Chương 21: Nhập cuộc
Một buổi sáng u ám…
Lại xếp hàng khám thai.
Lại xếp hàng siêu âm.
Lại xếp hàng chờ kết quả…
Hai vợ chồng mệt mỏi vì cứ hai ngày lại đèo nhau đi khám một lần. Mình cười nhìn sang chàng đang chơi điện tử bằng điện thoại trên ghế chờ:
- Kể ra mãi chẳng đẻ cũng tốn kém phết anh nhỉ.
Chàng gật đầu, mắt không rời điện thoại.
- Các bà bầu ở đây, bà nào cũng mệt mỏi anh nhỉ.
Chàng gật đầu, mắt không rời điện thoại.
- Mấy bà đằng kia đau đẻ nhìn sợ không kìa anh.
Chàng gật đầu, mắt không rời điện thoại.
- Anh ơi, anh để em nói chuyện một mình à?
Chàng gật đầu, mắt không rời điện thoại. Mình điên tiết. Máu bà bầu ai cũng sôi sẵn trong lòng. Lại sẵn mệt mỏi. Mình ghé vào tai chàng, rít lên nhỏ giọt:
- Này, nói cho mà biết nhé. Còn chơi điện tử nữa thì bà ném đi luôn đấy. Đừng có trêu tức nhau. Đây đang nẫu ruột đây.
Chàng không gật đầu nữa, nhét điện thoại vào túi quần, ngồi chỉn chu lại trên chiếc ghế chờ lạnh lẽo, cười hì hì như thể chưa nghe thấy lời dọa nạt nào. Hoặc như thể lời dọa nạt đó chẳng bõ bèn vào đâu.
….
Phòng siêu âm đông người, ai cũng ngại ngùng kéo quần kéo áo trong tiếng gắt gỏng của bác sĩ. Ai cũng phải đóng tiền cho bệnh viện để nuôi bác sĩ, nhưng ai cũng bị bác sĩ nhìn bằng cặp mắt ban ơn. Mình ước thầm sau này con gái lớn lên cũng sẽ làm… bác sĩ, ước hẳn cho con làm trưởng khoa ở bệnh viện lớn cơ. Mình được nhờ, mà cả họ cũng được nhờ. Chứ mỗi lần xếp hàng ở ngoài kia, không có người quen, chờ đến đỏ cả con mắt. Rồi vội không chờ được, phải quen dần với việc nhét vào túi mấy cô cầm sổ tờ hai mươi nghìn rồi về chỗ. Chưa về tới chỗ sẽ được gọi. Ngày đầu lên bệnh viện to, mình bị hớ, nhét tận năm mươi nghìn. Các chị cùng chờ ở đó ai cũng lắc đầu: “Chịu chơi thế này thì qua hết các cửa chờ, chắc sạt nghiệp em ơi” .
- Không thấy âm vang tim thai. Nước ối đục. Cho nằm viện chờ đẻ nhé.
Lời sấm truyền của ông bác sĩ làm mình như bị giật lại khỏi các ý nghĩ lung tung đang tràn lan trong đầu. Chẳng hiểu sao lúc nào vào bệnh viện, trong đầu mình cũng toàn những ý nghĩ phản động. Nhìn cái màn hình trắng đen lòe loẹt, chỉ có bác sĩ mới hiểu, mình có biết gì đâu. Bác sĩ bảo sao thì làm vậy thôi. Vâng lời bác sĩ, mình lạch bạch cầm tờ giấy phán truyền đi báo tin cho chồng:
- Anh ơi, bác sĩ bảo nhập viện rồi. Chúng mình phải làm gì bây giờ.
- Ơ… ơ
Chàng cuống quýt, cuống đến nỗi cứ loanh quanh như thể đáy quần có lửa. Hết xoay bên trái rồi đến bên phải, chẳng biết phải làm gì. Còn mình, nửa mừng nửa lo. Nhưng cũng biết cầm đỡ chàng cái túi và mở đường dẫn lối cho người đàn ông tội nghiệp ấy:
- Bây giờ chúng mình đi rút tiền, rồi về nhà cho em lấy đồ nhé.
- Ừ… ừ… đi rút tiền thôi. À… à…, gì nhỉ? Ừm…ừm… (Chàng vẫn loanh quanh với cái ghế chờ, gãi đầu gãi tai). À, mới lại từ từ đã, để anh gọi điện về bảo mẹ. Mẹ bảo có quen một bác sĩ trong này.
- Vâng!
Mình ngoan ngoãn như một chú cún nhỏ. Cái mặt phấn chấn trong nỗi run sợ. “Mình sắp thấy em bé của riêng mình rồi, ôi trời ơi mình sắp bị đau quằn quại như mấy chị đằng kia đấy thôi”.
- Anh ơi!
- Gì?
Chàng hỏi nhưng vẫn đang mải nghe chuông chờ cho cú gọi về nhà.
- Em… em sợ lắm.
- Sợ gì, đẻ vài lần rồi sẽ quen mà.
- Vâng!
Nỗi run sợ nhiều hơn lúc trước, nhưng cũng không biết nói gì khác ngoài câu vâng ngoan ngoãn với chàng. Chàng an ủi, xoa đầu mình như một ông bố ra trò. Chàng tự tin với chuyện “sợ gì” của chàng, như thể chàng đã đi đẻ cả chục lần rồi ấy.
- Vâng… vâng… Dạ… dạ…Vâng… vâng…
Cúp máy.
Cái mặt mình hồi hộp.
Cái mặt chàng nghiêm trọng.
- Mẹ bảo cứ ở đây, mẹ hỏi dì Vinh xem số của bà bác sĩ quen để nhờ bà ấy. Rồi làm thủ tục như bình thường.
- Nhưng chúng mình phải đi rút tiền chứ anh? Em sợ nhập viện phải đặt cọc một khoản. Em chuẩn bị hai cái túi sẵn ở nhà rồi. Mình về lấy là em đủ hành lý tư trang ngay.
Cái bu gà lại lạch bạch ra cổng bệnh viện, leo lên xe và rong ruổi với chàng. Phải gió, ngày hôm ấy chẳng tìm thấy cái bốt rút tiền nào. Có thấy cũng hỏng máy.
- Ơ, mày về làm gì? Mẹ mày ra đó với dì Vinh rồi đấy.
- Con về lấy đồ ạ.
- Nhanh lên kẻo mẹ mày chờ.
Chẳng biết trước khi đi, mẹ đã lên văn bản thông báo cho cả làng Đông biết chưa, mà hôm ấy giữa cơn mưa phùn mùa đông giá rét, giữa con đường làng nhỏ hẹp sập sùi, có một cái thùng phi lạch bạch trong đôi giầy bệt, hai tay hai túi hành lý, chạy ra xe chàng đang chờ ở đầu làng, trong tiếng reo hò, hỏi han của hàng xóm hai bên đường. Y hệt như cầu thủ bóng đá chiến thắng trở về nước vậy. Cổ động viên mừng rỡ hai bên đường.
…..
- Chúng mày lại còn đi đâu để cho bác sĩ người ta chờ?
Câu hét quen thuộc và cái dáng chống tay hai bên nạnh sườn giống cái ấm Samovar của Nga làm mình nhận ra mẹ từ xa. Chàng lôi xềnh xệch mình vào sảnh chính của viện. Chẳng kịp giới thiệu gì, chỉ biết có một bà bác sĩ béo tròn, cao đến mang tai mình, lôi tuốt mình vào phòng làm thủ tục.
- Cháu chị Thuận à?
- Ừ, mày làm luôn cho nó cái bệnh án để nằm viện.
- Cháu vào buồng trong lấy đồng phục thay đi. Vừa thay cô vừa hỏi luôn nhé. Tên? tên chồng? nhà ở đâu? đẻ con thứ mấy?....
- ……
- Nhà cháu có tiền sử bệnh gì không? Xét nghiệm đầy đủ hết chưa? Có sổ y bạ sẵn đây chưa?
- …
- Ơ, cái con này, sao mày vẫn chưa mặc xong à? Nhanh lên cho người khác còn làm việc chứ.
Bà bác sĩ cáu làm mình càng cuống quýt. Khổ, con bé còn bận chọn cái áo với cái váy nào mới mới sạch sạch một tí để mặc mà chẳng thấy. Thế là đành phải chui bừa vào bộ nào đó cho kịp.
