Trần gia dĩ nhan sắc đắc thiên hạ.
Nghĩa là:
Họ Trần nhờ nhan sắc mà được thiên hạ.
Thủ-Độ bơi đến giữa giòng sông, Hầu ngước mắt nhìn lên bờ, bọn võ sĩ Tống đang dàn ra, dường như chuẩn bị tác chiến. Cạnh chúng, một đoàn người lố nhố nam, nữ, già, trẻ lẫn lộn. Dưới ánh sáng ban mai, Hầu nhận ra đó là bọn hậu cung, bọn đại thần theo Đàm Dĩ-Mông. Cách đó không xa, một đội Ngưu-binh ước hơn ba trăm con cũng dàn thành trận thế. Người chỉ huy Ngưu-binh chính là Lê Mịch.
Hầu phóng mắt nhìn sang bờ phía Quốc-oai, một cảnh làm Hầu vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ: Dọc bờ sông, cờ Lĩnh-Nam bay phất phới. Trên con lộ rộng thênh thang, cờ xí rực một góc trời. Bên phải, là một đoàn giáp sĩ hùng tráng. Bên trái là một đội Ngưu-binh. Phía sau một đội âm nhạc đang tấu nhạc chiến thắng.
Tới bờ, Hầu tung mình nhảy lên, một người dáng điệu hùng vĩ uy nghi đứng dưới lá cờ bang Lĩnh-Nam, chính là Nhị-Hào. Nhị Hào cung tay:
- Bọn thuộc hạ cung nghinh Đại-hãn.
Thủ-Độ cảm động:
- Các em không nên đa lễ.
Hầu lên ngựa, cùng Nhị-Hào duyệt qua đoàn quân, rồi vào thành Quốc-oai. Hầu hỏi:
- Kiến-gia hoàng đế đâu rồi?
Nhị-Hào hỏi nhỏ:
- Kiến-gia? Ý anh muốn hỏi tên mặt thịt Long-Sảm ấy à?
- Đúng đấy! Chúng ta chẳng nên dùng lời lẽ khinh bạc với y. Dù sao y cũng là vua.
- Khi thấy mặt y, thuộc hạ định thí một gươm, cho hết kiếp tên khốn nạn. Song sư tỷ Kim-Dung ngăn cản, nên thuộc hạ đã đưa y với sư tỷ vào thành trước rồi.
Thủ-Độ thay y phục, rồi ra sảnh đường để gặp bang chúng bang Lĩnh-Nam. Bang chúng vùng Quốc-oai đã tề tựu đủ mặt: Nhị-Hào, các Khả-hãn, các Hãn cùng các tướng sĩ, văn võ.
Lễ nghi tất.
Thủ-Độ hỏi Nhị-Hào:
- Tình hình ra sao?
- Thưa Đại-hãn, Thái-phó Phạm Kính-Ân, Thái-úy Trần Tự-Khánh đã thiết kế để...để...thuộc hạ đã bắt trọn vẹn bọn Tống. Còn bọn hậu cung, bọn họ Đàm, bọn đại thần ăn hại, thì cho chúng xuống thăm Hà-bá hết.
- Nghĩa là???
- Mọi kế hoạch đều do Thái-úy Tự-Khánh dùng thư, sai chim ưng đem lệnh cho thuộc hạ. Trong lệnh, Thái-úy chỉ thị : Khi được tin gã Long-Sảm cùng sư tỷ Kim-Dung đến Bắc-giang, Thái-úy đoán rằng Long-Sảm bị kiềm chế quá đáng, nên muốn bỏ bọn Đàm Dĩ-Mông, bọn Tống để về với chúng ta. Lập tức người gặp Thái-phó Phạm Kính-Ân, rồi hai vị bàn với nhau: Nếu để cho Đại-hãn với Tam-Hào hành sự, thì e Đại-hãn đem hiệu binh Bắc-giang bao vây diệt bọn họ Đàm, với bọn Tống; trong lúc hai bên giao chiến, e Long-Sảm khó mà tránh khỏi cái chết. Trường hợp này, thiên hạ sẽ đổ vấy rằng Đại-hãn thí chúa, ắt tai vạ không nhỏ.
Thủ-Độ cười:
- Không hẳn vậy đâu. Chắc thầy Kính-Ân với anh Thừa hiểu đến tận tim đen chúng mình nên mới hành động như vậy. Hai người sợ chúng mình lợi dụng dịp này giết tên Long-Sảm, nhưng nói tránh đi mà thôi.
- Theo Thái-phó thiết kế: Đợi sau khi Đại-hãn cùng sư tỷ Kim-Dung dẫn Long-Sảm rời khỏi Bắc-giang, lập tức Tam-Hào phải giả bộ hoảng hốt báo cho bọn Tống biết. Quả nhiên Lâm Hoài-Đức kinh hoảng vội sai Đinh Hồng đem 100 võ sĩ đuổi theo, rồi chính y đem 200 võ sĩ tiếp viện. Khi thấy bọn Tống đi hết, thì Đàm Dĩ-Mông với Đàm thái hậu với đám quan tòng vong hoảng sợ. Tất cả lên đường chạy theo. Họ đuổi kịp bọn Tống ở bến đò Cửu-liên. Thế là chúng ta giải thoát được Long-Sảm, sư tỷ Kim-Dung; lại biến bọn đại thần ăn hại theo phe họ Đàm, bọn Tống thành phản nghịch, không nơi ẩn thân.
Thủ-Độ khen thầm:
- Thầy với anh Khánh quả thực tài trí vô song.
Hầu hỏi:
- Rồi sao?
- Kế hoạch ươc tính: Lúc Đại-hãn, sư tỷ Kim-Dung, Long-Sảm bơi qua sông, thuộc hạ cho hai chiếc chiếc thuyền đinh, giả làm thuyền buôn đi lại qua bến Cửu-liên. Bọn Tống lên tiếng gọi. Anh em giả ghé vào chở chúng qua sông. Với thói quen dụng võ, chúng tràn xuống cướp thuyền, uy hiếp thủy thủ bắt đưa sang sông. Khi thuyền đến giữa giòng thì anh em tháo nước cho thuyền chìm. Thuộc hạ đã ra lệnh, chờ bọn Tống uống nước no, rồi mới vớt lên. Thế là không cần bắn một mũi tên, đánh một chiêu võ, mà bắt trọn bọn chúng.
- Thế bọn hậu cung, bọn họ Đàm, bọn đại thần, em có vớt chúng không?
- Vớt làm gì tụi hại dân đó? Thuộc hạ đã ra lệnh: Để cho chúng xuống thăm Hà-Bá hết, không vớt một đứa nào cả.
Thủ-Độ nghĩ thầm:
- Từ gần trăm năm nay, bọn hậu cung, bọn đại thần ăn hại...nối tiếp nhau làm ung thối triều Lý. Cha ta từng thống hận, người khuyên ta rằng, phải giết tuyệt bọn chúng, rồi tuyển bọn hậu cung, bọn đại thần khác, thì mới mong Xã-tắc yên ổn. Tin này đến tai người, chắc người vui mừng không bút nào tả xiết.
Hầu hỏi:
- Thế bây giờ bọn Tống ra sao?
Nhị-Hào mỉm cười:
- Đại-hãn chờ một lát sẽ biết. Bọn chúng được đưa đến đây bây giờ. Tạm thời ta không cho nhà vua tiếp xúc với bọn chúng. Dù gì Đại-hãn cũng là Tổng-lĩnh thị vệ, tước Hầu. Bọn chúng đã biết mặt Đại-hãn. Đại-hãn không thể thẳng tay với bọn chúng. Vậy Đại-hãn hãy lánh mặt để thuộc hạ ra oai với bọn Tống, bắt chúng khuất phục. Sau đó mới thẩm vấn chúng.
Nhị-Hào sai thuộc hạ bầy nghi trượng, dàn hai đội võ sĩ hai bên, rồi ngồi trên chiếc ghế bọc da hổ. Lát sau, một nữ đội trưởng bang chúng Lĩnh-Nam chỉ huy mấy thủy thủ giải Lâm Hoài-Đức, Trịnh Nam-Phương với ba anh em họ Đinh vào. Tất cả đều bị trói, người ướt như chuột, bụng phình lên, dáng điệu cực kỳ mệt mỏi. Đinh Hồng ngoác mồm ra chửi:
- Các ngươi tự thị là anh hùng, mà dìm chúng ta xuống dưới nước rồi bắt ư? Đồ mặt dầy.
Nữ đội trưởng tên Cam-Thanh, xuất thân là ăn mày. Đấu võ thì có lẽ nàng không chịu nổi Đinh Hồng một chiêu. Nhưng đấu khẩu thì nàng bỏ xa Đinh. Nàng cười ha hả :
- Tiên sư cha mi. Thuyền của mi bị đắm. Bản cô nương mi vớt mi lên, mi không cảm ơn thì chớ, lại còn to tiếng. Nếu mi còn mở miệng ra, thì bản cô nương sẽ lấy cái váy đàn bà chụp vào đầu mi, rồi đem mi ra giữa giòng sông, ném con bà mi xuống nước làm mồi cho cá bây giờ.
Đinh Hồng vẫn cứng đầu:
- Ông nội mi mà có sợ...
Cam-Thanh cầm cái quần đen đàn bà tung lên. Cái quần chụp xuống đầu Đinh Hồng. Võ công Đinh đâu có dở ? Y định né đầu tránh, nhưng y quên mất mịnh bị bị điểm huyệt, đầu y chỉ nghiêng đi một chút. Cái quần chụp xuống đầu y tới vai. Mùi khai, mùi ẩm ướt nồng nặc bốc lên làm y buồn nôn. Nhưng y ngậm miệng không chịu khuất phục.
Nhị-Hào làm bộ không hiểu gì, chàng hỏi:
- Bọn này là ai vậy?
- Thưa Khả-hãn, có hai thương thuyền của dân đi trên sông. Khi qua bến Cửu-liên, thì phát hiện ra một bọn người Tầu đang đứng trên bờ vẫy tay gọi, xin chở qua. Họ ghé thuyền vào định giúp đỡ chúng, thì chúng ào ào nhảy xuống uy hiếp thủy thủ chiếm thuyền, rồi bắt chở sang bên này. Thì ra chúng là bọn cướp. Không đừng được, thủy thủ phải tuân lệnh chúng. Khi chèo thuyền ra giữa sông, vì thuyền nhỏ, mà chở nặng quá, nên bị lật. Giữa lúc đó, thuyền của Thủy-quân ta đi qua, anh em ra công cứu bọn chúng. Tất cả có 635 tên, nhưng chỉ vớt được có 305, còn lại chúng chết chìm hết. Hiện bọn chúng đều bị giam vào lao xá. Riêng bốn tên này, dường như chúng điên thì phải. Chúng xưng những gì là Thiên-sứ, Địa-sứ. Bọn thuộc hạ giải chúng vào đây để Khả-hãn phát lạc.
Nói dứt Cam-Thanh quát:
- Quỳ gối xuống.
Lâm Hoài-Đức vẫn hách dịch. Y hất hàm hỏi Nhị-Hào:
- Bọn người là ai?
Cam-Thanh chỉ Nhị-Hào:
- Vị này là Chỉ-huy sứ của phủ Quốc-oai.
Mấy năm trước, khi Lâm Hoài-Đức làm phó sứ, Trịnh Nam-Phương trong lốt Nghi-Phương sư thái, Tương-giang tam hổ trong lốt bồi sứ. Chúng từng gặp Nhị-Hào trong cuộc thi võ. Sau một thời gian xa cách, lại nữa chúng mới bị trấn nước, đầu óc mơ hồ, nên không nhận ra chàng. Bây giờ nghe Cam-Thanh nói, chúng mới nhớ ra.
Lâm Hoài-Đức ngạo nghễ:
- Thì ra người là võ Tiến-sĩ An-Nam đấy. Chúng ta là sứ thần Thiên-triều sang đây giúp cho Quốc-vương các người, mà các người làm nhục chúng ta như thế này ư?
