Chương 13: Lỗi tại ai?
Một hôm, hai vợ chồng tôi đọc trong sách thấy người ta nói rằng nguyên nhân đưa đến những bất hòa trong gia đình thường do tính tự ái mà ra. Có nghĩa là mỗi khi trong nhà có sự cố gì xảy ra, cả chồng lẫn vợ thường đổ lỗi cho nhau. Ai cũng khư khư muốn giành phần tốt về mình và nằng nặc đòi nhường phần xấu, phần khuyết điểm cho người kia. Chính vì thiếu sự bao dung và thông cảm lẫn nhau như vậy, nhiều cặp vợ chồng đã đi đến cãi vã to tiếng, xích mích nghiêm trọng và cuối cùng giao kèo sống chung bị đổ vỡ một cách đáng tiếc.
Cuốn sách nói trúng phóc. Nghiệm lại những lục **c trong gia đình mình thời gian gần đây, hai vợ chồng thấy quả đúng y như vậy. Chung qui cũng tại tính tự ái mà ra.
Nhưng đó là lúc chưa đọc cuốn sách này kia, còn bây giờ hai đứa tôi đều cảm thấy thấm thía trước lời hay lẽ phải trong cuốn sách, hẳn cuộc sống nó phải tốt đẹp hơn chứ! Thế là hai vợ chồng tôi quyết định từ nay về sau, trước bất cứ vấn đề gì, trách nhiệm hàng đầu của mỗi chúng tôi là phải bằng bất cứ giá nào khám phá cho được những khía cạnh tốt đẹp của đối phương đồng thời ngược lại, luôn luôn tự giác nhận lỗi về phần mình. Sống ở đời, ai mà không có lỗi. Vấn đề là ta phải thành khẩn nhìn nhận. Ôi! Thế là từ nay xin chia tay những cơn xô xát, những lần hục hặc! Buồn ơi, vĩnh biệt nhé! Những thói xấu như các ngươi sẽ không còn đất sống trong nhà ta nữa đâu!
Sáng hôm sau, đang ăn cơm, tôi nhai phải một hạt sạn đánh “cốp” một cái. Hai hàm răng rung rinh, muốn rớt ra ngoài. Theo thói quen, tôi đặt bát xuống bàn, liếc nhìn vợ. Nhưng lời cằn nhằn chưa kịp thốt ra khỏi miệng, bất giác tôi chợt nhớ đến điều giao ước hôm qua. Thế là gương mặt đang sa sầm bỗng tươi lên hơn hớn. Và thay vì một lời nặng nhẹ, tôi đã nói một câu dễ thương hết biết, xứng đáng đưa vào tự điển bách khoa những lời vàng ngọc dành cho cuộc sống lứa đôi:
- Cái này là lỗi tại anh. Anh nhai mạnh quá! Nếu nhai từ tốn thì anh đã lừa được hạt sạn ra rồi. Xin lỗi đã làm phiền em!
Vợ tôi cười duyên dáng:
- Không! Anh có lỗi gì đâu! Lỗi là do em không chịu nhặt sạn trước khi vo gạo...
Tôi cướp lời:
- Nếu vậy thì đích thị là lỗi tại anh rồi! Bởi vì chính anh đi mua gạo. Ðáng lẽ anh phải chọn gạo kỹ hơn!
Vợ tôi nhất quyết không chịu thua:
- Ðúng ra hôm đó em phải cùng đi mua với anh, nhưng em đã không đi. Lỗi là tại em thôi!
Tới đây thì tôi không dám tranh giành với vợ nữa vì sắp đến giờ đi làm rồi, đành phải nhường phần lỗi cho cô ta. Tiếc thật! Nhưng tới khi thay đồ đi làm tôi phát hiện ra toàn bộ quần áo của mình đã bị gùi một đống trong ngăn tủ, cái nào cái nấy nhăn nheo như một mớ giẻ rách. Tôi tím mặt lại:
- Này, này, như thế này thì ai mà... – Nhưng trong tích tắc tôi kịp hạ giọng – Ai mà không biết là lỗi tại anh! Ðáng lẽ anh phải chừa một bộ đồ sạch để đi làm chứ! Ai bảo mặc dơ hết thì bây giờ... ráng mà chịu!
