22/10/12

Đồi thiên thu

Giấc ngủ kéo dài hơn dự kiến, có lẽ do thời tiết mát mẻ, mà cũng có thể do cơn mệt của một ngày đường đi qua những đoạn đầy bụi và gập ghềnh, nên Mỹ Uyên ngủ say chưa từng thấy. Lúc tỉnh giấc, Uyên đưa tay xem đồng hồ thì không khỏi giật mình, đã hơn l giờ sáng! Như vậy cô đã ngủ đến hơn 6 giờ liền!

Vừa lúc ấy, có tiếng gọi khẽ ngoài phòng:

- Cô Út ơi, cô dậy chưa?

Biết đó là tiếng của chị người làm Tư Sương, nhưng Uyên vẫn còn vươn vai trên giường chưa chịu lên tiếng. Phải cho chị ta lặp lại lần thứ hai thì Uyên mới đáp:

- Dậy rồi. Có gì không chị Tư?

- Dạ, nãy giờ tôi gọi cả chục lần mà cô không lên tiếng, tôi đoán cô còn ngủ nên thôi. Tôi muốn dọn mâm cơm ra, sợ để trong phòng kiến, gián bâu.

Lúc này Mỹ Uyên mới nhớ ra, hồi 6 giờ chiều chị ta có dọn vào phòng cô mâm cơm nóng sốt, mời cô ăn, nhưng lúc đó do mệt nên Uyên dự tính nằm nghỉ một lúc sẽ ngồi dậy ăn, bởi thật sự lúc ấy cô đang đói... nhưng ngủ quên luôn tới giờ.

- Mâm cơm hả?

Uyên lúc này mới chịu nhảy xuống giường và mở cửa phòng trong tư thế mắt nhắm mắt mở:

- Chị vào lấy ra hâm lại giùm tôi, tôi ngủ quên...

Tư Sương rất mến cô chủ nhà này, nên vui vẻ bảo:

- Ngủ ngon hơn ăn mà cô!

Bước tới chỗ đặt mâm cơm, bỗng chị ta kêu lên:

- Ủa, cô Út... ăn rồi mà?

Mỹ Uyên giật mình:

- Ăn hồi nào? Sau lúc chị đem cơm vào là tôi ngủ liền một mạch tới giờ này, ăn uống gì đâu!

Chỉ mâm cơm đã sạch thức ăn, Tư Sương cười:

- Tưởng cô Út chê đồ ăn nấu vội của tôi, nào ngờ cô ăn ngon miệng quá!

Uyên bước tới nhìn vào mâm cơm, ngạc nhiên kêu lên:

- Tôi đâu có ăn!

Tới phiên Tư Sương ngạc nhiên:

- Vậy ai ăn?

Chị ta quay về phía cửa hỏi:

- Cô ngủ có đóng cửa không?

Uyên đáp quả quyết:

- Tôi khóa rồi còn gài chốt nữa! Vừa rồi tôi mở ra thì chốt khóa còn nguyên mà.

Nhìn lại cửa sổ vẫn còn chốt bên trong, Tư Sương cau mày:

- Đâu có ai lọt vào đây được? Mà cô Út...

Chị ta định hỏi lại xem cô chủ mình có lầm lẫn, ăn rồi mà quên... nhưng Mỹ Uyên như đã đoán được ý của chị, vội nói ngay:

- Bụng tôi còn đói cồn cào nè, sao có chuyện kỳ vậy?

Uyên hỏi lại:

- Nhà này bộ lâu nay ai muốn vào thì vào hay sao chị?

Tư Sương xua tay:

- Dạ, đâu có cô Út! Ở đây là biệt lập, vả lại khu vực này mọi người tôn trọng ông chủ, nên chưa bao giờ có ai dám bước vào trang trại này, chứ đừng nói là trộm đạo. Mà chuyện này tôi nghĩ có lẽ... hay là...

Chị không tìm ra được cách nói nào cho đúng. Bởi trộm nếu vào phòng thì lấy của cải, chứ sao lại chỉ ăn cơm? Còn kẻ gian khác thì...

Chị nhìn quanh rồi hỏi:

- Cô Út xem có mất mát gì không?

Uyên nhìn qua một lượt, thấy chiếc va li để ở đầu giường vẫn còn nguyên, cô nói:

- Đồ đạc tôi còn chưa lấy ra thì đâu có gì để mất!

- Vậy ai vào đây?

Tư Sương đứng thừ người ra một lúc, chị dọn mâm ra mà còn lầm bầm:

- Chuyện chưa từng xảy ra...

Ngồi lại trong phòng, chính Mỹ Uyên cũng không thể hiểu nổi:

- Sao có chuyện kỳ lạ này?

Lát sau, mâm cơm khác được bưng vào, Tư Sương hơi ngại nói:

- Do không chuẩn bị thức ăn sẵn, nên chỉ còn lạp xưởng với mấy cái trứng, cô Út ăn đỡ được không!

Uyên ngồi ngay vào bàn ăn:

- Tôi đang đói cồn cào, có bấy nhiêu đây là quý rồi!

Cô ăn một cách ngon lành. Lúc này Tư Sương mới tin thật là cô chủ mình không hề đụng tới mâm cơm kia. Chị ta ngồi nhìn Uyên ăn vừa thắc mắc:

- Chuyện này kỳ quá cô Út? Phải chăng...

Chị ta bước tới cửa sổ quan sát thật kỹ rồi lắc đầu nói:

- Tôi nghi có con gì đó nhảy vào đây ăn vụng, nhưng cửa sổ cao và chốt chặt thế này thì con gì vào được? Cô có nghi ai không cô Út?

Vốn tính không đa nghi, nên Uyên xuề xòa:

- Chuyện cũng đã xảy ra rồi, nghi ngờ mà làm gì! Có thể là... chuột bọ gì đó cũng nên!

- Cũng có thể... nhưng phòng này nào đến giờ không thấy chuột...

Quá đói, nên Mỹ Uyên ăn một loáng đã hết sạch mâm cơm với thức ăn đơn sơ. Cô còn khen:

- Chị chiên trứng có nghề đó nghen!

Được khen, Tư Sương cười toe toét:

- Lâu lắm rồi mới có người khen tôi, cám ơn cô Út!

Để không khí bớt căng do chuyện vừa rồi, Mỹ Uyên nói đùa:

- Sao chị không kiếm một người... để người ta khen cho. Chị mà gật thì chắc ở xứ này thiếu gì các anh chàng nhào vào, phải không chị Tư!

Tư Sương thẹn thùng, lúng túng:

- Cô Út này... ai mà chịu tôi cô ơi!

Uyên ăn xong thì đồng hồ tay của cô chỉ hơn 2 giờ. Định không ngủ tiếp nên Uyên lấy va li ra soạn đồ để treo lên móc, cô giật mình khi phát hiện trong va li của mình có một cành hoa hồng còn tươi đặt trong đó!

- Kỳ vậy?

Mỹ Uyên không hề đặt cành hoa này vào chung với quần áo của mình, vả lại nếu có đặt vào đó thì qua chặng đường hơn 5 tiếng đồng hồ, cánh hoa hồng không còn tươi như mới hái được!

Mà loại hồng vàng này không phải nơi nào cũng có. Cánh to, thân cao, lá nhỏ, là đặc trưng của loại hồng mà nếu Uyên nhớ không lầm thì chỉ có ở ngay trong nhà mình đây, do trước kia lúc con sinh thời cha cô đã lấy giống từ nước ngoài về ươm và cho hoa. Nhưng vài năm nay thì do không có người chăm sóc nên hầu như bốn chậu hồng vàng nhà cô đã chết và tuyệt chủng luôn!

Vậy mà...

Điều làm cho Uyên sững sờ lúc này là việc ai đã đặt cành hoa vào va li mình và đặt vào lúc nào mà cô không hay biết. Nó có liên quan tới mâm cơm hồi đầu hôm không?

Bao nhiêu câu hỏi khiến cho suốt từ đó đến sáng, Mỹ Uyên không tài nào ngủ lại được. Cô cũng không buồn sắp xếp đồ đạc, mà chỉ biết ngồi ngẩn ngơ. Hồi nãy cô không quan tâm lắm vụ mâm cơm, nhưng bây giờ chỉ một cành hoa nhỏ, cô lại không yên trong lòng. Chắc chắn là có điều gì đây...

- Cô Út ơi, dậy sớm tập thể dục đi, rồi vào ăn cháo. Tôi có nấu nồi cháo cá ngon lắm để cô ăn, bù bữa đạm bạc đêm qua!

Nghe tiếng Tư Sương, Mỹ Uyên phải nói vọng ra:

- Được rồi, cám ơn chị, lát nữa tôi ăn.

Cô thấy cần một cuộc tản bộ với không khí trong lành buổi sáng để khuây khỏa cho bớt căng thẳng, nên thay đồ thể dục, Uyên đi ra sau vườn. Mảnh đất mà ngôi biệt thự của cha cô tọa lạc rộng có đến 5-6 héc-ta, một phần chung quanh nhà thì được vây quanh bởi tường rào cao, có cửa thông ra phần đất phía sau khá rộng, dẫn tới dãy đồi tít tắp đằng xa. Ít khi nào Uyên một mình đi lên phía sườn đồi thoai thoải kia, mặc dù vào những buổi sáng nơi đó rất đẹp, đặc biệt là lúc mặt trời lên. Có lần Mỹ Uyên đã nhìn thấy cha đứng trên đó nhìn về phía vầng thái dương vừa nhô lên, ông nhìn có vẻ say sưa lắm... đến khi bắt gặp con gái mình nhìn mình từ sau thì bỗng dưng ông nổi nóng, xua Uyên vào nhà

ngay! Sau đó Uyên có hỏi cha tại sao như vậy thì ông lúc ấy có vẻ bình tâm lại, đã vỗ vai cô bảo:

- Chỗ ấy mặt trời lên đẹp lắm, nhưng... có lẽ không nên xem. Nhất là con còn nhỏ...

