Chương 7:
Giờ sinh hoạt chủ nhiệm đã đến mà không thấy thầy xuống, cả lớp bắt đầu nhốn nháo. Như từ hành lang bước vào, dáng vẻ đạo mạo, tay đẩy đẩy gọng kính tưởng tượng rồi hắng giọng:
- Các em im lặng! Ồn ào như chợ vỡ vậy. Thầy chủ nhiệm đâu?
Không nghe tiếng trả lời, “cô tổng giám thị” bước đến bàn giáo viên, lật lật sổ đầu bài và “phê” bằng… miệng:
- Rắn mất “đầu”. “Mông” chạy lung tung!!!
Những tiếng cười tiếp tục vang lên ầm ĩ khi Như phủi phành phạch vào vạt áo dài, rồi cầm lên săm soi như sợ còn hạt bụi nào vướng lại - đúng là dáng vẻ của cô tổng giám thị trường! Cô có biệt danh là “vua sạch”, lúc nào cũng như muốn đeo khẩu trang bụi. Lớp nào bị cô kiểm tra vệ sinh thì dù có quét sạch đến đâu cũng sẽ bị trừ sạch sành sanh điểm thưởng trong tuần. Cô xem xét từng chân ghế, góc tường để tìm… bụi. Diễn xong vai, Như chạy ào ra dọc hành lang để xem thầy tới chưa. Gặp Trúc Anh đang đi xin điểm đầu bài, Như liến thoắng:
- Nè, “ông bạn”, dạo này vẫn “phát đạt” chứ? Đem sổ đầu bài lại, “cô” sẽ ký cho!
- Không dám, “thưa cô”, “em” nhớ “cô” bị… loạn thị mà, không đeo kính, “cô” vẽ chữ Tàu cho “em” sao? - Trúc Anh đối đáp lại rồi cười khì - Ủa, sao ra đây?
- Thầy chưa vô. Đi nghe…
Nói chưa dứt câu Như đã chạy tọt vào lớp tiếp tục bày trò với các bạn. Trúc Anh không nhịn cười khi thấy Như vẽ lên mặt một cậu bạn những đường ngoằn ngoèo và cả một chú… lợn to đùng giữa trán. Thế mà cậu ta vẫn ngồi yên cho Như vẽ, thật ngộ! Trúc Anh mỉm cười, lắc đầu rồi đi tiếp. Thì ra vẫn có người còn muốn nghịch hơn cả cậu nữa.
Vừa lúc đó, lớp trưởng chạy vào bảo thầy chủ nhiệm bận công tác đột xuất, yêu cầu các bạn trật tự, đến hết giờ mới được ra về. Nhưng chỉ vừa mới nghe thầy bận là cả lớp đã ồ lên với đủ giọng hét, giọng cười ồn ã. Có bạn lên ngồi cả trên bàn giáo viên, gõ thước và bắt đầu “giảng bài”. Một chiếc giày của bạn nữ nào đó bị treo lên giữa bảng. Bọn con trai la oang oang lên rằng chủ nhân phải có hành động chuộc lại, nếu không, giày sẽ… chạy đến lớp khác.
Chủ nhân của chiếc giày “xấu số” ấy là Thúy, một cô bé nhỏ nhắn hiền lành nhất lớp. Thúy đứng lên hỏi xem “kẻ ấy” muốn điều gì.
- Cột áo dài, nhảy lò cò dọc hành lang!
Câu nói vừa thốt lên đã vấp phải tiếng phản đối của hầu hết “giới nữ lưu” ít nói trong lớp. Nhưng tỷ số chỉ gần như một phần ba, không thể chọi lại được! Mười lăm đứa con gái quay sang cầu cứu Như. Như gỡ giày ra, xắn quần, đi chân không đến trước mặt Trí - người vừa thách thức, nói:
- Dọc hành lang thì không được. Như sẽ "cò" giùm, trong lớp thôi, được chứ?
Bàn luận một hồi với phe còn lại, Trí đồng ý với điều kiện Như phải "cò" ba vòng chứ không phải một! Như nhảy lò cò ngang chiếc bảng, được hai vòng bỗng ngả nghiêng chạm vào người Trí. Cả lớp được một trận cười nghiêng ngả. Vừa xong nhiệm vụ, Như quay ngược lại đả cho Trí một đòn:
- Còn bây giờ, tôi có chiếc bóp của Trí. A ha, xem nè…
- Như từ từ mở bóp trong khi phe nữ cản Trí lại. Hình một cô gái, chết nghe! Tiền, chứng minh nhân dân. Mấy bạn muốn coi không?
Tình hình “chiến sự” thay đổi nhanh chóng. Trí nài nỉ Như đừng cho mọi người xem tấm ảnh trong đó. Như ra điều kiện, tranh cãi với mấy tên “mặc áo sơ mi, đóng thùng” một lát. Cuối cùng, Trí bị đưa ra giữa lớp cho mỗi bạn nữ nhéo một cái, còn phải hát mười lần liên tục câu: “Anh muốn sống bên em trọn đời, như núi Chư-prông, đứng bên mặt trời...”. Phải đúng giọng “núi rừng” của ca sĩ Siu Black nữa cơ! Không biết là may hay rủi, Trí chỉ khổ sở hát đến lần thứ tư thì thầy giám thị đã đứng tần ngần trước lớp. Mọi người im thin thít, còn Trí thì cứ say sưa gào thét: “Anh muốn sống bên em trọn đời...”. Đến khi thầy cất giọng ồm ồm:
- Em đang làm gì vậy?
Trí suýt ngã xuống khỏi bục giảng mà ngất đi. Cả lớp không nín được, rúc rích cười. Thầy quắc mắt:
- Lớp trưởng đâu?
- Dạ! - Tân đứng lên.
- Sao em không giữ trật tự lớp? Lát nữa thầy quay lại mà còn tiếp tục ồn thì thầy sẽ báo Ban giám hiệu và thầy chủ nhiệm đó!
- Dạ, em biết rồi ạ!
