BÀ ẤY CHỈ HIỂU LẦM MỘT CÂU TRUYỆN KIỀU
Bạn gái Hà thành, nhất là những vị tín nữ của thuyết tự do giá thú, chắc đương chau mày, nghiến răng, bất bình thay cho cuộc gả bán của cô Đoàn Thị Tuệ. Cô Tuệ là một nữ nghệ sĩ của gánh hát Nhật Tân, có tài hát lại có cả tài diễn kịch. Trong khi theo gánh hát ấy đi diễn trò khắp các tỉnh Bắc Kỳ, cô ấy nổi tiếng là một đào giỏi. Vậy mà xuân xanh chưa có bao nhiêu. Có người bảo rằng cô ấy mới 13 tuổi. Đó là người ta muốn cho cô ấy thêm vẻ ngây thơ. Kỳ thực, nữ nghệ sĩ ấy năm nay đã vừa tới tuần cập kê. Nghĩa là bằng tuổi cô Kiều trong lúc bắt đầu gặp chàng Kim Trọng. Và về sự phát triển của đường tình, cô Tuệ cũng không thua gì cô Kiều. Cái người đã được cô ấy để vào mắt xanh và đương cố đóng vai Kim Trọng là một học sinh trường tư, hiện ở với chị tại phố Hàng Nón Hà Nội.
Không hiểu đá biết tuổi vàng từ bao giờ, lâu rồi hay mới. Người ta chỉ biết cô cậu đã nặng lời thề thốt, nhất định cùng nhau tạc một chữ đồng đến xương. ác nghiệt là cái bà mẫu của cô. Bà ấy cũng như Thúc ông, cố tình nghiến răng bẻ chữ đồng làm đôi. Là vì có ông chuyên "xếp chỗ ngồi cho khách" ở rạp Hiệp Thành cũng hỏi cô Tuệ làm vợ. Không rõ vợ chính hay vợ thứ. Chừng như thích phường trò hơn là học trò, nên bà Vũ Thị Định mới tựa vào công mang nặng đẻ đau, bắt cô Tuệ phải bỏ người tình mà lấy cái người "không tình". Cố nhiên cô Tuệ không thuận. Cố nhiên bà Định vẫn cố ép uổng.
Nhưng, những sự đó chỉ là việc bất thường trong các gia đình nửa mới nửa cũ. Cái lạ là thứ hình phạt của bà mẫu kia đã dùng để phạt cô Tuệ. Không đánh, không đập, không cần đến thủ đoạn phũ phàng. Bà ấy đưa tuột cô Tuệ vào làng Đồng Quang, phủ Thường Tín, cái làng quê mình. Rồi thì bà ta nhốt luôn cô ấy vào buồng và đóng thật chặt các cửa. Sợ cô ấy còn có thể trốn, bà Định lại dùng xích sắt xích chân con gái vào chân mình nữa. Nhiều người thấy vậy cho rằng vị hiền mẫu ấy đã xử với con một cách tàn nhẫn. Nhưng mà xét cho kỹ ra, có lẽ nó không tàn nhẫn tý nào, chẳng qua bà ta cũng chỉ vì hiểu lầm một câu Truyện Kiều mà thôi. Cuốn Kiều chẳng có chỗ nói:
"Buộc chân tôi cũng xích thằng nhiệm trao" à? Chắc là bà đó cho rằng "xích thằng" tức là xích sắt, nên mới dùng nó "trao" cho con gái. Nhưng sao bà ta lại không xích cô Tuệ vào chân ông "xếp chỗ ngồi" của rạp Hiệp Thành, mà lại xích vào chân mình. Chỗ đó cũng khó hiểu một chút. Đáng lẽ bữa nay là ngày cô Tuệ phải xích về nhà ông "xếp chỗ ngồi" của rạp Hiệp Thành. Vì lệnh bà mẫu cô ấy giục phải cưới đi, kẻo chậm nữa, e rằng xích không giữ nổi. Nhưng, cậu học sinh Hàng Nón còn đi trình Cẩm, và nhờ các nhà đương sự can thiệp, không rõ tấn tuồng đã diễn đến cảnh gì rồi. Dù cho diễn đến cảnh nào đi nữa, thì cô Tuệ cũng không thể vượt quyền bà mẫu kết duyên với cậu học sinh Hàng Nón, nếu như bà ấy không thuận. Bởi vì xứ này không phải là chỗ để chứa những quyền tự do của cá nhân, dầu nó là quyền tự do về sự giá thú. Chẳng thế mà quyển Bắc Kỳ dân luật đã cho chúng ta hiểu rằng: con trai lấy vợ, con gái lấy chồng, đều phải do người gia trưởng làm chủ hôn.
Thế nhưng, nói dại đổ đi, nếu cô Tuệ vì tuyệt vọng về đường nhân duyên mà phải sống khác với tình, thì chẳng có ai bị tội về cái án đó! Nếu thế thì ai giết người?
LỜI CỦA GIẢN UNG ĐÃ ĐƯỢC THỰC HÀNH
Chuyện này hình như ở Tam quốc chí không có. Người ta chép nó vào bộ Hán thư. Hồi ấy, chắc vì Trương Phi say rượu đánh mất Tiểu Bái, Lưu Bị mới hạ lệnh cấm rượu. Không phải vì cấm rượu lậu, không cấm rượu tá như bây giờ đâu. Vì anh hùng khéo khóc này cầm hết các thứ chế bằng men, vô luận là lậu hay không lậu. Thế rồi, một hôm tình cờ đi với Giản Ung vào một nhà dân, Lưu Bị vớ được bộ đồ nấu rượu, ông ấy liền làm như các lính Đoan ngày nay, bắt luôn cả người và tang vật điệu đi. Và định trị tội một cách rất nặng, vì tên dân ấy đã dám chứa đồ nấu rượu. Giản Ung không nói gì cả. Đi một quãng nữa, thình lình gặp một người đàn ông. Giản Ung chỉ vào mặt hắn và bảo Lưu Bị:
- Người kia có tội. Phải bắt mà trị. - Tội gì?