Nhị-Hào làm bộ mắng Cam-Thanh:
- Đội trưởng! Cái bọn khật khùng này sao không giam chúng lại, mà lại đem vào đây làm chi. Chúng là quân trộm cướp mà lại xưng Thiên-sứ, Thiên-triều ! Hãy bắt chúng chịu phép.
Cam-Thanh nhắc cái quần chụp trên đầu Đinh Hồng lên. Nàng gọi thân binh:
- Đem Thần-long xa cho ta.
Thân binh dạ ran, rồi đẩy ra một chiếc xe. Trong thùng xe lúc nhúc hàng nghìn con rắn đang nghểnh cổ, thè lưỡi đổ lòm. Đinh Hồng từng bị chị em Nhị-Hào cho rắn cắn, suýt mất mạng. Y nói với Lâm Hoài-Đức:
- Lâm đại nhân. Bọn này nguyên là những tên ăn mày ở Thăng-long. Chúng vốn vô học. Mình có xưng là Thiên-sứ hay Thiên-triều gì, chúng cũng không biết đâu. Mình đã lọt vào tay chúng, thì đành chịu nhún cho qua, bằng không chúng sai rắn cắn mất mạng vô ích.
Lâm Hoài-Đức vẫn ương ương:
- Sĩ khả dĩ sát, bất khả dĩ nhục (Kẻ sĩ chỉ có thể đem giết chứ không thể làm nhục).
Cam-Thanh bắt ba con rắn lớn bằng cổ tay, nàng đưa sát vào mặt bọn Tống. Chúng ớn da gà nhắm mắt lại. Cam-Thanh vung tay tung lên. Lập tức ba con rắn quấn vào người Hoài-Đức. Một con quấn quanh cổ, một con quấn quanh tay phải, một con quấn quanh tay trái. Hoài-Đức lạnh gáy. Y nhắm mắt lại, không dám nhìn. Cam-Thanh tiếp tục bắt rắn tung lên. Phút chốc trên người Hoài-Đức, Trịnh Nam-Phương, và Tương-giang tam hổ tua tủa những rắn. Nàng cười khúc khích :
- Ta mới chỉ cho rắn quấn quanh bọn người, chứ chưa ra lệnh cho chúng cắn các người. Các người mà không chịu khuất phục, ta cho chúng cắn liền. Chỉ cần một con rắn đợp trên người các người vài ba miếng, thì một giờ sau các người phải chết.
Nói dứt nàng cầm ống tiêu đưa lên miệng thổi. Tiếng tiêu âm ỉ như hồn ma từ thế giới vọng về. Những con rắn cùng há miệng ra đợp bọn Lâm Hoài-Đức. Đinh Hồng bở vía:
- Lâm đại nhân! Chúng ta chịu khuất phục đi thôi. Thuộc hạ không chịu nổi nữa rồi.
Lâm Hoài-Đức cười thách thức:
- Bọn ăn mày khốn nạn kia. Sống, chúng ta làm thần tử nhà Tống. Chết chúng ta làm trung thần. Mấy con rắn không làm chúng ta sợ đâu.
Nhưng Đinh Hồng kinh hãi, y xuống nước:
- Tôi xin khuất phục.
- À có thế chứ.
Tiếp theo Đinh Huyền, Đinh Thanh cũng chịu khuất phục. Cam-Thanh huýt sáo một tiếng, những con rắn đang quấn quanh người Tương-giang tam hổ từ từ bò trở về chiếc xe. Cam-Thanh trao cho ba người ba viên thuốc chống độc, rồi truyền lệnh:
- Đem chúng đi thẩm vấn.
Trịnh Nam-Phương vẫn bướng bỉnh:
- Mấy tên ăn mày khốn nạn kia! Lão nương thà chết chứ không khuất phục bọn bay đâu! Bọn bay cứ cho rắn cắn lão nương nữa đi. Lão nương mà nhăn mặt một cái thì không phải là người.
Nhị-Hào chưa biết phải hành sự ra sao, thì có tiếng Thủ-Độ dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai:
- Con mụ này là một trong bọn đã sát hại mẫu thân ta. Em không cần nhân nhượng với mụ.
Nghe Thủ-Độ nói, Nhị-Hào cười nhạt nói với bang chúng:
- Mụ này tuy già, mà coi còn ngon gớm. Hãy đem mụ ra ngoài, lột quần áo cho bang chúng coi.
Hai thân binh dạ ran. Chúng nhắc Nam-Phương mang ra sân. Bang chúng bang Lĩnh-Nam hầu hết là những thiếu niên cùng khổ, lại hiếu động. Thấy có trò chơi lạ lùng, chúng tụ lại xung quanh mụ reo hò. Một thân binh nắm áo mụ kéo mạnh. Xoạc một tiếng, ngực mụ bị hở ra, hai vú trắng nõn phơi trước nắng ban mai. Bang chúng reo hò:
- Hay quá!
- Nom đẹp gớm.
Một bang chúng đã già, râu ria xồm xoàm, quần áo dơ bẩn tiến đến dơ tay như định chụp nhũ hoa của mụ.
Trịnh Nam-Phương kinh hãi, mụ nghĩ thầm:
- Cái bọn ăn mày này không thể nói chuyện đạo lý với chúng được. Nhưng ta nhất định không khuất phục, muốn đến đâu thì muốn.
Mụ quát lên:
- Bọn ăn mày khốn nạn. Bọn mi giết ta đi cho rồi. Ta nhất định không chịu khuất phục.
Nhị-Hào hất hàm ra lệnh, một thân binh lại cầm xiêm mụ giật mạnh, nửa thân dưới của mụ lõa lồ ra. Bang chúng reo hò khoái trá, reo hò:
- Ê hê! Cái bề hê đẹp quá!
- Ô hô! Tồng ngồng! Con cá diếc coi xinh tệ.
Địa vị trong võ lâm, Trịnh Nam-Phương là Vân-Đài tiên tử của phái Hoa-sơn, cao quý biết mấy. Tại Đại-Việt, có thời mụ từng là vợ Tể-tướng Đỗ An-Di, rồi chưởng môn phái Mê-linh. Bây giờ mụ phải phơi bày thân thể ra trước bọn ăn mày. Quá uất ức, mụ muốn ngất đi. Một liều ba bẩy cũng liều, mụ đành xuống nước:
- Xin...Xin cô nương tha cho tôi! Tôi xin đầu hàng.
Cam-Thanh cầm chiếc xiêm ném cho mụ, rồi ra lệnh:
- Đem mụ đi hỏi cung.
Cuối cùng chỉ còn mình Lâm Hoài-Đức. Y nghiến răng, nhắm mắt không nói, không rằng. Nhị-Hào thấy nếu cứ tình trạng này thì y sẽ chết vì nọc rắn độc. Chàng huýt sáo một tiếng, những con rắn trên người Lâm rơi xuống đất, rồi trở về xe. Cam-Thanh bóp miệng y ra, nhét vào một viên thuốc chống độc để y không chết. Nhị-Hào đang phân vân, không biết phải đối phó thế nào với gã họ Lâm, thì thình lình, một thân binh già xẹt ngang, vỗ tay lên đầu y một cái, rồi tung mình ra khỏi thành. Thân pháp y nhanh không thể tưởng tượng được. Nhị-Hào còn đang ngơ ngác, thì Lâm Hoài-Đức bật lên tiếng rên:
- Ái chà.
Rồi người y run lên bần bật:
- Rét quá! Rét quá. Tôi xin khuất phục.
Véo véo véo ba tiếng, ba viên thuốc từ phía vườn hoa bay đến trúng vào người Lâm Hoài-Đức. Y rùng mình một cái, cảm giác lạnh biến mất. Nhị-Hào chạy ra vườn hoa xem ai phóng thuốc, thì chỉ thấy một nữ bang chúng tung mình chạy vễ phía Tây thành.
Sau khi lấy cung xong, Nhị-Hào dẫn cả bọn vào đại phủ đường. Chàng hô lớn:
- Quỳ xuống.
Cả bọn líu ríu quỳ gối.
- Ngửa mặt lên.
Cả bọn ngửa mặt nhìn lên. Bất giác chúng rùng mình, dơ tay dụi mắt. Vì trên chiếc ghế bọc da hổ đặt giữa công đường, Thủ-Độ ngồi chễm trệ, miệng mỉm cười. Chúng thấy gương mặt Hầu quen quen, mà trong nhất thời không nhận ra.
Trước đây bọn Lâm Hoài-Đức đã từng thấy Thủ-Độ trong ngày thi võ Tiến-sĩ. Hơn nữa bọn chúngï từng so tay với Hầu. Nhưng nay bọn chúngï không nhận ra Hầu, bởi sau khi bị dìm dưới sông, sặc nước, thần chí trở thành mơ hồ. Tiếp theo bị bọn Nhị-Hào tra tấn, làm nhục, bằng những phương pháp quái gở của dân gian, tâm thần bị khủng hoảng, chúng gần như người mất trí. Hơn nữa, mấy năm qua Thủ-Độ lớn lên, khuôn mặt thay đổi quá nhiều, nên chúngï không nhận ra Hầu. Khi bị tra tấn, chúng biết việc này do tên lãnh chúa ăn mày vùng Quốc-oai, lĩnh chức Khả-hãn chủ động. Lãnh chúa Quốc-oai mà đã khủng khiếp như vậy mà bây giờ chúng đang đối diện với tên vua ăn mày Đại-hãn, thì không hứa hẹn thoát khỏi những cực hình kỳ quái. Chúng đành cúi mặt xuống để tránh cơn sấm sét. Nhị-Hào cầm tờ cung của chúng trình:
- Thưa Đại-hãn, bọn này quả là Khâm-sứ của gã vua Gia-định bên Tống sai sang ta. Chúng có ba nhiệm vụ. Nhiệm thứ nhất là khống chế tên Long-Sảm, bắt truyền ngôi cho tên Đàm Dĩ-Mông, rồi giữ ngôi vua cho Mông để dễ sai khiến. Nhiệm vụ thứ nhì là đâm bị thóc, chọc bị gạo cho Đại-Việt ta chia ra thành nhiều sứ quân. Đại-Việt dần dần trở thành yếu, không còn là mối lo cho Tống nữa. Nhiệm vụ thứ ba là ép Đàm Dĩ-Mông cung ứng lương thảo cho Tống, để Tống ra quân đánh Kim.
Thủ-Độ định làm nhục bọn Tống nữa, thì thân binh vào báo:
- Thái-úy Trần Tự-Khánh và Thái-phó Phạm Kính-Ân tới.
Hầu vội vàng ra đón. Lễ nghi tất. Kính-Ân giả bộ hỏi:
- Những người này là ai vậy ?
Thủ-Độ trả lời lơ mơ :
- Thưa thầy, đây là bọn cướp người Tầu. Hôm qua chúng cướp hai thuyềøn buôn, rồi chẳng may thuyền bị chìm. Hương binh hiệu Quốc-oai vớt chúng lên. Chúng mạo xưng là Thiên-sứ.
Lâm Hoài-Đức đã nhận ra Phạm Kính-Ân, y lên tiếng :
- Phải chăng tiên sinh là Thái-phó Phạm Kính-Ân ? Hẳn tiên sinh nhận ra chúng tôi ?
Thấy Lâm xuống nước, không hống hách với chức Thiên-sứ nữa, Phạm Kính-Ân hỏi ngược lại :
- Phải chăng người là Lâm phó sứ thủa nào ? Kìa sao ba vị Đinh bồi sứ cũng có mặt ở đây ? Ấy à, kìa Vân-Đài tiên tử, người chẳng là phu nhân của tể tướng Đỗ An-Di sao ? Các vị đi đâu mà thân thể tàn tạ đến bậc này ?
Ông nói với Thủ-Độ :
- Những vị này quả là người của Thiên-triều.
Rồi ông hô thân binh cởi trói cho chúng, lại truyền dẫn chúngï đi tắm, trả y phục, hành lý cho chúngï.
Thủ-Độ truyền pha trà, lấy bánh cho bọn Tống ăn. Chúng đã nhận được hầu. Trong lòng chúng tự chửi thầm :
- Hỏng bét, mình bị vào tròng của bọn ăn mày này thì lành ít, dữ nhiều. Thôi thì cũng đành nhắm mắt đưa chân.
