sướng khi được quà do cô Út cho. Lúc lắc hộp kẹo hướng về phía chị, con em nói:
- Em có kẹo sô cô la.
Con chị vừa cuời với em vừa nhìn trộm cô Út. Lần đầu tiên nó nghe cô Út nói giọng Huế và xưng o với con em. Chưa bao giờ cô nói giọng Huế với ba mẹ con nó và chưa bao giờ cô xưng o với nó. Nó cảm thấy cái chuyện tung xe khiến cho mọi người đối xử đặc biệt với con em. Bây giờ con em đã trở thành người quan trọng và được cưng chiều. Lòng nó rộn ràng trước cái hòa thuận dịu dàng của gia đình nhưng đôi mắt của nó lại để lộ ra sự thèm thuồng trên cái hộp đựng kẹo. Nó biết chắc chắn là con em sẽ chia cho nó một viên kẹo nếu nó hỏi xin nhưng nó không thể nào có cái hộp đang ở trên tay con em. Cái hộp, mà đôi khi cô Út lấy cho nó một viên kẹo trong ấy, nó mơ ước khi nào hết kẹo, cô sẽ cho nó để nó làm đồ chơi.
Dường như đọc được ý nghĩ trong đầu con chị, bà mẹ khuyên:
- Em đang bịnh cho nên nội và các cô cho em quà. Đừng buồn nghe con!
Con chị lắc đầu:
- Con đâu có buồn. Con đâu có tính ganh em!
Dứt câu, nó lẩn vào phòng thờ ba để chùi những giọt nước mắt. Nó sợ mẹ hiểu lầm khi thấy nó khóc. Nó khóc vì tủi thân chứ không phải vì không có hộp kẹo. Nó khóc vì nó chưa quên được những gì nó đã chứng kiến. Những việc đau thương mà nó không bao giờ lường được cũng như những việc ngọt ngào bất ngờ mà nó không bao giờ mơ đến. Nỗi buồn riêng của nó vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai; nhưng trong những giọt nước mắt, niềm vui và hy vọng như ươm cho nó một niềm tin mãnh liệt. Nó vui khi thấy bà nội và các cô lo lắng cho con em. Nó vui vì chứng kiến cảnh bà nội và các cô đến thăm căn nhà nghèo nàn của ba mẹ con nó. Trong niềm vui to lớn ấy, nhiều hy vọng được ươm đầy. Nó hy vọng cái hố xa cách giữa mẹ nó và gia đình nội sẽ bị triệt tiêu trong những ngày sắp tới. Nó hy vọng bà nội, mấy cô và mẹ nó sẽ thương yêu hòa thuận với nhau. Nó hy vọng bà nội và mấy cô thương yêu chị em nó đồng đều. Và tột cùng nhất, nó hy vọng nỗi khổ tâm thầm kín sẽ được vơi đi khi những lời chửi rủa, mỉa móc, và chia rẽ ngày nào sẽ tan biến mãi mãi sau buổi họp mặt ngày hôm ấy.


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 6

Tiếng chửi rủa lúc thì dồn dập lúc thì đứt quãng của cô Út vang vọng khắp vườn cộng thêm tiếng khóc thút tha thút thít của mẹ tạo thành những âm thanh trái ngược và khó chịu. Hai đứa nhỏ phân vân không hiểu nên phản ứng như thế nào nên chỉ đưa những đôi mắt buồn nhìn nhau. Nhìn nhau chán, chúng lại nhìn mẹ. Chúng thấy thương hại mẹ và muốn khuyên bà đừng khóc nữa nhưng chúng không biết mở lời ra sao nên đành lẳng lặng ngồi sát chặt vào nhau, cạnh bàn gần cửa sổ. Ngoài sân, cô Út không thấy bóng mẹ chúng ló dạng ra ngoài thì càng cảm thấy bực tức hơn. Cô hét la the thé với những câu dài có vần và có điệu mà hai đứa cố nghe vẫn không hiểu những lời đó có ý nghĩa ra sao. Thỉnh thoảng cô lại chỉ trỏ vào hướng nhà mẹ con chúng như vẽ bùa cho nên hai đứa nhỏ có muốn ra vườn chơi để khỏi nghe những tiếng khóc của mẹ, cũng không có đủ can đảm để bước đi.