Trở ra, bác Thuận thì thầm:
- Cháu gửi lại cô ấy hai mươi nghìn để cảm ơn đi.
- Vâng.
Tưởng gì chứ hai mươi nghìn để khỏi phải xếp hàng thì đúng giá quá rồi. Hóa ra, các bác sĩ với nhau cũng ở mặt bằng chung như thế. Bệnh nhân cũng tình nguyện một cách dễ chịu. Bước ra khỏi phòng làm thủ tục, mẹ dúi cho mình hai bọc đồ của mình, rồi bác Thuận lôi mình lên phòng chờ đẻ. Vội vàng bước, vội vàng hớt hải, vội vàng đuổi theo bác. Nhìn lại, cả nhà dừng ở ngưỡng cửa thang máy, ánh mắt chia ly. Mình, giống như lần đầu tiên ở lại lớp mẫu giáo. Vừa sợ vừa mất hết tinh thần.
- Nào, leo lên bàn để khám nhận nào?
- Dạ?
- Ơ, cô này, còn đứng đấy à? Không bỏ quần ra? Ở đây chẳng có chuyện ngượng đâu. Nhanh lên, không ai chờ được.
Vừa buông bọc đơn bọc kép xuống sàn nhà, mình vừa sợ vừa làm mọi thứ theo lời bác sĩ. Cái phòng rộng lạnh lẽo toàn màu trắng khiến mình ớn lạnh. Eo ơi, thế mà trong giới xì tin, có đứa bảo yêu màu trắng. Đứa đó chắc phải cho đi đẻ mới biết mùi. Gạch lát đá trắng. Đá ốp tường trắng. Drap trắng. Mọi dụng cụ y tế màu trắng. Áo bác sĩ cũng màu trắng. Chỉ có các sản phụ là mặc cái đồng phục không rõ màu gì.
Tiếng hét của một chị đang rặn em bé làm mình thót cả tim mà ra khỏi những ý nghĩ mông lung về màu trắng. Có sẵn hai chị đang nằm dang chân rặn đẻ. Chỉ có mình là leo lên để khám nhận nên các bác sĩ giục nhanh nhanh. Hai bên tường, có đến năm sáu chị đang dựa lưng đau đớn chờ đến lượt mình lên bàn. Mặt mày méo xẹo, đầu tóc bù xù, chân tay run rẩy.
Ôi trời đất ơi, thế này thì có ai phong danh hiệu anh hùng cho những bà mẹ không hả trời. Dạng nhát gan như mình thì làm thế nào đây. Cái bụng to của mẹ ơi, làm thế nào để con ra mà không đáng sợ như thế kia hả trời.
- Còn lâu mới đẻ. Xuống đi, về phòng chờ đẻ.
- Dạ - mình vụng về leo xuống cái bàn đẻ cao ngất ngưởng - thế phòng chờ đẻ là phòng nào ạ?
- Ở ngoài kia kìa.
Không có bác Thuận ở đây, họ quát mình chẳng khác ai cả. Nhanh thế, được gửi gắm rồi mà bác ấy cứ như cơn gió ấy. Bác ấy về đi tắm thuê cho con người ta. Mình ngơ ngác đơn lẻ. Còn cả nhà, trở về và yên tâm mình đã có bà bác sĩ ở bên.
- Bác sĩ ơi, cho em hỏi tí.
- Gì nữa đây. Vẫn ôm bọc bọc gói gói vào đây làm gì?
- Dạ, thế em nằm ở phòng nào ạ?
- Có bốn phòng đấy, chị vào phòng nào thì vào.
- Dạ, nhưng em thấy phòng nào cũng đông quá ạ.
- Ơ hay, chị này buồn cười nhỉ. Ở đây chúng tôi không có phòng riêng cho chị đâu nhé. Các phòng nó đông thế đấy. Chị tìm được phòng nào ghé tí mông vào ngồi ké thì vào. Đi đi.
Lại một lần nữa mình ôm hành lý lạch bạch đi chậm chậm tìm kiếm giữa bốn cái phòng chờ đẻ. Mỗi phòng có bốn giường. Nhưng mỗi giường có đến ba mẹ là ít. Kẻ ghé mông, người ngồi. Ai cũng mệt mỏi.
Bỗng mình nghe thấy cuối hành lang có tiếng ai gọi. Ở đó, cánh cửa đã bị khóa, chỉ còn tí khe cửa lập lờ. Khu vực này chỉ có bà đẻ và bác sĩ nên tiếng động lạ làm mình tò mò đi tới. Cứ như chuyện Harry Potter vậy.
- Chị , chị gì ơi, cho em hỏi tí?
- Dạ, gì ạ?
Tiếng người bên kia cách cửa nghe quen quen. Nhưng cái tầm bom đạn này hễ có ai nói ngọt hơn bác sĩ là thấy quen rồi. Cái khe cửa nhỏ quá, không nhìn thấy nhau được nên đành đứng đó lắng nghe.
- Chị ơi, chị làm ơn tìm cho em xem ở đó có ai là Hiền ở Lạc Long Quân không ạ. Chị ơi, chị giúp em gọi cô ấy ra đây với. Chị ơi, chị giúp em.
- Anh, anh ơi, em đây mà.
- Ai đấy?
- Em, Hiền đây.
- Em à? Em thế nào rồi? Bác sĩ bảo sao? Bao giờ đẻ? Bao giờ anh được vào?
Mình mừng rỡ trong tiếng vỡ òa lo lắng của chàng. Hai đứa nói với nhau qua khe cửa kín bưng, cứ như đi thăm tù thời chống Pháp. Sao lần này nghe được tiếng chàng, mình lại mừng thế không biết. Cảm giác đỡ bơ vơ hơn biết bao nhiêu. Còn chàng, như lạc giữa biển tìm thấy ngọn hải đăng. Chàng cũng mừng không kém. Thế mới biết, cách mạng ta năm xưa hoạt động ngầm bắt được liên lạc với nhau mừng như thế nào.
- Anh ơi, em thấy những người chờ đẻ ở đây, người nhà trèo qua ban công mà gặp nhau ở phía cửa sổ bên tay trái ấy. Anh qua đó đi.
- Ừ , ừ, để anh tìm.
- Khoan đã anh ơi!
- Sao?
- Ở đấy đông lắm. Anh đừng thấy không chen được thì bỏ em lại đây một mình nhé. Em sợ lắm!
Mình hét lên để nhắn nhủ chàng thêm câu nữa. Hình như giọng mình đã thảm lắm rồi. Chàng đã ở lại, thế mà mình tưởng bị bỏ rơi một mình. Phụ nữ lúc đi đẻ không hiểu sao có đông người đến mấy vẫn thấy cô đơn. Có ai cho một lời hỏi thăm thôi cũng thấy như vớ phải cọc. Ôi, mình biết ơn chàng biết bao nhiêu.
Hành lang ngoài ban công hẹp chỉ chừng 40 phân nhưng mỗi ô cửa của phòng chờ đẻ cũng phải chất chứa chục người nhà cố ngoi ngoi cái mặt vào nhìn con mình, dặn dò cháu mình, gửi đồ vào cho vợ mình là ít. Ai cũng bon chen chỗ như mua hàng thời tem phiếu. Còn ở trong, các bà mẹ tương lai mệt mỏi lĩnh đồ qua ô cửa chẳng khác nào thăm nuôi ở trại Chí Hòa. Chuẩn bị đón em bé, nhưng chẳng có ai là phấn khởi cười tung tóe, chúc tụng nhau cả. Ai cũng căng thẳng, cứ như cuộc chiến đang đến hồi gay go.
Sau nửa giờ vợ chồng tìm nhau, một chạy dọc hành lang tìm chỗ có thể chen được qua cánh cửa sổ, một cũng hớt hải chạy theo qua từng phòng ngó cửa, xem anh yêu của mình đâu. Chỉ có bốn cái cửa sổ của bốn phòng, nhưng lượn qua lượn lại đến mòn cả mặt. Cuối cùng cũng nhìn thấy nhau. Chàng méo xẹo rúc được mặt vào cạnh sườn một bà béo chiếm gần hết ô cửa để hỏi han mình còn thiếu gì. An ủi đôi ba câu rồi hẹn trưa mang cơm lên. Tạm biệt nhau. Chàng đi. Mình ở lại với mọi thứ chơi vơi khôn cùng. Cắp túi đồ, thong thả tìm chỗ có thể ghé chân ngồi chờ. Ui cha, hóa ra đi đẻ là thế!