Nghe tiếng đáp ngoan ngoãn của Tân, thầy giám thị quay đi, nhưng rồi chợt khựng lại, đến bàn giáo viên và phê vài dòng vào sổ đầu bài. Như nghe rõ cả tiếng thở của các bạn. Như chợt muốn phì cười, phải cố lắm mới không phát ra thành tiếng. Nhưng khi thầy vừa quay gót đi thì “những bức tượng đá”… giả tạo lúc nãy bắt đầu… di động liên tục. Hùng chạy nhanh đến bàn giáo viên, đọc to:
- Lớp ồn. Đề nghị giáo viên chủ nhiệm kiểm điểm lại ban cán sự. Ghi chú: Có một “nữ yêu quái” vào nhầm lớp, đang ăn hiếp “những chàng trai xinh đẹp” của chúng ta, đề nghị… “anh thầy” xử lý!
Dĩ nhiên cả lớp đều biết ghi chú đó là lời Hùng thêm vào để nói đến Như nên lớn tiếng cười chờ một đợt “phản công” mới. “Không phụ lòng” các bạn, Hùng vừa đọc xong là bị Như cho ngay một viên phấn giữa trán. Một trận cười lại rộ lên. Vẫn chưa chịu buông tha, Như bám sát gót định cho Hùng vài cái nhéo nhưng, thêm một lần, cứu tinh phái mạnh xuất hiện:
- Lại ồn nữa rồi!
Chỉ nghe tiếng là Như biết ngay thầy giám thị! Như bỗng vô thức phủi phủi hai vạt áo dài rồi quay lại… cười thật hiền với thầy và chạy vọt về chỗ ngồi. Bên kia, Hùng cũng đã yên vị. Lần này, không biết sổ đầu bài có còn chỗ trống để thầy phê vào không…
Dư vị của buổi đùa nghịch buổi sáng vẫn còn đọng lại trong Như, Như cứ tủm tỉm cười hoài. Cũng thấy lo lo, không biết thầy chủ nhiệm sẽ nói gì…
Như kéo tay áo, xem đồng hồ. Thuyên trễ hẹn hơn hai mươi phút rồi, chắc bận chuyện gì đó. Như tiếp tục dựa xe vào tường, chờ đợi. Vừa lúc, Thuyên trờ tới:
- Xin lỗi bạn. Xe Thuyên bị hư dọc đường.
- Không sao đâu. Mình đi!
Thuyên lẳng lặng đạp xe đi trước. Hôm nay, cô giáo dạy lớp chọn văn dặn Như và Thuyên đến nhà cô có chút việc. Vì không biết nhà nên Như hẹn Thuyên đợi ở cổng trường để cùng đi. Thuyên không thấy thoải mái nhưng không thể từ chối Như được.
Ba giờ chiều, nắng vẫn còn gay gắt. Thuyên đưa tay gạt mồ hôi ngang trán. Như cất tiếng:
- Thuyên mệt lắm hả? Nhà cô xa lắm không?
- Cũng gần thôi. Qua hết con đường này, quẹo vô hẻm là tới.
- Thuyên hiền quá hà, chắc trong lớp hổng bao giờ nghịch đâu há! Như thì một ngày không chọc phá ai là không chịu nổi.
Thuyên im lặng cười cười, nghe giọng điệu của Như có vẻ hứng khởi lắm. Thấy Thuyên im lặng, Như tưởng Thuyên muốn nghe mình kể chuyện, liền đem chuyện “nóng hổi” lúc sáng thuật lại một cách vui nhộn. Thuyên bật cười liên tục trước những lời pha trò thêm của Như. Quả thật, Như rất có khiếu hài hước! Thuyên chầm chậm quay qua nhìn cô bạn đang đạp xe bên cạnh - cái nhìn thẳng đầu tiên từ khi biết Như. Như có chiếc mũi thẳng, hơi hếch một tí, mắt ánh lên, sáng trong, đôi má ửng đỏ vì cười nhiều. Như không nhìn lại Thuyên, tiếp tục nói:
- Nếu thầy chủ nhiệm la, chắc cả lớp lại gằm mặt xuống cho coi. Nhưng chỉ một chút là hết hà. Thầy cũng thoải mái lắm! À, lớp Thuyên thì sao?
- Cũng có lúc nghịch ngợm, nhưng chủ yếu là mấy bạn nam thôi. Trúc Anh thường là đầu trò đó!
Thuyên chợt thấy lạ vì giọng điệu khá tự nhiên của mình, nhưng Thuyên mặc kệ, không để ý nữa. Như cũng rất dễ thương. Thuyên dần cảm thấy không còn giữ kẽ với Như, Thuyên trò chuyện vui vẻ hơn. Đến nhà cô giáo, Thuyên đẩy cổng bước vào. Như lóc thóc dắt xe theo và gọi váng lên:
- Cô ơi, tụi em tới rồi!
Từ trong nhà, mùi vani thơm lựng. Cô giáo mặc đồ bộ màu xanh đang ngào mứt chuối. Nghe tiếng cô học trò lí lắc, cô đáp lớn:
- Hai em vào nhà đi!
Cô tắt bếp, chùi tay và bước ra phòng khách. Như láu táu không dễ gì quên mùi thơm tỏa ra lúc nãy.
- Cô đang nấu gì vậy cô? - Như hỏi liền.
Cô giáo nhéo mũi Như, mắng yêu:
- Nấu món ngon đãi hai cô học trò này nè. Em đó, thiệt là nhanh miệng! Chờ một lát, mứt khô, các em phải ráng mà ăn cho hết đó.
- Đừng lo thừa lại cô ơi! – Như cười tươi rói.
Thuyên vuốt vuốt mái tóc cho gọn gàng, thưa cô giáo và ngồi xuống ghế. Nhìn Như không ngớt tíu tít với cô, Thuyên lại ao ước mình được hoạt bát như bạn vậy - điều mà trước đây Thuyên vốn chẳng thích.
- Cô kêu tụi em tới đây có gì không cô? – Như lại hỏi.
- À, tổ Văn và Ban giám hiệu nhà trường đã đồng ý với ý kiến của cô là sẽ làm trang thơ riêng cho từng lớp trong tháng 12 tới. Cô muốn nhờ hai em tuyên truyền và hướng dẫn cho các bạn trong lớp mở đầu phong trào này. Thật ra, cô cũng biết các em rất bận vì chương trình học dày đặc, nhưng hai em là hai học sinh có vốn văn phong phú của trường. Còn về sau, mọi chuyện sẽ quen dần. Hai em thấy sao?
