24/10/12

Xác ai trong ngày cưới

Một buổi sáng trời thật lạnh, ở xứ sở cao nguyên này là chuyện không lạ. Tuy nhiên, điều lạ lại nằm ở người phụ nữ trẻ đang rời khỏi ngôi biệt thự cổ để bước xuống dốc ra bờ hồ mà chỉ mặc chiếc áo phong phanh. Phải chăng cô nàng có tâm thần bất ổn?

Chưa hẳn đã như vậy, bởi sau khi xuống tới bờ hồ cô lại biết vẫy tay đón một chiếc xe ngựa, chỉ hướng về phía ngoại ô, tới nghĩa địa. Chiếc xe đầu tiên thà đậu ở đó chờ khách khác, chứ không chịu đi nghĩa địa lúc quá sớm. Phải chiếc thứ hai thì ông già mới chịu đi. Cuối cùng chiếc xe ngựa ấy được ra dấu cho ngừng trước cổng khu nghĩa trang lớn nhất thành phố Đà Lạt. Người đánh xe giờ mới buột miệng hỏi:

- Cô đi thăm mộ sớm quá. Vậy lát nữa cô có cần quay về không, tôi đợi?

Nàng chỉ nhẹ mỉm cười, rồi khoát tay từ chối, chứ không lên tiếng. Cô nàng đi thẳng vào nghĩa địa mà chẳng một ai khác để ý, vì vào giờ đó thì người quản trang vẫn chưa thức dậy.

Cô ta lại đi thẳng vào sâu trong khu nghĩa địa rộng lớn chiếm gần hết một bên sườn đồi thoai thoải. Cuối cùng cô dừng lại trước một ngôi mộ được xây bằng đá hoa cương rất bề thế, rồi đứng im, cúi đầu...

Vừa lúc ấy cô nàng rùng mình. Có lẽ bây giờ mới thấm lạnh! Mà cái lạnh buổi sáng sớm vào những hôm trời rét đậm như thế này một khi đã rùng mình mà không làm ấm kịp thời thì vướng bệnh là cái chắc!

Nhưng điều này sẽ không xảy ra, bởi vừa khi ấy thì cô ta chỉ nhẹ đưa tay lên đầu ngôi mộ thì đã có sẵn chiếc áo khoác của ai đã máng nơi đó và mặc vào một cách rất tự nhiên.

Khi đã đủ ấm, cô nàng từ từ ngồi xuống nơi đã có ai đặt sẵn một bó layơn màu vàng còn tươi. Bấy giờ tấm bia mộ mới lộ ra dòng chữ Dã Lan chi mộ.

Không khấn vái, cũng không đốt hương theo thông lệ người đi viếng mộ, cô nàng chỉ ngồi im rất lâu. Cuối cùng một tiếng nấc vang lên!

Buổi sáng âm u lạnh lẽo bao trùm khu nghĩa địa buồn...

Lúc ấy ở ngoài cổng chợt có một chiếc xe ô tô màu đen chạy nhanh tới đã dừng lại. Trên xe, người thanh niên bước nhanh xuống nhìn quanh một lượt rồi chép miệng:

- Đi đâu kìa?

Người đánh xe ngựa lúc nãy vẫn còn đậu lại để đốt thuốc hút, thấy vậy đã định lên tiếng hỏi, thì bỗng thanh niên lái xe hỏi trước:

- Nãy giờ chú có thấy cô gái trẻ vào trong này không?

Người đánh xe chỉ tay và đáp:

- Mới vào chừng năm phút!

Anh chàng nhanh chóng rời khỏi xe, sắp bước vào cổng nghĩa trang thì chợt dừng lại nói:

- Nếu chú còn đậu xe ở đây thì nếu cô ấy có trở ra làm ơn nhắn giùm là có Phước tới tìm! Cám ơn chú.

Anh chàng tên Phước đó đi như chạy qua hết lô mả này tới lô mả khác, cuối cùng dù không biết nơi cô gái đến, nhưng anh cũng dừng lại đúng ngôi mộ có tên Dã Lan. Đầu mộ chỉ còn bó hoa lay-ơn, ngoài ra chẳng có ai!

Đứng rất lâu trước ngôi mộ, rồi sau đó Phước lặng lẽ bước đi một vòng hầu như khắp khu nghĩa địa. Vẫn chẳng thấy bóng nàng đâu. Thất vọng, anh thở dài:

- Tìm ở nhà không có, ra đây cũng không... Vậy cô ấy đi đâu?

Gần một giờ sau Phước mới trở ra ngoài. Bác đánh xe ngựa vẫn còn đậu đó, bác tò mò hỏi:

- Cậu gặp cô ấy chưa?

Phước lắc đầu, bác ấy nói liền:

- Nghĩa địa này chỉ có một cổng ra này thôi, phía bên kia là đồi cao không leo lên được như vậy chắc chắn là cô ấy còn ở trong. Sợ dĩ tôi không bỏ về là có ý đợi cô ấy. Tội nghiệp, thấy cô ấy buồn và cô đơn quá.

Phước leo lên xe và không quên dặn lại lần nữa:

- Lát nữa nếu cô ấy có ra thì bác nói giùm là có Phước tìm, có chuyện gấp lắm! Nói là Phước đã nói chuyện điện thoại với cô ấy đêm qua. Bác nói vậy là cô ấy nhớ ra.

Thật ra Phước chỉ mới biết cô gái này qua cuộc điện thoại mà anh gọi vào ngôi biệt thự cổ để hỏi thuê trọ trong một tuần ở lại Đà Lạt. Anh gọi đến gặp chủ nhà, nhưng cô gái ấy lại nhấc máy lên nghe. Sau khi Phước hỏi còn phòng cho thuê không thì cô ấy bảo mình cũng là khách, nhưng nếu Phước muốn thuê nhà thì ngày mai cứ tới, bởi sáng sớm mai cô sẽ trả nhà. Lúc đó Phước đã hỏi vội rằng sau khi trả lại nhà thì cô đi đâu? Thì bất ngờ cô ấy đáp gọn lỏn: Đi về thế giới bên kia! Nói vậy rồi cô ta gác máy. Đến sáng nay khi tới ngôi nhà cổ thì bà chủ nhà báo là cô gái mới vừa trả nhà xong, hình như là đi luôn không trở lại... Nhớ tới câu nói không biết đùa hay thật của cô gái và sau đó hỏi bà chủ nhà, bà chỉ xuống hướng bờ hồ. Phước hỏi đúng người đánh xe ngựa đã từ chối chở cô gái, ông ta bảo cho Phước biết cô ấy đi về hướng nghĩa địa và Phước đã linh tính điều chẳng lành, anh tức tốc đi ra hướng ấy...

Không còn cách nào hơn, Phước lái xe trở về ngôi biệt thự cổ. Bà chủ nhà báo liền:

- Vừa rồi tôi nhận được một cuộc gọi điện thoại, nghe giọng biết là cô Hồng Hạnh, nhưng tôi vừa a lô thì bên kia cúp máy. Chẳng biết có phải cô ấy gọi không, mà sao...

- Cô gái ấy tên là Hồng Hạnh?

- Đúng rồi! Một cô gái hiền lành, dễ thương, nhưng tội nghiệp quá, chẳng hiểu sao lại cô đơn. Suốt mấy tháng ở đây chưa bao giờ tôi thấy có bạn bè gì tới thăm. Người đẹp đẽ như vậy mà...

- Chắc tại cô ấy khó tính cũng nên?

Bà chủ nhà bênh vực ngay:

- Không phải đâu! Cô ấy ăn nói mềm mỏng hoà nhã lắm. Có lẽ do có tâm sự gì đó...

Phước hỏi thẳng việc thuê phòng:

- Bà có chắc là cô ấy bỏ đi luôn không? Nếu chắc thì tôi xin thuê căn phòng ấy.

Sau vài giây suy nghĩ, bà đồng ý:

- Thật ra tôi cũng mong cô ấy đi đâu đó rồi trở lại ở tiếp. Nhưng thôi, sau này rồi hãy tính. Bây giờ có cậu là bạn cô ấy ở thì cũng được.

Phước định đính chính mình không phải là bạn, nhưng lại thôi, anh hỏi:

- Cháu đến ở ngay được không bác?

- Cũng được. Mà cậu tính ở bao lâu?

- Dạ, nếu xong việc sớm thì hai tháng, còn nếu việc kéo dài thì có thể lâu hơn. Được chứ bác?

- Được. Nhà tôi đơn chiếc, có người tới ở cho vui. Mà nói thật, cậu là bạn của cô Hồng Hạnh nên tôi mới dám cho ở, chứ tôi ngại cho thanh niên mướn nhà lắm.

Phước nghĩ bà ta ngại chuyện người thuê nhà dẫn gái về nhà, nên anh vội nói:

- Bà yên tâm, cháu cũng giống như cô Hồng Hạnh, ở chỉ một mình và sẽ không có bạn, nhất là bạn gái.

Bà chủ thanh minh ngay:

- Tôi không phải cấm chuyện bạn gái, bởi nhà đã mướn rồi là quyền của cậu. Tuy nhiên, tôi lại sợ người không đàng hoàng. Với cậu thì tôi yên tâm... Vậy đây, cậu cứ dọn vào mà ở, tiền bạc thì cô Hạnh sao cậu vậy.

Anh chỉ chiếc xe hơi:

- Cháu có chiếc xe này làm phương tiện đi lại, cháu đậu nó ở sâu được chứ ạ?

Bà chủ nói vui:

- Có xe của cậu, thỉnh thoảng tôi có cần đi cấp cứu hay chuyện khẩn cấp gì chắc cũng tiện đây!

Thấy bà ta vui tính, Phước lân la hỏi thêm chuyện:

- Cô Hạnh ở đây và làm gì hả bác?

- Ủa, cô ấy chưa nói cho cậu nghe sao?

- Dạ chưa.

- Cô ấy nói đi tìm tung tích của thân nhân.

Phước hơi ngạc nhiên:

- Cô ấy tìm được?

- Tôi cũng không biết. Không hề nghe cô ấy nói.

Bất chợt Phước nhớ chuyện ở nghĩa địa, anh kêu lên:

- Ngôi mộ trong nghĩa địa!

Bà chủ nhà không hiểu, nên hỏi lại:

- Cậu nói mộ của ai?

- Bác có biết Hồng Hạnh có người thân chết chôn trong nghĩa trang thành phố này không?

Bà chủ nhà lắc đầu:

- Tôi không nghe nói. Nhưng sao... cậu gặp cô ấy đi vào nghĩa địa lúc nãy?

Phước trầm ngâm một lúc rồi lắc đầu:

- Dạ, cháu không gặp, nhưng có lẽ...

Phước tới ở chỉ gọn trong một va li quần áo, nên anh chỉ việc chuyển vào phòng là xong. Lúc vào phòng, anh vẫn còn ngửi được mùi thơm vốn có ở một phòng ngủ con gái. Quan sát khắp nơi thì chẳng còn vương lại chút gì khác của người ở trước, ngoại trừ khi mở tủ áo ra anh phát hiện có bộ đồ mặc trong nhà bằng lụa màu hồng phấn. Đúng là của cô nàng bỏ quên lại. Phước báo cho bà chủ nhà, nhưng bà lại bảo anh:

- Cậu cứ tạm để trong tủ đó đi, có lẽ hôm nào cô ấy sẽ trở lại lấy.

Tuy nghe theo, nhưng sau đó Phước cứ bị bộ quần áo ám ảnh mãi. Anh hết lấy ra ngắm, rồi lại đứng nhìn nó treo trong tủ, mà mỗi lần nhìn thì Phước lại tưởng tượng cảnh cô nàng lang thang trong nghĩa địa và tự dưng thấy lo lo Phước cũng chẳng hiểu mình lo điều gì, và tại sao lại để tâm trí vào một người con gái hoàn toàn xa lạ như thế?

Cho đến hơn mười một giờ đêm hôm ấy Phước vẫn chưa thể nào ngủ được, anh bước đến mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Có một khu vườn trồng hoa ở phía sau nhà. Trời đêm lạnh và có sương mù, hơi lạnh lùa vào khiến Phước rùng mình, anh vừa định đóng cửa lại thì chợt có một bóng người lướt nhanh qua cách tầm mắt anh không xa.

- Đêm như thế này mà ai đi ngoài trời lạnh như thế?

Phước tự hỏi và chưa kịp tìm được lời đáp thì bỗng anh lảo đảo, mắt hoa lên như bị trúng gió. Phải vịn vào thành cửa sổ Phước mới đứng vững được. Một lúc lâu sau Phước mới qua được cơn choáng đột ngột đó. Anh vội đóng ngay cửa lại và quay trở về giường. Nhưng khi nhìn vào cửa tủ đang mở mà lúc

nãy Phước treo bộ quần áo lụa ở đó đã không còn thấy nữa! Đồng thời có một mùi hương thoảng nhẹ còn vương lại khắp phòng.