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 22: Liên hiệp hội phụ nữ… đi đẻ
Lời bác sĩ như thể lời của trời đất. May quá rồi, chứ cứ ở đây mãi chết vì stress, chứ không phải chết vì đau đẻ mất. Mình mừng rỡ báo tin với chàng và dặn chàng đêm nay ngủ lại với đồng đảng của chàng.
Số bà bầu kín đặc mấy phòng chờ đẻ đến tối cũng vắng hẳn. Giờ mỗi giường chỉ còn hai mẹ, tráo đầu đuôi cũng có thể nằm nghỉ tí rồi. Có lẽ ngày xưa mọi người bảo mình cái miệng to hơn cái mặt chăng, mà tính đến 7h tối mình đã quen sạch cả bốn phòng chờ. Hình như nỗi cô đơn và sợ hãi khiến các bà bầu dễ thân thiết nhau hơn. Khoác tay nhau đi lại khệ nệ trong hành lang vẫn còn vẳng tiếng khóc của trẻ và tiếng hét của một ai đó đang cố rặn. Những lời thì thầm rủ nhau trốn phòng chờ đẻ ra cổng tranh thủ gội đầu. Đâu đó, có bầu không ăn được món nọ thì đổi món kia cho bầu khác rồi cùng cười. Thi thoảng các y tá cũng nhắc nhở không được ăn đồ khó tiêu như trứng, cơm rang… để nhỡ đâu phải mổ đẻ lúc gây mê thức ăn dễ sộc lên thực quản, dễ sặc mà… chết. Ai cũng vâng dạ răm rắp nghe theo.
Ở đây không có tiếng nói của thời trang, ai cũng rũ rượi trong bộ đồng phục nát bét nhàu nhĩ của viện. Hoa lá cành trên vải không còn nhìn rõ nữa. Áo buộc bằng dây nhưng có cái dây cũng không còn. Váy là hình chữ nhật cuốn tròn và có dây rút, bà nào với nhầm thì dây rút cũng thiếu, đành báo người nhà cho mượn cái kim băng. Mọi giầy dép của bầu bị bỏ lại ngoài cửa, có mấy đôi dép lê tự bao giờ trở thành của chung. Ai leo lên giường thì mất dép. Đầu tóc ai cũng bù xù. Mà lạ thật, biết bao nhiêu con người đấy, chẳng thấy ai chải đầu làm đẹp.
Đêm thứ nhất không thể ngủ được, hình như ai cũng vậy thì phải. Đèn thắp sáng trưng. Ngoài ô cửa sổ, người nhà của các nạn nhân đi đẻ vẫn ồn ã chuyện trò hoặc chới với căn dặn. Trong này, hành lang tiếng lết dép của các bầu đi lại, tiếng trẻ khóc ré lên mỗi lần xuất xưởng. Tiếng bầu ỉ ê rên rỉ hay khóc thét nghe miết cũng thành quen. Thi thoảng, tiếng dụng cụ y tế loảng xoảng trên chiếc xe kéo bằng inox đánh rầm một cái khi cô y tá kéo xe qua một khe hở gạch. Cứ hai tiếng một lần, phái đoàn hai cô xinh xinh thực tập viên đi nghe tim thai các mẹ một lần. Vậy là 3h sáng cũng như 3h chiều mà thôi. Ở đây, không có ngày và đêm.
Mấy đứa cùng nằm phòng chờ số 12 bắt đầu thân nhau. Nhưng cũng căng thẳng vô cùng. Vì phòng này nằm ngay cạnh phòng đẻ nên cứ giật mình thon thót sợ hãi. Ở đó, có cái Nguyệt xinh nhất, có lẽ vì thế người nhà của nó cũng chiếm số đông nhất ngoài cửa sổ. Cái Phương béo tròn dịu dàng thành phần gia quyến giống mình, chỉ có hai vợ chồng, một trong một ngoài thôi. Một cô bé nữa ở tỉnh xa về đây do thai bảy tháng vỡ ối mà chưa đẻ được, đã nằm trước hai ngày rồi. Và một bạn nữa có ông chồng lúc nào cũng lẩm bẩm:
- Nó đi đẻ còn ngủ được, mình chỉ đi theo thôi mà lại mất ngủ mới dở hơi chứ.
Anh chồng vui tính ấy luôn đứng chờ ở ô cửa cho vợ ăn hết khẩu phần ăn mang vào... Mua cháo chân giò cho vợ ngoài cổng, vào đến phòng thì còn cháo hết chân giò.
- Thôi anh về đi, cuộc chiến còn dài mà. Có gì em gọi điện cho. Bác sĩ bảo em còn lâu.
- Em còn cần gì nữa không? Có cần anh ở lại không?
- Không, em đủ rồi. Anh đi đi kẻo khuya.
- Ừ, anh về nhé.
Mình và chàng quyến luyến chia tay hệt như dạo mới yêu. Vậy mà có lúc mình cảm thấy những giây phút xao động ấy sau ngày cưới đã chết chỏng rồi. Mưa đông ướt đầy trên vai áo rét của chàng. Chàng vội vã đến mức tả tơi hai tay hai cặp lồng, đầu đội mũ bảo hiểm, túi áo nhét sữa, túi nilon, và giấy bút cái phồng to cái phồng bé. Chàng bảo: đội mũ nặng thật nhưng cho nhanh, nhỡ đâu phải nhào đi hay đỡ phải mở cốp cất mũ. Kể ra, đàn ông đi cổ vũ cho quy trình vượt cạn cũng khổ lắm. Nhất lại vào đêm đông.
- Ơ thế ông này về à? Không ở lại với chúng tôi cho vui. Yên tâm, có chỗ ngủ hết rồi. Khách sạn Hilton hẳn hoi nhé. Ở lại cho vui ông ơi.
Anh cháo chân giò vỗ vai chàng và chỉ về phía dãy nhà mới xây còn bỏ hoang đối diện dãy nhà chờ đẻ. Ở đó mấy ông chồng phụ tá liên hiệp hội phụ nữ phòng 12 đã rải sẵn những chiếc áo mưa ra nằm rồi. Hóa ra, ở ngoài hành lang mưa gió ấy, các ông chồng cũng có hội có thuyền. Thân ơi là thân.
Ngày thứ hai.
Nếu có ai phỏng vấn xem cái gì ấn tượng nhất ở bệnh viện phụ sản thì chắc mình sẽ trả lời: nhà vệ sinh.
Trời ơi, trời có xuống đây đi đẻ cũng không thể tưởng tượng được. Gần một trăm con người nơi đây mệt mỏi chờ đợi một cái nhà vệ sinh duy nhất. Bẩn dễ thương chứ nếu miêu tả là dễ sợ thì quá xoàng xĩnh.
Nỗi khiếp sợ thứ hai của các bầu con so là những lần giao ca khám nhận. Hai ngón tay của bác sĩ thì quen rồi nhưng cái lối ra cho em bé thì chưa quen. Vậy là mỗi lần khám xét, khua khoắng, bầu nào cũng nhắm tịt cả mắt, khó chịu đến rùng mình. Đứa nào cũng đùn đẩy nhau lên bàn đầu tiên. Vì không phải chỉ có bác sĩ khua khoắng, mà còn có cả bác sĩ tập khua khoắng. Người ta gọi họ là… sinh viên thực tập.
- Yên tâm, đêm nay sẽ đẻ!
Lời bác sĩ như thể lời của trời đất. May quá rồi, chứ cứ ở đây mãi chết vì stress, chứ không phải chết vì đau đẻ mất. Mình mừng rỡ báo tin với chàng và dặn chàng đêm nay ngủ lại với đồng đảng của chàng. Cái Phương bảo mình:
- Mỗi lần y tá gọi người nhà ra xem mặt một em bé xuất xưởng và một cái xe đẩy bà sản phụ sang phòng điều dưỡng lại một lần sốt ruột nhỉ.
- Ừ, yên tâm rồi sẽ đến lượt chúng mình mà. Nhưng, thích nhỉ bà. Bao giờ mới đến lượt chúng mình bà nhỉ.