Khỏi phải nói, cả hai đứa tỏ vẻ thích thú ra mặt. Thế là ba cô trò cùng nhau nghĩ ra đề tài, bàn luận đủ mọi phương pháp viết. Năm cuối, ai cũng muốn để lại chút dấu ấn của mình. Thuyên và Như bàn luận tích cực đến nỗi quên hết cả thời gian, cho đến khi cô vào bếp đem mứt ra đãi thì mới biết là một buổi chiều đã trôi qua. Như xuýt xoa:
- Mứt cô làm ngon quá trời. Mai mốt cô chỉ cho em làm nhen cô!
- Ừ, em cứ đến đi. Cô sẽ không giấu nghề đâu. Chỉ sợ lúc đó em lại than mệt.
Cô giáo cười xòa, nhìn hai cô học trò với ánh mắt chan chứa yêu thương.
Ăn xong, hai đứa chào cô ra về, mặc dù cô giáo cố kêu ở lại để cùng ăn cơm với cô cho vui. Thuyên thấy thật áy náy, nhưng vì chiều nay ba dặn sẽ chở Thuyên đi mua sách nên Thuyên không thể ở lại. Như cũng phải về sớm. Ra tới cổng cô giáo còn nói:
- Lúc rảnh hai em cứ tới chơi thường với cô. Cô chỉ sống có một mình thôi…
Thuyên thấy thương cô quá, ở tuổi cô, người ta đã có chồng con cả rồi. Có lẽ, cô khó chọn “đối tượng!”. Thuyên không biết Như đang nghĩ gì, cô bạn cứ đạp xe tình tang, từ nhà cô giáo ra chưa nói câu nào. Tuy vậy, dường như hiểu được thắc mắc của Thuyên, Như liền nói:
- Cô ở một mình chắc buồn lắm. Mai mốt, tụi mình… kiếm thầy cho cô đi há!
Như nói xong là cười ngay. Thuyên cũng chịu cô bạn này luôn! Chưa để Thuyên kịp tìm lời để đáp lại, Như đã chuyển đề tài:
- Thuyên với Trúc Anh quen thân lắm phải không? Thấy đi chung hoài.
- Bạn từ nhỏ mà. Từ lúc hơn một tuổi thì nhà Trúc Anh chuyển đến gần nhà mình. Sau đó, đến năm lớp 10 Trúc Anh lại chuyển đến nhà của cậu ấy bây giờ. Tụi mình học chung với nhau từ mẫu giáo đến lớp 12 luôn đó!
- Thích quá hén! Hèn gì thấy hai bạn thân thiết ghê. Giá như mình cũng có được một người bạn như vậy…
Thuyên nhìn Như, chợt cảm thấy tội nghiệp bạn vô cùng. Thuyên hỏi:
- Bộ ở trường cũ Như không có bạn sao?
- Nhà mình chuyển đi hoài, ít có bạn thân lắm! Chỉ có thời gian lâu nhất là ở quê, nhưng bạn bè xa rồi cũng quên nhau, lúc đó mình còn nhỏ quá… Mà cũng chẳng sao, đi nhiều nơi, có nhiều bạn lại càng vui, phải không Thuyên?
- Ừ…
Đột nhiên, Thuyên ao ước đoạn đường trở về nhà sẽ dài thêm để Thuyên được nói chuyện nhiều hơn với Như trong cảnh mát dịu của buổi chiều tà. Chỉ có hai đứa thế này, Thuyên mới hiểu nhiều về Như. Thì ra bấy lâu nay, Thuyên đã bỏ rơi một người bạn. Chắc là Như buồn lắm! Không có bạn bè thân thiết, Như sẽ tâm sự với ai? Vậy mà Thuyên lại ghét Như. Sao Thuyên lại ghét Như vậy nhỉ?
Tiếng nói trong trẻo của Như lại vang lên:
- Trời mát thế này, đi ăn kem thì sướng quá! Đi không?
- Đi chứ! - Thuyên đáp.
- Đùa thôi, không phải bạn nói là hẹn với ba, phải về sớm sao? Để dịp khác đi!
Quẹo xe sang góc đường khác, Như giơ ngược bàn tay lại vẫy chào Thuyên. Thuyên bật cười. Cô bạn này, thật là…
Gió thổi tới. Một buổi chiều thật dễ chịu. Thuyên chậm rãi đạp xe về nhà…
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 8:
Ngày hôm sau, trong lúc học nhóm, Thuyên hớn hở kể cho Trúc Anh nghe chuyện Thuyên và Như cũng đến nhà cô giáo. Thuyên còn không ngớt lời khen Như hoạt bát, dễ thương. Trúc Anh nghe xong tươi cười nói:
- Trúc Anh biết mà, thế nào rồi Thuyên cũng sẽ thích Như. Thế mới đúng là Thuyên chứ!
- Nói vậy là sao?
- Là… - Trúc Anh lúng túng - là Thuyên dễ thương chứ sao? Còn hỏi nữa!
- Thiệt hông đây?
Thuyên nghiêng đầu hỏi lại. Thuyên quá quen với cậu bạn “dẻo miệng” này rồi. Thuyên nghĩ, nếu cô nào mà bị Trúc Anh để ý chắc sẽ bị những lời lẽ ngon ngọt của cậu ta mê hoặc mất thôi. Cũng may, Trúc Anh lại là một người rất chân thật. Nghĩ đến đó, Thuyên chợt nhớ đến Dũng. Ảnh chắc cũng là một người khá “dẻo miệng”, không biết ảnh có chân thật?
Thấy Thuyên cứ ngồi tủm tỉm cười mà không hỏi bài nữa, Trúc Anh khều nhẹ:
- Nè, nghĩ gì mà cười hoài vậy, “cô gái”? Làm bài đi!
- Trúc Anh nè, người mà nói ngọt quá thì… chắc không chân thật hả?
- Người nào mới được chớ? - Trúc Anh đắc ý - Còn Trúc Anh thì độ tin cậy 100%. Giỡn chút thôi! Hỏi ai vậy?
