28/4/12

Hai chị em (C7-8)

Chương 7

Sau mùa hè năm ấy, cuộc sống của ba mẹ con con nhỏ tương đối ổn định. Hai đứa nhỏ đều được lên lớp. Một đứa học lớp bốn và một đứa học lớp hai. Mỗi khi tan trường, hai đứa song bước cùng nhau về nhà, cùng nhau tự kiếm cơm do mẹ nấu sẵn để ăn, tự làm bài học bài và tự tắm rửa trước khi chờ mẹ đi bán về. Bà mẹ không còn có thói quen đi sớm để mua trái cây ở bến xe ngựa. Bà đã có một số vốn vững chãi để hùn hạp với những người bạn hàng khác để mua bán và thầu những vườn cây tại các vùng phụ cận quanh thành phố biển. Những người bạn hàng buôn bán chung, kết thân với bà như thể ruột thịt. Họ thường tụ họp trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con để bàn bạc chuyện mua bán, tính toán tiền bạc và chia lời.
Hai đứa nhỏ vui mừng khi có nhiều người đàn bà tụ tập trong nhà. Thích thú hơn là chúng được xưng hô dì cháu với họ. Cách xưng hô tạo cho chúng cảm tưởng là có thêm một mối quan hệ gần gũi ruột thịt. Những người bán hàng chung với mẹ chúng là dì Ba, dì Ba Rỗ, dì Tư, dì Năm, và dì Chín. Dì Ba và dì Năm là những người bạn hàng cư ngụ tại ngã ba Thành, một miền quê, miền ngoại thành của thành phố biển Nha Trang. Họ thường đem hàng trái cây từ các vùng quê trên Thành đến bán cho bà mẹ hai con nhỏ, dì Ba Rỗ, dì Tư và dì Chín. Dì Ba Rỗ, dì Tư và dì Chín cư ngụ tại thành phố Nha Trang. Họ cùng hùn vốn với bà mẹ hai con nhỏ để mua trọn số trái cây của dì Ba và dì Năm đem từ các miền quê Thành xuống rồi bán lẻ tại chợ Đầm. Thỉnh thoảng tất cả những người bạn hàng này hùn vốn để thầu những khu vườn trái cây trên các vùng miền quê Thành, nơi mà dì Ba và dì Năm không thể nào đơn phương thầu hết thảy.
Mỗi chiều đi học về, hai đứa nhỏ líu lo, nhộn nhịp với những người dì bạn hàng của mẹ. Trong khi những người lớn họp nhau lại để đếm số trái cây thừa và chia lời thì hai con nhỏ hưởng những “mặt trái cây”. Những trái cây “làm mặt” là những trái mẫu bị thẻo hoặc bị cắt mỏng cho khách hàng nếm thử còn thừa. Cắt bỏ những phần bị thâm đen bên ngoài, hai con nhỏ thú vị nếm những phần còn lại của các loại trái cây khác nhau. Có hôm vì mải mê với những “cái mặt” trái cây và những trái bị loại vì không đúng chất lượng hai đứa quên đi những trò chơi dưới gốc vú sữa. Lúc đầu, hai con nhỏ chỉ được nếm những trái cây quen thuộc của địa phương như: cam Thành, bưởi Thành, quít Thành, chùm ruột chua, chùm ruột ngọt, soài tượng, soài Thanh Ca, vú sữa. Vài tháng tiếp theo sau đó, chúng được thưởng thức các trái cây với những cái tên khác lạ lẫn lộn với những cái tên quen thuộc như: cam sành Sài Gòn, quít ngọt Sài Gòn, bưởi Biên Hòa, soài cát Sài Gòn, soài thanh ca Sài Gòn, soài Ấn Độ, vú sữa trắng Sài Gòn v.v... Những trái cây to chắc, ngọt lịm với hai chữ Sài Gòn đã khiến hai con nhỏ tưởng tượng một khung trời huy hoàng và tráng lệ của một đô thị rộng lớn gấp vạn lần nơi mà chúng đang sinh sống. Hai chữ Sài Gòn còn làm cho hai đứa nhỏ nhớ lại lời đề nghị của bà bác gái Tư và chữ “dạ” của mẹ chúng ngày nào; tuy nhiên, sự gợi nhớ ấy chỉ là một cơn gió thoảng bởi vì sự buôn bán thành công và phát đạt của bà mẹ và các bà bạn hàng là một sự cam kết chắc chắn cho việc hai chị em con nhỏ sống bên nhau cho đến lúc trưởng thành.
Vào một buổi chiều trước Tết âm lịch, bà mẹ hai đứa nhỏ và những người bạn hàng của bà kệ nệ khiêng hai cái thùng gỗ mỏng và dẹp vào nhà. Kích thích bởi mùi thơm ngòn ngọt và là lạ, hai đứa đua nhau hỏi không ngừng:
- Cái gì vậy má?
- Trái cây hay cái gì vậy dì?
Vừa mệt vừa bị hai con nhỏ quấy rầy, những người buôn bán thi nhau la toang toáng:
- Đi chỗ khác! Chỗ người lớn làm việc!
- Đừng xáp vào đây nghe mấy đứa! Mấy trái này mắc tiền lắm đó!
- Có nghe không? Lì vậy hở?
Hai con nhỏ như không nghe bị mắng, tiếp tục hỏi:
- Trái cây sao không để trong rổ? Sao để trong thùng vậy dì?
- Trái này tên gì vậy dì?
- Sao người ta bọc mấy trái này làm gì vậy má?
- Trái cây Thành hay trái cây Sài Gòn mà lạ vậy má?