- Phải chăng...

Phước thừ người ra một lúc rồi mở toang cả hai cánh cửa tủ, anh hơi hoang mang, tự hỏi:

- Ai vào được phòng này?

Anh sợ lúc mình bị choáng có ai đó đã lọt vào phòng, nhưng khi xem lại cửa phòng thì chốt gài bên trong vẫn còn. Chỉ có cửa sổ...

- Không lẽ...

Phước nghĩ tới cái bóng người lướt qua lúc nãy. Tuy nhiên, từ cửa sổ anh ở là lầu một của ngôi nhà, cách mặt đất bên dưới khá xa, không thể nào...

Phải mất hơn một tiếng đồng hồ sau, Phước mới tìm lại được giấc ngủ, nhưng cũng vừa chợp mắt là như có ai đó thọc vào mạng sườn khá mạnh, khiến Phước phải choàng dậy định lên tiếng thì một phen nữa giật mình, bởi bàn tay anh chạm phải bộ đồ lụa đang nằm cạnh!

Mở đèn lên nhìn thì đúng đó là bộ quần áo lúc nãy! Phước chưa tin hẳn vào mắt mình nên phải cầm lên xem kỹ, và nhờ vậy anh phát hiện có một mảnh giấy đính kèm, rơi ra. Phước đọc được dòng chữ: Sao lại tơ tưởng đến cái không phải của mình!

Chẳng biết mấy chữ đó viết cho ai, nhưng Phước có cảm giác là nhắm vào mình. Anh chợt rùng mình khi nghĩ trong lúc anh ngủ đã có ai đó vào phòng và trả lại bộ đồ. Điều này là chắc chắn!

Anh mở cửa gọi bà chủ nhà. Bị đánh thức đột ngột, bà ta tỏ ra khó chịu nhưng sau khi nghe Phước thuật lại chuyện thì bà giật mình:

- Có chuyện đó sao?

Bà quả quyết với Phước:

- Từ nào đến giờ ở nhà này chưa từng xảy ra bất cứ chuyện gì như vậy. Mà nhà này cửa nẻo chắc chắn, không làm sao người ngoài lọt được vào. Hơn nữa còn có hai con chó nhốt ở ngoài vườn, chỉ cần một tiếng động nhỏ là nó sủa vang trời luôn. Mà lúc nãy tôi có nghe gì đâu...

Phước không muốn tranh luận nên anh lẳng lặng đóng cửa lại. Nhưng vừa lúc đó, bà chủ nhà lại gõ cửa và lên tiếng:

- Hay cậu đưa bộ đồ ấy cho tôi giữ có lẽ tốt hơn.

Phước thật tâm không muốn, nhưng chẳng lẽ lại giành, nên anh lấy bộ quần áo đưa cho bà ta. Anh thầm nghĩ, như thế có lẽ tốt hơn thật! Và Phước ngủ khá thẳng giấc ngay sau đó...

Tuy nhiên, mới vừa mờ sáng, Phước đã nghe bà chủ nhà vừa chạy sang vừa kêu lên:

- Lạ quá cậu Phước, bộ đồ... sao nó lại...

Nhìn bộ dạng bà ta, Phước chợt hỏi:

- Bộ đồ mất nữa rồi sao?

Bà chủ nhà sợ hãi:

- Mất rồi! Tôi khoá cửa lại cẩn thận mà...

° ° °

Bà chủ nhà Ánh Hồng đã thật sự cần sự có mặt của Phước trong nhà sau sự cố đó. Bà mất ngủ luôn mấy hôm sau, cho đến khi Phước báo cho bà cái tin còn chấn động hơn:

- Bộ đồ đó hiện đang nằm trong va li của cháu!

Số là khi dọn vào ở, Phước đã lấy hết quần áo trong va li ra để mắc vào tủ áo, còn chiếc va li thì anh cho vào gầm giường. Sau chuyện mất bộ đồ của cô gái thì Phước cũng có kiếm tìm trong phòng, nhưng không bao giờ nghĩ là nó lại nằm trong đó. Cho đến sáng nay lúc chợt nhớ là mình còn để sót vài vật dụng linh tinh trong đó, Phước mới kéo va li ra và ngớ người khi thấy bộ đồ lụa nằm ngay ngắn trong đó. Anh gọi ngay cho bà chủ Ánh Hồng, bà run run giọng bảo Phước:

- Cậu liệu mà... bỏ bộ đồ ấy đi! Tôi không ngủ được vì nó, mà bây giờ lại như thế này nữa thì chắc tôi chết mất!

Phước chỉ ậm ừ:

- Được, để cháu tính...

Tuy nói vậy, nhưng Phước lại lén để bộ đồ trở lại trong va li và tự nhủ:

- Để xem...

Anh đi thật sớm, trở lại khu nghĩa địa. Suốt mấy hôm suy nghĩ, cuối cùng Phước quyết định phải trở lại nghĩa địa một lần nữa. Anh đi một vòng hầu như khắp nơi, cuối cùng anh lại tìm gặp ngôi mộ có tên Dã Lan bởi một dấu ấn dễ phát hiện: Ngay trước đầu mộ vẫn có một bó hoa lay-ơn tươi giống như hôm trước! Bó hoa này chắc chắn là mới được đặt sáng sớm nay hoặc có thể là tối qua, chứ không phải là bó hoa cũ mà anh thấy hôm trước. Phước đọc kỹ dòng chữ ghi trên mộ bia và lẩm bẩm:

- Cô ta là thế nào với người nằm dưới mộ?

Thắc mắc của Phước là về Hồng Hạnh, cô gái đang làm cho anh và bà chủ nhà Ánh Hồng điên đầu. Phước không nghĩ chính Hồng Hạnh là người gây ra những rối rắm vừa qua, mà có thể đó là người nằm dưới nấm mộ này.

Nhìn kỹ lại những chữ ghi trên mộ bia, thấy ngày sinh tử, Phước kêu lên:

- Chết rất trẻ!

Nếu tính ra thì cô này chết lúc chỉ mới mười tám tuổi! Bất giác, Phước cảm thán:

- Chết trẻ như vậy, thảo nào...

Phước tự tính khi về sẽ hỏi lại bà chủ nhà, có thể bà ta sẽ biết chút gì đó về cô gái tên Dã Lan này. Còn bây giờ, chẳng còn biết làm gì, Phước lại đi lang thang trong nghĩa trang một lúc nữa, rồi quay trở ra định về. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao khi quay lại thì anh lại đi qua lô cũ, tức trở lại đúng ngôi mộ cô Dã Lan lúc nãy! Mà lần này khiến anh ngơ ngác, bởi bó hoa nằm ở đầu mộ không phải là bó lay-ơn màu vàng như lúc nãy, mà thay vào đó là một bó hoa hồng vàng tươi thắm!

Nghĩ chắc chắn có người mới vừa tới viếng mộ, Phước quay một vòng nhìn, khi không thấy bóng ai, anh thử hỏi lớn:

- Ai vào đây vậy? Ai vừa thăm mộ cô Dã Lan?

Không có ai đáp lời, Phước chợt nghĩ tới cô gái, anh thốt lên:

- Hồng Hạnh!

Lời anh vừa dứt thì chợt có một tiếng bật khóc gần đâu đó. Tiếng khóc của một cô gái! Phước nhìn lên và anh bắt gặp một bóng người đang thoắt chạy

sau hàng mả phía bên kia. Không suy nghĩ thêm, Phước tốc chạy theo, vừa cất tiếng gọi lớn:

- Hồng Hạnh! Cô Hạnh!

Bóng người kia chạy rất nhanh, nên dù cố tăng tốc, vậy mà khi ra đến cổng thì mất bóng cô ta! Phước đang còn ngơ ngác thì chợt nghe tiếng xe hơi rồ mạnh cách đó không xa. Mở máy xe mình, Phước phóng vội theo, bởi anh nghĩ, chỉ cần bám được chiếc xe này thì mọi thắc mắc trong đầu anh sẽ được giải hết!

Tuy nhiên, chiếc xe kia chạy ra hướng ngoại ô và vẫn duy trì tốc độ rất nhanh mặc dù đi qua vùng dân cư đông đúc, khu vực Trại Hầm. Khó khăn lắm Phước mới bám đuổi kịp và tới một khúc ngoặt, Phước cố hết sức và vượt lên cặp sát được chiếc xe kia, rồi bằng một động tác bẻ lái rất chuyên nghiệp, Phước đã vượt qua được chiếc xe và vờ như bị sự cố, Phước cho xe dừng lại, bắt buộc chiếc xe nọ cũng phải dừng theo. Chỉ chờ có thế, Phước bước vội xuống xe và quan sát nhanh bên trong xe ấy biết thế nào cũng nhìn thấy cô gái lúc nãy.

Nhưng Phước đã lầm. Trong xe không có ai khác ngoài tài xế là một người lớn tuổi! Hơi ngượng, nên Phước tìm cách nói:

- Dạ, xin lỗi. Cháu chỉ... bị kẹt thắng, cháu muốn...

Ông tài xế lịch sự cười nhẹ với Phước rồi chậm rãi lách xe ra phía ngoài, đi thẳng. Phải mất hơn chục giây sau Phước mới bình tĩnh lại và cho xe đi theo. Nhưng lạ quá, xe anh vẫn nổ máy, mà khi sang số để chạy tới thì hầu như không thể chuyển động được!

Bị những người phía sau bóp còi inh ỏi để phản đối việc đậu xe chắn ngang lối đi, nhưng Phước vẫn chẳng làm thế nào cho xe chuyển động được. Sốt ruột và bực dọc, một tài xế phía sau nhảy xuống xe và đến tận xe của Phước, quát lớn:

- Xe bị gì vậy?

Phước đành phải nói:

- Xe tôi bị kẹt thắng!

Anh chàng kia nóng nảy đưa tay đẩy mạnh một cái, xe của Phước ào tới suýt nữa đã tông phải mấy người phía trước. Phước bị một phen hú vía, lại bị mấy tài xế kia vượt qua vừa chửi bới om sòm:

- Không biết lái xe mà cũng bày đặt lái!

Phước ráng nhịn để bám theo chiếc xe kia, bởi anh vẫn còn hoài nghi có thể vừa rồi mình nhìn chưa kỹ trong xe. Nhưng mất hơn năm phút sau, anh vẫn không tài nào tìm ra chiếc xe trước. Trong khi ấy thì ở một lối rẽ, chiếc xe đó dừng lại trước một ngôi nhà trồng nhiều hoa, người tài xế bước xuống xe và giở chiếc nón đội đầu xuống thì mớ tóc dài bung ra, xoã dài xuống tới tận thắt lưng. Đó là một cô gái...

Về phần Phước thì sau một vòng tìm kiếm vô vọng, anh đành phải lái xe trở về nhà trọ. Anh tìm ngay bà Ánh Hồng và hỏi:

- Có khi nào bà nghe cô Hồng Hạnh nói về ai đó tên Dã Lan không?

Bà chủ nhà lắc đầu:

- Chưa bao giờ nghe...

Phước thuật lại mọi chuyện mình vừa gặp và kết luận:

- Cô gái tên Hồng Hạnh này có mối quan hệ gì đó với một người đã chết tên Dã Lan, và chính cô Dã Lan này đã gây ra nhưng chuyện kỳ lạ mà bà và cháu gặp mấy hôm nay.

Vốn đã sợ từ mấy hôm rồi, nay nghe Phước kể, bà Ánh Hồng càng sợ thêm. Bà hỏi khẽ:

- Bây giờ làm sao cậu Phước?

Phước chỉ biết lắc đầu. Bà ta chợt nói:

- Hay là bữa nay tôi làm mâm cơm cúng cô ấy xem sao?

- Bà cúng ai?

- Thì cái cô gì cậu vừa mới nói đó!

- Dã Lan!

- Ừ, thì cô ấy...

Phước không có ý kiến gì, trong lúc bà Ánh Hồng nhanh chóng đi chuẩn bị một lễ cúng. Khoảng một giờ sau thì lễ cúng được bày ra, bà gọi Phước lại:

- Cậu là người tìm thấy mộ cô ấy, cũng là người gặp oan hồn cô ấy đầu tiên, vậy cậu cũng phải cùng với tôi khấn vái cô ấy.

Bà đốt hai nén nhang, đưa cho Phước một nén. Phước miễn cưỡng khấn thành tiếng:

- Vong hồn cô Dã Lan sống khôn thác thiêng, xin chứng giám cho lòng thành của chúng tôi. Xin cô đừng quậy phá khiến chúng tôi sợ. Chúng tôi hứa sẽ cúng vái cô đều đặn, xin cô...

Lời của Phước chưa dứt thì con gà luộc và đĩa trái cây đang cúng bỗng bị hất tung lên, văng tung toé trên sàn nhà! Bà chủ nhà hốt hoảng:

- Sao vậy cậu Phước?

