Do quá mệt sau một chuyến đi dài từ Sài Gòn lên, nên Hậu đã ngủ một giấc từ năm giờ chiều cho đến khi giật mình tỉnh lại, nhìn đồng hồ anh mới biết lúc ấy đã hơn mười giờ đêm!
Vừa định bước xuống giường thì Hậu đã nghe tiếng của ông Tư Hiền quản gia:
Hậu vừa ngáp vừa trả lời:
- Mới dậy chú Tư ơi. Còn buồn ngủ quá trời!
Ông già Tư đẩy cửa bước vào, vừa nhìn Hậu vừa lắc đầu:
- Đúng là thanh niên sức voi mà, ngủ bỏ cả cơm chiều, tôi kêu đến gần chục lần mà cậu vẫn không dậy.
Hậu vỗ vỗ bụng:
- Quả là đói thật. Nhưng ngủ vẫn ngon hơn!
Già Tư chỉ tay ra ngoài:
- Phải chi cậu không ngủ thì lúc chín giờ ra ngoài sau vườn nhìn trăng lên đẹp mê hồn luôn!
Hậu tiếc rẻ:
- Vậy sao chú Tư không kêu con dậy, con mê xem trăng lên mà!
Ông già Tư lắc đầu:
- Thiếu điều thổi còi báo động mà cậu có chịu thức đâu. Thôi để đêm mai, trăng còn tròn tới đêm mốt kia mà.
Hậu vừa vươn vai vừa bước ra ngoài:
- Cho giãn gân cốt một chút.
Già Tư lo ngại:
- Trời giờ này trở lạnh, gió đêm nay lại lớn, coi chừng mưa đó cậu.
Hậu cười vừa vỗ vai người quản gia già mà anh coi như người thân:
- Con còn đang muốn có mưa để tắm đây, nóng phát điên được!
Biết không thể ngăn cậu chủ bướng bỉnh, nên già Tư dặn thêm:
- Cậu chỉ nên quanh quẩn trong sân vườn thôi. Trời tối không nên đi xa ngoài kia!
Động sự tò mò mà bấy lâu nay Hậu chưa có dịp để hỏi:
- Ở ngoài sau vườn nhà mình có gì mà cả ba con ngày trước, cho tới chú bây giờ lúc nào cùng nhắc chừng như không muốn ai ra ngoài đó là sao vậy?
Già Tư đáp lửng lơ:
- Thì nhiều bụi rậm, vả lại ban đêm nữa...
Hậu không hỏi thêm, anh lững thững bước ra sân, chỉ định đứng chơi, hóng mát một lúc rồi vào, nhưng chỉ sau vài chục giây thì lại mon men bước theo lối mòn, đi vào vườn.
Trời đêm mát dịu, gió nhè nhẹ càng khiến cho Hậu thích thú, cứ đi tới mà quên lời dặn của già Tư.
Ngôi nhà của cha anh xây từ khi ông mới khởi đầu sự nghiệp đồn điền ở đây nên đất chúng quanh nhà rộng mênh mông, có đến gần chục mẫu. Nào cây ăn trái, nào cây tự nhiên, chúng chen nhau mọc, khiến càng đi sâu vào Hậu có cảm giác như vào một khu rừng thật sự. Cảm giác thoải mái khiến cho Hậu quên cả cơn đói đang cồn cào trong bụng. Anh tự nhủ:
- Khung cảnh kỳ thú như vậy mà bấy lâu nay mình không ra mà thưởng thức!
Tuy là con cả của chủ gia, mà hiện nay lại là người thừa kế chính thức sản nghiệp này, nhưng rất ít khi Hậu về đây. Nội việc quản lý một loạt nhà máy, xí nghiệp mà ba anh trước khi chết đã di chúc để lại và căn dặn Hậu phải ngày càng phát triển nó lên, không được chểnh mảng để nó lụn bại.
Là một nghiệp chủ cần mẫn, có đầu óc làm giàu nên từ mấy chục năm trước, khi chỉ là một người làm công ăn lương cho một ông chủ Tây, ba Hậu, tên thường được gọi là ông Tám Xung, đã từng bước tạo dựng nên cơ ngơi, sản nghiệp vào loại cự phách, đứng trong hàng mười đại nghiệp chủ xứ này.
Tiếc rằng ông đã mất khi tuổi chưa đầy bảy chục. Và trong lúc Hậu, đứa con trai duy nhất của ông chưa chín chắn trong thương trường.
Đang mải mê bước, chợt Hậu khựng lại khi nghe có tiếng ai hát khe khẽ gần đây...
- Ai vậy?
Hậu lắng nghe thật kỹ và xác định nó ở phía tay phải, tức phía sau rặng cây rậm và cao. Giọng hát ru em thì đúng hơn, nhưng người hát có chất giọng thanh, trong và dịu dàng nên âm thanh phát ra trong đêm thanh vắng đã hớp hồn ngay người nghe như Hậu.
Anh khựng lại một lúc, rồi bỏ cả lối mòn, băng qua vạt cỏ thấp không có lối. Do đây là khu vườn có làm cỏ thường xuyên, nên tuy không có đường mòn, nhưng Hậu cũng bước tới dễ dàng, để chỉ nửa phút sau đó anh đã tiếp cận được nơi phát ra tiếng hát ru. Thì ra nó ở bên kia dãy hàng rào tre gai cao quá đầu. Nơi phát ra tiếng ru có một đốm lửa lờ mờ, hình như là ngọn đèn dầu.
Hậu đứng im, cố nghe và như muốn nuốt từng câu chữ trong câu hát, bởi càng đứng gần thì giọng ru đó càng có sức thu hút lạ thường. Anh thẫn thờ tự nhủ:
- Sao lại có cô nào có giọng hát hay và lạ như thế?
Hậu đoán chắc bên đó có một xóm nhà, mà do đêm tối anh không nhìn thấy.
- Ước gì...
Hậu Ìa người thích nghe hát, anh lại say mê những người hát giọng thanh trong như cô gái này. Một lần, chỉ vì mê một giọng hát như vậy, Hậu đã liên tục trong gần một tháng trời, đã tới ngồi phòng trà chỉ để nghe một cô ca sĩ hát, mặc dù cô ta chỉ là ca sĩ hạng hai và không đẹp. Anh từng lập luận:
- Hát hay thì không cần phải đẹp, bởi thanh âm đã quyết định tất cả.
Nghe kỹ một lúc, Hậu lại phát hiện ra lời bài hát ru không phải là những điệu hát ru cũ mà lời ru hoàn toàn mới. Thì ra người hát tự đặt, hoặc đó là một bài tân nhạc được biến thành hát ru, nên nghe vừa lạ lại vừa dễ gây thích thú cho người nghe.
- Kìa cậu...
Tiếng của ông già Tư sau lưng. Hậu quay lại, anh hơi bực mình:
- Con đi dạo mát, sao chú Tư theo ra làm gì.
Già Tư có vẻ lo lắng:
- Nửa đêm mà cậu đi ra đây, bảo sao tôi không lo?
Hậu cau mày:
- Vườn nhà mình chứ phải trong rừng trong rú gì đâu mà chú ngại?
Rồi anh hỏi tiếp liền:
- Bên kia có xóm nhà phải không chú Tư?
Già Tư ngạc nhiên:
- Bên nào? Làm gì có...
- Thì bên phía có tiếng ru kia kìa.
Lúc ấy chẳng hiểu sao tiếng hát ru đã ngưng bặt, nên già Tư hỏi lại:
- Tiếng hát gì ở đâu?
Hậu đành phải chỉ tay qua hàng rào:
- Bên đó đó! Con mới nghe ai hát ngọt ngào lắm.
Tự dưng ông già Tư tái mặt, ông kéo tay Hậu quay trở lại ngay:
- Cậu đừng đứng ở đây!
Bị lôi đi bất ngờ, Hậu không cưỡng lại được, nhưng chừng vài chục bước anh đã giằng tay ra và gắt lên:
- Sao chú làm vậy, cháu đâu phải trẻ con!
- Nhưng... tốt hơn là cậu nên vào nhà. Tôi đã hâm cơm và dọn ra rồi, cậu vào ăn cho nóng.
Hậu không còn cách nào hơn, nên anh lững thững đi theo vào nhà. Tuy nhiên trong đầu anh vẫn còn nghe văng vẳng tiếng hát ru kia...
Anh vụt hỏi:
- Bên đó ai ở vậy chú Tư?
Già Tư đáp không tự nhiên:
- Có ai đâu. Nơi đó...
- Chắc chắn là có xóm nhà. Vậy mà lâu nay con cứ nghĩ nhà mình ở giữa rừng, cách ly với mọi thôn xóm, như có lần ba con nói, ông không thích có xóm làng ở gần.
- Ừ!
- Chú xác nhận với con là có xóm làng ở nơi đó phải không?
- Đâu có! Tôi nói lời ông bảo là đúng. Sinh tiền ông không thích chung đụng với người khác. Hồi xây ngôi nhà này cũng thế, đúng ra nó ở cách đây hơn hai cây số, chỗ ranh đất phía đông, nhưng do nó gần với xóm của cư dân, nên ông chủ chuyển qua đây dựng nhà và tỏ ra thích thú lắm.
Lúc ngồi ăn cơm, chợt nhớ ra Hậu lại hỏi:
- Có ai quen mà thường qua lại với nhà mình không chú Tư?
- Cậu quên lời tôi kể sao, lúc sinh tiền ông có thích giao du với ai ở xử này đâu mà quen với biết?
- Kể cả khách của chú cũng không sao?
Già Tư lắc đầu:
- Tôi sống như cái bóng giữa cuộc đời này thì làm gì giao du với ai!
Hậu nhận ra mình vừa chạm vào nỗi đau riêng của ông, nên vội nói:
- Xin lỗi chú!
Hậu cố nuốt cho xong hai chén cơm rồi vội rút ngay về phòng. Khi bước vào phòng chợt Hậu đứng khựng lại, nhìn sững một nhánh lan rừng còn tươi rói đang nằm trên gối của mình.
- Hoa ở đâu vậy?
Bước tới cầm cành hoa lên, Hậu càng ngạc nhiên hơn khi thấy có một chiếc khăn tay màu trắng tinh lót bên dưới. Ở một góc chìếc khăn có thêu một đoá lan rừng màu tím nhạt rất tinh xảo.
- Của ai?
Thừ người ra một lúc rồi Hậu đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm. Phòng anh trống trơn, chỉ có chiếc tủ áo, chiếc bàn viết và chiếc giường ngủ đơn giản. Cả
ba nơi Hậu đều kiểm tra, không phát hiện gì lạ, cửa nẻo thì không có dấu hiệu đã mở. Anh gọi lớn:
- Chú Tư ơi!
Già Tư chạy lên ngay, lo lắng hỏi:
- Gì vậy cậu Hai?
Hậu kịp giấu chiếc khăn tay vào túi, chỉ để nhành hoa lan ở ngoài và hỏi:
- Ai để cành hoa này trong phòng con vậy chú?