Thấy tôi tự lên án mình ghê quá, vợ tôi tỏ ý không bằng lòng:
- Không phải lỗi tại anh đâu! Lẽ ra tối hôm qua em phải ủi đồ...
Tôi lắc đầu quầy quậy:
- Tại anh! Tại anh! Ðúng ra anh phải nhắc em!
- Tại em! Tối hôm qua anh có nhắc nhưng em quên...
Tôi liếc đồng hồ và hiểu ra lúc này lỗi tại ai cũng không quan trọng bằng việc tới cơ quan cho đúng giờ. Tôi tròng vội bộ đồ bèo nhèo, rúm ró vào người và phóng ra khỏi nhà, bụng cứ tức sôi lên.
Công việc bề bộn ở cơ quan giúp tôi quên bẵng những bực bội ban sáng. Nhưng đến trưa thì mọi chuyện lại đâu vào đấy ngay. Tôi về nhà, bụng đói meo, thấy củi lửa lạnh tanh còn vợ tôi thì nằm tréo chân trên giường đọc sách, người tôi cứ muốn run lên. Tuy nhiên, tôi vẫn nhắc vợ bằng lời lẽ nhẹ nhàng nhất có thể có được trong lúc này:
- Em thân yêu, em chưa nấu cơm à?
Vợ tôi mở tròn đôi mắt:
- Ôi trưa rồi kia à? Chết thật! Em quên béng đi mất!
Rồi cô ta chép miệng:
- Cái này là lỗi ở em cả thôi!
Câu trả lời của vợ nhắc tôi nhớ đến nhiệm vụ hàng đầu của mình. Ngay lập tức tôi lục lọi trong óc cố tìm xem cái phần sai trái của mình nằm ở đâu trước vấn đề này. Chà, gay thật! Nhưng không sao, đợi cho một chút... À, à, có đây rồi, có ngay đây:
- Em không có lỗi gì hết! – Tôi hùng hồn - Lỗi hoàn toàn là do anh! Ðáng lẽ anh phải để đồng hồ ở nhà cho em coi giờ...
Vợ tôi khoát tay:
- Anh nói vậy chưa phải lẽ! Quả là lỗi tại em! Ðúng ra thì em phải chạy qua nhà hàng xóm để hỏi giờ chứ!
Tôi gân cổ cãi:
- Em còn bận nằm đọc sách mà chạy qua nhà hàng xóm sao được! Lẽ ra an phải dặn nhà bên cạnh hễ đúng mười một giờ trưa là qua kêu em nấu cơm, nhưng mà anh quên khuấy đi mất. Anh đúng là một người chồng vô trách nhiệm. Chính anh mới là người có lỗi.
Sau khi đấu tranh quyết liệt để giành phần lỗi về mình, tôi loay hoay đi nhóm bếp, còn vợ tôi thì vo gạo. Trước đây, trong những tình huống như vậy, chiến tranh đã bùng nổ từ đời kiếp nào rồi. Nhưng hôm nay mọi sự trôi qua một cách tốt đẹp, đầy lòng nhân ái. Tuyệt thật!
Nhưng chưa hết, buổi chiều mới thật là tuyệt.
Tôi đi phố về thì thấy giấy bay đầy nhà như bươm bướm. Tôi nhặt một tờ lên xem và đột nhiên thấy mắt mờ đi, còn tim thì thót lại như muốn xỉu tại chổ. Thì ra đó là những cuốn sách quý nhất của tôi, những cuốn sách tôi đã bọc gáy da cẩn thận và nâng niu, gìn giữ bao lâu nay. Tôi đã cất nó trong tủ kiến đàng hoàng, không hiểu sao nó lại tót ra đây và biến dạng thảm hại như thế này.
Tôi ôm đầu và rơi phịch xuống ghế, miệng thốt lên đầy hãi hùng:
- Trời ơi là trời! Ai đã giết tôi như thế này?
Ngay lúc đó, vợ tôi xuất hiện với câu nói đi trước:
- Lỗi là tại em! Lỗi tại em!
Tôi chồm ngay dậy:
- Lỗi tại ai thì để tính sau! Bây giờ em hãy cho anh biết tại sao những cuốn sách của anh lại ra nông nỗi này!