Thủ-Độ ngồi ngay ngắn lại, nói với Lâm Hoài-Đức, Trịnh Nam-Phương :
- Lâm tiên sinh ! Khi tôi rời Mông-cổ về, thì Thành-cát Tư-hãn cử mẹ kế của tôi là Vân-Đài Vương Thúy-Thúy làm chánh sứ sang Tống. Phụ thân tôi cũng tháp tùng để cố vấn. Mục đích của sứ đoàn là liên kết Tống, Mông ra quân diệt Kim. Mông-cổ sẽ giúp Tống chiếm lại ba cố đô Biện-kinh, Lạc-dương, Trường-an. Có lẽ giờ này, quân Tống đã chiếm lại Biện-kinh rồi. Người xuất ra vụ liên binh này là tôi. Tôi không hiểu tại sao quý quốc lại sai quý vị sang đây để gây lũng đoạn nước tôi ?
Lâm Hoài-Đức lắc đầu :
- Nghe quân Hầu nói, tôi như người mù được mở mắt. Thú thực, khi triều đình sai chúng tôi đi, không hề cho chúng tôi biết những cam kết giữa Tống với Mông-cổ.
Thủ-Độ nhìn Trịnh Nam-Phương, hỏi :
- Sự thể đã như thế này, các vị tính sao đây.
Trịnh Nam-Phương đứng dậy :
- Trước đây, tôi đã được vua Anh-tông ân xá cho trở về cố quốc. Chúng tôi là thần tử triều Tống, vì vậy triều Tống lại sai chúng tôi trở sang. Chúng tôi không chống lại được. Tôi vơí công chúa Đoan-Nghi không thù không oán. Chúng tôi phải ám hại người cũng chỉ vì nước mà làm. Chúng tôi là phận thần tử, vâng mệnh quân phụ phải lo cho tròn. Cuộc đời chúng tôi như giòng nước trôi, không dừng lại được. Bây giờ quân hầu muốn giết tôi để báo thù, thì tôi xin nhận.
Tự-Khánh sợ Thủ-Độ giết Nam-Phương thì giữa Đại-Việt với Tống sẽ có cái hố khó lấp. Công xua tay :
- Mấy năm trước, trong cuộc thi võ, Thủ-Độ tố đích danh Tiên-tử đã hại công chúa Đoan-Nghi. Đúng ra, phái Đông-a chúng tôi phải giết Tiên-tử để trả thù. Song chúng tôi không thi hành, chỉ vì Tiên-tử vâng chỉ Tống đế mà làm. Thì hôm nay đây giữa chúng ta là người đại diện cho Tống, cho Việt. Chứ không phải là chuyện tư thù. Vậy bây giờ chúng tôi xin các vị khuất giá, về Thăng-long, rồi chúng tôi sẽ đưa quý vị về Tống sau.
Phạm Kính-Ân đưa mắt, Cam-Thanh dẫn bọn Lâm Hoài-Đức ra ngoài.
Tự-Khánh hỏi Thủ-Độ :
- Hoàng thượng đâu?
Thủ-Độ chỉ vào trong :
- Y với chị Kim-Dung đang nghỉ ở nhà sau.
Tự-Khánh khuyên Thủ-Độ:
- Em ạ! Em hãy nén giận quên thù, thì ta mới có thể làm lên đại cuộc. Em nên cố gắng nhịn nhục...Quên thù Trịnh Nam-Phương, quên thù Long-Sảm. Bây giờ quyền hành trong tay anh em mình rồi . Anh em mình phải đem hết tâm huyết ra để diệt các sứ quân, đưa Xã-tắc trở lại thanh bình, mưu hạnh phúc cho dân, hơn là giết vài người. Từ nay, tuyệt đối em không nên dùng lời lẽ khinh bạc với nhà vua nữa.
Thủ-Độ nghĩ một lúc rồi cung kính :
- Em nghe lời anh.
- Em cũng nên xóa bỏ hận thù gây ra từ hồi thơ ấu với nhà vua.
- Em nghe lời anh.
Tự-Khánh giả giọng trịnh trọng nói lớn:
- Ta muốn được bệ kiến Hoàng-thượng.
Thủ-Độ làm bộ:
- Xin Thái-úy chờ một lát.
Kim-Dung dẫn Long-Sảm từ trong đi ra. Tự-Khánh, Kính-Ân cùng phủ phục tung hô vạn tuế. Tự-Khánh tâu:
- Thần thân lĩnh trọng trách, cầm binh quyền trong tay, mà để bọn họ Đàm, bọn Tống phạm giá, thực muôn vàn tội lỗi. Nay bọn Tống, bọn họ Đàm đã bị dẹp, thần xin kính thỉnh Bệ-hạ hồi kinh, để yên nhân tâm trăm họ.
Từ ngày rời Thăng-long ra đi, đây là lần đầu tiên Kiến-gia cảm thấy mình còn là ông vua. Nhà vua phán:
- Thực nhọc công Thái-úy, Thái-phó. Xin nhị vị bình thân.
Trên đường về Thăng-long, Tự-Khánh thắc mắc với Nhị-Hào về hai hương binh, một nam, một nữ ; kẻ truyền Huyền-âm nội lực, người tung thuốc vào tên Lâm Hoài-Đức. Không biết họ là ai? Có thể nào họ là người của gã Mao Khiêm không?
Tối hôm ấy, đoàn hộ tống nhà vua tới Gia-lâm. Tự-Khánh sợ có biến cố, Công muốn đợi trời sáng hãy đưa nhà vua sang sông. Công truyền cho đoàn xa giá qua đêm tại Gia-lâm. Thủ-Độ sai Khả-hãn Nhị-Anh dàn hương binh canh phòng. Lại truyền An-phủ sứ Gia-lâm Phạm Kính-Nghĩa cung đốn lương thảo cho nhà vua.
Từ hôm tình tự với Kim-Dung ở suối Tiên đến giờ, tuy hằng ngày tiếp xúc, chuyện trò với nhau, mà Thủ-Độ không có dịp tâm sự với nàng. Nhân dịp này, Hầu sai một bang chúng là cung nữ hầu cận Kim-Dung, hẹn với nàng trên con thuyền nhỏ đậu ở ven sông.
Khi màn đêm buông xuống, Kim-Dung y hẹn, cùng Hầu tới con thuyền. Hai người tung mình đáp xuống. Thủ-Độ nhổ sào, Kim-Dung cầm chèo quay hai vòng. Con thuyền trôi nhẹ nhàng ra giữa giòng sông. Thủ-Độ cầm sào cắm xuống, rồi cột mũi thuyền vào. Con thuyền nằm im lìm trong bóng đêm. Cặp tình nhân buông chèo, bỏ sào ôm lấy nhau. Cả hai lặng đi một lát, không ai nói lên lời.
Kim-Dung bật lên tiếng khóc:
- Thủ-Độ! Làm sao bây giờ? Nếu như vụ này tiết lộ ra, thì dù quyền hành trong tay, vì đại cuộc, anh Khánh, Thừa cũng phải để triều đình xử lăng trì bọn ta.
- Kim-Dung! Hiện khắp các phủ, các trấn đều do quân của các Khả-hãn trấn đóng. Chúng ta không làm vua, thì cũng như làm vua. Bất cứ tên mặt dơi tai chuột nào nói ra, nói vào, ta giết cả nhà nó ngay.
- Người nói! Người tưởng mình có sức mạnh rồi muốn làm gì làm sao? Còn Quốc-pháp, còn đạo lý chứ!
- Này Kim-Dung! Để anh kể cho Kim-Dung nghe. Hồi xưa, đang đêm, kẻ thù của Thành-cát Tư-hãn đem quân tấn công, bắt bà vợ của ông là Bật-Tê mang đi. Năm sau, ông đem quân giết nó, rồi chiếm lại vợ. Khắp vùng Thảo-nguyên ai cũng phục ông hết. Bây giờ Long-Sảm cũng là kẻ thù của anh, cũng chiếm Kim-Dung của anh. Anh sẽ giết y, chiếm lại Kim-Dung. Anh hùng thiên hạ cũng sẽ khâm phục anh. Tại sao anh Thừa, anh Khánh lại xẻo thịt anh nhỉ?
Kim-Dung biết người yêu của mình sống ở vùng Thảo-nguyên, nhiễm phong tục ở đó rồi, khó mà giải thích đạo lý tộc Việt cho y lọt tai được. Nàng chưa biết phải giảng giải như thế nào thì có tiếng trầm trầm từ trong khoang thuyền vọng ra:
- Đại-Việt là Đại-Việt.Thảo-nguyên là Thảo-nguyên. Đạo lý cũng thế. Ta không thể đem đạo lý Thảo-nguyên ra áp dụng ở Đại-Việt, cũng không thể đem đạo lý Đại-Việt ra áp dụng ở Thảo-nguyên.
Thủ-Độ, Kim-Dung kinh hãi, vì nội công hai người đều luyện tới mức thượng thừa. Thế mà, ai đó ẩn trong khoang thuyền, cả hai người đều không khám phá ra.
Thủ-Độ ôn tồn hỏi:
- Tôn giá là ai?
Có tiếng đáp trong như cam thảo:
- Bố, mẹ đây.
Thủ-Độ nhận ra tiếng Thúy-Thúy. Hầu mở cửa khoang thuyền. Bên trong có hai người, Thủ-Huy, Thúy-Thúy.
- Bố! Mẹ! Bố mẹ về bao giờ vậy?
- Chúng ta về Thăng-long cũng mấy tháng.
Thúy-Thúy đáp:
- Nhưng chúng ta không ra mặt. Chúng ta chỉ mới gặp riêng bác Lý gái, cậu mợ Tô Trung-Từ, cô chú Phùng Tá-Chu.
Bây giờ Thủ-Độ mới biết tên hương binh phóng Huyền-âm độc tố vào người Lâm Hoài-Đức là bố mình. Còn người phóng thuốc giải cho y là Thúy-Thúy. Hầu hỏi:
- Mẹ! Việc đi sứ Tống kết quả ra sao?
- Tốt đẹp! Hiện Thành-cát Tư-hãn tạm rút quân về nghỉ ngơi. Tống ước hẹn, nếu như sau này Mông-cổ xuất quân, thì Tống cũng sẽ đem quân tái chiếm Biện-kinh, Lạc-dương, Trường-an.
- Thế??? Sao bố mẹ lại được về đây?
- Sau khi rời Tống, bố mẹ trở lại Mông-cổ, báo cho Thành-cát Tư-hãn biết tình hình. Bố gặp Thái-sư thúc Phạm Tử-Tuệ mà con thỉnh dùm, sang trị bệnh cho Thánh-cát Tư-hãn, bố mới biết tình hình ở trong nước. Vì vậy bố mẹ trở về đây.
- Tình hình Mông-cổ ra sao?
- Trước hết là Bác Khô La (Borogul), Dược Sơ Đài (Jurcadai) lâm trọng bệnh, qua đời. Mùa Xuân năm thứ 8 (DL.1213, Quý Dậu, bên Đại-việt là Kiến-gia năm thứ 4 đời vua Huệ-tông),
Ghi chú của thuật giả
Thành-cát Tư-hãn lên ngôi vua năm 1206 nhằm năm Bính Thìn, bên Đại-Việt là niên hiệu Trị-bình Long-ứng thứ nhì đời vua Cao-tông nhà Lý. Cho đến nay 1213 là năm thứ 8.
Thành-cát Tư-hãn ước hẹn với Tống, rồi xuất quân đánh Kim. Lần này, Tư-hãn nể lời mẹ Thúy-Thúy với bố, ban nghiêm lệnh cấm quân sĩ không được cướp của, giết người, đốt nhà. Chiến thuật cũng đổi: Trước kia, khi gặp thành khó đánh, thì bỏ lại sau, rồi tỏa ra cướp phá. Bây giờ ra quân này với mục đích chiếm đất cai trị, di dân Thảo-nguyên vào Quan-nội. Vì vậy tất cả các thành đều phải đánh chiếm, đặt quan cai trị. Ba cánh quân chia nhau đánh Sơn-Tây, Sơn-Đông, Hà-Bắc, rồi kéo về Yên-kinh. Giữa lúc quân Mông-cổ đang công hãm bên ngoài, thì trong thành Yên-kinh xẩy ra một cuộc nổi loạn.