- Anh Dũng đó mà - Thuyên nóng bừng cả mặt khi thốt ra tên anh. Cúi mặt xuống, Thuyên tiếp: - Thuyên nghĩ ảnh cũng nói năng ngọt ngào lắm, không biết…
- Ờ… cái đó, về Dũng thì… Trúc Anh cũng chẳng rõ nữa, mà đâu phải ai cũng như ai. Thôi, mình học đi!
Nhưng Thuyên dường như không để ý đến câu nhắc của Trúc Anh, lại tiếp tục nói chuyện về Dũng. Bao nhiêu chuyện không có người tâm sự, Thuyên kể hết với Trúc Anh. Thuyên nói như đang được khơi trúng mạch cảm xúc. Con gái mến ai thường hay thích nói nhiều điều về người ấy. Này là anh Dũng rất đa tài: vẽ đẹp, hát hay, lại là kỹ sư điện tử. Này là anh Dũng nghiêm nghị, nhưng lại rất đa cảm và tinh tế… Đến khi Thuyên nói việc Dũng đòi xin ảnh của Thuyên nhưng Thuyên không biết có nên cho hay không thì Trúc Anh phát cáu:
- Cho gì mà cho!
Thuyên giật bắn người vì tiếng hét giận dữ của Trúc Anh. Chưa bao giờ Trúc Anh nói chuyện với Thuyên bằng giọng điệu đó. Thuyên hờn:
- Trúc Anh làm gì la lớn vậy?
- La lớn cái gì? Học nhóm mà không lo hỏi bài, cứ lo kể chuyện về Dũng nào đó hoài. Thôi thì đừng học! - Trúc Anh bực tức ném cây viết xuống bàn.
- Không học thì thôi, Trúc Anh tự nhiên nổi giận hà.
- Tự nhiên sao được? Học ra học, lớp 12 rồi, không lo học cho nghiêm túc chăm chỉ. Thời gian nhiều lắm hả?
- Ừ, Thuyên vậy đó! Lúc nào cũng mơ mộng, không đâu ra đâu. Ai biểu Trúc Anh đòi học nhóm với Thuyên làm chi - Thuyên lạc giọng như sắp khóc - Bảo là bạn thân, có gì cứ tâm sự, đừng giấu cả chuyện riêng. Vậy mà tới hồi người ta kể lại nạt nộ. Không phải muốn nghe người ta kể về Dũng sao, còn nói…
- Đó, lại Dũng. Lúc nào cũng Dũng! Dũng! Kêu Dũng tới đây mà giảng bài cho, kêu Dũng tới đây mà nghe tâm sự. Nói với “tôi” làm gì?!
- Không chịu nghe thì thôi, không giảng bài giùm nữa hả… - Thuyên nức nở - vậy… cũng chẳng cần!
Trúc Anh thấy ngực nóng phừng phừng. Bất chấp cả tiếng khóc của cô bạn thường làm cậu xiêu lòng, cậu giật mạnh những quyển tập đặt trên bàn làm viết thước rơi cả xuống nền nhà, nói lớn:
- Nhớ nghe, không cần tui nữa chứ gì? Thì về đây!
Không chờ một tiếng trả lời nào, quên cả việc chào mẹ Thuyên, Trúc Anh vọt ra sân, gạt mạnh chân chống xe đạp và phóng ra đường.
Thuyên ngồi lại trong phòng, khóc to hơn. Mẹ chạy vào hỏi, Thuyên lắc đầu không nói tiếng nào. Tại sao Trúc Anh lại như vậy? Trúc Anh giận cái gì chứ? Thuyên sẽ không thèm nói chuyện với Trúc Anh nữa, Trúc Anh đáng ghét!
Ngồi trong lớp, suốt buổi sáng Thuyên không học được chữ nào. Thỉnh thoảng Thuyên liếc về phía bàn của Trúc Anh, Trúc Anh luôn cúi mặt chép bài. Thuyên không biết Trúc Anh có nghe được lời giảng nào không, hay cũng như mình. Thuyên không còn thấy giận Trúc Anh như ngày hôm qua nữa, nhưng Thuyên sẽ không bắt chuyện trước, vì Trúc Anh tức giận vô cớ mà. Để xem ai phải nhận lỗi!
Nhưng không như suy nghĩ của Thuyên, giờ ra chơi, đến hết hết tiết thứ năm vẫn không thấy Trúc Anh có vẻ gì muốn làm lành, lại chẳng thèm nhìn Thuyên, cũng không gởi thư giấy. Trống tan trường vừa đánh là Trúc Anh ôm cặp đi nhanh ra khỏi lớp, chen giữa đám con trai nhốn nháo. Thuyên thất vọng rồi đâm ra giận Trúc Anh thêm. Thuyên nhét tập vào cặp, lòng không ngớt trách hờn bạn. Từ trước tới nay, hễ lần nào Thuyên phật ý thì chỉ trong một buổi là Trúc Anh đã tìm đủ mọi cách cho Thuyên cười, lần này không những đã qua một ngày mà Trúc Anh lại còn là người lớn tiếng trước nữa. Thuyên cũng sẽ không dễ “tha” cho Trúc Anh như đã nghĩ lúc sáng đâu. Ai biểu, để Thuyên về một mình…
Trúc Anh đạp xe về nhà, ăn vội bữa cơm rồi lên gác, nằm lăn ra giường. Không phải Trúc Anh đã từng mong Thuyên sẽ không giấu Trúc Anh bất cứ chuyện gì đó sao? Nhưng khi Thuyên nói về Dũng với một giọng ngọt ngào thì Trúc Anh lại không sao chịu được. Có bao giờ Thuyên nói về Trúc Anh với giọng điệu như vậy chưa?
Trúc Anh gãi muốn nát cả da đầu trong lúc vừa đi quanh căn gác vừa suy nghĩ. Học toán, Trúc Anh dễ dàng tìm ra tính lôgic của vấn đề, còn chuyện này thì lại quá nhiều mâu thuẫn. Trúc Anh còn không hiểu nổi mình nữa là… Trúc Anh biết mình đã nổi giận vô lý với Thuyên. Hôm qua về tới nhà, cậu tự trách mình rất nhiều nhưng khi đến lớp, cậu lại không thể mở miệng xin lỗi Thuyên được. Chỉ cần nghĩ đến “chuyện Dũng” Trúc Anh lại thấy giận sôi ruột. Có lẽ Thuyên buồn lắm… Trúc Anh là một người bạn xấu ư?