Bà mẹ la lớn hơn mấy bà buôn bán chung:
- Mấy đứa bây có đi ra chỗ khác chơi không? Chuyện làm ăn của người lớn hỏi làm gì?
Dì Tư can thiệp:
- Chị nói như vậy tụi nó càng hỏi nữa cho coi. Nói đại cho tụi nó đi cho rồi.
Dì Chín từ tốn giải thích cho hai đứa nhỏ:
- Mấy trái này là trái bom, trái lê đó.
Dì Tư mím chặt hai cái môi vào nhau rồi mở nhanh để cải chánh:
- “Pom”chứ không phải là “bom” đâu chị à.
Dì Chín xuề xòa:
- Tui nghe ổng đó nói là “bom”. Tui đâu biết đâu. Gọi là gì cũng được mà. Nó là trái táo chứ trái gì. Bày đặt “pom”, “pom”, mím hai cái môi mệt bắt chết!
Dì Ba Rỗ cãi lại:
- Đâu có chị! Trái táo nhỏ xíu xiu hà! Như trái táo Tàu nhỏ xíu mới gọi là trái táo. Còn trái này giống như trái táo nhưng to gấp mấy lần, lại đỏ tươi, bóng lưỡng nên người ta mới gọi là trái “bom”!
Dì Chín chép miệng:
- To thì gọi là táo Tây không được sao mà gọi là “pom”, “bom”. Mà mấy chị muốn gọi “bom đạn”gì cũng được. Có một cái tên không mà thấy cũng rắc rối rồi! Tại mấy chị nói quá tui phải bằng lòng mua để bán thử chứ tui sợ bán không được đó! Không biết người ta có mua cho không?
Dì Tư trả lời một cách lạc quan:
- Sao lại không? Mình nghe mùi thấy đủ thèm muốn ăn rồi, huống hồ khách hàng.
Dì Ba Rỗ bồi thêm:
- Chị Chín hay có tật sợ mua hàng lạ cho nên bao nhiêu lần tụi mình mất mối ngon đó! Không mua để người khác họ mua, họ lấy mất khách hàng của mình.
Dì Chín không trả lời, cũng không nói gì thêm, chằm chằm nhìn hai đứa nhỏ đang lăng quăng quanh hai cái thùng gỗ dẹp có những trái đỏ và vàng được bọc giấy quyến trắng mềm bên trong.
- Không được thò tay chọt mấy trái “bom” đó nghen mấy đứa! “Bom” mắc tiền lắm à!
Con nhỏ em vừa hít mùi thơm vừa hỏi:
- Có lấy trái “bom” “làm mặt” không dì Chín?
Dì Tư trả lời như thay cho dì Chín, vừa như căn dặn mọi người:
- “Bom” này mắc tiền lắm, khách nào muốn mua thì mua chớ mình không “cắt mặt”, “cắt mày” gì cả!
Con em vẫn không tha, nó tiếp tục:
- “Bom” là trái màu đỏ hay vàng vậy dì Tư?
Dì Tư trả lời:
- Trái “bom” màu đỏ, trái lê thì màu vàng. Ủa?.. mà sao con thấy màu được vậy? Bộ chọt trái nào rồi hả?
- Dạ đâu có! Giấy bọc nó mỏng dính à! Con thấy được chứ. Đây nè, dì thấy không?
Con chị đến bên mẹ hỏi nhỏ:
- Trái này ở Thành hay ở Sài Gòn mà lạ vậy má?
Bà mẹ vừa đưa tay lau màng tang vừa trả lời:
- Mấy trái này ở Mỹ đó.
Con chị không hết thắc mắc:
- Mỹ là ở đâu vậy má?
Bà mẹ trả lời uể oải:
- Má không biết. Chắc ở xa lắm!
Con chị không hỏi gì thêm. Nó gọi em ra sân tiết lộ chi tiết thú vị vừa được nghe:
- Vy biết không, mấy trái “bom, lê” đó ở Mỹ đó!
- Mỹ là ở đâu?
- Ở xa lắm!
- Xa mà ở đâu?
- Ở xa hơn Sài gòn nữa!
- Nó có lớn hơn Sài Gòn không?
- Có chứ! Lớn nhất trên đời! Lớn “nhất trên thế giới”! lớn “nhất trên trần gian” luôn! Con chị đưa hai tay khoa vòng lên cao rồi giang ngang rộng hai bên hông để diễn tả cái rộng lớn của “nước Mỹ” nào đó.
Con em hỏi tiếp.
- Mỹ có đẹp không?
Con chị trả lời liều:
- Đẹp chứ!
Con em trầm ngâm, hỏi tiếp:
- Đồ ăn ở đó có ngon không?
- Ngon chứ! - Con chị bồi thêm - Nghe mùi thơm của “bom, lê” đủ biết rồi còn hỏi gì nữa!
Tối hôm ấy, mấy người dì bạn hàng quyết định ngủ lại nhà của ba mẹ con con nhỏ để ngày hôm sau cùng đem hàng ra chợ sớm. Theo thói quen, bà mẹ thắp hương cho Phật bà và chồng trước khi đi ngủ. Nể khách, bà dọn chiếu và mền để ngủ với họ trên nên xi măng trong“phòng thờ”. Sau khi tắt đèn và thị uy bắt hai đứa nhỏ im lặng ngủ, bà mẹ và những người bạn hàng bàn tính chuyện buôn bán, rồi tâm sự chuyện gia đình và con cái. Nằm trên giường bên nhau trong “phòng ngủ”, hai đứa nhỏ im lặng nghe ngóng. Chúng nhớ những điều mẹ cấm về tội “nói leo” hay “hớt lẻo” nên chúng không dám hỏi hay xen vào những câu chuyện của họ. Hơn nữa, những câu chuyện mà những người đàn bà buôn bán đang tâm sự dường như chẳng khác gì những mẫu chuyện của những ngày trước đó cho nên chả có gì thú vị cho chúng để tâm. Mùi nhang từ hai cái bàn thờ như đang bị loãng đi bởi mùi thơm ngào ngạt của những trái lạ. Con em xoay mình trăn
trở qua lại nhiều lần đến độ con chị phải nằm nhích ra xa nó hơn thường lệ. Phập phồng cánh mũi, con em hít lấy hít để, rồi nói nhỏ với chị:
- “Bom, lê” vẫn còn thơm ghê đó chị Hạ!