Già Tư quá đỗi ngạc nhiên:
- Ủa, tôi đâu có biết! Mà ai để hồi nào vậy?
Hậu xẵng giọng:
- Nếu biết họ để lúc nào thì con hỏi làm gì nữa! Con muốn hỏi, phòng này ngoài con ra còn có ai có chìa khoá không? Lúc nãy chú...
Già Tư đáp vội:
- Tôi không vào phòng cậu làm gì! Vả lại phòng này chỉ có cái chìa khoá duy nhất, tôi đã đưa cho cậu rồi đó. Mà lúc nãy khi đi ra ngoài cậu có quên đóng cửa không đó?
Hậu quả quyết:
- Con có tính xưa nay hễ bước ra khỏi phòng dù là xuống bếp ăn cơm cũng khoá cửa lại, con sợ chuột, gián vào phòng lắm...
Đến phiên ông già Tư ngỡ ngàng:
- Chuyện này kỳ cục quá. Mà ngoài cành hoa này, còn có gì khác nữa không?
Hậu không dám nói đến chiếc khăn, nên lắc đầu:
- Không có!
Ông già Tư nhìn xuống gầm giường:
- Cậu coi có ai trốn dưới này hay trong tủ không!
- Con đã xem rồi, không có gì hết.
Đích thân già Tư xem lại các cửa sổ và quả quyết:
- Phòng này một khi cửa đã khoá thì con gián cũng không vào được, nói chi...
Ông nhìn Hậu như có ý muốn hỏi thêm nhưng ngại nên sau vài giây nhìn tới nhìn lui, ông lẳng lặng bước ra ngoài. Hậu thì vẫn còn ngẩn ngơ khá lâu, mắt cứ đăm đăm nhìn cành hoa lan mà chưa biết phải làm sao. Đến khi chợt nhớ đến chiếc khăn tay, anh lấy ra và bấy giờ mới nhận ra nó có hương thơm nhẹ nhàng, một thứ hương thơm khác lạ, không giống với các loại nước hoa nhân tạo mà anh từng ngửi. Chứng tỏ chắc chắn phòng này vừa có phụ nữ vào.
- Phòng còn mất đồ đạc gì không cậu?
Dù chưa kiểm tra, nhưng Hậu vẫn xua tay:
- Không mất gì hết. Thôi, con muốn ngủ một giấc nữa...
Ông già Tư vừa bước ra thì Hậu đã khoá ngay cửa lại và anh nói như với người thứ hai:
- Tôi không sợ đâu, bây giờ tôi ngủ, nếu có tới đòi lại chiếc khăn tay thì cứ giỏi tới lần nữa xem!
Nói xong anh nằm xuống, tắt đèn như ngầm chờ đợi. Và Hậu ngủ thiếp đi lúc gà rừng gáy canh một.
Vừa rạng sáng thì giọng ông già Tư oang oang từ ngoài sân:
- Dậy cậu Hai ơi, mặt trời lên rồi!
Hậu choàng tỉnh và việc đầu tiên là anh nhìn bên cạnh, nơi trước lúc ngủ anh đặt cành hoa lan ở cạnh gối. Không còn cành hoa!
Bật ngay dậy, Hậu nhìn quanh và quá đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy cành lan đang được cắm trong chiếc ly uống nước, sắc hoa vẫn còn rất tươi!
- Ai cắm hoa vậy?
Hậu thầm hỏi và chợt nhớ đến vật quan trọng còn nằm trong túi áo của mình, anh đưa tay sờ và... thót tim. Chiếc khăn tay đã biến mất!
Hậu tái mặt, đứng như bị trời trồng khá lâu...
° ° °
Nói dối ông già Tư là ra thị xã gửi thư, nhưng Hậu lại bỏ xe ở một góc rừng, rồi đi bộ vòng ra phía sau đất vườn của mình. Vòng rào khu vườn dài gần cây số, nên Hậu phải mất gần mười lăm phút mới tới phía sau, nơi anh đoán là ngang với chỗ mình đứng đêm qua.
Việc đầu tiên của Hậu là tìm xem nơi này có xóm nhà nào không? Anh hoàn toàn thất vọng, bởi đúng như già Tư nói, chỗ này hoang vắng, không hề có ngôi nhà nào. Ngoại trừ...
Lúc ấy chợt Hậu nhìn thấy một mái nhà thấp bằng xi măng đã khá cũ nằm lẩn khuất trong đám cỏ lau. Anh bước lại gần hơn và giật mình khi nhận ra đó là một nhà mồ với hai ngôi mộ xây nằm song hàng nhau. Mồ không có mộ bia.
- Mồ mả của ai mà để hoang phế thế này?
Hậu cảm cảnh chép miệng vừa đưa tay vẹt cỏ lau bước tới gần hơn. Anh chợt giật mình khi nhận thấy trước mộ có hai cành hoa lan giống y như cành hoa ai đó đã để trong phòng mình!
- Sao lại...
Hậu nhìn quanh một lượt, cố tìm xem có đường mòn nào dẫn vào, để từ đó biết nó dẫn tới chỗ nào đó mà anh cần biết. Có nghĩa là anh đang muốn biết chủ nhân của những cành lan này là ai. Nếu là nữ thì hai ngôi mộ này là nam và có thể là...
Vừa khi ấy chợt bên tai Hậu vang lên rất khẽ tiếng hát ru đêm qua. Lần này giọng hát ở xa, chỉ khi gió thuận chiều Hậu mới nghe rõ...
- Đúng là nàng ta rồi!
Hậu quên cả hiểm nguy, anh đạp cỏ gai, nhắm hướng có tiếng hát mà đi thật nhanh, như sợ nó biến mất. Nhưng khi ra khỏi đám cỗ tranh thì không còn nghe âm thanh nào nữa, ngoại trừ tiếng chân chạy của mấy con thỏ rừng.
- Sao lạ vậy?
Hậu dừng lại nghe ngóng một lúc khá lâu, chợt ánh mắt anh nhìn thấy xa xa có vài nóc nhà. Nó ở cách đó có đến vài cây số. Điều đó có nghĩa là nếu có ai hát trong xóm nhà đó thì nơi Hậu đứng cũng không làm sao nghe được. Tuy vậy
Hậu vẫn mừng thầm và anh lại cố bước nhanh về hướng ấy. Cuối cùng thì ngôi nhà tranh đầu tiên cũng hiện ra.
Ngôi nhà trống trước trống sau và không có bóng người. Hậu bước sang ngôi nhà thứ hai cách đó khoảng gần trăm thước. Vẫn như vậy, có nghĩa là nhà trống, chẳng có một ai. Hậu lấy làm lạ, anh cố nhìn kỹ hơn, nhưng rõ ràng đây là những ngôi nhà bỏ hoang, thậm chí một con chó, con gà cũng vắng bóng.
Có tất cả tám ngôi nhà, chúng cách nhau ngót trăm thước, Hậu bước hết từng căn một để quan sát với nỗi thất vọng và ngạc nhiên.
- Chẳng lẽ cả xóm nhà này đều bị bỏ hoang?
Hậu đánh bạo bước vào ngôi nhà ở cuối xóm và giật thót người khi có một con mèo màu đen tuyền chạy thoát ra từ chiếc giường ọp ẹp. Một con mèo hoang! Hậu nghĩ là vậy, nhưng ngay sau đó anh lại vô cùng ngạc nhiên khi thấy con mèo sau khi chạy biến vào đám cỏ tranh đã quay trở lại và giương cặp mắt màu xanh ve chai nhìn về phía anh với sự thân thiện, không sợ sệt hay hung dữ như mèo rừng.
- Mày không sợ tao nữa phải không, vậy thì tới đây xem nào.
Bất ngờ con vật từ từ tiến về phía Hậu và bằng một động tác nhanh như gió, nó phóng từ khoảng cách hơn năm thước đến ngay dưới chân Hậu, vừa giương mắt nhìn anh và cất tiếng kêu "meo meo" rất hiền lành!
- Mày đói hả?
Con mèo lại kêu lên mấy tiếng nữa, rồi nó đưa đầu cọ cọ vào chân của Hậu như Iàm quen, vẻ thân thiện. Anh cúi xuống định vuốt ve nó thì bất thần con vật phóng vèo ra xa, rời chạy đi về hướng lúc nãy. Chạy được vài bước nó lại quay nhìn, như ngầm bảo Hậu đi theo!
- Mày chỉ đường cho tao?
Thầm hỏi và Hậu bước theo hướng đó. Quả đúng là con mèo có ý dẫn đường cho Hậu, nên bước vài chục bước nó lại quay nhìn và cất tiếng kêu "meo meo" như lời động viên, rủ rê.
Hậu thích thú bước theo, anh nói cố cho nó nghe:
- Dẫn đường mà để tôi đi lạc thì không phải là bạn đâu nhé!
Con mèo dường như hiểu, sau lời nói đùa của Hậu nó lại kêu lên ba tiếng "meo meo" rồi nhạy cởn lên như vui thích lắm!
Được một quãng chừng vài trăm mét, nó bỗng dừng lại rồi vẫy vẫy đuôi tỏ dấu hiệu gì đó... Hậu đưa mắt nhìn phía trước và chợt kêu lên:
- Một cái hồ nước!
Trước mặt anh quả là có một hồ nước tuy không lớn lắm, nhưng cũng đủ tạo khung cảnh thơ mộng mà trước đây không bao giờ Hậu nghĩ là có nó. Anh cũng chưa từng nghe cha hay ông già Tư kể về cái hồ này...
- Cám ơn mày nhé, miêu.
Hậu vừa định bước tới bờ hồ thì chợt khựng lại, bởi trước mắt anh, cách chưa tới mười thước, có người phụ nữ đang ngồi dưới gốc một cây kơnia cổ thụ. Nàng ta ngồi như pho tượng đá, hầu như không màng đến sự có mặt của người lạ.
Tần ngần một lúc, Hậu đánh bạo lên tiếng:
- Xin lỗi cô, tôi đường đột đến đây phá tan sự yên tĩnh của cô...
Mặc cho Hậu nói, người kia vẫn không quay lại. Hình như cô ta không nghe thấy!
Hậu lại phảì lên tiếng lần nữa:
- Cô ơi!
Mặc cho Hậu gọi, nàng ta vẫn ngồi bất động. Cho đến khi con mèo bất thần nhảy bổ tới và sà ngay vào lòng nàng ta, lúc ấy cô nàng mới rùng mình một cái và quay người nhìn lại. Hậu kêu lên thảng thốt:
- Ồ, đẹp quá!
Cô nàng còn khá trẻ, tuy ăn mặc lôi thôi rách rưới, nhưng khuôn mặt và mái tóc đen dài thì hoàn toàn tương phản với hình hài. Hậu không tin vào mắt mình, anh dụi mắt hai lượt rồi ấp úng lên tiếng:
- Cô... cô đây là...
Con mèo rúc đầu vào người nàng, chứng tỏ nó và nàng thân nhau lắm. Rồi bất ngờ hơn, nàng lên tiếng:
- Phải là người lương thiện thì con mèo này mới dẫn đường tới đây!
