Niên hiệu Nguyên-phong nguyên niên đời vua Thái-tông nhà Trần (DL.1251, Tân Hợi), bên Trung-quốc, phương Nam nhằm niên hiệu Thuần-hựu thứ 11 nhà Tống; phương Bắc nhằm niên hiệu Nguyên Hiến-tông Mông-Kha nguyên niên.
Hôm ấy là ngày 14 tháng 4. Khắp các thôn, các xã trong vùng Ngũ-yên là Yên-phụ, Yên-dưỡng, Yên-sinh, Yên-hưng, Yên-bang thuộc trấn Đông-triều như chìm vào trong không khí ảm đạm, thê lương. Dân chúng ít ra đường. Người người gặp nhau, chỉ liếc mắt nhìn lên, rồi lại cúi đầu lầm lũi đi. Nguyên do: Sáng nay, mõ khắp các thôn, các xã đều rao rằng: Yên-sinh vương lâm bệnh trầm trọng, khó qua khỏi. Ba vương tử là Hưng-Ninh vương Trần Quốc-Tung, Vũ-Thành vương Trần Quốc-Doãn, Hưng-Đạo vương Trần Quốc-Tuấn đang thao diễn Thủy-quân ở Tiên-yên, được tin báo vội vã trở về để nhận di chúc. Vương phi luôn sai ngựa trạm đi thúc ba vương tử về khẩn cấp. Bây giờ là giờ Ngọ, mà tam vị vương tử vẫn chưa về tới.
Kể từ niên hiệu Thiên-ứng Chính-bình thứ 6 (DL.1237, Đinh-Dậu), là năm Yên-sinh vương được cắt đất phong cho làm thang ấp. Vương về đây quy dân, khai thác đến nay trải đã 14 năm. Vùng Ngũ-yên trước kia, dân thưa sống rải rác trong rừng hoang, đầy thú dữ, rắn độc, khí hậu thấp nhiệt. Nay trở thành một vùng đất trù phú, đồng ruộng mênh mông, dân chúng từ các nơi tụ về đông đảo. Nhà nhà giầu có, gia súc nuôi thả khắp đồng cỏ, khắp ven núi, cạnh rừng. Dần dần Ngũ-yên trở thành vùng giầu có nhất nước.
Dân chúng các nơi thấy Ngũ-yên thuế nhẹ, không có nạn cường hào ở thôn xã, quan lại công bằng, trộm cắp không hề xẩy ra. Họ tấp nập tụ về. Yên-sinh vương, vương phi, cùng các vương tử luôn gần dân, thương dân, thăm nuôi người già, an ủi kẻ bệnh, giúp đỡ người nghèo. Thành ra họ coi vương như bậc cha mẹ.
Họ biết vương là anh ruột của Nguyên-Phong hoàng đế (Trần Thái-tông). Nhưng họ không hề thấy vương về Thăng-long triều kiến. Họ cũng không thấy triều đình cử các quan đến Ngũ-yên cai trị. Luật lệ của triều đình dường như không được thi hành ở Ngũ-yên. Ngũ-yên như một nước riêng biệt, không thống thuộc triều đình.
Hầu hết những anh hùng võ lâm, những kẻ sĩ, những người bất mãn với triều đình, đều tụ tập về Ngũ-yên. Yên-sinh vương chiêu nạp họ làm tân khách. Họ không có nhà thì cấp nhà. Họ không có ruộng thì cấp ruộng. Họ không có tiền thì cấp tiền. Trong vương phủ, có hàng trăm dẫy nhà, để cưu mang hàng mấy nghìn tân khách. Dần dần, bao nhiêu tinh hoa của võ lâm, bao nhiêu bậc văn tài của trời Nam, đều tụ về Ngũ-yên cả.
Dân chúng Ngũ-yên sống trong hạnh phúc. Họ chẳng hiểu tại sao vùng Ngũ-yên lại không bị triều đình quản chế. Có một vài người biết chuyện. Họ thì thầm với nhau rằng giữa nhà vua với vương có một mối thâm thù, mà lỗi về phía nhà vua. Cho nên suốt vùng đất Ngũ-yên, vương muốn làm gì thì làm, nhà vua cũng phải nhắm mắt lờ đi. Triều đình không ai dám đề cập tới. Ngay cả người có uy quyền lớn nhất, bao trùm nhà vua là Quốc Thượng-phụ Trần Thủ-Độ cũng làm lơ chuyện Ngũ-yên.
Sang giờ Thân, thì tam vị vương tử về tới. Tam vị bái kiến vương mẫu rồi vào thăm phụ vương. Yên-sinh vương đã mệt mỏi lắm rồi. Ngài ngồi trên giường, dựa lưng vào cái gối lớn, mắt lờ đờ nhìn vào không gian. Thấy ba con trở về, thần thái của vương trở thành linh hoạt. Hai mắt sáng rực, mặt hồng hào. Vương vẫy tay ra hiệu miễn lễ, rồi ban chỉ:
- Ba con về vừa kịp. Bằng không, ta ra đi, mà không để di chúc cho các con, thì đành ôm hận xuống suối vàng. Vậy các con ra gọi tất cả anh em, cùng 18 tân khách thân tín vào đây.
Mọi người tề tựu quanh giường bệnh. Yên-sinh vương cất giọng trầm trầm nói:
- Các vị là tân khách của ta. Các vị đã cùng ta luận bàn quốc sự. Các vị đã cho ta những lời khuyên, vì vậy ta coi các vị như bậc thầy. Bây giờ, biết rằng gần đất xa trời, ta mời các vị vào đây để trao di chúc.
Các tân khách đều im lặng, vì họ biết lúc này là lúc quan trọng nhất, thiêng liêng nhất của đời người.
Vương chỉ vào một thiếu niên dáng người hiền hòa, tai to, mặt trông giống như đức Thích-ca Mâu-ni :
- Đây là con trưởng của ta tên Quốc-Tung. Bẩm sinh tính khí ôn hòa, tâm mở rộng như trời như, biển; thương xót dân chúng như thương xót con cháu. Tung lại sớm ngộ đạo từ bi, không tham danh lợi. Trong các con ta, Tung là người bác học đa năng, nghe rộng, nhớ dai. Phúc đức giòng họ ta sau này nếu có là nhờ Tung. Chính sách nuôi dân, chăm sóc dân, tổ chức học phong vùng Ngũ-yên là do Tung nhi.
Vương lại chỉ vào một thiếu niên uy vũ, mắt rồng, mũi lân, dáng người như Thanh-y đồng tử trong tranh:
- Đây là con thứ của ta, tên Quốc-Tuấn. Quốc-Tuấn có tài nghiêng trời lệch đất, giỏi tổ chức binh bị. Ta e Tôn Vũ, Ngô Khởi cũng không hơn. Lực lượng quân sự Ngũ-yên mạnh như ngày nay, hoàn toàn do Tuấn nhi. Suốt vùng Ngũ-yên ra Bắc-biên, mười năm qua không trộm, chẳng cướp là do Quốc-Tuấn.
Lại chỉ vào một thiếu anh tuấn:
- Đây là con thứ của ta tên Quốc-Doãn. Cả Tung, Tuấn lẫn Doãn đều là những thiếu niên có chí khí dọc ngang trời đất, có tài lấp biển vá trời. Cả ba đều có thể nối chí của ta.
Vương chỉ vào một thiếu niên thân thể hùng vĩ, mặt đẹp như ngọc:
- Đây là cháu Trần Tử-Đức của ta, tước phong Phú-lương hầu, lĩnh ấn Trung-vũ thượng tướng quân, hiện chỉ huy ba hiệu bộ binh của Ngũ-yên. Võ công Đức cực cao. Tính tình cương trực. Sau này có thể trao việc lớn.
Lại chỉ vào một người dáng dấp như một văn nhân:
- Đây là một thiếu niên, mà ta yêu thương như con đẻ, tên Phạm Cụ-Chích. Chích mồ côi, phải đi ở chăn trâu, bị đời khinh khiến. Ta đem về nuôi dạy. Chích hiện lĩnh ấn Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, coi hiệu Ngưu-binh của Ngũ-yên. Tính tình ngay thẳng, biết yêu thương kẻ dưới, nên tương lai có thể thành một Ngô Khởi.
Vương ngừng lại thở hai hơi, rồi chỉ vào một người da đen, mắt sáng như sao:
- Người này là bạn ta, dòng dõi vua Lê, hiện là sư đệ, cũng là em ruột của chưởng môn phái Sài-sơn Lê Ngân-Sơn, được võ lâm tặng cho mỹ danh Nam-thiên tam tuyệt. Đệ nhất tuyệt là khinh công. Đệ nhị tuyệt là mưu thần, chước thánh. Đệ tam tuyệt là thuật kỵ mã. Lê đệ hiện lĩnh ấn Vũ-kỵ thượng tướng quân, coi hiệu Kỵ-binh Phù-Đổng. Tiến trình tương lai của Lê đệ thực vô cùng rộng lớn.
Vương ngừng lại, hít một hơi dài, rồi tiếp:
"...Thời vua Cao-tông nhà Lý, vì nghe lời gian thần, giết cha con một tướng tài có công là Phạm Bỉnh-Di, Phạm Bỉnh-Du, mà có loạn. Đức Nguyên-tổ nhà ta (Trần Lý) nhân đó suất lĩnh hào kiệt dẹp loạn, lập lại thời thịnh trị. Đức Nguyên-tổ băng, đức Thái-tổ khai vận, lập cực, hoằng nhân, ứng đạo, thuần chân, chí đức, thần vũ, thánh văn, thùy dụ, chí hiếu hoàng đế (Trần Thừa) cùng em là Kiến-quốc đại vương (Trần Tự-Khánh) đánh Đông, dẹp Bắc, nhân tâm quy phục.
Vua Huệ-tông nhà Lý không con nối dòng, mới nghĩ đến truyền ngôi cho con gái. Người có hai công chúa. Lớn là Thuận-Thiên, đã gả cho ta, lại phong cho ta tước Phụng-càn vương. Nhỏ là Chiêu-Thánh, được lập làm Thái-tử, truyền ngôi thành Chiêu-Hoàng. Nhờ ân đức của đức Thái-tổ nhà ta, mà em ta là Trần Cảnh được kết hôn với Chiêu-Hoàng, rồi được nhường ngôi. Bấy giờ mới tám tuổi. Nhận ngôi vua từ triều Lý, nhân tâm ly tán, giặc dã khắp nơi, đất nước kỷ cương không còn, Cảnh chỉ ngồi trên ngai cho có vị. Việc cai trị thiên hạ, do đức Thái-tổ lèo lái, dần dần đất nước trở lại thanh bình, thịnh trị.
Niên hiệu Thiên-ứng Chính-bình thứ ba (DL,1234. Giáp Ngọ), đức Thái-tổ băng, ta kế vị người được phong Hiển-hoàng, lĩnh Phụ-quốc thái-úy".
Vương ngừng lại, đưa mắt nhìn Quốc-Tuấn:
".... Ba năm sau, giữa ta với Thái-sư Trần Thủ-Độ có chỗ bất đồng trong việc cai trị. Ta thì ta muốn dùng chủ đạo mấy nghìn năm của tộc Việt, mà cai trị dân. Nhất thiết noi theo phong tục, luật lệ của Đại-Việt từ nhiều đời để lại.
Còn Thủ-Độ thì lại muốn đem phong tục của bọn rợ Hung-nô, bọn Thát-đát vào nước ta. Sau những lần tranh cãi, giữa ta với Thủ-Độ đã có nhiều điều tương thuận. Duy điều Thủ-Độ muốn từ nay về sau, trong Hoàng-tộc thì cho con cô, con cậu; con chú, con bác kết hôn với nhau. Phàm Hoàng-hậu thì phải là con chú con bác ruột. Ta cực lực phản đối. Vì như thế là loạn luân. Các Ngự-y cũng đồng ý với ta, bởi nếu như cứ để trong họ kết hôn với nhau, thì con cháu sinh ra sẽ bệnh hoạn, ngu đần, tàn tật. Thủ-Độ cho rằng ta nói móc người. Vì người đã giáng Linh-từ Kiến-vũ thái hậu xuống làm công chúa, rồi lấy làm vợ. Nhân ta thu nạp một cung nhân triều Lý làm tỳ thiếp. Thủ-Độ sai chân tay vu cáo ta cưỡng dâm thị. Triều đình họa theo Độ, đàn hặc ta, rồi giáng ta xuống làm Hoài-vương. Ta giận quá, từ chức Thái-úy. Độ cử Phạm Kính-Ân thay ta để an lòng tướng sĩ".
Ghi chú của thuật giả
Biến cố này, ĐVSKTT,Trần kỷ, Thái-tông kỷ chép :
Bính Thân (DL.1236) niên hiệu Thiên-ứng Chính-bình thứ 6.
...Mùa hạ tháng 6, nước to, vỡ tràn vào cung Lệ-thiên.
Bấy giờ Hiển-hoàng Trần Liễu làm tri Thanh-Từ cung, nhân nước to đi thuyền vào chầu, thấy người cung phi cũ của triều Lý, liền cưỡng dâm ở cung Lệ-thiên. Đình thần hặc tâu, vì thế mới đổi tên cung ấy là cung Thưởng-xuân. Giáng Hiển-hoàng làm Hoài-vương.
Sự kiện này hết sức vô lý. Bởi niên hiệu Kiến-trung thứ nhì (1226), triều đình đã đem tất cả cung nhân, con gái họ hàng Lý Huệ-tông gả cho các tù trưởng người Man ; thì làm gì còn cung phi triều Lý để Hiển-hoàng cưỡng dâm ? Chỉ độc giả AHĐA mới biết rõ sự thực vụ này là : Thủ-Độ muốn hạ uy tín Hiển-hoàng Trần Liễu. Cho nên ngay năm sau mới có vụ đem vương phi của vương là công chúa Thuận-Thiên vào làm hoàng hậu của vua Thái-tông.
Trước đây, các tân khách, cũng như vương tử đều nghe phong phanh rằng, Yên-sinh vương dám kết tội Thái-sư Quốc Thượng-phụ Thủ-Độ với Linh-từ Quốc-mẫu cũng là mẹ vợ, là cô ruột. Không ai hiểu nội vụ ra sao. Bây giờ nghe Vương nói, mọi người mới hiểu rõ.
"... Ta kết hôn với công chúa Thuận-Thiên từ năm công chúa mới 9 tuổi, còn ta đã 15 tuổi. Đến năm công chúa 18 tuổi thì sinh Quốc-Doãn.
Niên hiệu Thiên-ứng Chính-bình thứ 6 (DL.1237. Đinh Dậu), trong cung, Chiêu-Thánh hoàng hậu mới 20 tuổi, chưa sinh hoàng nam. Tôn thất nhà Lý bắt đầu nghị luận. Họ mong Cảnh với Chiêu-Thánh không con, để có cớ đòi lập một tôn thất nhà Lý lên ngôi vua.