Con chị thì thầm trả lời:
- Ừ, thơm thật!
Con em tiếp tục nói nho nhỏ bên tai chị:
- Ước gì em được ăn “bom, lê”.
Con chị ghé tai em:
- Chị cũng vậy.
Hai con nhỏ im lặng một lúc, con em lại ghé tai chị:
- Chắc má không cho mình ăn “bom, lê” đâu!
Con chị thì thầm nhiều hơn để “dạy đời” em:
- “Bom, lê” là vốn để má bán mua gạo cho mình ăn đi học, làm sao ăn được. Vy đừng nghĩ chuyện ăn “bom, lê” nữa!
Con em im lặng, thôi thì thầm. Không nghe em hỏi, con chị cho là con em đang buồn vì chuyện không được ăn thử hai loại trái lạ kỳ và hấp dẫn mà lần đầu tiên nó được thấy. Con chị cũng buồn như em. Nó ao ước được ăn thử hai loại trái đầy quyến rũ ấy. Nó còn ao ước có được nhiều tiền để mua được hai trái thứ trái này, rồi nó sẽ cắt ra làm đôi. Con em sẽ có một nửa, nó sẽ có một nửa, rồi hai chị em nó sẽ vừa nhấm nháp vừa tán dóc dưới gốc cây vú sữa.
Càng về khuya, tiếng nói chuyện rầm rì của những người lớn từ phía trước “phòng thờ” càng lúc càng rời rạc hẳn đi nhưng mùi thơm của trái bom lê vẫn còn kết chặt với không khí trong gian nhà. Con chị hít nhè nhẹ cái mùi thơm ngọt lạ ấy vào trong buồng phổi. Nó thầm cảm ơn mấy bức tường của căn nhà nhỏ đã giữ kín cái mùi thơm đến tận đêm. Trong giấc ngủ, nó mơ thấy hai chị em nó đi lạc vào một khu vườn đầy cây ăn trái. Một khu vườn giữa mây trời như cảnh thần tiên mà trong ấy hai cây bom, cây lê lủng lẳng đầy những trái đỏ, trái vàng. Những trái bom, trái lê ngay tầm tay với tạo điều kiện cho chị em chúng hái đầy cả hai tay.
Trời sáng, hai chị em con nhỏ thức dậy như thường lệ để chuẩn bị đi học. Những người đàn bà đã đi bán từ lúc nào, hai cái thùng gỗ bom lê cũng biến mất, duy chỉ có cái mùi thơm của bom lê vẫn còn vương vất đâu đó trong nhà. Mùi thơm thoang thoảng tạo cho hai đứa nhỏ cái cảm giác luyến tiếc. Chúng tiếc hùi hụi là không được nhìn thêm hai cái thùng trái “bom, lê” thêm một lần nữa.
Trên đường đến trường, con em vẫn còn thắc mắc về những trái lạ:
- Chỉ có “bom, lê” Mỹ trên “trần gian” chứ chưa bao giờ có “bom, lê” Thành hay “bom, lê” Sài Gòn phải không chị Hạ?
- Ừ. Mình có bao giờ thấy trái bom, trái lê đâu!
- Chị có biết Mỹ khác Thành với Sài Gòn chỗ nào không?
- Mỹ lớn hơn Thành, lớn hơn Sài Gòn nhiều lắm!
- Mỹ đẹp không?
- Đẹp! Chỗ lớn hơn thì phải đẹp hơn rồi!
- Chị đi chưa?
- Chưa!
- Chưa đi sao chị biết?
Con chị tức con em hỏi đủ điều mà còn bắt bí nó nhưng nó chẳng chịu thua. Nó ra điều hiểu rất nhiều chuyện:
- Sao mà không biết!
- Sao chị biết?
- Ai mà không biết!
- Ai biết đâu? Sao chị biết ai biết?
- Ai mà không biết chứ! Chỉ có Vy không biết Mỹ đó thôi!
- Ai biết đâu?
Con chị gân cổ lên cãi:
- Bà nội biết nè! Bà nội biết được thì ai trên đời này cũng biết rồi. “Toàn thể thế giới” biết hết rồi!
- Bà nội biết hồi nào?
- Bà nội biết từ lâu rồi chứ bộ! Nếu bà nội không biết sao bà nội đặt tên cô Bảy là cô Mỹ? Bà nội phải biết nước Mỹ lớn, nước Mỹ đẹp mới đặt cô Bảy tên Mỹ chứ!
Con em nghe chị giải thích có lý nên im bặt. Còn con chị thầm cảm ơn bà nội đặt cô Bảy tên Mỹ nên nó có cơ hội lý luận với con em. Nó không biết Mỹ là tên chồng của cô Bảy và cũng không biết gì về phong tục gọi vợ bằng tên của chồng. Tuy nhiên nó không còn bị vặn vẹo, hay chất vấn về chuyện nói bừa. Cái tên hoà hợp với vẻ đẹp sang trọng của cô Bảy Mỹ khiến con em tạm tin những lời giải thích của chị.
