11/11/12

Nam quốc sơn hà (C10)

Tiếng Trịnh Quang-Thạch đau đớn rên la khủng khiếp làm mọi người ngừng tranh luận.
Nhà sư Pháp-Nhẫn nói với Minh-Ðệ:
– Tiểu sư phụ, dường như ban nãy tiểu sư phụ dùng Chu-sa huyền âm chưởng đánh Siêu-loại hầu. Hiện hầu đang bị đau đớn cùng cực, xin tiểu sư phụ ban thuốc giải.
Minh-Ðệ xòe hai tay ra:
– Tiểu tăng không có thuốc giải, thì làm sao mà cho y được?
Bỗng véo, véo, véo ba tiếng, rồi ba vật bay tới trước mặt Pháp-Nhẫn. Nhà sư bắt lấy xem, thì ra ba viên thuốc. Ông lên tiếng:
– Ða tạ cao nhân ban thuốc.
Ông trao thuốc cho Quang-Thạch. Quang-Thạch bỏ thuốc vào miệng nhai rồi nuốt đi. Cơn đau của y từ từ biến mất.
Thế-tử Thân Cảnh-Long cung tay nói:
– Sự việc đã như thế này, thì hôm nay chúng tôi xin thỉnh đại giá thái-tử cùng đại sư về Thăng-long yết kiến phụ hoàng để người định liệu, chứ anh em chúng tôi không thể để các vị ra về.
Triệu Thự biết rằng đây là lời nói khéo, chứ thực sự Cảnh-Long muốn bắt y. Y nổi giận:
– Ta đường đường là Thái-tử trừ quân, khắp thiên hạ không đâu không là giang sơn Ðại-Tống. Mi bất quá là công tử của một khê động Nam-biên mà dám bắt giữ ta ư? À, thì ra mi tưởng rằng võ công mi cao, rồi mi phạm thượng ư? Khó lắm.
Ðại-sư Pháp-Nhẫn cung tay:
– Duyên may gặp gỡ như vậy cũng đủ rồi, bần tăng xin phò đại giá Thái-tử rời Ðại-Việt. Non xanh còn đó, sông dài còn kia. Bần tăng xin kiếu Công-chúa cùng Thế-tử.
Nói rồi ông vung tay phát chưởng. Chưởng phong chưa ra hết, mà Thiên-Thành, Cảnh-Long, Minh-Ðệ đều cảm thấy nghẹt thở. Cả ba người đều phải phát chưởng hóa giải, rồi nhảy lui lại.
Cảnh-Long biết muôn ngàn lần mình không phải là đối thủ của nhà sư, chàng quyết định rất mau:
– Mục đích mình chỉ muốn cứu vị tiểu hoà thượng này mà thôi. Còn bọn Tống, mình không đủ sức bắt chúng, mà dù có bắt được chúng, khi về Thăng-long e phụ hoàng cũng tha cho chúng về nước thì bẽ quá.
Nghĩ vậy chàng nói:
– Ðã thế thì xin đại sư phụ phò Thái-tử hồi loan, còn anh em đệ tử xin lĩnh tiểu sư phụ này đi. Ðại sư nghĩ sao?
– Bần tăng xin tuân lệnh Thế-tử.
Cảnh-Long nói với công chúa Thiên-Thành và Minh-Ðệ:
– Ta đi thôi.
Ba người tung mình biến vào đêm tối. Nhưng chợt có tiếng nói lạnh lùng:
– Khoan!
Mọi người cùng nhìn về phía phát ra tiếng nói, tất cả đều giật mình, vì một đôi trung niên nam nữ đứng đó từ bao giờ. Nam thì uy nghi, phong lưu tiêu sái như cây ngọc trước gió. Nữ thì đẹp huyền ảo, phơi phới như hoa đào, hoa mận. Minh-Ðệ biết rằng cao nhân này đã bắn thuốc đánh Tiêu Chú cùng cứu mình. Nàng tiến tới hành đại lễ:
– Ða tạ tiền bối cứu mạng.
Hai người thản nhiên để cho Minh-Ðệ hành lễ. Người nam cất tiếng ôn tồn nói với Lý Hiến:
– Thế nào Lý công công? Người vẫn khỏe chứ? Hồi này người thăng quan tiến chức mau thực, đã lên tới chức Bắc-ban chỉ hậu rồi phải không?
Ông lại nói với Tiêu Chú:
– Tiêu tướng quân văn võ kiêm toàn, lại hết lòng trung với vua. Nhưng chỉ tiếc rằng mưu đồ đánh Ðại-Việt của tướng quân hóa ra một trường ảo mộng mà thôi. Tiếc, tiếc quá.
Lý Hiến trông thấy đôi nam nữ thì run run hỏi:
– Phải chăng... phải chăng người là U-bon vương, phò mã Xiêm-quốc, năm xưa đã đi sứ Thiên-triều.
– Chính là tiểu vương.
Tiêu Chú nói với Triệu Thự:
– Khải vương gia, vị này tên thực là Lê Văn, con trai út của một trong Ðại-Việt ngũ-long Hồng-sơn đại phu. Vào thời Thiên-thánh người có theo sứ đoàn Ðại-Việt của Khai-quốc vương đến Biện-kinh. Người rất giỏi y lý, âm điệu, mà võ công thực kinh nhân. Sau người kết hôn với công chúa Xiêm tên An-Nan Tam-gia la-sun Nong-Nụt. Khi Nùng Trí-Cao nổi loạn, vương có đem quân trợ giúp y. Chính Vương đã hạ sát Minh-Ðức đại sư, chưởng môn phái Thiếu-lâm.
Triệu Thự đã nghe biết bao lần người ta kể huyền thoại về hai kỳ tài Ðại-Việt là Lê Văn, Trần Tự-Mai. Cả hai cùng có xuất thân giống nhau, cha là một trong Ðại-Việt ngũ long, mẹ bị chết sớm trong nhục nhã. Chị của Lê Văn sau là vương phi Yên-vương Ðại-Tống; chị của Tự-Mai là vương phi Khai-quốc vương Ðại-Việt. Cả hai người cùng là phò mã. Tự-Mai là phò mã Tống; Lê Văn là phò mã Xiêm. Cả hai cùng có tài cầm quân. Tự-Mai cầm đại quân Tống, lên tới Thái-sư tước Kinh-Nam vương. Lê Văn cũng lên tới thái-sư Xiêm, tước U-bon vương. Nhưng cả hai khác nhau ở điểm: Lê Văn thì nói năng ôn tồn nho nhã. Còn Tự-Mai thì cương quyết gay gắt. Lê Văn chỉ biết trị bệnh cứu người. Còn Tự-Mai thì đa sát. Trong trận đánh ở núi Thiên-đài, Lê Văn đã hạ sát chưởng môn phái Thiếu-lâm là Minh-Ðức đại sư.
Minh-Ðức đại sư là sư phụ của đại sư Pháp-Nhẫn cùng tể-tướng Phạm Trọng-Yêm, nên khi nghe người ta nhắc chuyện này, ông bật lên tiếng than:
– A-di-đà Phật.
Ðúng ra Triệu Thự là Thái-tử, tước phong tới Tần-vương, còn cao hơn tước Nam-phương quận vương của hoàng-đế Xiêm quốc nhiều. Ðối với tước U-bon vương của Lê Văn do vua Xiêm phong cho, y chỉ coi bằng viên huyện lệnh. Nhưng nghe Tiêu Chú nói y cảm thấy ớn da gà, nên cung tay hành lễ trước:
– Thái-tử Ðại-Tống, tước phong Tần-vương xin tham kiến U-bon vương Xiêm quốc. Giám hỏi: từ nhiều năm nay, Xiêm quốc vẫn tiến cống xưng thần với bản triều. Phụ hoàng vẫn thường sai sứ sang phủ dụ. Hà cớ Vương gia lại theo dõi làm khó dễ tiểu vương? Rồi còn tung thịt chó giả làm Mộc-Tồn hòa thượng?
U-bon vương cung tay:
– Tung thuốc cứu người là tiểu vương. Còn ném thịt chó đánh người là Mộc-Tồn hòa thượng. Này Vương gia! Tiểu vương biết ông bà, bố mẹ, vợ con, anh em, nô bộc, chó mèo, lừa ngựa, trâu bò, gà vịt của Thái-tử cùng Tiêu, Lý tướng quân sắp chết hết, nên vội vàng từ Xiêm-quốc ngày đêm tìm đến để cứu, có đâu làm khó dễ?
Triệu Thự nghe Lê Văn nói, thì run run hỏi:
– Rõ ràng vừa rồi Vương bắn sỏi, bắn thuốc đánh Tiêu, Lý làm hai người tê liệt, để tiểu sư phụ thắng họ; rồi người lại bắn thuốc cứu tiểu sư phụ, mà bảo là không làm khó dễ tiểu vương ư?
Công chúa Nong-Nụt lắc đầu:
– Có thực Thái-tử không biết rằng toàn gia Thái-tử với Tiêu, Lý sắp chết không?
– ???
– Thái-tử là con nuôi của Gia-hựu hoàng đế, thì gọi công chúa Huệ-Nhu, vương phi Kinh-Nam vương bằng cô, mà không biết tính tình, cùng luật lệ của Ưng-sơn ư???
