28/4/12

Tình trên đỉnh sầu (C6-8)

Chương 6

Trong khi bé Lisa cất chiếc túi đựng sách vở của nó trong nhà, bà Kim Cúc lấy vội chiếc xách tay của mình rồi cả hai cùng đi thẳng đến vào nhà để xe nơi chiếc xe Mercedes mới tinh và sáng bóng đang nằm cạnh chiếc xe Honda đỏ cũ kỹ. Mùi thơm của xe mới lan tỏa trong xe đã làm bà nhớ ra là đã khá lâu, bà chưa hề sử dụng chiếc xe sở hữu của riêng mình. Chiếc xe, chẳng một đứa con lớn nào của bà hỏi mượn khi mà chúng luôn luôn tôn trọng tặng vật mà ba của chúng dành riêng cho mẹ và bà Kim Cúc thường dùng chiếc xe hiệu Honda cũ của bà sau là của ông cụ Đức, bố của bà, làm phương tiện đi lại các nơi loanh quanh trong vùng, nằm yên trong ga-ra này từ khi hai cụ thân sinh của bà về Việt Nam. Ngày hôm ấy là ngày mà bà Kim Cúc sử dụng lại chiếc xe đầy nghĩa tình mà bà trân quý từ hơn ba tháng và là ngày bà làm một việc khá đặc biệt là lái xe đưa Lisa ra ngoài chơi sau giờ tan trường. Thường thường, sau khi đón bé Lisa về nhà, bà phải vội vội vàng vàng về nhà làm những công việc mà trước đây bố và mẹ của bà làm giúp, trước khi cả gia đình quây quần trong bàn ăn. Sau khi cho Lisa ăn một chút thức ăn nhẹ như bánh xốp, cháo lỏng, bột bánh canh, hay súp để lót dạ cho đến bữa ăn chính, bà bắt tay ngay vào chuyện nấu nướng cho bữa cơm tối. Ăn xong, Lisa thường lẩn quẩn bên cạnh mẹ để tâm tình những chuyện ở trường của nó, quan sát việc làm của bà, hoặc giúp bà những việc lặt vặt. Công việc của nó là lấy thức nọ hay cất thứ kia như lấy trái cà, trái chanh, rau xà lách, cây ngò, củ hành hay cất hũ muối, chai mắm, hũ đường, chai dấm. Thỉnh thoảng, nó hỏi bà cho phép được mở hũ muối, rắc tiêu hộp, xịt nước mắm, múc đường vào các món thịt cá mà bà cần ướp gia vị hoặc xin xếp khăn ăn, chén, đũa, muỗng, nĩa theo cách trình bày riêng của nó. Lo cơm nước xong, bà Kim Cúc thường giúp con Lisa làm bài tập ở trường. Bà ngồi ngắm nó làm bài, chờ nó hỏi để giải thích rồi nghe nó đọc những tin ngắn trong báo. Sau khi Lisa làm bài xong, bà thường cho nó coi ti vi trong khi bà rảo qua các phòng, kiểm tra vật dụng trong nhà, xếp đặt ngăn nắp các thứ cần thiết, hay lấy cất áo quần từ phòng giặt. Những công việc mà bà Kim Cúc làm cho gia đình trong thời gian gần ba tháng chỉ là công việc của người đàn bà nội trợ nhưng đối với bà thật là phức tạp và tốn thời gian bởi vì nó là tổng hợp công việc mà cả bố và mẹ của bà thường làm cho toàn bộ gia đình bà.
Từ lúc ông bà cụ Đức lên đường về Việt Nam, bà Kim Cúc đã ở nhà suốt ngày. Phần vì sức khỏe của bà vốn đã không ổn định lại bị suy yếu trầm trọng, phần vì nghe theo lời căn dặn của ông bà cụ, bà đã giao toàn bộ công việc của ba tiệm móng tay cho ba người quản lý đáng tin cẩn và ký thác việc kiểm tra cũng như giải quyết các vấn đề của công việc kinh doanh cho ông Hoàng xử lý sau giờ làm việc cho chính phủ của ông. Ông Hoàng và bà đều nhìn nhận là không dễ gì kiếm người có đủ uy tín để có thể vừa chu toàn hết việc nhà lẫn dạy dỗ bé Lisa nề nếp như bố mẹ của bà đã đổ công ra vì thế họ đã chung sức cố gắng chu toàn những nề nếp mà hai vị thân sinh của bà đã tạo nên cho gia đình họ và nhất là cho con bé Lisa từ khi nó sinh ra đời. Cả chồng bà và bà đều thấu hiểu là lối giáo dục của ông bà cụ Đức khá hữu hiệu và thành công trong việc trợ giúp hai người dạy dỗ hai người con đầu. Cậu Phụng, cô Loan là hai người học giỏi, có học bổng ở hai trường đại học nổi tiếng quanh vùng. Họ nói tiếng Mỹ lẫn Việt lưu loát, và làm việc rất siêng năng cả công việc nhà lẫn công việc thiện nguyện cho cộng đồng Mỹ lẫn Việt. Họ còn là người có tính tình đằm thắm điềm đạm, biết thương người, quý trọng gia đình, thương lẫn nhau và hết lòng chiều chuộng con bé út Lisa. Trước khi chuẩn bị về Việt Nam, hai vị thân sinh của bà Kim Cúc đã dặn đi dặn lại những việc mà bà cần làm cho Lisa bởi vì cả hai đều lo lắng là con bé sẽ không được chăm sóc dạy dỗ tường tận như anh chị của nó. Ông bà cụ Đức xuất thân từ thầy cô giáo ngay từ trong nước nên họ luôn luôn áp dụng những nguyên tắc giáo dục cho đời con rồi đời cháu. Cả hai thường cho rằng đời cháu là trách nhiệm của đời con thế nhưng họ lại lao vào bổn phận làm cha mẹ thay con của họ khi mà họ thấu hiểu con rể và con gái của họ không thể nào có đủ thì giờ để dạy dỗ cho con của chúng chu tất và nề nếp ở xứ Mỹ này như ông bà đã làm cho các con của ông bà khi còn ở Việt Nam trước đây.
Mặc dù gắn bó với công việc của mình trong suốt bao nhiêu năm trời, bà Kim Cúc đã phải nghe theo lời bố mẹ. Bà khoán hết tất cả công việc của mình cho những người quản lý để chuyên tâm hoàn thành bổn phận của người mẹ tốt và để đáp ứng những câu nói xa gần bởi bố mẹ của bà trước khi họ lên đường. Đại để những câu nói xa gần thường là: “Cứ lo làm giàu mà bỏ con cái đến khi chúng hư hỏng không nghe lời thì có bao nhiêu tiền cũng chẳng ích lợi gì đâu! Lúc đó có hối hận cũng đã muộn rồi!”, “Măng mọc không chăm không lo uốn, đợi thành tre cong vòng, uốn éo, xiêu vẹo lúc ấy muốn bẻ ngay cũng không được!” “Hai đứa Phụng, Loan đã tạm yên, chỉ còn có con Lisa nữa thôi, lo cho nó để nó được bằng như anh chị”, “Đừng quên mình là người Việt Nam, không nói chuyện với con bằng tiếng Việt, gián tiếp biến con thành kẻ mất gốc!”, “Dạy con từ thuở còn thơ, nhỏ không dạy chờ đến lúc nào?”. Bên cạnh những câu nói xa gần ấy, bà Kim Cúc còn thuộc lòng thêm những câu căn dặn lập đi lập lại mỗi ngày khi bà gặp hai ông bà cụ:”Không phải dạy chữ cho con là đã làm tròn bổn phận cha mẹ. Phải luôn nhớ rằng đức, trí, thể, mỹ, và hướng nghiệp là tổng hợp giáo dục cho một đứa trẻ!”, “Phải dạy cho chúng biết làm việc! Phải dạy cho chúng học tính ngăn nắp, thứ tự!”, “Phải biết kết hợp những cái tinh túy của hai phong tục tập quán giữa Mỹ và Việt để tạo được một đức trẻ toàn mỹ!”, “Đã làm cha mẹ thì phải làm gương tốt cho con noi theo!”, “Phải dạy cho chúng biết phong tục tập quán người Việt Nam tại gia đình trong khi chúng học phong tục tập quán của Mỹ từ học đường và xã hội”.
