Chương 9
Thì ra, câu này đã tố cáo nỗi buồn của chàng. Nàng nhìn trừng trừng bức tranh trên tường. Bàn tay bỗng lạnh lên, quả tim như chìm xuống lòng đất.
Sắc mặt tái nhợt của Sương Sương đã làm Mộc Thiên đau đớn vô cùng. Bao nhiêu hy vọng của ông lâu nay bây giờ chỉ nhận được con số không to tướng. Con gái ông không đủ yếu tố để buộc lấy quả tim nóng bỏng tình yêu của người con trai ấy hay sao? Nhìn thấy con mình đẹp không thua ai, Mộc Thiên càng tức muốn điên lên. Có lẽ Như Phong đã mù, nếu không thì cũng cận thị, loạn thị, không nữa thì có mắt mà không biết nhìn. Ông thở ra rồi khuyên:
- Đừng buồn nữa con. Như Phong chưa hẳn là người hoàn toàn nhất trên đời. Hơn nữa, còn cũng đừng nên tuyệt vọng sớm như vậy. Con...
Cách an ủi vụng về của Mộc Thiên đã làm nàng phát điên lên, hai tay nắm chặt, lắc đầu, dậm chân gào lớn:
- Sao cha cứ nói kỳ vậy? Con đã nói là không bao giờ yêu ảnh, không bao giờ kia mà. Ảnh yêu ai mặc kệ, có liên hệ gì tới con đâu mà phải buồn. Tại sao tuyệt vọng? Ảnh thích lấy ai cũng mặc, con không cần biết. Không cần biết. Không cần biết. Không cần biết.
Mắt nàng đã hoen lệ, mặt từ trắng biến thành đỏ. Hơi thở gấp rút, mái tóc rũ xuống, cổ họng nàng cũng nghẹn không thốt thành tiếng. Nàng đá ngã chiếc ghế trước mặt, vụt chạy lên lầu, vào phòng riêng đóng sập cánh cửa rồi ngả mình lên giường sụt sùi khóc.
Mộc Thiên như một khúc gỗ được trồng giữa phòng khách. Ông dựng lại chiếc ghế, lắng nghe tiếng nức nở của con mình mỗi lúc một lớn trên lầu. Mỗi tiếng khóc như một nhát dao cắt từng đoạn ruột của Mộc Thiên. Ông không thể chịu đựng được nên lên lầu đến phòng Sương Sương mở cửa bước vào. Nàng như một kẻ đang lên cơn điên, miệng cắn gối xé toẹt từng mảnh và khóc, tay chân đập mền. Mộc Thiên tiến đến đặt tay lên vai nàng thì nàng hất ra và khóc lớn:
- Con không cần đến chạ Con không cần!
Mộc Thiên đành đứng lặng nhìn con khóc rồi từ từ bước ra khỏi phòng. Về phòng riêng ngồi bóp trán suy nghĩ:
- Nếu nó có mẹ thì đâu có ra nông nổi này.
Vừa nghĩ đến đó bao nhiêu chuyện quá khứ lại hiện lên trong trí ông. Ông đành nhắm mắt, mặc cho thời gian trôi đi, trôi đi vào tận cùng sự đau khổ của tiềm thức.
ông ngồi như thế được khá lâu, bỗng nghe tiếng chân của Sương Sương đi qua hành lang và xuống lầu. Ông sực tỉnh tiến đến cửa sổ nhìn xuống dưới lầu. Chỉ trong khoảng khắc, ông thấy chiếc xe hơi từ trong nhà vọt ra, lao vun vút trên đường nhựa. Ông thở ra ngồi trở lại vào ghế. Ông nghĩ sau đó sẽ có những gì xảy ra: chạy hết tốc độ, vượt đèn đỏ, không bằng lái... Thế là ông phải chuẩn bị tiền đến ty cảnh sát nhận về.
Mộc Thiên đốt một điếu thuốc, nhận chuông gọi con Kim đến dặn:
- Khi nào cậu Phong về, nhớ bảo cậu ấy đến phòng tôi có việc gấp.
Dù sao đi nữa, ông cũng phải giúp Sương Sương trong việc này, nếu cần, ông sẵn sàng dùng áp lực đối với Như Phong. Miễn thành công là được. Từ lâu, Như Phong rất mực kính nể ông, nghe lời ông mọi việc thì bây giờ đành dùng lợi khí ấy, miễn được, mang tội ích kỷ cũng đành chịu.
Như Phong về đến nhà không trễ lắm, mới chín giờ hơn. Chàng huýt sáo hớn hở lên lầu. Con Kim cho chàng biết là Mộc Thiên đang chờ trong phòng. Như Phong vui vẻ đáp:
- Được rồi.
