24/10/12

Xin cho em kiếp người

Lâu lắm mới có dịp hội ngộ cùng bạn bè cũ ở cùng quê, nên Phong đã phải nhậu suốt từ lúc trời đứng bóng, cho đến lúc hơn bốn giờ mới chợt nhớ là mình còn phải trở về. Anh luýnh quýnh chuẩn bị hành lý, khiến mấy người bạn cười trêu chọc:

- Cái thằng, trai chưa vợ mà giống như sợ bà chằn nào ở nhà ăn thịt vậy! Sao không ở lại đây ngủ thêm đêm nữa xem sao!


Phong xua tay:

- Mình còn phải đi thăm ông bác đau nặng ở bên kia cù lao, nếu đi trễ thì sẽ không còn đò sang sông.

Một người nữa bàn ra:

- Đây sang đó chỉ hơn chục cây số, đi xe ngựa chỉ mất nửa giờ, vội gì!

Nhưng Phong vẫn cương quyết, anh chào bạn bè, rồi còn hẹn:

- Nếu ông bác tôi lành bệnh, lượt về thế nào cũng ghé lại chơi một tuần liền!

Mấy người bạn phấn khởi:

- Hứa là phải nhớ đó nhé! Thôi được rồi, đi đi. Mà chúng tôi đã dặn sẵn chiếc xe ngựa chạy tốt để đưa cậu đi rồi. Hẹn gặp lại!

Phong vừa ra xe thì anh chàng đánh xe đã giục:

- Trời đang chuyển mưa đó cậu, ta phải đi tới bến đò trước khi trời mưa thì đò mới dám sang sông. Bây giờ trễ lắm rồi đó!

Phong cũng vội, nên vừa lên xe anh đã dồn hành lý sang một bên, tranh thủ nằm xuống sàn xe, nhằm để cản gió, như thế xe sẽ chạy được nhanh hơn. Anh chàng phu xe tên Lý đã nhanh nhảu lên tiếng:

- Nếu mệt thì cậu Hai cứ nằm ngủ một chút đi, khi nào tới em sẽ gọi.

Phong hơi mệt do men rượu nặng, nhưng chẳng hiểu sao anh lại không muốn ngủ. Có lẽ anh muốn nhìn ngắm phong cảnh hai bên đường hơn.

Xe qua khỏi một đoạn đường gập ghềnh, Lý bảo:

- Đường phẳng rồi, em sẽ chạy vượt tốc độ luôn!

Phong phải ngăn anh ta lại:

- Không nên chạy nhanh quá! Tôi cũng muốn chầm chậm một chút để còn ngắm cảnh. Lâu quá không về đây, cảnh trí bây giờ khác nhiều quá...

Phong là người quê quán ở nơi này, nhưng theo cha mẹ ra tỉnh thành học từ lâu, lần trở lại này là sau hơn năm năm. Do đó, có những nơi tuy biết từ ấu thơ, nhưng nay nhìn lại anh không khỏi ngỡ ngàng.

Xe chạy được hơn mười phút nữa thì trời tối mịt mù, mây đen kéo đầy một góc trời. Lý tắc lưỡi:

- Mưa tới rồi!

Phong lo lắng hỏi:

- Liệu mình tới bến đò kịp không?

- Kịp thì kịp giờ, nhưng mưa thì tới ngay bây giờ, e rằng...

Anh ta nói chưa hết cấu thì chợt Phong nhìn thấy bên đường cách gần trăm thước, có một bóng người đưa tay vẫy vẫy. Anh hỏi:

- Họ quá giang xe phải không?

Lý chạy xe thường ngày nên rành, đáp:

- Quá giang đó, nhưng trời mưa gió, mình lại gấp thế này, ai mà rước cho được!

Nói xong, anh ta ra roi liền mấy cái con ngựa tung vó chạy rất nhanh. Chẳng mấy chốc, xe đã vượt qua chỗ người đứng đón xe. Phong nhận ra đó là một phụ nữ đứng co ro, có vẻ đang bệnh hoạn. Anh kêu lên:

- Ngừng lại!

Anh chàng đánh xe cũng nói to:

- Cậu không phải bận tâm với mấy người quá giang giữa đường này đâu. Ở đây nếu cho quá giang thì chục chiếc xe này cũng chở không hết!

Phong vẫn cương quyết:

- Tôi bảo anh cứ dừng lại. Nếu cần thì tôi trả thêm tiền công.

Lý phân trần:

- Không phải em không muốn cho quá giang, nhưng đoạn đường này vắng, trời lại sắp mưa lớn, ngộ lỡ...

- Anh không thấy người ta là phụ nữ, lại hình như đang bệnh hoạn chi đó nữa. Làm phước thì được phước, lo gì.

Không cãi được, Lý đành phải gò cương lại. Tuy nhiên, xe cũng đã chạy lố đến cả trăm thước. Phong nhảy xuống ngay, anh chạy đến gần và hiểu rằng mình đã quyết định đúng, bởi lúc ấy cô gái đang run rẩy, mặt, môi tái nhợt.

- Cô nương cần về đâu?

Cô gái tuổi trên dưới hai mươi, lắp bắp:

- Dạ... dạ em cần về... bến đò.

Phong mau mắn:

- Tôi cũng đang đi tới đó. Vậy cô mau lên xe đi!

Anh định quay lưng đi, nhưng thấy cô gái lảo đảo thì chụp vội lấy cánh tay và giục:

- Để tôi dìu cô đi, nhanh lên kẻo trời mưa!

Được dìu nên cô gái đi được đến bên xe, nhưng tới đó thì cô lả người đi, khiến Phong phải bế xốc cô ta lên xe, nhường hẳn phần rộng cho cô ta nằm, còn anh thì thu mình lại co ro. Anh giục:

- Chạy nhanh đi anh Lý!

Anh chàng Lý khẽ lắc đầu, hình như muốn nói gì đó nhưng ngại. Chẳng mấy chốc thì đã đến gần bến đò. Chợt cô gái choàng dậy và kêu khẽ:

- Suýt nữa đã đi lố, cho em xuống đây.

- Nhà cô ở chỗ nào, để xe ngừng ngay nhà.

Chỉ tay về phía ngõ nhỏ đằng xa:

- Nhà em ở mãi trong kia, xe vào không tiện. Xin cảm ơn quý ân nhân, nếu không có ngài thì vừa rồi có thể em sẽ ngã ở bên đường. Em bị cảm gió bất ngờ...

Cô ta không đợi Phong dìu, đã tự bước xuống xe, một lần nữa cúi đầu lễ phép:

- Xin đa tạ. Em tên là Hạnh Hoa, nhà ở xóm Cây Trâm, ngay trên Gò Trúc.

Cô ta vừa dứt lời tức thì bước đi rất nhanh, khác với vẻ yếu đuối bệnh hoạn lúc nãy. Đi được gần chục bước, chợt nhớ điều gì, cô ta quay lại nói:

- Khi nào có đi qua đây mời ngài ghé qua tệ xá, tiện nữ xin mời ly nước trả ơn!

Phong ngẩn ngơ nhìn theo, còn Lý thì lên tiếng:

- Loại con gái này phải dè chừng.

Phong tức giận:

- Tôi không muốn nghe anh nói về khách của tôi như vậy!

Bị chỉnh, Lý nín thinh, nhưng xem ra không hài lòng. Anh ta ra roi cho xe chạy nhanh tới bến đò. Tới nơi, cũng may chuyến đò cuối cùng sắp rời bến. Phong bước xuống đò xong, nhắc Lý:

- Cậu quay về ngay đi, nói tôi cám ơn các bạn, hẹn sẽ gặp lại.

Lý chỉ chờ có thế, anh ta giục ngựa đi ngay, trước khi trời đổ mưa.

Con thuyền vừa rời bến đã phải dừng lại, người chèo đò nhìn trời rồi quyết định:

- Mưa lớn lắm, không thể qua sông lớn trong thời tiết này. Vậy ta phải chờ tới sáng mai thôi.

Nhiều người phản đối, đúng ra Phong cũng không đồng tình, bởi anh cần đi thăm ông bác gấp lắm. Nhưng chẳng hiểu sao cho đến lúc thuyền quay lại bến rồi mà Phong vẫn không nói tiếng nào...

Hầu hết khách đã rời đò, người thì trở về nhà, vài người nhà xa thì cũng đi tìm nhà quen để tá túc qua đêm. Đến lúc này Phong mới bừng tỉnh, anh hỏi thăm chỗ trọ thì người ta chỉ:

- Ở cách đây nửa dặm mới có một khách điếm nhỏ, nhưng xem ra với lượng người lỡ đò đông như vừa rồi thì khách điếm ấy e rằng sẽ không còn phòng nào.

Phong lo lắng:

- Mình chẳng quen ai ở đây cả, biết làm sao đây?

Anh lững thững đi dọc theo bờ sông, chợt có một người đi vượt qua mặt và nói một câu trống không:

- Sao không đi tìm cô gái quen lúc chiều?

Phong sáng mắt lên, reo khẽ:

- Vậy mà mình cũng không nhớ ra!

Anh định chạy theo người vừa nói câu nói kia, nhưng họ đã vụt mất bóng. Phong tự hỏi: Ai mà biết chuyện cô gái?

Nhưng lúc đó trời bắt đầu đổ mưa, nên Phong chẳng còn kịp nghĩ ngợi gì thêm, anh quay lại, nhắm hướng đã đi qua lúc chiều. Nhờ ít hành lý nên Phong cũng không khó lắm để vác đi bộ. Anh tìm hỏi một người qua đường:

- Ông biết xóm Cây Trâm còn gần không?