Nàng nói mà không nhìn Hậu, mắt hướng về phía hồ nước và chẳng nói gì thêm, mà nàng lại cất tiếng hát. Đúng là giọng hát ru đêm qua!
Hậu ngẩn ngơ đứng nghe và như bị thu hồn phách. Anh không nhớ là mình đã hành động gì chỉ biết một vài giây sau đó anh đã nhẹ bước tới và lẳng lặng ngồi xuống bên cạnh, chăm chú nghe...
Trong lúc hát thì hầu như cô gái không để ý gì tới chung quanh. Và hơn nữa là vừa hát cô nàng vừa đong đưa hai tay qua lại giống y như đang ru con. Bài hát ngắn, được lặp đi lặp lại vài lần, mà lời thì rõ ràng nàng ta đã tự chế theo ý của mình, nghe vừa thực tế, vừa cảm động. Cuối cùng... nàng khóc nức nở!
Im lặng nãy giờ, lúc này Hậu mới lên tiếng:
- Kìa cô, cô sao vậy?
Không ngờ sự lên tiếng của Hậu lại khiến cho cô nàng kinh hãi đến tột độ, cô ta té ngã sang một bên, rồi giương mắt nhìn anh như nhìn một quái vật, và trong nháy mắt, cô nàng phóng mình tới trước và biến mất sau đám cỏ tranh. Rồi chỉ ít giây sau Hậu nghe có tiếng "ùm" mạnh, y như một người vừa nhảy xuống nước!
Hốt hoảng, Hậu chạy bay xuống sát mé hồ, anh vẫn còn thấy mặt nước khua động. Không kịp suy nghĩ thêm, Hậu để nguyên quần áo, phóng nhanh xuống hồ. Nước buổi sáng khá lạnh nhưng Hậu bất kể, anh nín thở lặn sâu xuống nơi anh thấy có dấu hiệu người vừa nhảy.
Hồ khá sâu, cho nên lặn hết hơi thở đầu mà vẫn chưa thấy gì, Hậu phải trồi lên rồi lấy hơi dài hơn, lặn lần nữa. Trước sau Hậu lặn có đến chục lần mà vẫn không thấy ai dưới nước, đến khi đã đuối sức anh mới quyết định thôi không lặn nữa. Leo Iên bờ với tâm trạng hối tiếc, thương cảm, anh chép miệng:
- Sao nàng lại làm vậy nhỉ?
Bước tới gốc cây định thay quần áo ra vắt khô, bất chợt Hậu nhìn thấy một chiếc áo lụa màu hồng của nữ đang máng trên cành cây thấp ngang tầm nhìn, mà rõ ràng lúc nãy anh không hề thấy.
- Áo của ai?
Hậu cầm thử lên xem thì một hương thơm quen thuộc phả vào mũi khiến anh nhớ ra ngay:
- Của cô ấy!
Cô ấy mà Hậu muốn nói tới là mùi hương mà anh ngửi được ở chiếc khăn tay đêm trước. Hai mùi giống nhau chứng tỏ hai vật là của một người.
Mà đó là người nào? Cô gái hát lúc nãy chắc là không rồi, bởi cô nàng tuy đẹp nhưng ăn mặc lôi thôi, rách rưới, đâu phải mặc chiếc áo này.
Đang lưỡng lự không biết có nên giữ chiếc áo hay máng nó lại cành cây thì bỗng Hậu nhìn thấy một bóng áo hồng lướt nhanh qua đám cỏ tranh phía trước tức phía dẫn về nhà mình, Hậu thốt lên:
- Cô ơi!
Anh cầm luôn chiếc áo trong tay vừa đuổi theo. Chưa quen chạy trong cỏ tranh, nên khi Hậu chạy gần tới bờ rào nhà mình thì chẳng còn thấy bóng dáng người mặc áo hồng kia. Nhìn lại lúc này Hậu mới hay mình đang đứng gần hai ngôi mộ đá cũ. Hai cành lan tươi lúc nãy không còn đó, mà thay vào là hai chiếc hài ướt sũng nước, mỗi chiếc một kiểu khác nhau.
- Ai vừa tới đây?
Hậu còn đang ngẩn ngơ thì chợt nghe có tiếng gọi của ông già Tư:
- Kìa, cậu Hai, sao cậu ở bên đó?
Ông già đang đứng bên rào nhìn sang. Hậu chỉ hai ngôi mộ và hỏi:
- Mồ mả của ai vậy chú Tư?
Ông già Tư hơi ngập ngừng:
- Tôi... tôi cũng không biết.. mộ đó...
Rồi ông giục:
- Cậu không được ở ngoài đó. Không nên đâu!
Ông vừa kêu lên vừa chạy vòng trở ra, ý cho Hậu biết là ông đang chạy qua chỗ đó. Hậu phải la lên:
- Con về liền mà! À mà không, con có chuyện ngoài thị xã phải đi, đến trưa con mới về.
Anh phải rời đó để tránh không cho ông già Tư chạy qua, đồng thời anh không muốn để ông nhìn thấy chiếc áo màu hồng mà mình đang giữ khư khư trên tay.
Khi đi bộ trở ra xe thì lại một lần nữa, Hậu quá đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy trên băng ghế chỗ lái xe ngôi có hai cành hoa lan, giống như hai cành hoa trước hai ngôi mộ lúc nãy.
Nhìn quanh một lượt, Hậu biết anh có cố tìm cũng chẳng được, nên nói bâng quơ:
- Tôi xin nhận những cánh hoa xinh đẹp và cả chiếc áo lụa này. Không được đòi lại đâu nhé!
Hậu rồ xe chạy đi và qua kính chiếu hậu, anh nhìn thấy có một bóng hồng lướt nhanh về phía cuối bờ rào... &
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phần 2: Chuyện tình xưa
Theo đúng như kế hoạch thì sau một tuần Hậu sẽ trở lại Sài Gòn, nhưng qua đến mười ngày mà vẫn chưa thấy anh về, ông già Tư thắc mắc:
- Bộ cậu Hai quên là cậu có phiên họp gì đó với khách hàng ở dưới sao?
Hậu vẫn tỉnh bơ:
- Con đã điện về bảo hoãn lại. Con còn muốn ở lại đây thêm ít hôm nữa.
- Chỉ sợ bà ở nhà lo cậu đi lâu thôi. Từ hôm cậu lên tới nay tôi quên không hỏi bệnh tình của bà lúc này ra sao!
Hậu hơi buồn:
- Má con thì vẫn vậy. Bà vẫn ở bên ngoại con.
Đây là điều tế nhị, bởi vậy già Tư không muốn hỏi, nhưng trên tay ông có một vật mà ông không thể không nhắc tới bà chủ nhà từ trên chục năm nay không trở về đây:
- Sáng sớm nay chẳng hiểu sao vật này lại nằm ở ngay trước sân nhà mình. Khi tôi ra tưới cây thì nhìn thấy, tôi nhận ra ngay là của bà...
Vật đó là chiếc quạt bằng đồi mồi, ở cán quạt có khắc dòng chữ: Tặng Lệ Hoa yêu dấu. Từ nào đến giờ Hậu chưa từng trông thấy, nên anh ngạc nhiên:
- Sao chú biết là của má con?
Ngày trước khi bà lên sống trên này một thời gian dài, ngày nào bà cũng cầm cây quạt này phe phẩy. Hậu cầm lấy xem, khi thấy có tên của mẹ trên đó anh mới tin:
- Lâu nay con không thấy má con xài cây quạt này, nhưng tên đúng là tên của má.
- Hồi bà còn ở đây, có lần bà than là mất chiếc quạt mà bà yêu thích, bà kiếm tùm lum hết mà chẳng thấy. Chẳng hiểu sao bây giờ nó lại ở đây!
- Nhìn nước bóng của cây quạt thì lâu nay có người xài nó, chứ chẳng phải bỏ xó.
Ông đưa cho Hậu:
- Cậu đem về cho bà, chắc là bà mừng lắm.
Hậu chép miệng:
- Không chắc bà còn nhớ.
- Làm sao không, khi đây là vật bất ly thân của bà trước đây mà!
- Nhưng trí nhớ má từng...
Hậu không nói ra chứng bệnh tâm thần mà mẹ đang mang... Anh chỉ cầm lấy quạt và nhẹ lắc đầu.
Sáng nay Hậu không muốn ra ngoài, nên sau khi cầm chiếc quạt, anh định trở về phòng riêng, anh dặn ông già Tư:
- Trưa nay con không ăn cơm, khi nào đói con sẽ tự tìm xuống bếp ăn, chú Tư không phải lo cho con. Nếu có ai tìm chì chú cứ đưa họ lên phòng con, đừng hỏi han lôi thôi, đó là khách riêng của con.
Hậu phải nói như vậy bởi mười giờ sáng hôm nay, anh phải ở trong phòng để chờ một người theo như giấc mơ đêm qua anh được báo trước. Lý do của việc hoãn trở về Sài Gòn cũng nằm trong cuộc hẹn này.
Nửa đêm qua, khi đang mơ màng ngủ, Hậu đã nghe có người gọi tên mình ngoài cửa sổ và căn dặn rất rõ rằng những điều gì anh cần biết thì đúng mười giờ sáng mai có người sẽ tới và cho anh biết tất cả! Hậu cũng không biết mình cần biết điều gì, tuy nhiên nghe như vậy thì anh vô cùng nôn nóng, đồng thời linh tính cũng báo cho anh sẽ có chuyện gì đó...
Đúng ra Hậu cũng không tin hẳn vào chuyện mộng mị, nếu sau khi thức giấc anh không nhìn thấy thêm một nhánh lan rừng nữa nằm cạnh gối mình. Anh quả quyết là chính người nào đó đang theo sát anh, muốn giúp anh chuyện gì đó...
° ° °
Mười giờ...
Hậu hồi hộp chờ đợi và cứ một tiếng động nhỏ bên ngoài cửa cũng làm cho anh bật dậy, mở cửa nhìn ra. Để rồi thất vọng. Cuối cùng anh phải mở cửa đi xuống nhà và hỏi:
- Chưa có ai tìm con sao chú Tư?
Ông già Tư đáp:
- Tôi cũng không dám đi đâu cứ ngồi nhà chờ mà chưa thấy ai.
Hậu lầm bầm rồi đi trở lên lầu. Khi vừa đẩy cửa phòng bước vào anh đã giật bắn người khi thấy một phụ nữ có tuổi ngồi đợi sẵn trong đó!
- Bà là ai?
Trong phòng hơi tối, tuy không nhìn rõ mặt vị khách, nhưng cũng đủ nhận ra đó là một phụ nữ tuổi trên bốn mươi, người gầy, khuôn mặt phúc hậu. Bà để khi Hậu bước hẳn vào phòng rồi mới trả lời câu hỏi:
- Là người mà cậu đang đợi!
- Nhưng... tôi đã khoá cửa khi đi ra, vậy bà vào từ lúc nào vậy?