Chàng về phòng lấy áo ngủ rồi đến phòng tắm vừa tắm vừa huýt sáo. Con bé Hiểu Đan sao mà dễ thương đến thế! Đôi mắt long lanh, vẻ ngây thơ sợ hãi. Bàn tay thon mềm như chẳng có một đốt xương, mỗi khi đụng đến thì lại tíu tít:
- Ô! sao anh cứ đụng em hoài, chúng ta mới gặp nhau lần thứ tư kia mà.
Chàng lại say sưa đáp:
- Lần thứ tư à! Anh cứ ngỡ rằng chúng mình đã quen nhau những bốn mươi năm rồi chứ.
Nàng lại cười:
- Chắc anh có nhiều bạn gái?
Chàng thú thật:
- Vâng, anh có nhiều lắm.
- Tại anh kén quá chứ gì?
- Đâu phải, tại các cô ấy chứ đâu phải anh.
- Kể cả Sương Sương?
Chàng tha thiết nhìn nàng:
- Sương Sương? Em đã nghe người ta nói gì về anh với Sương Sương?
Nàng lại cười, ánh mắt long lanh càng dễ thương hơn:
- Nói gì hả anh?
- Sương Sương là em gái anh.
Câu trả lời ấy là mãnh lực giữ tay nàng nằm im trong tay Như Phong, là vật vô hình lấp hết những khoảng cách giữa hai người. Bởi vậy khi Như Phong choàng tay qua ôm eo nàng, nàng lặng thinh không phản đối, chỉ đưa đôi mắt ướt nhìn một cách dịu dàng. ánh mắt ấy khiến con tim của Như Phong như run lên, muốn vồ lấy nàng hôn tới tấp để con tim không còn run cầm cập thế nữa. Nhưng Như Phong đành dằn lòng không dám hồ đồ thế. Đầu nàng tựa lên vai chàng, những sợi tóc con ve vuốt lên má chàng khiến chàng ngây ngất cả người. Nàng lại thỏ thẻ bên tai, như tiếng gió nhẹ lùa qua khóm dương, tỉ tê đầy mật ngọt:
- Em nói dối với mẹ là sang nhà Đức Mỹ làm bài. Mẹ tin lắm vì mẹ vẫn xem em là con bé chưa biết gì. Em chưa bao giờ nói dối nhưng hôm nay bỗng dưng lại nói dối, nói một cách tự nhiên như thật, em chẳng biết tại sao đi nữa. Điều ấy đã làm em ngờ vực chính em.
Nàng bỗng dừng lại, đặt tay lên vai chàng, ngước nhìn thẳng vào mặt chàng hỏi:
- Anh có bao giờ ngờ vực với chính bản thân mình không? Anh có thấy sự mâu thuẫn giữa dòng tư tưởng tốt và xấu, yếu đuối và mạnh dạnh nơi một con người không? Hay là, vì nó chỉ ở trên một cơ thể nên không còn phân tích được.
Chàng say sưa ngắm cặp mắt đen láy dưới hai hàng lông mi chơm chớp ấy:
- Bộ em thường phân tích em sao?
Nàng lại cười, hai bàn tay chéo ngón vào nhau, đặt sau đầu rồi ngã mình vào salon. Cái dáng điệu lười biếng ấy càng làm cho nàng đẹp hơn nhiều. Nàng đáp:
- Nhiều lúc em thử phân tích lấy tâm trạng mình. Nhưng càng phân tích thì càng rối loạn hơn.
- Ai cũng thế đâu phải mình em. Chính mình đi phân tích mình, chẳng khác nào “tôi” đứng cửa sổ trông “tôi” ngoài đường.
Chàng ngắm nàng rồi tiếp:
- Theo anh thì, em cần gì phải phân tích mình cho mệt. Em chỉ cần nhớ rằng những gì đẹp đẽ, tinh hoa nhất trên đời này đều tập trung nơi em.
Nàng đắm đuối nhìn chàng:
- Anh lại sai rồi, nói đến tinh hoa là phải nói đến tuyệt đối, trên đời này có gì tuyệt đối đâu anh.
Như Phong không đáp. Hai người yên lặng nhìn nhau. Thời gian như ngừng hẳn trên ánh mắt của họ, một lúc lâu, Như Phong nâng cằm nàng lên giọng mơ màng:
- Anh không ngờ với khối óc nhỏ bé của em lại chứa nhiều tư tưởng quá vậy. Thế mà, anh cứ ngỡ rằng tư tưởng đàn bà là những gì đơn thuần nhất, ngờ đâu là một kho tàng vô giá đến thế.
