11/11/12

Nam quốc sơn hà (C9)

Cái tin Chương-thánh Gia-khánh hoàng-đế của Ðại-Việt sẽ đến chùa Pháp-vân để làm lễ cầu siêu cho oan hồn tướng-sĩ cùng dân chúng bỏ mình trong cuộc Nam xâm của Tống năm Kỷ-hợi (1059) và cuộc đánh sang vùng Ung-châu, Khâm-châu, Liêm-châu, Tây-bình châu năm Canh-Tý (1060) của Ðại-Việt để tự vệ... lan ra khắp vùng Kinh-Bắc rất mau. Tại các đình làng, tiên-chỉ, thứ-chỉ, chánh phó lý trưởng, thủ-bạ, trương-tuần họp hành liên miên để cắt cử người sửa đường, làm cỏ, cắt cây, tu bổ cầu cống, sao cho thực chu đáo, để đón một vị vua nhân từ, anh hùng của giòng giống Tiên-Rồng đi qua. Mỗi làng sẽ làm một cái cổng chào, kết hoa. Khi đức vua tới đầu làng nào, thì chức sắc trong làng sẽ dâng lên ngài một vài thổ sản quý nhất của làng. Ðám hoàng nam sẽ thao diễn võ thuật, bắn cung, xung phong hãm trận cho ngài cùng các quan xem, để ngài biết rằng nhờ đức nhân của ngài, làng luôn dạy dỗ con em học văn, luyện võ; bất cứ lúc nào xã-tắc hữu sự là có thể dùng đến. Khi ngài qua đình làng, thì sẽ đốt pháo mừng, rồi một đội hoàng nam múa sư tử, đội thanh nữ múa một vũ điệu, chào mừng.
Ðiều quan trọng nhất là sao cho dân chúng hiểu về tình hình đất nước. Cho nên tối tối, tại trường học, đình làng các thầy đồ họp học trò, dân chúng để kể chuyện về việc binh biến năm Kỷ-hợi, Canh-Tý giữa ta với Tống.
...Dân chúng say mê nghe chuyện Tống triều sai bọn biên thần Nam-phương là Tiêu Chú, Tiêu Cố, Lý Sư-Trung, Tống Hàm chuẩn bị mộ quân, luyện quân, tích trữ lương thảo gây thanh thế lớn, rồi dẫn quân tuần sát các trang động Bắc-biên để đe dọa khiến nhiều trang-động phải bỏ theo Tống. Triều đình Ðại-Việt sai ngài Thái-tử thiếu bảo, Tả-kiêu-vệ đại tướng quân, Thái-hà hầu Lý Thường-Kiệt mang mười đạo Thiên-tử binh lên tiếp viện cho vua Bà.
... Nào việc vua Bà chia quân làm hai cánh, cánh hư do Long-thành ẩn-sĩ Tôn Ðản cùng phu nhân chỉ huy đánh sang Khâm-châu, Liêm-châu.
... Nào Tống mắc mưu, tràn qua vùng Lạng-châu theo kế hoạch Vây Nguy, cứu Triệu, đến nỗi tướng Tống là Ðô-giám tuần kiểm Tống Sĩ-Nghiêu bị bại, quân tướng bị bắt bị giết hết, y chạy theo đường rừng về, đến nỗi chỉ còn cái quần lót.
... Nào sau đó vua Bà cùng phò mã Thân Thiệu-Thái vượt biên đánh sang Tống. Tống đem quân chống cự, bị bại. Các tướng Tống Sĩ-Nghiêu, Lý Ðức-Dụng, Tả Minh, Hà Nhuận, Trần Bật tử trận. Nào Tống thấy nguy, sai Dương Lữ-Tài đem đại quân ngăn bước tiến của Ðại-Việt. Quân tan, Lữ-Tài bị bắt.
... Nào Tống phải sai Lại-bộ thị-lang Dư Tĩnh sang ta xin nghị hòa, để xin ngừng tiến quân.
... Nào đức vua "ta" đồng ý thả Lữ-Tài, nhưng vua Bà không chịu, đòi Tống phải tuân ba điều kiện...
Có thể nói, dân chúng trong các làng, từ già đến trẻ đều biết đầy đủ tin tức Bắc-biên của ta. Hôm nay các làng đều nhận được một mật lệnh từ Thăng-long gửi về.
Khác với mọi lần, tin tức, mật lệnh thường được huyện gửi về cho chức dịch, hoặc thầy đồ. Hôm nay một kị mã từ Thăng-long về làng, kị mã không phải những kị mã chạy trạm thông thường, mà là một thị vệ của đức vua. Thị vệ trao tận tay cho thầy đồ Thái một phong thư, cùng một gói bạc. Trên phong thư đóng ấn của quan tổng-lĩnh thị-vệ, kiêm tổng-quản thái-giám Lý Thường-Kiệt. Ngoài phong thư có chữ son đỏ: "Chỉ thầy đồ Thái mới được mở ra. Sau khi đọc xong, thầy phải đốt mật lệnh trước mặt viên thị vệ". Biết tầm quan trọng của mật lệnh, nên trong làng, ngoài xóm không ai dám tò mò hỏi thầy đó là lệnh gì? Vì sao vua ban hành cho.
Chiều hôm ấy, thầy đồ Thái gọi anh mõ tới nhà thầy. Thầy trao cho anh một xâu trăm đồng tiền, rồi nói:
– Tôi thưởng cho anh đấy, anh mua rượu mà uống, rồi anh đi khắp làng rao bốn lần: sáng, trưa, chiều, mời tất cả dân làng tới nghe tôi kể chuyện.
– Bẩm thầy chuyện gì mà phải rao tới bốn lần ạ?
– Chuyện rất quan trọng, nên tôi thưởng cho anh trước đấy. Anh rao nguyên văn rằng:
" ... Theo thần nhân báo mộng, có một tiên nữ giáng trần ở Thổ-lội, khi đức vua trẩy chùa Pháp-vân sẽ đón vị tiên đó về làm Thần-phi. Yêu-cầu quan viên, dân chúng trong làng, ngày mai phải tới đình nghe tôi kể chuyện này. Buổi sáng dành cho chức dịch, nhân sĩ. Buổi trưa dành cho đàn bà, buổi chiều dành cho thanh nữ, buổi tối dành cho đàn ông".
Thôi anh đi đi.
Anh mõ mới rao một lần quanh làng, mà cả tổng đã rúng động. Ba trường học làng Thổ-lội đều đóng cửa, vì học sinh bàn tán, không thể học được. Ngoài chợ, đầu làng, cuối xóm đều tụ năm túm ba xôn xao không ít. Như thường lệ, mỗi khi thầy đồ kể chuyện bao giờ cũng bắt đầu từ giờ Mão, thế mà hôm nay, mới giờ Dần, mà các nhân sĩ, lý dịch, đã tề tựu đầy đủ. Khi lá cờ mầu tím do ông thủ-bạ từ từ kéo lên trước sân đình, thì anh mõ sẽ đánh ba hồi trống (1).
Ghi chú,
(1) Theo sử chép rằng, khoa Thiên-văn lịch-số Ðại-Việt có từ thời vua Hùng. Vua sai chép phép làm lịch vào lưng một con rùa đem cống vua Nghiêu. Vua Nghiêu sai chép lại, rồi học theo đó mà làm lịch Trung-quốc, đó là nguồn gốc Quy-lịch. Không rõ bấy giờ báo giờ như thế nào. Nhưng tới triều Lĩnh-Nam, quan Ðại-tư-đồ là công chúa Nguyệt-đức Phùng Vĩnh-Hoa đã nghiên cứu lịch Hồng-bàng, rồi làm ra lịch mới, thể lệ báo giờ như sau: mỗi đầu giờ ban ngày đánh ba tiếng trống, rồi kéo cờ biểu hiệu lên. Giờ Dần cờ xanh, giờ Mão cờ tím, giờ Thìn cờ vàng, giờ Tỵ cờ hồng, giờ Ngọ cờ Ðỏ, giờ Mùi cờ vàng nhạt, giờ Thân cờ trắng. Ban đêm thì không kéo cờ, mà đánh chiêng, trống. Giờ Dậu thì ba tiếng chiêng, giờ Tuất thì hai tiếng chiêng. Giờ Tý thì một tiếng trống. Giờ Sửu thì hai tiếng trống. Xin đọc Cẩm-khê di hận, của Yên-tử cư-sĩ do Nam-á Paris xuất bản. Ðến đời Lý vẫn áp dụng nguyên tắc đó.
Thầy đồ Thái quần áo chỉnh tề, đứng đối diện với cử tọa. Thầy cung tay làm lễ chào mọi người, rồi trịnh trọng nói:
– Thưa các vị, hôm nay tôi được hầu chuyện với các vị về Anh linh thần vũ của Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế bản triều.
Nghe đến hoàng-đế đương triều, mọi người đều im lặng, tỏ vẻ kính cẩn.
Thầy đồ tiếp :
" ...Cho đến nay, Chương-Thánh Gia-Khánh hoàng đế tuổi đã bốn mươi, mà vẫn chưa có hoàng tử để nối dõi ngôi trời. Mặc dù trong cung có Thượng-Dương hoàng hậu, cùng năm vị phi là tuyên-phi, quý-phi, giai-phi, dung-phi, nghi-phi... nhưng các vị phi chỉ sinh ra công chúa. Có công chúa đã đi vào tuổi hai mươi, có công chúa mới một hai tuổi. Thái-hậu lo lắng không ít, ngài khuyên đức vua nên lập con chư vương làm thái tử để nối tiếp ngôi chính thống. Nhưng hoàng thượng vẫn bảo để chờ Thanh-y đồng tử giáng sinh..."
" ... Hồi hoàng thượng còn nhỏ, bấy giờ vua Thái-tông còn là Khai-thiên vương. Một đêm hoàng thượng mộng thấy mình lên thiên cung chầu Ngọc-Hoàng thượng đế. Ngọc-Hoàng thượng đế truyền chỉ cho ngài rằng:
– Người là con vua Viêm-đế giáng sinh, sau này sẽ làm chúa phương Nam, vậy khi lên ngôi vua, thì phải lấy đức nhân mà trị dân, cho đúng với ý ta. Bằng không ta sẽ sai Thiên-lôi đánh chết, nghe không?
Giữa lúc ấy có một trong Thập-điện Diêm-vương tâu rằng:
– Hồi Lý Ðức-Chính (vua Lý Thái-Tông) cầm quân đánh Chiêm-thành, để tướng sĩ giết oan binh lính người Chiêm nhiều quá, trong đó một phi tần, và bẩy mươi hai cung nữ, bị giết oan. Ngọc-Hoàng đã truyền chỉ cho phi tần đầu thai, nay đã làm con dâu Ðức-Chính, tức vợ Nhật-tông. Nhưng còn bẩy mươi hai cung nữ vẫn chưa đầu thai, oan hồn chúng phiêu phiêu phưởng phưởng không nơi nương tựa, ngày đêm gào khóc, một hai đòi lên trần thế đòi nợ triều Lý. Xin Ngọc-Hoàng thượng đế định liệu.
