28/4/12

Tình trên đỉnh sầu (C1-5)

Chương 1

Người thanh niên đến làm quen với người đàn bà vào một buổi chiều lung linh nắng vàng trên cánh đồng cỏ sau trường tiểu học W. Ánh mắt thẳng thắn pha lẫn nồng nàn của anh ta đã khiến người đàn bà bối rối quên bẵng những con số sau cùng của một cuộc điện thoại định gọi. Người đàn bà gấp chiếc điện thoại cầm tay và chờ điều anh ta muốn hỏi nhưng người thanh niên đã không đáp lại bao điều nghi vấn trong đôi mắt của bà. Ngồi cạnh người đàn bà, người thanh niên nhìn mông lung về phía trước như thể anh ta và bà đã biết nhau từ lâu và thân đến độ không cần chào hỏi gì nhau. Người đàn bà đưa ánh nhìn vừa ngạc nhiên vừa xa lạ sang người thanh niên, nhưng trong tích tắc bà quay đầu lại nhìn thẳng về phía trước bởi sự điềm nhiên của khuôn mặt tượng. Đắm chìm trong yên lặng một lúc, người đàn bà nhận ra là hơn bốn tuần lễ đến trường sớm hơn giờ tan học để ngồi chờ đón con, bà chỉ nghĩ đến chuyện hít thở không khí trong lành và thưởng thức khung cảnh êm đềm trước mặt chứ chưa bao giờ biết là mình đã từng ngồi trên một biển cỏ mênh mông dưới một tàn cây tuyệt đẹp và hiện diện nhiều lần trong bức tranh thơ mộng ấy của thiên nhiên. Nhưng cũng chính lúc ấy, người đàn bà đã không ý thức được là bà ta đang ngồi cùng người thanh niên xa lạ dưới gốc cây sồi như hai người tâm đầu ý hợp và đang cùng tận hưởng những tuyệt diệu do thiên nhiên dành cho.
Đột nhiên, người thanh niên phá tan sự yên lặng bằng tiếng nói của người miền Nam Việt Nam:
- Anh hôm trước ra đây với chị là ai vậy chị? Ảnh ở vùng này hay ở đâu?
Người đàn bà giật mình, quay đầu, hỏi người thanh niên trong nghi hoặc:
- Anh nào? Em gặp chị và anh ấy ở đâu?
- Có một lần em gặp chị và anh ấy đưa cháu bé gái đến đây vào buổi sáng sớm nhưng sau đó không thấy nữa.
Người thanh niên trả lời trong khi mà ánh mắt của anh ta xoáy thẳng vào đôi mắt của người đàn bà và người đàn bà cũng nhìn thẳng vào mắt anh ta, chau mày vẻ đang ngẫm nghĩ trong khi nói:
- A! Đúng rồi, ngày nhập học đầu tiên, chồng của chị đã cùng chị đưa cháu Lisa đến đây nhưng bây giờ chỉ có mỗi mình chị đón cháu. Anh ấy có nhiều chuyện phải làm, không thể thường xuyên đón đưa như chị được.
Như đã được giải đáp thắc mắc, người thanh niên không hỏi han gì thêm. Khoanh tay trên đầu gối, và lướt ánh nhìn qua khỏi bãi cỏ mênh mông và thâm thấp phía trước, anh đắm chìm trong yên lặng. Người đàn bà, lén nhìn người thanh niên vài lần với bao lạ lùng canh cánh trong lòng, không thể tìm ra nguyên nhân vì sao anh ta tỏ quá gần gũi với bà và còn muốn tìm hiểu về chồng bà. Cho rằng người thanh niên đã từng ở Hoa Thịnh Đốn, Massachusette hay California, nơi gia đình bà đã từng cư ngụ một thời gian, và muốn kết thêm tình đồng hương ở một quận rải rác vài người châu Á của tiểu bang Maryland, người đàn bà không buồn tìm hiểu gì thêm về xuất xứ của anh ta. Tuy nhiên khi nghĩ đến mối quan hệ thân thiết nếu đã có hoặc sẽ có trong tương lai, giữa người thanh niên với chồng bà, người đàn bà tin là người thanh niên sẽ được chồng của bà tín nhiệm tuyệt đối do cái ngoại diện đứng đắn và chững chạc của anh ta.
Khúng khắng ho một lúc, người đàn bà hỏi:
- Con em học lớp mấy vậy?
- Em đang chờ đón cháu, chứ không đón con. Em không có con - Người thanh niên trả lời nhanh mặc dù câu hỏi của người đàn bà thật bất ngờ.
- Ủa vậy hả? Người đàn bà mỉm cười cho câu hỏi ngớ ngẩn của mình nhưng khỏa lấp bằng câu hỏi khác - Vậy ... cháu của em học lớp mấy?
- Lớp mẫu giáo.
- Cháu ấy là con trai hay gái?
- Con trai.
- Em ra đây sớm, chắc nhà ở gần đây lắm phải không?
- Dạ không. Ngoài đại lộ K.
- A! Như vậy em đi bộ đến đây hả?
- Dạ phải.
Người đàn bà nói “A” thêm một lần nữa rồi im bặt. Những câu trả lời ngắn ngủn và gọn lỏn của người thanh niên làm bà nhớ ra là bà đã hỏi nhiều câu hỏi hết sức cá nhân và đường đột đối với một người mới gặp. Không quan tâm đến sự bối rối và ngượng ngập của người đàn bà, người thanh niên lơ đễnh nhìn những người đứng chờ đón con quanh dãy hành lang dẫn đến các phòng đàng sau khuôn viên trường với đôi mắt trầm ngâm, và u buồn phảng phất. Người đàn bà lảng lờ nhìn về phía hai cánh cửa sau của ngôi trường. Hai cánh cửa bằng sắt màu đỏ này vẫn khép kín mít mặc dù tiếng còi báo hiệu giờ tan học đã vang lên. Dượm người toan đứng lên để kết thúc cuộc đàm thoại, người đàn bà phải ngồi nán lại nghe lời thố lộ của người thanh niên.
- Người Việt Nam ở bên Mỹ này chẳng có việc gì khác hơn ngoài đi làm, ăn và ngủ.
Đứng thẳng người, khuôn mặt nghiêm trang của người đàn bà chợt điểm một nụ cười hóm hỉnh. Bà hỏi:
- Hình như em mới vừa đến Mỹ?
Chàng thanh niên cũng đứng lên, nói một cách chậm chạp và từ tốn:
- Dạ phải em chỉ vừa đến đây vài tháng ... mà không! Thật ra gần một năm rồi. Thời gian trôi nhanh thật!
Người đàn bà gật đầu thông cảm:
- Bởi vì những công việc chúng ta làm ở đây mỗi ngày đều giống nhau nên không ai có thể ý niệm về thời gian. Ai cũng thấy thế chứ không phải riêng em. Thôi đến giờ chị phải đi, chào em.
Dứt lời, bà hướng mắt về đám học trò đang túa ra khỏi cửa trường và bước nhanh về phía đám người lố nhố trên đồi cỏ, và trên hành lang của dãy phòng đàng sau. Cuộc đối thoại giữa anh và bà đã chấm dứt nhanh như thể cuộc gặp gỡ vừa qua chỉ là một sự tình cờ, thoáng qua, và không đáng nhớ.


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 2

Người thanh niên gặp lại người đàn bà tại gốc cây sồi vào lúc hai giờ bốn mươi lăm phút chiều. Lúc ấy chưa có người nào đến trường đón con và cảnh vật sau ngôi trường vắng vẻ yên lặng chẳng khác gì buổi chiều hôm trước. Nắng chiều của những ngày đầu tháng mười vẫn còn long lanh trên cây cỏ và gió của những ngày chớm thu bắt đầu thoang thoảng lạnh.
Người đàn bà tươi cười chào hỏi khi người thanh niên tiến đến gần:
- Em ra đây đón cháu?
- Dạ phải - Anh ta nói.
Câu trả lời của anh ngắn gọn, ngay vào câu hỏi, không lan man, không thừa thãi, và cũng không tiết lộ thêm điều gì xa hơn. Tuy nhiên, anh ta đã ngồi cạnh bà một cách thân mật như buổi chiều hôm trước. Ngại ngùng vì cử chỉ kỳ lạ của anh nhưng người đàn bà vẫn tỏ ra bình thản. Đưa ánh mắt lướt trên sóng cỏ chạy xa đến những khóm cây và những ngôi nhà xa xa bên dưới chân đồi, bà không mảy may tỏ ra chút quan tâm nào đến sự hiện diện của người thanh niên đang ngồi bên cạnh.