Những cái “phải” làm cái này, “phải” làm cái nọ của bố mẹ căn dặn từ lúc bà còn là con gái mãi cho đến khi lấy chồng đã làm bà Kim Cúc chán ngán cái nghề giáo của họ đến nỗi bà không ghi học một lớp nào về giáo dục mà là vài lớp sức khỏe y tế khi bà ghi danh vào Đại học M. ở Boston và toàn khóa học thẩm mỹ khi định cư tại California. Tuy xác định nghề nghiệp mình khác với bố mẹ, bà Kim Cúc vẫn cố gắng chiều lòng hai ông bà cụ khi mà chồng bà, ông Hoàng, chấp thuận lời nói của họ như một kim chỉ nam dẫn đến sự thành công tuyệt đối và chắc chắn. Với chừng mực của khả năng, bà Kim Cúc đã nghe lời và làm theo những điều bố mẹ đã đặt vào khuôn khổ. Riêng những chuyện bà không thể áp dụng được từ thân sinh của bà là ngồi hàng giờ coi phim bộ Hồng Kông hay Đài Loan tiếng Việt với Lisa, mà theo mẹ của bà, đó là điều kiện tốt nhất cho con bé nghe và nói tiếng Việt thông thạo hay là lái xe chở nó các lớp học thêm do cộng đồng người Việt tổ chức tận quận M. rồi ghé các quán ăn, tiệm ăn mà theo ông bố của bà, đó là phương cách để cho con bé có dịp giao tiếp và thưởng thức các món ăn bên ngoài.
Chiếc xe Mercedes vượt qua những con đường rộng, và thẳng băng giữa những hàng cây một lúc bà Kim Cúc mới nhận ra những hàng cây có lá đủ màu của những tuần lễ trước đó không còn là những hàng cây của mùa thu rực rỡ với hàng ngàn màu sắc. Những màu đỏ thắm, vàng rực xen kẻ những màu xanh lá nhạt màu xanh lá đậm, màu vàng chanh của lá cây mới thấy tuần trước đã bị đổi bằng một màu đỏ khô khan mất nhựa, màu nâu thẫm cằn cỗi quắt queo, màu xanh tái buồn bã se sắt, và màu vàng nhạt nhòa ủ rũ. Hình như cái lạnh của khí trời đang từ từ gay gắt hơn mỗi ngày và những cơn gió thổi tốc đang mang mùa thu rực rỡ lá màu hôm nào từ từ đi vào cõi chết. Khi bà ngừng xe tại ngã tư nơi có bảng chỉ đường với chữ dừng lại để chờ vài người bộ hành dắt con qua đường, hàng loạt chiếc lá vàng tái, đỏ úa và nâu xẫm xoáy tròn trong các luồng gió rồi chao đảo trong không gian phía trước mặt kính xe. Những chiếc lá vô tình rơi hàng loạt, phủ đầy mặt đường đã gây cho bà cảm giác bồn chồn và lo lắng, tuy nhiên, thay vì im lặng và chìm đắm vào những cái riêng tư của mình, bà hất mặt về phía bên trái và vui vẻ hỏi con bé Lisa:
- Lisa nhìn ngôi trường của Lisa xem có đẹp không?
- Con biết trường con đẹp mà! Trường con là trường lớn nhất vùng này nên phải đẹp chứ!
Im lặng một lúc, con bé nói thêm khi chiếc xe chạy ngang các khu nhà cao thấp không đều, và những chung cư cũ kỹ tồi tàn:
- Mấy cái nhà ở chỗ mình ở cũng đẹp hơn mấy cái nhà lầu cũ ngoài đường này.
- Nhưng mà khi ba mẹ mới sang Mỹ, rồi đến khi có anh Phụng, chị Loan, ba mẹ và anh chị con đã sống ở những chỗ còn xấu và tệ hơn những khu nhà này nữa con à!
- Con nghe mẹ kể nhiều lần rồi, nhưng con chỉ nói “thật thà” cái mà con nghĩ về mấy cái nhà cũ này thôi!
- Mẹ biết con so sánh một cách thành thật nhưng sở dĩ mẹ nhắc với con như vậy vì lỡ khi nào con nói điều này với những người trong những khu nhà đó, người ta sẽ buồn.
- Nếu chú Duy Anh nghe mình nói, chú sẽ buồn phải không mẹ?
- Vì sao con biết là chú Duy Anh ở đó?
- Hôm nọ chú nói ở khu nhà thuê ngoài đường lớn là con biết liền.
Bà Kim Cúc yên lặng không nói gì. Bà hiểu y phục của người thanh niên kia cũng có thể làm cho con bé Lisa hiểu anh ta đang sống ở đâu trong vùng này. Chỉ cách chừng mười lăm khu nhà, phong thái hai khu vực trong và ngoài con đường lớn hoàn toàn khác hẳn nhau. Những căn nhà riêng biệt sang trọng ở vùng sâu tận đến công viên lớn là của những người có mức thu nhập cao và có địa vị vững vàng trong xã hội. Trái lại, những khu nhà thuê cũ kỹ và lớn nhỏ khác nhau ở vùng ngoài dọc theo đại lộ K. là cư xá của những người mới định cư, những người có cuộc sống bấp bênh về cả tài chính lẫn công ăn việc làm.
Lisa yên lặng như bà Kim Cúc; nó lặng lẽ ngắm cảnh vật hai bên đường khi chiếc xe Mercedes bon bon trên các đại lộ, xa lộ, ngã tư, rồi các con đường nhỏ dẫn vào bãi đậu xe của thương xá. Khi chiếc xe ngừng hẳn trong một chỗ đậu, nó khăng khăng vòi bà Kim cúc vào tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo cạnh tiệm Mc Donald. Tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo là tiệm bán thức ăn Việt Nam duy nhất trong thương xá M. và là tiệm ăn Việt Nam tệ nhất trong bang Maryland và cả vùng Hoa Thịnh Đốn mà bà Kim Cúc chỉ vào trong trường hợp bất đắc dĩ. Ngạc nhiên trước sự lựa chọn thay đổi bất ngờ của con bé nhưng bà Kim Cúc đã không hỏi nó lý do vì sao. Tối hôm qua, chồng bà và bà đã cùng dự đám cưới lớn trong một nhà hàng sang trọng tại Virginia, và hai ông bà đã nếm nhiều món ngon lạ khác hẳn những món của các nhà hàng mà ông bà thường lui tới trước đây. Lúc ấy, bà cảm thấy rất áy náy vì được ăn những món mà bà biết là những đứa con của bà chưa được nếm bao giờ. Cảm giác có tội thường xuất hiện sau những lần đi ăn như thế; cho nên vào những ngày hôm sau bà thường chiều con cái qua những mấy cuộc điện thoại đặt mua thức ăn đến tận nhà hay đưa chúng đến các tiệm ăn Việt Nam, hay các tiệm ăn Tàu ở bang Virginia để chúng tự do chọn lựa các món mà chúng thích.
Lách mình qua tấm cửa kính theo bước chân con gái, bà Kim Cúc đứng vào sau những người đang chờ phục vụ trước quầy thu tiền. Ngạc nhiên trườc cảnh đông đúc của tiệm ăn, bà Kim Cúc ngơ ngác nhìn xung quanh. Hôm ấy là ngày thứ hai, cứ ngỡ ghé tạt vào tiệm ăn thường xuyên vắng khách để chiều con bé Lisa trong phút chốc nào ngờ phải đứng chờ bao nhiêu người khách ngoại quốc trước mặt. Bà cảm thấy hối tiếc hơn khi người bồi bàn hướng dẫn bà đến chiếc bàn dài còn dư hai chỗ ngồi mà nơi đó anh Duy Anh đang ngồi với thằng bé Kevin và hai cô gái trẻ mà bà vừa tiếp chuyện nơi gốc sồi cách đó chỉ hơn một giờ đồng hồ.
Hai cô gái gật đầu chào bà, mỉm cười cầu thân và tỏ ý rằng họ vừa mới gặp nhau, mới nói chuyện với nhau lại hội ngộ thêm lần nữa. Lisa nắm tay bà, ngầm cho bà biết vì sao nó muốn vào tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo. Kế đó nó bước đến chiếc ghế đen bóng, ngồi thẳng người và len lén nhìn sang thằng bé Kevin đang ngồi bên cạnh. Anh Duy Anh nghiêng người sang phía nó nói một cách từ tốn:
- Đây là Kevin cháu của chú. Đáng lý chú chở Lisa đi chơi với Kevin và chú như đã hứa nhưng chú không thể.