Nằm trong nhà, Trúc Anh cảm thấy rất bức bối, cậu vớ lấy chiếc nón kết, đi ra ngoài.
Trưa nắng, đường phố ngột ngạt đầy bụi và khói xe. Từng lớp bụi tung lên, cuốn lấy người đi đường. Trúc Anh cảm giác mũi mình bị chẹn cứng. Chán đi lông nhông ngoài đường giống một tên điên giữa trời nắng chang chang Trúc Anh ghé vào thư viện tỉnh để mượn vài cuốn sách.
Quen thuộc với cảnh đông đúc ở thư viện, Trúc Anh lách người vào góc tủ chứa sách khoa học. “Đố vui toán học”, “Hóa học lý thú”, “Một ngàn câu hỏi vì sao”… Trúc Anh đều đã đọc qua cả. Cậu cúi người xuống rút quyển “Đường lên đỉnh Olympia - Chuyện kể về kim loại” ra, vừa lúc đó một tiếng nói quen thuộc vang lên:
- Chị ơi, tìm giùm em quyển Giã từ vũ khí của Hemingway đi, em kiếm hoài hổng thấy.
Trúc Anh ngoái đầu lại nhìn nơi bàn giấy của chị thủ thư, cậu thấy Như đang đứng đó trong chiếc áo thun màu hồng thật tươi tắn. Trúc Anh bước đến:
- Như cũng thích mượn sách ở đây à?
Không một chút ngạc nhiên vì sự có mặt của Trúc Anh, Như tíu tít:
- Chào “ông bạn”. Mượn sách gì vậy? - Vừa nói Như vừa lật lật quyển sách trong tay Trúc Anh - Ôi, tôi ngán mấy quyển này lắm, bạn thích à?
- Sách này hay lắm chứ! Khoa học mà.
- “Khoa” với chả “học”, nhức đầu!
- “Văn” với chả “chương”, chán ngắt!
Như cười xòa rồi nói với Trúc Anh:
- Lấy sách xong, ra quán, tôi sẽ khao bạn, há!
Ngay lúc chị thủ thư đưa cho Như quyển Giã từ vũ khí, Như liền chạy đến giá sách để lục tìm vài quyển nữa. Trúc Anh cũng lẳng lặng tìm vải quyển truyện cười quốc tế, ghi thẻ rồi đi sang quán bên đường theo lời hẹn của Như.
Trúc Anh vừa yên vị một chốc thì Như đến. Như tự nhiên kéo ghế ngồi và ướm hỏi Trúc Anh uống gì. Buổi trưa, quán vắng khách, chỉ có một vài người đi đường dừng lại để tránh nắng và uống nước ngọt. Như quấy mạnh ly đá me, nói:
- Bạn đang có chuyện buồn phải không? Lúc vào thư viện cứ cúi gằm mặt xuống, đi ngang qua tôi mà cũng chẳng thấy. Tôi đành phải nhờ giọng “oanh vàng” của mình để bạn nghe thấy đó!
- Thì ra là Như thấy Trúc Anh trước rồi. Vậy mà không gọi.
- Tại… tôi thấy bạn có vẻ buồn. Sao vậy, nói tôi nghe đi!
- Trúc Anh…
- Tôi đoán nhé, bị Thuyên giận, đúng không?
Trúc Anh nhìn vẻ mặt đầy thắc mắc của Như, cậu không chối:
- Ờ… Trúc Anh cãi nhau với Thuyên.
- À há…!
- Lần đầu tiên đó, vì một chuyện chẳng ra sao.
- Vậy thì, bạn xin lỗi đi. Con trai nên rộng lượng một chút, đừng giận dai. Xin lỗi rồi, bạn sẽ thấy thoải mái hơn thôi!
Nghe Như góp ý như thế, Trúc Anh thấy lòng nhẹ đi. Đúng là cậu nên xin lỗi Thuyên trước. Biết thế, nhưng… Trúc Anh uống một ngụm nước chanh, dường như khó khăn lắm mới cất tiếng được:
- Nhưng Trúc Anh vẫn còn thấy buồn giận, không thoải mái xin lỗi được.
- Đành chờ thôi! – Như nhẹ nhàng nói – Bạn bè lâu lâu giận nhau một lần cũng thú vị chứ, phải không? Qua đó sẽ càng hiểu nhau. Chừng nào hết giận, bạn hãy đến xin lỗi Thuyên, không sao đâu!
Như nhoẻn cười, xoay xoay mấy quyển sách vừa mượn được. Chợt trông thấy cuốn truyện cười Những người thích đùa của Azit Nêxin trên chồng sách của Trúc Anh, Như reo lên:
- Oa…, cuốn này tôi đang tìm đó. Hay quá! Chừng nào bạn đọc xong, cho tôi mượn nghe! - Rồi lẩm bẩm - Sao lúc nãy mình lại quên tìm vậy ta!
Trúc Anh bật cười trước vẻ thích thú ngộ nghĩnh của Như, cậu nói:
- Hay là Như lấy đọc trước đi, rồi đưa lại cho Trúc Anh. Nè, cầm lấy đi!
- Không được… - Như kéo dài giọng ra vẻ phật ý rồi rút lấy một cuốn sách trong chồng sách đã mượn, đưa cho Trúc Anh – Chúng ta trao đổi vậy. Bạn cầm đi. Ráng đọc nghe!
Trúc Anh cầm lấy quyển sách, mắt mở to kinh ngạc: “Văn học phương Tây”. Cậu muốn giơ hai tay lên kêu trời. Như đưa được Trúc Anh vào bẫy, tiếp tục bồi thêm:
- Cho bỏ tật nói “văn chương chán ngắt”! Bạn ráng đọc đi, thay đổi khẩu vị, hổng chừng lại thấy… “ngon”. Đọc sách khoa học hoài, dễ “khô” người lắm đó, biết chưa “cậu em”?