Thủ-Độ kinh ngạc:
- Dân chúng nổi lên chống Kim chăng?
- Không! Bọn tướng sĩ Kim, gốc Liêu cùng Hồ Sa Hổ đem quân giết vua Kim là Vĩnh-Tế. Thành-cát Tư-hãn cho rằng quân lính nổi loạn, ắt mở cửa cho Mông-cổ vào. Người ra lệnh lui quân mười dặm, chờ đợi. Nhưng không, Hồ Sa-Hổ chỉ giết vua Kim, chứ không phản lại nước Kim. Y lập một người trong hoàng tộc lên lên ngôi, rồi chỉnh bị quân mã mở cửa thành ra đánh úp quân Mông-cổ. Bị tập kích bất ngờ trong đêm, quân Mông-cổ lại đóng rải rác, không tập trung kịp, bị thiệt hại nặng nề. Đúng ra sự thiệt hại còn cao hơn nữa. Nhưng may mắn, cánh quân của Cao Chi có mục đích đánh vào sau lưng Mông-cổ, tới chậm mất nửa ngày, nên quân Mông-cổ chạy thoát được, rồi tập trung lại phản công.
- Ái chà! Từ trước đến giờ Hồ Sa Hổ với Cao Chi vốn hiềm khích, ghen tài nhau. Kỳ này chắc Hồ giết Cáo?
- Đúng thế, cũng may Hồ bị bệnh nặng, hơn nữa Kim đế can thiệp, nên Cao Chi chỉ bị giáng chức mà thôi. Kim-Đế trao quyền Thái-úy cho Cao Chi. Cao Chi xuất quân đuổi Thành-cát Tư-hãn tới Bôi-lai. Quân Kim đã kinh nghiệm về chiến thuật của Mông-cổ, vì vậy trận chiến diễn ra ngày đêm, kéo dài trong mười ngày, Cao Chi bị bại. Y dẫn quân chạy về Yên-kinh. Biết lần này, Hồ Sa-hổ sẽ giết mình, nên Cao Chi ra tay trước. Y đem võ sĩ bao vây phủ Thái-úy, bắt Hồ Sa-Hổ chặt đầu, rồi vào Hoàng-thành yết kiến nhà vua, kể tội Hồ Sa-Hổ giết Vĩnh-Tế. Nhà vua giao xuống đình thần nghị tội Hồ, rồi khen thưởng Cao Chi, trao cho chức Phụ-quốc Thái-úy.
Trong lúc Yên-kinh rối loạn như vậy, thì quân Mông-cổ trở lại vây Yên-kinh. Cao Chi sai bộ hạ biết tiếng Mông-cổ leo lên mặt thành gọi Thành-cát Tư-hãn tới, chế ngạo rằng ông là vua của chim điêu, mà sao không bay vào thành?
Thành-cát Tư-hãn căm hận, nhưng không làm sao được. Các tướng khuyên nên lui binh. Ngược lại, ông gửi lệnh về cho các Khả-hãn: Hãy dẫn dân chúng Thảo-nguyên vượt Vạn-lý trường-thành vào Quan-nội tránh mùa Đông. Bộ tộc nào muốn lập nghiệp trên đất Trung-quốc thì ở lại. Có hàng nghìn bộ tộc nhỏ di cư vào Sơn-Tây, Sơn-Đông, Hà-Bắc. Họ thấy vùng đất nào trù phú, nhà cửa đẹp đẽ thì đuổi dân bản sứ đi, rồi cắm dùi lại.
Thành-cát Tư-hãn chia quân làm ba đạo. Đạo thứ nhất do hoàng-đệ Cát-Sa tiến chiếm đồng bằng Nam Mãn-châu. Đạo thứ nhì do ba vương-tử Truật Xích, Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài chỉ huy, tiến xuống miền Nam. Đạo thứ ba do chính Thành-cát Tư-hãn với vương tử Đà-lôi chỉ huy, bình định đồng bằng Đông-Nam tỉnh Sơn-Đông. Lần này, cứ một Thiên-phu Mông-cổ thì có ba Thiên-phu thân binh Trung-quốc theo ra trận.
Trong 6 tháng Thu-Đông, quân Mông-cổ chiếm gần trọn Hoa-Bắc. Đến hết mùa Đông, có hàng nghìn bộ tộc Thảo-nguyên đã định cư ở Quan-nội. Thành-cát Tư-hãn truyền giao quyền cai trị cho các quan người Hán, việc trấn thủ cho các binh đoàn thân binh Trung-quốc. Còn quân Mông-cổ kéo về Yên-kinh. Biết rằng có đánh Yên-kinh cũng không nổi. Ông gửi sứ giả vào thành nói với hoàng đế Kim: Hoa-Bắc đã vào tay ta. Dân chúng đã theo ta. Tài nguyên về tay ta. Như thế thì Thiên-mệnh thuộc về ta rồi. Nay ta không muốn đánh Yên-kinh là do lòng thương dân. Vậy người hãy đem lễ vật tiến cống, ta sẽ ban phúc, rút quân cho người được sống mà thờ các tiên vương.
Triều đình Kim họp. Cao Chi đòi đánh một trận rồi muốn ra sao thì ra. Song các đại thần lại muốn nghị hòa. Vua Kim sai sứ tới bản doanh Thành-cát Tư-hãn. Thành-cát Tư-hãn đòi điều kiện tiên quyết là Kim phải chịu cho Liêu tái lập quốc, Mông-cổ sẽ tìm một hoàng thân Khiết-đan lập lên làm vua. Lãnh thổ vẫn là lãnh thổ cũ. Điều kiện thứ nhì là nộp 25 nghìn tấm lụa, 50 nghìn lạng bạc, 20 nghìn lạng vàng, 2 nghìn con ngựa. Vua Kim thuận ba điều kiện này, hơn nữa gả công chúa con của Vĩnh-Tế cho Thành-cát Tư-hãn, để tỏ tình hòa hiếu.
Quân Mông-cổ rút về. Thành-cát Tư-hãn cực kỳ hài lòng, vì đã đạt hai mục đích: Đánh bại Kim. Từ nay cái ông trời con trong lòng người Hán không còn nữa. Họ không thể coi các dân xung quanh là Nhung, Địch, Di, Man nữa. Ngược lại các dân xung quanh Trung-quốc sẽ mất mặc cảm phải tôn phục tộc Hoa. Mục đích thứ nhì, là di một số bộ tộc vào Quan-nội. Từ nay Kim không còn là mối lo cho Thảo-nguyên.
Mặc dù Thành-cát Tư-hãn đã cấm cướp của. Nhưng sau hơn một năm đánh khắp Hoa-Bắc, số chiến lợi phẩm, tù hàng binh không biết bao nhiêu mà kể. Bấy giờ là mùa Hạ, Thành-cát Tư-hãn không muốn về Hoa-lâm, để chịu cái nóng cháy da. Người đóng bản doanh ở ốc đảo Dolon Nor, ven sa mạc Gobi.
Quân Mông-cổ vừa rút khỏi Yên-kinh, triều đình Kim thiên đô xuống kinh đô Bắc Tống cũ là Khai-phong. Tin này đưa ra, dân chúng Hoa Bắc rúng động. Họ cho rằng triều đình chạy trốn quân Mông-cổ. Vua Kim ban chỉ hiệu triệu dân chúng rằng: Thái-tử với đại quân sẽ ở lại trấn thủ Yên-kinh.
Sau một năm bị tàn phá vì chiến tranh. Thế mà mới hòa bình có ba tháng, các thị trấn, các thành lũy lại tái thiết như xưa. Các đoàn quân được tái lập. Hơn nữa, mới đây Kim cam kết với ông rằng cho Liêu tái lập quốc. Thế mà bây giờ Kim đem quân tiến đánh Liêu-Đông. Chỉ hơn tháng, Liêu-Dương thất thủ, vua Liêu lưu vong.
Nghe tin Kim dời đô, Thành-cát Tư-hãn đã nổi lôi đình: Chúng đánh lừa ta. Ta rút đi, chúng chạy xuống Nam để chuẩn bị phản công. Rồi lúc tin Liêu-dương thất thủ đưa về, thì Tư-hãn không kiên nhẫn được nữa. Người quyết định xuất binh phạt Kim. Giữa lúc đó, trời lại hại Kim. Kim có nội chiến.
Thủ-Độ kinh ngạc:
- Thực là họa vô đơn chí. Ai đánh với ai?
- Kim có mấy đạo binh Ngự-lâm quân thiện chiến. Họ đều là người Liêu. Khi vua Kim rời đô tới Khai-phong, quần thần nghị rằng Kim sẽ gửi quân đánh Liêu-dương, có thể bọn này nổi loạn. Vua Kim ra lệnh giải giới mấy đạo binh Liêu. Binh sĩ biết rằng khi bị giải giới, thì trước sau gì cũng bị giết. Chúng nổi lên giết tướng chỉ huy, rồi cử người lên thay thế, và kéo nhau trở về miền Bắc. Triều đình Kim vội sai quân đuổi theo giết hết đám binh sĩ Liêu cho tuyệt hậu hoạn. Mặt khác, ra lệnh cho mấy đạo binh chặn đường lên Bắc. Đám Liêu thấy nguy, họ cử người yết kiến Tư-hãn, xin đầu hàng. Thế là Thành-cát Tư-hãn quyết định xuất quân. Đạo quân thứ nhất do Mộc Hoa Lê đi cứu Liêu. Đạo thứ nhì, Tốc Bất Đài đánh chiếm Mãn-châu là chính quốc của Kim. Đạo thứ ba do Triết Biệt chỉ huy, đi cứu mấy đạo binh Liêu. Tốc Bất-Đài thành công mau chóng, chiếm Mãn-châu, Cao-ly xong trở về phục mệnh. Triết Biệt giải cứu mấy binh đoàn Kim gốc Liêu dễ dàng, rồi tiến về đánh Yên-kinh, nhưng không thành công. Mộc Hoa Lê tiến quân vào Liêu-Đông, đánh tan quân Kim, tái lập vương quyền Liêu. Tin này đưa về, Thành-cát Tư-hãn lệnh cho Mộc Hoa Lê đem quân tiến về Yên-kinh hợp với Triết Biệt công hãm.
Thủ-Độ than:
- Con nghĩ, Mông-cổ không thể hạ nổi Yên-kinh, trừ khi bao vây thực lâu, trong thành hết lương. Hoặc trong thành có nội loạn.
- Đúng như con nói. Thành-cát Tư-hãn cũng nghĩ thế. Người ra lệnh cho Mộc Hoa Lê vây kín Yên-kinh, lại ra lệnh cho Triết Biệt đóng quân dọc đường từ Khai-phong tới Yên-kinh, chặn đánh tất cả các đoàn tiếp tế lương thảo. Về phía Kim, khi triều đình Kim rút lui, để một hoàng thân ở lại cố thủ. Một bên quyết bao vây, một bên quyết thủ. Hết mùa Đông, sang mùa Xuân thành Yên-kinh vẫn đứng vững. Nhưng lương thực trong thành ngày một cạn. Vì lương trước đây lương thực do hai nguồn tiếp tế. Một là do các châu, huyện Hoa-Bắc giao nộp. Hai là tiếp tế từ Biện-lương lên. Nay tất cả các thành trì, châu, huyện trên vùng Hoa-Bắc bị quân Mông-cổ kiểm soát. Nguồn tiếp tế từ miền Nam lên bị chặn đánh. Quá tuyệt vọng, hoàng thân trấn thủ quyết xua quân đánh một trận phá vòng vây. Nhưng các tướng không tuân lệnh. Ông lấy máu viết biểu tố cáo việc này lên vua Kim, phân phát tài vật cho thuộc hạ, rồi uống thuốc độc tự tận. Ông chết rồi, đang đêm viên tướng trấn thủ mở cửa thành, cùng người ái thiếp bỏ trốn. Quân trong thành không tướng chỉ huy. Các tướng coi binh đoàn tranh quyền, đánh lẫn nhau, không ai giữ cửa thành. Một vài toán quân bị bại, mở toang cửa thành ra hàng Mông-cổ. Mộc Hoa Lê xua một vạn rưỡi Kỵ-binh, dẫn theo 30 binh đoàn thân binh Trung-quốc tràn vào thành. Kỵ-binh phi trên xác quân lính, dân chúng. Họ đốt phá khắp nơi. Tính ra có tới năm vạn quân Kim bị giết với khoảng năm mươi vạn dân chúng, gia đình chết trong loạn quân. Mười vạn phụ nữ lên thành nhảy xuống tự tử, vì sợ bị hãm hiếp. Trong ba tháng, thành Yên-kinh vẫn còn bốc cháy.
