Mở đầu: Mấy lời giới thiệu và một số mối tình
Cái danh sách đơn giản sau đây có thể sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những gì được mô tả trong sách. Với tôi thì chả có gì là dài dòng.
1. Tên tôi: tôi là Lâm Gia Phù, tức là một “cây râm bụt đẹp”. Đó là cái tên khi tôi đi học. sau này tôi tự đặt cho mình một cái tên mới, Xuân Thụ. Và đó là cái tên mà các bạn gọi tôi; nghe tên mới tôi rất thích. Vì thế đây là tên tôi.
2. Trung học Tây X: một ngôi trường đáng ghét chỉ có duy nhất một luật lệ: vâng lời, đúng; giải thích, không. Có một cuốn sổ nhỏ màu trắng mang tên “Hướng dẫn giáo dục hành vi cho học sinh”. Chúng tôi nghiên cứu nó suốt học kỳ đầu tiên và được yêu cầu phải làm theo tất tật những gì viết trong đó. Một lối giáo dục kỳ cục. Tôi nhớ rằng ngay khi nhập học tôi đã phải học thuộc những thứ sau đây: “Tôn trọng kỷ luật và giữ gìn bí mật; phải chăm chỉ và học tập tốt; phải mỉm cười chào mọi người; ăn mặc phù hợp và có tư cách; cử chỉ khoan thai và nho nhã”.
3. Tạ Tư Nghê: bạn học cùng lớp, bạn tốt nhất của tôi.
4. Rock’n’roll, punk: lọai nhạc tôi thích.
5. B5, A26: hai anh tư vấn tâm lý ở trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh tôi quen khi học lớp chín. Tôi quen họ trong những ngày Bắc Kinh nổi gió, hình như là một ngày mùa xuân.
6. Cô Vương chủ nhiệm lớp học; cô Lý chủ nhiệm năm học; và thầy “Vương bụng- to” chủ nhiệm cấp học.
7. Một dúm những bài thơ: một số tôi viết, một số các bạn tôi viết. Tôi thích thơ, vì chúng tuyệt đẹp.
8. Một vài cậu chàng mà tôi từng thích.
9. Quả Đống: một người bạn phóng viên của tôi. Tôi thích quan niệm của anh về “cái chết” trong một số bài viết.
10. Thành phố Khai Phong: không khí ở đó, khí hậu, ánh đèn đỏ của những máy bay, và cả con người ở nơi đó.
11. Bạch Khai Thủy: tức “Nước Nóng”, bạn của tôi làm ở hiệu sách Phương Chu, từng là thiên đường sách nghệ thuật của nghệ sĩ trẻ.
12. Các bạn tôi Mã Lệ và Tử Dư.
13. Các tạp chí: “Thế giới Nghe nhìn”, “Thời đại Punk”, “Ca khúc Phổ thông”. Có thể thêm “Tôi yêu nhạc Rock”.
14. Đại học Tổng hợp Bắc Kinh và những mơ ước của tôi về nó.
15. Thôi Hiểu Địch, Vương Diễm, Trần Húc, Đỗ Viện: đều là những bạn học cùng lớp mười với tôi.
16. Lý Kỳ và Triệu Bình: hai chàng trai tôi từng yêu và căm ghét. Họ xuất hiện ở nửa đầu cuốn truyện.
17. Quận Tây Đơn: tôi thích Tây Đơn vào buổi tối, khi nó quyến rũ mê hồn, khi bầu trời đêm mềm mại và dịu dàng. Vô số người, những cô cậu sành điệu, những thanh niên, rất rất đông, thích lang thang trên tầng sáu của siêu thị Hoa Uy, nơi cả bầu không khí sực nức mùi đồ ăn.
18. Bàn Cổ: một ban nhạc đã viết những ca khúc tuyệt diệu.
19. G và T: hai chàng trai tôi đã yêu. Những nhân vật chính của phần sau cuốn truyện.
20. Janne: một chàng trai người Phần Lan rất thích rock’n’roll. Cao, sạch bong lên, và đẹp trai. Một lần khi tôi khóc, anh đã nói, “Mi đã để mất người em gái nhỏ”.
21. Trương Đông Húc: một người bạn đã từng viết cuốn “Tôi là thiên sứ, thật mà”. Một tay viết xòang.
22. Pha Lê: một trong những tay trống cũ của ban nhạc chúng tôi.
23. Nhuộm tóc: tôi nhuộm tóc bất kỳ lúc nào tôi thấy thích. Bố mẹ tôi rất không thích, nhưng mặc, tôi nhuộm tóc liên tục.
24. Siêu thị Bách Thịnh và thẩn thơ thơ thẩn mãi ở đó (Bách Thịnh muôn năm!)
25. Thôi Thần Thủy, Lộ Dịch Ti, Lulu và một số người khác.
26. Ngũ Đạo Khẩu: tức Ngã năm, một chốn hết sảy với rất nhiều trường Đại học gần cạnh.
27. Bành Hồng Vũ: một nhà phê bình âm nhạc, tôi không quen nhưng có đọc nhiều bài viết, rất hay, tôi rất thích.
28. Một số thi sĩ, nhạc công, biên tập viên, những người vào lúc này hay lúc khác, đã bước vào và ở một mức độ nào đó đã thay đổi một phần suy nghĩ và cuộc đời tôi.
29. Lam Thảo, cũng là A26: tôi thích gọi bằng cái tên này; người đã có được những hồi ức ban đầu của tôi.
Phần 1: Thiên Sơn điểu phi tuyệt
Chương 1: Những bước nhảy của tuổi thanh xuân
Chương 1: Những bước nhảy của tuổi thanh xuân
Năm lớp chín của tôi ngọt ngào, đỏ, rách nát, thất bại, và chóang váng – trộn với kịch tính. Ở lớp chín tôi có rất nhiều bạn, những đứa bạn mà tôi chẳng bao giờ nhìn thấy nữa sau khi năm học kết thúc. Chúng thuộc về “Lớp chín”, một năm vĩnh viễn chẳng bao giờ lớm lên.
B5 thân mến:
Hy vọng thư này tới tay anh!
Bọn em vừa thi hết cấp hai.
Như ca từ của Overload, “Tôi từng thấy một hồi ức thật rõ rành chín cạnh, tôi đã lại quên mọi tin tức hôm qua. “Nhưng em vẫn còn nhớ cuộc điện thọai đầu tiêm của chúng ta, khi cây cối nhuốm màu xanh rờn ngòai cửa sổ, với ánh chiều tà rải đều xuống như vàng. Em không nghĩ là em lại có thể viết cho anh nữa, bởi em đã để mất địa chỉ của anh, nhưng hôm qua lúc dọn phòng em lại tìm thấy, điều đó có nghĩa là chúng ta lại có duyên gặp nhau.
