Tôi là một ca sĩ nổi tiếng. Ai cũng biết điều đó. Nếu người nào không biết thì đó là lỗi tại họ. Tất nhiên là vậy rồi.
Vì là một ca sĩ nên giọng hát của tôi đích thị là số một. Và vì là nổi tiếng, nên thời trang ăn mặc của tôi cũng không thể là hạng nhì.
Nhưng nếu tôi có thể quả quyết với các bạn về điều thứ nhất thì ngược lại, tôi không dám đoan chắc lắm về điều thứ hai. Bởi, về cái mà người ta gọi là “à la mode”, tôi có một địch thủ đáng sợ: vợ tôi.
Tôi xinh thành thực mà thú nhận rằng vợ tôi không đẹp lắm. Chính vì vậy mà vợ tôi rất coi trọng chuyện ăn mặc. Nếu có những người trời sinh ra đã đẹp sẵn vẫn muốn trang điểm cho đẹp hơn (như tôi chẳng hạn) thì tất nhiên những người nhan sắc trung bình cũng muốn bằng mọi cách nâng mình lên ngang tầm cái đẹp. Vốn là người giỏi tâm lý như vậy nên tôi không hề phản đối việc sắm sửa ăn vận của vợ tôi. Phải để cho cô ta tự nâng mình lên ngang tầm với chồng cô ta chứ!
Các cô gái thường hay nói: “Nhất mốt, nhì da, thứ ba là dáng”. Vợ tôi hình như tiêm nhiễm cái câu này khá nặng nên nhìn cô ta, tôi không thấy da và dáng đâu mà chỉ thấy toàn những dụng cụ lỉnh kỉnh treo quanh người.
Một bữa, vợ tôi xuất hiện trong nhà với cặp mắt kiếng to tổ bố trên mặt. Mặt cô ta thì nhỏ, ốm mà cái cặp kiếng khốn kiếp kia cứ như đôi găng quyền Anh nằm choán đến hai phần ba khuôn mặt và đè cái mũi muốn bẹp dí luôn.
Tất nhiên, chồng cô ta (tức là tôi) lên tiếng liền tại chỗ:
- Cặp kiếng lớn quá, không hợp với khuôn mặt em.
Vợ tôi “xì” một tiếng:
- Anh không biết gì hết! Kiếng này là kiểu mới nhất đó! Người ta đeo đầy đường, ra mà coi!
Tôi liền ra mà coi và thấy thiên hạ đều mang kiếng giống hệt vợ tôi, nam cũng như nữ.
Hừ, một ca sĩ nổi tiếng như tôi chẳng lẽ lại lạc hậu so với mọi người sao! Một tuần sau, tôi tha về nhà một cặp kiếng y hệt như vậy, thậm chí đôi găng quyền Anh của tôi có phần còn lớn hơn đôi của vợ tôi nữa. Chồng mà, phải to ra hơn vợ chứ! Tôi đeo kiếng vào và đứng săm soi trước gương, vừa sửa tướng vừa chiêm ngưỡng dung nhan mình. Ðúng lúc đó thì vợ tôi vào. Tôi hí hửng tính khoe cặp kiếng mới của mình thì đột nhiên tôi lạnh cả xương sống khi phát hiện ra vợ tôi không còn mang đôi găng quyền Anh nữa mà thay vào đó là một đôi kiếng nhỏ gọng sắt, mặt kiếng tròn như hai đồng xu. Tôi chưa kịp lên tiếng thì vợ tôi đã nheo mắt, hừ giọng:
- Thiệt tôi chưa thấy ai quê như anh! Bây giờ người ta đã đổi mốt rồi mà anh lại đi mua cặp mắt kiếng đó về đeo!
Tôi bàng hoàng, ú ớ:
- Chẳng lẽ bây giờ thiên hạ lại mang kiếng kiểu Sêkhốp của cái thời cố hỷ lai hy...
Vợ tôi nhún vai khi dể:
- Bộ anh không biết câu “Cái mới chính là cái cũ tốt đẹp bị lãng quên” sao? Không tin thì ra đường mà coi!
Tôi lại ra đường mà coi và lại tha về nhà một cặp kiếng Sêkhốp, mặc dù khi đeo lên trông tôi cũng chẳng ra vẻ nhà văn một chút nào mà trái lại, trông nó kỳ kỳ làm sao ấy. Nhưng mặc, thiên hạ đeo thiếu gì. Tôi xuất hiện thường xuyên trên sân khấu mà không có nổi một cái món thời trang như thế thì trông chả ra làm sao.