Bất chợt người thanh niên lên tiếng, tiết lộ:
- Em chỉ đón cháu của em vào ngày thứ hai hay ngày thứ ba, còn những ngày khác mẹ em đón Kevin vì em phải đi làm
Người đàn bà nhìn người thanh niên, đáp lại với cái gật đầu nhè nhẹ:
- Thảo nào trước đây chị không thấy em, cũng không gặp em đưa cháu của em đến trường.
- Tại chị không để ý đến em thôi. Em thường đứng ở góc đàng kia kìa - Người thanh niên vừa nói vừa chỉ tay về dãy phòng mới xây phía sau khuôn viên trường trong lúc người đàn bà nheo mắt:
- Thật vật ư?
Câu nghi vấn của người đàn bà dường như dửng dưng với điều người thanh niên vừa tiết lộ, nhưng thực ra, tâm trí của bà đang lục lọi trong trí hình ảnh một người phụ nữ Việt nào đó thường đưa đón cháu của người thanh niên vào những ngày thứ tư, thứ năm và thứ sáu. Bà nhớ ra là thỉnh thoảng bà có gặp vài người Việt nhưng họ thường đến trường đúng vào lúc tan học và vội vã đưa con về ngay. Duy chỉ có một người đàn bà dáng thon gầy, khuôn mặt trung hậu với mái tóc bới gọn sau ót thường đến sớm hơn những người kia đôi chút và đón thằng bé cỡ năm tuổi với chiếc cặp nhựa, đủ màu kiểu Việt Nam sản xuất thì luôn luôn tránh né và lẩn khuất khi bà muốn trực diện và chào hỏi làm quen. Thái độ của người đàn bà ấy chẳng làm cho bà ngạc nhiên bởi vì bà đã gặp khá nhiều người Việt khác cũng có thái độ tương tự như vậy. Những người Việt sang Mỹ lâu dường như chẳng muốn giao tiếp nhiều. Đa số không muốn người khác biết tông tích về chỗ cư ngụ, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình hay những cái riêng tư mà họ có được ngay từ lúc ở Việt Nam. Mặc dù là người thích giao tiếp và kết giao với những người đồng hương, thái độ xa lánh tương tự như thế đã làm bà phải giữ thái độ chào hỏi chừng mực và khách sáo. Càng ở Mỹ lâu, càng thấu hiểu sự tự tách biệt và cô lập của một số người Việt cho nên bà thông cảm thái độ của bà mẹ của người thanh niên mặc dù bà không hiểu lý do gì mà hai mẹ con có thái độ đối với bà hoàn toàn trái ngược nhau: Trong khi người mẹ càng xa lánh chối bỏ, người con càng ân cần kết giao.
Người thanh niên tiết lộ thêm:
- Những ngày khác em học làm móng tay và làm móng bột ở tiệm mà chị em đang làm.
Thót người như vừa nghe tin nhà bị cháy, người đàn bà chau mày hỏi liên tiếp:
- Em? Làm móng bột? Làm móng tay? Ở Việt Nam em làm gì, em học đến đâu mà sang đây làm móng tay?
Người thanh niên cúi đầu:
- Không làm gì, nhưng em đã học xong năm nhất đại học. Sau đó phải chăm sóc ba bệnh rồi chuẩn bị sang đây nên em nghỉ học. Đến đây không có việc làm lại chưa rành đường sá nên ngày nào em cũng đi theo chị em học làm móng tay cho đỡ chán. Nhưng mà...
Người thanh niên ngập ngừng bỏ lửng câu nói và người đàn bà đã tiếp lời của anh:
- ... em không thích nghề đó!
Người thanh niên gật đầu không nói thêm, đôi mắt u buồn nhìn xa xa. Người đàn bà im lặng, tự giải đáp thắc mắc về thái độ kỳ lạ của người thanh niên mà bà mơ hồ từ phút đầu gặp mặt. Người thanh niên này chỉ mới vừa học xong năm thứ nhất Đại Học, sang đây một năm, phỏng tính theo thời gian ngừng học ở Việt Nam và định cư tại Mỹ, anh ta lớn hơn hai người con lớn của bà, cậu Phụng và cô Loan, độ hai, ba tuổi gì đó, có lẽ khoảng hai mươi, hai mốt. Thích thú với điều biết được và cho rằng sự gần gũi của người thanh niên đối với bà là cách biểu lộ cử chỉ thân mật của một người nhỏ tuổi đối với người lớn tuổi mà anh đã từng quen như thế, người đàn bà cười thật tươi, nói với người thanh niên:
- Học Đại học năm thứ nhất ở Việt Nam sang đây ghi danh học Đại Học rất dễ dàng; chỉ cần em cố gắng là được thôi.
Người thanh niên lắc đầu với đôi mắt buồn sâu thắm:
- Hoàn cảnh em thì không dễ.
- Lúc mới sang Mỹ chị cũng có ý nghĩ như vậy nhưng thực tình ở vào hoàn cảnh nào trên đất nước này nếu cố gắng sẽ thực hiện được tất cả những gì mình mong muốn. Vấn đề quan trọng là mình có kiên trì hay không - Người đàn bà nói thao thao một lúc rồi hỏi người thanh niên - Em có còn giữ bằng tốt nghiệp trung học ở Việt Nam không?
- Dạ có.
- Vậy thì em chỉ cần tìm nơi dịch bằng tốt nghiệp trung học của em sang tiếng Anh và thị thực. Sau khi bằng đã được thông dịch và công chứng, em nên đến trường Đại Học M. hay C. ghi danh thi TOEFL. Sau kỳ thi xét trình độ Anh Ngữ này, nhà trường sẽ báo cho em biết là em có thể trực tiếp vào Đại Học hay không. Trước đây, chị có ghi danh học vài lớp ở trường Đại Học M. ở Boston nhưng vì có con nhỏ khó khăn trăm bề nên chị đành phải bỏ dở. Còn em mới qua Mỹ, được mẹ và chị lo cho nơi ăn chốn ở thì chuyện học đại học ở nước này không khó khăn đâu. Chưa đi làm, chưa có thu nhập, nếu ghi danh học toàn thời gian thì em có thể xin trợ cấp học phí nữa đấy!
- Từ đây đến trường đại học nào gần hơn hả chị? M. hay C. ?
- Đại học C. Nếu lái xe, em chỉ cần khoảng bốn mươi phút. Nếu không, thì phải tìm nơi lấy xe điện ngầm và xe buýt. Tiếc rằng bây giờ em muốn ghi danh thi vào đại học thì đã trễ rồi vì các trường đều đã nhập học xong. Theo chị nghĩ, lấy bằng lái xe là việc cần nhất cho em lúc này. Ở vùng này, không có xe và không biết lái xe, như người không chân. Chị không hiểu là em đã có bằng lái chưa?
Người thanh niên lắc đầu:
- Em rất muốn học lái xe để lấy bằng nhưng vì chưa lấy được bằng luật nên không thể nhờ ai dạy cho.
- Em nên học tại trường chứ không nên nhờ ai dạy. Phải tìm nơi lấy xe buýt và xe điện ngầm đến nơi học.
- Em cũng biết là phải làm như vậy - Người thanh niên gật đầu, nói với giọng trầm trầm - Cả mẹ và chị em không thích tiếp xúc với bên ngoài cho nên khi bảo lãnh em sang đây theo diện đoàn tụ gia đình, em không có được người nào hay hội bảo trợ nào giúp đỡ hay chỉ dẫn việc nào nên làm trước, sau. Chị em lại là người biết ít chữ Mỹ lại bận rộn với công việc làm, thỉnh thoảng chỉ mới đưa em đi chợ, còn thường ngày thì đưa em đến tiệm làm móng tay mà chỉ làm để em học nghề ở đó mà thôi.
- Nói như vậy có nghĩa là mẹ và chị em đến Mỹ trước em hả?
