Sơ lược về tác giả Nguyễn Nhật Ánh:
Nguyễn Nhật Ánh là tên và cũng là bút danh của một nhà văn Việt Nam chuyên viết cho tuổi mới lớn. Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Thuở nhỏ ông theo học tại các trường Tiểu La, Trần Cao Vân và Phan Chu Trinh. Từ 1973 Nguyễn Nhật Ánh chuyển vào sống tại Sài Gòn, theo học ngành sư phạm. Ông đã từng đi Thanh niên xung phong, dạy học, làm công tác Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Từ 1986 đến nay ông là phóng viên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng, lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải Phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, Nguyễn Nhật Ánh còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông,...
Năm 13 tuổi ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ: Thành phố tháng tư, NXB Tác phẩm mới 1984 (in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (NXB Măng Non, 1985). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lãnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998 ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.
Năm 2004, Nguyễn Nhật Ánh kí hợp đồng với NXB Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 28 tập mang tên Chuyện xứ Langbiang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủy...
Sau Chuyện xứ Langbiang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút kí của một chú Cún có tên Tôi là Bêtô.
Năm 2008, Nguyễn Nhật Ánh xuất bản truyện có tên Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tác phẩm này được báo Người Lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008. Đoạt giải thưởng văn học ASEAN năm 2010.
Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh được NXB Trẻ ấn hành mang tên Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, xuất bản tháng 6 năm 2012.
Nguồn: wikipedia
Giới thiệu tác phẩm Lá nằm trong lá:
Lá nằm trong lá
Tay nằm trong tay...
Đó là câu thơ trích từ bài thơ tình của một đứa trẻ đang lớn, anh chàng thi sĩ nhí có cái bút danh rất kêu: Cỏ Phong Sương - thành viên bút nhóm Mặt Trời Khuya, nhân vật của Lá nằm trong lá - tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh.
Vẫn những câu chuyện dễ thương viết cho tuổi học trò, những mối tình non, những tấm lòng nồng nhiệt thật thà, và vẫn được kể bằng một giọng văn điềm tĩnh không vội vã, không chạy theo... tốc độ của cuộc sống thời @, lại vẫn luôn luôn khiến mình hình dung ra miệng cười dí dỏm của người viết, giọng cười hi hi ha ha của người đọc... để thấy rằng cuộc đời này vẫn có sự hòa hợp giữa người lớn và con trẻ!
Tại buổi ra mắt sách, Nguyễn Nhật Ánh tâm sự như một cam kết với những bạn đọc của mình khi có bạn đặt câu hỏi trong những sáng tác sắp tới, anh sẽ cập nhật những yếu tố mới của đời sống như thế nào trong truyện: “Tôi cập nhật thì cũng như cho nhân vật biết xài iPod, chứ còn cập nhật những kiểu yêu nhau là phải sống thử ngay thì tôi không cập nhật”. Đó cũng chính là điều trong sáng của văn chương - một giá trị làm nên sự hấp dẫn của tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh.
Kỳ 1
Trước khi vào truyện
Đôi khi tôi nằm mơ, những giấc mơ mùa hè với rất nhiều gió thổi qua cành dương liễu chạy dọc hàng rào ngôi trường thời trung học.
Năm đó, tôi học lớp chín. Một năm đáng nhớ, với rất nhiều mối tình đầu nảy nở ở cái tuổi chuẩn bị đặt chân vào cấp ba. Đã có rất nhiều cặp đôi trong bọn tôi vào năm cuối cấp lắm chuyện vui buồn đó.
Chúng tôi thường chở nhau đi bằng xe gắn máy, bằng cách bịa ra đủ thứ lý do chính đáng để lừa các ông bố giao chìa khóa xe cho mình.
Từng cặp, cả bọn đèo nhau đi vào rừng sim, đi lên bãi đá Tiên Nông hay ra sông Ly Ly - những nơi chốn nên thơ nhất trong thị trấn.
Ra suối, bọn con trai cởi hết quần áo ném trên bờ, chỉ mặc độc cái quần xà lỏn nhào xuống nước, thi bơi chán lại chia làm hai phe, một phe leo lên một mỏm đá nhô giữa sông trấn giữ, còn phe kia cố sức đánh chiếm.
Trong khi bọn con trai bì bõm vật nhau và hò hét ầm ĩ, bọn con gái ngồi túm tụm dưới những rặng tre ngà, thủ thỉ trò chuyện và nhằn hạt dưa đem theo trong cặp sách.
Tôi không biết bọn con gái nói gì với nhau trong những lúc đó, thậm chí suốt những năm tháng đó. Ngay cả lúc ngồi sau yên xe, Thỏ Con nói với tôi những gì và tôi đã trả lời nó như thế nào, tôi cũng không nhớ rõ. Những giấc mơ cũng chẳng giúp tôi biết nhiều hơn, khi những trường đoạn Thỏ Con xuất hiện bên cạnh tôi những lúc riêng tư bao giờ cũng giống như những khúc phim câm.
Có lần mẹ tôi bất ngờ xuất hiện trong những thước phim. Phát giác ra tôi cùng chiếc honda biến mất khỏi nhà ngay sau giờ cơm, mẹ tôi lặn lội đạp xe đạp đi kiếm tôi giữa trưa nắng chang chang. Chẳng phải mẹ tôi khắt khe gì với tôi, chẳng qua bà sợ ba tôi thức dậy sẽ biết tôi đánh cắp chìa khóa xe của ông rong chơi cùng bạn bè.
Trước khi tìm thấy tôi đang lặp ngụp giữa con sông Ly Ly, tôi đoán mẹ tôi đã lùng sục nhiều nơi khác.
Bà giận dữ gom hết quần áo của tôi và ba thằng bạn, cột thành một nùi trên yên xe sau, định bỏ về. Tôi chắc là bà rất mệt sau cuộc trường chinh tìm kiếm thằng con lêu lổng nên bà mới giận đến thế.
Bốn đứa tôi đứng dưới sông, trông thấy mồn một cảnh mẹ tôi hăm hở tịch thu quần áo nhưng với những chiếc quần đùi mỏng teng dính bết vào đùi, chẳng đứa nào dám bước lên bờ.
- Cô ơi, cô! Tụi con lạy cô! Cô trả quần áo cho tụi con đi cô!
Trong khi ba thằng bạn tôi đứng ngâm nửa người dưới nước gân cổ đồng ca thì tôi chỉ biết mếu máo:
- Mẹ ơi!
Hôm đó, cuối cùng thì mẹ tôi cũng trả lại cho bọn tôi mớ quần áo, tất nhiên phần lớn nhờ những tiếng năn nỉ thảm thiết của bọn con gái đang vây quanh mẹ tôi. Tụi nó vừa túm ghi-đông xe vừa làm cách nào đó chỉ có tụi nó biết khiến cho nước mắt chảy vòng quanh như thể cả bọn sắp ngất.
Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Mẹ tôi còn trở lại giấc mơ niên thiếu của tôi nhiều lần nữa. Như những gì tôi sắp kể ra sau đây...
1.
Tôi cặp kè với Thỏ Con suốt một năm trời mà chẳng nhớ nổi tụi tôi đã tâm tình với nhau những gì đặc biệt có lẽ vì tụi tôi yêu nhau theo cái kiểu trẻ con học đòi làm người lớn.
