22/4/12

Khi lấy chàng (C16-20)

Chương 16: Xuống đáy biển sẽ mò thấy viên ngọc trai

Các cụ vẫn có câu: “Lên voi xuống chó” nhưng chưa lần nào được lên voi thì mình đã phải xuống chó rồi. Nói vậy có khi là bạc miệng, nặng lời quá với cuộc sống mà người ngoài nhiều khi nhìn vào và nói: “Còn tốt chán!”, song đúng là có những giai đoạn mình cảm thấy bí bách đến vô cùng. Chán ngán chỉ muốn nằm xuống, mặc kệ tất cả để buông xuôi.

Lấy chàng, tình yêu trong sáng bắt đầu được dán đè lên bởi những hóa đơn thanh toán, bởi những hớt hải lo đóng tiền ăn cho kịp dù chưa được lĩnh lương hay khoản nào đó hay ho.

Lấy mình, chàng bắt đầu nghỉ việc ở Xuất nhập khẩu Đà Nẵng. Chàng tự ái sếp thì phải. Đàn ông hay thật, tinh thần bất khuất tự cường muôn năm. Tinh thần ấy thường được lên cao khi không còn nhìn thấy mấy cái nồi trong bếp của vợ. Tinh thần chưa bị đói bữa nào thì chưa hết bất khuất đâu. Chàng bắt đầu cà phê sáng với bạn bè và tham dự cơn lốc của chứng khoán trong những ngày bong bóng lúc nào tivi cũng cảnh báo là sắp vỡ. Còn mình, tối đến là ngồi ngẩn ngơ xem còn bao tiền trong nhà và phải chi tiêu những khoản gì đây.

- Em chẳng biết cái gì cả. Bây giờ á, ngoài sàn đến cả bà đi bán rau cũng nghỉ buổi chợ để tham gia cơ mà. Các bà ấy không biết khai trên tờ lệnh còn phải nhờ người viết hộ mà vẫn xây được nhà to đấy.

- Em chả biết, nửa năm trước em có chơi chung với cái Thạch. Từ 20 triệu, chẳng hiểu làm sao em chỉ còn 6 triệu. Ngẩn ngơ cả người! Biết thế đắp vào người cho nó bổ béo. Em hết yêu chứng khoán rồi.

- Tại em ngu nên mới thế ấy chứ. Lại tin bạn nữa. Riêng anh á, chỉ trong một tháng thôi, anh sẽ sắm cho em con tay ga là ít. Miễn là giờ em đưa thêm tiền đây cho anh. Tầm này mới trúng này.

- Chả cần. Em còn phải sinh con, còn phải có tiền dự phòng trong nhà. Công việc của em biết đến bao giờ mới được tăng lương nên chả có khoản nào nữa đâu.

Thế rồi ngày nào chàng cũng đi đi về như thế. Nịnh nọt để xem mình còn khoản tiền nào thì lòi ra cho chàng. Chứng khoán, tự dưng như một mẻ bạc lớn, mẻ bạc mà cả làng Đông hai số cuối không phải ai cũng chơi.

Cái ví cứ mỏng dẹp cho dù mới mười ngày kể từ ngày lĩnh lương. Và rỗng tuếch khi nửa tháng đã qua. Nói với chàng, nhưng tai chàng ở cao quá không nghe thấy. Nói với ai bây giờ. Một buổi tối, mẹ chàng lên phòng mình, mẹ biết chàng không có nhà. Mẹ mệt mỏi, nằm kềnh lên giường thở dài:

- Hừm, tháng này có vẻ chậm lương quá nhể?

- À… à vâng. Sáng mai con đi làm, chiều con mang tiền về gửi mẹ, mẹ nhé. Con cũng chưa lĩnh lương đâu, nhưng chắc con xin tạm ứng trước được.

- Ừ thì tôi có hỏi gì đến tiền ăn đâu. Chỉ hỏi chơi thế thôi. Dạo này tôi cũng thua kinh quá. Có mấy con le le nuôi mãi không về. Bây giờ mà bỏ thì mất hết, phải nuôi tiếp thôi. Cùng lắm hai ngày nữa là nó về. Tôi tính chán rồi, chẳng có con nào câm đến sáu ngày đâu.

Mình dạ mẹ mà lòng nặng trĩu. Mình biết chỉ còn mỗi một chỗ để đi, mặt mo cũng phải đi.

Tút… tút…

Alô! Mẹ à.

Mẹ ơi con ngại quá nhưng vẫn phải hỏi mẹ.

- Mẹ cho con vay tạm 2 triệu để đóng tiền ăn mẹ nhé. Con cám ơn mẹ.

Nuôi cho lớn, cho ăn học, chẳng cho được đồng nào, giờ cô con gái còn quay về vay tiền để đóng tiền ăn nuôi chồng nữa. Mẹ không than thở một lời nào, chỉ lặng lẽ rút hết những đồng tiền tiết kiệm phòng khi vào viện cho con gái. Thương mẹ rồi cũng thương thân mình biết bao nhiêu.



Mình bắt đầu phải làm thêm cho một công ty nữa. Học hỏi nhiều thứ hơn để cả hai bên công ty đều hoàn thành tốt công việc. Có khi chỉ vì đọc một cuốn sách cũng mất luôn mấy đêm để kịp buổi hội thảo. Chàng càu nhàu vì ánh đèn làm chàng khó ngủ, còn mẹ thì cho rằng con dâu hư, đi tối đi ngày.

Công ty tổ chức triển lãm. Chẳng có ai được phép chỉ tay năm ngón, cho dù đó là người chịu trách nhiệm quản lý. Ngày hôm sau khai mạc mà hôm nay vẫn bộn bề quá, leo trèo, bê vác… mình cũng lao vào làm nốt cho nhanh để còn kịp về trước 11h đêm. Cái tối lạnh lẽ hắt vào mặt cơn mưa bụi khốn khổ. Mình rón rén mở cổng bước vào nhà. Mẹ đứng trong phòng nhìn mình qua khe cửa, chống hai tay vào mạng sườn, thở dài ngao ngán. Mẹ lắc đầu rồi đi ngủ tiếp. Chẳng biết có hay không đã bao giờ mẹ tự đặt ra câu hỏi: “Vì sao con trai mình nằm khểnh chân xem bóng đá trong khi con kia giờ này mới về?”, cho mình được hai chữ công bằng.

Công việc căng như dây đàn, lúc nào cũng ngổn ngang vội vã. Mình phải có một quyển sổ to để kê ra từ đầu giờ sáng hoặc từ hôm trước xem hôm nay có những việc gì kẻo quên mất. Cái đầu nhức như say xe, cổ họng khô cứng, nôn nao, bước xuống cầu thang mệt lử. Bà chị ở cơ quan bảo:

- Hay là mày có bầu?

- Đâu mà, chắc tại em mệt thôi.

Thử đi. Bây giờ hiện đại tiên tiến, tội gì mà không áp dụng. Mày cứ vô tâm thế bảo sao trông xấu. Cả đời chả thấy son phấn bao giờ.

- Vâng, thế để mai em đi khám. Chắc đi khám sẽ xinh hơn đấy chị nhể.

Nói rồi cả hai chị em cùng cười. Nụ cười tươi méo xẹo của mình lo lắng một hy vọng.…

Hai tuần sau.