Bấy giờ công chúa Thuận-Thiên có thai lần thứ nhì với ta. Thủ-Độ lo sợ, không có kế gì đối phó, mới bàn với Linh-Từ, bắt công chúa Thuận-Thiên lập làm Hoàng-hậu. Độ nghĩ rằng, sẽ dùng con của ta dối rằng con của Cảnh, để bịt miệng thế gian, giữ ngôi vua cho họ Trần. Lại giáng Chiêu-Thánh xuống làm công chúa.
Trước việc làm thương luân bại lý như vậy, ta xuất thân binh đánh chiếm phủ Thái-sư giết Thủ-Độ. Ta chiếm được. Nhưng Linh-Từ quốc mẫu can không cho ta giết lão. Ta rút quân về. Còn Cảnh phải xa Chiêu-Thánh, quá khổ sở, đang đêm lấy ngựa trốn lên chùa Yên-tử, xin với bạn cũ của người là sư Phù-vân, cho thọ giới tỳ kheo.
Thủ-Độ không ngờ anh em ta lại phản đối quyết liệt như vậy. Độ dẫn các quan lên chùa Yên-tử đón vua trở về kinh sư. Vua nói:
" Vì trẫm còn trẻ, không cáng đáng nổi sứ mệnh nặng nề. Phụ hoàng lại vội lìa bỏ, trẫm thiếu chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua, làm nhục Xã-tắc".
Độ nài nỉ nhiều lần không được vua nghe, mới nói với các quan rằng:
"Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó".
Thế rồi Độ cắm nêu trong núi, chỗ này là điện Thiên-an, chỗ kia là gác Đoan-minh, sai người xây dựng.
Sư Phù-Vân thấy thế tâu rằng:
"Bệ hạ nên gấp quay xa giá trở về, chớ để làm hại rừng của trời đất".
Vua trở về Thăng-long thì được tin Chiêu-Thánh mất tích. Tin này làm rúng động triều đình. Thủ-Độ sợ Chiêu-Thánh trốn ra ngoài các trấn, rồi hô hào phục hồi triều Lý thì loạn to. Một mặt Thủ-Độ bắt phải dấu nhẹm chuyện này, rồi ra lệnh cho Khu-mật viện tìm kiếm. Một mặt tìm một thiếu phụ có gương mặt giống Chiêu-Thánh, đem vào cung thay thế. Bí ẩn này, cho đến nay cũng không ai biết. Riêng ta, ta biết Chiêu-Thánh đang ở đâu, nhưng ta không nói ra.
Thủ-Độ đem quân ăn mày bao vây dinh thự của ta.Ta không thèm lý đến y. Ta chờ Cảnh về Thăng-long, lẻn đến giết chết đứa em tàn bạo. Giữa lúc ta sắp hạ thủ, thì Linh-Từ xuất hiện. Người can ta. Võ công ta thấp hơn Linh-Từ một bậc. Ta đành nín nhịn. Linh-Từ giảng giải cho ta biết rằng việc làm nghịch thiên, bạo địa này là do Thủ-Độ, vua cũng là nạn nhân như ta. Anh em ta ôm nhau mà khóc. Chúng ta, biết không làm gì được Độ. Cảnh thiết triều phong cho ta vùng Yên-phụ, Yên-đường, Yên-sinh, Yên-hưng, Yên-bang. Những vùng đất này đều là vùng rừng thiêng nước độc. Phàm quan quân lên trấn nhậm chỉ có đi mà không có về.
Ta căm thù, dẫn vương phi, các con, tộc thuộc lên vùng này. Từ hồi ấy đến giờ, trải 14 năm, nằm gai nếm mật, chờ này phục thù, rửa nhục. Cách đây ba năm Thuận-Thiên băng, trong khi tuổi mới 33. Hồi đầu năm nay, Cảnh đem con gái là công chúa Thiên-Thành gả cho Quốc-Tuấn với ý định dùng cuộc hôn nhân, xóa mối thù".
Vương nhìn công chúa Thiên-Thành, tức Hưng-Đạo vương phi đang ngồi ôm mặt khóc:
"...Con khóc ư? Con đau khổ một, thì ta đau khổ mười. Bây giờ gần đất xa trời, ta vẫn chưa rửa được cái hận mười mấy năm nay. Hỡi ơi, bây giờ bệnh tình ta quá nặng, không hy vọng gì trả thù nữa rồi ".
Vương hướng mắt qua cửa sổ, nhìn vào không gian đen như mực, rồi tiếp:
" Đây là di chúc của ta: Sau khi ta qua đời rồi, thì các con, cũng như tân khách, tiếp tục nối chí ta. Nhất thiết trọng nghĩa, khinh tài, khuất thân cầu hiền. Khi thấy lực lượng đã đủ, thí cất quân về Thăng-long, trước giết Thủ-Độ, sau đoạt lấy ngôi vua. Có như vậy hồn ta mới siêu thoát được".
Công chúa Thiên-Thành hỏi:
- Thưa phụ vương. Như phụ vương dạy, thì phụ hoàng cũng như phụ vương đều là nạn nhân của Thái-sư Thủ-Độ. Tại sao lại đoạt ngôi vua để trả thù?
- Khi Linh-Từ giảng hòa giữa ta với Cảnh. Cảnh khóc lóc than thở rằng: Dù Thủ-Độ cố đem Thuận-Thiên vào cung, đặt lên ngôi Hoàng-hậu chăng nữa, Cảnh quyết giữ gìn cái tình chị dâu em chồng, không bao giờ phạm đến thân thể. Thế nhưng, sau khi sinh ra đứa con của ta, đặt tên là Quốc-Khang, Thuận-Thiên lại sinh ra Thái-tử Hoảng, rồi Quang-Khải, Nhật-Vĩnh, Ích-Tắc. Thế thì rõ ràng thằng em của ta là đồ vô luân, chứ đâu phải Thủ-Độ?
Chư vị vương tử, vương tôn, quận chúa, tiểu thư cùng chắp tay:
- Chúng con không bao giờ quên thù này.
Các tân khách đều rơi lệ thông cảm mối thương tâm của vương. Họ cùng dơ tay thề:
- Bọn thuộc hạ nguyện trả thù cho vương gia.
Vương thở dài nhẹ nhõm:
- Sau khi ta hoăng rồi, việc tang chế nhất thiết giản dị. Tuyệt đối không nhận phúng điếu. Phần mộ của ta xây cho có. Đừng xây lăng mộ lớn, mà tốn sức, tốn của, tốn mồ hôi của dân. Sau 100 ngày thì đốt tang phục. Mọi người tiếp tục công việc.
Ghi chú của thuật giả
Hiện nay, ngôi mộ của Yên-sinh vương vẫn còn ở Đông-triều, nằm cạnh con đường dẫn tới chùa Yên-tử. Trong dịp hướng dẫn phái đoàn Pháp nghiên cứu vùng vịnh Hạ-long, Đông-triều hè 1998, chúng tôi có thăm mộ Yên-sinh vương. Tôi không ngờ ngôi mộ một vị Đại-vương, uy quyền, giầu sang bậc nhất hồi đó, sinh ra nhiều con, cháu là những anh hùng dân tộc, cầm binh quyền toàn quốc, mà lại nhỏ như vậy. Có lẽ Hưng-Đạo vương chiếu di chúc, xây giản dị, sau này cũng không cải táng, để nêu cái đức cần kiệm thương dân của phụ vương. Tôi tò mò, quan sát địa thế ngôi mộ về phương diện phong thủy, và tìm ra ngôi mộ này kết phát tới hơn 700 năm. Nay linh khí đã hết. Tôi nhờ. Kỹ sư Pháp dùng máy trắc nghiệm. Kết quả: Quan tài còn nguyên. Những xương chính còn đầy đủ. Chiều sâu của mộ là 1,8m. Nhưng tôi không dám quyết rằng đây là mộ thật của ngài, bởi truyền thống họ Trần thuộc dòng Hưng-Đạo vương, khi qua đời thì thiêu rồi chôn vào một nơi bí mật. Cả hai trường hợp đều làm mộ giả.
Hiện (1988) tại núi Yên-phụ, xã Kim-xuyên, huyện Hiệp-sơn, nay là huyện Kim-sơn tỉnh Hải-hưng còn ngôi đền thờ An-sinh vương mang tên Trần hoàng thân từ. Trong đền có đôi câu đối :
Phụ linh giáng trần, lẫm liệt khôn phò chính khí,
Đông a dực vận, huy hoàng sử sách lưu danh.
(Cha linh thiêng, nên có con là thánh giáng trần phù chính khí. Làm cho vận số dòng họ Trần lâu bền, trong sử sách còn chép tên).
Phụ linh văn trung, Trần khải thánh , An-sinh vương linh thanh truyền cổ miếu.
Đào nguyên động thượng, Lạc-long quân từ thanh thế hợp tân Xuân.
(Cha là An-sinh vương Liễu linh thiêng, tiếng đồn mãi về cổ miếu này. Suối Đào-nguyên, quốc tổ Lạc-long quân dùng lời từ ái gọi vương về hưởng phúc mùa Xuân mới).
Tài liệu.
ĐVSKTT, Trần kỷ Thái-tông kỷ.
ĐNNTC.
Đồng-Khánh địa dư chí lược.
Nói đến đây quá mệt mỏi, hơi thở của vương ngắt quãng. Vương nhắm mắt lại, rồi thều thào:
- Thuận-Thiên! Thuận-Thiên...Hãy...hãy...chờ ta.
Rồi mắt vương trợn ngược. Vương phi kêu thét lên:
- Vương gia! Vương gia!
Ngự y chẩn mạch, lắc đầu:
- Vương gia quy tiên rồi.
Bấy giờ là giờ Tuất, ngày 14 tháng 4 niên hiệu Nguyên-phong nguyên niên đời vua Thái-tông (DL.1251,Tân Hợi).
Ghi chú của thuật giả
Về ngày hoăng của Yên-sinh vương, sử không ghi rõ. Nhưng con cháu Vương cúng giỗ vào ngày 14-4, thì ta có thể tin chắc đó là ngày Vương hoăng.
Quốc-Tung là con trưởng, là tang chủ, tức khắc họp gia thuộc, tân khách, loan báo đại tang. Khắp vùng Ngũ-yên, dân chúng đều để tang vương. Hưng-Ninh vương sai sứ phi ngựa về Thăng-long báo tang. Nguyên-phong hoàng đế (Thái-tông) khẩn thiết đại triều, báo tang trên toàn quốc, cùng gửi sứ giả ra Đông-triều điếu tang, ban chiếu gia phong Đại-vương.
Lời trối trăn của Yên-sinh vương Liễu, hiện diện tuy chỉ có các con, cùng những tân khách thân cận, tín cẩn nhất. Nhưng rồi dần dần cũng lọt ra ngoài, và Khu-mật viện biết được. Bấy giờ Khâm-thiên đại vương Trần Nhật-Hiệu (Em An-sinh vương và nhà vua) lĩnh chức Thái-úy, quản Khu-mật viện. Khi được tin này, Vương kinh hoàng, vội tâu lên Nguyên-phong hoàng đế. Hoàng đế triệu Thái-sư Trần Thủ-Độ vào cung, báo cho biết biến cố này. Thủ-Độ bàn:
- Từ 14 năm nay, Ngũ-yên như con dao dí vào mạn sườn triều đình. Bây giờ là lúc thịnh thời, trong nước vô sự, ngoài biên cương không có giặc. Nếu như Quốc-Tung, Quốc-Tuấn, Quốc-Doãn tuân lời di chúc đó khởi binh làm loạn, thì cũng là lúc triều đình cớ nhổ cái gai Ngũ-yên đi. Vậy thần xin bệ hạ cho thần cùng Linh-từ Kiến-vũ theo các thân vương trong hoàng tộc, các quan, kéo nhau ra Đông-triều điếu tang. Nhân dịp này, thần quan sát tại chỗ, rồi liệu cách đối phó.
Nguyên-Phong hoàng đế cản:
- Quốc- phụ không nên dấn thân vào hang hổ. Lâu nay, Ngũ-yên như rồng nằm hổ phục, nhân tài trong nước tụ cả về đó. Bây giờ trong lúc Yên-sinh vương mới hoăng, con cháu, gia tướng, gia khách đều căm hận Quốc-phụ, mà Quốc-phụ tới điếu tang, thì e lành ít dữ nhiều...Trẫm nghĩ việc Ngũ-yên có hai cách giải quyết. Một là giải quyết bằng lý, bằng quốc pháp. Giải quyết bằng quốc pháp thì đề nghị của Quốc-phụ là đúng. Hai là giải quyết bằng tình. Giải quyết bằng tình, thì ta họp gia đình lại vẫn hơn. Tại sao ta không dùng tình, giải quyết ổn thỏa giữa người nhà với nhau?
- Tâu, Bệ-hạ định giải quyết bằng tình ra sao?
- Ta mời những vị đạo cao đức trọng trong nhà đứng ra dàn xếp. Trong nhà ta, bốn vị có thể nói mà Quốc-Tuấn, Quốc-Doãn không dám cãi. Tiếc rằng Thuận-từ hoàng thái hậu (Bà Trần Thừa) sớm băng hà. Trong nhà ta, vai vế cao nhất là Tuyên-minh thái hoàng thái hậu (Bà Trần Lý, nhũ danh TôPhương-Lan), vương phi Hưng-Nhân đại vương (Vợ Phùng Tá-Chu, nhũ danh Trần Kim-Ngân), vương phi Kinh-Quốc vương (Vợ Tô Trung-Từ nhũ danh Nhạc Bảo-Bảo), thứ đến vương phi Kiến-quốc đại vương (Bà Trần Tự-Khánh, nhũ danh Phan Mỹ-Vân), phải thỉnh bằng ấy vị cùng lên đường đi Ngũ-yên điếu tang, rồi hòa giải với Quốc-Tung, Quốc-Tuấn, Quốc-Doãn thì hơn.
Thủ-Độ trầm tư suy nghĩ, rồi nhăn mặt:
- Tâu, trong bốn vị mà Bệ-hạ đề nghị, thì cả bốn đều không ưa thần. Thần vô dụng trong việc này rồi.
- Quốc-phụ nhờ Quốc-mẫu thì khó mấy rồi cũng xong. Năm vị trưởng thượng của nhà ta có thể ví với năm con rồng trời Nam. Dù Quốc-phụ, dù trẫm cũng nên dựa vào để mưu hạnh phúc cho dân.
Ghi chú của thuật giả
Lời nói của vua Trần Thái-tông buột miệng, gọi năm phụ nữ là năm con rồng, sau lời này đồn ra ngoài, người đương thời kính trọng năm vị, họ gọi là Nam-thiên ngũ long. Khi Mông-cổ sang đánh Đại-Việt, chúng bị năm bà đánh cho những trận kinh thiên động địa, chúng gọi là Giao-chỉ ngũ độc xà (Năm con rắn độc của đất Giao-chỉ) hay Giao-chỉ ngũ hồ ly (Năm con hồ ly của Giao-chỉ) Trước, thời Lý cũng có năm công chúa nức danh trong việc trấn Bắc, bình Nam, đó là Bình-Dương, Bảo-Hòa, Kim-Thành, Trường-Ninh, Côi-sơn. (Xin đọc Nam-quốc sơn hà, của Yên-tử cư-sĩ, do Đại-Nam xuất bản).
