Chương 11: Tình như tình đầu
Để tiếp cận Trác Thanh Liên, Triều Nhan đã dốc toàn lực tính kế.
Trước tiên thông qua ông bố thị trưởng của Đào Chính Kiệt, cô nhanh chóng thay thế vị trí của Thẩm Gia Kỳ, trở thành MC của chương trình "Thế giới doanh nhân", tiếp đến tác động giám đốc đài, tổ chức một buổi phỏng vấn Trác Thanh Liên, lấy lý do là chương trình kỳ trước đạt tỷ lệ người xem rất cao, xô đổ những kỷ lục được lập ra trước đây của nhà đài.Thế nhưng, đối phương lại từ chối phỏng vấn. Triều Nhan gọi điện cả trăm lần, đều chỉ gặp trợ lý đặc biệt của Trác Thanh Liên, một giọng nữ ngọt ngào điềm đạm cất lên, lễ phép: "Rất lấy làm tiếc, giám đốc Trác của chúng tôi từ trước đến nay không nhận lời phỏng vấn của giới truyền thông".
"Vậy sao lần trước anh ta lại tham gia chương trình của chúng tôi?", Triều Nhan thẳng thừng, không úp mở.
"Đó là do yêu cầu quảng bá của công ty", người trợ lý lãnh đạm trả lời, "Gần đây Trác Thị giành được một lô đất ở Thành Nam, hiện đang chuẩn bị xây dựng một khu vui chơi quy mô lớn".
Triều Nhan tỉ mẫn xem đi xem lại chương trình hôm đó, quả đúng Trác Thanh Liên trong khi phỏng vấn có đôi ba lần nhắc tới, đây cũng là dự án trọng điểm quy hoạch xây dựng thành phố của nhà nước trong năm nay. Trùng hợp làm sao, vùng đất đó cũng là nơi Triều Nhan trải qua thời thơ ấu, ngõ Tử Trúc.
Nhắc tới ngõ Tử Trúc, Triều Nhan không có chúc thiện cảm nào, thậm chí còn cố gắng xóa đi đoạn hồi ức ấy. Không ai tưởng tượng được rằng, cô phát thanh viên xinh đẹp nhất đài truyền hình thành phố C, lại sinh ra ở con hẻm cũ kỹ bẩn thỉu ấy.
Lúc ấy, cô đang học tiểu học, nhờ xinh xắn ngoan ngoãn lại thêm thành tích nổi trội, cô được thầy cô cưng chiều, bạn bè ngưỡng mộ. Điều duy nhất khiến cô cảm thấy tự ti là phải sống trong chốn hang cùng ngõ hẻm. Triều Nhan chưa bao giờ mời bạn đến nhà chơi. Thỉnh thoảng cô cười và nói với mọi người, rằng mình sống trong tòa nhà 5 tầng rộng rãi sáng sủa, có phòng ngủ riêng hướng về phía mặt trời, và còn được bài trí vô cùng trang nhã, thoải mái.
Thực tế là, cô và em gái Tịch Nhan ở chung một phòng, hoàn cảnh gia đình chỉ là tạm no ấm. Bố cô chỉ là anh nhân viên quèn, không đủ điều kiện để được đơn vị phân nhà, cả gia đình bốn người chen chúc trong căn nhà cũ kĩ bà ngoại để lại ở ngõ Tử Trúc. Trước cửa nhà là rãnh nước bốc mùi hôi thối, những con chuột cống to đùng nhảy nhót trên đám rác nổi lềnh bềnh, cầu thang gỗ hẹp bao năm không ai tu sửa, mỗi bước chân lại phát ra tiếng kêu cọt kẹt. Và căn gác xếp chật chội thấp lè tè tối om om, ban ngày cũng phải bật điện, một tấm vải bông giặt tới bạc màu che ngăn phòng ngủ với phòng khách.
Mẹ cô là giáo viên trường tiểu học trên phố, vốn cũng là người đoan trang có học thức, sau vì hoàn cảnh khó khăn đâm ra lôi thôi. Cả ngày đầu tóc bù xù, mặt mũi xanh xao, sau dần dần xa vào ham mê mạt chượt. Bà chê chồng thật thà vô dụng, vô cùng bất mãn về cuộc hôn nhân của mình, và còn đem những bất mãn của mình đổ lên đầu Triều Nhan. Bà ngưỡng mộ cuộc sống giàu có phát đạt của người ta, kỳ vọng Triều Nhan sẽ thay mình thực hiện ước mơ đổi đời. Bà nhịn ăn nhịn mặc, dành tiền mua quần áo đẹp cho Triều Nhan, không tiếc tiền cho cô đi học đàn piano, khiêu vũ, thanh nhạc, lễ nghĩa, nhằm đào tạo cô trở thành một thục nữ tiêu chuẩn, trở thành một sinh viên đại học danh tiếng tiền đồ rộng mở.