Tôi chở Thỏ Con lượn vòng vèo ngoài đường với vẻ kiêu hãnh của người chở một chiếc tivi đời mới, nhằm khoe khoang hơn là biết cách sử dụng cái tivi đó. Thực tình thì bao nhiêu lần dắt nhau ra sông, chui rúc vào rừng sim hay giữa các khe đá của bãi Tiên Nông, tụi tôi chưa hôn nhau một cái nào.
Tôi hỏi tụi thằng Hòa, thằng Sơn, thằng Thọ, hóa ra tụi nó cũng thế. Cũng như tôi, tụi nó chở đám Cúc Tần, Xí Muội, Hạt Dưa đi loăng quăng những chốn thơ mộng rốt cuộc cũng chỉ để rút máy ảnh ra bấm tanh tách, kiếm vài pô hình về nhét đầy album làm kỷ niệm học trò.
Cái trò yêu đương nhăng nhít này do thằng Thọ bày ra. Nó lớn hơn tụi tôi ba tuổi mặc dù cả bọn đều ngồi chung một lớp.
Một ngày, Thọ rút trong cặp ra một cuốn sổ các-nê khoe tôi.
- Gì vậy? - Tôi không cầm lấy ngay mà nhìn cuốn sổ, tò mò hỏi.
- Mày xem đi! - Thọ nheo mắt đẩy cuốn sổ về phía tôi.
Tôi vớ lấy cuốn sổ, lật lật vài trang, miệng xuýt xoa:
- Ôi! Của mày à? Làm sao mày có được?
Đối với bọn tôi hồi đó, đi học toàn được ba mẹ sắm cho loại tập “100 trang tính luôn bìa”. Đứa nào có được cuốn tập 200 trang đã là một báu vật. Còn một cuốn các-nê là điều gì đó thật đặc biệt. Bìa cứng, không sợ quăn. Trong ruột, không phải là giấy kẻ dòng song song như tập học trò. Đây là giấy kẻ ca-rô. Bạn muốn vẽ hình trang trí, muốn viết chữ N, chữ O... thật to và thật ngay ngắn, giấy ca-rô là một phương tiện tuyệt vời.
- Tao đánh cắp của mẹ tao.
Nhà thằng Thọ là tiệm tạp hóa lớn ở Hương An. Điều này về sau tôi mới biết vì thỉnh thoảng nó mới về nhà. Phần lớn thời gian Thọ ở nhà ông chú, chủ tiệm bánh mì ở bến xe thị trấn, để đi học cho gần. Tôi có ghé nhà nó chơi mấy lần, lần nào cũng sung sướng khi nó đánh cắp bánh kẹo trong lọ để đãi tôi. Bây giờ nghe nó bảo nó đánh cắp, tôi tin ngay.
- Mày đọc đi! - Thọ giục, khi tôi mải săm soi cuốn sổ mà chưa chịu xem nó viết gì trong đó.
2.
Cuốn sổ các-nê của Thọ chép toàn thơ. Thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Đinh Hùng.
- Hay không? - Tiếng Thọ bên tai.
Tôi nhẩm đọc “Ta yêu em, mê từng ngón bàn chân/ Mắt nhắm lại để lòng nguôi gió bão” và gật gù:
- Hay!
- Mày lật ngược cuốn sổ lại đi!
Tôi lật ngược cuốn sổ và giở ra. Lại thơ. Lần này là thơ của thi sĩ có cái tên rất kêu: Lãnh Nguyệt Hàn.
Tôi đọc thơ Lãnh Nguyệt Hàn: “Tôi gọi tên em là Hạt Dưa/ Em trồng mùa nắng hái mùa mưa”...
- Hay không? - Lại tiếng Thọ hỏi. Tôi nghe rõ nó đang nuốt nước bọt.
- Hay!
Mắt Thọ sáng trưng:
- Mày biết Lãnh Nguyệt Hàn là ai không?
- Là ai?
- Là tao đấy!
- Là mày?
- Lãnh Nguyệt Hàn là bút danh của tao.
- Bút danh của mày à? Thế nó có nghĩa là gì?
- Là trăng lạnh.
Tôi tròn mắt:
- Nhưng “lãnh” là lạnh, “hàn” cũng là lạnh...
- Tao muốn trăng của tao thật lạnh. Trăng của tao là trăng ở Bắc cực!
- Thế Hạt Dưa là đứa nào? - Tôi lái sự quan tâm của tôi sang phía khác, mặc dù tôi không biết tại sao Thọ lại muốn làm trăng ở Bắc cực.
Thọ nheo mắt:
- Đó là con Lan sún. Nó chuyên ăn hạt dưa, mày cũng biết rồi đó. Ăn đến mẻ răng luôn!
- Thế mày thích nó à?
- Ừ. - Thọ nhịp nhịp tay lên bàn, nói bằng cái giọng như thể cả thế giới đã đồng ý với nó từ lâu rồi - Mày cũng phải thích một đứa nào đó. Tụi thằng Sơn, thằng Hòa cũng vậy. Mỗi thi sĩ phải có một nàng thơ của mình.
- Tại sao phải là ba đứa tao?
- Vì ba đứa mày là tinh hoa của lớp. Tao đã đọc thơ của ba đứa mày năm ngoái. Đó là những bài hay nhất trên báo tường của lớp.
Được Thọ xếp vào hạng tinh hoa, tôi sướng rơn. Và dễ dãi:
- Ừ, tao sẽ cố thích một đứa.
Đứa đó là Thỏ Con.
Dĩ nhiên Thỏ Con là tên tôi đặt cho nàng thơ của tôi.
Tên thật của nàng là Nguyễn Thị Giàu - một cái tên hợp với lãnh vực kinh doanh hơn là thi ca.
3.
Sau khi nhỏ Lan sún biến thành Hạt Dưa, nàng Nguyễn Thị Giàu hóa thành Thỏ Con, hai nàng lọ lem khác trong lớp tôi cũng nhanh chóng khoác lên mình những cái tên mỹ miều: Cúc Tần và Xí Muội.
Các nàng tập hợp quanh bốn nhà thơ Lãnh Nguyệt Hàn, Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử và Hận Thế Nhân - những bút danh mà bây giờ nhớ lại thấy chẳng khác gì bốn hũ mứt để ngoài gió (có thể chảy nước bất cứ lúc nào). Những bút danh kêu rổn rảng đó có vẻ phù hợp với một gánh cải lương hơn là một bút nhóm văn chương.
Nhưng lúc đó bọn tôi rất vênh vang với những bút danh xủng xoẻng và lòe loẹt đó.
Việc thành lập bút nhóm cũng do Thọ bày ra. Lúc này nó đã là trưởng ban báo chí của lớp, rồi nhanh chóng thăng tiến lên chức trưởng ban báo chí của trường.
Một hôm, nó tập họp bọn tôi tại quán cà phê trước cổng trường.
- Tụi mình phải thành lập một bút nhóm.
- Để làm gì? - Thằng Hòa thắc mắc.
- Hỏi ngu! - Thọ nhún vai - Sao lại để làm gì? Mày có biết nhóm Tự Lực văn đoàn không?
- Biết. Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam...
Thọ chém tay vào không khí:
- Tụi mình sẽ là những Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam trong tương lai.
Nó chém gió thêm một cái nữa:
- Do đó, tụi mình phải thành lập bút nhóm.
Viễn ảnh Thọ vẽ ra huy hoàng đến mức chẳng đứa nào buồn thắc mắc tại sao phải có bút nhóm mới có thể trở thành những nhà văn lớn được. Những Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài có thuộc bút nhóm hay văn đoàn nào đâu.