Ngọc-Hoàng phán:
– Cho 72 oan hồn cung nhân đầu thai làm cung tần triều Lý, tướng sĩ Chiêm đầu thai làm bọn gian thần triều Lý để chúng hợp với con dâu Ðức-Chính phá phách giang sơn Ðại-Việt.
Thái-Bạch kim tinh tâu rằng:
– Trước đây Ngọc-Hoàng đã truyền chư tiên, chư thần thay nhau đầu thai xuống Nam-phương để kiến tạo lại Ðại-Việt, vì vậy nên con vua Thanh-Ðế đầu thai làm Thái-tổ Lý Công-Uẩn lập ra triều Lý dài trên hai trăm năm; lại cho Vũ-khúc tinh quân đầu thai làm Khai-quốc vương Lý Long-Bồ. Nay cho oan hồn người Chiêm đầu thai xuống thế, e họ phá hỏng giang sơn Ðại-Việt.
Ngọc-Hoàng thượng đế phán:
– Vậy hãy cho Thanh-y đồng tử giáng sinh, làm con của Nhật-Tông. Lại cho Hằng-Nga tiên nữ giáng trần làm vợ Nhật-tông, làm mẹ của Thanh-y đồng tử. Hằng-Nga với Thanh-y sẽ tùy nghi, khi thấy bọn oan hồn Chiêm quấy phá Ðại-Việt quá thì trừ đi..."
" ... Từ khi hoàng-thượng lên ngôi, tuy có hoàng hậu, phi tần, nhưng chưa sinh hoàng nam, ngài vẫn kiên nhẫn chờ Hằng-Nga tiên nữ, cùng Thanh-y đống tử. Năm gần đây, quan Tư-thiên-giám xem thiên tượng, thấy hào quang, mây hồng chiếu về vùng Kinh-bắc, ứng vào với Hằng-Nga, tâu lên thiên-tử. Vì thế nên đức vua ta quyết đi hành hương chùa Pháp-vân, để tìm xem thanh nữ nào là Hằng-Nga tiên nữ giáng trần, sẽ đem về cung phong làm Thần-phi..."
" ...Theo tôi nghĩ, không chừng Hằng-Nga tiên nữ gáng trần ngay trong làng mình cũng nên. Vậy xin các cụ, các ông cho tất cả con cháu gái, có nhan sắc, có đức hạnh tuổi từ mười ba trở lên, mặc quần áo thực đẹp cùng ra đình làng đón đức vua. Nếu như cô nào là Hằng-Nga tiên nữ đức vua chỉ nhìn sơ là nhận ra ngay. Hỡi ơi! Bấy giờ thực là vạn vạn hạnh cho làng ta. Trai tráng làng ta sẽ khỏi phải chịu binh dịch, lao dịch. Dân làng không phải đóng thuế. Toàn làng được thụ tam ân...(2)".
Ghi chú,
(2) Tam-ân là ba thứ ân huệ nhà vua dành cho làng xã sinh ra thái hậu, hoàng hậu, cung nga ở bậc "phi" trở lên. Tùy theo triều đình Ðại-Việt ấn định tam ân khác nhau. Ðời vua Lý Thánh-tông thì tam ân là:
– Tam đại thọ phong, tức ông bà nội ngoại, bố mẹ, anh chị em được phong những chức tước nhỏ.
– Hương lý thọ đức, tức dân làng được nhờ ân đức. Trai được bổ nhiệm làm quan theo chế độ ưu đãi, gái được tuyển làm vợ các quan, tướng cùng con vua, con quan.
– Hình-pháp thọ nghị, tức người trong làng khi phạm tội, sẽ được xử ân giảm từ một đến ba bậc.

Thế rồi sau ba buổi thuật chuyện của thầy đồ Thái, khắp làng tổng Dương-quang như muốn nổ tung ra vì những lời bàn tán, kẻ thì bảo cô này là Hằng-Nga giáng trần, người thì bảo cô kia mới đúng. Bàn cho thực phải, khắp tổng Dương-quang có đến hơn nghìn cô gái đang ở tuổi mười ba đến hai mươi. Các tiên chỉ, lý trưởng, hương dịch họp hành liên miên hầu chọn những cô đức hạnh tốt, tề gia nội trợ giỏi, lại có nhan sắc, để đem ra đình làng đón đức vua. Trong thâm ý họ nghĩ rằng, nếu các cô chẳng phải là Hằng-Nga giáng trần, nhưng biết đâu, hợp nhãn đức vua, được ngài tuyển làm cung nữ cũng đã lấy làm hãnh diện cho hương đảng rồi.
Ông bà Lê Văn-Thiết nhận được lệnh làng phải đem Minh-Ðệ, Minh-Can ra cho làng tuyển chọn. Chiều hôm ấy, ông bà vừa đi làm về, thì thầy đồ Thái trưởng giáp Nhất tới. Ông bà ân cần sai Minh-Can pha nước mời thầy. Thầy nói:
– Chuyện đức vua đi tìm Hằng-Nga giáng thế ở vùng ta, ông bà đã biết rồi đó. Theo lệnh của làng, thì nhà này có Minh-Ðệ, Minh-Can phải ra cho làng chọn. Vậy ông bà nên may quần áo, giầy dép thực đẹp cho hai cháu, để mấy hôm nữa làng sẽ tuyển. Nếu hai đứa trúng cách, sẽ được làng xếp vào đoàn thanh nữ đứng đón đức vua. Biết đâu hai đứa nhà này chẳng được đội hoàng ân?
Bà Thiết trả lời không suy nghĩ:
– Nhà này có ba đứa con gái, thì con Minh-Nhàn nhỏ tuổi quá, chưa được dự tuyển. Chỉ còn hai con Minh-Ðệ, Minh-Can mà thôi. Biết con ai bằng cha mẹ. Con Minh-Can nhà tôi vừa nết na, văn hay, chữ tốt, võ giỏi, đức hạnh khó kiếm, nhan sắc của nó thì Tây-thi, Dương-phi còn thua xa, tôi e chính nó là Hằng-Nga giáng trần đấy thầy ạ. Còn con Minh-Ðệ, ăn không nên đọi, nói không nên lời, vụng về, cục mịch, năm trước đây bỏ nhà trốn sang ở chùa Từ-quang, ăn nằm với mấy nhà sư một lúc. Án này rung động cả Kinh-Bắc. Cũng may quan tể-tướng thương tình đem nó trao trả cho chúng tôi quản chế... vì vậy đâu có thể đem nó ra cho làng nghị sự mà xấu hổ à?
Thầy đồ Thái thấy bà Thiết yêu con này, ghét con kia quá đáng, thì hơi bực mình. Thầy nói:
– Tôi chỉ chuyển lệnh mà thôi, còn chấp hành hay không là việc của ông bà. Lệnh trên đưa xuống rằng: tất cả thanh nữ trong tuổi 13-18 đều phải đem ra cho làng tuyển. Ban nãy bà nói: biết con không ai bằng cha mẹ, thì tôi cũng xin thưa rằng hiểu tài năng học trò không ai bằng thầy. Tôi có thể tóm lược cho bà biết rằng về văn tài của Minh-Ðệ thì toàn cõi Ðại-Việt e không quá mười, về võ công thì e đếm trên bàn tay. Thôi tôi xin lui.
Thầy đồ Thái về rồi, thì bà Thiết gọi Minh-Ðệ, Minh-Can lên nhà, bà nói với chồng:
– Hôm trước thầy đồ Thái có kể chuyện đức vua đến vùng này tìm Hằng-Nga, hai đứa đều đã được nghe. Nay làng lệnh cho hai đứa, ngày mai ra đình cho làng tuyển chọn. Tôi nghĩ chắc Minh-Can là Hằng-Nga quá, thôi thì chỉ cho nó ra thôi. Còn con nợ đời kia, ông nghĩ nên dấu nó đi đâu cho khỏi chướng mắt!
Ông Thiết biết vợ thiên vị, vì hồi này người Minh-Ðệ thon lại, trở thành sắc nước hương trời. Nhưng chẳng qua là số kiếp, nên bị mẹ hắt hủi mà thôi. Ông nói:
– Tôi thì tôi nghĩ mình cứ theo đúng lệnh của làng. Nếu con Minh-Can có là Hằng-Nga thì khi đức vua thấy, ngài sẽ nhận ra, chứ nay không cho Minh-Ðệ dự tuyển, thì e rằng làng bắt lỗi.
Lập tức bà Thiết rống lên, bà xỉa xói vào mặt ông chồng:
– Ông nói! Ðem cái bị thịt này ra cho làng, để mà làng chửi cho à? Ông có biết nó ngủ với một lúc năm sáu thằng sư ở chùa Từ-quang không?
Minh-Ðệ thấy bố mẹ cãi nhau vì mình, thì nàng nói:
– Thưa bố, con không muốn ra cho làng tuyển đâu. Dù làng có tuyển, con cũng không nhận kia mà. Làng mình, lớn nhất là Trung-nghiã đại tướng quân, Siêu-loai hầu, mà chính y cũng không đủ trung, đủ nghĩa thì những cái ngữ như ông lý, ông xã đâu có tư cách mà tuyển con? Hiện nay hậu cung thì chia làm hai phe, phe ủng Dương, phe ủng Mai bôi mặt đá nhau. Các quan thì phân bè đảng hiềm khích nhau, như vậy cái ông Chương-thánh Gia-khánh không phải là minh quân. Con không đi đón ông ta đâu.
Từ lâu rồi, ông bà Thiết chưa từng nói chuyện với Minh-Ðệ, nên ông bà không biết rõ kiến thức của con đến đâu. Nay thình lình ông thấy nàng trình bầy ra vấn đề ngoài sự hiểu biết của mình, thì kinh ngạc không ít.
Bà quát lên:
– Mày láo vừa thôi, mày dám nói xấu ông Trung-nghĩa thì học trò ông ấy nó sẽ gang miệng mày ra đấy.
– Xin mẹ cứ yên tâm, con nghĩ ông ấy không có tư cách, e học trò ông ấy không thể làm gì ai. Còn như ông ấy có tài, thì cứ đến đây mà lý luận với con. Con đủ khả năng đương đầu với ông ấy.
Nói rồi nàng từ tạ bố mẹ, xuống nhà dưới cho lợn ăn.