Bà ta cười nhẹ, nét buồn vẫn không biến khỏi ánh mắt:
- Khi người ta đã muốn vào đâu thì dù có khoá chục lần khoá cũng không thể ngăn được. Huống hồ gì...
Rồi bà nhìn về phía nhánh lan rừng, nói tiếp:
- Như những nhánh lan này, nó có đợi cho cậu mở khoá đâu!
Câu ví von làm cho Hậu giật mình. Anh không ngờ bà ta biết hết việc đã xảy ra trong phòng anh. Vậy bà là...
Người đàn bà vẫn giọng nhẹ nhàng:
- Tôi nói rồi, là người mà cậu cần gặp.
- Nhưng thật ra, tôi chẳng có gì để đợi gặp ai cả. Tôi...
Bà ta chặn ngang lời của Hậu:
- Vậy cậu đi tìm ai và nhảy xuống hồ nước để cứu ai?
Hậu giật mình:
- Thì ra bà biết việc ấy? Và bà là...
Bà ta không đáp mà hỏi lại:
- Hoá ra cậu chỉ vì mê bóng sắc của một cô gái nên mới liều mình cứu cô ta? Nếu đúng như thế thì tôi cũng chẳng cần gặp cậu làm gì. Vậy cậu trả vật kia lại cho tôi.
Hậu giật mình:
- Tôi lấy cái gì của bà?
- Vật cậu đang cầm trên tay đó!
- Cây quạt? Đây là vật vốn của mẹ tôi mà!
- Nhưng hơn mười năm nay nó ở trong tay tôi. Cậu có muốn biết tại sao mẹ cậu lại không có quyền giữ vật ấy không?
Hậu bắt đầu mất kiên nhẫn:
- Bà là ai, tại sao lại như hiềm khích với mẹ tôi?
Người đàn bà bỗng ngửa mặt lên trời cười một tràng dài mà thoạt nghe như tiếng khóc, tiếng rú thì đúng hơn. Hậu còn đang ngơ ngác thì chợt cửa phòng bị kéo ra, ông già Tư xuất hiện và ngơ ngác:
- Chuyện... chuyện gì vậy cậu Hai?
Vừa kịp nhìn thấy người phụ nữ, ông kêu lên kinh ngạc:
- Bà... sao bà lại ở đây, bà Lý?
Sự xuất hiện của ông Tư là ngoài mong đợi, tuy nhiên người đàn bà được gọi là bà Lý kia vẫn bình tĩnh:
- Ông được lệnh của bà ấy cấm không cho tôi về đây hay sao?
Ông già Tư hơi lúng túng:
- Tôi... tôi... chỉ ngạc nhiên. Tại sao bà đã...
- Người đã chết thì không được về gặp mặt ai nữa sao?
Câu nói đó khiến Hậu tái mặt, anh lắp bắp:
- Người... người này...
Người đàn bà không quan tâm đến Hậu mà nhìn về phía ông già Tư.
- Chắc là ông không ngờ phải không, Lê Sang?
Lâu nay Hậu đã quen nghe ông già quản gia là ông Tư Lê hay ông Lê Thành, chứ cái tên Lê Sang là lần đầu. Hậu ngơ ngác:
- Lê Sang là ai?
Người phụ nữ nghiêm giọng:
- Sao ông chưa ngồi xuống, hay là muốn tránh mặt tôi?
- Tôi... tôi...
Nghe cách trả lời và thái độ của ông ta, Hậu đoán chắc là có điều gì đó không bình thường. Tuy nhiên lúc này anh chỉ quan tâm đến việc bà ta là một hồn ma. Anh hơi ngập ngừng và khéo léo lùi dần về phía cửa nhân lúc ông già Tư đang là tâm điểm của câu chuyện.
Tuy nhiên, người đàn bà rất tinh ý, đã lên tiếng ngay:
- Tôi đang cần nói chuyện với cậu, chứ người đàn ông này thì chưa tới lượt. Cậu đừng nên đi như vậy, sẽ không hay.
Hậu đành phải dừng lại, anh lúng túng:
- Bà cần gì ở tôi?
- Chỉ vì cậu là con của người đàn bà tên Lệ Hoa. Mà mẹ cậu thì còn nợ tôi, người phụ nữ nghèo ở thôn hẻo lánh này một món nợ quá Iớn. Tôi cứ tưởng là giữa tôi với bà ta chỉ cần đòi và trả nợ riêng với tôi là xong, nên tôi có ý đợi bà ta. Nào ngờ cậu xuất hiện và làm rắc rối thêm câu chuyện vốn đã quá rối rắm này rồi!
Ông già Tư bỗng kêu lên:
- Tôi xin bà, hãy để cậu ấy ra khỏi cuộc hận thù này, cậu ấy là người vô tội!
Bà ta nghiêm sắc mặt:
- Vô tội là cách đây mười ngày kìa. Con bây giờ thì tự cậu ấy đã biến mình thành một tội đồ mới rồi! Ông hãy hỏi xem, cậu ấy đã gây ra điều gì?
Ông già Tư quay sang Hậu:
- Cậu Hai, cậu đã làm gì?
Hậu ngơ ngác:
- Con có làm gì đâu? Con chỉ mới về đây mười bữa nay, người chung quanh con còn chưa quen nữa là...
- Người chung quanh thì chưa quen, nhưng người sát vách thì cậu đã quen rồi! Chẳng những quen mà cậu còn làm cho tâm hồn trong trắng của một đứa con gái mới lớn phải chao đảo, khổ sở. Theo cậu thì như vậy chưa là tội ác sao?
Hậu như người đang mơ, anh kêu lên:
- Bà nói tôi làm khổ ai? Tôi... tôi...
Lúc ấy chợt bà ta cầm nhánh lan rừng lên, quơ quơ trên không trung, khiến Hậu khựng lại. Anh run giọng hỏi:
- Người chủ của cành hoa này... Cô ấy là...
- Cậu đã nhớ ra khá nhanh, khá khen cho cậu!
- Nhưng tôi chỉ gặp cô ấy có một lần, rồi khi cô ấy Iao xuống hồ tôi đã lao theo mà đâu có gặp. Rồi từ hôm đó tôi đâu có gặp lại lần nào!
Ông già Tư nghe nói tới đó thì chụp lấy vai của Hậu, hốt hoảng:
- Sao cậu làm chuyện đó, cậu Hai! Cậu có biết cô ta là ai không, là... ma đó!
Người đàn bà phá lên cười, giọng sắc lạnh:
- Ma thì sao? Nó đâu đã làm hại ai, nó còn hơn là con người còn sống. Ông thử trả lời tôi nghe coi, người sống như ông, như mụ Lệ Hoa thì so với lũ ma chúng tôi, ai ác hơn ai?
- Tôi không có ý so sánh. Chỉ là vì... cậu Hậu đây hoàn toàn không biết gì, cho nên cậu ấy mới vô tình phạm phải. Mà tôi nghĩ cậu ấy cũng đâu đã làm gì ai...
- Nguỵ biện. Đợi cột cổ nó vào bao đá lần nữa rồi dìm xuống hồ lần thứ hai thì mới gọi là làm gì hay sao. Chuyện nó làm cho một oan hồn sắp đi đầu thai như con Hồng Lan phải chao đảo vì tình, phải trốn bỏ mồ mả đi lang thang là chuyện tốt hay sao?
- Nhưng mà...
Hậu phải chen vào:
- Tôi đâu có làm điều đó. Cô Hồng Lan nào đó đâu có theo con!
Bà ta bất ngờ chỉ tay vào chiếc tủ áo:
- Cậu hãy lấy cái áo của nó ra đây xem! Hồn ma trinh nữ mà mất chiếc áo đang mặc cho một gã con trai thì nói lên điều gì? Ở cõi dương trần thì không sao, nhưng cõi âm thì bị chiếm chiếc áo con gái đã là thất tiết với người ấy rồi!
Hậu kinh hãi:
- Bà nói sao? Chuyện ấy là do...
Giọng bà ta trở nên bi thảm:
- Tôi tới tìm cậu hôm nay là để nói chuyện đó. Hồng Lan là con gái của tôi, nó mất mạng vì bàn tay độc ác của mẹ cậu, tôi đau khổ, nhẫn nhục giữ gìn nó hơn mười năm nay chỉ mong một ngày nó đi đầu thai để thoát kiếp oan hồn, hy vọng hoàn dương. Vậy mà chỉ vì nó phải lòng cậu, không kịp nghĩ suy đã trao thân cho cậu chỉ trong một đêm cậu xuất hiện ở nơi này!
Hậu cố biện minh:
- Một cách ngẫu nhiên, đêm hôm đó tôi nghe tiếng hát ru vọng lại của ai đó, tôi tò mò đi tìm và sáng hôm sau tôi ra chỗ có hai ngôi mộ đá, ở đó tôi gặp một cô gái ăn mặc rách rưới rất đáng thương. Thấy cô ấy nhảy xuống hồ, tôi thương tình nhảy theo tìm, nhưng nào có gặp. Chỉ có thế thôi, chứ nào tôi có hành động gì đâu mà gọi là gây ra tội ác! Tôi cũng hoàn toàn không hay biết chuyện mẹ tôi làm ngày trước, như vậy sao bà trách tôi được.
- Tôi đã nói rồi, con gái cõi âm chỉ cần để người con trai dương thế mặc áo của mình thì coi như thất thân với người đó!
Bà vừa dứt lời thì ông già Tư đã thét lên:
- Cậu Hai ơi, chết rồi!
Hậu còn chưa biết nói sao thì người đàn bà đã vụt đứng lên, cất tiếng cười lạnh lùng rồi bước nhanh ra ngoài theo lối cửa sổ. Già Tư hốt hoảng:
- Bà khoan đã!
Nhưng bóng bà ta đã vụt biến mất! Ông già gục xuống ôm lấy đầu rên rỉ:
- Oan gia nghiệp chướng mà. Trời ơi!
Hậu ngơ ngác:
- Có chuyện gì vậy chú Tư?
Ông già ôm lấy vai Hậu lắc mạnh, vừa gào lên:
- Cậu đã gây ra oan nghiệt rồi, cậu biết không?
- Nhưng... oan nghiệt gì?
- Cô gái đó là... là...
Ông nói tới đó thì gục xuống, cổ họng nghẹn lại như bị ai đó bóp, không thốt ra được trọn câu...
- Chú Tư!
Hậu đỡ ông già dậy và đưa lên giường. Nhưng ông đã bị hôn mê từ phút đó.
Lúng túng mãi, cuối cùng cậu mới đưa được già Tư về phòng riêng của ông ta, sau khi xoa dầu, tạm thời giúp ông ấm lại, Hậu trở về phòng mình và định lái xe ra đầu thôn để liên lạc với trạm y tế.
Nhưng anh chưa kịp đi thì đã nghe từ phòng mình có tiếng khóc của trẻ sơ sinh.
- Con nít?
Hốt hoảng, Hậu bước ngay vào và ngẩn người ra khi thấy trên giường mình có một đứa trẻ nằm và cất tiếng khóc thét. Nhìn quanh chẳng thấy ai khác, Hậu nói to:
- Con ai thì đem đi, đây đâu phải là nhà nuôi trẻ. Tôi... tôi...