Tưởng tượng mình sẽ trở thành Nhất Linh, Khái Hưng, mũi đứa nào đứa nấy thi nhau khụt khịt và trong khi bị vinh quang làm cho lóa mắt, chẳng đứa nào nghi ngờ gam màu tươi sáng thằng Thọ vừa phết bừa lên bức tranh tương lai và dĩ nhiên ba cái đầu cùng gật.
Có bút nhóm thì phải có tên của bút nhóm.
Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử và Hận Thế Nhân hào hứng đề nghị hết tên này đến tên khác nhưng đều bị Lãnh Nguyệt Hàn thô bạo gạt phắt:
- Dở!
- Nhảm!
- Tầm thường!
Sau khi chê bai ba đứa tôi không tiếc lời (bằng bộ mặt lạnh băng như... trăng Bắc cực), Thọ chép miệng:
- Đầu óc tụi mày kém quá! Nghe đây nè! Bút nhóm của mình là bút nhóm Mặt Trời Khuya!
Sơn há hốc miệng:
- Mặt Trời Khuya?
- Ừ.
Hòa gãi tai:
- Khuya làm gì có mặt trời? Coi chừng người ta kêu mình hâm!
- Lại hỏi ngu! - Thọ quắc mắt - Văn chương bao giờ cũng đòi hỏi sự độc đáo, hiểu chưa? Khả năng của văn chương là biến những điều không thể thành có thể, hiểu chưa?
Cứ nói một câu, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn lại đệm hai tiếng “hiểu chưa”, y như gí súng vào người đối diện.
Tôi “chưa hiểu” nhưng không muốn bị thằng Thọ mắng ngu, nên lật đật đáp:
- Hiểu rồi!
Thằng Sơn cũng hoan hỉ “Hiểu rồi” nhưng nhìn bộ mặt đực ra như ngỗng ỉa của nó tôi ngờ nó cũng không hiểu gì sất.
Kỳ 2
Để bút nhóm Mặt Trời Khuya có đất dụng võ, Thọ lại đánh cắp của mẹ nó một cuốn sổ các-nê khác.
Trang đầu tiên của cuốn sổ, Thọ kẻ bằng mực đỏ thật đậm, chữ nào chữ nấy to cồ cộ: BÚT NHÓM MẶT TRỜI KHUYA.
Ngay bên dưới là một tuyên ngôn hết sức khệnh khạng: “TƯƠNG LAI CỦA VĂN CHƯƠNG NƯỚC NHÀ”.
Tiếp theo là dòng chữ nhỏ hơn: SÁNG TÁC VĂN THƠ.
Cuối trang là tên bốn thành viên được đóng khung trang trọng.
Chung quanh được trang trí bằng hoa lá, chim bay cò bay nhìn rối cả mắt. Tất nhiên không thể thiếu mặt trời.
Mặt trời khuya.
Tôi nhìn trang sổ chằng chịt những chữ và hình bằng ánh mắt kính cẩn:
- Mày vẽ đấy à?
- Tao thức suốt đêm qua đấy. - Thọ kể công.
Hòa ngơ ngác:
- Bọn mình làm gì với cuốn sổ này?
Thằng Hòa là chuyên gia “hỏi ngu” nhưng lần này Thọ không buồn mắng nó.
Nó lật qua trang kế tiếp, kiêu hãnh chỉ tay vào bài thơ của Lãnh Nguyệt Hàn:
- Đây là thơ của tao. Tao là người mở đầu.
Nó đập tay lên vai tôi:
- Thi sĩ Cỏ Phong Sương sẽ là người kế tiếp.
Nó giúi cuốn sổ vào tay tôi:
- Mày cầm về, sáng tác được gì viết vào đây. Sau đó chuyền cuốn sổ cho đứa khác. Cứ xoay vòng như thế.
Văn thơ (thực ra cả bốn đứa tôi đều làm thơ) của bút nhóm Mặt Trời Khuya không chỉ có đề tài tình yêu. Bọn tôi còn viết về tình bạn, tình thầy trò, tình quê hương nhưng đã là nhà văn nhà thơ thì dứt khoát phải có... người yêu, nếu không chỉ làm được những bài thơ, bài văn vứt đi, Thọ quả quyết thế.
Không phải tự nhiên mà các nàng Hạt Dưa, Thỏ Con, Cúc Tần, Xí Muội quấn quít quanh bọn tôi. Tất cả là do mưu kế và miệng lưỡi của Thọ.
Nó gặp bốn nàng thơ, đề nghị các nàng vào ban báo chí của nhà trường.
Quyền lợi của ban báo chí là gì? Đó là thỉnh thoảng được nghỉ học để đi... làm báo, tức là đi mua giấy, đi đánh máy, đi quay ronéo - toàn chuyện trọng đại. Từ khi nhậm chức trưởng ban báo chí của trường, Thọ nảy ra sáng kiến làm đặc san dưới hình thức in ronéo.
Các trường bạn cũng làm đặc san vào dịp Tết. Riêng trường tôi, Thọ bày ra đặc san Mùa Thu, đặc san Mùa Xuân rồi đặc san Mùa Hè. Thầy hiệu trưởng vốn thích văn chương, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn tha hồ thao túng.
Thế là ban báo chí gần như chuồn học quanh năm.
Gì chứ được nghỉ học là bọn học trò mê tít, nhất là được nghỉ những tiết phải lên bảng trả bài.
Bọn Thỏ Con, Cúc Tần nghe Thọ hứa hẹn khoản “nghỉ học”, gật đầu không nghĩ ngợi.
Nhờ công của Thọ, bốn chàng thi sĩ của bút nhóm Mặt Trời Khuya đi đâu cũng có bốn nàng thơ kè kè bên cạnh.
Cái cách bọn tôi chuồn khỏi lớp mới thật là oai. Trống đổi tiết vừa vang lên, cả bọn lục đục thu dọn sách vở vô cặp sách.
Cô Hiền vừa xuất hiện chỗ cửa lớp, Thọ đã dẫn đầu ban báo chí rồng rắn bước ra khỏi bàn, lễ phép:
- Thưa cô, tụi em xin phép cô được nghỉ tiết hôm nay để đi... làm báo ạ.
Cô Hiền vui vẻ:
- Các em đi đi! Cô đã được thầy hiệu trưởng báo rồi.
Thế là cả bọn hiên ngang đi lướt qua mặt cô giáo trước ánh mắt ngưỡng mộ và ghen tị của tụi bạn.
Oách như vậy, làm sao bọn con gái không mê!
Cô Hiền dạy môn sinh vật, nhưng lại thích văn thơ.
Tôi thích văn thơ nhưng lại không thích học môn sinh vật.
Tuần nào tôi cũng xúi Thọ lựa tiết sinh vật để xin đi làm báo.
Cô Hiền, người giống như tên, chẳng phàn nàn gì về chuyện ban báo chí cứ nhè tiết dạy của cô mà chuồn ra ngoài.
Hồi đầu năm, có lần thấy bọn tôi chuyền tay nhau cuốn các-nê của bút nhóm Mặt Trời Khuya, cô bảo đưa cô xem.
Trong khi cô ngồi xem sáng tác của bọn tôi thì bọn tôi hồi hộp ngóc cổ ngồi xem cô. Thấy cô xem mê mải, quên cả dò bài, Thọ khều tôi:
- Mày thấy không? Cô đọc say sưa!
- Ờ.
Tôi gật đầu, sung sướng chưa được năm giây đã cụt hứng khi Thọ vênh mặt:
- Cô đọc thơ của tao đấy!