– ???
– Ưng-sơn song hiệp cực kỳ ghét những kẻ chủ trương chia rẽ giữa dân chúng hai tộc Hoa, Việt. Vương cũng cực kỳ thù ghét kẻ nào chịu ơn Vương mà lại phản Vương. Nay Thái-tử cùng hai vị Tiêu, Lý đây đều phạm vào hai điều đó. Trong việc lập Thái-tử mấy năm trước, chính công chúa Huệ-Nhu với Vương đã đề nghị lập Thái-tử vào ngôi trừ quân. Hai vị Tiêu, Lý từng ở dưới trướng Vương, chịu ơn mưa móc của Vương. Thế mà Thái-tử cùng hai vị lại thân xuống Nam thùy dùng thế lực tiền bạc gây thù hận, chia rẽ trong nước Ðại-Việt để chuẩn bị đem quân sang đánh, lại gắp lửa bỏ bàn tay ám hại gây chia rẽ Vương với Ðại-Việt. Theo luật Ưng-sơn, đó là một tội đáng giết cả nhà.
– ???
– Như thế cũng chưa đủ, Thái-tử với Vương phi còn giả làm Vương với Công chúa Huệ-Nhu để làm những chuyện xấu xa. Ðó là hai tội đáng giết. Nay những chuyện đó đều bại lộ, chắc chắn Vương sẽ xử tử toàn gia Thái-tử cùng hai vị Lý, Tiêu cho đến con chó, con gà cũng không tha. Chúng tôi ở xa nghe chuyện, vội về đây cứu nhân mạng mấy nghìn người trong phủ Tần-vương cùng Tiêu, Lý nhị vị tướng quân. Nhân thấy các vị định giết vị tiểu sư phụ này, nên vội ra tay cứu... Ðấy, chúng tôi đâu có làm khó dễ Vương?
Lời của công chúa Nong-Nụt tuy nhỏ nhẹ, ngọt ngào, nhưng từ Triệu Thự cho tới Tiêu Chú, Lý Hiến chân tay đều phát run, cơ hồ muốn đứng không vững. U-bon vương vẫy Trịnh Quang-Thạch:
– Trịnh hầu! Người đã lên tới tột đỉnh công danh, lại thờ đến ba đời vua, mà còn phản triều đình Ðại-Việt. Tội ấy, nếu triều đình xử thì chỉ bị lăng trì mà thôi. Nhưng người lại chủ mưu gắp lửa bỏ bàn tay, mưu hại phái Ðông-a với Kinh-Nam vương, thì tội không thể tưởng tượng nổi? Chả biết vương sẽ xử hầu như thế nào cho vừa? Thôi, hôm nay người bị trúng Chu-sa huyền âm chưởng ở đây, ta xin trị cho người.
Quang-Thạch vội đến trước mặt Vương rập đầu cộp cộp:
– Xin vương gia mở tâm Bồ-tát cứu mạng cho tiểu nhân. Từ nay trở đi, tiểu nhân xin giữ lòng ngay để chuộc tội.
Lê Văn vung tay phóng một chưởng vào đầu Quang-Thạch, binh một tiếng, người y bay bổng ra xa đến hơn trượng, máu mũi y chảy ra ướt đầy áo. Trong khoảnh khắc, bao nhiêu cái đau đớn do Chu-sa huyền âm chưởng biến mất. Y rập đầu thêm ba lần:
– Xin đa tạ Vương gia cùng Công chúa điện hạ.
Tiêu Chú, Lý Hiến đến trước Lê Văn quỳ gối rập đầu:
– Xin vương gia mở từ tâm cứu mạng.
Lê Văn cười:
– Ta sẵn sàng cứu hai người, nhưng hai người phải phát thệ rằng: từ nay về sau, không bao giờ dám có ý, hoặc khuyến khích bất cứ ai... đem quân Tống Nam xâm. Bằng trái lời thề, sẽ bị giết toàn gia.
Hai người thề như lời Lê Văn. Vương vỗ tay lên đầu mỗi người một cái, rồi nói:
– Các người ra kia ngồi vận công cho chất độc thoát ra mau.
Bấy giờ Thiên-Thành, Cảnh-Long mới quỳ gối hướng U-bon vương với vương phi hành lễ:
– Cảnh-Long, Thiên-Thành xin tham kiến sư thúc cùng sư thẩm.
Lê Văn đỡ Cảnh-Long, Nong-Nụt đỡ Thiên-Thành dậy. Vương hỏi:
– Bà chị của ta với ông ỉn vẫn mạnh khỏe chứ?
Cảnh-Long lễ phép:
– Ða tạ sư thúc, song thân cháu vẫn mạnh. Người nhắc đến sư thúc luôn. Song thân cháu cũng ở gần đây. Cháu xin mời sư thúc, sư thẩm tới tương kiến với người.
– Ừ, ta về đây mà không thăm bà chị xinh đẹp với ông lợn thì thực vô lý.
Nghe cuộc đối đáp giữa thế-tử Thân Cảnh-Long với U-bon vương, Minh-Ðệ nghĩ thầm:
– Ừ, phải rồi. Cứ sử chép, Thuận-thiên thập hùng thì Lê Văn đứng hàng thứ mười, nên vương phải gọi vua bà Bình-Dương bằng chị. Sách chép hồi xưa Thập-hùng thương yêu nhau vô cùng. Mười người cùng đặt cho Thân Thiệu-Thái cái tên lợn, nhưng Lê Văn lại gọi trẹo đi thành ông ỉn. Không ngờ bây giờ các ngài thành đại danh rồi mà còn thân thiết với nhau như vậy.
Cảnh-Long móc trong bọc ra cái pháo thăng thiên, châm lửa tung lên trời. Pháo nổ đánh đùng một tiếng, rồi hóa ra hình con sư tử mầu vàng trên không.
Triệu Thự biết Cảnh-Long tung pháo thăng thiên báo cho vua bà Bình-Dương với phò mã Thân Thiệu-Thái tới. Y vội cung tay nói với Lê Văn:
– Non xanh còn đó, nước biếc còn kia. Tiểu vương xin kiếu từ các vị.
Lê Văn nói:
– Thái-tử hãy mau mau về Biện-kinh khẩn khoản xin Gia-hựu hoàng đế năn nỉ với Công chúa Huệ-Nhu, may ra cứu mạng được mấy nghìn người trong quý phủ cùng gia quyến Tiêu, Lý.
Bọn Triệu Thự biến mình vào trong đêm.
Bấy giờ Lê Văn mới vẫy Minh-Ðệ:
– Tiểu cô nương. Chẳng hay ai đã dạy võ công tà môn cho cô nương?
– Dạ... dạ người dạy cháu tự xưng là Trần Tự-An.
Công chúa Nong-Nụt lắc đầu:
– Hoặc là cô nương nói dối, hai là người dạy nói dối. Ðại hiệp Tự-An không bao giờ luyện võ công tà môn này thì sao có thể dạy cô nương?
– Khải công chúa điện hạ, cháu... cháu không nói dối. Dù cháu có gian xảo đến đâu, nhưng khi đứng trước một người đầy ân đức cứu nhân độ thế, đã lập không biết bao nhiêu công lao với đất nước thì... cháu đâu có thể vô lại đến độ nói dối Vương gia với điện hạ?
U-bon vương nói:
– Cô nương có biết rằng bất cứ người nào trong chính phái khi thấy cô nương xử dụng Chu-sa hay Huyền-âm chưởng là thẳng tay tru diệt không? Ðúng ra khi thấy cô nương phát Chu-sa huyền-âm chưởng đánh tên Trịnh Quang-Thạch, ta đã đập cô nương chết ngay tại chỗ rồi. Nhưng ta theo dõi hành tung của cô nương từ chiều đến giờ, thấy rằng cô nương là một thôn nữ nghèo khổ mà lại có tấc lòng son với đất nước; võ công không lấy gì làm cao, mà dám ra tay ngăn cản bọn Tống, bọn phản dân hại nước, nên ta có đôi chút nhân nhượng. Bây giờ ta cho cô một ân huệ. Cô phải khai cho thực sư phụ cô là ai? Ai sai cô ngăn cản bọn Tống? Ngăn cản để làm gì?
Minh-Ðệ kinh hoảng vô cùng. Nàng giả làm sư, ngay bọn Triệu Thự tuyệt cũng không biết, thế mà vị vương này lét một cái đã nhận ra. Trước đây Minh-Ðệ đọc trong Thái-tông thực lục, Nhân-Huệ hoàng đế kỷ sự, sách đó thuật về hành trạng của U-bon vương Lê Văn, Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai, nàng khâm phục hai người đó như hai bậc thánh của đại Việt. Nay chính Vương cùng Vương phi ở ngay trước mặt, đã khiến nàng cực kỳ cảm động; huống hồ Vương đã ra tay cứu nàng, rồi lại nói năng ôn tồn với nàng. Nàng vội quỳ gối rập đầu:
– Cháu là đứa con gái hèn hạ của làng Thổ-lội, xin ra mắt Vương gia cùng Công chúa điện hạ. Cháu xin thề là cháu không hề biết rõ sư phụ dạy cháu có phải tên là Trần Tự-An thực hay giả.