Đứa trẻ sau khi nghe Hậu lên tiếng thì bỗng ngưng tiếng khóc và đưa hai cánh tay quơ quơ như muốn đòi bế!
Chẳng có ai đáp lời Hậu nên anh lại phải lên tiếng lần nữa:
- Ai vừa mới ở đây?
Nhìn thấy dưới đầu của đứa bé có lót vật gì đó màu hồng, Hậu bước tới gần xem và giật mình:
- Chiếc áo lụa!
Thì ra chiếc áo mà người đàn bà kia lấy đi từ tay anh lúc nãy, bây giờ dùng để lót cho đứa bé nằm. Như vậy...
Hậu mạnh dạn nói lớn:
- Chính bà phải không? Đứa bé này là con ai thì bà đem cho người đó, mắc gì đến tôi!
Lần này đáp lời anh là một vật bay từ ngoài cửa sổ rơi thẳng trước mặt Hậu. Nhìn kỹ lại, Hậu phải một phen giật mình, thảng thốt kêu lên:
- Chiếc quạt đồi mồi!
Hậu nhớ là lúc nãy anh sợ bị mất nên đã kịp cất chiếc quạt này vào ngăn tủ và khoá lại trước khi đi ra ngoài, vậy mà...
Cúi xuống nhặt chiếc quạt lên, Hậu nhìn thấy có mảnh giấy nhỏ kèm theo với dòng chữ:
"Muốn an toàn thì cử giữ đứa trẻ này với cây quạt!".
Không còn cách nào hơn, Hậu đành đau khổ giữ lại đứa bé trong phòng mình...
° ° °
Cứ ngỡ ông già Tư vì quá xúc động nên ngất đi chốc lát, không ngờ đã qua ngày hôm sau mà ông vẫn chưa tỉnh lại hẳn.
Ông chỉ tỉnh táo trong vài giây, nhưng khi vừa nhìn thấy Hậu là ông lại rú lên, rồi sau đó lại rơi vào cơn mê như trước. Hậu lo lắng quá, nhưng chẳng biết phải làm sao, kể cả việc đưa ông Tư đi bệnh viện anh cũng không làm được, bởi phải kẹt cứng bên đứa bé oan nghiệt kia.
Mà cũng Ịa, đứa bé chừng ba bốn tháng tuổi này suốt ngày không thấy đòi bú sữa, mà cũng không khóc. Chỉ khi nào Hậu bỏ đi ra ngoài hơi lâu là nó mới khóc ré lên, rồi khi thấy Hậu bước vào nó lại nín khe.
Hậu tự hỏi, chẳng biết sao nó sống được khi không bú sữa? Bởi vậy anh đi mua hộp sữa bò, đem về pha cho nó và đút thử, nhưng đứa bé không chịu bú, Hậu phải ép nó thì đứa bé ọc ra đầy sữa trong miệng. Hậu ngạc nhiên:
- Nó vẫn có bú sữa ! Vậy thì phải chăng...
Hậu nhớ tới hai tay đong đưa của cô gái bên bờ hồ hôm trước, cô ta vừa hát ru vừa đưa con... Phải chăng đứa bé này là của cô ta? Nó là con của một hồn ma!
Hậu đã nuôi đứa bé gái này được ba ngày, không phát hiện ở nó một biểu hiện gì bất thường. Có nghĩa nó vẫn là một đứa bé như bất cứ đứa trẻ nào, không có chút gì gọi là con của ma hết. Điều này khiến cho Hậu lại càng hoang mang, anh muốn gặp lại người đàn bà nhưng chẳng biết phải làm sao.
Với Hậu bây giờ chỉ còn chờ ông già Tư tỉnh lại để anh hỏi cho rõ ngọn nguồn việc mẹ mình thù hằn gì đó với bà ấy, nhưng tình trạng nửa mê nữa tỉnh của ông là như vậy tại càng khiến Hậu rối thêm...
Việc làm ăn ở Sài Gòn cũng đang bị ách tắc. Nhân viên kế toán báo lên cho Hậu một tin bất thường: tài khoản của công ty bất động sản do Hậu làm giám đốc bỗng dưng bị khoá. Chính ngân hàng đã thông báo: có luật sư của một người tên Thiên Lý nộp đơn kiện công ty còn nợ bà ta một số tiền lớn, yêu cầu chờ khi có án lệnh của toà mới cho mở lại tài khoản!
Trước tình hình này, đáng lý ra Hậu phải về ngay để giải quyết, nhưng hiện trạng này Hậu còn biết phải làm sao. Cuối cùng Hậu phải chọn giải pháp đưa ông già Tư và cả đứa bé cùng về Sài Gòn một lúc.
Tính là thế, nhưng khi bế đứa bé lên xe thì nó lại bắt đầu khóc thét lên, còn ông già Tư thì bỗng dưng lăn lộn, rên la dữ dội! Hậu phải dừng xe lại và hướng về phía có hai ngôi mộ khấn vái:
- Tôi xin nhận chịu hết những gì mẹ tôi gây ra, dẫu tôi cũng chưa biết cụ thể là gì. Xin cho tôi đi về Sài Gòn được yên ổn, rồi tôi hứa là sẽ trở lại ngay.
Lời anh vừa dứt thì bỗng một giọng nói phát ra từ miệng của ông già Tư, nhưng là của một phụ nữ:
- Với điều kiện là phải đưa bà mẹ cậu lên đây!
Hậu giật mình:
- Ông Tư, ông nói hay là ai? Mà đưa má con lên đây làm gì, trong khi má con bị tâm thần, bà lại khó đi đứng được nữa!
- Bà mẹ cậu lâu nay không phải do bị liệt chân, mà là do bị người ta giam lỏng ở đó, không cho đi để tránh bị trả thù. Nhưng bây giờ nếu bà ấy không lên đây thì cậu đừng hòng rời khỏi vùng đất oan nghiệt này! Mà trước khi đi hãy để đứa bé lại, sẽ có người lo cho.
- Kìa, chú Tư!
Nghe Hậu gọi lớn thì ông già Tư lại im bặt, hôn mê giống như trước.
- Tôi xin hứa!
Sau khi chở đứa bé về để nó trong phòng mình, Hậu lái xe đưa ông già Tư đi và trót lọt về tới nhà.
Do để mẹ ở nhà ngoại, nên Hậu đưa luôn già Tư về đó. Vừa bước vào nhà, anh đã hết sức ngạc nhiên khi thấy mẹ mình rất tỉnh táo, giương mắt nhìn con trai rồi oà lên khóc nức nở. Bà ngoại Hậu kể:
- Nửa đêm qua tới giờ nó cứ thức dậy, ngồi đó nhìn ra ngoài đường rồi cứ hỏi chừng nào thằng Hậu về? Nó nói nếu con không về trong bữa nay thì mẹ con sẽ không còn gặp lại nhau nữa! Ngoại sợ quá...
Bà Lệ Hoa nhìn con từ đầu đến chân, rồi hỏi như một người bình thường:
- Họ có làm gì con không?
Hậu ngạc nhiên:
- Ai Iàm gì con đâu má?
- Thì họ muốn giết con mà! Tối qua họ còn về tận đây cứ đòi bắt má đi để đổi mạng con. Họ nói nếu má không ra khỏi nhà này thì mạng của con sẽ bỏ lại trên đó.
- Ai vậy?
Bà Lệ Hoa vẫn còn nét sợ hãi:
- Bà Thiên Lý!
- Nhưng... bà ta là ai? Có phải...
Hậu nhớ lời kế toán công ty báo chuyện bà Thiên Lý nào đó ngăn chặn tài khoản công ty, anh kêu lên:
- Chính bà ta rồi!
Bà ngoại ngạc nhiên hỏi:
- Con nói bà nào?
- Bà Thiên Lý!
Mẹ anh sợ hãi:
- Con đã gặp bà ấy phải không?
Hậu nhìn mẹ, không đáp lời bà mà lại hỏi ngược:
- Giữa má và bà ta có chuyện gì với nhau vậy? Bà ta nói là hận má và quyết phải trả thù là sao?
- Chuyện ấy...
Bà Lệ Hoa im Iặng một lúc rồi cuối cùng, bà chậm rãi kể vắn tắt:
- Đó là một chuyện buồn... Bà ấy và ba con đã quan hệ với nhau và gây đau khổ cho má. Bởi vậy cho nên má mới...
Lời bà đang nói thì bỗng ông già Tư lúc ấy vẫn còn mê man, đã lên tiếng:
- Không đúng! Phải có nguyên nhân thì chuyện ấy mới xảy ra. Bà dám nói thật việc làm tội lỗi của mình không?
Giọng của ông già Tư nghe eo éo như một phụ nữ, mà vừa nghe thì bà Lệ Hoa đã tái mặt, lắp bắp:
- Bà... bà là...
- Bà phải nói thật, bà và con người này đã làm điều đồi bại gì, đến nỗi người đàn ông hiền lành, một mực thương vợ đã phải hành động để gọi là trả thù! Nói đi chứ!
Bà Lệ Hoa không nói được, bà cắn chặt đôi môi đến bật máu ra rồi ôm đầu gục xuống! Hậu hốt hoảng:
- Má! Trời ơi, má làm sao vậy? Ông Tư, sao ông nỡ...
Nhưng lúc ấy thì cả ông già Tư cũng trở lại hôn mê. Còn bà Lệ Hoa thì toàn, thân lạnh ngắt, không còn cử động được nữa. Hậu phải lo cứu chữa cho cả hai, nên không còn để ý đến những hiện tượng lạ. Mãi cho đến khi thấy mẹ có dấu hiệu hồi phục, Hậu mới kề tai bà hỏi khẽ:
- Má bị sao vậy Chú Tư hình như không bình thường, má để ý làm gì.
Nhưng bà Lệ Hoa vẫn còn thất thần khi nhìn sang ông già quản gia, bà run run nói:
- Con đưa ông ấy ra phòng khác ngay đi. Hay là đưa ông ấy đi bệnh viện...
Hậu gật đầu:
- Con cũng nghĩ như vậy, nhưng má đang bệnh, con chờ đã...
Bà Lệ Hoa cố nói:
- Má không sao, con cứ đưa ông ấy vào nhà thương đi, má đợi con về rồi nói con nghe chuyện này.
Hậu ngoan ngoãn làm theo. Khoảng một giờ sau anh trở về báo với mẹ:
- Bệnh viện nhận rồi, có lẽ lát nữa mình bảo con Tám Sen vào bệnh viện túc trực lo cho chú ấy.
Bà Lệ Hoa vẫn chưa an tâm:
- Sao con không để chú ở trên đó chữa trị, đem về đây nhà mình đơn chiếc, lấy đâu ra người lo lâu dài cho ông ấy được?
Hậu kể lại sự việc, anh lo lắng:
- Đâu phải con không biết, nhưng bà ấy ra điều kiện như thế, má bảo con phải làm sao?