Bốn ngày sau, con thuyền ngự Hoàng-long dương buồm rời bến Thăng-long hướng về phương Đông, ra biển, rồi đổi chiều lên hướng Bắc. Sau hai ngày lênh đênh, thuyền đi vào địa phận trấn Đông-triều. Thuyền chở theo Nam-thiên ngũ long: Tô Phương-Lan, Nhạc Bảo-Bảo, Trần Kim-Ngân, Phan Mỹ-Vân và Trần Kim-Dung. Khi những rặng núi vùng Đông-triều hiện ra xa xa ở chân trời, thì thuyền trưởng vào khoang rạp mình xuống báo:
- Tâu Thái-hoàng thái-hậu, thuyền đang tiến vào cửa biển Yên-bang.
Cả năm bà cùng lên trên sàn thuyền quan sát. Bà Phương-Lan từng ra chơi vùng này nhiều lần, bà chỉ ngọn núi này, bãi biển kia, giảng giải cho mọi người. Thình lình có ba tiếng pháo nổ, rồi năm chiến thuyền căng buồm rời bến, chạy ra khơi. Kim-Ngân là vương phi của Phùng Tá-Chu, Đại Đô-đốc Đại-Việt. Phi từng cùng chồng thao diễn, huấn luyện, chỉ huy Thủy-quân mấy chục năm. Bà giải thích:
- Thủy-quân của Ngũ-yên đấy. Đất nước đang thanh bình, mà chúng ta mới xuất hiện, Thủy-quân đã phản ứng nhanh như vậy, thì thực trước đây chưa từng có. Nếu như cuộc giảng hòa này không thành, mà Thủy-quân Ngũ-yên kéo về Thăng-long thì không lực lượng nào đương nổi.
Kim-Dung bênh vực Thủ-Độ:
- Cô mẫu minh kiến. Khi nhà ta tiếp thiên hạ từ họ Lý, Thủy-quân coi như chỉ có hạm đội Tiên-yên và hạm đội Âu-cơ. Chiến thuyền cũ kỹ, cái dùng được, cái không. Trong khi đó bản lĩnh binh sự của Thủ-Độ là bản lĩnh học từ Mông-cổ, chỉ biết xử dụng Kỵ-binh. Suốt hai năm đầu thời Kiến-trung (1225-1226), Hưng-nhân đại vương với cô mẫu bắt đầu tái lập xưởng đóng chiến thuyền. Song vừa trang bị được hạm đội Âu-Cơ thì xẩy ra vụ Kiến-bình vương, nên nay quanh Thăng-long không còn một lực lượng Thủy-quân nào.
Nghe nói đến Kiến-bình vương, trên mặt bà Phương-Lan thoáng hiện ra một nét buồn man mác. Bà hỏi Linh-Từ:
- Kim-Dung, cái vụ Kiến-Bình vương ra đi đến nay trải 25 năm rồi. Dù bên trong tiềm ẩn bí mật gì chăng nữa, thì việc đó đã trôi vào dĩ vãng. Vậy con có thể cho mẹ biết sự thực không? Có phải Thủ-Độ hại vương không ?
Biết mẹ mình là một người thông minh xuất chúng, kiến thức mênh mông, khó mà qua mặt được. Linh-từ lấm lét nhìn mẹ rồi thuật:
"...Kiến-Bình vương là con út của vua Lý Anh-tông, được chị là công chúa Đoan-Nghi dẫn về Thiên-trường trao cho ông bà Trần Tự-Hấp nuôi dạy. Bà yêu thương vương cực kỳ, nên dốc túi dạy cho vương một bản lĩnh vô địch thiên hạ. Rời Thiên-trường về triều, dù vương có tài, dù vương có đức, song bị Chiêu-thiên Chí-lý thái-hậu Đỗ Thụy-Châu với anh là Thái-sư Đỗ An-Di gạt ra ngoài, không trao cho chức vụ gì. Khi bọn Quách Bốc làm loạn, vương cùng gia thuộc trốn về Thiên-trường nương náu phái Đông-a. Nhờ Nguyên-tổ Trần Lý suất lĩnh hào kiệt, dẹp giặc, khôi phục ngôi vua. Hoàng-hậu của của Cao-tông là Đàm Ngọc-Anh muốn gỡ tội cho bác cùng họ Đàm theo Long-Thẩm, bà vu tất cả các thân vương, tôn thất còn kẹt lại Thăng-long cái tội theo giặc; sai Thị-vệ bắt giết cả nhà. Oan ức nhất là giòng dõi Kiến-Khang vương Lý Long-Ích. Tuy vương đã hoăng, 18 con của vương đều phong tước công, giữ những trọng trách khiêm tốn trong triều, đều bị giết cả nhà. Con số người chết trong vụ này đến hơn hai nghìn. Gia thuộc của Gia-chính hầu Long-Nguyên, Nam-chính hầu Long-Toàn, phò mã Lê Trọng-Anh ...cũng bị tàn sát. Tổng cộng thảm trạng này lên đến hơn năm nghìn người trong tôn thất, làm cho họ Lý gần tuyệt tự. Bấy giờ Kiến-Bình vương Lý Long-Tường còn ở Thiên-trường nên thoát nạn.
Sau khi vua Lý Huệ-tông thoát khỏi sự kiềm chế của họ Đàm, trở về Thăng-long, Đại Đô-đốc Phùng Tá-Chu được phong Hiệp-tán Thái-bảo, lĩnh Thương-thư tả bộc xạ, tức Tể-tướng, thì Kiến-Bình vương được cử làm Đại Đô-đốc thay thế chức tước như sau : Thái-sư thượng trụ quốc, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ.
Bản doanh của Đại Đô-đốc Đại-Việt đóng tại Đồn-sơn. Đang từ một thân vương của triều Lý, bây giờ triều Lý không còn. Nhìn đi, nhìn lại các quan tại triều Trần, không quá trăm người họ Lý. Thêm vào đó, có những tin nói vào tai vương rằng Trần Thủ-Độ với lời thề Chân-giáo, Tây-hồ, Hy-cương, trước sau gì cũng giết tuyệt họ Lý. Vương nghĩ đến việc phải đem tông tộc trốn khỏi Đại-Việt như Kiến Hải vương thời vua Thần-tông, hiện con cháu đang sống ở Cao-ly; như Lạng-châu công Lý Long-Phi thời vua Anh-tông, hiện con cháu đang ở Mông-cổ. Hay gần đây như phò mã Trần Thủ-Huy, công chúa Đoan-Nghi đã gặp may rồi vang danh vùng Thảo-nguyên?
Thế là, một mặt vương âm thầm suất lĩnh Thủy-quân đóng chiến thuyền, cáo rằng để thay thế chiến thuyền cũ. Một mặt vương ra lệnh cho tộc thuộc đem gia đình lên Đồn-sơn, dối rằng để dự giỗ tổ Thủy-quân là công chúa Gia-Hưng Trần Quốc, thời vua Trưng. Rồi một buổi sáng, vương họp gia thuộc, tông tộc lại, báo cho biết cuộc ra đi của mình. Ai muốn đi thì đi, ai không muốn đi thì ở lại. Tổng số người ra đi, già trẻ, lớn bé hơn sáu mươi ngàn. Sau khi vương ra đi, hai mươi ngày sau, tin mới về đến Thăng-long. Triều đình giữ thái độ im lặng. Nghĩa là không kết tội, cũng không sai đuổi theo.
(Xin xem phụ lục AHĐA quyển 3: Nguyên-tổ họ Lý ở Đại-hàn)
Vì vậy, cho đến nay Thủy-quân Đại-Việt chỉ còn lại những hải đội nhỏ, dùng để bắt trộm, bắt cướp. Ngược lại với triều đình. Từ khi lên vùng Ngũ-yên, thấy đất phong của mình nằm dọc theo bờ biển (Ngày nay từ Đồn-sơn tới Móng-cáy, bao gồm các cửa biển Hải-phòng, Hòn-gai, Quảng-yên, Cẩm-phả, Cửa Ông, Mông-dương, Tiên-yên, Ba Chẽ, Đầm-hà, Móng-cáy) lại sát với hải phận Tống. Vương nghĩ : Thủy-quân Đại-Việt gần như không còn, thì vương phải tổ chức riêng cho mình. Trong các con trai, vương thấy Quốc-Tuấn có tài dọc ngang trời đất, phong tư khác thường. Vương trao cho Quốc-Tuấn việc này. Lập tức Quốc-Tuấn, chiêu mộ hoàng-nam thuộc ngư dân dọc bờ biển, ngư dân sống trên thuyền trong vịnh Hạ-long, huấn luyện, tổ chức thành những hải đội dân sự. Những hải đội này, hàng ngày có thể tự vệ cho chính mình, cho ngư dân trong vùng. Khi có sự, sẽ dùng để giữ nước. Chỉ trong vòng hai năm, mà các hải đội dân sự trở thành hùng mạnh, thiện chiến. Tuy vậy Yên-sinh vương vẫn không dám cho con tổ chức thành hạm đội. Vì sợ bọn mặt dơi tai chuột trong triều nói ra nói vào. Tin này đưa về triều, khiến Thái-sư Trần Thủ-Độ lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Sau khi Quốc-Tuấn được nhà vua gả công chúa Thiên-Thành, được phong tước Hưng-Đạo vương, được cử trấn nhậm vùng Bắc-biên, thì vương không còn úy kỵ kẻ nói ra, người nói vào nữa. Vương cho đóng chiến thuyền, tổ chức thành hạm đội. Hiện dưới quyền vương có hai hạm đội là Âu-Cơ và Động-đình".
Nghe Kim-Dung thuật, bà Phương-Lan như trút được một gánh nặng, nhưng bà vẫn bùi ngùi nhớ đến người tiểu sư đệ Lý Long-Tường, mà bà coi như con. Thấy chị dâu chưa hết buồn, Kim-Ngân chỉ 5 chiến thuyền giảng:
- Trong 5 chiến thuyền kia, thì cái lớn nhất gọi là Đại-chu, để chở quân. Hai cái bậc trung gọi là Trung-chu để tuần thám, tác chiến. Cái nhỏ nhất tên Khoái-chu, để chỉ huy, để đuổi theo giặc, trộm, cướp.
Năm chiến thuyền đã tới gần. Một viên chỉ huy đứng trên mũi chiếc Khoái-chu phất cờ đỏ, bắt con thuyền Hoàng-long phải ngừng lại. Kim-Ngân ra lệnh cho thuyền trưởng kéo cờ lên. Thủy thủ trên thuyền Hoàng-long dàn trên mặt sàn, gươm dáo sáng ngời, nhưng trông vẫn kém uy nghi của thủy thủ trên năm chiến thuyền.
Viên sĩ quan chỉ huy Thủy-đội đứng trên mũi chiếc Khoái-chu cầm loa hỏi:
- Thuyền chở ai?
Viên thuyền trưởng Hoàng-long đáp:
- Là thuyền Hoàng-long của Hoàng-thượng.
- Dĩ nhiên trông xa xa chúng tôi cũng nhận ra thuyền Hoàng-long. Nhưng thuyền chở ai?
- Tuyên-minh thái hoàng thái hậu, Linh-từ Kiến-vũ quốc mẫu.
Thủy-đội Ngũ-yên bao vây lấy chiếc Hoàng-long: Hai chiếc Trung-chu áp vào mạn. Chiếc Đại-chu ngăn trước khoảng ba dặm. Chiếc Khoái-chu áp vào mũi, rồi viên sĩ quan, cùng mười thùy thủ tung mình lên. Thấy Nam-thiên ngũ long, viên sĩ quan hô lớn:
- Bọn thần giáp trụ trên người, không hành đại lễ được. Mong bệ-hạ khoan thứ.
Bà Phương-Lan cực kỳ cao hứng:
- Các vị không nên đa lễ.
Rồi bà chỉ từng người trong đoàn điếu tang thông báo danh tính. Viên sĩ quan viết mấy chữ lên một thẻ tre, rồi buộc vào chân con chim ưng. Con chim ưng bay bổng lên trời, hướng vào bờ biển. Khoảng một khắc sau, trên bờ có ba tiếng pháo nổ. Viên sĩ quan hướng bà Phương-Lan:
- Hưng-Đạo vương ban chỉ kính thỉnh Bệ-hạ.
Nói rồi y cầm cờ phất. Chiếc Khoái-chu dẫn đường. Hai chiếc Trung-chu kèm hai bên. Chiếc Đại-chu đi sau cùng. Thuyền cập bến. Trên bờ, cờ xí uy nghi. Một đội giáp sĩ dàn ra, gươm dáo sáng choang. Yên-sinh vương phi; Hưng-Ninh vương, Hưng-Đạo vương, Vũ-Thành vương, cùng các vương phi trong tang phục ra đón.
Lễ nghi tất.
Bà Trần Lý lên tiếng trước:
- Quốc-Tung, Quốc-Tuấn, Quốc-Doãn, chúng ta ra đây để chịu tang. Cháu chỉ nên dùng gia lễ, chứ không nên dùng quốc lễ.
- Vâng! Cháu xin kính mời các bà, các cô!
Chiều hôm đó, trong đại sảnh đường, bà Phương-Lan ngồi chủ vị, kế đó là bà Kim-Ngân, Bảo-Bảo, Mỹ-Vân, Kim-Dung. Cuối bàn là bà Trần Liễu rồi tới Quốc-Tung, Quốc-Tuấn, Quốc-Doãn, các vương phi, thế tử, quận chúa. Tân khách, lý dịch đứng đầy sảnh đường. Bà Phương-Lan lên tiếng trước:
- Các con, các cháu. Liễu sớm mất, ta là mẹ, lòng đau như dao cắt. Giòng họ nhà ta vốn thọ, thế mà chỉ vì quốc sự, bố tuẫn quốc. Tiếp theo chú Tự-Khánh sớm lìa đời. Bây giờ tới Liễu. Hôm nay chúng ta tơí đây để chịu tang. Theo tang chế bản triều, khi con trưởng, hay con dâu trưởng qua đời, thì bố mẹ phải để tang ba năm. Năm Kiến-trung thứ 5, Thuận-từ băng (vợ Trần Thừa), năm Thiên-ứng chính bình thứ 17 đến lượt Hiển-từ Thuận-thiên băng (vợ Trần Liễu, bắt làm vợ Trần Cảnh), vừa hết tang, thì đến lượt Liễu. Hà! Tang tóc liên miên.
Vũ-Thành vương cười nhạt:
- Thưa bà, bố cháu là người hiền hậu, trầm tĩnh, ăn uống kiệm ước, nói năng khiêm cung. Thầy thuốc nào cũng bảo sẽ thọ ít nhất trăm năm. Thế nhưng từ khi mẹ cháu bị bắt vào cung, bố cháu đau đớn, uất ức quá mà chết non. Đó là lẽ thường.
Kim-Ngân hỏi:
- Có lý nào đau đớn, uất ức mà chết non được?