Em sống trong tình trạng hoang mang của kẻ tìm đường, trên con đường dằng dặc hướng đến một đáp số. Còn mọi việc của anh thì thế nào?
Chúc anh hạnh phúc!
Một người bạn
27, tháng Sáu, 1998
B5 là người tư vấn tâm lý mà tôi quen từ trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Dạo chưa gặp nhau, anh ta mê tôi và mê cả Tiểu Khiết, một nữ sinh cùng tuổi tôi ở tầng trên, ngay trong tòa nhà của chúng tôi. Anh gọi hai đứa là “thiên sứ sinh đôi”. Chúng tôi gọi điện thọai cho anh ta hàng ngày, có khi còn cùng gọi, khiến anh ta tha hồ mà cười. Nhưng tôi đã ngừng thích anh ta khi rốt cuộc tôi gặp anh trong một công viên nhỏ gần Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Anh giới thiệu mình như là một “tài tử lưu manh” và nói mình không bao giờ từ chối một sự dâng tặng. “Em dâng tặng chứ?”. Chúng tôi giết thời gian ở công viên mấy giờ liền. Anh không mời tôi ăn trưa cũng không tiễn tôi về, nhưng tôi vẫn nhớ mùi nước hoa cologne mà anh xức và rằng hôm đó về sau trời mưa phùn. Trong khi đợi anh, tôi đã uống hết một bình hồng trà. “Mắt em đẹp lắm”, anh nhìn tôi nói, “rất hợp với thẩm mỹ của anh. Còn đôi tay em nữa, cũng rất đẹp. Tiếc là anh chưa được nhìn đôi môi khi em uống trà”. Sau đó anh hỏi tôi đã xem phim Bốn đám cưới và Một đám ma chưa, và tôi nói chưa, tôi ít khi xem phim ảnh. “Đó”, anh nói, “mới là tình yêu chân chính, nên một khi chưa xem phim đó thì em đừng nói với anh về chuyện tình ái; em chưa đủ tư cách”.
Chúng tôi còn gặp nhau1 lần nữa khi thi xong. Anh để tay lên vai tôi, khiến người tôi run lên, và tôi chắc là anh cũng nhận ra điều đó. Mỗi lần ngồi với anh, cảm giác tự tôn của tôi biến đâu mất. Tôi hận mình chẳng xem những phim mà anh nói đến, chẳng có quần áo hay giầy dép lịch sự, chẳng có khí chất. Với anh tôi hòan tòan làm hỏng mọi thứ. Nhưng tôi không thể chịu đựng nổi một người có thể vừa hát những ca từ của bài “Tình khúc 1990” của La Đại Hữu lại vừa thèm khát dục vọng và tiền bạc, bởi đó là sự báng bổ vĩnh viễn đối với cái đẹp. Đó là lần cuối cùng tôi gặp anh ta.
Tôi gặp A26 cũng giống như với B5. Hình như, tôi nghĩ, là vào mùa xuân. Mùa gió thổi mạnh ở Bắc Kinh. Bầu trời trong xanh. Anh cũng là một tư vấn tâm lý và là sinh viên khoa Sử năm thứ hai ở Đại học Tổng hợp Bắc Kinh – tức Bắc Đại. Chúng tôi biết nhau qua điện thọai. Lúc này là cuối học kỳ hai năm lớp chín, thời điểm tôi phải ra một quyết định khó khăn là cuối cùng sẽ vào trường học nghề hay là sẽ học tiếp lên trung học. Một ngôi trường học nghề sẽ chặn tôi khỏi phải bén mảng tới Bắc Đại, nhưng cứ nghĩ đến việc thêm ba năm học căng thẳng khó chịu nữa là tôi lại phát sốt. Đây là vấn đề ác nghiệt, nó giày vò tôi mỗi ngày, và tôi nhận ra rằng nếu tôi không mau chóng quyết định chắc là tôi sẽ chẳng thể sống nổi.
Tôi ghét trường học, và tôi ghét thầy chủ nhiệm lớp, người thông minh, nhưng vô cảm. Nhưng cái chính là tôi không biết mình phải làm gì, vì tôi thật sự sợ hãi tất cả. Tôi biết rằng những chuyện như vậy không là gì đối với A26, rằng anh ấy có thể dòm tôi một cách kẻ cả mà chẳng buồn chớp mắt.
Trong những tháng bận bịu sắp sửa tới kỳ thi vào trung học, niềm vui sướng nhất của tôi là mỗi tuần được ôm điện thọai chừng nửa giờ nói chuyện với anh. Tôi thường gọi cho anh vào lúc xế chiều, khi mà tôi có thể nhìn ra ngòai và thấy ánh tịch dương như dát vàng, và cây cối màu xanh. Chúng tôi trò chuyện trong cảnh đất trời mênh mông, hoa lệ, như đang đắm chìm trong thế giới cổ tích, không có gì khác ngòai nghệ thuật, trật tự và cái đẹp. Những huyễn tưởng như thế không thể nào đứng vững được khi đối mặt với hiện thực. Anh cho tôi số máy nhắn tin của mình, điều mà tôi biết là cấm kị. Trong một thời gian dài tôi thậm chí còn không biết cả tên anh. Mỗi người đều có một cuộc sống riêng, có thể anh chỉ được bình yên, không bị xáo trộn trong mấy tiếng ngắn ngủi làm tư vấn tâm lý. Vì vậy tôi cũng không gọi nhiều cho anh – tôi sợ rằng anh sẽ phải để lộ ra những gì tôi muốn chỉ là những cuộc trò chuyện chơi chơi thỏai mái. Nhưng anh đủ thông minh để biết điều gì đang diễn ra.
Tôi luôn nói “tạm biệt” trước khi gác máy, còn anh, lúc nào cũng chỉ “ừ hữ”. “Anh không nói ‘tạm biệt’ là một thói quen ư? Hay còn có nguyên nhân nào khác?”, tôi hỏi anh. Anh im lặng một lúc rồi mới nói, “Kỳ lạ thật. Chưa hề có ai để ý tới điều đó. Anh không nói ‘tạm biệt’ vì nghĩ rằng tạm biệt là không bao giờ gặp lại nữa”.
Vì anh, vào tháng Tư, tôi đã đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh sớm vào khoa Trung văn thuộc trường Trung học Sư phạm Bắc Kinh số Hai. Nhưng tôi đã trượt. Tôi và Tiểu Thủy cùng thi, cô ta đỗ, tôi trượt. Tôi chết môn tóan. Trung học Sư phạm Bắc Kinh số Hai chỉ cách trường Đại học Sư phạm có một bức tường, nơi đó có một khu đầy cây cối với hoa hồng Trung Hoa rất đẹp. Hôm đó tôi mặc chiếc váy trắng, dạo bước trong vườn trường Đại học Sư phạm, tự nhủ rằng đây là nơi mà Lam Thảo – tôi vẫn gọi A26 như vậy – từng lại qua, từng sống, và điều đó khiến tôi cảm thấy lòng dạ vừa ấm áp vừa phiền muộn.
