28/4/12

Nha Trang dấu chân kỷ niệm (C17-20+CK)

Chương 17

Biết bao lần Hạ chịu khó đu theo những chuyến tàu chợ, len lỏi đứng trong đám đông người và hàng hóa để hy vọng về nhà gặp lại Thảo Vy. Nhưng, ý định của Hạ không thể được toại nguyện. Nhỏ Thảo Vy lười viết thư cho nên hai chị em không có dịp hẹn nhau về nhà cùng một lúc. Những lần về nhà như thế, Hạ thường treo võng, nằm giữa cây dừa và cây vú sữa để nhìn lên những cành cây, tán lá, mơ mộng chuyện xa xôi và để lắng nghe những tiếng kêu của chiếc khoen cổng gỗ trước nhà bác Cả.
Quân thường xuất hiện, khi ngọn đèn nhà Hạ sáng lên vài phút, và ngồi trên sạp gỗ để nói chuyện với Hạ. Sự xuất hiện của Quân trong lúc má và Thảo Vy không có ở nhà làm cho Hạ cảm thấy vơi buồn và đỡ nhớ hai người hơn. Tuy nhiên, Hạ khẳng định với lòng: không bao giờ là nạn nhân lấp khoảng trống của anh ta.
- Quân xuống nhà Hạ chơi hoài không sợ bạn gái thắc mắc sao?
Đôi mắt Quân long lanh trong bóng tối:
- Quân đâu có bạn gái mà sợ bị hiểu lầm hay thắc mắc?
- Nhưng Hạ sợ lắm!
- Sợ gì?
- Sợ bạn trai Hạ thắc mắc chứ còn gì nữa? Đan Hạ có bạn trai sao? Triệu đã có vợ rồi mà?
Hạ bực bội, nghĩ thầm, “Anh ta nghĩ trên đời này chỉ có anh ta và Triệu thôi ư?” và lớn tiếng cãi:
- Ai nói Triệu là bạn trai của Hạ hồi nào?
-Vậy bạn trai của Hạ là ai?
Hạ nhìn thẳng vào mắt Quân, như đã từng luyện khi nhìn học trò, và cố giữ giọng nói hết sức thành thật.
- Một người trong thành phố này cũng đi dạy như Hạ. Người này không xa lạ với Quân đâu.
- Sao kỳ vậy?
- Kỳ gì?
- Hai người có tình cảm mà sao không bao giờ gặp nhau vậy?
- Bộ khi nào Hạ gặp bạn trai phải báo cho Quân biết sao?
- Có phải anh Hùng nào đó ở Thanh Minh không?
Hạ nhíu mày, trừng trừng nhìn Quân. Vì sao anh ta biết chuyện anh Hùng ở Thanh Minh? Các cô của Hạ hay là Thảo Vy? Cơn tức giận tràn dâng. Nếu nhỏ Vy mà lép xép bí mật của Hạ thì phải biết! Không hiểu sao con nhỏ lại thân thiết với cái người này?
Thấy Hạ im lặng, Quân lên tiếng:
- Không phải Thảo Vy kể chuyện anh Hùng cho Quân nghe đâu, đừng có chờ con bé về mà la nó, oan cho nó lắm.
Hạ nhíu mày nhiều hơn, nheo mắt nhìn Quân rồi thầm nghĩ: “Sao Quân đọc được tư tưởng mình chứ? Cô Út hay cô Sáu đó thôi! Qua một trong hai người này, anh ta sẽ biết Hạ không có mối quan hệ gì với anh Hùng. Nhưng mà, tại sao hai cô lại tin người con trai này nhiều đến độ đem chuyện riêng của Hạ kể cho anh ta nghe?”
Tiếp tục giữ giọng nói thành thật, Hạ phân trần:
- Không phải anh Hùng, người này ở Nha Trang. Hai đứa Hạ đang giận nhau nên chưa gặp lại. Hạ không muốn Quân đến nhà hoài sợ anh ta hiểu lầm. Nha Trang rất nhỏ và Hạ rất sợ dư luận. Chuyện gì chút xíu hay bị đồn ra to.
- Giữa Hạ và Quân chỉ là bạn thôi, có gì mà sợ chứ? Hơn nữa, lúc Hạ không có ở nhà, Quân thường đến chơi với Thảo Vy. Quân và Thảo Vy như anh em ruột. Quân đến đây để thăm bác gái, bé Trực và các o chứ đâu phải chỉ thăm Hạ đâu?
Nghe Quân nói vậy, Hạ không biết trả lời như thế nào, đành phải im lặng.

***

Rốt cuộc, hè năm 1979, Hạ gặp lại Thảo Vy và má. Chưa kịp chất vấn con nhỏ, đã nghe nó nói:
- Bây giờ em mới biết chị không hề yêu anh Triệu. Hèn chi, lúc anh ta đi lấy vợ, thấy chị dửng dưng.
Hạ ngắt lời:
- Nói bậy gì vậy Vy? Vy nghĩ là lúc đó chị phải khóc và la làng là: “Trời ơi! Người yêu của tôi đã đi lấy vợ rồi!” hả?
- Em biết chị là người thích giữ bí mật. Chị không muốn tiết lộ tư tưởng chị có.
Hạ chống chế :
-Vậy Vy nói xem chị đi chơi với anh Triệu để làm gì? Để bị mang tiếng sao? Nha Trang nhỏ lắm à!
- Em nghĩ là chị đang giấu em. Chị không nói sự thật.
Nghe hai đứa lớn tiếng, má la lên:
-Tụi bây đi xa thì than nhớ. Gặp nhau thì cãi um sùm!
Chiều hôm đó Quân đến nhà. Hạ thấy giận vì không biết anh ta đã nói gì với Vy. Để mặc cho Quân trò chuyện với Vy và mấy đứa bạn gái của con nhỏ, Hạ vào phòng trong nằm nghỉ.
Khi tất cả mọi người rời nhà, Hạ suy nghĩ mông lung, “Cái gì đã khiến Vy nói điều này? Có lẽ Quân đã nói với Vy là Hạ không hề yêu Triệu. Làm sao anh ta biết Hạ không yêu Triệu?” Hạ cố lục lọi trong trí nhớ những kỷ niệm cũ. Cố gắng mường tượng những khung cảnh của những đêm dạ vũ và sự hiện diện của mình lúc đó như thế nào. “Thái độ gì của Hạ lúc đó đã tiết lộ cho Quân biết là Hạ không có tình ý với Triệu?” Bạn Hạ thường nói đôi mắt Hạ buồn. “Ngoài cái buồn ra, chúng còn lắm điều, lắm chuyện gì nữa không? Chúng có nói gì, có tiết lộ điều gì khi Hạ nhìn hai người khiêu vũ không?” “Không thể như vậy đâu! Bởi vì tất cả những người quen biết và bạn bè Huyền Trân luôn nghĩ Hạ và Triệu là một cặp nhân tình kia mà!” “Ngày Triệu cưới vợ, Hạ tránh tiếp xúc với nhóm bạn trên Phước Hải đã làm cho Vy tin là Hạ buồn vì thất tình, thế sao bây giờ con nhỏ lại nói những lời lung tung, mập mờ, khó hiểu?”
Suy nghĩ vẩn vơ đến độ Hạ quên mất là mình phải trông bé Trực. Nó bò đến gần, vít vào Hạ rồi đứng lên, đòi ẵm. Hạ nhấc bổng nó lên và thì thầm:
- Phải cố gắng tập đi nghe Trực.
Thằng bé giơ tay chỉ về phía bình sữa :
- Ti... Ti...
- Muốn bú ti hả? Mới ăn bột xong mà còn đòi ti ti. Bụng to ích ních đây nè!
Hạ đưa nó lên cao đu đưa làm thằng bé cười nắc nẻ.
- Ti ti ti ti...Ti ti ti ti...
Nó lại cười vui vẻ rồi ngả ngớn, ưỡn người ra sau. Hạ gọi to:
- Má ơi ! Đặt tên cho Trực là Ti đi vì nó thích nghe chữ ti ti nè.
Thằng bé không hiểu Hạ nói gì nhưng lại tiếp tục cười nắc nẻ khi nghe chữ “ti”.
Không nghe tiếng má trả lời. Hạ nói vào tai nó:
-Chị sẽ gọi em là Ti. Cu Ti!
Thằng bé tiếp tục cười nhưng không quên giơ tay đòi bình. Hạ thua cuộc, vói tay lấy chiếc bình sữa đục chứa nước gạo nấu với đường cho nó.