Từ hôm tên Ðoàn Quang-Minh, với Minh-Ðệ bị trúng Chu-sa huyền-âm độc đến giờ, thì hằng đêm chúng phải ra miếu thổ thần loan báo tất cả những gì nàng sai chúng dò thám trường Trung-nghĩa cho nàng. Ðến đúng giờ Tý, khi chúng lên cơn, nàng lại điểm huyệt cho chúng mê đi. Tính đến hôm nay, chúng đã chịu tới ba mươi ngày đau đớn, và nàng đã tra khảo hết sức, nên dù đứng gần cái ngày thứ 49 sẽ bị chết, mà chúng cũng không biết gì hơn. Quang-Minh với Minh-Can đã chờ ở đó từ bao giờ. Chúng làm xong tờ khai, trao cho nàng. Dưới ánh sáng ngọn đèn dầu, Minh-Ðệ cầm tờ khai lên đọc:
" ...Dương hậu ban chỉ cho sư phụ là Trịnh Quang-Thạch phải phái người dò thám chùa Từ-quang. Sư-phụ mua chuộc được sư Viên-Hoa, đệ tử của sư Viên-Chiếu, nên nhất cử, nhất động của chùa Từ-quang sư phụ đều biết hết. Ngay ngày đầu cô nương tới chùa thì sư phụ đã được báo cho biết. Vì vậy sư phụ sai tiểu nhân bảo Minh-Can lấy tất cả quần áo của cô nương giao cho Viên-Hoa. Một mặt sư phụ trao cho Viên-Hoa nào xương chó, xương gà, lông gà, lông chó, bí mật chôn ở trong vườn hoa của chùa. Sau đó sư phụ sai các sư đệ Ðặng Vinh, Ðặng Minh, Lê Kim-Cương, Phạm Trung làm quan võ trong lộ Kinh-Bắc đứng đơn tố cáo lên an-phủ kinh-lược sứ Phạm Anh. Phạm Anh hẹn ngày đem quân đến chùa khám xét. Ðúng đêm đó, Viên-Hoa bí mật dấu quần áo cô nương vào các tăng phòng, đem mấy nồi thịt chó dấu trong bếp. Còn việc quý nhân với vợ đến chùa, cùng vụ Trần Tự-An dạy võ cho cô nương, thì tiểu nhân không hề biết. Có khi vụ này do quan tể-tướng làm, chỉ ngài với sư phụ biết. Cũng có thể sư phụ sai người khác làm. Còn sư Viên-Hoa tuy có bị kết án, nhưng Dương tể tướng đã tìm cách cải án cho ông ta, và cấp độ diệp cho ông ta làm trị sự trưởng chùa Từ-quang...»
Cầm tờ khai, Minh-Ðệ kinh hoàng nghĩ:
– Hôm ở phủ An-vũ kinh-lược sứ, sư Viên-Hoa tỏ ra hiếu thảo, sẵn sàng thụ hình cho sư phụ, cho sư huynh sư đệ, rồi sau đó hình quan không khảo nữa. Thì ra y thi hành khổ nhục kế để che mắt mọi người. Hôm ấy từ hình quan, cho tới chư tăng đều kính phục y là người chí hiếu. Không ngờ!!! Bây giờ y làm trị sự trưởng chùa Từ-quang, vậy ta phải thám thính chùa này xem. Ừ, nhưng ta là con gái, mà đi đêm thế này, bất cứ ai trông thấy cũng phiền phức. Chi bằng ta giả trai. Ðược, ta lấy quần áo của bố mặc vào, rồi quấn khăn lên đầu thì có trời mà nhận ra.
Nghĩ vậy, nàng điểm huyệt cho Quang-Minh, Minh-Can mê đi, rồi về nhà tìm quần áo của phụ thân. Nhưng tất cả quần áo của ông Thiết đều quá rộng so với cơ thể nàng. Chợt thấy một cái túi vải nâu, Minh-Ðệ mở ra xem, thì ra bộ quần áo cùng mũ nhà sư, mà hồi hai mươi thân phụ nàng đi tu một năm để cầu siêu độ cho tiền nhân, ông vẫn giữ làm kỷ niệm. Minh-Ðệ lấy ra mặc thử, thì vừa khít. Nàng đội mũ tu lờ che hết tóc, rồi ra đi. Chợt nhớ ra một điều, nàng hái mấy lá ổi, nhai và nuốt đi, sau đó nói thử mấy tiếng, tiếng nàng trở thành khàn khàn như đàn ông.
Minh-Ðệ tìm cách chui ra khỏi lũy tre làng, đến chùa Từ-quang. Nhìn ngôi chùa nằm im lìm trong đêm, ngoài cổng có hai con ngựa cột vào gốc cây. Minh-Ðệ nghĩ thầm:
– Tại sao lại có ngựa ở đây? Khách nào đã đến chùa?
Nhớ lại thời gian sống trong chùa Từ-quang với sư Viên-Chiếu, ông đã cho nàng biết bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu thương xót, nhưng không biết nay ông ở đâu? Thương cảm dâng lên trong lòng Minh-Ðệ:
" ... Thời gian qua mau thực, thoáng một cái đã bốn năm qua rồi. Hồi mình đến chùa là năm Kỷ-Hợi (1059), vụ án xẩy ra cuối năm Canh-Tý (1060). Mình ở tù tại lộ Kinh-Bắc hơn năm, về Thăng-long gần năm, rồi về đây cũng sáu tháng rồi (1063)".
Nàng tung mình vượt qua cổng, đáp xuống sân. Liếc nhìn thấy trong phòng của sư phụ Viên-Chiếu có ánh đèn chiếu ra. Nàng ren rén lần tới, áp tai vào cửa sổ nghe ngóng. Có tiếng nói từ trong vọng ra. Tò mò, nàng dùng ngón tay chỏ thấm nước bọt bôi lên giấy cửa sổ, lập tức giấy thủng một lỗ, nàng ghé mắt nhìn vào. Bất giác nàng rùng mình: trong phòng có ba người đang ngồi trước một bàn tiệc ê hề rượu thịt. Ba người đó là sư Viên-Hoa, Trịnh Quang-Thạch và quý nhân dạy võ cho nàng, mà người ta bảo là Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai.
Trịnh Quang-Thạch nói với quý nhân:
– Khải vương gia, hồi ấy, chúng ta ước hẹn rằng ngài chỉ dạy cho nó mấy thế võ của phái Ðông-a, Hoa-sơn, để khi nó ra chiêu, ai cũng nhận ra, rồi lão phu nhân đó giả run sợ vì nó là đệ tử của Ưng-sơn song hiệp... như vậy đủ rồi. Không ngờ vương gia dạy cho nó một bản lĩnh quá cao, nên y thị mới thắng hầu hết đệ tử của lão phu.
Minh-Ðệ nhủ thầm:
– Thì ra quý nhân kia là Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai thực, mình nghe nói Vương là cái thế anh hùng của Tống, của Việt, mà sao người lại chẳng tử tế gì với mình? Tại sao người lại về phe Dương, rồi người cho mình vàng, bạc, cùng dạy võ mình để hại chư tăng? Vô lý thực?
Kinh-Nam vương cau mày, lắc đầu:
– Thì cô gia chỉ dạy cho nó tất cả các thế phản đòn chân, phản đòn tay của phái Ðông-a, cùng một số đòn căn bản của phái Hoa-sơn. Nhưng không ngờ nó học đâu được nội công âm nhu chính tông của phái Mê-linh, nên mới xử dụng các thức ngoại công huyền điệu như vậy.
Viên-Hoa hỏi:
– Khi vương gia dạy nó, thì vương gia có biết nó đã luyện nội công âm nhu chưa?
– Có, nhưng cô gia thấy công lực nó thấp quá, tưởng rằng nó chỉ biết có vậy thôi. Chứ nếu như nó học nhiều thì sao đến nỗi bị con Minh-Can đánh cho chết lên chết xuống? Nào ngờ nó được học thực đầy đủ, nhưng chỉ mới luyện được một hai thành. Sau khi cô gia dạy ngoại công cho nó, nó mới luyện tiếp, nên công lực tiến đến chỗ không thể ngờ được. Cô gia có hỏi ai dạy nội công này cho nó, thì nó bảo là Quan-Âm! Chẳng biết Quan-Âm là ai!
Vương thở dài: nội công âm nhu cùng Long-biên kiếm pháp của phái Mê-linh hiện là hai kho tàng vô giá, mà võ lâm dù phe chính, phe tà, dù Hoa, dù Việt khi nghe nói đến đều thèm dỏ dãi ra. Không hiểu con lỏi này đã được ai dạy cho nó?
Viên-Hoa đưa mắt hỏi Quang-Thạch. Thạch lắc đầu:
– Thần hoàn toàn không biết. Xét cho kỹ trong phái Mê-linh hiện chỉ có tám người luyện thành công tâm pháp này mà thôi. Khi nó nói là Quan-Âm thì hẳn người dạy phải là đàn bà. Trong tám cao nhân phái Mê-linh, thì hết sáu là đàn bà. Không biết Quan-Âm là bà nào trong sáu bà?
Từ hôm Minh-Ðệ khám phá ra lão trượng dạy võ cho nàng không phải là Trần Tự-An. Nàng nghi ngờ luôn cả Quan-Âm đã dạy nội công cho nàng hẳn có ý không tốt. Bây giờ nghe ba người nói chuyện, ứng hợp với những vị quan ở Khu-mật-viện bàn luận, cùng vụ Lý Thường-Kiệt nhận nàng là sư muội, nàng mới thực sự tin rằng Quan-Âm là một cao nhân của phái Mê-linh; người dạy nàng chỉ vì thương xót.
Viên-Hoa hỏi Kinh-Nam vương:
– Thưa vương gia, thế cái lão già dạy võ công cho nó hằng đêm ở Kinh-Bắc rồi Thăng-long xưng là Trần Tự-An có phải do vương gia sai không?
– Không! Dường như y là Trần Tự-An thực cũng nên, bởi võ công y cao thâm đến không thể tưởng tượng được.
Quang-Thạch lắc đầu:
– Tiểu nhân không tin, vì nếu y là Trần Tự-An thì sao y lại phải sai thị ăn cắp tâm pháp Cổ-loa của Thường-Kiệt, mà chính y chế ra?
Nghe đến đây tai Minh-Ðệ như ù đi, vì người ngồi kia không phải là Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai. Bởi nếu người là Trần Tự-Mai thì đời nào Viên-Hoa, Quang-Thạch dám gọi tên phụ thân người một cách sách mé như vậy?
Kinh-Nam vương giả quay lại nói với Quang-Thạch:
– Giữa cô gia với Dương tể tướng có lời ước hẹn. Phía cô gia giúp Dương gia hạ hết phe họ Mai. Ngược lại phía Dương gia phải giúp cô gia hạ phái Ðông-a cùng Trần Tự-Mai, mục đích gây cho Nam triều không còn tin tưởng vào phái này với Tự-Mai nữa. Thế nhưng đến nay các vị chưa làm được việc gì cả. Chỉ mình cô gia giả làm Kinh-Nam vương...
Minh-Ðệ nói thầm:
– Thì ra y là một vị vương nào đó, giả làm Kinh-Nam vương thực!
Quang-Thạch tỏ vẻ chua chát:
– Trời ơi! Vương gia phải biết công cho bọn thần chứ? Vương gia quên mất rằng việc vương gia giả Trần Tự-Mai dạy võ cho con Minh-Ðệ, đâu có ai biết? Phải chính thần đóng kịch lễ phép với nó, rồi nói ra, nên hương dịch, cùng đệ tử Trung-nghĩa mới đồn đại ra ngoài, rồi chính y thị với chư tăng bị bắt khai ở lộ Kinh-Bắc, vụ này mới ồn lên. Cũng chính Dương tể tướng lệnh cho Kinh-lược an-phủ sứ Kinh-Bắc tư án này về triều. Sau khi bản án chùa Từ-quang công bố, khắp vùng Kinh-Bắc này ai cũng biết rằng vợ chồng Ưng-sơn song hiệp đến chùa Từ-quang hội với sư Viên-Chiếu, đem vàng bạc trả công cho Viên-Chiếu để mua chuộc võ lâm, tăng chúng làm nội công khi Kinh-Nam vương đem quân Tống đánh qua. Rồi mấy trăm đệ tử của thần đều chúng khẩu đồng từ rằng sư phụ của chúng về võ công, uy tín biết mấy, thế mà khi thấy một cô gái hèn hạ cũng phải khom lưng, vì cô là đệ tử của Ưng-sơn song hiệp. Tất cả những tin này, triều đình đều biết hết rồi. Công lao như vậy đâu có nhỏ?