Ngước nhìn Phong với vẻ tò mò, ông ta đáp cộc lốc:

- Sắp tới rồi!

Phong đi chưa đầy trăm bước, đã nghe ai đó bên đường nói lớn:

- Xóm Cây Trâm đây rồi, còn tìm đâu nữa!

Phong quay nhìn thì chẳng thấy một ai, bởi đó là một xóm vắng. Đúng hơn là một xóm hoang, không có lấy một nóc nhà.

- Ủa...

Phong chậm bước lại, định đợi có người đi tới để hỏi thăm. Tuy nhiên, anh đợi ngót một khắc mà chẳng thấy ai. Còn đang tiến thoái lưỡng nan thì chợt nhìn thấy có ánh đèn trước, Phong mừng khôn xiết, vội bước thật nhanh về hướng đó.

Nhưng đi mãi mà vẫn chưa tới gần được ánh đèn. Mà chừng như Phong càng đi thì nó càng xa hơn.

- Chẳng lẽ...

Một ý nghĩ vừa thoáng qua đầu, Phong vội xua nó ra ngay. Vừa lúc có ai đó nói phía trước mặt:

- Không kiên nhẫn gì hết, mưa to rồi đó!

- Kìa, cho tôi hỏi...

Nhưng người vừa nói cũng giống như mấy lần trước, chẳng đáp lời. Phong phải lặp lại câu hỏi:

- Ai đó, cho tôi hỏi thăm!

Hoàn toàn im lặng. Phong đã bắt đầu chồn chân, hoa mắt... Bỗng anh cảm thấy túi hành lý trên vai mình như bị ai đó lấy đi một cách nhẹ nhàng. Anh chỉ kịp kêu khẽ:

- Ai?

Túi hành lý đã bị lấy mất mà chẳng biết ai là thủ phạm. Phong nhìn qua lại một lượt nữa, rồi cố hết sức, vụt chạy thẳng về phía có ánh đèn. Vừa chạy anh vừa kêu to:

- Cô Hạnh Hoa! Cô Hạnh Hoa!

Tiếng gọi của Phong vang vọng trong đêm, nghe như đang lạc vào một chốn hoang vu, rừng núi nào đó. Từ nào đến giờ Phong vốn là người lì lợm, gan dạ, chưa từng biết sợ chuyện quỷ ma, nhưng giờ phút này anh nghe lạnh cả người, tay chân đã bắt đầu mất kiểm soát.

Bước đi được vài bước nữa thì đột nhiên Phong bị ngã xuống. Trong lúc đầu óc lơ mơ, Phong có cảm giác như mình nhìn thấy một khuôn mặt rất quen, tuy nhiên anh không làm sao lên tiếng gọi được, cũng không đưa tay vẫy hay chụp nắm, cầu cứu...

Vừa khi ấy, phong mơ hồ nghe như có người hỏi câu gì đó, rồi một bàn tay ai đó chụp lấy tay anh, kéo lên...

° ° °

- Cậu ấy tỉnh lại rồi!

Phong vừa mở mắt ra đã giật mình. Trước mặt anh là hai người lớn tuổi hoàn toàn xa lạ. Người đàn bà đứng lên rất nhanh, mang ra một bát gì đó nghi ngút khói:

- Cậu ấy đói lắm rồi, đã qua một đêm, một ngày rồi còn gì...

Ông cụ râu tóc bạc phơ, có vẻ trầm tĩnh hơn, đưa tay ngăn lại:

- Khoan đã, để cậu ta uống một ly nước đã. Bây giờ nước cần hơn thức ăn.

Bà lão nghe lời, mang đến ly nước và tự tay đưa cho Phong. Đúng là Phong đang khát khô cả họng, gặp nước là uống một hơi hết nửa ly. Ông lão lại ngăn không cho uống tiếp, đích thân ông dùng muỗng múc mấy muỗng nước cháo cho vào miệng người bệnh. Quả nhiên sau đó Phong cảm thấy tỉnh người, mở mắt lớn hơn, quan sát kỹ và lên tiếng rất khẽ:

- Tôi đang ở đâu?

Bà cụ reo lên:

- Cậu ta tỉnh hẳn rồi ông ơi!

Ông cụ gật đầu:

- Tốt rồi. Cậu ấy không sao rồi.

Phong lặp lại câu hỏi:

- Tôi đang ở đâu đây?

Bấy giờ ông cụ mới trả lời:

- Đây là nhà của vợ chồng lão. Cứ gọi là lão Tam. Còn tại sao cậu lại ở đây thì từ từ nhớ lại đi...

Phong không cần cố gắng cũng nhớ lại rất nhanh những chi tiết vừa qua, anh thảng thốt bật dậy. Nhưng do sức quá yếu, nên vừa bật lên, anh đã ngã trở xuống. Ông lão nhẹ giọng bảo:

- Cậu cứ nằm đó, rồi tôi nói cho cậu nghe mọi chuyện.

Phong lại nhìn họ, thấy hai người già trước mặt mình vẻ mặt phúc hậu thì có hơi yên dạ. Ông lão bắt đầu kể:

- Đêm hôm trước, lúc đi soi ếch ngoài nghĩa trang thì tôi gặp cậu nằm ngất ngoài đó. Lúc đưa cậu về đây thì cậu hoàn toàn không biết gì, người lạnh ngắt như cái xác chết. Bà lão nhà tôi sợ quá định chạy đi báo động, nhưng cũng may, sau đó nhờ uống vài viên thuốc gia truyền của tôi, cậu ấm lại, nhưng vẫn còn mê man. Tôi yên tâm, bởi như vậy là cậu chưa chết...

Bà cụ chen vào:

- Lúc mê sảng, cậu cứ kêu tên người nào đó nên tôi đoán chắc là cậu bị lạc mất họ...

Phong hốt hoảng:

- Cháu gọi tên ai?

- Hạnh Hoa!

Đó là câu đáp của ông cụ. Phong lần này cố gắng và bật dậy được. Anh bật kêu lên liền:

- Hạnh Hoa!

- Đó là ai mà cậu kêu không ngớt?

- Dạ...

Anh kể lại đầu đuôi câu chuyện. Vợ chồng ông lão nghe xong đều lắc đầu thở dài:

- Không xong rồi...

Phong ngạc nhiên:

- Sao lại không xong?

Ông lão không đáp, ông đứng lên đi ra ngoài, để cho bà vợ nói chuyện với khách. Phong sốt ruột hỏi tới:

- Sao hai bác lại có vẻ như... hay là...

Bà cụ thở dài:

- Ông nhà tôi không muốn nói cho cậu nghe, sợ cậu bệnh lại...

Phong quả quyết:

- Đâu có sao, bác cứ nói đi!

- Cái tên Hạnh Hoa đâu có ở xóm này. Mà chỉ có... ở ngoài nghĩa địa!

- Kìa bác!

Phong cho rằng những người này đã già nên lẩm cẩm, anh đứng lên và quyết định đi ngay. Bà cụ lo lắng:

- Kìa, cậu còn chưa khoẻ mà.

Nhưng Phong vẫn bước ra ngoài, anh bước đi chỉ vài chục bước thì ngơ ngác nhìn quanh, bởi khắp nơi là bãi tha ma, chớ chẳng có nhà cửa của ai! Thì ra...

Nhìn lại sau lưng Phong càng kinh ngạc hơn, bởi ngôi nhà mà anh vừa đi ra cũng chẳng còn thấy đâu!

- Ủa, sao lạ vậy...

Vừa lúc đó, Phong thấy có một người xách chiếc giỏ câu đi tới, anh mừng rỡ:

- Dạ thưa chú, cháu muốn hỏi thăm...

Người đàn ông chất phác nhìn qua Phong rồi hỏi:

- Cậu tìm mồ mả ai trong này phải không?

- Dạ không. Cháu muốn hỏi nhà của lão Tam...

Người đàn ông cau mày:

- Lão Tam nào? Có phải lão già đi soi ếch không? Lão ta được kêu là Ba ếch chớ ít ai gọi lão Tam. Nếu đúng lão ta thì mộ ở đằng kia.

Lão đưa tay chỉ đúng vào hướng ngôi nhà mà Phong vừa đi ra. Phong ngơ ngác:

- Không... lão ấy còn sống. Mới đây lão vừa mới...

Lão đi câu trợn tròn mắt nhìn Phong:

- Cậu... cậu bị... ma rồi!

Nói xong ông ta mau bước đi thẳng, khiến Phong hốt hoảng gọi với theo:

- Bác ơi... cháu hỏi nhà cô Hạnh Hoa?

Ông lão càng đi nhanh hơn, giống như bị ma đuổi. Phong bực dọc, vừa lầm bầm vừa giậm chân. Bỗng ngay trước mặt anh lúc ấy có một ngôi mộ đất đã lâu năm, cỏ mọc um tùm, hiện ra một mộ bia mà vừa thoáng nhìn qua Phong đã xanh mặt: Hạnh Hoa!

- Sao... sao lại...

Phong chợt cảm thấy xây xẩm và lảo đảo... Rồi không còn kiềm chế được, anh chàng ngả người xuống, ngất đi lần nữa...

° ° °

Tỉnh lại trong nhà ông bác mình, điều đó làm cho Phong không thể nào tin được. Anh hỏi người nhà:

- Sao tôi lại ở đây?

Người anh họ của Phong kể lại:

- Nửa đêm hôm qua, lúc mọi người đang ngủ say thì có tiếng gõ cửa. Chính tôi ra mở cổng thì bắt gặp chú nằm ngay lối ra vào, trên ngực chú có một mảnh giấy viết mấy chữ, tuồng chữ giống như của con gái...