- Tội dâm.
- Sao Tiên sinh biết?
- Khám trong mình nó, chắc là có chứa "đồ dâm".
Lưu Bị biết Giản Ung chế giễu việc mình bắt kẻ chứa đồ nấu rượu, ông ta liền tha cho hắn. Coi chuyện đó, ai chẳng tưởng nó là một câu khôi hài, không khi nào mà được thực hành. Bởi vì trong thế gian, người ta có quyền được chứa đồ dâm, bắt làm sao được? Vậy mà ngày nay nó đã được đem thực hành. Có điều người ta mới thực hành cho loài bò chứ chưa dùng vào loài người. Theo tin của báo Tiếng dân nhiều con bò đực ở vùng mấy làng An Phong, Phúc Tích, Thạch An trong tổng Bình Trung, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đương bị ki-mi một cách rất ngộ. Cổ nó đeo một cái khung hình vuông giống như cái gông. Bụng nó, dưới chỗ thận nang, có nhiều dây buộc chằng chịt, đầu cái bửu bối về sự sinh dục thì có treo một cái ống như thể hứng lấy tiểu tiện của nó. Cố nhiên là nó bị tội. Nhưng đố ai biết tội gì? ấy là tội dâm. Không phải nó đã "dâm nhân thê thiếp" như luật Gia Long đã nói, chỉ phạm cái tội chưa thiến. Nghe đâu trong mấy năm nay, ở tỉnh Quảng Ngãi có công việc kén chồng cho loài bò cái vẫn được tiến hành một cách chu đáo.
Người ta đã về nhà quê lựa chọn những con bò đực béo tốt khỏe mạnh để làm bò giống. Người ta đã sức cho những nhà có nuôi bò cái phải dắt nó đến cái nhà có bò giống lấy "đực" cho nó. Rồi thì người ta lại phái nhân viên của Sở thú y về liên thôn quê thiến bớt những con bò đực không đủ tư cách sinh dục đi nữa. Vậy mà còn sợ trong cái xã hội loài bò vẫn chưa hết thói hỗn dâm, cho nên người ta lại phải đề phòng. Những thứ hình phạt đối với bò đực nói ở trên kia đều do kiểu của Sở thú y đề ra cho dân làm theo. Ông kỹ sư chế ra bộ đồ "phòng dâm" ấy đã nghĩ rất kỹ, mỗi bộ phận trong bộ đồ đó đều có công dụng riêng cả. Cái gông, cốt để cản con bò đực khỏi nhảy lên lưng bò cái. Cái ống là để hãm bộ bửu bối của nó khỏi thòi ra ngoài. Còn những dây chằng chung quanh thận nang thì để làm cho cái ổ dâm dục ấy phải vướng vít không thể tự do hành động. Với sự phòng bị cẩn mật như vậy, con vật vô giáo dục dù có động cỡn mà muốn hiếp dâm hay hòa gian với con bò cái cũng không tài nào đạt được ý nguyện. Thần diệu thay sự sáng chế ấy, chẳng những có thể lặp lại chủng tộc cho loài bò, nó còn có công duá trì phong hóa cho giống vật mang tiếng dốt ấy nữa! Vậy là ý kiến của Giản Ung phát minh sau hơn nghìn năm, đã được thực hành ở nước An Nam rồi vậy. Phải, theo thuyết "trạch chủng tưu lương" thì công cuộc ấy rất nên làm, tuy nó cũng hơi nhũng nhẵng lôi thôi và có ngãng trở cho sự làm ăn của các chủ bò. Chỉ tiếc cái khí cụ ấy sao lại chỉ ứng dụng vào một loài bò. Chúng ta há chẳng thấy những ông tu hành lợi dụng bóng Phật để đi chim vợ chim con người ta đó sao? uớc gì vị kỹ sư nào đó, cố nghĩ lấy một bộ đồ "phòng dâm" đẹp đẽ hơn và chắc chắn hơn, để bán cho mấy ông đó, thì có lẽ trong nước An nam sẽ có nhiều người thành Phật.
THUỐC LẬU, CHUYỆN KIẾM HIỆP, VÉ SỔ XỐ GIẢ VÀ CỤ NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
Đọc mớ danh từ nộm nạm, hỗn tạp trong cái đầu đề kia, các bạn chắc cũng đoán tôi muốn nói đến Lê Ngọc Thiều, tức Bình Hưng, kẻ mới bị bốn tháng tù treo về tội chực lừa cả nước. Chính tôi định nói đến Lê Ngọc Thiều. Vâng! Các ngài không lầm. Chắc không ai lạ con người đeo cái tên ấy. Trước kia hắn chỉ là một anh bán thuốc lậu, và thụt thuốc lậu. Người ta không thể biết rằng những ai dùng thuốc của hắn mà được khỏi bệnh. Chỉ biết trong đám con rồng cháu tiên, cái số dân lậu không ít, vì vậy hắn vẫn cứ sống. Được rồi, y giới xứ này còn nhan nhản những kẻ không biết chữ "nhất" là một, Thiều vẫn có quyền được thụt thuốc lậu, bán thuốc lậu, không ai cấm. Nhưng Thiều lại xoay ra nghề buôn sách. Kèm với cửa hàng thuốc lậu, Thiều đã công nhiên lập một văn đoàn (!) xuất bản ít chuyện kiếm hiệp để dỗ tiền của lũ trẻ con. Cũng được. Những chỗ ngã ba, ngã tư các chỗ còn có những kẻ xúc thẻ kẹo đạn, mở bàn cò quay, Thiều vẫn có thể in bán những thứ sách ấy. Cái cả gan là Thiều đã dám lẩn vào làng báo, làm chủ cái báo Quốc gia, rồi in những giấy biên lai giống hệt như vé số Đông Dương, để đánh lộn sòng với những vé ấy. Đáng lẽ lại cũng được nữa. Nhưng vì có người tố cáo, nên Thiều phải ra tòa và bị bốn tháng tù treo.