Nàng cười duyên:
- Anh muốn khám phá nó không?
- Muốn lắm chứ, nếu em cho phép.
- Người khám phá như một thợ đào mỏ, nếu anh đào một cách đứng đắn thì em...
- Anh lấy danh dự là một thợ đào đứng đắn nhưng em phải dành cho anh cơ hội và thời gian.
- Anh có dụng cụ không?
- Có chứ.
- Là cái gì nói em nghe?
Chàng cầm tay nàng đặt lên tim mình, chăm chú nhìn nàng hỏi:
- Đây nè, được không em?
Hai mắt tròn lớn của nàng đảo quanh mặt chàng một lượt rồi dừng lại, nhìn sững vào mắt chàng không chớp. Hơi thở ngắn và gấp rút thổi lên mặt chàng. Chàng từ từ cúi đầu xuống, nhưng không dám đụng vào môi nàng vì e nàng sợ, chàng liền cầm tay nàng áp lên má, lên trán mình rồi hôn đắm đuối trên bàn tay mềm ấy. Chàng không dám ngước lên nhìn vì sợ giây phút sung sướng tột cùng có thể làm chàng chảy nước mắt. Cho đến khi ngẩng đầu lên, chàng thấy gương mặt nàng trở nên tái nhợt và nghiêm trang lạ thường, có lẽ nàng cũng đang trải qua cái giây phút sung sướng tê tái ấy!
Như Phong mãi nhớ đến chuyện gặp gỡ vừa rồi nên đã ngâm mình trong bồn tắm thật lâu mà không hề hay biết.
Ra khỏi phòng tắm, Như Phong đến thẳng phòng Mộc Thiên. Trong phòng khói thuốc mịt mù, dượng chàng ngồi thu mình trên ghế. Cái dáng điệu ấy cho chàng biết ông ta đang gặp việc gì phiền muộn không ít. Mộc Thiên nhìn Như Phong thật kỹ rồi chỉ chiếc ghế trước mặt bảo:
- Ngồi xuống đi cháu.
Chàng ngồi xuống, mắt không rời Mộc Thiên. Ông ta đốt một điếu thuốc khác, rít một hơi dài, chậm rãi nói:
- Hôm qua trong công ty có cuộc hội nghị giữa các cổ động, kế hoạch gia tăng sản xuất của cháu đã được thông qua, có lẽ tháng giêng sang năm mới thi hành được. Còn vấn đề mở thêm đại diện thương mãi ở Hong Kong thì mùa xuân năm sau sẽ tính lại. Ông giám đốc họ Hồ cho biết là mấy hôm nay ông chủ sự phòng thương mãi làm việc tắc trách nên dượng nhờ cháu theo dõi hộ, nếu cần có thể đổi ông ấy qua ngành khác.
- Dạ, cháu cố gắng theo dõi hộ dượng.
Cuộc họp của công ty Thái An chỉ là một hình thức, thật ra, mọi quyết định đều do Mộc Thiên vì ông vốn chiếm những bảy mươi phần trăm công ty.
Mộc Thiên nhả một ngụm khói, trầm ngâm một lúc rồi mỉm cười:
- Việc công đã nói xong, bây giờ chúng ta bàn đến việc riêng của gia đình.
Như Phong ngơ ngác nhìn:
- Việc riêng gì vậy dượng?
Mộc Thiên gục gặc đầu ôn tồn hỏi:
- Cháu có thích xuất ngoại không?
- Thưa dượng, bộ công ty mình định cho người đi ngoại quốc học sao? Cháu không thích hợp vì ngành học của cháu không phải ngành dệt hay thương mại.
- Dượng biết thế, chỉ hỏi xem cháu có dự tính gì về tương lai không. à mà năm nay cháu được hai mươi sáu hay hai mươi bảy tuổi vậy?
- Dạ thưa cháu hai mươi bảy.
- Lúc dượng vừa bằng tuổi cháu, đã có Sương Sương rồi.
- Chắc dượng định hỏi đến việc hôn nhân của cháu?
- Dượng nghe nói cháu có một người tình mà người ấy lại là gái làng chơi, có phải vậy không?
Như Phong cười, người con gái ấy với chàng chẳng có gì bí mật cả:
- Dượng muốn hỏi đến Đỗ Nỉ Cháu xin thú thật là cô ta thương cháu lắm, ngược lại, cháu chỉ xem nàng là một món đồ giải trí, không hơn không kém. Xin dượng hiểu cho rằng với hạng gái ấy, chúng con chỉ xem như một sự mua bán của xác thịt, không một chút tình cảm riêng tư nào. Vả lại, cô ta lại tự động tìm đến nhà, thêm vào đó có chút nhan sắc thì tội gì lại không hưởng thụ.