Một thiếu niên dáng người hùng vĩ, mặt đẹp như ngọc, ngồi trong đám tân khách, đó là Phú-lương hầu Trần Tử-Đức lĩnh ấn Trung-vũ thượng-tướng quân, thống lĩnh bộ binh Ngũ-yên. Hầu lên tiếng:
- Thưa Hưng-Nhân vương phi! Điều mà Vũ-Thành vương nói là căn cứ vào y kinh. Y kinh nói: Tâm tàng thần, nghĩa là tâm chủ thần chí. Khi gặp chuyện bất như ý, bị thì thần minh bị tổn thương. Can tàng hồn, can chứa hồn. Khi giận thì can bị tổn thương. Vương gia của chúng tôi với công chúa Thuận-Thiên đang sống hạnh phúc bên nhau, thì công chúa bị bắt vào cung. Buồn vì xa vợ, uất ức vì bị cướp vợ, lại phải nuôi con thơ. Hỏi sao tâm không bị thương? Can không bị hại? Vì vậy vương gia sớm lìa trần là lẽ thường.
- Thôi, chuyện cũ qua rồi, chú Cảnh đã sám hối, nhờ bà ra giảng hòa với các cháu. Chỉ cần mỗi tháng hai lần, các cháu về Thăng-long chầu mà thôi. Còn như các cháu nhất định biên thùy một cõi, e ông Thủ-Độ đem quân ra tiễu trừ thì nát hết.
- Thượng bất chính, hạ tắc loạn.
Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân Phạm Cụ-Chích gay gắt: Nếu Thái-sư Thủ-Độ mang quân ra đây, dù tráng sĩ Ngũ-yên không nhiều, thì Ngưu-binh Ngũ-yên cũng xin thay thế nghênh chiến.
Liếc nhìn thấy trong phòng, có hơn năm trăm tân khách, mặt người nào cũng lạnh lùng, tỏ ra lãnh đạm với Nam-thiên ngũ long, bà Phương-Lan biết khó mà thuyết phục được họ. Bà xoay ra đánh bằng tình cảm:
- Nhờ ân đức của tổ tiên, nhờ công lao của ông, của bố, của chú Khánh, mà nhà ta có ngày nay. Bây giờ các cháu nhất định phá hủy sao?
- Tâu bệ hạ! Chính Thái-sư Thủ-Độ phá chứ không phải bọn hèn hạ chúng thần phá.
Sứ đoàn nhìn người vừa lên tiếng, thấy dáng dấp hùng vĩ, vẻ mặt cương quyết, nhưng không biết tên, cũng như chức vụ. Hưng-Đạo vương giới thiệu:
- Vị sư thúc này là Lê Tần, hiện lĩnh ấn Vũ-kỵ thượng tướng quân, chỉ huy hiệu Kỵ-binh Ngũ-yên.
Hưng-Đạo vương vừa dứt lời thì cả cử tọa cùng bật lên tiếng suýt xoa. Vì từ lâu, ai cũng nghe tiếng Lê Tần. Ông là sư đệ của chưởng môn Lê Nguyên-Sơn, nổi tiếng Nam-thiên tam tuyệt. Một khinh công, hai là mưu trí, ba là thuật kỵ mã.
Vũ-Thành vương chắp tay:
- Thưa bà! Con nào cũng là con. Cháu nào cũng là cháu. Bà thử lấy công bằng mà xét xem, đầu mối cái vụ này đâu có phải do bố cháu? Đâu có phải do chúng cháu? Bố cháu là nạn nhân mà? Bọn chúng cháu cũng là nạn nhân mà? Lỗi ở đâu? Do đâu? Hoàn toàn do chú Cảnh mà ra. Bây giờ nhân nghe lời di chúc của bố cháu , chú nhờ bà ra khuyên bọn cháu đầu hàng, rồi đem đầu về cho chú chặt để được tiếng là trung, là hiếu? Trung như thế là ngu trung. Hiếu như vậy là ngu hiếu. Chúng cháu quyết không về Thăng-long chầu đâu. Nếu ông Thủ-Độ với chú Cảnh lợi dụng trong nhà cháu có tang mà mang quân ra đánh, thì cháu e không quân nào, không tướng chịu chết cho chú ấy đâu. Ngược lại, chúng cháu mà phất cờ thì anh hùng thiên hạ sẽ nổi lên như ong ngay. Sự nghiệp của tổ tiên có tan nát là do chú ấy.
Cuộc dàn hòa giữa triều đình với Ngũ-yên không thành công. Thái-sư Thủ-Độ nhất định mang quân ra đánh. Nhưng trẩy quân bằng đường bộ thì gồ ghề khó đi. Chỉ cần vài trăm quân Ngũ-yên phục kích trên các đèo, e phải đánh mấy tháng mới mở được đường. Còn như trẩy bằng đường thủy thì Thủy-quân triều đình so với Thủy-quân Ngũ-yên không khác gì con tép so với con cá kình. Một yếu tố nữa là thuật dùng binh, mà cả triều đình, dù văn quan, dù võ tướng, không ai địch nổi Hưng-Đạo vương. Vì vậy triều đình nuốt giận làm ngơ. Tin này đồn ra ngoài, võ lâm, nhân sĩ đều khoan khoái trong lòng. Họ hướng về Ngũ-yên. Bao nhiêu anh tài của đất nước đều tụ về đây.
Niên hiệu Nguyên-phong thứ 5 (DL.1255, Ất Mão) triều đình tổ chức đại hội võ lâm tại Cổ-loa, nhân giỗ Bắc-bình vương Đào Kỳ và vương phi Nguyễn Phương-Dung vào ngày 15 tháng 8.
Ghi chú của thuật giả.
Bắc-bình vương Đào Kỳ là Đại-tư-mã (Tư lệnh quân đội), vương phi Nguyễn Phương-Dung là Tể-tướng thời vua Trưng. Xin đọc: Anh-hùng Lĩnh-Nam 4 quyển. Động-đình hồ ngoại sử 3 quyển. Cẩm-khê di hận 4 quyển, của Yên-tử cư-sĩ do Nam-Á Paris xuất bản.
Người được trao phó đứng ra tổ chức là Quốc Thượng-phụ tức Thái-sư Trần Thủ-Độ. Trong chương trình mời, sáu đại môn phái quốc nội Đại-Việt là Đông-a, Tiêu-sơn, Mê-linh, Sài-sơn, Tản-viên, Yên-tử. Bẩy môn phái Đại-Việt ở quốc ngoại là Pha-nôm, Cửu-long, Thát-luông, Phật-thệ, Động-đình, Khúc-giang, Thiên-sơn. Lại cũng mời những bang lớn như Lĩnh-Nam, Hồng-hà, Nam-hải, Tây-vu về dự. Thư gửi đi vào tháng ba, thì sang tháng tư, đại-sư Y-sơn chưởng môn phái Tiêu-sơn phúc đáp rằng môn phái không dự, vì cảm thấy võ đạo của người tổ chức không phải võ đạo Đại-Việt. Phái Sài-sơn thì tân chưởng môn Lê Nguyên-Sơn cáo lỗi vì mới lĩnh chức, chưa kịp chỉnh đốn nội bộ. Phái Yên-tử, Mê-linh gửi thư kết tội Thái-sư Trần Thủ-Độ gay gắt, rồi tuyên bố không dự. Phái Tản-viên thì chưởng môn Đặng Kiếm-Anh gửi thư nói rõ: Vào thời gian đại hội, môn phái có chương trình dẫn đệ tử lên đường đi thăm hồ Động-đình, thành ra không về dự được. Đấy là bốn đại môn phái quốc nội. Còn bẩy môn phái quốc ngoại, gửi thư nói rõ rằng họ không về dự vì lý do người tổ chức muốn đem chủ đạo của bọn Hung-nô vào thay thế chủ đạo tộc Việt. Thế là đại hội không thành. Nguyên-Phong hoàng đế với Thái-sư Trần Thủ-Độ kinh hoảng, bàn luận tìm phương cách nối lại giao hảo giữa võ lâm với triều đình. Nếu cứ tình trạng này, mà xẩy ra chiến tranh với ngoại quốc, e triều đình không thể giữ nổi nước.
Đùng một cái, có tin Ngũ-yên cũng tổ chức giỗ Bắc-bình vương với vương phi vào cùng ngày tại trấn Đồn-sơn. Tất cả các đại môn phái quốc nội, trừ Đông-a; bẩy môn phái quốc ngoại, ba đại bang đều kéo về tham dự. Tin này đưa về Thăng-long, Thái-sư Thủ-Độ uất khí lên cổ. Riêng nhà vua, thì ngài lại vui mừng, mà tâu với Tuyên-minh thái hoàng thái hậu rằng:
- Thần nhi sợ, là sợ các môn phái chia rẽ, chém giết nhau mà thôi. Chứ thần nhi không sợ họ chống triều đình. Họ chia rẽ, tàn hại nhau thì nước sẽ mất. Còn họ chống triều đình, mà theo Ngũ-yên thì khi có ngoại xâm, họ sẽ cùng Ngũ-yên chống giặc.
Từ đấy, thế lực của Ngũ-yên càng thêm mạnh, nhân tâm đều hướng về. Về cai trị, học phong, Hưng-Ninh vương làm cho dân chúng ấm no, đất hoang được khai phá thành vườn thành ruộng, thuế nhẹ. Mỗi làng, mỗi xã đều có trường học. Nhà nhà nghe tiếng trẻ đọc sách. Về Thủy-quân Hưng-Đạo vương đã có trong tay bốn hạm đội mang tên Âu-Cơ, Bạch-đằng, Động-đình, Thần-phù tổ chức theo lối dân binh, thành ra ngân quỹ Ngũ-yên không phải tốn tiền nuôi quân. Ngưu-binh, có một hiệu do Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân Phạm Cụ-Chích chỉ huy. Kỵ-binh một hiệu do Vũ-kỵ thượng tướng quân Lê Tần chỉ huy. Bộ binh chỉ có ba hiệu, do Phú-lương hầu Trần Tử-Đức lĩnh ấn Trung-vũ thượng tướng quân thống lĩnh.
Giữa lúc đó, Khu-mật viện nhận được tin dữ: Quân Mông-cổ đã chiếm được vùng Tứ-xuyên, rồi vượt Độ-khẩu xuống, đánh nước Đại-lý (Vân-Nam ngày nay). Sau khi chiếm Vân-Nam, quân Mông-cổ sẽ đánh Đại-Việt, rồi dùng tù hàng binh, lương thực Đại-Việt đánh vào phía sau Tống.
Mông-cổ tuy xa Đại-Việt, nhưng từ mấy chục năm trước, phò mã Trần Thủ-Huy, công chúa Đoan-Nghi từng dẫn sứ đoàn sang Kim, rồi do Kim yêu cầu, mà lưu lạc tới Mông-cổ. Phò mã kết thân với Mông-cổ, sứ đoàn Mông-cổ tới Đại-Việt. Sau Thủ-Huy, Đoan-Nghi, đội võ sĩ Long-biên bị vua Cao-tông cống cho Tống, tất cả đã bỏ Tống sang Mông-cổ. Rồi chính Thủ-Huy, Đoan-Nghi giúp Mông-cổ lập quốc. Quốc thượng phụ Trần Thủ-Độ sinh tại Mông-cổ, từng làm đại tướng thống lĩnh binh đoàn Phương-Đông của Mông-cổ đánh Kim lập đại công. Vì vậy trong triều, ngoài dân chúng đều nghe biết về sự hùng mạnh vô địch của các đội Lôi-kỵ của họ. Chỉ cần vài vạn người, mà họ khống chế cả Hoa-Bắc. Nay họ đem quân đánh Đại-Việt, thì họa này thực không nhỏ. Nước mất một sớm, một tối không biết lúc nào.
Lập tức Nguyên-Phong hoàng đế ban chỉ thiết đại triều. Buổi thiết đại triều bao gồm thoàng thân, quốc thích, tất cả các đại thần, các An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ, các tướng chỉ huy hiệu binh, các Đô-đốc thủy quân...để nghị sự về việc này. Sợ rằng Ngũ-yên không gửi người về họp, triều đình nhờ Tuyên-minh thái hoàng thái hậu viết thư triệu Hưng-Ninh vương, Vũ-Thành vương, Hưng-Đạo vương về. Thái-sư Thủ-Độ cản trở: Nhất định Ngũ-yên không gửi bất cứ người nào về, gọi vô ích. Thế nhưng, trái với ước tính của Thái-sư, phái đoàn Ngũ-yên kéo một lực lượng nhân sự đông đảo về họp: Ba vương, năm An-phủ sứ năm vùng Yên-phụ, Yên-dưỡng, Yên-sinh, Yên-hưng, Yên-bang; bốn Đô-đốc chỉ huy bốn hạm đội Âu-Cơ, Động-đình, Bạch-đằng, Thần-phù; các tướng chỉ huy hiệu Bộ-binh, Ngưu-binh, Kỵ-binh, và 18 tân khách. Buổi họp diễn ra ở điện Uy-viễn là nơi Khu-mật viện đặt trụ sở.
Sau khi Nguyên-Phong hoàng đế giá lâm. Ngài ban chỉ:
- Khu-mật viện nhận được tin dữ: Quân Mông-cổ đã chiếm Tứ-xuyên rồi đánh Đại-lý. Đại-lý đầu hàng. Không biết lúc nào, chúng sẽ đánh ta. Chúng đánh ta không phải với mục đích chiếm nước không thôi, mà còn muốn dùng tù hàng binh làm lao binh, bắt chúng ta cung ứng lương thảo, rồi đánh vào mặt sau của Tống.
Quốc thượng phụ Trần Thủ-Độ hỏi quản Khu-mật viện là Trấn-viễn thượng tướng quân, Khai-sơn hầu Chu Mạnh-Nhu:
- Tin này từ đâu tới?
- Quân Mông-cổ chuẩn bị đánh ta, nên họ dùng con trai của một đại tướng Mông-cổ Trần Tử-Kim với quận chúa Lý Đoan-Thanh tên Trần Tử-An làm phó tướng. Vì ông biết tiếng Việt. Nhưng sau khi chiếm Đại-lý, Trần Tử-An cùng 100 thuộc hạ bỏ trốn về đây báo hung tin cho ta.
Tử-An từng là bạn thời thơ ấu của Thái-sư Thủ-Độ, nhỏ hơn ông bẩy tuổi. Nghe tin Tử-An về, Thủ-Độ không dấu được cảm động:
- Ta muốn gặp Trần Tử-An.
Một trung niên nam tử nước da sạm đen, trong y phục Vạn-phu trưởng từ sau màn xuất hiện. Trông thấy Thủ-Độ, ông chào bằng tiếng Mông-cổ:
- Thế nào? Anh Thủ-Độ. Anh còn sống ư?
- Tại sao em lại hỏi thế?
- Vì người Mông-cổ nói rằng khi anh về tới Đại-Việt thì bị giết rồi.
- Ừ ! Bọn Mông-cổ vốn gờm ta. Ta ẩn thân, rồi phao như vậy, để đánh lừa chúng.