Một buổi sáng, bước xuống cầu thang đi làm, mọi thứ mờ mịt trong những đường bay của con đom đóm. Đầu nhức như búa bổ. Xém tí nữa thì mình trồng cây chuối trên cầu thang. May cái lan can giúp đỡ, mình chỉ xây xước ngoài da. Chàng bảo:

- Mai anh đưa em đi khám nhé, nhìn mặt em chẳng có hột máu nào.

- Thôi, chắc em thiếu ngủ thôi mà. Chắc ăn thì anh mua cho em một cái que thử, hết có mười nghìn. Chứ đi khám chưa gì đã mất bồn mươi nghìn khám rồi, chưa kể thuốc đủ trò vè. Phải tiết kiệm anh ạ.

Vẫn biết cả làng đang đồn là mình tịt, vẫn biết ai cũng ngóng chờ, nhưng lúc này khi mà mọi thứ chỉ có đôi vai mình gồng gánh thì hy vọng kia bỗng trở nên nặng nề.



Sáng, cánh cửa buồng tắm mở, mình lay chàng dậy thật gấp. Cái mặt mình hơn hớn chỉ để báo một tin trọng đại:

- Anh ơi, mừng quá, hai vạch này

- Ừ.

- Ơ kia, anh được làm bố rồi đấy. Em cứ lo lắng, nhưng giờ nhìn thấy cái vạch này, không hiểu vì sao em vui thế cơ chứ, chúng mình phải ăn mừng thôi anh.

- Ừ, anh biết rồi. Để yên cho anh ngủ. Hôm qua xem bóng đá suốt đêm.

Mình đang vui nên không giận chàng. Chỉ tiếc tại sao chàng không ôm lấy mình mừng rỡ như mấy bộ phim tivi vẫn chiếu. Khi đi lấy chồng, mình cứ tưởng với đứa con đầu lòng, chàng cũng mừng ít nhất là cầm tay cảm ơn mình một câu. Có lẽ phim thì luôn chỉ là phim thôi.

Mình cứ lo sợ có con lúc này làm mình không đủ sức gánh kinh tế. Nhưng giờ thì tự dưng nỗi lo ấy bị lu mờ hết. Mình chỉ muốn hét lên thôi. Tự dưng thấy tự hào về bản thân quá, mình là đấng sinh thành, mình sắp có một em bé, một em bé biết ôm cổ mình thì thầm: “Con yêu mẹ”.

Lao xuống tầng một, nắm lấy tay mẹ chồng, mình reo lên:

- Mẹ ơi, con có bầu rồi.

- Ừ! có thế chứ. Tôi lại cứ tưởng cô tịt!

Mẹ vẫn giữ được vẻ mặt không chút thay đổi tí nếp nhăn, chẳng như mình cứ hớn hở tứ tung. Ôi trời, giật cả mình. Biết vậy chẳng chạy xuống nữa. Đứa cháu đầu lòng của mẹ mà không có tác dụng gì ư? Thế nếu tịt thật thì thế nào nhỉ? Nhưng thôi, phải gọi điện về cho mẹ yêu thôi.

Cuối cùng, cũng có người reo lên với mình qua điện thoại. Cuộc sống ơi, hình như có tia nắng nào đó cho lòng này thêm ấm rồi.



Nhìn lại những ngày nặng nề, mình không còn thấy ngao ngán mệt mỏi mà trầm uất nữa. Mẹ vẫn luôn dạy mình phải bao dung cho mọi thứ cơ mà. Cái cảm giác như xuống chó tự dưng nhẹ bẫng, chỉ như bị ngã xuống một đáy biển tối thôi. Nhưng biển sẽ lại trả về cho mình hậu hĩnh hơn vì mình thật can đảm. Biển trả về cho mình một viên ngọc trai quý. Một sinh linh bé nhỏ ở trong lòng.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 17: Cái tên

Mình ghét cái tên của mình lắm. Ngày xưa còn bé, mẹ vẫn thường cắt tóc con trai cho mình để đỡ phải mua thun buộc tóc, đỡ phải cắt tóc nhiều lần và đỡ nóng nữa. Mắt to miệng rộng, lại toàn mặc thừa lại đồ của các chú các bác, buổi trưa đi thả diều, mặt đỏ tía tai, nếu có ai hỏi:

- Cháu tên là gì?

- Dạ, cháu tên là Thu Hiền ạ. Ông nội cháu bảo đặt tên thế có nghĩa là mùa thu dịu hiền ạ.

Thế là tất cả mọi người đều ôm bụng cười lăn lóc. Cười vỡ cả bụng. Những tiếng cười chạy dọc theo cả thời phổ thông. Đến giờ, ai hỏi mình tên là gì, mình biết trước nếu nói ra thể nào họ cũng cười.

Có bầu, nghĩa là mình sẽ là mẹ, người sẽ cho sinh linh bé nhỏ kia một sự sống, một vòng tay yêu thương và một cái tên thật oách. Ít nhất là không làm khổ những người xung quanh. Làm cho họ mỗi khi hỏi tới là phải cười bò lăn bò càng. Nhỡ đâu sau này lớn, em bé sẽ giận mình thì sao.

Thế là nghĩ. Nghĩ từ lúc bụng nhỏ đến lúc bụng to vẫn nghĩ. Chẳng thể tìm ra một cái tên hay. Lên mạng bới móc, ngồi toét cả mắt vẫn chưa thôi kiếm tìm. Bế tắc, tên hay thì đụng bề trên bề dưới. Tên xấu thì không thể được rồi. Nửa đêm thức giấc, lại bật giậy ngồi nghĩ, mình quay sang chàng hỏi ý kiến, chàng thều thào trong cơn mơ: “Tùy… em.” làm mình điên tiết. Đấm chàng mấy cái rồi lại bực dọc nằm suy nghĩ. Cơn buồn ngủ ôm lấy mình nhẹ nhàng nhẹ nhàng.


Buổi chiều…

Đi làm về mệt mỏi, mình tháo bỏ đôi giầy rồi lao vào tủ lạnh kiếm tìm chai nước mát. Bỗng, ối trời ơi!

Một ông tiên từ trong hộp sữa đặc có đường bước ra. Ông ấy là ông Thọ chứ nhể? Ông tiên vác theo một cái bao tải to lắm, như cướp nghề của ông già Noel ấy. Ông nói:

- Ta sẽ đặt tên cho con gái nhà ngươi.

- Thế ạ? Cháu cảm ơn ông.

- Tên con nhà ngươi sẽ là như thế này nhé….

Nói rồi ông lôi trong cái bao tải ra một cái tên. Ai chà, không được rồi, tên đó đụng vào tên họ hàng. Ông tiên lại lục lọi tìm trong bao tải cái tên khác. Không được, tên đó vẫn trùng. Ông tiên cúi xuống bới tìm cẩn thận, đưa cho mình cái tên nữa. Không được, tên gì mà xấu òm. Cứ thế… cứ thế…

Lục lọi kiếm tìm…

Không được, trùng rồi…

Bới bới kiếm tìm…

Không được, xấu ơi là xấu…

Lục lọi…

Không…

Lục lọi…

Không ….

Giờ thì cái bao tải đã trống toác, bao nhiêu tên mình không ưng đều bị vứt đi. Ông tiên mệt mỏi chán nản như muốn thua cuộc. Cái chuyện tìm tên có vẻ làm hai ông cháu mất cả buổi chiều sang đến cả buổi tối. Nản chí, ông tiên ngửng mặt lên trời, giơ hai tay lên đầu thét lên uất ức. Nhưng tiếng thét mới được một nửa thì đã thấy ông tươi như hoa quay lại nhìn mình đầy phấn khởi:

- Ta nghĩ ra tên cho con gái ngươi rồi

- Là gì ạ?