Tôi bắt đầu gọi anh thường xuyên hơn. Anh là điểm sáng duy nhất trong những ngày ở lớp chín của tôi, như một niềm an ủi; tôi không muốn mất anh, không thể không nghe giọng nói của anh. Anh gọi cho tôi từ thư viện, và chưa nói được mấy câu đã gác máy.
Anh vẫn nói là anh rất muốn gặp mặt, và tôi vẫn cứ từ chối. Rồi một hôm tôi đã đồng ý. Hôm đó tôi đã phát rồ lên để tìm cho ra một bộ cánh để mặc. Cả một năm ở lớp chín tôi chưa hề mua quần áo mới, và tôi lại béo ra. Tôi mất hết cả tự tin. Tôi chỉ sợ anh không thích cái dáng này. Tôi đã sang hàng xóm mượn đồ, và thử hết cái này đến cái khác – váy trắng, váy hoa, quần bò xanh, quần bò đen – cho đến lúc tôi mụ mị hết cả, hẹn nhau lúc 7 giờ mà 7 giờ 20 tôi mới ra khỏi cửa. Tôi mặc chiếc quần màu nâu chẳng hợp dáng tôi, nhưng lúc tôi ướm thử, đầu tôi rõ ràng đã mê muội. Tôi lên tàu đến ga Tích Thủy, nhưng không dám đến gần bất cứ một người nào, mà chỉ đứng từ xa để nhìn, rồi cúi thấp đầu xuống lặng lẽ nghe bài hát của Hứa Ngụy. Mười giờ đêm hôm đó tôi gọi điện đến nhà anh. Bố anh nghe máy và nói là anh đã đi ngủ.
Ngày hôm sau, tôi bắt đầu gọi số máy nhắn tin của anh, số mà tôi đã thuộc nằm lòng. Tôi muốn nói với anh là tôi yêu anh, không muốn anh rời xa tôi, không muốn anh giận tôi. Tôi chỉ là một cô gái nhỏ, yêu anh mà không nói được nên lời. Tôi muốn thỏa mãn mọi yêu cầu của anh với tôi – nếu anh có, thật đấy. Nhưng chẳng ai trả lời tôi. Suốt cả ngày hôm đó, từ sáng tới tối tôi chỉ làm một việc là bấm số máy nhắn tin của anh, và khóc sướt mướt khi chẳng có cú điện thọai nào gọi lại. Tôi đã mất hết hồn vía bởi vì anh, và tôi thật sự muốn giải thích tại sao tôi không xuất hiện vào ngày hôm đó và nói với anh tất cả những gì ở trong lòng. Tôi nghe thấy tiếng chuông điện thọai kêu mấy lần liền, nhưng mỗi lần tôi đâm bổ ra phòng khách để trả lời, tôi nhận ra tất cả chỉ là trong đầu tôi, và điện thọai chẳng kêu một tí nào. Tôi lục ra địa chỉ của anh và viết cho anh một bức thư, có kèm theo cả những bức ảnh. Tôi chẳng mấy khi chụp ảnh; ngọai trừ những bức chụp từ hồi nhỏ, và tôi gửi tất cho anh. Sau này tôi mới biết anh không hề nhận được bức thư, nó đã bị thất lạc. Như tất cả những thứ quan trọng khác, tôi cũng chẳng biết nó biến đi đâu mất rồi. Lam Thảo, Đại học Sư phạm trước đây chẳng là gì cả trong lòng của em, nhưng từ lúc được biết anh, nó đã trở nên cao quí!
Sau một tuần biệt tăm, Lam Thảo lại xuất hiện. Anh gọi điện thật đột ngột. Lần này nghe giọng anh cảm thấy hơi lạ lẫm. Với cái giọng đã mất đi sự quen thuộc của nó, anh hỏi tôi hôm thứ Sáu đã làm gì.
“Đi học.”
“Không phải. Nếu như anh nói rằng anh giận em vì hôm đó em đã không đến…”
“Em có đến.”
“Có thể em có đến, nhưng anh lại càng bực. Hôm đó anh đã gọi điện thọai, gọi suốt cả ngày, nhưng em đều không có nhà. Nếu hôm nay mà em không có nhà để nghe máy, thì dù em có gọi ai là A26 hay là Lam Thảo đi nữa cũng mặc xác.”
Tôi nói tôi vừa chuyển nhà và điện thọai ở nhà cũ hôm nay mới lấy về. Tôi nói để em xuống lầu gọi lại cho anh. Tôi vội vã chạy xuống. Anh hỏi tôi có yêu anh không, và tôi không biết trả lời thế nào. Tôi nghĩ tôi yêu anh, nhưng cũng chưa hề nghĩ tới việc phải nói ra điều đó với anh. Chẳng lẽ qua những biểu hiện của tôi, anh đã rõ hết cả. Tôi cảm thấy đê mê.
“Hỏi lại em một lần nữa, được không?”
Anh ngừng lại một giây. “Em có yêu anh không?”
“Thật tình cảm vào.”
“Em có yêu anh không?”
“Có, em yêu anh.”
“Nói lần nữa đi, được không?”
“Có, em yêu anh.”
“Thật tình cảm vào.”
“Em yêu anh. Tình yêu của em như chim bay tuyệt mù trên nghìn đỉnh núi.”
Giọng anh nhỏ dần: “Đừng yêu anh.”
Sau đó là thi hết cấp. Tôi đã tốt nghiệp. Chấm hết những năm tháng ở phổ thông cơ sở. Chấm hết tuổi hoa niên ngây thơ nhạy cảm và lộn xộn, và những gì thuộc về năm tháng đó cũng mất theo. Tôi nhận ra rằng cứ mỗi lần ở trước mặt Lam Thảo, tôi không còn là tôi nữa. Điều đó làm tôi đau khổ ghê gớm. Tôi gần như không còn cảm giác thỏai mái, tự do, dễ dàng của một mối quan hệ bình thường nữa. Nhưng tôi cũng chẳng ngại khi nói rằng mỗi lần ở gần anh ấy là một lần tôi hạnh phúc thực sự. Vùng vẫy trong mớ mâu thuẫn đó, tôi cảm thấy càng ngày tôi càng chết chìm thêm một tí. Tôi không còn sức khống chế được tình cảm của mình. Có thể, bởi anh là một người tư vấn tâm lý, nên tôi cũng chỉ là một “bệnh nhân”của anh. Chưa bao giờ anh coi tôi là bạn. Phải như vậy chăng?