Mùa hạ năm nay (DL.1216,Bính Tý, niên hiệu Kiến-gia thứ 6 đời vua Huệ-tông bên Đại-Việt) Thành-cát Tư-hãn rút quân về Thảo-nguyên, để lại cho Mộc Hoa Lê 25 Thiên-phu Lôi-kỵ Mông-cổ, 200 Thiên-phu thân binh Trung-quốc, phong tước Đại-vương, lãnh thổ gồm Kim, Liêu, Cao-ly, với chỉ dụ:" Ta đã chiếm được miền Hoa-Bắc, còn lại miền Nam, người phải chinh phục"...Nhân nghe Đại-Việt rối loạn, bố xin Thành-cát Tư-hãn cho nghỉ ít lâu, dẫn mẹ về thăm quê hương.
Thủ-Huy đưa mắt nhìn Thủ-Độ, Kim-Dung rồi nói bằng giọng ngọt ngào:
- Bố có nhiều chuyện muốn bàn với con, với Kim-Dung.
- Con xin chờ bố dạy dỗ.
Thủ-Huy ngồi ngay ngắn lại:
- Những gì ta nói với hai con ở đây, ta cũng đã bàn với bà nội (bà Trần Tự-Hấp, nhũ danh Bùi Anh-Hoa), bác Lý gái (Bà Trần Lý, nhũ danh Tô Phương-Lan), với cậu mợ Tô Trung-Từ, cô chú Phùng Tá-Chu, với hai anh Thừa, Khánh. Hai con hãy nghe cho kỹ.
- ???
- " Xưa, một nông dân lấy hai công chúa con vua Nghiêu là Nga-Hoàng, và Nữ-Anh, rồi tiếp ngôi mà thành vua Thuấn. Dân Trung-hoa coi đó là lý đương nhiên. Con rể hay con trai đều như nhau. Thế rồi các đời sau không ai làm thế nữa, mà chỉ truyền ngôi cho con trai. Bên Đại-Việt ta, Ngô Quyền lấy con gái của Dương Diên-Nghệ, rồi tiếp nối sự nghiệp họ Dương, mà lên ngôi vua, thiên hạ coi là chính đạo. Thập-đạo tướng quân Lê Hoàn nhờ Thái-hậu Dương Vân-Nga của vua Đinh mà được ngôi vua, thiên hạ coi là gian trá, tà đạo. Đức Thái-tổ nhà Lý là Lý Công-Uẩn nhờ làm phò mã của vua Lê, rồi cầm quân, được kế nghiệp họ Lê. Thiên hạ coi là chính đạo".
Thấy Thủ-Độ gật đầu tỏ ra hiểu ý mình, Thủ-Huy hỏi:
- Con thử nói ý ta xem có đúng không nào?
"... Suốt bao năm qua, bác Lý là Thần-nông sứ, cậu mợ Trung-Từ là Khai-hoang sứ, cô chú Phùng Tá-Chu là Hải-hà sứ... Con...con... là Đại-hãn. Ân đức nhà ta đã rải khắp thiên hạ, lòng người đều hướng về, mong đợi. Trong khi đó thì họ Lý đã hết phúc, triều đình thối nát, hậu cung dâm đãng. Ta có thể đoạt ngôi vua, mà mưu hạnh phúc cho dân được rồi đây".
- Giỏi! Nhưng muốn lấy ngôi vua, thì phải có chính nghĩa. Ta chưa có chính nghĩa như Ngô Quyền, như Lý Công-Uẩn.
- Thì chính nghĩa là lòng dân.
- Lòng dân ta có, nhưng, khi ta đoạt ngôi vua, sẽ có nhiều kẻ nhân danh trung hưng Lý triều mà khởi binh làm loạn.
- Vậy ta cũng tìm cách làm như vua Lý Thái-tổ.
- Đúng thế. Con hãy nghe cho kỹ này.
- Con nghe.
"...Long-Sảm hiện bị bệnh điên. Bây giờ về Thăng-long. Trong cung, Kim-Dung nắm lấy quyền như Ỷ-Lan xưa kia. Tại triều, Trần Thừa nắm trọn quyền cai trị, ban ân, bố đức cho dân. Bên ngoài, Tự-Khánh nắm trọn binh quyền. Cô Kim-Ngân, chú Tá-Chu nắm Thủy-quân. Cậu mợ Trung-Từ nắm hết thôn ấp. Còn con, vị trí của con mới cực kỳ quan trọng. Con nắm hết bọn An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ, cùng các hiệu hương binh. Như thế, nhà ta chưa lên ngôi vua, mà quyền hành ngôi vua ta đã có hết. Bây giờ ta tìm cách đưa một người trong nhà ta làm phò mã, rồi từ ngôi vị phò mã lên ngôi vua, thì chúng ta mới được coi là chính đạo".
Hôm ấy là rằm tháng Chạp, niên hiệu Kiến-gia thứ 6 (DL.1216, Bính Tý) Đại-Việt hoàng đế thiết đại triều tại điện Càn-nguyên. Đã bốn năm, kể từ ngày nhà vua lưu vong, đây là buổi thiết đại triều lần đầu tiên. Bách quan tề tựu đông đủ, đứng làm hai hàng. Hàng bên trái là quan văn, người đứng đầu là Trần Thừa, lĩnh chức Tả-bộc xạ (Tể tướng). Hàng bên phải là quan võ, người đứng đầu là Trần Tự-Khánh, lĩnh chức Phụ-quốc Thái-úy. Đội nhạc hơn trăm nhạc công tấu bản Nguyên-thọ:
Minh minh Thiên-tử,
Vạn dân sở vương.
Hiển hiển lệnh đức,
Như Khuê, như Chương.
Tuyên chiêu nghĩa vận,
Trường phát kỳ tường.
Thiên-tích thuần hỗ,
Vạn thọ vô cương.
(Vua ta sáng suốt,
Vạn dân ngước nhìn.
Đức tốt rừng rực,
Như Khuê, như Chương.
Ban gọi, nghĩa trọng,
Điềm lành tứ phương.
Trời ban phúc lớn,
Thánh thọ vô cương).
Kiến-gia hoàng đế từ trong đi ra cùng Khâm-thiên Thạc-hòa Kiến-vũ hoàng hậu Trần Kim-Dung.
Lễ quan hô:
- Quỳ gối.
Bách quan cùng quỳ xuống.
Nhà vua ngồi lên ngai vàng ngồi. Kiến-vũ hoàng hậu ngồi trên chiếc ngai chạm hình con phụng đặt bên phải nhà vua.
Một đại thần, thân thể hùng vĩ, mắt rồng, trán hổ, mặt tươi hồng, dáng đi như kỳ lân bước ra quỳ tâu:
- Thần, Trần Thừa, Đặc-tiến Thiếu-bảo, lĩnh Tả-bộc xạ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Chiêu-văn quan đại học sĩ, Giám-tu quốc-sử, Thượng-thư lệnh kiêm Trung-thư lệnh, Gia-viễn quốc công kính tâu.
- Thiếu bảo bình thân.
- Chương trình nghị sự hôm nay có ba phần. Phần thứ nhất, Tổng-lĩnh thị vệ, Đằng-châu hầu Trần Thủ-Độ sẽ tâu trình về việc đi sứ Mông-cổ thỉnh phò mã Trần Thủ-Huy để trao quyền, cùng tình hình Kim, Tống, Mông-cổ. Phần thứ nhì, Phụ-quốc Thái-úy Trần Tự-Khánh tâu trình về tình hình bình định giặc dã. Phần thứ ba, Thái-phó Phạm Kính-Ân sẽ tâu trình về việc cải cách ruộng đất.
Nhạc tấu bản Viễn hành quy triều (Đi xa trở về chầu vua).
Tự Thiên-tử sở,
Thiên-tử mệnh chi.
Chấp sự hữu khắc,
Đức âm mạc vi,
Chưng tai mao sĩ.
Bạc ngôn hữu chi,
Duy kì hữu chi.
Bi nhiên lai ti.
Bảo hữu quyết thổ,
Bang gia chi ki.
(Tự nơi đức vua,
Đức vua sai đi.
Nhiệm vụ kính cẩn,
Quyết chẳng sai di.
Tốt thay tuấn sĩ,
Duy có người thôi.
Vui vẻ trở về,
Bảo vệ Xã-tắc,
Gốc của nước nhà).
Thủ-Độ cùng phó sứ Chu Mạnh-Nhu và bốn bồi sứ từ ngoài điện bước vào tung hô vạn tuế. Lễ quan hô:
- Quân hầu cùng sứ đoàn bình thân.
Từ hôm Thủ-Độ trở về, Hầu làm biết bao nhiêu việc nghiêng trời lệch đất, nhưng Kiến-gia hoàng đế không được tâu trình. Khi dẫn nhà vua trốn khỏi thành Bắc-giang, Hầu hóa trang thành một đội trưởng vệ sĩ, nhà vua không nhận ra Hầu. Sau đó, Hầu tránh mặt nhà vua. Cho đến nay nhà vua không biết gì về những việc làm của Hầu. Trong tâm nhà vua, nhà vua nghĩ rằng Thủ-Độ mới đi sứ về. Nhớ lại những kỉ niệm thời thơ ấu, Kiến-gia hoàng đế nhìn Thủ-Độ, rồi cười ha hả:
- Thằng khờ! Thằng điên. Thế nào, mày đi sứ gì mà bẩy năm nay bây giờ mới về? Hồi đó, vì nhớ công lao của bố mẹ mày, Tiên-đế phong cho mày tước Hầu, rồi sai đi sứ. Chứ thực ra cho mày làm tên thị vệ cũng là quá rồi. Công việc đi sứ ra sao?
Nghe nhà vua nói ra những lời khinh bạc, cả triều đình cùng tái mặt. Còn Thủ-Độ, thì Hầu giận run người lên, nghiến răng, quắc mắt nhìn nhà vua.
Hầu nghĩ thầm:
- Ta vận công, phát một chiêu đập nát thây tên Long-Sảm này, rồi muốn sao thì sao.
Nhìn nét mặt Thủ-Độ, Kiến-vũ hoàng hậu than thầm:
- Nguy tai, làm sao bây giờ?
Hậu đưa mắt báo động, rồi dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai hai anh:
- Các anh phải coi chừng Thủ-Độ. Y đang căm giận cùng cực. Có thể y không kiềm chế được cơn giận.
Nghe em nói, Trần Thừa mới để ý đến Thủ-Độ. Ông hoảng sợ, vội lên tiếng:
- Tâu Bệ-hạ! Chánh sứ Thủ-Độ không được khỏe. Xin Bệ-hạ để cho phó sứ Chu Mạnh-Nhu tâu trình thay thế.
Nói rồi ông nắm tay Thủ-Độ kéo ra phía sau, đẩy hầu ngồi vào chiếc ghế sát tường. Nhà vua vẫn chưa thấy cái nguy hiểm mình vừa thoát khỏi, ngài nở nụ cười khinh bạc:
- Ngày xưa, trẫm với Gia-thụy ngũ anh thường đem thằng ngẩn ngơ này ra làm cái bị để luyện võ. Nghĩ cuộc đời như một giấc mơ. Hồi ấy trong Gia-thụy ngũ anh, thì trẫm đứng đầu, thứ đến Long-Thẩm, Đoàn Thượng, Nguyễn Dư, Phạm Bỉnh-Du. Khi luyện võ có nhau, lúc chơi đùa có nhau. Bây giờ Long-Thẩm, Bỉnh-Du đã ra người thiên cổ. Còn Đoàn Thượng, Nguyễn Dư thì trở thành giặc, phản lại trẫm. Ừ, tại sao thằng khùng này không chết đi mà Long-Thẩm, Bỉnh-Du lại chết?... Thôi Phó-sứ trình bày đi thôi.