May thay, những tháng ngày ác mộng đó không quá dài. Năm Triều Nhan mười tuổi, gia đình họ đã rời ngõ Tử Trúc, chuyển đến khu đô thị do nhà nước xây dựng.
Triều Nhan không hiểu, Trác Thanh Liên vì sao lại hứng thú với mảnh đất đó. Theo tiết lộ của Lệ Mạn Lợi, không lâu sau khi anh ta từ Mỹ trở về, liền bắt tay loại bỏ các ý kiến trái chiều, thuyết phục chủ tịch Trác tiến hành dự án này, đồng thời tích cực xúc tiến, tham gia đấu thầu trong thành phố, dốc toàn bộ tinh lực vật lực mới giành được quyền khai thác mảnh đất ở Thành Nam đó.
Chồng của Lệ Mạn Lợi có quan hệ làm ăn với Trác Thanh Liên, cô bảo với Triều Nhan: "Xét trên góc độ kinh doanh, mảnh đất ở Thành Nam mà để phát triển bất động sản thì không có lời, bởi phải tái định cư rất nhiều hộ di dân. Mà theo tiêu chuẩn bồi thường giải phóng mặt bằng giờ cao hơn trước rất nhiều, nhà đầu tư dù chấp nhận đi khai phá mảnh đất nửa thành thị nửa đất hoang ấy, cũng sẽ không phá dỡ thành phố cũ. Hơn nữa, ngõ Tử Trúc hiện có hàng trăm hộ dân đang sinh sống! Có điều, thành phố C hiện vẫn chưa có khu vui chơi quy mô lớn nào, Trác Thanh Liên dám đổ một đống tiền vào đầu tư như thế, nhất định có cái lý của anh ta".
Những năm gần đây, nhà nước không ngừng nỗ lực đẩy mạnh xây dựng thành phố, cải tạo thành phố cũ được xem là trọng điểm của trọng điểm. Một loạt các khu ổ chuột quanh ngõ Tử Trúc cũng sẽ được cải tạo, đối với thành phố C, đây rõ ràng là một đại sự.
Ngày di dời giải phóng mặt bằng ngõ Tử Trúc, tập đoàn Trác Thị cùng ủy ban thành phố phối hợp tổ chức một buổi lễ khởi công nho nhỏ. Đài truyền hình cũng cử phóng viên đến quay phim phỏng vấn. Là giám đốc điều hành của tập đoàn Trác Thị, Trác Thanh Liên không thể không có mặt. Triều Nhan sao có thể bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này? Bất chấp ánh nắng chói chang, cô cùng với phóng viên quay phim Tiểu Nhiếp, cùng xuất hiện tại hiện trường buổi lễ.
Mặt trời rừng rực chiếu rọi trên đầu khiến Triều Nhan hoa mày chóng mặt, lại thêm bụi mù mịt từ mấy cái máy xúc to tổ chảng, khiến cô phải đưa tay bịt mũi. Lớp hóa trang cầu kì xinh đẹp bị mồ hôi túa ra làm lem nhem hết cả, làm cô phải liên tục lôi ra bộ đồ trang điểm trong túi ra dặm lại phấn.
"Trác Thanh Liên sao giờ vẫn chưa tới? Để bao nhiêu quan khách lãnh đạo thành phố đứng đợi một mình anh ta, thật chẳng ra làm sao!"
Tiểu Nhiếp ngó nhìn đồng hồ, đã 9 giờ 5 phút rồi. "Rùa ngoại" học ở Mỹ về thì sao chứ? Vẫn không thay đổi được cái thói lề mề. Hàng nghìn con người chỉ vì anh ta mà phải đứng dưới cái nắng tháng bảy thiêu đốt, mồ hôi vã ra như tắm, đúng khiến người ta khó chịu.
"Anh ta thật quá ngạo mạn", Triều Nhan nhận xét, nếu không cô cũng không phải nhọc công năm lần bảy lượt đến thế, "Có điều, ai bảo Trác Thị là doanh nghiệp lớn nhất thành phố, hàng năm nộp thuế tới quá nửa ngân sách thành phố. Trên phố chẳng phải người ta vẫn kháo nhau, Trác Thị mà hắt xì một cái, cả cái thành phố C này run như cầy sấy đấy thôi!"