Để triều đình hiểu rõ Mông-cổ hơn. Thái-sư Thủ-Độ giảng chi tiết về vùng Thảo-nguyên, gồm phong tục, tôn giáo, đời sống của dân chúng. Nguồn gốc Thành-cát Tư-hãn từ đâu? Mông-cổ lập quốc thế nào? Trần Thủ-Huy, công chúa Đoan-Nghi, Lý Long-Tùng, Lý Đoan-Thanh, Trần Tử-Kim, đội võ sĩ Long-biên đã giúp Mông-cổ ra sao. Tiếp theo, Mông-cổ liên kết với Tống đánh Kim. Cuối cùng ông hỏi Tử-An:
- Hồi 40 năm trước, bố mẹ anh rời Mông-cổ về, thuật cho anh nghe chi tiết việc Mông-cổ đánh Kim. Từ hồi đó đến giờ, Mông-cổ thịnh suy ra sao, anh không rõ. Vậy em hãy thuật chi tiết cho triều đình nghe
Tử-An đem một trục lụa trên vẽ bản đồ vùng Thảo-nguyên, Trung-quốc, Tây-hạ (Si-Hia)ï, Tây-liêu (Qara Hitai), Tây-vực (Kwharesm, Hoa Thích Tử Mô) , A-phú-hãn (Afganistan), Ấn-độ treo lên, rồi giảng:
- Năm thứ 11 đời vua Thái-tổ Mông-cổ (DL.1216, Bính Tý) bên Đại-Việt là niên hiệu Kiến-gia tứ 6 đời vua Huệ-tông triều Lý. Sau khi trao Hoa Bắc, Cao-ly, Liêu-Đông cho Mộc Hoa Lê, Thành-cát Tư-hãn rút quân về vùng Thảo-nguyên nghỉ ngơi. Sang năm sau, Khu-mật viện Mông-cổ được tin nước Tây-Liêu rối loạn, tâu lên. Thành-cát Tư-hãn sai Triết Biệt mang quân sang chinh phục.
Hoàng tử thứ nhì của nhà vua là Trần Quang-Khải, tước phong Chiêu-Minh vương hỏi:
- Thưa tướng quân, nước Tây-Liêu lập quốc từ bao giờ?
Tử-An ngơ ngác không trả lời được. Triều thần đưa mắt nhìn Hưng-Đạo vương, vì từ lâu vương nổi tiếng bác học đa năng. Vương trả lời:
- Tây-Liêu với Đông-Liêu có cùng nguồn gốc. Tộc Liêu vốn thuộc giống Khiết-đan, phát xuất từ phía Tây Mãn-châu và phía Đông Nhiệt-hà. Về thời Ngũ-đại, tộc trưởng là Gia-luật Hồng-Minh suất lĩnh tộc Khiết-đơn giúp Thạch Kính-Đường lên làm vua, lập ra triều Hậu-Tấn. Thạch nhường vùng đất Sơn-Tây, Bắc Hà-Bắc cho Hồng-Anh. Hồng-Anh lập ra nước Liêu. Đầu đời Tống, Liêu trở thành mạnh, chiếm Hoa Bắc, bắt Tống thần phục, hằng năm phải cống một số vàng, lụa, rất lớn. Niên hiệu Thiên-phù duệ vũ thứ 6 (DL.1125, Ất Tỵ) đời vua Lý Nhân-tông, tộc Nữ-chân hùng mạnh, đánh chiếm Liêu, chiếm luôn lãnh thổ Tống bị Liêu đô hộ. Hoàng thân Liêu là Gia-luật Đại-thạch dẫn một số dân Khiết-đan chạy lên vùng Tây-Bắc, chinh phục 18 bộ tộc lẻ tẻ, dựng thành Ý-minh (Imil) làm thủ đô. Ít lâu sau, nước Khả-nã-mĩ (Karakhamide) ở Tây Nam bị dân Thổ uy hiếp. Họ cầu cứu với Đại-Thạch. Đại-Thạch đem binh đến giúp, rồi chiếm luôn xứ này, lập ra một nước lớn, gọi là Tây-Liêu. Đại-Thạch lên ngôi vua, xưng là hoàng-đế. Truyền đến đời thứ ba, thì hoàng đế Tây-Liêu quá nhu nhược, các chư hầu bỏ, thần phục nước khác. Trong đó có Thổ-phồn, thần phục Mông-cổ... Sách vở chỉ chép đến đây thôi. Còn những gì mới xẩy ra thì tôi không biết.
Tử-An kính cẩn vái Hưng-Đạo vương:
- Đa tạ vương gia. Thế này: Vương-tử xứ Nãi-man (Naiman) là Gút Sơ Lúc (Guclug), sau khi Nãi-man bị Mông-cổ diệt, ông ta trốn sang nương nhờ Tây-Liêu, được làm phò mã. Nhà vua giúp phò mã, quy tụ tàn quân Nãi-man, Miệt-nhi thành mấy binh đoàn riêng. Khi nhà vua băng hà, Gút Sơ Lúc chiếm đoạt ngôi vua. Ông ta là một bạo chúa. Nhân vợ ông theo Cảnh-giáo, ông cũng theo Cảnh-giáo, rồi bắt cả nước theo Cảnh-giáo. Trong khi hầu hết dân chúng theo Hồi-giáo. Ông ra lệnh đóng cửa tất cả các đền thờ Hồi-giáo. Tin này đưa về Hoa-lâm năm thứ 12 đời vua Thái-tổ Mông-cổ (DL.1217, Đinh Sửu, bên Đại-Việt là niên hiệu Kiến-gia thứ 7 đời vua Huệ-tông triều Lý); Thành-cát Tư-hãn sai Triết Biệt mang hai vạn Lôi-kỵ qua đánh bạo chúa. Trước khi tiến quân vào Tây-Liêu, Triết Biệt sai người cáo với dân chúng rằng: Quân Mông-cổ tới đây để bảo vệ tôn giáo. Vì vậy, khi quân Mông-cổ tới đâu, dân chúng, binh lính theo Hồi-giáo mở cửa thành ra đón rước. Giữ đúng lời hứa, Triết Biệt cho mở cửa lại các đền thờ Hồi-giáo, thả các tu sĩ Hồi-giáo bị giam trong tù . Dân chúng đón rước quân Mông-cổ như đón sứ giả nhà trời.
Tĩnh-Quốc đại Trần Quốc-Khang phát biểu:
- Như vậy thì Thành-cát Tư-hãn trở thành ân nhân của dân chúng Tây-liêu rồi. Không biết sau đó, quân Mông-cổ có rút khỏi Tây-Liêu không?
Ghi chú của thuât giả
Sử ghi Tĩnh-Quốc đại vương là con đầu lòng của Thái-tông, lại cũng chép Thánh-tông là con trưởng giòng đích. Thế nghĩa là gì? Thưa: Khi Thuận-Thiên có mang vương ba tháng, thì bị Thủ-Độ đem vào cung. Trên danh thì vương là con trưởng của Thái-tông, nhưng thực ra là con của Yên-sinh vương Liễu. Vì vậy vương không được lập làm thái tử, mà lập em vương là thái-tử Hoảng, sau là vua Thánh-tông.
Vương là con của Yên-sinh vương Liễu. Sau này con của vương là Chương-tín hầu Trần Kiện hàng Mông-cổ, bắt nguồn từ việc vương không được truyền ngôi vua.
- Không. Thành-cát Tư-hãn chia thành quận huyện, tổ chức cai trị.
Hưng-Ninh vương tỏ ra không đồng ý:
- Xét ra đối với dân Mông-cổ, Thành-cát Tư-hãn là đại hanh hùng, đại minh quân. Còn đối với Tây-Liêu thì cả Gút Sơ Lúc lẫn Thành-cát Tư-hãn đều là bạo chúa. Gút Sơ Lúc vừa là ngu chúa, vừa là bạo chúa. Ông ta chết đi cũng không hết tội. Còn Thành-cát Tư-hãn, ông ta lợi dụng cái cuồng tín của ngu dân, mà chiếm nước người, rồi đặt lên đầu họ cái ách thống trị.
Nhà vua nhìn Hưng-Đạo vương, như muốn hỏi ý kiến. Vương biết ý nhà vua, lý luận:
- Tây-Liêu mất nước không do quân đội của Thành-cát Tư-hãn hùng mạnh, mà do Gút Sơ Lúc không nắm được lòng dân. Nếu như Gút Sơ Lúc là minh quân, làm chủ được cái đạo vua với tôi như cha với con, thì liệu Thành-cát Tư-hãn có dám nghĩ đến đem quân xâm chiếm không? Ví dù ông ta cố tình xâm chiếm, thì liệu có chiếm được không?
Cử tọa vỗ tay hoan hô.
Nhân-Huệ vương Trần Khánh-Giư hỏi:
- Hiện nay Mông-cổ có còn sống theo chế độ liều trại nữa không?
- Không! Từ sau khi đánh Tây-vực (Kwharesm, người Trung-hoa phiên âm là Hoa Thích Tử Mô) Mông-cổ bắt về hơn hai mươi vạn tù binh mà đa số là thợ giỏi. Họ lại bắt thêm mười vạn thợ Trung-quốc, Tây-hạ nữa, rồi kiến thiết thủ đô Hoa-lâm với ba chục thành phố lớn giống như Yên-kinh, Ninh-hạ.
Thái-sư Thủ-Độ dục Tử-An :
- Em thuật tiếp đi.
- Năm thứ 13 đời vua Thái-tổ Mông-cổ (DL.1218, Mậu Dần, bên Đại-Việt là niên hiệu Kiến-gia thứ 8 đời vua Huệ-tông triều Lý. Một biến cố kinh khủng xẩy ra, khiến các nước Tây-vực thây phơi hàng vạn vạn người, máu chảy cuồn cuộn như thác đổ, nhà nhà bị hủy hàng triệu triệu nóc, không biết bao nhiêu thành trì bị san bằng.
Cử tọa thấy Tử-An thuật chuyện cũ, mà dường như trên mặt còn hiện ra vẻ khủng khiếp. Thái-sư Thủ-Độ hỏi:
- Hồi anh còn ở Mông-cổ thường thấy thương nhân các nước Tây-vực, họ theo Cảnh-giáo, Hồi-giáo, Da-tô giáo. Mũi họ cao, mắt họ to và sâu, lông tóc hung hung, da trắng . Họ nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Như em kể, không biết giữa vua của họ với Thành-cát Tư-hãn có gì xích mích xẩy ra không, mà lại có cảnh chém giết khủng khiếp như vậy?
- Lỗi tại vua của họ giết sứ giả của Mông-cổ!
- Ái chà!
Thủ-Độ than:
- Xưa nay Thành-cát Tư-hãn coi trọng sứ giả vô cùng. Sứ giả của bất cứ bộ tộc, hoặc nước nào sai đến Mông-cổ, ông cũng tiếp đãi như vua nước đó. Còn sứ giả của ông sai đi, ông cũng coi như họ là bản thân ông. Không biết nguyên do nào Tây-vực lại giết sứ giả Mông-cổ? Giết sứ giả của Thành-cát Tư-hãn thì coi như tuyên chiến với ông rồi.
Tử-An thuật.
Ghi chú của thuật giả
Tống-sử thuật lại chiến dịch Kwharesm vắn tắt khoảng 2 trang, cũng không nói đến tên của vua nước này. Đế quốc Kwharesm, người Trung-quốc phiên âm thành Hoa Thích Tử Mô. Tôi không dùng tên này, mà dùng tên Tây-vực để chỉ các nước Trung-Á, Trung-Đông, Bắc Aâu là vùng bị Mông-cổ chinh phục.
Trên thực tế, Mông-cổ tàn phá các nước Trung-Đông, châu Âu như Afganistan, Iran, Irac, Syrie, Hung-gia-lợi, Ba-lan, Tiệp-khắc, Đức, Liên-sô v.v. rồi cai trị mấy trăm năm. Sử sách của các dân tộc trên ghi chép rất đầy đủ. Độc giả có thể tìm đọc những sách này bằng tiếng Anh, Pháp, mà thuật giả ghi ở phần thư mục AHĐA quyển 1.
Từ khi Trần Thủ-Huy, Vương Thúy-Thúy rời Mông-cổ vào năm 1216 (Bính Tý) , nhằm niên hiệu Kiến-gia thứ 6 đời vua Huệ-tông nhà Lý, đến nay là năm 1256 (Bính Thìn) nhằm niên hiệu Nguyên-phong thứ 6 đời vua Thái-tông nhà Trần. Khoảng cách 40 năm ấy, những gì đã xẩy ra tại đế quốc Mông-cổ?
Để thay cho lời tường tình của Trần Tử-An, thuật giả xin tóm lược bằng bài phụ lục trang sau. Độc giả hãy đọc kỹ, để thấy đế quốc Mông-cổ hùng mạnh biết là dường nào? Họ chiến thắng khắp Á-châu, chiến thắng khắp Trung-Đông, chiến thắng khắp Âu-châu... Rồi đặt nền cai trị. Thế mà, khi đánh Đại-Việt, họ bị bại đến ba phen. Như vậy mới biết tổ tiên ta anh hùng biết bao?
Trước kia, triều đình Đại-Việt từng nghe Thủ-Độ nói nhiều về Mông-cổ, nhưng Mông-cổ ở quá xa, họ không mấy chú ý. Bây giờ được tin Mông-cổ sắp vào nước mình, bất giác người người nhìn nhau kinh hãi.
Thủ-Độ nhắc Tử-An :
- Em hãy thuật tiếp tình hình Mông-cổ từ ngày Thành-cát Tư-hãn băng hà đến giờ. Ông ấy băng bao giờ ? Băng vì lý do gì ?