Nghe kể chuyện đứa bé, hà Lệ Hoa thất thần:
- Sao con nhận nuôi đứa nhỏ làm gì! Nó là oan hồn uổng tử...
Hậu thật lòng:
- Bà ta nói do con đã có quan hệ với hồn ma người con gái ở ngôi mộ đá cạnh vườn nhà mình. Vả lại chính con đã nhìn thấy cô ấy nhảy xuống hồ nước phía sau đất của mình nữa.
Nghe tới đó, bỗng bà Lệ Hoa thét lên:
- Chết rồi!
Rồi bà run lẩy bẩy:
- Sao con... con làm chuyện đó! Con có biết đó cũng là...
Bà chỉ nói được mấy tiếng đó rồi ngất đi, để cho Hậu sự sững sờ, ngơ ngác. Anh tự hỏi:
- Lại chuyện gì nữa đây?
Làm sao Hậu có được câu trả lời khi cả hai người biết chuyện là mẹ anh và ông già Tư đều đang trong tình trạng hôn mê. Hậu đưa mẹ sang phòng bà ngoại và dặn:
- Má con chưa ổn, ngoại giúp trông giùm.
Anh định trở lại bệnh viện, nhưng khi đi ngang qua phòng mẹ, nhìn thấy đồ đạc ngổn ngang, Hậu tạt vào để dọn cho ngăn nắp lại. Tuy nhiên, khi nhìn thấy ngăn tủ nhỏ ở chiếc bàn phấn kéo ra mà chưa đóng lại, anh đưa tay đẩy vào, cũng vừa lúc chợt nhìn thấy một góc tờ giấy ló ra như do ai đó vừa nhét vội vào, Hậu kéo hẳn hộc tủ ra.
Tờ giấy có những chữ viết tháo, lại có màu mực đỏ như máu, khiến Hậu chú ý và đọc vội:
"Nó là đứa con gái mà bà đã nhẫn tâm cùng người tình của mình dìm chết dưới hồ cùng mẹ nó!
Bây giờ nó thay mặt tôi để đòi lại những gì đã mất. Đứa con đó tôi buộc thằng con trai bà phải nuôi, để nó hiểu thế nào là oan nghiệt, là nỗi khổ đau..."
Hậu như bị sét đánh, anh không tin vào mắt mình, nên đọc lại một lần nữa, rồi thều thào:
- Sao lại có chuyện này?
Hậu có linh tính chẳng lành, nên anh kéo luôn ngăn tủ ra, tìm thấy một quyển sổ nhỏ mà anh biết đó là nhật ký của mẹ. Trước khi bị bệnh, đã vài lần bà ngồi viết và từng bảo Hậu: Má viết để sau này con cái biết cuộc đời của má.
Những năm tháng bị tâm thần thì hầu như bà xếp xó không viết nữa, nhưng khi Hậu giở ra thì anh giật mình, bởi những trang cuối có ghi rõ ngày tháng mới đây.
- Má đã viết được trở lại rồi!
Hậu mừng, nhưng khi lật lại những trang trước đây, cách đó rất lâu, chợt anh hốt hoảng kêu lên:
- Cái gì thế này?
Anh đọc được:
"Ngày...
Mình biết được chuyện động trời! anh ta dan díu với con Thiên Lý và có với nó một đứa con, lại là con gái! Nghe nói nó giống mẹ nó như đúc. Có nghĩa là nó cũng xinh đẹp và chắc chắn là anh ta sẽ thương yêu mê mẩn thêm và lại bỏ bê mình. Không thể được!
Ngày...
Mình phải gởi thằng Hậu lại cho bà ngoại nó. Mình phải đích thân tìm lên đó, gặp mặt con đ. ngựa này để cho nó biết tay! Mình không thể chịu thua đau đớn như thế này!
Ngày...
Hiền lưỡng lự không chịu ra tay vì sợ. Mình phải vừa khuyến khích vừa tỏ ra giận dỗi cuối cùng anh ấy mới chịu làm. Khi chạm mặt mẹ con nó mình mới giật mình bởi cả hai đứa đều xinh đẹp! Con Thiên Lý đẹp như người trong tranh còn con bé tuy mới hai tuổi nhưng cũng sắc sảo y như mẹ nó, lại có cái miệng cười và đôi mắt sáng chẳng khác nào Hảo. Đúng là anh ta khéo truyền giống! Mà mình lại càng giận khi nghĩ đến chuyện chồng mình đã san sẽ tình cảm cho người đàn bà khác, lại cho nó một đứa con như trong mơ! Như vậy chứng tỏ Hảo yêu con đó hơn mình. Bởi có yêu đương thì mới cho ra đời một dòng màu xuất sắc đến vậy!
Càng nhìn con bé mình càng sôi gan, mình cứ muốn nhào vào giết chúng nó! Tuy nhiên Hiền đã ngăn mình, nói để anh ấy tính toán. Và cuối cùng Hiền đã
tìm ra cách. Anh ấy lén bỏ thuốc mê vào trong bình nước mà biết chắc thế nào con Thiên Lý cũng uống khi thức dậy. Và như vậy lúc mình ra tay thì nó chẳng hề hay biết.
Ngày...
Khi Hiền mang con Thiên Lý đi, mình không định hại đứa con của nó, nhưng khi ra đến cửa mình nhìn lại thấy con bé đang ngủ say thì mình đổi ý. Mình không thể để một mầm hoạ như vậy ở yên đó. Ít nhất mình cũng đem nó cho người khác để khi lớn lên nó không biết mình là con ai, không biết mẹ nó ở đâu! Nghĩ vậy nên mình nhẹ nhàng bế nó đi theo...
Thật lòng mà nói, mình nghĩ lúc bế con bé theo, mình chờ cho đến khi Hiền ném con mẹ nó xuống hồ rồi sẽ đưa nó đi xa, đem cho người lạ... Tuy nhiên khi Hiền vừa thực hiện xong việc với con Thiên Lý thì con bé chợt tỉnh dậy và nó gào thét dữ dội rồi như điên dại, nó phóng mình lao theo xuống hồ nước. Hiền nhảy theo vớt nó lên nhưng lặn mò cả buổi mà chẳng thấy..."
Hậu buông rơi cuốn sổ nhật ký xuống, mắt anh hoa lên, tai ù đi...
- Trời ơi!
Những gì Hậu vừa đọc được trong nhật ký đâu phải chuyện đùa. Nó là sự thật ngoài sức tưởng tượng của anh.
- Má, tại sao...
Hậu chạy sang phòng bà ngoại, nhưng lúc ấy bà Lệ Hoa vẫn còn đang mê man, nên Hậu chỉ biết đứng như bị trời trồng. &
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phần 3: Oan nghiệt
Định trở về nhà, nhưng do mẹ còn bệnh, nên đêm hôm đó Hậu đã phải ở lại nhà ngoại. Nhà bà chỉ có hai phòng là có giường, mùng màn đầy đủ để ngủ, một là phòng bà ngoại, hai là căn phòng của mẹ trong thời gian bà ở đây.
Lấy chiếc mền ra nằm ngoài ghế trường kỷ để ngủ thì bà ngoại không cho:
- Con vào phòng của má con mà ngủ, tối nay má con ngủ bên ngoại. Con cứ ngủ cho ngon, má đã ổn rồi, để ngoại lo.
Hậu buộc phải ngủ lại ở phòng của mẹ. Thật ra anh cũng muốn nhân cơ hội để biết thêm về mẹ, mà bấy lâu nay anh ít có dịp lưu tâm. Nhất là nhớ lại cái trang trong nhật ký mẹ có nhắc tới Hiền, người đàn ông nào đó mà Hậu nghi
hoặc và chưa biết phải hỏi ai cho ra tung tích ông ta. Đó là người tình của mẹ! Điều này đã khá rõ và còn nặng nề hơn, ông ta đã nhúng tay vào một tội ác mà chỉ mới đọc qua nhật ký Hậu đã rợn cả người! Thì ra sở dĩ ông già Tư không muốn anh ra ngoài chỗ hai cái mộ đá là bởi có liên quan tới chuyện này...
Bỗng Hậu kêu lên:
- Ông già Tư! Chú Tư Hiền!
Từ nào giờ trong nhà chỉ quen gọi ông quản gia là chú Tư, nên cái tên tục là Hiền của chú đã bị quên đi. Có phải chăng Hiền mà mẹ nhắc trong nhật ký là... ông già Tư?
Hậu tốc chạy sang phòng bà ngoại, anh hỏi to:
- Có phải chú Tư quản gia là Hiền không ngoại?
Bà ngoại ngạc nhiên:
- Con biết rồi mà còn hỏi là sao? Thì chú ấy tên Hiền, đã làm quản gia cho ba con từ hơn hai chục năm nay. Hình như con được bao nhiêu tuổi thì chú ấy đã ở trong nhà mình bao nhiêu năm rồi...
Hậu quay sang mẹ hỏi to:
- Có phải Hiền mà má nói là... chú Tư quản gia không?
Tuy nhiên bà Lệ Hoa vẫn mê man, nên bà đâu có nghe câu hỏi của Hậu. Thất vọng, Hậu trở về phòng. Anh giở nhật ký của mẹ ra đọc lại lần nữa. Và lúc này anh phát hiện ra một điều quan trọng khác: ở cuối tập nhật ký có một bức ảnh bán thân của một người đàn ông chụp đã lâu, ảnh ngả màu vàng, nhưng vừa thoạt trông Hậu đã nhận ra ngay người trong ảnh, đó chính là ông già Tư lúc đó cỡ gần ba mươi tuổi. Phía sau bức ảnh có ghi dòng chữ: Đỗ Ngọc Hiền chụp khi về Sài Gòn.
- Ông ta là Hiền của má!
Hậu không còn kiên nhẫn nữa, anh lẻn ra ngoài và gọi xe tới ngay bệnh viện. Ông già Tư lúc ấy cũng vừa tỉnh lại sau cơn mê dài. Vừa nhìn thấy Hậu, ông đã hỏi ngay:
- Không ai Iàm gì con chứ?
Ông ta đổi cách gọi một điều cậu hai điều cậu trước đây, mà đổi sang gọi Hậu là con, khiến anh hơi ngạc nhiên:
- Chú.. là chú Hiền?
Ông già nhìn sững Hậu:
- Con hỏi sao? Ừ, thì từ nào đến giờ ta vẫn là Hiền, Tư Hiền.
- Chú là...
Hậu định hỏi thẳng, nhưng anh lại khựng lại, lưỡng lự.
Ông già Tư vẫn không hay biết chuyện Hậu đã rõ mọi chuyện, chú tiếp tục nói:
- Ta mê man, nhưng trong cơn mê lại thấy người ta đang muốn ám hại má con. Ta muốn dậy đi báo cho bà ấy, nhưng không làm sao dậy được. Mới vừa rồi, trong lúc ta đang tuyệt vọng thì chợt nhìn thấy đứa con gái mặc chiếc áo màu hồng, nó ẵm đứa con trên tay và chạy tới báo cho ta biết rằng con phải chạy ngay đi kẻo mất mạng! Ta hốt hoảng và tỉnh lại được, kịp lúc con tới đây!