Chu Mạnh-Nhu theo thứ tự tường thuật về cuộc hải hành của sứ đoàn: Đến cửa biển Liêu-Đông, vượt Vạn-lý Trường-thành, tới Hoa-lâm. Phò-mã Thái-úy Thủ-Huy cương quyết không chịu trở về, lấy Mông-cổ làm quê hương thứ nhì. Thủ-Độ được Thành-cát Tư-hãn trao cho chỉ huy binh đoàn Phương-Đông. Cuộc ra quân của Mông-cổ thắng Kim khắp các mặt trận. Cuối cùng Thủ-Độ cùng sứ đoàn được cho trở về Đại-Việt.
Chu giấu, không nói những gì Thủ-Độ đã làm ở Tiên-yên, cũng như khi về Thăng-long.
Triều đình say mê theo dõi lời tường thuật của Chu Mạnh-Nhu. Họ tuyệt không ngờ Thủ-Huy, Thủ-Độ lại là người tài trí đến như vậy. Sau khi Mạnh-Nhu tâu xong, các quan chờ nhà vua ban chỉ dụ, nhưng khi họ nhìn lên, thì ngài đang ngủ. Giấc ngủ dường như rất sâu.
Kiến-vũ hoàng hậu tuyên chỉ:
- Hoàng thượng se mình, cuộc triều nghị hôm nay còn hai vấn đề là việc bình định giặc dã và việc cải cách nông nghiệp, thuế khóa. Vậy Thiếu-sư Trần Thừa thay Hoàng-thượng chủ trì cuộc nghị sự. Kết quả, sẽ dâng biểu tâu lên Hoàng-thượng sau.
Dứt lời, Hoàng-hậu dìu nhà vua rơì điện Càn-nguyên. Các quan thở phào như trút được gánh nặng. Vì từ hôm về Thăng-long đến giờ, mỗi khi một đại thần tâu trình vấn đề gì, thì nhà vua cứ ậm à, ậm ừ một vài khắc, rồi ngáp dài, hoặc hỏi những câu không ăn nhập gì tới vấn đề cả. Cuối cùng nhà vua lại giao cho Trần Thừa giải quyết. Với Trần Thừa, mọi chuyện khó khăn đều vượt qua dễ dàng. Hôm nay, họ biết, triều đình phải nghị sự hai vấn đề quá quan trọng, quá dài. Họ yên trí rằng, nhà vua cũng sẽ ậm ừ, rồi chẳng quyết định gì. Bây giờ Hoàng-hậu tuyên chỉ để cho Trần Thừa thay nhà vua chủ trì, họ mừng hớn hở. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng.
Thế rồi từ đấy, nhà vua không tham dự các buổi thiết triều. Chính sự trao cho Trần Thừa, quân sự trao cho Trần Tự-Khánh, việc học trao cho Phạm Kính-Ân. Tổng-trấn Thăng-long, Tổng-lĩnh thị vệ trao cho Trần Thủ-Độ. Các quan không bao giờ thấy nhà vua. Lúc đầu, họ tuân chỉ vua qua bút phê của ngài trên tấu chương, mà tòa Thượng-thư lệnh chuyển vào trong cung Long-an. Những người tò mò, chú ý thấy rõ: Nét chữ phê là của Kiến-vũ hoàng hậu, nhà vua chỉ ký lên mà thôi. Dần dần, họ thấy nét chữ châu phê lẫn chữ ký đều là của Kiến-vũ hoàng hậu. Họ nghĩ: Hoàng hậu là Linh-nhân hoàng thái hậu thứ nhì.
Dưới sự phò tá của Kiến-vũ hoàng hậu, Thiếu-sư Trần Thừa, Thái-úy Tự-Khánh, Thái-bảo Phạm Kính-Ân, đất nước dần dần trở lại thanh bình. Mấy năm liền trúng mùa, dân chúng ấm no, học phong chỉnh đốn. Tại hương đảng, nhờ hệ thống tổ chức của bang Lĩnh-Nam, không còn nạn cường hào ác bá, cũng chẳng có nạn chủ điền bóc lột tá tiền. Trộm cướp gần như biến mất. Nhân tâm đều hướng về họ Trần: Phải chi Trần Thừa làm vua, thì dân còn sung sướng hơn nhiều.
Thế rồi tin từ nội cung đưa ra: Nhà vua bị chứng điên, uống rượu say, ngủ li bì suốt ngày. Có khi ngài xưng là Thiên-tướng giáng trần, tay cầm giáo, tay cầm mộc múa cho đến khi mệt lử mới thôi.
Kể từ niên hiệu Trị-bình Long-ứng thứ năm (DL.1209, Kỷ-Tỵ) đời vua Cao-tông, là năm bọn Quách Bốc khởi loạn, cho đến nay là niên hiệu Kiến-gia thứ 13 (DL.1223, Quý-Mùi) trải 15 năm, dân chúng đều có cảm tưởng triều Lý không còn nữa. Trong dân chúng, người ta chỉ nhắc đến ân đức của Trần Thừa, công lao dẹp loạn của Trần Tự-Khánh, và tài tổ chức an dân nông thôn của Trần Thủ-Độ.
Tuy vậy trong nước vẫn còn còn hai sứ quân Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng. Nguyễn Nộn giữ vùng Phù-đổng, xưng là Hoài-đạo vương. Đoàn Thượng chiếm giữ Hồng-châu xưng là Đông-hải đại vương. Hai người kéo cao cờ nghĩa Diệt Đông-a, trung hưng Tiêu-sơn. Sự thực, hai người cũng chẳng trung thành gì với triều Lý, nhưng cả hai đều biết rằng mình có mối thâm thù bất cộng đái thiên với Trần Thủ-Độ. Mà trên thực tế thì Trần Tự-Khánh giữ chức Phụ-quốc Thái-úy, nhưng Thủ-Độ lại là Tổng-lĩnh Thiên-tử binh, Ngưu-binh, Kỵ-binh, kiêm Tổng-lĩnh thị vệ, kiêm luôn Tổng-trấn Thăng-long. Hai người biết rằng nếu về hàng, thì tuy được quan cao cực phẩm, nhưng e sẽ bị Thủ-Độ trả thù xưa, khó toàn tính mạng. Hai người biết mình đã lâm thế cỡi cọp, thì không xuống được. Vì vậy cứ phải cầm cự. Thủ-Độ muốn đem quân dẹp, thì Tự-Khánh khuyên :
- Họ Lý làm vua đã trên hai trăm năm. Oán thù tuy nhiều, nhưng ân đức cũng có. Trong nước không thiếu gì người muốn làm giặc, mượn danh phù Lý. Nhưng đã có Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn rồi, chúng không thể làm được nữa. Vậy ta cứ để cho hai đứa cát cứ, chúng sẽ là nơi hút những kẻ muốn tôn phù Lý, để ta có cớ giết chết, mà khỏi phải kết vào các tội khác.
Bệnh tình nhà vua mỗi ngày càng thêm nặng, không biết sẽ băng hà lúc nào, mà ngài lại chưa có hoàng nam. Kiến-vũ hoàng hậu chỉ sinh được hai công chúa. Công chúaThuận-Thiên sinh năm Kiến-gia thứ 6 (DL.1216, Bính-Tý) , năm nay mới 8 tuổi. Công chúa Chiêu-Thánh sinh năm Kiến-gia thứ 8 (DL.1218, Mậu-Dần), năm nay mới 6 tuổi. Tôn thất lo lắng, dâng biểu xin nhà vua theo gương vua Nhân-tông, nuôi con em trong hoàng tộc, lập làm Thái-tử để yên lòng trăm họ. Nhưng nhà vua gạt đi, vì ngài còn trẻ, mới có 30 tuổi.
Ghi chú của thuật giả
Công-chúa Chiêu-Thánh sau được truyền ngôi vua, hiệu là Chiêu-Hoàng. Trong gia phả các chi họ Trần đều ghi rõ niên canh bát tự của Chiêu-Hoàng như sau: Sinh ngày 4 tháng 9, giờ Thân, năm Mậu-Dần. Còn niên canh bát tự của công chúa Thuận-Thiên, thì không sách nào ghi cả.
Bàn về số Tử-vi của vua, chúa, thì không cần phải để ý đến cung quan, tài, di mà cần xét xem cung mệnh có lớn không mà thôi. Xét lá số Tử-vi của Chiêu-Hoàng, thì mệnh cực tốt: Thiên-cơ, Thái-âm thủ mệnh tại Dần, cát tinh phù có Khoa, Quyền, Xương, hợp chiếu còn được bộ Tả, Hữu. Hiềm vì mệnh ngộ Kỵ thì bao nhiêu tốt đẹp, sẽ bị phá. Nên sau này ngài đi tu, đắc quả Bồ-tát.
Đất nước cứ như giòng nước êm đềm trôi, cho đến ngày 11 tháng 12 niên hiệu Kiến-gia thứ 13 (DL.1223, Quý-Mùi), một biến cố lớn xẩy ra. Ngày ấy, vào giờ Dậu, nhà vua đang say khướt, Kiến-vũ hoàng hậu đang ngồi duyệt các tấu chương, thì có tin báo phu nhân của Thái-úy Trần Tự-Khánh là Phan Mỹ-Vân, xin yết kiến khẩn cấp. Hoàng-hậu vội đánh thức vua dậy, nhưng vô ích, ngài say li bì. Hoàng-hậu tùng quyền ra tiếp chị dâu. Thấy mặt Mỹ-Vân tái xanh, Kiến-vũ hoàng hậu phát run, hỏi:
- Thưa chị, có gì không lành vậy?
- Anh Khánh vừa từ trần.
Hoàng-hậu kinh hãi:
- Anh có bệnh gì đâu?
- Hồi chiều đi duyệt binh về, anh kêu nhức đầu, chóng mặt, rồi buồn nôn. Thần sai thân binh thỉnh Ngự-y. Ngự-y chưa kịp tới thì anh ấy đã từ trần. Khi Ngự-ý tới chẩn mạch, người nói rằng anh bị Trúng-phong huyền dựng.
Ghi chú của thuật giả:
Theo gia phả của các chi họ Trần, thì những đời trước của Trần Thừa, Trần Tự-Khánh đều rất thọ. Đến Trần Thừa, Trần Tự-Khánh thì tuổi thọ giảm quá mau.
Trần Tự-An thọ 100 tuổi (978-1078).
Trần Tự-Mai thọ 87 tuổi (1012-1099).
Trần Vỵ-Hoàng thọ 81 tuổi (1042-1123).
Trần Tự-Quang thọ 93 tuổi (1073-1166).
Trần Tự-Kinh thọ 87 tuổi (1103-1190).
Trần Tự-Hấp thọ 74 tuổi (1132-1206).
Trần Lý thọ 59 tuổi (1151-1210).
Trần Thủ-Huy thọ 105 tuổi (1152-1257)
Trần Thừa thọ 51 tuổi (1183-1234)
Trần Tự-Khánh thọ 39 tuổi (1184-1223).
Căn cứ vào chứng trạng ghi trong gia phả, thì Tự-Khánh chết vì chứng Trúng-phong huyền dựng do can dương nội động. Tương đương với Tây-y là huyết áp cao (Hypertension artérielle), rồi đưa đến tai biến mạch máu não (AVC).
Chức tước cuối cùng của Tự-Khánh là Phụ-quốc Thái-úy, Tả Kim-ngô thượng tướng quân, Uy-viễn đại học sĩ, Thuần-nghĩa quốc công. Lúc hoăng được truy phong:
Thái-sư thượng trụ quốc,
Long công, thịnh đức,
Vũ thắng, anh huân,
Nhân ái, trung liệt,
Kiến-quốc Đại-vương.
Kiến-vũ hoàng hậu ban chỉ gọi quan Tổng-lĩnh thị vệ, kiêm Tổng-trấn Thăng-long nhập cung ngay. Hơn khắc sau, Thủ-Độ vào. Hoàng-hậu ban chỉ:
- Lập tức đóng chặt các cửa thành. Cho thị vệ canh gác các cung điện, cùng Hoàng-thành, rồi mời các quan vào thiết triều khẩn cấp.