- Dạ đúng vậy! Mẹ và chị em sang đây từ năm 1993 kia. Đáng lý cả gia đình em được đi cùng và đến Mỹ sớm hơn thế nhưng vì giấy tờ đi theo diện con lai bị trục trặc hoài. Đến khi cả gia đình em có giấy xuất cảnh, bà nội em bệnh nặng, ba em không nỡ bỏ đi và em cũng quyết định ở lại theo ba và nội.
Người đàn bà ho khúc khắc trong khi gật đầu, cố gắng chăm chú lắng nghe lời người thanh niên nói, và giữ mức lịch sự nhất định, không hỏi gì thêm dù thắc mắc khá nhiều về mối quan hệ gia đình của anh ta.
Người thanh niên tiếp tục:
- Qua đây được ba bốn năm, chị em lập gia đình và vợ chồng chỉ sống chung với mẹ em. Ở với nhau được một năm thì anh chỉ có cháu Kevin nhưng sau khi có Kevin hai người lục đục với nhau luôn. Đến lúc Kevin được bốn tuổi thì ảnh chỉ chính thức ly dị. Hai người ly dị năm ngoái, đúng vào năm em sang đây.
Người đàn bà chép miệng, nói một cách thông cảm:
- Vậy là em đã không được may mắn vì không được sự giúp đỡ của anh rể em trong bước đầu khi mới đến đây.
Người thanh niên gật đầu trong im lặng và người đàn bà hỏi một cách dè dặt:
- Chị của em ... đã có bằng lái xe chưa?
- Dạ rồi. Thì em nói chỉ đưa em đi chợ và đến chỗ làm chỉ có nghĩa là chỉ chở em đi đó! Chị mới lấy bằng chỉ hơn một năm thôi. Biết ảnh nhất định muốn ly dị nên chỉ lo thi lấy bằng lái xe ngay. Nhưng chỉ không thể chở em đến nơi nào khác ngoài chỗ làm vì chỉ làm suốt cả tuần chứ không lấy ngày nghỉ như người khác.
Cố nén cơn ho khan đang hành hạ một lúc, người đàn bà ôn tồn nói:
- Nếu em muốn, chị có thể đưa em đến chỗ thi lấy bằng luật, và chỉ nơi học thi lấy bằng lái. Nếu em muốn hướng dẫn đến chỗ lấy xe buýt hay các thư viện để em mượn sách báo hay tra cứu các trang trong internet, chị sẽ chỉ cho. Chị cũng có thể giúp em lấy địa chỉ và bản đồ để tìm đường đến các trường đại học trong tiểu bang Maryland này nữa.
Người thanh niên gật đầu:
- Em mong được giúp như vậy.
Người đàn bà chưa biểu lộ hết vẻ ưng thuận của mình đã bật lên một tràng ho kéo dài đến độ khuôn mặt trắng mịn của bà trở nên đỏ ửng. Sau khi dằn được cơn ho bà đứng lên nói với người thanh niên:
- Nếu thế thì chị sẽ tìm những câu vấn đáp thi bằng luật rồi ngày mai chị sẽ đưa cho em. Khi nào em học xong cho chị biết chị sẽ chở em đi thi.
Người thanh niên mỉm cười. Đó là lần đầu tiên người đàn bà thấy nụ cười trên đôi môi lạnh khô và ánh mắt tươi vui trong đôi mắt đen buồn của anh ta.
- Em cảm ơn chị trước. Nhưng mà, hình như chị đang bị cảm phải không? Em thấy chị ho nhiều quá!
Người đàn bà lắc đầu:
- Không phải đâu, chị thường bị ho như thế! Bây giờ chị phải đi đón cháu. Hẹn gặp em sau.
Người thanh niên đứng phắt dậy, hỏi nhanh:
- Chị chưa cho em biết tên chị?
- Kim Cúc.
Dứt lời, người đàn bà vội vã bỏ đi ngay. Những tiếng ho khan của bà vẫn còn vang đằng sau lưng.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 3

Cô bé nhỏ trong chiếc áo đầm hồng thẫm, áo len hồng nhạt và vớ da cùng màu áo len tung tăng nhảy nhót trước mặt người đàn bà, nói líu lo như chim reo:
- Mẹ phải thưởng cho con! Phải thưởng cho con! Hôm nay con là sư phụ toán. Nobody trong lớp con được A, chỉ có mình con!
Bà Kim Cúc đi sau, mỉm cười hỏi đùa:
- Thưởng cho Lisa cái gì? Roi hả?
Cô bé đứng khựng lại, nhíu mày:
- Roi? Ứ ừ! Mẹ ngạo con! Ghét mẹ!
Bà Kim Cúc đang ho nhưng cười mỉm một cách hạnh phúc. Bà không cần biết là bà sẽ phải thưởng cái gì cho đứa bé này nhưng bà sẵn sàng cho nó tất cả những gì trên đời mà nó muốn bởi vì trong tim bà tất cả cử chỉ, điệu bộ, giọng nói, chữ dùng của nó đều đáng được yêu, đáng được cưng và đáng được quý. Bà yêu làm sao những sợi tóc mịn mượt bay bay trong gió của nó khi nó xoay tròn người vòng theo những bước chân tinh nghịch uốn éo, yêu đôi môi đỏ tươi như đóa hồng thắm sương mai chúm chím nói cười, yêu đôi má đỏ hồng trên làn da trắng mịn và nhất là yêu những từ tiếng Việt bắt chước từ những bộ phim kiếm hiệp Tàu, những chữ dùng pha trộn Mỹ lẫn việt và giọng nói hơi hơi giống người dân tộc thiểu số Việt của nó. Trong tim bà, hơn tất cả ngọc ngà châu báu trên thế gian Lisa là đứa con gái đẹp từ ngoại diện đến tâm hồn mà bà không bao giờ nghĩ là có được sau khi đứa con gái thứ của bà, cô Loan, đã tám tuổi.
- Con được điểm A môn toán. Mẹ có nghe con không vậy? Lisa nói như hét. Tiếng của nó vang xa tận đến những căn nhà dưới chân đồi.
- Có nghe! Nhưng con gái lớn mà còn bắt mẹ xách túi đựng sách như vầy có phải đáng bị roi không?
Lisa đến cạnh, lấy cái túi đựng sách khỏi cánh tay bà Kim Cúc rồi quàng vào vai và nũng nịu nói:
- Tại mẹ thích xách hộ con đấy chứ! Con đâu muốn everybody cười con đâu! Con mười tuổi rồi!
Bà Kim Cúc cười nói:
- Mẹ nói đùa thôi! Đường này là đường cụt thẳng đến nhà mình đâu có ai đi theo đâu mà Lisa nói everybody? Lisa nói tiếng Việt sai rồi!
Lisa nghiêng đầu hất mặt ra sau:
- Có chứ! Có cái ông kia!
Bà Kim Cúc quay người ra sau theo ánh nhìn của cô bé. Người thanh niên bước lửng thửng phía sau với một bó hoa cúc đủ màu trên tay. Bà Kim Cúc hỏi trong ngỡ ngàng:
- Ủa! Em đi đâu mà đến đây vậy?
Lisa tròn mắt nhìn bà, ngây thơ hỏi:
- Mẹ quen cái ông “Em” này hả?
Bà Kim Cúc vừa cười, vừa nói:
- Ừ ! Mẹ có quen nhưng không phải...
Người thanh niên cũng cười theo:
- Tên của chú là Anh, Duy Anh chứ không phải là Em, cháu gọi chú là chú Anh được rồi. Còn cháu tên gì?
- Lisa.
- Lisa? Tên dễ thương lắm! Tên này chắc chắn là tên của mẹ cháu đặt cho cháu phải không? - Quay sang người đàn bà, anh Duy Anh nói tiếp - Em thích mọi người gọi tên em hơn cách xưng hô bình thường.
Bà Kim Cúc bật cười thành tiếng:
- Chị đã nghe em nói tên của em hôm trước rồi nhưng chị không muốn gọi “Anh” thay “Em”.
- Thay vì Anh, chị gọi Duy Anh cũng được - Người thanh niên nói với vẻ nghiêm trang.
Bà Kim Cúc giữ nụ cười trên môi:
- Lúc em đi học mấy cô cùng lứa tuổi lỗ quá! Gọi bạn bằng “anh” là lỗ rồi!