Thế là tôi cứ lấy vợ tôi mà làm chuẩn mực để điều chỉnh các thứ đeo móc trên người. Vợ tôi thì lấy thiên hạ làm thước đo còn thiên hạ dựa theo sách vở nào thì quả thực tôi không tài nào đoán ra. Nhưng mặc thiên hạ, tôi chỉ cần vợ tôi là được rồi. Cô ta là cái “thời trang biểu” đáng tin cậy vào loại bậc nhất.
Hết kiếng tới áo. Hết áo tới quần. Rồi giày dép, mũ nón, túi xách, cà vạt.... Theo tín hiệu phát ra từ vợ tôi, tôi nhắm mắt nhắm mũi thay đổi xoành xoạch cách phục sức của mình. Còn những tờ giấy bạc khi đếm trả cho các chủ hiệu thì nó không kêu “xoành xoạch” mà kêu “soàn soạt”, nghe bắt nhói tim!
Mới đây, tôi vừa cãi nhau với vợ tôi một trận. Số là cô ta đem những cáo áo đẹp nhất của mình tới hiệu may kêu khoét một đường dài ngay sống lưng rồi vá vào đó một miếng vải trắng. Cái áo nào cũng vậy, tự nhiên có một vệt trắng dài chạy dọc giữa lưng, ngó bắt ngứa con mắt.
Trước tình trạng đó, tôi không thể nào hùa theo được:
- Em có điên không? Em làm cái trò gì kỳ cục vậy? Em có biết bao nhiêu tiền một cái áo không mà em đem ra phá tanh banh hết như vậy? Trời ơi là trời!
- Trời ơi là trời! - Vợ tôi kêu lên, cô ta la trời còn lớn hơn tôi - Anh có điên không? Vậy mà cũng là ca sĩ! Anh ra đường coi, bây giờ ai cũng mặc áo kiểu này hết mà anh thì ở đó la lối như một tên nhà quê!
Tôi giận tím mặt. Không phải giận vợ mà giận cái lạc hậu của mình. Thằng này mà là nhà quê! Tôi lầm bầm trong miệng và sau khi đi nghiên cứu sống lưng thiên hạ, tôi vội vã khoét tất cả những cái áo đẹp nhất của mình, và đắp vào đó mảnh vải lạc lõng nhưng vinh quang của mốt.
Ðời sống của vợ chồng tôi có lẽ sẽ xoay quanh hoài hai chữ “xoành xoạch” và “soàn soạt” như vậy nếu không có một hôm bạn tôi tới chơi.
Anh ta là phóng viên của một tuần báo phụ nữ. Hiện nay anh đang viết một thiên phóng sự điều tra xã hội về thời trang, do đó, anh ta đến gặp tôi như là gặp một đại biểu trẻ tuổi trong giới nghệ sĩ để trao đổi về đề tài này.
Tất nhiên trước nhà báo tôi phát biểu rất đúng mực và dè dặt, đồng thời giấu biến mọi chuyện trong nhà. Do đó, chúng tôi dễ dàng đi đến thống nhất với nhau là phải lành mạnh trong ăn mặc, mốt không có nghĩa là thái quá, là kệch cỡm lố lăng mà phải phù hợp với điều kiện xã hội, kinh tế và phải phù hợp với vóc dáng của mỗi người.
Tôi vừa nói chuyện vừa hy vọng là vợ tôi chiều nay về muộn. May quá, bạn tôi đã đứng lên. Anh ta đang nói những lời cuối cùng:
- Pi-e Các-đanh, nhà tạo mốt số một của thế giới, từng nói: “Mốt không phải bỗng nhiên xuất hiện mà nó dựa vào những nhu cầu của xã hội. Những người tạo mốt chỉ là những người thể hiện những nhu cầu ấy và biến chúng thành các kiểu mẫu của mình”.
Tôi gật gù:
- Trời, câu nói chí lý!
- Vậy mà, anh có biết không, có những người chạy theo mốt một cách mù quáng. Họ chuộng những cái lạ mà không cần biết nó xuất xứ từ đâu và chả nhằm đáp ứng một nhu cầu nào cả. Mới đây, có cái mốt xẻ áo đằng sau lưng, anh có biết không?
- Biết chứ.
- Anh có biết tại sao có cái mốt đó không? Sau khi điều tra kỹ thì tôi mới biết là nguồn gốc là như thế này. Có một tay ca sĩ không biết vì sao mà để rách áo trước khi ra diễn ngoài sân khấu. Áo rách phía sau lưng, không ai phát hiện, kể cả tay ca sĩ kia. Khi anh ta diễn, khán giả thấy mảnh áo may ô trắng lòi ra chỗ rách của áo xanh bên ngoài. Vì anh ca sĩ kia rất nổi tiếng, một số thanh niên trông gà hoá cuốc, tưởng anh ca sĩ này lăng-xê mốt mới. Thế là, tự nhiên có một kiểu mốt kỳ quặc xuất hiện, lan ra. Và cũng không thiếu gì người nhắm mắt chạy theo. Anh nghĩ có tức cười không?