Hậu không nhịn được, anh hỏi thẳng:
- Chú nói xem, có phải chú đã giết cô gái đó không?
Ông già Tư nhìn sững Hậu:
- Con con nói gì vậy? Giết ai?
Hậu gắt lên:
- Chú đã dìm mẹ người ta xuống hồ, tại sao không tha đứa bé mới có mấy tuổi? Chú có còn là con người không?
Ông già Tư sững sờ trước cậu hỏi bất ngờ của Hậu, ông lắp bắp:
- Ta... ta...
Hậu nói như gào lên:
- Gieo tội ác thì sẽ phải đền tội thôi! Chú đừng giấu nữa, tôi đã biết hết rồi. Chính chú đã làm cho mẹ tôi mang tiếng là kẻ giết người!
- Kìa, con!
Hậu đanh giọng lại:
- Lâu nay tôi kính trọng chú, thương yêu chú, coi như cha chú, vậy mà chú làm cho tôi thất vọng quá! Chú là kẻ giết người!
- Kìa, Hậu!
Hậu quay bước đi ngay, nhưng vừa ra tới cửa phòng bệnh, anh chợt khựng lại. Bởi có một người đang đứng chặn ngang lối đi của anh. Người ấy khi vừa nhìn thấy, Hậu đã phải kêu lên:
- Là cô! Cô là...
Cô gái mặc chiếc áo hồng mà Hậu từng thấy, từng cầm nó trên tay. Cô gái có gương mặt giống hệt như cô nàng ăn mặc rách rưới ngồi hát trên bờ hồ. Tuy cô ta có ăn mặc đẹp hơn, lộng lẫy hơn, nhưng mái tóc và khuôn mặt thì không thay đổi. Nhất là cặp mắt vừa long lanh, nhưng cũng đượm buồn...
Cô nàng cất giọng nghiêm khắc:
- Giao cho anh giữ con mà anh nở bỏ lại rồi đi luôn, vậy ai chăm sóc nó, ai cho nó bú suốt hai ngày nay?
Hậu lúng túng:
- Tôi buộc phải... tôi phải...
Từ bên trong, ông già Tư hỏi vọng ra:
- Ai tới vậy Hậu? Nếu là bà ấy thì để ta...
Cô gái áo hồng vội vã:
- Anh hãy đi đi, rồi tôi sẽ gặp lại. Còn bây giờ để tôi lo vụ này đã.
Cô ta bước thẳng vào phòng bệnh. Hậu nhìn theo và chợt phát hiện, nhìn từ phía sau thì... chẳng thấy thân thể cô ta đâu, chỉ thấy thấp thoáng màu hồng của chiếc áo! Bất chợt Hậu hốt hoảng:
- Cô ta...
Hậu chạy rất nhanh và kịp đứng chặn ngang trước giường bệnh, vừa lên tiếng:
- Cô định làm gì ông ta?
Lúc bấy giờ, kể cả hình dáng của cô Hậu cũng chẳng nhìn thấy, chỉ nghe hơi thở dồn dập biểu tỏ sự tức giận. Anh dang cả hai tay ra che khuất cả ông già Tư.
- Chuyện của ông ta hãy để cho tôi xử. Tôi sẽ không để ông ta tồn tại, nhưng tôi không muốn các người ra tay.
Chỉ nghe Hậu nói mà không thấy ai khác, ông già Tư vội lên tiếng:
- Con làm gì vậy Hậu? Cứ đi về đi, ta ở đây một mình cũng chẳng sao mà.
- Nhưng ông ta đã giết tôi và bây giờ nếu không ngăn chặn kịp, ông ta sẽ lại giết luôn đứa con của anh nữa!
Hậu ngạc nhiên:
- Con nào của tôi?
- Đứa bé kia không phải con anh thì con ai! Mẹ em nói anh không nhớ sao, chỉ cần giữ chiếc áo của em trong người anh là anh đã thành thân với em rồi, và đứa bé em giao cho anh chính là con anh đó!
Chợt nhớ tới những chi tiết trong quyển nhật ký của mẹ, Hậu kinh hãi:
- Sao... sao có thể như thế được? Cô là... là con của... ba tôi! Cô là...
Anh buông thõng hai tay xuống, hầu như quên hẳn sự có mặt của cô ta, Hậu vùng tuôn chạy ra ngoài, vừa gào lên:
- Ông trời ơi, ông giết con rồi!
Ông già Tư nói to:
- Không phải như vậy đâu, Hậu ơi!
Nhưng bóng Hậu đã biến mất bên ngoài. Giọng cô gái hốt hoảng:
- Anh ấy sẽ chết đó! Được rồi, một lần nữa anh ấy đã cứu sống ông. Bây giờ tôi hãy tạm tha cái mạng chó của ông, chờ cứu anh ta đã rồi sẽ tính!
Ông già Tư ôm đầu rên rỉ:
- Đúng là quả báo tôi rồi...
Ông muốn nhảy ngay xuống giường để đuổi theo, nhưng cả thân người ông như bị cột chặt, không làm sao làm theo ý mình dược.
- Hậu ơi!
Ông ta chỉ kêu lên được mấy tiếng đó trong đau khổ tột cùng. Bỗng một giọng nói rót vào tai ông:
- Con gái tôi nó ngu dại đi mê đứa con của kẻ thù, tôi ngăn không được, chỉ vì nó lở có con với thằng kia rồi. Nhưng còn ông đến phút này đã là giờ tận số rồi! Ông có biết bấy lâu nay chỉ vì ông luôn đeo cái tượng Phật trên cổ nên tôi chưa ra tay được, còn bây giờ thì...
Nghe nói tới đó, bất chợt ông già Tư sờ lên cổ mình và thất thần khi không còn thấy tượng Phật bằng gỗ trầm hương mà ngày trước ông vô tình nhặt được ở sau vườn và đeo luôn từ ấy. Chẳng hiểu sao vật bất ly thân của ông lại biến mất.
Người kia cất tiếng cười nghe đến rợn người:
- Hai mươi năm tao chờ ngày này!
Một luồng khí lạnh phả vào mặt ông Tư, khiến ông ta đờ đẫn cả người và hầu như chờ đợi điều bất hạnh đến với mình thì bất chợt hai cô y tá với chiếc xe đẩy xuất hiện kịp thời. Một cô tiến tới bên bệnh nhân và lên tiếng ngay:
- Cháu trả bác vật này. Hồi sáng sớm nay khi làm vệ sinh cho bác, cô lao công đã vô tình làm nó rơi ra, cũng may là bác sĩ điều trị nhìn thấy và giữ giúp, bây giờ cháu mang lại cho bác đây. Để cháu mang vào cho!
Đó là tượng Phật bằng gỗ trầm hương!
Cô ta nhẹ nhàng đeo vào cổ bệnh nhân, vừa giải thích thêm:
- Bác sĩ nghĩ bác bị một chấn thương ở não, nên phải đưa bác đi chụp hình. Bác cứ nằm yên trên xe, tụi cháu sẽ đẩy nhé!
Họ tiến hành công việc rất nhanh. Và đó là nguyên nhân khiến giọng nói vô hình kia ngừng bặt luôn. Khi họ đẩy xe băng ca đi rồi mới nghe tiếng rít lên:
- Thằng chó chết lại thoát nữa!
Một trong hai cô y tá đang đẩy xe đã vội trở lại vì quên lấy theo biểu đồ bệnh án của bệnh nhân, khi bước vào phòng cô đã va vào ai đó suýt ngã, cô la lên:
- Ai đi mà không coi gì hết!
Nhưng khi nhìn lại thì chẳng thấy ai cả. Bất chợt cô rùng mình...
° ° °
Hậu mở mắt ra thì ngạc nhiên vô cùng bởi cảnh vật chung quanh.
Anh đang nằm trong một gian phòng tối, mùi ẩm mốc xông lên mũi.
- Đây là đâu?
Trả lời câu hỏi thầm của Hậu là tiếng khóc oe của một đứa trẻ! Và bàn tay của Hậu cũng vừa chạm phải một thân thể nhỏ bé của nó.
- Tại sao?
Hậu cố căng mắt ra trong bóng tối để nhìn và anh nhận ra đó là đứa bé mà anh từng nuôi giữ mấy hôm ở trang trại. Như vậy anh đã trở về ngôi nhà trên vùng cao nguyên của mình?
Bước nhanh tới cửa sổ nhỏ, Hậu nhìn ra ngoài và vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra đây chính là ngôi nhà của anh ở Sài Gòn. Gian phòng này là cái nhà kho chứa vật dụng phế thải mà đã từ lâu không được mở cửa ra. Đúng hơn kể từ khi cha Hậu mất thì gian nhà này cũng đóng cửa luôn với những vật dụng tạp nham đủ thứ dồn vào đó, mà mẹ anh đã không buồn mở ra, mà đến khi Hậu lớn lên anh cũng lo học, lo đủ thứ chuyện và thường xa nhà, nên hầu như bỏ quên một góc trong chính ngôi nhà của mình.
Hậu thử đẩy cửa lớn thì ngạc nhiên vì cửa khoá từ bên ngoài. Anh cất tiếng gọi lớn:
- Chị Chín ơi!
Chín là chị người Iàm, coi như quản gia ở đây. Chị ta không trả lời. Lúc này Hậu mới chợt nhớ chị ta đã sang nhà bà ngoại anh để săn sóc cho mẹ, như vậy hiện nhà đâu còn ai khác.
Nhớ lại chuyện đêm qua ở bệnh viện, Hậu không hiểu tại sao mình lại chạy về đây, chỉ nhớ là trong lúc còn đang chạy ngoài đường thì anh cảm giác như có người đẩy mình chạy rất nhanh. Qua hơi thở gấp của người đó, Hậu mường tượng ra chính là cô gái áo hồng...
- Thì ra cô ta đã đưa mình về đây!
Hậu nhủ thầm, nhưng trong lòng anh không mừng mà lại bối rối và lo lắng. Anh càng nhớ lại những nội dung trong tập nhật ký của mẹ. Cô gái này là con của người phụ nữ có tên là Thiên Lý với cha mình. Như vậy...
Bất giác Hậu thốt lên:
- Mình đã phạm phải một tội ác tày trời rồi!
Vừa khi ấy đứa bé ré lên, Hậu buộc lòng phải bước lui tới chỗ nó nằm lúc nãy. Nhưng anh ngạc nhiên quá đỗi khi không còn thấy đứa bé đâu!
- Ủa...
Hậu còn đang ngơ ngác thì ở góc phòng bên trái có tiếng nói vọng ra:
- Con cái mà chẳng lo chăm sóc gì cả, còn đứng đó làm gì?
Hậu gắt lên:
- Con nít thì để nó một nơi yên ổn, đưa tới đưa lui hoài nó chịu sao nổi?
- Vậy sao anh không ở nhà nuôi nó?
- Tôi... tôi...
Rồi anh nghĩ mình phải nói ra điều nên nói:
- Cô có biết... giữa tôi và cô là... anh em cùng cha khác mẹ không! Tức chúng ta cùng huyết thống, sao còn xảy ra chuyện oái oăm này!