Bây giờ Thiều vẫn cứ con đường cũ mà đi. Trên báo hàng ngày, ngoài việc rao bán thuốc lậu, Thiều còn rao bán cả tiểu sử cụ Nguyễn Thượng Hiền nữa chứ. Cứ lời Thiều rao, thì cuốn tiểu sử ấy, Thiều sẽ in từng tập nhỏ như tập kiếm hiệp bán ba xu một. Cái đó mới tai ngược thay! Hẳn ai cũng nhận thấy rằng: tiểu sử cụ Nguyễn Thượng Hiền, hiện nay ở trong xứ này, ngoài cụ Phan Bội Châu khó có người nào biết rõ. Với cái sức học "Sơ học yếu lược", Thiều sẽ căn cứ vào đâu mà viết? Cố nhiên, tiểu sử cụ Nguyễn Thượng Hiền cũng cần lưu lại ở nước An Nam, nhưng bây giờ chưa phải là lúc xuất bản. Bởi vì đã là sử phải nói cho đúng sự thực, mà cái sự thực của cụ, lúc này chưa thể nói được. Thế là Thiều viết, Thiều bán, thì cuốn tiểu sử ấy nó ra sao, không phải đọc cũng rõ.
Nó chỉ là món hàng buôn chứ gì? Vậy là cụ Nguyễn Thượng Hiền đã bị Thiều coi như thuốc lậu, truyện kiếm hiệp và xổ số giả vậy.
NGUYỄN KHẮC NƯƠNG VÀ BÀ BÉ TÝ
Té ra ông Nguyễn Khắc Nương trong Nam vừa mới làm xong một cuộc du lịch cực kỳ vĩ đại. Không phải là lên cung trăng như nhà thi sĩ Tản Đà, ông ấy cùng một số người gộp tiền đi thẳng một quệt từ Nam đến Bắc. Bây giờ ông Nương ở Bắc về Nam đã lâu và đương viết một lô bài để kỷ thuật cái hành trình rất oanh liệt ấy. Thì ra ông Nương đã đi qua Huế, qua Vinh, qua Thanh, lại ra Sầm Sơn rồi đến tận đất Hà Nội. Các bạn đừng tưởng ông Nương chỉ ngủ vài đêm ở xứ "nghìn năm văn vật" mà thôi. Không thế đâu. Trong khi tới đây, ông ấy có đi thăm viếng nhiều chỗ. Cứ lời ông ấy đã nói, thì sớm mai bữa ấy, các ông trong đoàn du lịch vừa ra khỏi phòng, đã có một lũ xe kéo đậu ở trước phòng chờ đợi. Thế rồi mỗi người trong đoàn lên một chiếc xe. Đi đâu? Đi dạo châu thành Hà Nội. Thoạt tiên tới chùa Một Cột. Tôi vào vườn bách thú, rồi đến chùa ông thánh Đồng đen, cái chùa mà người Hà Nội vẫn gọi là chùa Quan Thánh, hay đền đức thánh Trấn Võ. Các ông lại còn xem cả hồ Tây, hồ Trúc Bạch và cầu Đu me nữa chứ.
Sau cùng thì đến nhà bà Bé Tý. Tại đây hình như ông Nương đã cảm thấy sự long trọng khác thường. Chẳng thế mà với hồ Tây, ông Nương chỉ thấy nó là hồ Tây, với hồ Trúc Bạch, ông Nương chỉ thấy hồ Trúc Bạch, với đền Quan Thánh, ông Nương chỉ thấy pho tượng Đồng đen và tấm áo chầu của vua Minh Mệnh ban cho, nhưng với nhà bà Bé Tý, ông ấy đã thấy nhiều lắm, nhiều hơn những kẻ đã soi bao đèn điện, uống cạn nước máy của đất này?
Tôi nói thật không phải bỡn. Nếu có hỏi các ngài nhà bà Bé Tý vẫn có những gì, chắc là các ngài chỉ đến trả lời bằng những cây sá, cây sung, con gà, con lợn, hay cái biển đề hai chữ "vật hoa" là cùng. Thế thì các ngài còn thua ông Nguyễn Khắc Nương rất xa.
Chẳng những ông ấy chỉ biết trong nhà bà này có nhiều những đồ "cổ tích ngọc ngà châu báu" mà thôi. Theo lời đã nói ở bài tường thuật, thì bà chánh Tý còn bảo cho ông ấy biết trong mình bà ta còn có "mười một vật lạ" tất cả. Cái đó, quyết không sai. Quí nhân phải có quí tướng, xưa nay vẫn thế. Lưu Bang từ ngôi đình trưởng ấp Bái nhảy lên ngôi vua nhà Hán, chỉ nhờ có 72 nốt ruồi mọc ở trong mình. Lưu Bị xuất thân là anh dệt chiếu đóng dép mà làm được vua nước Thục, cũng chỉ nhờ về hai chữ vành tai to, và hai cánh tay dài quá đầu gối. Bà Bé Tý há phải một người bé tý? Các bạn đọc báo Thời vụ hồi tháng Avril năm ngoái, chắc còn nhớ hai câu đối này:
"Cõi tục cốt cách tiên, hiếu hạnh sắc tài Chu Thái hậu. Người trần tâm tính phật, nghi dung đức độ Tống nguyên phi". Ấy là câu ông nhà nho nào đó đã nghĩ cho bà Bé Tý treo ở trong nhà bà ấy. Vậy thì chính bà Bé Tý vẫn tự nhận mình là tiên, là phật, là bà nguyên phi nhà Tống và là cả bà thái hậu nhà Chu nữa vậy. Tuy rằng ngày nay chưa biết bà ấy làm những bậc ấy chưa, nhưng mà người ta đã thấy trong nhà bà ấy có đủ các hạng quí khách: nào Tây, nào Tàu, nào An Nam, nghe nói lại có cả ng Lê nữa đấy. Vì vậy có người đã mượn câu này để vịnh bà ấy:
"Nhà nhỏ như thuyền, chở đã lắm người Hồ lại Việt. Buồng to tầy đấu, chứa bao nhiêu khách Bắc rồi Nam". Đó là câu dịch của sách Tàu, nguyên văn chữ Hán thế này:
"Ốc tiểu như châu, trang tải hứa đa Hồ, Việt khách. Thất đại vu đẩu, bao tàng vô hạn Bắc, Nam nhân". Phải chở đủ khách Hồ khách Việt, chứa cả người Bắc người Nam, bà chúa chuồng chim Hàng Bạc thật là vĩ nhân của nòi giống Rồng tiên. Ông Nương ca tụng là phải! Một đấng vĩ nhân như thế, tất nhiên phải có rất nhiều quí tướng, ông Nương bảo trong mình bà ấy có mười một vật lạ còn là ít đấy, có lẽ hãy còn hơn nữa. Tiếc rằng trong lúc làm trò lạ để tiếp đoàn du lịch, bà ấy không cho ông Nương coi những vật lạ kia! Thôi để lần sau. Lần sau nếu có du lịch ra Bắc, ông Nương nên đòi cho được những vật lạ ấy, coi nó thế nào.