- Ðúng là điên hết cả lũ! - Tôi hùng hổ - Anh là nhà báo, anh phải làm thế nào đả phá những cái vụ ngu ngốc này đi!
Thấy tôi phẫn nộ và lo lắng cho nếp sống mới một cách nhiệt tình, anh bạn sung sướng bắt tay tôi thật chặt trước khi ra về. Còn tôi thì hú vía, vì hôm nay tôi mặc một cái áo cũ trong khi những áo mới, cái nào cũng bị xẻ lưng.
Nhưng may nhất là anh bạn nhà báo không biết tôi chính là tay ca sĩ bị rách áo bất ngờ do kẽm gai nơi cổng vào của một tụ điểm ca nhạc móc phải và rồi cũng chính tôi là người, cùng với vợ, khoét một cách điên rồ những cái lưng áo của mình để được tiếng văn minh. Nhưng cũng có thể anh ta đã rõ cả mọi chuyện mà giả vờ giả vịt. Biết đâu đó chẳng là mốt của mấy cha nhà báo!
-1983-
Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh
Chương 12: Làm chồng khổ thật!
Về tới nhà, vừa bước chân qua ngưỡng cửa là tôi bắt gặp vợ tôi đang ngồi chồm hổm lau nhà với miếng giẻ trên tay. Tôi liếc nhìn đồng hồ. Bảy giờ hai mươi.
Tôi cau mặt, không nói không rằng lướt ngang qua cạnh vợ như một cái bóng. Tôi cởi bỏ mũ áo, ngồi vào bàn và với tay cầm lên cuốn sách đang đọc dở, nhưng tôi không tài nào đọc được lấy một chữ. Nỗi bực tức trong lòng cứ mỗi phút một tăng. Hừ, đã nói rồi mà không chịu nghe! Như người ta thường nói, bây giờ là đời sống mới rồi, làm gì còn cái cảnh chồng thì nằm khểnh trên giường vắt chân chữ ngũ đọc sách đọc báo như một ông tướng, trong khi vợ phải nai lưng ra làm việc quần quật suốt ngày như một con mọi chung thân.
Tôi là một thanh niên tiên tiến nên từ lâu tôi đã biết tỏng đã là chồng thì cần phải làm gì. Phải yêu thương và cảm thông vợ nè. Phải đỡ đần vợ một tay, phụ giúp vợ làm việc nhà nè. Lại còn phải tạo điều kiện cho vợ rảnh rỗi, khuyến khích giúp đỡ vợ học tập, trau dồi văn hóa, đọc sách đọc báo... Ối dào, có gì là mới lạ đâu! Chính tôi đã từng phát biểu hàng trăm lần về những điều này trong các buổi hội thảo về gia đình do báo Phụ nữ tổ chức kia mà! Chả thế mà đã một tuần nay tôi đặt ra một cái lịch trong nhà: Từ bảy đến chín giờ tối, vợ tôi được giải phóng khỏi mọi việc vặt vãnh và được tự do thoải mái sinh hoạt văn hoá, đọc sách báo hay xem ti-vi tùy thích, còn tôi, một người chồng mẫu mực, sẽ thay ca cho vợ, cáng đáng hết mọi thứ.
Vậy mà giờ này, đã bảy giờ hai mươi rồi, cô ta còn ngồi hì hục lau nhà, bảo tôi không giận sao được!
- Nè, em có thôi đi không! - Cuối cùng, tôi quát lên.
- Thì để em lau xong đã! Còn chút xíu nữa thôi! - Giọng vợ tôi nhỏ nhẹ.
- Hừ, còn nửa cái nhà mà la chút xíu! Tại sao hồi chiều em không lau lại để tới giờ này?
- Hồi chiều em phải rửa chén.
- Thế trước khi rửa chén thì em làm gì?
- Em giặt đồ.
- Thế trước đó?
- Trước đó thì em phải chữa cái bếp dầu.
- Bếp dầu, bếp dầu! – Tôi cằn nhằn – Sao em không nhờ anh chữa?
Vợ tôi ngước nhìn tôi với vẻ mặt ngơ ngác:
- Thì em đã nhờ anh mấy lần rồi, anh hứa tới hứa lui mà đâu có chịu làm!
Tôi giật thót người nhưng kịp thời vớt vát:
- Người ta đã hứa thì ráng mà đợi chớ!
