7/12/12

Kế sách giữ đất

Ngồi buồn, bác Ba Phi nhớ chuyện xưa, ngày ấy... Ở vùng U Minh “khỉ ho cò gáy” này, việc tìm ra một cái quán quả là không dễ dàng gì, nên sự xuất hiện cái quán nhậu của thím Hai Ú ở đầu vàm kinh Chín Bộ đã là điểm thu hút có một không hai đối với tất cả những ai muốn kiếm chai rượu uống “cho nó giãn gân giãn cốt sau một ngày lao động cật lực ở xứ Lung Tràm”.

Vì thế, quán đông vô kể, đông đến nỗi không đủ chỗ ngồi, khách đến nhậu cứ tự tìm chỗ trống rồi trải đệm ra mà gầy sòng. Nhất là chiều nay, quán đông một cách đặc biệt. Khách chật ních từ trong ra ngoài. Bởi, họ đến không phải đơn giản để ăn nhậu mà họ còn muốn xác định xem một cái tin động trời được loan truyền từ mấy bữa nay là có đúng sự thực hay không mà thôi.

“Tin động trời” ấy xuất phát từ thím Hai ú. Thím thề quả quyết với mọi người rằng : chính tai thím nghe thằng Từng Khạo Phương sau khi nhậu say gây lộn với Tư Ruộng nên buột miệng nói ra việc hội đồng Cầm cấu kết với tụi cò Pháp chờ mùa khô tới sẽ kéo vô cắm cột mốc đất rừng, hòng cướp đi nguồn lợi mà bà con lâu nay đang khai thác trong rừng tràm U Minh như: mật ong, cá, chim chóc cùng muông thú.

Đối với bà con miệt rừng, mất rừng là mất đi nồi cơm. Vậy cho nên mọi người già trẻ, thanh niên tụ họp về đây bàn tính bằng mọi giá phải giữ cho được từng tấc đất mà bao đời họ đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có thể tạo dựng lên.

Tính toan nát nước, cuối cùng họ chọn giải pháp cử Hai Lúa cùng nhiều lão làng đi gặp hội đồng Cầm chất vấn.

Hội đồng Cầm không phải tầm thường, hắn ta thuộc loại cáo già, không nghe bà con nông dân gạn hỏi, đứng trước sân lẫm lúa, chống ba-toong hắn ta dõng dạc :

- Tôi không cướp đất của bà con, ruộng ai thì cứ làm, còn đất rừng thì do bảo hộ Pháp. Nhà nước Pháp chỉ cắm cột mốc đất rừng rồi giao cho tôi quản lý, sau này ai có đi rừng thì phải đóng thuế, vậy thôi. Bà con không đồng ý thì cứ đi kiện, tôi sẵn sàng theo hầu.

- Ông hội đồng nói sao ? Ông thiệt không lấy đất của bà con khai phá hả ?

Ông hội đồng vừa dứt lời, thì bất ngờ từ phía sau có một trung nông lối ngoài bốn mươi, đầu vấn khăn rằn vẹt đám đông bước ra hỏi.

- Đúng đó. - Quơ quơ cây ba-toong, hội đồng Cầm khinh khỉnh. - Tới hạn, địa bộ Nhà nước sẽ đi cắm cột mốc đất rừng, chỗ nào bà con khẩn hoang làm ruộng thì chừa ra, để lại cho bà con mần lúa kiếm ăn. Nếu bà con không tin thì để tôi lập quy kỳ hẳn hoi.

Cầm tờ giấy cam kết trong tay, mọi người ra về mà lòng buồn rười rượi. Hai Lúa cho mời người đàn ông trung niên ban nãy:

- Nè, chú em ! Nói cho mấy qua biết chú em tên họ là chi ? Quê quán xứ nào ? Có vợ con gì chưa ? Tại sao lại có mặt nơi này ? Thú thiệt, lúc nãy nghe giọng ăn nói cứng cổ của chú em với tay hội đồng là qua khoái lắm.

- Dạ, chẳng dám giấu chi, tôi thứ ba, tên Phi, bị lính của Pháp tróc nã từ bên Xiêm La, nhắm bề trốn không thoát nên cùng đường phải chạy về tận đây để tìm bề nương thân.Gia cảnh nghèo khó, túng thiếu rày đây mai đó, nên tui chưa nghĩ tới chuyện lấy vợ, chỉ làm khổ con gái người ta, chớ lợi ích gì.

- Thôi, chú em mày đừng buồn. - Vỗ vai Ba Phi, Hai Lúa an ủi - Đã đến thì cứ ở, chỉ cần chịu khó làm ăn, để rồi qua đây nói với tía vợ gả cô Út cho chú em, hai đứa tụi mình sẽ là anh em cột chèo. Mà nè ! Qua nói cho chú em đây biết, bà con mình sống ở xứ này ngoài ruộng ra thì nhờ vào nguồn huê lợi của rừng tràm, nếu để mất thì có mà chết.

Nghe Hai Lúa than thở, Ba Phi ngồi trầm ngâm một lúc rồi kề tai Hai Lúa nói nhỏ mấy câu. Nghe xong, Hai Lúa cười thích chí, sau đó đứng bật dậy tuyên bố nhận Ba Phi là dân U Minh, lại còn gả luôn cô em vợ.

Mùa khô tới, hội đồng Cầm đi cắm cột mốc để chiếm đất, nhưng đã thất bại vì đến đâu cũng thấy gốc rạ, nghĩa là nơi đó bà con Lung Tràm đã khai phá.
Và “kế sách” giữ đất của Ba Phi coi như quà cưới có giá trị nhất trần đời, vì nó đã giữ được rừng tràm, khiến cho thằng địa chủ không lấy được một cục đất để chọi chim, huống hồ gì chiếm được cả rừng tràm.


Nguồn: www.baoanhdatmui.vn