Uyên hỏi:

- Nhỏ thì đâu có ai cấm nhìn mặt trời lên đâu ba?

Cha cô không vừa lòng lắm cách hỏi của con, nhưng ông chỉ nói:

- Con biết vậy là đủ rồi.

Rồi chẳng hiểu sao, ông ra lệnh cho mọi người trong nhà kể cả cô:

- Từ nay không ai được ra chỗ sườn đồi, nhất là phía gần vực. Nơi đó nguy hiểm.

Ông chỉ nói thế thôi, nhưng người nhà từ Tư Sương, Sáu tài xế và cả mấy người làm vườn nữa, không ai dám trái lại. Có lần Tư Sương còn nói với Uyên:

- Mỗi lần tôi đứng bên sườn đồi đó mà nhìn xuống vực sâu, tự nhiên tôi chóng mặt liền!

Từ ngày đó cho tới nay đã hơn năm năm. Cha cô đã mất, nhưng mấy lần về ở đây, có lúc đến vài tháng, nhưng chưa lần nào Mỹ Uyên có dịp ra đây. Cho đến sáng nay cũng thế, cô chỉ muốn đi một vòng ở phần vòng rào của ngôi nhà, cho nên khi vừa đi tới tường phía sau thì Uyên quay lại. Tuy nhiên khi vừa xoay người đi, chợt cô nghe tiếng đàn ở đâu vọng lại.

Một bản nhạc rất quen thuộc mà vừa thoạt nghe Uyên đã phải dừng lại ngay: Bản Love Story!

Ban đầu Uyên ngỡ đó là nhạc từ máy radio, nhưng khi nghe kỹ thì không phải. Ai đó đang đánh đàn guitar, mà lại lúc chơi lúc ngừng.

Sáng sớm mà được nghe điệu nhạc quen thuộc, lại là bản tình ca Mỹ Uyên đã thuộc nằm lòng và thường hát một mình mỗi khi ngẫu hứng, bởi vậy Uyên lặng im và chăm chú lắng nghe. Quãng thời gian người chơi đàn ngừng lại là những lúc Uyên cụt hứng, làu bàu:

- Chơi thì chơi cho trọn...

Nhưng Uyên không phải chờ lâu, ngay lúc đó tiếng đàn lại trỗi lên. Lần này lại có kèm theo tiếng hát nữa! Mà là giọng của một chàng trai!

Mỹ Uyên hơi tò mò, cô nhìn qua song sắt cổng sau, hướng về phía ngọn đồi gần đó. Rõ ràng là tiếng đàn hát phát ra từ đó.

- Ai mà mới sáng sớm đã lên đó?

Tự hỏi và dĩ nhiên là không có câu trả lời, nhưng sự tò mò đã khiến Uyên theo quán tính đã mở chốt cửa bước ra phía ngoài. Sương sớm còn đọng lại trên đầu ngọn cỏ, nên Uyên bước tới đâu sương ướt thấm vào da lạnh buốt. Tuy nhiên lúc này Uyên không ngại sương, thứ mà cô rất ngại trước đây. Có lẽ do tiếng đàn hát mỗi lúc một rõ hơn và... quyến rũ hơn!

Như con mồi nhỏ bị thôi miên trước ánh nhìn của con mãnh hổ, Uyên bước thẳng lên đồi mà không kiểm soát được bước đi của mình! Cô đi khá nhanh, cho đến khi tiến rất gần với tiếng đàn hát thì chậm lại, và gần như bất động khi tiếng đàn hát ngừng lại.

Nghĩ là nó lại tiếp tục như lần trước, nhưng qua gần ba mươi giây không nghe lại âm thanh quyến rũ kia, Uyên tắc lưỡi:

- Sao lại...

Cô chờ thêm khá lâu nữa, vẫn im lặng... Lần này không đứng im nữa, Uyên bước nhanh tới trước. Cô quyết xem thử người vừa đàn hát đó là ai?

Nhưng khi đã lên tới đỉnh đồi rồi Uyên chẳng nhìn thấy ai. Đây là đồi cỏ chứ rất ít cây to, nên tầm mắt có thể phóng rất xa, nhìn rộng khắp một vùng... Vậy mà chẳng thấy bóng người nào.

- Kỳ vậy...

Mỹ Uyên nhìn lại chỗ gốc cây cổ thụ duy nhất ở đỉnh đồi nơi ngọn cỏ còn rạp xuống chứng tỏ có người vừa ngồi xong. Vậy anh ta đi đâu mà biến mất quá nhanh, trong khi nếu muốn biến khỏi tầm mắt trên đỉnh đồi này ắt phải đi gần năm phút.

Thất vọng vì nguồn cảm hứng buổi sáng bị cắt ngang, Mỹ Uyên vẫn chưa muốn rời đi. Cô bước lại chỗ gốc cây và tự dưng muốn ngồi lại nơi ấy. Tuy nhiên vừa ngồi xuống thì Uyên đã bật dậy ngay, bởi cô vừa ngồi lên một vật gì đó. Bật dậy và nhận ra vật đó chính là một chiếc nhẫn bằng chất liệu giống như ngà voi. Nhẫn khá lớn, cỡ tay của đàn ông!

- Chắc là của anh ta...

Mỹ Uyên không định cầm lên, nhưng vừa muốn quay đi thì cô lại đổi ý, cúi xuống nhặt chiếc nhẫn lên, sau khi ngắm qua một lượt, cô cho vào túi áo và quay trở lại.

Vừa bước qua một mô đất cao, chợt Uyên giật mình khi thấy trước mặt mình là cả một rừng hoa hồng vàng! Những đóa hồng vàng nở rộ đón ánh bình minh khiến cho Uyên phải sững sờ một lúc. Rồi cô lẩm bẩm:

- Những cánh hoa này sao giống...

Cô đã nhận ra, hồng vàng ở đây rất giống với cành hoa mà cô bắt gặp trong va li của mình!

- Thì ra...

Cô muốn nói thì ra hoa là ở nơi đây! Nhưng khi nghĩ tới người đem nó vào phòng mình thì Uyên lại ngừng ngay ý nghĩ. Không thể nào...

Tiện tay Uyên ngắt một cành hoa và mải mê nhìn nó như bị thôi miên. Mãi gần nửa phúc sau cô mới rời nơi đó.

Lúc đi lên, dù độ dốc, nhưng Uyên đi nhanh hơn khi xuống. Một phần bởi không có mục tiêu chinh phục, nhưng một phần có lẽ do vừa bước đi mà Uyên cứ thỉnh thoảng quay lại nhìn...

Khi xuống hết triền đồi, một cách ngẫu nhiên Uyên đưa tay sờ vào túi, cô giật mình kêu lên:

- Đâu rồi?

Chiếc nhẫn cô cẩn thận bỏ vào lúc nãy giờ đã biến mất? Túi của bộ áo khoác thể thao là áo mới, không có lỗ rách, vậy nó đi đâu?

Định trở lại để tìm, nhưng khi sờ xuống túi quần thì Uyên thở phào, bởi chiếc nhẫn lại ở đó.

- Kỳ lạ!

Uyên chỉ còn biết kêu thầm rồi bước trở vào nhà mà hình như đang muốn nghe lại tiếng đàn hát lúc nãy...

Khi vào nhà gặp Tư Sương, Uyên hỏi liền:

- Chị có nghe tiếng đàn hát hồi này không?

Sương ngạc nhiên:

- Ủa, đâu có nghe gì?

Uyên kể sơ lại sự việc và hỏi:

- Gần nhà mình có ai hay đàn hát không?

Tư Sương cũng lắc đầu:

- Tôi đâu có biết ai. Xóm này ít người, phần đông là thợ rừng, thợ săn, họ đi làm xa, nhiều khi cả năm không thấy về nhà. Nếu có chơi đàn thì họ chơi đàn cò, đàn kìm hay ca vọng cổ, chứ làm gì biết đàn nhạc ngoại gì đó như cô nói. Nhiều khi cô nghe họ hát băng hay radio gì đó không chừng!

Uyên quả quyết:

- Tôi chắc chắn đó là người hát. Tôi còn...

Cô định nói là mình nhặt được chiếc nhẫn, nhưng kịp ngừng lại. Rồi cô đưa cành hoa hồng vàng cho Tư Sương xem và kể:

- Tối qua tôi gặp một cành hồng giống như cành này trong va li của tôi, chị thấy có lạ không?

Tư Sương trố mắt:

- Cô nói thật hả?

- Mà chị có biết trong vườn mình ở đâu có nhiều hồng vàng này không?

- Ở trên đồi. Mà cũng lạ, ngày trước ông chủ trồng quanh nhà, chỉ bởi thiếu tưới có một thời gian ngắn là hỏng chết khô hết, vậy mà đám hồng vàng này không ai tưới tiêu gì hết lại sống tốt ở trên đồi, chẳng biết sao nữa?

- Ai trồng nó trên đó?

Có vẻ suy nghĩ, một lúc Tư Sương mới đáp:

- Hồi trước hình như cũng do ông chủ trồng.