Anh Duy Anh vẫn giữ cách nói điềm đạm:
- Em không hiểu ba em có đoán trước điều lợi này khi đặt tên cho em không nhưng em thích cái tên này và thường nhớ đến ông khi mọi người gọi tên em ... mặc dù bây giờ ông không còn ở trên đời nữa.
Nụ cười của bà Kim Cúc lịm tắt trong phút chốc và bà hỏi trong thảng thốt:
- Có phải em muốn nói là ba của em đã mất rồi không?
- Dạ phải! Chăm sóc cho bà nội em khoảng hơn bốn năm ba em yếu hẳn và thường ho luôn. Sau khi bà nội của em qua đời, ba em mới chịu đi khám bệnh và lúc đó ông mới biết bị ung thư phổi. Điều trị chưa đến một năm, ba em mất.
Bà Kim Cúc yên lặng, thỉnh thoảng khúng khắng ho khi bước chầm chập xuống đồi. Anh Duy Anh bước theo bên cạnh tiếp tục tâm sự:
- Ba em có số chết trong nước. Vì lo cho bà nội ba không chịu đi Mỹ nên đã chết tại quê nhà.
Bà Kim Cúc hỏi như nói:
- Và em ở lại với ba vì thương bà nội và ba?
- Thực ra là ba em bắt em đi với mẹ bởi vì ba em lo tương lai của em nhưng em không nỡ bỏ ba ở lại một mình với bà nội nên nhất quyết ở lại. Còn mẹ và chị em phải đi vì lúc đó gia đình em đã mượn khá nhiều tiền lo giấy tờ, hơn nữa có đi như vậy mẹ và chị em mới có thể giúp gia đình em bên ấy.
Bà Kim Cúc hỏi tiếp:
- Vậy là sau khi chôn cất cho ba em xong, em được mẹ bảo lãnh sang đây phải không?
- Dạ phải.
Hai người im lặng một lúc, bà Kim Cúc bắt sang chuyện khác:
- Lúc nãy thấy mẹ em đón cháu chị tưởng là ngày hôm nay em phải đi học nghề.
- Hôm nay tiệm ế quá! Với lại, vì không thích nhiều cái ở tiệm đó nên em xin về sớm - Chìa bó hoa về phía người đàn bà, anh Duy Anh nói tiếp - Em tặng chị bó hoa này.
Lisa nhìn sững bà Kim Cúc:
- Mẹ làm gì mà chú Anh thưởng hoa cho mẹ vậy?
Bà Kim Cúc cười nhẹ, trả lời cho cả nó và anh Duy Anh:
- Hôm trước mẹ chỉ chở chú Anh một lần đi thi lấy bằng luật và chỉ chỗ thi lấy bằng lái xe thôi mà chú “thưởng” mẹ một bó hoa lớn như thế này!
Vờn nhẹ ngón tay trên vài đóa hoa, bà Kim Cúc nói tiếp:
- Chị không tưởng tượng nổi sao em “can đảm” ôm bó hoa này đi khắp nơi. Mới qua đây chưa tới một năm mà em đã học lối khách sáo rồi! Có phải em nghĩ là tặng hoa thay thiệp để tỏ lời cảm ơn không?
Người thanh niên yên lặng bước, không nói một lời nào. Nghĩ rằng anh ta tán thành lời mình hỏi, bà Kim Cúc lại nói tiếp:
- Đối với chị, sau khi làm bất gì cho ai chị không nghĩ đến chuyện ơn nghĩa gì đâu. Những chuyện chị giúp em là chuyện nhỏ nhặt; chị cũng thường giúp mọi người, nhất là những người đồng hương như thế cho nên em không phải quá bận lòng!
Anh Duy Anh nói với vẻ mặt nửa xa vắng nửa đăm chiêu:
- Em không nghĩ là tặng bó hoa này vì trả ơn chị. Tại thấy những đóa hoa trước nhà đẹp quá, và nghĩ đến tên của chị nên em hái tặng chị thôi.
Nét bối rối hiện lên rõ rệt trên khuôn mặt của người đàn bà. Bà Kim Cúc trở nên ấp úng:
- Vậy ... chắc em thường có thói quen tặng hoa lắm hả? Và chắc cũng thường tặng hoa cho mẹ?
- Không. Xung quanh căn nhà thuê của gia đình em có rất nhiều hoa cúc do mẹ em trồng. Dù khoảng đất trồng trước nhà không phải sở hữu của mình, mẹ em luôn chăm sóc cẩn thận đến nỗi chủ nhà cũng phải yêu thích. Mẹ em là người trồng hoa, không cần ai tặng hoa làm gì! - Bước chầm chậm và hướng ánh nhìn chăm chăm vào khuôn mặt bà Kim Cúc, anh Duy Anh nói thêm - Mà cho đến bây giờ em chưa hề tặng hoa cho một người nào trên đời.
Để khỏa lấp bối rối, bà Kim Cúc cố giữ giọng nói tự nhiên và hỏi:
- Như vậy ... như vậy ... em thường làm gì cho mẹ của em?
- Đấm bóp vai khi mẹ yêu cầu.
Lisa chen vào:
- Lisa cũng đấm bóp cho mẹ lúc mẹ “xin”.
- Em giống Phụng và Loan, hai đứa con đầu của chị. Năm nay một đứa học đại học năm hai một đứa học đại học năm nhất. Thỉnh thoảng tụi nó cũng đấm bóp hai vai cho chị. Còn Lisa này đó hả? Chỉ bóp hai tay cho chị khi chị năn nỉ nó thôi.
Bà Kim Cúc phớt lờ câu nói của Lisa và cố tình mở lời giới thiệu hai đứa con lớn của bà với anh Duy Anh để ngầm báo cho người thanh niên biết bà có những đứa con khác xấp xỉ tuổi anh và lảng tránh lời khẳng định của anh về chuyện tặng hoa duy nhất cho bà nhưng anh Duy Anh không tỏ vẻ quan tâm đến lời nói của bà, không hề hỏi gì về hai đứa con lớn của bà, và cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên số tuổi của bà do bà ngầm tiết lộ. Anh ta dừng lại nhìn thẳng vào mặt bé Lisa và nói:
- Chỉ bóp tay cho mẹ thôi là Lisa đã ngoan lắm rồi. Chú rất thích làm bạn với Lisa để nghe Lisa nói tiếng Việt. Giọng Lisa nói tiếng Việt hay lắm, cố gắng nói nhiều thêm! Khi nào lấy được bằng lái xe chú sẽ chở Lisa đi chơi với Kevin cháu của chú.
Lisa ngạc nhiên:
- Chú không đến nhà cháu chơi sao?
- Không. Chú đến tìm mẹ cháu để tặng hoa chứ không có ý định tới nhà cháu. Bây giờ chú phải về. Hẹn gặp lần khác.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 4

Bà Kim Cúc giật nẩy mình khi bước lên đồi cỏ. Chiếc áo khoác màu xám nhạt thường thấy và cái dáng ngồi cao thẳng quen thuộc báo cho bà biết là anh Duy Anh đã có mặt dưới gốc cây sồi từ lúc nào. Đó là lúc hai giờ bốn mươi phút chiều. Từ thời gian ấy cho đến lúc những người đón học sinh hiện diện sau lưng trường tiểu học thường là khoảnh khắc mà bà ngồi bình lặng dưới gốc cây sồi để hít thở không khí trong lành và chìm mình trong thế giới riêng tư trước khi đón nhận những tất bật khác trong những giờ còn lại của một ngày. Thời gian ấy, địa điểm ấy chỉ là của bà, riêng bà chứ không phải dành cho thêm cho một cá nhân nào khác; vậy mà, giờ đây ở gốc cây sồi vắng vẻ “của bà”, một người thanh niên đang ngồi chờ đợi một cái gì mơ hồ trong yên lặng. Cảnh vật xung quanh anh ta chẳng khác gì cảnh hẹn hò lý tưởng dành cho đôi tình nhân đang ở thời kỳ yêu đương sâu đậm nhất, tình tứ nhất mà người ngồi đợi là chàng thanh niên có tên Duy Anh kia và người đang đến điểm hẹn là bà đây. Toàn thân bà đột nhiên lạnh ngắt khi bà nhìn thấy đóa hoa cúc vàng tươi trên tay người thanh niên. Đoán biết cánh hoa ấy sẽ dành cho mình và cảm nhận một điều gì không bình thường đang diễn ra, bà hồi hộp bước ngập ngừng, nửa muốn tiến lên đồi, nửa muốn quay xuống dốc.