CHỦ NGHĨA "TỰ DO LUYẾN ÁI" ĐÃ LAN ĐẾN GIỚI THẦN THÁNH
Những người ở qua Nam Kỳ, phần nhiều đều nghe cái thiêng của thần làng Phong Phú, một làng thuộc quận Thủ Đức, chỉ cách Sài Gòn độ 4 cây số. Bởi vì, người ta tin rằng thần ấy thiêng lắm, cho nên hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng giêng thì ở Sài Gòn Phú Nhuận, Gia Định và nhiều nơi khác, những nhà buôn bán, nhất là các cô, tấp nập kéo đến đình làng Phong Phú mà lễ. Để làm gì? Bà con cầu khấn thần ấy phù hộ cho mình phát tài. Có người xin vay tiền của thần làm vốn, cũng như những ông lái thuyền nước mắm Thanh-Nghệ ngày xưa hay vay tiền của bà Liễu Hạnh ở Phủ Giầy vậy. Không biết thần ấy thuộc về loài gì, nhưng chắc ngài là giống đực. Vì vậy hồi này ở vùng Sài Gòn mới có tin đồn thầy ấy sắp sửa cưới vợ. Thiên hạ kéo nhau đi coi rất đông. Té ra chuyện thật không phải chuyện bỡn.
Cuộc tốt lành ấy đã cử hành trong hôm mới đây, chưa rõ họ nhà gái là những ông nào, bà nào, người ta chỉ nói họ nhà trai toàn là hương chức của làng Phong Phú. Bữa đó, họ đã khăn đen áo dài, đi đón dâu về cho thần rồi. Cô dâu là một thiếu nữ mới 17 tuổi, con gái một ông đương chức cũng ở làng ấy. Trong đám cưới của người trần, thì cuộc đuốc hoa phòng động nhất định phải về ban đêm. Nhưng mà trong đám cưới này, thì cô dâu vừa vào tới đình, liền bị ngã ngửa ra đó và nằm bất tỉnh nhân sự, như đương trải qua một cuộc ái ân đằm thắm vậy. Sao thế nhỉ? Hay các đức Thượng đẳng ấy đã dám lấy ngày làm đêm? Có lẽ ngài vì không vợ đã lâu, trong mình đã rạo rực quá, không thể nhịn được đến tối, mà phải nhập phòng ở trước công chúng đó chăng!
Thần thì người ta phải chịu, chứ nếu người trần mà làm cái việc bất nhã như vậy, ít ra cũng bị đội xếp giải bắt về bót. Bởi vì ông thần đã làm việc quá ư sỗ sã như vậy, cho nên trong Nam nhiều người không tin đám đó là đám cưới thần. Họ bảo đó là những kẻ xảo quáệt bày vẽ ra để lợi dụng lòng mê tín của bọn ngu dại mà làm tiền. Cái đó kể cũng có lý. Trong cái buổi đời tai quái, người ta có thể giả làm nhà báo, giả làm tín đồ của đạo Phật để xoay tiền của thiên hạ, thì cũng có kẻ giả vờ cưới vợ cho thần để kiếm tiền của kẻ ngu khờ. Nhưng theo ý tôi, sự ức đoán ấy chưa chắc đã đúng. Giả sử trong chỗ không thể trông thấy, sờ thấy, mà không có gì thì thôi, chứ nếu đã có thần thánh, thì cái sự thần đi cưới vợ, không thể bảo là không có. Cung oán ngâm khúc đã có một câu chí lý mà rằng:
Có âm dương có vợ chồng Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê Coi đó thì biết trời đất còn có vợ có chồng, huống chi là thần. Thần thánh tuy ở cao xa, nhưng đến tính tình chẳng qua cũng như bọn mình. Các ngài chắc đã từng thấy những ông đã hai, ba vợ kè kè, thế mà nhiều lúc vẫn giải trí bằng cô đào hay bằng me Tây, gái xăm. Nữa là thần thánh quanh năm suốt đời, vò võ nằm một mình trong cái gian đền hiu quạnh thì chịu thế nào! Trâu khát nước làm sao thì bò khát nước làm vậy. Đó là một sự tất nhiên. Điều hơi lạ là các đám cưới gả người trần, phần nhiều phải qua mối lái, phải có lời cho phép của cha mẹ, ông bà, thì mới là đám đứng đắn. Đằng này, ông thần Phong Phú đi lấy bà ấy, chẳng rõ có ai làm mối hay không, chứ lời cha mẹ, ông bà thì quyết không có. Đó là một chỗ theo luận lý cũ, có thể dị nghị. Nhưng theo luận lý mới thì không hề chi, trai gái của nước Việt Nam có thể tự do luyến ái chứ sao! Thế thì chủ nghĩa "tự do luyến ái" đã lan đến thế giới thần thánh rồi vậy. Chúng ta cũng mừng cho anh chị em quỉ thần đã tiến được một bước khá dài.