Chính Phước cũng đang hoang mang. Anh định vái lần nữa, nhưng do quýnh quá nên anh khấn lầm tên:

- Vong hồn cô Hồng Hạnh có linh thiêng thì...

Lạ lùng thay, lời khấn chưa hết thì tất cả vật cúng đang nằm vương vãi ra đó bỗng hiện diện trở lại đầy đủ trong dĩa như lúc mới bắt đầu!

Phước và bà chủ nhà đều trợn tròn mắt kinh ngạc...

° ° °

Cuối cùng thì Phước hiểu ra tại sao anh vái vong hồn của Dã Lan thì bị phản ứng mạnh như vậy. Bởi khi anh khấn lầm tên của Hồng Hạnh thì mọi việc đều yên.

Phước nói với bà Ánh Hồng:

- Một là giữa người chết và cô Hồng Hạnh có gì khúc mắc, hai là có thể... chính Hồng Hạnh là... hồn ma!

Bà chủ nhà kêu lên:

- Cậu nói vậy sao được! Cô Hạnh đã ở đây với tôi từ bao lâu nay, mọi việc đều bình thường, thì làm sao có chuyện đó!

Phước không muốn tranh luận thêm, nên suốt từ đó cho đến chiều tối, anh đóng cửa phòng ở một mình và còn dặn bà chủ nhà:

- Hôm nay cháu ăn sáng trễ, vậy tới bữa cơm bà đừng gọi. Chừng nào đói cháu sẽ tự ra ăn.

Không nằm nghỉ, Phước làm một việc mà mấy hôm tới đây anh muốn làm mà chưa có thì giờ, đó là dời chiếc tủ áo sang vách tường bên kia. Tuy một mình kéo chiếc tủ khá nặng là rất khó, tuy nhiên hì hục một lúc Phước cũng làm được. Lúc lấy chổi quét bụi chỗ vị trí cũ của chiếc tủ thì Phước phát hiện có một mảnh giấy nhỏ đã cũ, nằm kẹt sau lưng tủ. Định quét bỏ luôn, nhưng có mấy chữ ở mặt sau tờ giấy khiến Phước phải cúi xuống cầm lên xem ngay.

- Dã Lan!

Phước kêu lên và suýt đã đánh rơi tờ giấy xuống sàn! Tờ giấy đó là một danh thiếp của người tên Dã Lan, có ghi cả nghề nghiệp, địa chỉ rõ ràng. Đọc qua mấy dòng địa chỉ, Phước lẩm bẩm:

- Khu Trại Hầm...

Phước nhớ hôm qua lúc lái xe đuổi theo chiếc xe lạ, anh đã tới gần với địa chỉ này. Phải chăng...

Anh ra xe đi trước sự ngạc nhiên của bà chủ nhà:

- Dạ, cháu có chút việc...

Anh lái xe về hướng Trại Hầmm vừa nhẩm đọc số nhà theo địa chỉ trong danh thiếp. Lát sau anh đã tới nơi. Đúng ngôi nhà mà bữa trước cô tài xế lái chiếc xe mà Phước đã đuổi theo không kịp!

Đã biết trước là người tên Dã Lan đã chết, nhưng Phước vẫn hỏi khi thấy có một bà cụ từ trong nhà bước ra:

- Thưa bác, cháu muốn hỏi, đây có phải là nhà của cô Dã Lan?

Bà cụ nhìn sững vào Phước rồi nhẹ lắc đầu:

- Không có ở đây.

- Thưa bác, cháu muốn hỏi...

- Chết rồi!

Bà đáp gọn như vậy rồi quay bước đi vào. Phước gọi:

- Thưa bác, cháu không hỏi cô Dã Lan!

Lúc này bà cụ mới quay lại, hỏi với giọng bình thường:

- Cậu hỏi điều gì?

- Dạ... cháu là bạn của cô Hồng Hạnh, cô này là bạn của Dã Lan... Cháu muốn...

Vừa nghe tới tên Hồng Hạnh thì bà cụ đã trợn tròn mắt nhìn Phước, vừa lùi lại:

- Cậu là... là gì với Hồng Hạnh?

Phước đã bịa, nên phải bịa tiếp:

- Dạ, cháu là bạn...

Bỗng bà cụ mắt long lên giận dữ, bà rít qua kẽ răng:

- Đồ thối tha, đồ tàn ác! Mày... mày...

Bà dang thẳng cánh tay và bất thần tát mạnh vào mặt Phước. Anh chàng không phòng bị nên nhận đủ cái tát như trời giáng ấy!

- Kìa, sao bác đánh cháu. Cháu đâu có...

Bà ta nói như hét:

- Mày cút đi ngay. Mày đã giết nó rồi nay lại dám vác mặt tới nữa sao! Đồ...

Có lẽ bà tính tát thêm nữa, nhưng Phước đã lùi kịp và một lần nữa kêu lên:

- Sao bác làm vậy!

Bà cụ giờ mới ôm lấy mặt, gào lên trong nước mắt:

- Lan ơi, con chết rồi mà nào đã yên thân! Người ta lại tới nữa, họ còn muốn gì nữa đây, trời ơi!

Phước thấy cần phải nói rõ:

- Thưa bác, cháu chưa hề biết gì về cô Dã Lan này. Vừa rồi nhân vào trong nghĩa địa cháu tình cờ gặp ngôi mộ của cô ấy.

Bà cụ chưa tin hẳn lời giải thích của anh, nên ngẩng lên nhìn và hỏi:

- Cậu là gì của con Hồng Hạnh?

- Dạ... cháu chỉ là bạn bình thường...

Lúc này gương mặt của bà bớt căng thẳng, rồi sau khi nhìn Phước một lượt nữa, bà dịu hẳn giọng:

- Cậu hỏi con Dã Lan làm gì?

- Dạ... chẳng qua... cháu cũng muốn qua bác để tìm hiểu thêm về cô Hồng Hạnh?

Một lần nữa sau khi nghe nhắc tới Hồng Hạnh, bà cụ lồng lên:

- Con ác quỷ đó, cậu đừng nhắc nó trước mặt tôi!

Phước ngạc nhiên, nhưng cũng bắt đầu hiểu đôi chút sự việc. Anh lại phải bịa thêm:

- Dạ, cháu cũng là nạn nhân của Hồng Hạnh. Cho nên...

Quả như Phước nghĩ, bà cụ đổi giọng ngay:

- Cậu... bị nó làm gì? Đồ quỷ cái đó nó không chừa ai cả!

Bà kéo tay Phước vào nhà:

- Cậu vào đây rồi nói cho tôi nghe chuyện con quỷ đó làm gì cậu đi! Đúng là con đó nó chẳng chừa ai cả!

Phước phải miễn cưỡng bước theo. Khi vào phòng khách rồi anh mới giật mình khi nhìn thấy bức ảnh trên chiếc bàn thờ duy nhất trong phòng. Chân dung một cô gái thật đẹp.

- Đây là cô Dã Lan?

Bà cụ nhẹ gật đầu:

- Nó đó.

Rồi bà tiếp bằng giọng buồn buồn:

- Con nhỏ chỉ mới mười tám tuổi, mới vừa đậu đại học, chưa kịp học thì đã chết tức tưởi rồi. Mà phải chết do bệnh thì tôi không tức, đằng này lại chết do chuyện tình yêu, trời ạ!

Phước cố khai thác thêm chi tiết:

- Nhưng tại sao cô Hồng Hạnh lại dính líu tới chuyện này chứ?

Mỗi lần Phước nhắc tới Hồng Hạnh là bà cụ lại như điên tiết lên:

- Nó là đầu dây mối nhợ làm hại cháu tôi! Chính nó là đứa giành tình yêu của con nhỏ, khiến cho con Dã Lan phải chết, phải bị bức tử!

- Nhưng... cô Hồng Hạnh là thế nào với Dã Lan? Là bạn hay là...

- Nó...

Bà cụ vừa mở miệng định nói tiếp thì bất thần trợn ngược hai mắt và hầu như á khẩu luôn! Phước hốt hoảng:

- Kìa, bác!

Anh phải đưa tay đỡ bà cụ và dìu bà dựa vào chiếc ghế xô-pha. Bà cụ vẫn gần như mê man, khiến Phước phải gọi lớn vào trong nhà:

- Có ai ở sau không, giúp tôi với!

Chẳng nghe trả lời, có lẽ bà cụ sống một mình, hoặc là người nhà đi vắng. Cho nên Phước đánh bạo bước vào nhà trong với ý định tìm lọ dầu để cạo gió cho bà. Anh tìm một vòng ở ngoài không thấy nên sau khi nhìn trước sau, anh thấy một cánh cửa phòng mở hé thì quyết định bước vào. Bên trong tối thui, Phước mò bật được đèn sáng lên, chưa kịp tìm lọ dầu thì chợt giật mình khi nhìn thấy hai bức ảnh chân dung đặt cạnh nhau trên bàn. Một tấm giống y như ảnh chân dung ở bàn thờ bên ngoài, còn bức kia thì... chính là ảnh của anh!

Phước gần muốn đứng tim! Anh run rẩy nhưng hai chân gần như bất động, nên có muốn bước tới cũng không được, mà tháo lui cũng không xong.

Vừa khi ấy thì có tiếng rên ư ử của bà cụ ở nhà ngoài. Phước cố gượng chuyển dịch, nhưng vừa nghiêng người qua thì anh đã bị ngã nhoài về một bên...

Đến khi vừa tỉnh lại, Phước đã nghe có người hỏi anh bằng giọng ngạc nhiên:

- Sao cậu vào đây?

Người hỏi chính là bà cụ, Phước gắng ngồi bật dậy, nhưng anh lại bị ngã lần nữa. Lúc này giọng bà cụ mới có vẻ bớt căng thẳng hơn:

- Cậu có sao không?

Phước biết là cần giải thích, anh cố nói trong lúc đầu óc còn đờ đẫn:

- Cháu... cháu thấy bác bị ngất... nên cháu... đi tìm dầu...

Bà cụ hiểu ra, nên dịu giọng:

- Tôi tỉnh lại không thấy cậu đâu, vào đây lại thấy cậu đang nằm ngay cửa phòng của cháu tôi, nên tôi cứ tưởng...

Vừa lúc đó Phước nhớ tới hai bức ảnh hồi nãy, anh quay lại nhìn thì... trước mặt anh lúc ấy chỉ còn một ảnh của Dã Lan thôi!

- Kìa, sao lúc nãy cháu thấy...

- Cậu thấy gì? Phòng này vốn khoá cửa từ khi con Dã Lan chết, sao lúc nãy cậu mở ra được?

- Dạ cửa mở, chứ cháu làm sao mở được! Cửa mở ra và cháu nhìn thấy có hai bức ảnh trong đó, cháu ngạc nhiên quá...

Bà cụ đưa mắt nhìn vào và nói:

- Hai ảnh nào đâu? Chỉ có hình con Lan. Phòng này là phòng riêng của nó, từ ngày nó chết, tôi để nguyên không thay đổi gì hết, chỉ vài bữa vào quét bụi một lần.

Phước không tin vào mắt mình, anh nói:

- Vừa rồi cháu thấy rõ ràng có hai tấm ảnh chân dung...

Bà cụ vẫn cương quyết nói:

- Không có ảnh nào khác.

Bà tiện tay đóng cửa lại và nhắc khéo Phước:

- Cậu ra ngoài ngồi uống nước. Lúc nãy cám ơn cậu...

Bà rõ ràng không hài lòng việc Phước tự tiện vào nhà trong, nhất là nhìn vào căn phòng riêng của đứa cháu.

Phước phải một lần nữa giải thích:

- Lúc nãy cháu chỉ sốt ruột muốn tìm dầu, bởi thấy bà bị ngất...

Có lẽ sợ Phước hỏi thêm, nên bà cụ vội đứng dậy dợm bước đi. Phước đành phải cáo từ.

° ° °

Phước trở về nhà trọ và gặp bà chủ nhà chờ ở cổng, báo tin:

- Cậu có khách.

Phước ngạc nhiên:

- Ủa, cháu đâu cho ai biết mình ở đây? Ai vậy bác?

Bà chủ nhà cười khó hiểu:

- Một người đẹp! Cậu này cũng dữ nghen, vậy mà tưởng hiền...

Phước chưa biết thế nào nên vội bước nhanh vào trong, không thấy ai ở phòng khách, anh hỏi:

- Ủa, khách của cháu đâu.

Bà chủ nhà chỉ tay vào nhà trong:

- Cô ấy xin vào phòng cậu để nghỉ, tôi cho...

Phước la lên:

- Sao bà cho người lạ vào phòng của cháu!

- Ai là người lạ đâu?

Câu nói đó của người vừa bước từ trong phòng của Phước ra. Vừa quay lại Phước đã kêu lên:

- Ngọc Trâm!

Bà chủ nhà cười bảo:

- Người này cậu còn cho là người lạ nữa không!

Phước bối rối:

- Nhưng... nhưng sao em biết anh ở đây?