"Mẹ nó chứ, tưởng lắm tiền là ghê gớm lắm sao!", Tiểu Nhiếp hậm hực chửi thề.
Đúng là không ăn được nho thì bày đặt chê nho xanh! Triều Nhan nghĩ thầm. Bỗng mọi người xôn xao cả lên, nhao nhao hướng về phía lối vào, mặt tràn đầy vẻ chờ đợi phấn khích: "Đến rồi, đến rồi!"
Triều Nhan đưa mắt nhìn theo đám đông, một chiếc xe Benz màu đen đang từ từ tiến vào. Xe vừa đỗ lại, mấy người đồng phục nhanh chóng bước lên phía trước, cung kính mở cửa: "Giám đốc Trác, xin mời!"
Cô vội đứng thẳng người lên, tim đập mạnh như có ai đó bóp nghẹt. Trác Thanh Liên, ngôi sao mới nổi của giới doanh nhân, rốt cuộc là người đàn ông như thế nào? Câu đố cuối cùng cũng sắp tìm được lời giải rồi.
Anh ta bước xuống xe, sải bước về phía bục chủ tịch, vẫy tay chào các vị lãnh đạo và khách quý, lễ độ chu toàn.
Triều Nhan không nhìn được thẳng mặt anh ta, chỉ thấy dáng người cao lớn rắn rỏi, mặt áo sơ mi cotton màu kem đơn giản, phối với quần màu ghi đậm, vừa thoải mái vừa sang trọng, nổi bật giữa một giàn các ông bụng phệ hói đầu.
Sau cùng, Trác Thanh Liên quay người, hướng về phía đông đảo quần chúng đang đứng dưới lễ đài. Triều Nhan chính thức được diện kiến dung nhan anh, trong lòng không khỏi ngợi khen, dáng vẻ ưa nhìn, người thật thậm chí còn đẹp hơn trong ảnh và trên truyền hình bội phần!
Thật khó để diễn tả vẻ đẹp của anh chàng bằng lời, hay đơn giản có thể mượn câu nói nổi tiếng của "em gái" Châu Tấn: "Anh ta thỏa mãn tất cả những mộng tưởng của phụ nữ về người đàn ông lý tưởng".
Trong bảng tiêu chuẩn của Triều Nhan, đầu tiên đương nhiên là chiều cao, cô không hứng thú gì với mẫu đàn ông kiểu Võ Đại Lang[1]. Trong tài liệu của Thẩm Gia Kỳ đưa cho cô viết rõ, Trác Thanh Liên cao 1m82, đúng chiều cao tiêu chuẩn
đối với nam giới.
[1] Nhân vật trong truyện Thủy Hử, anh trai Võ Tòng, có chiều cao rất khiêm tốn.
Tiếp đến là vóc dáng. Cô không thích mấy anh chàng thư sinh dáng vẻ yếu ớt, cũng không ưa kiểu vai u thịt bắp. Người đàn ông này dáng cao to, rắn rỏi, vai rộng, vòng ba săn chắc, đúng là ma nơ canh bẩm sinh, mặc cái gì cũng đẹp.
Thứ ba là tướng mạo. Anh không thuộc tuýp da trắng môi đỏ, cũng chẳng phải kiểu mắt to mày rậm. Mày tuy có rậm, nhưng mắt không phải là to lắm, đuôi mắt hơi xếch, hẹp dài nhưng gợi cảm. Lại thêm sống mũi cao thẳng, đôi môi vừa phải không dày không mỏng, đẹp trai quá thể.
Thứ tư là khí chất, bước vào thời đại nhan sắc ngày nay, đàn ông có ngoại hình đẹp thì không thiếu, nhưng những người có khí chất hơn người lại không nhiều. Trác Thanh Liên là người đàn ông có chiều sâu, khí chất thậm chí còn nổi trội hơn cả vẻ khôi ngô tuấn tú bên ngoài.
Mặc dù lăn lộn trong chốn thương trường, lại là một đại gia trẻ tuổi, nhưng từ đầu đến chân không vương chút dung tục hay dáng vẻ con buôn thường thấy, ngược lại ngời ngời phong độ của người có học thức. Cặp kính không gọng trên sống mũi, che giấu vẻ sắc sảo mà cuốn hút trong ánh mắt ấy, suốt buổi lễ nhộn nhịp huyên náo, trên môi luôn nở nụ cười điềm tĩnh khiến mọi người xung quanh chỉ còn biết thốt lên bốn chữ: "Ôn nhã tựa ngọc".
Lãnh đạo thành phố và các vị khách quý lần lượt lên phát biểu, ai nấy phát biểu hùng hồn, "mưa xuân" tung tóe, duy chỉ có Trác Thanh Liên từ đầu đến cuối vẫn giữ vẻ trầm tĩnh nho nhã.