LÀM NO HAY CÁI ĂN TRONG NHỮNG NGÀY NƯỚC NGẬP
Qua những rặng tre bị ngâm đã lâu, cành lá úa rực, xiêu đổ, chiếc thuyền nan của chúng tôi phải len lỏi, chỗ thì phải cúi đầu để chui qua những cây sắn đổ, chỗ thì phải đè một cành cây cổ thụ xuống nước, chỗ thì phải gạt những trà rào trôi nhấp nhô trên mặt nước đỏ ngầu và phải đẩy cong con sào mới vượt được cụm bèo tây ứ lại. Chiếc thuyền mỗi chốc chòng chành làm cho tôi lảo đảo, nhưng cái ý muốn mục kích cảnh điêu linh cùng khổ của dân lụt đã làm cho tôi quên cả nhọc nhằn. Một vùng nước mông mênh bát ngát, bao nhiêu những nhà tranh vách đất chỉ còn trông thấy những mái úp sập sè hình như những quần đảo ẩn hiện chập chùng theo làn nước bạc mà rập rờn như phao. Những thuyền nan, những mảng chuối nhấp nhô chen chúc tựa lá tre dưới những rặng cây lả lướt. Đàng xa kia, trên những gò, đống mấp mô thấy lố nhố những sừng trâu cong vắt; con đứng, con nằm, thỉnh thoảng lại nghe tiếng rống lên như báo cho chủ biết nỗi thèm rơm đói cỏ của nó Người ta bảo trận vỡ đê Đồn Vàng nước to hơn năm Quý Tị. Thằng bé chở thuyền cho tôi ngoảnh lên hỏi:
- Cậu định đi đâu?
Tôi thẫn thờ đáp:
Tôi thẫn thờ đáp:
- Đi đâu cũng được!Thuyền qua một rặng trúc, nhìn vào bên trong thấy có ba gian nhà tranh xiêu lật lại đằng sau. Trước nhà, biệt ra một khu vuông vắn như một cái ao, tôi đoán chừng đó là cái sân. Trước sân đóng bốn cái cọc tre, trên bắc cái chõng, chiếc rổ đeo lủng lẳng một bên, chiếc sào vó ghệch lên thành chõng. Phía dưới là một cái mảng ghép bằng bốn cây chuối. Từ cái chõng đi vào trong nhà, có một cái cầu tre vắt ngang. Một người đàn ông, vóc rạc hom hem, đầu trọc tếu, ngồi thu hình trong chiếc áo bành tô rách mướp, nét mặt đăm đăm nhìn xuống tăm nước đục lờ. Tôi hỏi:
- Nhà ai đây?
- Đây là nhà bác ba Tụy.
- Rẽ vào chơi đã.
Thằng bé khom lưng lái mũi thuyền vào trước sân, len qua những cụm bèo tây đóng chuồng trong những chiếc vành nong kìm bằng chiếc nạnh tre có những bè muống, bè ngổ, bè dừa quấn quýt xung quanh. Bác Tụy trông thấy tôi, vồn vã hỏi:
- Kìa ông Ký đã về chơi đây ư? Các ông ở tỉnh về được dịp bơi thuyền chở mảng thế này thì thích lắm nhỉ. Mời ông lên đây, cái chõng này còn chắc chắn, ông ngồi chơi xem tôi kéo vó cho vui.
Tôi ghé thuyền sát cái mảng chuối, rồi bước lên. Bác khúm núm với cái điếu cày treo trên cọc, mời tôi hút thuốc, tôi không biết hút. Bác bèn lấy thuốc giắt trên kẽ tai, đặt vào nõ điếu, thổi cái mồi rơm, rụi than vào điếu, rúc một hơi thật dài, cái điếu rít lên như tiếng chim sẻ, một làn khói xanh từ miệng bác đưa lên khét lẹt, những cái xương sườn theo nhịp thở mà vươn lên rụt xuống trước cái bộ ngực gầy nhom. Mấy đứa trẻ lau nhau, nghe tiếng người lạ chen chúc nhau thò cổ ra trước mái tranh mà nhìn. Những cái bộ mặt gầy còm hốc hác ấy như thiếp một màu vàng lợt, làm nổi những cặp mắt trõm lờ đờ, đần độn. Tôi đưa đà hỏi:
- Thế nào, bác kéo cá có được khá không, cho tôi mua một bữa nào, có con nào to không? Ngồi kéo vó giữa sân cũng thú nhỉ.
Câu nói của tôi như nhắc bác chưa cất vó. Bác nhoẻn mép nhìn tôi, rồi vui vẻ pha trò, gạn bán mẻ vó bác sắp cất. Nói rồi khom lưng, bãi càng, kẹp đầu sào xuống dưới háng, hai tay giương thang, cất vó lên, giọt nước theo bốn gọng thánh thót chạy xuống, dưới lòng vó thấy hơi động, dần dần lên khỏi mặt nước, mấy cặp mắt nhìn cả vào, thấy mẻ vó được hai con cua kềnh và bốn con giếc con. Bác vơ vó vào để bắt, ngoảnh lại hỏi tôi:
- Ông trả cháu bao nhiêu?
- Độ một hào chứ mấy!
Bác cười khanh khách và nói:
- Nếu thế thì nhà cháu phong lưu chán!
Bác nói rồi ngoái tay với cái giỏ bỏ vào. Tôi điểm một câu chúc của phường hội tát:
"Sí sốc một chốc đầy giỏ" rồi nhổm lên nhìn vào trong giỏ thì mới có độ một vốc tay tép mại, hai con ốc nhồi và một mẻ vó bác mới bỏ vào sau. Bác khôi hài:
- Thế là nhà cháu đã được một niêu hai tay bưng rồi đấy ông ạ!