- Là Nguyệt Đan. Có nghĩa là viên linh đan quý ở trên mặt trăng. Hằng Nga có cái chầy giã thuốc đấy, xem phim Tây Du Ký chưa, nhưng chưa bao giờ Hằng Nga làm được linh đan đâu, thành ra quý lắm đấy nhá.

….

Bật dậy, trời còn nhá nhem 4h sáng, mình vội vàng ghi lại tên Nguyệt Đan vào tờ giấy, cất cẩn thận vào ngăn kéo và ngủ tiếp. Giấc mơ lạ kỳ.

Lúc ấy, mình bầu được bảy tháng.



Chỉ còn hai tuần nữa là đẻ rồi. Mà mãi chàng chẳng dám bảo bố mẹ chàng là bọn mình sẽ đặt tên cháu. Phức tạp thật, ông bà có đẻ đâu mà cứ muốn giành lấy quyền đặt tên thế nhể.

Nhiều nhà bị ông bà đặt cái tên hay quá làm bố mẹ cháu cứ ấm ức mãi. Còn mình, mình đã thề với cái hộp sữa ông Thọ trong tủ lạnh rồi, sống chết gì mình cũng tranh đấu để được đặt tên trong giấc mơ lạ kỳ kia cho con. Chàng bảo mình:

- Kệ ông bà, ông bà muốn đặt tên gì mà chả là tên.

- Không.

- Ông bà chẳng lẽ không được đặt tên cháu à?

- Anh đừng có vớ vẩn. Thế em là cái gì mà không được đặt tên? Ở đây ai vất vả nhất? Ai đau đớn nhất? Ai đẻ ra nó?

- Thế thì em đi mà bảo, anh chẳng bảo đâu?

- Anh không phải là bố nó à? Sao anh lại nhu nhược thế không biết. Bố mẹ đẻ ra anh mà anh còn sợ rúm ró thế kia thì anh làm được cái gì cơ chứ. Chưa biết chừng mới nói được ba từ thì đã ngã vật ra ấy chứ. Sợ quá đứng tim mà chết!

Chàng lẩn đi chỗ khác. Những lời kích tướng theo binh pháp Tôn Tử của mình hình như không có nghĩa lý gì. Tôn Tử nói: “Tiểu nhân và đàn bà là hai thứ khó trị nhất”. Nhưng bây giờ , chắc Tôn Tử có sống lại cũng phải công nhận rằng: “Thiếu, mới có hai dạng người đó là thiếu, phải kể cả chàng nữa mới đủ. Dạng người khác thường”. Thôi thì cuộc chiến đấu vì cái tên mình phải đơn phương độc mã vậy. Cuộc chiến bắt đầu:

- Mẹ ơi, hôm qua anh Hậu nằm mơ thấy có thần hiện lên bảo đặt tên em bé là Nguyệt Đan đấy mẹ ạ.

- Cái gì?

- Vâng, sáng nay anh Hậu kể với con thế. Nếu đặt tên theo mộng thì sau này cháu lớn lên học hành và làm ăn đều có người phò tá cả.

- Này, im đi nhé. Mày đừng có nói mà ông bố trong phòng nghe tiếng lại ghét đấy. Đặt tên cái gì mà đặt tên.

Xong!

Mình dùng kế Ve sầu lột xác mà cũng không nổi. Mọi tội lỗi đổ hết lên đầu chàng mà bố mẹ cũng không cân lên xem trọng lượng nó là bao nhiêu. Cũng phải, chàng có là ai ở nhà này đâu. Mẹ siêu thật, chỉ một câu nói nhỏ mà cũng làm mình tụt lủn không dám nói gì nữa.

Từ đó, mình quyết tìm cơ hội khác. Mình dùng kế Mưa dầm thấm lâu. Những ngày sắp đẻ, ai hỏi han cũng kèm câu: “Thế đặt tên bé là gì?”. Và tất nhiên, mình nhanh nhảu trả lời cái tên như mình mong muốn. Mẹ chỉ cười cười, mẹ bảo họ: “Thì nói thế thôi chứ đã tìm được cái tên nào đâu”.

Ôi, sao cái cuộc chiến này lại gian truân thế này.

Kệ, đã thế bao giờ đi đẻ về, có giấy chứng sinh rồi mình sẽ bắt chàng đi làm giấy khai sinh luôn. Làm xong mình sẽ giấu đi. Chẳng thể làm gì được mình. Đã thế thì cùn tí. Mình cùn, bố mẹ sắc, xem ai mẻ sớm hơn!


- Con làm như thế là không được, ông bà là bề trên, con có làm gì cũng phải xin phép đàng hoàng. Cái tên đó là tên đẹp, bố mẹ cũng thích lắm nhưng con và thằng Hậu vẫn phải xin phép ông bà bên ấy cho đặt tên mới được. Chứ cứ làm theo ý mình, về sau ông bà ghét cả bố mẹ lẫn cháu. Đâm ra con bé thiệt thòi. Khổ thân nó.

Những giận dỗi vác về nhà đẻ để xả ra hình như bị những lời nhẹ nhàng của bố biến nó thành có tội. Mình thấy mình sốc nổi, thấy mình ồn ào mà chẳng nghĩ được là bao. Bố nói đúng, có lẽ những bon chen đời làm bố nghĩ cho con gái khi đi lấy chồng nhiều hơn. Mình thấy mình có lỗi với bố mẹ chồng biết nhường nào nếu như chống đối kiểu này. Bố đẻ mình đã ốm hai năm nay rồi, giọng bố khản đặc nhưng những lời của bố làm mình thương bố quá. Bố ơi, nếu không có bố, làm sao con nghĩ được ra biết bao nhiêu điều. Bố ơi, con biết con phải làm gì để bố mẹ an lòng rồi.


- Anh, thế rút cục anh có đủ can đảm để nói với bố mẹ anh về cái chuyện đặt tên cho con không? Em sẽ đi theo anh, đứng đằng sau anh để anh có thêm nghị lực. Nếu anh không đủ can đảm đứng trước bố mẹ mình để lo về tương lai con mình thì anh ở lại phòng này. Em cũng chẳng cần anh đứng sau em làm gì, em sẽ nói với bố mẹ dù chỉ có một mình. Chỉ sợ lúc ấy, bố mẹ anh sẽ đuổi em đi thôi. Lúc ấy anh tay trắng đấy: không vợ, không con. Và em thề, em sẽ không ở lại căn nhà này nữa đâu. Chẳng có gì níu kéo em cả. Em chán lắm rồi. Em cứ ngỡ đã kiếm tìm được một bến bờ vững chắc, nhưng cuối cùng chỉ làm một cái ô làm bằng lá cọ che mưa. Gió bấc thổi, ô bay, em chỉ còn lại một mình. Tốt nhất để an toàn cho mình, cho con, em sẽ về nhà em.

Chàng lặng im… chơi điện tử trong góc giường. Mặc cho mình muốn độc diễn thế nào thì độc diễn. Cái mặt chàng nhăn như bị, làu bàu. Mình không nói nữa, người khôn nói ít hiểu nhiều, mình mở tủ thu xếp đồ đạc. Đều đều, đều đều. Không nhanh, cũng không chậm.

