28/4/12

Khoảng cách của biệt ly (C5-8)

Chương 5

Chập chờn lướt bên nhau hướng về phía Tây Bắc Hoa Thịnh Đốn khoảng hai mươi phút, Davis và Phát cùng dừng lại trước căn nhà só số 1441 đường W…Đó là căn nhà giữa dãy nhà bảy căn, cao ráo, có trụ sơn trắng. Được trang điểm bằng chiếc ghế dài màu trắng có vân viền ngay trước cửa sổ kính, và những khóm cây cảnh thâm thấp hai bên lối đi, căn nhà có dáng vẻ rất đặc biệt và rất ưa nhìn. Đang bồi hồi trên bậc thềm cao, Phát bỗng giật thót lên vì cái đẩy nhào và lăn vòng. Trong lúc vùng khỏi cái bóng nặng nề của Davis , chàng nghe anh ta la toang toáng:
- Í trời đất ơi! Quỷ tha ma bắt cái gì đây?

Chao đảo vươn lên trong lúc tìm Davis , kẻ đang loạng choạng giữ thăng bằng, Phát bảo với giọng mỉa mai:
- Tôi quên dặn anh là phải thận trọng. Đến nhà này mà không coi chừng trong từng bước đi thì có mà u đầu xước trán.
- Gì mà ghê gớm thế? Bộ nhà chứa toàn dao búa không hả? Davis hỏi bằng giọng giễu cợt.
- Không có, chỉ vì quá sạch sẽ thôi. Căn nhà lúc nào cũng được chùi rửa chà dọn bóng loáng từ ngoài vào trong, từ lối đi đến hiên, từ hàng lang đến phòng khách, từ bếp đến vườn sau, từ nhà dưới lên nhà trên. Khắp nơi, khắp chỗ kể cả các hóc hẻm, góc cạnh hay xó xỉnh đều được chăm chút kỹ lưỡng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây. Tôi không nói đùa đâu mà anh nghi ngờ tôi như thế! Tốt hơn là anh phải cẩn thận. Bây giờ chỉ là ở ngoài sân mà anh không giữ được thăng bằng như thế, vào trong nhà, sơ xuất như anh có mà thiệt thân.
- Làm gì mà nhà sạch sẽ đến ghê thế? Bộ nhà anh có lao công chùi rửa tẩn mẩn mỗi ngày hả? Davis hỏi tiếp trong khi đang lớ quớ giữ thăng bằng.
- Đâu có. Chỉ có mỗi mình vợ tôi làm thôi.
- Nói vậy chắc vợ anh làm nghề quét dọn hay bồi phòng nên quen nghiệp?
- Không phải. Chỉ tại tính của cô ta thích dọn dẹp cả ngày! Nói đúng hơn là cổ thích sạch sẽ và thường khó chịu với bất cứ một hạt bụi hay cọng rác trong nhà cho nên suốt ngày lo lau chùi tất cả mọi vật trong nhà đến độ chúng trơn tuồn tuột như bôi phải dầu mới thôi. Cô ấy sạch sẽ đến mức tẩn mẩn từng chút một, cho nên cả tôi và mấy đứa con của tôi đều phải bực mình . Chẳng gì khốn khổ hơn là bị chì chiết “ Dơ dáy!” mỗi ngày. Anh có vẻ không tin lời tôi nhưng vào nhà rồi anh mới hiểu tôi nói gì.

Phát giải thích với giọng thuyết phục mặc dù chàng cảm nhận cái nhìn bán tín bán nghi của Davis sau lưng. Nhưng rồi chàng đã làm cho Davis tin phần nào khi anh ta xém chúi mũi hai lần vào hai chiếc cửa ra vào bằng sắt đen có hình vân đủ kiểu và bằng kính có mạ vàng giả nơi tay nắm và viền xung quanh. Đi trước để dẫn lối, Phát đưa Davis vào căn phòng khách sạch đẹp và gọn gang. Nơi đây, những tấm tranh Việt Nam trên tường, những vật trang trí quen thuộc trong ánh sáng dịu dàng và lặng lẽ của đèn đêm đã đưa Phát trở lại với ký ức xưa. Chúng gợi nên một nỗi xúc động tràn ngập trong tâm hồn chàng.

Bộ ghế sô pha với bốn chiếc một dài, một ngắn và hai đơn được đặt vuông vắn ở góc phòng cạnh cửa sổ là nơi chàng thường ngồi với đứa con riêng của vợ chàng trong những ngày đầu nhàn nhã khi chàng vừa đặt chân trên đất Mỹ . Mặt kính của chiếc bàn nhỏ hình vuông ở giữa chúng là nơi chàng thường đẩy bình hoa giả đủ màu sắc sang một bên để đặt tô cơm cho thằng bé Trung, con riêng của vợ chàng. Đây là nơi mà mỗi buổi trưa khi chỉ có chàng và nó ở nhà, chàng hay giục nó ăn hết khẩu phần hay đút cho nó ăn để chấm dứt nhanh hơn. Thằng bé gọi chàng là ba ngay từ lúc chàng được vợ chàng giới thiệu tại bộ ghế sô pha này trong ngày đoàn tụ đầu tiên sau hai mươi năm xa cách. Trong phút trùng phùng cùng với gia đình lần đầu tiên ấy, chàng cứ như là ngưòi đàn ông vừa có thêm vợ mới lại có thêm con mới. Cảm giác hoang mang và xa lạ không dừng lại ở phút giây ngượng ngùng vì sự xa cách vợ chồng quá lâu, sự có mặt bất ngờ của một đứa bé trai năm tuổi không chút huyết thống với mình mà còn bởi sự đón chào ngượng ngập của hai đứa con gái ruột của chàng. Chơi vơi trong vui buồn lẫn lộn khiến chàng không thể nào phân tích được tâm lý của mình lúc ấy. Nhưng, lúc bấy giờ, chàng còn có thể nhớ lại toàn bộ những suy tưởng của mình khi ngồi lại trong cái phòng khách này.

Chàng nhớ là chàng đã vin vào chiến tranh để đổ tội cho sự mất mát trong cuộc đời của chàng. Với suy luận là nếu không có chiến tranh, không có sự xa cách thì vợ chàng sẽ chẳng bao giờ bước thêm bước nữa. Rồi với lý luận là nếu không có chiến tranh thì gia đình chàng không bao giờ trở thành nạn nhân của sự chia lìa, xa cách và đổ vỡ, chàng đã tự nhắc nhở mình nhiều lần là nên thông cảm cho việc bất khả thi của vợ chàng trước những thử thách của thượng đế. Chàng đã tự an ủi rằng vợ chàng tuy không giữ trọn lòng chung thủy đối với chàng trong hoàn cảnh vật đổi sao dời, nhưng nàng đã đơn thân nuôi hai đứa con của chàng ngay từ lúc chúng vừa lọt lòng, lặn lội nuôi chàng trong tù học tập, chạy tiền cho chàng trốn ra nước ngoài, rồi lại phải nuôi dưỡng hai đứa con của chàng ăn học thành tài trên đất lạ quê người. Chàng đã tự bảo là không có lý do gì oán trách nàng khi mà chàng chưa từng góp cho nàng chút nào về tinh thần, sức lực hay tài chính sau khi trốn thoát ra khỏi nước. Rồi chàng đã tự trách là chàng đã đánh mất sự tin tưởng và hy vọng của nàng trong lúc nàng luôn luôn mong mỏi sự giúp đỡ tài chính của nàng để có thể đưa hai đứa con thực hiện những chuyến vượt biên kế tiếp. Chàng đã làm sai lời hứa ngay sau khi rời Mã Lai bởi vì đó là lúc mà các căn bệnh lần lượt xuất hiện trong cơ thể của chàng và đã không ngừng hoành hành chàng suốt thời gian định cư tại Úc. Chàng cũng đã tự cho rằng mình vô dụng vì đã không đem được lợi ích gì cho vợ con. Ngay cả việc chàng được đoàn tụ với gia đình cũng do bàn tay cố gắng và tận tụy của vợ chàng. Nàng đã lo cho chàng từ thủ tục bảo lãnh, mua vé máy bay và đón về nhà ở Mỹ một cách chu toàn. Tất cả việc làm nàng dành cho chàng hơn mức độ của một người vợ đối với chồng. Nếu thử hỏi chàng đối lại với nàng tử tế như thế trên cương vị người chồng, trụ cột chính của gia đình, chàng phải xấu hổ chào thua. Rồi bằng những lý lẽ có tình có lý trong ý nghĩ riêng tư của mình, chàng đã tha thứ cho sự bội ước của nàng và hết lòng hòa hợp với sự thật ngoài ý muốn để tạo nên hòa khí tốt đẹp trong gia đình. Chàng đã phải xoa dịu trái tim đau khổ của mình bằng cách tự an ủi rằng gia đình chàng còn may mắn hơn những gia đình khác là không bị cảnh chồng chết trong trại học tập cải tạo, con chết trên biển hay vợ bị hải tặc hãm hiếp.