Mười một giờ, buổi lễ kết thúc trong tiếng pháo đinh tay nhức óc và những tràn pháo tay nhiệt liệt. Trông thấy Trác Thanh Liên dợm bước về phía bãi đỗ xe, Triều Nhan vội vàng giục Tiểu Nhiếp, đưa mắt ra hiệu: "Mau, mau chặn anh ta lại!"
Không đợi Tiểu Nhiếp kịp phản ứng, cô đã xông lên phía trước, chạy đuổi theo Trác Thanh Liên, gọi lớn: "Giám đốc Trác, xin đợi một chút!"
Trác Thanh Liên nghe tiếng gọi dừng bước, quay người lại, nhìn cô bằng ánh mắt có chút nghi hoặc.
Lúc đó, Tiểu Nhiếp đã bắt kịp, miệng vẫn đang thở phì phò. Triều Nhan nở nụ cười chuyên nghiệp, chìa danh thiếp của mình ra: "Xin chào, giám đốc Trác. Tôi là Đỗ Triều Nhan, MC đài truyền hình thành phố C, tôi muốn thực hiện một bài phỏng vấn ngắn với ngài, không biết có tiện không?"
Trác Thanh Liên cầm tờ danh thiếp, nhìn chằm chằm vài giây, rồi ngẩng đầu, ánh mắt xoáy sâu trên khuôn mặt cô: "Cô đúng là Đỗ Triều Nhan?"
"Vâng". Không hiểu vì sao, ba chữ "Đỗ Triều Nhan" phát ra từ miệng anh ta, thanh âm trầm trầm, lại mang chút từ tính, cực kì êm tay.
"Nghe danh đã lâu!" Trác Thanh Liên thu lại ánh mắt phức tạp, khẽ mỉm cười, cả khuôn mặt bỗng trở nên sinh động: "Cô Đỗ, rất vui được biết cô".
Anh chủ động đưa tay ra, Triều Nhan vội vàng bắt chặt, ngón tay thon dài, một cảm giác êm ái ấm áp bao trùm lấy cô, khiến hai gò má bất giác ửng hồng.
Trước mặt người khác phái, Triều Nhan rất ít khi đỏ mặt. Vậy mà người đàn ông đứng đối diện này lại khiến cô đỏ mặt e thẹn như cô gái ngây thơ mới chập chững yêu lần đầu, trống ngực đánh thình thịch.
Lần đầu tiên gặp Tô Hàng, cũng là cái cảm giác này.
Năm ấy, cô mới là sinh viên năm nhất, tại góc quẹo hành lang văn phòng hội sinh viên, gặp cậu con trai tay ôm quả bóng rổ, không sớm một bước không chậm một chân, chạm trán với cậu ta.
Cùng lúc ngẩng đầu lên, không hẹn mà khuôn mặt cả hai đều ửng đỏ. Chính trong khoảnh khắc đó, cô đã biết thế nào là yêu.
Có người nói, gặp đúng người vào đúng lúc, rồi đỏ mặt tim run, thì đó, chính là tình yêu.
Chương 12: Kí ức phủ bụi
Học sinh nghỉ hè rồi, Tịch Nhan đâm ra rãnh rỗi, nằm cuộn tròn trên ghế sofa trong phòng khách, tay cầm điều khiển hết bấm trái rồi lại bấm phải.
Đột nhiên, một cảnh trên tivi thu hút được sự chú ý của cô.
Trong khói bụi mù trời, mấy cái máy xúc to đùng kêu ầm ầm, khung cảnh một buổi lễ khởi công náo nhiệt...
Cô quay đầu nói vọng vào buồng trong: "Bố, người ta sắp phá dỡ khu nhà cũ ở ngõ Tử Trúc rồi kìa, bố có biết không?"
Ông Đỗ chậm rãi từ phòng trong bước ra, tay cầm cốc trà: "Biết chứ, mấy tháng trước người ta đã thông báo rồi mà. Mẹ con chê nhà tái định cư nhỏ quá, lại ở chốn hoang vu hẻo lánh, nên chỉ lấy tiền đền bù thôi".
Tịch Nhan quay đầu lại, buồn bã chăm chú nhìn màn hình tivi, ngõ Tử Trúc, con ngõ nhỏ tồi tàn cũ kỹ từ những năm bao nhiêu của thế kỷ trước, nhưng lại lưu giữ hết thảy những kỷ niệm thời ấu thơ của cô. Giờ đây pháo nổ đùng đoàng, máy xúc chạy ầm ầm, những vết tích của cuộc sống năm nào cũng tiêu tan theo cát bụi kia, xóa sạch hết rồi.