Cô gái tên Ngọc Trâm bước tới gần, giải thích:

- Em phải mất cả buổi để tìm ra anh. Mà cũng chẳng có gì khó, bởi Đà Lạt tuy cũng rộng, nhưng nơi thường cho thuê nhà trọ cũng không nhiều, chịu khó hỏi dò là ra thôi.

Rồi cô quay sang bà chủ nhà phân trần:

- Bà chủ thấy không, đàn ông họ vô tình và thường chỉ nghĩ cho phần mình thôi, không hiểu thế nào là nỗi khổ của người khác!

Bà chủ nhà chen vào:

- Không phải tôi tự động cho cô ấy vào phòng cậu đâu. Khi cô ấy tới đây, hỏi đúng tên cậu thì tôi xác nhận là có tôi mời cô ấy vào nhà, tính để ngồi ở phòng khách chờ cậu, nhưng khi thấy cô ấy đưa ra lá thư của cậu gửi khi mới tới Đà Lạt cho cô ấy thì tôi hiểu cô ấy và cậu là... vợ chồng sắp cưới, nên khi cô ấy than mệt tôi đã không ngại cho cô ấy vào phòng cậu nằm nghỉ để chờ...

Biết thế nào Phước cũng lên tiếng thanh minh gì đó, nên Ngọc Trâm chủ động nói:

- Em có đem cái này cho anh, vào đây em cho coi!

Lúc này Phước đành phải nói rõ, để việc anh và Trâm vào chung phòng được danh chính ngôn thuận:

- Trâm là người yêu của cháu. Vậy xin phép bác cho tụi cháu nói chuyện riêng một lát...

Bà Ánh Hồng vui vẻ:

- Không hề gì. Tưởng là bạn bè suông thì còn phải thắc mắc, chứ đã là người yêu, là vợ sắp cưới thì cô cậu cứ tự nhiên. Muốn ở bao lâu cũng được. Và nếu phòng đó chật, thì tôi đổi qua phòng trên lầu cho rộng hơn, biệt lập hơn.

Phước vội nói:

- Dạ, được rồi bác. Tụi cháu chỉ...

- Đừng có ngại. Tôi rất thông cảm cho những người trẻ, cứ tự nhiên đi!

Bà nói xong lảng đi vào phía sau, để cho Phước bị người yêu kéo tuột vào trong phòng. Vừa vào phòng, Ngọc Trâm chủ động đóng cửa lại ngay khiến Phước hốt hoảng:

- Làm vậy coi sao được!

Ngọc Trâm nheo mắt:

- Bà chủ đã cho phép rồi, còn ngại gì nữa!

Cô nàng ôm chầm lấy Phước hôn lấy hôn để, khiến Phước phát ngượng:

- Em làm gì vậy! Em... em để anh thở đã chứ!

Sau phút chào nhau theo kiểu của Trâm, bấy giờ Phước mới hỏi:

- Sao em ra khỏi nhà được mà đi tìm anh? Sao không nghe lời của ba má, bỏ anh để đi lấy chồng đi, cho tròn chữ hiếu?

Trâm dụi đầu vào ngực người yêu:

- Nghe cái giọng giận dỗi, mỉa mai thấy mà ghét! Xúi người ta đi lấy chồng phải không? Người ta nghe lời, làm y như vậy thì đừng có trách!

Phước vẫn còn dỗi:

- Trách thì cũng được gì đâu! Bởi vậy anh mới chọn giải pháp đầu hàng, bỏ đi và chịu đau khổ một mình!

Trâm bật dậy, nhìn thẳng vào mắt Phước nghiêm giọng:

- Một mình hay mấy mình? Một mình sao mới lên đây mấy ngày mà nghe bà chủ nhà nói ngày nào cũng đi từ sáng sớm tới chiều tối? Đi với ai?

Đã yêu nhau năm năm, nên đâu lạ gì nhau. Phước còn hiểu bề ngoài thoải mái của Trâm là cả một đợt sóng ngầm dữ dội bên trong. Việc cô nàng dám bỏ nhà theo anh lên tận đây đủ biết tình yêu nàng dành cho anh mạnh đến mức nào!

Phước dò hỏi:

- Chuyện nhà ra sao rồi?

Trâm xịu mặt:

- Anh tệ lắm, mới gặp trở ngại một chút đã giận dỗi bỏ đi rồi! Anh có biết không, khi hay tin anh đi em đã muốn bỏ đi ngay để tìm, mà chẳng biết làm sao. Phải đợi khi anh viết mấy chữ về báo là lên Đà Lạt thì em mới yên tâm. Còn chuyện ba mẹ em thì như anh biết đó, ý là của ông bà, chứ có phải của em đâu!

- Nhưng... em có từ chối được đâu?

Trâm nhìn thẳng vào mắt Phước:

- Vậy bây giờ em ở đây với anh không là lời khẳng định hay sao? Em yêu anh và chỉ biết có mỗi mình anh thôi. Được chưa!

Phước ôm chặt người yêu, anh bàn:

- Ngày mai mình sẽ đi tìm nơi khác ở cho tiện. Chứ ở đây e không tiện lắm.

Nhưng Trâm đã phản đối ngay:

- Em thích nơi này hơn. Em thấy bà chủ nhà y như mẹ mình, nên ở đây em sẽ đỡ nhớ nhà và không phải lo này khác nữa.

Thật tình Phước rất sợ Trâm lần dò ra được chuyện rắc rối của anh với Hồng Hạnh và cả với Dã Lan. Nhưng biết làm sao khi Trâm đã quyết như vậy.

Đêm hôm đó, trong lúc Phước còn ngượng ngùng dè dặt trong lần đầu gần gũi với người yêu, thì trái lại Trâm đã làm anh ngạc nhiên. Cô nàng chủ động tất cả việc phòng the và còn nói khẽ bên tai Phước:

- Em phải hiến trọn cho anh ngay đêm nay, để mọi việc đã rồi. Chúng ta đã là của nhau và em chắc chắn là anh không bỏ em mà đi nữa!

Phước như chàng ngố đang được tập tành làm người lớn, mặc dù người huấn luyện anh cũng chẳng phải là tay lão luyện gì!

Đến sáng hôm sau thì họ đã chính thức là... vợ chồng. Phước nói với bà chủ nhà:

- Cháu muốn xin với bác là cho cháu mướn ở đây lâu dài. Coi như bây giờ cháu không chỉ một mình...

Bà Ánh Hồng cảm thông:

- Tôi biết rồi, nên đã chuẩn bị căn phòng trên lầu rộng rãi hơn để hôm nay cô cậu dọn lên.

Nhưng Ngọc Trâm lại phản đối:

- Con muốn được ở căn phòng hiện tại thôi. Nó ấm cúng và... hay hay thế nào ấy!

Phước xua tay:

- Thôi, phải chuyển lên lầu. Mình tới hai đứa chứ phải độc thân như cô ấy...

Anh lỡ lời, khiến Trâm ngơ ngác:

- Cô nào?

Bà chủ nhà phải đỡ giùm:

- À, phòng này hồi trước tôi có cho một cô độc thân mướn, trước khi cậu Phước tới.

- Anh biết cô ta?

Phước chối ngay:

- Làm gì biết. Cô ấy đã dọn đi từ lâu anh mới tới. Chỉ nghe bà chủ nói lại thôi.

Trâm liếc một cái sắc như dao cạo, và sau đó thì thầm vào tai Phước:

- Liệu hồn nghe, đừng có léng phéng!

Bà chủ nhà tinh ý nên nhận ra tính ghen của Trâm. Lúc sau khi đứng gần Phước, bà bảo khẽ:

- Cậu liệu mà giấu kín chuyện, không khéo thì mệt đó!

Trong lúc Phước đang nói chuyện với bà chủ nhà thì Trâm dọn dẹp trong phòng. Bỗng cô nàng hỏi vọng ra:

- Cái va-li của anh sao không để trong tủ mà lại để dưới gầm giường?

Vừa nghe nhắc tới chiếc rương, Phước hốt hoảng chạy vào ngay và la lớn:

- Em đừng đụng tới cái rương đó!

Nhưng lời Phước đã trễ, lúc đó Trâm đang bật nắp va-li ra. Phước điếng hồn, bởi trong đó còn bộ đồ ngủ của Hồng Hạnh!

Tuy nhiên... khi nhìn vào trong va-li thì... trống không! Phước thở phào, khiến Trâm ngạc nhiên:

- Anh sao vậy? Bộ giấu gì trong này sao?

Đã yên tâm rồi, nên Phước mạnh miệng:

- Thì xem kỹ coi có gì trong đó! Người ta sợ cái rương dơ, bẩn tay em, nên...

Trâm vừa lau chiếc rương vừa nói:

- Tưởng giấu thư tình trong này thì chết với... tôi!

Trong lúc Trâm đem cất va-li vào tủ thì Phước tự hỏi:

- Bộ đồ mình để trong đó rõ ràng mà?

Lúc này Phước thấy mình cần phải cương quyết, nếu không muốn sẽ gặp thêm những rắc rối khác nữa:

- Anh tính kỹ rồi em ơi, phòng này anh ngủ mấy đêm rồi, có đêm nghe côn trùng kêu ngoài cửa sổ, khó ngủ lắm. Chi bằng nhân tiện ta dọn hẳn lên lầu cho rồi, trên kia biệt lập hơn và tránh được những tiếng ồn nữa.

Anh chủ động gặp bà chủ nhà:

- Cháu dọn lên lầu thôi!

Bà Ánh Hồng nhìn Phước với một thoáng ngạc nhiên, nhưng cũng chấp nhận ngay:

- Tuỳ cậu thôi.

Ngọc Trâm tuy không ưng lầm, nhưng nghe Phước nói cũng có lý, nên cô phải nghe theo. Cũng may, quả đúng là căn phòng trên lầu rộng rãi hơn, thoáng hơn và cửa sổ không quay ra vườn sau như căn phòng bên dưới. Được nước, Phước bảo:

- Phòng này có phải là hay hơn nhiều không!

Cảm giác như vừa thoát được gánh nặng, Phước thở phào một hơi rồi giục Trâm:

- Mình ra ngoài ăn sáng đi em. Rồi mình đi chơi đây đó một vòng. Từ bữa lên đây đến giờ anh chưa đi đâu cả.

Trâm trề môi:

- Xạo! Bà chủ nhà nói bữa nào anh cũng đi. Vậy không đi đây đó chứ đi đâu?

- Thì... đi công việc khác với đi chơi chứ! Anh chỉ tới nhà vài người quen thôi...

Trâm vốn đa nghi nên hỏi tới:

- Nhà người quen ở đâu, sao không dẫn em tới đó với? Em cũng muốn làm quen với họ.

Phước phải tìm cách nói lảng ra:

- Anh tìm đã hai ngày rồi mà không gặp ai hết. Địa chỉ họ cho hình như không chính xác.

- Địa chỉ đâu đưa em xem nào. Em tìm nhà hay hơn anh nhiều!

Vừa nói, một tay Trâm thọc vào túi quần của Phước, nơi cô biết anh thường để mọi thứ trong đó. Và cô bắt gặp tấm danh thiếp trong đó. Phước điếng hồn, anh đưa tay chặn lại vừa lắp bắp nói:

- Cái... cái này là của một người bạn...

Trâm càng nghi ngờ, cố rút tay ra thật nhanh, kéo theo tấm danh thiếp. Cô đưa lên xem ngay và ngạc nhiên:

- Có địa chỉ ai đâu?

Phước chụp lấy ngay mà tim như muốn ngừng đập! Nhưng... anh còn ngạc nhiên hơn khi tấm danh thiếp trắng tinh, không có dòng chữ nào hết! Rõ ràng, đây chính là danh thiếp tên và địa chỉ nhà của Dã Lan mà!

- Danh thiếp trắng mà anh để trong túi chi vậy?

Phước một lần nữa thở phào. Anh còn chưa thể nghĩ ra tại sao lại như vậy thì Trâm đã tiếp:

- May đó, nếu gặp danh thiếp cô nào thì... biết tay tôi!

Cô nựng yêu mà Phước thót tim. Anh tự hỏi:

- Sao kỳ vậy?

Anh kiếm cớ vào nhà vệ sinh và lấy tấm danh thiếp ra xem lại. Lần này anh điếng hồn, bởi trên giấy hiện rõ rành rành những dòng chữ cũ: Dã Lan...

- Kỳ vậy?

Không chần chừ, Phước xé nát tấm danh thiếp rồi bỏ ngay vào bồn cầu, giật nước cho nó trôi đi! Làm xong việc rồi mà tim Phước vẫn còn loạn nhịp. Anh bước ra và giục Trâm:

- Đi nhanh kẻo trưa rồi em.

Sau mấy lượt "kiểm tra" mà Phước đều vượt qua trót lọt, Trâm càng yêu anh hơn, nên vừa ra đường là cô ghì chặt lấy anh, như sợ anh chàng chạy theo người khác!