Phong sốt ruột:

- Trong giấy viết gì?

Anh ta móc túi lấy ra mảnh giấy xếp đôi:

- Chú đọc đi, chắc biết là chữ của ai.

Trên giấy chỉ ghi vắn tắt: Hãy tĩnh dưỡng rồi gặp lại sau!

Người anh họ hỏi với nụ cười nghi kỵ:

- Ai mà có vẻ thần bí vậy?

Bỗng dưng Phong kêu lên:

- Hạnh Hoa!

Ai nấy trong nhà đều ngơ ngác:

- Ai là Hạnh Hoa?

Lúc này Phong mới quả quyết:

- Chắc là nàng ấy đưa tôi về đây!

Rồi anh thuật lại chuyện ở bến đò, nghe xong không ai tin đó là sự thật:

- Chắc là Phong nó bị ảo tưởng hay sao rồi? Làm gì có chuyện như thế!

Bác gái của Phong suy nghĩ cẩn trọng hơn, bà nói:

- Cứ để cho nó nghỉ ngơi rồi sẽ hỏi lại sau.

Nhưng Phong thì không yên, anh hỏi ông anh mình:

- Đường từ đây về bến đò Lợi Giang bao xa và ngoài đường sông, còn có đường bộ không?

Người anh lắc đầu:

- Ngoài đường sông, không còn cách nào về đó. Nơi ấy cách đây hơn bốn mươi dặm, mỗi ngày chỉ có hai lần đò đưa. Hôm qua chú về đây giờ đó cũng hơi lạ, bởi không có chuyến đò nào đi trễ như vậy.

Bà bác của Phong cũng nói:

- Chắc là người nào đó đem cháu về nhà họ rồi mới đưa về đây nên tới vào lúc nửa đêm. Cháu có quen ai ở xóm này?

- Dạ đâu có. Mấy năm con mới về đây một lần, đường đi còn không nhớ, làm sao có người quen.

- Còn cô Hạnh Hoa nào đó?

- Thì con đã nói rồi, đó là cô gái con mới quen ở bến đò. Con nghi là cô ấy đưa con về đây thôi, chớ đâu đã chắc.

Người anh họ quả quyết:

- Không cô Hạnh Hoa thì cô nào khác thôi. Chữ viết của con gái rõ ràng. Chú nhớ lại xem, còn có cô nào nữa?

Bị chất vấn lôi thôi, Phong đâm bực:

- Làm gì có ai!

Anh dùng dằng tính bỏ đi, nhưng chợt nhớ bệnh tình của ông bác, nên quay vào nhà trong, hỏi:

- Bác ra sao rồi?

Bác gái anh vui mừng nói:

- Ổng đang bệnh nặng lắm, thầy thuốc xứ này đã chạy hết nên mới nhắn con về gấp. Nhưng chẳng hiểu sao tự dưng từ trưa hôm qua đến giờ ông ấy lại hết bệnh! Đang ở ngoài sân sau tỉa cây.

Phong đi ngay ra sân sau, anh ngạc nhiên thấy bác mình khoẻ như chẳng hề bệnh hoạn gì.

- Sao nghe bác bệnh nặng, con lo quá...

Viên ngoại họ Từ cười tươi với cháu:

- Bác khoẻ còn hơn lúc chưa bệnh nữa!

- Bác uống thuốc gì vậy?

Từ viên ngoại kéo Phong lại gần:

- Bác chỉ nói riêng cho con nghe thôi, đừng để tới tai bác gái con thì phiền... Bác chẳng có thuốc men gì cả, đêm hôm trước khi bác đang ngủ thì bỗng mơ thấy một cô gái thật lạ đẹp, đứng bên giường bác và cất tiếng hỏi: Có phải ông là bác của Mã Phong ở làng Hoài Sơn không? Bác còn chưa kịp trả lời thì cô ta đã tiến lại gần bác, đưa tay chạm vào vai bác hai lần, rồi đi... Vậy mà khi tỉnh lại thì bác chẳng còn thấy bệnh tật gì! Bác mừng quá, nhưng không dám nói cho bác gái con nghe, tính bả hay ghen tuông bậy bạ, sợ lại nghĩ bác mơ tưởng gái liêu trai này nọ...

Phong ngạc nhiên quá đỗi:

- Bác có nhớ mặt cô gái đó không?

- Chẳng những nhớ mà bác còn được cô ấy nói cho biết tên nữa. Tên là Hạnh Hoa.

Phong kêu lên:

- Hạnh Hoa!

Tiếng kêu của anh quá lớn, khiến bà viên ngoại từ nhà trước phải chạy vào:

- Có chuyện gì vậy?

Từ viên ngoại có vẻ lúng túng, còn Phong thì nhanh trí đáp:

- Dạ, con mừng bác con hết bệnh, con không ngờ!

Bà Từ quay vào mà vẫn lẩm bẩm:

- Ông này bệnh giống như bệnh tà vậy...

Chiều hôm đó, Từ viên ngoại cho làm tiệc linh đình để thết đãi cả nhà, đồng thời cũng mừng cậu cháu trai về thăm. Ông bảo Phong:

- Không mấy khi về chơi, kỳ này con phải ở lại đây chơi vài tháng mới được đi!

Phong do dự:

- Con còn nhiều việc. E là...

Phong nghĩ ngay tới việc mình phải trở lại bến đò tìm Hạnh Hoa, nên dù sau đó ông bác có ép lắm, anh cũng chỉ ậm ừ cho qua. Trong bụng Phong thì tính chỉ ở lại vài ngày thôi...

Đêm hôm đó, trằn trọc mãi mà Phong vẫn chưa ngủ được. Anh nằm xuống, ngồi lên năm ba lượt, rồi cuối cùng quyết định mở cửa sau đi ra sân vườn. Khu vườn lúc trưa Phong đã đứng rất lâu với ông bác, nhưng so với lúc này thì nó khác xa. Vườn vắng lúc nửa đêm có cái gì đó khác lạ, với Phong điều này lại là sự thú vị. Anh đang muốn tìm một chút thư giãn đầu óc hơn là sự yên ắng bình thường... Và chừng như ước gì được nấy, vừa khi ấy Phong ngửi được thứ hương thơm rất lạ, mà thoạt tiên anh ngỡ đó là hoa trong vườn. Nhưng nhìn quanh không thấy có khóm hoa nào, mà ngửi kỹ thì đấy không phải là hương từ những cánh hoa tươi...

Chợt một mảnh giấy nhỏ rơi ngay trước mặt, Phong nhặt lên xem và giật mình, bởi mấy chữ trong giấy là gửi cho anh!

"Chào anh Phong. Lâu lắm rồi anh mới trở lại, không thể đi ngay được đâu!".

- Ai vậy?

Phong ngơ ngác nhìn quanh và cảm giác như có ai đó đang đứng rình. Nhưng tuyệt nhiên không có ai cả. Một tiếng động cũng không.

- Ai có ý trêu chọc thì xin ra đây, Phong rất muốn được gặp!

Anh lặp lại câu nói đến lần thứ hai, vẫn im lặng. Chẳng nghĩ ngợi thêm, Phong bước nhanh về phía trước và mừng thầm, bởi càng đi thì hương thơm như gần hơn, chứng tỏ anh theo đúng hướng.

Nhưng khi đến cuối vườn thì Phong hơi thất vọng. Bởi trước mặt anh là bức tường rêu phong cao ngất, không có lối đi nữa. Nhìn chung quanh là cây cối um tùm, bóng đêm dày đặc. Phong tiu nghỉu quay trở lại, thì giẫm phải một mảnh giấy nữa. Nhặt lên và cũng như lần trước, có mấy chữ quen thuộc: "Trở về phòng sẽ gặp!".

Phong cố tìm một lúc, vẫn không thấy gì lạ, anh đành bước nhanh trở về. Vừa bước vào phòng anh đã ngửi được hương thơm giống như nãy giờ ngoài vườn!

- Ai đó?

Anh thắp sáng ngọn đèn lên thì thất vọng, bởi căn phòng vẫn trống không!

- Chắc chắn nàng ta vừa mới ở đây!

Thật ra nàng nào Phong đâu có biết. Vả lại nếu có nàng nào thật thì sự xuất hiện đột ngột vào giữa đêm như thế này đâu phải là điều lành! Tuy nhiên, chẳng hiểu sao

Phong nôn nóng muốn diện kiến cho bằng được. Bởi vậy anh cúi xuống gầm giường, mở bung cánh cửa tủ quần áo để tìm xem nàng ta có trốn trong đó? Khi đã biết chắc là không thì đôi mắt Phong lại sáng lên khi nhìn thấy một mảnh giấy đặt trên gối.

"Tắt đèn, đi nằm. Và nhớ, chỉ được chạm vào người bên cạnh khi nào được phép. Tuyệt đối không được nói chuyện, không được mở đèn. Làm ngược lại thì sẽ ân hận!".

Tính tình vốn bướng, nhưng lúc này anh chàng Phong lại ngoan ngoãn. Có lẽ sự thôi thúc gặp người đẹp đã khiến anh quên hết...

Tắt đèn và leo lên giường nằm trong thế chờ đợi... Chỉ vài chục giây sau thì Phong có cảm giác có thân người ai đó đặt lưng xuống bên cạnh anh, rồi hơi thở nhẹ nhàng phả vào mặt, khiến Phong ngất ngây. Rồi bất chợt một bàn tay ai đó đặt lên tay anh và kéo nó nhè nhẹ sang bên. Nơi tay Phong vừa đặt xuống không cần nhìn thấy anh cũng hiểu là mình đặt ở đâu. Mềm và mát lạ thường!