Bọn tôi nghỉ học môn sinh vật hoài, lòng không khỏi ái ngại.
Một hôm, tôi bảo Thọ:
- Tối nay tụi mình lên nhà cô Hiền chơi!
- Mày biết nhà cô ở đâu không?
- Cô và cô Mười trọ ở tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường.
Cô Hiền và cô Mười từ thành phố về đây dạy học nên phải ở nhà trọ. Cô Mười là giáo viên của trường nhưng không dạy bọn tôi. Nhưng tôi biết cô Mười rất quý bút nhóm Mặt Trời Khuya. Cô Hiền thỉnh thoảng vẫn mượn cuốn sổ các-nê của bọn tôi đem về nhà đọc. Tôi không biết cô thích gì trong đó. “Dĩ nhiên là cô đọc thơ tình của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn”, Thọ nói giọng chắc như đinh đóng cột.
Tôi không biết Thọ nói đúng không, nhưng cô Hiền đọc chắc chắn cô Mười thế nào cũng đọc. Nếu không, mỗi lần tình cờ giáp mặt bọn tôi trên trường, cô không mỉm cười với đuôi mắt nheo nheo tuyệt đẹp như thế.
Cô Mười không dạy lớp tôi, nhưng có vẻ cô biết rõ từng thành viên trong bút nhóm Mặt Trời Khuya.
Thọ vung tay:
- Dĩ nhiên cô Hiền đã hãnh diện giới thiệu bọn mình với cô Mười. Giờ ra chơi, chắc chắn hai cô đứng trong phòng giáo viên ngắm trộm bọn mình qua cửa sổ.
Nó hùng hồn mô tả, chi tiết và sống động đến mức cứ như thể lúc đó nó đứng ngay sau lưng hai cô:
- Cô Hiền chỉ tay vào từng đứa, sung sướng nói “Kia là thi sĩ Cỏ Phong Sương”, “Còn đây là thi sĩ mặt mụn Hận Thế Nhân”... “Còn anh chàng đẹp trai này là thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn”...
- Đẹp trai cái đầu mày! - Thằng Sơn nổi cáu - Tao mặt mụn còn hơn mày mặt rỗ!
- Lại thêm một thằng ngu! - Thọ trừng mắt - Mặt rỗ là dấu hiệu của thiên tài! Nó toát ra vẻ đẹp... tinh thần, hiểu chưa?
Thiên tài Lãnh Nguyệt Hàn giành là người đầu tiên gõ cửa tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường.
- Chào cô ạ.
Nó cúi đầu lễ phép khi nhác thấy cô Hiền bước ra.
Cô Hiền có vẻ ngạc nhiên trước sự xuất hiện bất ngờ của bốn chàng thi sĩ. Cô tròn mắt ra một lúc, ngay sau đó cô nhoẻn miệng cười:
- A, chào các em. Các em đi thăm cô đấy à?
Cô vẫy tay niềm nở:
- Các em vào nhà đi!
Phòng của cô bày biện đơn sơ nhưng ngăn nắp. Sách vở chất đầy một ngăn tủ nhỏ. Một chiếc đàn tranh trên vách. Trên bàn, cạnh xấp bài cô chấm dở là một lọ hoa tươi - hoa cúc vàng chắc cô xin ở nhà ai.
Thấy bọn tôi đứng khép nép cạnh cửa phòng, cô mỉm cười:
- Các em ngồi đi!
Trong phòng chỉ có bốn chiếc ghế con nên bốn đứa tôi ngần ngại đưa mắt nhìn nhau.
Cô Mười vén tóc, cười nói:
- Các em cứ tự nhiên! Cô và cô Hiền ngồi trên giường được rồi!
Cô Mười cười với bọn tôi bằng mắt ngay từ lúc bọn tôi bước vào. Trông cô vui tính và thân thiện, cảm giác cô có thể cười suốt ngày.
Đợi bọn tôi ngồi xuống ghế, cô Hiền chỉ tay vào từng đứa vui vẻ giới thiệu:
- Học trò mình đó, Mười.
Lạ lùng là cái cách cô giới thiệu sau đó giống hệt những gì thằng Thọ tưởng tượng:
- Kia là thi sĩ Cỏ Phong Sương! Còn đây là thi sĩ Hận Thế Nhân... Còn anh chàng này là thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn...
Tất nhiên, các từ “mặt mụn” và “đẹp trai” không có trong câu nói của cô.
Cô Mười lặng yên quan sát bọn tôi, miệng tủm tỉm trong khi bọn tôi nóng ran mặt mày vì sung sướng và cả vì mắc cỡ trước lời giới thiệu trang trọng của cô Hiền.
Hôm đó, bọn tôi mời hai cô giáo đi dạo.
- Đi đâu hở các em?
- Đi xuống cầu Hà Kiều chơi đi, cô! - Thọ quảng cáo - Tối nay có trăng, ngồi trên cầu hóng gió thơ mộng lắm, cô!
Cô Hiền và cô Mười năm đó mới ra trường, khoảng hai mươi, hăm mốt tuổi, chỉ lớn hơn tôi, Hòa, Sơn năm, sáu tuổi và lớn hơn thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn chừng ba, bốn tuổi, vẫn còn ham chơi. Ở xứ lạ không quen biết nhiều, tối nào cũng ru rú trong phòng, được bọn học trò rủ đi chơi thì thích lắm.
Hai cô giáo và bốn học trò sóng bước bên nhau dưới ánh trăng, xuôi chợ Hà Lam rồi theo con đường cuối chợ chạy dọc ruộng lúa rẽ ra bàu sen.
Thọ chỉ cây cầu xi măng ngắn ngủn vắt ngang bàu với các khóm trúc xanh xào xạc ở hai đầu cầu, khoe:
- Cầu Hà Kiều đó cô.
- Ôi, chỗ này đẹp quá hả Mười? - Cô Hiền reo lên như trẻ con được kẹo. - Tụi mình ở thị trấn này gần nửa năm rồi mà chưa đến đây bao giờ!
Cô Mười cười:
- Thật là thiếu sót!
Sáu người ngồi trên thành cầu trò chuyện vừa đưa mắt ngắm mặt nước loáng ánh trăng bạc, thỉnh thoảng vài đóa hoa sen bị đánh thức bởi một chú cá đớp mồi, giật mình bung cánh và ngơ ngác tỏa ra thứ hương thơm kín đáo cứ thoang thoảng chập chờn trong gió như gần như xa.
Bây giờ hồi tưởng lại, tôi không nhớ rõ các cô giáo và bọn học trò đã nói với nhau những gì trong buổi tối tuyệt vời đó. Nhưng tôi nhớ như in thứ ánh sáng mỡ màng, mông lung và huyền hoặc tráng lên mọi vật, kể cả các gương mặt quanh tôi, khiến đôi lúc tôi có cảm giác tôi đang lạc vào một nơi nào đó rất xa nơi tôi đang sống.
Trong suốt một tuần, hầu như tối nào bọn tôi cũng ghé tiệm Xuân Lan Đường rủ cô Hiền và cô Mười đi dạo.
Tới ngày thứ bảy, tình thầy trò giữa hai cô giáo và các học trò không cách xa lắm về tuổi tác đã bắt đầu phảng phất tình chị em lẫn tình bạn bè.