Bà Đỗ nghe tiếng cũng chạy ra, trên tay là chiếc khăn len đang đan dở, ánh mắt cũng dán lên màn hình, bỗng mắt đột nhiên sáng rực: "Xem kìa, là Triều Nhan của chúng ta đó! Nó đang phỏng vấn ở hiện trường kia kìa!"
Ông Đỗ đặt tách trà trên tay xuống, ngồi vào ghế xích đu cạnh sofa khẽ đung đưa xích đu vẻ nhàn tản: "Con gái bà ngày nào chả xuất hiện trên tivi, có gì là lạ đâu?"
"Triều Nhan của chúng ta lên tivi thật là xinh đẹp, cần diện mạo có diện mạo, cần vóc dáng có vóc dáng, muốn khí chất cũng có luôn cả khí chất".
Bà Đỗ không tiếc lời ngợi khen, mê mẩn như đang thưởng lãm một món đồ thủ công tinh xảo, mặt nở nụ cười mãn nguyện, say mê. Có cô con gái xinh đẹp tài giỏi như thế, bạn bè thân thích ai cũng kính phục bà, không uổng công bao năm bà chăm chút cho Triều Nhan.
Ông Đỗ nhạy cảm đưa mắt qua nhìn cô con gái thứ hai, Tịch Nhan vẫn ngồi nguyên như cũ, vẻ mặt dửng dưng, không biểu lộ chút cảm xúc.
Tục ngữ có câu, lòng bàn tay, mu bàn tay, đâu đâu cũng đều là thịt. Hai cô con gái của ông, luận diện mạo, khí chất, tài năng, Triều Nhan có chút nổi trội hơn, bà Đỗ cũng chỉ toàn coi cô là niềm vinh dự của gia đình, nhưng ông Đỗ thì trong lòng yêu quý Tịch Nhan hơn, tuy cô không có vẻ đẹp rực rỡ như cô chị, nhưng tính tình hiền lành điềm đạm, sống rất chân thành. Ông thầm nghĩ, cô con gái út đã kế thừa một vài nét tính cách của mình, ví dụ như tâm hồn thanh tịnh, bằng lòng với hoàn cảnh, không ham hư vinh. Từ nhỏ đến lớn, tiêu điểm được mọi người chú ý đều tập chung vào Triều Nhan. Cô rất được lòng bạn khác giới, ngay từ lúc tiểu học đã có bạn cùng lớp viết thư tình cho cô. Sau này lớn lên, điện thoại hẹn hò liên tục không ngớt, bạn trai cũng lần lượt đổi từ người này qua người khác, mà đều là những anh chàng đẹp trai phóng khoáng. So sánh với vẻ trẻ trung sáng chói của chị Triều Nhan, Tịch Nhan nền nã hơn. Trong suốt bao nhiêu năm, cô chưa từng yêu ai, lúc nào cũng cô đơn một mình, khiến ông không khỏi lo nghĩ. Biết đi đâu tìm người hiểu được giá trị cô con gái út của ông đây?
Lúc ông nội Tịch Nhan còn sống, ông cực kì yêu thương cô. Kể cả khi cô ngang bướng nghịch ngợm, học hành đứng đội sổ. Dạo ấy, sự nghiệp của ông bắt đầu khởi sắc, bao tâm sức dồn cả vào công việc, việc giáo dục hai cô con gái giao cả cho vợ. Mà bà Đỗ tính tình nóng nảy, vì bảng thành tích lẹt đẹt của Tịch Nhan mà đâm ra bực dọc, không ngớt quát mắng. Tối tối trở về nhà, ông thường thấy những dấu tay hằn trên má Tịch Nhan, sưng đỏ cả lên, nhìn mà đau lòng. Mà con bé này cũng rất bướng bỉnh, bị đánh cũng không khóc, chỉ ngày cành lầm lì ít nói hơn.
Có lần, ông nội Tịch Nhan từ quê lên thăm, vô tình phát hiện ra dấu tích của những trận đòn, liền giận tím mặt, tay nâng mặt đứa cháu tội nghiệp, vội vàng hỏi: "Tiểu Tịch, mẹ cháu lại đánh cháu sao?" Tịch Nhan mắt ngấn lệ, lao vào lòng ông nội, khóc không biết trời đất gì nữa. Ông nội cũng nước mắt lã chã, vừa lau nước mắt cho cháu, vừa nựng dỗ cháu: "Đi, đi về quê với ông!"