Dù là thế, sự cố gắng bằng lòng với thực tại không thể xóa hết nỗi đau buồn thầm kín trong tâm tư của chàng. Sự hiện diện của đứa con riêng của vợ chàng không phải chỉ là hình ảnh ngoài sự mong tưởng của chàng mà còn là nỗi sầu muộn triền miên của chàng. Nó đã ám ảnh chàng liên hồi và đồng thời gợi cho chàng bao nhiêu câu hỏi thầm kín. Đứa nhỏ này có là kết quả của một tình yêu thực sự, một giay phút yếu lòng, hay sự hoan lạc nhất thời. Nhiều lần tự đặt mình trong hoàn cảnh của vợ mình để thông cảm, chấp nhận và tha thứ, chàng đã cố gắng không nghĩ nhiều đến quá khứ. Thế nhưng trong thời gian chung sống với nhau, chứng kiến nhiều lần cảnh Mỹ Ngọc chăm chút bé Trung tỉ mỉ và nghe nàng yêu cầu đối xử với nó như người cha ruột thì chàng tự giải thích được phần nào cho những thắc mắc của mình. Trung là sự kết hợp tình yêu đích thực của vợ chàng với người đàn ông tạm gọi là người chồng thứ hai của Mỹ Ngọc. Sự thật của điều phát hiện kinh khủng đến độ quật vào trong tim óc chàng không biết bao nhiêu lần và càng lúc càng đào khoét tâm hồn khốn khổ của chàng sâu rộng thêm nhưng chàng cố gắng tự chữa vết thương tinh thần của mình bằng những hình ảnh và việc làm tốt đẹp mà vợ mình đã dành cho mình. Rồi trong tâm trạng dằn vặt với sự oán giận và biết ơn, chàng chỉ biết âm thầm chấp nhận những gì đang có như chấp nhận một số phận đã được giáng đặt bởi đấng tối cao.

Chàng nhớ như in là chiếc va li mà chàng đem từ Úc sang được đặt ngay bên chiếc ghế sa lông lớn nhất này chỉ chứa toàn quần áo cũ và nửa phần chứa của nó là những hộp thuốc cho các chứng bệnh thận, tim, và khớp của chàng. Những căn bệnh này không những đã đục đẽo thể xác mà cả tinh thần chàng càng lúc càng nhiều thêm bởi vì trong lúc không thể đi làm để giúp đỡ vợ con, chàng đã sống trong mặc cảm của sự vô dụng. Nhờ làm việc cho sở Mỹ trước năm 1975, Mỹ Ngọc đã được chính phủ Mỹ bảo lãnh sang đất nước tự do bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, nàng đã phải tự lập kiếm sống và nuôi dạy hai đứa con gái bằng những nghề nghiệp tay chân và văn phòng khác nhau như: bán lẻ, giữ trẻ, thư ký cho bác sĩ, và kiểm soát vé cho rạp hát trong suốt thời gian dài ở Hoa Thịnh Đốn. Hai đứa con gái của chàng, vốn sống xa chàng từ khi còn bé, đã nhìn chàng với vẻ tôn kính người lớn tuổi hơn là tình cảm cha con mật thiết và gắn bó. Phút gặp lại trong bốn chiếc ghế sô pha của ngày hôm ấy đã làm cho chàng hiểu rằng giữa chúng và chàng là một khoảng cách xa lạ, rằng chúng đã quen thuộc với sự thiếu tình phụ tử và những giấc mơ của chàng về chuyện đọc sách, dạo vườn Tao Đàn, đi chơi sở thú hay xem xi nê với chúng chỉ là những mộng tưởng.
- Tôi lấy làm lạ sao anh mãi trầm ngâm với u buồn trong khung cảnh đẹp đẽ và ngăn nắp như thế này. Davis nói.
Phớt ánh nhìn qua những cánh hoa trên bàn, trên tường và trên cầu thang, Phát trả lời bằng giọng u sầu:
- Những chiếc hoa nhân tạo chỉ để làm vui cho mắt người bằng những sắc màu giả tạo thôi mà.
- Vậy thì tìm cái gì đó gần gũi hơn để tìm chút thú vị hơn đi! Căn phòng mà anh thường ở chẳng hạn.
Davis nói xong luẩn quẩn nơi cầu thang chờ Phát đưa lối. Ngạc nhiên khi thấy Phát bước xuống hầm nhà, anh ta lại hỏi:
- Có phải tôi vừa nói với anh là đến phòng anh không?
Phát bình thản trả lời trong lúc tiếp tục bước:
- Thì tôi đang làm theo lời yêu cầu đây.
- Nhưng hình như anh đang đi xuống ngục tối của nhà tù chứ có phải là đến phòng của anh đâu. Phòng gì mà lạnh lẽo đến khủng khiếp thế này! Davis than trong khi anh lò dò theo Phát vào trong phòng hầm ẩm thấp, nơi có vài luồng ánh sáng nhạt nhẽo được xuyên qua những khung kính nhỏ của cửa sổ từ ngọn đèn đường.
- Đúng là vậy. Nó là ngục thất cô độc nhưng thực sự là chỗ ở của tôi trước đây. Phát nói kèm với tiếng thở dài.
- Dù sao cũng là một chỗ sạch sẽ ngăn nắp và có giường đàng hoàng. Davis phán như để đỡ lại lời giễu cợt hờ hênh của mình.
- Bởi vì vợ tôi vẫn thường xuyên dọn dẹp nơi đây mà.
- Thế vợ anh cũng ở đây sao? Davis hỏi trong khi đưa ánh nhìn đầy nghi hoặc trên chiếc giường đơn hẹp và nhỏ gọn được kê sát tường.
- Tôi chỉ ở một mình nơi đây.
- Rồi cũng nằm chết trên chiếc giường này? Davis vặn với giọng hồ nghi.
- Không. Tôi chết tại giường con gái tôi.
- Ôi! Thật là một chuyện kỳ thú chưa từng nghe trong kiếp làm người mà đến kiếp làm ma như thế này tôi mới được đặc ưu như thế!
- Nhưng đó là chuyện có thật trên đời. Nếu anh không tin, hãy theo tôi.