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 18

Mùa hè năm đó, má Hạ vẫn còn lam lũ chạy gạo nuôi những người trong gia đình. Tuy nhiên, nhờ số lương ít ỏi của chị em Hạ cộng thêm sự giỏi tính toán và khéo tay của Thảo Vy đã tạo cho gia đình Hạ có những món ăn ngon. Hàng ngày,Vy thường lo nấu nướng và làm bánh còn Hạ thì lục lọi những quần áo cũ cắt lại may đồ cho Cu Ti. Lăng xăng làm việc bên nhau hai đứa huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời. Chỉ có một chuyện mà Hạ tránh đề cập là chuyện về Quân mặc dù anh ta xuất hiện hàng ngày trong nhà Hạ.
Quân thường đến nhà Hạ vào buổi tối và mời hai chị em Hạ ẵm Cu Ti ra quán gần nhà ăn chè. Mỗi lần đi ăn chè về, con nhỏ Thảo Vy cố tình đi chơi với đám bạn gái của nó hay ẵm Ti vào nhà nội chơi để Quân có dịp nói chuyện riêng với Hạ.
Những ngày ấy, Quân đối với Hạ hết sức dịu dàng và ân cần. Sự chiều chuộng khác với ngày xưa đã làm Hạ phân vân và áy náy. Hạ nhớ đến hình ảnh bất cần ngạo nghễ của anh ta, khuôn mặt tuyệt đẹp của Anh Thư và nỗi buồn thầm kín của mình, rồi cảm thấy mình là nạn nhân của sự trống vắng. Nỗi nhớ về kỷ niệm xưa đã tạo cho Hạ cảm nhận rằng tất cả những dịu dàng của hiện tại chỉ là những mua chuộc cho việc khỏa lấp cái mất mát mà anh ta phải chịu đựng. Hạ sẽ cho Quân hiểu là không phải lúc nào anh ta muốn yêu cô gái nào cũng được đâu.
Hạ nói:
- Quân biết không, Có Quân đến nhà chơi má Hạ và chị em Hạ, gia đình Hạ vui hơn nhưng vì Hạ và bạn trai của Hạ đang giận nhau cho nên Hạ không thích anh ta hiểu lầm khi Quân đến đây.
- Quân đến chơi với Vy và Ti, không phải với Đan Hạ.
- Đúng rồi ! Không phải với Hạ nhưng chị em Hạ ở chung một nhà.
- Sao khó khăn quá vậy? Quân cau có.
- Đâu có khó khăn, chỉ trừ phi Quân đến đây chơi với một điều kiện.
- Điều kiện gì?
- Quân phải chứng minh là Quân có bạn gái. Quân phải đưa bạn gái của Quân đến đây giới thiệu.
Im lặng vài phút Quân nói:
- Được, Quân sẽ đưa bạn gái của Quân đến đây chơi. Bây giờ Quân về.
Hạ sững sờ khi nghe những lời nói này. Bỏ mặc anh ta bước ra khỏi nhà, Hạ không tiễn ra cổng.

***

- Đan Hạ ơi! Đan Hạ ơi!
Nghe tiếng Quân ngoài thành, Hạ nhíu mày ngạc nhiên. Sao anh ta không vào nhà mà lại gọi Hạ ngoài đường như thế? Hạ lừ đừ đưa chân vào đôi dép nhựa và đi vội về phiá bức tường thành. Quân nhô đầu trên bức tường, đưa tay ra hiệu Hạ đến gần:
- Cho Đan Hạ coi cái này.
- Cái gì vậy?
- Cái móc áo.
Tì hai tay lên trên bức thành và cố gắng vói người vào trong để đưa cho Hạ nhìn những đường chữ được thắt bằng dây kẽm trên chiếc móc áo, Quân nói:
- Cái móc áo này là do Quân làm để tặng cho Ân. Hạ thấy chưa? Đây là tên Quân với Ân.
Quân chìa cái móc áo tận mắt Hạ chỉ trỏ:
- Đáng lý Quân chỉ bẻ chữ Quân thôi vì tên Ân nằm trong tên Quân rồi,nhưng Quân phải làm rõ ràng tên hai người để Ân hiểu là Quân có cảm tình với Ân.
Nhìn hai cái tên bẻ bằng dây kẽm của cái móc áo, Hạ không ngờ anh ta lại khéo tay như thế. Nhếch mép với vẻ lạnh lùng, Hạ hỏi:
- Làm xong sao chưa đưa cho người ta mà đến đây làm gì?
- Để cho Đan Hạ xem và biết là Quân đã có bạn gái.
Hạ khoanh tay trước bụng, vẻ mặt không đổi:
- Khi nào đưa bạn gái tới đây thì hãy nói.
Dứt câu Hạ quay mặt vào nhà.

***

Quả như Quân nói, hai hôm sau anh ta đến nhà Hạ với Ân. Ân là bạn của Vy. Tuy không đẹp như những người con gái khác nhưng con nhỏ có nước da trắng hồng và tính tình rất nhu mì, dễ thương. Những ngày này, con trai cao ráo trong thành phố lần lượt bỏ đi vượt biên, chỉ còn lại những người thấp và nhỏ con mà tụi con gái hay chọc là “bộ đội”. Dạng con trai cao ráo như Quân rất có giá cho nên sự chinh phục dễ dàng của anh chàng không gây cho Hạ một chút ngạc nhiên nào. Hạ tiếp hai người với thái độ tự nhiên, trong khi Thảo Vy có lẽ vì quá ngạc nhiên nên kéo riêng Ân xuống bếp. Chờ Ân và Vy khuất sau cánh cửa, Hạ gật đầu cười nhạt:
- Tốt lắm! Từ nay Quân có thể đến nhà chơi với gia đình Hạ.
- Hạ!
- Gì?
- Đừng bao giờ nói “tốt lắm” hay “tốt thôi” nghe?
- Sao vậy?
-Nghe kiểu dùng từ giống “bộ đội” nói chuyện lắm!
-”Tốt thôi” mới là từ của “bộ đội” dùng. Còn”tốt lắm” là từ của cô giáo dùng.
- Chữ tốt nào cũng thấy không hay hết trọi. Từ miền Nam dùng là giỏi chứ không phải tốt.
Hạ nguýt dài, không thèm cãi nữa.