Sau ngày con nhỏ em bị xe đụng, không những con chị mà cả con em và bà mẹ đều hy vọng bầu không khí hòa thuận và yên vui sẽ bao trùm mãi mãi trong khuôn viên nhà họ Hoàng; ngờ đâu, những hy vọng của những người trong căn nhà nhỏ chỉ là những cơn mộng bị vỡ tan tành khi bà mẹ thường xuyên có mặt ở nhà hơn là đi bán. Có lẽ sự có mặt của bà mẹ trong nhà đã làm cô Út nhớ đến cái im lặng và sự bỏ đi của người đàn ông trong buổi sáng sớm ngày nào. Và cũng có lẽ từ lúc buôn bán, bà mẹ bỏ cái lệ quét sân khi trời chưa hừng sáng và cô Út là người thay bà làm công việc quét dọn sân vườn trong lúc mà thời gian, khung cảnh, và sự vật luôn luôn khơi dậy sự mất mát trong cô. Cái ngày ấy như là một nguyên nhân chính gây ra những lời chửi rủa vô ý nghĩa và vô vọng của cô.
Không ai hiểu vì sao cô thích chửi và thường chửi bà mẹ hai đứa nhỏ. Đối với họ, những lời chửi bới không căn cớ, không nguyên nhân, không lý do là những dấu hiệu của sự bất bình thường. Dần dà, với lý giải về sự bất bình thường, cái không bình thường, và tính cá biệt của cô mà mọi người trong gia đình quen dần với những lời chửi bới. Mọi người chấp nhận nghe những lời chửi rủa của cô Út như nghe những tiếng rao hàng trên đường hay là những khúc nhạc chói tai quen thuộc được lập đi lập lại. Hơn nữa, vì phải tất bật với công việc riêng mà không một người lớn nào trong khuôn viên họ Hoàng để ý nguyên nhân vì sao cô Út la to hét lớn, cũng như họ không hề biết cô chấm dứt chửi bới lúc nào. Cũng như những người lớn trong khuôn viên nhà, hai con nhỏ, quen dần với những tiếng chửi rủa của cô Út; tuy nhiên khác với họ là chúng phải ngồi thụt thò trong cửa sổ, chờ đợi những lời chửi bới chấm dứt để chuồn ra ngoài vườn chơi. Và như thế, khi những lời chửi rủa vang lên, hai đứa nhỏ như chịu cực hình vì phải nghe từ đầu cho đến lúc kết thúc.
Suốt một mùa hè, hai chị em con nhỏ chẳng hề được ai dẫn đi chơi. Ở nhà càng nhiều, chúng nghe chửi nhiều hơn và lâu hơn. Thỉnh thoảng nghe tiếng đùa vui của những đứa hàng xóm ngoài bức tường thành, con chị muốn xúi em leo thành ra chơi với chúng nhưng không dám bởi nó còm ám ảnh lần bị ông bác Cả bắt gặp quả tang khi nó đang chễm chệ ngồi trên bức tường và toan nhảy ra ngoài. Lúc đó, ông đã nghiêm cấm cả hai chị em không được leo thành, hay tự ý chơi với những đứa trẻ lạ và lúc đó nó đã hứa là không xúi em leo thành ra ngoài nữa.
Suy nghĩ mãi vẫn không tìm cách nào để được ra ngoài chơi, hai chị em buồn bã và chán nản nhìn về phía ngôi nhà lớn.
Xa xa, phía hiên trước ngôi nhà nguy nga đồ sộ như bị khuất bởi giàn hoa hoàng anh um tùm. Những cánh hoa vàng tươi dày đặc chen nhau xòe cánh buông lòa xòa trên bức tường trắng hình vòng cung vô tình tạo cho ngôi nhà cái vẻ cổ kính, và man dại. Dọc bên hông ngôi nhà, lối từ trước nhà lớn đến sân gạch đàng sau là bụi hoa bông bụt tây, rồi đến một dãy hoa dâm bụt ta.