Trên đường về, Như hỏi Trúc Anh nhiều điều về Thuyên, về những người bạn trong trường. Như nói nhiều, cười nhiều, khác hẳn với những lần Trúc Anh đã gặp trước đây. Nhiều lần Trúc Anh định hỏi xem tại sao lần ấy ở câu lạc bộ Như lại khóc, nhưng rồi thấy không tiện nên đành thôi. Như hỏi Trúc Anh định thi vào đại học gì, và Như nói Như mơ ước trở thành một phóng viên báo chí thực thụ, viết những điều mà người đọc sẽ không quên ngay như những bài báo thông thường khác. Đối với Như, báo chí không chỉ là thông tin đại chúng quan trọng nhất mà còn là nơi để con người tự nhận ra mình, thông qua hình ảnh của người khác. Nó giúp con người khao khát vươn tới những thành công mà người khác có, hay sợ hãi những điều xấu mà người khác vấp phải. Phóng viên lại được đi nhiều nơi, trải nghiệm cuộc sống, Như thích như vậy hơn là ngồi một chỗ tại văn phòng nào đó, cứng nhắc, mệt mỏi. Nhưng dù cho có bay nhảy thế nào, Như vẫn mong muốn mình sẽ có một ngôi nhà, với ba mẹ, một chỗ ở ổn định, vì Như đã quá mệt mỏi phải dời từ nơi này đến nơi khác, từ ngôi nhà này đến ngôi nhà khác lắm rồi.
Đã từ lâu, Như không còn nói về ước mơ của mình với ai, ước mơ xây đắp từ những ngày trọ trẹ đọc vài dòng tít báo ít ỏi của ba, nơi quê nhà… Những tờ báo mà ba phải đạp xe hơn mười cây số ra huyện mới mua được, đối với Như lúc đó, thật giống như một kho báu.
Trúc Anh lắng nghe Như, im lặng và thông hiểu. Bấy nhiêu cũng đủ làm cho Như cảm thấy hạnh phúc và cảm kích vô cùng. Không hiểu sao, người bạn này mang đến cho Như một cảm giác thật tin tưởng và thoải mái.
Lúc sắp chia tay, Trúc Anh chợt nói:
- Như muốn học nhóm chung với Trúc Anh và Thuyên không?
Trúc Anh sẽ rủ thêm cậu bạn thân nữa. Học nhóm sẽ tốt hơn học một mình để đối phó với hai kỳ thi sắp tới đó! Đồng ý nhé, “cô phóng viên”?
Như dừng xe lại, đưa mắt nhìn Trúc Anh, thầm đọc sự mong muốn thật sự trên gương mặt của cậu và… gật đầu đồng ý. Như cũng không nói được câu nào cho đến khi Trúc Anh nói lời chào để chạy sang hướng khác. Một cảm xúc thật lạ tràn ngập trong lòng Như: niềm tin và sự quý mến!
- Trúc Anh ơi!
Vừa để cặp xuống bàn Trúc Anh đã nghe tiếng gọi. Cậu chạy ra cửa lớp khi thấy cánh tay vẫy của Như.
- Gì vậy Như?
- Hôm qua, bạn để quên cái này - Như đưa tấm thẻ thư viện ra trước mặt Trúc Anh - Tôi thấy nó trong quyển Những người thích đùa. Đáng lẽ phải trao tiền chuộc, nhưng nể tình… bạn rủ tôi học nhóm nên thôi, trả nè!
- Cảm ơn nhé! Thường ngày tôi luôn bỏ nó trong ví tiền, không hiểu sao hôm qua lại quên.
Trúc Anh giơ tay đón chiếc thẻ và rút chiếc ví nhỏ trong túi quần, cất vào. Như nghiêng đầu nhìn vào trong lớp, mỉm cười chào Thuyên đang đưa mắt nhìn ra. Thuyên hơi giật mình, cười gượng gạo. Quay lại Trúc Anh, Như hỏi:
- Chưa làm lành với Thuyên phải hông?
- Ừm…
- Đừng thế nữa. Trông hai bạn chán lắm. Tôi về lớp nghen!
Tà áo dài tung lên khi Như chạy về lớp, cách một cái cầu thang. Trúc Anh đợi Như quẹo vào lớp rồi mới chầm chậm quay vào chuẩn bị cho tiết toán đầu tiên. Vừa hay, tiếng trống vào học vang lên.
Thuyên ngồi trong lớp từ sớm, trông thấy cả. Lòng Thuyên chợt thấy buồn vô hạn. Trúc Anh có vẻ thân thiết với Như từ lúc nào vậy nhỉ? Hèn gì, có lần Trúc Anh bảo Thuyên nên tiếp tục với Như… Hôm qua, Trúc Anh không đến học nhóm, Thuyên cảm thấy thật trống trải. Nghĩ rằng chỉ cần Trúc Anh nói một tiếng thôi, Thuyên sẽ hết giận liền. Bạn bè bấy lâu nay rồi, có một chút chuyện như vậy… Sáng nay Trúc Anh lại còn vui vẻ cười nói với Như và các bạn nữa. Chẳng lẽ không biết Thuyên buồn? Giờ thì Thuyên sẽ không thèm nhìn tới Trúc Anh nữa, không mua đĩa nhạc mới cho nghe cùng, viết hết mực cũng chẳng đi mua giùm đâu. Giỏi thì kêu ai đi, kêu Như cũng được nữa!
Thuyên giận dỗi gõ mạnh cây viết lên bàn làm nhỏ bạn kế bên giật nảy…
Chiều, Thuyên đang nghe nhạc trong phòng thì chuông cửa réo inh ỏi. Thuyên chạy ra mở cổng, gặp ngay Trúc Anh đang đứng đó, tươi cười. Thuyên xụ mặt:
- Kiếm ai?
- Thôi, biết kiếm ai rồi mà. “Công chúa nhà này”, mở cửa giùm đi!
- Không quen! Không mở!
- Tới giờ học nhóm rồi đó, không cho “thầy” vô sao?
- Sao bảo không muốn học nhóm với “tui” nữa mà…
Trúc Anh lòn một tay qua song cửa, véo vào tay áo của Thuyên, còn tay kia giơ cao con thỏ bằng bông trắng muốt, xuống nước nhỏ:
- Xin lỗi! Đừng giận nữa nghe Thuyên. Có quà chuộc tội nè. Trúc Anh mỏi chân quá rồi, cho vô đi!
Thuyên miễn cưỡng mở cổng ra, mắt nhìn sang nơi khác nhưng trong lòng lại khấp khởi mừng. Nếu Trúc Anh lại không đến, Thuyên sẽ buồn biết bao.