***

Chiều tối hôm đó, khi Quân và Ân về, Thảo Vy tìm Hạ vặn vẹo:
-Không hiểu chị làm cái gì mà nay anh Quân cặp với nhỏ Ân?
Hạ cố giữ bình tĩnh:
- Con trai độc thân có quyền có bạn gái chứ. Chị có quyền gì bắt anh ta quen với ai? Đó là ý thích của anh ta mà thôi.
- Em hỏi Ân, nó kể là ảnh “tán” nó và tặng cho nó chiếc móc áo.
Vy thở dài nói tiếp:
-Em không hiểu được mọi người đang làm gì?
Không muốn Vy hỏi nhiều thêm, Hạ vội vã xin phép má đi chơi đạp xe ra phố. Lòng vòng xung quanh trong thành phố trên những con đường, Hạ cảm thấy thật cô đơn. Những con đường ngày xưa hoàn toàn đổi tên mới của những người mới. Những con người xa lạ đã chiếm hữu những căn nhà của những người xưa. Quang cảnh sầm uất nhộn nhịp trên phố Độc Lập ngày xưa đã biến mất nơi đâu. Căn nhà lớn của cô Mỹ đã bị “Nhà Nước” tịch thu từ lâu và vẫn còn đóng cửa. Khu lầu bảy nhộn nhịp ngày xưa, nay chỉ còn vài ngọn đèn loe hoe. Sau ba năm, người Nha Trang vẫn chưa nguôi với sự thay đổi. Những người mới thay thế chủ nhân của những căn nhà trên phố không đủ sức làm cho thành phố biển này nhộn nhịp với cái nghĩa hòa bình và thống nhất đất nước mà họ đã tự hào. Hôm nay phố không có điện, Hạ rẽ qua đường Trần Quý Cáp để quay về. Ngang nhà Ân, Hạ nghe tiếng kêu:
- Đan Hạ! Đan Hạ!
Ngước nhìn lên hiên lầu hướng về tiếng kêu, Hạ thấy Quân nhoài người ra ngoài lan can giơ tay chào. Mặt anh chàng hớn hở như đang được thưởng. Bên cạnh Quân, thấp thoáng dáng Ân trong bóng tối. Hạ nhíu mày, gật đầu chào và thầm trách sao mình đi về trên con đường này.
Tối hôm ấy, trời khuya lắm nhưng Hạ không ngủ được. Đem ghế ngồi trước nhà, Hạ ngắm những búp hoa Quỳnh lòng thòng, đu đưa trong gió. Chậu hoa Quỳnh này Hạ trồng từ năm học lớp chín. Lúc Hạ trồng nó, má và các cô cản không cho vì dị đoan. Những người lớn này nghĩ là con gái không nên trồng những loài hoa nở về đêm như Lài, Quỳnh, Thiên Lý... bởi vì con gái mà trồng những loài hoa này sẽ đem lại những sự không may mắn trong tình cảm. Hạ không hiểu có phải tình cảm của Hạ không may mắn vì trồng loại hoa này không? Hạ không tự trách mình đã trồng cái khóm Quỳnh này, cũng như không trách mình đã làm mất những gì mình đang có. Hạ xót xa khi nhận thức được tất cả những gì Hạ muốn lúc nào cũng ngoài tầm tay với, như những bọt bóng dễ vỡ. Cánh tay run khi xưa thật sự chỉ là cảm xúc nhất thời tại sao Hạ cứ phải bận tâm, tại sao Hạ không thể quên nó đi ? Còn vài tuần nữa mới hết hè, Hạ mong thời gian qua thật mau để vào lại Sông Mao.
Tiếng mở cửa kèm theo tiếng của Thảo Vy:
- Chị Hạ chưa ngủ sao?
Hạ cố giữ giọng nói thật tự nhiên:
- Chưa! Chị muốn nhìn những chiếc hoa Quỳnh này.
Vy nhấc chiếc ghế ngồi cạnh Hạ:
- Những cái hoa còn nhỏ. Phải đến hai ngày nữa chúng mới nở được
Ngước mặt lên trời, Vy nói tiếp:
- Còn hai ngày nữa là đến rằm. Em thích hoa nở đúng rằm.
Hạ ngạc nhiên:
-Vy mong hoa nở lúc có trăng để làm gì?
- Để nhìn trăng, ngắm Quỳnh nở và ăn bánh uống trà.
- Uống trà? Uống với ai?
-Với nhóm bạn của em.
Hạ đùa:
-Vy hư ghê, biết uống trà, uống cà phê, may là chưa uống rượu.
Vy phân bua:
- Không phải em hư mà tại vì biển. Biển đã làm em biết uống trà! Tụi em thường đem trà và bánh ra biển ngồi ngắm trăng và nhâm nhi. Bộ chị Hạ không nhớ bài thơ của nhóm bạn em và chị đặt ra trên dốc đá Hòn chồng sao?
Nhớ lại lúc chị em đoàn tụ, Vy thường rủ Hạ đi chơi cùng với nhóm bạn trường Lê Quý Đôn của nó, Hạ tủm tỉm cười:
- Bài thơ mà chị đã bắt đầu bằng câu: “Trăng còn e thẹn chưa muốn lên,” phải không?
Vy reo lên:
- Đúng rồi ! Em tưởng chị quên rồi chứ!
Nói xong, con nhỏ ngâm nga từng câu một:
“Trăng còn e thẹn chưa muốn lên.
Lác đác mây đen phủ khắp đầu.
Từ chốn xa xôi ta tìm đến.
Trời rắc hương nồng, biển mông mênh.”
Im lặng một lúc, Vy hỏi:
- Chị có nhớ ai đặt câu cuối không?
- Nhớ chứ! Anh Thiện phải không? Anh ấy tài ghê. Trong khi cả nhóm đều bí, không ngờ anh ta đã đặt được câu ấy.
- Anh ta chết rồi!
- Chết? Vì sao?
- Anh ta đi bộ đội và chết tại Cam Bu Chia.
-Vì sao đi bộ đội?
- Em không biết, chắc ảnh bị bắt đi.
Hạ yên lặng khi nghe tin này. Có một lần, người này đã trao cho Hạ chiếc thuyền được xếp bằng giấy với những hàng chữ thật đẹp:
“Đừng hối thúc khi tình mình chưa chín tới.
Vì hôm nay trái nhớ chẳng ngọt ngào.
Ơi hạnh phúc chưa bao giờ với hái.
Nước mắt ngập ngừng khổ biết dường bao.”
Sau khi đọc những lời thơ này, Hạ đã giận kinh khủng vì hai chữ “hối thúc”. “Ai hối thúc anh ta điều gì chứ? Vô duyên!” Đến khi đọc mãi bài thơ, Hạ mới hiểu ý câu thơ mà Thiện diễn đạt: Anh ta tự nói với chính anh ta chứ không phải nói với Hạ. Nhưng mà, lúc Hạ hiểu được ý nghĩa bài thơ là lúc Hạ tuyệt giao với anh ta rồi. Hạ không hiểu được con trai. Khi mấy đứa trong nhóm bạn Thảo Vy “làm mai” nhỏ Phương cho anh ta thì anh ta vui vẻ như yêu thương Phương lắm, nhưng sau đó, lại làm thơ cho người khác thì quả là “rắc rối cuộc đời”! Người ta thường nói tình yêu là một cuộc đuổi bắt không ngừng. Những người yêu nhau chạy lòng vòng trong cái vòng lẩn quẩn, không bao giờ dừng lại được. Hạ chưa bao giờ thưởng thức được hương vị yêu thương ngọt ngào của hai người yêu nhau vì vậy khi nhớ đến cuộc tình của Quân và Anh Thư, Hạ thấy tiếc cho hai người đã không hoàn thành một chuyện tình đẹp.
Hạ thở dài buồn bã lẩm bẩm:
- Cái gì cũng mất, cái gì cũng tiêu ma.
-Chị Hạ buồn hở?
- Buồn chứ! Nghe người quen mất thì phải buồn rồi.
Vy nghiêng mặt nhìn Hạ:
-Còn chuyện anh Quân có bạn gái, chị có buồn không?
-Việc gì phải buồn? Anh ấy có phải là người yêu của chị đâu?
Vừa dứt câu, Hạ đứng dậy nhắc chiếc ghế:
- Chị buồn ngủ rồi. Chị phải vào nhà đây.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 19