Phát nói xong, bước lên lầu. Bóng chàng vụt lên trên, rất nhanh. Đến hết cầu thang, giữa hành lang nối ba căn phòng ở hai bên, chàng đứng lặng nhìn chiếc phòng lớn phía bên trái một lúc rồi rẽ về phía bên phải nơi có hai chiếc phòng nhỏ cạnh phòng tắm. Vẫn như những lần trước, chàng vượt qua cánh cửa đóng một cách dễ dàng để vào căn phòng gọn, hẹp và ấm nơi chỉ có một giường nệm đơn mà trên ấy một cô gái độ hai mươi ba tuổi đang nằm ngủ.
- Ai đây?
- Là con gái út của tôi.
- Cô ta rất xinh.
- Cảm ơn anh. Không những thế, nó còn có một tâm hồn đẹp đẽ. Nó là người chăm sóc tôi tận tình trong những ngày cuối đời tại đây.
- Tại đây? Anh nói là chiếc giường cô ta đang nằm? Có thể nào mà như vậy được?
- Bởi nó học y cho nên được hội đồng y khoa chấp thuận đơn xin chăm sóc tôi tại nhà. Có lẽ mấy ông bác sĩ nghĩ tôi chẳng còn có bao nhiêu tháng trên đời nên họ cho tôi đặc ân này trước khi tôi nhắm mắt.
- Nhưng có thể nào như vậy?
- Vậy mà điều như vậy đã xảy ra cho tôi. Tôi đã nằm trên giường này trong lúc con gái tôi kê một cái khác ngủ cạnh bên để chăm sóc tôi. Cái giường kê bằng ván và đệm lót ấy chắc đã được gỡ ra sau khi tôi tắt thở. Nhưng mà anh hỏi vậy bộ anh không chết trong nhà sao?
- Không, tôi chết ở bệnh viện. Ba tôi đã đưa tôi vào đấy khi chứng tai biến mạch máu não xảy ra.
- Thật như vậy sao?
- Không có gì đáng quan tâm. Bởi vì dù bị chết bất đắc kỳ tử tôi vẫn còn nhớ tất cả những gì trước khi lìa đời và còn tìm về nhà được.
- Đúng vậy. Vẫn còn may mắn hơn tình trạng của tôi. Nhung tôi nghĩ là có lẽ tôi đã lịm mê trong lúc chết nên đã không biết được mình đã vĩnh biệt trần thế từ lúc nào và ở đâu. Bây giờ thì tôi nhớ ra là mình đã sống bằng những sợi dây chằng chịt từ mũi, họng, cánh tay và hông trong phút cuối của cuộc đời tại chiếc giường này. Lúc ấy, vì cay đắng và buồn tủi với những điều chưa bao giờ hình dung ra trước đó nên tôi thường tập quên qua sự tưởng tượng hay vùi vào những giấc ngủ sau khi được truyền dịch. Khi thức giấc, tôi thường trở lại với những mơ tưởng tuyệt mỹ hoặc là nghĩ đến những điều nhiệm mầu. Tuy nhiên, cố gắng đến mức nào tôi vẫn không thể chữa được tâm thần bất an của mình. Hình như nó chất chứa quá nhiều vết thương đúc kết từ những thực tế phũ phàng. Tôi đang tự hỏi là có phải vì sự mâu thuẫn của những điều tưởng tượng và những vết lở loét của tinh thần mà bộ nhớ của tôi bị tiêu hủy sau khi chết không?
- Không phải đâu. Vì phải chịu đựng sự mặc cảm của đời sống không bình thường, vì không còn sống như những ngày trước đó và chẳng thể biết được sinh hoạt của gia đình diễn biến ra sao trong thời gian liệt giường nên anh phải tự đối phó với tâm lý bất ổn của mình như vậy thôi. Tình trạng bị tật nguyền của tôi cũng giống tình trạng nằm liệt giường của anh nhưng tôi có quên lãng gì đâu? Tôi tin là tinh thần bị chấn thương sẵn của anh đã bị chữa trị không đúng cách bởi các loại thuốc trị bệnh quỷ tha ma bắt ấy mà thôi.
Davis nói khi anh nhìn những sợi dây truyền dịch, kim chích và các loại thuốc trong một chiếc hộp lớn trên bàn ngủ. Đưa mắt nhìn sang chiếc giường, anh nói tiếp:
- Dù sao thì cũng thật tội nghiệp cho cô bé này. Chắc cô ta đã khóc rất nhiều khi cô không còn có anh để chăm sóc.
- Đứa con gái này của tôi cũng giống như ba của anh thôi! Họ chỉ quan tâm đến sự sống còn và hiện diện của người thân của họ trên đời chứ không nghĩ người thân bệnh hoạn và tật nguyền là những cục nợ của họ.
- Nhưng chuyện đời tư của anh rắm rối, phức tạp và khó hiểu hơn của tôi khá nhiều. Lúc thì anh nói là có gia đình, lúc thì nói ở một mình, lúc thì bảo vợ chăm sóc nhà cửa, lúc lại nói con gái chăm sóc cho anh! Chẳng con ma cừ khôi nào có thể đoán được xuôi ngọn chuyện của anh.
- Thực sự là thế. Nhưng anh chẳng cần tìm hiểu làm gì cho thêm nặng hồn. Chỉ hiểu là tôi rất biết ơn anh giúp tôi tìm về nhà là đưọc rồi
- Không có chi. Miễn là đừng rên rỉ như mấy con ma hôm nọ là tốt.
- Không. Tôi chỉ cảm thấy xúc động mà thôi. Bởi vì suốt sáu tháng nằm bất động trên cái giường này tôi chỉ có thể nhìn lên trần hay đứa con gái này của tôi lui cui chăm sóc chứ tôi chẳng thể đứng, ngồi hay di chuyển được. Giờ đây, tôi có thể thanh thản đứng nhìn nó ngủ.
Davis im lặng như cảm thông điều Phát vừa nói ra khiến chàng tâm sự tiếp:
- Tình cảnh lúc ấy đã tạo cho tôi có những ý nghĩ hoàn toàn mâu thuẫn và trái ngược nhau. Có lúc tôi muốn tận dụng bản năng sinh tồn để vượt bệnh tật để được gần gũi với người thân của mình nhưng rồi sự hành hạ của căn bệnh nan y, và sự cực khổ của người thân làm cho tôi muốn vượt khỏi thế giới người sớm chừng nào hay chừng nấy. Sớm hay muộn cũng phải vĩnh biệt nhau. Níu kéo thời gian ngắn ngủi chẳng được ích gì.
- Chờ đến phút tuyệt mệnh vẫn hơn. May là anh đã không tự tử. Chúng ta nên chấp nhận quy luật của tự nhiên hơn là đi ngược lại nó. Còn điều cần thiết hiện thời là cô gái này cần có một giấc ngủ ngon. Davis thì thầm khi thấy Hồng Nhung đang trở mình trên giường.
- Có cách nào để tôi có thể lẫn vào trong giấc mơ của nó không?
- Điều đó có thể xảy ra được nếu cả hai linh hồn chết và sống cùng muốn gặp nhau. Anh có thấy linh hồn của cô ta đang tìm đến anh không? Rất tiếc là không có. Thân xác mệt mỏi ấy hình như làm cho cô gái ấy có một giấc ngủ bình thường hơn là mộng mị.
Thuận lời khuyên của Davis , Phát nấn ná ngắm Hồng Nhung thêm một lúc, rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng.


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 6

Bước sang phòng bên, Phát giới thiệu:
- Đây là phòng của con gái đầu tôi trước đây. Bây giờ phòng này là của con trai riêng của vợ tôi.
- Tôi không hiểu anh muốn nói gì? Đây chỉ là phòng chứa đồ vật chứ không có người. Davis nói.
- Đúng vậy. Bởi vì con gái đầu của tôi chỉ ở đây trước khi lấy chồng, bây giờ nó đã ra ở riêng với chồng của nó. Còn đứa con trai riêng của vợ tôi chỉ sinh hoạt trong phòng này vào lúc ban ban ngày. Ban đêm nó ngủ cùng phòng với vợ của tôi ở đàng kia. Phát nói trong khi hất mặt về phía căn phòng đối diện
- Vì sao? Davis hỏi vớ giọng kinh ngạc.
- Chẳng có gì đặc biệt. Nó chỉ mới năm tuổi và vì nó bệnh suyễn nên vợ tôi đặt giường nó cạnh giường của cô ta để dễ chăm sóc vậy mà.
- Họ đang ở trong căn phòng đó? Davis hỏi trong khi cùng Phát hướng ánh nhìn sang căn phòng có cánh cửa khép kín.
- Phải, nhưng chúng ta sẽ không vào đó đâu!
- Thôi đi, đừng làm bộ. Tôi hứa sẽ không nhìn vợ anh ngay cả lúc cô ta đáng được lưu ý.
- Tôi không ngại anh nhìn cô ấy vì nếu anh ở ngoài phòng này cũng có thể nhìn xuyên qua bức tường ấy thôi! Cái mà tôi ngại là thấy người đàn ông khác cùng nằm trên giường với cô ta.
- Ôi dào! Anh là con ma ghen tệ hại nhất! Được gì nào? Hãy vào thăm cô ta một chút đi rồi đi! Cái thú của bọn ma như tụi mình là lẩn quẩn trong các phòng ốc và những nơi đã từng hiện diện khi còn trên đời vào lúc tối trời như thế này thôi. Đừng bỏ mất phút hiếm hoi này để rồi phải tiếc nuối khi bình minh ló dạng.
- Không. Hãy xuống nhà với tôi đi! tôi không muốn làm rộn họ.
- Họ? Ai vậy? Anh nghĩ là thằng con riêng của vợ anh đang nằm ngủ trong phòng với vợ anh và ba của nó đó hả? Ôi! Tôi còn không tưởng tượng được cảnh họ âu yếm nhau trong những tiếng ho khủng khiếp như thế!