Sau này, khi lên cấp ba và đại học tôi cũng nhiều lần chơi thân với các thầy giáo, cô giáo, nhất là các thầy cô giáo dạy các môn mà tôi là học sinh xuất sắc, nhưng mãi mãi tôi vẫn không bắt gặp lại cảm giác êm ái và thi vị lúc tôi và ba thằng bạn trong bút nhóm Mặt Trời Khuya cùng hai cô giáo trẻ dạo bước dọc các cánh đồng để nghe hương lúa lẫn hương sen thấm vào tóc vào áo, ngủ một đêm sáng dậy vẫn chưa tan.
Kỳ 3
Trong bút nhóm Mặt Trời Khuya, Thọ là đứa đầu đàn, dù mặt nó rỗ hoa mè. Vì nó là đứa lớn tuổi nhất, lại đang giữ chức vụ rất hách là trưởng ban báo chí của lớp và của trường. Nó thành lập bút nhóm, tự phong cho nó chức nhóm trưởng. Nó khuyến khích tôi, Hòa và Sơn chuyện tốt đẹp như sáng tác thơ văn lẫn chuyện chẳng hay ho chút nào là hút thuốc lá.
Thoạt đầu, bốn đứa ngồi trong quán cà phê chỉ có nó phì phèo thuốc lá. Tôi đoán nó đánh cắp thuốc lá trong tiệm tạp hóa của mẹ nó và tập hút hai, ba năm nay rồi.
Nó rít một hơi thuốc thật đẫy, phun khói qua lỗ mũi rồi nheo mắt nhìn ba đứa tôi với cái cách đang nhìn ba đứa con nít:
- Thi sĩ là phải biết hút thuốc lá.
Nó rao giảng:
- Khói thuốc lá giúp đầu óc ta ngất ngây, tâm hồn ta mơ mộng. Ta sẽ nhìn đời bằng đôi mắt ảo huyền và làm được khối thơ hay.
- Ba tao cấm tao hút thuốc. - Hòa chen ngang - Ba tao bảo ai hút thuốc sớm muộn gì cũng bị ho lao.
Sơn phụ họa:
- Thấy tao cầm điếu thuốc, ba tao sẽ đuổi tao ra khỏi nhà ngay tức khắc.
- Ngu! - Thọ sầm mặt mắng ngay, nó nói nhanh như để bịt miệng tôi, là đứa mà nó biết chắc nếu không kịp ngăn lại thế nào tôi cũng sẽ hùa vào với hai đứa kia - Tụi mày là nhà thơ, là những thi hào trong tương lai, không thể suy nghĩ và hành động như những kẻ tầm thường...
Nó quét mắt một vòng, hùng hồn:
- Kẻ tầm thường ho lao rồi chết. Còn thi sĩ sau khi bị ho lao sẽ để lại cho đời những áng văn thơ bất hủ.
Thấy tụi tôi lộ vẻ nghi ngờ, nó đưa điếu thuốc lên môi, rít một hơi nữa rồi lim dim mắt:
- Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé/ Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân/ Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần/ Tôi khẽ nói gớm sao mà nhớ thế...
Ngân nga dứt, nó mở bừng mắt ra, hất đầu về phía ba đứa tôi:
- Thơ hay không?
Tôi xuýt xoa:
- Hay! Thơ của mày à?
- Không. Thơ Hồ Dzếnh.
Hòa trầm trồ:
- Hồ Dzếnh làm thơ hay ghê!
Chỉ chờ có vậy, Thọ nhếch môi, đắc thắng:
- Nhưng nếu không tập hút thuốc lá, Hồ Dzếnh làm thơ dở ẹc liền!
Thọ nói có sách mách có chứng, ba đứa tôi ngây mặt ngó nhau.
Năm phút trôi qua, Hòa rụt rè cất tiếng:
- Nhưng ba tao bảo bệnh ho lao...
Thọ hừ mũi, không để Hòa kịp đem ba ra hù dọa:
- Mày lấy bút danh Trầm Mặc Tử mà cứ sợ ho lao. Thi sĩ Hàn Mặc Tử còn bị tới bệnh hủi nữa kìa. Ho lao thì ăn nhằm gì!
Hàn Mặc Tử là tượng đài quá lớn trong lâu đài thi ca nước nhà. Thọ quát xong, cả bọn nín thinh, không đứa nào dám hó hé, quên bẵng việc hỏi lại nó xem Hàn Mặc Tử lúc sinh thời có hút thuốc lá và giữa thuốc lá và bệnh hủi có bà con gì với nhau hay không.
Thấy cả đám nghệt ra như bị thằn lằn ị trúng mặt, chắc Thọ sướng rơn.
Nó chìa điếu thuốc đang hút dở ra trước mặt tôi, giọng ngọt như ướp mật:
- Cỏ Phong Sương hút trước đi! Trong ba đứa, tao thấy mày là đứa có phẩm chất thi sĩ nhất!
Được Lãnh Nguyệt Hàn ca lên mây, tôi nở từng khúc ruột, nhưng khi cúi nhìn điếu thuốc lập lòe trên tay nó, mặt tôi không giấu vẻ lo lắng.
- Đừng sợ! - Thọ trấn an tôi, nó chồm người tới trước, một tay đặt trên vai tôi, tay kia giúi điếu thuốc vào tay tôi - Dễ như ăn kẹo ấy mà!
Không thể thoái thác được, tôi đành cầm lấy điếu thuốc rụt rè đưa lên miệng trước vẻ mặt tò mò của Sơn và Hòa.
- Cố lên! Hít vô chầm chậm thôi! - Thọ động viên tôi.
Tôi nhắm mắt “hít vô chầm chậm”, thấy miệng đắng nghét. Tệ hơn nữa, khói thuốc xộc lên mũi tôi cay xè khiến tôi ho sặc sụa.
Tôi hoảng hồn liệng điếu thuốc đi, rối rít:
- Thôi, thôi...
Thọ sầm mặt chạy đi lượm điếu thuốc tôi vừa ném ra xa.
- Kiểu này suốt đời mày sẽ không bao giờ trở thành nhà thơ lớn nổi! - Thọ nhiếc móc, rồi nó đưa mẩu thuốc cho thằng Hòa, hất hàm - Mày biểu diễn cho nó coi đi, Trầm Mặc Tử!
Hòa xanh mặt:
- Ba tao bảo...
- “Ba tao” hoài! - Thọ hừ mũi - Thi sĩ gì mà động tí lại kêu ba! Hút đi! Mày ho lao, tao chịu trách nhiệm!
Cũng như tôi, Hòa nhớn nhác nhón lấy điếu thuốc bằng những ngón tay run run, trông như nó đang nhón một con sâu...
11.
Dưới sự dụ dỗ chen lẫn đe nẹt của bậc đàn anh Lãnh Nguyệt Hàn, rốt cuộc ba thi sĩ còn lại của bút nhóm Mặt Trời Khuya cũng làm được điều tệ hại là phì phèo thuốc lá.
Hòa đã quên chuyện ho lao. Sơn tự nhủ: Mình hút ở ngoài quán, ba mẹ mình đâu có thấy! Tôi cũng thế, nghĩ đây là chuyện bí mật, phần vì mơ mộng làm được những câu thơ hay như Hồ Dzếnh.
Thực sự thì ba đứa tôi bập thuốc lá như những kẻ học đòi. Trừ thằng Thọ, chẳng đứa nào hút được nguyên điếu thuốc. Bao giờ cũng thằng Thọ đốt thuốc trước, rít vài hơi, sau đó chuyền vòng quanh. Tôi, Hòa và Sơn mỗi đứa chu môi rít một bụm khói rồi lật đật phun ra.