Hai đứa nắm tay nhau đi nốt quãng hành lang đi bộ còn lại cười rinh rích. Đồng cảm. Có lẽ thời chiến tranh người Việt Nam mình tính cộng đồng cao hơn bây giờ cũng là như thế.
Mình có một em bé
Cuối cùng, các bác sĩ cũng đồng ý cho mình mổ đẻ. Trong cơn đau tận cùng trái đất, chàng cuối cùng cũng được cho vào để thay quần áo cho vợ, nhìn vội nhau rồi mình bị ẩn đi.
6h tối.
Hình như cái gì đó bắt đầu rậm rựt trong bụng. Nó tăng dần tăng dần từ đằng lưng đau lại. Mẹ ơi, hình như con bắt đầu chiến đấu đây.
8h tối.
Vừa khéo, cả phòng đứa nào cũng bắt đầu đau. Góc này cuộn tròn trong chăn nhăn nhó. Góc kia bám trụ cột căng màn run rẩy. Ngoài cánh cửa, mình và cái Phương cố đi nốt những bài đi bộ cho con chóng tụt. Đau theo cơn, nên lúc nào rộn ràng là lại vội đứng áp vào tường. Hết, lại đi bộ. Đau gì mà cứ như giả vờ ấy.
Mình ăn được nửa suất cơm chàng mang vào thì không thể tiếp tục. Đúng là có thế này mới thương mẹ đẻ xưa kia. Bà chị nào nói đến sinh con, ai cũng miêu tả khiếp lắm, như vụ Big Bang động trời. Giờ mình mới thấm nhuần. Những sinh linh bé nhỏ đang thúc giục thời gian nên ra sức quẫy đạp. Và có lẽ vì thế mà cái đau này khác hẳn bất cứ sự đau đớn nào khác. Mẹ chồng mình mô tả: đau như giời ù.
10h tối.
Bác sĩ khám nhận bảo là đã mở hai phân. Mừng te tua. Chắc đêm nay là đẻ thật. Họ bảo mình khuân bình nước vào phòng trong nằm máy nghe tim thai. Nằm mãi, nằm mãi chỉ tổ ê lưng, chẳng thêm được phân nào. Chàng lúc ấy mới từ nhà ra, sẵn sàng đêm nay ngủ tại Hilton, nhìn quanh phòng không thấy vợ đâu cả. Chàng nhắn tin: “Em trốn viện đi đâu à?”. Nhưng chắc các bầu khác ở lại phòng cũng nói cho chàng biết. Tệ thật, không tin tưởng vợ gì cả.
12h đêm.
Cơn đau đã bắt đầu quá sức tưởng tượng. Nắm chặt hai thành giường, tay mình run lên vì cố ngậm miệng không gào ra thành tiếng. Nhìn thấy chàng cứ trợn tròn to mắt ở cửa sổ đứng nhìn, tự dưng mình phát cáu. Cái phòng chờ trở nên sôi động hẳn, đứa nào cũng ôm cột, cũng ôm cửa, cũng ôm giường. Chỉ chờ hết cơn đau, mình vội vàng thu xếp đồ đạc chuyển ra cửa sổ cho chàng. Phòng khi đi đẻ không quay lại phòng này nữa. Chưa kịp chuyển, cơn đau lại tới. Mình ngồi bệt không dậy nổi, chàng cằn nhằn, mình gằn mắt nhìn chàng căm hận rít lên cáu từng câu từng chữ:
- Thằng kia, có im đi ngay không?
Cả đám mấy ông chồng đang bu đầy cửa sổ cười rúc rích, chỉ có chàng là im phăng phắc.
1h sáng ngày hôm sau.
Cố đi bộ cho chóng hết cơn ác mộng này. Đi rồi lại dựa tường. Dựa tường rồi lại đi. Bặm môi lại để đi. Cố an ủi mình bằng ý nghĩ: đi nhiều cho chóng đẻ nào, mấy đứa kia cứ lăn lộn trên giường, chúng nó sẽ còn lâu.
Khám nhận.
Bác sĩ bảo chỉ mở một phân. Ô hay, vừa nãy hai phân cơ mà? Mình bò lên giường làu bàu:
- Chỉ vì đi bộ mà mất toi một phân. Biết thế nằm lăn lộn còn sướng hơn.
Bác sĩ tiêm cho một mũi kích thích vào đùi, đau nhớ đời, hét lên ôi trời ơi rồi mình phải tự bám tường mà đi khập khiễng về phòng. Y tá họ mắng: To mồm! Sợ họ thật.
Chồng cái Phương ra hiệu nhắc vợ đi bộ tiếp, từ phòng khám nhận về, nó cũng hét lên giận dữ:
- Bộ bộ cái gì, lại giảm một phân đây này. Hồi nãy mở ba phân, giờ lại thấy bảo còn hai phân. Bực cả mình.
3h sáng.
Đau quá, mình ôm chặt lấy cái Phương khóc. Nó an ủi, vỗ về và dìu mình sang phòng đẻ. Mấy cô y tá gỡ mình ra khỏi cô bạn, không gỡ nổi. Khổ thân nó, vừa đau lại vừa dỗ dành mình. Mình vẫn chưa mở thêm được phân nào, nên lại bị dí vào nằm cái máy nghe tim thai. Đến giờ thì không thể chịu được nữa, mình bắt đầu gào to. Bà bác sĩ lớn tuổi bảo:
- Cô đừng có gào to thế, cố chịu đựng đi. Mọi thứ đều phát triển tốt mà. Cứ bình tĩnh.
- Mình vẫn cứ gào khóc.
- Ô hay, cái cô này hay nhể. Cô có biết cái giường cô nằm ngày xưa tôi sinh con cũng nằm không? Tôi cũng đau lắm chứ, nhưng tôi phải bặm môi chịu đựng, không kêu một tiếng nào để làm gương cho bệnh nhân.
- Hu… hu… vì cô là bác sĩ, mới lại cháu chịu thôi, cháu không im được. Cháu chết mất.
Thế rồi mình gào. Cơ địa mỗi người mỗi khác, cũng là đau đẻ, tất nhiên sẽ có người đau nhiều hay đau ít hơn. Mình vốn dĩ bình thường bị ốm đau cái gì cũng khổ sở lắm rồi, giờ còn bị mắng nữa, làm sao mà nhịn được chứ. Trong đầu mình lo lắng, tự đặt ra câu hỏi:
- Chết dở rồi, làm thế nào bây giờ, làm thế nào cho em bé ra khỏi bụng mình bây giờ. Trời ơi là trời, lần sau mà cho đẻ nữa thì có cho tiền cũng chịu. Sao mình lại khổ thế này. Cùng hưởng sung túc như nhau sao lại chỉ có mình chịu đau đớn thế này. Chẳng có ai người thân bên cạnh thế này, trời ơi là trời.
Mình vẫn gào thét, mấy chị đang nằm theo dõi tim thai ở giường bên cạnh cứ nhìn, chắc mình cũng làm các chị ấy hoang mang. Các bác sĩ bỏ ra ngoài hết. Chỉ còn các bác sĩ thực tập. Họ đứng nhìn mình, người khoanh tay, người chống nạnh. Chắc họ đang xem khỉ, không mặc quần, dang hai chân lên giá đỡ, bụng bị trói vào cái máy nghe tim thai, gào thét quằn quại.
- Này chị, chị mà kêu nữa là chúng tôi mặc kệ chị đấy.
- Bác sĩ ơi, em đau lắm, em có kêu một tí thì bác sĩ cũng để em kêu chứ. Bác sĩ thương em, bác sĩ là đàn ông làm sao hiểu được. Em đẻ đứa đầu mà, đã bao giờ em đau thế này đâu.
Mình kể lể như để vớt lấy tình thương còn sót lại trong những sinh viên thực tập. Nhưng họ nhìn nhau và bỏ ra phòng ngoài. Hình như họ đang cười đùa, trò chuyện và bổ cái gì ra để ăn thì phải. Nửa đêm mà, trực thế này họ cũng vất vả lắm. Mình đau đẻ mà còn buồn ngủ nữa là họ. Chẳng biết chàng ở bên ngoài như thế nào.
- Ối giời ơi, cứu tôi với.
- Có chuyện gì thế.