- Năm thứ 20 đời vua Thái-tổ Mông-cổ (DL.1225, Ất Dậu, bên Đại-Việt là niên hiệu Kiến-trung nguyên đời vua Trần Thái-tông). Sau khi đặt nền móng cai trị trên những nước đã chinh phục, Thành-cát Tư-hãn kéo quân từ phương Tây hồi loan. Trên đường về, ông đem đại binh đánh Tây-hạ. Nguyên do, khi xuất quân, ông gửi mã khoái Phi-tiễn ban chỉ cho vua nước này phải đem mấy đạo binh chinh Tây. Chúa Tây-hạ trả lời : Nếu Thành-cát Tư-hãn đủ sức mạnh thì cứ một mình đem quân chinh tiễu. Còn như không đủ sức mạnh thì đừng làm hoàng đế nữa. Thành-cát Tư-hãn giận cành hông. Ông đành nuốt giận, bây giờ là lúc ông trừng phạt. Nhưng bấy giờ chúa nước Tây-hạ đã băng rồi. Thái-tử lên kế vị. Tân quân là một thiếu niên anh hùng. Biết rằng trước sau gì Mông-cổ cũng đem quân đánh mình. Ông ra sức chiêu mộ tàn quân của Nãi-man, Tây-Liêu, Khắc-liệt, Kim, Tống... thành lập đạo quân 50 vạn người. Nhưng quân ô hợp của ông làm sao địch lại đạo quân thiện chiến, trên đường khải hoàn? Quân Mông-cổ thắng Tây-hạ dễ dàng. Thế nhưng kinh-đô Ninh-hạ quá kiên cố. Bao nhiêu vũ khí phá thành đều vô hiệu. Ông áp dụng phương cách đánh Yên-kinh trước đây: Tiếp tục bao vây, chiếm hết các vùng lân cận để tuyệt đường tiếp tế; chặn đánh viện binh. Ông chia quân làm ba đạo. Đạo thứ nhất tiếp tục vây Ninh-hạ. Đạo thứ nhì trao cho Oa Khoát Đài tiến đánh miền Tây nước Kim, để chặn viện binh. Đạo thứ ba, tiến đánh các nước nhỏ, phiên thuộc Tây-hạ. Còn ông, chính ông dẫn một đạo quân càn quét khắp Tây-hạ, đến tận biên giới Tống, Kim. Kim hoảng sợ, xin nghị hòa, ông không chấp nhận. Kinh-đô Ninh-hạ bị vây lâu, lương thực bị tuyệt, tân quân xin nghị hòa. Bấy giờ Thành-cát Tư-hãn bị bệnh, biết rằng khó qua khỏi, ông hứa bỏ qua mọi chuyện, với điều kiện tân quân thân đến bái kiến. Tân quân tin lời hứa, cùng quần thần đến dinh Mông-cổ tạ tội. Thành-cát Tư-hãn ra lệnh giết sạch. Sau khi giết chúa Tây-hạ được môät ngày thì ông băng vào giờ Tý . Đó là ngày Kỷ Sửu, mùa Thu tháng 7 năm thứ 22 (DL. 1227, Đinh Hợi, Đại-Việt là niên hiệu Kiến-trung thứ 3). Được tôn thụy hiệu là Thái-tổ pháp thiên, khải vận, thánh võ hoàng đế , miếu hiệu là Thái-tổ.
Ghi chú của thuật giả
Thành-cát Tư-hãn sinh ra trên bãi tuyết, dưới tuổi Nam-dương (Capricorne), theo Tử-vi Tây-phương. Trong Bibliothèque orientale nói rằng "Thành-cát Tư-hãn sinh vào năm 1154 sau Thiên-chúa, dưới tuổi Thiên-xứng (Balance). Vì vậy người phương Đông cho rằng ông sinh ra để gây gió bão. Bẩy tinh thể ở trong cung số của ông".
Sử gia Rasid ed-Din thì nói trái lại, ông sinh dưới "Dhul-kade năm 549 lịch Hégire" nghĩa là tháng 1-2 năm 1155 hay Bảo-bình (Verseau).
Thế nhưng theo như khoa Tử-vi Tây-phương, thì trong khoảng thời gian này, trục trái đất đã nghiêng đi, nên các sao đều thay đổi. Sao Nhân-mã (Sagitaire) đi vào địa phận sao Nam-dương (Capricorne). Sao Nam-dương đi vào địa phận sao Bảo-bình (Verseau). Trong tập san Annales chinoises, năm sinh của Thành-cát Tư-hãn lại là năm 1161. Trong tập san Annales Mongoles ông sinh năm 1162, băng vào tuổi 66.
Tập san Journal Asiatique 1939, khám phá ra một văn bản bằng Hoa-văn, dịch từ tiếng Mông-cổ năm 1275, rằng Thành-cát Tư-hãn sinh một trong hai năm Ất-Hợi 1155 hay Đinh-Hợi 1167.
Trong các bộ sách Tử-vi của Trung-hoa, hầu hết khẳng định Thành-cát Tư-hãn sinh ngày 16 tháng 1 năm Ất-Hợi, giờ Dậu. Nếu đúng như vậy, xin lạm bàn về số Tử-vi của ông:
- Tử-vi, Thất-sát thủ mệnh tại Tỵ. Cách là Tử, Sát, Tốn cung, đế huề bảo kiếm. Được Hóa-khoa phò trợ. Đây là loại người có mệnh lớn. Song cách Tử, Sát tại Tỵ là cách của một võ tướng đa sát.
- Được nhập vòng Thái-tuế với các sao: Thái-tuế, Tang-môn, Điếu-khách.
- Cung quan tại Dậu, với hai sao dữ là Liêm-trinh, Phá-quân, lại thêm Thiên-hình miếu địa. Cung quan, hoặc mệnh tại Dậu ngộ Hình là cách của bậc anh hùng.
- Vũ, Tham đóng ở cung tài tại Sửu, ngộ Tang-môn và cả Xương, lẫn Khúc.
Vì không chắc đây là lá số Tư-vi của ông nên thuật giả không giải, e có chỗ gượng ép.
Về ngày băng hà của Thành-cát Tư-hãn, rất rõ ràng.
- Vào lúc bình minh, ngày 5 tháng 7 năm Đinh-Hợi.
- Ngày 18 tháng 8 lịch Julien.
- Ngày 15 tháng 9 lịch cũ La-mã, dùng vào thời trung cổ.
- Ngày 4 ramada 624 lịch Hégine.
- Năm thứ 19 của Chương thứ 23, kể từ thời vua Hoàng-Đế.
- Cuối tháng giêng Thour năm Égyptien.
- Tháng mưa thứ nhì năm Ấn-độ.
- Mùa trăng trồng lúa của Nhật-bản.
- Mùa trăng lúa mì của tộc Phổ.
- Tháng thứ 5 kể từ Nauruz Ba-tư.
- Tháng thứ 5 của năm Manichéren.
- Tháng thứ 5 của Slave.
- Tháng Arahsamnu của lịch Assyrio-babylone.
- Ngày thứ 151 của lịch Mazdéen.
- Năm thứ 151 của lịch Atisa Tây-tạng.
- Ngày 17 tháng 9 Tlaxochimaque lịch Aztèque.
- Ngày 14 tháng 2 lịch Maya năm 4340.
- Năm thứ 3372 lịch Thần-Nông Trung-quốc.
- Năm thứ 1980 Ab Urbe Condita.
- Năm thứ 1265 của Tây-ban-nha.
- Năm thứ 943 của Dioclétien.
- Ngày thứ 10 cuối năm 943 lịch Éthiopienne.
- Ngày thứ 74 cuối năm Celtre.
Nhân-Huệ vương hừ một tiếng :
- Như vậy, bất cứ nước nào quy phục Mông-cổ, cũng đều phải tuân thủ lệnh của vua họ. Họ bắt đem quân đi đỡ tên cho quân họ. Họ bắt chở lương tiếp tế cho họ. Nhất nhất phải răm rắp tuân hành. Hễ chống đối là họ đem quân tàn phá. Lại nữa phàm là vua, là chúa đừng bao giờ nghe lời hứa của họ mà đem thân đến chầu, để rồi bị giết như vua Tây-hạ. Còn như bây giờ Đại-Việt ta mà khuất phục họ, thì họ bắt đem quân, đem lương theo họ đánh Tống ! Chư vị nghĩ sao ? Họ như đá, ta như trứng. Liệu nên chống hay nên hàng ?
Nguyên-Phong hoàng đế hướng quần thần, hỏi lớn:
- Ta có nên khuất phục để được yên thân không ?
Tất cả cử toạ đều trả lời.
- Không !
Thái-sư Trần Thủ-Độ cương quyết :
- Khuất phục họ, thì vua của ta không còn là vua nữa, mà là một tên bù nhìn. Quan của ta không còn là quan nữa, mà là những tên tay sai. Dân của ta sẽ phải khốn khổ phục dịch cho họ. Vì vậy, chỉ có một đường duy nhất là chiến. Thắng thì đất nước của ta còn. Bại thì cũng đến khốn khổ như quy phục họ.
Từ lâu trong hoàng tộc, trong triều, bề ngoài vì sợ hãi, ai cũng tỏ ra có thái độ kính trọng Thái-sư Thủ-Độ. Nhưng trong lòng họ bất phục ông vì thất học, vì ông thiếu đạo đức. Bây giờ trước một biến cố nguy nan của đất nước, ông bầy tỏ khí phách, hơn nữa trình bầy lý luận chính xác. Trong khoảnh khắc đó, trong lòng họ nảy ra niềm kính phục.
Thủ-Độ hỏi Tử-An :
- Ai kế vị Thành-cát Tư-hãn ?
- Thưa là Oa Khoát Đài.
- Thế còn bọn Truật Xích, Sát Hợp Đài, Đà Lôi ? Chúng được phong làm vua ở những vùng nào ?
Tử-An chỉ lên bản đồ :
- Khi Thành-cát Tư-hãn băng thì Truật Xích chết rồi. Y chết vì bệnh. Con của y là Bạt-Đô lĩnh hãn địa phía Bắc, phía Tây rặng núi Altai, tới nơi nào mà vó ngựa Mông-cổ còn tới được. Sát Hợp Đài lĩnh nước Thổ-phồn, Tây-Liêu, Tây-vực (Kwharesm tức Hoa Thích Tử Mô). Oa Khoát Đài lĩnh xứ Tây-hạ, Kim, Cao-ly, Liêu-Đông và các nước và phía Đông. Đà Lôi lĩnh phần đất tổ, tức vùng Thảo-nguyên, bây giờ là Mông-cổ.
- Được rồi, em tiếp đi.
Thái-sư Thủ-Độ nhắc: Phần này rất quan trọng. Em thuật ti mỉ một chút.
- Tuy Thành-cát Tư-hãn chỉ định Oa Khoát Đài kế tục, song từ xưa đến giờ, việc tôn đại hãn phải phải do một đại hội quý tộc bầu lên, thì mới được coi là chính thức. Cho nên niên hiệu Kiến-trung thứ 4 (DL.1228, Mậu Tý), Mông-cổ tổ chức đại hội quý tộc, để hợp thức hóa Oa Khoát Đài. Về niên hiệu, thì bắt đầu kể từ năm Kỷ Sửu (DL1229) là niên hiệu Nguyên Thái-tông nguyên niên. Lên ngôi vua rồi, Oa Khoát Đài tiếp tục thi hành di chúc của Thành-cát Tư-hãn. Di chúc này có hai phần: Một là tiếp tục chinh phục các xứ về phương Tây, cho đến tận cùng của chân trời. Hai là chiếm Kim, Tống và các nước phương Đông. Năm Nguyên Thái-tông thứ tư (DL.1232, Nhâm Thìn, bên Đại-Việt là niên hiệu Kiến-trung thứ 8). Oa Khoát Đài và Đà Lôi liên minh với Tống, tấn công vào Hà-Nam. Tháng 3, Tốc Bất Đài chiếm Biện-kinh (Khai-phong). Kim Ai-tông chạy về Quy-đức rồi lại bỏ Quy-đức chạy về Thái-châu. Phía Tống, sai Chinh-viễn đại tướng quân Mạnh Hồng đem quân giúp Mông-cổ vây Thái-châu. Năm Nguyên Thái-tông thứ 6 (DL.1234, Giáp Ngo, bên Đại-Việt là niên hiệu Thiên-ứng chính bình thứ ba đời vua Thái-tông), Thái-châu thất thủ. Kim Ai-tông tự tử ở hành lang U-lan. Triều đại Kim hoàn toàn mất từ đây.
Thủ-Độ hỏi:
- Chú Tử-An! Thời Thành-cát Tư-hãn nghị kế đánh Kim. Người đầu tiên đưa ra ý kiến rằng muốn thắng Kim, cần liên binh với Tống là tôi. Thành-cát Tư-hãn nhờ phụ thân tôi với kế mẫu Thúy-Thúy đi sứ Tống. Hai bên giao kết: Mông-cổ sẽ nhường cho Tống phục hồi ba cố đô là: Đông-kinh tức Khai-phong, Tây-kinh tức Lạc-dương, Nam-kinh tức Úng-thiên hay Thương-khâu. Vậy sau đó Mông-cổ có giữ lời hứa không?
- Không! Tống theo điều ước, tiến binh lấy đất cũ. Nhưng Mông-cổ tháo nước sông Hoàng-hà làm quân Tống bị chết đuối. Thế là chẳng những Tống không thu được đất cũ, mà còn bị phản bội. Hai năm sau, năm thứ 8 (1236) Oa Khoát Đài khai chiến vơí Tống. Đạo thứ nhất do đệ nhị vương tử Khoát-Đan (Kha-Đan=Qadan) tiến quân vào vùng Tứ-xuyên, đánh Thành-đô. Đạo thứ nhì do đệ tam hoàng tử Khúc-Xuất (Ku-Tru=Kueu) và tướng Hồ Thổ Hổ (Tê-mu-tai=Tamutai) đánh chiếm Tương-dương. Một đạo do thân vương Khẩu Ôn Bất Hóa (Kun Bu Kha=Kun Buqa) và tướng Trà-Can (Tragan) tiến đánh Hán-khẩu. Qua những lần Mông-cổ đánh Kim, người Hán đã nhận rõ được rằng quân Mông-cổ không giống quân Liêu, Kim; chỉ lo chiếm đất, tổ chức cai trị. Mông-cổ đi đến đâu tàn sát, hủy diệt đến đó. Vì vậy dân chúng cùng đứng lên liều chết chống giặc, còn hơn để giặc giết. Vì vậy Mông-cổ bị chặn lại ở khắp nơi. Trong 4 năm liền, không chiếm nổi Tương-dương.
Quản Khu-mật viện Chu Mạnh Nhu hỏi:
- Thưa thế tử, như tin Khu-mật viện thu được qua các thương nhân Hồi, thì dường như mới đây, bên Mông-cổ cũng có nạn gà mái gáy. Sự thực như thế nào?
- À, vấn đề như thế này. Năm Nguyên Thái-tông thứ 13 (DL.1241,Tân Sửu, bên Đại-Việt là niên hiệu Thiên-ứng chính bình thứ 10), Oa Khoát Đài băng, thụy hiệu Anh-văn hoàng đế, miếu hiệu Thái-tông. Năm này thân vương Sát Hợp Đài cũng hoăng. Vợ Oa Khoát Đài là Lục hoàng hậu tức Nãi Mã Trân (Tô Rê Ghê Nê= Toragana) chuyên quyền, không tổ chức đại hội quý tộc, để cử người thay thế, cũng không trao quyền cho con là Quý-Do ( Gu-y-uc=Guyuk). Mặc dầu Quý-Do từng cầm quân Tây-chinh. Mãi tới năm Bính-Ngọ (DL.1246, Đại-Việt là niên hiệu Thiên-ứng chính bình thứ 15), trước áp lực của đám con cháu Truật Xích, Đà Lôi, Lục hậu mới chịu tổ chức đại hội quý tộc. Đại hội bầu Quý-Do lên làm đại hãn. Vì tuy Quý-Do lên ngôi, nhưng Lục hậu vẫn cầm quyền, nên con của Truật Xích là Bạt Đô chống lại Qúy Do, không thừa nhận, và cũng không tuyên thệ. Năm Mậu Thân (DL.1248, Đại-Việt là niên hiệu Thiên-ứng chính bình thứ 17) Quý Do mang quân đánh Bạt Đô, nhưng vừa khởi binh thì băng. Thụy hiệu là Giản-bình hoàng đế, miếu hiệu Túc-tông. Bọn con cháu Truật Xích, Đà Lôi chống lại bọn con cháu Oa Khoát Đài, Sát Hợp Đài. Trong đại hội quý tộc Tân Hợi (DL.1251, Đại-Việt là niên hiệu Nguyên-phong nguyên niên đơì vua Trần Thái-tông), dưới áp lực của con cháu Truật Xích, Đà Lôi, con của Đà Lôi là Mông Kha (Mongka) được cử làm đại hãn.