Trong những lần tiếp xúc gần đây, cử chỉ ân cần, lời nói thiết tha, và ánh mắt nồng ấm của người thanh niên càng lúc càng tạo cho bà những cảm giác nghi ngại mơ hồ. Những cử chỉ nhẹ nhàng, và trìu mến mà người thanh niên có tên Duy Anh dành cho đã gợi cho bà nhớ thời thanh xuân của mình và làm bà bâng khuâng nuối tiếc khi nhận ra mình đã mất nó đã lâu nhưng cứ ngỡ chỉ mới hôm qua. Tuy nhiên ý nghĩ về sự đối nghịch của thời gian và vị trí của mình nơi hiện tại, bà xác định việc nên hay không nên làm và kiên quyết chối từ tình cảm mơ hồ của người thanh niên ở độ tuổi của con mình ngay từ lúc nhận biết nó.
Cách đó độ ba mươi phút, trước khi ra đường để đến trường đón con, bà Kim Cúc đã kỳ công xóa bỏ cái nhìn trẻ trung, mà theo ý nghĩ của bà, nó giả tạo do bởi kem son đắt tiền và áo quần thời trang mà bà thường có. Cảm nhận cái bề ngoài trái ngược với số tuổi của mình, bà đã ra công chùi tỉ mỉ nét kẻ trên mí mắt, lớp son trên môi, và lớp kem trên mặt rồi chọn bộ đồ cũ nhất để mặc vào. Sau khi làm xong những điều đó, bà ngạc nhiên ngắm mình trong chiếc gương lớn của bàn trang điểm. Trong tấm gương, một khuôn mặt trẻ trung tươi tắn đến độ bà khó tìm thấy được một dấu chân chim nào sau hai đuôi mắt sáng, khó tìm ra một dấu tàn nhang nào trên làn da mịn, và càng khó tìm hơn một vết khô nứt nho nhỏ nào trên đôi môi tươi. Rồi trong lúc chẳng tìm ra một sợi tóc trắng nào trong mớ tóc đen tuyền mịn mượt tuôn rơi giữa những kẻ tay, bà đã tự hỏi bao nhiêu câu với những chữ “có thể nào như vậy chăng”. “Có thể nào người đàn bà bốn mươi ba tuổi với ba đứa con mà không có một nét nhăn trên khuôn mặt?”, “Có thể nào người đàn bà bốn mươi ba tuổi với ba đứa con mà không có một chấm đen hay một điểm đồi mồi?”, “Có thể nào người đàn bà bốn mươi ba tuổi với ba đứa con mà đôi môi vẫn còn tươi hồng?” và “Có thể nào người đàn bà bốn mươi ba tuổi với ba đứa con mà không có một sợi tóc bạc?” Sau đó, bà đã tự biện luận là mọi cái trên đời đều có sự ngoại lệ và là thân thể của bà là một ngoại lệ do thượng đế đặc biệt ban cho. Bà cũng tin là đấng vô hình đã ưu đãi cho bà có một dáng vẻ trẻ trung ưa nhìn của cô gái đẹp ở tuổi xuân thì cho nên đã gây nên sự ngộ nhận của người khác trong phút đầu gặp mặt. Cũng ngay lúc đó, bà tóm gọn mớ tóc và quấn nó lại thành búi sau đầu như những người đàn bà tuổi tứ tuần ở Việt Nam thường làm. Mớ tóc mượt của bà không yên vị nơi bà muốn, ương bướng tuôn rơi và tuột xuống vai nhiều lần đến nỗi bà phải buộc thêm chiếc dây thun đen vào mới chịu nằm yên sau ót. Sau khi búi tóc xong, bà Kim Cúc thở dài nửa thất vọng nửa an tâm. Trong chiếc gương, khác hẳn khuôn mặt khô lạnh và đạo mạo của người đàn bà đứng tuổi mà bà tưởng tượng, một khuôn mặt tươi đẹp với mái tóc bới gọn và đôi mắt ngạc nhiên. Đôi mắt nhìn khuôn mặt rất lâu như đang dò hỏi độ tuổi của khuôn mặt trong khi khuôn mặt kia không thể nào biểu hiện được lứa tuổi rõ rệt của nó. Nó không biểu lộ được đó là khuôn mặt của người đàn bà bốn mươi ba tuổi đã lập gia đình và có ba đứa con. Nó cũng không cho biết đó là khuôn mặt của người đàn bà có hai đứa con đang tuổi học đại học và của người đàn bà sắp có dâu và có rể trong vài năm sau.
Quẳng chiếc lược vào cái rổ đựng đồ trang sức giả và đứng phắt dậy, ánh mắt của bà Kim Cúc trở nên thất vọng hơn khi nhận ra một dáng vóc thanh mảnh và mềm mại trong bộ đồ thun đen đã bạc màu. Bộ đồ cũ, được giữ lại hơn tám năm bởi cái kiểu đặc biệt của nó, tưởng đâu làm bà xấu đi và già thêm, hóa ra đã tạo thêm điều trái ngược. Lúc đó, bà bật cười. Bà không những cười cho bộ áo quần bà đang mặc mà cười cho sự ảo tưởng và chủ quan quá đáng của mình. Hổ thẹn vì sự liên tưởng mơ hồ và không thực tế của mình, bà đã tự phá tan ý nghĩ trước đó với lý giải làm sao người thanh niên trẻ đáng tuổi con bà có thể đem lòng yêu thương một người đàn bà đã lập gia đình và có tuổi xấp xỉ hoặc gần bằng số tuổi của mẹ anh ta. Sau đó, bà đã cam chắc là người con trai với trình độ đại học năm nhất không thể nào thương yêu vớ vẩn bậy bạ trên một xứ sở có nhiều yêu cầu về công việc làm ăn và đời sống vật chất cá nhân.
Tin chắc là trực giác trước đây của mình trục trặc và nhầm lẫn, bà Kim Cúc yên tâm rằng người thanh niên đã quen bày tỏ những cử chỉ ân cần với tất cả mọi người trong đó có bà nội của anh ta, ba của anh ta, mẹ của anh ta, chị của anh ta, cháu của anh ta, và những người khác nào đó nữa mà bà không biết rồi bây giờ có cả bà. Hành động kỳ lạ của người thanh niên có lẽ là thói quen của anh đối với tất cả những người xung quanh anh và bà là một trong những người ấy. Bà chợt nhớ đến những chữ “dạ” ngoan ngoãn mà người thanh niên khi đối đáp với bà, rồi khẳng định điều mình lo xa chỉ là sự ngờ vực thái quá. Khi bước ra khỏi nhà, bà Kim Cúc đã khá tự tin với điều mình phân tích vậy mà đối diện với sự kỳ lạ của thực tế, bà như người mất phương hướng.
Trong lúc người đàn bà ngập ngừng giữa con đường hướng lên đồi cỏ, anh Duy Anh mừng rỡ bước vội đến bên bà. Anh hỏi:
- Mấy hôm nay chị có chuyện gì không? Không thấy chị đến đây em lo quá!
Bà Kim Cúc cười gượng, không nói gì và bước lừng khừng, không dứt khoát. Anh Duy Anh tiếp tục hỏi:
- Chị bị sao vậy? Chị đang bị bệnh hả?
Bà Kim Cúc lắc đầu, nói một cách lúng túng:
- Không, không có! Tại chị thấy ra đây sớm quá nên định về một chút.
- Những hôm trước chị vẫn thường ra đây sớm mà? Có phải chị đã bị bệnh và bây giờ còn yếu không?
- Không phải!
- Vậy sao em không thấy chị ra đón Lisa?
- Đâu phải lúc nào tôi cũng phải đi đón Lisa! Anh chị nó vẫn thường đón Lisa đấy chứ! Giọng nói của bà Kim Cúc gay gắt một cách rõ rệt
- Chị bị lạnh rồi! Mặt chị trắng bệt và môi tím ngắt. Chị cần phải mặc áo khoác! - Anh Duy Anh nói trong lo âu.