Phát khựng bước sau khi nghe lời cảnh báo của Davis . Những tiếng ho khan dữ dội cảnh tỉnh ý nghĩ nghi ngờ trước đó của chàng.

Thế rồi chàng đã đưa lối cho Davis vào căn phòng lớn được sơn hồng nơi có hai chiếc giường lớn nhỏ cận kề nhau. Cái giường khổ lớn bậc nhất của các loại giường ở các khách sạn sang của nước Mỹ làm Davis không hiểu chủ nhân của nó tậu được do sự phế thải của một khách sạn lớn sau đợt cải tân đồ đạc mới không; nhưng anh biết chắc là chồng nệm dày và cao ngút ấy đã không làm cho người đàn bà có mái tóc ngắn màu nâu nhạt đang nằm trên được yên giấc vì những cơn ho dữ dội. Cũng may là cái đầu nhỏ màu đen nhô ra từ tấm nệm dày của cái giường đơn bên cạnh vẫn yên bình vớI giấc ngủ. Thằng bé đang nằm hướng mặt vào tường như tránh những tia sáng của chiếc đèn ngủ trên chiếc bàn nhỏ cạnh đầu giường của mẹ nó. Chợt, người đàn bà ngẩng đầu lên, quay mặt về phía cái bàn ngủ vói lấy giấy chùi miệng. Ánh sáng của chiếc đèn chiếu rõ khuôn mặt trẻ trung của bà chẳng khác gì người con gái đang đứng cạnh người đàn ông khoảng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi trong tấm hình trắng đen trên tủ đựng áo quần.
- Tôi đoán anh là người trong bức hình trắng den này bởi vì vợ anh chẳng thấy khác gì xưa mấy. Rõ là một cặp xứng đôi vừa lứa. Còn đây cũng là anh, phải không? Trong tấm hình này anh trông già dặn và nghiêm nghị hơn nhưng vẫn đẹp trai chẳng khác gì khi trẻ. Khuôn mặt đăm đăm của anh trong tấm hình màu cạnh chú rể, cô dâu và mấy người này làm tôi ngại quá. Nếu biết anh nghiêm như thế tôi đã không nói nhiều với anh như thế đâu.

Davis vừa nói vừa mon men theo những tấm hình trưng bày trên bàn ngủ, tủ đựng quần áo và trên tường. Dừng lại trước một tấm hình trên bức tường nơi thằng bé đang nằm quay mặt vào, anh hỏi Phát:
- Người đàn ông nào chụp với vợ anh đây? Họ trông tình tứ và đẹp đôi chẳng khác gì vợ chồng. Ý tôi muốn nói là chẳng khác gì anh và cô ấy trong tấm hình đen trắng kia.
- Đó là chồng sau của vợ tôi. Phát trả lời xong rồi im lặng.

Chàng hiểu là chàng chẳng cần tâm sự gì thêm, Davis cũng hiểu thấu những gì đang chất chứa trong hồn chàng lúc bấy giờ.

Người đàn ông trong tấm hình ở trong căn phòng này đã ám ảnh chàng ngay trong ngày tái hợp hôn. Mặc dù đã nhiều lần tự bảo là vợ chàng không phải là người vợ tệ bạc khi mà nàng đã trọn tình trọn nghĩa làm cho chàng bao nhiêu thứ mà chính chàng không thể thực hiện như vậy đối với nàng, hình ảnh người đàn ông cao ráo, mạnh khỏe đẹp trai với cái cười duyên dáng luôn luôn nhắc nhở sự thất bại của chàng trong vai trò của người đàn ông. Ngay từ sau cái phút luyến ái trong đêm tái hợp, chàng hiểu rõ là mình chẳng còn có thể đem cho nàng hạnh phúc như xưa, là nàng đã hết lòng yêu mến người chồng thứ hai của nàng và là mình không thể nào xoa dịu nỗi trống trải trong tâm hồn nàng kể từ sau phút chia tay với ông ta. Đứa con riêng của nàng giống tạc người đàn ông đẹp trai ấy là bằng chứng hung hồn cho tình yêu say đắm của họ. Rồi những lúc nàng gọi tên chàng là “anh Phan” ,tên người đàn ông ấy, thay vì “anh Phát” thì chàng hiểu rằng việc nàng bảo lãnh chàng đến Mỹ không phải vì tái hợp duyên vợ chồng mà là để lấp cái chỗ trống vắng trong tâm hồn của nàng do người đàn ông có tên Phan gây nên.

Mang riêng nỗi sầu não trong tâm trí, tinh thần của chàng thường chao đảo và rắm rối đến độ chàng đã cảm thấy không còn thiết tha với bất cứ thứ gì trên đời. Chàng đã thờ ơ với tất cả các món áo quần, cà vạt, thắt lưng, ví da, giày vớ mà vợ và hai đứa con gái chàng dành cho, kể cả chiếc xe hơi mới, món quà bất ngờ trong ngày lễ Cha. Chàng đã làm vợ chàng điên tiết khi chàng từ chối diện đẹp đi đến các khu thương xá người Việt vào những ngày cuối tuần để mua sắm, ăn uống, chào hỏi và ngắm nhìn mọi người hay để mọi người ngắm lại. Sở dĩ chàng kiên quyết từ chối sở thích của vợ chàng bởi vì sau một năm chung sống chàng hiểu vai trò của mình trong đời sống của vợ mình như thế nào. Chàng biết chàng chỉ là một diễn viên trong diễn tuồng tạo cho mọi người quen biết vợ chàng trong vùng Hoa Thịnh Đốn thấy rằng nàng đang sống hạnh phúc trong cảnh đầy đủ chồng con. Chàng còn biết thêm là sự đoàn tụ của vợ chồng nàng xảy ran gay sau khi người chồng thứ hai của nàng chia tay với nàng. Ông ta đã phải đoạn tuyệt với mối quan hệ tình cảm với nàng và con riêng của ông do áp lức của người vợ chính thức của ông. Mối quan hệ chấm dứt ngay sau khi bà vợ chính của ông ta đến Mỹ. Lúc đầu, người đàn bà này không hề có ý định đưa con đi vượt biển vì sợ tai họa có thể xảy ra trong chuyến mạo hiểm; nhưng sau khi nghe tin ông có vợ bé, bà nhất quyết liều thân đem con mạo hiểm tìm chồng. Bà và ba đứa con đã đến đảo Thái Lan và ở đó một thời gian trước khi được ông bảo lãnh đến Mỹ. Sau khi đoàn tụ với chồng, bà nhất quyết chấm dứt sự qua lại của chồng bà và người đàn bà mà theo bà, cô ta chỉ là nhân tình không đáng kể của ông ta. Sự cắt đứt và tuyệt giao không dừng ở chỗ không giao tiếp, không quan hệ cả mẹ lẫn con mà còn cả việc chu cấp tài chính cho thằng bé Trung, con riêng của ông ta và nàng. Oái ăm thay, “nhân tình không đáng kể” của chồng người đàn bà kia lại là vợ của chàng. Một người đàn bà đẹp mà chàng yêu mến và quý trọng đến muôn đời. Cũng oái ăm thêm là mọi điều chàng biết đều do nghe được từ miệng của vợ chàng. Chàng đã nghe nhiều lần và nghe rõ ràng trong những lúc nàng tranh cãi dữ dội với người ở đầu dây bên kia. Rồi đồng với cảnh nàng buồn bực, cáu gắt sau khi cúp điện thoại, chàng đã đau khổ không kém.