Kinh-Nam vương giả nhăn mặt tỏ vẻ không bằng lòng:
– Như vậy cũng chưa đủ, phải làm sao cho hoàng đế Ðại-Việt cùng võ lâm tin tưởng thực sự rằng Kinh-Nam vương trung thành với triều Tống, sẽ đem quân đánh chiếm Ðại-Việt, bấy giờ bên trong, phái Ðông-a làm nội ứng.
Quang-Thạch cười :
– Việc đó đâu khó. Hiện trong cung hoàng hậu đã thay hầu hết cung nữ, tuyển cung nữ mới. Các cung nữ này đều là người của ta; chúng đều biết võ, lại thông văn tự. Vì vậy mỗi khi định phao tin gì, thì chỉ việc báo cho con trai thần là Trịnh Quang-Liệt hiện là một trong tổng quản thái giám. Y sẽ rỉ tai cho cung nữ, tất cả cung nữ đều chúng khẩu đồng từ, thì nhất định Hoàng-thượng sẽ tin.
Viên-Hoa suýt xoa:
– Kế này hay thực. Vậy xin vương gia ban thưởng đi thôi.
Kinh-Nam vương giả lấy một cái túi vải, mở nút đổ ra bàn. Nào vàng, nào bạc, nào ngọc ngà sáng rực. Y đếm rồi trao cho Viên-Hoa mười nén vàng. Viên-Hoa cúi đầu tạ ơn rối rít, rồi mở cái tráp trên đầu giường khóa lại. Kinh-Nam vương giả lại trao cho Quang-Thạch ba mươi nén vàng cùng bốn viên hồng bảo thạch, bốn cặp vòng ngọc bích:
– Trong số vàng này, thì thiên-tử ban cho quân hầu mười nén. Còn hai mươi nén xin trao cho quan Tể tướng. Bốn viên ngọc, bốn đôi vòng ngọc này xin quân hầu dâng lên Hoàng-hậu. Thiên-tử hứa rằng, khi quân Tống chỉ ngọn cờ xuống Nam, sẽ phong cho Tể tướng làm Nam-bình vương thay Lý Nhật-Tông, còn quân hầu sẽ được phong làm Long-thành quốc-công, Thái-sư phụ-quốc thái-úy. Dĩ nhiên đại sư Viên-Hoa sẽ được phong làm tăng thống.
Minh-Ðệ nghe nói mà kinh hoàng, chân tay run lẩy bẩy:
– Hỡi ơi, trước đây nghe viên đề-điểm hình-ngục Hoàng Khắc-Dụng luận bàn, mình chỉ biết rằng vụ án chùa Từ-quang là do hai phe ngoại thích họ Mai, họ Dương tranh quyền nhau mà thôi. Bấy giờ mình cứ thắc mắc về việc hai họ tranh quyền nhau, thì tại sao phe Dương lại vu cáo cho Kinh-Nam vương Tự-Mai với phái Ðông-a? Bây giờ mình mới hiểu rằng cuộc tranh quyền không chỉ do họ Dương hại họ Mai, không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nội cung, mà nó do triều Tống đứng sau chủ động. Cứ như lời gã Kinh-Nam vương giả kia nói, thì dường như y là một vương tước của Tống triều âm thầm sang Ðại-Việt mua chuộc quan lại, tăng lữ, võ lâm làm việc cho Tống với hai mục đích. Một là gây ly gián; ly gián giữa phái Ðông-a, Kinh-Nam vương với triều đình; ly gián giữa các quan trong triều; ly gián giữa cung với hậu cung; ly gián giữa nội thích với ngoại thích. Hai là làm nội ứng khi Tống đánh sang để phản Lý.
Nàng cảm thấy chán nản:
– Họ Dương hưởng phú quý đã ba đời. Hai đời làm hoàng hậu, hai đời làm Tể tướng, thế cũng chưa cho là đủ, lại còn manh tâm dâng nước cho Tống để được phong tước Nam-bình vương. Lão già họ Dương bất trung, bất hiếu như vậy mà hôm trước trong phủ Gia-viễn quốc công, lão giả đạo đức thương xót tha cho mình về. Như vậy trong cái thương xót e có điều đối trá cũng nên, mình phải cẩn thận mới được.
Lát sau tiệc tàn, Trịnh Quang-Thạch cùng Kinh-Nam vương giả từ tạ sư Viên-Hoa, rồi ra cổng chùa, lên ngựa phi về hướng phủ Trung-nghĩa.
Lợi dụng lúc Viên-Hoa ra tiễn khách, Minh-Ðệ vọt vào phòng y bưng cái tráp đựng vàng dấu ra bụi hoa ngoài sân, rồi trở lại, ngồi theo thức Kiết-già trên chiếc ghế đẩu ở trong góc. Viên-Hoa tiễn khách xong, y trở vào phòng định mở tráp vàng ra coi, thì tráp đã biến mất. Y dáo dác tìm quanh, chợt khám phá ra có người ngồi im lìm trên chiếc ghế đẩu. Y giật mình lên tiếng:
– Người... người là ai?
Minh-Ðệ không trả lời. Viên-Hoa tưởng là ma, y lại hỏi:
– Người là một chú tiểu ở chùa nào đến đây?
Minh-Ðệ vẫn không trả lời. Viên-Hoa run lật bật:
– Nếu mi là ma, thì hãy đi chỗ khác, mai ta làm cho một tuần chay.
Minh-Ðệ vẫn không trả lời. Viên-Hoa múa hai tay bắt quyết trừ tà rồi quát:
– Biến đi ngay! Biến!
Minh-Ðệ bật cười, nàng lên tiếng:
– Nhà ngươi bắt quyết xong chưa?
Bấy giờ Viên-Hoa mới biết kẻ ở trong phòng mình là người. Y hỏi lại:
– Người là người hay là ma?
– Là ma.
– Là ma sao ta bắt quyết mà không sợ?
– Ta là Ðồng-ma tổ-sư nên không sợ quyết.
Viên-Hoa run lật bật, miệng y lắp bắp:
– Thế người hiện hồn về đây có việc gì?
– Chả có việc gì cả. Nhưng ta muốn biết một vài việc.
Nàng vận âm kình phát một chưởng vào cái gối gỗ. Cái gối vỡ làm năm sáu mảnh. Bấy giờ Viên-Hoa mới biết mình đang đối diện với người. Y bớt sợ, tung chân đá Minh-Ðệ. Minh-Ðệ búng tay một cái trúng đầu gồi y. Y đau điếng người. Kinh hoảng, y bỏ chạy ra khỏi phòng. Nhưng y vừa xuống sân, thì thấy một nhà sư chặn trước mặt, nhìn kỹ lại thì là Minh-Ðệ. Y rủn cả hai đầu gối lại. Minh-Ðệ phóng tay điểm vào huyệt Á-môn cho y không nói được, rồi túm cổ áo y đem vào phòng ném xuống đất. Nàng ngồi trên ghế, cười nhạt một tiếng. Tuy Viên-Hoa không nói được, nhưng chân tay chưa bị tê, y run lẩy bẩy.
Minh-Ðệ gằn từng tiếng:
– Ta hứa sẽ tha cho người, sẽ giải huyệt cho người, nhưng người không được lên tiếng, bằng không ta giết người ngay. Người có nghe không?
Viên-Hoa gật đầu. Minh-Ðệ giải huyệt cho y, rồi hỏi:
– Cái gã vương gia ban nãy ăn tiệc với người là ai?
– Là Thái-tử Tống, lĩnh Tề-châu tiết độ sứ, tả-kim ngô đại tướng quân, kiểm-hiệu thái sư, tước phong Tần-vương.
– Nói láo. Y là người Tống, mà sao lại nói tiếng Việt như người Việt vậy?
– Tiểu sư phụ không biết đấy thôi. Từ sau khi Nùng Trí-Cao đánh chiếm Lưỡng-Quảng, thì triều Tống hết sức chú ý đến Nam-phương, vì vậy trên từ vương, công, đại thần đến các văn võ bách quan đều thi nhau học tiếng Việt, nghiên cứu lịch-sử, phong-tục, địa-lý Ðại-Việt. Tần-vương nhất tâm nhất trí theo chí hướng Bộc-vương, nên ra sức học tiếng Việt. Người bắt chước Yên-vương Triệu Nguyên-Nghiễm đích thân mạo hiểm Nam du, trước khi thiết kế đánh Ðại-Việt.
– Bộc-vương là ai? Gia-Hựu (Nhân-tông) hoàng đế không có con trai, thì lấy ai mà phong Thái-tử?
– Dạ, Gia-Hựu hoàng đế không có con, nên nhận con trai của người em con chú con bác làm con nuôi, rồi phong làm thái tử.
Minh-Ðệ chợt nhớ lại hồi ở Thăng-long có nghe thầy đồ kể chuyện rằng vua Tống không có con trai, mới nhận con thứ mười ba của Bộc-vương Doãn-Nhượng, cháu của Ung-vương Nguyên-Bân là Thự làm con nuôi, rồi phong làm Thái-tử. Gã vương gia ban nãy chắc là gã Thái-tử này đây.(3)
Ghi chú,
(3) TS quyển 13, Anh-Tông kỷ, trang 283. Ung-vương Nguyên-Bân là con vua Thái-tông, tức ngang vai với Chân-tông. Bộc-vương Doãn-Nhượng ngang vai với vua Nhân-tông. Như vậy Triệu Thự gọi vua Nhân-tông (Gia-hựu) bằng bác.

Nàng hỏi tiếp:
– Tại sao Gia-hựu hoàng-đế vốn chủ hòa với Ðại-Việt, mà gã Thái-tử lại sang bên này đâm bị thóc, chọc bị gạo, mưu đem quân sang đánh chiếm Ðại-Việt?
– Nguyên phụ thân của thái-tử là Doãn-Tuyên vốn thân với bọn hiếu chiến Dư Tĩnh, Tiêu Chú, Lý Sư-Trung, Tống Hàm, Lý Hiến, Quách Qùy, Triệu Tiết, Tiêu Cố, nên thường tỏ ý phản đối Tống triều quá nhu nhược trong vấn đề Nam biên. Triều thần thấy ông là cha đẻ của Thái-tử, tương lai sẽ là Thái-thượng hoàng, nên thường xu phụ ông, theo ông, cùng bàn tính việc đánh chiếm phương Nam. Niên hiệu Gia-Hựu thứ ba (1060), Bộc-vương bị thích khách nhập cung giết chết cùng với một số nho thần chủ Nam xâm. Sát nhân để lại phạm trường một mũi tên bằng vàng, trên có khắc con chim ưng bay qua núi. Ðó là biểu hiệu của Ưng-sơn song hiệp tức Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai. Ai cũng bảo Vương bị Kinh-Nam vương giết chết. Vì vậy Thái-tử xin Gia-hựu hoàng-đế cho mật du Nam phương để điều tra. Nhân vậy Thái-tử đem theo một số cao thủ, nho sĩ, kinh lý Nam phương. Không rõ cuộc điều tra ra sao, nhưng Thái-tử cùng tùy tùng thiết kế chuẩn bị đem quân sang đánh Ðại-Việt.