Phước thầm kêu khổ, bởi như thế này thì việc dò tìm những gì về Hồng Hạnh, Dã Lan coi như cực khó...

Anh đề nghị:

- Mình ghé Thuỷ Tạ ngồi uống cà phê, ăn sáng đi. Sáng sớm mà ngồi đó nhìn ra mặt hồ thì thú vị lắm!

Suốt buổi sáng ngồi ở Thuỷ Tạ hầu như là cuộc độc thoại của Trâm khi cô nàng cứ giành nói:

- Em tính rồi, lần này mình ở luôn đây, cần gì phải đi nơi nào khác. Em thích khí hậu Đà Lạt hơn.

Phước chỉ ậm ừ:

- Cũng được. Nhưng anh lại thích Nha Trang hơn. Nơi đó có biển, có các hải đảo...

Ngồi chờ tới khi mặt trời lên cao, hai người kêu tính tiền để đi bộ lên Đồi Cù. Nhưng khi Phước cho tay vào túi quần để lấy tiền trả thì anh giật mình, bởi trong túi anh lại có tấm danh thiếp còn nguyên!

- Hồi nãy mình đã xé rồi kia mà?

Phước tự nhủ và chắc chắn trong túi không phải là tấm danh thiếp đó, tuy nhiên anh không dám móc ra.

Thấy anh lưỡng lự, Trâm hỏi:

- Anh quên đem theo tiền hả?

Phước đành phải nói dối:

- Anh quên...

Trâm lấy tiền trong túi mình để trả và không quên đùa:

- Đi với em thì em còn trả cho, nếu đi với cô nào khác thì có phải quê không?

Phước nói cho qua:

- Tại hôm qua xài hết tiền mà sáng nay anh quên không lấy thêm.

Thật ra trong túi nằm chung với tấm danh thiếp có tiền, nhưng Phước cứ sợ rút ra lỡ kéo luôn cả hai thứ ra thì rắc rối!

Trước khi rời quán, Phước lại tìm cách vào nhà vệ sinh:

- Anh hơi bị đau bụng, em chờ anh một lát.

Vào trong nhà vệ sinh, sau khi gài cửa lại Phước móc tấm danh thiếp ra xem ngay và tái mặt, bởi đúng là tấm danh thiếp của Dã Lan!

Đứng ngẩn ngơ một lúc rồi một lần nữa Phước xé vụn tờ giấy ra, Anh không kịp bỏ xuống bồn cầu thì bên ngoài đã nghe tiếng gõ cửa và giọng của Trâm rất khẽ:

- Em cũng đau bụng, mau lên cho em vào.

Phước đành phải ném mẩu giấy vụn trong tay qua ô cửa sổ thông hơi ra ngoài mà anh biết đó là mặt hồ.

Mở cửa ra trong dáng điệu lúng túng, cũng may là lúc ấy Trâm đang vội, bước ra hẳn ngoài sân rồi Phước mới trấn tĩnh lại. Anh lẩm bẩm:

- Sao lại có chuyện lạ thế này? Hay là...

Tự dưng anh toát mồ hôi, nỗi sợ hãi len vào chẳng khác nào như anh đang đối mặt với một hồn ma ghê gớm trước mắt! Phải đến khi Trâm bước ra thì Phước mới cố lấy lại bình tĩnh, anh kéo cô đi ngay:

- Mình về em. Anh cảm thấy khó chịu quá...

Quả lúc ấy sắc mặt Phước xanh xao, phờ phạc. Trâm phải lên tiếng:

- Anh có cần đi bệnh viện không? Nhìn anh kìa...

Phước xua tay:

- Không cần. Mình về đi em!

Phước lái xe lảo đảo như người say rượu, phải khó khăn lắm hai người mới về tới nhà. Nhưng vừa bước vào cửa thì bà chủ nhà đã nói:

- Có người nào đó ở Sài Gòn lên, nói là tìm cô Ngọc Trâm. Phải cô là Ngọc Trâm không? Tôi không nhớ rõ lắm nên bảo họ chờ, nhưng họ nói vội quá nên đưa cái địa chỉ này bảo cô về thì tới ngay, họ cần gặp gấp lắm!

Cầm tờ giấy lên, Trâm đọc cho Phước cùng nghe:

- Đường liên xã Đông, Trại Hầm.

Vừa nghe đến đó Phước đã không dừng được, kêu lên:

- Sao lại là Trại Hầm?

Bỗng dưng Trâm cũng sợ hãi cuống cuồng lên:

- Em phải đi ngay!

Phước hốt hoảng:

- Để anh cùng đi với.

Nhưng Trâm đã nghiêm giọng:

- Anh đang bệnh không đi được. Để em tự lái xe, chuyện này cần lắm.

Cô không chờ Phước đồng ý, đã giằng lấy chìa khoá xe rồi ra nổ máy vọt đi rất nhanh. Khi ra đến ngoài rồi Trâm mới bình tâm lại, cô hơi mất tự chủ, lẩm bẩm:

- Tại sao mình lại đi? Ai ở địa chỉ này vậy?

Thật ra Trâm không hề quen ai ở địa chỉ đó cả. Mà cuối thư cũng không ký tên... vậy mà vừa đọc thư xong Trâm đã quýnh lên, như bị ai thôi thúc, ép buộc!

Do không biết đường nên Trâm phải hỏi ba bốn lượt, cuối cùng mới tìm được hướng về Trại Hầm.

Địa chỉ mà Trâm tìm được lại đúng là ngôi nhà của... Dã Lan! Nhưng khi cô xuống kêu cửa thì không phải bà cụ hôm qua đón Phước, mà là một cô gái rất đẹp. Vừa trông thấy Trâm cô ta đã reo lên:

- Cô rất đúng hẹn!

Trâm được mời vào trong nhà và cô gái chủ động tự giới thiệu:

- Tôi là Dã Lan. Còn cô là Ngọc Trâm?

Trâm ngạc nhiên:

- Sao cô biết tôi? Và lý do mời tôi tới đây là gì?

- Cô không ngại tôi nói thật?

- Ủa, chưa biết sự thật mà cô nói sẽ ra sao thì việc gì phải ngại? Cô muốn nói về cái gì mới được?

Cô nàng tự xưng là Dã Lan nói rõ từng tiếng một:

- Tôi muốn cô đến gặp một người. Người đó hiện nay chồng cô đang đau đầu vì cô ta, mà không khéo anh chàng Phước đó sẽ là nạn nhân tiếp theo! Tôi

và cô tuy chưa quen biết nhau nhưng biết cô sắp gặp nguy nên ra tay cứu. Cô tin lời tôi không?

Trâm hơi giật mình, nhưng vốn tính ngang bướng, không thích bị hù doạ, cho nên cô hỏi lại:

- Cô nói tôi đang gặp nguy? Mà cụ thể thế nào?

Cô ta lấy từ cái túi vải bên cạnh một túi nhỏ, đưa ra cho Trâm xem:

- Cô xem bộ đồ này có đẹp không?

Nhìn bộ đồ ngủ bằng lụa của phụ nữ, Trâm ngạc nhiên:

- Đồ của ai vậy? Mà tại sao cô lại đưa cho tôi xem làm gì?

- Tôi không nói ra đồ này là của ai, vì người nói cho cô biết sẽ không phải là tôi.

- Vậy là ai?

Nàng ta cười khó hiểu:

- Rồi cô sẽ biết.

Trâm thấy thái độ úp mở của cô ta thì bực dọc, đứng lên ngay:

- Tôi tưởng cô là người quen thật sự của tôi, kêu tôi tới đây bởi chuyện gì quan trọng, thì ra là một việc tào lao! Vậy tôi xin kiếu!

Trâm dợm bước ra thì chợt nghe câu nói:

- Tôi muốn cô gặp một người tên là Hồng Hạnh, mộ cô gái dang đe doạ tới hạnh phúc giữa cô và người cô đang yêu!

Trâm quay lại, tròn mắt kinh ngạc:

- Cô muốn nói... chồng tôi và cô gái ấy?

Nàng ta cười khẩy:

- Điều đó chính cô gặp rồi nhận xét thì chính xác hơn là nghe tôi nói! Cô cứ giữ lấy bộ đồ này đem về đưa cho chồng cô xem và hỏi nó là của ai, lúc ấy cô sẽ nghe anh ta nói! Đó, sau khi anh ta xác nhận rồi chính anh ta sẽ chỉ cho cô nơi nào để cô gặp tình địch của mình.

Dứt lời ấy, cô nàng bước trở vào nhà trong và thật lâu sau chẳng thấy trở ra. Đợi mãi, Trâm sốt ruột, lúc này cô mới đảo mắt quan sát một vòng ngôi nhà.

Đến khi mắt chạm vào tủ thờ, nhìn thấy bức ảnh chân dung trên đó thì tim cô muốn nhảy ra ngoài!

- Cô... cô ta... là...

Giữa người thật bên ngoài vừa rồi và người trong ảnh chỉ là một! Vậy ra...

Trâm muốn kêu lên, nhưng hầu như cô không còn đủ lực để làm. Toàn thân cô lúc này mồ hôi toát ra như giữa trưa hè ờ một vùng oi bức, dù bây giờ là mùa thu của Đà Lạt sương mù!

Lâu lắm sau đó Trâm mới lên tiếng được:

- Cô ơi!

Nhưng cũng chỉ kêu được mấy tiếng đó rồi thôi. Trâm cố lắm rồi ôm bộ đồ và chạy biến ra ngoài cổng...

Lái xe trong trạng thái còn tệ hơn Phước lúc sáng, Trâm về được tới nhà thì quá đỗi ngạc nhiên khi nghe bà chủ nhà bảo:

- Cậu Phước vừa đón xe đi ra ngoài, nói là đi tìm cô!

Trâm mệt lả người nhưng vừa nghe thế, cô đã la lớn:

- Nguy rồi, anh tới đó sẽ chết mất!

Bà chủ nhà không hiểu chuyện gì, hỏi lại:

- Cô nói ai chết?

- Anh Phước của cháu! Bác ơi, cháu mệt quá không thể trở lại đó, vậy bác giúp cháu, đi kêu Phước về liền! Không thì...

Trâm chỉ nói được bấy nhiêu đó rồi đổ người xuống sàn nhà. Bà Ánh Hồng hốt hoảng đỡ cô lên định vực vào phòng thì Trâm kịp tỉnh lại, cô nói qua hơi thở gấp:

- Đó là... là ma!

Bà Ánh Hồng tưởng Trâm mê sảng nên nói càn, bà hỏi lại:

- Cô nói cái gì?

- Ma! Cô ấy là ma!

- Cô nào?

- Dã Lan!

Nói xong câu ấy thì hầu như Trâm chẳng còn biết gì nữa. Bà Ánh Hồng làm nhiều cách mà Trâm cũng không tỉnh lại, nên bà ta đành đỡ cô lên ghế dài nằm để chờ Phước về. Bất chợt nhìn thấy trong tay của Trâm đang ôm bộ quần áo lụa, bà ta khiếp hãi kêu lên:

- Bộ đồ của Hồng Hạnh!

Đang lịm người đi, vậy mà vừa nghe tiếng Hồng Hạnh tức thì Trâm chồm dậy ngay, cô ngơ ngác hỏi:

- Hồng Hạnh ở đâu?

Bà Ánh Hồng ngạc nhiên:

- Cô cũng biết cô Hồng Hạnh?

- Hồng Hạnh! Tìm cho tôi Hồng Hạnh!

Gào lên to quá nên Trâm bị mệt, lại rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh như lúc nãy. Lúc này bà Ánh Hồng cầm bộ đồ lên xem, bà run thấy rõ, lắp bắp một mình:

- Bộ đồ này... thứ này chỉ hại thôi! Mà sao bảo cậu Phước vứt đi rồi mà giờ nó lại ở đây? Tại sao cô này lại có nó?

Bà nhớ lần rắc rối trước nên sợ bộ đồ đó lắm, nhìn nó như thấy ma! Thuận tay, bà ném mạnh nó ra cửa sổ. Nhưng đột nhiên có một tiếng kêu thét lên bên ngoài, hướng bộ quần áo vừa bị ném! Lúc bà nhìn ra thì hốt hoảng, bởi con chó già vốn thường xuyên nằm ngủ ở gốc cây mận đã bị bộ đồ rơi trúng và... nó đã vỡ óc ra chết tại chỗ, chẳng khác bị vật nặng trăm cân đè phải!

Thất thần, bà Ánh Hồng vừa chạy lui vào nhà, vừa run rẩy:

- Trời ơi! Cậu... cậu Phước ơi!

Bà chạy được tới ngang cửa phòng thì ngã sấp ở đó...

° ° °

Phước về tới nhà thì trời đã tối hẳn, Anh bước vào phòng khách thì vô cùng ngạc nhiên khi chẳng thấy đèn đóm gì cả, mà cửa nẻo lại mở toang. Khi bật đèn lên thì anh hốt hoảng khi thấy Trâm nằm trên ghế dài, bất động!