Tôi gọi điện thọai để nói tạm biệt với anh. Ngay cả khi nhìn bình nước gội đầu tôi cũng nghĩ đến anh.
Thi hết cấp đã xong; tôi viết thư cho nhiều người bạn thời bấy giờ, rồi đốt nhật ký, và dự định bắt đầu cuộc sống lại từ đầu. Tôi chắc rằng chẳng có mấy ai tốt nghiệp lại ghét cay ghét đắng cái năm lớp chín như tôi. Nói tóm lại, đó là một năm kinh tởm. Tôi đã tưởng cái ngày tốt nghiệp sẽ chẳng bao giờ đến, và nếu bị tra tấn thì cách mà tôi ngán ngẩm nhất chính là phải hâm lại tất cả những gì đã diễn ra. Những ngày đó đã qua, và tôi chẳng thiết gì đến việc hồi tưởng lại chúng.
Một gián điệp hay một thích khách chẳng nên có quá khứ cũng như tương lai, ví thế họ có thể biến mất trong khỏanh khắc. Sát thủ Lê Minh trong bộ phim Thiên thần gục ngã vẫn có một người bạn học cùng tiểu học, và điều đó đã hủy họai anh ta. Cho dù tôi không phải là gián điệp hay thích khách, nhưng đó lại là hai nghề tôi thích nhất, bởi lẽ tất cả bọn họ đều gắn chặt với sự bí hiểm, thông tụê, với lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Tôi chẳng phủ nhận rằng tôi rất ưa những trò mạo hiểm.
Tôi đã không thi vào trung học bởi vì tôi đã lựa chọn Trung học Bắc Kinh Số Hai như là nguyện vọng thứ nhất, một điển hình của việc đặt mục tiêu quá xa vời. Dù sao thì cũng chẳng có gì khác biệt, bởi những mơ tưởng của tôi đều nằm ngòai tầm với, và trong tôi là cả một mớ bòng bong. Nếu mà tôi lại có may mắn được bước chân trên nền đất tường Sư phạm một lần nữa, tôi sẽ cảm thấy thế nào? Có lẽ tôi sẽ lại nghĩ về việc mình đã cảm thấy hạnh phúc và tự hào một cách kỳ cục ra sao khi tham gia kỳ thi tuyển sinh sớm. Lúc bấy giờ là mùa xuân, vườn trường đầy những hoa tường vi, hương thơm thoang thỏang; những tán cây, những thảm cỏ,… một cảm giác ngưng đọng của thời gian.
Tôi được nhận vào một trường học nghề, gần bên cạnh Di Hòa Viên. Cách cửa tây trường Bắc Đại chừng năm phút đạp xe. Cũng chẳng cách xa siêu thị sách Hải Định. Lý do chính để tôi ghi tên vào trường này vì nó ở gần Bắc Đại, ngôi trường đại học đã hút mất hồn tôi. Thêm một nguyên nhân nữa là tên trường có chữ “Tây”, tôi thích vậy bởi trước đây ở trường Bắc Đại đã có một thi sĩ tên là Tây Xuyên [dòng sông miền Tây]. Làm sao mà tôi có thể biết được là tôi vừa thóat khỏi hang sói chỉ để rơi vào miệng cọp?
Chương 2: Kết bạn
Có một bức thư cho tôi ở dưới lầu, trong phòng thường trực. Tôi xem dấu bưu cục thì biết thư gửi trong thành phố và đề tên người nhận là “Xuân Thụ”. Điều đó thật lạ - có người nào lại gọi tôi bằng cái tên đó? Tôi dùng cái tên này trong vài lần đi phỏng vấn cho các tạp chí âm nhạc và cũng không hề để lại địa chỉ. Chợt tôi nhớ ra: trong khi tôi phát ngấy lên trong thời gian học lớp chín, tôi đã gửi một thông báo “Tìm Bạn” cho một tạp chí âm nhạc, và chắc là họ đã đăng nó lên. Việc này đã xảy ra được gần một năm trước! Tôi mở phong bì, quả nhiên là vậy. Anh ta nói là đã đọc thông báo của tôi và muốn làm quen xem có thể kết bạn hay không. Anh ta xưng là Lý Kỳ, hiện là sinh viên hội họa ở Bắc Kinh. Anh ta nói nếu tôi có thời gian xin mời đến chơi chỗ anh ta. Cuối thư anh ta còn viết thêm một câu rất nghiêm túc, rằng anh ta hy vọng tôi có thể là “một người tiên phong trẻ kiểu mẫu”.
Tôi nghĩ lại đến đọan thông báo tôi đã gửi. Tôi nghĩ tôi đã viết rằng tôi thích U2, Hứa Ngụy, Nirvana, Kafka và cả máy tính. Vào khi đó, nói đến Nirvana còn chứng tỏ anh là tay sành điệu chứ chưa phải cũ mèm như bây giờ.
Rất vui, tôi viết thư trả lời và gửi bưu điện ngay, nhưng bức thư trả lời của anh ta mãi mới thấy đến tôi. Phải hai tuần sau nó mới tới. Anh ta nói anh ta mới trở lại sau khi về quê ở Sơn Đông.
Rồi một hôm chuông điện thọai reo, và người bên kia đầu dây nói muốn gặp “Xuân Thụ”.
“Tôi đây”, tôi nói.
“Ôi…” Anh ta thốt lên vẻ ngạc nhiên. “Tôi cứ tưởng bạn là một chàng trai!”
Chúng tôi hẹn nhau một ngày tôi sẽ đến gặp anh.
“Em sẽ đến sớm đấy!”, tôi nói thêm, dù tôi biết rất có thể tôi sẽ đến muộn.
Đó là một buổi sớm thứ bảy mù sương khi tôi lên tàu đến đầm Tích Thủy. Anh nói mình là sinh viên ở Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn, và chúng tôi đồng ý gặp nhau ở ngay cửa chính. Tôi nhìn kim đồng hồ và thấy rằng tôi đã đến chậm tới mười phút, và thế tôi bước tới, với cảm giác vừa vụng về vừa hối lỗi. Một người đã đứng tựa lưng vào thân cây ở cạnh cổng học viện đang nhìn tôi vượt qua đường, nên tôi rảo bước một chút. “Tôi là Xuân Thụ”, tôi nói. Anh chìa tay ra và chúng tôi cùng bắt tay. Rồi chúng tôi quay đi và cùng cất bước. Có cái gì đó ngượng ngập. Anh chẳng có gì giống tôi tưởng tượng. Tóc anh hơi dài, và nom anh ra dáng một văn nhân đang gặp vận rủi. Anh mặc áo da, da anh rất là trắng, và anh gầy nhom nhom. Tôi cho rằng tôi cũng chẳng giống người mà anh tưởng tượng.