5 phút…

Mình vẫn cặm cụi thu xếp đồ đạc, đều đều, đều đều…

10 phút 15 giây…

Mình gạt nước mắt gấp lại những thứ của con mà mình đã chuẩn bị để đón chào nó…

16 phút rưỡi…

Chàng vứt điện thoại vào góc tường kêu đến bốp, làu bàu chửi đổng mấy câu rồi vùng vằng đứng dậy bước phừng phừng xuống phòng bố mẹ. Trước khi đi, tiếng thở dài của chàng vẫn còn hắt lại, đập vào cánh cửa phòng và bắn về phía mình. Tiếng thở dài nặng thế mà lại như một cơn gió, làm mình… khoái chí. Chẳng biết lúc này đàn ông họ nghĩ gì nhỉ? Có cần thiết đi gặp bố mẹ đẻ ra mình mà phải dũng cảm thế không?


- Đấy, em hài lòng rồi nhé, (chàng vẫn vùng vằng), bố mẹ bảo muốn làm trò gì thì làm.

- Bố mẹ đồng ý đặt tên là Nguyệt Đan rồi à?

- Ừ, em muốn đặt tên gì thì đặt, được chưa? Còn bây giờ thì để anh yên.

- Không, còn một việc nữa anh phải làm.

- Lại cái gì nữa đây?

Chàng rít lên khó chịu khi nghe tiếng “không” đanh thép của mình. Mặt chàng nhăn nhúm lại như cái bánh bao lúc nặn bột bị lỗi ấy. Mình vẫn tỉnh bơ thế, đứng dậy, ra đúng chỗ chàng đang ngồi chơi điện tử, ngồi xuống, với tay lấy điều khiển, bật ti vi xem chăm chú và nói:

- Cất hộ em đống quần áo kia vào tủ. Anh nói rồi thì em không đi nữa. Ban nãy em dỗi, giờ… em hết dỗi rồi. Cất đi nhanh lên, 10 phút nữa có phim chính bây giờ đây này.

Cái bánh bao nhăn nhúm nở dần dần như được hấp chín vậy. Chàng đỡ lo và mừng rỡ hơn hẳn. Căng thẳng của chàng sao lại dễ hóa giải thế nhỉ. Chàng nhún nhẩy như con chim sâu đi cất đồ cho mình. Còn mình, thầm nghĩ: “Phù! May quá! Lão ấy mà ngồi lâu tí nữa thì mình hết cả quần áo để gập. Tí nữa thì bị về nhà mẹ thật. May quá bài kích tướng này cuối cùng cũng ra trò”.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 18: Lòng ghen tị

Mình sinh ra trong gia đình binh nghiệp nên hai tuổi đã phải ở với ông bà nội trong kỷ luật thép rồi. Hồi đó, mẹ bảo nhớ mình lắm mà chẳng dám cãi ông bà, đành chịu cảnh cách xa con, tuần đón về hai ngày thứ bảy chủ nhật. Sáng thứ hai mình lại về với… đơn vị ông bà nội. Đằng sau cánh cửa nhà ông bà lúc nào cũng có một cái chổi phất trần. Góc nhà có một cái roi được vót cẩn thận bằng giang. Góc bếp có cái chổi chít với cái cán vừa to vừa dài, cái cán chổi dễ phải cao hơn mình tới 20 cm cũng nên. Ôi, ký ức tuổi thơ của mình mấy cái đó sao mà rõ nét thế! Chốt lại cũng là để ông bà bảo sao thì mình phải tuân theo như vậy, cãi là chết, bướng là chết, chống đối lại càng… chết.

Cũng tại bố mẹ làm công nhân nghèo, chẳng đủ tiền cho đi Trường mẫu giáo Bình Minh. Một trường nổi tiếng ở khắp khu vực Bưởi. Đến bây giờ vẫn nổi tiếng. Một trường được hát, được múa, được cơ man là đồ chơi. Một trường mà đứa trẻ nào vào học là coi như được vào thiên đường. Thế là thi thoảng, bám gấu áo bà đi bán ngan vịt trong ngày phiên chợ, đi qua Bình Minh, mình cứ cố ngó vào, cố nhìn theo, cố níu lấy chút thòm thèm qua cánh cổng sắt to đùng cao ngất ngưởng. Còn bà thì mắng: “Ai bảo bố mẹ mày nghèo!”.

Cuối tuần, bố mẹ đón mình về. Mình bảo:

- Mẹ ơi, bà bảo tại bố mẹ nghèo nên con không được đi Bình Minh. Nghèo là gì hả mẹ?

Mẹ xót ruột, chiều thứ bảy đi đón con, mẹ tiện đường đưa mình vào Bình Minh ngồi nhờ cái bập bênh và chơi cái máng hình con voi có thể trượt đặt giữa sân trường. Mình sung sướng cười tít cả mắt. Chỉ tít mắt năm phút thôi, bác bảo vệ đã đuổi hai mẹ con ra khỏi cổng rồi. Mẹ vội bế mình lếch thếch đi ra trong tiếng rối rít xin lỗi bác bảo vệ. Ra đến cổng, mẹ đặt mình xuống, xoa đầu mình, nắm lấy hai tay mình, hình như lúc ấy mẹ cười, nụ cười méo mó. Mẹ bảo:

- Con ở với ông bà cho ngoan, cần gì phải vào Bình Minh. Kệ bọn trẻ con trong khu tập thể con ạ. Mình không vào cũng có sao đâu.

Chẳng hiểu sao mình bắt đầu thấy trong cổ họng có cái gì khác lắm. Mình còn quá bé để hiểu trong lòng mẹ xót xa như thế nào. Mình chỉ biết trong lòng mình thôi. Chỉ vì không được vào trường Bình Minh trượt cái máng bằng sắt gỉ hoe mà mình òa khóc, ngoạc cái miệng ra cố gào cho tất cả mọi người chú ý, đặc biệt là mẹ. Ở trong cổ họng, cái cảm giác chưa miêu tả được cứ nhoi dần lên, nhoi dần lên tức từng tực. Cảm giác khó chịu càng lúc càng to dần, ức ức cứng trong họng, muốn gào, muốn lăn đùng ra giãy dụa, muốn khóc, muốn xông vào đâu đó đập phá. Rồi so sánh, cái cảm giác so sánh mà mình được đưa vào làm nhân vật chính. Rồi những thán từ: giá mà, nếu mà… Rồi những ganh ghét những người không cần thán từ cũng có điều mình muốn. Cuối cùng chốt lại là lặng lẽ, tự mình gặm nhấm tất cả mớ hỗn độn đã xảy ra. Người ta gọi đó là ghen tỵ.


Lớn lên rồi, có biết bao lần mình bị ngã vào mớ hỗn độn đáng sợ ấy. Mớ hỗn độn rối bời khiến mình xấu tính đi. Một nửa tối om trong những gì tốt đẹp nhất mà mẹ vẫn luôn dạy dỗ, kỷ luật thép của ông bà vẫn dạy dỗ.

