Chương 15: Một mình
Cũng như mọi đức ông chồng khốn khổ khác trên thế giới, nhiều khi ta cảm thấy cuộc sống gia đình sao mà phiền muộn. Vợ ta không biết xuất hiện từ đâu, một hôm bỗng nhảy tót vào đời ta và chễm chệ ngồi lì ở đó, không chịu rời đi lấy một bước, đã thế còn gây ra cho ta biết bao nhiêu là bực dọc.
Cứ sau mỗi lần cãi nhau với vợ, ta thường hồi tưởng một cách nuối tiếc về quãng đời thanh xuân tươi tắn của ta, cái thời mà người có cái biệt hiệu là vợ còn ở tít đâu đâu trong cõi hỗn mang mờ mịt, cái thời mà ta tha hồ bay lượn nhởn nhơ trong một thế giới tự do lung linh màu sắc. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu! Những lúc ấy ta thường thầm nhủ: Phải chi ta được là ta thưở nào!
Cầu được ước thấy, một buổi sáng tỉnh dậy, ta cảm thấy cái hơi ấm quen thuộc bên cạnh mình không còn nữa. Ta ngạc nhiên nhảy ra khỏi giường. Phòng vệ sinh không có tiếng nước chảy. Nhà bếp cũng vắng tăm hơi. Những đôi giày cao gót, những thỏi son, hộp phấn, thậm chí đồ kẹp tóc cũng thi nhau mất tích. Sau một hồi kiểm tra, ta đứng chống tay giữa nhà và sung sướng nhìn quanh. Thật không thể nào tin được có một người phụ nữ đã từng ở đây. Ừ, khó mà tin được trước đây ta đã từng có vợ.
Công việc đầu tiên của chàng trai độc thân vào lúc sáng sớm là gì? Ðó là ngủ cho ra ngủ. Không nên thức giấc lúc còn buồn ngủ nếu không muốn làm hại sức khỏe của chính mình. Trước đây, vợ ta làm hại ta quá mức rồi, lúc nào cũng bắt ta dậy sớm, hôm nay ta phải làm chủ sức khỏe của ta, phải kiên quyết từ bỏ thói quen độc hại đó. Thế là ta ngả lưng xuống giường, đánh một giấc thẳng cánh, không mộng mị lôi thôi. Thôi nhé, từ giờ phút này xin vĩnh biệt những lời quấy rầy nhấm nhẳng bên tai: “Anh dậy chẻ củi hộ em một tí...”
Ta chính thức mở mắt lúc mười giờ sáng hay hơn một chút gì đó. Sau khi vươn vai và ngáp một cái rõ dài ta chậm rãi đi đánh răng rửa mặt. Và theo thói quen, ta không tài nào nhớ ra ta đã vứt khăn mặt ở xó xỉnh nào.
- Em ơi, tìm hộ anh cái khăn chết tiệt...
Nhưng sực nhớ ra mình vẫn còn độc thân, ta tốp ngay câu nói ủy mị đó lại và tự mình chui đầu vào các ngóc ngách, lục lọi. Loay hoay mất cả tiếng đồng hồ ta mới tìm thấy cái vật đáng nguyền rủa kia. Lúc ấy, mặc mày ta đã khô ráo tự đời nào. Hừ! Nhưng cũng không sao! Bởi vì bây giờ thì cái bụng quan trọng hơn cái mặt nhiều. Từ sáng đến giờ ta đã ăn gì đâu.
- Em ơi...
Chết thật! Ta khẽ nhăn mặt và bắt đầu nhóm bết. Hà hà, ta phải làm chủ cuộc đời ta thôi! Những que củi phản chủ nhất định không chịu cháy. Ta chúm miệng thổi phù phù để rồi rút ra một kết luận về qui luật vận động: trong một tình huống nhất định, tro có thể bay tới tấp vào mắt con người ta. Khi bếp đã đỏ thì ta đi vo gạo. Và dĩ nhiên, khi gạo đã vo thì ta lại... đi nhóm bếp. Quỉ tha ma bắt cả lũ đi, củi với chả củi!
Rồi cuối cùng cơm chũng chín. Trưa đó, ta ăn cơm với trứng tráng. Thật chả có món ăn nào vừa bổ vừa rẻ lại vừa ngon như trứng. Ăn xong, ta đẩy tất cả chén bát vào một góc: chiều hẵng rửa. Bây giờ gìờ thì công việc của một người tự do là gì? Ai chẳng biết: đọc báo và nghỉ trưa! Cuộc sống như thế này thật là tuyệt!