Từ những điều phát hiện, chàng thấu hiểu là vợ chàng đã từng có một mối tình rất nồng thắm với người chồng thứ hai của nàng, là họ đã chia tay bới áp bức của người vợ lớn cuả ông ta và là vợ chàng đã dùng chàng làm tấm bình phong trả thù cho sự phản bội của người chồng sau của nàng. Thấu hiểu ngày đoàn tụ với gia đình của mình trước đây không có ý nghĩa thơ mộng như từng mơ ước; cho nên, vốn ít nói, chàng đã trở nên ù lì và nín lặng thêm hơn. Và như thế, đã không là niềm an ủi cho nàng trong lúc cơn hờn ghen sôi sục

Với tình yêu tay ba ngang trái, thái độ lầm lầm lì lì khó hiểu của chàng đã tăng thêm sự buồn chán và làm nặng tâm hồn của vợ chàng hơn. Cũng từ đó, nàng đã trút hết bao nhiêu nỗi tức giận lên chàng bằng những câu chì chiết và oán trách “Yếu thế! Bạc nhược! Thử xem trên đời này có người đàn ông nào đã lập gia đình rồi mà sống kiểu tu hành như thế không?”, “Hỏi khắp thế gian thử có người đàn bà nào chịiu cảnh như tôi không?” và “ Muốn sống kiểu bi quan như vậy thì đừng lấy vợ! Ở riêng một mình mà tu đi!” là những điệp khúc được nhắc đi nhắc lại hàng ngày từ miệng giận dữ của nàng. Thế nhưng, mặc cho nàng đay nghiến bao nhiêu lần, chàng không hề thay đổi. Đối phó với khúc gỗ vô tri vô giác ấy, nàng đã cương quyết đòi chàng ly thân. Lời đề nghị vừa thốt ra chỉ một lần, chàng đã chấp thuận ngay. Tuy nhiên, để che mắt những người quen biết và để chứng minh với họ rằng gia đình mình là gia đình êm ấm, chàng đã không dọn ra khỏi nhà mà tình nguyện ở một mình dưới hầm nhà. Ý thức bảo vệ danh dự gia đình của chàng hoàn hảo đến độ chẳng ai có thể biết sự việc bên trong của gia đình chàng ra sao. Những người thân quen đều đinh ninh gia đình của chàng là gia đình vừa hạnh phúc, vừa thành đạt bởi vì họ thường thấy hai cô con gái con chàng lái xe đưa nhau đến trường Đại Học mỗi buổi sáng, vợ chàng đưa bé Trung đến nhà giữ trẻ và chàng cắp cặp đến bệnh viện C. tại Hoa Thịnh Đốn. Chàng được công việc thông dịch này do vợ chàng ra công tìm kiếm cho chàng qua bạn của nàng sau một năm chàng định cư tại Mỹ, Qua các tấm ngân phiếu trao cho nàng, chàng cảm thấy vui vẻ hơn vì có được cơ hội giúp đỡ gia đình sau một thời gian dài xa cách. Oái ăm thay, ước mơ làm người có ích cho gia đình của chàng bị vỡ tan sau năm tháng làm việc tại bệnh viện nhi đồng C. Do ngăn ngừa sự nhiễm các chứng bệnh lây lan khi tiếp xúc với bệnh nhân, bệnh viện đã yêu cầu chàng đi thử nghiệm và chích ngừa một vài loại thuốc như yết hầu, uốn ván, lao, và viêm gan siêu vi trùng. Sau ngày nhận mũi chích ngừa viêm gan siêu vi, toàn thân chàng trở nên vàng khè như bị bôi nghệ. Từ cái kết quả không ngờ ấy, bác sĩ của bệnh viện C. tức tốc giới thiệu chàng đến bác sĩ chuyên môn. Sau khi phát hiện chàng bị chứng ung thư gan, bệnh viện C. đã cho chàng nghỉ việc ngay. Từ đó, thay vì đến bệnh viện C. để làm thông dịch, chàng đến khu nội khoa của bệnh viện W, để khám bệnh và điều trị. Trong suốt thời gian được chữa trị bởi bác sĩ chuyên môn của bệnh viện W. chàng rất biết ơn vợ chàng. Chính nàng đã đưa rước chàng khám bệnh bằng mảnh bằng lái xe mới toanh của nàng. Mảnh bằng này nàng đạt được sau hai mươi năm ở Mỹ do giận dỗi vì ly thân. Ơn tình nặng nghĩa luôn luôn hiện hữu trong tâm hồn của chàng mỗi khi chàng ngồi trong chiếc xe do vợ chàng lái. Tuy nhiên, sự biết ơn của chàng luôn luôn bị đe dọa bởi sự tách biệt ngày càng rõ rệt và những câu nói gần xa của nàng về sự lây lan của người có bệnh. Vợ chằng đã yêu cầu chàng tách biệt vật dụng và thức ăn nước uống của chàng với những thứ của người khỏe mạnh trong gia đình cho dù bác sĩ đã hết lòng giải thích kỹ càng về sự vô nhiễm của chứng ung thư gan. Sự sợ hãi của nàng mỗi lúc một nhiều hơn khi bác sĩ thành thật báo cho nàng hay là chàng chỉ còn sống tối đa sáu tháng bởi chứng bệnh đang hoành hành trong giai đoạn cuối và lá gan của chàng hoàn toàn ngưng hoạt động. Nàng đã ưng thuận ngay lời đề nghị của bác sĩ đối với việc lưu chàng ở lại bệnh viện với lý do chàng sẽ nhận phục vụ thuốc men, trợ cấp hô hấp, truyền dịch nước biển, ghép y cụ đào thải chất tiêu hóa và sự chăm sóc của bác sĩ lẫn y tá một cách dễ dàng. Cả quyết định của nàng và cả sự đồng ý của chàng đều bị phản kháng bởi Hồng Nhung. Cô con gái út của chàng nhất quyết làm đơn thỉnh nguyện với bệnh viện đem chàng về nhà chăm sóc. Với giấy chứng nhận là sinh viên ngành Y của trường đại học U. của Hoa Thịnh Đốn, cô đã được Hội Đồng Y Khoa chấp thuận lời cầu xin. Chính cô là người đổi chỗ ở của chàng từ căn hầm tầng dưới cùng của căn nhà lên đến căn phòng riêng của cô và đồng thời sửa soạn cho chàng nằm tử tế trên chiếc giường hồng của cô. Cử chỉ trái ngược của vợ chàng và cô con gái út đã làm cho tim chàng nhức nhối hơn và nỗi sầu muộn trong trí chàng ngày càng nặng nề hơn. Đau buồn với tình trạng của mình, đau xót cảnh nằm ngủ khó khăn của cô con gái hiếu thảo trên chiếc ván kê cạnh, chẹt giữa cái giuờng mình đang nằm và vách tường cạnh đó, chàng càng buồn khổ hơn khi nghe những lời trách móc xa gần của vợ chàng về các bóng ma lẩn quẩn nơi mà hồn lìa khỏi xác trong giây phút cuối cùng. Bất an với sự lởn vởn và phá rối của vong hồn ở trong nhà sau khi chết, Mỹ Ngọc rất ít khi thăm viếng chàng cho dù căn phòng của Hồng Nhung cách phòng của nàng chỉ một hàng lang ngắn. Không gặp vợ mình thường xuyên trong thực tế nhưng phát thường xuyên gặp nàng trong tưởng tượng. Các hình ảnh tưởng tượng ấy, đáng buồn thay, thường là những hình ảnh không đẹp đẽ khi chàng nghe tiếng đàn ông văng vẳng đâu đó trong nhà.
- Chúng ta hãy đi thôi! Tiếng Davis làm Phát trở lại thực tế. Chàng khẩn khoản nói:
- Hãy chờ tôi thêm một ngày nữa rồi tối mai tôi sẽ đi về nhà anh với anh.
- Bây giờ cũng sáng rồi. Thôi thì tôi cũng ráng đợi anh cho đến tối vậy. Bây giờ mình xuống nhà chứ? Tôi thấy vợ anh đã đi xuống nhà từ lâu rồi.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 7