Hai đứa vừa đi đến trường vừa trầm tư mặc tưởng cái tên Mỹ và sự quan hệ của cái tên ấy với mấy trái lạ mà nó chưa được thấy rõ trong hai cái thùng gỗ. Trong lớp học, trong giờ chơi, lúc tan học, chữ Mỹ và những trái bom, lê vẫn còn ám ảnh trong tâm trí của chúng khi mà cả hai đều hiểu ngầm là những thắc mắc của chúng chưa giải thích một cách rõ ràng và thỏa đáng.


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 8

Tan học, hai chị em con nhỏ hòa lẫn trong đám học sinh trên đường về nhà. Khi đến đường Phan Chu Trinh, ngang qua khu nhà lầu cao, hai đứa chợt nghe tiếng kêu của một người lính từ một trạm gác nhỏ.
- Nè! Nè mấy em nhỏ! Hai ông Mỹ này muốn cho mấy đứa kẹo nè. Mấy đứa lại đây để mấy ổng phát kẹo cho.

Đám học trò ngừng lại, ngơ ngác nhìn vào trong khu nhà lầu cao. Hai người đàn ông to lớn, da trắng, mắt xanh, trong quân phục đang tươi cười nhìn đám học sinh. Họ nói với nhau bằng những ngôn từ khó hiểu rồi đưa tay ngoắc tụi nhỏ đến gần. Mấy đứa nhỏ học trò vừa ngạc nhiên vừa sợ sệt, không một đứa nào dám tiến bước. Hai người đàn ông to lớn ấy dượm bước đến đám học trò với hai túi lớn trên tay. Họ trao tận tay hai đứa bé đứng đầu hai cái hộp nho nhỏ với hai gói kẹo xinh xinh. Hai đứa này hí hửng reo lên:
- Tao có kẹo sô cô la.
- Tao có nho khô. Coi cái hộp này đẹp không?
Mấy đứa khác nhận thấy hai người đàn ông to lớn không phương hại gì và ấm ức chưa được quà nên chen nhau réo nhặng nhị:
- Ê nè! Cho tui nè.

Cả bọn chen lấn, xô đẩy, ép dí hai chị em con nhỏ sát vào nhau. Con em hau háu nhìn những cái hộp nâu mỏng và những viên kẹo trên tay hai đứa được quà mà không biết xin hai người đàn ông to lớn ấy bằng cách nào. Đám đứa học trò, vừa la loạn xạ, vừa vây xung quanh nó như không muốn cho nó tiến đến gần hai người đàn ông da trắng, mắt xanh đang phát kẹo.
Con chị nói như hét vào tai em :
- Đó là ông Mỹ đó Vy! Thấy Mỹ chưa?
Con em bực mình, nói lớn không kém:
- Biết rồi! Em muốn xin kẹo thôi!
Đám học trò lộn xộn khiến hai người đàn ông Mỹ lúng túng cho bừa, đứa nhiều, đứa ít, đứa có đến hai lần, đứa chẳng có cái gì trên tay. Người lính canh la lớn:
- Làm gì giành giựt dữ vậy mấy đứa? Không sợ người Mỹ họ cười người Việt Nam mình hả?
Bất kể người lính la to bao nhiêu đám đông học trò tấn công hai người đàn ông nước ngoài bằng vòng vây kín mít. Người lính tức giận vừa dang tay giải tán đám học trò, vừa hét to:
- Tụi bây đi về hết đi! Không cho lấy kẹo nữa!
Không hiểu hai người lính Mỹ có hiểu những lời người lính Việt canh đồn nói gì không mà họ khua tay ra hiệu không cho mấy đứa nhỏ kẹo như tiếng hét của người lính kia. Họ đưa hết cả những gói kẹo và đồ hộp còn lại trong hai cái túi cho những đứa đứng gần mà không cần biết là chúng đã nhận quà hay chưa.
Không còn được chia kẹo, lại bị la, đám học trò giải tán hết. Hai chị em con nhỏ mặt mày bí xị vì không có được một gói kẹo hay một hộp đồ hộp nào. Con chị ốm như cây tăm nên không thể nào chen trong đám học trò để đến gần hai người đàn ông Mỹ đã đành, con em tròn trịa cũng bị đám học trò đẩy ra sau, chẳng có gì. Mặc cho mấy đứa học trò đi hết, mặc cho con chị réo nó về, con em vẫn đứng ì tại chỗ, rươm rướm nước mắt. Hai người đàn ông Mỹ xí xô xí xào nói với nhau một lúc rồi đi vào khu nhà lớn. Một lúc sau, họ đi ra, trao mấy cái gói cho người lính canh. Người lính gọi hai con nhỏ đến gần.
- Mấy ông Mỹ này thấy hai đứa không có gì nên cho mấy cái thứ này nè. Toàn là đồ hộp, và kẹo. Còn hai cái áo đầm này là cho con bé này.
Dứt lời ông trao hai cái áo đầm được xếp vuông vắn trong hai túi ni lông trắng cho con nhỏ em. Con em vui vẻ, chùi nước mắt đưa tay đón lấy. Con chị nhận túi giấy đựng đồ hộp, vui không kém con em. Nó khệ nệ kẹp cái túi vào sát với cái cặp rồi hớn hở giục em:
- Đi về mau đi Vy! Về khoe má! Má thấy mấy cái này, má mừng lắm đó!