Minh-Ðệ chợt hiểu:
– Trước đây mình cứ tự hỏi rằng: Hoàng-đế Tống chủ trương hòa hoãn ở phương Nam, mà tại sao bọn biên thần lại gây hấn, để rồi xẩy ra cuộc phản công của Ðại-Việt cùng vua bà Bình-Dương (1060), làm Tống hao binh, tổn tướng. Thì ra cái tên Thái tử Thự kia chủ xướng.
Nàng hỏi tiếp:
– Mi có biết rõ kế hoạch của Thái-tử Tống không?
– Thái-tử được hiến kế rằng: Ðại-Việt sở dĩ mạnh là nhờ người người một lòng. Muốn đánh Ðại-Việt thì trước hết phải dùng mưu Ngũ-phân, Tam-điều.
– Ngũ-phân, Tam-điều là gì vậy?
– Ngũ-phân là năm kế chia rẽ. Thứ nhất, chia rẽ triều đình với khê động Bắc-cương. Thứ nhì, chia rẽ các phe phái trong triều. Thứ ba, chia rẽ các môn phái võ lâm. Thứ tư, chia rẽ trong nội cung. Thứ năm, chia rẽ Kinh-Nam vương với Ðại-Việt. Tam điều gồm có: Một là hứa không chiếm Ðại-Việt. Hai là chỉ muốn diệt triều Lý, thường xâm Tống, sẽ phong cho Dương tể tướng làm vua Ðại-Việt. Ba là hứa rằng tất cả bách quan văn võ Ðại-Việt nếu theo Dương, thì sẽ được thăng lên một đẳng. Còn ai chống lại, sẽ bị tru di tam tộc.
Minh-Ðệ nghĩ thầm:
– Mưu kế bọn này thâm sâu thực. Ðích thân tên Triệu Thự giả làm Kinh-Nam vương thì còn ai khám phá ra nữa? Chúng rình lúc chư tăng chùa Từ-quang vắng nhà, xưng là bạn của đại-sư Viên-Chiếu, rồi dạy võ, cho vàng mình, sau đó chính bọn chúng lại tố cáo chư tăng nhận vàng của Kinh-Nam vương hầu làm gian tế cho Tống thì còn chối vào đâu? Mưu này vừa dùng để diệt phe họ Mai trong triều, làm vừa lòng phe họ Dương; lại gây nghi ngờ của Ðại-Việt với Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai. Trong vụ này, bọn Tống, họ Dương chủ động, chúng như con dao chém xuống cái thớt lớn là Ðại-Việt, là triều Lý, còn Kinh-Nam vương, chư tăng với ta vô tình là cái vật nằm giữa con dao với cái thớt. Hiểm thực.
Minh-Ðệ hỏi:
– Tại sao với một trừ quân như Triệu Thự, mà khi đến đây họp, y lại chỉ đi có một mình với Trịnh Quang-Thạch?
Có tiếng nói trầm trầm vọng vào:
– Ðâu có, chúng ta đâu có đi một mình?
Minh-Ðệ giật mình quát:
– Ai?
Nàng tung mình ra sân. Dưới ánh trăng, nàng thấy Triệu Thự đứng cạnh một người đàn bà, mà hồi thị đến chùa đã dạy võ, dạy nội công cho nàng. Phía sau còn ba người nữa, một tăng, một nho sĩ, một người không râu. Gần đó Trịnh Quang-Thạch tay để vào đốc kiếm.
Người đàn bà hất hàm hỏi Trịnh Quang-Thạch:
– Quân hầu nói rằng trong vùng này, ngoài đệ tử của quân hầu ra, không còn ai biết võ, sao nay lại có gã tiểu hòa thượng này?
Quang-Thạch khúm núm:
– Khải vương phi, dường như nó từ vùng khác mới tới, có thể nó thuộc phái Tiêu-sơn.
Y hỏi Minh-Ðệ:
– Mi là sư ở chùa nào? Tại sao dám to gan lớn mật đột nhập vào cấm địa của trường Trung-nghĩa?
Minh-Ðệ thấy Quang-Thạch sợ hãi, nàng nói lơ mơ:
– Ta từ chùa Lôi-âm bên Tây-phương cực-lạc, được Phật Thích-Ca sai đến đây để bắt gian.
Quang-Thạch nổi giận, y ra chiêu Ưng-trảo chụp cổ nàng. Minh-Ðệ trầm người tránh khỏi, rồi trả lại một chưởng. Quang-Thạch bật lên tiếng kinh ngạc, y biến trảo thành chưởng đỡ. Bình một tiếng, cả hai đều bật lui lại hai bước đứng gườm gườm nhìn nhau. Bây giờ tới lượt nho sĩ đứng sau Triệu Thự kêu lên tiếng "ái chà", y nói:
– Vương-gia coi, tên trọc con này xử dụng chưởng pháp Ðông-a bằng nội lực Mê-linh, nhưng dường như y có pha nội lực Huyền-âm của phái Trường-bạch bên Trung-nguyên mới lạ.
Quang-Thạch cười nhạt:
– Thì ra mi là đệ tử phái Mê-linh. Nhưng sao mi lại xử dụng quyền pháp Ðông-a? Mi hãy lĩnh của ta chưởng nữa.
Nói rồi y vận công phát chiêu. Minh-Ðệ thấy y tưởng mình là đệ tử Mê-linh thì nghĩ thầm:
– Ðã vậy ta xử dụng chưởng pháp Cửu-chân xưa cho y lầm một thể.
Nàng phát chiêu trong Thiết-kình phi chưởng. Vì nội công của nàng là nội công âm nhu nên không có chưởng phong. Trong khi đó chưởng của Quang-Thạch gió lộng ào ào. Ðấu được hơn năm mươi chiêu, thì tăng nhân đứng sau Triệu Thự nói với y:
– Vương gia xem kìa, tiểu-hòa thượng này tuổi còn quá trẻ, dường như chưa tới hai mươi mà sao công lực đã luyện tới mức thượng thừa. Trong khi ngoại công chỉ biết có pho quyền thô sơ. Còn Siêu-loại hầu thì nội công bình thường, mà chiêu số thực tinh vi. Nếu như hai chưởng gặp nhau, thì e hầu nguy đấy.
Quang-Thạch đấu với Minh-Ðệ trong mười chiêu, y đã nhận ra nội lực mình thua đối phương xa, nhưng nhờ chiêu số tinh vi, nên mới ngang nhau. Y biết rằng nếu để hai chưởng gặp nhau, thì y bị bại, vì vậy y dùng chiêu số ảo diệu tấn công liên tiếp. Bây giờ nghe nhà sư đứng theo Triệu Thự lên tiếng dường như chỉ rõ yếu điểm của y cho đối phương, thì bực mình. Y hừ lên một tiếng, rồi tấn công tới tấp.
Về phần Minh-Ðệ, nàng đã phát huy hết nội lực âm nhu, nên chưởng pháp trở lên cực kỳ trầm trọng. Nghe nhà sư nhắc, nàng hiểu ngay rằng ông ta không ưa Quang-Thạch. Nàng muốn lợi dụng dịp này chia rẽ giữa ông với đối thủ. Nàng lên tiếng:
– A-Di-Dà Phật, đa tạ đại sư phụ chỉ giáo cho tiểu tăng.
Nói rồi thình lình nàng phát ra chiêu Ðông-a chưởng. Quang-Thạch không đề phòng, nên hai chưởng chạm nhau đến bạch một tiếng. Quang-Thạch bị bật tung lại sau đến hơn trượng. Minh-Ðệ chưa kinh nghiệm chiến đấu, bằng không nàng tấn công tiếp hai chiêu nữa thì y đã bỏ mạng. Nhờ Minh-Ðệ tần ngần một chút Quang-Thạch đã lấy lại được thăng bằng, y lại tấn công nàng, nhưng y vừa phát chiêu thì cảm thấy như có con dao đâm vào ngực, đầu, vai. Ðau quá, y bật lên tiếng á rồi y nhảy lên choi choi.
Người đàn bà đi cùng Triệu Thự trước đây đóng vai công chúa Huệ-Nhu, vương phi Kinh-Nam vương... đã dạy võ cho nàng bước ra hỏi:
– Tiểu sư phụ, phải chăng tiểu sư phụ là đệ tử của phái Trường-bạch bên Trung-quốc?
Minh-Ðệ chắp tay:
– A-Di-Ðà Phật, bần tăng chưa từng sang quý quốc, cũng chưa từng biết phái Trường-bạch là gì.
Quang-Thạch vẫn ôm ngực rên rỉ. Gã nho-sinh chợt kêu lên:
– Phải rồi, thì ra tiểu sư phụ đã xử dụng Chu-sa huyền-âm công bằng nội lực âm nhu của phái Mê-linh, rồi phát chiêu trong Thiết-kình phi chưởng. Chẳng hay tiểu sư phụ đã thụ giáo với cao nhân nào?
– Tôi không thể nói được.
Người đàn bà vẫn ôn tồn:
– Tiểu sư phụ với chúng tôi không thù, không oán, hà cớ tiểu sư phụ tò mò vào chuyện của chúng tôi? Nào rình mò, nào tra khảo đại sư Viên-Hoa?
Minh-Ðệ đã đọc rất nhiều sách tại Thính-hương khách xá, tại nhà Thường-Kiệt, nên nàng hiểu rất rõ về chủ đạo tộc Việt. Nàng cung tay nói:
– Vương phi ơi, Vương phi là người Hoa nên Vương phi mới dạy thế. Vương phi nên hiểu cho bần tăng. Bần tăng tuy đã vào chốn không môn, nhưng cũng vẫn là con dân Ðại-Việt. Chủ đạo của tộc Việt định rằng: việc phòng gian, bảo quốc là nhiệm vụ của mọi con dân. Nay Vương gia, Vương phi cùng một số các vị đây đột nhập Ðại-Việt, bàn mưu cùng gian tế đưa ra Ngũ-phân, Tam-điều để chiếm nước của bần tăng, cho nên bần tăng phải điều tra để còn loan báo cho các bậc trưởng thượng hầu cứu nước chứ?
Người đàn bà quay lại bảo nho sinh:
– Tiêu Chú, tiểu sư phụ đã nói vậy, thì chúng ta chẳng còn cách nào nữa. Ai vì nước người đó. Người đã ở Nam-biên lâu ngày, hẳn người biết hết võ công Lĩnh-Nam. Người hãy ra lĩnh giáo mấy cao chiêu của tiểu sư phụ đi, để đưa tiểu sư phụ về với Trưng Trắc, Ðào Kỳ.
Nghe người đàn bà nói, Minh-Ðệ nghĩ thầm:
Thì ra tên nho sinh này là Tiêu Chú đây. Hiện giờ y là người tổng chỉ huy quân Tống tiếp giáp với biên thùy Tống-Việt đây. Mình từng nghe sư huynh Thường-Kiệt nói, Tiêu Chú đã đỗ tiến sĩ, lại xuất thân từ phái Võ-đang. Y dùng binh rất giỏi. Hồi trước y đã từng cầm quân chống lại cuộc Bắc-chinh của công chúa Bảo-Hòa với Nùng Trí-Cao. Sau khi Trí-Cao bị bại, y còn lần mò vào các khê động bắt được mẹ với con Trí-Cao. Ta phải cẩn thận mới được.