Thoảng tiếng trẻ con trong mái tranh đưa ra:
- Bố ơi, bố làm bánh đa cho con ăn.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bác lại có cả nghề làm bánh đa nữa ư?
Bác ngặt nghẽo cười:
- Vâng, bánh đa nhà cháu là thứ bánh đa mới chế, chưa ai biết làm cơ. Ông ngồi đây, cháu làm cho ông xem.
Bác nói rồi chui vào trong nhà, một lát đem ra một nắm đất sét trắng, một cái mê rổ, một cái khăn vuông. Bác dúng cả khăn lẫn đất xuống nước cho ướt, rồi đặt lên chõng, căng thẳng chiếc khăn vuông, phiết một lần đất lên thật mỏng, đoạn đặt vào mê rổ, lại chui vào nhà, thổi lửa nướng. Chỉ trong chớp mắt, bác đã bưng ra, trông trong mê rổ thấy một lượt đất khô cong, lũ con bác kéo nhau ra xúm xít chung quanh rổ. Bác mời tôi thử nếm bánh đa bác mới chế, tôi ngẩn người chưa hiểu bác nói thật hay bỡn, thì bác tách ra một miếng bỏ vào miệng, nhai giòn khau kháu, lũ con bác cũng xô nhau bẻ lấy mà ăn một cách ngon lành. Bác bảo:
- Đấy là thứ quà vặt của các cháu, nếu ông biết thứ ăn thay cơm của nhà cháu thì cháu xin đưa ra để ông xem.
Bác nói rồi chui vào lấy ra một cái nồi đất to chìa cho tôi xem, và đố tôi biết là cái gì. Tôi thấy bác gạt một lần tép vụn ở trên, dưới lộ ra một lớp đen đen, xếp từng miếng mỏng như miếng bánh dầy. Nhìn gần lại, thì thoáng ngửi một mùi nằng nặng, khăn khẳn, như mùi thối tai. Tôi nín thở, lắc đầu xin chịu để bác giảng cho tôi nghe thức ăn quái gở ấy. Bác đắc chí cười rũ ra bảo tôi:
- Cũng đất đấy! Người ta bảo chết thì ăn đất, nhưng chính nhà cháu sống về đất đấy ông ạ! Món này là một thứ cơm nắm của nhà cháu, làm công trình hơn một tí. Mới đầu là lấy đất sét trắng về, vật đi vật lại như ta nặn đầu rau, rồi thái từng miếng mỏng như ta thái bánh dầy, đặt vào mủng, mẹt đem phơi khô. Khi dùng nó thì phải có nõn sắn lót thật dầy xuống đáy nồi, rồi mỗi lượt đất lại một lượt cá tép, rồi cho vài duộc tương. Bắc lên đun thì tra thêm tí nước cho khỏi khê, cứ nhỏ lửa đun mãi cho tương cạn cá chín, những cái béo của tương của cá ngấm vào đất sét đỏ như miếng hồng tầu thế là được. Tôi hỏi:
- Ăn như thế mùi mẽ ra làm sao?
Bác bảo:
- Nó quanh quánh như ta nhai miếng bánh dày, lại đậm vì có tương có cá đưa đi, không phải ăn đồ ngoài.
- Thế ăn vào có thấy gì không?
- Việc quái gì! Nó chỉ phải cái nặng bụng hơn các thứ rau cỏ khác. Lần đầu cháu ăn rặt đất thì thấy tanh tanh và chán lắm, ăn vào rồi hôm sau thấy mền mệt, chắc là không có béo bổ gì, cho nên cháu nghĩ ra cách om với cá thì ăn ra chiều dễ chịu hơn. Tôi hỏi:
- Ai bảo bác rằng đất sét ăn được?
Bác nói:
- Nào có ai bảo đâu, cũng là một cách ăn liều của cháu. Hôm nước vào đã già nửa tháng, trong nhà hết ăn, mẹ cháu phải ra tỉnh kiếm việc làm. Bữa sáng hôm ấy chỉ có mấy củ khoai lang đủ cho cháu ăn thôi, cháu đành nhịn đói, để anh em nó trông nhau ở nhà, một mình chở mảng ra cái ao trước cửa đình để lặn xuống đánh củ súng. Lặn ngụp mãi chưa dò thấy cụm củ súng nào cả, mà lòng không dạ đói, lặn mãi mệt quá. Cháu cố lặn một hơi thật dài, mò mãi chẳng thấy gì, bèn xắn vội nắm đất sét ngoi lên. Thấy chất đất vừa dẻo, vừa trắng, ngửi thấy tanh tanh, nhân lúc đói ngoạm chơi một miếng, nhai rồi nuốt đi, không thấy gì, ăn hết nắm đất, thấy đỡ cồn cào. Cháu liền bỏ cả củ súng, hãy xắn mấy cục đất đem về đã. Đương lềnh bềnh trên mảng chuối trở về, bỗng thấy mập mờ cái vó trôi, cháu mừng quá đuổi theo vớt được cả vó lẫn gọng là cái vó này đây. Cả nhà cháu mới ăn đất được dăm hôm nay, các cháu cũng chịu khó ăn cả, nhưng mới đầu chưa biết cách chế biến, ăn chóng chán lắm, cách om đất với cá này nhờ có cái vó nên cháu mới nghĩ ra. Tuy vậy, cũng cần phải đổi bữa luôn.
- Đổi bữa bằng gì?
Bác chỉ tay ra mấy đám trước sân:
- Kìa ngổ dừa, bèo tây, còn cụm rau muống là của quí nhất, hiếm nhất, cháu còn đương gây chưa dám ăn đến, vì chưa biết bao giờ nước ra khỏi làng. Trong những thứ rau ấy thì ngổ với dừa dễ ăn hơn, nhưng sợ ăn mãi nó cụt đi, cháu phải ăn độn thêm bèo tây.