Bà Kim Cúc nhìn xuống người và nhớ ra là mình đã quên mặc chiếc áo khoác trước khi ra khỏi nhà. Tuy nhiên, thay vì biết ơn sự ân cần của người thanh niên, bà đã gắt gỏng hỏi anh:
- Sao em biết tôi lạnh? Mồ hôi của tôi muốn tuôn ra khắp người đây!
Bất kể thái độ lạnh lùng và bàn tay vùng vẫy của bà ta, anh Duy Anh nắm vội bàn tay còn lại của bà và dúi cành hoa cúc màu vàng tươi vào đó. Anh ta nói:
- Tay của chị lạnh ngắt hết rồi đây nè. Giữ cho em cành hoa này đi! Nó là của chị đó!
Khuôn mặt của bà Kim Cúc bỗng nhiên trở nên xấu xí lạ thường. Mày cau, mắt quạu, và môi trề đã xóa mất hoàn toàn vẻ đẹp thường có của bà đồng thời biểu lộ rõ ràng sự khả nghi về chứng loạn trí của người thanh niên đứng trước mặt bà. Khuôn mặt xấu xí và đầy nghi ngờ ấy tưởng đâu sẽ khiến bà đối phó với người thanh niên bằng cách quang cành hoa của anh ta đi, bà chỉ hỏi khô khan và cộc lốc:
- Nhận cành hoa này để làm gì? Tôi có phải là công nương hay tiểu thơ đâu mà phải nhận mấy cành hoa này từng ngày?
Thay ánh nhìn u buồn cố hữu bằng nỗi ngạc nhiên trong đôi mắt, người thanh niên nói với bà Kim Cúc bằng giọng cương quyết:
- Nó là hiện thân của chị mà! Nó là hoa cúc màu vàng kim.
- Vô dụng! Cứ như là người kiểu cách cải lương trong thế kỷ thứ mười sáu ở các nước châu Âu - Bà Kim Cúc lầm bầm và tin chắc rằng người thanh niên này hoàn toàn thật sự mất trí như ý nghĩ nghi ngờ trước đó; nhưng bà vẫn cầm cành hoa cúc tươi mát trên tay.
Anh Duy Anh đặt chiếc áo khoác của anh qua vai của bà Kim Cúc đồng thời kéo tay bà đến tận gốc cây sồi, và bà, đột nhiên, răm rắp bước theo anh như một đứa trẻ ngoan ngoãn. Lúc ấy, mùi xào nấu kho chiên khăm khẳm của chiếc áo khoác đã làm tê liệt hoàn toàn ý nghĩ bực bội của bà, đã xóa bỏ tất cả những cảm nhận thực tại mà bà đang hiện hữu và thay chúng bằng những hình ảnh của quá khứ.
Năm 1979, khi đặt bước chân đầu tiên trên đất Mỹ bà chỉ vừa đúng hai mươi ba tuổi. Đơn thân và xa lạ trên xứ người, bà chỉ biết bám vào hội từ thiện bảo lãnh bà. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ hạn chế của hội, bà đã không có được tất cả những nhu cầu cần thiết mà bà mong muốn. Bao nhiêu mơ mộng về chỗ ở tiện nghi, việc làm thuận lợi và sự tiến thân trên con đường học vấn khi còn ở trại tị nạn Thái Lan vỡ tan tành theo mây khói bởi những thực tế mà bà đối diện vào những ngày mới đến xứ cờ sao. Đến chỗ xin trợ cấp xã hội với người thông dịch miễn phí, bà mới vỡ lẽ ra là số tiền chính phủ cho người tị nạn vừa ít ỏi vừa giới hạn trong khoảng thời gian nhất định. Số tiền trợ cấp hàng tháng không đủ để thuê nửa căn phòng chiếc nhỏ nhất của một cư xá nghèo nàn và hạn định trợ cấp cho người có bằng trung học như bà chỉ là sáu tháng. Hoài bão được vào học Đại Học để tiếp tục con đường học vấn bị dang dở tại Việt Nam hoàn toàn bị hủy diệt ngay khi ngưòi làm công tác xã hội và thông dịch tiếng Việt cho biết là bà phải lấy các lớp Anh Văn dành cho những người sử dụng Anh Văn như ngôn ngữ thứ hai trước khi ghi danh thi vào trường Đại Học. Cô thông dịch tiếng Việt còn cho biết dù muốn ghi danh vào một trường Đại học có học phí rẻ mạt tại Hoa Thịnh Đốn như đại học U. bà cũng phải có một trình độ Anh văn tối thiểu để đậu các môn thi vào trường như Anh văn và Toán và phải có một số tiền dành cho học phí trước khi làm đơn trong khi chờ tiền trợ cấp học bổng của chính phủ. Lúc đó, chặng đường vào Đại Học đối với bà cứ như chặng đường lên núi cao thăm thẳm và mơ ước thành y tá của bà như một phiến mây mỏng mảnh trên bầu trời xám đen. Các chi phí dồn dập đến một cách không ngờ, chỗ ở chung chạ với những người không thích hợp, và số tiền cần phải gửi về giúp mẹ thăm nuôi bố đã khiến bà quyết định hỏi những người làm công tác xã hội xin cho một việc làm thay vì giúp ghi danh học lớp Anh Ngữ gần chỗ cư ngụ. Sau khi nhận việc làm bồi phòng ở khách sạn H. tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn một tháng, bà đã xoay sở được một căn phòng trọ riêng cho mình. Tuy nhiên, gắng sức với công việc được gần nửa năm, sức khỏe không cho phép bà cáng đáng hàng tá việc vụn vặt như hút bụi những tấm thảm rộng, lau bóng các tấm kính lớn, dọn dẹp chi li bàn tủ, thay trải bốn năm lớp phủ cho những cái giường đôi, chùi rửa những bồn tắm đồ sộ chưa kể đến chuyện chạy khắp nơi trong khách sạn mênh mông để hoàn tất mười ba, mười bốn hay mười lăm phòng ngủ lớn nhỏ tùy theo sự phân công của một ngày. Lúc đó tinh thần của bà suy sụp hẳn và ước mơ duy nhất của bà chỉ là được lập gia đình để được bảo bọc và yên thân ở nhà. Sở dĩ ước vọng được làm vợ, và làm mẹ càng lúc càng ăn sâu vào tim óc vì bà đã tin vào lời của những người đồng nghiệp, vừa là những người đồng hương đến Mỹ trước bà, đồn đãi rằng nếu người chồng có mức lương thấp bởi công việc của người mới định cư, người vợ có con nhỏ không phải đi làm mà còn được cấp phiếu thực phẩm hàng tháng và thẻ khám sức khỏe miễn phí. Hình ảnh an nhàn của những người đàn bà lập gia đình lảng vảng trong trí làm cho bà cảm thấy công việc đang làm mỗi ngày ở khách sạn H. khó khăn hơn và nặng nhọc hơn. Bà thầm mong có được sự giúp đỡ của một đấng phu quân để yên thân yên phận làm vợ, làm mẹ, rồi mơ mộng xa hơn là có thể ghi danh học thêm Anh Văn hay Đại học để sau này có dịp kiếm việc làm nhẹ nhàng và thích hợp hơn với sức khỏe, năng lực và sở thích. Ý nghĩ về chuyện từ bỏ việc làm bồi phòng, chuyện lập gia đình, chuyện tiếp tục học và chuyện được một việc làm nhẹ nhàng kéo dài trong tư tưởng của bà mãi cho đến lúc ông Hoàng, người đi cùng chuyến vượt biển và cùng ở trại tị nạn Thái Lan với bà, được hội từ thiện bảo trợ đến vùng Hoa Thịnh Đốn sau bà bảy tháng vì lý do sức khỏe, mở lời cầu hôn. Bà đã ưng thuận trở thành người vợ để tiếp tục mối tình vừa chớm nở từ đảo Thái Lan và cùng ông đối phó với những thử thách trong cuộc sống tại Mỹ. Sau khi làm giấy kết hôn và tuyên thệ trước người công bố hôn nhân, ông Hoàng đã khuyên bà dọn lên Boston sống để được trợ giúp đặc biệt của bạn ông hiện đang cư ngụ tại đó. Tin tưởng và hy vọng sẽ được thuê nhà cùng với gia đình người bạn của chồng trong khi được sự giúp đỡ, bà đã thuận lòng với ông Hoàng dọn lên miền Đông Bắc của nước Mỹ. Ngờ đâu, khi đến thành phố Boston cả chồng bà và bà mới hiểu ra lời đề nghị của ông bạn kia chỉ là một lời mời khách sáo cho nên vợ chồng bà đã phải đùm túm nhau thuê căn phòng chật hẹp tại khu tồi tàn nhất ở Boston để cư trú. Bà còn nhớ rõ ngày thằng Phụng, đứa con đầu của bà ra đời, ông Hoàng phải đi từ sáng sớm đến tối mịt vì công việc rửa chén trong khách sạn R. và các lớp học Anh Ngữ của ông, còn bà thì ở nhà chăm sóc nó trong bầu không khí đầy mùi thức ăn nồng nặc. Bốn bức tường gò bó và chật hẹp của phòng thuê cộng thêm cái bếp nhỏ ngay trong phòng đã gói trọn bao nhiêu “mùi kho chiên xào nướng ninh hầm” và ảm chặt chúng vào trong áo quần, mền gối kể cả tóc và toàn bộ thân thể của các thành viên trong gia đình bà. Kinh nghiệm thực tế đã cho bà hiểu cái “mùi kho chiên xào nướng ninh hầm” ấy là mùi “không được ưa thích”, và là một trong những “mùi nghèo” ở Mỹ. Bao nhiêu lần nhận những cái chau mày và né tránh của những người đứng gần hay ngồi gần trên xe buýt, bao nhiêu lần bị choáng váng và ngạt thở khi vừa mở cửa về căn phòng trọ, và bao nhiêu lần nhăn mặt khi hôn cậu bé Phụng, rồi đến khi hôn cô bé Loan đã cho bà bấy nhiêu lần thấm thía với “cái mùi nghèo” ảm chặt trong người. Cái “mùi kho chiên xào nướng ninh hầm” ấy, dù đã làm bà đau lòng và xót xa bao nhiêu bận, dù đã được giảm bớt độ nồng bởi những cánh cửa sổ mở rộng và mùi nước thơm xịt trong phòng bao nhiêu lần, đã dai dẳng bám chặt theo bà từ Hoa Thịnh Đốn, Massachusette, rồi đến California. Sau hơn mười hai năm thành đạt tại tiểu bang Maryland, “mùi nghèo” ấy ngỡ đã chết từ lúc nào, nào ngờ nó lại đưa bà về thời gian cùng cực của quá khứ và khiến bà hiểu thấu được hoàn cảnh đang sống của người thanh niên hơn.