Mộc Thiên đốt tiếp một điếu thuốc rồi nói:
- Dượng rất thích cái tính thẳng thắng của cháu. Tuy nhiên, có một độ dượng hơi ngạc nhiên là thời gian gần đây, hình như cháu ít giao du với chúng.
Như Phong giật mình, mặt đỏ bừng lên. Chàng không được an tâm nên hỏi:
- Dường như dượng đã rõ mọi việc của cháu?
Mộc Thiên mỉm cười kín đáo:
- Dĩ nhiên thế. Cháu cứ nghĩ xem, công ty vĩ đại ấy sẽ thuộc về cháu, do một tay cháu điều khiển thì làm sao mà dượng không quan tâm về đời tư của cháu mới được chứ?
Như Phong không mấy vui trước câu nói ấy:
- Dượng nói thế có nghĩa là cháu phải thay thế dượng để điều khiển Thái An?
- Cháu là người thân tín của dượng lại có tài kinh doanh. Công ty ấy nếu do cháu điều khiển, dượng tin chắc sẽ phát đạt hơn nhiều. Vả lại, dượng cũng đã già rồi, muốn giao trọng trách ấy lại cho cháu để dượng lo việc hưởng nhàn của tuổi xế bóng. Bởi vậy, nếu cháu không có ý định xuất ngoại, dượng mong cháu dành nhiều thì giờ để chú tâm vào công ty, thường xuyên thị sát xưởng dệt. Dượng hy vọng trong hai ba năm sau, cháu sẽ là người cột trụ của công ty.
Chàng nhíu mày nhìn Mộc Thiên:
- Thưa dượng xin phép dượng cho cháu được nói lên sự thật của lòng cháu, mong dượng đừng buồn.
- Cháu cứ nói.
- Cháu không bao giờ mơ ước được nhận cái trọng trách ấy. Nói đúng hơn là không thích.
- Tại sao?
- Cháu đã chán ngán cái cảnh tranh giành tiền bạc ở chốn thương trường lắm rồi. Hơn nữa, cháu đã theo học ngành văn chương, nên đối với việc thương mãi, dệt vải chẳng đem lại chút hứng thú nào cho cháu. Mấy năm qua sở dĩ cháu làm việc ở công ty chỉ vì nhận thấy dượng cần đến cháu. Cháu cứ mơ ước một ngày nào đó, khi Sương Sương đã lấy chồng chừng ấy...
Mộc Thiên liền ngắt lời chàng:
- Cháu đừng vội, cháu không nghĩ gì về cái tài sản khổng lồ này của dượng sao?
Như Phong cười khẩy:
- Cháu nghĩ lắm chớ, vì nếu bảo không thì dượng sẽ cho rằng cháu là thằng nói khoác. Tuy nhiên, thưa thật với dượng là cháu không bao giờ nuôi cái tham vọng kế vị ấy, vì gia tài này thuộc về Sương Sương kia mà.
Mộc Thiên trầm ngâm một lát rồi nói:
- Thuộc về Sương Sương và thuộc về cháu, không phải một thứ sao?
- Dượng nói gì, cháu không hiểu?
- Dượng muốn nói nếu cháu và Sương Sương trở thành vợ chồng.
Như Phong tròn xoe mắt nhìn Mộc Thiên. Ông vẫn ung dung nhả từng ngụm khói lớn. Chàng ngạc nhiên hỏi:
- Dượng lại đùa với cháu?
- Dượng không đùa, chúng con là anh em bà con, sống chung nhau từ thuở bé, hiểu nhau và thương yêu nhau...
- Nhưng cháu và Sương Sương không hề yêu nhau bao giờ.
- Tình yêu có thể nảy nở và trưởng thành.
- Cháu cảm thấy lý luận của dượng có vẻ lý tưởng hóa, theo cháu thì không thể được.
- Tại sao thế?
Chàng hít mạnh một hơi như cố lấy sức:
- Vì từ lâu cháu vẫn xem Sương Sương như đứa em ruột. Vả lại, bây giờ cháu đã có người yêu.
Mộc Thiên không cầm được xúc động, ông dập tắt điếu thuốc:
- Thế à, nàng là người thế nào? Có giống Đỗ Ni không? Cháu định yêu cô gái ấy bao lâu sẽ thôi?