Mặc dù vậy, vào tới nhà Thuyên cũng chẳng để Trúc Anh yên ngay. Cầm lấy chú thỏ, Thuyên nói:
- Lần sau hổng có vậy nữa nghe! Sẽ không cho chuộc bằng một con thỏ bé tẹo như thế này đâu.
- Bất quá… Trúc Anh tặng một… con cọp bông vậy - Trúc Anh pha trò rồi chợt nghiêm trang - Nói vậy chứ, không có lần sau đâu. Hứa đó! Thuyên đừng giận nữa.
- Vậy, mai mốt không được lớn tiếng nữa, hứa không?
- Hứa!
- Không được bỏ ngang ra về. Hứa không?
- Hứa!
- Không được làm mặt lạnh với Thuyên. Hứa không?
- Hứa, hứa, hứa… cái gì cũng hứa tuốt, được rồi chưa cô nhóc? Nhưng Thuyên cũng phải hứa là học cho ra học, không nói nhiều chuyện… ngoài lề quá, được không?
- Ừa…
- Vậy thì lấy tập ra đi.
Thuyên lỏn lẻn cười, giở quyển tập toán để sẵn trên bàn theo thói quen, vì ngày nào Trúc Anh cũng đến cùng học mặc dù hôm qua… Thuyên xoa xoa đầu chú thỏ bông đầy vẻ thích thú trong khi Trúc Anh ghi một đề toán dài ngoằng ra giấy. Với lấy cây thước, cậu hỏi:
- Mẹ Thuyên không có ở nhà?…
- Mẹ đi mua sắm với mấy dì bạn rồi.
- Từ mai tụi mình học nhóm chung với Thiện và Như há! Thiện cũng muốn học chung với mình lâu lắm rồi. Được không?
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 9:
Buổi “khai giảng” nhóm học đầu tiên được tổ chức ở nhà Thuyên. Ba Thuyên rất tán đồng việc này nên đóng hẳn một cái bảng to ở nhà tiền đình - vốn để hóng mát - cho bốn đứa học rộng rãi. Đã vậy, mẹ Thuyên còn đãi một nồi chè to sụ làm bốn đứa ăn xong phải ra ngồi tán dóc cho bớt… no.
Thuyên bưng ra một dĩa trái cây lớn, mời mọc:
- Mấy bạn ăn đi, hôm nay “khai trương” nhóm, đừng học vội, chịu không?
Như giơ cả hai tay lên tán thành, bắt đầu đề tài trước:
- Hôm nay, ngày không… sao, đêm không… nắng, gió hiu hiu thổi khiến tôi muốn… lồng phổi - Hắng giọng - Trước mặt “bá quan”… cây cỏ, tôi xin tuyên bố…
Ba người còn lại chồm lên, vừa cười vừa hỏi:
- Tuyên bố gì?
- Tuyên bố… - Như cố kéo dài giọng rồi phẩy tay - Không tuyên bố gì cả, có gì đâu. Ăn trái cây đi, hì hì…
Được một phen giật mình. Trúc Anh không thể chịu thua. Nhân lúc Như đang say sưa với quả lê, cậu la lên:
- Như! Sâu kìa!
Chẳng ngờ, Như không chút đoái hoài đến lời cảnh báo của Trúc Anh, thản nhiên ăn nốt quả lê, còn nói:
- Có sâu càng… bổ!
Hết nói nổi, Thuyên và Thiện lắc đầu cười trừ. Trúc Anh ngậm tăm, ra vẻ hậm hực lắm. Cũng may, lúc đó Trúc Anh chợt nhớ ra chuyện mình định báo với các bạn trước khi đến đây mà nãy giờ quên béng nên quyết định trêu Như một lần nữa.
- Nè, Trúc Anh có tin về học sinh giỏi tỉnh rồi đó. Có ai muốn nghe không?
Thuyên trố mắt ngạc nhiên, lòng đầy hồi hộp. Còn Như thì lại lè lưỡi, trêu:
- Sao bạn biết được? Nói dóc hoài.
- Không nghe thì thôi! - Trúc Anh quay ngoắt đầu sang chỗ khác - Tại Như có tin xấu, nên sợ chứ gì?
- Tin xấu gì chứ? Chẳng ai thèm tin bạn đâu. Tự dưng có một mình bạn biết tin hà, bộ tụi mình không đi thi sao hả, há Thuyên! Lêu lêu, nói dóc mà không biết mắc cỡ.
- Gì…
Thuyên sốt ruột từ nãy đến giờ, lên tiếng:
- Thôi, đừng cãi nhau nữa mà. Trúc Anh nói đi, tin gì hả?
Thiện cũng sửa sửa lại chiếc ghế, vẻ hồi hộp lắm. Trúc Anh đắc thắng, cười:
- Trúc Anh nói cho Thuyên với Thiện nghe thôi. Còn “người kia”, không được nghe đó!
- Không thèm! - Như đáp lại.
- Thầy Tần nói có kết quả thi rồi, nhưng chờ thi học kỳ I xong mới công bố. Thuyên với Trúc Anh bị thiếu điểm nên… xếp thứ tư. Còn Thiện, chuẩn bị đi luyện thi quốc gia là vừa!
Thiện nhảy cẫng lên vì vui mừng. Trúc Anh tiếp:
- Còn “người kia”… rớt rồi, không được công nhận cả học sinh giỏi luôn. Thuyên đừng nói cho biết nghen!
Tin Trúc Anh vừa nói ra như một quả bom được khai hỏa. Nhưng không phải loại bom “phá hủy hoàn toàn”, nó có tác động khác nhau giữa từng người. Thuyên thì hơi bị sốc vì Thuyên đã cố gắng rất nhiều, vậy mà vẫn thiếu nửa điểm. Nửa điểm, trời ơi! Ước mơ lọt vào đội tuyển thi quốc gia đã không còn… Thiện thì mừng như sắp phát sốt lên, cứ đi qua đi lại hỏi xem Trúc Anh nói có thật không, thật không…
Nhưng Thuyên chỉ buồn đôi chút rồi lại lo lắng cho Như nhiều hơn. Dù trước kia Thuyên hằng mong muốn thắng Như, bây giờ đã là bạn, Thuyên không nghĩ thế nữa. Nhìn qua Như, thấy cô bạn vẫn tỉnh queo, vì lúc nãy cố tranh cãi với Trúc Anh rằng không tin. Dù vậy, Thuyên thấy được những cử động rất nhỏ nơi bàn tay Như đặt trên bàn, nó đang run lên.