Lisa nhìn chàng thanh niên một cách hững hờ vẻ như chẳng hiểu lời vừa được nghe rồi tíu tít hỏi chuyện với Kevin bằng tiếng Việt xen lẫn tiếng Anh.
Bà Kim Cúc lịch sự chào mọi người trong bàn, và thay ánh mắt ngỡ ngàng bằng ánh mắt cười bình thản. Bà nhẹ nhàng ngồi cạnh cô gái cao dong dỏng và mỉm cười với tất cả người ngồi chung bàn. Nhìn thẳng vào mặt Lisa đang ngồi đối diện, bà hỏi nó thích món ăn gì trong lúc người bồi bàn trao cho bà tấm thực đơn. Lisa lơ đễnh cho bà biết là nó chỉ muốn một chén xúp măng cua, và một ly sữa đậu nành. Trao lại tập thực đơn cho người bồi bàn, bà Kim Cúc gọi thêm một phần cho mình giống hệt như phần ăn mà con bé Lisa vừa yêu cầu.
Người bồi bàn đi khỏi, tất cả những người lớn trong bàn yên lặng chờ thức ăn mang đến và lắng nghe những lời đối thoại của hai đứa Lisa và Kevin. Hai cô gái trẻ trở nên khép nép hơn trước sự hiện diện của bà Kim Cúc; họ cúi mặt e thẹn rồi nhìn mông lung như không muốn bắt chuyện với ai trong bàn. Cử chỉ lúng túng và ngượng ngập của họ khiến bà Kim Cúc phải lên tiếng hỏi cô bé cao dong dỏng:
- Lúc nãy cô đã được biết tên của Vân, còn cháu tên gì cô chưa được biết.
- Cháu tên Linh.
Cô Linh nín lặng sau khi trả lời xong và không khí ngột ngạt tiếp tục vây tròn quanh bàn ăn của họ. Bà Kim Cúc lại nói:
- Các em cứ tự nhiên chuyện trò vui vẻ nhé! Mẹ con tôi chỉ ngồi một chút là đi ngay.
Mặc dù nói như thế, giọng nói của bà Kim Cúc không được tự nhiên lắm. Chiếc bàn lớn dành cho sáu người ở chính giữa tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo này là nơi bà và anh Duy Anh đã ngồi dùng món phở gà và nước ngọt hôm bà lái xe chở anh trên đường về từ chỗ thi lấy bằng luật. Vì quá bữa trưa và mừng thi đậu, anh Duy Anh đã đề nghị bà ghé vào khu thương xá M. tìm món ăn Việt. Hôm ấy, tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo vắng đến nỗi đa số những chiếc bàn nhỏ dành cho hai hoặc bốn người kê sát tường trống không, thế mà bà Kim Cúc đã chọn chiếc bàn lớn này. Trong lúc hai người đang ăn với nhau, anh Duy Anh đã buông đũa đứng dậy và bảo với bà là anh có một chút chuyện cần phải đi ra ngoài. Sau đó, anh ta trở lại với hộp băng keo cá nhân và hỏi xin bà chìa ngón tay đứt ra để anh băng lại. Bà đã hết sức bối rối và ngượng ngập đến độ không tỏ được phản ứng nào ngoài chấp thuận sự tận tâm chăm sóc của anh. Từ lúc sống trên đất Mỹ, người thường quan tâm đến bà là ông Hoàng, người chồng sống với bà hơn hai mươi năm hạnh phúc. Bố mẹ và con cái của bà, dù ở chung một nhà, chỉ giúp bà những cái chung chứ ít khi chăm chút những cái riêng. Tuy nhiên, dù được quan tâm hay không, bà không có tính làm phiền bất kỳ người nào trong gia đình khi có những chuyện nhỏ nhặt như một vết bỏng nhẹ, một vết đứt nhỏ, hay một dấu trầy sơ sài. Cử chỉ ân cần và thân mật quá đáng của người thanh niên đã làm bà vừa cảm động, vừa ái ngại. Ái ngại hơn nữa là sau khi dùng thức ăn xong, anh ta đã khăng khăng trả tiền thức ăn kể cả tiền thưởng cho người phục vụ. Để khỏa lấp sự ái ngại và ngượng ngập của mình lúc ấy, bà Kim Cúc đã hỏi anh ta bằng một câu bông đùa “Đáng lý phải để chị trả tiền bởi vì chị lớn tuổi hơn em, hơn nữa, em chưa đi làm, làm sao có tiền đãi chị?” và anh ta đã nghiêm trang trả lời rằng “Em là đàn ông con trai và là người mời chị đi ăn nên em phải trả tiền. Em thường phụ cắt cỏ mướn với anh hàng xóm quen nên cũng có tiền chi tiêu. Chị đừng lo!”
Lời đối đáp của người thanh niên khi nhớ lại đã cho bà hiểu là số tiền của bữa ăn mà anh Duy Anh đang thết cho hai cô bạn gái cùng bàn cũng sẽ được trả bởi số tiền mà anh dành dụm từ công việc cắt cỏ của anh. Miên man suy nghĩ, bà Kim Cúc giật mình khi người hầu bàn đặt các món thức ăn bày trước mặt và bà trở nên bối rối khi bắt gặp ánh nhìn của anh Duy Anh trên ngón tay áp út của bà. Ngón tay bị đứt hôm nào đã lành hẳn, nó không còn chiếc băng keo cá nhân mà thay bằng một chiếc nhẫn kim cương một cara sáng lóng lánh và đẹp mê hồn. Nhớ đến những món đồ trang sức đắt tiền chưa được cởi cất sau khi đi dự tiệc cưới của tối ngày hôm trước có thể làm người nhìn nghĩ rằng mình là kẻ chuyên khoe của, cử chỉ của bà Kim Cúc trở nên luống cuống. Vội vã đặt với người hầu bàn thêm những món ăn để đem về, bà hối bé Lisa ăn nhanh hơn. Con bé Lisa than phiền là bà đã đưa nó đôi đũa thay vì muỗng cho món xúp của nó.


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 7

Vừa đặt chiếc điện thoại cầm tay xuống bàn, cô Loan báo cho bà Kim Cúc biết là từ tháng một dương lịch cô có thể giúp bà toàn bộ công việc nhà và trông nom đưa đón Lisa. Cô càng huyên thuyên nói về sự thuận lợi của thời khoá biểu cho khóa học mùa xuân và lý do cô không muốn tiếp tục đi làm, khuôn mặt thanh thanh và sáng đẹp của cô càng lúc càng rực lên niềm vui tươi vô bờ bến. Bà Kim Cúc mỉm cười khi chăm chú nghe cô nói. Bà hiểu một trong những lý do vừa nêu như thời tiết, giúp đỡ gia đình, và kề cận với em, sự lo lắng về những sự kiện đáng tiếc có thể xảy ra sau năm 2000 là một phần quyết định của cô. Gần đây cô Loan có khuynh hướng dành thời gian cho gia đình sau giờ học nhiều hơn trước. Sự có mặt của cô tại nhà vào lúc bốn giờ chiều của ngày đầu tháng mười hai hôm ấy quả là sự ngạc nhiên lớn nhưng đã cho bà thấu hiểu lý do về sự quyết định đột ngột của cô ta. Thường thường vào khoảng thời gian trước lễ Giáng Sinh như thế, học ở trường xong cô Loan lái xe thẳng ra khu thương xá W. tận quận Montgomery để làm thu ngân viên cho tiệm bán quần áo V., một công việc mà cô đã làm quen thuộc từ khi cô còn học trung học. Cho dù số tiền kiếm được bởi công việc bán thời gian không đáng là bao, cô tự hào vì nó đã giúp cô độc lập tài chính khi cô muốn mua những món quà cho những người thân trong gia đình hay chi trả phần nào các khoản chi phí ở học đường. Quan niệm về việc làm đi đôi với sự học là phương cách tạo một cuộc sống tự lập của cô gần đây tự dưng bị thay đổi một cách bất ngờ và bà Kim Cúc nhớ lại khuôn mặt trầm ngâm của cô khi ông Hoàng mang về bao nhiêu nước uống chai, thực phẩm khô chất đầy dưới phòng hầm mỗi ngày khi ông đi làm về. Bà hiểu rõ là cô muốn dành thời giờ nhiều cho gia đình để dự phòng điều đáng tiếc xảy ra theo như lời đồn đãi.