Ðang đọc báo, ta bỗng cảm thấy khát nước và sực nhớ ra là ta chưa uống nước. Bây giờ mà lại đi nhóm bếp đun nước thì thật ngán ngẩm. Cuối cùng ta quyết định không thèm nghĩ đến nước nôi, cứ nằm lì trên giường chịu đựng cơn khát, coi như đó là một phương pháp rèn luyện nghị lực. Hà, kể cũng hay! Ta thầm phục sự thông minh sáng tạo của mình quá xá!
Ta chợt reo lên khi bắt gặp mẩu tin trên báo:
- Ðoàn ca nhạc nhẹ nước ngoài đang diễn ở rạp Thăng Long, em ơi! Tối nay, mình sẽ...
Ta hớn hở quay sang bên cạnh và lập tức nín bặt. Tuy nhiên ta cũng nháy mắt và cười với lọ hoa trên bàn một cái cho đỡ hẫng. Sau đó ta vội vàng nhảy phóc ra khỏi giường. Rõ ràng trong không khí ngột ngạt như thế này, hành động đúng đắn nhất của một chàng độc thân là đi chơi. Bây giờ thì ta đi chơi thả sức, chẳng ai vặn vẹo: “Anh đi đâu? Bao giờ về?”. Thích thật!
Cuộc đời bên ngoài đủ chuyện vui buồn. Gặp gỡ bạn bè, ngồi tán láo với nhau thật dễ chịu. Một anh bạn cũ hiện đang công tác tại Công ty thương nghiệp định kéo ta về đó. Ta đắn đo: “Ðể tớ về bàn bạc với...”. Quỉ thật! Bàn bạc với ai bây giờ? Trước đây, cũng nhiều lần, bạn bè rủ ta chuyển nghành về bên thương nghiệp “cho cuộc sống đỡ vất vả hơn” nhưng vợ ta một mực ngăn cản. Cô ta bảo: “Anh chỉ làm công tác văn hóa được thôi, lãnh vực thương nghiệp không phù hợp với con người anh đâu”. Ta ngẫm nghĩ, thấy có lý và nghe theo. Nhưng lần này thì anh bạn cũ của ta tỏ ra ân cần quá, biết tính sao bây giờ!
Khuya lơ khuya lắc ta mới mò về nhà, chân nam đá chân xiêu sau một chầu nhậu thả dàn. Hì hục leo lên bảy tầng lầu, ta lần bước về phòng mình và đập cửa thình thình. Lâu thật lâu, vẫn chẳng thấy có ai ra mở cửa. Ta càng điên tiết dộng ầm ầm vào cánh cửa tội nghiệp, vừa dộng vừa kêu:
- Em ơi, em!
Ðến khi đập rã cả tay, ta chợt nhìn thấy cái ổ khóa to tổ bố nằm vắt ngang cánh cửa và buồn bã nhớ ra mình... chưa có vợ.
Bước vào nhà, công việc đầu tiên của một chàng trai độc thân trong tình huống này là gì? Ai cũng biết: ngủ. Ta ngã vật xuống giường và trước khi chìm vào giấc ngủ nặng nhọc, ta còn tỉnh táo để biết rằng sẽ không có ai cạo gió, thay đồ, nói chung là chăm sóc ta cả. Thế mới tuyệt!
Tỉnh dậy trong khi đầu còn nhức nhối và vẫn không quên lời đề nghị hấp dẫn của người bạn, ta quay sang bên cạnh:
- Em ạ, có người rủ anh chuyển về...
Chỉ có lọ hoa trên bàn chia sẻ tâm sự với ta bằng sự bất động đầy nhẫn nại. Ta chán nản nằm im không thèm nhúc nhích, miệng bỗng dưng cảm thấy khát nước dễ sợ.
Bây giờ thì cũng như mọi chàng trai độc thân khác trên thế giới, ta cảm thấy cuộc sống lẻ loi sao mà phiền muộn. Vợ ta ơi, lúc này em xuất hiện từ đâu cũng được, cứ nhảy tót vào đời ta và chễm chệ ngồi lì ở đó, ngồi bao lâu tùy thích và gây cho ta bao nhiêu bực dọc cũng được. Công việc cuối cùng của chàng trai độc thân như ta trong ngày hôm nay là mong sao cầu được ước thấy.