Anh dẫn tôi vào một ngõ hẻm đối diện với một quán băng đĩa nhạc và video cách trường anh không xa. Anh ở trong một căn phòng cho thuê trong một khu chung cư nhỏ nhỏ nhưng có hình tứ giác đậm chất chất Bắc Kinh, không phải lọai chỗ ở mà tôi quen thuộc. Tôi thích những tòa nhà cao, những chỗ thóang đãng, rực nắng.
Tôi cẩn thận bước chân vào phòng anh. Căn phòng hầu như chỉ đủ rộng để chứa một chiếc giường. Trên một bức tường xếp cứng những chiếc băng cassette. Tôi ngườiồi xuống bên mép giường của anh, và chúng tôi nói chuyện này chuyện kia. Anh có vẻ căng thẳng. Căn phòng tăm tối, ẩm thấp, và lạnh lẽo. Lý Kỳ đứng dậy và rót cho tôi một cốc nước. Có một ít ánh nắng mặt trời chiếu vào phòng qua cửa sổ. Thế rồi một buổi sáng hết sức bình thường, chẳng đặc biệt tí nào đã bắt đầu có gì sai lạc, cả tâm trạng và hòan cảnh đều như đang chuyếnh chóang, và tôi nhận thấy rằng mọi thứ đã vượt ra ngòai sự khống chế của tôi. Hoặc có thể chính tôi cũng muốn biết điều gì nữa có thể xảy ra, liệu có dẫn đến hậu quả chết người không. Như tôi đã nói, tôi rất ưa đùa giỡn với mạo hiểm. Vào lúc đó, tôi không hề ý thức được điều gì đang xảy ra với tôi, và tất cả mọi thứ diễn ra rất nhanh, quá nhanh để tôi có thể kịp phanh lại. Như thể là tôi đột nhiên chui vào một bức tranh phong cảnh, và hòan tòan ngơ ngác lạc điệu với khung cảnh xung quanh. Tôi nghĩ Lý đang nói điều gì đó, nhưng vì anh lại đối diện với bức tường, tôi chỉ có thể nghe được bập bõm rằng con người ta nên lắng nghe chính khát vọng sâu xa trong lòng mình, rằng phải thành thật với cái này hay cái gì đó, sau đó là im lặng. Tôi không còn nhớ mình đã nói hoặc làm gì sau đó, nhưng rõ ràng là tôi đã làm gì đó kích động anh, vì anh đã quàng tay ôm lấy người tôi. Anh cởi giầy tôi. Tôi đi bít tất trắng có viền thêu. Chúng tôi cứ ở yên như thế, tay người này ôm lấy người kia, được một lúc thì Lý đứng dậy nói một cách đắc thắng, “Ở đây một lúc, để anh đi lấy cái chăn phơi ngòai kia vào đã”. Anh bước đi ra ngòai và nhanh chóng trở vào với cái chăn. Chúng tôi nằm xuống giường và bắt đầu hôn nhau. Mọi thứ xảy ra như trong mơ.
***
“Máu”, tôi nói với anh.
“A…”, anh lấy giấy vệ sinh lau sạch, rồi tiện tay vứt luôn xuống đất. “Em bao nhiêu tuổi?”, anh hỏi, hệt như là nghĩ được gì thì nói đó.
“Mười sáu”, tôi nói dối. Không nói một lời, anh châm một điếu thuốc. Anh trông có vẻ mệt mỏi.
“Anh có bạn gái không?”, tôi hỏi một cách ngẫu nhiên.
“Có.”
Điều đó làm tôi xây xẩm.
Anh nói tên người bạn gái đó là Thái Vân. Từ đó về sau, anh không bao giờ nhắc đến tên cô gái đó mà không nói cô ta là bạn gái của mình. Ví dụ như “bạn gái của anh thế này” hoặc “bạn gái của anh thế nọ”.
Cùng một lúc, tôi vừa chóang váng lại vừa tỉnh táo như thường. Tôi không biết phải mô tả ra sao những gì tôi nghĩ, như khi tôi hắng giọng, tôi nhận ra rằng thậm chí là chẳng có gì đáng nói cả. Lý chẳng có khao khát thật sự được ở cùng tôi; chưa bao giờ trong anh lại nảy ra cái ý rằngi có thể là một người cũng có những suy nghĩ độc lập của chính mình và có nhu cầu biểu lộ chúng.
Vào buổi trưa chúng tôi ra ngòai quán ăn bánh hấp và vằn thắn. Tôi không hiểu liệu có phải Lý đã tập thành một thói quen trong nhiều năm hay không, song anh hầu như chỉ ăn rất ít.
Một ngày trôi qua thật nhanh. Chúng tôi trở lại chỗ ở của anh sau khi ăn, tay tôi nắm tay anh một cách tự nhiên, cảm thấy rằng bởi chúng tôi đã đi đến mức thế này, thì làm như vậy cũng là điều tự nhiên. Nhưng anh ta hơi cau mày nhăn nhó, vì vậy tôi vội buông tay ra, ngượng ngùng. Và một trạng thái khó xử. “Anh có biết rằng”, tôi nói để xóa bỏ cảm giác lúng túng, “em đã từng thuộc được bài thơ Trường Hận ca không? Em có quên một vài câu, nhưng em vẫn còn nhớ được hầu hết…”
Trên đường trở lại ga tàu điện, tôi thả bộ trên những con phố chạng vạng lúc xẩm tối, ánh mặt trời yếu ớt lập lòa trên mặt tôi và mái tóc tôi. Một người bán hàng ngồi chồm hổm trên lối vào ga với một chậu lớn đầy những hoa, trong đó có những lọai tôi thích nhất – hoa hồng và hoa loa kèn. Bây giờ đã là cuối tháng Mười, đây là những thứ tươi mát, lộng lẫy cuối cùng còn sót lại ở Bắc Kinh.
Anh đã gọi lại sau khi tôi về đến nhà. Tôi không nhớ nổi anh đã nói những gì, nhưng sự lo lắng trong giọng nói anh mách bảo với tôi rằng anh sợ rằng tôi sẽ tố cáo anh ra tòa, và anh sẽ phải vào tù. Đúng vậy đấy.
Chương 3: Lý Kỳ
Anh ta nói với tôi tên anh là Lý Kỳ. Người Sơn Đông. Nguyên tên là Lý Tiểu Lai. Học tại Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn. Thích văn học, hội họa, âm nhạc, đã từng lập ra một ban nhạc tên là “Ruột thừa” (với ý là một cái gì đó thừa ra, vô dụng), đã từng biểu diễn ở vài nơi.
Tôi biết rằng những thứ trên đây đọc chẳng khác gì một thông báo tìm người mất tích. Nhưng tôi nghĩ cách tốt nhất là giới thiệu anh càng sát thực càng tốt.