Cô bé Lisa ngã đầu xuống đùi của cô Loan khi cô ngồi cạnh nó. Cả hai dán mắt vào cái ti vi lớn và bà Kim Cúc mỉm cười nhìn họ. Bà luôn luôn tự thắc mắc không hiểu vì sao lớn ở độ tuổi mười và mười tám như hai cô con gái của bà vẫn còn mê phim hoạt hình, tuy nhiên bà cảm thấy an bình khi ngồi cùng với chúng trước lò sưởi trong phòng khách rộng dưới ánh đèn chùm sáng choang. Mùi khói từ gỗ cháy, mùi nhựa thông ngào ngạt và mùi thơm của thảm mới hòa vào nhau trong bầu không khí đầm ấm và dễ chịu. Tiếng nhạc Giáng Sinh văng vẳng từ phòng sinh hoạt gia đình lẫn vào những tiếng đối thoại từ trong cái ti vi của phòng khách tạo cho căn nhà thêm sự dịu dàng và êm đềm. Hạnh phúc với với những an lành đang có, bà Kim Cúc cảm thấy bao nhiêu nặng nề trong tâm trí từ những ngày trước đó được từ từ xoa dịu hẳn đi. Trước đó, bởi hồ nghi với sự im lặng đột ngột của người chị ruột trong khi nói điện thoại, lo lắng điều chẳng lành cho sức khỏe của mẹ, và bất an với sự quyết định không rõ ràng về ngày trở lại Mỹ của bố, bà Kim Cúc đã áy náy, bồn chồn đứng ngồi ăn ngủ không yên. Bấy giờ, cái tin đồn về những tai họa có thể xảy ra vào ngày đầu năm 2000 có thể coi là lý do chính đáng để bà hiểu được vì sao ông cụ Đức không đưa bà cụ trở về Mỹ sau thời gian quy định trong vé máy bay khứ hồi. Sự nặng nề trong tâm trí của bà được giải tỏa và thư giãn hoàn toàn bởi khung cảnh hai chị em cô Loan và bé Lisa đang ngồi thân mật và đằm thắm trước mặt. Hình ảnh này là câu trả lời hữu hiệu nhất cho thắc mắc của bà về lý do tại sao mọi người quyến luyến gần gũi nhau trong khoảng thời gian cuối năm 1999. Cảm giác thương thương dâng lên trong lòng bà khi hình ảnh mỗi ngày ông Hoàng khệ nệ khiêng những thùng nước uống, thực phẩm khô, bếp gas tự động, và đèn bão hiện ra trong đầu bà. Các hình ảnh diễn ra trong trí bà như một cuốn phim chiếu không dừng mà trong đó cảnh cảm động nhất là lúc ông Hoàng cẩn thận chia cho mỗi người trong gia đình một cái đèn pin và một cái ba lô cá nhân đã có sẵn những thứ cần thiết như một bộ quần áo ấm, cái áo mưa nhỏ, ít lương thực, và hộp cứu thương cá nhân. Càng nhớ chuyện cũ, bà Kim Cúc càng thương chồng và an tâm hơn về chuyện thất hứa của hai vị thân sinh. Sự thay đổi dự định của họ có thể chấp thuận được trong tình hình mọi người bồn chồn lo sợ và chờ đợi những tai ương bất ngờ xảy ra vào những ngày đầu tiên của năm 2000.
Chiếc cửa lớn đột nhiên mở ra và cậu Phụng bước vào nhà với giọng nói vui vẻ:
Tối nay ba mẹ sẽ đi mua sắm nhưng Lisa phải ở nhà với anh chị!
Bé Lisa vùng dậy, ngẩng đầu lên hỏi rối rít:
- Sao anh biết ba mẹ sẽ đi mua sắm?
- Ba vừa nói với anh ở ngoài ga ra.
Bà Kim Cúc đứng lên:
- Ba đã về vậy các con giúp mẹ dọn thức ăn. Việc gì nói sau.
Không cần phải yêu cầu nhiều lần, cô Loan đi theo bà Kim Cúc đến nhà bếp ngay để phụ lấy các thứ mà bà Kim Cúc đã nấu và chuẩn bị sẵn.
Đi kè bên cạnh cậu Phụng đến phòng ăn, bé Lisa hỏi dồn:
- Vì sao anh biết em không được đi mua sắm với ba mẹ? Ba nói với anh như vậy hả? Phải vậy không anh Phụng?
Cậu Phụng vừa mở tủ búp phê vừa trả lời:
- Thì có năm nào ba mẹ cho Lisa đi mua sắm cùng đâu? Nhưng anh biết ba sẽ đi mua sắm với mẹ vì ba vừa nói với anh.
- Năm nay khác. Em xin ba mẹ cho em đi vì không có ông bà ngoại ở nhà với em.
Chìa muỗng, đũa và khăn ăn trước mặt Lisa, cậu Phụng nói kiên quyết:
- Phụ anh xếp mấy thứ này trên bàn đi! Lisa đừng nhõng nhẽo nữa!
Với hai đĩa thức ăn trên tay, cô Loan nhăn mặt la hùa cùng cậu Phụng khi đi ngang khuôn mặt cau có của Lisa:
- Không có ông bà ngoại thì Lisa ở nhà với anh chị. Ba mẹ mua quà bí mật để làm mình ngạc nhiên. Lisa đi với ba mẹ thì đâu còn có ngạc nhiên gì khi nhận quà? Phụ việc với anh chị đi, đừng đòi đi chỗ này chỗ nọ nữa!
Ở ngưỡng cửa phòng ăn, ông Hoàng hỏi:
- Lisa đòi đi đâu?
- Nó đòi đi mua sắm với ba mẹ. Cô Loan đáp.
- Thằng Phụng này thiệt là mau miệng! Ba nói với con là ở nhà coi con Lisa để ba mẹ mua sắm chứ đâu nói con cho nó biết là ba mẹ đi mua sắm đâu! Ông Hoàng nói với vẻ bất bình.
Cậu Phụng đang đặt từng cái chén trên bàn ăn trước mỗi ghế ngồi, mắt ánh lên nỗi bực dọc trong dôi kính trắng. Chau đôi mày rậm, cậu nghiêm giọng nói với con Lisa:
- Anh nói Lisa không được đi là không được đi! Không phải ba mẹ đi đâu Lisa cũng phải đòi đi cho bằng được!
Bà Kim Cúc đặt bát canh nóng ngay giữa bàn, giảng hòa:
- Ba mẹ đi công chuyện riêng kết hợp với đi mua sắm chứ không phải chỉ đi mua sắm cho nên Lisa nên ở nhà với anh chị.
Lướt mắt nhìn cậu Phụng rồi sang con bé Lisa bà nói tiếp:
- Đúng như anh Phụng nói, không phải ba mẹ đi đâu Lisa cũng phải đi theo. Quyền anh như quyền ba, anh Phụng nói không được có nghĩa là không được!
Lisa toan mở miệng nói, ông Hoàng ngăn lại:
- Giờ này gia đình chuẩn bị ngồi vào bàn để dùng cơm, nếu con muốn nói chuyện gì thì phải nói những điều vui.
Lisa nín lặng, cô Loan, cậu Phụng và bà Kim Cúc cũng lặng ngắt theo. Đối với họ, thái độ mẫu mực, sự tận tâm chu đáo, và tình yêu thương vô bờ bến của ông Hoàng dành cho gia đình đã tạo cho ông uy quyền vững chắc đến độ mỗi khi ông thốt ra điều gì là họ đều răm rắp nghe theo.
Trong khi cô Loan đặt thố cơm lớn ở góc bàn và xới cơm cho mọi người, ông Hoàng vừa xổ khăn ăn vừa đỉnh đạc nói với bà Kim Cúc:
- Năm nay mình nên mua thẻ mua quà cho nhân viên hơn là quà em à. Tùy họ muốn sắm gì thì sắm.
- Như vậy mình sẽ phải mua hai mươi lăm tấm thẻ mua quà? Còn ba anh quản lý như anh Tiến, anh Thương, và anh Tảo thì mình có nên mua món quà gì đặc biệt hơn không?
- Không cần mua quà gì cả, cho mỗi người một thẻ mua quà một trăm đô la là đủ rồi.
Bà Kim Cúc tròn to mắt:
- Anh định cho mỗi người tới một trăm đô ư?
- Phải! Năm nay số lợi tức thu vô nhiều hơn năm ngoái. Mấy ảnh thay em làm việc tận tâm và cật lực; thưởng vậy là đáng công họ thôi.