Quên lời dặn, Phong vừa định lên tiếng thì chợt miệng anh như bị bàn tay ai đó chặn lại. Người ấy cũng không nói gì... mà chỉ hành động.

Nếu ai hỏi Phong, anh đang bị khiến làm gì thì có lẽ Phong cũng không tiện nói ra. Có những việc không cần nói mà ai cũng hiểu...

Thời gian qua thật chậm...

Đến khi Phong nghe tiếng gà gáy rộ thì cũng là lúc thân thể anh bị đẩy mạnh ra, khiến anh suýt ngã xuống giường! Lúc định thần lại, đưa tay sờ bên cạnh thì không còn thấy ai. Anh kêu lên:

- Cô!

Không nghe tiếng đáp, Phong nhảy xuống giường, đốt sáng ngọn đèn và lần này cũng bắt gặp một mảnh giấy với dòng chữ: "Đã là phu quân của người ta, cấm không được tơ tưởng đến người khác. Làm trái lại thì hậu quả sẽ khôn lường!".

Nhớ lại những điều diễn ra trong đêm, tự dưng Phong rùng mình. Cảm giác đê mê thì còn nguyên, nhưng một cái gì đó rờn rợn cũng đang len lỏi trong người anh...

- Dậy chưa Phong?

Tiếng gọi của bà bác. Phong lên tiếng:

- Dạ, con dậy từ nãy giờ.

- Sửa soạn rồi đi với hai bác sang nhà của bác Cả Sanh. Sáng sớm nay họ mời.

- Dạ.

Tuy dạ nhưng Phong không hề muốn đi. Bởi anh chưa biết mục đích của chuyến đi, vả lại chuyện về đây để đi thăm viếng người này người nọ là điều Phong không nghĩ tới.

Bà Từ lại nói vọng vào:

- Mình đi sớm, bởi họ đã mời điểm tâm.

Lại có cả chuyện đó. Phong nản quá, nhưng anh không dám cãi, bởi từ khi cha mẹ mất rồi thì người bác này chẳng khác là cha. Bà Từ lại rất thương Phong nữa.

Không đầy nửa giờ sau thì vợ chồng Từ viên ngoại đã chờ sẵn ngoài sân. Khi Phong bước ra thì ông Từ đã lên tiếng ngay:

- Ngày xưa bác đi coi mặt vợ mà được mời đón như vậy thì sướng biết mấy! Nghĩ mà ghen tị với con.

Phong ngơ ngác:

- Bác nói... coi vợ cho ai?

Bà Từ lừ mắt nhìn ông:

- Tật lanh chanh của ông cũng không chừa!

Rồi bà quay sang Phong, giục:

- Lên xe lẹ lên con!

Bước lên chiếc xe ngựa khiến Phong chợt nhớ chuyến xe tới bến đò hôm trước, bất giác anh nói:

- Có lẽ ngày mai hai bác cho con về. Con có nhiều việc...

Bà Từ nghiêm giọng:

- Làm sao về được! Con nên nhớ...

Bà kịp dừng lại trước khi nói ra điều bà chưa muốn nói. Và bà chuyển sang chuyện khác:

- Con năm nay bao nhiêu tuổi rồi, Phong?

- Dạ tuổi thìn, hai mươi.

Ông Từ chen vào nói:

- Con rồng thì bay bổng, bay cao dữ lắm. Thường đàn ông tuổi rồng hay đào hoa...

Bỗng bà trừng mắt:

- Vậy ông cũng đâu có ngoại lệ!

Biết mình lỡ lời, nhưng không còn kịp nữa, ông Từ lắp bắp:

- Tôi... tôi thì khác...

Cái máu sư tử Hà Đông của bà thì ông Từ còn lạ gì, nên sau câu nói hớ ấy, ông ta im như thóc. Phong phải phá tan không khí căng thẳng:

- Bữa nay sao bên bác Cả Sanh lại mời mình qua sớm vậy bác? Mà sao họ biết cháu về?

- Ờ... người ta đợi con về ngày đêm. Họ...

Nhà Cả Sanh cách đây không xa lắm, nhưng xe ngựa chạy chậm, nên phải mất một giờ sau họ mới tới nơi. Vợ chồng Cả Sanh đã ra tận cổng đón khách, và chừng như họ chỉ chú ý một mình Phong. Cho nên khi vừa thấy mặt, đích thân Cả Sanh đã ôm chầm lấy anh và nói một câu mà Phong ngỡ ngàng:

- Có được chàng rể như vậy mới xứng đáng!

Có lẽ sợ Phong thắc mắc, nên bà Từ vội nói:

- Xin lỗi để anh chị Cả đợi lâu. Bởi ông nhà tôi mới hết bệnh, xe không dám chạy nhanh.

Ông Cả Sanh nắm tay Phong đưa vào nhà và quay vào trong gọi lớn:

- Nói cô Hai bay chuẩn bị ra chào khách đi!

Một tiếng dạ như trong tuồng hát, giọng một nữ nhân vừa nhão vừa kéo dài. Bà Cả có vẻ hãnh diện khoe:

- Con Hai nhà tôi tính tình vui vẻ, cả làng này ai cũng thương mến. Để cháu nó ra chào anh chị và... cậu Phong đây.

Rồi bà nói riêng với Phong:

- Trong lúc người lớn nói chuyện với nhau, bác cho phép con dẫn Mỹ Dung ra vườn ngấm cảnh, chuyện trò.

Nội nghe giọng dạ nhão nhẹt vừa rồi Phong đã nản, giờ lại sắp phải diện kiến con người này nữa, Phong bắt đầu chán, anh ước sao giờ này mình được nằm ngủ trong phòng, để tiếp tục được hưởng cái dư vị lạ thường kia...

- Dạ, con xin chào hai bác. Em xin chào... chào...

Bà Cả phải đỡ lời con gái:

- Đây là Phong, cháu hai bác Từ viên ngoại. Con cứ gọi bằng anh cho quen.

Phong không buồn nhìn lên, tuy nhiên khi nghe bà Từ nhắc khẽ, anh mới ngẩng lên. Và...

- Ủa, Hạnh... Hạnh Hoa!

Bà Từ ngạc nhiên:

- Con gọi ai là Hạnh Hoa?

Bà Cả phải nhắc:

- Con gái bác tên là Mỹ Dung.

Nhưng Phong đã quả quyết:

- Đúng là Hạnh Hoa rồi! Hạnh Hoa, cô không nhớ tôi sao? Tôi là người cho cô quá giang xe ngựa tới bến đò chiều mưa hôm đó. Tôi là...

Cả phải lên tiếng:

- Vậy ra hai đứa đã từng quen nhau! Thảo nào...

Bà Từ hỏi:

- Có phải cô gái mà mấy bữa nay con nhắc tới hoài đây không?

- Dạ đúng rồi. Vậy mà con cứ tưởng...

Tuy nhiên, lúc ấy Phong nhớ lại giọng nói nhão nhẹt của cô gái này vừa rồi thì khựng lại. Thấy Phong nhìn con gái mình, bà Cả lại tưởng anh chàng bị sắc đẹp của Mỹ Dung hớp hồn, nên hài lòng lắm:

- Hai con có thể ra ngoài chơi, chờ chút xíu vào ăn điểm tâm.

Phong hầu như không còn e dè nữa, anh nhìn cô gái, hỏi dồn:

- Cô Hạnh Hoa thật sự không nhớ tôi sao?

Cô gái tên Mỹ Dung ngơ ngác:

- Anh hỏi ai? Hạnh Hoa nào?

Phong lặp lại:

- Hạnh Hoa, nhà cô ở Gò Trúc, thôn Cây Trâm. Đêm hôm đó...

Phong định nhắc lại chuyện cũ, nhưng nhìn thấy có nhiều người nên thôi. Trong lúc anh còn đang lúng túng thì cô gái đã chủ động rủ:

- Ta đi ra ngoài chơi đi!

Nghĩ đó là dịp may, nên Phong đi theo. Ra tới chỗ vắng, anh vừa định lên tiếng thì cô nàng đã nói trước:

- Đã thành thân với người ta rồi, bây giờ còn nhắc tới ai nữa? Còn nhớ anh đã được dặn những gì không?

Phong giật mình, tròn mắt nhìn cô nàng. Thì ra "tai nạn xảy đến là với cô nàng này?" Anh bước lùi một bước, vừa lúc cô nàng phá lên cười:

- Coi anh chàng tính tháo chạy kìa!

Bị chạm tự ái, Phong nghiêm giọng:

- Trượng phu đứng giữa trời đất, có làm có chịu, xin cô nương đừng...

- Vậy ta hỏi ngươi, vừa rồi ngươi nhắc tới cô Hạnh Hoa nào, và phải chăng muốn chạy đi tìm cô ta?

Bấy giờ Phong mới giải thích đầu đuôi:

- Tôi quả có người bạn gái tên Hạnh Hoa, tuy chưa mặn nồng, nhưng chỉ một lần gặp gỡ cũng đủ để tôi lưu luyến. Tôi có ý định đi tìm nàng ấy, nhưng không phải lúc này.

Cách trả lời khăng khái của Phong khiến cô nàng dịu giọng lại:

- Khẩu khí nghe cũng khá. Nhưng dẫu sao ngươi cũng đã phạm vào điều ta cấm. Ngươi tính sao đây?

- Tôi... tôi...