Thọ nhìn bọn tôi bằng ánh mắt chán ngán. Nhưng nó chẳng trách cứ gì, chỉ phẩy tay:
- Từ từ rồi tụi mày sẽ quen.
Trong khi chờ quen với chuyện độc hại này, trong thời gian đó tôi phải đối phó với một chuyện độc hại khác.
Lần này chuyện độc hại mang tên Trầm Mặc Tử, vì dạo này gần như đêm nào Hòa cũng ngủ lại nhà tôi.
Do vậy mà tôi phát hiện thi sĩ Trầm Mặc Tử đã mười bốn tuổi rồi mà vẫn còn đái dầm.
Tối nó ngủ chung giường với tôi và thằng em tôi, sáng ra bao giờ người ngợm ba đứa cũng ướt mèm, khai rình.
Hôm đầu tiên, tôi hét lên khi phát giác ra điều kinh khủng đó:
- Có đứa đái dầm!
Tôi nhìn em tôi, giọng ghê tởm:
- Mày phải không?
- Đâu phải em! - Em tôi ngơ ngác.
Tôi quét mắt sang Hòa:
- Vậy là mày?
- Không phải tao!
Hòa chối, nhưng vẻ lúng túng của nó đã tố cáo nó.
Tôi nhún vai:
- Tao sẽ kể chuyện này cho tụi Xí Muội, Cúc Tần nghe. Tụi nó sẽ khóc thét khi biết thi sĩ Trầm Mặc Tử lớn tồng ngồng rồi mà còn đái dầm.
- Ê! - Mặt Hòa xám xịt - Đừng chơi xấu anh em, mày!
Tôi đập tay lên vai nó:
- Tao đang đói bụng.
Biết tôi đòi “hối lộ”, trán Hòa nhăn tít. Nhưng nó chỉ biết cười khổ:
- Ra đầu ngõ ăn bún giò với tao!
Hòa dẫn tôi đi ăn bún giò, đãi thêm một ly cà phê và tối đó nó lại đái dầm tiếp.
Nó đái dầm ba đêm liên tục.
Ba đứa tôi ngủ trên giường lót chiếu cói, nước tiểu không thoát được, sáng nào thức dậy người cũng như tắm.
Thấy mẹ tôi ôm chiếu đi giặt mỗi ngày, ba tôi mua về một chiếc giường xếp bằng ni-lông. Giường xếp đan bằng những sợi ni-lông nhỏ, đủ màu, nước trong người thằng Hòa chảy ra đến đâu nhỏ tong tong xuống nền nhà đến đó.
Từ bữa đó, Hòa ngủ một mình một giường.
12.
Bọn tôi không rủ cô Hiền và cô Mười xuống cầu Hà Kiều ngồi hóng mát nữa nhưng hằng tuần vẫn kéo nhau lên tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường thăm hai cô.
Có lẽ nhờ vậy tôi luôn được cô Hiền cho điểm cao mỗi khi dò bài, dù suốt một năm học tôi chỉ thuộc mỗi một bài đầu tiên nói về lá và rễ cây.
Hồi bút nhóm Mặt Trời Khuya chưa ra đời, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn chưa lên chức trưởng ban báo chí nhà trường, tôi bị cô Hiền kêu lên bảng và dò đúng bài này. Dĩ nhiên tôi đọc làu làu và lãnh điểm 10 ngon lành.
Đến khi thằng Thọ bày ra trò làm đặc san, thường xuyên xin nghỉ tiết của cô để “đi làm báo” thì tôi không thèm tụng bài sinh vật nữa. Chép bài thì tôi vẫn mượn tập tụi bạn để chép nhưng chép xong tôi vứt tập vào ngăn bàn, không thèm ngó ngàng gì đến nó.
Cô Hiền dễ dãi khi tụi tôi xin nghỉ tiết dạy của cô, nhưng cột điểm hằng tháng không thể để trống, vì vậy hôm nào tụi tôi không “đi làm báo”, cô lần lượt kêu tám mống trong ban báo chí lên bảng, không sót một đứa nào.
Khi cô kêu đến tôi, dĩ nhiên tôi rất run.
Cô lật tập, ngay bài mới nhất, kêu tôi đọc.
Tôi gí gí mũi giày xuống nền nhà, mặt đỏ tới mang tai.
Thấy tôi đứng lâu lắc, có vẻ như đang nghĩ ngợi xem nên mở miệng hay cứ lì ra như thế cho đến khi có trống đổi tiết, cô Hiền ngước mắt nhìn tôi:
- Sao thế? Hôm qua em không học bài à?
- Thưa cô, hôm qua em đi ăn giỗ ạ.
Tôi lí nhí đáp, bụng đã sẵn sàng ôm tập về chỗ.
Nhưng cô Hiền có vẻ không nỡ đuổi tôi. Cô không muốn thi sĩ Cỏ Phong Sương mất mặt trước bạn bè.
Tôi gằm đầu và nghe tiếng cô bay trên mái tóc:
- Thôi, em đọc bài tuần trước cũng được.
- Bài tuần trước em cũng không thuộc ạ. - Tôi đáp, giọng xấu hổ, nhưng ý tứ thì giống như đố cô làm gì được em.
Cô Hiền không làm gì tôi thật. Lần thứ hai, giọng cô đầy nhẫn nại:
- Vậy cô cho em đọc bài tuần trước nữa!
- Bài tuần trước nữa... cũng vậy, thưa cô! - Tôi nhắm mắt lại, ấp úng thú nhận, ước gì có thể chui được xuống đất ngay lúc đó.
Sau một phút ngẩn ngơ, cô Hiền thở hắt ra:
- Thôi, em thuộc bài nào thì đọc bài ấy!
Trước sự rộng lượng bất ngờ của cô, tôi nhanh nhẩu đọc bài về lá và rễ cây. Tôi không dám đọc to, sợ tụi bạn ngồi dưới nghe thấy sẽ kiện cáo lôi thôi.
Hôm đó, tôi được cô Hiền cho 9 điểm, mặc dù tôi đọc một bài cũ rích và giọng tôi phát ra từ một âm vực thấp đến độ tôi ngờ rằng cô không thể nào nghe thấy.
Từ bữa đó, tôi không sợ cô Hiền kêu trả bài nữa.
Những lần bọn tôi đến thăm cô, cô và tôi đều không nhắc gì đến chuyện đó và tháng sau tôi lại tiếp tục thì thầm đọc bài lá và rễ cây khi bị cô kêu lên bảng.
Tóm lại, suốt một năm học môn sinh vật, tôi chỉ thuộc độc nhất mỗi một bài. Đó là vốn lận lưng của tôi, lần nào bị cô Hiền gọi trả bài, tôi cũng véo von về lá và rễ cây. Đến mức, những lần sau thấy tôi lò dò đi lên, cô chỉ đưa tay cầm lấy cuốn tập và hất đầu chiếu lệ “Em đọc đi!”, chẳng buồn nói bài nào vì cô biết thừa nếu cô bảo tôi đọc bài khác chắc chắn tôi sẽ ngất xỉu giữa lớp.
Có lần không kềm được, tôi đem chuyện cô Hiền ưu ái tôi khoe với tụi bạn trong bút nhóm và sung sướng thấy tụi nó tròn xoe mắt vì ngạc nhiên, sau đó mặt đứa nào đứa nấy xám đi vì ghen tị. Thằng Thọ phun nước bọt:
- Tao sẽ kiện!
Tất nhiên tôi biết nó chỉ nói chơi.
Kỳ 4
Tôi có thích con gái không? Nói trắng ra, tôi có thích Thỏ Con không?