Tiêu Chú cung tay:
– Xin mời tiểu sư phụ.
Minh-Ðệ biết rằng với thân phận của Tiêu Chú, chắc y không phát chiêu trước đâu. Nàng cung tay:
– A-di-đà Phật, tiểu tăng xin vô lễ.
Rồi nàng phát chiêu Ðông-hải lưu-phong trong Ðông-a chưởng pháp. Tiêu Chú cười nhạt, y không đỡ chưởng của nàng mà đánh thẳng vào người nàng một chiêu quyền rất nhẹ nhàng. Minh-Ðệ kinh hãi, vội chuyển sang chiêu Phong đáo sơn đầu đỡ. Bộp một tiếng, nàng cảm thấy như trời long đất lở, tai phát ra những tiếng vo vo không ngớt. Minh-Ðệ còn như tê liệt, thì Tiêu Chú đã phát chiêu thứ nhì. Kinh hãi, nàng nghiến răng phát chiêu Phong hoa suy lạc đỡ. Hai chưởng chạm nhau, Minh-Ðệ bật tung người lên cao, rơi xuống phía sau đến hơn trượng.
Người đàn bà lên tiếng:
– Tiểu sư phụ chịu thua đi thôi. Ta chỉ giam tiểu sư phụ lại ít năm, chờ khi đánh xong Ðại-Việt ta sẽ thả tiểu sư phụ ra.
Minh-Ðệ nghĩ thầm:
– Ta thà chết, chứ không chiụ đầu hàng.
Nhưng nàng kiệt sức không ngồi dậy được nữa. Bỗng có tiếng ai dùng Lăng không truyền ngữ rót vào tai:
– Ðừng sợ, tung người dậy tấn công nó đi.
Rồi nàng cảm thấy như có đám bụi bay trên người, đám phấn bụi thơm ngát, khiến sức lực ở đâu sinh ra, nàng tung người dậy phát chiêu tấn công Tiêu Chú. Biến chuyển này làm tất cả mọi người đều kinh ngạc. Tiêu Chú lại phát chiêu đánh vào người Minh-Ðệ, nhưng chợt y cảm thấy có mùi thơm thơm như hương sen thoáng qua, rồi chân tay y bải hoải, kình lực chỉ phát ra được có ba thành. Hai chưởng chạm nhau bịch một tiếng, Tiêu Chú bật tung về phía sau, rồi ngã lộn đi hai vòng.
Tất cả mọi người đều bật lên tiếng kinh ngạc.
Tiếng Lăng-không truyền ngữ vẫn lọt vào tai Minh-Ðệ:
– Tấn công nó mau!
Minh-Ðệ đã có kinh nghiệm, nàng đánh liền hai chiêu chưởng Ðông-a. Tiêu Chú kinh hoàng vội lăn người đi mấy vòng để tránh. Hai chưởng đánh xuống đất bụi bay mịt mờ.
Triệu Thự bực mình:
– Tiêu Chú thực vô dụng. Lý Hiến, người hãy thu thập nhà sư kia cho ta.
Gã không râu tiến ra cung tay:
– Lý Hiến lĩnh Bắc-ban chỉ hậu Tống triều xin tham kiến tiểu sư phụ. Vừa rồi, rõ ràng từ công lực cho tới chiêu số tiểu sư phụ đều thua Tiêu tướng quân, thế mà sao bỗng nhiên tiểu sư phụ chuyển bại thành thắng mau đến không ngờ được? Nào xin tiểu sư phụ tứ giáo.
Nghe Lý Hiến nói, Minh-Ðệ chợt nhớ đến cố sự chép trong Nhân-Huệ hoàng đế kỷ sự: Lý Hiến dự tuyển phò mã, nhưng hạ bộ của y ái nam ái nữ nên bị loại. Tuy nhiên võ công y cao, nên được tuyển làm thái giám. Hèn chi y không có râu.
Minh-Ðệ lại phát chiêu tấn công Lý Hiến. Y trầm người tránh khỏi, rồi trả đòn. Võ công Hiến cao hơn Chú một bậc. Nhưng vừa rồi y thấy Chú bại một cách lạ lùng nên y đánh cầm chừng. Sau mười chiêu, y thấy từ chiêu số đến nội lực, đối phương thua mình xa, y mới phát một chiêu bằng tất cả bình sinh công lực. Chưởng của y chưa ra hết, mà Minh-Ðệ đã cảm thấy ngộp thở. Nhưng thình lình một miếng thịt quay rất chậm, kình lực nhu hòa bay qua đầu Minh-Ðệ trúng vào huyệt Khúc-trì Lý Hiến, khiến tay y tê liệt. Trong khi Minh-Ðệ phát một chiêu đánh vào mặt y. Y không đỡ được, chiêu trúng mặt y đến bạch một tiếng, đau đến chảy nước mắt ra. Y nhảy lùi lại ba bước, miệng hô:
– Kẻ nào ẩn ẩn hiện hiện hại ta? Nếu là anh hùng thì hãy xuất...
Tiếng hiện chưa ra khỏi miệng, thì một miếng thịt nữa trúng huyệt Hạ-quan của y, khiến y không khép miệng lại được; rồi vù một tiếng, vật gì đó bay tới, chui tọt vào miệng y. Giữa lúc đó Minh-Ðệ đánh tới một chưởng lại trúng ngực y. Binh một tiếng, người y bay bổng về sau. Nhưng nhờ nội lực thâm hậu, nên y vô sự.
Bấy giờ Lý Hiến mới moi vật ở trong miệng ra, mọi người nhìn rõ, đó là một cái đùi thịt chó luộc, thịt đã cắt hết, chỉ còn xương với cái chân. Người ném đùi chó đã tính toán sao cho cái chân chui tọt vào miệng Lý Hiến.
Dư Tĩnh phóng mình lại chỗ bụi cây, nơi đùi chó bay tới để tìm thủ phạm hại mình, nhưng y lục lọi một lúc vẫn không thấy gì. Y chửi đổng:
– Ðồ hèn hạ!
Chợt y cảm thấy có gì vướng vướng ở sau lưng. Mọi người cùng mở to mắt nhìn y. Y kinh hoàng đưa tay ra sau sờ, thì ra một vật khá lớn đeo trên cổ y. Y giật mạnh một cái, sợi dây đeo cổ đứt. Y nhìn rõ: đó là cái đầu chó luộc chín, đã cắt hết thịt.
Tất cả mọi người đều kinh hãi, vì bản lĩnh Dư Tĩnh đâu có tầm thường? Mà người nào đó lợi dụng lúc y vướng vít trong bụi cây, đã đem cái đầu chó xỏ vào sợi dây, rồi choàng vào cổ y, mà y không biết. Kẻ đó bản lĩnh phải cao thâm đến cùng cực. Cả bọn Triệu-Thự cùng chạy quanh tìm kiếm đối thủ.
Trịnh-quang-Thạch run run nói:
– Vương gia! Thôi đi. Tìm cũng vô ích. Mộc-Tồn Vọng-Thê hoà thượng đi rồi.
Yến-Loan nghĩ thầm:
– Quả là Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng đã ra tay.
Dư Tĩnh kinh ngạc:
– Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng? Tại sao lại có cái tên hoà thượng thịt chó? Bộ có hoà thượng chuyên ăn thịt chó sao?
Triệu Thự cũng hỏi:
– Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng là ai vậy?
– Thần cũng không biết nữa. Từ hơn hai mươi năm nay, trong nước Ðại-Việt xuất hiện hai tăng-nhân võ công cực kỳ cao thâm. Không rõ hai ông thuộc môn phái nào, chùa nào, tuổi tác bao nhiêu? Khi đấu với ai, hai ông chỉ đánh ba chiêu, sau đó dù đối thủ chết hay sống hai ông cùng thôi. Nhưng ít ai chịu được ba chiêu của hai ông.
Dư Tĩnh vốn thông minh, y hỏi:
– Vừa rồi ông ta ném thịt chó, quẳng đùi chó, choàng đầu chó. Như vậy là đủ ba chiêu, rồi bỏ đi chăng?
– Vâng.
– Người nói đó là hai nhà sư. Vậy một ông tên Mộc-Tồn, một ông tên Vọng-Thê hay sao?
– Không! Hai ông không hề xưng tên. Cho đến nay, võ lâm vẫn chưa biết hai ông tên thực là gì. Nguyên hai ông là sư huynh, sư đệ đồng môn. Sư huynh đi đâu cũng mang trong người mấy đùi chó. Khi gặp người nào nói năng không vừa ý là ông nhét chân chó vào miệng, hoặc treo đầu chó vào cổ. Lúc tụng kinh, thì dùng đùi chó làm dùi gõ mõ. Còn sư đệ thì lúc nào trên áo cũng vẽ bông sen, ăn chay. Sư huynh thì hơi tý là đánh người, giết người. Còn sư đệ là một thầy thuốc cực kỳ cao minh, ông chỉ biết cứu người. Ông luôn ngăn cản sư huynh. Hai người ẩn ẩn hiện hiện không chừng. Vì vậy người ta gọi sư huynh là Mộc-Tồn Vọng-Thê hoà thượng và gọi sư đệ là Liên-Hoa Ðại-Từ hòa thượng.
Triệu Thự lại hỏi:
– Cái tên Mộc-Tồn người đã giải thích rồi. Thế còn cái tên Vọng-Thê? Ông ta cũng có vợ hay sao?
– Vâng. Nghe đâu hồi còn trẻ ông ta có một mối tình tuyệt vời. Nhưng không rõ sau vì lý do gì hai vợ chồng cách biệt nhau. Cho nên cứ mỗi ngày, ông ta lại hái hoa, ra chỗ vắng nói chuyện với vợ như vợ ngồi trước mặt. Vì vậy mới có tên Mộc-Tồn Vọng-Thê là thế. Ông ta như một hình quan tư, bất kỳ ai bị quan lại hà khắc, bị cường hào ác bá áp chế, chỉ cần viết một đơn kiện gửi cho ông, rồi dán ở nơi công cộng, lập tức ông cho đệ tử điều tra, rồi xử ngay.
Dư Tĩnh rùng mình:
– Như vậy ông cũng hành sự giống như Ưng-sơn song hiệp hay sao?
– Gần như thế. Khi xử người Hoa thì Ưng-sơn căn cứ vào bộ luật Tống. Khi xử người Việt thì căn cứ vào bộ Ðại-Việt Hình-thư. Lúc kết tội ai, Ưng-sơn gửi bản án cho triều đình Tống, Việt; hoặc hình quan Tống-Việt, rồi hạn trong thời gian nào đó, mà Tống, Việt chưa xử thì Ưng-sơn mới ra tay. Duy các tội sau đây, thì Ưng-sơn xử thẳng: chia rẽ tình Hoa-Việt, làm gian tế cho ngoại bang và khi-quân.