Vừa bước xuống phòng khách, hồn vía của Phát và Davis rúng động bởi tiếng vang to và rõ của chuông điện. Thấy vợ Phát mở cửa cho người đàn ông cao lớn, da màu cà phê và mái tóc hớt ngắn, Davis hỏi ngay:
- Ai đấy?
- Ông Jones, người hàng xóm! Phát trả lời.
- Anh còn nghĩ đó là nhân tình của vợ anh. Một người đàn ông da nâu, cao lớn, đẹp trai và có sức khỏe hơn anh. Anh đang ghen đó mà!
- Làm ơn cho tôi nghe họ nói chuyện! Phát cáu kỉnh gắt khiến Davis nín bặt.
Rồi cả hai hồn ma cùng chăm chú lắng nghe lời đối thoại của hai người sống:
- Xin lỗi là tôi phải đến gặp bà vào lúc này. Hôm qua tôi hứa đem chiếc xe của bà đi sửa nhưng sáng nay tôi phải đi cùng với em trai tôi đưa mẹ tôi vào bệnh viện. Mẹ tôi bị lên cơn tim kịch liệt. Xe cứu thương sẽ đến trong vài phút nữa. Mong bà thông cảm là tôi không thể giữ lời hứa.
- Không sao. Vợ Phát trả lời với vẻ thất vọng nhưng gắng gượng nói thêm - Tôi hy vọng cụ sớm lành bệnh và khỏe lại.
- Cảm ơn. Tiện đây tôi cũng xin lỗi thêm là đáng lý tôi phải gọi điện cho bà thay vì đến nhà. Sau khi gọi chín một một, máy của tôi bị trục trặc làm sao mà không gọi được nữa nên tôi đành phải đến gọi cửa nhà bà lúc này.
- Không sao, hôm qua tôi cũng hẹn ông đến nhà vào giờ này rồi mà.
- Vậy thì tôi xin kiếu từ. Chào bà.
- Chào ông.

Khép cửa xong, vợ Phát vào ghế sô pha ngồi thừ người. Đầu tóc và khuôn mặt chưa được chải chuốt và lau rửa cộng thêm những lằn trên trán chẳng khác những vết nhăn trên bộ đồ py ja ma nàng đang mặc khiến Phát ngỡ ngàng vì sự cẩu thả đầu tiên mà chàng chứng kiến kể từ khi chàng lấy nàng.
- Cô ấy đang lo vì chiếc xe có vấn đề gì đó. Davis thì thầm trong khi Phát lặng yên ngồi đối diện trên chiếc ghế sô pha lặng ngắm vợ chàng. Chàng chưa kịp đáp thì nghe Mỹ Ngọc nói không sót một chữ trong câu mà chàng định trả lời Davis:
- Không có đàn ông trong nhà là thế.
- Thật tội nghiệp cho anh và cô ta! Kẻ muốn giúp thì không thể giúp được trong khi người muốn được giúp thì lại không có người để giúp. Sống và chết cứ như trò chơi của hữu hình và vô hình.

Davis đang lẩm bẩm thì giật mình bởi tiếng hỏi xẵng gắt và cộc lốc. “Ai vậy?” Anh nhìn lên cầu thang và cảm thấy sợ hãi với hai đóm lửa đỏ rực trong đôi mắt của cô gái có tên Hồng Nhung, người đang bước xuống thang lầu.
Vợ Phát đáp:
- Ông Jones.
- Làm gì mà nói chuyện với ông ta sớm vậy?
- Mẹ nhờ ổng sửa xe dùm.
- Một chiếc xe hư có gì là quan trọng mà phải nhờ người ta chứ? Bộ không có sổ điện thoại Niên Giám sao mà không gọi Công Ty Kéo Xe? Xe hư thì gọi tụi kéo xe đến tiệm sửa, cần gì phải nhờ người này người nọ! Hễ chút là gọi ông nọ đến ông kia! Lúc nào cũng quan trọng hóa vấn đề!
Cô gái nói xong quay ngược lên lầu như thể cô xuống nhà để mắng mẹ chứ không phải vì việc gì khác nữa.
- Ố ồ! Đó không phải là lối nói của con dành cho mẹ. Davis nhăn nhó.
- Có lẽ nó bị nhiều chuyện buồn uất chế trong tâm hồn. Phát đáp.
- Không đúng. Đừng vì nó chăm sóc anh tận tình mà bênh như vậy! Dù thể nào cô ta cũng là con gái của vợ anh. Cô ta phải nói tử tế với mẹ cô ta chứ. Các trường học ở nước này vẫn còn dạy trẻ con thưa gửi đàng hoàng và vẫn còn dạy lối nói lễ phép đó kia.

Chưa kịp đáp lại lời của Davis, Phát giật mình bởi tiếng chuông điện reo. Chàng xoay đề tài bằng cách giới thiệu đôi nam nữ đang vừa bước vào nhà với Davis:
- Đó là vợ chồng con gái đầu của tôi. Tên nó là Thanh Hà. Nó đã lấy cử nhân ngành computer và đang làm việc cho cơ quan chính phủ. Nó là đứa đẹp gái như anh thấy và còn biết chơi nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam như đàn tranh đang treo trên tường kia.
- Anh chưa giới thiệu chồng của cô ta?
- Thằng ấy tên Định. Lúc đầu tôi chẳng muốn con Thanh Hà lấy nó.
- Tại sao?
- Nó không học đến nơi đến chốn nên chỉ đi làm chứ không có bằng đại học. Tuy nhiên, không phải vì lẽ đó mà tôi không thích nó. Tôi sợ sau này chúng không có hạnh phúc vì trình độ học vấn bất tương xứng. Là người công giáo, tôi không muốn con gái tôi phạm luật hôn nhân. Nếu con gái tôi vương vào tình trạng đổ vỡ, ly thân, ly dị, hay bước thêm bước nữa sau hôn nhân chính thức thì còn đạo đức gì?
- Nhưng rốt cuộc anh cũng dự đám cưới chúng kia. Tôi nhớ rõ hai người này là cô dâu chú rể trong tấm hình ở phòng vợ anh.
- Đúng vậy. Lúc ấy, dù hết mực kiên quyết tôi cũng đành phải chấp thuận bởi vì con bé này đã áp lực tôi bằng sự quyên sinh. Sau khi được bệnh viện cứu sống nó nhất định tự làm đám cưới mà không cần sự có mặt của tôi. Trước ngày lễ đám cưới nó trao cho tôi thiệp mời với dòng chữ “Cái gì thiên chúa kết hợp thì con người không thể chia cắt.” Dòng chữ ấy làm tôi thua cuộc.
- Nhưng anh sẽ không hối tiếc gì khi có đứa con rể hiếu thảo như nó. Davis thầm thì với Phát trong khi anh lắng nghe giọng nói của chàng trai có tên Định:
- Mẹ đừng lo. Con sẽ lo sửa xe cho mẹ ngay ngày hôm nay. Nếu mẹ muốn làm gì hay đi đâu thì nói chúng con. Chúng con đã làm xong chuyện nhờ những người trong cộng đồng báo tin cho các đồng hương biết ngày giờ thăm viếng và đưa tiễn ba rồi. Chiều nay nếu xe chưa sửa xong thì chúng con đón mẹ đến nhà quàn. Nội nhật sáng mai thể nào mẹ cũng có xe để đến nghĩa trang, không phải lo. Nếu không thì chúng con sẽ đến đây đưa mẹ đi cùng.
Vợ Phát gật đầu ưng thuận rồi phân trần:
- Trong lúc tang gia bối rối như thế này thì xe bị hư. Lính quỷnh không biết nhờ ai nên mẹ mới gọi nhờ ông Jones. Vậy mà vô lý vô cớ nó hạch sách mẹ với giọng điệu bề trên.
Thanh Hà ôn tồn:
- Mẹ đừng chấp nó làm gì. Khi nó ân cần chăm sóc ba chắc nó vẫn hy vọng một phép mầu nào đó làm ba sống được và khỏe mạnh bình thường. Giờ ba mất rồi, không còn được chăm sóc ba nữa nên tâm lý của nó thay đổi như thế thôi! Thực tế là nó có hiếu hơn con nhiều. Tuy là chị mà con không làm được một phần của nó đối với ba.
Vợ Phát lau nước mắt:
- Nó nói xa nói gần với mẹ nhiều lời không tốt nhưng mà mẹ cố cắn răng chịu đựng. Dù sao tao cũng biết tụi bây giờ là Mỹ hóa rồi, có đối xử thể nào tao phải chịu! Nhưng mà tụi bây phải nhớ là đối với mẹ ra sao thì sau này con cái tụi bay đối với tụi bay như thế. Đừng nghĩ là người Mỹ rồi muốn làm gì thì làm. Tao...