Như Phong tái mặt, chàng không ngờ Mộc Thiên có thể nhục mạ người yêu của mình như thế. Cơn giận nổi lên như lửa đang thiêu đốt toàn thân thể chàng. Chàng ghì chặt thành ghế cố kiềm chế sự tức giận của mình. Mãi một lúc sau giọng nói lạnh như tiền mới thốt được dưới làn môi run run:
- Thưa dượng, bây giờ cháu mới hiểu được dụng ý của dượng là dùng cái gia tài khổng lồ ấy để mua chồng cho Sương Sương. Như thế là dượng đã chọn sai đối tượng. Với những bọn con trai ngoài đường, dượng chỉ cần đưa cái bã giàu sang ấy ra thì chúng giành nhau bu lại để tranh mồi, chừng ấy dượng sẽ tha hồ chọn chồng cho Sương Sương. Còn riêng cháu, cháu sẽ không bao giờ mơ đến những thứ ấy, dượng cứ chửi thẳng vào mặt cái thằng chúa ngu si này đi.
Như Phong vừa trút hết cả ngàn cân vô lễ lên đầu Mộc Thiên, rồi hối hả quay đi, Mộc Thiên đứng lặng người một lúc rồi hét to:
- Như Phong, đứng lại!
Chàng từ từ quay đầu lại. Nhìn thấy gương mặt đầy giận dữ và cương quyết của cháu, sự nóng giận của Mộc Thiên liền tan biến đi như bong bóng vừa xả hết hơi. Mặt ông trở nên buồn buồn và tuyệt vọng. Sương Sương con gái ông sao lại vô duyên với chàng đến thế. Ông thở dài rồi vẫy tay bảo:
- Thôi cháu đi đi!
Như Phong ngơ ngác, vừa bước ra khỏi phòng thì liền bị gọi giật lại:
- Chờ một chút đã cháu.
Như Phong đứng lại, Mộc Thiên nhìn chàng hỏi:
- Dượng muốn biết người yêu của cháu tên gì?
- Dương Hiểu Đan.
- Chắc đẹp lắm hả cháu?
Cơn giận của Như Phong như đã được rửa sạch nên thành thật đáp:
- Thưa dượng, không đẹp lắm nhưng rất dễ thương. Nàng có một sắc đẹp tự nhiên, không bằng son phấn sơn phết bên ngoài. Đẹp từ tâm hồn đến thể xác.
Mộc Thiên cười đau khổ:
- Thôi cháu đi đi. Dượng hy vọng cháu sẽ đưa người yêu đến ra mắt dượng.
Như Phong sung sướng cười:
- Cháu sẽ mời nàng đến nhà chơi để gặp dượng.
Chàng vừa nói vừa nhìn Mộc Thiên. Hố buồn bã giữa hai người đã được lấp dần. Dưới lầu, tiếng còi xe bỗng kêu vang, phá tan cảnh tịch mịch của đêm tối.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 10
Minh Viễn nhìn bức họa với tựa “Cô gái giặt lụa” mỗi lúc một bực mình thêm. Bức tranh đã vẽ đến lần thứ ba, thế mà cái mặt của người đàn bà đó cứ như quỷ sứ, chẳng ra hồn. Bức họa không một đường nét sống động, sắc sảo, ngược lại còn tố cáo sự vụng về và ấu trĩ của một kẻ bắt đầu tập vẽ.
ông nhíu mày, việc cầm cây cọ lại thật là phí công, phí của mà chẳng làm nên sự việc gì. Minh Viễn bèn nổi trận lôi đình, giựt phắc bức họa, nhàu lại một cục, vứt vào góc tường. Chẳng may, cục rác to tướng ấy đụng phải bà Phương Trúc đang ngồi vá áo. Bà giật mình ngẩng lên chạm phải ánh mắt bốc lửa của chồng. Bà ôn tồn hỏi:
- Hư nữa hả anh? Anh cứ từ từ đừng vội, ít hôm sẽ quen đi, chừng ấy mới vẽ khéo được chứ. Anh cứ xem như bắt đầu học vẽ mới được.
Minh Viễn gầm lên:
- Biết gì mà xía vô, cũng tại lời Hiếu Thành hết đó. Nó cứ tưởng Minh Viễn hôm nay như xưa nên xúi bậy. Cái mộng làm nghệ thuật gia đời sau mới thực hiện được. Anh thề bắt đầu ngày mai, chấm dứt hẳn cái công việc sơn phết này. Màu cọ hãy đem vứt vào thùng rác.