Ông Đỗ từ cơ quan về, hết lời khuyên can mới làm nguôi bớt cơn giận của bố. Ông nội thở dài: "Con bé Tiểu Tịch tư chất không hề kém cỏi, thông minh lanh lợi, trong sáng lương thiện, chỉ cần biết cách dạy dỗ, nhất định rất có tương lai".
Lúc ấy, ông có phần hoài nghi. Ai mà có thể tưởng tượng được rằng, sau này Tịch Nhan không chỉ thi đỗ đại học, mà còn trở thành cô giáo dạy dỗ người khác. Cô nhóc nghịch ngợm khiến bố mẹ đau đầu ngày nào, lớn lên lại thành người chừng mực khuôn phép. Trong trường thì hòa nhã với đồng nghiệp, khiêm tốn cẩn thận, với công việc thì chăm chỉ thật thà, thành tích nổi trội. Học sinh trò nào trò nấy ngoan ngoãn vâng lời, các bậc phụ huynh thì tranh nhau muốn gửi gắm con em mình vào lớp của cô. Chưa đầy bốn năm, cô đã trở thành cô giá trẻ được biết đến nhiều nhất ở thành phố C, liên tục hai năm liền được bầu là chủ nhiệm ưu tú.
Cho nên, tuy Triều Nhan xuất sắc, nhưng Tịch Nhan cũng không thua kém gì, chỉ có điều một người thì ngoài sáng, còn một người lặng lẽ trong bóng tối mà thôi. Đối với sự "nhất bên trọng, nhất bên khinh" của vợ, ông Đỗ cũng có ý kiến: "Đường đường là sinh viên trường đại học có tiếng, mà lại đi làm người dẫn chương trình. Chưa nói chuyện không đúng chuyên môn, cũng chỉ được tí thời nhan sắc tuổi trẻ thôi, chẳng có tương lai gì cả!"
"Ông đúng là quê mùa!". Bà Đỗ đáp trả vẻ khinh thường ra mặt, "Dẫn chương trình trên truyền hình có gì là không tốt, giao tiếp xã hội rộng, có cơ hội gặp mặt biết bao nhiêu người quyền quý, quan chức tai to mặt lớn..."
Ông Đỗ ngắt lời: "Tôi còn lạ gì bà nữa, lúc nào cũng chỉ mong con gái lấy chồng giàu. Không môn đăng hộ đối, hoàn cảnh gia đình khác xa nhau, lấy nhau liệu có hạnh phúc được không?"
"Tôi thấy chả làm sao cả!". Bà Đỗ ngừng tay đan, nhíu mày, trừng mắt nhìn chồng: "Đỗ Diệu Hoa, tôi năm đó đúng là có mắt như mù, mới gã cho gã thư sinh nghèo là anh, quan không thăng, tài không phát, suốt đời chỉ biết có dưa cà mắm muối mà thôi!"
Những câu kiểu này, bà đã nói cả nghìn lần, Tịch Nhan nghe cũng phát nhàm tay rồi.
Trong mắt mẹ, bố chẳng có điểm gì đáng kể, nhu nhược vô dụng, không chí tiến thủ, là thứ đồ bỏ đi. Cô thật sự không hiểu, mẹ đã coi thường bố như vậy, sao lúc đầu còn lấy ông làm gì? Hay đúng là bà "có mắt như mù?"
Ông Đỗ không đáp lời, những lúc thế này ông thường giữ im lặng. Trước mặt con gái, bị vợ không tiếc lời chê bai như thế, trong lòng ông nhất định không dễ chịu chút nào. Tịch Nhan cảm nhận được sự khó xử của bố, liền giải vây: "Ăn dưa cà mắm muối cũng tốt mà. Người cao tuổi ăn nhiều đồ dầu mỡ, cũng không tốt đâu".
Được con gái lên tiếng ủng hộ, ông Đỗ nhanh chóng lấy lại tinh thần, ông cầm tách trà trên bàn lên, nhấp một ngụm, thư thái: "Vẫn là Tiểu Tịch hiểu bố nhất".
"Hiểu cái đầu ông ấy", mẹ quay mặt sang, trông thấy Tịch Nhan còn đang lười biếng nằm cuộn tròn trên sofa, tóc để xõa tung, mặc áo phông lùng bùng, mặt không son phấn gì, dưới ánh đèn tuýp trông sao mà chán đời.
"Chị cứ lo cho cái thân chị đi đã, con gái gì mà tóc tai xõa xượi, mặt mũi không chút sức sống, chị không biết đường mà đánh đấm vào à?"