Tôi tưởng vợ tôi sẽ giải thích với thái độ áy náy và ngượng ngập. Nhưng không, cô ta nói bằng một giọng thoải mái, tự tin bởi vì cô ta biết rằng mình sẽ công khai và nhiệt tình nhận lỗi:
- À hồi chiều thằng bé nhà hàng xóm qua chơi. Nó cứ chỉ tay vào tủ đòi mấy cuốn sách của anh. Thế là em lấy ra đưa cho nó chơi. Dè đâu nó xé rách bươm như thế này. Lỗi này là do em cả thôi!
Tôi bóp mạnh hai tay vào thái dương cho đầu bớt nhức. Phải một lúc sau tôi mới nói được, giọng thều thào:
- Không phải tại em đâu! Lỗi là do anh không chịu đến tiệm làm đồ sắt.
- Tới đó làm gì? - Vợ tôi trố mắt.
- Ðể đóng gáy sắt cho mấy cuốn sách chứ để làm gì! Thật đúng là mọi sự đều do anh! Ai đời sách mà lại đóng gáy da bao giờ!
- Không phải đâu! - Vợ tôi tặc lưỡi - Nếu hồi chiều em không đưa sách cho thằng bé...
- Em nói sai rồi! Nếu anh không mua sách thì làm gì có chuyện! Rõ là lỗi của anh rồi!
- Em đã nói không phải do anh mà! Nếu lúc thằng bé đòi...
- Không! Trăm lần không phải lỗi nơi em! Tất cả là tại anh đây này! - Cuối cùng tôi gào lên - Nếu anh không lấy phải em thì đâu đến nỗi!
- Không phải đâu! Lỗi là do... – Ðang đà ăn nói nhỏ nhẹ, chợt nhận ra ý tứ trong lời lẽ của tôi, vợ tôi nhảy dựng lên và trong nháy mắt biến thành một con người khác – Hả? Anh vừa nói cái gì? Anh dám nói với tôi bằng cái giọng đó hả? Này, tôi bảo cho anh hay...
Vừa gầm lên, vợ tôi vừa tiến về phía tôi với dấu hiệu của một cơn bão cấp mười.
Trước tình thế nghìn cân treo sợi tóc đó, tôi phóng vù ra đường, không để cho vợ kịp túm tóc. Thật là nản! Cô ta đã gây cho tôi biết bao điều khổ sở rồi, tôi chỉ còn mỗi một niềm vui cỏn con là được nhận lỗi về mình, thế mà cô ta cũng đang tâm giành lấy nốt. Ðã vậy thì làm sao tránh khỏi bất hòa cho được. Quỷ tha ma bắt hết mọi thứ đi, nhận lỗi với chả nhận lỗi! Có lẽ muốn sống êm đẹp tốt nhất là cố gắng đừng làm những điều tồi tệ để rồi sau đó phải mất công xác định xem lỗi tại ai!
-1985-
Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh
Chương 14: Cánh đàn ông chúng mình
Vợ tôi ấy mà, cô ấy là chúa hay ghen!
Một lần, tôi đi làm vừa về tới nhà, cô hỏi ngay:
- Hồi sáng anh chở ai đi phố vậy?
- Hồi nào? – Tôi giật mình hỏi lại.
- Hồi sáng chớ hồi nào!
Tôi gõ tay lên trán:
- À, à, để anh nhớ coi. Hồi sáng hình như anh có chở thằng bạn đi mua sách.
- Không có hình như gì cả. Hồi sáng anh chở một cô gái. Ai vậy?
Tôi gật gù như một nhà hiền triết:
- Cô gái hả? Ừ, ừ, có. Cô bạn cùng cơ quan với anh ấy mà. Anh chở cô ta lên ủy ban để chứng giấy tờ cho cơ quan. Ối giào, em để ý làm gì ba cái chuyện lặt vặt đó...
Tôi thở dài một cái, phẩy tay và đi vào phòng thay đồ ra cái điều chuyện không có gì đáng nói.
Ít bữa sau, vợ tôi lại nói:
- Cô gái hôm trước không phải ở cơ quan anh.
Tôi giật bắn người. Chà, thế là đã có một màn điều tra trò rồi! Lập tức tôi nhíu mày:
- Anh có nói cô ta làm chung với anh hồi nào đâu?
- Thôi, anh đừng có chối!