Phương Trúc đứng dậy dọn dẹp đồ đạc mà chồng bà đã đập đổ. Bà nhỏ nhẹ khuyên chồng:
- Anh à, tối nay đừng vẽ nữa nhé. Em trông anh đã mệt lắm rồi. Ban ngày đi làm tối về hì hục vẽ thì còn gì hứng thú nữa mà sáng tác. à, lâu lắm chúng mình không đi dạo, hay là mình đi thăm bạn bè chút nghe anh.
Minh Viễn chua chát:
- Thăm bạn bè, lại bạn bè nữa. Hiếu Thành phải không? Đến để chứng kiến sự thành công rực rỡ của hắn, xem hắn có bao nhiêu đệ tử chứ gì? Một bức họa hắn bán những hai, ba ngàn đồng, người ta lại còn đua nhau vác dầu đến nhờ vẽ...
Phương Trúc cắt ngang:
- Minh Viễn, sao anh có những ý nghĩ lạ lùng thế? Dù sao, Hiếu Thành cũng là bạn thân thiết của mình từ hồi nào, anh lại nói những lời ganh tị không đúng cách. Ảnh là người tốt...
Minh Viễn gào lên:
- Phải, nó tốt vì cứ hai, ba ngày là mang sữa hộp, vải, đồ hộp đến biếu. Nó đem cái giàu sang ấy lòe mắt em nên em phục chứ gì?
- Minh Viễn!
- Nó đã dùng cái lối tặng quà khéo ấy để khinh sự nghèo khó của mình. Phương Trúc, anh cấm em không được nhận quà của hắn, dù bất cứ vật gì.
- Sự cực chẳng đã em mới nhận đó thôi, sướng ích gì đâu. Hơn nữa, ảnh cũng biết mình ngại, tìm cách từ chối nên mỗi lần đến là rào trước đón sau rồi mới nói. Người ta thật lòng mà anh.
Giọng Minh Viễn càng cay đắng hơn:
- Thật lòng! Bộ anh cần cái “thật lòng” ấy của người khác để sống hay sao? Em là kẻ xấu số đã lấy nhằm một tên khố rách như anh thì đành chịu chứ biết làm sao bây giờ.
- Anh! anh đã đi quá xa đề. Em bao giờ có ý nghĩ là chê anh nghèo đâu? Nhận quà của Hiếu Thành là chuyện bất đắc dĩ và nể lòng tốt của bạn bè. Sao anh cứ biến lòng tốt của người khác thành ác ý? Người ta có ý tưởng nào khinh miệt anh đâu?
- Anh vẫn biết hắn không hề có một ác ý nào với anh. Tuy nhiên, anh vẫn cảm thấy xấu hổ như đã bị hắn hạ nhục. Em hiểu không? Hắn luôn luôn lấy sự thành công, giàu có hiện tại để hạ anh, hạ anh cho đến mười không. Lúc trước, đã một thời anh nổi danh, được nhiều giáo sư ca tụng. Thế bây giờ, hắn đã đạp lên đầu anh để nhặt lấy sự thành công to tát ấy. Hắn lại dùng quà, nhìn mình bằng cặp mắt thương xót thì làm sao anh còn chịu nổi, em hiểu không? Anh chỉ còn có một cách độn thổ khi hắn xem anh như một con bệnh hấp hối trên giường..
Phương Trúc cắt ngang:
- Nhưng, anh nên nhớ rằng sự thành công ấy của ảnh đâu phải là một lỗi lầm. Anh không nên vì lòng ghen ghét mà xóa bỏ tình bạn bè thân thiết bao nhiêu năm, như thế hóa ra mình ích kỷ lắm sao anh?
Minh Viễn bĩu môi:
- Tình bạn bè! Đáng giá được mấy xu?
Phương Trúc đau lòng nhìn chồng, một lúc lâu, bà mới buồn buồn nói:
- Anh, em không ngờ anh đã thay đổi nhiều đến thế.
Lời nói của Phương Trúc càng làm ông điên tiết hơn. Ông nhìn đăm đăm vào mặt bà:
- Thế à! Bây giờ em mới biết sao? Phải, anh đã thay đổi nhiều, không phải bây giờ mà đã từ lâu. Chắc em cũng biết rằng không bao giờ anh có thể chấp nhận cuộc sống hiện tại. Anh chán đến nỗi chỉ còn muốn chết đi để thoát khỏi cảnh này. Em biết không?
Phương Trúc hết chịu nổi nên gào lên:
- Em biết! Em biết! Em biết! Em biết tất cả! Cũng chính vì biết quá nhiều ấy nên đã làm một tên tù không nhà giam, để chịu sự sỉ nhục, hành hạ vô lý của anh. Anh còn muốn em phải làm gì hơn nữa bây giờ?