Giờ Tý ngày 12, các quan tề tựu đầy đủ tại điện Uy-viễn. Kiến-gia hoàng đế với Kiến-vũ hoàng hậu tới.
Lễ nghi tất.
Nhà vua loan báo với các quan về việc Thái-úy Trần Tự-Khánh đột ngột từ trần, rồi ban chỉ thay thế nhân sự như sau:
- Trần Thừa được phong: Kiểm-hiệu Thái-sư, Bình-chương quân quốc trọng sự, Phụ-quốc Thái-úy, tước Trung-hòa vương.
- Phùng Tá-Chu được phong: Hiệp-tán Thái-bảo, Thượng-thư tả bộc xạ (Tể-tướng), Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Chiêu-văn quan đại học sĩ, Giám-tu quốc sử, Đại Đô-đốc, Long-biên quốc công.
- Phạm Kính-Ân được phong: Dao-thụ Thái-phó, Thượng-thư hữu bộc xạ (Tể tướng), Đồng Bình-chương sự, Thượng-thư lệnh, Đông-triều qốc công.
- Tô Trung-Từ được phong: Đặc-tiến Thiếu-sư, Tham-tri chính sự (Phó Tể-tướng), Binh-bộ thượng thư, Phụ-quốc đại tướng quân, Càn-nguyên điện đại học sĩ, Sơn-Nam quốc công.
- Trần Thủ-Độ được phong: Phiêu-kỵ thượng tướng quân, Tổng-lĩnh Thiên-tử binh, Long-thành Tiết-độ sứ, Tổng-lĩnh thị vệ, kiêm quản Khu-mật viện, Uy-viễn đại học sĩ, Tiên-yên quốc công.
- Phan Lân được phong: Vũ-kỵ thượng tướng quân, Khu-mật viện sứ, Kinh-Bắc tiết độ sứ, Tổng-lĩnh Kỵ-binh, Ngưu-binh, Hồng-châu quốc công.
Niên hiệu Kiến-gia thứ 14 (DL.1224, Giáp-Thân).
Bệnh tình nhà vua càng thêm trầm trọng. Các Ngự-y đều bó tay. Giữa lúc đó thì con quỷ ba đầu lại xuất hiện tại Đông-cung, là nơi của Thái-tử ở. Nhưng từ ngày Long-Sảm lên ngôi vua thì Đông-cung bỏ hoang. Lần khác, trong khi Kiến-vũ hoàng hậu đang thính chính tại triều thì nó xuất hiện giữa ban ngày tại cung Long-thụy nhát nhà vua. Nhà vua sợ quá, ngất đi đến nửa ngày mới tỉnh.
Sang tháng 10, bệnh nhà vua trở thành nguy ngập. Tôn thất, triều đình hội lại nghị sự tâu xin lập Thái-tử. Sau khi bàn với Hoàng-hậu trong hai ngày, nhà vua quyết định lập công chúa Chiêu-Thánh làm Thái-tử. Khi chiếu chỉ ban ra, bị hoàng tộc phản đối dữ dội. Vì họ muốn nhà vua chọn một thiếu niên thông minh trong hàng tôn thất, đem vào cung nuôi dạy, rồi lập làm Thái-tử. Ngược lại, các đại thần thì rửng rưng trước biến cố này. Vì từ lâu rồi, trong tâm tư của họ, thì triều Lý không còn nữa. Việc cai trị hoàn toàn do Trung-hòa vương Trần Thừa cùng các quan làm. Mấy năm qua quốc gia vô sự, dân sống an vui, học phong thịnh, mùa màng trúng.
Giữa tháng 10, bệnh nhà vua biến đổi. Suốt ngày hò hét, chạy nhảy như trẻ con. Từ sáng đến tối, không múa hát thì lại ngủ li bì. Tôn thất, hoàng tộc cho rằng nhà vua bị ma trêu, quỷ ám. Họ nghĩ đến con quỷ ba đầu, là hồn ma của Thái-tử Long-Xưởng trả cái thù vua Cao-tông chiếm mất ngôi. Họ còn tin rằng, việc Long-Xưởng với vợ, con, gia thuộc bị cướp giết cả nhà là do vua Cao-tông với Chiêu-Thiên thái hậu đã ra tay. Nên bây giờ con quỷ ba đầu nhập vào nhà vua, để trả thù. Họ mời sư Chân-Minh, trị sự chùa Chân-giáo vào Đông-cung cũ, nay bỏ hoang ; làm chay, giải oan cho mấy trăm người chết liền 49 ngày.
Thế nhưng bệnh nhà vua không thuyên giảm.
Biết bệnh mình không khỏi được nữa, nhà vua bàn với Kiến-vũ hoàng hậu, rồi ban chỉ truyền ngôi cho Thái-tử Chiêu-Thánh. Còn ngài thì đi tu ở chùa Chân-giáo trong thành. Thái-tử lên ngôi, lấy niên hiệu là Thiên-chương hữu đạo nguyên niên, quần thần tôn hiệu là Chiêu-Hoàng. Tân quân ban chỉ đại xá thiên hạ, tôn phụ hoàng làm Thái-thượng hoàng, tôn Hoàng-hậu Kiến-vũ làm Linh-từ Kiến-vũ hoàng thái hậu. Vì tân quân còn nhỏ tuổi, triều đình thể theo lệ có từ hồi vua Cao-tông, chọn Tứ-trụ đại thần nhiếp chính. Đó là:
Đệ nhất là Thái-sư Trần Thừa, lĩnh Bình-chương quân quốc trọng sự, thống bách quan, bình thứ chính (Tức chỉ huy tất cả các quan, cai trị trăm họ).
Đệ nhị là Hiệp-tán Thái-bảo Phùng Tá-Chu, lĩnh quyền Tể-tướng.
Đệ tam là Dao-thụ Thái-phó Phạm Kính-Ân, lĩnh quyền phó Tể-tướng, nhiếp các bộ Hộ, Lễ, Công.
Đệ tứ là Đặc-tiến Thiếu-sư Tô Trung-Từ lĩnh quyền phó tể tướng lĩnh các bộ Binh, Hình, Lại.
Kiến-vũ thái hậu buông rèm thính chính.
Thăng các quan lên một bậc.
Sau khi Thượng-hoàng thọ giới tỳ kheo với sư Chân-Minh, lấy đạo hiệu là Huệ-Quang. Thái-hậu với Trung-Hòa vương Trần Thừa làm phụ chính. Về chính sự, nhân sự nhất thiết giữ nguyên.
Tổng-lĩnh thị vệ Trần Thủ-Độ được lệnh chỉ hộ tống Thượng-hoàng rời Hoàng-thành ra chùa Chân-giáo. Có ba thái giám cũng thọ giới, theo hầu ngài. Lạ lùng thay, từ lúc ra chùa Chân-giáo, bệnh tình Thượng-hoàng giảm mau lẹ. Ngài không còn hò hét, ca hát nữa. Suốt ngày ngài ngồi trên bồ đoàn nhập thiền.
Ghi chú của thuật giả
Đoạn này, gia phả của con cháu Trần Ích-Tắc chép rất chi tiết. Xin nhắc lại, Chiêu-quốc vương Trần Ích-Tắc là con của công chúa Thuận-Thiên, tức là cháu ngoại của vua Huệ-tông. Cho nên trong gia phả con cháu vương chép về nhà vua bằng giọng văn cực kỳ kính trọng. Tạm lược dịch một đoạn :
Trung-vũ đại vương (Ghi chú : Tức Trần Thủ-Độ) thân đánh xe đưa đại sư Huệ-Quang (Tức Huệ-tông) ra chùa Chân-giáo. Giáp-sĩ hai hàng, nghi trượng rực rỡ đi hai bên. Hòa-thượng Chân-Minh đón ở cổng chùa, nói rằng :
- Đại phàm đã vào chốn Không-môn thì những gì của trần tục như vua quan, giầu nghèo, già trẻ không còn nữa. Nay Thượng-hoàng bỏ ngôi báu, tìm lẽ giải thoát, mà còn dùng báu xa, nghi trượng, thì sao thoát khỏi trầm luân ? Bây giờ thì nào là Kiến-gia thiên tử, nào là triều đình, nào là Hoàng-thành nào là Long-an, Long-thụy, đều trở thành không cả. Lẽ vô thường là thế đó.
Rồi dẫn Huệ-Quang vào tăng phòng chỉ có cái bồ đoàn bằng rơm, giảng yếu chỉ kinh Kim-cương. Huệ-Quang thọ lĩnh rất mau. Chỉ sau một tuần, Huệ-Quang trở thành trầm mặc, không còn la hét, ca hát nữa.
Hơn tháng sau, Trung-vũ đại vương vâng chỉ ra chùa thăm Huệ-Quang, thì thấy ngài đang xuất thần đứng tần ngần dưới gốc cây chép bài sấm khắc trên thân (Xem hồi 33). Vương hỏi :
- Có hiểu không ?
- Tối nghĩa quá. Ta không hiểu được.
Bèn giảng :
- Thiên-đia huyền hoàng là trời đất này ảo diệu vô cùng, khó ai biết trước. Cương la mênh mang, là lưới trời lồng lộng. Kẻ nào làm ác, thì trước sau gì cũng mắc lưới trời. Dĩ oán báo đức, là lấy oán hận mà báo ân đức. Thập bát tử thành. Chữ thập, chữ bát, chữ tử là chữ lý đấy. Họ Lý đã lấy oán báo đáp lại kẻ có ơn với mình.
Hỏi :
- Thế còn các câu sau ?
- Tự tìm hiểu lấy.
Sư Chân-Minh thuật chuyện cũ : Gần hai chục năm trước, Trung-vũ đại vương bị 5 người đánh đến chết đi sống lại, sau thoát được, từng ngất đi dưới gốc cây này. Huệ-Quang tỉnh ngộ, nhớ lại rằng chính mình cùng bọn Phạm Bỉnh-Du, Đoàn Thượng đã đánh Trần Thủ-Độ. (Ngài) nhìn Vương, rồi cúi đầu xuống không nói gì. Vương nói với Huệ-Quang :
- Trước kia đã gây nghiệp, thì không thể nào tránh khỏi quả. Hãy liệu mà trả đi chứ ?
Thời gian Chiêu-Hoàng làm vua rất ngắn. ĐVSKTT chép như sau:
Ất Dậu, Thiên-chương Hữu-đạo thứ nhì (DL.1225), từ tháng 12 về sau là niên hiệu Kiến-trung nguyên niên đời vua Trần Thái-tông, bên Trung-nguyên là niên hiệu Bảo-khánh nguyên niên đời Tống Lý-tông.
Mùa Đông tháng 10, ban chiếu tuyển con em đại thần sung vào các chức sắc trong nội cung: Sáu đội lính thị vệ, Chi-hậu (chức văn quan trong cung), Nội nhân thị nội (Chức hầu cận trong cung), ngày đêm thay phiên chầu hầu. Điện-tiền chỉ huy sứ Trần Thủ-Độ coi giữ mọi việc trong Hoàng-thành và Kinh-thành.Cháu gọi Trần Thủ-Độ bằng chú là Trần Bất-Cập làm Cận-thị thư lục chi hậu (Bí thư riêng trong cung). Trần Thiêm làm Chi ứng cục. Trần Cảnh làm Chính-thủ (trình hồ sơ, mài mực, giữ việc chuyển công văn, Cảnh sau là Trần Thái-tông).
Cảnh lúc ấy mới tám tuổi,chực hầu ở bên ngoài. Một hôm phải bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong.Chiêu-hoàng trông thấy, lấy làm ưa. Mỗi khi chơi đêm, cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm Cảnh bưng nước đứng hầu, Chiêu-Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu. Đến khi Cảnh bưng khăn trầu, thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về ngầm nói với Thủ-Độ. Thủ-Độ nói: "Nếu được như thế thì họ nhà ta thành hoàng tộc hay diệt tộc đấy". Lại một hôm, Chiêu-Hoàng lấy khăn trầu ném cho Cảnh. Cảnh lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không?Thần xin vâng mệnh".Chiêu-hoàng cười và nói: "Tha tội cho người chứ! Nay người đã khôn rồi đó". Cảnh về nói với Thủ-Độ. Thủ-Độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả nhà. Bấy giờ mới đem gia thuộc thân thích vào trong Hoàng-thành. Lại truyền đóng cửa thành, các cửa cung, sai người canh giữ. Các quan muốn vào chầu không vào được.Thủ-Độ báo với các quan:"Bệ-hạ có chồng rồi". Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu.