Lấy chàng, rồi chợt nhận ra bố mẹ chàng cưng các em hơn chàng. Thuyền theo lái, chàng chẳng là gì trong nhà nên đương nhiên phận con dâu mình cũng chỉ là cái bóng của cái bóng mà thôi. Buồn, thất vọng, và cứ miên man nghĩ. Chàng thì sôi nổi bốc đồng ở đâu không biết, cứ về đến nhà là lặng yên như con mèo mới bị… cắt đuôi. Chàng sợ bố mẹ đến nỗi xuống tầng một lấy hoa quả ăn, thấy bố mẹ vẫn ngồi xem tivi, chưa đi ngủ, là chàng lại quay lên gác, không dám lấy nữa. Gái có bầu, đang đói, phải chờ bố mẹ chồng đi ngủ mới được ăn thêm. Mình sôi máu, bực dọc, tủi thân và… ghen tỵ với tất cả những bà bầu khác. Mình cứ có cảm giác ghét chàng đến thế. Có lần mình ước: “Giá như mình lấy ai đó thì có lẽ mình đã không nghèo thế này, đã không bị đói dù đã ăn cơm tối no nê, đã không phải lo lắng từng đồng ra đồng vào. Đã được chồng bênh mỗi khi bị bố mẹ nói nặng lời như thế, đã có cuộc sống sung túc như trong phim. Mình có đến nông nỗi nào đâu? Có xấu xí đến mức ế chồng đâu cơ chứ. Sao mình lại đi lấy chồng?”. Thế là hai vợ chồng chưa có lý do gì hết, chàng chỉ hỏi một câu bâng quơ gì đó trong dòng suy nghĩ đang miên man kia, vậy là có lý do, lý do để mình lại cáu, lại gây gổ và quay mặt vào tường khóc. Hỡi bức tường, giá như mi biết dỗ bà bầu thì hay biết mấy. Giờ thì mình tin rồi, các chị ở công ty bảo: “Bà bầu nào cũng khó tính như ma”. Công nhận khi vác bầu, mọi thay đổi trong cơ thể làm mình như người đi mượn. Bực tất tần tật mà chẳng cần có lý do. Giá như đàn ông phải vác bầu và đàn bà lúc ấy sẽ thương xót mà thấu hiểu. Mình lại bắt đầu ghen tỵ.

Đi lấy chồng, mẹ chồng bảo với hàng xóm:

- Gái quê ấy mà, vừa luộm thuộm vừa nghèo. Chả chắc đã nuôi được chúng tôi. Có nhà anh Nghĩa nhiều tiền, không có nó thì chết. Nên ăn cây nào rào cây ấy thôi. Chả trông mong gì vào nhà vợ chồng anh Hậu.

Chắc đấy là lý do về sau mẹ lại quý em dâu đến thế.

Công nhận mình quê thật, đôi khi đứng trước tủ băn khoăn mãi chẳng biết phải mặc gì đi làm. Lúc còn eo ót đã phải suy nghĩ, giờ có bầu còn suy nghĩ hơn. Mặc đẹp thì khó chịu, mặc dễ chịu thì chẳng ai bịt được miệng cười. Những gã đàn ông cứ hay chê vợ, nhưng để các gã ấy vác bầu xem có phải đứng trước tủ nát óc suy nghĩ như mình không? Nhất là bầu vào mùa đông, áo khoác còn chẳng kéo được khóa. Lấy chàng lâu rồi nhưng mình vẫn ngại mở tủ lạnh nhà chàng lắm. Bầu thì hay đói nhưng đành đi mua đồ ăn về giấu giấu giếm giếm mang lên phòng rồi lại cất cất che che. Chàng biết, nhưng chàng kệ. Chỉ an ủi mình những lúc nửa đêm chuột rút, nghe tiếng hét là bật dậy đấm đấm gang bàn chân cho vợ. Tiếng hét êm xuôi thì chàng lại lăn kềnh ra ngủ tiếp như thể bị dính bùa mê.

Cũng bởi mình sinh ra trong gia đình bố mẹ làm công nhân nên mọi thứ đều phải tiết kiệm. Thế là về làm dâu, mẹ chồng không khỏi ngỡ ngàng. Nhà mẹ không giàu, cũng chỉ đủ ăn nuôi ba con học hành hết đại học, rồi các con tự đi mà kiếm sống. Xuất phát điểm là nhà lao động kiếm bữa ăn để cho vào đĩa, nhưng nhà không có tủ chạn, vì ăn xong còn thừa bao nhiêu là đem đổ liền, kể cả còn thừa non nửa đĩa thịt gà. Miết thành quen, thành truyền thống của gia đình mà mình không hay biết. Tồ tẹt, nhiều lần mẹ đổ thức ăn đi mình tiếc lắm, lại ngồi tỉ mẩn lọc bỏ xương rồi đổ vào hộp nhựa bỏ tủ lạnh cất đi. Mẹ mắng:

- Mày không đổ đi còn bỏ vào đó làm gì cho đầy tủ ra à?

- Con làm sẵn mai nhà mình ai ăn sáng chỉ việc lấy ra nấu mì hoặc rang cơm ạ.

- Ai ăn? Nhà tôi chẳng ai ăn những thứ đấy. Cô có ăn không thì giữ lại không thì đổ đi cho tôi nhờ.

- Con có ạ.

Thật thà quá cũng dở. Mình đâu biết rằng đó là mấu chốt vấn đề mới cho mẹ ra đầu làng nói chuyện. Mẹ bảo với hàng xóm:

- Con gái quê ấy chỉ ăn thịt thôi. Chỉ ăn thịt là thịt.

Hì… hì… hay thật!

Khổ, nghĩ lại vừa buồn cười vừa trớ trêu, công nhận nếu có nhà ai mới tậu con dâu về mà nó cứ nhìn rau gắp thịt thì đáng để cho mọi người buôn chuyện thật. Hình tượng ấy giống như bức phù điêu của lòng dũng cảm. Sợ, mình cũng được hàng xóm liệt kê trong danh sách ấy. Và thế là mình lại ghen tỵ với những cô bạn cũng đi lấy chồng. Nhà chúng nó ít nhất cũng có cái chạn, để nếu có tiếc của, để lại đồ ăn cũng không bị nói ê mặt đến thế này.


Thế rồi đôi vợ chồng nghèo cũng vừa sống vừa tích cóp tiền đi đẻ. Được cho đồ sơ sinh nhưng cũng phải đi mua nhiều. Mình không có anh chị em mà chàng lại là con cả, mình lại ghen tỵ, giá như mình và chàng đều là con út thì hay.

Một ngày, cái bụng bầu tám tháng khệ nệ bê đống quần áo, đồ đạc đã tích tích cóp cóp như con kiến tha về nhà mẹ đẻ giờ mang về nhà chồng. Mẹ ngồi giữa phòng khách nhìn gái quê của mẹ từ đầu đến chân rồi từ chân lên đầu. Mẹ nói:

- Gớm! Nhà cô lắm tiền nhỉ! May quá cô sắm đủ cho nhà cô rồi thì chúng tôi cũng chẳng phải mua gì. Cô mang hết lên phòng cô đi. Để ở đây chướng quá.

- Ơ…

Mình cũng chỉ ơ lên một tiếng rồi tắt lịm. Mình chẳng biết phải nói với mẹ như thế nào. Bà bầu vốn đã nóng, nghe mẹ nói thế lại như có người vứt que đóm vào lòng. Phừng phừng. Nhưng đốm lửa cô độc không ai che chắn, chỉ phừng phừng lên tiếng ơ rồi lại thôi. Hay thật, mẹ không có bầu mà mẹ cũng ghen tỵ với mình. Mình cũng ghen tỵ, mình tỵ với những bà chị ở cơ quan đẻ xong được về nhà mẹ đẻ. Chẳng như mình bị mẹ chồng cấm không cho về. Thế nên mình mới phải vác các thứ cho em bé về đây như khoe của thế này chứ.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 19: Em dâu

Lấy chàng được một năm thì mẹ thông báo:

- Tối qua, thằng Nghĩa nó bảo cuối tuần mang người yêu về ăn cơm.