Ngẫm nghĩ một lúc, bà Kim Cúc gật nhẹ:
- Hơn nữa đã đến năm 2000, không biết người có còn không đừng nói chi là của, mình cũng chẳng nên so đo làm gì.
Ông Hoàng vừa mỉm cười vừa nhai cơm một cách ngon lành. Ông biết là dù ông có làm việc gì, thực hiện việc ấy bằng cách nào, và thành công hay thất bại trong việc ấy ra sao thì vợ ông luôn có những lý giải để ủng hộ ông. Bao nhiêu năm chung sống với nhau, vợ ông luôn tìm mọi cớ để biện minh rằng tất cả những việc mà ông làm đều đúng đắn và có lý do chính đáng của nó. Là người yếu đuối và tựa vào ông như dây hoa tầm gởi bám vào thân cây đầy cành lá xum xuê nhưng bà tượng trưng cho loài hoa hiếm tỏa hương sắc cho thân cây um tùm kia hoan hỉ sống trong bầu khí thơm tho. Mà thật là như thế, bao nhiêu năm gia đình họ thành công trong kinh doanh, và trong tài chính là do bà Kim Cúc tán thành những kế hoạch mà ông Hoàng hoạch định và tính toán. Bà Kim Cúc đã răm rắp nghe lời ông chuyển đến ở tại bang Maryland khi mà ông cho rằng tiểu bang này có thể giúp ông bà có được nhiều khách hàng hơn California, nơi đầy dẫy sự cạnh tranh của những người Việt làm móng tay. Bà cũng đã nghe theo lời của ông gom góp toàn bộ số tiền có được để mua lại tiệm Bàn Tay Đẹp tại thương xá P. với giá hời từ người chủ tiệm thua đậm nhiều lần ở casino. Sau khi mua tiệm này, vợ chồng ông bà đã thu lợi tức khá nhiều bởi vì những người thợ đầy kinh nghiệm của chủ cũ bằng lòng ở lại làm việc cho họ với số chia sáu bốn được ấn định trước đó, vì khách càng ngày càng nhiều thêm hơn so với lúc chủ cũ điều hành tiệm, và nhất là vì cách đắp móng bột và lối vẽ trên móng khá sắc sảo của bà. Thu được lợi nhuận một năm, ông đã bàn bạc với gia đình về chuyện mua nhà và được chấp thuận ngay bởi vợ và bố mẹ vợ. Chỉ sau hai năm tậu được căn nhà tại quận P., giá trị nhà đất của những vùng quanh Hoa Thịnh Đốn như Virginia và Maryland tăng lên vùn vụt. Từ vốn tăng trưởng của căn nhà, ông đã làm tài trợ thêm để rút tiền ra mua thêm tiệm Lynn Nail ở thương xá L. cách thương xá P. khoảng năm dặm rồi đổi tên nó thành tiệm Bàn Tay Đẹp như tên tiệm đầu tiên. Hai tiệm Bàn Tay Đẹp trong vùng Baltimore đã làm vợ chồng ông bà nổi tiếng bởi vì hầu hết những người khách thích làm móng tay ở đó đều muốn được phục vụ bởi các người thợ của hai tiệm này. Bất cứ người khách nào đến tiệm một lần, họ trở lại tiệm một cách thường xuyên và lâu dài. Trong lúc thu nhập tài chính hàng tháng ngày càng tăng, ông Hoàng đã chuyển tất cả các điểm mà ông học đại học ở Boston và California để ghi danh học tiếp ngành kế toán tài chính tại đại học C. ở Maryland cho dến lúc ra trường. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp, ông xin được chức làm kế toán tài chính cho bộ Y Tế tại quận B. của Maryland. Với việc làm chính phủ, ông đã mua được bảo hiểm sức khỏe cho vợ con, và có được những ngày cuối tuần, và những ngày nghỉ lễ của nhân viên công chức. Tận dụng những ngày nghỉ này, ông đã phụ vợ làm thêm, chạy vật tư và sắp xếp mọi việc cho hai tiệm móng tay mà vợ chồng ông tậu được. Sau một thời gian, ông đã quyết định bán căn nhà cũ ở Baltimore và mua nhà mới tại quận B. để tiện cho việc học hành của các con ông và đi lại cho công việc chính của ông. Sau sáu tháng ở quận B., ông táo bạo mở thêm tiệm Bàn Tay Đẹp thứ ba gần căn nhà ở của gia đình ông. Ông đã mua lại tiệm văn phòng phẩm cũ bị phá sản trong khu thương mại B. để xây dựng thành tiệm làm móng tay. Hợp đồng với người xây dựng thiết kế tiệm móng tay Bàn Tay Đẹp thứ ba này, ông đã yêu cầu họ làm theo sáng kiến của ông. Với tính tình rộng rãi, ông đã đầu tư khá nhiều tiền vào trang thiết bị có chất lượng cao, tối tân và đắt tiền cho tiệm như ống thông gió, bồn ghế Spa làm chân, máy làm móng giả, máy phun air brush. May mắn cho ông là bất cứ việc làm nào mà ông thực hiện đều thành công rực rỡ và vượt cao hơn dự trù mà ông tính toán. Tọa lạc trong một khu thương mại mới, tiệm Bàn Tay Đẹp trong khu thương mại B. đã tăng mức thu nhập đến mức không ai có thể tưởng tượng được: Chỉ sau hai năm, ông đã thu lại toàn bộ số vốn bỏ ra chưa kể số tiền trong trương mục Tiết Kiệm của vợ chồng ông tăng vùn vụt trong những năm sau đó. Cũng vì khả năng tính toán trong thương trường khá tinh thông, ông đã nâng đời sống vật chất cho vợ con mỗi ngày mỗi cao hơn và đã thực sự tạo một uy tín khá lớn trong gia đình.
Thực tế, không phải bà Kim Cúc ủng hộ ông Hoàng vì tin vào những kế hoạch và dự trù của ông. Sỡ dĩ bà ủng hộ ông từ việc bình thường đến những việc làm táo bạo là vì bà tin vào sự kiên trì, tính ham làm và tinh thần chịu khó của chồng bà. Đối với bà, cho dù ông Hoàng có thất bại trong kế hoạch mà ông đã táo bạo đặt ra thì đó chỉ là một khoảnh khắc dừng nghĩ trước khi ông vọt cao lên đỉnh thành công khác với sức kiên trì và nhẫn nại của ông. Tuy nhiên, dù ở hình thức nào, ông Hoàng đã khá tự hào về những thành công mà mình đạt được sau thời gian hoạch định và tiến hành.
Ông Hoàng vừa nhai vừa nói:
- Anh đã gửi cho anh Tảo một trăm đô trước rồi vì ảnh phải về quê thăm mẹ ốm.
Bà Kim Cúc ngạc nhiên:
- Anh Tảo lại về Việt Nam nữa sao? Ảnh về hồi nào sao anh không nói cho em biết vậy? Vậy bây giờ ai quản lý tiệm Bàn Tay Đẹp ở B. cho mình?
- Anh có nhiều chuyện quá nên quên báo cho em biết. Hơn nữa, chuyện anh Tảo về Việt Nam không quan trọng cho lắm vì anh đã thuê người quản lý khác rồi. Người này do anh Tảo gới thiệu, rất đàng hoàng và đáng tin, mình không phải lo lắng gì cả.
Dứt lời ông gắp miếng thịt gà bỏ vào miệng, chuyển đề tài:
- Thịt gà kho ngon quá! Em học ở đâu mà kho ngon vậy?
Bà Kim Cúc mỉm cười:
- Nào có học gì ở đâu! Em thử bỏ thêm gia vị bột cà ri kèm với xả ớt cho có vị lạ đấy mà! Chịu khó ăn đi đừng ghẹo!
- Chịu khó gì chớ? Có vợ nấu cho ăn như vầy là nhất rồi! Bởi vậy mà anh muốn em ở nhà lo việc nội trợ và chăm con. Em ở nhà vẫn tốt hơn đi làm, ngồi lâu ở tiệm móng tay không tốt cho sức khỏe đâu.
- Em đã quen với công việc bao nhiêu năm, ở nhà thấy buồn lắm. Loan đã xin nghỉ làm và thời khóa biểu học mùa xuân của nó tiện cho việc đưa rước Lisa cho nên sau Tết em ra tiệm lại. Em cũng đã hứa dạy cho cháu gái của chị Hậu làm móng tay vào tháng hai năm tới rồi.