Ngày 21 tháng 10, các quan vào chầu lạy mừng. Chiêu-Hoàng xuống chiếu rằng:
"Từ xưa, nước Nam Việt đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối trên hai trăm năm. Chỉ vì Thượng-hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng suy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi. Từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nỗi, trẫm là nữ chúa, tài đức không đủ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm đấng hiền lương quân tử để cùng giúp chính sự, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi.
Kinh Thi có câu:
Quân tử hảo cầu,
Cầu chi bất đắc.
Ngụ mị tư phục,
Du tai du tai.
(Quân tử tìm bạn, cầu mãi không được, thức ngủ không nguôi, buồn thay, buồn thay).
Nay trẫm suy đi, tính lại một mình, duy có Trần Cảnh văn chất đầy đủ, thực là thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thần văn thánh võ, dù Hán Cao-tổ, Đường Thái-tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ kỹ từ lâu, xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ, mọi người đều biết".
Tháng 12 ngày 11, Mậu Dần, Chiêu-Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên-an, ngự trên sập báu. Các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu-Hoàng trút bỏ ngự bào, mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến-trung nguyên niên, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện-Hoàng (Hoàng đế được nhường ngôi), sau đổi là Văn-Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là :
Khải vận, lập cực, chí nhân, chương hiếu hoàng đế.
Phong Trần Thủ-Độ làm Quốc-thượng phụ, nắm giữ mọi việc trị nước.
Thủ-Độ nói: "Hiện nay giặc cướp đều nổi, họa loạn ngày tăng. Đoàn Thượng giữ mạn Đông, Nguyễn Nộn giữ mạn Bắc. Các châu Quảng-oai, Đại-viễn cũng chưa dẹp yên. Triều Lý suy yếu, thế nước chông chênh, nữ chúa Chiêu-Hoàng không gánh vác nổi, mới ủy thác cho Nhị-lang (Trần Cảnh là con trai thứ nhì Trần Thừa. Con cả là Trần Liễu). Nhưng Nhị-lang chưa am hiểu việc nước, chính sự nhiều chỗ thiếu sót, mà vận nước mới mở, lòng dân chưa an, mối họa thực không nhỏ. Ta tuy là chú, mà học thức không nhiều, còn phải rong ruổi Đông,Tây để dẹp giặc cướp. Không gì bằng tôn thánh phụ làm Thượng-hoàng tạm coi việc nước. Một hai năm sau, thiên hạ nhất thống, lại giao quyền cho Nhị-lang". Các quan đều cho là phải, mời Thánh-phụ Trần Thừa nhiếp chính.
(ĐVSKTT, Lý kỷ, Chiêu-Hoàng kỷ).
Ghi chú của thuật giả
Qua bộ Anh hùng Đông-a,, độc giả biết rõ ràng nhờ đâu, do đâu, làm thế nào, mà họ Trần được thiên hạ; chứ không đơn thuần nhờ nhan sắc.
Từ xưa, khi nghe nói Trần gia dĩ nhan sắc đắc thiên hạ, người ta cứ cho rằng nhờ Linh-từ Kiến-vũ hoàng thái hậu, nhũ danh Trần Kim-Dung có nhan sắc, làm vợ vua Lý Huệ-tông, rồi họ Trần được ngôi vua. Nhan sắc đây không hẳn chỉ một mình Linh-từ thái hậu, mà nhờ Trần Cảnh đẹp trai, được Chiêu-Hoàng cưới làm chồng, rồi được truyền ngôi vua. Chỉ độc giả Anh hùng Đông-a mới biết rõ uyên nguyên mà thôi.
Ngôi vua từ họ Lý sang họ Trần, là một biến cố cực kỳ vĩ đại. Nếu biến cố này xẩy ra ở Trung-quốc, ít ra các sử gia cũng chép hàng trăm trang. Thế nhưng dù ĐVSKTT, dù VSL, dù KĐVSTGCM, cũng cũng chỉ chép không quá một trang. Xét kỹ biến cố này, ta thấy đây là một vở kịch dàn cảnh có lớp lang.
Thứ nhất, Từ trước đến giờ các sử gia thường tin vào mấy giòng trên đây của ĐVSKTT mà cho rằng cuộc hôn nhân Trần Cảnh Chiêu-Hoàng, cũng như việc truyền ngôi do Trần Thủ-Độ xếp đặt. Tôi thấy hoàn toàn vô lý. Bởi Linh-từ Kiến-vũ hoàng thái hậu là mẹ của Chiêu-Hoàng, buông rèm thính chính. Nói khác đi, là bà làm vua. Trần Thừa là cha Trần Cảnh làm Thái-sư Bình-chương quân quốc trọng sự, phụ chính ở ngoài. Trong khi Thủ-Độ chỉ là Điện-tiền chỉ-huy sứ. Nếu không có lệnh của Thái-hậu, của Trần Thừa, liệu Thủ-Độ có dám làm không?
Thứ nhì. Vua Lý Huệ-tông có hai công chúa. Công chúa Thuận-Thiên năm trước mới chín tuổi, đã hạ giá với con trưởng Trần Thừa là Trần Liễu. Bây giờ Chiêu-Hoàng mới tám tuổi, đã...lấy Trần Cảnh. Cuộc hôn nhân xếp đặt rõ ràng: Xưa nay, những con trai muốn vào hầu trong cung làm thái giám thì một là sinh ra...cái ấy teo như quả ớt, hoặc ái nam, ái nữ. Hai là phải tĩnh thân, làm cho thân thể trong sạch, tức cắt...cái nớ đi. Thế mà người cầm quyền phụ chính là Thái-sư Trần Thừa lại cho tuyển toàn bọn đực đẹp trai đem vào cung. Rồi Linh-từ Kiến-vũ thái hậu, làm chúa hậu cung cũng chấp thuận. Như thế rõ ràng hai vị muốn cho lửa của các cậu con cháu họ Trần, gần rơm Chiêu-Hoàng, hỏi sao không bùng cháy?
Thứ ba, việc triều thần tôn Điện-tiền chỉ huy sứ, phò mã Lý Công-Uẩn lên ngôi vua trước đó 216 năm, được coi là có chính nghĩa. Thì nay, cuộc hôn nhân Trần Cảnh Chiêu-Hoàng đưa đến việc nhường ngôi, còn có chính nghĩa hơn nhiều, vì có Linh-từ Kiến-vũ thái hậu chủ trương bên trong; bên ngoài chính nữ chúa ban chiếu nhường ngôi. Sau đó nữ chúa được phong hoàng hậu.
Ở đây, thuật giả xin giải thích một vài uẩn khúc, để độc giả trẻ tuổi ở hải ngoại hiểu thêm. Tại sao Chiêu-Hoàng vốc nước té vào mặt Trần Cảnh, ném khăn cho Trần Cảnh, mà Thủ-Độ lại sợ bị giết cả nhà? Bởi theo quan niệm cổ, khi Chiêu-Hoàng vốc nước vào người Cảnh, có nghĩa: Ta đem nước cho người. Ném khăn, có nghĩa ta bằng lòng làm vợ người. Theo ngu ý thuật giả, thì dù mới lên tám, Trần Cảnh Chiêu-Hoàng cũng có thể tò mò...thử lửa với nhau. Ngày nay, các thiếu niên năm sáu tuổi từng làm đám cưới giả. Biết đâu, Thủ-Độ không dạy Trần Cảnh...rằng trong lúc Chiêu-Hoàng âu yếm giả, thì...làm thực.
Sau này, thi sĩ Tản-Đà có làm bài thơ Chiêu-Hoàng lấy chồng như sau:
Quả núi Tiêu-sơn có nhớ công?
Mà em bán nước để mua chồng?
Ấy ai khôn khéo trò gian díu?
Cái nợ huê tình có biết không?
Một gốc mận già thôi cũng phải.
Hai trăm năm lẻ thế là xong.
Hỏi thăm sư cụ chùa Chân-giáo,
Đám cưới nhà ai mũ áo đông?
Trong ĐVSKTT, Ngô Sĩ-Liên đã bình luận về việc này như sau:
"Đến thời Huệ-tông, cái độc hại cho thiên hạ đã ngấm sâu lắm. Trong khi vua không phải là người tài ba, cương nghị. Bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém. Muốn chữa cái độc hại quá sâu, thì chẳng thể nào làm nổi. Huống chi vua lại bị chứng hiểm, chữa không khỏi, lại không có con trai nối nghiệp. Thế là đềm nguy vong đã hiện ra rồi. Tương truyền, vua Lý Thái-tổ, mới được thiên hạ, xa giá về Cổ-pháp, ngự chơi ở chùa Phù-đổng, có thần nhân đề thơ ở cột rằng:
Nhất bát công đức thủy,
Tùy duyên hóa thế gian.
Quang quang trùng chiếu chúc,
Một ảnh nhật đăng san.
Nghĩa là:
Một bát nước công đức,(Của Phật).
Theo duyên sinh thế gian,
Sáng rực hai đuốc rọi.
Mặt trời gác núi tàn.
Sư Vạn-Hạnh chép dâng lên. Lý Thái-tổ xem xong nói: "Việc thần nhân thì không thể hiểu được".
Người đời truyền tụng, không ai hiểu nghĩa thơ ấy nói gì. Đến khi nhà Lý mất, mới hiểu thơ ấy là nghiệm. Vì từ Thái-tổ đến Huệ-tông là tám đời. Mà Huệ-tông tên Sảm tức mặt trời gác bóng. Thế thì nhà Lý được vua là tự trời, mà mất cũng là tự trời vậy.
(ĐVSKTT, Lý kỷ, Chiêu-Hoàng kỷ)
Trong hồi thứ nhất, thuật giả đã trình bầy bài sấm Cổ-pháp, đoán trước nhà Trần thay nhà Lý bằng câu :Đông-a nhập địa.
Sau đó nhà Lê lên thay bằng câu: Dị mộc tái sinh.
Thêm bài sấm Chân-giáo đã giải trong hồi 33:
Long sa thử địa,
Ty thằng u hoang.
Rồng rớt xuống chỗ đất này,
bằng sợi tơ thắt cổ, chỉ vua Lý Huệ-tông thắt cổ chết trên cây ấy.
Trong bài sấm trên đây:
Nhất bát công đức thủy,
(một bát nước công đức nhà Phật. Bát còn có nghĩa là tám. Chỉ nhà Lý làm vua được tám đời.)
Tùy duyên hóa thế gian.
(Theo duyên nhà Phật mà biến vào trần gian.)
Quang quang trùng chiếu chúc,
Một ảnh nhật đăng sơn.
(Sáng rực hai lần đuốc rọi.
Ảnh sẽ mất khi mặt trời gác trên núi.)
Vua Lý Huệ-tông có tên là Hạo-Sảm. Chữ Hạo gồm có chữ Nhật trên chữ Thiên . Chữ Sảm gồm chữ Nhật đặt trên chữ Sơn . Vì tên vua có hai chữ Nhật trên chữ Thiên , nên sấm mới nói: Hai lần đuốc rọi. Triều Lý hết khi mặt trời gác trên núi: Để chỉ chữ Sảm gồm chữ Nhật trên chữ Sơn.
Sấm ký, giáng bút trong quá trình lịch sử Đại-Việt rất nhiều. Quý vị độc giả thích loại văn học thần bí này, xin đọc:
Sấm ký và Giáng bút
với
Việt-Nam 1925-2025.
Của Nam-Thiên,
do Xuân-thu Hoa-kỳ ấn hành 1998.
Địa chỉ liên lạc:
Nam-Thiên.
30 Freeman Rd.
Durack, Qld 4077, Australia.