- 1984 –
Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh
Chương 16: Một phút trách nhiệm
Ăn cơm tối xong, tôi nằm ngửa trên đi văng đọc báo. Sau khi đọc các tin thời sự ở trang một và trang bốn, tôi giở vào trang trong. Bài “Giáo dục con cái trong gia đình” đập vào mắt tôi. Tôi đằng hắng một tiếng, sửa lại gọng kính trên mũi, chăm chú đọc từng chữ. Chả là tôi có hai đứa con, một trai một gái. Con chị thì không sao nhưng thằng em thì quả là nghịch tinh như một thằng giặc con. “Những đứa con hư hỏng hoặc có chiều hướng hư hỏng thường xuất phát từ những gia đình trong đó cha mẹ không hề ngó ngàng gì đến con cái, mặc cho con muốn chơi thì chơi, muốn học thì học, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở...”. Chết cha, thằng Tấn đi đâu rồi cà! Ðang đọc, tôi vội buông tờ báo xuống, dáo dác nhìn quanh. Thằng con tôi không có trong phòng. Trời ơi, con với cái kiểu này thì chết rồi, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở...
- Tấn ơi, Tấn! – Tôi gào to.
- Con ở đây nè ba! - Tiếng con tôi từ nhà dưới vọng lên.
- Mày đang làm gì đó? – Tôi hỏi.
- Dạ con đang chơi cờ với chị Hoa.
Tôi xỏ dép vào chân, lẹp kẹp đi xuống. Hai đứa con tôi đang ngồi đánh cờ, mặt mày căng thẳng. Tôi lại gần, la:
- Chơi xuốt ngày! Thằng Tấn có lên nhà trên ngồi học bài đi không!
- Sắp xong rồi ba ơi! Còn chút xíu nữa thôi hà! - Thằng con tôi trả lời, mắt không rời các quân cờ.
Tôi đứng chắp tay sau lưng, tò mò quan sát trận đấu. Rõ ràng đứa chị sắp thua đến nơi rồi. Con hậu trắng và mã trắng đang vây chặt lối thoát của vua đen. Con chị bối rối ra mặt, cứ ngồi ngẩn tò te trước bàn cờ. Còn thằng em thì mặt mày rạng rỡ, sung sướng một cách trắng trợn. Bên đen chỉ còn cách rút mã đen về ngay chân mã trắng chơi đòn lưỡng bại câu thương. Nếu bên trắng không chịu mạng đổi mạng thì phải di chuyển quân mã đi chỗ khác và như thế vua đen sẽ giải tỏa được áp lực của đối phương. Nhưng con gái tôi đâu có “sáng nước” như tôi, nó cứ ngồi yên, nhăn nhăn nhó nhó. Tôi nóng ruột, nhắc:
- Ðem mã về d8, lấy mã đuổi mã.
Thằng em lên tiếng liền:
- Ðứng ngoài không được nhắc.
Nhưng con chị vẫn không hiểu ý tôi. Nó có vẻ xa lạ với những nước đi táo bạo. Thấy nó lưỡng lự hoài, tôi bứt rứt không chịu nổi, lại buột miệng:
- Ði đi! Nó ăn quân mình thì mình ăn lại nó, sợ gì!
Thằng em vùng vằng:
- Ba nhắc hoài con không chịu đâu. Ba ngon ba ngồi vô đánh đi!
Thấy con chị ngồi câu giờ lâu lắc, tôi đã bực mình, nay bị thằng em thách, tôi liền đẩy con chị ra:
- Thôi, con nghỉ đi, để ba trị nó cho!
Tôi ngồi vào bàn, đằng hắng một tiếng oai vệ và nhanh ***ng đưa quân mã về ô d8, nụ cười tự tin nở trên môi. Ðúng như tôi nghĩ, bên trắng không dám đổi quân nên lui mã về e5. Vua đen được giải phóng cánh trái.
Nhưng càng đánh, tôi càng cảm thấy gay go. Con chị để mất xe, tượng quá sớm nên lực lượng quân đen bị sứt mẻ trầm trọng. Tới nước thứ bảy, tôi đi nhầm một quân liền giựt lại chỗ cũ. Thằng con tôi phản đối liền:
- Ði rồi thôi, không được đi lại!
Biết mình phạm luật, tôi xuống nước:
- Thôi mà, con cưng của ba, cho ba đi lại một lần này thôi!
Thằng con tôi vẫn không chịu, nó giãy đùng đùng trên ghế:
- Không được! Không có đi lại gi hết! Ba ăn gian!
Phần vì giận mình đi nhầm, phần tức thằng con ăn nói càn rỡ, tôi đập tay xuống bàn, hét:
- Mày nói ai ăn gian, đồ mất dạy!