Hơn một tuần, Quân không đến nhà. Má Hạ thắc mắc hỏi Vy:
- Dạo này sao không thấy Quân và Ân đến chơi vậy con?
Hạ im lặng nghe Vy trả lời:
- Anh Quân đi chơi với Ân. Ảnh thường đưa Ân lên nhà ảnh. Con nhỏ Ân giờ chơi với em gái út của anh Quân thân lắm nên nó không xuống đây chơi nữa.
Tiếng thở dài của má và lời nói của nhỏ Vy đã khiến Hạ nhớ lại ngày Hạ cùng Anh đến nhà Quân. Hạ nhớ khẩu súng Quân để trên bàn khi Hạ than vãn buồn chán. Hạ nhớ đến sự ngạo nghễ và ngang tàng của anh ta, kèm theo hình ảnh Hạ say rượu nằm sóng xoài trên đường. Hạ thật sự cần tỏ ra lạnh lùng và cao ngạo hơn là mong mùa hè qua thật mau.
Tối hôm đó, Hạ rủ Vy đi biển chơi. Hai chị em đạp hai chiếc xe song song nhau trên đường Duy Tân đến tận khu Nguyễn Thiện Thuật.Vy nói:
- Đến đường này nhớ chị Đoan Hạnh và Ái. Chị Đoan Hạnh từ lúc đi dạy xa, ít khi về. Em nghe nói chị bị suyễn nặng lắm. Còn nhỏ Ái từ lúc đi làm thư ký cho trường Lê Quý Đôn thì biệt tích luôn.
Con nhỏ liên tục nhắc tới những người bạn ngày xưa làm Hạ bâng khuâng, muốn khóc. Hạ cố quên đi những ngày cũ để tự tạo cho mình một con người đang sống ở một thế giới khác, nhưng có được đâu. Những con đường Nha Trang và biển luôn luôn gợi nhớ những kỷ niệm mà Hạ đã cố quên đi. Rồi sự hiện về của một người. Một người không hiểu vô tình hay cố ý khơi lại niềm đau xưa. Hiện tại, Hạ là người vừa ở trong mơ, vừa sống trong những cái có thực. Những cái thay đổi trái nghịch của hai thế giới tồn tại trong tâm hồn Hạ, làm Hạ cảm thấy chơi vơi và đau thương. Hạ phải làm gì đây? Phải làm gì để thoát khỏi những muộn phiền trong tư tưởng?
- Quay lại đi Vy. Em có muốn xuống biển ngồi với chị một chút không? Hạ đề nghị.
Vy gật đầu hớn hở:
- Em thích ngồi dưới biển và tâm sự với chị lắm ...
Đặt hai chiếc xe nằm trên cát, hai chị em ngồi cạnh nhau. Trước mặt hai đứa là biển và bầu trời như gắn liền. Hôm nay vẫn còn có trăng. Mặc dù trăng không còn tròn đẹp như ngày rằm nhưng ánh sáng của nó vẫn còn đủ chiếu khắp mọi nơi trên biển. Màu đen thẫm của biển và lam nhạt của trời làm rõ hơn đường chân trời, nơi mà cái mũi nhọn của Hòn Yến như cái nón lá úp lên trên. Các hòn đảo xa hơn mờ ảo, mơ màng như khuất trong sương mù. Vài chiếc ghe đánh cá lập loè ánh đèn lúc ẩn, lúc hiện, nhè nhẹ di chuyển từ nơi này sang nơi khác như muốn trang trí thêm cho cảnh đêm của biển. Biển về đêm là lúc biển phẳng lặng yên nghỉ sau một ngày nô đùa với những người trong thành phố. Nhưng mà, lúc này biển phải gợn lên chập chờn để lắng nghe gió mang những lời thì thầm từ những hòn đảo xa về. Gần bờ, những con sóng nhỏ lăn tăn thi nhau vuốt ve cát vàng, vô tình tạo nên một viền bọt trắng dài xa tắp. Vẻ đẹp thơ mộng và hiền hòa của biển như làm thi vị hơn cho những đôi nhân tình đang ngồi trên cát.
Yên lặng một lúc để chiêm ngưỡng tuyệt tác của thiên nhiên, Hạ ngước mặt, nhìn lên trời. Hàng ngàn vì sao ngự trị trên cao như những hạt kim tuyến lấp lánh.
- Vy có thích nhìn sao băng không?
- Khi thấy sao băng là thấy dấu hiệu một người vừa mới chết. Cho nên, nhìn sao băng có gì hay đâu?
Hạ hỏi:
- Ai nói cho Vy cái này?
- Em nghe bạn em nói, mà em nghĩ là đúng, vì mỗi ngôi sao tượng trưng cho một người ở trên đời.
Thấy Hạ yên lặng, Vy hỏi tiếp:
- Chị không tin sao?
Hạ lắc đầu:
- Chị không biết, nhưng có thể lắm chứ, vì mỗi người là một thế giới, một hành tinh mà!
Vy hỏi:
- Chị thích nhìn sao băng hả?
- Ừ.
- Vì sao kỳ vậy?
- Trước năm 1975, chị thường ngồi ngoài biển chờ sao băng để ước điều mình muốn được xảy ra.
Vy cười khúc khích:
- Ai nói chị cái này vậy? Chị ước bằng cách nào?
Hạ đỏ mặt:
- Chị thường đặt tay lên hột nút đầu tiên trên áo, chờ khi thấy sao băng, mở ngay hột nút đó ra, rồi nói điều mình ước.
Hạ nói thêm:
- Bạn chị bày khi chị đi biển chơi với tụi nó. Chị làm nhiều lần, nhưng khi ước chỉ ước thầm thôi không cho tụi nó nghe.
Vy tiếp tục cười:
- Hôm nay em không ước được gì rồi vì em mặc áo tròng đầu, không có nút.
Đột nhiên, con nhỏ chăm chú nhìn Hạ:
- Có khi nào điều chị ước trở thành sự thật không?
- Có chứ, chẳng hạn như ước mơ Vy về Nha Trang ở với chị đó.
Vy thở dài:
- Nhưng mà lúc em về, chị lại bỏ đi.
Hạ cúi thấp đầu:
- Chị có nỗi khổ tâm riêng. Chị sợ kỷ niệm, mà kỷ niệm xưa luôn hiện về khi chị còn ở Nha Trang.
Giọng Vy đều đều:
- Chị biết không. Khi chị đi, em thường ngồi khóc một mình vì nhớ chị, còn má thì buồn lắm. Từ lúc có Ti, má đỡ buồn hơn vì bận rộn lo cho nó. Má làm cật lực để chạy từng đồng mua sữa. Cuối cùng, vì không thể nào kiếm tiềnđủ tiền mua sữa, má phải nấu cháo gạo, lấy nước hòa đường cho nó bú, và cho nó ăn bột dặm thêm.
Ngưng một lúc, Vy nói tiếp:
-Vì ăn thiếu thốn, Ti bị ghẻ lở đầy mình. Em cảm thấy bất lực vì không có một người nào giúp đỡ cho. Thời gian đó, anh Quân đến nhà mình chơi, giúp má và gia đình mình nhiều lắm.
Hạ hồi hộp:
- Quân đến nhà mình từ sau khi má nuôi Ti sao?
- Đúng vậy. Anh ta thương nó lắm. Ảnh phụ má và em chăm sóc nó mà không ngại nó ghẻ lở gì cả.
Hạ cúi đầu, dùng ngón tay vẽ ngoằn nghèo vô nghĩa trên cát. Hạ hiểu tính tình Quân. Bề ngoài ngang tàng và bất cần nhưng anh ta vốn dĩ là người luôn luôn giúp đỡ người khác thật lòng và vô vụ lợi. Chính vì điều này mà Hạ không thể quên nỗi buồn riêng của mình, cũng như cánh tay run ngày xưa. Khổ nỗi cái ngang tàng tự cao tự đại của cả hai đã không đem lại được gì cho nhau.
Thấy Hạ im lặng lắc đầu, Vy nói:
- Anh Quân thương chị lắm đó chị Hạ. Anh đến nhà chơi hoài với hy vọng được gặp chị, nhưng không thấy chị về.
Hạ cười buồn lắc đầu:
- Em không hiểu được chị đâu Vy. Thôi, mình về nghe, hôm nay không có sao băng. Chị hy vọng là ngày mai đi chơi biển, chị em mình sẽ ước được những điều chị em mình muốn.