Rồi cô hạ thấp giọng kể:

- Có chuyện này ít ai biết, hồi còn khỏe, mỗi khi lên trên này thì hầu như ngày nào ông chủ cũng lên trên đồi đó ở cả ngày! Ông chủ còn cho xây một cái nhà mát trên đó nữa để nghỉ trưa, có khi ngủ cả tối, chỉ một mình ông thôi. Cái nhà mát đó chỉ mới bị tháo dỡ đi vài năm nay, chỉ vì...

- Sao lại dỡ bỏ?

Tư Sương ngập ngừng một lúc mới chịu nói:

- Chuyện này là do bà chủ... Tôi nói cho cô nghe thôi, cô đừng nói lại cho bà chủ nghe...

Uyên động viên chị ta:

- Chị biết tính tôi rồi, có bao giờ tôi đứng về phía ba má tôi mà gây ác cảm với người làm trong nhà đâu?

Tư Sương mạnh dạn:

- Bởi vậy tụi tôi trong nhà này ai cũng quý mến cô và luôn hết lòng vì cô, kể từ khi cô thay quyền ông bà chủ cai quản cơ ngơi này. Chuyện này thật ra bà chủ bảo tôi phải giấu... Chính bà đã ra lệnh cho tôi mướn người dỡ bỏ cái nhà mát trên đồi. Chỉ vì...

Như sợ có người ngoài nghe được, Sương nói thật nhỏ:

- Trong ngôi nhà đó có ma!

Lần đầu tiên nghe chuyện đó, nên Uyên giật mình:

- Có chuyện đó sao? Mà từ nào giờ có nghe mẹ tôi nói gì đâu?

- Bà giấu dữ lắm. Đến cả tôi mà bà cũng không cho biết, mặc dù từ lúc ông chủ còn sống, chính tôi là người mỗi ngày lên trên đồi để quét dọn ngôi nhà mát cho ông.

- Chị cũng biết là trong ngôi nhà có ma?

Sương lắc đầu:

- Nói thật với cô là tôi không hề hay biết. Hình như ma cỏ gì đó chỉ nhát có mỗi mình bà mà thôi!

Uyên càng nghe càng rối:

- Chị nói gì tôi không hiểu. Sao ma chỉ nhát có mỗi mẹ tôi? Mà mẹ tôi đâu có sống trên này. Cũng giống như bây giờ, ba luôn ở nhà tại Sài Gòn mà?

- Đúng là thỉnh thoảng bà mới lên đây chơi và chỉ ngủ lại vài đêm thôi. Vậy mà...

Thấy Tư Sương có vẻ ấp úng, Uyên khó chịu:

- Chị nói chị quý tôi, vậy mà chuyện gì trong nhà này chị cũng giấu hết. Vậy là sao?

Chị ta đành phải thú thật:

- Không giấu gì cô... tiếng đàn hát mà cô vừa nói đó tôi nghe đã lâu rồi! Nó phát ra từ trong ngôi nhà mát trên đồi chính bà chủ cũng có nghe và có lần bà đã gặp một cô gái trên đó, chính cô ta!

Uyên phản đối:

- Người hát và đánh đàn là một, và người ấy chắc chắn là đàn ông. Bằng chứng là...

Cô muốn nhắc tới chiếc nhẫn bằng ngà, nhưng kịp ngừng lại, chỉ nói chung chung:

- Hồi sáng nay khi lên trên đồi, tôi đã nhìn thấy dấu vết còn lại là của đàn ô ông, mà giọng hát cũng là đàn ông một trăm phần trăm!

Tư Sương im lặng một lúc rồi tiếp:

- Tôi cũng đã nghe giống như cô nghe vậy, nhưng chính bà chủ đã nói với tôi là bà gặp... ma nữ. Nó đuổi bà không cho tới đó!

Uyên sửng sốt:

- Tới đó là tới đâu?

- Thì ngôi nhà mát trên đồi!

Uyên lắc đầu:

- Càng khó tin, bởi chị cũng biết rồi, mẹ tôi bị tai biến liệt nửa người từ mấy năm nay rồi, chỉ ngồi xe lăn, vậy làm sao bà lên trên đồi được? Mỗi lần lên đây bà chỉ ở trong phòng, còn cao lắm là nhờ con A Lìn đẩy xe đi vòng vòng quanh sân này thôi.

- Chính con Lìn đó đã đưa bà lên đồi!

Câu nói của Sương làm cho Uyên bị kích động:

- Chị Lìn đẩy xe đưa mẹ tôi lên đó làm gì?

- Có lẽ do bà ra lệnh. Tội nghiệp con nhỏ, chính vì làm việc ấy nên nó mới... chết ngay trên đồi đó!

- Trời ơi! Chị Lìn bị... bị chết trên đó?

Tư Sương bắt đầu hé lộ những điều mà Uyên không bao giờ nghĩ tới:

- Một lần, khi đẩy bà chủ lên đó rồi, tự dưng con Lìn vụt chạy về phía triền dốc bên kia, chỗ vực sâu và... nhảy xuống đó!

- Trời ơi! Rồi... rồi chị ấy...?

- Chết mất xác luôn! Lúc ấy ông chủ vẫn còn sống và bị sốc dữ lắm!

Uyên hiểu ra:

- Bởi vậy sau đó ba tôi cấm không cho ai đi lên đồi!

- Đúng vậy. Nhất là từ lúc bà chủ lên đây và gặp...

Chị ta lại nói hớ, sợ sệt nín bặt. Uyên hỏi tới:

- Chị nói tôi nghe xem, mẹ tôi thấy gì mà đến đỗi bà ra lệnh dỡ bỏ ngôi nhà mát trên đó?

- Tôi... tôi...

Tư Sương nói xong thì vụt chạy đi trước sự ngơ ngác của Uyên. Cô bực bội gọi giật lại, nhưng Sương đã lẩn mất ở đâu đó...

° ° °

Mỹ Uyên tức tốc trở về Sài Gòn để gặp mẹ mình. Những nghi vấn trong lòng cô đã khiến Mỹ Uyên phải làm như vậy, mặc dù biết rằng lúc này mẹ mình đang bệnh nặng nằm liệt một chỗ.

Cũng may, khi Uyên trở về thì bà Mỹ Nhung tỉnh táo hơn bình thường. Bà nhìn con và nở nụ cười héo hắt, thều thào hỏi:

- Con... đi đâu về...

Uyên đã có chủ tâm, nên cô không giấu:

- Con lên trên nhà nghỉ của mình trên Đơn Dương.

Đang yếu đến độ không tự ngồi dậy được, vậy mà khi nghe Uyên nói bà đã rướn người lên và líu lưỡi hỏi:

- Con... lên... lên đó... làm... làm gì...?

Uyên đỡ mẹ dậy, cho bà nằm dựa vào gối, rồi lại tiếp:

- Con bây giờ quản lý cơ ngơi đó thì phải lên xuống trông chừng chứ. Con còn tính cho xây dựng lại cái nhà mát trên đồi nữa. Ở đó mà có nhà mát ngồi chơi hay tiệc tùng thì nhất trên đời, không đâu bằng! Con không hiểu ngày xưa tại sao lại phá nhà cũ đi?

- Con... con không... không được...

Bà chỉ nói được bấy nhiêu đó rồi thì lịm đi. Uyên hốt hoảng gọi to:

- Mẹ! Mẹ sao vậy?

Cô không ngờ lời nói khích của mình lại gây hậu quả như thế, nên quýnh lên, lo thoa dầu để cứu mẹ mình. Phải lâu lắm sau đó bà mới tỉnh lại. Nhưng vừa nhìn thấy Uyên thì bà lại hốt hoảng:

- Đừng... đừng con...

- Mẹ bảo con đừng cái gì? Con có làm gì đâu?

Bà cố hết sức nấm lấy tay Uyên như muốn lay mà lay không nổi, miệng bà mấp máy liên hồi nhưng phát không thành tiếng... Uyên phải chủ động hỏi:

- Có phải mẹ bảo con đừng xây cái nhà mát trên đồi hay không?

- Ừ... ừ...

Hiểu ý mẹ mình, nhưng Uyên giả vờ như không biết, lại hỏi:

- Cái nhà mát đó đâu có cản trở gì ai mà tại sao nó bị phá? Ít ra mẹ cũng nói cho con biết chứ... Nếu không thì con cứ xây lại, bởi con chuẩn bị chuyển về trên đó ở luôn. Con đưa mẹ lên cùng ở, có chị Tư Sương sẽ chăm sóc cho mẹ.

Bà Mỹ Nhung cố hết sức lực còn lại, cố đưa cả hai tay lên, ý phản đối:

- Không... đừng...

Nhưng rõ ràng bà không còn đủ sức để nói gì thêm. Hai tay bà rớt xuống và mắt trợn trừng.

- Mẹ!

Bà Mỹ Nhung đã rơi vào cơn mê sâu...

° ° °

Cuối cùng thì Mỹ Uyên đã chẳng hỏi thêm được ở mẹ mình một chi tiết nào câu chuyện quanh những bí ẩn của ngọn đồi kỳ lạ trong phần đất nhà. Sau một buổi hôn mê, bà Mỹ Nhung đã trở lại trạng thái nửa mê nửa tỉnh như trước. Bác sĩ điều trị căn dặn kỹ:

- Tránh đừng để cho bệnh nhân bị xúc động mạnh. Những ai từng gây cho bà sự kích động thì không nên đối diện với bà, nhất là trong lúc này.