Thằng con tôi hoảng hồn, ngồi im re.
Ðược thể, tôi càng ra oai. Lần này tôi đập bàn bằng cả hai tay:
- Hả, mày nói ai ăn gian hả? Tao đẻ ra mày hay mày đẻ ra tao?
Mặt con tôi chuyển từ xanh qua trắng.
- Ai? – Tôi gằn giọng – Ai đẻ ra mày?
Thấy tôi làm dữ quá, thằng con tôi rụt rè đáp, bằng giọng lắp bắp:
- Dạ... má đẻ...
- Hừ, má đẻ! Nếu mà không có tao...
May thay, tôi còn đủ tỉnh táo để tốp cấu nói lại kịp. Giải thích rõ ra làm gì, để lớn lên là tự khắc nó hiểu. Tôi nghĩ vậy và cầm lên quân cờ:
- Thôi đánh tiếp nè! Lần sau không được ăn nói với tao như vậy nữa nghe không!
Thằng con thấy tôi dịu giọng, nó mừng lắm. Ván cờ lại tiếp tục như không có gì xảy ra. Tôi vì giận quá mất khôn nên chơi có phần thiếu sáng suốt, càng đánh càng lúng túng. Tới nước thứ mười lăm, tôi để mất thêm con xe một cách lãng xẹt. Quân xe bị mất là do tôi thiếu tập trung chứ chẳng phải do một tình huống khó khăn gì ráo. Ðể mất quân xe đó coi như thua luôn ván cờ, tôi bèn xuống giọng năng nỉ:
- Trả lại cho ba con xe đi con. Ba lỡ tay mà.
Thằng con tôi lắc đầu:
- Ăn rồi thôi, con không trả lại đâu!
Nhờ rút kinh nghiệm khi nãy nên lần này nó ăn nói đàng hoàng hơn. Nhưng nó vẫn không chịu trả con xe cho tôi.
- Trả cho ba lần này thôi, lần sau con ăn thì ba cho con ăn luôn.
- Con không trả lại đâu! Thôi, ba chịu thua đi!
Vừa nói thằng nhỏ vừa nắm chặc quân cờ trong tay, thậm chí nó còn giấy tay xuống gầm bàn. Hành động đó làm tôi nổi dóa:
- Mày làm cái trò gì vậy? Bộ mày sợ tao ăn cướp ăn giựt của mày hả, đồ mất dạy!
Tôi hất tay một cái. Bàn cờ lăn lông lốc. Thằng con tôi từ thắng chuyển thành bại. Nó khóc rấm rức.
- Khóc, khóc cái gì! - Tôi quát lên – Mày tưởng mày hay lắm hả? Tưởng giỏi cái gì chớ giỏi ba cái trò cờ quạt này mà cũng lên mặt! Nào lấy tập ra, học bài đi! Ðưa thời khóa biểu cho tao coi ngày mai mày học môn gì!
- Ngày mai đâu có đi học. Con nghỉ hè ba bữa nay rồi!
Thằng con tôi vừa gạt nước mắt vừa đáp.
- Hả, nghỉ hè rồi hả? – Tôi giật thót người.
- Con nghỉ hè mà ba không biết gì hết.
Tôi gãi đầu:
- Tao có đi học như mày đâu mà biết. Sao con không nói cho ba hay?
- Bữa trước con đưa cái giấy mời phụ huynh đi dự lễ tổng kết năm học mà ba đâu có đi.
Tôi sờ tay lên túi áo:
- Chết cha, vậy mà ba đâu có biết. Bữa đó cho đến nay, ba có kịp dọc hữ nào đâu! Thôi, đợi lễ tổng kết năm tới vậy. Còn bây giờ con lượm mấy quân cờ vương *** dưới đất cất vô hộp rồi đi ngủ.
Trong khi thằng con tôi đang lồm cồm chui xuống gầm bàn thì tôi bỏ lên nhà trên, lòng lo âu không thể tả. Con với lại cái, muốn học thì học muốn nghỉ hè thì nghỉ hè, linh tinh lang tang như vậy, các bậc làm cha làm mẹ có trách nhiệm như tôi không lo âu sao được.
Nhưng thôi, chuyện đó tính sau. Bây giờ tôi phải đọc tiếp bài “Giáo dục con cái trong gia đình” coi có chỗ nào con cái được phép đánh cờ thắng người đẻ ra chúng không kia chứ. Hừ, hừ!
- 1983 –
Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh
Nguồn: truongton.net