- Trâm! Em sao vậy?

Phước lay mãi mà Trâm vẫn không tỉnh, anh vội bế cô lên phòng riêng. Mở được cửa phòng trong lúc phải bế nặng trên tay, nên Phước không kịp bật đèn, anh đã đưa thẳng Trâm tới giường.

Đặt Trâm nằm xong, Phước mới trở ra bật đèn sáng lên. Và...

- Kìa!

Lúc này trên giường không phải mỗi Trâm, mà còn có thêm một người nữa! Một cô gái lạ cực kỳ xinh đẹp, đang nằm thoải mái như trong phòng riêng của cô ta!

- Cô là...

- Là ai phải không? Người tới để đòi lại bộ quần áo bỏ quên!

Phước thót tim:

- Hồng Hạnh!

Người đang nằm trên giường bật ngồi dậy, vừa chỉ tay vào Trâm:

- Cô người yêu của anh đang tìm tôi để hại đó? Tôi cứ tưởng anh là người tốt nên mới rủ tới ở đây, và còn chỉ cho mộ của một người mà tôi đang có mối bận tâm...

Nào ngờ lại nuôi ong tay áo, anh rước cô nàng này tới để cô ta nhận lời kẻ khác, rắp tâm hại tôi!

Phước ngơ ngác:

- Cô nói chuyện gì tôi không hiểu?

- Vậy bộ đồ của tôi đâu?

Phước lúng túng:

- Tôi... tôi để trong phòng, rồi...

- Rồi đem giao cho con Dã Lan phải không? Bởi vậy nên cả hai người đều tới lui nhà con đó thường xuyên!

- Không! Tôi chỉ...

- Có! Đừng chối!

Tiếng nàng ta quát quá lớn, khiến Trâm bừng tỉnh. Cô ngơ ngác:

- Anh nói chuyện với ai vậy?

Phước điếng hồn, anh lắp bắp:

- Anh... anh chỉ...

Nhưng nhìn lại thì chẳng còn thấy cô gái lại đâu? Cũng vừa lúc Trâm bật ngồi dậy, cô nhìn quanh và la lên:

- Anh dẫn ai vào phòng này phải không? Rõ ràng còn mùi thơm phụ nữ ở đây nè... mùi thơm này em thấy quen lắm... Đúng rồi, đây là mùi của bộ quần áo lụa mà em đem về!

Phước càng sợ hãi thêm:

- Em... em đem bộ quần áo gì?

Câu hỏi của Phước vừa dứt thì đột nhiên từ ngoài cửa sổ một vật bay vào, rơi ngay trước mặt hai người. Nhìn lại, Phước kêu lên:

- Bộ quần áo!

Thì ra đó là bộ đồ mà bà Ánh Hồng mới vứt ra ngoài lúc nãy. Vừa thấy nó, Phước đã định nhào tới chụp lấy, nhưng đã bị Trâm ngăn lại:

- Bởi vậy cô ấy mới nói là cứ đem nó về đây thì biết nó là của ai. Thì ra là của anh!

- Không! Anh chỉ...

Biết máu ghen của Trâm cỡ nào rồi, nên Phước vội kể liền mọi chuyện. Tuy vậy xem ra Trâm vẫn chưa tin. Cô gặng hỏi lại:

- Không biết gì về cô ấy sao anh theo dõi làm gì?

Phước thành thật:

- Anh cũng chẳng hiểu sao lại như vậy? Hình như anh bị ai sai khiến hay sao đó... Kể cả việc anh mạo hiểm vào nghĩa trang cũng không do tự anh...

Trâm đâu biết chuyện bộ đồ gây ra cái chết của con chó lúc nãy, nên cô chụp nó lên và gí vào mũi của Phước:

- Anh xem, có phải mùi thơm của nó giống như mùi vừa rồi không?

Phước đành phải thú thật:

- Thì cô ấy vừa mới ở trong này!

Trâm ngơ ngác:

- Là sao? Anh nhân lúc em bị ngất rồi đưa cô ta vào phòng phải không? Trời ơi!

Phước hốt hoảng:

- Làm gì có! Cô ta... hiện ra!

Trâm giật mình:

- Cô... cô ta là... ma?

Tuy không rõ lắm, nhưng Phước vẫn gật đầu:

- Chắc là vậy!

Lời Phước vừa dứt thì từ ngoài cửa sổ vang lên giọng của cô gái:

- Đã cầm bộ đồ đó mà không mặc vào thì không khỏi mạng vong!

Trâm ngang bướng:

- Ai thèm mặc đồ của người khác!

Hai tiếng bốp chát vang lên trước sau, trong lúc Phước giật mình thì Trâm lảo đảo, ôm lấy mặt và rú lên! Dòng máu từ trong khoé miệng cô tuôn ra. Phước hốt hoảng:

- Sao vậy?

Trâm tru tréo:

- Sao anh đánh em?

Phước lắc đầu nguầy nguậy:

- Làm gì có! Anh có đánh em đâu?

Lại hai cái tát tiếp theo khiến Trâm ngã chúi xuống giường, lần này thì cô tin là không phải do Phước gây ra. Và cũng là lúc cô thất sắc:

- Vậy là... là ai đó đã đánh em!

Phước đoán được sự việc, anh lớn tiếng khấn:

- Tôi xin lỗi các cô, vợ tôi có lỡ lời, nhưng cô ấy không ác ý. Xin hãy tha cho...

- Mặc vào đi!

Trâm trở nên ngoan ngoãn lạ thường, cô thay đồ ngay trước mặt Phước mà không thấy ngượng. Lạ hơn nữa là bộ quần áo của Hồng Hạnh mà Trâm mặc vào lại vừa y. Phước phải buột miệng khen:

- Đẹp lắm!

Thấy ở túi áo có vật gì phồng lên, Trâm đưa tay rút ra một chiếc khăn tay trắng, trên đó có viết một dòng chữ bằng mực đỏ: Tới ngay địa chỉ này và làm đúng những gì người ta yêu cầu!

- Đưa anh xem, cái gì vậy?

Phước giằng lấy, nhưng khi anh cầm trên tay nhìn thì chẳng thấy chữ gì trên đó! Chính Trâm cũng ngạc nhiên:

- Chữ mới còn đây mà?

Cả hai nhìn nhau và tự dưng thấy rùng mình. Trâm run giọng:

- Em sợ quá... chắc là em không đi đâu!

Lời cô vừa dứt thì lại bị ngay hai cái tát nữa đau điếng! Nỗi sợ hãi đã lên tới cực điểm, Trâm nói gần như van lạy:

- Tha cho tôi, tôi sẽ làm theo...

Cô đưa mắt nhìn Phước như cầu cứu. Phước cũng chỉ biết nói:

- Em nhớ địa chỉ không, anh sẽ đưa em tới đó.

° ° °

Dò theo địa chỉ ghi trong khăn tay, Phước lái xe vòng mấy lượt mà vẫn chưa tìm ra. Sau cùng anh phải dừng xe lại hỏi một bác đánh xe ngựa:

- Bác làm ơn chỉ giúp cháu đường Đợi Chờ là ở đâu?

Nghe Phước hỏi, ông lão đánh xe phá lên cười:

- Ai cho cậu cái địa chỉ này đúng là muốn thử trí thông minh của cậu rồi. Bởi ở thành phố này làm gì có tên đường đó!

Trâm buột miệng:

- Vậy chẳng lẽ địa chỉ ma sao?

Ông lão đáp:

- Địa chỉ không ma, nhưng đó là nơi ở... của ma!

Ông lão lại phá lên cười rồi mới nói tiếp:

- Địa chỉ thì đúng, nhưng cái tên đường thì người ta muốn đánh đố cô cậu. Vậy cô cậu có muốn tới đó không?

Trâm mau miệng:

- Dạ muốn, cháu phải tới!

Ông già nghiêm giọng:

- Đó là nghĩa địa thành phố. Nơi đó còn được người ta gọi vui là "Thành phố đợi chờ", cô cậu hiểu rồi chứ!

Đáp xong, ông ra roi cho ngựa chạy nhanh, Phước nhìn Trâm vừa lẩm bẩm:

- Anh đã tới đó rồi. Nơi đó có mộ cô Dã Lan...

Lát sau, Phước dừng xe trước cổng vào nghĩa địa, anh nhìn địa chỉ ghi ở cổng thì quả đúng như ông đánh xe ngựa vừa rồi nói. Lưỡng lự một lát, chính Trâm đã giục:

- Mình vào trong coi!

Phước miễn cưỡng bước theo với đầu óc hoang mang. Trâm hình như có người dẫn đường, cô đi thật nhanh và thỉnh thoảng còn quay lại giục:

- Anh đi nhanh lên!

Đã mấy lượt đi vòng nghĩa trang này nên Phước không khó để đi theo, nhưng việc Trâm đi sâu vào tận cùng khu vực có những dãy mộ làm cho anh phải lên tiếng:

- Em đi chi sâu quá vào đây vậy?

- Tìm chỗ của cô Hồng Hạnh!

Lúc này từ phía sau nhìn tới, thấy Trâm trong bộ đồ lụa của Hồng Hạnh tự dưng Phước có cảm giác đó chính là Hạnh chứ không phải Trâm! Cho đến khi Trâm đứng lại trước một ngôi mộ thì Phước mới giật mình:

- Mộ này là...

Anh chưa hỏi hết câu thì Trâm đã tránh sang một bên để Phước nhìn rõ được chữ trên mộ bia: Nguyễn Thị Hồng Hạnh, tử ngày...

Phước kêu lên:

- Cô ấy được chôn ở đây!

Trâm vẫn thản nhiên như đã biết rồi:

- Chỉ có anh là tin cô ấy còn sống thôi. Bây giờ anh giúp em đi.

Phước ngạc nhiên:

- Làm gì?

Trâm đột ngột quỳ xuống trước mộ. Thấy Phước còn đứng, cô giục:

- Nhanh lên!

Phước ngạc nhiên:

- Sao phải quỳ?

Bỗng như có ai cầm cây đánh mạnh vào khuỷ chân, khiến cho Phước không muốn cũng phải quỳ xuống thật nhanh! Trâm nhìn sang anh rồi gật đầu:

- Như vậy là được đó!

Giọng của cô nàng bỗng dưng rất lạ, Phước phải lên tiếng hỏi:

- Sao giọng em không như... em vậy?

- Là sao? Vậy em giống ai?

Phước cố nhớ xem mình đã từng nghe giọng này của ai? Cuối cùng anh nhớ ra:

- Hồng Hạnh!

- Người nằm dưới mộ bây giờ là... Ngọc Trâm của anh đó! Hãy khấn cô ấy vài tiếng, xin phép để chúng ta được thành thân từ hôm nay. Nhanh lên đi kẻo không kịp!

Phước còn chưa biết tính sao thì như có ai xúi giục, anh lên tiếng như con vẹt:

- Chúng tôi xin thề là ăn đời ở kiếp với nhau, có chết cũng không chia lìa!

Nàng quay sang mỉm cười:

- Vậy là được rồi!

Nàng cũng nói:

- Cám ơn. Trâm đã giúp tôi thoát được nạn tai này. Từ bây giờ tôi mượn xác của cô để hoàn dương và sẽ thay cô để chăm sóc cho anh chàng người yêu của cô chu đáo. Bảo đảm là ngày trước anh ta mê cô bao nhiêu thì với tôi, anh ta sẽ có mê hơn chứ không kém.

Nói xong, nàng ta ngả đầu sang Phước, rồi như cái xác không hồn, cô ta nằm luôn trên tay Phước. Hốt hoảng, Phước kêu lên:

- Trâm! Em sao vậy?

Nàng vẫn bất động, sờ vào da thì lạnh như băng! Phước quýnh lên, bế xốc nàng lên tay chạy thẳng ra ngoài cổng. Nhưng khi ngang qua ngôi nhà quản trang thì anh nghe có tiếng gọi của ai đó:

- Cậu đưa cô ấy vào trong này, chậm một chút là nguy!

Phước đành phải đưa Trâm vào trong. Ngôi nhà của ông quản trang nhỏ, nhưng cũng có một chiếc giường nằm ở bên trong. Khi Phước đặt Trâm nằm xong rồi, ông già quan trang mới gọi anh ra ngoài, ông nói:

- Sao cậu dám đưa người yêu vào đó. Cậu không biết đó là mộ của ai sao?

Phước vờ như không biết:

- Dạ, tụi cháu chỉ tình cờ đi thăm mộ người quen, rồi đi ngang qua...

- Mộ đó là của cô gái từng dính vào một vụ thảm sát trên đồi thông cách đây chưa lâu, cậu không nghe?

Phước lắc đầu:

- Dạ, cháu ở xa tới nên không biết gì.