Vậy là trong hai ngày, cả làng Đông đã nhận được thông báo này. Ai cũng hồi hộp thì phải, ai cũng phấn khởi chờ mong xem anh thạc sĩ dẫn người yêu cũng là thạc sĩ về làng thế nào. Câu chuyện trở thành “hot” nhất làng, nhất là những buổi họp hai số cuối của mẹ và các chiến hữu. Mọi người thì thầm:

- Thằng Nghĩa khó tính thế, chắc người yêu nó phải vừa giỏi, vừa khéo, vừa xinh đẹp lắm đấy nhỉ.

- Phải căn giờ mà đứng ở cửa sổ xem thế nào bà ạ.

….

Ngày cuối tuần trọng đại của cả làng cũng tới. Khác với mình khi ra mắt chính thức nhà chàng. Lúc đó, mình đi chợ từ sớm, qua nấu cơm cho nhà chàng, ăn xong rửa bát, mệt phờ mới về nhà mình. Em gái chàng, nó hỏi:

- Có sợ không?

- Sợ.

Cô bé xinh xắn chỉ xuất hiện khi tất cả mọi thứ đã chuẩn bị xong. Vào nhà, chào gia đình và ngồi ăn bưởi mẹ bổ. Công nhận xinh thật là xinh. Lại là thạc sĩ của Trường đại học Xây dựng nữa, không yêu mới là lạ.

Tự dưng, cái bằng đại học của mình chỉ như bằng xóa mù chữ của dân tộc thiểu số.

Lúc ấy, mình bầu bì còn một tháng nữa là sinh, mệt lử và nặng nề nhưng vẫn chỉ quẩn quanh trong bếp cả buổi. Nặng nề múc dần các thứ ra bát, thì:

- Có còn làm gì nữa không để em làm cho?

- Thôi, xong hết rồi còn gì. Mới lại chúng mình bằng tuổi nhau ấy mà, cậu không phải gọi tớ bằng chị đâu.

- Ừ.

Ừ rồi cô bé quay lên nhà ăn bưởi tiếp. Ơ hơ, mình mới nói khách sáo thế mà đã lên nhà thật à? Mình ngu thật, sĩ là thiệt!

….


Chiều hôm sau, đi làm về lại vội vàng thay quần áo để xuống giúp mẹ nấu cơm. Mình ngỏ ý khen cô em dâu tương lai xinh và giỏi giang. Mẹ cũng khen cô con dâu tương lai, nhưng những lời khen của mẹ sắc lắm, có kẹp dao lam thì phải. Những lời khen của mẹ làm mình đau, cho dù mình không phải là đứa hay ghen tị:

- Đấy, con nhà người ta xinh thế chứ. Chứ như cô kìa, xấu không thể nào chịu nổi. Cô chửa trông còn xinh ra đấy, trước mới về nhà tôi trông kinh chết. Không hiểu sao thằng Hậu nhà tôi nó đẹp thế, đẹp như trong tranh ấy, lại lấy phải cô chứ. Trông cô… nguệch ngoạc quá…

- Ơ, thế mà bọn ở cơ quan con ai cũng bảo con xinh mẹ ạ. Không lẽ họ lừa con à?

Mình cố chống chế cho đỡ ngượng. Nhưng mình vẫn thấy câu trả lời của mình hơi vô duyên. Mẹ chê mình, nhưng xấu hay đẹp đâu phải lỗi của mình? Không lẽ lại về bắt đền bố mẹ đẻ. Ngồi tưởng tượng mà xem, về túm cổ bố bảo rằng:

- Bố, mọi người ai cũng bảo con giống mẹ thì xinh hơn. Đằng này giống bố nên trông mới bị nguệch ngoạc. Bố đền tiền con đi… đền tiền con đi…

Chắc ông bố uất mà chết mất.

…..


Một tuần sau nữa…

- Chúng mình cưới nhau nhé!

- Ôi, gấp thế thì bố mẹ anh có nói gì không?

- Ở nhà anh, anh đã nói gì thì sự thật nó sẽ là như thế.

Và họ cưới nhau, theo lời kể của em dâu, gọn gàng vậy thôi. Không như mình với chàng, hai lần hoãn cưới vì lão thầy bói đểu cáng nào đó.

Thuyền theo lái, gái theo chồng. Trong nhà, Nghĩa được bố mẹ cưng yêu, lại làm ra tiền nên có lẽ em dâu cũng có được cái bóng lớn để dựa dẫm. Mừng cho em bao nhiêu thì mình càng nhận ra thiệt thòi của mình bấy nhiêu. Mình hét lên trong lòng: Đừng có so sánh nữa, ai bảo học dốt, không học thạc sĩ thì đương nhiên cơ hội đến trong đời cũng ít đi thôi. Nhưng không hiểu sao, trong lòng vẫn cố cưỡng lại, vẫn vừa so sánh vừa tủi thân.


Ngày ấy, khóa tốt nghiệp, chỉ có năm đứa đạt bằng giỏi. Ngày ăn liên hoan chia tay lớp, năm đứa rủ nhau học tiếp cao học cho thỏa chí tang bồng. Mình hồ hởi lắm, dự định về hỏi ý kiến bố mẹ. Gì chứ nói đến học thì chưa bao giờ bố mẹ phản đối mình điều gì.

Trở về nhà, nhìn cảnh bố nằm trên giường ho sù sụ, mẹ tần tảo bán quán nước ngoài hồ đến tận 11h đêm mới đẩy xe hàng về, hè cũng như đông. Tự dưng nhận ra cái bằng cao học kia sao mà xa vời đến thế. Định hỏi, rồi lại im lặng, mình không còn nghĩ đến những dự tính trên đường về khi nãy nữa.

Bố về mất sức không có lương, lương của mẹ chỉ có 500.000 đồng một tháng. Tiền mình đi làm thêm nửa ngày nữa, 600.000 đồng một tháng. Dạo đó, làm cho AGNET của Ý, nên thế là lương cao rồi. Chẳng biết nguồn thu nhập nào hơn để cuộc sống bớt khổ.

Cũng cố thêm một tuần nữa để tìm hiểu về học phí và các phụ phí của cao học cho đỡ thòm thèm, mình tới buổi cà phê với khuôn mặt tươi cười, trả lời bốn đứa kia đầy hào hứng:

- Thôi, các cậu học tiếp nhé, thông cảm, chắc tớ không đi học được rồi. Có công ty mời tớ về làm bàn giấy. Chắc lười học, ham đi kiếm tiền nên chả hứng thú gì cái bằng thạc sĩ. Sau này học sau vậy.

Trở về nhà lòng cứ man mác, tự dưng lại nói dối chúng nó vì sĩ. Cũng có công ty gọi đi làm thật, song cái công ty ấy không nặng bằng cánh cổng nhà trường. Tự gác tay lên đầu trước khi đi ngủ, rồi lại trở mình hắt tiếng thở dài. Thôi, đã quyết định thế rồi, lao vào cuộc đấu tranh sinh tồn giúp đỡ bố mẹ, chứ còn có anh chị em nào làm thay cho đâu. Tốt nhất, đừng nói lộ cho bố mẹ biết, kẻo bố mẹ lại buồn.