***

Tối ngày hôm sau, Hạ và Vy không đi biển được vì Quân đến nhà, sau đó Ân lại đến. Để Thảo Vy tiếp chuyện với hai người, Hạ đem chiếc võng mắc ngoài vườn nằm với Ti và chờ hai người về. Ngọn đèn đường chiếu vào vườn làm rõ hai chiếc xe đạp của Quân và Ân kề nhau. Hạ lầm bầm:
- Giờ này mà còn chưa đi chơi để tự tình, còn lân la gì không hiểu.
Thằng bé Ti không chịu nằm yên trên võng. Thỉnh thoảng, nó ngẩng đầu lên, quay cổ vào nhà. Thình lình, có tiếng hỏi sau lưng:
- Không đi chơi đâu sao?
Hạ giật mình, ngồi bật dậy và quay người ra sau nhìn người vừa lên tiếng:
- Ủa! Sao không ở trong đó, ra đây làm gì?
Quân nói:
- Ra đây cho mát một chút. Hạ muốn đi ăn chè không?
Giọng Hạ chua như dấm:
-Hạ đi làm gì? Không có Hạ sẽ vui vẻ hơn.
Quân tỉnh bơ:
-Không đi thì đỡ tốn mấy đồng. Mai gặp lại Hạ vậy.
Hạ ấm ức, xốc cu Ti đứng dậy và bỏ vào nhà để mặc anh ta ngồi ngoài vườn một mình. Thấy Vy và Ân thì thầm tâm sự, Hạ không biết nói chuyện với ai đành vào giường nằm chơi với Ti.
Tối hôm đó, Hạ không ngủ được vì tức thái độ bất cần của Quân, mất một buổi tối đi chơi biển, và cái tội nói dông dài nhiều chuyện của Thảo Vy. Khi con nhỏ chun vào giường và nhét cửa mùng, Hạ nhắm nghiền mắt như đã ngủ say. Đợi lúc Hạ trở mình, nó lên tiếng ngay:
- Chị Hạ biết không! Ân tâm sự với em là mấy ngày nay, anh Quân hờ hững với nó lắm. Cử chỉ của ảnh khác những ngày đầu tiên làm nó buồn.
Hạ mở mắt, cố nhìn Vy trong bóng tối:
- Tại sao em lại kể chuyện Ân tâm sự với em cho chị nghe?
- Bởi vì em biết chị hiểu những gì đang xảy ra.
Hạ bình thản:
- Làm sao chị hiểu Quân được? Anh ta tự cao tự đại, nghĩ rằng mình cao giá nên cố tình đùa giỡn với tình cảm của người khác. Không cứng rắn thì sẽ vướng vào cái trò đùa của anh ta mà thôi.
- Nhưng em biết anh yêu ai và em đã nói với chị rồi.
- Làm sao em đọc được tư tưởng anh ta được?
- Ảnh nói với em. Anh nói là anh nghĩ rất nhiều về chị và mong được gặp chị. Mỗi lần má và em về nhà, bật đèn sáng lên là vài phút sau ảnh vào nhà mình ngay, nhưng không bao giờ anh gặp chị cả.
- Vy nói cái này với chị mấy lần rồi.
- Nhưng mà em chưa nói hết chị đã cắt ngang. Ảnh tâm sự với em nhiều lắm.
Xoay mặt nhìn lên nóc mùng, Hạ nói :
- Em biết chị Anh Thư phải không? Chị đẹp đến mình còn thích, huống gì con trai. Anh ta mất chị Thư nên muốn tìm người lấp vào khoảng trống thôi. Chị không thích ở vào khoảng trống ấy. Sau 1975, chị Thư lấy chồng đi Mỹ, bỏ ảnh, nên sau đó ảnh mới tìm đến chị.
Tiếng Vy vội vã bên tai:
- Đâu phải ảnh bị chị Anh Thư bỏ lấy chồng mới tìm đến chị đâu!
Hạ xoay lưng về phía Vy, nhưng tiếp tục hỏi:
- Vậy em nói ảnh tìm chị lúc nào?
Vy đáp ngay:
- Năm ngoái.
Hạ cười chua chát:
- Năm ngoái. Đúng là năm ngoái. Vậy không phải là thời gian anh ta chờ đợi Anh Thư lấy chồng xong mới đến nhà mình sao?
Vy cãi:
- Sao ảnh xuống đây được? Ảnh bị tù ngay khi mấy ông “Cách Mạng” vào Nha Trang mà.
Hạ không quay mặt lại nhìn Vy. Cái tin nó tiết lộ thật là quá kinh ngạc. Từ lâu Hạ không liên lạc với Anh và những người bạn xưa vì không muốn tìm hiểu về những người liên quan đến chuyện buồn thầm kín của mình. Hạ chưa bao giờ nghĩ Quân bị bắt. Tại sao Quân bị bắt? Anh ta có phải là lính Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa đâu? Hạ nhớ lại khẩu súng ngày xưa Quân để trên bàn và nghĩ đến tính tình của anh ta. Có phải anh ta đã chống lại những người Việt cộng khi họ tấn công vào Nha Trang không? Có phải Việt cộng đã phát hiện anh ta có súng không? Hay là Quân đã kháng cự khi người ta bắt ba của anh ta? Hạ không hỏi thêm gì, cũng không cãi lại lời nào với Thảo Vy. Bây giờ mọi việc đã lỡ cả rồi. Quân đã quen Ân, đã hứa hẹn, và đã gieo hy vọng cho con bé. Nhỏ Ân đã được giới thiệu với những người nhà trong gia đình của anh ta. Còn Hạ chẳng là gì. Hạ chỉ là một cái bóng vô hình mà chẳng người nào trong gia đình Quân biết Hạ là ai. Hạ tự trách mình là đứa ngu muội nên mới trồng khóm Quỳnh. Vì đã không nghe lời người lớn cho nên phải chuốc cái không may trong tình cảm. Tuy nhiên, Hạ chấp nhận chịu đựng thêm đau khổ để khỏi phải đưa con bé Ân rơi vào tình trạng của Hạ ngày xưa.
Thấy Hạ yên lặng, Vy tiếp tục thao thao:
- Anh Quân không coi chị là người thay thế khoảng trống nào đâu. Người mà anh ta yêu thật tình là chị. Tại vì chị tự đánh mất cái chị có mà thôi. Chị đừng để mọi sự trầm trọng hơn nữa.
Đầu Hạ chứa nhiều thứ hỗn độn đến độ Hạ hiểu mình phải làm như thế nào.Vài phút sau, không nghe nhỏ Vy nói, chỉ nghe tiếng ngáy đều đều của con bé, Hạ vẫn không tìm được một giải pháp nào để dứt khoát mối tình câm ngoại trừ những giọt nước mắt ứa đầy trên mặt gối.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 20