Công chúa Nong-Nụt đỡ nàng dậy:
– Thôi được, cháu hãy kể hết tiền nguyên, hậu quả vụ này cho ta nghe.
Minh-Ðệ tường thuật chi tiết tỉ mỉ về cuộc đời mình từ nhỏ cho đến khi gặp Quan-Âm, rồi tới vụ án chùa Từ-Quang, khi thì ở tù tại Kinh-Bắc, lúc bị giam lỏng ở Khu-mật-viện, rồi gặp Dương Tông, cuối cùng về lại nhà, cùng vụ điều tra Minh-Can, Trịnh Quang-Thạch, và thám thính chùa Từ-quang. Nhất nhất nàng thuật lại không bỏ sót một chi tiết nào.
Lê Văn hỏi công chúa Thiên-Thành:
– Cháu gái, cháu thử giải đoán xem ai đã giả ra đại hiệp Trần Tự-An, giả để làm gì?
Thiên-Thành mỉm cười:
– Sư thúc thử cháu hẳn? Sư thúc ơi! Chỉ thoáng qua, cháu đã biết ngay là bọn Tống. Có thể do Khu-mật viện Tống làm mà Triệu Thự không biết. Cũng có thể cái tên Triệu Thự kia đã giả làm Kinh-Nam vương, thì cũng chính y sai thuộc hạ giả làm đại hiệp Tự-An chỉ với mục đích chia rẽ phái Ðông-a, Kinh-Nam vương với Ðại-Việt. Duy có một điều cháu không biết rõ là tại sao Triệu Thự với cái tên giả đại hiệp Tự-An lại biết võ công Ðông-a mà thôi.
Lê Văn hỏi công chúa Nong-Nụt:
– Công chúa thử đoán xem tại sao lại có người của bọn ấy biết võ công Ðông-a mà dạy cho cô nương đây?
Nong-Nụt nói:
– Có thể như thế này. Hồi trước ba vị Phụ-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Ðạo thu nhận nhiều đệ tử ở Trung-nguyên, do đó võ công Ðông-a truyền sang, rồi Triệu-Thự học được.
Chợt Lê Văn reo lên:
– Tìm ra rồi.
– Anh tìm ra như thế nào?
– Võ công Ðông-a cho đến thời vua Thái-tông bên Ðại-Việt vẫn giữ nguyên như cổ. Sau trong đại hội môn phái, Thiên-trường ngũ kiệt đã đổi đi rất nhiều, khác xa với thời trước. Yến Thù được học võ công từ đại ca Phụ-Quốc trước khi đại hội. Sau y làm Thái-phó, dạy văn cho Thự, rồi nhân đó dạy võ công cho y. Chính vì vậy mà y dạy võ công Ðông-a cho tiểu cô nương đây là thứ võ công cũ. Chứ nếu người của phái Ðông-a dạy, thì đã dạy võ công canh tân rồi.
Ðâu đó có tiếng cọp gầm, ngựa hí, rồi một nam cỡi cọp, nữ cỡi ngựa từ xa phi tới. Vừa tới nơi, hai người tung mình đáp xuống đất. Cảnh-Long chỉ U-bon vương cùng vương phi:
– Mạ mạ ơi! Bố ơi! Có sư thúc, sư thẩm quang lâm.
U-bon vương reo lên:
– Chà bà chị xin đẹp, lúc nào cũng xinh đẹp. Còn ông ỉn hồi này coi được qúa, chả còn lợn tẹo nào cả. Chúng em về thăm Ðại-Việt, định lên Bắc-cương gặp anh chị cho thỏa lòng mong nhớ, không ngờ gặp anh chị với hai cháu đây.
Minh-Ðệ thấy người nữ rõ ràng là Quan-Âm đã dạy nội công âm nhu cho nàng. Nàng vội đến trước ngài quỳ gối rập đầu:
– Nam-mô cứu khổ cứu nạn Quan-thế-âm Bồ-tát, đệ tử xin tham kiến Bồ-tát.
Quan-Âm đỡ Minh-Ðệ dậy:
– Hồi dạy nội công cho con, ta đã bảo ta không phải là Quan-Âm. Vậy từ nay con đừng gọi ta là Quan-Âm nữa nhé.
Thân Cảnh-Long thấy Minh-Ðệ hành lễ, chàng kinh ngạc hỏi nữ nhân:
– Mạ mạ. Mạ mạ nhận thêm cô bé này làm đệ tử từ hồi nào vậy? Con chưa từng nghe mạ mạ nói đến bao giờ?
Nghe Cảnh-Long nói, Minh-Ðệ giật mình nghĩ thầm:
– Thì ra Quan-Âm là vua bà Bình-Dương. Hèn gì khi thấy mình xử dụng nội công Âm-Nhu rồi nhận ra hình người trong tám vị cao thủ của phái Mê-linh, sư huynh Thường-Kiệt gọi ngay mình làm sư muội, hết sức yêu thương mình. Người còn bảo cái gì nào là phúc trạch mình khôn lường, nào dù mình phạm tội gì cũng được ân xá. Thì ra thế.
Vua Bà lại nói với Minh-Ðệ:
– Tất cả oan khuất của con ta đã biết hết. Trước kia ta chỉ dạy nội công cho con, mà không thu con làm đệ tử. Nhưng bấy lâu nay, con như bông sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Hôm nay trượng phu của ta với ta cùng thu con làm đệ tử.
Minh-Ðệ mừng quá, quỳ gối rập đầu bốn lần trước vua Bà cùng phò mã Thân Thiệu-Thái:
– Sư phụ, sư mẫu.
Nàng hành lễ với U-bon vương và công chúa Nong-Nụt:
– Ðệ tử tham kiến sư thúc.
Nàng lại hành lễ với Thân Cảnh-Long, Thiên-Thành:
– Sư huynh, sư tỷ.
Công chúa Nong-Nụt tháo chiếc vòng ngọc tím trên tay đeo vào cổ tay Minh-Ðệ:
– Cho con chiếc vòng này gọi là lễ diện kiến.
Công chúa Thiên-Thành cũng tháo chuỗi ngọc trai trên cổ đeo vào cho Minh-Ðệ:
– Sư tỷ vừa là cháu của vua Bà, vừa là con dâu, lại vừa là đệ tử của người. Hôm nay là lần thứ nhì gặp sư muội, ta tặng sư muội gọi là lưu niệm.
Vua Bà bảo Cảnh-Long:
– Con hãy đấu với sư muội ít hiệp, để mạ mạ xem trình độ võ công sư muội đến đâu rồi.
Bà lại bảo Minh-Ðệ:
– Con đừng khiêm tốn gì cả, cứ dùng hết công lực, chiêu số của con để đấu với sư huynh. Có như vậy sư phụ mới biết rõ con đã học được những gì?
Cảnh-Long, Minh-Ðệ cùng hướng vua Bà với phò mã Thân Thiệu-Thái hành lễ, rồi đứng thủ thế. Vua Bà hô:
– Xuất chiêu!
Minh-Ðệ phát chiêu Ðông-hải lưu phong đánh thẳng về phía trước. Vì nội công của nàng là âm kình, nên chưởng không có gió. Cảnh-Long thấy chiêu số hung ác, vội ra chiêu Kiến-tích dã ngưu trong Mục-ngưu thiền chưởng đỡ. Xùy một tiếng, Minh-Ðệ cảm thấy như trời long đất lở, mắt hoa đầu váng. Nàng vội hít một hơi, rồi phát chiêu Phong-đáo sơn đầu. Cảnh-Long lại xuất chiêu Nhân-ngưu câu vong đỡ. Cứ thế hai bên đấu được đến trên trăm chiêu, thì phò mã Thân Thiệu-Thái hô:
– Ngừng tay!
Minh-Ðệ nhảy lui lại cung tay:
– Ða tạ sư huynh dạy dỗ.
U-bon vương cười nói với phò mã Thiệu-Thái:
– Thế nào ông ỉn! Ông ỉn phải trả tiền thực nhiều, thì mỗ mới trị bệnh cho cô học trò bảo bối của ông ỉn.
Nghe U-bon vương nói, Minh-Ðệ kinh hoàng, nàng cung tay hỏi:
– Sư thúc, không biết đệ tử bị chứng bệnh gì? Mong sư thúc từ bi hỷ xả cứu đệ tử.
Lê Văn cầm tay Minh-Ðệ bắt mạch, rồi thở dài:
– Ta tưởng hai mươi năm trước Ðinh Kiếm-Thương tuyệt tích rồi chết luôn. Không ngờ y vẫn còn sống trên thế gian này. Thực kỳ lạ, hôm ở Bắc-ngạn rõ ràng anh Thông-Mai biết y là dư đảng của Hồng-thiết giáo, mà sao ổng không đập chết nó đi cho rồi. Nhưng không biết cơ duyên nào y học được nội Huyền-âm của phái Trường-bạch, rồi tổng hợp lại. Nhưng chúng không biết y lý, nên khi tổng hợp, hai loại độc một âm, một dương không hoà được với nhau, nên chi độc tố làm thương tổn cả ngũ tạng.