Những cành bông bụt tây không được cắt tỉa, cố vươn mình lên cao bằng những cánh hoa hoàng anh để đón nắng sáng; trong khi dãy bông bụt ta bất cần sự có mặt của mặt trời, ngoan ngoãn xếp thẳng một hàng ngang với khóm bụt tây và lặng lẽ khoe những cánh hoa thắm sắc; những cánh hoa rời rạc như những cái chuông đỏ rực với cái nhụy dài xinh xinh, duyên dáng lung linh dưới nắng sớm. Từ nhà bếp của nội và bác Cả đến giếng, cây khế chua, cây ô ma, cây sa bô chê, cây khế ngọt im lặng tắm nắng. Những con chim chuyền nhanh trên cành cây cất tiếng hót ríu rít. Những tiếng hót của chúng như nhỏ hẳn đi khi phải hòa thanh với tiếng la hét của cô Út. Dọc bức tường thành, cây mận, và hàng cây mãng cầu đầy trái không đủ sức cám dỗ hai đứa nhỏ rời cái bàn bên cửa sổ. Và chúng không thể nào tìm tòi và lục lọi các cây ăn trái khi sự xuất hiện bất chợt của cô Út vẫn còn ở trong vườn. Cây vú sữa to đồ sộ giữa vườn với bóng mát rộng dưới dưới gốc là nơi chúng thường chơi đùa nhưng những tiếng la hét kinh hoàng gợi cho chúng nghĩ đến sự tức giận dữ dội của cô Út. Những tàu dừa rũ lá vướng vào hai sợi dây điện được kéo dài từ ngôi nhà lớn đến căn nhà nhỏ như là chứng cớ hùng hồn để biện hộ cho sự mất điện triền miên và sự tối tăm muôn đời của căn nhà nhỏ. Tất cả cảnh vật nhắc nhở cho hai con nhỏ sự chấp nhận những cái không may mắn mà số phận đã định cho chúng: Ngày đến trường hay ngày hè, ban ngày hay ban tối, chơi đùa là sự hạn chế vĩnh cửu.
Đột nhiên tiếng khoen cửa vang lên, tiếng chó sủa và tiếng cười nói của một số người tiến về phía cửa trước của ngôi nhà lớn đánh thức sự tò mò của hai con nhỏ. Chúng dí mắt sát vào song cửa sổ, bàn tán:
- Nhà bác Cả có khách!
- Chắc có mấy đứa Phi, Phong, và Phương đến chơi.
- Không phải đâu Vy! Có va li nữa kìa, ai ở xa tới đó!
Con em leo lên trên bàn, áp mặt vào song cửa, cố nhìn cho rõ hơn. Nó gạ chị:
- Chị Hạ muốn chạy vô nhà bác Cả coi thử không?
Con chị ngần ngừ, quay ra sau nhìn mẹ. Bà mẹ đưa đôi mắt đỏ hoe, căn dặn:
- Nhà trong có khách thì không được vô.
Con em lồm cồm leo xuống bàn, rối nhặng:
- Cho tụi con đi đi má! Coi thử chút thôi!
Con chị đến bên mẹ, nói ngọt ngào:
- Cô Út hết chửi rồi má à!
Đúng lúc ấy, cô Sáu gọi ơi ới ngoài vườn:
- Chị Năm ơi! Gia đình anh chị Tư về đây nì! Mau đưa mấy cháu vô nhà trình anh chị!
Bà mẹ hớt hãi đứng dậy, chạy ra cửa đáp lại:
- Tui nghe rồi cô! Để tui đưa các cháu vào chào anh chị.
Dứt lời, bà giục hai con nhỏ:
- Bây giờ thì các con được vào “trong đó” rồi! Mau lên con! Đi mau để mà chào hai bác Tư !
Hai đứa ngạc nhiên chưa hỏi thêm gì, bà mẹ đã kéo chúng ra khỏi nhà. Trên đường vào ngôi nhà lớn, bà còn căn dặn:
- Phải khoanh tay, cúi đầu đứng trước mặt từng người nóí là “Dạ thưa hai bác Tư mới đến” nghe chưa.