- Em đau lắm bác sĩ ơi, bác sĩ cho em mổ đẻ đi, em chết mất.
Các bác sĩ thực tập chạy vào phòng mà trong tay vẫn còn cầm miếng xoài xanh. Tiếng bíp bíp từ máy đo tim thai kêu dồn dập. Mình là dân đen, không hiểu gì về mấy cái đấy. Mình chỉ thấy hoa hết cả mắt, toàn thân run lên cầm cập, đau đã đành, giờ mình còn không hít thở được nữa. Mình có cảm giác như mũi bị cái gì đó chặn lại, ngực bị đè đá, không thể thở được.
Bác sĩ trực chính cuối cùng cũng chạy vào làm mấy miếng xoài nhét vội vào túi áo blouse. Lạ thật, sao mình vẫn để ý đến mấy chi tiết ấy nhỉ, món khoái khẩu của mình có khác. Chàng mà biết chắc giận mình lắm. Chết đến nơi mà còn nghĩ đến ăn chứ không nghĩ đến chàng. Ôi, trời ơi!
- Thở đi!
- Thở mạnh lên nào! Thở đi cho con nó thở với chứ!
Bác sĩ vừa hét lên vừa ấn bụng mình xuống, tay thọc vội vào cửa ra của em bé để kiểm tra. Hình như mình đang không thở được làm cho em bé bị thiếu ô xy. Vì vậy mà máy báo tim thai rối rít báo động. Mình càng thở, càng cố thở lại càng run lên bần bật. Không nhấc nổi xương lồng ngực lên, mũi như bị đá đè.
- Bác sĩ ơi, cho em đẻ mổ đi, em không chịu nổi đữa đâu.
- Thở đi nào, cô không thở là em bé thiếu ôxy lên não đấy. Cố lên, gần sáng là đẻ thôi.
Ôi trời ơi, bây giờ là 3h30 sáng rồi, gần sáng là bao giờ đây. Mình nghe thấy bác sĩ quay ra thì thầm với đám thực tập: “Tiêm cho ba mũi kích thích từ chiều tối đến giờ rồi, chọc vỡ ối cách đây hai tiếng rồi, sao giờ vẫn chỉ mở có hai phân nhỉ?”. Vậy là mình mất hết tinh thần. Mình nắm chặt hai tay vào mép giường sắt mà toàn thân vẫn run lên bần bật. Chẳng biết đau đẻ được miêu tả bằng lời văn như thế nào nhưng phải công nhận, bà nào cũng khiếp sợ là đúng thôi.
Cuối cùng, các bác sĩ cũng đồng ý cho mình mổ đẻ. Trong cơn đau tận cùng trái đất, chàng cuối cùng cũng được cho vào để thay quần áo cho vợ, nhìn vội nhau rồi mình bị ẩn đi. Chàng đứng ôm đám quần áo và bình nước, xa dần xa dần.
…
Dàn đèn của phòng phẫu thuật bật cái bừng. Tất cả mọi người giống nhau hết thảy, kín mít. Chỉ khác nhau cái mắt lộ ra thôi. Mình được dìu lên bàn mổ. Cái bàn nhỏ tí, nằm lệch ra là rơi khỏi giường. Có hai phần dôi ra để trói tay vào đó. Ơ hơ, giống cây thánh giá quá.
- Nào, nằm nghiêng nào, cong người lại, không được nhúc nhích nhé. Để gây tê cột sống nào, động đậy lệch ra là chết dở đấy.
- Bác sĩ ơi, cháu đau lắm, cháu không yên được đâu, bác sĩ giữ cháu hộ cháu với.
- Ừ, được.
Ông bác sĩ cười rồi giữ chặt mình. Một khi đã đau đẻ rồi thì tiêm thêm cái gì đó vào cột sống cũng chẳng thấy đau gì nữa. Đau vì tiêm giờ chỉ như muỗi đốt biển số xe mà thôi.
Toàn thân mình bắt đầu ấm dần. Từ thắt lưng trở xuống chỉ có cảm giác tê ấm. Bức màn căng lên chắc là cho bệnh nhân khỏi hết hồn. Nhưng mọi thứ thì lại được soi rõ qua cái chùm đèn trên nóc giường mổ. Mình sợ bị ám ảnh, mình mệt, nên chẳng cố để nhìn, mình nhắm mắt mơ màng, chỉ còn tiếng cười nói của các bác sĩ. Đúng là giờ mổ đẻ đơn giản như mổ gà.
Mười lăm phút sau…
Mình cảm nhận em bé được lấy ra trong sự hân hoan của kíp mổ. Chẳng biết có phải không vì ai cũng bịt mặt và cũng vì mình hân hoan. Cái bụng mình vẫn đang tiếp tục được khâu nhưng em bé đã chùi cọ và quấn tã xong rồi. Cô y tá bế ra cho mình xem mặt. Trời ơi, con tôi đây ư? Bao cố gắng nhìn căng cả mắt để thấy mặt con trong ảnh siêu âm giờ con đã ở trong chăn bông kia ư?
Một cô bé mắt to đen láy, mũi chấm trắng, đầu hói như ông nội nhìn chầm chậm xung quanh, cái tay nhỏ tí xíu tò ra khỏi chăn quờ quào.
Niềm hạnh phúc ứa trào ra nước mắt. Mình đã là mẹ. Và mình có một em bé.
- Nào, giờ thì ngủ đi. Mai tỉnh dậy thì ở phòng hậu phẫu rồi đấy.
Ông bác sĩ vỗ vỗ trìu mến vào má mình nhắc nhở. Mình cười, cố nhắn nhủ:
- Vâng, cháu cũng buồn ngủ lắm rồi. Nhưng bác sĩ ơi…
- Cái gì thế?
- Đừng quên cái kéo nào trong bụng cháu đấy nhé!
- Ơ, cái con này, sao lại nói thế?
- Cháu nói đùa thôi mà.
- Nói đùa cũng không được nói thế. Nghe rõ chưa.
- Vâng, thưa sếp.
Mình được chuyển sang cái xe đẩy, trần nhà bắt đầu chuyển động như băng chuyền, tiếng bánh xe rầm rập đều đều như lúc ở phòng chờ đẻ mình vẫn nghe. Nhìn ngược trần nhà một tí ti rồi mình cũng ngủ mất.
Một trang mới bắt đầu.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 23 : Hạnh phúc ơi!
Ngày xưa, thượng đế tạo ra Adam không phải để dạy anh ta biết hy sinh một phần xương sườn của mình cho người đàn bà mà anh ta yêu. Sự thật, thượng đế tạo ra Adam để có thêm người ngồi vòng tròn chơi cho đủ bộ mà thôi. Lúc ấy, ngoài thượng đế ra, còn có rắn trông coi trái cấm, có quỷ sa tăng, nên thiếu mất một chân. Cuộc vui mất hay. Rồi thượng đế tạo ra Adam cũng là để ngồi bốc phét chuyện nước Mỹ ai ra tranh cử, để sưu tập những sự vô tâm, để ra oai với muôn vàn cây cối, để làm vỡ những cái bong bóng màu hồng vốn đã dễ vỡ, và để người đàn bà mà anh ta yêu biết khóc nữa.
Chàng sinh ra hình như cũng không ngoại lệ. Chính xác là đằng khác. Không biết từ bao giờ, chàng chỉ biết mình là số một mà không nghĩ đến điều gì xa hơn. Tết năm nay những khó khăn về chuyện tiền bạc dường như đã biết lùi vào trong góc bếp. Chi tiêu thoải mái và những thứ sắm được cũng làm cho hai vợ chồng nhìn cái tết thoải mái hơn. Nhưng…
Sao cuộc sống lúc nào cũng có chữ nhưng thế nhỉ?
Nhưng cái hạnh phúc mỏng manh ánh lên hy vọng ngày hai đứa hai bàn tay trắng lấy nhau hình như đang mở cuộc trốn tìm.
Tiền về rồi thì hạnh phúc lại ra đi chăng?
Tìm không ra?
À mà không, có hai con người đang mãi ở lại giữ lấy cái tôi của mình mà không buồn đi tìm thì có.
28 Tết…
- Cô coi tôi là cái gì? Là bù nhìn à? Rủ tôi đi mua nhưng có nghe lời tôi đâu?