Ðến đây y rùng mình, rồi tiếp:
-– Còn Mộc-Tồn hòa thượng thì khác. Khi thì ông xử theo bộ Hình-thư, khi thì ông xử theo luật võ-lâm, khi thì ông xử theo luật của ông. Ông là người hỉ nộ bất thường. Trên bản án tử hình của ông thường gi chữ: Án sẽ thi hành trong một trăm ngày. Nếu trong hạn ấy, mà tiên-nương Bảo-Hòa, Thiếu-Mai truyền ân xá, thì tội nhân được tha.
Mọi người cùng bật lên tiếng a. Dư Tĩnh kể lý lịch tiên-nương Bảo-Hòa, Thiếu-Mai cho Triệu Thự nghe. Thự đoán:
– Như vậy có thể tiên-nương Bảo-Hòa là sư phụ của Mộc-Tồn chăng?
– Thần không rõ.
Triệu Thự nhăn mặt:
– Quân hầu thử kể cho cô gia nghe một vài vụ án Mộc-Tồn hòa thượng đã xử để cô gia đánh giá ông ta.
– Năm trước đây, lý-trưởng làng Nghi-tàm tằng tịu với thị Hải là vợ của nho-sinh Triệu Bình. Khi có lệnh vua bắt cung ứng hoàng-nam chuyển lương lên Bắc-biên, đúng ra Bình có ba con, nhà lại nghèo thì được miễn. Nhưng lý-trưởng cứ bắt đi. Ức lòng Bình lên cáo với quan huyện. Quan huyện nghe lời lý-trưởng trình rằng Bình là người cứng đầu, rồi hối lộ quan huyện xin bỏ tù Bình. Quan huyện truyền giam Bình lại. Thế là ở nhà lý-trưởng tha hồ tằng tịu với thị Hải. Ức lòng, đêm Bình vượt ngục về nhà lấy ít tiền để trốn đi. Không ngờ gặp đúng lúc lý-trưởng đang ngủ với vợ y. Y vác gậy đánh gian-phu, dâm-phụ. Lý-trưởng hô tuần đinh trói Bình lại giải lên huyện về tội vượt ngục, mưu sát. Quan huyện kết tội Bình bị xử trảm. Ức lòng, Bình la hét kêu gọi Mộc-Tồn hòa thượng. Ðêm đó Mộc-Tồn hòa thượng cùng mười đệ tử xuất hiện, bắt quan huyện, lý-trưởng, thị Hải cùng Bình giải về Nghi-tàm, sai đánh trống, đốt đuốc xem ông xử kiện.
Dư Tĩnh cau mày:
– Thế lý dịch, trương tuần trong làng đâu? Hoàng nam đâu, mà để cho ông ta hoành hành như vậy?
– Thưa, người của ông ta đã bắt tiên chỉ, thứ chỉ, phó lý, trương tuần ra đình điểm huyệt, rồi bắt những người đó đánh trống hội dân làng tới xem ông xử kiện.
Ông ta xử như thế nào?
– Sau khi hỏi cung, ông ta tuyên án: quan phủ ăn hối lộ, như vậy phải cắt lưỡi. Y bênh kẻ gian, hại người ngay, tức bất minh, phải khoét mắt. Lên án oan cho ngoan dân, phải tội cắt một chân một tay. Lý-trưởng gian dâm với vợ người, phải tội thiến. Vì muốn gian dâm, mà hại người thì phải tội cắt lưỡi, chặt hai chân. Còn thị Hải vì có ba con nên chỉ bị rạch trên mặt mười vết, rồi cắt lưỡi. Sau khi lên án, ông cho thi hành liền.
Triệu Thự kinh hãi:
– Mấy người đó có chết không?
– Thưa, sau khi Mộc-Tồn hòa thượng hành hình, thì Liên-Hoa Ðại-từ hòa thượng lại dùng thuốc băng bó cho tội phạm, thành ra họ vẫn sống. Một vụ khác trấn động vùng Cổ-loa. Nguyên trong vùng có một viên quan, nhà giầu. Viên quan này nổi tiếng keo kiệt. Y cho tá điền thuê ruộng với tô cực cao. Năm đó mất mùa, hầu hết tá điền không đủ lúa nộp cho chủ. Viên quan cho nặc nô tới nhà tá điền siết gia súc trừ nợ. Nếu như chưa đủ, y bắt vợ con tá điền làm nô bộc. Có người đàn bà mang thai, bị bắt làm nô bộc, lao lực quá độ đến nỗi trụy thai mà chết. Thị chết rồi, mà chủ điền cũng không cho cỗ quan tài để chôn. Người chồng ôm xác vợ xin chủ điền cho mượn cái móng để đào lỗ chôn vợ. Chủ điền cũng không cho. Anh ta ôm xác vợ ra đồng ngồi khóc. Anh ta gọi lớn: "Ối Mộc-Tồn hòa-thượng ôi. Sao con khổ thế này". Rồi anh ôm vợ ngồi khóc đến khuya. Ðêm Mộc-Tồn hòa thượng xuất hiện. Cũng như mọi lần, đệ tử của ông bắt tiên, thứ chỉ; chánh, phó lý; trương tuần điểm huyệt, rồi kéo đến nhà viên quan. Ông truyền đánh trống mời cả làng đến nghe ông xử kiện. Sau khi hỏi cung, ông tuyên án: "Ruộng đất là của trời. Mày làm quan may mắn được thụ hưởng nhiều, thì phải biết thương kẻ khó chứ? Mày bắt vợ nó làm việc đến trụy thai là quá ác. Ðã vậy mày còn không cho lấy tấm ván đem chôn, không cho mượn lấy cả cái móng thì còn trời đất nào không? Bây giờ tao tuyên hai án, cho mày chọn. Án thứ nhất: mày phải đem hết vàng, bạc, lúa gạo, gia súc, chia đều cho dân trong làng. Từ nay về sau, mỗi vụ mày chỉ được lấy tô mười thùng thóc một mẫu mà thôi".
Lý Hiến hỏi:
– Thông thường điền chủ thu tô bao nhiêu một mẫu mỗi vụ?
– Thưa một trăm thùng nếu là nhất đẳng điền. Còn nhị đẳng điền là bẩy mươi thùng.
Triệu Thự gật đầu:
– Rồi, quân hầu thuật tiếp.
– Thả tất cả nô bộc bị siết nợ về với gia đình. Trả tất cả những gia súc bị nặc nô thu về cho tá điền. Riêng người tá điền có vợ chết, thì tịch thu cỗ hậu-sự của viên quan, khâm liệm cho vợ anh ta. Truyền lấy tiền bạc của viên quan xây cho bà ta một cái mộ thực đẹp.
Dư Tĩnh lắc đầu, rồi hỏi:
– Còn án thứ hai?
– Viên quan cùng vợ, con, mỗi người bị chặt một chân, một tay, khoét một mắt.
Dư Tĩnh than:
– Dĩ nhiên viên quan phải chấp nhận bản án thứ nhất. Nhưng sau khi Mộc-Tồn hòa thượng đi khỏi, viên quan có dám đòi lại của không?
– Không. Bởi khi Mộc-Tồn hòa thượng đã xử rồi, mà bất cứ ai chống, hoặc quan trên xử lại, là ông giết viên quan trên cũng như người chống ngay.
Bọn Triệu Thự mặt nhìn mặt mà rùng mình. Tuy Triệu Thự sợ, nhưng y vẫn tỏ ra cứng cỏi. Y bảo Lý Hiến:
– Dù có sự can thiệp của Mộc-Tồn hòa thượng, nhưng Lý Hiến cũng thua rồi. Người không thể xuất chiêu được nữa.
Y nói với nhà sư:
– Sư phụ, xin sư phụ thu thập nhà sư nhỏ bé kia dùm.
Nhà sư đứng cạnh Triệu Thự phát một chiêu chưởng đánh gió rồi cung tay nói:
– Tiểu sư phụ, bần tăng pháp danh Pháp-Nhẫn, thuộc phái Thiếu-lâm. Bần tăng tuân chỉ của Tần-vương, xin lĩnh mấy cao chiêu của tiểu sư phụ. (5)
Ghi chú,
(5) A-di-đà Phật, xin thượng tọa Pháp-Nhẫn trị sự trưởng chùa Liên-hoa, Dallas, bang Texas, Hoa-kỳ cùng chư vị Phật-tử, từ bi hỷ xả đại xá cho, về sự trùng pháp danh này. Ðại-sư Pháp-Nhẫn chùa Thiếu-lâm (1005-1088) xuất thân tiến sĩ, nhưng ngài giác ngộ, bỏ chốn bụi trần xuất gia. Ngài là một Bồ-tát, vì thương xót sinh linh Hoa-Việt, nên đã hết sức cản cuộc xâm lăng của Tống vào thời vua Anh-Tông. Xin đọc những hồi sau để biết hành trạng của ngài.

Từ lúc bọn Tống xuất hiện đến giờ, lúc nào Minh-Ðệ cũng thấy nhà sư nói năng ôn tồn, gương mặt từ ái. Vừa rồi ông ra một chiêu đẩy nàng lui lại, rõ ràng ông chỉ vận có ba thành công lực, mà nàng đã cảm thấy rung động toàn thân. Biết có đấu cũng vô ích, nàng cung tay:
– A-di-đà Phật, thì ra đại sư là thủ tọa La-Hán đường phái Thiếu-lâm đấy. Tiểu tăng không dám đấu với đại sư, vì không thể địch nổi đại sư.
Pháp-Nhẫn nói với Triệu Thự:
– Tiểu sư phụ đây chịu thua, vây xin Vương gia phát lạc.
Triệu Thự nói:
– Cũng dễ thôi, vì tiểu sư phụ biết hết bí mật của cô gia, thì không thể để tiểu sư phụ đi được. Vậy tiểu sư phụ phải theo cô gia về Trung-nguyên, đến khi nào cô gia tiến quân về phương Nam, bấy giờ cô gia sẽ để tiểu sư phụ trở về.
Bỗng có tiếng cười khúc khích:
– Ðâu phải mình tiểu sư phụ biết, mà bọn ta cũng biết nữa mà!
Triệu Thự quát lên:
– Ai?
Hai bóng người từ trên nóc chùa đáp xuống nhẹ như chiếc lá. Minh-Ðệ nhìn kỹ thì ra Công-chúa Thiên-Thành với Thế-tử Thân Cảnh-Long mà nàng đã gặp ở Khu-mật-viện năm trước. Nàng nhớ rõ hôm đó hai người đã quát quân lính không được gông nàng. Nàng đồ chừng hai người này đã tung thuốc cứu nàng và làm Tiêu Chú tê liệt. Nàng vội vội cung tay:
– Tiểu tăng xin tham kiến Công chúa điện hạ cùng Thế tử. Ða tạ Công-chúa với Thế-tử đã cứu mạng.
Tiêu Chú chỉ mặt công chúa Thiên-Thành với thế tử Thân Cảnh-Long quát lớn:
– Thì ra hai đứa mi đã dùng thịt chó ám toán ta.
Tiêu Chú bị thua nhục nhã quá, run lên lật bật, tay chỉ thế tử Thân Cảnh-Long:
– Mi ẩn thân hại ta! Hãy lĩnh một chưởng.