Cho chắc chắn hơn, bà lại căn dặn:
- Mà không, phải nói là “Dạ thưa hai bác Tư mới về nhà! ”
Hai con nhỏ dạ cho qua chuyện. Chúng không nghĩ ngợi nhiều về chuyện thưa gởi như sự lo lắng của bà mẹ; chúng phân vân không hiểu hai bác Tư là những người nào trong gia đình họ Hoàng và hớn hở muốn xem mặt họ là ai.
Đến cái sân gạch sau căn nhà lớn, bà mẹ đi chậm lại. May mắn thay, trong sân không có một bóng người. Không thấy cô Út, không nghe cô chửi, bà mẹ yên tâm hơn để dắt con bước vào căn nhà lớn. Từ cửa sau đến phòng khách là phòng tiếp khách riêng của bà nội, phòng ăn của ông bà bác Cả, phòng ngủ của bà nội, phòng ngủ của cô Út phòng ngủ của bác Cả rồi đến phòng thờ. Các phòng lớn với những cửa kính im lìm toát vẻ nghiêm trang lạnh lùng của một ngôi nhà cao sang và đài các. Đến gần cửa phòng khách, bà mẹ đứng lại, cúi thấp người, thì thầm dặn con:
- Nhớ đứng trước mặt từng người khoanh tay cúi đầu chào đàng hoàng, thưa vừa đủ nghe, đừng nói nhỏ quá mà cũng đừng nói lớn quá!
Hai đứa nôn nóng:
- Con biết rồi!
- Má đã dặn rồi mà!
Lần này hai đứa kéo mẹ chúng bước vào ngưỡng cữa phòng khách. Căn phòng chật ních người với những tiếng nói, tiếng cười rộn rã. Sự xuất hiện của ba mẹ con con nhỏ đã làm họ ngưng bặt những lời đối thoại. Bà nội lên tiếng:
- Đó! Hai đứa con anh Đạm đó tề!
Mẹ chúng giục hai con nhỏ:
- Hai đứa chào bà nội và các bác các cô đi.
Hai đứa ngoan ngoãn khoanh tay cúi đầu chào từng người. Thoạt tiên là những người mà chúng đã biết cách xưng hô như bà nội, bác Cả trai, bác Cả gái, cô Sáu và cô Út. Mọi người giãy nảy:
- Chào hai bác Tư và chị Ly Ly ở Sài Gòn mới về tề! Chào người trong nhà mần chi!
Hai đứa nghe lời bước đến hai cái ghế sa lông lớn cạnh ti vi. Đứng trước người đàn ông có khuôn mặt nghiêm trang trong bộ vét xám, cả hai vừa sợ, vừa ngượng:
- Dạ thưa hai bác Tư mới về.
- Dạ thưa bác về nhà.
Người đàn ông kéo hai đứa sát vào hai bên mình, vuốt đầu chúng và nói:
- Giỏi lắm! Hai đứa học có giỏi không?
Hai đứa nhỏ khẽ gật đầu, cúi mặt. Bà mẹ nhắc con:
- Phải nói là “dạ có” không được gật đầu.
Người đàn bà mặc áo dài hoa, ngồi cạnh ông bác Tư, cất lên giọng bắc ngọt dịu:
- Thôi được rồi! Có gì đâu mà thím bắt phép bắt lẽ hai cháu tội nghiệp thế! Hai cháu đến gần bác đây, bác có chút quà dành cho hai cháu.
Hai đứa nghe lời, đến trước mặt bà, đưa mắt chờ đợi. Đặt cái bóp đầm màu đen bóng trên đùi, bà rút một xấp tiền, xẻ đôi rồi dúi vào tay mỗi đứa:
- Bác cho hai cháu ăn quà nhé!
Hai đứa cầm tiền trong tay, mừng như vừa được trúng số. Đầu tiên trong đời chúng được có một số tiền lớn như thế. Dù chỉ dùng một tờ giấy tiền này thôi cũng đù có bao nhiêu là quà bánh vậy mà bác gái Tư căn dặn cả một xấp tiền chỉ là để ăn quà. Con em hí hửng chạy đến bên mẹ:
- Má cất tiền cho con ăn quà nghe má.