Thanh Hà đứng dậy cắt ngang câu nói dở của vợ Phát bằng câu hỏi gọn:
- Giờ mẹ cần chúng con làm gì nữa con sẽ làm cho, đừng khóc lóc kể lể nữa! Hồng Nhung mà nghe thấy như vầy nó tưởng lầm mình đang than thở kể tội nó thì nhà càng ồn ào thêm.
Vợ Phát ngập ngừng lau nước mắt, nói trong ấm ức:
- Không cho tôi nói thì thôi. Muốn giúp thì ra tiệm vải y lấy dùm tôi ít vải trắng làm khăn tang. Hôm trước tôi đã tính mua nhưng không thể vì làm vậy cứ như là mong người thân mình chết sớm. Bây giờ người may áo tang báo không đủ vải và cữ không chịu xé vải tang trong nhà họ nên mình phải tự chuẩn bị khăn tang lấy. Nếu mua thì tính thêm Trung là năm người. Nó cũng phải để tang cho ba của nó. Nhớ tính kỹ và mua vừa đủ, đừng mua thừa không tốt.
- Được rồi! Con đi ngay. Bây giờ mẹ hãy lo vệ sinh sáng rồi chăm sóc cho Trung chứ đừng nấu ăn gì cả. Con sẽ mua thức ăn cho cả nhà luôn.

Thanh Hà nói xong, gọi Định đi ra khỏi nhà ngay. Vài phút sau, Hồng Nhung bước xuống lầu với bộ âu phục đen tươm tất, cũng mở cửa đi ra khỏi nhà, không chào hỏi hay nói với vợ Phát một câu nào.

Còn lại một mình, vợ Phát ngơ ngác nhìn quanh. Nàng không hề biết hai chiếc bóng vô hình đang ngắm nghía mình từ góc phủ tối đen bởi màn cửa sổ. Độ mười phút sau, nàng đứng dậy một cách chậm chạp rồi lửng thửng đi về phía thang lầu. Được vài bước, nàng phải đi ngược về phía cửa ra vào vì tiếng chuông điện reo. Tiếng động bất ngờ làm cho Davis lẫn Phát đều giật mình thảng thốt, nhưng, bàng hoàng cực độ là Phát vì chàng nhận ra người bước vào nhà là Phan.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 8