Phen này thì gay rồi, đang dưng thì chọc vào tổ kiến lửa! Tịch Nhan ngẩng đầu nhìn về phía bố, ông cũng đang nhìn sang cô, chẳng nói chẳng rằng, ánh mắt hiện lên vẻ đồng cảm. Có chút gì đó ấm áp nhẹ lướt qua trong tim. Bố hiểu và đồng cảm với cô. Hai bố con từ lâu đã vượt qua sự xa cách ban đầu, ngày càng ý hợp tâm đầu.
Mẹ vẫn đang lải nhải trách móc, toàn những câu khó nghe. Từ lúc Tịch Nhan bắt đầu hiểu chuyện, bao trùm cả nhà luôn là sự lất lướt của mẹ, may mà bố luôn cư xử đúng mực, nhẫn nhịn bao nhiêu năm.
Trong mắt cô, bố chẳng có gì đáng chê trách cả, cần cù chăm chỉ làm việc, thẳng thắn thật thà, cả đời bôn ba vì sự nghiệp, làm lụng vất vả vì gia đình, tiền kiếm được tuy không nhiều, cuộc sống có đôi chút khó khăn, nhưng trước sau xứng đáng là người chồng người cha mẫu mực. Một người đàn ông như thế, dẫu không có gì nổi trội, nhưng lại đầy tinh thần trách nhiệm, đem lại cảm giác an toàn. Cô thực sự không hiểu nổi, mẹ còn chưa vừa lòng điều gì.
Có lẽ, cô cũng giống như bố, chỉ muốn làm một người bình thường, được lấy người mình thương yêu, có một mái nhà đơn sơ nhưng ấm áp tình thân.
Cô không cần thứ gì khác, cũng không lấy làm phiền với cuộc sống dung dị, thiếu thốn vật chất. Không cần gấm vóc lụa là, nhà cao cửa rộng, chỉ cần được ở bên người mình yêu thương, thì đó chính là thiên đường.
Chỉ vậy thôi, chỉ niềm hạnh phúc nhỏ bé ấy thôi, mà sao mãi vẫn không với tới được?
"... Con gái con đứa hai lăm hai sáu tuổi đầu rồi, vẫn không có bạn trai, chỉ định ở mãi cái nhà này làm bà cô hay sao?"
Mẹ đột nhiên cao giọng, làm cô được một phen hết hồn. Cô nuốt nước bọt, cố gắng giữ cho giọng nghe sao thật nhã nhặn: "Không gặp được người phù hợp, mẹ bảo con phải làm sao đây?"
"Điều kiện của cô chỉ có thế thôi, đừng có mà kén cá chọn canh, vừa vừa phải phải thôi là được rồi!". Giọng mẹ lạnh lùng, ngữ khí gay gắt.
Tịch Nhan nhanh chóng cụp mắt lại, không nói nên lời, lời nói của mẹ không gì khác ngoài ý muốn nhắc cô nhớ rằng - cô làm sao có thể so sánh được với Triều Nhan?
"Đúng đấy, Tiểu Tịch, xem xem đồng nghiệp xung quanh có ai phù hợp không?". Bố phá tan sự im lặng, nhiệt tình hỏi han, "Hay để hôm nào bố đến văn phòng môi giới hôn nhân đăng kí cho con, giáo viên cấp hai bây giờ cũng có giá lắm đấy..."
"Để sau đi bố". Tịch Nhan miễn cưỡng đáp, lòng bỗng thấy lạnh lẽo, mình thật sự đã trở thành người thừa, là món hàng ế trong mắt bố mẹ rồi sao.
"Phải khẩn trương lên, việc trọng đại của cả đời người, không thể lề mề được!", mẹ lên tiếng tổng kết buổi giáo huấn, nói rồi hướng ánh mắt quay trở lại màn hình tivi.
Tịch Nhan đang dợm đứng lên khỏi sofa, uể oải rời phòng khách sau một cơn "oanh tạc", trốn vào phòng của mình. Mẹ đột nhiên la lên thất thanh, đầy kinh ngạc: "Chẳng phải giám đốc điều hành của Trác Thị đây sao? Không ngờ lại trẻ thế này, xuất thân thế gia, lại du học từ Mỹ về, tiền đồ rộng mở khỏi nói!"
Người mẹ nói có phải là Trác Thanh Liên? Chớ vội coi thường quanh năm suốt tháng không bước chân ra khỏi nhà, ngày ngày mở hội mạt chược tại gia với mấy bà hàng xóm, những chuyện kiểu này hóa ra lại tường tận chi tiết.