Nàng bất ngờ nói:

- Cử hành hôn lễ ngay với tôi!

Phong thất thần:

- Sao được? Cô nương nên nhớ là...

Nàng ta đanh giọng lại:

- Nếu làm trái lại thì khăn gói mà đi chầu Diêm Vương!

Nàng ta nói xong quày quả bỏ đi, Phong lặng người khá lâu... trước khi có tiếng gọi từ trong nhà:

- Hai đứa vào ăn sáng!

Bà Cả vừa bước ra. Không thấy con gái, bà ngạc nhiên:

- Con Mỹ Dung đâu?

Bà phải hỏi lại lần thứ hai thì Phong mới nghe, anh lắp bắp:

- Dạ... cô ấy mới ở đây, rồi...

Đã biết tính con, bà Cả cười nói:

- Chắc là nó chạy đâu đó rồi. Con nhỏ lớn xác mà còn con nít lắm, mai này về chắc là cháu phải mệt với nó!

Phong kêu lên:

- Kìa bác!

Bà Cả chừng như không để cho Phong nói thêm nên quay bước vào trong. Phong đành phải bước theo vào nhà. Mọi người đã tề tựu đông đủ, cả cô gái vừa rồi! Phong khựng lại, thấy vậy ông Cả Sanh giục:

- Ngồi vào đi cháu. Đến ngồi bên con Mỹ Dung đây, hai bác cho phép!

Bà Từ cũng đưa mắt ngầm bảo Phong làm theo lời. Chẳng biết làm sao hơn, anh chàng đành phải rụt rè bước tới ngồi xuống chỗ trống duy nhất. Mỹ Dung không còn thái độ như lúc nãy, cô ta lịch sự lấy đũa chén cho Phong, và còn bạo dạn gắp thức ăn mời:

- Ăn đi chớ, mọi người chỉ còn đợi anh thôi.

Lạ quá, giọng cô nàng lúc này khác hẳn lúc nãy, cả âm thanh lẫn cung cách. Phong thu hết can đảm đưa mắt nhìn sang, và... anh há hốc mồm, không tin vào mắt mình nữa. Cô nàng ngồi đây tuy có giống với Hạnh Hoa, nhưng như có cái gì đó xa lạ, không hề có cái nét quen thuộc của một Hạnh Hoa mà Phong đã quen!

- Cô...

Cô nàng quay sang phân bua với mẹ:

- Má coi, ảnh cứ nhìn con hoài, ai mà ăn được!

Phong ngượng quá, anh phải nói lảng:

- Tôi... tôi nhìn con chim lạ ngoài cửa sổ...

Suốt bữa ăn, Phong cứ thấp thỏm không yên, anh muốn hỏi chuyện nhưng lại không dám nhìn sang cô nàng. Ông bà Cả thì nghĩ là cứ để cho đôi trẻ tự tìm hiểu nhau. Đến gần xong bữa ăn, bà Cả mới nhắc lại chuyện chính yếu của ngày gặp mặt hôm nay:

- Giữa hai nhà chúng ta thì không cần phải rào đón gì nữa. Sẵn hôm nay có mặt đông đủ, hai bác công bố chuyện trọng đại này: Hai nhà đã đồng ý kết thông gia, rằm tháng này sẽ tiến hành lễ hỏi, rồi ba tháng sau thì hôn lễ sẽ được tổ chức ở hai nhà. Kể từ hôm nay, hai bên cha mẹ cho phép hai đứa được qua lại, chuyện trò thân mật với nhau. Cháu Phong có thể gọi là cha mẹ cho quen.

Biết Phong sẽ có phản ứng, nên bà Từ nói chặn ngang:

- Mọi chuyện người lớn đã bàn xong hết rồi. Các con không phải lo gì hết. Phong cần bàn gì thêm thì về nhà mình nói chuyện.

Đột nhiên Mỹ Dung vụt đứng dậy, cô nàng bỏ chạy bay vào nhà trong. Bà Cả nhìn theo lắc đầu:

- Con gái đứa nào cũng giống như nhau. Mắc cỡ vậy chớ còn...

Còn lại một mình, Phong cũng tìm cách đứng lên, anh thoái thác:

- Con no rồi, xin phép...

Bước trở ra sân sau lúc nãy, chợt Phong nhìn thấy một bóng người giống hệt cô gái có khuôn mặt như Hạnh Hoa. Cô ta bước đi thật nhanh như cố tránh mặt Phong.

- Nhà này có tới hai người con gái?

Không kịp suy nghĩ thêm, Phong bước thật nhanh theo cô gái vừa khuất sau lùm cây. Trong lúc bước vội, Phong giẫm phải một vật, đến khi cúi xuống nhìn anh mới giật mình, bởi vật mà anh vừa giẫm lên chính là chiếc áo màu thiên thanh mà cô gái mới mặc!

Còn đang ngơ ngác thì Phong nghe một giọng nói từ phía sau:

- Anh lại vi phạm lời hứa rồi! Bây giờ cũng giống như chiếc áo đó, anh phải cởi hết quần áo ra, coi như hình phạt đầu tiên. Hãy làm đi!

Phong chưa kịp có phản ứng gì thì như bị ai đó giật phăng chiếc áo ra khỏi người! Cú giật thật gọn và nhanh, khiến Phong chỉ kêu lên một tiếng khẽ thì thân đã trần trụi!

- Kìa, tôi... tôi...

Anh đoán thế nào cũng tới phần dưới thân thể, nên dùng cả hai tay ôm lấy lưng quần, vừa cố lý giải:

- Tôi có làm gì sai đâu. Tôi chỉ vô tình bị người ta gán ghép cho điều mà tôi hoàn toàn không muốn...

Mặc cho anh nói, lại một cú giật phăng nữa và lần này thì Phong chỉ còn biết xấu hổ ôm lấy mặt. Anh nghe gió thổi mát cả thân thể, điều đó có nghĩa là anh đang...

Phong hiểu là mình phải làm gì, anh vội lăn thật nhanh vào bụi rậm gần đó, trong lúc tay vẫn ôm lấy mặt!

Một lúc khá lâu, không nghe động tĩnh gì, Phong từ từ mở tay ra khỏi mắt và... phát hiện chung quanh mình chẳng có ai. Thân thể không còn mảnh vải che thân, nên dù vắng người, nhưng Phong vẫn phải nằm yên đó...

Một lúc sau, Phong nghe có tiếng của bà Từ và bà Cả, họ đang nói về anh:

- Thằng coi vậy mà cũng không vừa. Mới đó mà đã lẻn vô phòng con nhỏ. Chuyện này nếu lúc bình thường thì không dễ chịu với ông Cả nhà tôi đâu! Nhưng nay thì có thể...

Giọng bà Từ:

- Chị Cả thứ lỗi cho sự trẻ lòng non dạ của lũ trẻ. Dẫu sao thì chuyện cũng lỡ rồi. Nhưng tôi cũng chẳng hiểu sao, chỉ trong thời gian ngắn vậy mà thằng Phong nhà tôi lại đủ sức để làm được chuyện ấy...

Bà Cả hơi lớn tiếng:

- Bộ quần áo nó bỏ lại trong phòng con Mỹ Dung đã nói lên hết mọi chuyện rồi, chối cãi gì nữa! Nhưng mà thôi, tôi vừa nói lúc nãy, nhà tôi sẽ chẳng bắt lỗi nó, miễn là chúng ta tính cho gọn chuyện này!

Nằm trong bụi, khi nghe nói đến đó Phong đã hiểu! Thì ra bộ quần áo của anh vừa bị lột đi, đã... nằm gọn trong phòng cô con gái ông bà Cả. Có nghĩa là Phong đã vừa làm chuyện đồi bại với con gái cưng của người ta. Bị oan, nhưng lúc ấy Phong chẳng có cách nào lên tiếng để thanh minh.

Lúc ấy, hai người đàn bà lại dừng rất gần chỗ Phong nằm trốn và tiếp tục câu chuyện. Giọng bà Cả:

- Tôi tính như thế này, ta nên cử hành hôn lễ cho tụi nó sớm hơn dự kiến.

Bà Từ giọng yếu xìu:

- Tuỳ chị thôi...

- Tôi tính bỏ luôn lễ hỏi, làm lễ cưới ngay tuần sau!

Bà Từ vẫn không phản ứng gì:

- Tuỳ chị...

Bà Cả có vẻ phấn khởi lắm:

- Tôi vui là chị cũng hiểu chuyện và muốn cho nó tốt lành. Thôi được rồi, mình không cần phải đi tìm thằng Phong nữa, rồi tự khắc nó sẽ biết mà về. Vợ chồng tôi cũng không nhắc tới nữa.

Họ quay trở vào nhà. Phong quá bức xúc, anh không dằn được, đã kêu lên:

- Không được!

Nhưng vừa khi ấy, cổ họng của anh như bị ai đó bóp chặt, không để tiếng nói phát ra...

° ° °

>Việc mình đột ngột bỏ nhà đi chắc chắn là sẽ gây nhiều lo lắng và phiền toái cho gia đình bác lắm, nhưng Phong vẫn nhất quyết đi. Bởi anh hiểu, nếu để tới ngày mai thì mọi việc đã quá trễ. Khi ấy hôn lễ sẽ cử hành!

Điểm tìm đến của Phong không ngoài xóm Cây Trâm. Anh không tin những gì mình chứng kiến lần trước...