Chẳng ai biết câu chuyện cao học đó của mình, kể cả chàng. Nhưng chưa bao giờ mình quên được mình đã nợ bản thân cái gì. Em dâu có lẽ sinh vào giờ khác, ngày khác, tháng khác nên số phận cũng khác thôi. Giầy dép còn có số nữa là người. Đấy, nhà thơ Giang Nam đã từng hỏi: “ai bảo chăn trâu là khổ?”, còn mình, mình trả lời: “Ai bảo con một là sướng đâu”.


Cô dâu mới bước vào cổng nhà chàng trong tiếng trầm trồ của bá quan văn võ. Xinh quá là xinh. Còn cô dâu cũ, bụng to như cái thùng nước vo, lấp ló đâu đó trong căn bếp chật đun nước pha trà cho khách. Nhưng vẫn không tránh khỏi sự so sánh của khách làng đến chia vui. Lần đầu tiên, mình thấy ghét khuôn mặt xấu của mình.

Tiệc tan, mình cùng gia đình dọn dẹp bở hơi tai, còn đôi trẻ lên phòng đóng cửa. Sáng hôm sau còn đi tháng trăng mật xuyên Việt. Mười một giờ đêm mới được nghỉ. Tự dưng, thấy mệt hơn bao giờ hết. Nhìn chàng, thấy chán ngán biết nhường nào.


Đêm hôm ấy, mình cứ miên man nghĩ, trằn trọc chiếm hết cả hai cái gối. Chàng dúm dó nằm nhường một góc cũng không khỏi khó chịu.

- Em còn chưa đi ngủ à?

- Em đói.

- Em ăn gì thì xuống lấy mà ăn. Đói là không tốt cho con đâu.

- Ăn gì mà ăn? Thừa nồi súp em có múc riêng một bát cất đi trong bếp. Hồi tối mẹ đổ đi rồi. Giờ thức ăn thừa mẹ cũng cho hàng xóm hết. Em chẳng có gì mà ăn.

Nói đến đó tự dưng mình thấy tủi nhục thế. Không lẽ lại bỏ xác đói nơi này. Trong giọng mình nói với chàng, chàng không nhận ra biết bao nhiêu hờn dỗi và ghen tỵ của một người đàn bà bình thường như bao người khác. Ừ nhỉ, mình đang ghen tỵ thì đúng hơn là cơn đói của bà bầu.

- Thôi em đi ngủ đi. Ngủ là quên đói ấy mà. Sáng mai anh chở em đi ăn phở nhé?

- Anh nói thế mà nghe được à? Anh thử vác bầu xem xem anh có ngã lăn quay vì đói không? Sao tôi lại sống nhục như thế này nhỉ. Nhà có cỗ mà bị chết đói.

- Thôi em ơi, nói nhỏ thôi bố mẹ nghe thấy bây giờ.

- Thôi cái gì mà thôi. Sao tôi lại có thể sống như thế này chứ.

- Cuộc sống của em tốt thế này em còn đòi hỏi gì nữa nào?

- Đây mà là cuộc sống à?


Mình giận dữ nhìn chàng bằng ánh mắt thép. Mình thở hổn hển đầy tức giận. Một nửa xấu xa trong lòng mình đang thắng thế. Một nửa hiền lành và cam chịu như thể bị trói vào ghế và dán băng keo vào miệng rồi. Nửa xấu xa đang vùng vẫy, đang cố gào thét, đang cố chống đối lại. Nhưng… chỉ dám với mình chàng thôi. Trong cơn tức tối, mình lôi chàng ra ban công, chỉ xuống phòng tân lang tân nương:

- Anh ra đây, anh nhìn đi. Đây mới là cuộc sống nhé. Nhìn đi, nhìn cho kỹ vào. Đời tôi, biết từ giờ đến lúc chết, bao giờ mới được đi tháng trăng mật như thế? Bao giờ mới được ăn xong cắp đít lên phòng? Bao giờ mới được nằm trên bộ đệm gần chục triệu đồng? Bao giờ mới đủ tiền để sắp sửa mua đất ra ở riêng?

Chàng chẳng nói chẳng rằng đi vào phòng. Lao mình lên chiếc nệm mà hai đứa đắn đo tích cóp mãi mới mua được. Bà bầu ai cũng hay cáu, cáu từ có lý đến vô lý. Nhưng đứng lại một mình trên ban công một mùa đông xơ xác như đêm ấy, mình cũng thấy thương chàng. Hình như sự im lặng ấy không phải để trêu ngươi cái ích kỷ và tính ghen tỵ của đàn bà, mà là nỗi buồn khi thấy sự hèn kém của thằng đàn ông. Mình càng nghĩ càng thấy mình có lỗi. Thôi, vào làm lành với chàng thôi.


Trở vào, thấy chàng đã ngồi chơi điện tử rồi. Chán, không làm lành nữa. Cục tức lại chẹn ứ cổ họng. Đắp chăn, đi ngủ. Trong giấc mơ đêm nay, mình sẽ đi vòng quanh thế giới. Làm hẳn một năm trăng mật cho bõ. À quên, còn đi ăn thật nhiều thứ nữa chứ. Chàng ơi, chàng vô tâm như thế thật sao?

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 20: Bao giờ đẻ?

Sau những ngày tháng được cưng chiều của hai bên gia đình, sau chín tháng cưu mang cái sinh linh bé nhỏ, sau những đoán già đoán non về con gái, cuối cùng mình cũng tới ngày mà bác sĩ siêu âm chiêm tinh phán đoán.

Buổi sáng, tung tăng ra ngõ, hàng xóm hỏi: “Bao giờ đẻ hả cháu?”, phấn khởi: “Dạ, ba ngày nữa”.

Ba ngày sau, lạch bạch đi ra chợ ăn cố bát bún ốc để sau đỡ thèm, hàng xóm lại hỏi: “Bao giờ đẻ hả cháu?” Lại phấn khởi trả lời: “Dạ, cháu mai ạ”.

Một tuần sau, hàng xóm lại hỏi: “Đã đẻ chưa hả cháu?”. Cười trừ trả lời: “Dạ, chắc là mai ạ”.

Hai tuần sau, hàng xóm lại hỏi: “Ơ, vẫn thấy mày ở đây, không đi đẻ hả cháu?”. Mặt ngắn tũn trả lời: “Dạ… chắc là mai ạ”. Trở về nhà và lao vào diễn đàn hỏi các chị ở trên đó xem thế là thế nào. Nỗi lo sợ bắt đầu.

Bà chị nào cũng bảo không sao đâu. Thế là một tuần nữa trôi qua, hàng xóm vừa cười vừa hỏi: “Bao giờ đẻ hả cháu?”, gãi đầu trả lời: “Dạ, cháu, cháu… không biết ạ”.

Nỗi lo ngày càng nhiều lên.

Khi quá hạn đẻ, thường ai mách gì các bà mẹ tương lai cũng làm. Có người mách: “Bảo ông xã mua một món đồ chơi, rồi ngồi cạnh vợ gọi con ra chơi”. Thế là chàng te tưởi đi mua con ngựa cót ngay được. Rút ví không tiếc tiền mua cho con đồ chơi, mặc kệ cô bán hàng… bóp… cổ. Rồi có người mách: “Phải ăn món này món nọ”. Trời ơi tưởng gì, mình ủng hộ nhiệt tình. Ăn hết, cứ mách món gì ngon ngon là ăn.