- Nhưng em thích cái lò ấy. Anh buồn cười nhỉ, nó đắt một tí có sao đâu, quan trọng là nó có nhiều chức năng.
- Cô thì biết cái gì mà nói. Hàng đó nó mãi không bán được may mà cô mua. Cô bị cái thằng bán hàng nó lừa rồi.
- Quên đi, anh bảo thủ lắm. Bực cả mình.
- Sao lại ngu thế không biết?
- Có anh tiếc tiền thì có. Thế anh biết được là người ta không bán được à? Nó là hàng Sanyo hẳn hoi, có phải hàng Tàu đâu.
- Đúng là đồ ngu.
- Ừ, đúng đấy. Anh không nói tôi cũng biết. Công nhận, tôi ngu thật. Tôi ngu nên mới lấy anh.
……
Sau một hồi vùng vằng, chàng bỏ đi. Để lại mình đứng lại với xung quanh toàn là lò vi sóng. Thế đấy, cả một năm cố gắng, thấy mẹ già yếu, muốn mua mừng tuổi bố mẹ đẻ cái lò để giải phóng đôi bàn tay. Nhìn thấy cái lò vi sóng loại mới ra có thêm chức năng nổ bỏng ngô, bánh pizza và hầm rau hầm thịt làm mình cứ dính chặt vào đó. Còn chàng thì không. Chàng muốn mua cái lò giống như ở nhà đang dùng. Và dù mình có nói gì đi nữa, chàng cũng cho rằng mình không biết gì, mình ngu. Sao mà tự ái thế không biết. Hay là tặng bố mẹ vợ nên chàng trở nên như vậy? Tự dưng mình ước: Giá như chàng nói những câu đó từ dạo yêu nhau thì tốt biết mấy, lúc ấy mình sẽ sớm tỉnh ngộ mà lấy anh khác cho xong. Giờ lấy nhau về rồi, mới nhận ra đã muộn. Ngửng đầu nhìn ra đằng trước, trong lý lịch ít nhất cũng ghi có một đời chồng. Quay đầu nhìn lại, bao ngậm bồ hòn làm ngọt với gia đình chàng, giờ lại còn thêm chàng nữa là sao? Ức ơi là ức.
Kệ, tiền ở trong túi mình mà, đi thôi, ra quầy thu ngân thôi. Hôm nay mình quyết rinh cho được cái lò về mừng tuổi mẹ. Từ ngày đi lấy chồng, năm nào cũng mừng tuổi mẹ tiền. Năm nay khôn rồi, mừng tiền mẹ lại cất đi dành dụm, mừng cái lò là hết cất đi mà dành dụm! Chỉ còn nước tiêu tiền điện nữa thôi.
Châm ngôn mới khai quật: “Không cần phải đủ hai người đàn bà và con vịt, chỉ cần một người đàn ông, một người đàn bà và một cái lò vi sóng là thành một cái chợ rồi”.
…..
Cái gì thế này con ơi?
Ánh mắt mẹ vừa tự hào, vừa cảm động, vừa vui xen hòa lẫn lộn khiến mình cũng nhận ra. Tự dưng trong đáy lòng, cái tôi của mình cũng ưỡn ngực hãnh diện. Mẹ ơi, con cũng đang tự hào về mình đây này, mẹ ơi!
…..
Niềm vui chưa tày gang, 6h tối, khi chuẩn bị đóng cửa hàng để về với Đậu Đỏ lười ăn nhất thế giới, thì bạn bè chàng đến mua quần áo. Từ lúc dỗi mình, chàng không về cửa hàng cùng chung sức những ngày giáp tết nữa, chàng đi đâu ấy. Đấy, đàn ông cũng có lúc khác gì đàn bà đâu, rõ lèm nhèm. Vì chàng, hôm nay mình phải về muộn mất nửa tiếng.
- Mày về mà trông con mày đi. Sao lại cứ ném con mày cho bọn tao như ăn vạ thế này. Trời ơi, ai khổ như tao không, hai mươi tám tết mà nó không cho nghỉ thế này? Sao mày lại khốn nạn thế chứ…
Cánh cổng vừa mở, tiếng chửi của mẹ chàng ào ra cổng như cơn gió lốc, át cả tiếng xe máy nổ làm mình dạt sang một bên. Thôi tắt máy cho mẹ chửi được sống động và sắc nét vậy. Mình lầm lũi dắt xe vào sân như con chó ăn vụng bột bị phát hiện. Trong lòng cái não nề hồi trưa ở ngoài siêu thị lại về.
Giá như là mình bỏ con cho mẹ để đi chơi thì về bị mắng nó mới bõ. Đằng này, con trai mẹ bỏ đi chơi, còn mình thì ở lại làm đến phút cuối, trót nhỡ về muộn nửa tiếng, lại là đứa tội đồ to nhất. Vừa hai hôm trước mình ở nhà trông con cho mẹ nghỉ ngơi, hôm nay mẹ đã quên mất rồi. Mình định mở miệng báo tội con trai mẹ. Nhưng lại chợt nhận ra mẹ sẽ gọi đó là cãi. Phận làm con dâu nghèo, kiểu gì chả thiệt. Im đi cho vui nhà vui cửa. Cái tôi của mẹ cũng vui. Bao giờ mình giàu hơn thì mẹ sẽ quý hơn mà. Ấy vậy mà trong lòng vẫn hét lên thổn thức: Oan thật là oan!
Đậu Đỏ hét lên mừng rỡ trong nhà, giơ hai bàn tay xinh xinh đòi mẹ bế làm mình quên đi mệt nhọc và cái cục gì nghẹn ứ trong cổ từ lúc mở cánh cổng nhà chàng. Bế Đậu Đỏ lên gác, bỏ chạy khỏi tiềng chửi đang giục giã như trống trận đằng sau, đóng cánh cửa phòng lại, mình rút điện thoại và bấm.
- Anh à, anh về ngay đi. Mẹ mắng em ghê quá.
- Lại về muộn chứ gì? Đã bảo về sớm mà không chịu nghe. Còn làm cái gì ở đấy không biết nữa. Trông con đi chứ còn gì nữa…
Cái tự ái của chàng chưa nguôi ngoai thì phải. Hình như trong điện thoại chàng vẫn nói, bài diễn văn không cần giấy tờ, không cần trái tim biết đập dẫn lối. Nhưng mình biết, nếu nghe nữa, vừa phải trả tiền điện thoại cho Viettel, vừa phải khóc vì ức. Tóm lại: tắt máy. Đỡ một ít tiền điện để sạc. Đỡ một ít tiền cước viễn thông. Đỡ rất nhiều tức trong lòng.
Ngồi thụp xuống giường, lòng nặng trĩu. Chẳng biết lấy gì để vực tinh thần lên đây. Ôm con vào lòng, nó nhìn mẹ, mắt tròn to, rồi dụi dụi vào ngực mẹ như một đồng minh cùng chiến tuyến. Con yêu, chỉ thế thôi cũng là đủ vỗ về mẹ lắm rồi.
Biết bao lời nói khiến mình như người bị đẩy xuống vũng nước lạnh. Nhưng Đậu Đỏ, chẳng cần lời nói nào, chỉ ánh mắt ấy thôi, bốn cái răng sữa nhe ra ấy thôi, cũng khiến mình không thể không đứng lên. Con nhìn mình bằng ánh mắt như để nói mình là tất cả thế giới của nó. Nó cần mình che chở và cần vòng tay vững chãi của mẹ biết bao nhiêu. Các cụ nói đúng: có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Tự dưng mình nhớ mẹ ở nhà quá. Nhớ kỷ niệm đến năm học xong đại học vẫn sờ tí mẹ mà chưa bao giờ bị mẹ trêu hay chê bai. Giờ ở nơi đây, gần hai năm, vẫn xa lạ. Không tự đứng lên mà che chở cho con mình thì ai lôi lên? Mình cười.
Vừa cười vừa khóc.
Hạnh phúc ơi, ta đang hốt hoảng đi tìm ngươi đây.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 24 : Phát súng đầu tiên
Từ ngày sinh con, mọi thứ như được tô thêm màu sắc. Có những điều mà chỉ những người làm mẹ mới nhận ra được. Những điều khác lắm xảy ra từ bên trong trái tim này.