Nhiều lúc tôi vẫn tự đặt cho tôi câu hỏi này. Và trong phần lớn các trường hợp, sau khi xoay chuyển ý nghĩ theo đủ các hướng, tôi kết luận là tôi có thích nó.
Đơn giản, nếu không thích Thỏ Con, tôi chẳng việc gì phải è lưng ra chở nó chạy vòng vèo hết đồi tới suối, gần cả năm trời.
Tôi thích nó không chỉ vì sự gán ghép của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn, mặc dù phải thừa nhận nếu không có thằng Thọ, nếu không có sự lạm quyền của nó trong vai trò trưởng ban báo chí nhà trường, tôi đã không có cơ hội cặp kè với Thỏ Con một cách danh chính ngôn thuận.
Tôi thích Thỏ Con vì nó hiền, trong bốn nàng thơ nó là đứa hiền nhất. Dĩ nhiên đứa hiền nhất không phải là đứa lúc nào cũng hiền, thỉnh thoảng nó cũng nổi cộc, đặc biệt là khi bênh vực bạn bè hoặc lòng tự trọng bị người khác xúc phạm. Vì vậy mà tôi không giận Thỏ Con mặc dù mấy hôm nay nó đang giận tôi.
Tôi thích Thỏ Con còn vì một đứa con trai cứ cặp kè với một đứa con gái ngày này sang ngày khác thì thế nào cũng đến lúc đứa con trai đó thích đứa con gái đó: ánh mắt của đứa con gái bỗng trở nên ấm áp, giọng nói của đứa con gái bỗng trở nên du dương và mọi cử chỉ của đứa con gái bỗng trở nên duyên dáng một cách kỳ lạ, mặc dù cũng ánh mắt đó, giọng nói đó, cử chỉ đó trước khi trở nên thân thuộc thì đứa con trai cảm thấy chẳng có gì đặc biệt.
Cuối cùng, tôi thích Thỏ Con bởi vì tất cả bạn bè đều nghĩ tôi thích nó. Khi cả thế gian đều nhất trí bảo rằng con mèo là con chó thìđôi khi bạn cũng bắt gặp mình lẩn thẩn: Có khi nào chó với mèo là một chăng?
Dù sao tôi cũng đủ tỉnh táo để biết rằng thích không phải là yêu, mặc dù tôi làm cả đống thơ tình cho Thỏ Con dưới sức ép của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn.
Thơ tình của tôi hẳn nhiên là thứ thơ tình chung chung, có thể tặng bất cứ đứa con gái nào trên trái đất này, đại loại như: “Em ạ, ta chờ nhau kiếp sau/ Trăng theo ngày tháng cũng phai màu”. Những câu thơ mang hơi hướm “Đường vào tình sử” của Đinh Hùng đó được thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn khen nức nở và sau đó nó không ngớt lời ca tụng chuyện tình giữa hai đứa tôi, thậm chí còn so sánh với mối tình Tristan và Iseult nào đó bên Tây nhưng tôi biết nếu tôi có gặp lại Thỏ Con ở kiếp sau thật thì tình cảm tôi dành cho nó chắc cũng nằm ở mức tôi lấy trộm xe của ba tôi chở nó đi loăng quăng ngoài phố là cùng.
Dĩ nhiên sau cái ngày cả bọn rầu rĩ thú nhận với nhau những chuyện tình đó chỉ toàn là hư ảo, rằng thực ra chẳng đứa nào có tình ý gì với nàng thơ của mình (và ngược lại, các nàng thơ chắc cũng chẳng có tình ý gì với đứa nào trong bọn), thằng Thọ không còn tưới nước đường vào chuyện tình tưởng tượng của hai đứa tôi nữa nhưng nó vẫn không quên vỗ vai tôi bồm bộp:
- Yêu hay không yêu mặc xác mày, nhưng thơ tình thì vẫn phải làm đấy nhé!
Thi sĩ Trầm Mặc Tử có thích nàng thơ Cúc Tần không?
Chắc là thích, căn cứ vào những gì tôi suy luận từ chuyện giữa tôi và Thỏ Con.
Thi sĩ Trầm Mặc Tử có yêu nàng thơ Cúc Tần không?
Chắc là không, căn cứ vào những gì tôi suy luận từ chuyện giữa Thỏ Con và tôi.
Hơn nữa, thằng Hòa từng nói với bọn tôi là nó cũng như bọn tôi, nghĩa là không yêu iếc gì hết.
Tôi tin ngay lời thú nhận của nó, vì những lẽ trên kia. Và vì một lẽ khác quan trọng hơn: tôi nghĩ một đứa đêm ngủ vẫn đái dầm thì không thể nào mơ mộng đến chuyện yêu đương. Một bên cao quý, một bên tầm thường, một bên lãng mạn vô bờ bến, một bên phàm tục hết chỗ chê, tình yêu và tật đái dầm không thể tồn tại trong một con người được.
Khi nghĩ như vậy về Hòa, tôi quên rằng nó chỉ đái dầm trong khi ngủ và trước khi ngủ thì nó không đái dầm.
Trước khi đi ngủ, nghĩa là trước khi rơi vào chỗ tầm thường phàm tục nó vẫncó thể cao quý, vẫn có thể lãng mạn. Bằng chứng là một tối nọ, nó rủ tôi đi dạo và kêu tôi cầm theo cây đèn pin.
- Tự dưng giở chứng vậy? - Tôi há hốc miệng - Cầm theo đèn pin làm chi?
- Mày cứ nghe lời tao đi!
Hòa úp mở và sau khi thấy tôi chạy vào nhà lấy cây đèn pin cầm tay, nó lầm lũi tuôn ra cổng, không nói một tiếng nào.
Tôi lẽo đẽo đi theo nó, tưởng nó rủ đi uống cà phê hoặc kéo tới nhà thằng Sơn chơi, một lát ngạc nhiên thấy hai đứa đang cuốc bộ dọc con đường dẫn xuống mé ruộng sau lưng chợ.
- Xuống cầu Hà Kiều hả mày?
Hòa ỡm ờ:
- Lát nữa mày sẽ biết!
Vài phút sau, tôi nhận ra con đường hai đứa tôi đang rảo bước đúng là con đường nhỏ bọn tôi từng dẫn cô Hiền và cô Mười đi dạo những đêm trăng trước đây. Bên trái là rặng tre xanh nghiêng cành nhánh xuống mặt đường, suốt ngày đêm không ngừng tấu lên khúc nhạc đồng quê bằng những tiếng rì rào không bao giờ kết thúc, bên phải là những thửa ruộng tiếp nhau chạy từ cuối chợ cho đến tận bàu sen, xanh ngan ngát cả một vùng. Đi hết rặng tre, gặp một con đường lớn xe ô tô đi lọt, rẽ trái là ra trường huyện, quẹo phải là đến cầu Hà Kiều.
Chỉ khác là đêm nay trời không trăng, có lẽ vì vậy Hòa kêu tôi cầm theo cây đèn pin.
Tôi rọi đèn xuống mặt đường, nghịch ngợm vẽ thành những vòng tròn cho đỡ sốt ruột.
Tôi vẽ đến vòng thứ mười thì Hòa giật phắt cây đèn trên tay tôi quét ra phía trước, chớp tắt vài lần như thể đánh “moọc” rồi quay sang tôi, thấp giọng:
- Mày đứng đây đợi tao!