Vương vuốt tóc nàng:
– Có phải sau bốn mươi chín ngày, tuy cơn đau đã hết, nhưng thỉnh thoảng cháu thấy tim đập mạnh một vài lần, trong người cực kỳ khó chịu, rồi mãi tới khi ợ hơi mấy cái, cái khó chịu mới hết. Ðúng không?
– Vâng đúng thế.
– Ðó là tâm mạch của cháu bị hai thứ Chu-sa, Huyền-âm xung đột nhau mà sinh ra. Rồi mỗi khi cháu ngửi bất cứ mùi nước hoa nào, là bị ho mấy tiếng, rồi lồng ngực ngâm ngẩm đau. Ðó là phế bị tổn thương. Thận chủ não, chủ tủy, quan của thận là tai, mỗi khi nháu đọc sách nhiều, hoặc suy nghĩ nhiều, thì tai bị ù, đó là thận bị thương. Có đúng không?
Minh-Ðệ run run đáp:
– Quả như sư thúc dạy.
– Ðã hết đâu. Can chủ cân. Thỉnh thoảng cháu cứ thấy chân tay co giật một lúc rồi thôi. Ðó là can bị thương tổn. Tỳ chủ tiêu hóa, vận khí. Thỉnh thoảng cháu vận khí thấy bị bế tắc một cách vô lý, đó là tỳ bị tổn thương. Tóm lại ngũ tạng của cháu bị hai thứ độc xung kích nhau mà thành.
Vương nói với Minh-Ðệ bằng giọng thương xót:
– Cái người xưng là đại hiệp Tự-An dạy võ cho cháu đó tên thực là Ðinh Kiếm-Thương. Hai mươi năm trước, y là một đại ma đầu của Ðại-Việt ta. Không biết chủ ý của y ra sao, mà lại đem võ công tà môn này mà dạy cho cháu?
Vương hỏi Minh-Ðệ:
– Khi sư phụ dạy Chu-sa huyền âm chưởng cho cháu, y có nói rõ gốc tích chưởng này ra sao không?
– Thưa sư thúc có ạ.
Rồi nàng tường thuật chi tiết những gì đối thoại với Ðinh Kiếm-Thương trên con thuyền ở hồ Tây lại một lượt. Vua Bà nghe đến tên Vũ Chương-Hào, Lê Phúc-Huynh, Ðinh Kiếm-Thương thì không ngạc nhiên. Bà giải thích:
– Văn đệ xa cố quốc lâu ngày nên không biết đấy thôi. Nguyên Vũ, Lê, Ðinh là đệ tử của Nhật-Hồ lão nhân. Sau khi Khiếu Tam Bản bị chúng ta giết ở Biện-kinh, thì Nhật-Hồ lão nhân sai Lê, Vũ, Ðinh sang nắm giáo chúng ở xứ Chân-lạp. Cho nên hồi chư vương khởi loạn, chúng lọt lưới. Biết rằng Chu-sa ngũ độc chưởng đã bị đại hiệp Tự-An tìm ra cách khắc chế, chúng muốn tái lập giáo chúng cũng khó khăn vô cùng. Vì vậy chúng sang Trung-nguyên, tìm dư đảng bọn Trường-bạch, rồi hai bên trao đổi võ công với nhau. Chính ba tên này đã hợp võ công Huyền-âm với Chu-sa làm một. Còn tại sao Ðinh lại giả làm sư bá Tự-An thì nguyên do rất dài.
Bà ngước mắt nhìn trăng rồi kể...
"Bấy giờ vào thời Thuận-thiên (1010-1028), đức Thái-tổ nhà ta mới tiếp ngôi từ nhà Lê, nhiều sĩ dân không phục. Nhưng họ chỉ tỏ ra bất hợp tác, chứ không làm loạn. Các nguồn chống đối quan trọng nhất là phái Ðông-a, Sài-sơn, bang Nhật-hồ. Bang Nhật-hồ khó mà thu phục, bởi họ chủ trương diệt chủ đạo tộc Việt, diệt mọi môn phái, để lên làm vua. Còn phái Sài-sơn lại do thân phụ của đệ là Nam-quốc vương, tức Hồng-sơn đại phu, con thứ vua Lê Ðại-Hành làm chưởng môn, muốn đòi lại ngôi vua. Phái Ðông-a vì liên hệ ba đời với phái Sài-sơn; hơn nữa chưởng môn pháiÐông-a là sư bá Trần Tự-An và Thiên-trường ngũ kiệt là bạn với Hồng-sơn đại phu. Nhà vua muốn dùng đức cảm hóa, thu phục các nguồn chống đối, nhưng hơn mười năm mà không thành.
Khi Khai-Quốc vương về triều lĩnh phụ-quốc thái-úy, vương đưa ra quyết định: bang Nhật-Hồ không thể thu phục, nhược bằng có thu phục được, thì cũng không thể dùng chúng. Người lại thấy võ đạo phái Ðông-a cực kỳ khinh ghét bọn ma đầu Hồng-thiết, vì vậy người mới chủ tâm thu phục pháinày.
Hay đâu, vợ của chưởng môn phái Ðông-a là Cao Huyền-Nga bị Hồng-thiết giáo hại, Khai-Quốc vương nghĩ ngay đến tìm một đệ nhất giai nhân gả cho ông. Bấy giờ tại Thăng-long, có bốn giai nhân tài sắc nức tiếng đế đô. Trong bốn giai nhân đó, thì Ðào Hà-Thanh nổi bật hơn cả, lại là người đặt ra thể loại văn chương, ca hát mới, tên gọi Ca-trù. Rồi thể loại này nổi tiếng, mang tên hát Ả Ðào.
Vương tìm gặp song thân nàng, đem nghìn vàng tặng ông bà, nhờ Hà-Thanh đóng một vở kịch, hầu thành vợ Tự-An. Không ngờ ông bà, cùng Hà-Thanh khẳng khái không chịu nhận vàng, vì cho rằng Hà-Thanh được làm vợ Trần Tự-An, thì là điều nàng ước mong mà không được. Rồi Hà-Thanh thành vợ Tự-An, rồi nhờ phái Ðông-a cùng võ lâm diệt bang Nhật-Hồ. (1)
Ghi chú,
(1) Những bí ẩn này, xin đọc Anh-hùng Tiêu-sơn, cùng tác giả,

Hồi Hà-Thanh chưa thành vợ Tự-An, thì một hào kiệt tên Ðinh Kiếm-Thương vốn thuộc phái Mê-linh đã say mê Hà-Thanh từ lâu. Hai người đã có ước hẹn trăm năm. Nay Hà-Thanh thành vợ Tự-An, khiến Kiếm-Thương thất tình, như điên như khùng. Kiếm-Thương phẫn hận, bỏ theo bang Nhật-Hồ, vì bang này hứa rằng sẽ giúp y đoạt lại Hà-Thanh. Rồi bang Nhật-Hồ bị diệt, Kiếm-Thương bị truy lùng rất gấp. Y bí mật tìm Hà-Thanh, kể nể tình xưa nghĩa cũ, xin nàng che chở cho. Hà-Thanh bắt y cải tên họ, rồi nàng nhận y vào làm gia thuộc ở trang Thiên-trường. Y chỉ ước ao được làm những việc như quét nhà, giặt y phục cho Hà-Thanh cũng thỏa nguyện rồi. Trong khi tiềm ẩn ở phái Ðông-a, y học được võ công phái này, tới trình độ khá cao.
Khi vua Thái-tông lên ngôi, truyền đại xá thiên hạ, Kiếm-Thương rời phái Ðông-a ra đi, mưu tìm phương cách đoạt lại người yêu. Giữa lúc đó Dương tể tướng muốn gây thế lực cướp ngôi vua, ông âm thầm tuyển võ sĩ. Với võ công Mê-linh, Ðông-a, y được Dương tể tướng thu nhận làm đệ nhất gia sư dạy võ cho các con cùng gia nhân.
Sau khi vụ án Bắc-ngạn xẩy ra, con trai và cháu bị Ưng-sơn giết chết, Dương tể tướng suýt bị giết cả nhà, may nhờ vua Thái-tông dùng luật Bát-nghị ân xá. Kiếm Thương cũng được ân xá (2).
Ghi chú,
(2) Xin xem Anh-linh thần võ tộc Việt, cùng tác giả.
Từ đấy Ðinh Kiếm-Thương tuyệt vọng. Y hóa điên hóa khùng, đi đâu cũng xưng là Tự-An. Y vào các kỹ viện tìm gái. Cô gái nào y cũng gọi là Ðào Hà-Thanh hết. Y sang Trung-quốc, cũng xưng là Tự-An, trao đổi võ công với phái Trường-bạch. Những ngày ở Trung-quốc, y gặp sứ giả Chiêm-thành sang cống. Sứ Chiêm tưởng y là Tự-An, tỏ ra khúm núm, mời y sang Chiêm chơi. Tới Chiêm, với võ công của y, không một cao thủ nào địch lại. Vua Chiêm tôn y là sư phụ. Y đem những cải cách về nông nghiệp, binh bị của triều Lý ra giúp vua Chiêm làm cho nước giầu dân mạnh. Vua Chiêm lại tưởng lầm rằng đó là sáng kiến của y, phong y làm « Thái sư quốc phụ, Cửu-chân vương”. Giữa lúc đó, con của Nhật-hồ lão nhân là Ðông-Thiên với Quỳnh-Hoa cùng Lê Phúc-Huynh, Vũ Chương-Hào, đã tái lập Hồng-thiết giáo ở Chiêm, thanh thế nổi lên rất lớn. Kiếm-Thương được phong là tả hộ pháp.