Hai con đi nhanh như chạy. Đến nhà, hai đứa thả dép nhựa ngoài tam cấp, quẳng mũ, và cặp trên nền xi măng rồi lôi tất cả các thứ trong cái túi giấy và hai cái bọc ni lông ra.
- Kẹo nè chị Hạ! Con em đưa lên mũi, hít nhẹ, nói tiếp.
- Kẹo thơm ghê!
Con chị lắc mấy cái hộp thiếc nhỏ nghe ngóng rồi đọc chữ trên mặt từng cái hộp:
- Hộp này có tên là B1, Hộp này có tên là B2.
Con em tò mò:
- Không biết cái gì trong đó. Làm sao cạy nó ra được? Làm sao đục nó ra để coi cái gì trong đó?
- Không biết. Chị không biết mở, Chị không biết cạy cái hộp này ra đâu!
- Vậy thì ăn kẹo trước đi nghe chị Hạ?
Con chị chỉ cái gói ni lông:
- Mình mở mấy cái áo đầm này ra coi thử đã rồi từ từ ăn sau.
Con em nghe lời chị. Hai đứa lui hui mở hai cái túi ni lông một cách cẩn thận lấy hai cái áo đầm ra khỏi rồi chia nhau mặc thử. Hai chiếc áo đầm, một màu hồng nhạt, một màu vàng nhạt, đều có chung một kiểu và một cở. Cả hai đều có hai lớp, vải mỏng; lớp ren bên trong và lớp lụa mỏng bên ngoài. Khi hai đứa mặc thử chúng vào, chiếc áo màu hồng nhạt vừa khít thân hình nhỏ nhắn và tròn trịa của con nhỏ em như chủ định của hai người đàn ông Mỹ. Trái lại, chiếc áo màu vàng nhạt chật ních đến chẹt cứng hai bên nách của con chị và ngắn cũn tận trên hông của nó. Con em vui tươi hớn hở bao nhiêu, con chị buồn bã và thất vọng bấy nhiêu. Lúc con em nhận hai chiếc áo đầm xinh xắn ấy, con chị nuôi hy vọng sẽ có được một cái để cùng em mặc đến trường; thế mà khi nó mặc thử xong, hy vọng của nó tiêu tan. Im lặng, con chị xếp chiếc áo đầm vừa thử đặt yên trên nền nhà. Con em xúng xính trong áo mới, đến trước mặt nó, giang hai sợi dây lụa mỏng hai bên hông, nói vui vẻ:
- Chị Hạ thắt hai sợi dây nơ này dùm cho em đi.
Con chị gật đầu bảo nó:
- Vy quay lại đi. Chị thắt cho.
Con em huyên thuyên không ngớt:
- Áo đầm này đẹp lắm phải không chị Hạ? Thắt nơ nữa càng đẹp hơn phải không chị? Ước gì chị mặc vừa cái áo đầm vàng đó, chị em mặc đi học chung phải không chị? Ước gì chị em mình được mặc đẹp như nhau để đi học.
Những chữ “ước gì” của con em khiến con chị nhớ đến những ước mơ của nó. Những ước mơ gần nhất của nó không phải là những ước mơ có bà tiên, ông tiên, hay nàng Bạch Tuyết mà là những hình ảnh chị em nó quây quần bên người cha thân yêu. Nó tiếp tục gầy dựng thêm cảnh tượng ba nó trao cho những chiếc áo đầm đẹp, những món đồ chơi tối tân và mơ màng cảnh tung tăng nhảy lò cò với những đứa học trò giàu có trong trường Nữ Tiểu Học, cảnh đứng cạnh cô giáo vui cười hỏi han một cách tự nhiên khi chiếc áo đầm mới toanh quay chờn vờn tỏa nhẹ mùi thơm từ thân hình sạch sẽ của nó.
Con em hỏi lại lần thứ hai:
- Chị Hạ thấy em đẹp không? Sao em hỏi hoài mà chị không trả lời em vậy?
Con chị giật mình, nói vội:
- Đẹp! Vy đẹp lắm! Da của Vy trắng hồng mặc cái gì mà không đẹp chứ.
- Nhưng chị có nhìn em đâu mà nói em đẹp?
Tình thật, con chị không nhìn em như lời phàn nàn của con nhỏ. Nó đang nhìn lên trần nhà. Những mái ngói loang lổ và những màng nhện giăng đầy trên ấy. Ngọn đèn dầu mỗi đêm trong căn nhà đã làm ám khói đầy nhà. Khói đèn bám vào chiếc màn ngăn hai “căn phòng”, vào mùng, vào áo quần và tất cả mọi thứ trong căn nhà. Rồi đây hai cái áo đầm đắt tiền của con em sẽ cùng chung một số phận. Chúng sẽ bị ám khói đen và cũng trở thành màu cháo lòng hay xám đen như những áo quần khác trong nhà.
Buồn tủi, nước mắt con chị rơi ra. Hiện thực làm nó đắng cay và chua chát. Ước mơ được ba sống lại, được ba cho quà mỗi khi đi làm về, và được ba mua quà cho trong những ngày chủ nhật cũng chỉ là những sự bất ngờ do cô tiên ban phép cho những đứa trẻ ngoan trong những mẫu chuyện mẹ kể. Chúng chỉ là những ảo giác trong trí tưởng tượng của nó chứ chẳng bao giờ xảy ra trong đời sống thực bao giờ.
Tiếng chó sủa dồn dập cắt giòng tư tưởng của con nhỏ chị. Nó nhìn ra phía cổng, nhận ra mẹ đang xua hai con chó quấn quít xung quanh trong khi bước nhanh về phía căn nhà.