- Đó là cô Hồng Hạnh, một trong hai cô do hiềm khích riêng nên đã dẫn nhau lên đồi thông ở gần hồ Tuyền Lâm rồi quần thảo, cho đến khi say máu, ôm cứng lấy nhau và cùng lăn xuống vực sâu, cùng chết!

Ngừng kể một lúc, rồi ông lại tiếp:

- Khi ấy tôi đi đốn cây ở đó, tình cờ tôi phát hiện ra vụ việc, tôi cố leo xuống vực để cứu họ, nhưng khi xuống tới nơi thì đã muộn, cả hai đã chết! Sau

đó tôi theo giấy tờ tuỳ thân của cả hai, tìm cách đi báo cho gia đình họ biết để đến lấy xác. Nhưng chỉ có mỗi cô kia, tức cô Dã Lan, thì có người nhà ở Trại Hầm là tới nhận xác con rồi đưa về làm lễ an táng. Cô còn lại tuy có giấy tờ tên Hồng Hạnh, nhưng khi tôi tới địa chỉ ghi trong giấy thì người ta nói cả nhà cô ấy đã dọn đi từ lâu rồi! Bí quá nên sau đó tôi đưa về nghĩa trang và chôn bên cạnh ngôi mộ của cô Dã Lan vừa mới chôn, nghĩ là làm như vậy sẽ ổn, bởi đã chết cùng nhau thì nằm cạnh nhau là phải. Nào ngờ đó lại là một rắc rối lớn, khiến tôi phải mất ăn mất ngủ nhiều ngày!

Ông ta kể mà cứ rùng mình hoài, Phước phải hỏi:

- Có chuyện gì sao?

- Nửa đêm khi tôi đang ngủ thì nghe tiếng quần thảo nhau tưng bừng bên ngoài! Tôi mở cửa nhìn ra thì thấy hai cô gái đang nắm tóc nhau đánh đấm không nương tay! Nhìn kỹ tôi ngạc nhiên quá đỗi, bởi họ chính là hai cái xác chết mà tôi thấy bữa trước! Có nghĩa là họ đã đội mồ dậy đánh nhau tiếp.

Ông ta lại phải ngừng kể để thở, bởi hình như kể chuyện ấy làm cho ông căng thẳng, phát mệt. Phải một lúc sau ông mới tiếp được:

- Mà không phải chỉ một lần đó. Cứ vài đêm thì lại diễn ra một trận như vậy. Hình như giữa họ đã có sự hiềm thù gì đó dữ dội lắm, cho nên khi đã chết rồi mà vong hồn vẫn không từ bỏ chuyện hằn thù! Không để chuyện ấy cứ tiếp diễn, cho nên tôi mới quyết định theo cảm tính, bằng cách bốc một trong hai ngôi mộ đó, đem chôn ở một lô khác. Tôi nghĩ, không cho họ gần nhau nữa thì họ sẽ thôi, không gặp nhau, có nghĩa là thôi không còn đánh nhau! Không ngờ ý nghĩ chủ quan của tôi mà lại đúng. Bởi từ hôm dời mộ cô tên Dã Lan đi thì không còn cuộc đánh nhau nào nữa. Tuy nhiên, vong hồn cô tên Hồng Hạnh ấy dữ lắm, cô ta không chịu yên, cứ đêm đêm thì hiện ra rú vang cả nghĩa địa này như còn ấm ức, uất hận lắm! Bởi vậy cả mấy năm nay rồi, tối nào tôi cũng đặt trước mộ cô ta một bó hoa tươi để cúng! Nhờ vậy mà cô ấy đỡ quậy phá hơn. Nhưng được cô này thì lại chọc giận cô kia! Vong của cô Dã Lan lại hiện về đòi tôi phải cho cô ta một bó hoa lay-ơn màu vàng, tôi đành phải làm theo...

Phước buột miệng:

- Thảo nào trên mộ cô ấy ngày nào cũng có một bó lay-ơn vàng tươi thắm!

- Trên mộ cô Hồng Hạnh cũng có một bó hoa hồng vàng, nhưng chẳng hiểu sao bó hoa trên đầu mộ cô tên Hạnh thì vừa để là bị mất! Tới nay tôi còn thắc mắc...

Ông quản trang vừa nói tới đây thì bỗng Trâm trở người, kêu ú ớ gì đó trong miệng, khiến Phước phải kề tai sát lại, vừa hỏi:

- Em tỉnh rồi phải không?

Giọng không phải của Trâm rót vào tai Phước:

- Tìm cách giữ chân ông ta ở đây, còn anh chạy nhanh ra chỗ mộ của Dã Lan, lấy bó hoa ở đó qua đặt trên đầu mộ của em. Làm ngay đi thì mới hy vọng em còn được ở bên anh, bằng không...

Cô nói tới đó thì có vẻ gấp gáp và sợ hãi lắm, khiến cho Phước phải hành động ngay. Anh giả vờ bảo với ông già:

- Cháu bỏ quên món đồ ngoài mộ, bác làm ơn giữ cô ấy giùm, đừng để cô ấy tỉnh lại và chạy đi.

Anh không đợi ông quản trang đồng ý đã vụt chạy đi. Anh đã biết mộ của Dã Lan, nên chạy ngay tới đó một cách dễ dàng. Trên mộ quả có một bó lay-ơn như thường lệ. Anh cầm lấy ngay và vòng qua phần mộ của Hồng Hạnh lúc nãy. Vừa đặt bó hoa xuống, bỗng Phước nghe về phía ngôi mộ của Dã Lan có một tiếng rú nghe thê lương lắm!

Không dám chần chừ, Phước chạy trở về liền chỗ nhà của người quản trang. Vừa thấy anh, ông ta đã nói liền:

- Cô bạn của cậu tỉnh lại rồi, cô ấy đòi đi mà tôi chưa cho!

Phước bước vào và đứng khựng lại! Bởi trước mặt anh lúc đó không phải là Trâm nữa, mà là... Hồng Hạnh!

- Em... Cô...

Cô nàng lấy tay che mặt rồi ra dấu cho Phước đi ngay.

Phước phải tìm cách nói:

- Tụi cháu cám ơn bác giúp đỡ và xin phép bác.

Anh dìu một bên nàng đi nhanh ra cổng nghĩa trang. Họ lên xe chạy đi một quãng khá xa rồi Phước mới thở phào nhẹ nhõm. Anh quay sang nàng, lo lắng hỏi:

- Như vậy tôi biết phải nói với bà chủ nhà sao đây?

Cô nàng vẫn bình thản:

- Có sao đâu! Anh không nhớ là trước đây tôi đã ở trọ đó nhiều tháng mà! Bà chủ đâu có biết tôi là một hồn ma mà lo...

- Nhưng... còn người yêu của tôi? Làm sao tôi giải thích với bà ta, cũng như với mọi người...

Nàng bỗng phá lên cười:

- Khéo lo xa quá! Như thế này được chưa?

Nàng nói xong thì Phước đã một phen nữa há hốc mồm:

- Cô là...

Nàng lại cười:

- Vẫn gọi bằng cô sao?

Trước mặt Phước lúc này lại là... Ngọc Trâm! Chỉ có giọng là khác. Cô ta dặn:

- Em thoát được tai kiếp rồi, nên từ nay có thể sống với anh, lúc thì em là Hồng Hạnh, còn khi cần thì em vẫn là Ngọc Trâm của anh!

Phước chỉ len lén nhìn, nhưng anh thấy cô nàng không chút gì khác với Ngọc Trâm. Anh yên tâm nên nói:

- Mình về nhà đi. Rồi mai tìm cách dọn đi nơi khác.

Nàng ta vẫn giữ ý ban đầu:

- Em vẫn thích ở chỗ đó. Chính nơi ấy em đã cải trang ở đó chờ anh và đã quen rồi.

Phước trố mắt:

- Cô chờ tôi là sao?

- Thì em đoán thế nào anh cũng tới, nên mai phục để chờ. Người cõi âm biết trước hết mọi sự việc tương lai. Em còn biết số cô gái tên Ngọc Trâm đã tận, nên mới khiến cô ấy đi tìm anh, để rồi nhờ vậy mà em mới có cơ hội dùng hồn cô ấy mà qua mặt được kẻ thù của em!

- Dã Lan phải không? Cô và cô ấy sao lại hận thù sâu nặng như vậy?

Cô nàng không đáp mà chỉ tay về bên trái, bảo:

- Anh chạy về hướng này đi, mọi việc sẽ rõ thôi.

Phước còn đang lưỡng lự thì nàng đã cầm tay lái bẻ ngoặt sang hướng vừa chỉ. Chiếc xe rẽ đột ngột suýt đâm vào lề, nhưng cúng chính cô nàng đã nhẹ nhàng điều chỉnh lại một cách dễ dàng, và cuối cùng chiếc xe đi về hướng đường mòn đến hồ Tuyền Lâm.

Tới trước một ngôi nhà nằm khuất sâu trong một vườn cây trĩu quả, nàng nói như ra lệnh:

- Anh cho xe vào trong rồi đậu lại.

Phước làm theo và sau khi tắt máy xe, anh lại nghe nàng bảo:

- Anh vào nhà đi.

Nàng đi trước và biến vào nhà thật nhanh Phước lững thững theo sau. Khi vào tới trong thì không thấy cô nàng đâu, chỉ thấy một phòng khách nhỏ, bày biện đơn sơ nhưng tươm tất. Và ngay hình ảnh đầu tiên đã làm cho Phước sửng sốt:

- Hồng Hạnh!

Một ảnh chân dung của Hồng Hạnh đặt trên bàn thờ ở giữa nhà khiến Phước sững sờ, anh quay lại tìm Hồng Hạnh thì chẳng thấy đâu, mà gọi thì cũng chẳng nghe cô ta trả lời.

Trong lúc còn đang hoang mang thì từ phía sau lưng Phước đã có người lên tiếng:

- Nó đi rồi, đâu còn mà tìm!

Phước quay lại và ngỡ ngàng khi thấy một người đàn bà lớn tuổi, bà ta chỉ lên bàn thờ, nói tiếp:

- Cậu biết rồi, nó đã chết và người đi với cậu vừa rồi chỉ là cái vong của nó trong thân xác một người khác. Mà điều đó thì chỉ xảy ra bên ngoài, chứ ở đây là nhà của nó thì làm sao thân xác ấy hiện hữu được.

Bà cụ tuy lớn tuổi, có vẻ lụ khụ, nhưng nói năng lưu loát và sắc sảo. Phước hơi lúng túng:

- Dạ, cháu mới cùng cô ấy tới đây. Cô ấy vừa bước vào nhà...

- Nó đi ngay rồi. Bây giờ cậu ngồi xuống đi. Điều nó muốn cậu biết là ở đây, tôi sẽ giúp cậu.

- Thưa bác, bác là...

- Tôi là mẹ nó. Nó là con gái út của tôi.

- Dạ, cháu xin chào bác, cháu là Phước. Thật ra cháu không phải là bạn trai của cô Hạnh, mà là...

Bà cụ chặn lời:

- Cậu không nói thì tôi cũng đã biết. Con gái tôi tuy chết rồi, nhưng vẫn như sống, nó sống để báo thù!

Phước đã nghe Hồng Hạnh nói, nên anh chen vào:

- Nếu vậy thì mọi việc đã xong rồi! Cô ấy đã làm được việc mà lâu nay vẫn chưa làm. Cô Dã Lan đã bị...

Bà cụ giật mình:

- Cậu biết cả chuyện đó? Vậy mà lúc nãy nó không nói gì với tôi cả đã bỏ đi.

Rồi bà như được dịp trút nỗi niềm bấy lâu nay giữ trong lòng:

- Nó đang tuổi thanh xuân, lại còn đang yêu nữa, vậy mà bị chết tức tưởi, chết oan ức bởi giành nhau một người tình! Mà đứa giành với nó lại là chị em cùng cha khác mẹ của nó mới oái oăm chứ!

Lần đầu được nghe chuyện này, và mặc dù không muốn can dự vào mối thâm thù giữa họ, nhưng anh cũng tò mò:

- Bác nói vậy thì ra Hồng Hạnh và Dã Lan là hai chị em ruột?

Bà già giọng vẫn gay gắt:

- Tuy mang tiếng là chị em, nhưng tụi nó chỉ mới biết nhau chưa đầy một tháng thì xảy ra chuyện, mà là chuyện động trời nữa! Tội cho con Hạnh nhà tôi, nó từ nào chưa từng yêu ai, chỉ mới gặp và yêu thằng ấy là lần đầu, vậy mà lại gặp bất hạnh ngay!

Thấy bà có vẻ cởi mở muốn trút nỗi niềm, nên Phước khơi gợi:

- Người yêu cô Hạnh ở đâu, làm nghề gì thưa bác? Anh ta là ai?

Bà cụ nhẹ lắc đầu:

- Tôi cũng chưa gặp mặt lần nào, mới chỉ nghe nó nói lại. Nhưng tôi biết nó yêu thằng ấy say đắm. Thằng ấy là kiến trúc sư, nghe nói đẹp trai lắm, có lẽ

cở như cậu đây. Người ở Sài Gòn lên đây... Nó tên là... Đức. Tên đầy đủ là Phước Đức!