Do vậy, đêm hôm ấy tuy ở lại nhà nhưng Mỹ Uyên không túc trực bên giường bệnh của mẹ, mà ngủ ở phòng riêng. Tối đó, sự tò mò đã thôi thúc Uyên mò sang phòng mà ngày trước ba cô làm việc và thường ngủ lại ở đó. Phòng này không phải là phòng ngủ, nhưng do ba cô hay thức khuya làm việc, đôi khi quá mệt, ông hay ngủ lại nên trong phòng có để sẵn một giường nệm nhỏ. Tủ hồ sơ, bàn làm việc thì đầy. Kể từ khi ba chết, chưa bao giờ Uyên bước vào đây, một phần là vì cô tôn trọng nguyên tắc của ba cô, không nên táy máy đồ đạc của người khác, và một phần là do khi còn khỏe mạnh, mẹ Uyên cũng nghiêm cấm con cái không đứa nào được tự tiện bước vào phòng của cha. Kể cả bà, đã nhiều lần bà tuyên bố. Mẹ không đụng tới bất cứ cái gì của riêng ông ấy!

Lời tuyên bố đó đã cho Uyên hiểu một chút rằng: giữa ba và mẹ mình có điều gì đó lấn cấn, mà chẳng qua ông bà khéo léo không để cho con cái biết.

Kể từ ngày ba mất, Uyên là người duy nhất sau mẹ được quyền sở hữu chùm chìa khóa của căn nhà, nên việc cô vào căn phòng làm việc của ba mình rất dễ dàng. Là một doanh nhân thành đạt, làm chủ nhiều đồn điền, nên phòng làm việc của ông rất nhiều những tủ đựng hồ sơ kinh doanh. Lúc ông sắp mất, tuy Uyên chưa đủ lớn nhưng sau này chính vị luật sư nhận quản lý tài sản đã nói riêng với cô rằng ông đã có căn dặn: Chỉ có Mỹ Uyên là người được xem và quản lý những gì ba cô để lại.

Lúc này, khi đứng trong phòng của cha rồi Uyên mới nhận ra sự thiếu sót của mình. Đúng ra cô đã phải vào phòng này từ mấy năm nay, để xem cha mình để lại những gì, rồi căn cứ theo đó mà quản lý tài sản, việc kinh doanh. Bấy lâu nay Uyên chỉ dựa vào kinh nghiệm học được ở trường và óc thông minh riêng để quán xuyến công việc... Bởi vậy khi kéo ngăn tủ bàn làm việc của cha ra Uyên đã nhận thấy ngay điều mình cần học là ở đây! Xấp hồ sơ trên cùng đã có ghi sẵn đòng chữ: Những điều mà Mỹ Uyên nên xem!

Thì ra cha đã dành sẵn cho cô ở đây!

Vừa giở tập hồ sơ ra xem Uyên đã giật mình! Ngay tờ giấy đầu tiên đã có bút tích của cha: Mỹ Uyên nên làm ngay giúp cha...

Cô lật tiếp bên dưới thì hơi hụt hẫng, bởi ngoài tờ giấy đó thì chẳng còn giấy tờ gì khác. Mà ở cùi hồ sơ còn có dấu của việc bị xé vội, một mảnh giấy còn sót lại.

- Ai đã hủy đi những hồ sơ này?

Bên dưới hồ sơ là các giấy tờ khác sấp xếp theo thứ tự, đó là những công nợ của các mối làm ăn của công ty, mà trong di chúc để lại ông Minh cha cô đã có ghi. Hầu hết là công nợ mà chủ nợ là cha cô, tức cô là người thừa kế duy nhất,

sẽ tiếp tục là chủ nợ của họ. Hầu hết là sắp đến hạn họ phải trả. Uyên buột miệng:

- Cũng may là mình xem kịp thời!

Và rõ ràng, người nào lấy cắp hồ sơ chỉ nhắm vào một loại giấy tờ nào đó. chứ không đụng đến giấy tờ có liên quan đến tiền bạc.

Ở một ngăn kéo khác, cũng phải dùng chìa khóa Uyên mới mở được, cô bắt gặp ngay một bức ảnh chân dung của một cô gái trẻ, đẹp, có nụ cười thật tươi, nhưng đôi mắt thì thật là buồn. Tấm ảnh không lộng khung, nên Uyên lật phía sau và đọc được dòng chữ: Kỷ niệm trên đồi Thiên Thu!

- Đồi thiên thu?

Nhìn kỹ thi bức ảnh này có bối cảnh phía sau là một khung cảnh nào đó quen quen... người chụp đã cắt từ một bức ảnh chụp ngoài trời, để phóng thành một ảnh chân dung...

- Phải rồi, trên ngọn đồi đó!

Uyên nhận ra và nhớ lại cảnh rrên đỉnh đồi nhìn sang phía bên kia, nơi mà cha cô từng cấm không cho đứng ngắm!

Thì ra bức ảnh này được chụp nơi ấy và phải chăng là do chính cha cô chụp? ở một ảnh thứ hai thì đã là câu trả lời: vẫn tấm ảnh đó nhưng còn nguyên, chụp chung với một người đàn ông. Mà người đó chính là... cha của Uyên!

- Thảo nào...

Uyên kết nối nhũng sự việc và lờ mờ nhận ra một chút ánh sáng trong bóng đêm dày đặc quanh cha mẹ mình...

- Người phụ nữ trẻ đẹp này phải chăng là đầu dây mối nhợ của sự lấn cấn giữa cha mẹ mình? Nhưng tại sao? Bao nhiêu câu hỏi lại dồn dập kéo về, khiến cho Uyên càng muốn khám phá thêm những điều của cha mà cô còn chưa biết. Sau hơn một tiếng đồng hồ lục lọi, Uyên đã có thêm bằng chứng để khẳng định rằng cha cô và người phụ nữ kia là một cặp đôi gắn bó cho đến ngày cha cô qua đời. Trong đó có một lá thư ngắn do cha cô viết chỉ cách ngày ông trút hơi thở cuối cùng khoảng một tuần lễ, gửi cho người phụ nữ tên Thiên Thu, báo cho cô ấy biết rằng ông đang hấp hối, sắp lìa xa, mong gặp được cô lần cuối ở tại ngôi nhà trên đỉnh đồi!

- Nhưng sao lá thư này còn ở đây?

Sau khi nhìn kỹ Uyên hiểu ra: Lá thư này cha cô đã gửi đi cho người con gái tên là Thiên Thu, nhưng bị trả lại và người phát thư có ghi: Người nhận đã chết, nhà không có ai nhận thay!

- Trời ơi!

Tự dưng Uyên kêu lên và sững sờ. Thì ra cha cô và cô người yêu này đã chết ở những thời điểm không xa nhau. Và tất cả lại có liên quan tới ngọn đồi mà ông gọi là đồi Thiên Thu! Mà phải chăng do người phụ nữ kia có tên là Thiên Thu nên cha cô đã đặt tên ngọn đồi là tên ấy?

Thêm một chút ánh sáng nữa lại vụt tắt ngay. Bởi sau đó, những gì liên quan tới cô gái đã không còn nữa trong đống hồ sơ khá nhiều trong phòng. Hình như có ai đó cố tình lấy đi, hay hủy hoại.

Uyên cố tìm thêm nhưng vẫn không có gì. Giở trở lại xấp hồ sơ có ghi: Những điều Mỹ Uyên nên xem... Uyên chợt hiểu, cô thốt lên:

- Đấy chính là những điều cha muốn nói về những ẩn tình giấu kín. Những trang nhật ký của ông! Ai đã làm chuyện này? Họ đã lấy đi điều mà cha mình muốn mình biết... mà người đó là ai, nếu không là...

Uyên chợt nghĩ ra, cô kêu lên khẽ:

- Mẹ!

Lúc ấy đã là nửa đêm. Chung quanh yên ắng, đặc biệt là trong ngôi nhà mà giờ đây chỉ có Uyên, mẹ và cô y tá trực. Uyên cho tất cả những đồ đạc của cha vào chỗ cũ, chỉ giữ mấy bức ảnh.

Cô đứng yên một lúc rồi bước qua phòng mẹ đang hôn mê. Không phải là không tôn trọng mẹ, nhưng Mỹ Uyên phải quyết định lẻn vào phòng riêng của bà là ở tình thế bắt buộc. Cô phải biết điều tối hệ trọng cho mắt xích cuối cùng, mà thiếu nó thì mọi vướng mắc trong lòng cô sẽ chẳng bao giờ được nối kết và sáng tỏ ra.

Bà Mỹ Nhung vẫn trong tình trạng hôn mê, hai cô y tá mà Uyên chi tiền để họ túc trực lo cho mẹ luôn là những người mẫn cán, họ túc trực theo ca rất nghiêm túc về giờ giấc. Nhưng với cô là người trả tiền công cho họ thì việc cô ra vào phòng của bệnh nhân là chuyện bình thường, chỉ có điều là theo yêu cầu của bác sĩ, Uyên không trực tiếp đối diện với mẹ, bởi mỗi lần như vậy sẽ gây ra sự kích động nơi bà.

Uyên bước vào phòng, ra dấu cho cô tá trực ca khuya bước ra ngoài, dặn chừng nào bệnh nhân hoặc cô gọi thì hãy vào. Sau đó Uyên bước lại tủ riêng của mẹ. Những tủ này cô không có chìa khóa, nhưng may quá, xâu chìa khóa của bà Mỹ Nhung lại ghim trong ổ khóa của một chiếc tủ trong phòng.

Mở tủ ra, ở ngăn quần áo thì Uyên không màng, cô kéo ngăn tủ nhỏ thường mẹ cô hay để nữ trang và những vật quý giá. Bà luôn khóa, nhưng hôm nay thì

lại không. Có lẽ bà nghĩ nó ở trong phòng riêng mà cánh cửa tủ lại khóa chặt thì còn lo gì.