Đôi mắt chăm chăm của người thanh niên dán chặt trên khuôn mặt thất thần của người đàn bà. Anh ta nói:
- Chị bị cảm gió rồi.
Không nghe người đàn bà nói gì, ngoài những tiếng ho khan vang khô từng cơn dữ dội, người thanh niên vội vã nói tiếp:
- Để em giựt gió cho chị cho!
Bà Kim Cúc đang bụm miệng ho, hốt hoảng đưa cánh tay có chiếc hoa cúc cản bàn tay toan rờ trên trán của mình:
- Không! Chị không muốn “cạo gió”!
- Không phải “cạo gió” mà “giựt gió”!
- Gọi là gì cũng được! Người đàn bà cằn nhằn với giọng khô khan và cộc lốc - Có gió đâu mà “giựt”?
- Bị nhiễm lạnh giống như bị nhiễm gió vậy! Có “giựt gió” mới khỏe - Người thanh niên ôn tồn giải thích.
- Ở đây chứ có phải Việt Nam đâu mà mỗi lần đau là mỗi lần “giựt gió”, “bắt gió”, “cạo gió”để phô những dấu đỏ trên trán trên đầu cho người Mỹ với những người ngoại quốc khác cười? Thuốc thang ở đây thiếu gì mà phải...
Người đàn bà đang cao giọng tự dưng ngưng bặt vì ánh mắt oán trách của người thanh niên. Ánh mắt ấy hình như đang lột cho bà thấy bà là một người Mỹ hóa rởm; một người làm bộ quên đi những thói quen và tập tục từ cội nguồn, nơi mình xuất phát. Rồi bỗng chốc, ánh mắt ấy toát nên vẻ thành khẩn, thiết tha rồi van nài như ánh mắt của người y tá có lương tâm đối với bệnh nhân cứng đầu khiến người đàn bà dịu bớt sự bực dọc đang có bằng câu nói tiếp với vẻ nhẹ nhàng hơn:
- Chị không sao cả! Mượn cái áo khoác của em một lúc là được rồi!
Người thanh niên gật đầu tỏ ý hài lòng, anh nói:
- Em chờ chị suốt một tuần bây giờ mới được gặp chị.
Giọng nói bà Kim Cúc, bỗng nhiên, trở lại khô khan và lạnh lùng:
- Để làm gì? Tặng hoa?
- Không phải chỉ như vậy - Người thanh niên nói một cách ôn tồn - Em muốn báo cho chị biết là em đã lấy được bằng lái xe.
- Em học hồi nào mà thi lấy bằng?
- Em không học ở trường. Em nhờ chị của em tập lúc giữa khuya và ban đêm rồi ghi danh đi thi.
- A, ra là vậy! Nhưng lấy bằng lái xe ở bang Maryland này chẳng khó khăn gì, người ta chỉ yêu cầu người thi lái trong sân chứ không phải ra ngoài đường như ở những bang khác! Biết tận dụng thời gian sau khi có bằng luật để lấy bằng lái xe như em thật là một sự tính toán thông minh. Chị chúc mừng em!
Đưa cánh hoa cao ngay tầm mắt, bà Kim Cúc nói chậm rãi:
- Thì ra cánh hoa này là sự cảm ơn! Chị đã nói với em nhiều lần là em không cần bận tâm chuyện ơn nghĩa như thế này đâu. Muốn cảm ơn chị, gặp chị nói cảm ơn là được rồi. Chuyện chị giúp em biết chỗ thi lái xe là chuyện xoàng thôi không nên để tâm nhiều. Lần sau chị không muốn nhận cái hoa nào nữa đâu nhé!
Bà đứng phắt dậy khi nghe tiếng còi tan học và chấm dứt cuộc đối thoại bằng lời nói kiên quyết:
- Em chỉ đáng tuổi con của tôi. Đáng lý gọi tôi là cô hay dì thay bằng chị. Vì ngộ nhận trong lúc ban đầu nên lối xưng hô quen thuộc khó thay đổi, tuy nhiên, đây là cành hoa cuối cùng tôi nhận nơi em. Tôi nghĩ là em nên sống thực tế trên xứ Mỹ này để tìm cho mình một tương lai sáng lạng hơn.
Dứt lời bà trả lại cho người thanh niên chiếc áo khoác màu xám nhạt, đặt chiếc hoa cúc trên lớp cỏ trước mặt anh ta rồi tất tả lẩn khuất vào đám đông. Những tiếng ho khan của bà vẫn còn lưu lại ở đàng sau.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 5

Buổi chiều hôm ấy bà Kim Cúc đến trường đón con bé Lisa đúng ngay vào lúc tan học. Còi báo hiệu tan trường vang đúng ba giờ mười lăm phút chiều nhưng vẫn chưa thấy đứa học sinh nào bước ra khỏi hai cánh cửa sắt đỏ. Len lỏi trên lối đi xuyên qua những người đón học sinh, bà bước đến cây sồi đơn độc và tách biệt phía đàng sau nơi mà bà thường ngồi và là nơi hai cô gái trẻ Việt Nam đang đứng trò chuyện. Họ ngưng bặt câu chuyện đang bàn dở và đưa mắt nhìn bà trong bối rối. Thoáng chốc, họ nhìn nhau và thúc cùi trỏ lẫn nhau như đang đùn đẩy cho nhau việc làm gì đó. Người đàn bà điềm nhiên, giả như không nhìn thấy họ, bước ra phía sau gốc sồi hướng về tấm thảm cỏ trải tận xuống bên dưới và lan xa đến những ngôi nhà phía bên kia đồi. Một cô gái có thân hình dong dỏng cao, mắt đen long lanh sáng trên khuôn mặt trắng hồng đi theo sau bà, hỏi ngập ngừng:
- Dạ thưa, có phải bà là bà Kim Cúc, chủ của tiệm móng tay Bàn Tay Đẹp không ạ?