Và quả đúng như vậy. Khi Phong bước tới đầu xóm anh đã vô cùng vui sướng khi nhìn thấy một xóm nhà nằm yên bình dưới rặng cây xanh tươi. Gặp ngay một người phụ nữ lớn tuổi, Phong dè dặt hỏi:

- Thưa cô, đây là xóm Cây Trâm?

Người đàn bà vui vẻ đáp:

- Chính là đây rồi. Cậu hỏi nhà ai?

- Dạ... nhà cô Hạnh Hoa?

Cứ sợ như lần trước, nên sau câu hỏi Phong giương mắt nhìn và cầu mong cho câu trả lời thuận lợi. Và quả như vậy:

- Hạnh Hoa hả? Phải con nhỏ xinh đẹp, có cái nốt ruồi duyên ở môi trên không?

Phong mừng rỡ:

- Dạ đúng rồi! Đúng là có cô ấy hả cô?

Người phụ nữ đưa tay chỉ về căn nhà ở cuối xóm:

- Nhà nó đó. Xóm này chỉ có mình nó tên là Hạnh Hoa, nên cậu khỏi phải tìm thêm. Tôi thấy nó có nhà đó.

Bà ta đáp xong thì đi ngay, không đợi cho Phong cám ơn. Phong thì mừng đến nỗi bước đi gần vấp phải đá. Tuy ngôi nhà còn cách khoảng vài trăm thước nhưng do quá mừng nên Phong đi rất nhanh, phút chốc đã đứng ngay trước cổng nhà. Anh cất tiếng gọi mà không cần giữ ý:

- Hạnh Hoa ơi!

- Tới nhà rồi mà còn la lớn quá, không sợ thiên hạ hay biết sao?

Phong giật mình quay lại thì trố mắt kinh ngạc, bởi đang đứng trước anh chính là một Hạnh Hoa bằng xương bằng thịt hẳn hoi!

- Tôi... tôi không lầm chớ?

- Anh lầm cái gì?

Phong hơi ngập ngừng:

- Cô là... Hạnh Hoa thật chớ? Có phải...

Nàng cười thật tươi:

- Người đã được quá giang xe trong buổi chiều mưa đó. Mấy ngày nay người ta đợi dài cổ ra mà vẫn biền biệt. Cứ tưởng cái xóm nghèo này không hân hạnh được đón chàng công tử hào hoa kia...

Phong mau mắn:

- Đâu có, tôi đã trở lại đây rồi...

Nàng chặn lời:

- Thôi, đã tới là được rồi. Anh vào nhà đi, em đã làm cơm sẵn đợi cả buổi rồi.

Phong ngạc nhiên:

- Cô biết tôi sẽ tới sao? Tôi không báo...

Cô nàng nhí nhảnh, đáng yêu hơn là Phong tưởng. Anh không tiện hỏi thêm, theo nàng ta vào nhà. Ngôi nhà tuy nhỏ và đơn sơ, nhưng mọi thứ đều ngăn nắp sạch sẽ và thoang thoảng hương thơm... Chính mùi hương này đã khiến Phong phải kêu lên:

- Đúng mùi hương này rồi!

Hạnh Hoa như không hiểu, hỏi lại:

- Anh nói đúng cái gì?

- Hương thơm này!

Nàng lại cười:

- Em có dùng nước hoa bao giờ đâu. Mọi thứ đều tự nhiên mà.

Phong nhớ rõ mùi hương mà anh đã ngửi được suốt mấy đêm liền, nhất là mùi hương phả ra từ thân thể cô nàng đêm ân ái... Anh quả quyết:

- Chính là em rồi, Hạnh Hoa!

Bất chợt Phong chụp lấy tay nàng, và... kinh hãi bỏ ra ngay, bởi cảm giác lạnh đến tê buốt cả người khiến cho Phong tròn mắt nhìn.

- Em... em...

Hạnh Hoa chợt run lên như người phát bệnh. Phong hốt hoảng:

- Hạnh Hoa, em sao vậy?

Nàng vụt quay người chạy vụt đi. Phong nghe rõ một tiếng khóc từ nàng. Chẳng hiểu mình phạm lỗi lầm gì, Phong nói với theo:

- Cho anh xin lỗi!

Nàng đã khuất ở nhà trong. Phong không tiện tiến sâu vào nhà, nên chỉ cất tiếng:

- Nếu anh có làm điều gì thất thố thì xin tha cho anh, anh không cố ý.

Không có ai đáp lời, Phong đành phải ngồi ở phòng ngoài chờ. Lúc này anh mới để ý giữa phòng khách có đặt một tủ thờ, bên trên không có ảnh hay bài vị, mà chỉ có một tấm lụa màu trắng, cùng một bát nhang.

Ngồi đợi khá lâu, sức chịu đựng sắp hết giới hạn thì cô nàng từ trong đi ra, trên tay bưng mâm có để một phong nhang, một dải lụa màu đỏ, một con dao và một cái chén. Lạ hơn nữa là lần này nàng đã thay bằng một đồ tang, trên đầu vấn khăn tang đã cũ! Không nói lời nào, nàng quỳ xuống trước bàn thờ, hai tay dâng mâm lên và im lặng...

Chẳng ai bảo, Phong cũng tự động quỳ xuống ngay phía sau lưng nàng. Lúc này chợt nàng cất tiếng:

- Đời con gái đã bị xúc phạm thì đâu còn gì để dám nhìn mặt tổ tiên! Nay xin cho con được chọn một trong ba hình thức...

Nàng bất ngờ đặt chiếc mâm xuống, lúc này Phong mới nhìn rõ trong cái chén có chứa một chất nước màu đen, và... anh chợt hiểu!

Nhưng Phong chưa kịp kêu lên thì nàng đã tiếp lời:

- Cái nhục của người con gái chỉ có thể rửa bằng một nhát dao, một dải lụa treo cổ hoặc một chén thuốc độc, con sẽ chọn một trong ba...

Nàng thật nhanh tay, chụp lấy chén thuốc! Lúc này, Phong hiểu anh chỉ chậm một giây là mọi chuyện hỏng bét hết, nên bằng hết sức mình, anh lao nhanh tới và đưa tay đổ ngay chén thuốc. Một tiếng rơi vỡ, cùng lúc với tiếng thét của nàng:

- Để tôi chết!

Phong tiện tay hất tung cả chiếc mâm. Trong lúc rối loạn ấy, may mắn sao Phong lại chụp được phong nhang. Và cũng thật nhanh, anh chàng lao tới bàn thờ, sẵn cây đèn dầu đang cháy, Phong đưa cả bó nhang vào, đốt một lúc!

Mùi thơm của nhang toả ra, vừa lúc Hạnh Hoa bật khóc thành tiếng! Chẳng biết làm gì với nguyên bó nhang đang cháy trên tay, Phong quỳ đại xuống ngay bên cạnh nàng, cất tiếng mà cảm giác như không phải do mình nói:

- Con xin chuộc lỗi bằng cách... được cưới nàng làm vợ!

Câu nói của Phong thật bất ngờ, nhưng xem ra cô nàng vẫn không ngạc nhiên, vẫn tiếp tục khóc và gục đầu xuống... Phong tưởng mình nói chưa đủ thuyết phục, nên lại tiếp lời:

- Con, Từ Thanh Phong, năm nay hai mươi tuổi, đã gặp và đem lòng yêu người con gái tên Hạnh Hoa này. Trong thời gian qua, nếu con có làm điều chi không phải thì nay con xin chuộc lỗi bằng cách nhận nàng làm vợ. Con xin hứa...

Bỗng dưng nàng quay sang giật phăng bó nhang trên tay Phong và ném nó tung bay lên không trung! Hành động quá bất ngờ đó khiến Phong chỉ biết ngơ ngác nhìn... Tuy nhiên, khi những cây nhang rơi xuống thì thật lạ lùng, nó biến thành những mảnh giấy nhỏ, chẳng khác hoa trong ngày cưới!

Phong đang lo lắng, bỗng hoá ra tươi tỉnh, anh nói to:

- Được chứng cho rồi!

Anh mừng quá nhảy cẫng lên, đến khi nhìn xuống thì chẳng thấy Hạnh Hoa đâu!

- Hạnh Hoa!

Nơi nàng vừa quỳ chỉ còn lại bộ đồ tang.

- Hãy trở lại đi, Hạnh Hoa! Anh nói thật lòng mà. Anh đã thề trước tổ tiên thì quyết không thay lòng đổi dạ!

Mặc cho Phong nói rát cả họng, cô nàng vẫn biệt tăm. Lát sau, không dằn lòng được, Phong xông đại vào nhà trong. Nhưng anh càng thất vọng hơn, khi phòng duy nhất của ngôi nhà trống không. Ngoài ra, ngôi nhà này không có chỗ nào để trốn lánh được.

Đến khi ra tới cửa sau thì bất chợt Phong nhìn thấy một mảnh giấy của ai treo ngay cửa ra vào.

"Hãy về ngay nhà bác, nếu chậm thì không bao giờ gặp được em!"- Hạnh Hoa.

° ° °

Bà Cả Sanh đứng ngồi không yên từ mấy bữa nay, và lại càng như đứng trên lửa từ sáng đến giờ. Bởi giờ ngọ hôm nay là giờ bên đằng trai sang rước dâu, mà cô dâu thì... ngủ mê man từ hai hôm rồi, vẫn chưa tỉnh!

Đã cho người đi rước lương y mà cũng chưa thấy tăm hơi. Lại bị ông chồng khó tính trách móc:

- Cũng tại bà, ai bảo định ngày cưới chi cho gấp gáp quá, để rồi giờ đây quýnh lên.