Bà vừa nói tới đây thì Phước như giẫm phải lửa:

- Bà nói gì? Phước Đức ư!

Bà già đột nhiên đứng dậy và bước vào phòng trong, lát sau trở ra trên tay cầm một tấm ảnh bán thân, đưa cho Phước:

- Hình này là người yêu con Hồng Hạnh. Mà sao... giống cậu quá!

Phước cầm lấy bức ảnh, vừa nhìn anh đã bàng hoàng kêu lên:

- Anh Đức!

Rồi cả người Phước run lên như bị trúng gió! Khiến bà già cũng phải sửng sốt:

- Cậu làm sao vậy?

Phước nói như mê sảng:

- Sao lại là anh? Sao anh có trong chuyện này?

Lúc này bà già mới nhìn kỹ Phước hơn, bà cũng giật mình kêu lên:

- Đúng là thằng này rồi!

Bà giật lại tấm ảnh trên tay Phước, bước tới đặt nó lên bàn thờ Hồng Hạnh, vừa khấn:

- Con sống khôn thác thiêng về đây chứng kiến, hôm nay đứa gây ra tội đã tới nhà ta để đền mạng! Con hãy nói cho mẹ biết, mẹ phải làm gì đây?

Phước cũng nhào tới chỗ bàn thờ, anh sụp xuống lạy liền mấy lượt vừa tha thiết:

- Cả nhà khổ sở vì mất anh. Đi tìm anh khắp nơi cúng vái đủ thầy mà không có hiệu quả gì, nào ngờ anh lại ở đây! Sao anh không về anh Hai?

Phước vừa dập đầu lần thứ nhất thì đã nghe văng vẳng bên tai một giọng nói thật quen thuộc cất lên:

- Họ tưởng anh là người tên Đức nên mới kéo anh vào vụ này. Họ giành người yêu là anh Đức của anh đó. Bây giờ và mãi mãi về sau, anh sẽ ở đây, làm rể nhà này và đâu còn nhớ gì tới em nữa, hả Phước!

Giọng nói đó là của Ngọc Trâm! Ngở nàng đứng bên cạnh mình, Phước quay lại nhìn, nhưng không hề thấy ai. Mà hình như những lời nói vừa rồi cũng chỉ đủ mình anh nghe thôi. Bà cụ vẫn bình thản đứng im, không có phản ứng gì.

- Trâm!

Bất giác Phước kêu to lên! Và điều đó khiến cho anh bị bật ngửa ra sau, cùng lúc có một tiếng khóc thét lên và câu nói trong tuyệt vọng của Trâm:

- Hãy cưới em đi! Chỉ có vậy chúng ta mới được bên nhau. Anh sống mà em cũng được sống! Hãy làm ngay đi...

Rồi im bặt. Hình như trong cõi vô hình Ngọc Trâm đang bị ai đó lôi tuột đi. Tiếng nấc của nàng xa dần... xa dần...

° ° °

Người đánh xe ngựa dừng lại trước nhà bà Ánh Hồng, ông gọi vào trong:

- Bà chủ ơi, ra mà nhận người đây!

Bà Ánh Hồng đang tưới cây ở sân, vội bước ra cổng, và giật mình khi thấy trên xe có một người nằm, mà người đó lại là Phước!

- Kìa, cậu Phước!

Ông lão đánh xe nói:

- Tôi đi ngang qua khu nghĩa địa cũ phía tây thành phố bỗng gặp cậu này nằm bên vệ đường. Tôi dừng xe lại thì chỉ nghe cậu ta thều thào mấy tiếng, nói địa chỉ nhà bà, rồi sau đó anh ta ngất lịm luôn. Tôi chở thẳng về đây xem bà có nhận anh ta không?

Bà Ánh Hồng hốt hoảng:

- Nhận chứ. Cậu ấy ngụ ở đây mà. Anh tiếp đưa giùm cậu ta vào nhà đi. Trời ơi, sao ra nông nổi này!

Ông lão đánh xe ngựa vừa tiếp đưa Phước vào nhà, vừa nói:

- Cái nghĩa địa này bây giờ không chôn người mới chết nữa, toàn là những mồ mả cũ nhưng nhiều ma lắm, cứ ra nhát thiên hạ hoài. Chẳng hiểu sao cậu này lại tới đó làm gì cho đến nông nổi này!

Bà Ánh Hồng hoảng sợ:

- Cậu ta tới nghĩa địa đó sao?

Ông lão lắc đầu tiếp lời:

- Tôi không tận mắt thấy cậu ấy vào nghĩa địa, nhưng vùng đó đâu có nhà ai, mà nằm trước cổng nghĩa địa thì không vào đó chứ đi đâu?

Rồi ông kể lể:

- Mà sao lúc này mấy người trẻ sao thích vào nghĩa địa quá. Mới mấy bữa trước đây có một cô gái cũng kêu tôi chở tới nghĩa địa mới bên phía đông, nơi người ta gọi là Thành phố Đợi Chờ, chẳng biết để làm gì mà tới thật sớm rồi vào đó mãi chẳng trở ra!

Bà Ánh Hồng than thở:

- Cậu này mướn nhà ở đây cùng với người yêu, sáng nay hai người đi ra ngoài và đi biệt. Tôi chờ hoài không thấy về. Bây giờ ra nông nổi này, rồi cô người yêu ở đâu, ra sao chẳng biết?

Thấy để Phước nằm giữa phòng khách hơi kỳ, bà nhờ ông đánh xe:

- Đã giúp thì anh giúp cho trót rồi tôi trả tiền công cho luôn, anh làm ơn đỡ cậu ấy lên phòng riêng giùm.

Họ đưa Phước lên phòng trên lầu. Vừa mở cửa phòng ra thì bà Ánh Hồng đã hoảng hốt kêu lên:

- Kìa, cô Trâm!

Thì ra Ngọc Trâm đang nằm yên trên giường như đang ngủ. Vừa nghe kêu lớn, cô bật dậy ngơ ngác:

- Ủa, chuyện gì vậy bà chủ?

Chợt nhìn thấy Phước, cô thảng thốt:

- Kìa, anh!

Đang mê man, bỗng Phước choàng tỉnh, anh mở mắt ra và không nói năng gì, chỉ ôm chầm lấy Trâm, không muốn rời ra. Bà Ánh Hồng lên tiếng:

- Cô cậu đi đâu mà mỗi người một nơi! Trong lúc cậu đang lạc ở nghĩa địa, còn cô thì về đây lúc nào tôi không hay?

Nỗi bàng hoàng vẫn còn nơi nét mặt của Trâm, nhưng được hơi ấm từ vòng tay của người yêu, cô dần trấn tỉnh lại, lẩm bẩm:

- Qua rồi... qua cơn ác mộng rồi...

Bà Ánh Hồng nghe không rõ nên hỏi lại:

- Cô nói gì?

Trâm siết chặt Phước vào lòng, như sợ anh biến mất:

- Con cứ ngỡ anh ấy mất luôn rồi! Trời Phật còn thương chúng con...

Lúc này Phước mới lên tiếng:

- Có phải là... em đây không, Ngọc Trâm?

- Là em. Chính em đây!

- Đúng là giọng nói của Trâm, chứ không phải xác nàng mà hồn Hồng Hạnh như trước. Phước mừng quá:

- Đúng là em rồi! Thôi, chúng ta mau rời khỏi chỗ này đi em!

Trâm nói rất khẽ đủ cho anh nghe:

- Chưa đi được. Bởi hiện nay tuy thoát được về cùng anh, nhưng em vẫn còn bị nhốt ở cõi âm. Em chưa tới số chết, nên dẫu có bị bắt hồn, em vẫn còn cơ hội đoàn tụ cùng anh, nếu anh cưới em ngay bây giờ! Hãy làm lễ cưới em đi, như vậy họ sẽ không bắt hồn em đi luôn. Hãy thực hiện đi anh!

- Nhưng họ là ai?

Nàng đáp nhanh như sợ có người nghe:

- Hai cô gái đó, anh không nhớ sao?

- Dã Lan và Hồng Hạnh.

- Đúng là họ rồi. Họ là hai chị em cùng cha khác mẹ, tình cờ yêu chung một người con trai mà người đó lại là người anh ruột lưu lạc của anh. Sau khi sát hại lẫn nhau, họ vẫn tiếp tục tranh giành người yêu. Họ gặp anh tưởng anh là người con trai ấy nên họ muốn thủ tiêu để độc quyền chiếm đoạt anh. Một trong hai người họ sắp thực hiện được tham vọng của mình, nhưng cũng may anh

nhìn được bức ảnh của người anh, anh nói ra sự thật, lúc đó cô Hồng Hạnh mới hoang mang, điên tiết lên, cô ấy đánh đập vong hồn em, đuổi em đi, nhờ vậy mà em mới thoát ra được! Hãy cưới em ngay đi, có như thế họ mới để cho chúng ta yên bên nhau. Em biết chắc như vậy...

Phước quay sang năn nỉ bà chủ nhà:

- Bác giúp tụi cháu với! Bác đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới tụi cháu, bác nhé!

Bà Ánh Hồng nhẹ gật đầu:

- Được rồi! Gì chứ chuyện này thì tôi sẵn sàng.

° ° °

Phước và Trâm cứ nghĩ là đám cưới vội của mình chỉ là hình thức để che mắt người cõi âm và tổ chức đơn sơ thôi, nào ngờ bà Ánh Hồng đã làm thật rình rang! Ngoài một số khách riêng của bà chủ nhà lại còn có nhiều người từ Sài Gòn lên!

Hỏi họ làm sao biết chuyện mà có mặt thì hầu hết đều đáp như nhau:

- Có người điện thoại báo tin là bọn này kéo lên ngay!

Giữa buổi lễ bỗng xuất hiện hai người phụ nữ lớn tuổi mà vừa trông thấy họ, Trâm và Phước đã hốt hoảng:

- Sao... sao họ cũng có mặt!

Hai người đó là bà mẹ của Dã Lan và bà mẹ Hồng Hạnh! Họ chẳng những xuất hiện một lượt mà còn tay nắm tay, cùng bước tới trước mặt cô dâu chú rể để cùng lên tiếng:

- Chúc mừng cho hai cháu!

Phước lắp bắp:

- Sao... sao hai bác...

Bà mẹ Hồng Hạnh lên tiếng trước:

- Tụi tôi tới để đem con mình về. Bởi hai đứa nó đã hiểu, mà chúng tôi cũng hiểu: Hạnh phúc chỉ tới đúng người đáng được hưởng nó. Con chúng tôi đã yêu lầm và đưa tới một kết cục bi thảm thì phải gánh chịu. Việc lôi kéo cô cậu vào vụ này là xằng bậy, không thể được! Bởi vậy chúng nó đã quyết định từ nay trả lại những gì cô cậu vốn có. Chúng nó sẽ đi tìm người con trai kia, anh của cậu...

Phước buột miệng:

- Anh cháu đã mất tích từ lâu. Có thể cũng đã chết. Như vậy các cô ấy tìm trong thế giới cõi âm của mình ắt gặp!

Hai bà mẹ nói một câu mà cả bà chủ nhà và cô dâu chú rể đều giật mình:

- Cho chúng tôi lên đưa xác con chúng tôi về!

Họ nói xong thì đi thẳng lên lầu, vào phòng riêng của Phước và Trâm. Cả hai hốt hoảng chạy theo, cả bà chủ nhà nữa. Khi mở cửa phòng ra thì họ đều sửng sốt, bởi có hai xác chết nằm sóng đôi giữa phòng. Cả Trâm và Phước đồng kêu lên:

- Hồng Hạnh! Dã Lan!

Hai xác chết là của hai người con gái mà suốt mấy ngày qua đã gây bao phiền phức cho họ, nên giờ đây nhìn thấy sự hiện diện của họ trong phòng mình, cả hai đã hốt hoảng và quýnh lên:

- Làm sao bây giờ bà chủ?

Nhưng hai bà mẹ đã rất bình tĩnh lên tiếng:

- Không sao cả. Chúng tôi tới đây là để mang chúng về. Chúng cùng xuất hiện như vậy là chứng tỏ chúng thôi thù hận nữa rồi. Bởi dẫu sao chúng cũng là chị em ruột thịt với nhau...

Họ nói xong thì đưa tay chạm vào hai thi thể. Bỗng dưng hai cái xác vụt tan biến và chỉ con lại trên tay mỗi bà mẹ một đoá hồng vàng và một đoá lay-ơn màu hoàng anh!

Lẳng lặng rời lễ cưới, hai bà quay lại chúc:

- Chúc cô cậu trăm năm hạnh phúc!

Rồi như sương khói, họ tan biến vào không trung...


(Tác giả Người Khăn Trắng, nguồn vnthuquan.org)