Nói rồi y phát một chiêu bằng tất cả bình sinh công lực đánh vào người thế tử. Cảnh-Long cười nhạt tung chưởng trả đòn. Bình một tiếng, cả hai người đều lảo đảo lui lại, gật gù nhìn nhau:
– Bái phục.
Tiêu Chú biết khó thắng Cảnh-Long, y đánh trống lảng nói với Triệu Thự:
– Khải vương gia, thần nghe nghe Nam-bình vương Lý Nhật-Tông gả con gái là quận chúa Thiên-Thành cho con trai vua bà Bình-Dương với Thân Thiệu-Thái là Thân Cảnh-Long. Có lẽ đôi trai gái này là Thiên-Thành, Cảnh-Long.
Công chúa Thiên-Thành dường như không coi vợ chồng Triệu Thự cùng Tiêu-Chú vào đâu. Nàng cung tay hành lễ với đại sư Pháp-Nhẫn:
– A-di-đà Phật, đệ tử tham kiến đại sư. Không ngờ Phật giá quang lâm Ðại-Việt, đệ tử không biết để nghinh đón, thực có tội.
Pháp-Nhẫn đáp lễ:
– Không dám. Bần tăng theo phò Tần-vương, nhập cảnh Ðại-Việt không chính thức, thì thực vô lễ, công chúa không trách phạt là may rồi. Ban nãy bần tăng thấy công chúa ném thịt chó, tung thuốc cứu tiểu sư phụ, rồi đánh Tiêu cư sĩ, thì đã biết rằng có cao nhân ẩn nấp quanh đây. Không ngờ cao nhân đó là Công-chúa và Thế-tử.
Thế-tử Thân Cảnh-Long đáp:
– Ðại sư lầm rồi, người ném thịt chó là Mộc-Tồn hòa thượng. Hoà thượng đã đi rồi. Còn người tung thuốc cứu tiểu-sư phụ là cao nhân khác, không phải anh em đệ tử.
Công chúa chỉ tay vào mặt Tiêu Chú :
– Tên mặt dơi tai chuột kia, chính mi đã xúi dục đồng liêu, cùng tâu về Tống triều chủ xâm Ðại-Việt ta. Năm trước mi bị Nùng Trí-Cao đánh cho chạy dài, thế mà mấy năm nay mi hết luyện quân, lại xui dục, ép buộc các khê động thuộc Ðại-Việt về với Tống. Năm rồi cô mẫu ta tiến quân sang trừng phạt, như thế mi cũng cho là chưa đủ sao mà còn dẫn xác sang đây?
Nàng cung tay nói với Triệu Thự :
– Thái-tử, thân thế Thái-tử cao sang biết mấy, mà sao lại lặn lội sang đây làm chi? Thái-tử ơi, tôi biết Thái-tử nhập cảnh vi luật, nhưng không dám phiền trách Thái-tử, vì biết rằng Thái-tử sắp qui tiên. Người chết là hết, tội trạng cũng đi theo, nên tôi không thể nặng lời với Thái-tử.
Triệu Thự kinh hãi hỏi:
– Công-chúa nói sao? Cô gia sắp hoăng ư? Cô gia vẫn khỏe mạnh, có bệnh tật gì đâu?
Công chúa Thiên-Thành cau mặt lại, rồi lắc đầu:
– Hỡi ôi! Thái-tử nổi tiếng là minh mẫn, tiếng đồn sang đến Ðại-Việt, mà Thái-tử lại không biết mình sắp chết sao?
– Làm gì có chuyện đó!
– Thôi được, tôi vì Thái-tử mà nói ra căn bệnh của Thái-tử.
Nàng hắng một tiếng rồi nói
– Thái tử chỉ là một người cháu của Gia-Hựu hoàng đế, được nuôi làm con, địa vị không lấy gì làm chắc cho lắm. Kể ra, ngang vai với Thái-tử có hàng mấy trăm người đang ngấp nghé, bới lông tìm vết để hạ Thái-tử xuống rồi lên thay. Không lẽ Thái-tử lại không nhận ra điều đó?
Tiêu Chú cười nhạt:
– Kẻ ngu phu, ngu phụ ai mà chẳng nhận ra lẽ đó, nhưng chúa công tôi vị đã chính, thì còn ai ngấp nghé nữa? Quận chúa luận bề ngoài thì sao mà đúng được?
Minh-Ðệ nghe Tiêu Chú nói, nàng nổi giận nghĩ thầm:
– Tên chủ Nam xâm này ghê thực. Trong khi Thái-tử của chúng còn phải một lời Công-chúa, hai lời Công-chúa, mà y lại gọi công chúa Thiên-Thành bằng quận chúa, tức y coi hoàng-đế Ðại-Việt chỉ là thần tử nhà Tống với tước Nam-bình vương mà thôi.
Công chúa Thiên-Thành mắng Tiêu Chú:
– Tên mặt dơi tai chuột kia! Ta đang nói chuyện với chúa người, người có tư cách gì mà xen cái mõm thối tha vào?
Nói dứt lời, nàng rút kiếm, rồi xẹt tới như tia chớp, mọi người nhìn rõ nàng đưa kiếm vào cổ Tiêu Chú. Kinh hoàng y lộn đi ba vòng tránh đòn. Nhưng kiếm theo y như bóng với hình. Sợ quá y thét lên, lăn mình xuống đất, rồi tung mình đứng dậy. Khi chân y vừa chạm đất, thì y cảm thấy cổ đau nhói. Thì ra mũi kiếm thủy chung vẫn chỉ vào cổ y. Y tung mình lên cao, tay rút kiếm ra đỡ, nhưng chỉ thấy thấp thoáng một cái, rồi hai tiếng loảng xoảng phát ra, Tiêu Chú nhảy lùi lại, tay trái ôm cườm tay phải, máu ra lệnh láng, trong khi kiếm của y rơi xuống đất.
Công chúa Thiên-Thành lại mắng y:
– Lần đầu ta tha chết cho mi, lần sau ta lấy mạng mi, mi liệu hồn.
Tiêu Chú run lẩy bẩy, trong khi đại sư Pháp-Nhẫn băng bó vết thương ở tay cho y. Y nghĩ thầm:
– Long-biên kiếm pháp quả danh bất hư truyền. Con nhỏ này học được Long-biên kiếm pháp của vua bà Bình-Dương, cũng may y thị không nặng tay, bằng không thì mình đã bỏ mạng rồi. Thôi thì mình đành nín nhịn cho qua việc hôm nay, bằng không chỉ uổng mạng vô ích.
Nghĩ vậy y đứng im. Công chúa Thiên-Thành tiếp:
– Ðấy, chắc chỉ vì Thái-tử nghe lời của bọn này, nên mới đi vào tử lộ mà không biết.
Triệu Thự nói cứng:
– Tiêu tướng quân luận đúng chứ đâu có sai?
– Trời ơi! Thái-tử chỉ nhìn về quá khứ mà xem? Có phải khi Chiêu-Huệ thái hậu sắp băng hà, đã gọi Thái-tổ tới bên dường trối trăn rằng: nhà Chu mất ngôi về Tống, vì họ truyền ngôi cho ấu quân đó sao? Nếu Chu thái tông Sài Vinh truyền ngôi cho em trai, là người đã trưởng thành, thì liệu Thái-tổ có lấy được ngôi vua không? Vì vậy Thái-hậu dặn Thái-tổ phải truyền ngôi cho em là vua Thái-tông (6). Khi Thái-tổ băng hà để di chiếu lập em là vua Thái-tông lên thay, dặn rằng sau này vua Thái-tông phải nhường ngôi cho Ngụy-vương Ðình-Mỹ là em thứ ba đó ư? Ngụy-vương Ðình-Mỹ văn võ kiêm toàn, vào sinh ra tử có thừa, có đại công lập lên triều Tống. Ông lại được di chiếu của Ðỗ thái hậu, Thái-tổ, thế mà chỉ vì bọn hủ nho luận bàn phân vân, rồi bị vua Thái-tông truất phế để lập con trưởng là Hán-vương lên thay đó sao? (7) Hán-vương tài năng quán chúng, được vua Thái-tông yêu thương cùng cực, rồi cũng chỉ vì miệng thế dèm pha, mà bị truất, bị đầy, do vậy em ngài là Chiêu-Thành thái tử được lập lên.(8) Thế rồi Chiêu-Thành thái-tử lại bị giết, (9) vua Chân-tông mới được kế vị. Bây giờ Thái-tử thử nói thực xem: tài, đức, đại công, Thái-tử có bằng Ngụy-vương Ðình-Mỹ, Hán-vương Nguyên-Tá, Chiêu-Thành thái-tử Nguyên-Hy không? Lòng yêu thương của Gia-Hựu hoàng đế đối với Thái-tử có bằng vua Thái-tông đối với ba vị bị truất kia không?
Ghi chú,
(6) TS 242, trang 8605, Thái-tổ mẫu Chiêu-huệ thái hậu Ðỗ thị truyện.
(7) TS quyển 244, trang 8666, Ngụy-vương Ðình-Mỹ truyện.
(8) TS 245, trang 8693, Hán-vương Nguyên-Tá truyện.
(9) TS quyển 285, 8697, Chiêu-thành thái tử Nguyên-Hy truyện.
– Cô gia thực không bằng.
– À, Thái-tử công nhận điều đó, vậy Thái-tử cũng nên biết rằng: xa mặt khuất lòng, miệng lưỡi khó tránh. Ðến ba vị kia tài đức công lao là thế mà còn bị truất; huống hồ Thái-tử đang ngồi trên cái ghế hai chân, chông chênh như trứng chồng. Thế mà Thái-tử không lo ở Biện-kinh, ngày đêm chầu chực Gia-Hựu hoàng-đế cùng Hoàng-hậu, để giữ địa vị, giữ thân, mà lại bỏ đi ra ngoài thế này; có phải là vô mưu, bất trí không?
Thấy Triệu Thự im lặng, Công-chúa tiếp:
– Kể đâu xa, ngay trong nhà, Thái-tử có đến hai mươi mốt anh em trai. Trên Thái-tử có mười hai anh trai cũng đang rình rập cái ngôi của Thái-tử. Có thể nói, Thái-tử bị hàng trăm mũi dùi chĩa vào người, mà Thái-tử không biết nguy cơ còn bỏ đi xa. Nếu việc bỏ đi xa, mưu đồ thành tựu thì Thái-tử cũng không thêm chút uy tín nào. Còn như lỡ ra dọc đường, nào võ lâm người Hoa, người Việt, cùng bọn vô lại ; ai cũng có thể hại Thái-tử được. Ðó là một điều chết uổng; hoặc giả khi Thái-tử vắng nhà, miệng thế dèm pha, thì ai là người biện minh cho Thái-tử? Ðó là hai điều chết uổng. Thái tử ơi! Tục ngữ Trung-nguyên có câu: bước vào bếp, là thấy bẩy thứ là mắm, muối, tiêu, hành, tỏi, ớt, dấm. Chuyện Thái-tử Nam du, đã không chính đáng, người ta đang vu cáo rằng Thái-tử sang Ðại-Việt để cầu giúp đỡ, hầu chống kẻ thù. Rồi người ta thêm thắt mắm, muối, tiêu, hành, tỏi ớt... vào mới khổ. Cho nên tôi mới nói rằng Thái-tử sắp quy tiên là thế.