Và chính ở ngăn tủ đó, Uyên đá tìm thấy vật mình đang tìm. Một xấp giấy viết đầy chữ của cha, được xé ra đúng là từ xấp hồ sơ bị mất nhiều trang mà Uyên phát hiện lúc nãy.

Vừa cầm lên đọc nửa dòng đầu. Uyên đã biết ngay đó là những trang nhật ký của cha!

"Ngày... tháng... năm...

"Mình gặp Thu trên đồi, nơi mình đã đứng suốt ba buổi chiều để đợi. Cuối cùng nàng cũng đã đến! Thật lộng lẫy, kiêu sa và dễ thương làm sao... Mình tự hỏi: tại sao mình để lỡ mất con người như thế này, để đi lấy một người mình không hề yêu? Phải chăng trời bắt mình phải trả giá!

"Ngày... tháng... năm...

"Vừa gặp thì nàng đã báo cho mình cái tin mà vừa nghe mình đã tái mặt, chết điếng...

Đang đọc tới đó thì bỗng bà Mỹ Nhung kêu thét lên một tiếng, khiến Uyên phải ngừng lại. Vừa lúc đó cô y tá chạy vào. Cô cũng hốt hoảng:

- Bà bị nguy lắm rồi!

° ° °

Mẹ mất ngay lúc Mỹ Uyên vừa khám phá ra một điều vô cùng quan trọng, nên vừa mai táng cho mẹ xong Uyên đã phải lập tức trở lên Đơn Dương. Cô tìm theo đúng cái địa chỉ mà cha cô ghi phía sau tập nhật ký.

Sở dĩ Uyên làm chuvện ấy ngay thay vì đọc hết tập nhật ký của cha là bởi ở dòng cuối cùng của nhật ký, ba Uyên đã dặn thật kỹ:

"Con muốn biết nhật ký ba viết có trung thực hay không thì trước tiên con phải tìm tới nhà của người phụ nữ mà ba đã dành cả một đời để yêu. Có biết rõ rồi thì con sẽ hiểu ba có phải là người chồng, người cha tệ bạc hay không!"

Địa chỉ mà ông Minh ghi thật ra không xa ngôi nhà của gia đình Uyên là bao. Uyên tìm được khá dễ, nhưng khi hỏi thì một bà lão duy nhất sống trong nhà chỉ khóc chứ không trả lời câu hỏi của Uyên. Mãi sau đó, khi đã dùng hết cách kể cả nước mắt, thì Uyên mới được bà già cho biết:

- Đây đúng là nhà của con Thu. Nhưng từ khi nó mất đi thì không một ai được phép bước vào. Kể cả tôi là bà của nó mà cũng chỉ được ngủ ở ngoài hiên này suốt năm năm nay.

Uyên ngạc nhiên:

- Sao vậy bà? Cô ấy chết rồi mà?

- Chính vì đã chết nên mới hiển linh!

- Hồn ma?

Bà cụ bước đi rất yếu, nhưng cũng ráng đứng lên mở cổng rào, mời Uyên:

- Nhưng đó chuyện của ngày hôm qua. Bắt đầu từ sáng nay thì khác. Mới sáng sớm tôi đã ngạc nhiên bởi cánh cửa vốn đóng chặt ngót năm năm qua, bỗng dưng mở toang và tôi không còn nghe tiếng khóc tỉ tê trong đó nữa!

Uyên còn chưa dám bước vào thì bà khuyến khích:

- Trước đây thì tôi không dám, nhưng từ bây giờ có lẽ khác rồi, cháu cứ bước vào đi, rồi muốn hỏi gì về con Thu tôi nói cho.

Uyên bước hẳn vào trong. Cô nhìn lên bàn thờ thì thấy một khung ảnh với chân dung giống hệt như tấm ảnh mà cô thấy ở nhà mình. Cô ngập ngừng hỏi:

- Thưa bà, con muốn biết cô Thu này có phải tên thật là Thiên Thu không?

- Đó là tên thật của nó. Một cái tên mà ai nghe cũng quở là tên không nên đặt cho một cô gái còn son trẻ như thế. Nhưng nó lại thích. Có lẽ bởi mang cái tên như vậy nên đã thành định mệnh của nó. Và bởi vì nó có cái tên quá kêu, quá kiêng kỵ với mọi người nên người ta đã bắt nó mang một cái tên khác hoàn toàn, một cái tên lạ lẫm, mà có lẽ vì thế mà nó đã trở thành... thiên thu!

- Tên gì, thưa bà?

- A Lìn!

Lời bà vừa thốt ra đã làm cho Uyên kinh hãi:

- A Lìn? Phải chăng đó là... người hầu của mẹ cháu?

Bà cụ sửng sốt nhìn Uyên:

- Vậy ra... cô là... là con của con người đó sao? Con người có cái tên đẹp, êm ái như nhung mà có lòng dạ độc ác hơn rắn độc, hùm beo!

- Kìa bà...

Uyên định lên tiếng bênh vực mẹ mình, nhưng kịp dừng lại khi nhìn thấy nét mặt đanh lại của bà cụ.

Rồi bất thình lình, bà cụ chỉ tay sang một bàn thờ khác phía vách bên kia, bảo Uyên:

- Cô có nhìn thấy thằng đó không? Nó chết khi mới hai mươi tuổi, tức lớn hơn con Thiên Thu hai tuổi. Nó cũng chết bởi lòng dạ rắn độc của mẹ cô!

- Kìa bà! Xin bà...

Nhưng bà cụ chừng như không còn để ý đến lời nói của Uyên nữa, mà rơi vào cơn xúc động khó kiềm chế được:

- Con người ta đang độ tuổi lớn, tuổi yêu, vậy mà chỉ vì ghen tuông, ích kỷ, mẹ cô đã nhẫn tâm sát hại nó, đẩy chúng nó xuống địa ngục, âm phủ. Cái thứ yêu tinh đó cuối cùng cũng phải đền tội, cũng phải...

Bà càng nói càng xúc động và giọng càng thê thiết hơn, điều đó càng khiến cho Mỹ Uyên không còn chịu đựng nổi, cô gào lên:

- Bà đừng nói nữa!

Uyên lao ra cửa trong tình trạng hoảng loạn và cứ thế, cấm đầu chạy một mạch không định hướng.

Nhưng phải chăng là ngẫu nhiên, khi cuối cùng Uyên lại dừng trên đỉnh đồi quen thuộc. Đến khi nhận ra, cô bàng hoàng kêu lên:

- Đồi Thiên Thu!

Đột nhiên, Uyên lại lao tới như mũi tên về hướng vực thẳm, vừa cất tiếng gọi thảng thốt:

- Mẹ!

Bởi lúc ấy ngay trước tầm mắt của Uyên là chiếc xe lăn của mẹ mình đang chới với sắp ngã xuống vực sâu!

- Mẹ ơi!

° ° °

Cô Út tỉnh lại rồi!

Tiếng reo mừng của Tư Sương cũng làm cho người mới vừa bừng tỉnh giật mình. Cô ngơ ngác nhìn quanh và cất tiếng hỏi:

- Mẹ tôi đâu?

Tư Sương nắm tay Uyên gọi khẽ:

- Tôi, Tư Sương nè!

Lúc này Uyên mới nhận ra, nhưng cô vẫn hỏi:

- Mẹ tôi có bị rơi xuống vực sâu kia không?

- Cô Út, chính tôi đã kịp cứu cô lúc đó đang sắp lao xuống vực sâu trên đồi. Nếu tôi tới không kịp thì cô đâu còn mạng, chẳng khác gì chị Lìn.

- Lìn! Chị vừa nói tới ai?

- Cô Út đâu còn lạ gì chị ấy, người đã đẩy xe lăn cho bà chủ suốt mấy năm trời. Người đã bị chết trên đồi...

Uyên không còn kiềm chế được, cô bật dậy nắm vai Tư Sương hỏi dồn:

- Tại sao chị Lìn chết? Và chị có biết Lìn chính là Thiên Thu không? Tại sao...

Câu hỏi dồn dập đó đủ khiến cho Tư Sương bàng hoàng, chị đờ người ra, cho đến khi Uyên dứt hỏi thì cũng là lúc Sương run rẩy như bị kinh phong:

- Cô... cô Út... biết rồi sao...

Và chị ta im lặng như người mất hồn, sắc mặt tái nhợt...

- Vậy là chị biết hết mà giấu tôi. Chị Sương, mọi việc thế nào?

Tư Sương bật khóc nức nở, hồi lâu mới nắm tay Uyên, nhẹ giọng bảo:

- Cô ráng đi theo tôi.

Chị ta dẫn Uyên về phòng riêng của mình. Đây là căn phòng ở dãy nhà riêng dành cho người giúp việc, nhưng khi bước vào trong thì chính Uyên cũng ngạc nhiên khi nhận ra phòng rộng và tươm tất chẳng khác gì các phòng trên ngôi nhà lớn hay cụ thể là phòng của Uyên.

Sương giải thích ngay:

- Đấy là sự ưu ái của cả ông bà chủ. Họ tưởng thưởng cho tôi, bởi vì suốt mười lăm năm tôi chỉ biết ở đây...

Nhưng điều ngạc nhiên lớn hơn là ngay sau khi Uyên nhìn thấy bức ảnh chân dung đặt trên một bàn thờ kê giữa nhà, cô kêu lên:

- Hình đó là ai?

Bức ảnh thờ kia giống y như ảnh thờ ở nhà bà cụ của cô Thiên Thu! Người mà bà cụ bảo rằng đã bị chết bởi mẹ Mỹ Uyên!