Ông Hoàng ngừng nhai:
- Sức khỏe của em đã khôi phục hẳn chưa mà em đi làm lại? Hơn nữa ba tiệm Bàn Tay Đẹp đều đủ thợ, em hứa nhận dạy chi cho mệt thân vậy?
Bà Kim Cúc trả lời với ánh mắt tự tin:
- Em đã hết ho hẳn rồi và không cần dùng ống xịt trị suyễn nữa.
Cô Loan chen vào:
- Con cũng có thể nấu thức ăn ngon cho ba mà. Ba đừng lo!
Ông Hoàng lắc đầu:
- Ba không nề hà chuyện ăn ngon hay dở. Ba muốn mẹ con được an nhàn. Sức khỏe của mẹ con không ổn định lắm. Hơn nữa, bao nhiêu năm mẹ con làm vất vả rồi, nay tiền bạc trong gia đình đã ổn, không cần phải vất vả thêm.
Cậu Phụng nói:
- Nhưng nếu mẹ nói mẹ thấy vui khi mẹ đi làm thì hãy để mẹ đi làm lại. Con cũng có thể phụ Loan đón Lisa về và dạy nó học. Ba đừng lo, Lisa cũng lớn rồi và ngoan hơn từ lúc ông bà ngoại về Việt Nam.
Cô bé Lisa phụng phịu:
- Ông bà ngoại đâu có làm em hư! Không có ông bà ngoại ở đây ai cũng ăn hiếp em!
Ông Hoàng nhìn nó với ánh mắt dịu dàng:
- Lisa là út cưng của ba mẹ mà ai dám ăn hiếp được. Ngoan đi rồi hè tới ba mẹ sẽ cho con đi về Việt Nam thăm ông bà ngoại, các bác, các cô chú.
Đôi Mắt Lisa sáng rỡ:
- Thật vậy không ba?
Bà Kim Cúc ngừng nhai, hỏi theo:
- Anh đã định chắc như vậy rồi hả anh?
- Ừ! Thấy anh Tảo về Việt Nam hoài anh cũng muốn đưa cả gia đình về chơi một lần cho biết. Nghe nói bây giờ Việt Nam thay đổi nhiều lắm, có về Việt Nam chơi cũng không có gì đáng ngại như mình lo sợ hồi giờ đâu.
- Anh định cho cả gia đình đi ư?
Ông Hoàng gật đầu.
- Đúng vậy! Hè tới, hai đứa Phụng Loan đừng đăng ký lớp học nào cả. Cả gia đình cùng về thăm hai họ nội ngoại ở Việt Nam một lần cho biết.
Không một người lên tiếng và ông Hoàng tiếp tục nói với bà Kim Cúc:
- Anh không nghĩ bố mẹ sẽ trở lại đâu. Phải về mới biết tình hình sức khỏe của mẹ ra sao.
- Em hy vọng sau tết 2000 này, bố mẹ sẽ trở về.
- Dù bố mẹ trở về hay còn ở lại bên ấy, vợ chồng mình cũng phải đưa các con về thăm Việt Nam một chuyến cho chúng biết quê hương mình thế nào.
- Còn công việc của mình thì sao?
- Anh rất tin tưởng ba người quản lý của ba tiệm móng tay hiện thời. Ngay cả anh Tảo không trở lại, anh cũng đã có đủ người trông coi các tiệm không phải lo lắng gì cả.
- Anh Tảo không trở lại? Giọng của bà Kim Cúc đầy ngạc nhiên.
- Ừ, nghe đâu anh xin hộ chiếu dài hạn để chăm mẹ ảnh đến khi bà khỏe hẳn mới về lại Mỹ.
- Vậy rồi ai lo cho vợ con ảnh bên này?
- Chị Mai làm móng tay bao nhiêu năm trong tiệm lớn tại khu Mỹ trắng, lại có nhiều khách thích lấy hẹn, chỉ cần gì phụ thuộc đến anh Tảo? Lương của chỉ không chừng nuôi con thoải mái và còn có thể tiếp tế được cho ảnh bên Việt Nam nữa đó. Hai đứa con gái của ảnh chị bây giờ đã lớn, lại biết lo công việc nhà. Con Michelle đã mười sáu rồi còn con Marsha cũng đã mười bốn. Tụi nó lại có bà ngoại ở cùng nhà, được bà ngoại chăm sóc tận tình khác gì mấy đứa con của mình trước đây đâu!
- Bởi vì vậy mà ảnh kiếm được một ít tiền lại về Việt Nam thăm mẹ ảnh ngay không như anh Tiến tuy độc thân mà chẳng muốn đi đâu ngay cả thăm mẹ. Bà Kim Cúc gật gù.
Ông Hoàng lắc đầu:
- Chung qui cũng tại bà cụ không muốn sang đây mà anh em ảnh mỗi người một tính. Anh Tảo thì gắn bó tình cảm với mẹ không nỡ bỏ mẹ bên ấy trong khi anh Tiến thì nhất quyết chờ khi nào hết còn Cộng Sản trên đất nước Việt Nam mới về! Anh cũng nghĩ như ảnh nhưng mà chờ đến bao giờ? Thôi thì thấy thiên hạ đi đi về về không hề gì, mình cũng đi một chuyến xem sao!
Bà Kim Cúc nói với đôi mắt đăm chiêu:
- Em nghe mấy cô thợ nói dạo này Việt Nam có nhiều thay đổi. Mọi sự dễ dàng chứ không như lúc giao thời cho nên anh định cho cả gia đình về thăm quê một lần cũng phải. Em có linh tính là bố mẹ muốn ở lại Việt nam thêm vài tháng nữa chứ không muốn trở về đây ngay. Mấy lần nói điện thoại, em hỏi hoài nhưng bố cứ lảng tránh không cho em biết khi nào bố đưa mẹ trở về. Nếu qua tết mà bố mẹ không về thì em phải về tìm hiểu xem sự thể như thế nào và bệnh tình mẹ tiến triển ra sao.
- Nhân thể mình đưa các con về thăm gia đình hai bên và cho các con đi du lịch nữa chứ!
- Nếu bên ấy thay đổi như lời đồn thì mình tha hồ cho các con đi du lịch khắp nơi phải không anh?
Cậu Phụng, cô Loan và bé Lisa chăm chú lắng nghe đối thoại của ba mẹ họ đến đỗi quên cả nhai. Ánh mắt họ toát lên sự háo hức và vui thú.
Ông Hoàng gật gù trong khi gát đũa trên chén:
- Đúng vậy! Sài Gòn, Long Xuyên, rồi Bình Dương ... Nếu thuận lợi thì mình thuê xe đi thêm các nơi khác như Đà Lạt, Nha Trang, Huế hay có thể là Hà Nội, Hải Phòng để cho các con biết một vài danh lam thắng cảnh của Việt Nam.
Bà Kim Cúc buông đũa theo chồng, nói vội vã:
- Mẹ phải chuẩn bị để đi với ba. Các con ăn từ từ xong giúp mẹ dọn dẹp. Lisa ở nhà ngoan với anh chị, đến hè sẽ được đi Việt Nam.
Cậu Phụng và cô Loan gật đầu ưng thuận trong khi bé Lisa nhoẻn miệng cười toe toét.
Tối hôm ấy vợ chồng ông Hoàng lái xe đến khu buôn bán F., một trong các thương xá lớn tại quận M. của tiểu bang Maryland. Sau khi đậu xe, họ đi bộ dọc theo các tiệm sáng choang ánh đèn và hàng hóa rực rỡ muôn màu muôn sắc. Đi bên nhau vừa nói nói cười cười vui vẻ, họ thật sự là một cặp vợ chồng đầy hạnh phúc.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 8

Những cánh tuyết mỏng rơi lất phất và rời rạc khi chiếc xe Honda đỏ hướng về đại lộ K. Mặt trời từ từ hiện rõ sau những đám mây xa xa phía trước và những tia nắng long lanh của nó hình như đang làm gián đoạn sự tuôn rơi của những cánh tuyết mỏng manh. Hòa theo tiếng rè rè của máy sưởi trong xe, tiếng cười rộn vui của bà Kim Cúc vang lên từng hồi. Bà cười một mình như người có tâm thần không ổn định nhưng thực sự chỉ bởi vì nhớ lại đôi mắt giễu cợt của cô Loan, và cái cau mày của cậu Phụng khi bà nói câu “Ngày xuất hành đi làm mà gặp trời mưa hay tuyết sẽ là ngày thành công của mẹ!” trước lúc rời khỏi nhà. Vẫn biết là sẽ nhận lấy những con mắt chế giễu hay những lời phàn nàn phản đối của hai đứa con lớn, bà Kim Cúc thường hay nói những câu mê tín dị đoan mà đám thợ thường kháo nhau để lôi kéo sự chú ý hoặc được nghe những câu hỏi lại bằng tiếng Việt. Sáng hôm ấy, mặc dù bà cố tình nhắc đi nhắc lại hai lần về sự may mắn khi thấy “nước trời ban” trong ngày đầu tiên khởi hành việc làm nhưng cả cậu Phụng, và cô Loan không nói năng gì. Câu căn dặn duy nhất mà cô Loan nói khi tiễn bà ra cửa là “Mẹ nhớ lái xe cẩn thận!”