- Bây giờ em mới biết hối hận vì đã lấy anh sao?
Phương Trúc lớn tiếng hơn:
- Em không bao giờ hối hận. Anh lấy em làm vợ là một ân huệ lớn lao cho đời em rồi, thế lại còn bảo rằng hối hận là nghĩa lý gì? Mười mấy năm qua, không bao giờ em quên ân huệ ấy. Anh, anh là vị cứu tinh của đời em. Trong lúc em chán đời, thì anh...
Bỗng nhiên nàng nín thinh, nhìn ra cửa. Hiểu Đan hoảng hồn đứng sững giữa nhà nhìn cha mẹ gây lộn. Phương Trúc gắng kềm chế không cho nước mắt chảy, hai tay sờ lên gò má nóng bỏng. Bà nhỏ nhẹ nói:
- Xin lỗi anh! vì em quá xúc động.
Minh Viễn không đáp, trầm lặng một lúc rồi liếc sang Hiểu Đan, giọng lạnh lùng:
- Sao đến bây giờ con mới về?
Hiểu Đan rụt rè:
- Dạ con... con ở lại trường làm bài.
ông tiếp:
- Còn Hiểu Bạch đâu?
- Dạ, con không thấy.
Minh Viễn nhìn sang vợ:
- Hai đứa con mình đã bắt đầu không muốn về nhà. Tan học cũng không về, đến giờ cơm cũng không về.
Giọng nói ông như lỗi lầm của con đều do Phương Trúc gây nên. Bà muốn biện minh nhưng lại thôi. Tuổi thơ lúc nào cũng nhạy cảm. Bầu không khí gia đình có chút xáo trộn là chúng nhận biết ngaỵ Một con chim con cũng biết tổ mình đầm ấm hay không, nói chi đến mấy đứa con lớn đầu của bà. Bởi vậy, gần đây tính tình Minh Viễn trở nên cộc cằn, thô lỗ, hở ra là chửi thì còn con nào dám về nhà, dám ngồi yên để học. Chúng không thể nào làm bài trong một căn nhà chứa nặc mùi thuốc súng thế được. Trong lúc Phương Trúc đang nghĩ bâng quơ, Minh Viễn thay đồ đi ra ngoài. Bà liền hỏi:
- Anh đi đâu vậy?
ông ta thờ ơ đáp:
- Đi ciné.
Phương Trúc mấp máy đôi môi, nhưng không nên lời. Khi cánh cửa đóng sập lại, bà thẫn thờ ngồi vào ghế đưa hai tay ôm đầu. Mệt mỏi, buồn rầu, tuyệt vọng! Bà như chiếc thuyền con, lênh đênh giữa dòng nước lũ. Nước cứ mãi đập vào mạng thuyền, trôi dạt và trôi dạt. Hiểu Đan sau một hồi đứng nhìn mẹ bất động, bây giờ nàng tiến đến, đặt tay lên vai bà sợ hãi gọi:
- Thưa mẹ!
Phương Trúc ngẩng nhìn lên, đôi mắt âu sầu. Hiểu Đan đang lo lắng nhìn bà. Bà không muốn con mình biết được nỗi thống khổ lòng mình nên liền đánh trống lảng:
- Con ăn cơm chưa?
- Thưa mẹ, con ăn rồi.
- Ăn ở đâu?
- Câu lạc bộ nhà trường.
Câu lạc bộ! Ba tiếng ấy vừa dứt thì má nàng bỗng nóng lên, lại một lần nữa nói dối với mẹ, những chỗ ăn ấy thật sang trọng, không tồi tàn như câu lạc bộ mà nàng vừa nói. Gần nửa tháng nay, Như Phong đưa nàng đi ăn cùng khắp thành phố Đài Bắc, mỗi ngày là một tiệm mới. Mỗi lần như thế, chàng thường vui vẻ nói:
- Anh muốn em thưởng thức tất cả hương vị của Đài Bắc.
Nhiều lúc, Hiểu Đan với lớp áo học trò, lại xuất hiện ở một nhà hàng sang trọng, trông mười hai con giáp chẳng giống con giáp nào. Thế mà, chàng vẫn tự nhiên và tỏ vẻ kiêu hãnh bên nàng, làm như nàng là người có một không hai trên đời này. Điều ấy khiến nàng càng thêm khâm phục và mến yêu. Chàng thật là người biết sống, biết thích nghi hoàn cảnh cuộc đời và biết hưởng thụ.