Những ngày tiếp theo đó, Hạ thường xuyên đi chơi với những người bạn sinh viên cùng học chung trong trường Cao Đẳng Sư Phạm trước đây. Quân vẫn thường xuyên tới thăm má Hạ, Thảo Vy, và bé Trực. Trái lại, Ân không đến nhà. Thảo Vy vẫn bận rộn muôn đời với bánh trái và bếp núc, lẫn bạn bè. Con nhỏ thích làm những món ăn lạ mà nó học được khi còn ở Sài Gòn rồi mời bạn bè đến thưởng thức để được khen.
Một buổi chiều, khi căn nhà Hạ vui nhộn vì tiếng nói tiếng cười của đám bạn nhỏ Vy và Quân. Hạ ở nhà với mọi người. Chờ lúc không có ai trong nhà, Quân lần đến hỏi chuyện:
- Đan Hạ có biết lòng người hay thay đổi không?
Hạ đáp ngay:
- Có chứ, những ngày này, cái câu: “Gió phất chiều nào, theo chiều ấy” nghe thuộc như cơm bữa đó.
- Nhiều người hiểu như vậy là không đúng mà vẫn làm.
- Ý Quân muốn nói gì?
- Quân nghĩ ngày xưa bạn học cùng chung khối lớp. Sau chiến cuộc, vì hoàn cảnh mình không có bằng cấp làm công nhân quèn bị người ta khi dễ.
- Sao Quân biết người ta khi dễ?
-Biết chứ! Như Đan Hạ vậy đó. Đan Hạ chỉ quen những người làm thầy cô giáo chứ đâu thèm chơi với những người làm công nhân như Quân.
- Ý Quân muốn nói Hạ là người phản bội bạn bè hay người ham danh lợi?
- Không biết!
- Không biết tại sao nói ?
- Tại buồn.
Im lặng một lúc, Quân hỏi:
- Bây giờ “bạn bè” mình đi xi nê nghe?
- Phim gì ?
- Không biết!
- Không biết sao rủ “người ta” đi?
- Tại Quân đâu biết Đan Hạ nhận lời. Đi nghe?
Hạ cười:
- Ừ! Chờ Hạ một chút.
Dứt lời, Hạ thoăn thoắt những bước chân tươi vui vào phòng để tìm chiếc áo hợp ý nhất.
Hôm ấy, Hạ đã làm cho mọi người trong gia đình ngạc nhiên vì Hạ đi với Quân ra khỏi khuôn viên nhà. Ngồi sau lưng Quân trên cái xe đạp cũ kỹ, Hạ cười thầm khi nghĩ đến chữ “công nhân quèn” mà anh ta dùng.
Ra đến phố Độc Lập, loanh quanh các góc phố, Quân quyết định coi phim trinh thám do Nguyễn Chánh Tín đóng. Được vé trên lầu ngồi gần lan can, Hạ có thể nhìn thấy quang cảnh xung quanh rõ ràng. Khán giả đi xem ăn mặc hết sức giản dị nếu không nói là luộm thuộm. Hoàn cảnh mới khiến mọi người cảm thấy bề ngoài không giá trị nữa. Nhiều người con gái mặc quần áo nhàu nhèo, xốc xếch như thể họ đang ở nhà. “Xi nê” bây giờ không là điểm của các cô gái điệu đà chưng diện quần áo mới, kiểu mới, cũng không phải là chỗ hẹn hò lịch sự của những đôi tình nhân mới quen nhau. Hạ nhớ quanh cảnh ngày xưa đi xi nê cùng bạn bè.
Cũng cái rạp Tân Tân này, cả nhóm mặc áo dài trắng vào xem phim “Romeo và Juliette” với một bao xoài ngâm, một bọc nhãn và một bó mía chẻ. Người soát vé rạp lắc đầu nhưng lại mỉm cười. Lũ “con gái Huyền Trân” xưa chuyên môn ngịch ngợm khi đi cả đám. Trái lại, khi chỉ hai ba đứa đi xem phim thôi thì mấy cô nữ sinh này trở nên nhu mì, nhai chầm chậm những mẫu kẹo cao su xanh hoặc trắng.
- Hạ ăn kẹo nè. Quân chìa mấy thỏi kẹo trước mặt Hạ.
Hạ ngơ ngác, không hiểu anh chàng mua từ lúc nào. Chưa kịp nói gì, Quân đã nói tiếp:
-Ăn ngọt thì được nhưng phải giữ hai chiếc răng khểnh cho Quân. Đừng để mất chúng.
Nói xong, anh ta huyên thuyên kể cho Hạ nghe cốt truyện và tóm ý những tập đầu của cuốn phim sắp chiếu. Hạ mơ màng nghe anh ta nói nhưng không nhớ được gì. Câu dặn dò của Quân về hai cái răng khểnh làm Hạ nhớ lại câu nói mà Hạ đã nghe bốn năm về trước trên đường đến nhà Anh dự tiệc sinh nhật. Vậy mà, lúc đó Hạ cho rằng câu nói ấy chỉ là bâng quơ vô nghĩa. Thực sự, muốn hiểu con trai không phải là chuyện dễ dàng.
Cuốn phim Việt Nam mà Hạ xem với Quân có lẽ là cuốn phim mà lần đầu tiên diễn viên miền Nam đóng chung với diễn viên miền Bắc. Hạ không hiểu rõ câu chuyện mà chỉ nhớ Nguyễn Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân với cái áo “măng tô” phong trần và cái răng khểnh có duyên. Lần đầu tiên, Hạ thấy diễn viên miền Nam ngày xưa đóng vai chính trong phim “Cách Mạng”. Hạ không hiểu tại sao Quân đưa Hạ đi xem cái phim không đầu và còn phải chờ những phần kế tiếp của khúc đuôi. Vài hôm nữa thôi là Hạ phải trở lại miền khô khan và nóng bỏng của Sông Mao; lúc đó, cho dù rạp hát Tân Tân này được phép chiếu những phim tình cảm lãng mạn ngày xưa, Hạ cũng không thể nào xem được nữa. Hạ nghĩ đến ngày trở về Nha Trang, nơi mà Hạ đã sinh ra và lớn lên với hy vọng niềm đau trong tâm hồn sẽ được xoa dịu lại.