Tôi ngẩng lên, tự dưng muốn đưa tay cốc đầu mình một cái khi cây bông gòn cao ngất nhô lên từ góc rào nhà con Cúc Tầnđập vào mắt tôi trong thứ ánh sáng đứt nối bắn ra từ tay Hòa.
Nhà Cúc Tần nằm cuối rặng tre, ngay ngã ba, tôi chạy xe lượn qua nhà nó nhiều lần nhưng chưa ghé vô bao giờ. Tôi cũng không nghĩ thằng Hòa dám mò đến nhà nàng thơ của nó vào lúc tối mịt thế này nên đã không đoán ra nó rủ tôi đi đâu.
Tôi lo lắng nhìn dãy rào in bóng đen ngòm lên bầu trời đùng đục, níu tay Hòa:
- Mày định làm gì vậy?
- Tao ghé thăm nàng thơ của tao. - Hòa đáp, tôi không nhìn rõ mặt nó trong bóng đêm nhưng vẫn hình dung được vẻ vênh váo của nó qua cách nó đáp lời tôi.
- Thế sao mày không đi nữa? Ngõ vào nhà nó đằng kia mà.
- Tao không vào nhà. Vào nhà thì xoàng quá. Tao hẹn nó ở đống rơm sau hè.
Nó huých khuỷu tay vào hông tôi:
- Vì vậy tao mới bảo mày đứng đây.
Tôi như bơi trong sự ngạc nhiên:
- Trò mới à?
- Tao bắt chước Romeo và Juliet.
Romeo khoái chí khoe tôi nó đã hò hẹn với Juliet theo kiểu này một lần rồi.
Lần đó xảy ra cách đây bốn ngày. Đúng tám giờ tối nàng Juliet bước ra sau hè, đợi Romeo nhá đèn pin thì lui cui vạch rào cho Romeo chui vô. Hòa kể tôi thế. Nó bảo Cúc Tần là đứa ưa đọc truyện phiêu lưu trinh thám, nghe thi sĩ Trầm Mặc Tử bày trò ú tim thì hưởng ứng ngay tắp lự.
- Thế sau đó tụi mày chui vô đống rơm thật à? - Tôi liếm môi, ghen tị hỏi, đầu vẫn nhớ rõ buổi tối thằng Hòa tự nhiên biến mất khiến tôi đi tìm gần chết.
- Ờ, đống rơm sau hè nhà nó là nơi ẩn nấp an toàn nhất. Lại kế hàng rào, có biến là tao chuồn được ngay.
Tôi nói, bắt gặp mình đang nuốt nước bọt:
- Thế chui vô đống rơm thì tụi mày làm gì?
- Tụi tao có làm gì đâu! Vẫn ngồi trò chuyện như trên lớp thôi!
Hòa trả lời chán ngắt. Tôi nhìn nó như nhìn một đứa vừa va đầu phải gốc cây:
- Thế việc gì phải chui vô đống rơm?
- Sao mày ngu thế? - Tới lượt Hòa nhìn lại tôi như nhìn một thằng người bằng gỗ, và có vẻ nó bắt đầu tưởng mình là thằng Thọ khi hùng hồn mắng tôi ngu - Hò hẹn thế mới lãng mạn chứ!
- Nhưng tụi mày đâu có yêu nhau? - Tôi cãi.
- Cần gì yêu!
Lần này nói xong, Hòa đập lên tay tôi, tí tởn:
- Tao chui vô đây. Chắc Cúc Tần đợi tao nãy giờ.
Vừa dợm bước, Hòa ngoảnh lại, đập lên tay tôi một cái nữa, nghiêm giọng:
- Đứng đây chờ tao! Mày không được bỏ về đấy!
Tôi cầm cây đèn pin Hòa trao, sợ rắn trong rặng tre um tùm bò ra nên đứng nhích sát mép ruộng, tâm trí nghĩ ngợi vẩn vơ. Thoạt đầu, tôi không biết thằng Hòa rủ tôi đi theo làm gì. Nó từng một mình hò hẹn với Cúc Tần kiểu này trót lọt. Nó đâu cần đến sự giúp đỡ của tôi. Có hay không có tôi đứng ngoài hàng rào đợi nó, mọi chuyện vẫn chẳng có gì khác.
Nghĩ miên man một hồi, tôi chợt “à” lên một tiếng khi chợt hiểu ra thâm ý của Hòa. Nó rủ tôi đi theo chắc là để khoe mẽ. Để tôi chứng kiến cuộc hò hẹn theo phong cách lãng mạn hồi hộp của nó với Cúc Tần. Tóm lại, để cho tôi lé mắt.
Tự dưng tôi bật cười khẽ và trong khi tôi cố tưởng tượng thi sĩ Trầm Mặc Tử và nàng thơ của nó đang làm gì trong đống rơm (và có đúng là “chỉ trò chuyện như ở trên lớp” hay không!) thì tôi bỗng tròn xoe mắt khi thấy Hòa thình lình hiện ra trước mặt tôi.
- Về! - Hòa gọn lỏn, giọng kém vui.
- Sao mày chui ra sớm thế? - Tôi chớp mắt, ngẩn ngơ - Hai đứa mày gây gổ chuyện gì à?
- Tao có gặp được nó đâu! - Giọng Hòa vẫn quàu quạu.
Tôi ngớ ra một lát, rồi như chợt hiểu liền gật gù chia sẻ:
- Bọn con gái là thế! Thỉnh thoảng hứng lên lại cho mình leo cây! Nó bắt mình chui vô chui ra như...
Tôi kịp tốp lại chữ “chó” đúng phút chót, nhưng tôi biết ngay cả khi tôi dán miệng kịp thời, một đứa kém thông minh đến mấy cũng biết tỏng tôi sắp sửa phun ra chữ gì. Tôi khẽ liếc Hòa, nơm nớp chờ nó phồng mang lên. Nhưng Hòa dường như đang để trọn đầu óc vào chuyện buồn bực vừa xảy ra nên không để ý đến lối so sánh bất nhã của tôi.
- Tao có chui vô được đâu. - Hòa khụt khịt mũi.
- Ủa! Thế...
Hòa nhún vai, như hiểu tôi định hỏi gì:
- Tao vừa vạch rào đã đụng ngay ông già nó.
- Ối! - Tôi đưa tay bụm mặt, như không dám nhìn thẳng vào những gì xảy ra sau đó mà tôi nghĩ chắc là rất tồi tệ.
- Tình cờ thôi! - Hòa tặc lưỡi - Ổng ra chỗ hàng rào đi tiểu.
Bây giờ tôi mới phát giác ra người thằng Hòa có mùi gì thoang thoảng.
- Ổng tiểu trúng đầu mày à? - Tôi hỏi và bước vội ra xa, đề phòng một cú đấm của nó.
- Bậy! Trúng chân thôi!
Hòa nói “trúng chân” nhưng tôi nghe giọng nó đột ngột méo đi. Tôi đã định trêu “chân” mày mọc trên cổ mày chứ gì nhưng cuối cùng tôi ép mình ngậm miệng lại, khi nhớ ra rằng cười cợt trên nỗi đau của người khác là điều vô lương tâm hết sức.
Tuy nhiên tôi không thể cấm tôi cười thầm trong bụng khi nhớ đến tật đái dầm của Hòa, bởi vì ngay sau đó tôi lập tức ngạc nhiên rằng tại sao cuộc đời của thi sĩ Trầm Mặc Tử chuyện gì cũng liên quan đến... nước tiểu.
(Nguồn traitimyeuthuong.com, tác giả Nguyễn Nhật Ánh)