Với mình, đúng thật, con là tất cả. Chàng cũng chỉ xếp hàng sau mà thôi. Nhìn ngắm nó ngủ, cả thế giới như ngủ quên, yên bình đến khôn tả. Mẹ cũng yêu cháu nội của mẹ lắm. Đứa cháu đầu tiên. Đứa cháu hứa hẹn một ngày nào đó nó lớn lên, mẹ có thể cắp đi họp hai số cuối cùng các bà trong làng. Đủ bộ, không kém bà nào.
Cũng có lẽ do yêu cháu quá nên mọi thứ mẹ đều muốn quyết định hết. Từ quần áo cháu mặc đến nếp sống, đồ ăn của cháu. Đậu Đỏ giờ đã được 14 tháng, biết nịnh bà và nghịch tung trời rồi. Nó khiến bà bận bịu hơn và mệt mỏi hơn mỗi lần cho ăn bởi cái tính lười ăn từ nhỏ. Cũng có lẽ vì vậy mà những cơn thịnh nộ mỗi lần đi làm về mẹ đổ lên đầu mình nhiều hơn.
Hôm ấy, mình lại về muộn. Hai vợ chồng lo đón hàng vụ hè về nên về muộn mất một tiếng. Mình đã bắt chàng gọi điện về từ sớm báo mẹ về muộn để đỡ bị mắng. Nhưng vô nghĩa. Mình về trước, chàng về sau. Và tất nhiên, chàng không biết mẹ lại chửi mình về muộn như thế nào. Chán, mình chán cứ phải im lặng mãi như thế này được. Mình cảm thấy như máu trong lòng cứ sôi lên giục giã. Nửa xấu xa đang mắng té tát vào nửa nhẫn nhịn trong mình:
- Này, tỉnh táo lại đi. Mình còn phải sống nữa chứ. Cả đời làm cái bóng mãi à? Có ai đi bán hàng trong giờ hành chính không hả? Càng im, mẹ càng tưởng mẹ đúng đấy. Này, không trông con thì thôi, mình tự trông được mà. Việc gì phải im thế. Cứ nhịn thế này, chưa biết chừng lại bị mẹ quý đấy. Mà mẹ đã quý thì mẹ rào chặt. Sau này còn khuya mới tách ra ở riêng được đâu. Này, ngu thế. Hãy đứng lên đi, đứng lên mà bắn phát súng phản kháng đi chứ…
Cái nửa xấu xa trong mình càng lúc càng mắng mình nhiều hơn. Nó gào thét như muốn đun một nồi nước sôi trong cuống họng. Nó ẩn nửa nhẫn nhịn xuống cuối ruột rồi che phủ bằng vô vàn những ký ức không vui mà mẹ đã dày công làm nên đối với mình. Nó cắt đứt tất cả mối ràng buộc của quá khứ đến hiện tại. Nó chống cái que khô lên mắt mình để mình nhìn thực tại rõ hơn:
- Này, nhìn đi. Tương lai sẽ thế nào? Con là của mình cơ mà. Con ăn gì, uống gì bấy lâu nay mình có được quyết định đâu? Mặc áo ấm cho con, đi làm khỏi là bà cởi phăng đi, rồi cho mặc theo ý bà. Bà bảo áo mẹ nó mua xấu. Biết bao nhiêu lần về nhà bất chợt, thấy con chỉ có ngồi chơi lủi thủi một mình, có thấy ai phải trông đâu? Mình là mẹ cơ mà, không lẽ không mang lại cho con một tuổi thơ ngọt ngào à? Cứ thế này mãi, sau này con cũng sẽ hay dỗi như ông nội và hay làm đau lòng người khác như bà nội thì sao?
….
- Ngày mai mày mang nó đi đi. Tao ********* vào trông con mày. Chúng mày như của nợ ấy. Cứ nhằm tao ra mà ăn vạ. Thật tao chưa thấy người mẹ nào lại đổ đốn như mày.
Ôi, tươm! Tự dưng trong bài chửi của mẹ có đoạn mở lối tiên phong cho nửa xấu xa của mình đang vẽ hướng. Tiếng thúc giục của nó vừa xong thì tiếng chửi của mẹ đã kéo mình về thực tại rồi. Còn gì bằng nữa, đã đến lúc phát súng phản kháng đầu tiên cất nòng rồi. Hiền ơi, hãy sống lại đi!
- Vâng, mẹ. Mai con sẽ mang cháu đi. Mẹ đừng lo!
Nói rồi mình ôm con lên gác. Mình không tin được là cuối cùng mình cũng làm được bằng cái giọng tỉnh bơ. Mình không run rẩy. Lên gác và không xuống nữa. Bữa tối mình bỏ cơm. Đằng nào cũng thế, có xuống ăn cơm cũng người nọ gằm ghè người kia, có nuốt được đâu. Mình không muốn xuống nhìn bố mẹ với những giận dỗi mà chỉ khi mình biếu tiền mới tươi lên được. Còn phải chạy ăn từng bữa, làm sao cứ lấy tiền để củng cố tinh thần cho bố mẹ được đây? Chàng có mắng thế nào đi nữa, mình với Đậu Đỏ cũng đắp chăn đi ngủ sớm. Miếng cơm nuốt không trôi thì ăn làm gì?
…..
Hôm sau, mình bế con đi làm từ sáng. Trước khi đi, vẫn dạy con vẫy tay chào ông bà thật ngoan, xin phép bố mẹ rồi đi làm. Lỉnh kỉnh đầy đồ của mẹ, của con. Tự dưng mình thấy đằng trước biết bao nhiêu ánh sáng. Ánh sáng của biết bao dự định mới. Mình tự trách mình sao giờ mới biết phản kháng. Phản kháng trong giới hạn cho phép của một đứa con dâu cũng có ai trách tội gì đâu. Mình thật lạc hậu quá đi. Ôi, ánh sáng ở phía trước kia kìa.
Đậu Đỏ được đi làm theo mẹ sướng lắm, sáng nào cũng tự lấy giầy, lấy tất, lấy áo khoác đưa cho mẹ để mẹ mặc hộ. Con bé 14 tháng mà ra dáng lắm. Nó làm như nó đi làm ấy. Ừ biết đâu, sau này mình già, nó đi làm lại đưa đón mình trong trại dưỡng lão như bây giờ mình đưa đón nó thì sao? Bà ngoại đang giúp mình công việc buôn bán, thấy có cháu về bên, trước chỉ biết thòm thèm đến thăm cháu, cũng hạnh phúc tràn đầy ánh mắt. Cửa hàng hay căn nhà của bố mẹ bấy lâu nay vắng người, giờ tràn đầy tiếng cười của con trẻ, tấp nập của người mua hàng, vui ơi là vui.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 25 : Tất cả cùng vui.
…..
- Thôi, sáng nay mày để nó ở nhà đi.
Ngày thứ ba kể từ khi mình mang con đi. Bà nội Đậu Đỏ lại lạnh lùng ra lệnh. Nhưng câu lệnh có vẻ đã dịu xuống đi nhiều. Chàng “vâng” rồi bế con bé xuống nộp cho bà. Con bé hoang mang, cứ nhìn theo bố như sợ bị bỏ lại. Nó quen đi rồi. Con bé thấy chưa mặc quần áo, chưa đi giầy cho nó, nó hốt hoảng. Con bé lao ra túm lấy chân bố, mếu máo. Khi thấy mẹ vừa xuống gác, lại vội vàng lao ra, ôm lấy chân mẹ, mặt mày méo xệch, nước mắt nước mũi ướt nhòe nhoẹt trên cái mặt xinh xinh. Vừa khóc vừa bám chặt, ai nhìn chẳng động lòng.
Mình chẳng nói chẳng rằng cứ sắp đồ cho hai mẹ con. Mình không cãi, chỉ lặng im làm theo ý mình. Từ ngày làm dâu mẹ, chưa bao giờ mình dám làm theo ý mình trước mặt mẹ như thế. Đã bảo rồi mà, mình sẽ phải học cách cầm súng thôi.
- Để con mang cháu đi mẹ ạ. Con đang tập cho cháu bỏ bỉm. Nếu bà trông, nó sẽ ********* hết lên giường bà. Bà lại một phen vất vả. Vả lại con nhớ nó lắm.