Thực ra hôm ấy không phải là ngày bắt đầu đi làm lại của bà Kim Cúc. Bà đã đến Baltimore để thăm hai tiệm Bàn Tay Đẹp ở thương xá P. và L. cả ngày hôm trước để thăm hỏi những người thợ, và vài người khách cũ một cách tận tình và chu đáo. Đối với bà, tuy hai tiệm Bàn Tay Đẹp ở thương xá P. và L. không còn được bà quản lý trực tiếp như tiệm Bàn Tay Đẹp ở khu thương mại B. nhưng chúng là hai tiệm có nhiều kỷ niệm đáng nhớ bởi vì những người khách đến với hai tiệm này và những người thợ làm ở đó là những người thân thiết ngay từ lúc vợ chồng bà chân ướt chân ráo đến lập nghiệp tại vùng Maryland. Với số vốn dành dụm được trong bao nhiêu năm làm việc, nghề thẩm mỹ học tại California, và sự giúp đỡ tận lực của ông bà cụ Đức, vợ chồng bà đã không ngừng làm ăn cần mẫn cho đến lúc cơ sở kinh doanh của họ mỗi lúc mỗi phát đạt hơn. Sự thành công của hai tiệm Bàn Tay Đẹp trong vùng Baltimore là nhờ vào sự gắn bó lâu dài của khách, sự trung thành của đám thợ và sự đắc lực của hai người quản lý mà trước đây họ từng là bạn cố tri của ông Hoàng. Bà Kim Cúc thực hiện chuyến viếng thăm hai tiệm cũ trong ngày hôm trước với mục đích vì tình nghĩa chứ không phải là một cuộc kiểm tra đột xuất. Để khích lệ tinh thần làm việc của hai nhóm thợ và tạo nên mối tình cảm gắn bó và thân thiết hơn giữa chủ và thợ, bà đã ra công lái xe đến tiệm thực phẩm Việt Nam ở quận Montgomery để mua một số thức ăn Việt rồi vòng xe về Baltimore làm quà đặc biệt cho các anh chị em thợ ở đó.
Đến tiệm Bàn Tay Đẹp trong khu thương mại B hôm ấy, tuy không có món ăn nào ở tiệm thực phẩm Việt Nam tại thương xá M., bà đã có hai món bò bía và mì thập cẩm với dầu mè do chính tay bà làm ra. Trước thời gian nghỉ ở nhà cũng thế, mỗi ngày đi làm ở tiệm Bàn Tay Đẹp trong khu thương mại B., bà thường làm vài món thức ăn trưa cho mình và cả cho đám thợ. Với cách ấy, bà tin rằng mối thân tình giữa thợ và bà trở nên khăng khít và tình nghĩa hơn. Nghĩ đến những khuôn mặt hớn hở của các cô thợ khi thấy những món ăn ưa thích, bà Kim Cúc mỉm cười ấn nút radio trước khi bẻ tay lái về phía tay phải theo lối ra Quốc lộ 50. Tin thời tiết báo cho biết là cơn tuyết tối hôm qua sẽ được ngưng vào giữa trưa ngày hôm nay và khí trời ấm áp hơn nhiều so với thời gian cùng thời kỳ năm ngoái. Vẻ mặt hân hoan, bà Kim Cúc bấm sang nút cassette nơi phát xuất giọng ca ngân dài luyến cao của một nữ ca sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn trước năm 1975 “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại. Cuộc tình nào đã ra khơi khi ta còn mãi nới đây ...” Yên lặng lắng nghe lời hát và mơ màng nhìn luồng xe chạy chầm chập trong những cánh tuyết rơi trước mặt, bà Kim Cúc nhớ đến người cha thân yêu của bà. Ông cụ Đức thường hay nghe những bài hát xưa để hoài niệm về những kỷ niệm cũ và những tháng ngày đã mất. Còn bà khi nghe những bài hát yêu thích của bố mình như lúc ấy thì bà lại nhớ đến ông nhiều hơn. Thường thường, trong những ngày mưa hay tuyết nhẹ như thế ông cụ thường kiếm cớ đi đến tiệm móng tay với bà để động viên bà duy trì giờ giấc đúng theo thời gian qui định trên tấm bảng ghi giờ phục vụ cho khách hàng và để trông tiệm giúp bà trong trường hợp thợ báo nghỉ làm. Ông cụ thường khích lệ bà tuân theo những qui định đề ra để làm gương cho nhân viên và đồng thời để phát triển công việc kinh doanh một cách đều đặn và nhịp nhàng. Ông cụ đã tỏ ra lo lắng khá nhiều cho công việc của bà giống như công việc ấy là của riêng ông. Và cũng vì ông cụ quá lo lắng cho công việc của con mình, khi mới chân ướt chân ráo đến California, ông đã cùng bà cụ Đức ghi danh học móng tay để giúp con và rể của mình khi chúng mở tiệm. Trong thời gian vợ chồng bà Kim Cúc mở tiệm móng tay đầu tiên tại California, bố mẹ của bà đã luân phiên trông coi dạy dỗ những đứa con của bà vừa hết lòng giúp đỡ bà phục vụ cho khách hàng tại những tiệm móng tay mà vợ chồng bà tậu được. Với khả năng khéo tay bẩm sinh, hai ông bà cụ đã giúp bà làm móng bột, trang trí hình kiểu trên móng bằng máy phun. Đặc biệt là bà cụ Đức vẽ các kiểu bằng tay sắc sảo chẳng khác gì con gái mặc dù lúc bắt đầu vào nghề bà cụ đã ở độ tuổi năm mươi. Tiếp tục giúp đỡ vợ chồng bà mọi chuyện trong gia đình lẫn công việc kinh doanh khi vợ chồng bà dời về ở Maryland, hai vị thân sinh của bà chẳng bao giờ nề hà công sức bỏ ra hay thắc mắc chuyện tiền bạc bồi trả. Niềm vui chính trong cuộc sống của họ ở Mỹ là được thấy sự thành công của rể, con và cháu của họ. Bố mẹ của bà xưa nay luôn luôn là người phóng khoáng; họ luôn nghĩ đến sự ban cho những người thân trong gia đình hơn là nhận lấy. Và vì lẽ ấy, càng nghĩ đến ông bà cụ, bà Kim Cúc càng cảm kích tình cảm dạt dào của hai vị sinh thành đã dành cho bà và gia đình bà. Nuối tiếc thời gian đầm ấm mà bố mẹ của bà sống chung với gia đình bà và những ngày hạnh phúc bên họ, bà càng thấm thía hơn với sự hy sinh cao cả của ông bà cụ. Bố mẹ bà đã bỏ biết bao công sức cho gia đình bà nhưng chẳng bao giờ hỏi han đến tiền bạc hay bất kỳ loại vật chất nào để bù đắp lại những gì mà họ đã bỏ ra. Bà nhớ lại sau bao lần lúng túng với việc gửi tiền hàng tháng cho họ, ông Hoàng và bà đã tìm cách lén lút vào căn phòng riêng của họ để đặt những phong bì chứa tiền. Hành động như thế vì cả hai thực tâm muốn gầy số vốn riêng cho ông bà cụ với lòng kính trọng chứ không phải là trả tiền cho thợ hay người làm công. Gửi tiền qua lối kín đáo này thường xuyên rất lâu nhưng bà Kim Cúc không hề nghe ông cụ Đức cho biết đã nhận được tiền, tán thành việc làm kín đáo tế nhị ấy hay phàn nàn số tiền đã nhận khá nhiều hay quá ít. Sự im lặng của họ, cho đến lúc nghĩ lại như lúc ấy, đã làm bà không hiểu số tiền gửi hàng tháng ấy có đáp ứng mọi yêu cầu chi tiêu của họ không nhưng rồi bà tự an ủi rằng vợ chồng bà đã để tiền trong phong bì trội hơn nhiều so với mức chi tiêu hàng tháng của họ tùy theo mức thu nhập hàng tháng của vợ chồng bà và rằng ông bà cụ Đức không phải mua sắm hay chi phí bất cứ vật dụng hay thực phẩm gì cho gia đình bởi vì chồng của bà và bà đã lo mua sắm đầy đủ trong nhà từ cái lớn đến cái vặt vãnh nhất. Tuy nhiên, bà chợt nhớ ra là chưa bao giờ bố hay mẹ của bà hỏi thăm, hỏi dò số tiền thu nhập lời lỗ của vợ chồng bà, chưa bao giờ than vãn hỏi thêm chi phí hàng tháng và cũng chưa bao giờ đề cập đến chuyện cần tiền để làm công nọ việc kia. Ky cóp được bao nhiêu hai ông bà cụ lại giắm giúi gửi cho ông cụ Phúc, chú ruột của bà, và bà Bạch Mai, người chị duy nhất của bà, vẫn còn ở Việt Nam.