Buổi cơm tối hôm nay tại một nhà hàng mà nàng không được biết tên, bên trong có hồ nước lớn, nuôi loại cá miền nhiệt đới. Chàng kể cho nàng nghe tên tất cả những loại cá ấy. Như Phong đắm đuối nhìn nàng:
- Em có biết vì sao người ta gọi là cá “Thần Tiên” không? Đó là một cặp tình nhân yêu nhau khắng khít, lúc nào cũng bơi bên nhau, không rời nhau. Anh mong muốn một ngày nào đó, chúng ta sẽ là loài cá ấy.
Phương Trúc bỗng cắt ngang dòng tư tưởng của nàng:
- Hiểu Đan, con đang nghĩ gì vậy?
Nàng giật mình hớt hải đáp:
- Dạ con đâu có nghĩ gì?
Bà thở ra:
- Đan con, bắt đầu từ mai, con hãy ở nhà làm bài, đừng đến nhà Đức Mỹ nữa. Và, con cũng đừng ăn cơm câu lạc bộ nhà trường làm gì. Dạo này cha con lắm buồn phiền, các con đừng làm cha con phải buồn hơn.
Hiểu Đan thở dài. Nàng cảm thấy như mình đã mất đi một cái gì thật vĩ đại trong lòng. Tan học phải về nhà, hai tiếng đồng hồ gặp gỡ thần tiên ấy làm sao tìm được. Hai tiếng đồng hồ ấy tuy chỉ một thoáng trôi qua nhưng chính là cái giây phút sống thực của đời nàng. Mỗi sáng thức dậy, nàng đón nhận ngày mới bằng tâm hồn rộn rã, yêu đời. Nhưng, nào phải một ngày mà chính là đón nhận hai tiếng đồng hồ sau giờ tan học. Ngồi trong lớp, lời giảng của giáo sư chỉ như tiếng gió thoảng bên tai, nàng không hề nghe được gì, chỉ mơ đến hai tiếng đồng hồ đó mà thôi. Ôi, nó tuyệt diệu làm sao ấy. Trước khi ra về, nàng còn phải quét lớp. Tay cầm chổi mà cứ mãi trông ra cột điện góc đường. Như Phong đã đứng đó chờ nàng cứ mỗi chiều như thế. Ra khỏi lớp, nàng chào tạm biệt Đức Mỹ thật nhỏ và vội vàng, trong cái vội vàng chứa đầy sung sướng. Nàng bước nhanh, chân như dẫm lên mây và sương mờ, toàn thân nhẹ nhàng khó tả. Lòng tràn ngập mộng tình.
Như Phong, tất cả đều quy tụ vào hai tiếng đó và chừng ấy sự việc, tiếp diễn rồi tiếp diễn. Bây giờ, đành mất hai tiếng đồng hồ này thì chẳng khác nào đã mất hẳn cuộc sống đầy hoa gấm và mộng mị của nàng. Phương Trúc ngạc nhiên hỏi con:
- Hiểu Đan, con sao thế?
Nàng giật mình, lấy lại tinh thần ấp úng:
- Dạ, da... có sao đâu.
Phương Trúc nhìn con, trông nàng hôm nay có gì bí mật và mơ mộng thế? Sự thay đổi này đã bao lâu rồi, bà không tài nào tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Tuy nhiên, có một điều bà nhận biết rõ ràng là con bà đã mang dấu hiệu của kẻ trưởng thành, không còn bé bỏng như ngày nào. Chẳng những chỉ một đêm thôi mà nàng đã thay đổi một cách mau chóng đến thế. Cái vẻ trưởng thành ấy càng làm nàng đẹp hơn, đẹp đến nỗi đem đến bà sự sung sướng và tự mãn tột cùng. Chính vì thế, bà lại càng lo lắng cho nàng hơn:
- Từ rày về sau, khi tan học, con phải về nhà ngay nhé. Con mà về trễ thì mẹ Ở nhà lo lắm. Thời đại này lắm bọn lưu manh, con về tối lỡ có chuyện không may xảy ra thì khổ cho mẹ.
- Mẹ lo xa thế chứ làm gì có chuyện đó.
- Lo xa là bổn phận của mẹ. Con gái lớn lên không bao giờ muốn nghe những lời này. Tuy nhiên, nếu con là mẹ thì con sẽ thấy điều ấy hữu lý và muốn nói, nói thật nhiều mà không chán. Bởi vì, nếu tất cả những người mẹ trên đời này đều biết tương lai con mình thì đâu cần dùng đến lời khuyên ấy làm gì, đã nhọc sức mà còn làm cho con mình bực mình thêm...