Anh có một cô bạn gái, người cùng thôn; anh đã cho tôi xem ảnh cô bạn gái đó một lần, chẳng có gì đặc biệt, nhưng gây ấn tượng đó là một người biết phải sống như thế nào. Anh cũng cho tôi xem những tấm ảnh họ chụp chung, cả hai đều tươi cười, mà Lý Kỳ trông rất trẻ con, với vẻ dễ mến của một đứa trẻ hư đang nũng nịu với vú nuôi của nó, khiến cho cô bạn gái của anh ta càng có vẻ nghiêm nghị. Một trong số các tấm ảnh đã bị đốt cháy mất một phần, điều tôi có thể thấy rõ từ các vệt đen; phần bị đốt mất chắc phải là hậu quả của một thảm kịch hoặc một xung đột nào đó. Anh nói mối tình giữa họ đã chết. Anh không nói là anh đã từng yêu cô ta, anh chỉ nói, “Anh có thể làm gì được? Anh không thể rời bỏ cô ấy”, bởi vì cô ta đã định tự sát không dưới một lần, và còn nói với anh rằng nếu anh còn quan hệ với người khác hoặc bỏ cô thì cô ta sẽ tự tử. Giọng điệu của anh tỏ vẻ chấp nhận số phận. Với tôi, sự cùng quẫn của cô ta là hạ tiện, nhưng anh lại bảo đó là một mối quan hệ đã bị hỏng, không thương yêu nữa nhưng vẫn vật vã với ý tưởng chấm hết “tình yêu”. Làm thế nào mà một người theo chủ nghĩa hòan mỹ như tôi lại có thể chấp nhận được điều đó?
Lý Kỳ cũng thường xuyên làm thơ. Đó là vào mùa đông năm 1998, khi anh còn chưa thành danh, và hầu bao thường xuyên ở trong tình trạng tệ hại. Phần lớn những bữa ăn trưa, anh thường phải trông vào lòng tốt của người lớp trưởng, mua hộ một bát cơm, rồi lại ăn ké vào phần thức rau và thịt của một người bạn khác. Tiền không có, còn làm gì được. Anh suy sụp. Đó là lý do tại sao thỉnh thỏang anh vẫn có ý định tự sát. Anh một lần nói với tôi rằng anh đã viết xong một bài thơ và muốn đọc chúng cho tôi nghe. Anh thật sự hãnh diện về một bài trong số đó. Bài đó hình như là, “Một con chim bay đến và đậu lại trên ngón tay ta…”, tiếp đến là gì gì đó, cho đến câu cuối cùng thì là, “Con chim thứ ba bay đến làm ta vui mừng.” (Ha, không biết tôi nhớ có nhầm không, đã lâu lắm rồi!). Anh hỏi tôi thấy thế nào, nhưng thật kỳ lạ, tôi chưa bao giờ quan tâm lắm đến thơ của anh. Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa rõ điều gì đã thu hút tôi đến với anh. Có thể chẳng là gì cả. Nhưng có ngày nào mà không phải một giấc mộng.
***
Một tối Chủ nhật tôi nói với Quả Đống bạn tôi rằng tôi muốn gặp anh ta. Lúc này anh ấy đang làm biên tập viên của tờ Đời sống Âm nhạc. Chúng tôi hẹn gặp nhau trước cơ quan của anh ở cổng Phụ Thành, và tôi đến nơi giữa lúc nửa buổi của một chiều rực rỡ, khi không khí thực mát mẻ, thanh sạch. Quả Đống đang dựa vào bờ tường bao quanh cơ quan anh và chờ tôi. Tôi mặc bộ quần áo hồng bình thường; anh mặc áo jacket xám và quần jean xanh. Tóc anh cắt ngắn, tựa như một thiếu niên ngây thơ chưa tường thế sự. Tôi chạy tới, và hai chúng tôi cùng dạo bước về phía quảng trường Thiên An Môn. Đối với chúng tôi, đó là một chốn thiêng liêng. Lúc này các cửa hàng giải khát hai bên đường đã bật đèn, bầu trời gần như xanh trong, còn lòng tôi lại trăn trở tan nát. Điều vừa xảy ra giữa Lý Kỳ và tôi vào đêm hôm trước vẫn còn in dấu trong đầu tôi, và tôi bị bóp nghẹt bởi một trạng thái mà ngay hiểu được tôi cũng cón không thể, nói gì đến việc mô tả. Điều đó thật tệ hại đến nỗi tôi cảm thấy ngột ngạt khó thở, đầu óc đờ đẫn.
Tôi quyết tâm vào đề. “Quả Đống, em có chuyện muốn nói với anh.”
Quả Đống tỏ vẻ bối rối. Mặt tôi tái nhợt đi khi tôi nói với anh chuyện mà Lý Kỳ và tôi đã làm, từ đầu đến cuối. Anh đã kinh ngạc y như tôi đóan, anh vừa nghe tôi nói vừa tỏ vẻ bồn chồn. Rồi anh nói với tôi rằng anh vẫn còn trong trắng. Có thể vì thấy tôi chân thành, nên anh cũng muốn thổ lộ. Anh nói rằng anh đã phải lòng một cô gái, một nữ hộ lý xinh xắn chừng mười sau hoặc mười bảy tuổi, và cô gái cũng thích anh, cho dù anh chưa thổ lộ với cô tình cảm của mình. “Vì cô ấy còn quá trẻ,” anh vừa nói vừa cúi đầu. “Anh không muốn làm điều gì thương tổn đến cô ấy”. Lúc ấy chúng tôi đã đi đến đại lộ Trường An, và tôi nhận ra rằng nói chuyện với Quả Đống vẫn chẳng hề khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi hiểu rằng điều tôi thật sự mong muốn là nói chuyện với Lý Kỳ, rằng lòng tôi đang cảm thấy trống trải. Hiển nhiên là những gì đã xảy ra là một sự việc ghê gớm đối với tôi, nhưng chẳng một ai có để mà nghe đìều tôi muốn thổ lộ.
Tôi đến lớp học vào thứ hai như thường lệ. Vẫn là con đường ấy, nhưng không khí hình như đã đổi khác. Lòng tôi trĩu nặng, cùng lúc có một thứ gì đó không thể cưỡng được đang làm rối lọan đầu óc tôi. Cái tên Lý Kỳ đã chen vào trong ý thức tôi, và điều đó xảy ra nhanh đến nỗi tôi chẳng có thời gian để mà điều chỉnh. Có cái gì đó ở mãi đáy sâu khiến tôi như ngồi trên lửa đốt, và tôi chẳng thể nào tập trung được vào bất cứ thứ gì đang diễn ra xung quanh, và tôi cũng bất lực không xua nổi những gì đã diễn ra ra khỏi tâm trí, nơi đang đầy ắp những ý tưởng điên rồ, lẫn lộn. Và chúng còn trở nên tệ hại hơn nữa.