Bà Cả nổi nóng, giờ có chỗ để xì ra:

- Nếu nghe theo lời ông thì con gái nhà mình chỉ có nước theo đầu bếp mà phơi khô, chớ ai mà dám tới cưới! Cũng tại con gái tuổi dần cao số, đã hơn cả chục nơi dạm hỏi rồi, mà cuối cùng bỏ chạy hết, vì ai cũng ngán con cọp cái!

Ông Cả bỗng cười vang:

- Vậy ra chỉ có tôi là đui mù, điếc không sợ súng, nên mới đi rước con cọp cái về nhà!

Chợt nhớ mình cũng tuổi dần, nên bà Cả dịu giọng:

- Nhưng... đâu phải cọp cái nào cũng... ăn thịt cọp đực đâu! Bằng chứng là hơn ba chục năm sống với ông tôi nào phải là cọp hay chằn gì đâu!

Ông chắp tay xá vào không khí mấy cái liền:

- Lạy trời, nếu như vậy mà không phải cọp hay chằn, thì chẳng hiểu hai thứ đó còn dữ đến mức nào nữa!

Bà bí thế, xoay qua dùng ngón đòn cũ rích, nhưng luôn luôn hiệu quả, đó là lồng lên:

- Bây giờ ông ngồi đây đôi co, ăn thua đủ với tôi phải không? Ông nói đi, để rồi tôi còn tính...

Luôn luôn ở thế đang mạnh thành yếu, nên đến lúc đó ông Cả tiu nghỉu đáp:

- Ờ nói vậy chớ... bà vẫn là vợ yêu quý mà! Có gì đâu...

Bà hất hàm:

- Bây giờ ông tính sao? Lỡ lát nữa người ta tới đón dâu thì lấy con gái đâu giao cho họ? Không lẽ khiêng cô dâu ra xe về nhà chồng như khiêng heo!

Ông Cả chợt nảy ra một ý:

- Hay là ta cứ cho kiệu hoa vào tận phòng con gái mình, khiêng nó lên rồi đưa trở ra, có ai mà biết được!

Bà nguýt ngang:

- Nói vậy mà cũng nói được! Rồi lấy ai lạy gia tiên, lấy ai làm lễ tơ hồng?

Họ còn đang bối rối, thì bỗng có người nhà về báo:

- Không xong rồi ông bà ơi!

- Chuyện gì vậy, con Chín Hoa này?

Chín Hoa bô bô cái miệng:

- Con vừa ở bên nhà ông bà Từ viên ngoại về đây. Cậu Phong đi đâu mất từ mấy hôm nay đâu đã về!

Vợ chồng Cả Sanh hốt hoảng:

- Nó đi đâu?

- Thì từ hôm ở đây, cậu ấy đi luôn. Nhưng bên đó nói dối là cậu ta trở về rồi. Thật ra cho đến lúc con trở về đây thì cậu ấy vẫn bặt vô âm tín!

Bà Cả buông thõng người xuống ghế, ôm đầu lên rỉ:

- Làm sao đây hở trời! Lát nữa bà con họ hàng kéo tới để đón nhà trai và đưa dâu, mình phải ăn nói sao đây?

Ông thì tỉnh táo hơn:

- Họ cũng đang rối còn hơn mình nữa. Sao không nhân chuyện này mà tuyên bố hoãn đám cưới lại, đổ thừa tại bên đằng trai có ông già hay bà già gì đó bệnh ngặt sắp qua đời!

Tuy ít khi nghe theo ý của ông chồng, nhưng giờ này đang thế bí, nên bà Cả đành phải nói theo:

- Đành phải vậy thôi...

Bỗng lúc đó có một giọng nói vọng ra từ bên trong:

- Ai cho hoãn đám cưới?

Bà Cả ngạc nhiên:

- Con... Mỹ Dung ông ơi!

Mỹ Dung từ trong buồng bước ra, vẻ mặt tươi tỉnh. Cô ta nhìn một lượt khắp nhà rồi gắt toáng lên:

- Sao đèn đóm phía bên này chưa thắp sáng lên?

Bà Cả vẫn chưa tin:

- Kìa con... sức khoẻ con sao rồi?

Cô nàng dửng dưng như không:

- Thêm hoa ở chỗ kia nữa. Bỏ mấy thứ hoa dùng để cúng kia đi, đám cưới mà chưng hoa như đám tang vậy!

Nói xong, đích thân cô nàng đi nhổ từng cành hoa không vừa ý trong các bình hoa đã được bà Cả cho cắm, vứt tung toé khắp nơi, vừa hét đám gia nhân:

- Sao không quét dọn cho sạch đi!

Xưa nay, đám gia nhân ít bị cô tiểu thư nhà này chửi bới, nay nghe hơi lạ, lúc đầu họ còn ngớ người lạ, sau thấy ánh mắt lộ hung quang của cô ta, đám kia răm rắp làm theo.

Vợ chồng Cả Sanh cũng nhận thấy điều bất thường này, nhưng quá đột ngột nên họ còn ngây người ra đó, chưa nói được tiếng nào... Tác Giả:

- Đem hết những đồ đạc này ném xuống sông cho tôi!

Mấy thứ mà cô nàng vừa bảo ném đó chính là những món mà thường ngày Mỹ Dung chưng bày ở phòng khách, có thứ là vật ưa thích nhất của cô nữa... Lúc này bà Cả không dừng được, phải lên tiếng:

- Những thứ ấy là của con mà Dung. Chính con mua về, có cái do chính ba má tặng cho, còn mới nguyên sao lại đem bỏ?

Bỗng cô nàng trừng mắt:

- Bây giờ vứt bỏ hay để tự tay tôi làm?

Ông Cả hạ thấp giọng:

- Tụi bay đem bỏ theo lệnh cô bay đi...

Chưa thôi, cô nàng còn chỉ tay vào phòng riêng:

- Đem hết mùng màn chiếu gối trong đó bỏ đi hết. Lấy đồ mới ngoài kia đem vào thay!

Lúc ấy, mọi người mới để ý thấy cả một đống mùng màn để sẵn ngoài hiên nhà.

Bà Cả định cản lại, bởi tất cả mùng màn chiếu gối trong phòng là đích thân bà đi mua sắm, chuẩn bị cho đám cưới. Bà chỉ còn biết quay sang nói khẽ với chồng:

- Sao nó kỳ quá, giống như... chằn lửa vậy?

Ông định nói "nó giống bà" chớ ai, nhưng kịp dừng lại. Lúc đó, đám gia nhân rối rít làm theo. Một lát sau thì mọi việc đâu vào đó. Với vẻ hài lòng, lúc này cô nàng mới quay sang cha mẹ:

- Con gái đã sẵn sàng về nhà chồng rồi!

Bà Cả run giọng hỏi lại:

- Con... có phải con là Mỹ Dung không?

Giọng cô nàng trở nên khác hơn vừa rồi:

- Chớ má muốn con là ai? Vậy con đi nhé!

Bà Cả hốt hoảng:

- Khoan đã con! Bởi... vừa rồi con làm má lo quá.

Bấy giờ cô nàng mới phá lên cười:

- Con tập làm bà chủ, để chuẩn bị cho vai trò này sau khi lấy chồng. Con cũng muốn là má bây giờ chớ!

Bà thích thú quá, lay mạnh vai ông:

- Ông nghe thấy chưa, đâu phải mình tôi bị ông gọi là cọp cái hay chằn lửa đâu!

Ông Cả rùng mình, định đứng dậy bỏ đi thì Mỹ Dung đã nhắc:

- Bên đằng trai sắp tới rồi đó!

Bà Cả nói khẽ:

- Nghe nói thằng Phong bỏ đi chưa về?

Cô ta chỉ tay về phía con đường trước nhà:

- Ra mà đón họ đi!

Vừa khi ấy, họ nghe có tiếng xe ngựa dừng lại ở cửa, có đến trên mười chiếc. Chiếc xe rước dâu đi đầu, với hai ngựa kéo, phủ rèm đỏ kín mít, giống như bất cứ lễ rước dâu nào.

Ông bà viên ngoại trịnh trọng bước xuống trước, nhưng theo sau họ không phải là Phong, mà là một người phù rể. Ông bà Cả vừa định lên tiếng hỏi, thì bà Từ đã bước tới, giọng buồn bã:

- Thằng Phong... nó... nó...

Thay vì đúng vai trò của cô dâu là phải che mặt, ở trong phòng kín, đến giờ mới bước ra; đằng này vừa khi ấy Mỹ Dung đã bước ra lên tiếng làm mọi người ngạc nhiên:

- Đâu có gì phải lo lắng. Anh Phong vốn ngủ ở nhà con từ hôm ấy. Chúng con cùng ngủ với nhau, chuẩn bị sức khoẻ cho ngày trọng đại hôm nay!

Lời cô ta vừa dứt, thì bỗng cả hai họ đều trố mắt ngạc nhiên khi thấy Phong trong lễ phục chú rể, từ từ bước ra, đứng sóng đôi với Mỹ Dung!

Bà Từ như vừa tỉnh cơn mơ, bà kêu rú lên:

- Phong! Vậy mà con làm cho hai bác mất ăn mất ngủ. Trời ơi, thằng khỉ gió!

Phong chừng như không để ý đến thái độ của mọi người, anh rất tự nhiên đưa tay choàng qua hông của Mỹ Dung, rồi cũng rất thản nhiên dìu nhau tới trước mặt hai bên cha mẹ, khẽ cúi đầu chào. Sau đó cả hai không ai bảo ai, cùng bước tới bàn thờ làm lễ một cách rành rẽ, không đợi ai nhắc. Khiến cho vai trò chủ hôn hai bên trai gái đều trở nên thừa.