Con em vui mừng chạy ra đón mẹ, huyên thuyên:
- Má ơi, con có áo này đẹp không? Cái áo này đẹp không hả má? Má thích không? Con có hai cái lận.
Bà mẹ ngạc nhiên:
- Ai cho con cái áo này vậy?
Con em luôn mồm:
- Ông Mỹ, hai ông Mỹ đó má?
Bà mẹ lấy chiếc nón lá ra khỏi đầu. Trán bà lấm tấm mồ hôi. Khuôn mặt bà đỏ rực lại như đỏ thêm khi nghe con em nói những lời này. Bà chau mày hỏi:
- Mỹ nào? Ở đâu vậy?
Con em nói nhanh như không muốn chị tranh phần:
- Hai ông lính Mỹ chỗ nhà lầu lớn đó má. Hai ông lận! Ông cho tụi nhỏ học trò kẹo nhiều lắm! Tại con khóc, ông cho áo đầm đẹp này. Không đứa nào có áo đầm đẹp này hết, chỉ có một mình con có mà thôi!
Bà mẹ tức giận:
- Ai cho tụi bây đi xin đồ của Mỹ vậy? Ai bày đầu chuyện đi xin đồ vậy?
Con em đang huyên thuyên nói, chợt nín bặt. Tiếng nói lớn và giận dữ bất thình lình của bà mẹ làm nó há hốc miệng ra kinh ngạc. Nó không biết và không dám trả lời câu hỏi nào khi cảm thấy những câu hỏi kia không có chút gì yên ổn cho nó.
Bà mẹ túm vội quang gánh, quăng đại vào gốc dừa, rồi bước nhanh vào nhà, nói lớn:
- Vào đây mau lên! Leo lên giường nằm cho tao dạy!
Nhận ra lối xưng hô và lời nói hung dữ khác thường của mẹ, con nhỏ em cúi mặt xuống, sợ sệt bước theo sau bà.
Bước ngang đống đồ lổm ngổm trên nền nhà, bà mẹ chỉ trỏ:
- Mấy cái thứ này cũng do tụi bây xin của Mỹ về ăn phải không? Con Hạ cũng nằm trên giường cho tao!
Vất cái giỏ bên cạnh cái nón lá trên nền nhà, bà tất tả bước ra sân, vừa đi vừa la lối “Dám đi xin đồ của Mỹ về ăn! ”
Con chị chưa bao giờ thấy mẹ giận dữ như thế cho nên ngạc nhiên và sợ hãi lắm. Nghe tiếng lá tuốt ngoài sân, nó hiểu rằng mẹ nó đang bứt những cành mãng cầu để chuẩn bị đánh hai chị em nó. Ý nghĩ về chuyện bị đòn làm nó càng sợ thêm hơn; cho nên, vừa bước lên giường, nó đã vội đi ngang người con em để lẩn vào trong. Con em đang nằm úp, ngẩng đầu lên nhắc nó:
- Chị Hạ phải nằm ngoài. Má kêu em trước em nằm vô trong.
- Má đâu có nói đứa nào nằm chỗ nào đâu? Chị nằm chỗ nào cũng được chứ!
Dứt lời nó nằm úp cạnh con em, sát với cái màn giăng. Hai đứa chừa một khoảng rộng từ mép giường đến chỗ con em nằm và như thế hóa ra con em vẫn là người nằm phía ngoài. Hai đứa úp mặt rất lâu mà không nghe bà mẹ bước vào nhà. Tiếng la, tiếng tuốt lá ngoài sân không ngừng làm cả hai đứa hồi hộp khi nghĩ đến những chiếc roi mãng cầu. Con em không còn lòng dạ nào nghĩ về chuyện chỗ nằm trong hay ngoài, nó dí người sát vào người con chị hơn như để lấy hơi ấm và để bớt sợ. Hai đứa nằm ngay đơ như hai thanh củi so le, đầu úp, mũi miệng phì phò trên hai mặt gối như đang cầu nguyện. Im lặng không được bao lâu, cả hai giật nẩy mình khi nghe tiếng roi khua chan chát trên mặt chiếu và tiếng hắng giọng của bà mẹ:
- Tụi bây nằm “xít” ra đây.
Hai con líu ríu nhích người hướng về phía bà.
- Thêm chút nữa.
Hai đứa lại nhích ra như lời bà mẹ yêu cầu. Cũng như lần đầu, hai đứa chỉ xê dịch một tí tẹo. Và khi cùng nhích ra, thân người hai đứa vẫn dính sát nhau.
- Xít ra chút nữa nghe không!
Nghe mẹ la, con em giật mình, nhích xa con chị, đưa mắt hoảng loạn nhìn mẹ.
- Cúi đầu xuống nghe tao hỏi đây! Đứa nào bày đầu chuyện đi xin đồ của Mỹ? Bà mẹ dõng dạc hỏi.
Hai đứa thay phiên trả lời:
- Dạ không ai bày đầu hết! Con chị nói.
- Dạ không có ai. Con em nói.
Bà mẹ hỏi:
- Vậy sao có đồ lạ trong nhà?
Con em run rẩy trả lời:
- Dạ mấy người đó cho.
- Người nào? Con Vy im đi để chị trả lời! Bà mẹ nói lớn.
Con chị thưa rành rọt:
- Dạ ông lính Việt với hai ông lính Mỹ.
- Mấy ông đó ở đâu?
- Mấy ổng ở cái nhà lầu trên đường Phan Chu Trinh.
- Vậy hai đứa có xin phép ai chưa mà lấy đồ của người ta?
- Dạ chưa! Vừa dứt câu, con chị xoa mông vì cái roi mãng cầu quật xuống.