- Bác làm thế nào mà ăn?
- Muối dưa cụm sen kia, vặt lá vặt rễ, chỉ để cái vú, phơi hơi tái đi rồi muối như ta muối dưa cải, lấy vỉ nén cho chặt. Giá không có muối mặn thì ăn nó chẳng khác gì nhai cái ngọn mía nhạt, mà lại lăn tăn ngứa! Thứ ấy là thứ đồ ăn, ăn kèm với cháo cám thì ngon tuyệt! Đã nửa tháng nay, cả nhà cháu không biết một hột cơm, hột gạo là gì cả, mà cám cũng ít có, vì chỉ hôm nào kéo cá được một vài con to, bán được dăm ba xu thì mới dám mua cám ăn, cám là thứ quý nhất, chỉ ăn cho có hơi gạo đó mà thôi, chứ ăn nó thì lấy đâu. Một hôm, cháu nghĩ buồn cười quá ông ạ. Đong được cám về, thằng bé lớn nhà cháu lấy nồi đổ nước lên đun, lóng cóng thế nào nồi vỡ, không đun được nữa. Cháu bèn vớt cám ra, nắm lại một nắm, ngoài trát một lần đất sét bỏ vào bếp nung. Thế mà ăn ngon hơn bánh khảo phục linh đấy ông ạ. Giá được rặt cám mà ăn thì còn nói gì nữa, khốn nỗi họ lại pha mùn cưa vào cho được nhiều lãi, thì ăn chẳng còn lý thú gì cả, chỉ thấy ráp sì thôi.
Tôi chợt trông thấy cây cau, cây nào cũng cụt cả, vội hỏi:
- Sao cau cụt cả thế kia?
Bác nói:
- Nó cũng đã chui vào mồm cả rồi đấy.
- Cau mà cũng ăn được ư?
- Ông tính cái gì vào lửa mà chẳng ăn được. Ôi chà, nghĩ cái nguồn cơn ăn cổ cau mà sợ. Lần đầu, cháu chặt một cái, bóc hết bẹ xanh rồi thái như thái măng phơi, cứ thế luộc rồi đem ra ăn: ăn rồi, bố con rạo rực nằm mất một ngày, chân tay cứ rời rã ra, bọt mép phèo ra, bụng vẫn tỉnh mà không sao cựa được, sau hỏi ra mới biết phải luộc bỏ nước đi, ngâm hết nửa ngày nữa mới ăn được. Ăn hết cau rồi, thấy làng nước họ đua nhau đi tìm củ chuối để ăn, cháu cũng vớ được vài cái đem về bung. Ăn nó có phần mát ruột mà chắc dạ hơn ăn bèo tây, rau ngổ, hơn cả ăn đất sét, đất sét phải cái nặng, làm rỗng cả ruột ra, về sau ăn cái gì cũng mãi mới no!
Nhưng củ chuối đâu mà ăn được hàng tháng trên mặt nước, chỉ được ít lâu là nó thối nhũn ra thì còn ăn gì được nữa. Cháu cứ ăn liều mà nhiều cái cả làng phải bắt chước cháu. Cháu còn nhớ một năm trời không làm lụt, nhưng phải năm đói kém quá, làng nước nhao cả lên. Mẹ cháu năm ấy lại vừa ở cữ, thành ra lúng túng với nhau, chẳng đi làm đâu được, ở làng chẳng ai mướn làm gì cả, cháu chỉ nghĩ cách ăn trừ bữa cái ni lại ăn trừ bữa cái kia. Lần đầu cháu đi qua nền Văn chỉ thấy một đám cải rừng, xanh tốt lắm, cháu nhấm thấy thơm thơm, liền hái một chét đem về ăn thử, thế mà luộc chấm tương ăn thú lạ; nhà cháu ăn ba bốn ngày làng nước mới biết thì chẳng còn gì cả. Cháu lại xoay ra tìm cách khác xem ra lợn ăn được cái gì thì người ăn được cái ấy. Một lần cháu ăn liều mà ngon. Đương mùa nhãn, cháu thấy ở chợ người ta vứt rất nhiều hột, cháu mới quét lấy được trên lưng thúng đem về. Lấy dao gọt hết vỏ đen đi, đổ vào ngâm một đêm cho hết chát, rồi tra vào nồi, bung như ta bung ngô, thế mà đem ra ăn cứ bùi nghìn nghịt như hạt sen, đã ngon lại chắc dạ; thế là cháu cứ tìm đi các chợ, để nhặt hết hạt nhãn đem về tích lại một gánh, vợ chồng ăn uống no nê mà chẳng ai biết cách ăn của cháu thế nào. Rồi sau họ biết, họ đặt vè để chế cháu, cho nên làng ta bây giờ đã có câu Nói dối thằng Trà, ăn ma thằng Tụy. ông tính thế có tức không, mình có ăn cắp ăn trộm của ai đâu, không có, ăn xằng ăn bậy cho qua ngày đoạn tháng, họ cũng chế, họ bảo là ăn ma ăn mãnh. Cháu thấy họ chế; tức mình giấu biệt những cách ăn độn ăn lót của nhà cháu cho bõ ghét. Cháu còn nhiều cách ăn giản tiện mà ngon, cháu chế biến cũng khéo, cho nên họ lo đói, cháu chẳng biết đói là cái gì, chỉ có ngon hay không mà thôi, làm thế nào cháu cũng có cái ăn, không chịu đói bao giờ. ông tính con sâu con bọ, con giun con dế nó còn chẳng lo đói huống nữa là mình, phải thế không ông?
- Phải, sống qua trong nạn đói mà vẫn giữ được lòng ngay thẳng, thật thà thì còn gì quý hóa bằng. Giá bác tài nấu nướng thế mà ra Hà Nội mở hiệu thì...
Bác phá lên cười, rồi tiếp câu nói của tôi: - Thì... cho chó nó ăn!... ông nhỉ?