Tôi ngơ ngác:
- Thật mà! Chắc là em nghe nhầm hay sao ấy! Cơ quan cô ấy đóng ở gần chỗ anh. Sẵn anh đi công tác, cổ quá giang lên ủy ban. Trời, ba cái chuyện linh tinh...
Tôi lại thở dài, phẩy tay chán ngán.
Một tuần sau, tôi lại bị vợ khảo:
- Hôm nay anh lại đi với cô nào đấy?
Tôi nhún vai:
- Thì cô bữa trước chứ cô nào. Hôm nay cô ta lại quá giang lên quỹ tiết kiệm. Sao em cứ thắc mắc làm gì mấy cái chuyện đó cho mệt óc!
Vợ tôi hình như rất thích mệt óc, cô ta mím môi lại:
- Ai đừng qua mặt tôi. Cô này không phải là cô hôm trước. Cô này để tóc ngắn.
Tôi gật đầu một cách mau mắn:
- Ðúng rồi! Hôm trước cô ấy để tóc dài nhưng gần đây lại cắt tóc ngắn.
- Nhưng không phải chỉ mái tóc. Mặt cô này gầy hơn cô kia.
Một lần nữa, tôi xác nhận:
- Ðúng, cô ấy mới ốm dậy mà!
- Nhưng cô này cao hơn! - Vợ tôi khăng khăng.
- Vì hôm nay cô ta đi guốc cao gót.
- Anh đừng nói láo! - Vợ tôi hét lên – Em thấy cô ta mang dép rõ ràng, đôi dép thấp tè tè.
Tôi khoát tay:
- Có thể là anh nhầm. Ðể ngày mai anh hỏi lại xem cô ấy mang guốc hay là mang dép, anh sẽ trả lời em sau.
- Không có sau trước gì cả. Anh trả lời ngay bây giờ đi! Cô ấy là cô nào?
Nếu các bạn ở vào địa vị tôi thì các bạn sẽ không thể nào giữ bình tĩnh nổi. Tôi cũng vậy, tôi nổi sùng gắt:
- Nè, cô đừng có ăn nói với tôi bằng cái giọng đó. Ai cho phép cô tra khảo, hoạnh họe tôi? Cô có biết tôn trọng tự do của người khác không?
Mặt vợ tôi méo xệch, giọng lạc hẳn đi:
- Nhưng tôi là vợ anh. Tôi có quyền...
Tôi cắt ngang cái quyền gì đó của cô ta:
- Không có quyền hành gì ở đây hết! Chẳng lẽ sau khi có vợ, tôi không được phép có bạn gái hay sao? Tôi nhấn mạnh: bạn chỉ là bạn thôi! Em đừng lo. Anh biết anh phải làm gì để xứng đáng với em.
Nghe cái giọng đàng hoàng, đứng đắn của tôi, vợ tôi chừng như bớt lo thật. Cô ta nhỏ nhẹ:
- Thì em chỉ hỏi cho biết vậy thôi. Em đâu có cấm anh bạn bè, nhưng anh đừng có nói dối em. Như hôm trước anh bảo cái cô đó là cùng cơ quan...
- Thì anh đã bảo là em nghe nhầm kia mà ! Anh đâu có dối em khi nào. Em nên bỏ cái tật ghen tuông đó đi. Ghen tuông chính là người bạn đường phản trắc của tình yêu. Em có nghe câu nói đó không? Em yêu anh thì em hãy tin anh.
Vợ tôi xem chừng ân hận. Cô ta xúc động vùi đầu vào bộ ngực lép xẹp của tôi. Từ ***g ngực, tôi nghe có tiếng nói: “Em tin anh”.
Thế đấy các bạn! Hừ, tôi đã bảo mà, cái bọn đàn bà là chúa ghen. Thật chả ra làm sao! Cánh đàn ông chúng ta thì thèm vào ghen với tuông! Ghen tuông là những tình cảm hoàn toàn xa lạ với chúng ta.
Bỗng tôi chợt nhớ ra một điều và lạnh toát cả người. Tôi cố gắng nắm hai vai vợ thật là nhẹ nhàng và đẩy ra. Tôi nhìn sâu vào mắt cô ta và hỏi dịu dàng, thật dịu dàng:
- Chiều hôm qua em về thăm ngoại phải không?