Mẹ nó vói người vào phía nó, vừa quất roi vừa nói:
- Chưa có ai cho phép tại sao nhận đồ của người lạ đem về?
Con chị mếu máo:
- Con không biết!
Bà mẹ la to:
- Dang cái tay ra chứ tao đánh gãy tay bây giờ!
Nói xong bà quất cho nó thêm một cái trên mông. Con chị bị đau vừa ấm ức, thút tha thít thít khóc trên mặt gối. Nó ấm ức vì mẹ nó chỉ căn dặn đừng bao giờ ăn cắp hay lục lọi đồ của người khác chứ chưa bao giờ mẹ nó căn dặn là đừng lấy đồ của ai cho. Con em hoảng sợ vì tiếng roi và tiếng khóc của chị nó nên không biết trả lời như thế nào cho ổn với câu hỏi của mẹ:
- Cái áo đầm này của ai cho?
- Dạ... dạ của ông kia!
- Ông kia là ông nào?
Nó nói như cà lăm
- Dạ... ông kia... ông kia là... là ông kia.
- Ông kia đó cũng là ông Mỹ phải không?
- Dạ!
Tiếng dạ vừa dứt nó lãnh trọn một roi quất trên mông. Hốt hoảng nó khóc òa lên. May cho nó là cái áo đầm ren phồng hai tầng dày nên nó không thấy đau đớn nhiều như tưởng tượng nhưng vì quá sợ nên nó khóc toáng lên một lúc rồi rên i ỉ để hòa theo tiếng khóc rưng rức của con chị.
Mặc kệ những tiếng rên khóc của hai đứa con, bà mẹ không ngừng giải thích cho chúng nghe những điều phải điều trái:
- Bất cứ ông nào bà nào cho đồ mà không được phép là không được lấy, nghe chưa! Đi học là đi thẳng đến trường, không được ngó Đông, ngó Tây chực xin đồ, nghe chưa!... Mấy ngày nay, tao nghe ngoài chợ nói cái chuyện con nít như tụi bây đi xin đồ Mỹ, đi chực đồ ăn Mỹ rất nhiều. Tại cha mẹ không biết chứ biết được không ai cho phép tụi bây làm chuyện này cả. Mình là người Việt Nam, có nghèo cũng thủ phận chứ không được xin xỏ đồ của người ngoại quốc, nghe chưa!
Hai con nhỏ dạ nhịp khi bà mẹ nhấn mạnh hai chữ nghe chưa chứ không hề biết mẹ nói gì và không nhớ mẹ dặn điều gì. Thỉnh thoảng chúng ngưng bặt những tiếng sụt sùi, và giật thót mình vì những tiếng roi vút chan chát trên chiếu. Con em nằm gần mẹ, sợ bà vô ý quất phải mông nó thay vì ra oai quất trên chiếu nên dạ lia lịa dù chưa nghe hết câu răn dặn. Tiếng dạ lập lại, lập lại liên hồi của con em không đủ sức làm bà mẹ nguôi giận khi thấy cái áo đầm mới. Bà phát cho nó thêm một roi trên mông.
- Đứng dậy hết! Còn con Vy cởi áo này ra rồi tới đây!
Con em vừa khóc vừa lồm cồm bò dậy. Lần này nó khóc to hơn lúc đầu, nhưng có lẽ chẳng phải vì đau mà tiếc bởi sắp bị mất cái áo đẹp. Con chị cũng lồm cồm nhỏm người bước ra khỏi giường. Khoanh tay đứng trước mặt mẹ và chờ em thay áo, nó thấy thương con em làm sao! Con em tội nghiệp chẳng khác gì con Tấm trong truyện cổ tích, mới được cái áo đẹp của cô tiên ban cho lại bị con Cám lấy trộm.
Như bà tiên nghiêm khắc, bà mẹ nhìn thẳng vào mặt hai đứa và hỏi một cách trang nghiêm:
- Bây giờ hai đứa nói làm sao? Con Hạ nói trước!
Con chị nhớ thuộc lòng câu mẹ dạy khi bị đòn roi nên nó nói làu làu như trả bài:
- Dạ thưa má, lần sau con không dám... Nó ngưng nói để không thốt ra chữ “xin” khi nhớ chắc là những món đồ nhận do những người lính Mỹ tự ý cho chứ không phải vì nó xin họ, rồi lập lại câu nói với chữ chính xác hơn - Dạ thưa má, lần sau con không dám “chực” đồ của người Mỹ nữa.
Bà mẹ gật đầu, giọng dịu hẳn lại:
- Đúng rồi! Nhưng mà không phải là chỉ với người Mỹ thôi đâu, nghe chưa! Không được chực bất cứ cái gì của ai! Mình đã nghèo phải giữ thủ phận nghèo; không được tò mò, không được táy máy, không được ăn cắp hay xin xỏ bất cứ đồ gì của ai cả!
Con chị cúi đầu thấp hơn:
- Dạ thưa má con biết rồi. Con lỡ lần này lần sau con không dám nữa.
Bà quay sang con em:
- Bây giờ con Vy nói sao?
Con em nước mắt, nước mũi hãy còn giàn dụa trên khuôn mặt xanh tái vì sợ. Nó vừa sụt sùi vừa bắt chước lời chị:
- Dạ thưa má con không dám lấy áo đầm của người Mỹ nữa.
Bà mẹ gằn giọng:
- Không phải chỉ có áo đầm thôi đâu nghe chưa! Cái gì cũng không được lấy! Ai cho cái gì cũng không được lấy chứ không phải chỉ có người Mỹ thôi đâu!