Công thành, danh toại, y trở về Ðại-Việt tìm dư đảng bang Nhật-hồ, mưu tái lập bang này, rồi khích cho Tống đánh xuống Nam. Dĩ nhiên Tống sẽ thua, Ðại-Việt sẽ nghiêng ngửa. Bấy giờ y mượn quân Chiêm tiến về. Trong, dư đảng Nhật-hồ nổi dây. Y sẽ lên làm vua, tàn sát phái Ðông-a, cho hả giận.
Cho rằng với bản lĩnh hợp võ công Mê-linh, Ðông-a, Hồng-thiết, Liêu-Ðông, y dư sức thắng Trần Tự-An, đoạt lại Hà-Thanh. Y trở về Thiên-trường xin gặp đại hiệp Tự-An, công khai trình bầy tất cả tâm sự quá khứ, rồi thách ông đấu võ. Nếu y thắng, thì ông phải trả Hà-Thanh cho y. Còn như y bại, thìy xin tự tử ngay.
Sau khi đấu với nhau hơn trăm hiệp, Kiếm-Thương thấy bản lĩnh mình thua xa đối phương. Y xin thua, xin tự tử ngay trước mặt Hà-Thanh, chỉ ước một điều là Hà-Thanh cho y một giọt nước mắt lên đầu y mà thôi.
Hà-Thanh cảm động, nước mắt rưng rưng quỳ gối trước chồng, kể lể hết mối tình cũ với Kiếm-Thương. Nàng nói rõ: lúc đầu nàng phụ tình Kiếm-Thương lấy ông chỉ vì quốc sự. Nhưng sau khi thành vợ ông, nàng mới cảm thấy yêu ông. Nàng nói thực: đối với Kiếm-Thương, nàng vừa yêu vừa thương hại. Còn đối với ông, nàng vừa yêu, vừa kính trọng. Nay nàng xin phép ông, nhỏ cho người cũ một giọt nước mắt.
Ðại hiệp Tự-An là người đại lượng. Ông thẳng thắn chắp tay lạy Kiếm-Thương ba lạy tạ tội, vì vô tình làm y đau khổ bấy lâu nay. Bây giờ sự đã ra thế này, ông trả Hà-Thanh về cho y. Hà-Thanh cương quyết không chịu, nhưng ông không đổi ý. Giữa lúc hai bên biện luận, Kiếm-Thương quỳ gối xuống, ôm lấy chân Hà-Thanh khóc nức nở. Rồi thình lình, y ôm nàng chạy như bay vào đêm tối.
Từ đấy, y cùng Hà-Thanh ngao du mây nước, sống trên thuyền. Hà-Thanh còn tưởng nhớ đến Tự-An, nên nàng bắt Kiếm-Thương phải giả làm ông. Cho nên đi đâu, y cũng xưng là Trần Tự-An. Có người đem chuyện này thuật với phái Ðông-a. Chưởng môn là Trần Phụ-Quốc định sai người giết y, thì đại hiệp Tự-An ra lệnh: bất cứ đệ tử Ðông-a nào cũng phải bảo vệ Kiếm-Thương, để chuộc lỗi cũ cho ông. Vì vậy Kiếm-Thương tự tác khắp Hoa-Việt mà vẫn vô sự.
Hồi Kiếm-Thương làm gia sư trong Dương phủ, thì Trịnh Quang-Thạch chỉ là một tên hầu bình thường. Bây giờ, y được phong hầu, được thái hậu tín nhiệm. Vì vậy Kiếm-Thương ganh tỵ, mới giúp Yến-Loan thắng bọn học trò trường Trung-nghĩa để ra oai ».
.......
Phò-mã Thiệu-Thái hỏi:
– Văn đệ này, bây giờ chúng ta phải trị cho Yến-Loan như thế nào?
– Không khó. Ông ỉn cứ giải Chu-sa ngũ độc cho Minh-Ðệ trước, rồi phần còn lại đệ sẽ trị cho cháu.
Phò-mã Thiệu-Thái chỉ cái ghế đá bảo Minh-Ðệ:
– Con ngồi im, đừng vận công chống lại. Nếu con buồn nôn, thì cứ nôn ra, không có chi đáng sợ cả.
Minh-Ðệ ngồi lên chiếc ghế đá, rồi nhắm mắt chờ đợi. Phò mã vỗ nhẹ lên đầu nàng một chưởng. Minh-Ðệ cảm thấy toàn thân rung động, rồi nàng buồn nôn. Oẹ một tiếng nàng nôn ra một bãi đờm nhớt bầy nhầy. Cứ thế một khắc sau, thì nàng hết nôn, trong người cảm thấy sảng khoái vô cùng. Biết đã thoát ra khỏi cái ách Chu-sa ngũ độc, nàng đứng dậy chắp tay:
– Ða tạ sư phụ giải ách.
U-bon vương móc trong túi ra ba hộp thuốc khác nhau, ông trao cho Minh-Ðệ:
– Trong ba hộp thuốc này, mỗi hộp có bốn mươi chín viên. Sáng cháu uống viên xanh, trưa uống viên đỏ, chiều uống viên trắng. Uống hết thì bệnh cũng tiêu trừ. Nhớ trong khi uống không được ăn đậu xanh, giá sống.
Vua Bà nắm tay Minh-Ðệ trao cho nàng tấm thẻ bài, rồi dặn:
– Cái vụ bọn Tống, cũng như tên Trịnh Quang-Thạch, sư Viên-Hoa, sư phụ đã có biện pháp rồi. Mọi việc hôm nay nhất thiết con giữ kín. Sư phụ trao cho con tấm thẻ bài này, từ nay bất cứ quan nha nào, kể cả Hoàng-đế, Tể-tướng ai muốn bắt giam, hay làm tội con, con đưa ra là họ phải thôi ngay. Bằng họ không thôi, thì tức là bọn gian thần, bọn mạo quyền, ta cho con dùng võ công chống lại. Tối mai, giờ Dậu, con ra miếu thổ thần, ta sẽ dạy võ cho con.
Bà nói với mọi người:
– Ta đi thôi.
Sáu người hú lên một tiếng, rồi biến vào trong đêm.
Minh-Ðệ tần ngần trở vào trong chùa, thì thấy sư Viên-hoa bị chém mất đầu, chỉ còn cái thân trên vũng máu. Kinh hãi nàng nghĩ thầm:
– Từ chiều đến giờ, ở đây có sư phụ, sư mẫu, sư thúc và sư huynh sư tỷ với mình. Vậy ai đã giết sư Viên-Hoa?
Nàng nhìn quanh, thì thấy một tờ giấy hoa tiên rất dầy, trên in hình cặp chim ưng bay qua núi, với giòng chữ viết rất đẹp:
Vi tăng phạm giới,
Tử đệ phản sư,
Vi dân phản quốc,
Kiến nhi trừ chi.

(Là tăng mà phạm giới,
Là học trò phản sư,
Là dân lại phản quốc,
Thấy thì tiễu trừ)
Minh-Ðệ ớn da gà:
– Cứ như lời lẽ này, thì rõ ràng Ưng-sơn song hiệp đã ra tay. Nhưng không biết Ưng-sơn này có thực là Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu không? Hay là người khác đội tên? Có lẽ là đội tên. Ðúng rồi, mình đọc trong sách thấy thuật rằng vương với U-bon vương thân nhau như bóng với hình. Nếu như Vương ở đây hẳn Vương đã ra tương kiến với U-bon vương rồi. Vậy ai đã đội tên Vương? Mình nhớ trước đây đã có hồi đại hiệp Tự-An, Thông-Mai, vương phi Khai-Quốc vương Thanh-Mai, Long-thành ẩn-sĩ Tôn Ðản cũng đã xưng là Ưng-sơn song hiệp. Vậy không biết vị nào đã giết Viên-Hoa? Yến-Loan ra bụi hoa, tìm cái tráp của Viên-Hoa, thì cái tráp đã biến mất. Nàng nghĩ thầm:
– Chắc Ưng-sơn đã mang đi mất rồi. Thôi ta về nhà, chẳng nên liên hệ vào vụ này làm gì nữa.
Liên tiếp trong suốt gần tháng, đêm nào vua Bà cũng đến miếu thổ thần luyện võ cho Yến-Loan. Vì nàng đã có nội công cao, nên bất cứ quyền pháp, chưởng pháp nào, nàng chỉ luyện một lần là thành. Chợt nhớ đến vụ Viên-Hoa bị giết, Yến-Loan hỏi vua Bà:
– Sư phụ, cái đêm mà con hội kiến với sư phụ. Khi sư phụ đi rồi, con trở vào chùa thì sư Viên-Hoa bị giết. Không biết...
Vua Bà giật mình:
– Con hãy thuật chi tiết vụ này cho sư phụ nghe.