- Vâng, em đã nói trước với anh rồi mà!
- Ừ, thì nói trước, anh có nói gì đâu! Nhưng em đi bằng xe buýt chứ?
Vợ tôi tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn trả lời:
- Thì xe buýt!
- Xe buýt chắc chật chội lắm hả em?
Vợ tôi rõ ràng không hiểu tôi định dẫn dắt câu chuyện đi đến đâu, cô ta vẫn thật thà đáp:
- Vâng, xe đông người lắm.
- Thế khi về, xe có đông không?
Vợ tôi cúi đầu:
- Không, khi về em không đi xe buýt.
Hà hà, khi phạm tội, người ta thường cúi đầu, không dám ngẩn mặt lên. Tôi tiếp tục hỏi môi nhếch một nụ cười hiểm độc:
- Thế chắc em đi xe lam?
- Không, em đi xe đạp.
- Em mượn xe của ngoại à?
Vợ tôi lắc đầu:
- Ðâu có! Anh Luyến chở em về.
Tốt lắm, khá thành thật! Nhưng dù sao cũng lòi đuôi rồi. Tôi xốc lại cổ áo, đổi giọng:
- May mà cô nói thật. Nếu cô không nói thì tôi cũng thừa biết. Hôm qua tôi đã thấy hết rồi. Bây giờ cô hãy cho tôi biết, cái thằng cha Luyến ấy là ai? Hắn quen cô ở đâu và từ hồi nào? Ðã chở nhau đi chơi cả thảy bao nhiêu lần rồi? Phải khai cho trung thực, không được giấu nửa câu!
- Ơ, cái anh này lạ chưa! - Vợ tôi la lên – Anh Luyến mà anh không biết hả? Con cậu Tư đó! Lại dám gọi anh Luyến là thằng cha nữa, anh ăn nói nghe buồn cười chưa!
Tôi bán tín bán nghi, nhíu mày suy nghĩ:
- Anh Luyến nào? Con cậu Tư sao anh không biết?
Vợ tôi reo lên:
- À, phải rồi! Anh Luyến đi nghĩa vụ quân sự mấy năm nay, hèn gì mà anh không biết!
Tôi nhìn thẳng bào mặt vợ tôi, thăm dò, y hệt như những nhà khoa học đang nghiên cứu những chỗ lõm trên mặt trăng. Khuôn mặt cô ta rất thành thật, không có một dấu hiệu nào chứng tỏ sự sa sút về đạo đức. Nhưng dù sao cũng không nên xem mặt mà bắt hình dong. Tôi lạnh lùng:
- Luyến láy gì đó tôi không cần biết. Nhưng đã là phụ nữ có chồng thì không được đi với bất kỳ người con trai nào.
- Nhưng đây là con cậu Tư mà!
- Con cậu Tư hay không phải con cậu Tư làm sao tôi biết được!
Vợ tôi nhăn mặt:
- Nếu anh không tin thì ngày mai ghé ngoại! Gặp ảnh, anh sẽ biết liền!
Tôi nhún vai:
- Không cần! Tôi không phải là đứa ghen tuông bậy bạ, hở một tí là đi xác minh lý lịch người ta. Mà dù có đi với con cậu Tư đi nữa thì cô cũng phải báo cáo trước với tôi chứ không được tự tung tự tác như thế. Ðã là con gái có chồng thì phải tỏ ra đứng đắn, giữ ý giữ tứ với thiên hạ.
Nói một hơi hả dạ, tôi quay lưng đi thẳng một mạch, tiếng giày gõ côm cốp xuống nền nhà, mặc cho vợ tôi khóc tức tưởi sau lưng. Hừ, khóc với chả khóc!
Thế đấy các bạn! Các bà các cô đúng là lộn xộn, đi đứng linh tinh! có chồng có con rồi mà ra đường còn dám đi với người khác, không sợ thiên hạ dị nghị. Con cậu Tư hay không con cậu Tư, ai người ta biết cho! Hừ, nói hoài mà chẳng chịu bỏ vào tai điều hay lẽ phải. Thật chả bì với cánh đàn ông chúng mình! Cánh đàn ông chúng mình thì... thì... thì...
Nguyễn Nhật Ánh
Nguồn: truongton.net