Tôi sợ rằng những xúc cảm và trạng thái tâm hồn hỗn lọan mà Lam Thảo đã khuấy động trong tôi hồi lớp chín sẽ lại xuất hiện. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất mà tôi thấy chẳng khác nào cái cảm giác chóang váng khi bạn hít phải khói thuốc, ánh sáng mặt trời, nỗi khủng khiếp chói lòa. Tôi thật sự bàng hòang, run rẩy.
Tôi đi gặp Lý Kỳ vào thứ bảy. Trong lúc cả hai cùng nằm trên giường, anh nói với tôi rằng cô bạn gái cũ hôm qua đã đến gặp anh.
“Đó là Thái Vân ư?” tôi lo lắng hỏi.
“Không phải, một người khác.” Anh châm một điếu thuốc lá, rít một hơi rồi tiếp tục: “Cô ấy đến trường tìm anh. Cô ta gọi anh là Tiểu Lai. Em có nhớ anh đã nói với em rằng trước đây anh đã mang cái tên Lý Tiểu Lai không? Cô ấy đến vào buổi trưa, khi anh không có ở đó, vì vậy lớp trưởng đã chỉ cho cô ấy nơi anh ở. Cô ấy đã đến gặp anh vào tối hôm đó.”
Tôi im lặng lắng nghe không nói một lời. Anh liếc nhìn tôi. “Chỗ này chẳng ấm áp chút nào, em biết đấy, nên anh quyết định dẫn cô ấy đến qua đêm chỗ lớp trưởng.”
“Thế anh ta thì sao?”
“Anh ta đến đây ngủ.”
“Hai người có làm tình với nhau?”
“Dĩ nhiên.” Anh ta có vẻ thực sự ngạc nhiên khi tôi còn hỏi câu đó.
“Sao lại thế?”
“Cô ấy đã cất công đến thăm anh, thật là tội nghiệp, vì thế anh phải làm cho cô ấy cảm thấy được an ủi…”
“Anh cho rằng cách đó khiến cô ta cảm thấy được an ủi?”
“À, anh không muốn làm cô ấy buồn khổ.”
“Thế anh…”
“Cô ấy đã cất công đến thăm anh, đi xa vất vả như vậy, hỏi thăm mãi để đến chỗ của anh. Anh không biết bây giờ cô ấy làm gì… có thể cô ấy là gái làm tiền.”
Trong lúc chúng tôi nằm trên giường, Lý lại châm một điếu thuốc nữa, một vẻ buồn buồn hiện trên mặt anh. Tôi nghĩ đến những tâm sự của mình.
“Anh yêu em không?” tôi hỏi anh.
“Không.” Anh ta nói không chút do dự. “Anh chẳng yêu ai cả.”
Hỡi trời! Trái tim thiếu nữ của tôi! Nước mắt tôi cứ trào ra. Anh ta thẳng thắn đến vậy, trung thực đến vậy, nhưng đó chẳng phải là điều tôi muốn nghe. Cái đèn bàn tỏa ra một thứ ánh sáng vàng câm lặng. Những cái bìa cứng của những album nhạc, những cuốn sách triết học Lý xếp ở phía giường tôi nằm chọc mãi vào người tôi, nhưng tôi cố giữ mình không động đậy, mà im lặng, mặc cho nước mắt tuôn trào.
“Anh xin lỗi.” Lý nói.
“Đừng nói nữa.” Tôi cố ngừng khóc, nhưng chẳng ăn thua gì, và tôi chỉ nằm đó và lau đi dòng nước mắt đau khổ.
***
Tối hôm sau, lúc nói chuyện với Tử Dư, người bạn rất tốt của tôi, tôi quyết định hỏi cậu ấy xem có đi cùng với tôi để gặp một người hay không. Tôi không muốn đi một mình. Cậu ta do dự, và tôi nghĩ cậu ta có thể đã lờ mờ đóan tất cả những chuyện này là thế nào. Nhưng một lúc sau cậu ta nói, “Được rồi, chúng ta đi đứng thế nào đây?”
“Đi tàu điện. Đến Tĩch Thủy.”
Chúng tôi chẳng hề nói năng gì trên đường đến ga tàu điện ngầm. Tử Dư là một người biết những câu hỏi nào thì không nên hỏi. Chúng tôi giữ một khỏang cách dễ chịu trong quan hệ, trong sáng và rõ ràng, như nước tinh khiết vậy, cho dù lúc này hay lúc khác tôi thành thật ước muốn cậu ta hỏi tôi một điều gì đó riêng tư.
Khi chúng tôi rời ga tàu điện ngầm, tôi dặn Tử Dư rằng nếu Lý Kỳ có ở nhà thì cậu ấy không cần phải quanh quẩn ở đó. Còn nếu Lý đi vắng, thì cậu ấy và tôi có thể cùng quay về.
Tử Dư nói được.
Cậu ấy luôn luôn nói được, bất kể tôi đòi hỏi cái gì. Kể cả những yêu cầu vô lý. Tôi đã nói rồi, cậu ấy là một người bạn tốt.
Tôi nói cậu ấy đợi ở ngòai khu nhà tập thể của Lý. “Nếu quá năm phút không thấy tớ ra thì cậu cứ về trước.”
“Đây, tớ có cái này cho cậu.” Tử Dư đưa cho tôi một tờ giấy gấp. Cậu ta trông chẳng có gì là khác thường, vẫn điềm tĩnh và vô tư, ngọai trừ một chút khích động hoặc thậm chí có thể là đau khổ trên khuôn mặt. “Đừng mở ra vội, hãy chờ sau khi tớ đi khỏi đây đã,” cậu ta nói, nhịp thở nhanh dồn dập. Tôi nhìn thấy nụ cười đầy răng của cậu ta trong bóng tối.
“Ô kê.” Tôi cầm lấy tờ giấy, vẫn còn âm ẩm từ bàn tay đẫm mồ hôi của cậu ta. “Đợi năm phút. Nếu tớ không ra, cậu cứ việc đi.”
Tôi bước vào sân chung cư. Có một cái khóa trên cửa phòng của Lý Kỳ. Thất vọng và lo lắng tràn ngập lòng tôi.
Tử Dư ngạc nhiên nhìn thấy tôi quay trở ra. “Chuyện gì vậy? Không có ở nhà ư?”
“Không, thế mới là lạ,” tôi nói. “Cậu thử nghĩ xem anh ta giờ này có thể đi đâu?”
“Tại sao chúng ta không chờ một lúc xem sao?” Tử Dư gợi ý.
“Cứ như vậy nhé.” Tôi vẫn nhưngắm chặt tờ giấy còn chưa mở và tựa vào tường. Những vệt sáng mỏng mảnh màu da cam từ đèn đường trượt qua những tán cây đầy bóng tối. Chừng một phần tư giờ sau, chúng tôi nhìn thấy bóng của hai người đang bước về phía chúng tôi.