“Anh đến đây làm gì?” Mỹ Ngọc hỏi với giọng sắc lẻm.
“Anh vừa hay tin anh Phát mất nên muốn đến chia buồn cùng em.”Người đàn ông trả lời với giọng buồn sâu thẳm.
“Chứ không phải là để kiểm tra sự thật về cái tin đang loan trong cộng đồng người Việt vùng này hả? Đúng là anh Phát đã chết cách đây hai hôm rồi. Bây giờ anh có thể về báo cho vợ anh tin này để bà ta hả dạ thêm đi.”
Lời đay nghiến vừa dứt, Mỹ Ngọc ngoe ngẩy bước nhanh đến chiếc ghế sa lông dài, đánh phịch.
Lúng túng đứng giữa nhà một lúc, người đàn ông quay ra sau khép vội cánh cửa ra vào, rồi đến ngồi trên chiếc ghế sa lông nhỏ đối diện Mỹ Ngọc. Im lặng nhìn nàng một lúc, ông cất giọng bi thương:
“Anh biết em đang đau khổ nhưng đời của anh cũng chẳng còn ý nghĩa gì.”
Như vừa bị mũi dao đâm từ người đàn ông, Mỹ Ngọc gào lên trong khi ném cho ông ta ánh nhìn tóe lửa:
“Đau khổ? Anh còn lo đến sự đau khổ của tôi sao? Nếu anh quan tâm đến thế thì đã không để mẹ con tôi rơi vào tình trạng như thế này.”
Gã cúi đầu:
“Tất cả những điều xảy ra cho chúng ta đều ngoài ý muốn của anh.”
“Phải mà! Tôi biết anh đang ám chỉ tôi chính là người gây nên hậu quả như thế này. Cũng như bao nhiêu lần trước, anh luôn luôn đổ tội là vì tôi viết thư báo cho bà ta biết anh đã có vợ có con bên Mỹ nên bà ta mới liều mạng đưa ba đứa con anh vượt biển. Tôi công nhận là vì lá thư của tôi mà họ không sợ chết biển, trốn ra khỏi nước để đến các trại tị nạn trên đất Thái và được anh phải bảo lãnh sang đây. Nhưng mà anh có hiểu vì sao tôi phải viết thư báo cho bà ta biết anh đã có vợ con bên Mỹ không? Bà ta quá tham lam! Cứ tưởng anh ở đây hốt đô la dễ dàng nên chưa đến tháng đã réo tiền xài chứ có bao giờ biết tôi đã chung sức với anh lo toan bao nhiêu thứ trong gia đình như thế nào đâu! Làm sao tôi có thể đáp ứng những lá thư vòi tiền hàng tháng của bà ta kiểu như thế? Anh còn biện minh là không nỡ bỏ rơi họ trong trại tị nạn và bơ vơ trên đất Mỹ vì trách nhiệm của người cha và vì tình nghĩa vợ chồng! Chỉ có họ là vợ con của anh thôi sao? Tôi và Trung là gì của anh mà anh nỡ nhẫn tâm bỏ rơi như vậy? Biết bao lần anh nói Trung là đứa giống anh nhất trong những đứa con mà anh có, sao anh nỡ đành lòng bỏ nó đi? Trách nhiệm làm cha như anh vậy đã công bình chưa?”
Người đàn ông lắc đầu:
“Mọi chuyện đã qua, anh không muốn nhắc lại. Anh chỉ biết mình không thể làm khác hơn. Em và vợ anh không hạp nhau. Cả hai đều không cho anh có cơ hội thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Em trở lại với chồng cũ thì còn gì nữa đâu. Hôm nay sở dĩ anh đến đây là chỉ muốn chia buồn trước sự mất mát của em mà thôi.”
Mỹ Ngọc chau mày:
“Mất mát? Chia buồn? Anh nghĩ là sau khi anh bỏ tôi, tôi được đầy đủ và vui vẻ hay sao mà đến lúc này mới tìm đến tôi để chia buồn?”
“Mong em hiểu cho tình cảnh của anh mà quên hết mọi chuyện đi. Xin đừng nhắc lại chuyện cũ! Hãy tin là anh chỉ yêu mình em và rất thương nhớ Trung. Nó là đứa con mà anh thương nhất nhưng vì hoàn cảnh anh phải đành thế thôi.”
“Nhưng vì sao anh phải sợ con đó như vậy? Nam tính của anh đâu mà anh không thẳng thắn cho nó biết Trung là đứa con mà anh yêu quý nhất? Tại sao phải trốn nó khi thăm Trung? Tại sao không nói cho nó hiểu Trung là con ruột của anh và thằng bé cũng cần anh chăm sóc như mấy đứa con của nó?”
“Trước đây anh vẫn luôn nghĩ đến cách tạo điều kiện cho tất cả những đứa con của mình có mối quan hệ mật thiết với nhau nhưng chưa thực hiện được thì bao chuyện dồn dập xảy ra. Đáng kể nhất là chuyện em bảo lãnh anh Phát sang đây.”
“Không thể làm khác hơn nếu anh ở trong trường hợp tôi. Tôi không thể chịu cảnh đơn độc trong khi anh bỏ rơi tôi để trở lại với vợ con anh. Tôi đã đánh mất tuổi xuân của mình cũng vì anh.”
“Anh biết. Em đã từ chối bao nhiều lời cầu hôn của những người có chức vụ hơn anh. Nhưng bởi chúng ta đã yêu nhau...”
“Yêu nhau? Anh yêu tôi đến độ để tôi rơi vào cảnh tình như thế này.”
“Em không thể làm gì khác hơn nếu em ở hoàn cảnh của anh.”
“Khác chứ. Đã làm cha thì phải công bình. Nếu không, mẹ đứa nhỏ sẽ đi kiện tòa để lấy sự công bình cho nó. Ít ra cũng là tiền trợ cấp hàng tháng.”
“Em có thể làm bất cứ việc gì em muốn vì anh sẽ chẳng trốn tránh trách nhiệm của mình đâu. Anh biết em chẳng bao giờ hiểu được tình cảm của anh đối với Trung như thế nào. Ngày sinh nhật của nó, anh gọi hẹn và chờ em dưới chân cầu sư tử nhưng em không đến. Anh không dám gọi đến đây nhiều lần và cũng không dám đến đây gặp anh Phát nên anh đành phải bỏ quà sinh nhật của con đi. Chính vì vừa sợ vợ anh vừa sợ anh Phát cho nên thương Trung bao nhiêu anh cũng không có điều kiện biểu lộ với nó. Nếu em là anh như thế, em có vui không?”
Mỹ Ngọc cúi đầu, không đáp. Người đàn ông nói tiếp với giọng đầy ân tình:
“Anh rất nhớ em. Anh làm sao vui được khi phải xa em?”
Giọt nước mắt lăn dài trên má Mỹ Ngọc và người đàn ông rời chiếc ghế đang ngồi. Ông ta đến bên cạnh nàng, ngồi lau từng giọt nước mắt của nàng. Sau đó ông ân cần nắm lấy hai bàn tay của nàng, nhẹ nhàng nâng cằm nàng lên, rồi hôn vào mắt, vào má, và vào môi của nàng. Mỹ Ngọc khước từ với cử chỉ yếu ớt một vài giây, rồi đáp lại đôi môi đói khát của ông ta một cách âu yếm và nồng nhiệt. Nàng đã ngã lưng ra sau, ngửa người, nằm xoải dài lên trên tấm phủ của chiếc ghế bởi cái ghì mạnh của người đàn ông. Ông ta đã trườn lên người nàng và bám chặt lên thân nàng. Trong lúc nụ hôn của ông không rời môi nàng, ông sục sạo trong áo quần nàng bằng những ngón tay đói khát. Sự cuồng nhiệt của ông khiến Mỹ Ngọc ngây ngất đầu hàng. Quên cả giận hờn lẫn oán trách, nàng đã đáp lại những nụ hôn dài rồi cùng ông đắm sâu vào cuộc mây mưa vô tận.
- Thực tế có phải vậy đâu! Anh làm ơn bỏ hết những hình ảnh quái dị trong trí của anh để chú tâm nghe họ nói gì kia kìa!
Lời cảnh báo của Davis khiến Phát bàng hoàng bừng tỉnh. Hóa ra chàng đã trở lại thế giới tưởng tượng của mình như những ngày nằm trên giường bệnh. Lắc đầu xóa hết những mộng ảo, chàng cố gắng sử dụng tất cả khả năng thấu thị của mình.
- Gia đình tôi đang có chuyện buồn. Chúng tôi không muốn tiếp người khách nào cả. Mỹ Ngọc nói với giọng lạnh băng khi nàng chặn người đàn ông đứng tại cánh cửa ra vào khép hờ.
- Anh biết là em không muốn gặp anh nhưng vì vài ngày nữa thôi là gia đình anh sẽ dọn sang bang khác, nên anh đành đến đây thăm hỏi và báo tin luôn. Trước khi xa nơi này, anh muốn nói với em là anh sẽ gửi tiền chu cấp hàng tháng cho Trung.
- Không có tiền phụ cấp của anh trong bao nhiều năm qua Trung vẫn sống được. Xin anh hãy bước ra khỏi nhà của tôi!
- Anh không ngờ em tàn nhẫn đến vậy. Lẽ nào em đành tâm như thế này?
- Trái tim tôi chai đá từ lúc anh để tôi vào tình trạng cảnh sát cảnh cáo tôi phải xa anh một trăm thước kia. Giai đoạn ấy rất khủng hoảng đối với tôi nhưng cũng là lúc tôi khẳng định giữa tôi và anh không còn gì với nhau. Trung, con tôi, chỉ có một người cha duy nhất là anh Phát và anh ấy đã chết. Ngày hôm nay Trung sẽ để tang người cha duy nhất của nó để báo hiếu những ngày ba nó chăm sóc nó. Còn anh không còn là gì của nó thì đừng đến đây làm phiền chúng tôi nữa.
- Em nỡ lòng nào... Phan chưa dứt lời phải quay ra sau bởi cánh cửa ra vào đẩy vào lưng chàng. Hồng Nhung xuất hiện với đôi mắt đầy ngạc nhiên. Tích tắc, đôi mắt ấy phừng lửa rực đỏ vì tức giận. Hất khuôn mặt đầy khinh bỉ, nàng mỉa mai:
- Tôi không hiểu sao có nhiều người trên đời không biết nể nang ai là gì? Đừng viện vào chữ tự do của xứ này mà muốn làm gì thì làm. Thật là gai mắt!
- Chú ấy đến chỉ để hỏi ngày giờ và địa điểm của lễ tang ba - Mỹ Ngọc ấp úng giải thích rồi quay sang người đàn ông nói thật nhanh- Nếu anh muốn dự tang lễ của anh Phát thì hãy đến nhà quàn C. tại góc đường D. và đường U. tại Maryland chiều nay khoảng sáu giờ tối đến chín giờ đêm.

Không nói nên lời, đôi môi người đàn ông như bị dính chặt bởi keo cứng. Trên khuôn mặt đầy kinh ngạc của ông, đôi mắt thất vọng trở nên lo âu khi chúng dõi theo những bước chân giận dữ của cô gái trên những bậc thang lầu. Kể từ ngày ông sống trong căn nhà này cùng với mẹ của cô ta cho đến ngày gặp lại hôm ấy, lần đầu tiên ông thấy cô mang giày lên thang lầu và cũng là lần đầu tiên ông chứng kiến thái độ hết sức vô lễ của cô đối với mẹ cô. Bàng hoàng đến quên cả chào tạm biệt, ông vội quay bước ra ngoài. Khe hở của cánh cửa chưa kịp khép kín đủ làm ông nghe tiếng hét của Mỹ Ngọc:
- Mày nói với ai như thế hả con kia? Mày làm mẹ của tao hay sao vậy?
Một tiếng hét khác vọng xuống lớn không kém:
- Tôi không muốn làm mẹ của ai nhưng tôi chỉ muốn làm con của người mẹ có đạo đức. Người mẹ nói và làm đi đôi với nhau kia. Chứ người mẹ nói một đường mà làm một nẻo, tôi không trọng đâu. Nào là sạch sẽ, nào là đạo đức, nào là kiến thức, nào là bằng cấp... Giá trị gì những thứ ấy khi chúng xuất phát từ những lời răn dạy vô nghĩa chứ. Tôi ước là bà không cho tôi đi học để tôi không phải chịu cảnh như bây giờ. Càng hiểu nhiều tôi càng đau khổ vì có một người mẹ như bà mà thôi.
- Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ở đâu?

Tiếng khóc thất thanh của một đứa bé trai bị ngắt quãng khi cánh cửa ra vào đóng chặt kín. Hình như những âm thanh ầm ỹ đã hoàn toàn cắt đứt theo sự lặng ngắt bất chợt ở trong nhà như cái tĩnh mịch đang có ở bên ngoài.