Miệng nói nhưng tay vẫn cứ mặc quần áo cho con rồi bế nó ra cửa. Mình biết trong lòng mình nói khác. Trong lòng nói: “Con sẽ tự dạy dỗ cháu thật ngoan. Cứ thử một thời gian xem về muộn thì mẹ chửi con chuyện gì?” .
Cũng may, bố mẹ không ai nói một lời nào, họ nhìn theo mình bế con bé đi. Còn Đậu Đỏ, thấy không bị bỏ lại, con bé cười reo khoái chí, chân tay ôm chặt lấy mẹ, thơm vào má mẹ nịnh bợ.
Ôi cuộc sống, đáng để tận hưởng đấy chứ. Mình cứ như một nô lệ được trả lại tự do vậy. Tràn đầy sinh lực và chất chứa trong lòng biết bao dự định hào hùng.
Ma cũ
(Khi lấy chàng, phần 27)
Mẹ đứng sau lưng, lặng lẽ rồi đi chỗ khác. Mình biết chứ, cái món mình gắp đầu tiên là do mẹ chủ trì. Nói khen ngợi sau lưng người khác là một vũ khí bí mật cực kỳ hiệu nghiệm, cho dù người ấy có hay không có ở hiện trường.
Tối hôm trước mẹ bảo:
- Này, trưa mai về ăn cơm, giỗ ông đấy nhé.
Ô, thấm thoắt đã gần ba năm kể từ ngày lấy chàng, và quay đi quay lại đã đến kỳ đại hội giỗ ông rồi. Giật mình nhìn ra sau lưng, thấy thời gian không thèm xỏ dép mà chạy nhanh hơn gió. Năm nay, chắc chắn mình sẽ phải khác. Những phát súng được bắn bằng kẹo mềm, kẻo mình lại tự hại mình thôi.
Sáng hôm sau, chuẩn bị bế con ra cửa hàng, mẹ bảo:
- Thôi, mọi người kết luận lại rồi, ăn tối nhá. Chúng mày liệu mà về sơm sớm.
- Vâng, gì chứ có mẹ thì mọi thứ cứ gọi là như đường lối của Đảng rồi. Con chỉ biết chỉ đâu đánh đấy thôi. Mẹ ơi, con gửi mẹ con gà, mẹ giúp con cúng ông cái nhé.
Mình cười tít mắt dúi vào tay mẹ vài trăm để mẹ đi chợ. Hình như niềm vui biết lây, nó lây sang mẹ, làm mẹ cười tít mắt.
Mùa này trời nửa nóng nửa lạnh, ai cũng thấy khó chịu trong người, có lẽ vậy nên khách đến mua hàng cũng khó tính hơn, Đậu Đỏ cũng khó tính hơn nữa. Buồn cười, con bé chưa đầy 15 tháng tuổi đã biết lạch bạch bước ra cửa, thò chân vào tất cả các đôi giầy cao gót của các cô xinh tươi đến lấy hàng. Nó nhấp nhểnh đòi đi giầy cao gót ra gương và cười. Cái cười nhăn nhúm mũi lại và tít cả mắt. Trời, giật cả mình, sao trông nó giống bà nội nó thế chứ. Tự dưng mình cười một mình. Người ta bảo: đi đẻ thuê cũng đúng. Nó cứ tíu tít khoe các trò với những vị khách mà nó được hỏi han cưng nựng, tự dưng Đậu Đỏ thành một nhân viên thứ thiệt, một hoạt náo viên tài tình. Cứ thế, cứ thế, hai mẹ con bận hàng hóa quên cả phải về sớm. Lao được vào cánh cổng xanh thì cũng là lúc mọi người trong nhà ăn được nửa chương trình rồi.
- Úi trời, món này ai nấu đấy ạ?
Sà vào mâm dành cho đám phụ nữ, mình mới nếm có một món đã xuýt xoa gắp thêm một ít nữa vào bát.
- Mẹ mày nấu đấy. Bọn tao phụ tránh món này, món này… Mẹ mày ngày xưa làm cùng cơ quan với bà người Tàu nên nấu ăn mấy món của họ giỏi lắm.
- Vâng, công nhận cháu cũng học được của mẹ cháu nhiều cái hay lắm nhé. Chạo tôm phải ướp mật ong mới đỏ này, ướp thịt bê phải đủ bảy phụ gia này. Ôi giời ơi, riêng cái đặc sản sữa chua thì cháu học mãi vẫn không theo kịp mẹ cháu.
Mẹ đứng sau lưng, lặng lẽ rồi đi chỗ khác. Mình biết chứ, cái món mình gắp đầu tiên là do mẹ chủ trì. Nói khen ngợi sau lưng người khác là một vũ khí bí mật cực kỳ hiệu nghiệm, cho dù người ấy có hay không có ở hiện trường. Kiểu gì chẳng đến tai. Nhưng uy lực của nó thì cứ gọi là vô cùng tuyệt vời. Ai cũng quen với chuyện nói xấu sau lưng, mà không ai biết khen ngợi sau lưng kinh khủng như thế nào. Cứ nghĩ mà xem, khen trước mặt dễ bị nói là nịnh nọt hoặc khéo giả tạo đấy. Mình cũng không tin được là kế hoạch xí xóa tội về muộn lại hoàn hảo thế, chiêu này phải cảm ơn ông sếp ở cơ quan thôi.
- Em yêu, em làm giám đốc môn rửa cốc nhé. Tay đẹp thế này mà rửa bát thì bong hết sơn móng. Chị không để em rửa bát đâu, yên tâm.
Cô bé em hí hửng bưng một sọt cốc tướng đi rửa, lòng đầy hứng khởi vì… không phải rửa bát.
- Nào sinh viên, bê hết ra sân chị rửa bát cho, rồi sinh viên còn về đi học.
- Thôi, chị cứ để em rửa.
- Trời, sinh viên không phải đi học à? Thế thì rửa mau lên, xong sớm chị chiêu đãi cà phê nhé.
- Vâng.
Cô bé em luôn viện cớ về đi học, phấn khởi hùng hục làm. Mình hí hửng lắm nhưng không dám lộ ra ngoài, lộ là một mình rửa bát đến đêm mất. Mình biết câu đầu là khách sáo tí ti thôi nên không để em nài nỉ đâu, sang câu thứ hai là em đi học liền ấy mà. Trưng dụng được hai nhân sự cứng đầu nhất rồi, mình kết toàn bộ:
- Nào, thế chị em nhà mình ai muốn uống cà phê thì lao vào rửa bát nhé. Xong sớm chị em mình tụ tập sớm.
Đám em bất trị nhà chàng vui như tết, mỗi người một công đoạn, nhoáy cái là xong. Mình như cô tấm gặp đàn bồ câu của bụt, nhặt thóc xong còn đi trẩy hội. Trẩy hội theo kiểu hơi tốn kém một tí nhưng vui.
…
- Hôm nay Hiền hơi bị ra dáng đấy nhá.
- Chả thế à? Hiền này không phải là Hiền của ngày xưa nữa đâu. Anh mà vớ vẩn ấy, mất nhân tài như chơi.
- Ai cơ?
- Em ấy.
Chàng bĩu môi rồi cười ré lên khoái chí. Chàng không biết mình khoái chí hơn chàng nhiều như thế nào đâu. Bản thân mình cũng không ngờ được ngày hôm nay lại nhẹ nhàng như thế. Kế hoạch này phải ngồi nghĩ suốt từ tối qua đến chiều nay mới xong. Thế mới biết, tướng ra trận nhức đầu như thế nào. Thua trận là về bị chém ngay. Nếu có máy thời gian, mình sẽ đi buôn thuốc nhức đầu cho các tướng thời Chiến Quốc. Rồi xin lại mấy cái áo giáp, cốc chén, gươm đao sứt mẻ mang về bán cho mấy ông buôn đồ cổ trên đường Nghi Tàm. Kiểu gì mình cũng giàu.
Gần ba năm làm dâu, bà nội Đậu Đỏ mới có một câu ngọt ngào:
- Thôi, mày đi làm mệt rồi, để cháu chơi với bà, chốc mẹ bế lên sau.
Sáng sớm mai, mình phải lao ngay về đại bản doanh để khoe với thủ lĩnh:
- Mẹ ơi, con đã thắng trận này rồi. Mẹ ơi, mẹ chồng con lần đầu tiên sợ con mệt mẹ ạ.