Tưởng cô nàng sửng sốt, nào ngờ cô ta vẫn điềm nhiên nói:
- Có sao đâu! Chỉ có người vô tâm không chịu tìm hiểu đến nơi đến chốn như anh thì mới lo lắng lung tung như vậy thôi!
Hậu nạt ngang:
- Sao lại lung tung! Cô là con của bà Thlên Lý với ba tôi, vậy không phải là cùng máu mủ với tôi sao? Đã không biết thì thôi, sao lại vô tâm như vậy?
Anh ôm mặt khóc rấm rứt. Trong lúc cô gái vẫn thản nhiên nói:
- Người đau khổ phải là em chứ! Vì phạm phải dục tình với anh, nên mẹ em nhất quyết phải trừng trị, bắt em phải giao con rồi chờ bà ấy ta tay. Mà anh biết, mẹ em một khi ra tay thì không kể đến con ruột của mình hay là ai không!
Thấy cô nàng vẫn không quan tâm gì tới chuyện huyết thống, Hậu lại phải la lớn:
- Cô đúng là người cõi âm nên không còn biết gì là đạo lý rồi. Cô có biết anh em chung dòng máu với nhau mà phạm phải chuyện này gọi là gì không? Là loạn luân, và hình phạt là trời tru đất diệt!
Nàng bất ngờ hỏi lại:
- Nếu sự thật không phải vậy thì sao?
Hậu vẫn gào lên:
- Là năm rõ mười rồi còn gì nữa!
Giọng cô gái bây giờ mới chậm lại, nhấn mạnh từng tiếng một:
- Anh đã nhìn rõ mặt em rồi, chúng ta có điểm nào giống nhau như anh em không?
- Nhưng mà...
- Có khi nào anh nghĩ mình là con của một người khác không?
Hậu giật mình, nhưng anh vẫn nói:
- Chuyện đó có là nằm mơ! Tôi đang đau khổ, hối hận, mà nếu hồi sáng này cô không đưa tôi về đây thì tôi thà đâm đầu vào xe chết cho rồi!
- Chết uổng mạng! Anh có nghĩ là mình hồ đồ lắm không? Tại sao em đưa anh về đây, cố tình cho anh vào cái nhà kho lâu năm không ai vào này để làm gì không? Anh thử nghĩ đi!
Hậu ngơ ngác:
- Thì cô muốn...
- Một phần là để tránh cuộc truy sát của mẹ em.
Bà ấy đã chờ đợi việc trả thù này ngót hai mươi năm rồi, đây là thời cơ tốt nhất. Nhưng giết ai thì giết, em nhất định không để mẹ giết anh. Em nhốt anh trong này chờ đến khi nào mẹ em bỏ đi thì anh dược toàn mạng...
- Như vậy để mà làm gì. Tỏi muốn được chết thôi!
- Điên! Em đã nói rồi mà anh vẫn không nghe. Bây giờ nghe tiếp đây, phần còn lại của mục đích đưa anh về đây là để anh xem những gì ba anh để lại trong này, từ đó anh biết thêm nhiều thứ và sẽ sáng mắt ra!
Nàng nói xong thì cửa sổ hơi lay động, cùng giọng nói nàng phát ra từ hướng đó:
- Em đã cho con bú sữa rồi, nó sẽ ngủ một giấc cho đến khi em quay lại. Còn anh cứ an tâm tìm hiểu đi...
Bỗng dưng đèn trong phòng bật sáng, lúc này Hậu mới nhìn thấy ngoài những đồ đạc, vật dụng ngổn ngang, còn có một cái bàn viết còn nguyên vẹn đặt ở một góc phòng và một chiếc giường ngủ rất tươm tất, nơi đứa bé đang nằm ngủ say.
Hậu lưỡng lự một lúc rồi cũng giống như ở phòng của mẹ, anh bắt đầu lục ngăn kéo của bàn viết. Ngay ở quyển sổ đầu tiên thì Hậu giở lên đã có một tấm ảnh rơi ra. Anh reo khẽ:
- Ảnh của mình!
Trong ảnh, Hậu chụp năm anh được bốn tuổi và do chính ba anh chụp. Ở phòng riêng Hậu còn giữ một tấm ảnh giống như vậy. Nhưng khi lật phía sau ảnh thì Hậu tái mặt! Bởi dòng chữ do chính ba anh ghi:
"Đứa con trai mình yêu thương nhất, đặt nhiều kỳ vọng nhất, không ngờ lại là... con của kẻ khác!"
Nắm chặt ảnh trong tay, Hậu run đến nỗi nói không thành lời:
- Mình là... con... con của...
Anh lật tung mọi thứ trong ngăn tủ và tuần tự những điều bất hạnh đã hiện ra trước mắt Hậu. Cũng trong một đoạn nhật ký, ba anh đã viết:
"Sinh nhật lần thứ tư của thằng Hậu, mình mới khám phá ra một sự thật phũ phàng, đứa con trai độc nhất của mình với Lệ Hoa lại không phải do mình là tác giả! Chính trong một lần ghen tuông, Lệ Hoa đã điên tiết nói huỵch toẹt ra rằng do để trả thù mình có quan hệ với Thiên Lý, nên cô ấy đã... hiến thân cho quản gia Tư Hiền và cho ra đời thằng Hậu!"
Ở một đoạn khác, cha Hậu đã viết:
"Thiên Lý sinh con gái! Nhìn đứa bé mới ra đời, mình đã hình dung sau này nó sẽ là một đứa con gái đẹp như tranh vẽ! Mình tính đặt tên cho con là Ngọc Nguyệt, tức con thỏ ngọc ở cung chị hằng nga, nhưng Thiên Lý nhất quyết chọn tên Phù Dung để đặt cho con. Cô ấy nói, cô thích những loài hoa. Nên cô là Thiên Lý thì con gái phải là Phù Dung! Mình giải thích hoa phù dung tượng trưng cho sự mau tàn vì người ta vẫn nói phù dung sớm nở tối tàn, nhưng nàng không nghe, còn bảo rằng, thà mau tàn mà được người đời ngưỡng mộ là được."
Ở vài đoạn khác nữa, ba Hậu viết lại giống như những gì bà Thiên Lý nói và do chính mẹ Hậu kể. Đọc xong mấy đoạn đó Hậu sững sờ, anh không tin là sự thật:
- Không thể nào!
° ° °
Ông già Tư sau một lúc ngập ngừng, cuối cùng đã gật đầu thừa nhận:
- Ta đã làm chuyện đó, trước tiên vì cảm cảnh bà chủ của mình, sau đó mới vì tình cảm. Ta nói thật, ta thương má con vô cùng. Bà ấy khổ quá nên mới nghĩ quẩn, mới xúi ta làm liều...
Hậu gào lên:
- Đáng lẽ chú phải từ chối làm chuyện ác chớ! Giết một mạng người vì ghen đã là một tội ác tày trời rồi, đằng này giết luôn đứa trẻ mới hai tuổi đầu nữa!
Già Tư nghẹn ngào:
- Do con bé nhảy xuống hồ rồi chìm luôn, chứ ta nào...
Hậu đặt quyển nhật ký của mẹ trước mắt ông:
- Trong này mẹ đã nói hết rồi. Con mong rằng từ nay chú lo cho mẹ và đừng trở về trang trại nữa. Ở trên đó đã có con lo!
Hậu nói xong bước đi nhanh ra xe và rồ máy chạy như chạy trốn. Anh đã quyết định dứt khoát, kể từ nay anh sẽ về ở hẳn trên ngôi nhà mà lúc đầu anh chỉ định về chơi. Mọi công việc ở công ty kinh doanh Hậu đã uỷ quyền cho một hội đồng lo liệu.
Chính ông già Tư khi nghe Hậu quyết định như vậy đã rất hoảng sợ, can ngăn không cho anh đi. Nhưng Hậu đã nói thẳng:
- Con thà chấp nhận để cho hồn ma của mẹ con cô ấy hãm hại, còn hơn là cứ sống trong giằng xé lương tâm hoài, chịu không nổi!
Việc đầu tiên khi về tới trang trại là Hậu đi ra hai ngôi mộ đá với bông hoa và trái cây, anh cúng rất thành khẩn và vái vong linh họ:
- Con thay mặt cho những người mà lâu nay con gọi là mẹ và chú, đến đây tạ tội với... cô. Nếu cô chấp nhận lời tạ tội của con thì từ nay hãy cho con được ở yên trong ngôi nhà này. Con nguyện sẽ làm hết sức mình để chăm sóc mồ mả cho cô và...
Anh nói chưa dứt lời thì chợt phía sau lưng có giọng nói vang lên:
- Từ nay phải gọi là mẹ, chứ sao gọi là cô!
Hậu quay lại và giật mình khi nhận ra hình hài rõ ràng của cô gái áo hồng. Cô nàng đẹp thật lộng lẫy!
- Cô... à mà không. Em là Phù Dung!
- Biết điều rồi đó. Anh vừa gọi tên Phù Dung tức đã biết được là loài hoa sớm nở tối tàn rồi! Anh hãy gọi lại lần nữa xem!
Hậu gọt rất trìu mến:
- Phù Dung, em!
Nàng tiến lại gần Hậu hơn, nhưng giữ một khoảng cách vừa phải rồi tiếp tục với giọng buồn hơn bao giờ hết:
- Em đành phải nghe theo lời mẹ thôi. Mẹ bắt em phải thoát kiếp từ hôm nay để theo mẹ. Hồn phách thì rồi phải theo cát bụi thôi...
Nàng bật khóc nức nở và trong nước mắt nàng nói:
- Em cũng giống như mẹ thôi, tình yêu ngang trái vốn là số kiếp của mẹ con em rồi. Gặp anh, em cứ ngở mình cải được số phận, sẽ ở lại trần gian để cùng anh chung sống cảnh âm dương. Nhưng nếu em làm thế thì hồn phách mẹ sẽ muôn kiếp lang thang, đời đời mãi là oan hồn. Em thương mẹ, nên đành chấp nhận... Chỉ xin anh hãy cố gắng nuôi con. Đứa bé tuy là do người âm cảnh như em sinh ra, nhưng từ bấy lâu nay nó được ấp ủ hơi dương thế của anh, nên chỉ cần thêm một trăm ngày nữa là nó sẽ vĩnh viễn thành người trần. Nó sẽ thay em lo cho anh. Hãy thương con anh nhé!
Nàng nói vừa dứt lời thì theo một cơn gió mạnh thổi qua, biến đi như khói bụi!
Hậu gào lên:
- Phù Dung!
Anh lao theo, nhưng vấp chân té ngã ngay trước đầu mộ và ngất đi.
° ° °
Hậu ở lại đó cùng đứa bé. Lạ một điều là tuy không có mẹ, nhưng con bé lớn nhanh như thổi, vô cùng ngoan ngoãn và dễ thương.
Lớn lên, nếu có ai hỏi mẹ nó đâu thì nó chỉ lên và bảo:
- Mẹ ở trên đó!