Tịch Nhan ngẩng đầu, liếc qua tivi, Triều Nhan tay cầm micro, miệng cười duyên dáng, đôi mắt đẹp lúng liếng lấp lánh: "Thưa giám đốc Trác, vì sao ngày lại quyết định đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí quy mô lớn tại Thành Nam?"
Cảnh quay tiếp theo, chuyển sang phía Trác Thanh Liên. Anh ta vẫn nguyên vẻ nho nhã thường ngày, thần sắc điềm đạm ung dung, không kiểu cẩn trọng, tay chân thừa thãi không biết để đâu như những nhân vật nhận lời phỏng vấn khác.
"Tuổi ấu thơ của tôi gắn liền với ngõ Tử Trúc, tôi lớn lên cũng chính từ con ngõ cũ kỹ, đơn sơ ấy. Lúc rời xa nơi ấy, tôi đã từng hứa với một cô gái rằng, tôi nhất định sẽ quay về tìm cô ấy!"
"Điều đó thì liên quan gì tới quyết định xây dựng khu vui chơi giải trí của ngài?", Triều Nhan đưa ra câu hỏi mà ai cũng muốn biết đáp án.
Sau một thoáng trầm tư, Trác Thanh Liên đáp: "Tôi hy vọng các em nhỏ bây giờ có thể được sống một tuổi thơ đẹp đẽ, vui vẻ hạnh phúc, không như chúng tôi ngày xưa, chỉ biết chơi trò trốn tìm!"
Nói đến câu này, ánh mắt anh nhìn thẳng vào ống kính máy quay, ánh mắt lạnh mà chứa chan thâm tình ấy, khiến trái tim Tịch Nhan một phen hỗn loạn.
Trong ánh mắt ấy đúng là có điện, dù cách sau màn hình tivi vẫn đủ sức mê hoặc người ta.
"Khỏi phải nói, trông anh ta đứng cùng Triều Nhan của chúng ta, xứng đôi quá đi mất!"
Tiếng nói của mẹ đưa Tịch Nhan trở về với thực tại, thu lại ánh mắt nãy giờ bị hút chặt vào màn hình lúc đứng lên không cẩn thận va vào đầu gối mẹ, một cuộn len hồng rơi ra lăn tròn đến bên bàn uống trà.
Tịch Nhan cúi xuống nhặt lại cuộn len, mân mê cái thứ đồ mềm mịn như nhung ấy trong tay, khiến cô có cảm giác lâu lắm rồi mới gặp lại, trong đầu hiện lên một cảnh tượng mơ hồ nhưng rất đỗi thân quen.
Trong ánh hoàng hôn của một buổi chiều nào đó, lâu lắm rồi, ánh tà dương vàng rực chiếu xuống con ngõ nhỏ, một bà cụ tóc trắng xóa, đờ đẫn ngồi trên băng ghế dài, tay không ngừng đan len.
Cuộn len bảy sắc cầu vồng rơi xuống đất, bà cũng không hay biết, vẫn mải miết đan, mặt trời đã khuất núi rồi, bà vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Ngày nào cũng vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa.
Mọi người trong ngõ đều gọi bà là "bà già điên", một vài đứa trẻ nghịch ngợm còn nhổ nước bọt ném đá về phía bà.
Mỗi lúc như vậy, lại có một cậu con trai đứng ra, mái tóc đen nhánh, gương mặt khôi ngô như tạc tượng, đôi mắt màu hổ phách, tuấn tú như chàng hòa tử trong truyện tranh Nhật Bản.
Cậu hét lên: "Cút hết đi!", rồi quăng vù vù cặp sách trong tay, như một quả chùy xích chĩa về phía bọn trẻ hồi nãy kiểu "vào đây cho biết tay". Sau một hồi la hét om sòm, lũ trẻ sợ chạy biến mất tăm. Ai chậm chân, không kịp chạy, thì bị nện cho một trận nên thân.
Khoan đã! Vừa nãy Trác Thanh Liên nói gì nhỉ?
"Tuổi ấu thơ của tôi gắn liền với ngõ Tử Trúc, tôi lớn lên cũng chính từ con ngõ nhỏ cũ kỹ, đơn sơ ấy".
"Lúc rời xa nơi ấy, tôi đã từng hứa với một cô gái rằng, tôi nhất định sẽ quay về tìm cô ấy!"
Giọng nói thâm trầm truyền cảm ấy, bỗng chốc bóp nghẹt trái tim Tịch Nhan
Cô nhớ ra rồi, cuối cùng cũng nhớ ra rồi...
Trác Thanh Liên, chính là cậu con trai sống trong ngõ nhỏ ấy.
Nguồn:
tieuthuyet.com.vn