***

Quân thường xuyên đến nhà để nói chuyện với Hạ nhưng không bao giờ anh ta đề cập đến những kỷ niệm của ngày xưa. Cái thường xuyên mà cả hai thường làm là đạp xe song đôi dọc trên đường biển Duy Tân khi trời xẩm tối.
Một hôm, khi đạp xe trên đường biển, anh ta đưa tay chỉ xuống bãi cát trước viện Yersin:
- Hạ muốn xuống biển ngồi không?
- Muốn.
Đặt hai chiếc xe tựa vào nhau, Hạ đến ngồi cạnh bên Quân. Nhìn những cặp tình nhân ngồi tự tình bên nhau, Hạ cảm thấy ngượng ngập không hiểu anh ta sẽ nói điều gì và Hạ sẽ phải nói điều gì? Tiếng của Quân phảng phất trong gió:
- Đan Hạ!
- Hở?
- Đan Hạ có biết Quân bị ở tù không?
- Có.
Giọng nói anh chàng đều đều:
- Những ngày Quân bị tù khủng khiếp lắm. Tụi Việt Cộng đối xử với Quân rất dã man. Tụi nó nhốt Quân dưới hầm tối cùng với một vị sư. Chỗ nhốt chỉ vừa đủ hai người ngồi. Ăn, ngồi, tiêu, tiểu chỉ trong phạm vi chỗ nhốt. Mỗi ngày họ cho Quân chỉ một chén cơm. Quân ăn trong bóng tối với mùi hôi thối bởi vì trong hầm chỉ toàn là nước tiểu và phân. Lúc đó, Quân thật muốn tự tử chết cho xong.
Hạ lặng người khi nghe anh ta nói. Hạ muốn nói một vài lời để an ủi nhưng cổ Hạ như bị một vật gì chặn ngang.
Quân nhìn Hạ và nói tiếp:
-Vị sư bị nhốt cùng với Quân đã bày cho Quân cách quên đi nổi khổ sở và mùi hôi thối xung quanh. Thầy ấy khuyên Quân nhắm mắt lại và mơ tưởng đến những gì mình thích nhất. Lúc đó, Quân nghĩ đến Hạ. Và suốt bao nhiêu ngày dưới hầm tối ấy, Quân dùng khuôn mặt Hạ để quên những nỗi cực khổ trong hầm tù mà Quân chịu đựng.
Chăm chú nhìn Quân, Hạ không tin được những điều vừa nghe. Nhưng khi nhìn biển yên lặng với những cơn sóng hiền hòa, Hạ cảm tưởng như chúng đang reo vui như niềm vui trong trái tim của Hạ. Những lời nói của anh ta đơn giản và mộc mạc không như những lời chân thành chau chuốt trong cuốn sách “Uyên Ương Gãy Cánh”, nhưng chúng đã đưa bao nhiêu hạnh phúc và tin yêu của Hạ dâng cao. Hạ muốn nói gì đó để đáp lại niềm thương yêu vô hạn của Quân, nhưng dường như tất cả những ý tưởng của Hạ đã trốn chạy mất.
Bẽn lẽn cúi mặt và tựa cằm vào hai đầu gối, Hạ
vẽ nguệch ngoạc trên cát rồi hỏi bâng quơ:
-Vì sao Quân bị bắt?
Im lặng một lúc, Quân ấp úng:
- Quân ... Quân dính líu đến vụ cướp trên đường Độc Lập khi Việt Cộng tiến vào thành phố.
Hạ bật đầu lên, lắp bắp hỏi:
- Quân nói là vụ cướp trên đường Độc Lập?
Quân cúi mặt:
- Phải. Quân đã bị lừa.
Hạ chau mày, lo lắng:
- Vì sao? Vì sao vậy?
- Một người anh của bạn Quân nhờ Quân canh chừng dùm cho nhóm bạn ông ta khi họ vào mấy cái tiệm ở đường Độc Lập lấy đồ. Họ lấy xong, trốn đi cả, còn Quân đứng canh bị tụi Việt cộng nằm vùng chỉ điểm bắt.
Nước mắt ứa ra, giọng Hạ run run:
-Vì sao họ biết Quân canh cho tụi cướp mà bắt?
Ngập ngừng, Quân trả lời:
-Vì Quân có súng.
Như bị ai bóp ngẹt hơi thở, Hạ nghẹn ngào:
- Quân đã tham gia cướp với mấy người đó! Quân đã cùng nhóm với họ!
Quân lắc đầu, nài nỉ:
-Đan Hạ không hiểu đâu. Quân vô tội.
Hạ không hỏi anh ta vô tội như thế nào, và vì sao anh ta có thể vô tội. Hạ chỉ biết nước mắt mình tuôn ra không ngừng, thần kinh tê cứng và tay chân lạnh ngắt. Hạ nhớ lại ngày mà Hạ đến tiệm Vĩnh Thạnh của cô Mỹ sau khi các dãy phố Nha Trang bị cướp, rồi Hạ nghe tiếng chị Huế vang vọng trong tai. Hình ảnh trần truồng của chị la lết từ nơi này sang nơi khác xin bọn cướp tha tội chết hiện ra trên biển. Tiếng cười khả ố của bọn cướp gớm ghiết hòa lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng xoáy buốt vào tận trong óc khiến cho Hạ thấy chơi vơi. Nghiêng mặt cho những giọt nước mắt thấm vào đầu gối, Hạ lại hỏi:
-Vì sao Quân phải làm như vậy? Vì sao Quân giúp những người ăn cướp?
Quân cúi đầu:
- Quân không biết.
Cũng may là anh ta không giải thích điều gì và cũng không nói thêm gì nữa. Nếu không, lời biện hộ dù có thích đáng bao nhiêu cũng sẽ xé nát trái tim Hạ.
Rất lâu, Hạ mới lên tiếng:
- Quân biết không, Hạ không có bạn trai.
- Quân biết mà.
Không nhìn mặt anh ta, Hạ cố gắng lấy hết can đảm để nói tiếp:
- Mà Hạ không thể nào có bạn trai được.
Tiếng Quân bên tai:
- Vì sao vậy?
- Hạ có bệnh.
- Bệnh gì mà không thể có bạn trai?
Hạ bối rối không biết bệnh gì để nói. Thấy tim mình đập thình thịch, Hạ nói nhanh:
- Bệnh tim. Bác sĩ nói Hạ không thể lập gia đình. Nếu Hạ lập gia đình thì sẽ bị chết ngay. Hạ cũng không thể có con được vì chứng bệnh tim của Hạ nguy kịch lắm.
- Bác gái biết không?
- Không, Hạ giấu không cho biết vì sợ má buồn. Hạ cũng không cho ai biết cả.
Quân thở dài mà không nói gì. Hạ lo lo, không hiểu anh chàng có tin lời mình không.
Một lúc sau, Quân nói:
- Hạ khám bệnh lâu chưa?
- Lâu rồi, khi còn ở trong Sông Mao.
- Không chữa được sao?
- Không. Bệnh nan y mà! Vì vậy, Hạ nhất định không muốn quen ai cả.
Giọng nói của Hạ run run và lạt đi nhưng Hạ cố gắng kết thúc lời khẳng định của mình:
- Hạ không thể nào lập gia đình được thì có bạn trai làm gì? Hạ không muốn tự làm khổ chính mình cũng như không muốn làm khổ người khác.
Quân lại thở dài và cũng không nói gì mà chỉ thòng hai cánh tay dài trên đầu gối và nhìn xa xa ra biển. Nhìn nét lo âu, căng thẳng trên mặt anh ta, Hạ muốn cầm hai bàn tay ấy và nói với anh ta rằng những lời Hạ vừa nói chỉ là những lời Hạ bịa đặt. Hơn thế nữa, Hạ sẽ nói là Hạ đã yêu anh ta vô cùng tha thiết. Hạ sẽ nói là Hạ đã cảm động với những lời anh ta nói về khuôn mặt của Hạ, và Hạ sẽ nói nhiều hơn nữa về mối tình câm nín mà Hạ đã cố giữ kín bao nhiêu năm qua. Thế nhưng, hình ảnh chị Huế trần truồng với khuôn mặt hoảng hốt, với dáng đi khúm rúm cố gắng che người trên những con đường, và hình ảnh Quân cầm cây súng đứng trên một góc đường nào đó lại hiện ra trong đầu Hạ.
Mới chỉ vài phút thôi! Mới chỉ vài phút mà những hình ảnh kinh hoàng này lại hiện ra trong tâm trí Hạ thì làm sao Hạ có thể cùng anh ta an lành với những ngày sắp đến? Hạ muốn về nhà, muốn có một giấc ngủ dài thật dài để tin rằng những gì nghe được trên biển này chỉ là những lời mơ hồ trong mơ. Thở dài tuyệt vọng, Hạ chìa cánh tay phải trước mặt Quân:
- Cho Hạ mượn một bàn tay của Quân đi.
Quân ngạc nhiên nhưng từ từ đặt cánh tay trái của mình lên trên tay của Hạ. Hạ đặt bàn tay còn lại lên bàn tay của anh rồi nói:
-Tay Quân ấm thật! Tay Hạ lạnh ghê chưa? Mình phải về thôi, nếu không Hạ sẽ bị bệnh.
Vừa nói xong, Hạ buông tay của anh ta ra. Thấy Quân không có phản ứng gì, Hạ bối rối dùng hai bàn tay múc hai nắm cát bên cạnh chỗ ngồi rồi từ từ mở chúng ra cho những hạt cát trắng tuôn rơi qua các kẽ tay. Nước mắt Hạ lại tiếp tục rơi theo những giòng tuôn của cát. Hạ phải cần can đảm. Can đảm để tiếp tục giữ sự câm nín của niềm đau và hình ảnh đẹp cũ cho đến muôn đời. Phủi những hạt cát còn lại, Hạ đứng dậy, đợi Quân đứng lên, rồi cùng nhắc xe lên đường. Trên đường về, không ai nói với ai một lời nào, mỗi người có riêng một niềm đau, niềm u hoài mà không thể giải tỏa được.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương cuối

Thấy Hạ chuẩn bị hành lý, Thảo Vy lên tiếng:
- Chị Hạ không cần đi Sông Mao sớm như vậy đâu.
Hạ hỏi vặn:
-Vì sao em biết chị đi?
- Em biết chứ! Và em biết chị không cần đi.
Hạ bực tức, la to:
- Làm sao mà em biết chị cần cái gì và không cần cái gì?
Con nhỏ ngang bướng như am hiểu mọi chuyện:
- Biết chứ! Chị muốn trốn chạy! Nhưng chị không cần nữa vì người chị muốn trốn đã bỏ đi rồi.
- Ai?
- Anh Quân đã xin nghỉ việc. Anh ấy bỏ Nha Trang và đi Buôn Mê Thuột rồi.
- .....
- Chị luôn luôn nói hạnh phúc đối với chị như là những bọt bóng dễ vỡ; thế nhưng, chính chị là người làm vỡ những chiếc bong bóng đó.
- .....
Nhưng mà thôi, em thấy chị và ảnh luôn luôn cãi nhau. Hai người đều tự cao tự đại, thà không quen nhau mà hay hơn!

***

Chiều hôm ấy, thẩn thờ ra biển một mình, Hạ vọc nước biển rồi in những dấu chân trần trên cát ướt. Vị mằn mặn trên môi làm Hạ mơ hồ không hiểu nước do sóng đánh văng lên hay những giọt nước mắt của chính mình. Cảm giác cô đơn tràn ngập, Hạ chờ những cơn sóng cuốn trôi những dấu chân buồn và nhờ chúng chôn sâu niềm đau vào lòng của biển.