Bà mẹ nhắc hai con:
- Cảm ơn hai bác đi con!
Hai đứa cúi đầu như mẹ dặn:
- Con cảm ơn bác Tư.
- Con cảm ơn hai bác cho con tiền.
Ông bác Tư cười hiền hậu:
- Được rồi! Thưa gửi chi lắm! Chừ sang chào chị Ly Ly đi.
Theo hướng tay ông, hai đứa bước đến trước mặt cô gái trạc hai mươi tuổi đang ngồi trên chiếc ghế mây tròn. Hai cái gối đệm, màu đỏ sau lưng làm nổi bật cái áo đầm trắng mà cô đang mặc. Vạt áo đầm phồng dài tận đến đôi giày màu trắng và đôi vớ ren cùng màu. Cái vẻ sang trọng của cô gái khiến hai đứa ái ngại, chúng ngập ngừng cùng chừa một khoảng cách khá xa trước mặt cô ta. Có lẽ lúc này chúng mới nhận ra sự khác biệt một trời một vực giữa chúng và những người sang trọng trong gia đình họ Hoàng khi đối diện người chị họ này. Hai bộ đồ trắng của chúng ngã sang màu cháo lòng với những vết dơ của đất. Những vết dơ được cố công chà sát bằng cục xà phòng trắng của bà mẹ mỗi ngày mà cái màu xam xám ô ố của đất và của khói đèn dầu lửa vẫn không mảy may suy suyển. Đứng gần nhau như bị dính chặt vào một, hai đứa lầm lì cúi mặt.
Cô gái Ly Ly nhìn hai đứa nhỏ chăm chú một lúc rồi cười thích thú:
- Hai đứa nhỏ này xinh ghê đó măng !
Bác Cả gái chép miệng:
- Xinh chi mà xinh! Suốt ngày chơi đất chơi cát dơ như mọi!
Cô gái tiếp tục giữ lập luận của mình:
- Tụi nó đẹp chứ “tata”! Con nhỏ em có cái môi đỏ như son đó! Còn con chị, coi con mắt của nó kìa! Lông mi của nó cong vút như gắn lông mi giả vậy đó!
Con em ngước đầu lên, tròn mắt nhìn cô gái tên Ly Ly không chớp. Khuôn mặt nó ngây ra, miệng nó há hốc như đang chờ đợi một món ăn bất ngờ nào đó đút vào bởi đôi bàn tay trắng đẹp của người chị họ. Con chị cúi mặt, nhìn xuống những ngón chân đen xì trong đôi dép quai nhựa trên nền gạch bông. Nó vừa e thẹn, vừa tủi thân. Nó mong hoàn tất sớm cái thủ tục thưa gửi để không phải chịu đựng cái khác biệt một trời một vực giữa ba mẹ con nó với những người trong phòng khách. Nó sợ cô chị họ Ly Ly thấy những giọt nước mắt của nó. Nó sợ phải khóc òa khi nghe những lời thương hại của ông bác Tư:
- Tội nghiệp hai đứa nhỏ! Còn nhỏ như vậy đã phải mồ côi cha.
Nó muốn về nhà để không phải chứng kiến cái cảnh mẹ nó đứng chầu chực khúm núm khi mọi người ngang nhiên cười nói trên những chiếc ghế sô pha, và cũng để không phải nghe những lời nói bình dân và thái độ lúng túng của mẹ nó trước cái cách nói cười sang trọng, xưng hô xa lạ như “măng”, “me”, “tata”, “tonton” của những người trong ngôi nhà đồ sộ này. Đến lúc ấy nó ý thức rõ ràng sự khác biệt về địa vị, học vấn và giai cấp trong đại gia đình và còn hiểu rõ thêm sự thua thiệt hoàn toàn của mẹ con nó. Bao nhiêu hoài bão được tiếp đãi ân cần tại phòng khách rộng lớn của ngôi nhà tráng lệ trong sự tưởng tượng của nó bấy lâu vỡ tan theo sự thật phủ phàng mà nó vừa trải qua. Nó thấm thía cái hoàn cảnh nghèo khổ mà ba mẹ con nó đang chịu đựng và tự đánh mất những mơ mộng viễn vông xưa để đối diện với những thực tế mà nó đang chứng kiến.