“Có phải em là Xuân Thụ không?” Trưởng lớp của Lý Kỳ nhìn thấy tôi trước. Tôi bước tới.
“Xin chào.”
“Em đến có chuyện gì?” Lý hỏi tôi.
“Em chỉ cảm thấy muốn đến thăm anh.”
“Thôi, tớ đi đây,” Tử Dư nói, liếc nhìn tôi rồi bước đi. Áo trắng của cậu ấy bừng lên dưới ánh đèn.
Còn lại chúng tôi bước vào phòng của Lý. Tôi đã thở thật sâu để hít ngửi mùi vị của căn phòng, tôi gắng hít thở nhiều không khí ở đây. Mới chỉ có một ngày tôi chưa được gặp mặt anh nhưng lúc ấy tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ chẳng bao giờ rời bỏ anh, vì bất cứ thứ gì.
Sau một lúc, lớp trưởng của Lý nói tạm biệt, để lại hai chúng tôi ngồi đối diện với nhau.
“Em đến có chuyện gì?” Lý lại hỏi.
Tôi cười, nhưng không trả lời.
Rồi một lần nữa, tôi lại ngoan ngõan nằm dưới anh, trần truồng, tôi lại nhận ra rằng hai chúng tôi phải làm chuyện này cho đến cùng.
Rã rời, chúng tôi cùng ngủ lịm đi. Vào chừng khỏang mười một giờ đêm, anh đánh thức tôi. “Xuân Thụ, anh xin lỗi, nhưng bây giờ thì em phải về đi.” Tôi trèo ra khỏi giường và mặc quần áo, và anh đi cùng tôi đến ga tàu điện ngầm. Anh vẫy chào tôi từ phía trên, tôi vẫy lại, rồi anh quay người và đi khỏi.
Nhưng khi tôi đến quầy vé, người bán vé trả lời tôi rằng chuyến tàu cuối cùng đã rời khỏi đây khỏang chừng một phút trước. “****!” Tôi rủa thầm trong bụng, sau đó thì chạy đuổi theo Lý Kỳ. Anh đang lững thững đi phía trước, tay xách túi ni lông trong có hai quả táo anh vừa mua. Tôi nhanh chóng đuổi kịp anh. “Này!” Tôi bổ đến, bám vào vai anh.
“Anh tưởng em đã đi rồi chứ.” Tôi nhận thấy anh ngạc nhiên một cách dễ chịu.
“Em đến thì chuyến tàu cuối đã chạy rồi,” tôi nói.
“Làm thế nào bây giờ? Mai em còn phải đi học. Anh sẽ lấy xe đèo em về.” Anh cười.
“Không cần đâu.”
Để anh lấy xe đưa tôi về co nghĩa là tôi mắc nợ anh, và tôi không muốn như thế. Cứ thế này tốt hơn, không ai nợ ai cái gì.
Vậy là chúng tôi trở về phòng của anh và ăn táo. Trong khi gọt táo bằng một con dao, anh nói một cách lạnh lùng, “Quay lại thế này là em đã trực tiếp làm tổn hại đến kinh tế của anh.”
“Ý anh muốn nhắc đến táo?”
“Đúng vậy.” Giọng Lý không có vẻ gì là đùa cợt.
“Bố khỉ! Anh không có ý ấy chứ,” tôi nói vui vẻ.
Trước lúc đi ngủ, tôi mở xem tờ giấy đầy bụi bẩn mà Tử Dư đã đưa cho. Tử Dư đã viết những dòng sau bằng nét chữ thanh nhã, nắn nót của cậu ấy: “Đêm nay nhất định có một thảm kịch. Trên đường trở về, sẽ có một vụ nổ trên đường tàu điện ngầm, và tôi sẽ là người duy nhất sống sót. Ha ha, vĩnh biệt mãi mãi!”
Đêm hôm đó tôi nằm trằn trọc ngủ không đẫy giấc. Chúng tôi không làm tình thêm lần nữa. Thực tế, chúng tôi hầu như không chạm vào nhau, và người này càng dịch ra mép giường cách xa người kia càng tốt. Đều cùng chán. Chúng tôi đã mất hứng thú với nhau. Với tôi, còn có thực tế kinh khủng là tôi đã ra ngòai chơi bời suốt cả đêm, cộng với áp lực phải dậy sớm vào hôm sau để đến trường, điều đó khiến tôi lo lắng. Tôi đã khao khát được ở cả một đêm với Lý Kỳ, nhưng giờ đây khi tôi đã có cơ hội, cảm giác ham muốn anh đã bay đi đâu mất. Tại sao đột nhiên tôi chẳng còn thấy tí chút tình yêu nào đối với anh? Kỳ lạ. Tôi cứ nằm đó ngẫm ngợi những ý nghĩ điên khùng ấy. Lại còn Tử Dư nữa – cậu ta đã phải biết điều gì đang xảy ra giữa tôi và Lý Kỳ, và tôi tự hỏi không biết cậu ấy cảm thấy ra sao trong chuyện này. Buồn? Lo lắng cho tôi? Có thật chúng ta chỉ là bạn bè “tốt” hàng ngày mà thôi? Ngày mai tôi biết nói với mẹ thế nào? Đêm qua con đã…tôi thở gấp gáp, dồn dập, miệng tôi khô khốc, tôi trằn trọc, lật qua lật lại suốt cả đêm. Không một giấc mơ. Đây là một trong những đêm dài nhất của đời tôi.
Tôi lên chuyến tàu điện ngầm đầu tiên vào sáng hôm sau và đi thẳng về nhà. Khi mẹ tôi nghe thấy tiếng khóa mở cửa, bà chạy vào phòng khách vừa đúng lúc nhìn thấy tôi bước vào, chuẩn bị sẵn một vẻ hối lỗi, với mặt mũi bẩn thỉu, tóc tai bơ phờ. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi không ngủ ở nhà mà ở ngòai cả đêm, và cơn giận của mẹ ngay lập tức bốc lên ngùn ngụt, mẹ mắng mỏ tôi té tát.
“Mẹ im đi được rồi đấy, con nghe đủ lắm rồi,” tôi cãi lại. “Con mệt lắm rồi, và con cần hai mươi tệ để đi taxi đến trường. Sắp muộn học mất rồi.” Tôi chìa tay ra.
Mẹ tôi đờ người ra mất một lúc, rồi lấy hai mươi tệ ở trong ví ra đưa cho tôi rồi về phòng ngủ tiếp, vừa đi vừa rủa xả tiếp. Tôi chắc đã phải làm mẹ thất vọng lắm, nhưng tôi đã quá mệt mỏiko sức đâu mà để ý đến điều đó.
Nguồn: diendan.game.go.vn