Thái-tử Hoảng hỏi Tử-An:
- Thưa tướng quân! Từ lúc Mông-Kha lên ngôi đại hãn, ông ta có tiếp tục con đường của Nguyên Thái-tông hay không?
Tử-An gật đầu:
- Không những tiếp tục, mà còn thúc đẩy mạnh hơn nữa. Để làm kế lâu dài, năm thứ 2 (DL.1252) y cho thiết lập hệ thống đồn điền, thành lũy của Mông-cổ dài từ Hán-thủy đến Hoài-thủy. Y sai em ruột là Hốt Tất Liệt (Qubilai) đánh chiếm Vân-Nam. Năm thứ 3, Hốt Tất Liệt cùng tướng Ngột-lương Hợp-thai (Uriyangqadai) vượt sông Kim-sa đánh chiếm thủ đô nước Đại-lý. Vua Đại-lý là Đoàn Hưng-Trí bỏ trốn. Năm thứ tư (1254) Hốt Tất Liệt trở về Bắc, để Ngột-lương Hợp-thai ở lại tiếp tục việc đánh Đại-lý. Đoàn Hưng-Trí bị bắt ở Thiện-xiển (Côn-minh ngày nay). Y đầu hàng Mông-cổ. Cho đến nay, toàn bộ vùng Tứ-xuyên, Đại-lý đều bị Mông-cổ chinh phục.
Tuyên-minh hoàng thái hậu mỉm cười hỏi Thái-sư Thủ-Độ:
- Già này nghe nói, hồi ở Mông-cổ, cháu đã kết bạn với Hốt Tất Liệt, Ngột-lương Hợp-thai, Bạt Đô, A-lý Hải-nha, được Thành-cát Tư-hãn gọi là Thảo-nguyên ngũ thiết điêu. Tình bạn thắm thiết lắm phải không? Bây giờ Hốt Tất Liệt làm Bình-Nam đại nguyên soai, Ngột-lương Hợp-thai làm Chinh-Nam đại tướng quân, Bạt Đô làm Chinh-Tây đại nguyên soái đánh Ba-tư, Nga-la-tư. A-lý Hải-nha coi Khu-mật viện Mông-cổ. Vậy cháu có thể vì tình bạn, sai sứ bảo chúng đừng đánh Đại-Việt được không?
Biết đây là lời nói đùa của bà bác mình, ngụ ý chế diễu việc Thủ-Độ định đem phong tục Thảo-nguyên vào Đại-Việt. Mặt Thủ-Độ đỏ như gấc, ông biện luận:
- Tâu Thái-hoàng thái hậu! Song thân thần trong lúc phẫn chí với triều Lý, mà tìm đến Mông-cổ, rồi giúp họ, để báo đáp tình bạn. Thần được nuôi, lớn lên ở Mông-cổ, rồi kết bạn với những người cùng tuổi là lẽ thường. Thái hậu minh xét, bọn thần là người ngoại quốc, mà bọn Thảo-nguyên ngũ điêu đối xử với thần bằng tất cả tình bạn chân thành. Trong khi đó thì bọn Long-Sảm, Long-Thẩm với thần là con cô con cậu, mà chúng hành hạ thần còn hơn thú vật. Còn như Thái-hậu dạy thần viết thư cho Hốt Tất Liệt, Ngột-lương Hợp-thai bảo chúng đừng đánh ta, thì quả thực thần không làm nổi. Bởi bọn Mông-cổ có chủ đạo rõ ràng: Tình bạn là tình bạn. Tình anh em là tình anh em. Còn khi bàn đến quốc sự, thì không kể tới. Như Tử-An thuật, chính anh em ruột thịt nhà họ, mà vì tranh quyền, họ còn giết nhau, huống hồ là tình bạn.
Nguyên-Phong hoàng đế hỏi:
- Thưa Thái-sư, theo như Tử-An báo thì Ngột-lương Hợp-thai có 5 vạn Lôi-kỵ. Trong khi đó bọn lái buôn lại nói là có 60 vạn. Sự thực ra sao?
Thủ-Độ tâu với nhà vua:
- Theo như Tử-An thuật, thì Ngột-lương Hợp-thai có 5 vạn quân, thêm quân của Đoàn Hưng-Trí khoảng 5 vạn nữa. Cộng chung 10 vạn. Theo binh chế Mông-cổ, cứ một chiến binh thì có 5 lao binh giữ nhiệm vụ chăn ngựa, tắm ngựa, giặt quần áo, nấu ăn, vác tên, chuyên chở lương thảo. Bọn này còn có nhiệm vụ trấn thủ thành trì mà bọn chính binh chiếm được. Như thế tổng cộng chúng có 50 vạn lao binh nữa. Bọn này đa số là người Di ở Đại-lý, người Hán ở Tứ-xuyên, chúng ô hợp, không trung thành. Bọn này ta không đáng cho ta sợ.
Nguyên-Phong hoàng đế đứng dậy, ngài đưa mắt nhìn cử tọa một lượt, rồi hỏi:
- Chư khanh hãy suy nghĩ xem. Nếu như bọn Mông-cổ đánh ta. Ta phải nghinh chiến bằng cách nào? Hay ta chịu nhún, mở đường cho chúng đánh Tống, tiếp tế lương thảo cho chúng để được yên thân.
Cử tọa im lặng cúi đầu suy nghĩ. Một khắc, rồi hai khắc trôi qua. Nhà vua hỏi Thái-sư Thủ-Độ :
- Trước khi nghị kế chống giặc, xin Thái-sư cho triều đình biết bằng cách nào, Mông-cổ lại có thể thắng các nước phương Tây, Tây-hạ dễ dàng ? Họ đâu có nhiều mưu, lắm Mẹo ? Họ đâu có mưu thần chước thánh ?
Thủ-Độ đưa mắt cho Tử-An :
- Em hãy tâu trình tổ chức của quân Mông-cổ lên Hoàng-thượng.
- Vâng.
Tử-An thuật :
- Đầu tiên Mông-cổ chỉ có kỵ binh, thường gọi là Lôi-kỵ. Sau này thêm công binh, pháo binh. Pháo binh gồm máy bắn đá, Lôi-tiễn . Máy bắn đá họ học của Tây-hạ, Trung-quốc. Lôi-tiễn do Phò-mã Trần Thủ-Huy mang sang dậy họ. Sau khi đánh Trung-quốc, các nước phương Tây, họ học thêm kỹ thuật các nước này, biến chế Lôi-tiễn đi rất nhiều. Tầm bắn xa, mũi Lôi-tiễn lớn hơn, sức công phá cũng mạnh hơn. Khuyết điểm của Lôi-tiễn này là nặng nề, cồng kềnh, khi phản ứng chậm, khó tìm được chỗ đặt. Công binh là quân bắc cầu, làm đường, phá thành, xây thành, sản xuất cung tên, vũ khí.
Ông ngừng lại, đưa mắt nhìn cử tọa một lượt, để cho mọi người theo kịp rồi tiếp :
- Về tổ chức : Cứ mười người gọi là Thập-phu. Mười Thập-phu là một Bách-phu. Mười Bách-phu là một Thiên-phu. Mười Thiên-phu là một Vạn-phu. Vạn-phu là một đơn vị biệt lập. Sáu Vạn-phu Lôi-kỵ, một Vạn-phu Pháo-binh, một Vạn-phu công-binh thành một Binh-đoàn. Pháo-binh, Công-binh hầu hết là người Trung-quốc, Tây-hạ, Tây-vực (Kwharesme). Lôi-kỵ thì hầu hết là dân vùng Thảo-nguyên. Con trai vùng Thảo-nguyên, từ sáu tuổi đã đi học. Họ không học chữ, mà học cỡi ngựa, bắn cung. Đến 12-13 tuổi thì xung vào những đoàn thân binh, được theo Lôi-kỵ ra trận, được huấn luyện trực tiếp tại trận. Khi một Lôi-kỵ tử trận, thì tuyển thân binh ưu tú thay thế. Trong các Lôi-kỵ người nào có sức khỏe, thông minh, nhanh nhẹn, bắn cung giỏi sẽ được tuyển chọn nhập trường huấn luyện trong 6 tháng rồi được phong làm Thập-phu trưởng. Muốn thành Bách-phu trưởng, phải là Thập-phu trưởng có công trạng, hay giỏi, rồi được tuyển chọn, gửi đi học một khóa 6 tháng. Cón muốn thành Thiên-phu trưởng, các Bách-phu trưởng phải hội đủ điều kiện sau : Khỏe mạnh, tiễn thủ ưu tú, kỵ mã giỏi, có công trạng, rồi cũng phải qua một thời gian huấn luyện là 8 tháng. Còn như Vạn-phu, thì phải là con Thân-vương, Đại-hãn các nước. Thảng hoặc mới có người ngoài được bổ nhiệm và chức này.
Nhà vua hỏi :
- Chư khanh thấy sao ?
Hưng-Đạo hỏi :
- Như vậy quân Mông-cổ đặt căn bản trên sự nhanh chóng, vũ dũng dàn trận, nghĩa là dùng trường binh. Họ không chú ý đến kỳ binh, mưu kế, phục binh, hỏa công, thủy chiến. Họ chuyên dàn trận, ào ạt tấn công địch. Có phải thế không ?
- Vâng !
- Còn Pháo-binh của họ, họ không có Nỏ-thần như ta. Với địa thế của ta, chỗ nào đất cũng lún, đường xá nhỏ hẹp, rất khó vận chuyển xe bắn đá. Cũng rất khó tìm chỗ đặt Lôi-tiễn. Còn Lôi-tiễn của ta, tuy nhỏ, nhưng tầm bắn xa ngang với họ. Mỗi Lôi-tiễn chỉ cần một người mang cũng được. Tôi chắc địa thế các nước phương Tây với Bắc Trung-quốc có nhiều cánh đồng rộng đất khô. Khi giao chiến họ dàn binh thành trận thế. Nên bị sức mạnh kỵ mã đè bẹp. Có đúng vậy không ?
Thái-sư Thủ-Độ cũng như Tử-An cùng đưa mắt nhìn nhau, tỏ ý khâm phục ý kiến của Hưng-Đạo vương.
- Quả như vương gia luận.
Tử-An đáp :
Chính vì vậy họ thắng các nước phương Tây, Tây-hạ, Đại-kim dễ dàng. Lần đầu tiên Thành-cát Tư-hãn đem quân đánh Tây-hạ, gặp thành Ninh-hạ, hào sâu, tường cao, Lôi-kỵ hóa vô dụng. Bấy giờ ông mới chú ý thành lập Công-binh, Pháo-binh để phá thành.
Chiêu-Minh vương hỏi :
- Thế Lôi-kỵ dùng những vũ khí gì ?
- Lôi-kỵ được trang bị rất đầy đủ. Mỗi người có hai hay ba chiến mã. Họ được cấp ít nhất ba lao binh phụ trách tắm ngựa, cắt cỏ nuôi ngựa, mang y phục, dụng cụ, vũ khí, nấu ăn, dựng lều. Về vũ khí, mỗi Lôi-kỵ được trang bị một mã tấu, một chùy sắt, một câu liêm. Cánh tay trái có một đoản đao, cài trong vòng da. Trên lưng ngựa của họ, dắt một hoặc nhiều phi lao ngắn, dài khác nhau ; một cái giây thoòng loọng. Nhưng vũ khí chính của họ là cung tên.
Thái-sư Thủ-Độ tâu :
- Xin Bệ-hạ cùng chư vị đại thần ra sân, rồi cho phép Tử-An triệu hồi một Thập-phu Lôi-kỵ vào, để thấy rõ vũ khí, cung tên của họ.
Nhà vua chuẩn tấu.
Tử-An ra ngoài thành một lát, rồi ông trở vào với một Thập-phu. Viên Thập-phu trưởng dàn mười người dưới quyền ra thành hàng ngang. Điều đầu tiên đập vào mắt các đại thần là ngựa Mông-cổ, lông lá xù xì, trông không đẹp mắt tý nào cả. Đã vậy chân chúng to lớn hơn chân ngựa Việt. Nhưng to lớn, khỏe mạnh.
Tử-An cầm một cây cung đưa ra :
- Cung của Mông-cổ do Phò-mã Trần Thủ-Huy mang mẫu từ Đại-Việt qua. Cung có ba khúc uốn. Dây cung bằng gân thú. Khác một điều là người Mông-cổ to lớn hơn người Việt, vì vậy cây cung cũng cứng hơn nhiều. Mũi tên to hơn nhiều, và bắn xa hơn nhiều.
Ông đưa ra ba ống đựng tên :
- Mỗi Lôi-kỵ đều có ba túi đựng tên : Tên bắn thủng áo giáp, tên tẩm thuốc độc và tên lửa.
Ông chỉ vào bọn Lôi-kỵ :
- Y phục Lôi-kỵ cũng phỏng theo đội võ sĩ Côi-sơn của ta xưa : Lúc ở nhà thì đầu đội mũ bằng tơ, khi ra trận thì đội mũ bằng đồng, bên trong là lớp bằng tơ. Mình cũng mặc ao lót tơ dầy, phòng khi bị trúng tên thì tên không xuyên sâu vào thịt. Bên ngoài khoác áo giáp bằng nhiều mảnh thép ghép lại với nhau.
Thái-sư Thủ-Độ lấy cây cung của Lôi-kỵ, rồi gọi một Thị-vệ :
- Người dương thử coi nào ?
Viên Thị-vệ cầm cung, nắp tên dương lên. Nhưng cung cứng quá. Y nghiến răng dương lần nữa, nhưng cũng không được. Y trả lại cho viên Lôi-kỵ. Viên Lôi-kỵ dương lên thực dễ dàng.
- Như vậy cũng đủ rồi.
Thái-sư Thủ-Độ nói :
- Chúng ta vào trong nghị sự tiếp:
Tiếp lời Tử-An, Thái-sư Trần Thủ-Độ trình bầy tỷ mỷ chiến thuật mà quân Mông-cổ thường dùng (Xin xem các hồi trước).
Trên gương mặt cử tọa đều hiện ra vẻ lo âu. Trong tâm người nào cũng nghĩ : Với những chiến mã hùng vĩ như vậy, với những Lôi-kỵ thiện chiến, được trang bị như vậy, thì sao binh Đại-Việt có thể đương nổi ?
Nguyên-Phong hoàng đế cũng tỏ ra lo sợ :
- Chúng ta phải nghênh chiến cách nào ?
Vũ-Uy vương (Con thứ vua) tâu:
- Theo như thần nhi nghĩ, ta nên chỉnh bị binh mã, dàn ra tại biên giới. Ta chặn giặc tại biên giới dễ hơn là đợi giặc vào nước. Ta lại đóng thực nhiều đồn trên đường dẫn về Thăng-long. Giặc muốn vào, thì phải nhổ từng đồn, hao binh, tổn tướng, mất nhiều thời gian. Khi chúng vào đến trung châu thì mệt mỏi rồi. Ta chỉ đánh một trận thì phá được.