Con em vừa lau nước mắt, vừa nói:
- Dạ con nghe.
Bà mẹ hỏi vặn:
- Còn đi chực, đi xin nữa không?
- Dạ con không dám.
Bà mẹ đe:
- Nhớ đó! Lần này chỉ có hai roi thôi, lần sau còn tái phạm thì mỗi đứa bị gấp đôi. Bây giờ hai đứa xếp hết mấy thứ đồ này lại đem trả cho người ta đi.
Nước mắt con em trào ra. Nó nhìn mẹ van lơn. Bà mẹ không xúc động một chút nào; bà khẳng định lời đã nói:
- Hạ giúp em xếp đồ vào bao và dắt em đi trả đồ lại cho người ta đi, rồi về ăn cơm.
Hai đứa líu ríu nghe lời mẹ ngồi xuống nền nhà. Chúng xếp áo đầm, đồ hộp và các gói kẹo vào trong hai cái bọc ni lông và cái túi giấy một cách chậm chạp như muốn kéo dài thời gian.
Xếp mấy gói đồ xong mà chờ mãi không thấy mẹ thay đổi ý định nên hai con nhỏ đành mang dép, đội mũ, ôm hai cái bọc ni lông và túi giấy đi ra khỏi nhà.
Trên đường đi, con em cứ khóc tức ta tức tửi. Con chị an ủi nó:
- Nín đi Vy. Khi nào lớn lên chị kiếm nhiều tiền mua cho Vy áo đẹp.
Con em lắc đầu, chùi nước mắt:
- Em không muốn áo đẹp của chị! Em muốn hai áo này thôi!
Con chị không nói gì. Nó ngẫm nghĩ cách giấu hai cái áo để cho em được mặc đến trường. Nó muốn khoe với lũ bạn là hai ông Mỹ chỉ cho em nó áo đầm thôi và nó cũng muốn cho tụi nhỏ trong trường thấy em nó mặc đẹp chẳng khác chúng. Nó nói:
- Mình giấu hai cái áo này nghen Vy!
Con em đang khóc, chợt nín bặt. Nó nhìn con chị với đôi mắt hốt hoảng, lắc đầu:
- Không dám đâu! Em sợ má đánh.
Nghe em nhắc đến mẹ, con chị sợ hãi không kém gì con em. Nó nhớ lại trận đòn và những ngọn roi mãng cầu rồi rùng mình:
- Ừ, chị cũng sợ má đánh nữa, thôi mình đi trả hết mấy đồ này cho mấy ông Mỹ đó cho rồi!
Đến gốc cây me lớn bên góc đường cạnh một ngã tư, hai đứa đứng lại. Trong khi chờ hết xe trên đường, con chị tinh nghịch nâng cái túi giấy lên cao xốc lấy xốc để. Tiếng lịch kịch bên trong gợi nó nhớ đến gói kẹo chưa được thưởng thức. Thọc tay vào túm gói kẹo lôi ra, nó xé vội lớp ni lông, trao cho em một viên, và lấy một viên khác cho vào miệng mình. Con em được kẹo, vui hẳn lên. Nó xuýt xoa luôn miệng:
- Ngon quá chị ơi! Kẹo Mỹ ngon ghê! Nếu mà mình trả lại, không được ăn thì uổng lắm phải không chị?
- Ừ! Mùi thơm nó lạ ghê phải không Vy?
Con em luyến tiếc nhìn cái túi giấy trong vòng tay ôm của con chị:
- Còn kẹo trong bao mình trả cho họ hả?
Con chị ngần ngừ:
- Cái bao bị xé rồi, trả lại mấy ổng biết mình ăn cho coi!
- Chị cất lại để dành được không?
- Làm sao được? Chị đâu có cặp đâu mà cất?
Con em phụng phịu. Hai đứa đã đi đến con đường lớn Phan Chu Trinh và nó không thể nào ăn hết gói kẹo nhỏ ấy vì đã đến gần cái khu nhà lầu. Nó vừa nhai kẹo rào rạo, vừa thở phì phò tiếc rẻ. Đột nhiên, con chị reo lên.
- Chị biết chỗ giấu rồi! Vy ngừng lại đi!
Con em dừng chân như chị bảo, đưa mắt hau háu nhìn chị. Con chị lục trong túi giấy, lấy gói kẹo đủ màu ra, túm gọn, rồi vén vạt áo lên, cuộn gói kẹo vào trong lưng thun quần. Con em vui ra mặt, hối chị đi nhanh trả đồ để về nhà với số kẹo còn lại.
Hai đứa tới đồn canh gọi người lính gác. Người lính gác nhận mấy gói đồ, cười thông cảm:
- Ba má của hai đứa không cho lấy đồ chứ gì? Chú biết mà! Không có ai dạy con đi xin cả!
Mặt trời đã đứng bóng. Những con đường chúng đi qua ngập tràn ánh nắng chói chang. Mặc cho sức nóng của buổi trưa hun đúc ra sao hai con nhỏ rộn ràng vui sướng với kế hoạch của chúng. Sóng đôi đi bên nhau, chúng cười nói vui vẻ. Chúng không thiết nhìn những chiếc xe hơi bóng lộn đang lướt qua trên đường cái, cũng không để ý đến những người bộ hành đang ngược xuôi trên lề đường hay dăm ba đứa trẻ đang đùa chơi trên vỉa hè, và chúng cũng không biết rằng có hai bóng người nhỏ bé tung tăng theo chúng đang in hình trên mặt đất. Trong hai bóng người ấy, bóng cao ngòng của con chị với hai ống quần cái cao cái thấp chênh lệch một cách rõ rệt.