Bồi hồi nhớ lại ngày bác sĩ phát hiện chứng viêm gan của bà cụ Đức, bà Kim Cúc buồn bã nhận thấy là ngày ấy là một ngày ảm đạm nhất đối với gia đình bà. Khi ông cụ Đức cương quyết đưa bà cụ trở về quê nhà với lý do chứng bệnh viêm gan trong thời kỳ trầm trọng nhất của bà cụ thích hợp với lối chữa trị phương pháp Đông y hơn Tây y thì bà Kim Cúc đã hiểu sinh hoạt bình lặng và êm đềm của gia đình bà sẽ bị xáo trộn hẳn. Mà thật là như thế, sau khi chuẩn bị mọi thứ và tiễn bố mẹ lên đường, bà Kim Cúc đã phải vất vả tự trông nom tiệm Bàn Tay Đẹp ở khu thương mại B., chạy vật liệu cho ba tiệm móng tay, đưa đón con Lisa từ các lớp học tiếng Việt đến các lớp học thêm khác, và chăm lo mọi việc trong gia đình. Một tháng sau đó, vì chứng ho kéo dài đến lên suyễn và vì sức khoẻ suy nhược, bà đã phải nằm điều trị tại bệnh viện và đã phó thác tất cả việc làm ở nhà và kinh doanh cho ông Hoàng lo liệu. Nghi ngại khí hóa học trong tiệm móng tay ảnh hưởng sức khỏe những người thường xuyên làm việc ở đó, và đồng thời muốn vợ của mình ổn định tinh thần trước chuyện đột ngột xảy ra, ông Hoàng quyết định cho Lisa nghỉ các lớp học thêm sau giờ học ở trường và cương quyết bảo bà giao hẳn việc quản lý tiệm Bàn Tay Đẹp trong khu thương mại B. cho ông Tảo, người bạn thân và là người thợ tín cẩn nhất trong tiệm, quản lý và khoán hẳn việc chạy vật liệu, tính toán chi thu hai tiệm Bàn Tay Đẹp ở thương xá P. và L. cho hai ôngTiến và Thương lo liệu. Thế là từ sau trận ốm kịch liệt, bà hoàn toàn để mặc tiệm Bàn Tay Đẹp ở khu thương mại B. cho anh quản lý Tảo và ông Hoàng bàn bạc giải quyết mà cho đến lúc bấy giờ ngoài chuyện biết thu nhập của tiệm tăng cao, bà không hề biết công việc đang phân bố và điều động trong tiệm như thể nào.
Với cảm giác buồn lâng lâng trong lòng, bà Kim Cúc giảm tốc độ của xe và giữ khoảng cách khá xa với chiếc xe trước mặt trong khi lái từ từ và chầm chậm. Khi chiếc xe Honda đỏ rẽ vào lối ra số hai, tiến vào đại lộ V. và ngang qua các con đường đầy tuyết trắng dẫn đến thương mại B., cảm giác nhớ nhung bố mẹ và lo lắng cho công việc kinh doanh của bà hoàn toàn được thay bằng cảm giác ân hận. Bà ân hận là đã không nghe lời ông Hoàng gọi cho cô Vân hủy lời hứa nên phải lặn lội đi làm trong tháng lạnh nhất của mùa đông tại miền Đông của nước Mỹ này. Lòng vòng trong chỗ đậu xe một lúc bà quyết định đậu xe ngay trước cửa tiệm thay vì chừa chỗ đậu cho khách hàng như thói quen xưa. Tắt máy xe, khuôn mặt bà rạng rỡ hẳn lên khi nhìn bảng hiệu Bàn Tay Đẹp. Trước đây bà luôn luôn nghĩ rằng mua tiệm cũ do người chủ cũ đã gầy dựng khách vẫn có nhiều thuận lợi hơn là đương thân mở tiệm và tự gây dựng khách hàng ngay từ lúc ban đầu tuy nhiên vì thuận lòng với sự tính toán của chồng, bà đã bằng lòng theo quyết định của ông. Ông Hoàng cho rằng tiệm Bàn Tay Đẹp trong khu thương mại B sẽ thành công chắc chắn trong việc gầy dựng khách bởi vì nó nằm ngay mặt tiền của thương xá nơi mà có nhiều loại kinh doanh nhộn nhịp và khác nhau, gần các tuyến xe buýt và xe điện, và nhất là gần các cơ quan chính phủ và khu cư dân có mật độ dân số cao. Những người kinh doanh ngành móng tay có lẽ cũng đã lý luận như ông Hoàng, nhưng họ không dám liều mua một tiệm văn phòng phẩm cũ để gầy dựng nên tiệm Làm Móng Tay mới tinh trong khu vực đã có một tiệm làm tóc và chút ít phục vụ làm tay chân nước của một người bản xứ gần đó. Họ cũng không thể nào ngờ tiệm Bàn Tay Đẹp này gầy dựng vô số khách hàng chỉ sau hai tuần lễ. Số khách của tiệm tăng trưởng, không những từ các nguồn mà ông Hoàng tính toán mà ngay cả từ tiệm làm tóc, mỗi ngày một nhiều. Nhờ vậy mà chỉ hơn hai năm thôi, vợ chồng bà thu nhập lợi tức từ tiệm này vượt xa hai tiệm Bàn Tay Đẹp tại thương xá P và L. ở Baltimore đến gấp đôi.
Trong lúc bà Kim Cúc đang đăm chiêu suy nghĩ trong xe, tấm kính sáng bóng của tiệm móng tay Bàn Tay Đẹp trước mặt bất thần được mở toang và một cô gái với mái tóc tém hơi giống kiểu con trai chạy ào ra, nói to:
- Cô Hoàng! Cô đi làm lại rồi! Cô khỏe lại hẳn rồi phải không? Mừng quá!
Bà Kim Cúc vừa mở cửa xe vừa giục:
- Trở vào tiệm đi chứ lạnh! Cô vào ngay đây!
Trong lúc bà Kim Cúc đóng cửa xe, vài cô gái khác lại chạy ra bu quanh bà với những tiếng reo rối rít “Cô đi làm lại luôn phải không cô Hoàng?”, “Chị Kim Cúc ra tiệm với tụi em luôn đó chứ!”, “Chị đừng nói là chị ghé thăm tiệm thôi nghe chị Ann!”
Trao cho đám con gái gói thức ăn và theo họ vào tiệm với niềm vui sướng rộn ràng, bà Kim Cúc hỏi đùa:
- Khách đâu mà mấy đứa nhởn nhơ như thế này? Có phải mấy em vừa mới “luyện chưởng” đó không?
- Không đâu chị Ann! Tụi em đang “dợt” tay nghề bởi vì những người mới đến năng nổ quá. Họ muốn chứng tỏ tụi em là người có tội đó mà?
- Người mới nào mà siêng năng làm việc vậy?
Vừa dứt lời, bà Kim Cúc suýt đánh rơi chiếc xách tay xuống nền nhà bởi vì trước mặt bà người quản lý ngồi ở quầy tiếp khách là người thanh niên có tên Duy Anh và người đứng bên cạnh anh ta là cô Vân, cháu của bà Hậu.