Bà Kim Cúc nhíu mày:
- Có gì không em?
Cô gái quay người ra phía sau, kéo tay cô gái thấp hơn cô ta một cái đầu đến trước mặt người đàn bà, nói tiếp:
- Dạ chị này muốn xin bà việc làm ạ.
- Làm gì? - Người đàn bà nhíu mày.
- Dạ làm móng tay.
- Em muốn làm ở đâu? Tôi có đến ba tiệm ở ba chỗ khác nhau!
- Dạ trong khu thương mại B gần đây! Cô gái thấp người cúi đầu, mái tóc dài quá vai và dày như tóc giả xõa lấp gần hết hai bên gò má.
- Thế sao em không đến trực tiếp tiệm đó hỏi người quản lý? Người đàn bà hỏi với cái nhìn chăm chú.
Đôi má đỏ ửng, cô gái thấp người có mái tóc dài và dày nói ngập ngừng:
- Dạ ... em có hỏi rồi nhưng người quản lý của tiệm đó không nhận em.
- Vì sao?
- Chú đó nói là em không có bằng nên không nhận được.
- Đúng rồi! Tiệm chúng tôi không nhận người làm móng tay không có bằng.
- Nhưng thưa bà, trước đây bà có nhận người không có bằng như má của em - Cô gái trẻ và cao dong dỏng nói.
- Má em là ai?
- Tên của má em là Hậu.
- Chị Hậu? - Bà Kim Cúc hỏi trong ngẫm nghĩ - Đúng rồi! Cách đây khoảng bảy, tám năm tôi có nhận dạy làm tay chân nước và cả móng bột ở tiệm Bàn Tay Đẹp tại Thương Xá P. nhưng bây giờ tôi không có điều kiện để ra tiệm, các nhân viên quản lý của tôi chỉ có bằng làm móng chứ không có bằng huấn luyện thợ nên chúng tôi không nhận đào tạo học sinh làm móng tay chân ở bất cứ tiệm Móng Tay Đẹp nào nữa.
Hai cô gái không nói cũng không hỏi thêm, và bà Kim Cúc phá tan yên lặng bằng câu hỏi khác:
- Bà Hậu nay ở đâu mà chỉ các em đến đây gặp tôi vậy?
- Dạ gia đình em không còn ở Baltimore nữa. Ba má em đã dọn về ở trong vùng này. Em Út của em học lớp học thêm sau giờ chính thức, cho nên má em thường đón nó vào lúc sáu giờ chiều. Hôm nọ tình cờ thấy bà, má em nói hai đứa ra đây chờ và tìm bà để xin việc.
- Vậy cả hai em đều muốn xin việc ư?
- Dạ không! Em còn đang học trung học, chỉ có chị Vân này xin việc thôi. Chỉ là chị họ của em mới từ Việt Nam sang. Tiếng Anh chỉ khá lắm nhưng không kiếm được việc làm nên mẹ em nghĩ đến chuyện nhờ bà giúp dùm!
- Hiện giờ tôi có chưa có thể đi làm lại. Đến cuối tháng một đầu tháng hai tôi mới trở lại tiệm được. Khi tôi đi làm lại, tôi sẽ nhận dạy cho Vân.
- Tháng hai thường lạnh và có tuyết phải không ạ? Cô Vân hỏi trong hoang mang.
- Phải. Cũng vì tháng ấy thường nhằm trong khoảng thời gian tết Âm lịch, nhiều thợ xin nghỉ để về Việt Nam ăn Tết, và tiệm trong thời gian đó thường ít khách nên tôi có thể bày em học kỹ càng hơn. Trong thời gian đó tôi sẽ giúp em làm đơn, ký giờ cho em và gửi giấy tờ lên State Board. Khi nào học đủ giờ thì em đi thi lấy bằng. Lấy bằng xong, em muốn làm cho tôi hay đi nơi nào thuận tiện cho em tùy ý.
- Em cảm ơn bà.
- Không có chi. Các em gọi tôi bằng cô được rồi. Không cần phải gọi bà một cách khách sáo như vậy. Bây giờ tôi phải đi đón con tôi. Muốn liên lạc với tôi, các em có thể dò tên chồng tôi trong quyển điện thoại niên giám trong tiểu bang Maryland này. Tên của anh ấy là Nguyễn Văn Hoàng. Gọi cho tôi khoảng cuối tháng một dương lịch.
Dứt lời, bà Kim Cúc bước nhanh lên con đường hẹp lót xi măng dẫn vào cửa sau của ngôi trường. Len qua đám đông người, bà suýt đâm sầm vào chàng Duy Anh đang đi ngược lại hướng của bà. Người thanh niên gật đầu chào bà một cách lịch sự và xa lạ. Anh không hỏi han một lời nào với bà mà chỉ mỉm cười bằng mắt với con bé Lisa khi nó chạy ào đến trước mặt và níu tay áo của bà. Bà Kim Cúc cũng không hỏi han gì với người thanh niên; lạnh lùng dắt con bé Lisa ngược xuống chân đồi. Sau lưng bà, tiếng hỏi chào của anh Duy Anh và tiếng cười nói vui vẻ của hai cô gái Việt Nam râm ran.
Đi với nhau một lúc thật lâu mà không thấy bà Kim Cúc hỏi hay nói gì, Lisa lên tiếng hỏi:
- Sao hôm nay mẹ buồn vậy?
- Mẹ đâu có buồn! Mẹ đang suy nghĩ. Bà Kim Cúc chau mày khi trả lời.
- Có phải mẹ đang suy nghĩ là vì sao chú Duy Anh không nói chuyện với mẹ và không còn tặng hoa cho mẹ nữa phải không?
Giật mình, bà Kim Cúc chau mày, nói trong nghiêm trang:
- Những đóa hoa của chú Anh tặng cho mẹ chỉ giống như những cánh hoa mà chị Loan và con tặng cho mẹ thôi. Chúng không như những đóa hoa của ba tặng cho mẹ đâu. Mà thực ra, mẹ không thích nhận hoa của chú ta, bởi vì đối với mẹ, chú chỉ là một người mới quen chứ không phải là người thân thiết.
- Con hiểu rồi. Tại vì mẹ không nói gì với con nên con nghĩ là mẹ đang buồn thôi!
- Xin lỗi! Mẹ im lặng vì mẹ đang nghĩ đến ông bà ngoại và công việc của mẹ. Hai tuần nay không được tin của ông bà ngoại, không nghe ông bà ngoại báo ngày trở lại đây như đã hứa vì vậy mẹ không biết khi nào ông bà ngoại trở về và khi nào mẹ có thể đi làm lại.
- Con cũng mong ông bà ngoại trở về vì con nhớ ông bà ngoại lắm! Giọng của Lisa bất chợt lắng trầm như giọng buồn của người lớn.
- Bà ngoại nói là sẽ về ngay sau khi trị bệnh khoảng một tháng nhưng mãi đến bây giờ không nghe bà ngoại nói gì cả! Còn ông ngoại thì lúc nào cũng muốn ở bên cạnh bà ngoại, chứ ông không chịu ở một mình - Bà mẹ than vãn.
- Ông ngoại ở nhà mình với ba, mẹ, anh Phụng, chị Loan và con chứ ông ngoại đâu có ở một mình mà ông ngoại không chịu? Lisa lý sự.
- Mẹ nói ông ngoại ở một mình có nghĩa là không có bà ngoại bên cạnh đó. Không có bà ngoại ở nhà mình, ông ngoại không muốn ở lại một mình. Ông ngoại muốn ở Việt Nam với bà ngoại để chăm sóc cho bà ngoại đó mà!
- Con hiểu rồi - Con nhỏ ngúc ngắc đầu, rồi hỏi một cách từ tốn - Con chỉ không biết vì sao bà ngoại không chịu đi gặp bác sĩ nữa mà lại về Việt Nam?
- Có những căn bệnh mà nhiều người Việt mình chỉ tin vào lối chữa trị bằng thuốc Nam thôi con à! Nhưng mà mình không nên bàn về chuyện bệnh hoạn nữa. Chiều nay mẹ sẽ chở con ra tiệm Mc Donald như ông ngoại thường chiều chuộng con.
Khuôn mặt Lisa sáng rực:
- Con cảm ơn mẹ.