Nàng thuật lại chi tiết vụ thám thính chùa Từ-quang một lượt, nhất là cái tráp đựng vàng của Tống mà nàng dấu ở bụi hoa cũng biến mất. Nàng đưa tờ giấy mà Ưng-sơn gắn trên xác Viên-Hoa cho sư phụ. Vua Bà cầm lấy tờ giấy, xem qua, rồi gật đầu:
– Ðúng như con đoán, quả là người của Ưng-sơn đã ra tay chứ không phải Ưng-sơn. Sau đây con nên đến chùa Từ-quang thám thính xem có gì lạ không? Bây giờ võ công con cao, trí lự lại không tầm thường, gặp sự gì khó khăn, con có thể tự giải quyết được.
Sau khi dạy Yến-Loan cho đến đêm thứ ba mươi, bà bảo Minh-Ðệ:
– Ta là chị của Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế. Trong mấy ngày nữa Hoàng-đế sẽ du hành qua đây. Nếu con có thấy ta đi cùng, thì cũng đừng hành đại lễ. Con nhớ nhé, từ nay con không nên dùng tên Minh-Ðệ nữa, mà dùng tên Yến-Loan do ta đặt cho con. Thôi ta đi, sau này thầy trò sẽ gặp lại nhau.
Nói rồi vua Bà tung mình vào bóng đêm.
Sáng nay, mặt trời dậy sớm, ánh nắng chứa chan trên đồng cỏ, bốc hương thơm ngạt ngào. Yến-Loan dậy từ lúc rạng Ðông. Nàng dã bèo, cho lợn ăn, rồi quay vào chuẩn bị bữa sáng cho bố mẹ, thắng ngựa vào xe để ông bà lên đường. Công việc vừa hoàn tất thì có nhiều tiếng xôn xao ngoài cổng, rồi có tiếng gọi ơi ới. Mụ Sửu le te chạy ra ngõ. Hai cánh cổng vừa mở ra, thì đã có hai mươi đệ tử trường Trung-nghĩa tràn vào. Nhanh chóng, chúng bao vây quanh ngôi nhà ông bà Lê Văn-Thiết. Trịnh Phúc cùng hai tên Vũ Ðức, Vũ Ðạt từ ngõ khệnh khạng tiến vào sân.
Ông Thiết đứng dậy hỏi:
– Các anh đi đâu thế này?
Trịnh Phúc xuất trong bọc ra một trục giấy, y nói:
– Xin ông bà gọi tất cả mọi người trong nhà ra nghe lệnh của Siêu-loại hầu.
Dân chúng trong làng hiếu kỳ, kéo đến chật hết cả sân lẫn ngõ nhà ông Thiết. Người tới sau, không còn chỗ phải leo lên cây, hoặc dẫm lên vườn để xem cái gì sẽ xẩy ra. Yến-Loan thấy trong đám đông có cả bốn người bạn là Thanh-Thảo, Ngọc-Nam, Trinh-Dung, Ngọc-Huệ. Họ nhìn nàng với vẻ ái ngại.
Ông Thiết chưa lên tiếng gọi, thì từ mụ Sửu, cho tới Yến-loan, Minh-Can, Minh-Nhàn, ba người con trai đều đứng sau ông bà. Trịnh Phúc đọc:
" ... Trung-nghĩa đại tướng quân, Siêu-loại hầu có lệnh truyền bắt giam Lê-thị Yến-Loan tức Minh-Ðệ về dinh vì phạm trọng tội...”
Nghe xong bà Thiết nhảy choi choi lên rồi gầm thét như con hổ đói lâu ngày mới thấy mồi:
– Trời hở trời! Quân hầu muốn giết, muốn băm vằm con khốn nạn ra làm muôn mảnh, nghìn mảnh, tôi cũng xin vui lòng, việc gì phải sai người đến vây nhà tôi kia? Khổ quá, của nợ hết việc làm rồi hay sao mà đi chọc vào nhà quan.
Bà xỉa xói vào mặt Yến-Loan:
– Con khốn nạn kia, con diều tha qụa mổ kia, mày đã làm tội gì đến nỗi quân hầu cho người đến tróc nã. Mày có đem xác mày ra nộp ngay không?
Trẻ con thấy bà như vậy chúng reo hò nhại tiếng nói của bà.
Yến-Loan thủng thỉnh bước ra. Nàng cầm tờ lệnh xem qua, rồi ôn tồn nói:
– Các anh về hỏi quân hầu rằng Yến-Loan này đã phạm tội gì mà cho người tróc nã? Bắt người thì phải có nguyên do, kết tội người thì phải có chứng cớ chứ? Con bé Yến-Loan không dễ gì để cho người ta hiếp đáp đâu. Xin mời các anh rời khỏi đây ngay.
Dân chúng thấy Yến-Loan dám chống lệnh quân hầu thì đều bật lên tiếng ồ kinh ngạc.
Trịnh Phúc mở to mắt ra hỏi:
– Người... người dám chống lại lệnh của quân hầu ư?
Ngọc-Nam nhảy ra cầm tờ lệnh đọc, rồi nói:
– Dù tể-tướng, dù quân-hầu cũng phải có lý chứ đâu lại vào quyền hành rồi muốn bắt ai thì bắt đâu?
Ngọc-Huệ cũng nói:
– Minh-Ðệ, nhất định không để cho họ trói mình.
Vũ Ðức nhăn mặt, gã dùng tay túm cổ áo Ngọc-Huệ kéo ra ngoài. Nhanh như chớp, Ngọc-Huệ trầm người xuống tránh, thành ra y túm hụt. Chân trái Ngọc-Huệ quét sang phải. Tay phải nàng gạt vào vai trái y. Lập tức Vũ Ðức ngã lộn đi. Y uốn cong lưng, rồi tung người dậy. Trong khi dân làng vỗ tay hoan hô.
Vũ Ðức nổi cáu:
– Con nặc nô Ngọc-Huệ. Mi... mi muốn chết hử? Hử? Hử?
Nói rồi y phóng quyền đánh vào mặt nàng. Ngọc-Huệ tung người lên cao, chân phải đá vào huyệt Ðản-trung, chân trái đá vào huyệt Hạ-quan của Vũ Ðức. Nàng ra tay cực kỳ thần tốc. Vũ Ðức ngã lăn đi hai vòng, rồi nằm đứ đừ, không bò dậy được nữa.
Dân chúng reo hò cổ võ:
– Ông võ sinh này dùng thân làm thước đo vườn đấy hẳn!
– Không, ông ta nằm dài ra tượng hình chữ nhất đấy chứ!
Bốn thiếu nữ Ngọc-Huệ, Trinh-Dung, Ngọc-Nam, Thanh-Thảo đều đứng thành hàng ngang với Yến-Loan. Trịnh Phúc hô:
– Chúng ta tuân lệnh quân hầu bắt Lê-thị Minh-Ðệ. Còn những ai vô can, thì hãy tọa thủ bàng quan.
Yến-Loan nói với bốn người bạn:
– Cảm ơn các chị. Xin các chị cứ để mình em đối phó với bọn này cũng thừa sức rồi.
Trịnh Phúc lại hô:
– Anh em xông vào trói thị lại!
Yến-Loan mỉm cười:
– Ai có bản lĩnh gì thì cứ xông vào.
Dân chúng đứng im phăng phắc xem màn kịch bi hùng.
Ðám đệ tử Trung-nghĩa đã từng thấy Yến-Loan hạ các sư huynh nội đồ của trường mấy năm về trước, nên chỉ đứng ngoài gườm gườm mà không dám rục rịch. Trịnh Phúc lại hô:
– Xông lên một lượt.
Chỉ có một tên tiến tới, Yến-Loan phóng hoành cước trúng mông y, người y bay bổng ra xa hơn trượng, rồi nằm đứ đừ không bò dậy được.
Dân chung reo hò vang dội.
Yến-Loan nghĩ thầm:
– Ðánh rắn phải đánh dập đầu, ta cứ đánh ngã tên Trịnh Phúc, ắt chúng sợ hãi bỏ chạy.
Nghĩ là làm. Nàng phát một chưởng hướng Trịnh Phúc. Trịnh Phúc lùi một bước, rồi vung chưởng đỡ. Binh một tiếng người y bay bổng lên cao. Yến-Loan đuổi theo túm lấy y, tay điểm huyệt Ðại-trùy, ném y xuống đất. Y nằm như con chó tiền rưỡi. Nàng dẵm chân lên ngực y, rồi vận sức hỏi:
– Phục chưa?
Trịnh-Phúc đau quá, y rên rỉ:
– Trăm lạy cô nương, nghìn lạy cô nương. Xin cô nương dung tình.
Yến-Loan xẹt tới như tia chớp, xuyên bên Ðông, lách bên Tây, phút chốc tất cả đám hai mươi ba tên đều bị điểm huyệt ngã lổng chổng ở sân.
Diễn biến làm ông bà Thiết kinh ngạc đến ngơ ngẩn cả người ra. Dù nằm mơ, ông bà cũng không ngờ tới con mình đã học võ đến trình độ cao như vậy. Lần đầu tiên dân chúng được coi một màn đấu võ. Họ vỗ tay hoan hô Yến-Loan.