Cho đến khi có người ở quê ra chơi mách: “Chồng phải trèo lên một cái cây thẳng đứng, như cây đu đủ chẳng hạn, rồi cắm đầu xuống, tụt xuống đất, làm phép cho đứa trẻ nó ra, có thế mới đẻ được” thì hai vợ chồng tròn mắt nhìn nhau. Cha mẹ ơi, ở Hà Nội đất chật người đông thế này, có nhà ai có cây đu đủ đây. Lại còn chàng, lấy đâu ra can đảm mà chúc đầu xuống tụt cây? Đến vụ này thì đành chịu thua con vậy.

Mùa đông đầy gió…

Cái gió hun hút chạy dọc dài theo dãy hành lang khô héo trong cái bệnh viện cũ. Bác sĩ bảo:

- Quá ngày nhưng khám thì thấy chưa gì đâu, bạn cứ về đi. Bao giờ đau nhiều mới phải vào đây. Yên tâm, con so thì còn khướt.

- Ơ thế cháu quá gần một tháng rồi mà vẫn chưa được đẻ ạ?

- Bạn này hay nhể, trẻ con nó như bông hoa ấy, bao giờ tới giờ nở thì nó sẽ nở chứ. Làm sao ép cho hoa nở được.

- Vâng, thôi cháu về đây ạ.

Tiếng vâng của mình rơi tụt xuống, chẳng còn phấn khởi và hào hứng như lúc hỏi bác sĩ xem bao giờ đẻ nữa. Lếch thếch trong bộ đồ bầu giống cái bu gà ra hành lang tìm chồng. Nhìn xuống, vỗ vỗ vào cái bụng căng tròn thì thầm:

- Con yêu, con không ra cho mẹ ngắm con tí nào? Giống bố thì may, chứ giống mẹ chắc bà nội con cho mẹ lên giàn hỏa thiêu mất. Con yêu, ra đi nào. Mẹ móc cho con cái áo len đấy. Đẹp lắm!

Nhìn thấy chàng ngồi nhấp nhổm ôm cái mũ bảo hiểm giữa hai ông đàn ông nữa cũng đưa những cái bu gà đi khám mà vừa buồn cười vừa thương. Không biết sau này thằng nào đến cưa con gái mình thì chàng có mang ngày hôm nay ra kể công không đây?

….

- Sao lại về ? Tao tưởng hôm nay mày đi đẻ luôn chứ?

- Dạ, bác sĩ bảo con cứ về ạ. Con cũng chả biết nữa, họ bảo về thì con về thôi.

- Vớ vẩn. Mày để lâu quá mà chưa đẻ là không được đâu. Mày quay lại bệnh viện bảo người ta nghĩ cách cho đẻ đi. Tao thấy thế là không được đâu. (Mẹ gằn giọng bực bội)

- Nhưng họ bảo chưa mà mẹ.

- Mày buồn cười nhỉ, chẳng có ai vác bầu quá cả tháng mà chưa đẻ như mày cả. Mày cãi lời tao là thế nào? (Hình như mẹ bắt đầu cáu)

- Họ nghỉ trưa rồi mẹ ạ. Không qua đó được đâu. Viện 354 họ chỉ khám sản buổi sáng thôi.

Mẹ chẳng nói gì nữa, còn mình vội vàng bỏ trốn lên phòng. Dại dột đi xin nghỉ đẻ ở công ty rồi, chứ nếu không lấy cớ đi làm mà biến, kẻo mẹ lại bắt đi đẻ.

….

Trưa, gió mùa đông vẫn không ngừng thổi, năm nay, rét ơi là rét…

- Này, một giờ chiều thằng Hậu đèo nó ra viện cho tao nhé. Tao báo dì Vinh đèo tao rồi. Chúng mày không bảo thì để tao bảo. Phải cho con nhà người ta đẻ chứ. Cứ đi rồi lại về là thế nào. Cứ thế đi, chiều tao tới đó xem sao.

Cánh cửa phòng bật mở, mẹ xuất hiện, nói một hơi rồi mẹ đi mất, để lại sau lưng những lời nói bực dọc. Hai vợ chồng mở tròn mắt nhìn nhau. Chàng đóng cửa phòng lại với cái mặt cau cảu:

- Bực cả mình, cứ bắt đẻ là thế nào.

Rồi chàng lại nhìn mình cười:

- Hiền quả này đi tong rồi nhé.

…..

- Ơ, chị này, buổi sáng đến khám rồi giờ còn vào đây làm gì nữa?

- Chị ơi, mẹ chồng em bắt em vào ạ. Chứ nếu không giờ này em đã đắp chăn đi ngủ rồi ạ.

- Mẹ con nhà chị này buồn cười thật. Lại còn kéo nhau vào đây rõ đông nữa chứ. Đã bảo là về đi, chưa đẻ được thì cứ hai ngày vào thăm khám một lần. Khổ quá, nói đi nói lại với nhà chị cũng mệt.

- Chị ơi, chị thương em, chị cho em đẻ, kẻo mẹ chồng em…

- Ơ hay, tôi thấy chị là số một đấy.

- Vậy thì chị thương em, chị ra nói chuyện với mẹ chồng em đi. Em chỉ là cái bu gà đi theo thôi. Quyền sinh quyền sát nằm ở đại ca đang ngồi ở kia kìa, chị ơi!

- Ừ, để tôi nói chuyện.

Nói rồi chị bác sĩ thở dài lắc đầu bước ra hành lang. Chắc tối nay, bữa cơm nhà chị ấy có người sặc nước canh khi nghe chị ấy kể về mình. Mình sắp nổi tiếng cũng nên.

…..

Bác sĩ bước tới, mẹ đứng dậy chào, rồi mẹ tươi cười với bác sĩ, mẹ than thở…

- …….

- Bác ơi, cháu đã bảo sản phụ về rồi mà, chưa đến lúc đâu. Căn bản là chị ấy không nhớ ngày kinh cuối nên siêu âm chẩn đoán cũng không đúng được. Giờ chỉ có về theo dõi thôi. Chúng cháu chịu, không dùng phương pháp gì lúc này được đâu ạ.

- …..

- Khổ quá, bác cứ về đi. Con nhà bác chẳng có làm sao đâu. Các xét nghiệm xong hết rồi. Chỉ việc đi đẻ thôi. Nhưng giờ chưa đẻ được. Cái dự định sinh kia nhỡ đâu sai, em bé chưa sẵn sàng để ra ngoài thì nó chưa đạp bác ơi.

…..

Bác sĩ vừa quay lưng đi xa được một đoạn. Nụ cười với theo trên môi mẹ cũng tắt hẳn. Mẹ quay lại, mọi bực dọc bác sĩ đều đổ lên mình và chàng:

- Đi về! Không đẻ ở viện này nữa. Mai thằng Hậu đưa nó lên Phụ sản Hà Nội. Người ta khắc cho đẻ thôi.

….

Nhưng rồi mẹ vẫn thua. Phụ sản Hà Nội họ vẫn trả lời mẹ rằng: “Hai ngày đến khám một lần để theo dõi, bình thường thế này thì đẻ tự nhiên”. Mình rộn ràng nở từng khúc ruột. Cuối cùng vẫn chưa trở thành trái cây ép chín. Lần đầu tiên sinh con, chẳng biết ra sao cả. Nhưng cứ như thế này, cũng sợ mà vỡ tim mất thôi.