- Người này là...

Tư Sương đáp gọn:

- Là anh ruột của tôi!

Uyên bị kích động:

- Người đó chết theo cô Thiên Thu phải không?

Không đợi Sương trả lời, Uyên đã tự bảo:

- Cả hai đều do một tay mẹ tôi...

Lời cô chưa dứt thì Tư Sương đã bịt cả hai tai lại gào to:

- Đừng nhắc chuyện đó! Đừng...

Rồi như kẻ bị tâm thần, chị ta thoát chạy ra khỏi nhà, nhầm hướng phía sau mà chạy. Uyên sững sờ một lúc, chợt cô nhớ ra, hốt hoảng:

- Đồi!

Uyên phóng theo và quả nhiên cô nhìn thấy bóng của Tư Sương chạy về hướng ngọn đồi. Và bất chợt từ trên đó có tiếng đàn guitar bài "Chuyện Tình" (Love Story) vọng lại. Uyên hơi khựng lại khi nghe bài nhạc, nhưng rồi nó như một động lực, khiến cô chạy nhanh hơn và thật bất ngờ, như có một phép mầu, Uyên lại chạy tới đỉnh đồi trước cả Tư Sương! Và đó cũng là thời khắc quyết định, bởi đúng lúc đó bỗng nhiên Tư Sương buông mình lăn tròn theo triền dốc, để rơi nhanh xuống phía vực sâu!

Bằng một động tác như được ai đó tiếp sức, Uyên vừa kịp đưa tay chụp lấy một cánh tay của Sương, rồi kéo lại. Động thái đó kịp lúc cứu mạng của Sương, bởi chỉ trong nháy mắt nữa thôi, cả thân thể cô ta sẽ rơi gọn xuống vực!

Được cứu rồi, nhưng Tư Sương vẫn chưa tin là mình đang còn ở trên đỉnh đồi. Cô kêu lên thảng thốt:

- Tôi đến đây rồi!

Uyên phải lên tiếng:

- Tôi đây, Uyên đây chị Tư.

Nhưng Sương vẫn nhắm nghiền đôi mắt, nói như nói với ai đó:

- Chờ tôi có lâu không? Hãy thông cảm, tôi phải chờ...

Rồi chị ta rơi vào trạng thái hôn mê sâu...

Mỹ Uyên phải khó khăn lắm mới kéo chị ta xuống triền đồi phía bên kia...

° ° °

Sau khi giúp Tư Sương tỉnh lại và ngủ yên rồi, Mỹ Uyên mới trở lên phòng mình ngả lưng nghỉ. Suốt ngày qua, cô đã quá mệt với nhiều chuyện, giờ đây cô cần giấc ngủ hơn bao giờ hết. Nhưng chỉ vừa đặt lưng xuống thì Uyên lại bật dậy ngay và bật đèn sáng lên để xem lại tập nhật ký của cha.

Hôm ở nhà, Uyên chỉ mới xem một trang đầu và định để lúc nào rảnh sẽ xem tiếp. Nhưng bữa nay thì nhất thiết cô phải đọc cho hết, bởi những gì còn lại là một thách thức với Uyên...

"Ngày... tháng... năm...

"Thu báo cho mình biết, cô bị Mỹ Nhung chặn đường khi đi từ nhà ra thị xã, và sau đó bị Nhung cùng ba người đàn bà khác kéo về một ngôi nhà hoang để ra tay hành hạ dã man! Thu cầu cứu mình và cơn thịnh nộ của mình lên tới cực độ, mình về gặp Mỹ Nhung, định sẽ ra tay thật nặng để trừng trị cái tội đã dám làm cái chuyện mà mình đã cấm từ lâu. Mỹ Nhung tuy là vợ mình, nhưng cô ấy hiểu hơn ai hết, mình đã yêu Thiên Thu từ trước khi mình lấy vợ. Một trong những đ điều kiện để mình chấp nhận cuộc hôn nhân với Nhung chính là việc Nhung không được quyền đụng đến Thu, bởi Thu đã phát nguyện đi tu, chỉ chờ nàng sinh xong đứa con đang lỡ mang với mình. Chính Mỹ Nhung đã đồng ý trước mặt mình và Thu, vậy mà sau đó lại âm thầm trở mặt. Mình hận Nhung và thứ tình yêu chỉ có nghĩa chứ không chút tình, phút chốc trở thành thù hận!

"Tuy nhiên, khi mình định trút cơn thịnh nộ thì Nhung lại làm cho mình chùn tay: cô ấy báo cho mình cái tin mà mình phải sững sờ, rằng cô ấy cũng đang có thai với mình! Lòng dạ mình đau thắt, lương tâm mình ray rứt khó xử... Để rồi cuối cùng mình đành phải dẹp qua một bên cơn giận đang sục sôi.

"Ngày... tháng... năm...

"Trong lúc mình chuẩn bị đi tìm Thiên Thu để giúp nàng ổn định cuộc sống, xoa dịu tinh thần sau cú sốc dữ dội đó, thì xui cho mình, chẳng hiểu sao mình lại đau bụng đến tối tăm mặt mày, người sốt cao như lửa đốt và buộc phải nằm lại mất mấy ngày. Để rồi khi mình tìm tới một lương y quen thì ông ta báo cho mình cái tin dữ làm mình sững sờ: Mình bị ai đó cho uống phải một loại độc dược cực mạnh, khiến cho ngũ tạng bị phá hủy từ từ và sẽ liệt giường cho đến ngày chết! Mình còn chưa hết bàng hoàng thì độc dược đã phát huy tác dụng, rồi sau đó mình không thể làm gì ngoài nằm thiêm thiếp chờ chết! Trong lúc kiệt lực và gần đi vào hôn mê thì mình mơ hồ biết được là đang bị chuyển đi trên một chiếc xe...

"Mình phát hiện ra đang ở một nơi xa... Khi cơn mê giảm bớt, mình nhận ra đang nằm trong ngôi biệt thự ở Đơn Dương. Đêm hôm đó, mình nghe trộm được cuộc nói chuyện của ai đó ngoài cửa phòng. Có lẽ họ nghĩ mình hôn mê nên cuộc nói chuyện khá thoải mái xoay quanh chuyện hãm hại ai đó... Sau cùng mình điếng hồn, bởi hai người phụ nữ kia đang bàn một âm mưu hại người! Mà họ không phải ai xa lạ, chính là Mỹ Nhung và cô người làm tên Tư Sương! Mỹ Nhung căn dặn:

- Mày phải cố duy trì sự sống cho ông ấy đến khi con Thiên Thu sinh con, bởi tao cần đứa con của nó, chứ tao nào có "bầu bì" gì đâu. Tao đã gạt được lão

ta, để lão ta tin rằng tao đang có thai và không trừng trị tao về tội đã làm nhục con người yêu của lão. Sau khi con Thiên Thu gần ngày sinh, mày nhớ bảo thằng em trai mày trực tiếp đưa nó về Sài Gòn cho tao, lúc đó tao sẽ có cách tính nó.

"Tư Sương đã hỏi lại Mỹ Nhung:

- Tại sao phải đưa cô ấy về Sài Gòn mà không để ở đây sinh xong, rồi sau đó con sẽ... ra tay? Còn thằng em trai con, sao lại phải là nó đưa Thiên Thu đi mà không phải là con?

"Lúc ấy Mỹ Nhung đã nói:

- Mày quên là tao cần bắt đứa nhỏ để nuôi hay sao! Còn việc phải cần thằng em trai mày là bởi như mày nói, thằng ấy mê con Thiên Thu mà không được đáp lại, bởi vậy tao mới muốn cho nó tận mắt thấy cảnh con Thiên Thu mang thai với người khác, từ đó nó sẽ thù hận lão Minh nhà tao. Tao muốn mượn tay thằng em mày giết một lúc cả hai đứa nó.

"Lúc ấy, mình đã nghe rõ tiếng kêu thất thanh của Tư Sương:

- Bà đừng bắt thằng em trai con làm chuyện ác nhân đó! Đúng là nó yêu Thiên Thu mà không được đáp lại, nhưng nó se không bao giờ hại người đâu. Nó thà chịu đau khổ một mình chứ không làm kẻ sát nhân đâu!

"Lúc ấy, mình nghe Mỹ Nhung gằn từng tiếng:

- Nếu mày không nghe theo tao thì hậu quả gì mày đã biết rồi! Tao sẽ nói cho mọi người biết chính mày đã đi mua độc dược, rồi chính mày đã bỏ vào thức ăn cho lão ấy ăn! Mày là thủ phạm chớ không phải tao!

"Ngày... tháng... năm...

"Mình còn biết thêm, sau khi căn dặn Tư Sương mọi việc, Mỹ Nhung đã đắc ý, nói toạc ra ý của bà ấy:

- Tuy trước sau gì tao cũng cho con Thiên Thu về chầu âm phủ, nhưng sẽ không để nó chết dễ dàng đâu, mà còn phải cho nó nếm mùi đau khổ nhiều hơn.

"Tư Sương đã hỏi lại:

- Bà còn muốn thằng em con làm gì nữa?

"Mỹ Nhung cười đắc ý:

- Tao sẽ giấu đứa con nó mới sinh, gạt nó rằng đứa bé bị bắt cóc và cho nó cùng thằng em trai mày đi tìm. Lúc ấy em mày chỉ cần...

"Mình nghe Tư Sương thảng thốt kêu lên:

- Không được đâu bà ơi. Thằng em con sẽ không bao giờ ra tay...