Ông Thiết hỏi Yến-Loan:
– Con đánh họ thế này, lát nữa họ kéo bầy, kéo lũ đến đây thì sao?
– Bố cứ để mặc con. Cái ông Trung-nghĩa đại tướng quân thực ra là người bất trung bất nghĩa, nếu ông đến đây con sẽ có cách làm cho ông ấy kinh sợ đến mất hồn mất vía.
Lát sau lý-trưởng, phó-lý, trương-tuần đi cùng thầy đồ Thái, dẫn một toán hoàng nam tới. Họ thấy đám đệ tử trường Trung-nghĩa nằm ngổn ngang rên xiết thì kinh ngạc vô cùng, đứng trố mắt ra nhìn. Bà Thiết uốn cong người lại, há mồm thực to, rồi gào lên:
– Tao nói có sai đâu. Mày làm loạn, để chức dịch tới đây bắt tao đi làm tội, thì mày mới thỏa dạ hả? Ối trời cao đất dầy ơi?
Cụ lý hỏi:
– Anh Trịnh Phúc, cái gì đã xẩy ra?
Trịnh Phúc thở hào hển:
– Sư phụ sai chúng tôi tróc nã Yến cô nương. Cô nương đã không tuân lệnh, còn đánh anh em chúng tôi ra nông nỗi này. Lại bốn cô Ngọc-Huệ, Trinh-Dung, Thanh-Thảo, Ngọc-Nam cũng trợ giúp Minh-Ðệ nữa.
Cụ lý nghe Trịnh Phúc nói, ông có vẻ ớn Yến-Loan, mắt lấm lét nhìn nàng, rồi lên tiếng:
– Yến cô nương, chúng tôi được lệnh quan trên về hỏi song thân cô một chuyện. Vụ này không liên quan đến trường Trung-nghĩa, vì vậy cô nương chẳng nên dùng võ với chúng tôi.
Yến-Loan bật cười cung tay:
– Thưa cụ, cụ là người đạo đức, lại làm đại diện cho làng ta, thì dù cháu có là Ngọc-hoàng đại đế, Diêm-la lão tử chăng nữa cũng phải kính trọng cụ, chứ đâu dám vô lễ. Tục ngữ có câu: Phật ngồi trên toàn, gà nào dám mổ mắt. Cụ là Phật, cháu là gà mà.
Thầy đồ Thái gật đầu tỏ vẻ đồng ý với Minh-Ðệ.
Cụ lý yên tâm. Cụ hướng ông bà Thiết:
– Cách đây mấy tháng, Gia-viễn quốc công có ban lệnh rằng ông bà phải kiếm người tử tế mà gả Minh-Ðệ. Thế sao đến nay ông bà chưa thi hành?
Bà Thiết chắp tay xá dài:
– Xin cụ hiểu cho, cái con này, ăn không lên đọi, nói không lên lời, lười chây xác ra, người lại.. yếu đuối thì ai mà chịu cưới nó về làm vợ? Ðấy, nó đấy, cụ xem có ai muốn, thì tôi cho không, chứ tôi giữ nó trong nhà mà làm mắm cho chó ăn à?
Cụ lý dương to cặp mắt lên nhìn bà Thiết, rồi nói bằng giọng mỉa mai:
– Bà nói sao nghe lạ tai quá. Cháu Minh-Ðệ đây nhan sắc thực hiếm có trên đời. Tôi lại nghe nói, mọi việc trong nhà do cháu đảm đang hết mà bà bảo cô ấy lười ư? Còn bà bảo cháu yếu đuối, mà mình cháu ra tay, khiến hai mươi ba người nằm thẳng thẳng thế này. Nếu như cháu nó khoẻ mạnh, thì chắc nó búng tay một cái, trâu cũng ngã kềnh ra. Thôi được, có cụ phó, anh trương-tuần, thầy Thái làm chứng. Tôi xin ghi lời của bà để trình lên quan trên. Nghĩa là bất cứ ai đến hỏi, bà cũng cho không. Bà nhớ lấy nhé.
Ðám con trai nàng reo lên:
– Người đẹp thế kia, ai mà chẳng ham!
– Trời, tôi về nói với thầy u hỏi nàng làm vợ mới được!
Yến-Loan quét con mắt lạnh như dao cau qua đám thanh niên đồng tuổi trong làng, khiến chúng lạnh người, vội đứng im.
Cụ Lý nói với Yến-Loan:
– Này cháu, dù cháu tài giỏi đến đâu thì cũng phải tuân phép nước chứ? Ðức vua phong cho Trịnh công công làm Trung-nghĩa đại tướng quân, Siêu-loại hầu, thì chỗ chúng ta đứng đây là thực ấp của người. Vì vậy cháu phải tuân lệnh người, có đâu đánh đương sai của người?
Yến-Loan nói bằng giọng nhỏ nhẹ:
– Thưa cụ, có thầy cháu tại đây làm chứng cho những lời này của cháu. Cháu là người đọc sách, cháu biết rõ về vua chúa lắm. Vua là gì? Vua là người được ý trời trao cho chăn dắt trăm họ. Mà ý trời là gì? Thưa là ý dân. Vua cũng như con thuyền, dân cũng như nước. Nước nâng thuyền, nhưng nước cũng đánh chìm được thuyền. Khi người dân không tội, ngay chính Hoàng-đế cũng không thể xâm phạm thân thể họ. Thế mà nay cháu không tội gì, ông Trịnh Quang-Thạch sai người đến bắt, thì có hai vấn đề đặt ra. Một là ông ta vi luật, hiếp đáp dân lành. Hai là những kẻ này giả lệnh ông ta. Vì thế cháu mới chống lại.
Từ cụ lý cho đến ông bà Thiết, cùng đám đệ tử trường Trung-nghĩa, tuyệt không ngờ Yến-Loan lại có kiến thức cao xa như thế. Nàng lý luận thực đanh thép, ngoài những hiểu biết của mọi người. Thầy đồ Thái gật gù:
– Minh-Ðệ luận đúng. Vì trong trát bắt cháu, hầu không nêu rõ tội trạng, vì vậy cháu nó chống là phải.
Thầy nói với Yến-loan:
– Minh-Ðệ, con hãy buông tha cho những người này, rồi đi theo chức dịch trong làng với thầy đến dinh Trung-nghĩa để hỏi cho ra lẽ. Con nghĩ sao?
Minh-Ðệ cung tay:
– Con xin nghe lời thầy dạy.
Nàng nói với ông Thiết:
– Bố cứ ở nhà. Bất cứ đứa nào đến đây đụng vào sợi tóc của bố, con quyết đập chết chúng.
Nàng xuyên bên này, nghiêng bên kia, thấp thoáng mấy cái đã giải huyệt cho bọn Trịnh Phúc. Bọn chúng định ra về, nàng quát:
– Khoan!
Cả bọn kinh hãi đứng lại nhìn nàng. Nàng xếp bẩy viên gạch thành một chồng, rồi bảo Trịnh-Phúc:
– Anh hãy dùng sức đấm một đấm vào bẩy viên gạch này cho ta coi.
Trịnh Phúc không biết Yến-Loan bắt y làm vậy với mục đích gì, nhưng y cũng vận công rồi đấm lên chồng gạch. Bộp một tiếng tay y đau nhói lên, mà chồng gạch chỉ có ba viên gẫy làm đôi mà thôi.
Yến-Loan nhặt ba viên gạch bể để sang một bên, rồi lấy sáu viên khác chồng lên, thành một cột mười viên. Nàng hít một hơi, vận âm kình, rồi vỗ xuống. Vèo, một tiếng êm nhẹ, mười viên gạch vỡ nhỏ ra thành từng miếng bằng quả cau một. Nàng cầm một viên khác lên, dùng tay bóp nhỏ ra như tấm, rồi vãi xuống sân trước con mắt kinh khủng của bọn đệ tử trường Trung-nghĩa. Yến-Loan lại chuyển động thân mình, đã túm được gã Trịnh Phúc, nàng khoằm khoằm năm ngón tay như vuốt hổ, ướm thử vào đầu y, rồi hỏi:
– Trịnh huynh này. Nếu như tôi bóp mạnh một cái, thì những gì sẽ xẩy ra nhỉ?
Gã Trịnh Phúc bở vía:
– Trăm lạy cô nương, nghìn lạy cô nương, nếu cố nương bóp mạnh, thì đầu tiểu nhân sẽ vỡ ra mà chết. Xin cô nương tha cho tiểu nhân.
Yến-Loan thấy trong ánh mắt y chưa có vẻ sợ cho lắm, nàng thử vận kình lực, xiết chặt ngón tay một cái, khiến y rú lên.
Dân chúng im phăng phắc. Trinh-Dung reo:
– Cái anh này thực khéo giả vờ, để chị Minh-Ðệ thử bóp thủng năm lỗ trên đầu anh, rồi cắm vào đó năm dò huệ, coi đẹp gớm. Cam đoan khi anh ra đường, người ta sẽ chỉ chỏ, trầm trồ khen ngợi: kìa vị thái bảo trường Trung-nghĩa họ Trịnh kìa, đầu ông ta nở hoa kìa.