Trúc Anh điềm tĩnh ngồi nhìn cử chỉ của từng người bạn, cậu không tỏ thái độ gì. Lúc nãy ở nhà, cậu cũng đã đá muốn gãy cả chân giường vì tức tối. Song, suy nghĩ lại thấy thật buồn cười. Thi cử, khó nói trước!
Trò đùa của Trúc Anh dường như đã có hiệu quả với cô bạn bướng bỉnh, Như bắt đầu mất bình tĩnh. Như với lấy trái táo nhưng nó cứ trượt khỏi tay. Thuyên nắm lấy tay cô bạn thay cho lời an ủi. Tay Như hơi lạnh. Thuyên đưa mắt nhìn qua Trúc Anh, vẻ trách móc vì lời lẽ lạnh lùng lúc nãy. Khỏi cần ánh nhìn của Thuyên, Trúc Anh cũng đã bắt đầu cảm thấy ân hận vì trò đùa của mình. Cậu bẻ ngón tay, nói giọng phớt lờ nhưng đủ làm cho mọi người giật mình lần nữa.
- Hây… Sao có người bảo không tin Trúc Anh nói, giờ lại run? Thật ra, mình cũng chẳng thua kém ai đâu. Giải III đó, tin chưa?
Bàn tay Thuyên rớt khỏi tay Như. Trúc Anh nói đùa chăng? Thuyên nhớ lại: dẫn chứng đó, kết bài…, nửa điểm… Như đã lấy chiếc vé cuối cùng của chuyến xe đến Thành phố mang tên Bác. Thuyên thì ở lại.
Thiện phát mạnh vào người Trúc Anh:
- Thằng này… nãy giờ không nói, làm người ta sắp khóc rồi kìa.
Nhưng lần này người sắp khóc không phải là Như. Thuyên đã không giữ được bình tĩnh, nước mắt cứ muốn trào ra. Thuyên không muốn, không muốn khóc chút nào, mọi người đang vui vẻ kia mà!
Nghe Trúc Anh nói, Như không kịp vui mừng đã thấy buồn cho Thuyên. Không biết Thuyên có giận mình không. Như muốn nói một lời gì đó với Thuyên nhưng không biết nói thế nào cho phải. Trúc Anh thì khác, cậu bước đến trước mặt Thuyên, nói:
- Bắt tay cái nào, “người đồng cảnh ngộ”!
Thuyên nhìn Trúc Anh thật lâu, bật cười rồi đưa bàn tay nhỏ nhắn của mình ra, đặt trong tay Trúc Anh. Giọt nước mắt chưa kịp rơi xuống đã nhanh chóng được lau khô. Dù thế nào, Thuyên cũng luôn có Trúc Anh bên cạnh!
Như thấy lòng thanh thản trở lại. Tình bạn từ tuổi ấu thơ, Như không có được. Như lặng nhìn qua Thiện, cất tiếng:
- Sao tụi mình không bắt tay?
Rồi Như tự nhiên nắm lấy bàn tay Thiện, lắc mạnh. Và, buổi học nhóm đầu tiên của bốn bạn đã kết thúc như thế.
Chỉ có một điều, Như không biết cái bắt tay của mình đã gây tác động mạnh cho cậu bạn hiền lành tên Thiện…
Thời gian trôi nhanh, thi học kỳ rồi nghỉ Tết, Như và Thiện khăn gói lên học ở trường chuyên một tháng để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc. Nhóm học lại chỉ còn có Trúc Anh và Thuyên. Tối mặt với bài vở đầy ắp, cả hai đứa cũng ít trò chuyện hẳn đi.
Ngày Thiện và Như về mang tin tức không mấy khả quan, bốn bạn lại tiếp tục chạy như con thoi trong những tháng cuối cùng của năm học. Không có thời gian để giận hờn, cũng chẳng có dịp để cãi lý với nhau, nhóm học trở nên căng thẳng và nghiêm túc hẳn, giống như không khí chung của toàn trường.
Kỳ thi tốt nghiệp đương nhiên không phải là cái đích cuối cùng của học sinh lớp 12. Vượt vũ môn để chuyển sang ngôi trường rộng lớn hơn là niềm lo lắng của hết thảy. Thầy cô thì bận rộn suốt với những giáo án kín đặc và bài giảng ngoại khóa cho học sinh, những mong sẽ có thật nhiều những gương mặt ấy làm rạng tên trường trong giảng đường đại học. Không khí căng thẳng dường như cũng ảnh hưởng đến cỏ cây. Lá bàng đỏ lưng trên cành theo dõi bước chân gấp gáp của từng dáng người quen thuộc. Phượng bắt đầu rục rịch nở hoa. Đâu đó trong thinh lặng, chỉ có những chú ve là chưa trỗi điệu sầu. Một góc sân trường bị bỏ quên vì không còn ai đùa nghịch.
Ngôi trường cấp ba của Thuyên đứng cạnh bên dòng sông Tiền hai mùa nước nổi. Sắp đến mùa mưa, trường bỗng có dáng vẻ co ro, trông đến tội! Rồi đây, ngôi trường sẽ càng lạnh lẽo hơn khi tiễn chân lớp cuối cấp vào đời. Nhưng dù thế nào, đối với Thuyên và các bạn, ngôi trường này vẫn là nơi lưu dấu những kỷ niệm đẹp nhất, những năm tháng đầy thơ mộng và còn có cả những rung động đầu đời…
Lưu bút ơi, hãy giữ cho Thuyên những hình ảnh, những gương mặt thân thương này nhé! Thuyên ép quyển lưu bút của lớp vào lòng, chợt muốn khóc thật to.
Bên cửa sổ, gió đang lật từng trang thơ, tập thơ đầu tiên của Thuyên và Như cùng làm với cả khối 12. Những dòng kỷ niệm ngọt ngào…
Trên những cành cao, ve sầu bắt đầu trỗi nhịp.