"Mỹ Nhung đã tính mọi việc đâu ra đó, bà ta nói:

- Mày khỏi phải lo. Chuyện hại con Thiên Thu không cần em mày ra tay đâu. Chỉ cần nó dẫn con Thu trở về Đơn Dương, rồi mọi việc sẽ có người khác lo!

"Ngày... tháng... năm...

"Người khác mà Mỹ Nhung nói chính là bà ta! Một tháng sau, khi mình còn nằm liệt giường thì Mỹ Nhung bất thần trở ra. Lần này bà ấy không đi một mình, mà cùng với Thiên Thu, nhưng Thu lại trong lốt một ả xẩm tên Lìn! Mình bị á khẩu và bất động, nên khi bà ta ngồi trên xe lăn mà người đẩy xe là... Thiên Thu đến trước mặt mình thì mình chỉ trào nước mắt chứ không làm sao lên tiếng được! Nhưng nghe thì mình nghe rất rõ, Mỹ Nhung đã không giấu giếm, nói thẳng:

- Cô người yêu nhỏ bé của ông bây giờ đã trở thành nàng hầu đẩy xe lăn cho tôi rồi! Mà ông biết tại sao cô ấy lại chấp nhận làm điều này không? Bởi... cô la cũng bị tôi cho uống loại thuốc giống như của ông đã uống, tuy công dụng có khác nhau. Thuốc ông uống thì sau vài tháng nữa sẽ chết, còn thuốc cô ta uống thì không chết mà chỉ... khờ khờ, điên điên thôi. Ông thấy đó, nhìn thấy ông mà cô ta không hề xúc động không nhận ra người tình của mình!

"Mình điên tiết lên, nhưng chẳng làm gì được, đành chỉ biết quơ hai tay trong tuyệt vọng. Nhìn Thiên Thu đẩy xe lăn đi... Đi được mấy bước thì bà ta quay lại chọc tức mình:

- Ông không hỏi sao tôi lại ngồi xe lăn à? Thật ra, tôi có què cụt gì đâu, chẳng qua tôi giả vờ để hành hạ nó chơi thôi!

"Bà ta nói xong thì bước ngay xuống xe, bước đi một cách linh hoạt, trong lúc vẫn giục Thiên Thu đẩy xe lên đồi!

"Ngày... tháng... năm...

"Mình ngất đi có lẽ khá lâu, sau khi mình thức gần suốt đêm để cố viết cho thật nhiều trang nhật ký mà mình định viết từ lâu mà chưa thực hiện được. Có lẽ do vận dụng sức quá căng thẳng, quá lâu, nên mình đã ngất đi. Lúc tỉnh lại, mình hơi giật mình khi nhìn thấy con Tư Sương đang quỳ bên cạnh. Nó bật khóc khi thấy mình tỉnh lại. Nó nói trong nghẹn ngào:

- Ông ơi... cô... cô Thiên Thu đã... đã rơi xuống vực rồi! Thằng em con lao theo mà không cứu kịp và cũng đã chết dưới vực sâu đó!

"Mình vận toàn lực và bật lên được một tiếng "trời ơi!" rồi...

"Ngày... tháng... năm...

"Mỹ Uyên con! Nếu con đọc được những dòng này thì con đã biết mình là con của ai rồi! Và chắc con sẽ ngạc nhiên tại sao con là con duy nhất của ba với Thiên Thu, trong khi bà Mỹ Nhung không hề sinh cho ba được đứa nào, vậy tại sao gọi con là Út? Chỉ vì cho đến khi ba chết, chắc chắn sẽ không có ai là chị em của con nữa, ba gọi con là Út để khẳng định con là chót, là duy nhất. Bởi ba biết chắc là khi ba ra đi rồi thì bà Mỹ Nhung sẽ bày lắm trò nữa gạt con... Vậy con nên nhớ, sau con, ba không hề có con với ai nữa! Ba lạy trời cho con mau tìm được quyển nhật ký này, để đọc và biết hết sự thật. Có như thế con mới hiểu tại sao ba yêu cô Thiên Thu đến như thế và rồi đây con cũng yêu mẹ con như ba vậy...

"Ngày... tháng... năm...

"Mỹ Uyên của ba! Ba không còn sức để viết được nữa... Ba chỉ muốn lặp lại, đây là tất cả những gì con nên xem!

"...Về tài sản thì trước đây vài tuần, khi nghe biết sự thật quanh âm mưu của người mà con gọi là mẹ, bà Mỹ Nhung, thì ba đã âm thầm nhờ luật sư lập tờ di chúc, để lại tất cả sản nghiệp này cho con. Chỉ duy nhất có con là đủ tư cách thừa hưởng. Tâm nguyện cuối cùng của ba là muốn con hãy tìm cho được hài cốt của mẹ Thiên Thu và lập mộ đàng hoàng. Nếu được thì hãy chôn cô ấy bên cạnh ba...

° ° °

Mỹ Uyên buông tập nhật ký xuống và bật khóc! Những gì cha cô viết là sự thật, mà cho đến giây phút này cô mới hiểu tại sao trong thâm tâm mình từ nào đến giờ tuy nghĩ bà Mỹ Nhung là mẹ của mình, nhưng chưa bao giờ Uyên có tình cảm sâu đậm với người đàn bà ấy...

Mỹ Uyên đã bỏ ra hơn chục ngày để tự thân đi tìm hài cốt mẹ dưới vực sâu. Địa hình hiểm trở, vực sâu nguy hiểm, những điều đó không làm chùn chân cô gái yếu đuối. Nhưng kết quả vẫn là con số không.

Đến ngày cuối cùng, khi tất cả những người giúp Uyên đi tìm đã phải chán nản buông xuôi, thì Mỹ Uyên chợt nhớ tới ngôi nhà của Thiên Thu!

Trở lại nơi đó thì ngay khi vừa nhìn thấy cô, bà cụ trong nhà đã reo lên:

- May quá, tôt đang tính đi tìm cô đây!

Bà kéo Uyên ngồi xuống, vừa thuật chuyện:

- Đêm qua tôi lại mơ thấy nó về, nó nói là sắp nhận lại con, tôi ngạc nhiên hỏi thì nó khóc chứ không nói...

- Cô Thiên Thu hả bà? Á, mà không phải là cô, mà là...

Bà già vuốt tóc Uyên:

- Nếu con Thu mà còn sống thì chắc giờ đây cũng đã có con cỡ tuổi con rồi! Bà thích một đứa cháu gái giống như con vậy...

Mỹ Uyên khóc òa lên khiến bà ngạc nhiên:

- Sao con khóc?

Bất thần ôm lấy bà, Uyên nghẹn ngào:

- Bà... là mẹ của cô Thiên Thu phải không?

Bà cụ hình như muốn giấu, nhưng trước ánh mắt thành khẩn của Uyên, bà hơi ấp úng một chút, rồi nhẹ gật đầu:

- Phải...

- Bà ngoại!

Bà cụ kinh ngạc:

- Cô... con gọi ta là gì?

- Bà ngoại của con! Con là con của mẹ Thiên Thu đây!

Bà cụ trợn tròn mắt:

- Con không gạt ta phải không?

- Chính là con đây, bà ngoại!

Giọng bà cụ thảng thốt:

- Hèn gì suốt đêm con Thiên Thu cứ hiện về và nói mãi về chuyện nó đã tìm được con rồi! Nhưng mà... theo ta biết thì con là con của... vợ thằng Minh? Mẹ con là... Mỹ Nhung?

- Không đâu ngoại. Để con kể ngoại nghe...

Mỹ Uyên tuần tự kể lại những gì cha viết trong nhật ký. Khi cô vừa dứt lời thì bà cụ nói liền:

- Tội nghiệp thằng em con Tư Sương! Chính nó đã tìm ra hài cốt của con Thiên Thu, đem về đây.

Uyên kinh ngạc:

- Nghe nói ông ấy cũng đã chết theo mẹ con, khi nhảy theo cứu rồi cũng rơi xuống vực sâu mà?

Bà cụ lắc đầu:

- Chỉ có mình con Thu chết. Thằng Năm Nhàn này nhảy theo rồi may mắn máng lại trên cành cây, không chết. Nhưng toàn thân thương tích đầy mình. Nó đã kẹt lại dưới khe sâu nhiều năm liền, sống được là nhờ ăn củ dại, trái rừng và uống nước suối. Nó bị gãy cả hai chân, mù hai mắt, nhưng vẫn ngày đêm cố công tìm cho bằng được hài cốt của Thiên Thu! Tội nghiệp, nó yêu Thiên Thu trong vô vọng, vậy mà vẫn một lòng chung thủy... Cho đến một ngày kia cách đây gần mười năm, một hôm nó lê lết về đây kêu cửa, ta ra mở cửa và cứ tưởng nó là ma! Đến khi nó nói ra ta mới biết sau bao nhiêu ngày tháng, nó đã tìm ra được hài cốt con Thu, nhưng chưa thể đưa về đây, nguyện thế nào cũng cố đem về cho bằng được! Ngoại cảm ơn nó vô cùng, giữ nó lại đây chăm sóc thương tích, nhưng vào một đêm thanh vắng, nó đã... treo cổ chết giữa phòng mà bây giờ ngoại thờ mẹ con. Tội nghiệp, nó đã đi theo mẹ con rồi...

Mỹ Uyên nhớ lại tiếng đàn hát bài Love Story, cô chép miệng:

- Đúng là ông ấy...

- Con nói ai?

- Dạ, người chung tình với mẹ con! Tội nghiệp ông ta!