Trẻ con vỗ tay:
– Ðúng đấy, đúng đấy!
Ngọc-Nam cũng nói:
– Chị Minh-Ðệ cứ bóp thủng đầu y ra. Bọn em sẽ thả vào trọng sọ y năm con rắn. Khi y ra đường, năm con rắn sẽ thò đầu ra ngoài, đầu lắc lư coi càng đẹp.
Trịnh Phúc kinh hoàng:
– Chớ, chớ! Cô nương chớ có thử. Cô nương mà bóp một cái thì đầu tiểu nhân sẽ vỡ ra mà chết liền.
Nói đến đây, y sợ quá, té đái, vãi phân thối um lên. Yến-Loan buông tay ra. Y vội cùng đám sư đệ bỏ đi. Trinh-Dung gọi lại:
– Khoan nào! Các anh đã học võ công, mà chưa biết luật lệ võ lâm ư? Ðể tôi chỉ cho. Phàm khi hai người đấu với nhau, người thắng toàn quyền xử lý kẻ thua. Kẻ thua phải chịu để người thắng muốn mổ, muốn xẻ, muốn băm vằm thế nào cũng phải chịu. Nay các anh đánh với chị tôi bị thua, chị tôi tha cho về, thì các anh phải biết điều chứ?
Trịnh Phúc run run:
– Cô nương muốn bọn tại hạ phải làm gì để được ân xá?
Ngọc-Huệ thấy y sợ quá, thì cười:
– Dễ thôi, mỗi người phải để lại một cánh tay phải, một con ngươi trái, và một bàn chân trái.
Mặt Trịnh Phúc nhăn nhó:
– Xin cô nương nới cho một chút.
Yến-Loan phì cười:
– Vậy thì thế này: tất cả các anh phải đến trước thân phụ tôi rập đầu tám lần, miệng hô: xin cụ tha cho cái mạng chó má này.
Bọn Trịnh Phúc thấy nàng ra điều kiện nhẹ quá, thì mừng chi siết kể. Chúng đồng thụp xuống trước ông Thiết rập đầu binh binh. Mỗi lần rập đầu, miệng lại hô lớn :
"Xin cụ tha cho cái mạng chó má này”.
Mỗi lần bọn chúng rập đầu, dân chúng lại reo hò. Sau khi lạy xong, chúng lồm cồm bò dậy, định ra về. Trinh-Dung quát:
– Khoan!
Mặt bọn chúng tái xanh. Nàng hứ một tiếng rồi truyền lệnh:
– Các anh tự nhận là chó má, thì phải bò như chó ra cổng, chứ đâu có thể đi như vậy?
Bọn Trịnh Phúc thấy nếu chậm trễ không chừng Yến-Loan còn làm nhục hơn nữa; chúng vội bò ra cổng rồi hô nhau chạy như một đàn vịt.
Trẻ con reo hò cười ha hả.
Hiểu trò không ai bằng thầy. Thầy đồ Thái biết tính tình bốn cô học trò vốn ôn nhu văn nhã, rất mực hiền hậu. Bất cứ việc gì chúng cũng giải quyết bằng tình cảm. Riêng Minh-Ðệ bị mẹ, em, người ở hành hạ chết lên chết xuống, rồi bọn học trò trường Trung-nghĩa đem nàng ra làm cái bị để đấm đá mấy năm liền. Bây giờ, nhân dịp này nàng ra oai cho chúng biết tay mà thôi, chứ tuyệt không có ác ý. Ông vẫy nàng:
– Thôi, con đi với thầy.
Dân làng vẫn không giải tán.
Vừa đến đó, thì có tiếng chiêng, tiếng trống, rồi một đoàn đệ tử trường Trung-nghĩa kéo đến. Chúng bao vây căn nhà ông Thiết đến ba vòng, gươm giáo chĩa ra tua tủa. Cuối cùng Trịnh Quang-Thạch cùng bẩy gã nội đồ thủng thỉnh đi vào. Trong đám đó có cả thầy đồ Trần Trọng-San (3), người phụ trách dạy Nho tại trường Trung-nghĩa. Gã Quang-Minh đưa mắt nhìn Yến-Loan, với vẻ căm hờn:
– Chúng tôi đến đây để bắt con quỷ cái. Những ai vô can, xin đứng im.
Ghi chú,
(3) Hồi 1960-1975, tại miền Nam Việt-Nam, có một giáo sư văn-chương tên là Trần Trọng-San, dáng người cũng nhỏ bé, nói năng ôn tồn. Tôi đã viết báo Sóng-thần (1971), gọi đùa ông là Lý Kế-Nguyên tái thế. Khi tôi viết những giòng này (1985), thì dường như ông vẫn ở Sài-gòn. Ông có dịch tập thơ Ðường, xuất bản trước 1975, hiện ở hải ngoại đã tái bản. Ðây là một sự trùng tên rất thông thường, chứ không phải tác giả cố ý đề cao hay bôi xấu ông.

Sau khi nhập cung, Yến Loan hết sức tiến cử thầy đồ San. Ông được vua Thánh-Tông phong làm Lễ-bộ tham tri (thứ trưởng giáo dục). Niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh tứ sáu (1064) thầy được cử làm chánh sứ sang mừng vua Tống Anh-Tông lên ngôi và điếu tang Tống Nhân-Tông. Thầy có làm bài văn tế vua Nhân-tông. Bộ QTNC chép: khi thầy đọc xong bài văn tế lời lẽ bi ai thống thiết, thì "khắp triều đình, hậu cung Tống đều cất tiếng khóc”. Tể-tướng Hàn Kỳ, phó Tể-tướng Văn Ngạn-Bác khen hay, gọi ông là ”Khuất-Nguyên tái sinh”. TTCTGCK tả dáng người ông thấp, nhỏ, nói năng ôn tồn cẩn trọng, nhưng lý luận cực kỳ đanh thép. Khi trở về, ông được vua ban cho quốc tính, và cải tên là Lý Kế-Nguyên (Nghiã là tài ông đáng kế tiếp Khuất-Nguyên). Sau đó ông được thăng lên làm Binh-bộ thượng-thư, lĩnh Uy-viễn điện đại-học sĩ. Trong trận đánh sang Tống, cũng như chống cuộc xâm lăng của Tống, ông lĩnh nhiệm vụ Ðại đô đốc thủy quân. Sau khi giặc yên, ông được phong Phụ-quốc Thái-úy, Ðồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Khu-mật-viện sứ, Càn-nguyên điện đại học sĩ, Nhân-dũng Kinh-Nam quốc-công. Ông được đặc cử chuyên tiếp các sứ thần Tống, Chiêm, Xiêm, Lào.
Còn thầy đồ thứ nhì, trong làng gọi là Thái. Nhưng tên thực là Quách Sĩ-An. Ngay khi Yến-Loan đắc thế, nàng hết sức tiến cử ông. Vua Thánh-tông phong ông làm Lại-bộ tham tri (Thứ trưởng nội vụ), sau cải làm Lễ-bộ thượng thư. Ông có đi sứ Tống niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ sáu (1064) và Thần-vũ nguyên niên (1069). Khi trở về ông được phong làm Thái-tử thái phó, lĩnh Lại-bộ thượng thư, Khu-mật-viên sứ, được cử làm thầy dạy thái-tử Càn-Ðức tức vua Nhân-Tông. Khi thái tử Càn-Ðức lên ngôi vua, ông được phong chức tước cực lớn (dĩ nhiên), Kiểm-hiệu thái-phó, đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Long-thành tiết độ sứ, Khu-mật-viện sứ, Kinh-Bắc Quốc-công. Khi Ỷ-Lan lên làm Linh-nhân hoàng thái hậu rồi, mà mỗi khi tiếp ông, đều cung tay gọi bằng thầy, xưng con. Ðó là chuyện sau, sẽ thuật ở quyển bốn.
Y nói với Yến-Loan:
– Con quốc phạm kia. Mi có chịu trói hay không?
Yến-Loan kinh ngạc nghĩ thầm:
– Hôm nay mới là ngày thứ bốn mươi lăm. Còn bốn ngày nữa, mà ta không cho thuốc thì tên này mất mạng. Nhưng sao dường như y không sợ gì vậy?
Tuy thế, nàng vẫn lễ độ:
– Ðoàn huynh! Phải chăng Ðoàn huynh là đệ nhất Thái-bảo trường Trung-nghĩa? Trường Trung-nghĩa dạy cả văn lẫn võ, như vậy Ðoàn huynh phải biết chữ lễ chữ khiêm chữ cung chứ? Ðoàn huynh biết mà lại nói năng như phường vô học bất thuật vậy sao? Không lẽ lễ, khiêm, cung của trường Trung-nghĩa như thế sao? Con bé quê mùa thất học này thực không hiểu nổi.
Ðoàn bị Yến-Loan hạch, y cứng lưỡi, nhưng y nghĩ rằng bất quá Yến-Loan học sơ tâm với thầy đồ Thái thì chưa chắc đã đọc thông văn tự. Cho nên y không chịu nhún:
– Lễ, khiêm, cung của ta chỉ có thể áp dụng với những người quân tử, chứ không thể dùng với mi. Mi biết gì về lễ mà cũng hạch hỏi?