Có lẽ quá mừng nên cả hai ông bà sui gia đều muốn cho buổi lễ diễn ra chóng vánh, tránh những bàn tán của bà con hai họ. Buổi tiệc mặn do đó diễn ra rất nhanh. Đến cuối giờ ngọ thì đằng trai đã xin phép ra về.

Nếu có ai nhìn được sắc diện vui mừng khó tả của cô dâu sau tấm mạng che, khác hẳn khuôn mặt u sầu, lưu luyến của hầu hết các cô dâu khác thì chắc là sẽ ngạc nhiên lắm. Ngược lại, gương mặt của Phong sau khi ra vẻ tươi vui chào mọi ngươi, thì giờ đây lại ưu tư khác thường. Anh bước ra kiệu hoa mà như lê chân về nơi đầy ải nào đó...

Khi ngồi lên kiệu rồi, cô nàng mới ghé sát tai chàng nói rất khẽ:

- Mọi việc sẽ đâu vào đó thôi. Không sợ phạm phải lời đe của cô ta đâu!

Phong cũng đáp khẽ hơn:

- Tôi chỉ còn biết liều thôi, nhưng lòng dạ tôi thì trước sau gì cũng chỉ có Hạnh Hoa mà thôi!

Một cú nhéo đau thấu xương, nhưng Phong ráng chịu. Anh nghe nàng nói rất khó hiểu:

- Rồi biết cái tội chung tình sẽ ra sao!

Xe chạy được một lúc, chẳng hiểu khi ấy nàng ghé sát chàng nói thêm câu gì đó, mà nghe Phong kêu lên:

- Em là Hạnh Hoa!

Người đánh xe giật mình định gò cương lại, nhưng một cánh tay của cô gái đã thò ra và thúc mạnh vào mông ngựa, chúng phóng như bay hay đúng hơn là... như ma đuổi!

° ° °

Gả được con gái là điều mà vợ chồng Cả Sanh mừng khôn xiết. Tuy nhiên, sau đám cưới một ngày thì nỗi buồn xa cách đang làm cho người đàn bà đanh đá trở nên vào ngẩn ra ngơ. Dẫu sao thì lâu nay mẹ con có nhau sớm tối, nay rứt ruột giao về nhà người ta thì làm sao không buồn.

Đợi cho ông Cả đi đánh cờ ở nhà người bạn, bà Cả mở cửa vào phòng Mỹ Dung. Bà muốn sắp xếp những gì còn lại của con, nhất là giữ một vài thứ, phòng khi có nhớ thì lấy ra mà nhìn ngắm... Nhưng vừa mở cửa ra, bà Cả đã phải khựng lại, giương tròn mắt nhìn lên giường. Trên đó có một người đang nằm!

- Ai... ai?

Bà vừa mở miệng hỏi thì đôi chân như có ai đẩy tới, nên bà tiến sát lại bên giường. Người nằm đó chính là Mỹ Dung!

- Trời ơi, bớ!

Bà Cả gào lên, nhưng tiếng của bà hình như bị nghẹn lại ở cổ, bỗng bà nghe có tiếng nói khẽ:

- Má nằm xuống đây!

Rõ ràng là con gái đang nói với bà. Nó còn đưa tay kéo bà xuống nữa. Thân thể bà Cả không gượng được, đã ngã dài trên giường, nằm sát bên con gái.

- Sao... sao con còn ở đây?

Giọng Mỹ Dung yếu ớt:

- Má nhìn không thấy sao, con đâu... còn sống!

- Hả? Con nói...

Bà định bật dậy, nhưng Mỹ Dung đã kéo tay bà đặt lên người cô ta. Thịt da lạnh ngắt!

- Trời ơi, con!

Giọng Mỹ Dung yếu dần, rất khó nghe:

- Con phải trả... những gì ba má đã vay... của người ta...

Bà Cả ngơ ngác:

- Vay trả gì của ai?

- Má không nhớ sao? Ngày trước, lúc con chưa ra đời thì ba có một người đàn bà khác. Chính má, vì muốn chiếm hữu riêng cho mình, nên má đã không ngại mướn người thủ tiêu cô gái tên là Hạnh Nương. Cô ấy bị dìm chết ở một cánh đồng, khi trong bụng cô đã có thai gần ngày sinh...

Mỹ Dung vừa kể đến đó thì bỗng bà Cả ôm mặt gào lên:

- Đừng kể nữa!

Nhưng Mỹ Dung phải nói cho hết, bởi cô biết mình sẽ chẳng còn dịp để nói nữa:

- Sau khi giết tình địch rồi, má độc chiếm người đàn ông tên Sanh, để rồi một năm sau thì sinh ra con. Má giấu được nhiều người về chuyện đó, nhưng với một người thì má không thể giấu được, chắc má biết là ai rồi...

- Con, má van con. Con đừng...

- Không được rồi má ơi! Người đó đã trở về và... đòi mạng! Mà con là người phải trả mạng cho người ta... Người ấy là chị Hạnh Hoa. Chị ấy là đứa con bảy tháng tuổi trong bụng cô Hạnh Nương. Khi cô ấy chết thì đứa bé đã được đặt tên sẵn là Hạnh Hoa cũng chết theo, nhưng vì oan uổng, nên hồn phách chị ấy mãi vật vờ rày đây mai đó. Cho đến khi gặp được anh chàng Phong. Theo duyên số thì con và Phong phải là vợ chồng với nhau, bởi trước đó ba má đã hứa với hai bác của Phong. Nhưng cô Hạnh Nương bắt chị Hạnh Hoa phải giành lại cho bằng được anh ấy. Và thế là con phải trả, mà trả cũng có nghĩa là phải trả luôn kiếp người cho họ!

Bà Cả lại gào lên:

- Không được? Thứ hồn ma bóng quế đó đâu đủ tư cách làm người! Con không phải trả cho ai hết, họ có giỏi thì về đòi nợ má đây!

Bà ôm chầm lấy con, nhưng bỗng cả thân xác của Mỹ Dung đã tan biến mất. Chỉ còn nghe giọng như gió thoảng của cô mà thôi:

- Giờ đây cái xác thật sự của con đã giao lại cho Hạnh Hoa rồi, chị ấy trở lại kiếp người và đang sống hạnh phúc bên anh Phong.

Bà Cả oà lên khóc:

- Má sẽ đi đòi lại!

- Đừng làm điều đó, không được gì đâu! Dẫu sao thì từ nay về sau cũng chẳng ai biết được chuyện này ngoài má. Con khuyên má nên giữ kín, bởi nếu nói ra thì ngay cả hồn phách của con cũng không còn được ở bên má nữa. Từ nay, chị Hạnh Hoa sẽ đóng vai con, chị ấy cũng sẽ tốt với ba má, sẽ chăm lo cho ba má còn hơn cả con nữa. Theo con thì kể cả ba, má cũng đừng nói cho ba biết. Má nhớ lời con không?

Bà Cả nghẹn ngào phản đối, nhưng trước những lời của con gái, cuối cùng bà phải hứa:

- Má hứa, má sẽ im lặng.

- Còn một việc nữa, ngày hôm nay má mướn người đi sang thôn Cây Trâm, tìm đúng chỗ Gò Trúc, có một ngôi mộ hoang ở đó, chính là mộ của cô Hạnh Nương. Má cho người bốc mộ, lấy cốt đưa vào ngôi chùa gần đó để cho cô ấy yên nghỉ. Làm được điều đó rồi thì từ nay coi như mọi chuyện thù hằn giữa má và cô Hạnh Nương, chị Hạnh Hoa sẽ đều biến mất. Má làm ngay đi!

Im lặng hoàn toàn...

Bà Cả kêu to lên:

- Mỹ Dung!

Nhưng dường như cô nàng đã tan biến vào không gian rồi...

° ° °

Nửa năm sau, tình cờ hôm đó nhân đi ngang bến đò, Phong tạt qua thôn Cây Trâm. Có lẽ anh muốn nhìn lại một chút kỷ niệm.

Tuy nhiên, anh lại ngơ ngác khi không còn thấy thôn xóm nữa, mà nơi đó đúng là một nghĩa địa hoang vắng.

Phong cố ý tìm lại ngôi mộ ngày trước thì không hề có. Mà khi hỏi về những gì anh đã chứng kiến ngày trước cũng chẳng một ai biết...

Khi trở về thuật chuyện cho Hạnh Hoa nghe, nàng nghiêm giọng bảo:

- Em đã nói rồi, đó là chuyện của quá khứ. Em bây giờ đã là vợ của anh, và anh chỉ nên biết có thế. Nếu anh còn nhớ tới chuyện ngày trước nữa thì Hạnh Hoa bằng xương bằng thịt bây giờ sẽ trở về cát bụi cho coi!

Phong hốt hoảng:

- Không, anh đâu muốn...

Anh ôm chầm lấy cô vợ yêu quý. Lúc ấy nàng mới nói thật khẽ:

- Báo cho anh một tin mừng... em đã có thai hai tháng!

Trong lúc Phong vui mừng khôn xiết thì nàng hạ thấp giọng:

- Cho đến giờ phút này em mới tin chắc là mình... chính thức được trở lại làm người. Em xin cảm ơn cô Mỹ Dung và... bà Cả Sanh nữa.

Những câu nói này Phong không hiểu hết ý, nhưng vốn tin tưởng và yêu quý vợ mình, nên Phong không hỏi thêm lời nào nữa...

(Tác giả Người Khăn Trắng, nguồn vnthuquan.org)