Bà mẹ hai con nhỏ yên phận với những gì quen thuộc mà bà đã và đang trải qua. Căn phòng khách của những ngày trước còn là nơi bà quét dọn, lo trà nước với vị trí của một người làm công, còn bây giờ nó là nơi bà đưa con chào hỏi những người thân của chồng. Mặc cho ánh nhìn của cô Út còn căm phẫn, mặc cho sự tách biệt giữa hai thế giới sang trọng và nghèo hèn diễn ra trước mắt, bà vẫn cố chịu đựng để tiếp tục liên kết tình máu mủ và thân thuộc giữa hai đứa con bà với những người thân trong gia đình chồng.
Lúng túng với những câu hỏi do hai bác Tư đặt ra, bà tìm cách giải thích:
- Dạ...dạ ... nay em hết làm cho anh chị Cả rồi. Em đi buôn bán anh chị à!
- Buôn bán à? Buôn bán chi rứa? Ông bác Tư chau mày hỏi.
- Dạ em buôn bán trái cây.
- Thím buôn bán như thế nào?
- Dạ em đi sớm ra bến xe ngựa mua trái cây của mấy bà trên nhà quê rồi bán lẻ ở chợ
Bà bác Tư như thích thú đề tài này. Bà huyên thuyên:
- Bán trái cây hả? Trời ơi! Mấy người bán trái cây ở chợ Sài Gòn giờ bán khá lắm đấy nhá! Ổi to to như thế này nè! Cam, quít đủ loại, ai thấy cũng muốn mua. Người ta mua để cúng cho đẹp bàn thờ đấy mà! Thím mà mua được hàng trái cây ở Sài Gòn bán lại thì tha hồ mà kiếm lời.
Bà mẹ thành thật:
- Dạ, em biết mà không có vốn để mua trái cây ở Sài Gòn.
Bà bác Tư lại mở cái bóp đen bóng:
- Đây này. Anh chị cho thím phụ thêm để buôn bán. Tội nghiệp! Một mình làm sao nuôi nổi hai đứa con.
Cử chỉ hào hiệp của bà bác gái Tư làm tất cả mọi người trong phòng kinh ngạc. Trong khi mọi người im lặng, ông bác Cả lên tiếng:
- Có buôn bán chi cũng phải dành thời giờ dạy dỗ hai đứa nhỏ.
Bà mẹ lí rí:
- Dạ.
Bác gái Tư nhìn bà mẹ thương hại:
- Tội nghiệp! Khi nào thím không đủ sức nuôi hai cháu thì gửi bớt một đứa vào Sài Gòn để anh chị nuôi dùm cho. Con Vy này dễ thương lắm. Anh chị nuôi nó được. Anh chị sẽ nuôi nó cho đến lúc nó lớn, thì nó trở về ở với thím.
Bà mẹ tiếp tục lí rí:
- Dạ.
Lần này nước mắt con chị lần lượt tuôn ra. Nó rón rén bước ra phía hiên trước của nhà lớn. Nó muốn quên chữ “dạ” mà mẹ nó trả lời để không phải nghĩ đến ngày em nó và nó xa nhau. Con em cũng lẻn mọi người đi ra khỏi phòng khách. Nó gọi chị:
- Chị Hạ chờ em với.
Con chị bước chậm, con em bước nhanh đến bên chị. Hai đứa cùng đến gốc vú sữa, đến cái thế giới riêng của chúng.
- Mình chơi lò cò nghe chị Hạ?
Con chị lắc đầu ngồi xuống. Con em hỏi tiếp:
- Vậy chơi đổ bánh căn nghe?
Con chị lại lắc đầu. Con em lại hỏi:
- Chơi cá sấu ăn thịt người hả?
Con chị lại lắc đầu nguầy nguậy. Con em cau có, ngồi bên chị cằn nhằn:
- Vậy chơi cái gì? Sao chị không nói gì vậy hả?