Vợ tôi tiếp tục cắm cúi lau nhà, tựa hồ không nghe câu nói ngang phè của tôi. Ðiều đó làm tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi cố lấy lại thể diện bằng cách tiếp tục hạch sách:
- Thế tối hôm qua em làm gì? Em có đọc sách không?
- Không! - Vợ tôi trả lời với giọng biết lỗi.
Tôi cảm thấy hả hê liền lên giọng đắc thắng:
- Ðó, thấy chưa! Lỗi là do em hoàn toàn. Bữa nay thì em còn đổ là tại cái này cái kia, chứ còn hôm qua là tự em từ chối quyền lợi của mình. Anh đã tích cực tạo mọi điều kiện cho em trong khi em thì cứ...
- Anh quên rồi! Hôm qua khi em vừa ngồi vào bàn thì anh nhờ em ủi đồ cho anh để sáng nay anh đi họp gì gì đó! - Vợ tôi cắt ngang lời buộc tội say sưa của tôi khiến tôi chưng hửng.
- Nhưng mà tại em! – Tôi quyết không chịu thua - Nếu buổi chiều em ủi đồ giùm anh thì buổi tối anh đâu có nhờ em.
Vợ tôi mỉm cười:
- Anh lại đãng trí nữa rồi! Chiều hôm qua, lúc em soạn đồ ra tính ủi thì chính anh nhờ em mạng giùm đôi tất bị gián cắn kia mà!
Cuối cùng, tôi đành thở dài rầu rĩ:
- Thôi được! Thế còn hôm kia thì sao? Em có thì giờ xem ti-vi chớ?
- Em có xem.
Tôi bật ngồi thẳng người dậy như một cái lò xo, mặt mày rạng rỡ:
- Ít ra thì cũng phải như vậy chớ! Ðó, em thấy chưa! Một khi mà anh đã quyết tạo điều kiện...
Nhưng vợ tôi không để tôi phấn khởi lâu:
- Nhưng em chỉ xem có năm phút rồi phải đi công chuyện.
Tôi nhăn mặt:
- Sao lại đi đứng lung tung như vậy? Giờ đó là giờ em không phải làm một việc gì hết! Anh đã sắp lịch cho em rồi mà!
- Nhưng chính anh lại kêu em chạy tới nhà anh Long lấy cây viết máy anh bỏ quên đằng đó về kia mà. Anh nói nếu không có cây viết thì buổi tối anh không làm việc được.
Lúc đầu tôi tính hỏi tiếp xem những tối hôm kia, hôm kỉa vợ tôi sử dụng cái khoảng thời gian tự do của mình ra sao nhưng sau khi suy tính lại, tôi cho rằng khôn ngoan nhất là im lặng. Rõ ràng là càng tìm hiểu, vấn đề càng có vẻ rắc rối cho tôi.
- Thôi được - Cuối cùng, tôi quyết định sửa chửa lỗi lầm – Em ngồi vào bàn đọc sách đi, đưa giẻ đây anh lau nốt chổ còn lại cho.
Vợ tôi đứng dậy, cô ta có vẻ không tin đôi tai của mình:
- Anh lau giùm em thiệt hả?
- Thiệt chớ! – Tôi khẳng định một cách hùng hổ.
Nhưng khi vừa cầm lấy miếng giẻ, tôi liền vội vàng nhét trả vào tay vợ tôi:
- Chết cha, không được! Bây giờ anh phải đọc gấp một tài liệu quan trọng để sáng mai đi báo cáo.
Tôi nhảy bổ lại bàn trước cặp mắt sửng sốt của vợ tôi.
Vừa lục lọi đống giấy tờ, tôi vừa nói với vợ, lúc này đã lại ngồi xuống sàn nhà tiếp tục kỳ cọ:
- Em thông cảm cho anh nghe! Em ráng lau cho xong đi rồi đọc sách cũng còn kịp mà! Ái chà, nhưng mà không được! Lau nhà xong em làm ơn khâu giùm cái túi xách cho anh chút, nó bị đứt quai hồi chiều.
Thế đấy, các bạn! Thật là bực mình! Ðã một tuần nay, mặc dù tôi quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi, vợ tôi cũng chẳng hề rảnh rỗi được chút nào. Cô ta cứ bận rộn suốt ngày. Hễ ai mà biết chuyện là bao nhiêu tội vạ lại đổ lên đầu tôi ngay cho mà coi. Mà đâu phải tại tôi là người chồng không biết điều, phải nói là rất biết điều nữa là khác! Thế mới biết làm chồng khổ thật!
-1984-
Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh
Nguồn: truongton.net