Bà cụ thở dài:

- Bởi vậy ngoại mới thờ chung nó trong nhà với con Thu. Chỉ tiếc là cho tới bây giờ, ngoại vẫn chưa tìm ra nơi mẹ con vùi thân.

- Con đã tự đi tìm, rồi nhờ cả chục người, nhưng vẫn chưa thể tìm được.

Mỹ Uyên tỏ ý muốn được ở lại trong gian phòng đang thờ mẹ mình, bà cụ tỏ ý ngần ngại, nhưng sau cùng bà cũng đồng ý. Chỉ căn dặn:

- Con đừng ngủ lại trong đó. Đến khi nào cần ngủ thì ra ngoài này,với ngoại.

Uyên lần đầu tiên có được cái cảm giác gần gũi với mẹ ruột mình, nên cô cứ đứng trước bàn thờ, đốt hết nén nhang này lại tiếp nén khác. Cho đến quá nửa khuya...

Bà ngoại gọi mấy lượt mà Uyên vẫn chưa chịu ra, cuối cùng bà phải đi ngủ trước. Còn lại một mình. Mỹ Uyên cất tiếng khấn mẹ mình:

- Nếu mẹ có linh thiêng thì hãy hiện về cho con biết hài cốt mẹ bây giờ đang ở đâu? Di ngôn của ba cũng rất muốn được chôn gần bên mẹ, nay con đang muốn thực hiện lời dặn đó và quyết làm cho được. Mẹ giúp con đi...

Mỗi lần Uyên khấn thì nhang cháy bùng lên, nhưng ngay sau đó lại tắt phụt như có ai đó thổi không cho cháy! Uyên đốt đi đốt lại đến lần thứ sáu mà vẫn lặp lại như vậy. Cô chợt hiểu, nên lại khấn:

- Nếu mẹ không bằng lòng thì con sẽ đợi đến lúc nào mẹ ưng. Con ở đây đợi được.

Đến hơn một giờ sáng, quá mệt mỏi nên Uyên ngả đầu vào vách tủ thờ định ngủ. Nhưng chỉ mới lim dim thì chợt nghe có tiếng đàn vang lên ban đầu nhỏ, s sau vài mươi giây thì lớn dần... Rồi tiếng hát cất lên. Bài Love Story lời Việt được hát rất hay, truyền cảm lạ thường...

- Chính là ông ấy!

Uyên đang lơ mơ nhưng cũng thốt lên được. Cô định gượng dậy, nhưng không tài nào nhấc tay chân lên được.

Tiếp đó, cô cảm giác như có một bóng người lướt qua trước bàn thờ, tiếng đàn hát chuyển động theo cái bóng lướt đi ấy, chừng như người hát đang muốn cho âm thanh đến khắp mọi hướng trong phòng...

Một lát sau, khi tiếng đàn hát dứt ngang thì tiếng khóc nức nở lại vang lên. Tiếng khóc của đàn ông.

Mỹ Uyên cố lắng nghe và nhận ra tiếng khóc than kia là của chính người vừa mới đàn hát! Bởi ngay lúc ấy thì Uyên nghe có tiếng nói, giọng khàn đục:

- Đừng về với ông ta, Thu ơi.

Một giọng nữ cất lên:

- Tôi không thể... không thể tiếp tục xa con được. Xin hãy rời xa tôi đi. Tôi muốn về với con gái mình! Xin hãy ngừng ngay tiếng đàn đó đi, tôi không thể mà...

Lời của người phụ nữ còn thống thiết hơn, khiến Uyên nghe tới đâu thì lạnh bắt rùng mình. Rồi bỗng cô buột miệng:

- Mẹ Thiên Thu!

Trong lúc bức xúc Uyên đã thốt lên hơi lớn, điều đó làm cho cuộc đối thoại trong bóng tối dứt ngang!

Từ bên ngoài, bà ngoại gọi vào:

- Con kêu ai vậy?

Mỹ Uyên lúc ấy mới choàng tỉnh, cô có thể cử động và nói được bình thường. Cô nói vọng ra:

- Con đâu có nói gì!

- Vừa rồi bà nghe con kêu tên Thiên Thu mà?

- Dạ... có lẽ con nằm mơ! Mà ngoại ơi...

Uyên bước ra, lay tay bà hỏi:

- Hồi nào tới giờ ngoại có từng mơ thấy người đàn ông theo đuổi mẹ con không?

Bà gật đầu:

- Có, lần nào nó cũng khóc, cũng xin ngoại nói giúp để mẹ con thương nó. Nó si tình đến nỗi hình như ngày đêm theo vong hồn của mẹ con như hình với bóng.

Mỹ Uyên chợt hiểu:

- Con biết tại sao con đi tìm mà không thấy hài cốt của mẹ rồi! Chính người ấy đã giấu xác mẹ, chỉ vì muốn giữ riêng cho mình. Ông ấy sợ hồn mẹ con trở về bên cha con và con!

Bà cụ ngơ ngác:

- Có chuyện đó sao?

Uyên đáp:

- Mới rồi con nghe hai người nói chuyện và con đoán ra như vậy. Hài cốt của mẹ con có thể đã bị người ấy giấu ở nơi nào đó. Người ấy ghen bà ngoại ạ!

Bà cụ lẩm bẩm:

- Cũng có thể lắm...

Rồi bà kể:

- Trước đây đã đôi lần bà nghe tiếng thì thầm trong phòng này, khi thì tiếng đàn ông khóc, khi thì tiếng của mẹ con tỉ tê. Mẹ con luôn bứt rứt vì bị ngăn trở bởi ai đó... Bây giờ con nói điều này thì bà mới biết, đúng là cậu ấy ghen với ba con.

Mỹ Uyên lại xin phép bà, trở vào phòng, cô tiếp tục đốt nhang và khấn:

- Nếu mẹ quyết về với cha con và con thì hãy làm cách gì đó, giúp con tìm ra hài cốt của mẹ đi!

Uyên vái hai lần, đốt nhang cả hai lần đều bị tắt. Đến lần thứ ba thì cây nhang cô vừa cắm xuống bỗng vụt bay lên như pháo thăng thiên, và vọt ra ngoài cửa sổ! Linh tính mách bảo, Uyên chạy nhanh ra theo. Cô nhìn thấy cây nhang bay là đà trên ngọn cỏ về hướng phía trước nhà. Nó bay chậm, nên Uyên chạy không nhanh cũng theo kịp. Lúc ấy trời còn tối, nên ánh lửa ở đầu nhang chỉ nhỏ xíu nhưng cũng đủ để Uyên chạy theo.

Một lúc sau, Uyên giật mình khi nhìn thấy sườn đồi trước mặt. Ánh lửa nhỏ từ đầu nhang tiếp tục ở cách Uyên vài bước chân, hướng lên đồi! Mệt nhoài, nhưng như được ai tiếp sức, Uyên vẫn chạy lên đồi và cuối cùng cây nhang dừng lại và cắm sâu xuống đất dưới gốc cây cổ thụ như được ai đó làm!

- Phải chăng...

Mỹ Uyên nhìn chăm chú vào chỗ cây nhang đang cháy sắp tàn, cô thốt lên:

- Mẹ chỉ chỗ cho mình!

Không nghĩ ngợi gì thêm, Uyên dùng ngay một nhánh cây khô gần đó làm cuốc và cuốc lấy cuốc để. Chỉ vài phút sau, quả nhiên cách mặt đất chưa đầy hai tấc, đã lộ ra một cái đầu lâu trắng hếu!

- Mẹ!

Cuối cùng Uyên đã đào lên được trọn vẹn một bộ hài cốt, mà ở cổ tay bên trái của bộ xương vẫn còn nguyên chiếc vòng tay bằng sừng, trên đó có khắc dòng chữ: Lê Thị Thiên Thu.

- Mẹ! Con tìm được mẹ rồi!

Không kể bùn đất dơ, My Uyên ôm lấy đống xương rồi òa lên khóc! Tiếng khóc của Uyên theo gió bay xa. Trên đỉnh đồi gió càng lúc càng mạnh, lúc nãy

mây đen còn vần vũ, tự dưng quang đãng rất nhanh. Một lúc sau, ánh mặt trời nhô lên từ hướng phía trái chân đồi...

Bỗng từ đâu, vang lên tiếng đàn rối nhịp, như ai đó đang điên cuồng đánh lên! Vẫn là tiếng đàn guitar, nhưng lúc này không phải là bản Love story nữa, mà âm điệu cuồng điên, chứng tỏ người đàn đang trong tâm trạng bất an, giận dữ!

° ° °

Cuối cùng thì Mỹ Uyên cũng đã thực hiện được điều mà cha cô ước nguyện: Đem xác ông về chôn trên đỉnh đồi, nằm bên cạnh là mộ của Thiên Thu!

Kể từ hôm đó, nhiều người nghe tiếng đàn, tiếng hát ai oán não nùng của một người đàn ông vang lên trên đồi. Chỉ có bà ngoại của Uyên mới hiểu, bà bảo Uyên:

- Tội nghiệp thằng đó...

Uyên khấn:

- Nếu bác linh hiển thì cứ về đây, cùng với ba mẹ con...

Sau đó, bà ngoại cô còn kể lại:

- Đêm qua thằng ấy nó hiện về, gục khóc bên bàn thờ con Thu. Khóc dữ lắm! Nhưng đến sáng thì lặng lẽ bỏ đi...

Từ đó, ngày nào Uyên cũng lên đồi và ngồi rất lâu bên hai ngôi mộ, mà ở trước mộ cô dựng duy nhất một tấm bia với dòng chữ: Đồi thiên thu hai mộ.