Con chị ngửa người ra sau tựa vào thân cây vú sữa. Trên cao bao nhiêu cành nham nhám và lá hai màu xanh cây đà nhạt đan vào nhau, trải rộng thành một cái lọng lá giữa vườn. Cây vú sữa này thường bị bà nội chọc là cây vú sữa đực vì nó chỉ có lèo tèo vài trái khi mới trồng rồi sau đó chẳng hề thấy trái nào mọc ra. May mắn cho chị em chúng là chẳng có người nào trong đại gia đình họ Hoàng đề nghị đốn nó đi, cho dù nó chiếm toàn bộ không gian của khu vườn và chẳng cung cấp một trái nào như những cây ăn trái khác, cho nên gốc vú sữa mãi mãi là nơi tụ tập chơi đùa và là thế giới riêng rẽ của chị em chúng.
- Mình chơi gì đi chớ chị! Con em nói.
Con chị giật mình nhìn em. Nó từ từ đứng lên, nhặt một nhánh cây vú sữa khô trên đất rồi vẽ một vạch dài từ bức tường thành đến gốc cây vú sữa, rồi từ gốc cây vú sữa đến sân giếng. Con em đứng lên theo chị, tò mò hỏi:
- Mình chơi gì vậy chị?
Con chị viết hai chữ “Giàu Sướng” trên nền đất, phần từ mức vạch hướng về ngôi nhà lớn và hai chữ “Nghèo Khổ” trên phần đất từ mức vạch đến khu nhà nghèo nàn của mẹ con chúng.
Con em lẽo đẽo theo sau, vừa đọc chữ, vừa hỏi dò:
- Giàu Sướng! Nghèo khổ! Mình chơi “Giàu sướng, Nghèo khổ” hả chị?
Con chị đáp bừa:
- Ừ!
- Trò này chơi làm sao?
Con chị bối rối nhìn cái gốc vú sữa, rồi cái mức vạch, và từ cái mức gạch sang mấy cái chữ trên đất, ấp úng trả lời
- Ơ ..ơ lúc đầu mình phải đứng trên mất gốc lồi của cây vú sữa.
Con em nghe chị đi đến gốc vú sữa và đứng yên trên cái gốc lồi. Nó hỏi :
- Rồi sao nữa?
- Rồi đi ra trên cái đường chị gạch đó.
- Đi làm sao?
- Đi trên cái đường đó chứ sao. Đi cho thẳng hết con đường là Vy học cao như mấy bác, mấy cô. Đừng để té bên phía nghèo khổ. Nếu mà Vy té xuống chỗ nghèo khổ là Vy lớn lên Vy bị nghèo luôn đó.
Hai con nhỏ cố gắng giữ thăng bằng nhón nhén chân đi trên con đường vạch để không bị té nhưng cả hai đều bị ngã xuống phần đất Nghèo Khổ. Con chị làu bàu:
- Lớn lên mình nghèo rồi!
Con em đang ngồi bệt trên phần đất Nghèo, vội nhảy qua phần đất có chữ Giàu Sướng. Nó la lên:
- Em được Giàu Sướng rồi!
Nói xong nó nhảy qua nhảy lại hai bên mức vạch và reo lên từng nhịp vui vẻ:
- Nghèo khổ! Giàu Sướng! Nghèo khổ! Giàu Sướng!
Con chị bắt chước em vừa nhảy theo, vừa đọc theo nhịp nhảy:
- Nghèo khổ! Giàu Sướng! Nghèo khổ! Giàu Sướng!
Bụi đất tung cao, bay đầy xung quanh các khoảng đất mà hai con nhỏ đạp chân lên. Hai bộ đồ màu “cháo lòng” của chúng dần dần ngã thành màu xám.
Xa xa trên hiên ngôi nhà lớn, vạt áo đầm trắng của cô gái Ly Ly thấp thoáng. Cô đang giương cặp mắt tò mò nhìn hai con nhỏ đùa chơi “trò không sạch sẽ” trên sân đất. Mặc cho tiếng cười vui nhộn và nắc nẻ của chúng vang vọng khắp vườn cây, cô lắc đầu, quay trở vào phòng khách.