Chiêu-Minh vương Quang-Khải bác:
- Không ổn! Bởi quân Mông-cổ là quân kỵ. Ta mà dàn quân chống với chúng, thì chỉ cần một khắc, chúng phá tan trận của ta ngay. Còn các đồn ư? Kinh nghiệm việc Mông-cổ đánh Kim, chúng sẽ bỏ rơi các đồn, mà tiếp tục tiến binh. Từ biên giới về Thăng-long chúng chỉ mất có hai giờ sức ngựa là cùng. Hoặc nếu cần, chúng dùng mấy bắn đá thì chỉ một giờ là quân giữ đồn nát thây ra hết.
Thái-úy Khâm-Thiên đại vương Trần Nhật-Hiệu (em vua) tâu:
- Chúng ta có nên áp dụng chiến lược hồi Lý đã đánh Tống không? Nghĩa là ta tìm giặc mà đánh, còn hơn là ngồi chờ giặc! Ta đem quân vượt biên đánh chúng trước.
Hưng-Ninh vương Quốc-Tung bác:
- So sánh tình hình của ta với Mông-cổ hiện thời khác xa với hoàn cảnh của Lý với Tống. Vì sao? Bấy giờ Tống không có trọng binh ở Nam-thùy. Trong khi Lý có binh hùng tướng mạnh. Tống thì không ngờ ta xuất quân, trong khi Lý đã chỉnh bị sẵn. Còn bây giờ, quân Mông-cổ như hùm, như gấu đang chờ lệnh tràn vào nước ta. Còn ta chưa chỉnh bị xong binh mã. Không thể đem việc Lý-Tống ra áp dụng với hoàn cảnh ngày nay.
Thái-sư Thủ-Độ gõ tay lên án thư. Cử tọa im phăng phắc:
- Ta hiện có 12 hiệu Thiên-tử binh. Một hiệu Kỵ-binh Phù-Đổng, một hiệu Ngưu-binh Hoa-lư. Tổng cộng là 12 vạn người. Quân của ta hầu hết là bộ binh, chưa từng chiến đấu. Tướng của ta chưa từng xuất trận. Trong khi giặc có 10 vạn, mà 5 vạn kỵ binh thiện chiến. Hồi đánh Tây-vực, vua Tây-vực có 40 vạn quân thiện chiến, thế mà Tốc Bất Đài, Triết Biệt chỉ có ba vạn quân, mà dám truy kích vua Hồi khắp lãnh thổ bao la của họ.
Vũ-Thành vương cười khẩy :
- Binh của triều đình do Thái-sư tổng chỉ huy thì thế, chứ quân Ngũ-yên của chúng tôi thì không thế. Bốn hạm đội của chúng tôi trước đây vẫn mạnh hơn hạm đội Liêu-Đông của Mông-cổ. Hiện đang mạnh hơn, và sẽ mạnh hơn. Còn Kỵ-binh, Ngưu-binh, bộ binh chủa chúng tôi ngày đêm luyện tập...Chúng tôi không sợ chúng.
Mặt Thủ-Độ tái mét. Ông đưa mắt nhìn phái đoàn Ngũ-yên:
- Hoàn cảnh của ta bây giờ, điều cần thiết để ngăn được giặc có ba. Một là vua với dân có cùng sát cánh bên nhau hay không? Hai là các môn phái có bỏ hết tỵ hiềm ra rồi cùng rút gươm đuổi giặc như như hồi vua Lê đánh Tống không? Ba là, ngăn giặc thì không khó. Khó là vua, tôi; anh, em có đồng lòng với nhau hay không?
Vũ-Thành vương Doãn nói mỉa:
- Anh em trong nhà, cùng một dòng máu, thế nhưng người có quyền, có lực thì làm nhục, áp chế người không quyền, thiếu lực. Rồi bây giờ, giặc tới biên thùy lại bảo anh, em; vua, tôi phải đồng lòng. Khi thích thì gây ra tội ác, bây giờ gặp nguy nan, thì lại bảo nạn nhân lăn mình vào chỗ chết. Hừ! Bàn sao nghe lạ tai quá. Xin Thái-sư hãy sờ tay lên gáy, rồi nhìn bàn tay mình xem có sạch hay không?
Hưng-Ninh vương cầm tay em :
- Thôi chú ! Chúng ta đang bàn quốc sự. Chú chẳng nên gay gắt làm gì !
Thủ-Độ đập tay lên án thư:
- Doãn! Người nên nhớ ta là vai ông người. Người không được nói móc ta. Im miệng ngay.
- Thưa Thái-sư!
Vũ-Thành vương cười nhạt:
- Chúng ta đang ở điện Uy-viễn, luận quốc sự cứu nước. Ở đây ai cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình. Lời phát biểu của tôi, là đại diện cho năm vùng Yên. Là biểu lộ mối lo lắng của dân chúng cũng như của bốn hạm đội, năm hiệu binh. Nếu Thái-sư cả vú lấp miệng em, thì xin Thái-sư cứ một mình một kiếm lên biên giới mà chống giặc.
Không khí trở thành căng thẳng tột độ.
Hưng-Nhân vương phi Kim-Ngân là thái tổ cô, bà ngang vai với Nguyên-tổ Trần Lý, tức vai cụ của Vũ-Thành vương. Bà từng là sư phụ của vương. Bà bỏ chỗ ngồi, chạy lại nắm tay vương:
- Con! Con có tin rằng ta yêu con không?
- Dạ! Con tin.
- Vậy trong buổi họp này, con phải bỏ hết tỵ hiềm ra, thì mới mong cứu được đất nước khỏi cơn bão táp.
Buổi họp trở thành bế tắc. Người người cùng nhìn Hưng-Đạo vương, như đặt tất cả hy vọng vào vương. Vương trầm tư một lúc rồi nói:
- Muốn cứu được nước phen này, thì vũ khí quan trọng nhất là nhân tâm. Bàn cho phải, đem quân vượt biên tấn công giặc trước. Dàn binh, đóng đồn ngăn giặc...Tất cả đều có ưu điểm, nhưng không phải là toàn hảo. Muốn thắng giặc, ta phải biết giặc, ta phải biết ta. Trước hết là biết giặc. Vậy giặc có ưu điểm gì? Khuyết điểm gì?
Cử tọa im phăng phắc.
Tiếng Hưng-Đạo vương vẫn trầm mà trong:
- Ưu điểm của giặc là kỵ binh di chuyển nhanh chóng. Chúng xông vào phá trận ta dễ dàng. Mông-cổ vốn giỏi bắn cung. Chúng lại thiện chiến. Vậy ta phải làm cách nào phá ưu điểm của chúng. Kỵ binh sợ nhất gì? Một là gặp rừng, hai là gặp đồng lầy. Từ biên giới về Thăng-long, đường đi quá hẹp, toàn là rừng, đồng lầy. Thiên nhiên đã giúp ta cản giặc. Chúng di chuyển nhanh chóng, thì dọc đường ta dùng chướng ngại vật, đào hố đặt chông. Chúng giỏi phá trận, thì tuyệt đối ta không dàn trận đối địch với chúng. Chúng giỏi bắn cung thì ta nương vào rừng rậm mà tấn công chúng. Cái hùng mạnh ghê gớm của chúng là chiến mã dẻo dai, vũ dũng ; là tên bắn xa, lực đạo mạnh, rất chính xác. Vậy ta phải dùng ba thứ vũ khí chống được chúng. Một là huấn luyện binh sĩ môn võ công Giải-công.
Tử-An hỏi :
- Thưa vương gia Giải-công là gì vậy ?
- Giải là con cua. Binh sĩ lăn dưới đất như cua, chặt chân ngựa. Môn võ công này gốc từ Bố-cái đại vương. Ít lâu nay, võ lâm không mấy người chịu luyện. Tuy vậy chưa truyệt tích. Ta có thể luyện tập cho binh sĩ được.
Cử tọa đều gật đầu công nhận lý của vương là đúng.
- Vũ khí thứ nhì là dùng Địa-thằng. Thằng là giây, tức dùng trận địa giây. Trận địa giây có ba loại là Đơn-thằng, Trung-thằng, và Vạn-thằng. Đơn-thằng gồm một sợi giây. Một đầu móc vào viên chì hay sắt. Một đầu kia nối với cái lưới dây từ năm tới mười mắt. Khi xuất trận, binh sĩ lăn dưới đất vung giây, quả chì trúng chân ngựa, cuốn lấy chân ngựa. Ngựa sẽ bị ngã. Hoặc tung đầu kia ra. Ngựa dẵm phải lưới giây, bị vường, bị ngã.
Thái-sư Thủ-Độ bật lên tiếng than :
- Á chà ! Lợi hại thực. Tại sao mười mấy nước phương Tây, tại sao Kim, Liêu, Hạ, Tống không nghĩ ra được chiến pháp này nhỉ ? Bằng không thì Mông-cổ đâu có tung hoành mấy chục năm nay ? Thế còn Trung-thằng ?
- Trung-thằng, gồm những lưới giây từ năm chục tới một trăm mắt, dùng để chống Thập-phu, Bách-phu, hoặc trong vùng địa thế nhỏ hẹp, trên đường đi. Trong khi giao chiến, hoặc là ta giả lùi, hoặc ta bị yếu thế lùi lại, thình lình tung Trung-thằng ra, Lôi-kỵ không kịp ngừng , chân ngựa sẽ bị vướng lưới, ngã ngay. Bấy giờ quân ta quay lại chém giết. Còn Vạn-thằng là trận địa giây lớn, chăng sẵn dưới đất, giây ẩn dưới cỏ. Khi giao chiến, thình lình ta lùi, Lôi-kỵ xung lên, chân ngựa mắc giây. Ta quay trở lại mà chém giết.
Tử-An suýt xoa :
- Từ lúc sáu tuổi, tôi được huấn luyện thành kỵ mã, rồi Lôi-kỵ, rồi thành tướng Mông-cổ. Từng sung sát hằng trăm trận, coi binh tướng thiên hạ bằng nửa con mắt. Tuy nhiên nếu có đội quân luyện tinh vi trận địa giây, thì quả thực lúc lâm chiến, tôi sẽ bị thất bại. Đại-Việt ta mau cho binh sĩ luyện tập trận địa giây thì không còn sợ Lôi-kỵ nữa.
Triều đình cùng thở dài nhẹ nhỏm. Nhà vua hỏi :
- Ban nãy vương nói, có ba loại vũ khí chống Lôi-kỵ, thì một là Giải-công hai là Địa-thằng. Thế vũ khí thứ ba là vũ khí gì ?
- Tâu là khiên-mây và đao-quất.
- ? ! ? ! !
- Khiên-mây là một cái khung bằng tre, các mắt lưới đan bằng những sợi mây, gồm hai lớp. Lớp ngoài cách lớp trong khoảng một gang tay. Khi giáp trận, binh sĩ dùng Khiên-mây chống tên địch.
Vũ-Uy vương hỏi :
- Như vậy Khiên-mây cũng giống cái mộc ta vẫn dùng, đâu có khác gì ?
- Khác rất nhiều.
Hưng-Đạo vương giảng giải :
- Mộc bằng gỗ rất nặng nề, phải thợ chuyên nghiệp mới chế được, lại tốn kém. Mộc dùng để chống tên, chống vũ khí tấn công. Còn Khiên-mây thì nhẹ nhàng, dễ chế tạo, ít tốn kém. Khiên-mây chỉ để chống tên của địch mà thôi. Khiên-mây dùng với Đao-quất, thì không sợ Lôi-kỵ nữa. Đao-quất là gì ? Là một cái mã tấu, chuôi mã tấu có sợi giây. Sợi giây dài từ nửa trượng tới một trượng (1m-3m). Đầu kia có viên chì, hay viên sắt. Khi cần thì dùng mã tấu đánh cận chiến. Khi chống Lôi-kỵ thì nấp sau Khiên-mây, tay vung giây, trái quất đập trúng người, trúng ngựa đối phương.
Vương ngừng lại, nói với Tử-An :
- Chúng ta hãy cho Lôi-kỵ thử khiên-mây, đao-quất xem sao.
Triều đình lại ra sân. Hưng-Đạo vương truyền gọi một Lượng (20 người) bộ binh của Ngũ-yên, võ trang khiên-mây, đao-quất vào, rồi cho dàn ra. Vương nói với Tử-An :
- Xin tướng quân cho Thập-phu Lôi-kỵ tấn công thử. Cứ tấn công thực sự.
Vương ra lệnh cho binh Ngũ-yên :
- Chỉ được vung trái quất trúng mũ Lôi-kỵ, chứ không được đánh trúng người, ngựa.
Tử-An hú lên một tiếng dài, Thập-phu Lôi-kỵ từ đầu bên kia sân cùng rú lên, rồi vọt tới hàng binh Ngũ-yên thì dương cung bắn một loạt rồi quay trở về. Tên rít lên vi vu, binh Ngũ-yên dơ Khiên-mây lên che thân, tên đều mắc vào khiên. Nhanh nhẹn, binh Ngũ-yên vung tay, những trái quất sắt bay ra, trúng mũ Lôi-kỵ kêu lên lộp bộp. Một trái không trúng kỵ mã, trúng lưng chiến mã. Con ngựa đau đớn hý lên, phi được bốn bước nữa, ngã lăn ra đất
Triều thần cùng chạy ra xem Khiên-mây, có cái tên mắc vào lớp thứ nhất. Có cái mắc vào lớp thứ nhì. Không có mũi tên nào xuyên qua Khiên cả.
Tử-An chắp thay vái Hưng-Đạo vương :
- Vương gia nghĩ ra được phương pháp này, thì Lôi-kỵ không là bóng quỷ đe dọa ta nữa.
Hưng-Đạo vương tiếp :
- Về khuyết điểm của Mông-cổ có ba. Một là chúng toàn người phương Bắc, sống trong vùng lạnh lẽo đã quen. Bây giờ phải chiến đấu ở vùng thấp nhiệt; người, ngựa đều mất sức. Từ đó dễ sinh ra bệnh. Hai là, với 5 vạn Lôi-kỵ, mỗi Lôi-kỵ có hai đến ba ngựa. Thì khi họ xuống đồng bằng, bùn lầy, ngựa di chuyển khó khăn, lấy đâu ra chỗ thả ngựa? Lấy đâu ra cỏ cho ngựa ăn? Ba là, đánh Kim, Tống, Tây-vực, khi chiếm một thị trấn, họ chỉ cần đánh thành, hạ thành, là họ khống chế được dân chúng. Ngược lại, ta không có những thành kiên cố. Cũng không có quân thủ thành. Ta có cả nước đều là thành. Cả dân đều là binh thủ thành. Họ khó mà thắng nổi ta.
Chiêu-Minh vương thắc mắc:
- Xin vương huynh giải thích rõ, thế nào là cả nước đều là thành? Thế nào là cả dân đều là binh thủ thành?