Ánh nắng chiếu xiên qua nan chõng, chiếu xuống làn nước đỏ ngầu, gặp trận gió rung rinh trên mặt nước thành những đàn rắn ngoằn ngoèo. Một tảng vỏ mít lềnh bềnh trôi vào gọng vó, bác Tụy chỉ tay mà bảo:
- Kìa, tảng vỏ mít kia đã cứu sống vợ chồng con cái nhà cháu ba ngày đấy ông ạ!
Nói đoạn, lấy sào kều ngửi, lắc đầu:
- Hỏng, thối cả.
Vứt tõm xuống nước rồi kể tiếp:
- Thằng bé lớn nhà cháu năm nay lên tám. Ấy chính năm đẻ nó thì gặp trận đói to, vì hai năm mất mùa liền, nhân dân lại xao xuyến về dịch lệ. Nhà cháu quanh năm ăn độn, ăn lót, ăn thường, nhưng bu cháu mới đẻ, nếu cho ăn xằng xịt vào thì sợ ốm đau khổ cả mẹ lẫn con, cho nên dù sao cháu cũng cố kiếm cho mẹ cháu mỗi bữa một niêu cơm riêng để lấy sữa cho con bú, còn cháu thì ăn thế nào cũng được. Gặp nạn đói mới biết cái khổ của hạng sức dài vai rộng như chúng cháu, đi xin không ai cho, làm mướn không ai thuê, thế mà lại lâm vào cảnh vợ mọn con thơ thì lại càng khổ nữa! Hôm ấy trong nhà chỉ còn đủ gạo để thổi bữa sáng cho mẹ cháu, còn cháu thì có hai bát ngô bung. Ăn xong, cháu vác thuổng, bủa sang chợ, đón công xem ai mượn đánh gốc bổ củi thì cháu làm.
Ngồi từ sáng tới non trưa, chẳng ai hỏi tới, chợ thì vãn, bụng thì đói, mà chắc mẹ con nhà cháu cũng đang mong chờ bữa. Cái nông nỗi mong chờ vơ vẩn làm cho cháu nóng ruột bội phần. Tần ngần ngồi bên đống vỏ mít, ruồi nhặng bậu đen ngòm, cháu nghĩ cách ăn tranh chúng nó, bèn ngả nón bốc đem về, đổ vào rổ sề đem ra ao rửa sạch, gọt hết gai đi, rồi thái cả sơ lẫn cùi, cho vào nồi đun thật dừ. Tra mắm muối cho vừa vặn. Còn mấy chục bát hột tìm trong đống vỏ vẫn định luộc riêng, rồi nấu cháo cho bu cháu ăn, nhưng nó thấy cháu nhường nhịn chẳng đành lòng, nên cùng ăn cả. Cháu bèn giã cả hột cho vào thành một thứ canh vừa bùi vừa ngọt, ăn thú quá! Một điều sung sướng nữa là ăn vào, sáng hôm sau hai bầu sữa của bu cháu thẳng căng, thằng cháu bú no nê, không cằn nhằn như mấy bữa trước. Thế là mấy hôm sau cháu cứ việc đi chợ khuân vỏ mít về làm bữa, ăn rồi lại kỳ cạch thái phơi bỏ lọ, thứ thì lựa rặt cùi để kho ăn với cơm. Nhưng mà mít nó là giống có mùa, không thể trông vào đấy mà ăn mãi được. Cháu nghĩ ngay ra cách ăn bã đậu.
- Bã đậu chắc ăn chóng chán lắm thì phải, vì tôi ngửi mùi nó ngang ngang khó chịu lắm, nhất là khi nó đã ôi.
- Làm cho không có mùi ngang ngang, mà không bao giờ ôi được mới tài chứ! Cháu tìm ra cách ăn được, nhất định bí truyền, thành ra các tướng cũng bắt chước cháu ăn, rồi bỏ cả đấy ông ạ!
- Làm cách nào mà ăn?
- Khó gì đâu! Chỉ có mẹo một tý thì bã đậu đã thành một thứ xôi vò thượng hảo hạng! Mới đầu hãy tãi ra cái nia, phơi trong râm, nhưng đừng để cho ruồi nhặng đậu vào, thỉnh thoảng lấy đũa cả đánh đi đánh lại cho rời ra rồi cho vào chõ đồ, rắc thìa muối cho đậm, hơi bốc lên là bạt hết mùi chua, mùi ngái mà ông bảo là ngang ngang, muốn kỹ đem đồ hai lượt thì tốt lắm. Ăn bã đậu béo người, tuy mất tiền mua nhưng cũng rẻ, cứ bốn bố con nhà cháu, một ngày chỉ hai xu bã đậu là no phính!
- Mỗi năm bác phải ăn độn lót thế độ mấy tháng? - Quanh năm ấy ông ạ! Có chăng chỉ những ngày giỗ tết thì dù túng kiết thế nào cũng cố dành dụm kiếm lưng cơm quả trứng, thoi vàng nén hương cho tinh sạch. Những ngày ấy mới là ngày ăn uống sang trọng của nhà cháu, tưởng ăn một bữa hết hai hào chỉ, giá cứ quanh năm ăn thế thì núi cũng phải lở, ông nhỉ?
- Nhưng ăn rồi lại kiếm ra thì sợ gì ?
- Kiếm như chúng cháu nghĩ mà buồn! Chỉ mong một ngày được ba xu với hai bữa cơm no cũng còn khó thay, ấy bu cháu ra tỉnh chuyến này nếu ở được mỗi tháng một đồng kia đấy, nhưng mà...
Thoáng một vẻ buồn hiện trên nét mặt bác, tôi mỉm cười nói giỡn:
- Thôi lại nhớ mẹ đĩ rồi!
Bác cũng gượng cười nói chữa:
- Không, giá cháu nhớ thì cháu đã chẳng bảo đi, nhưng cháu chỉ lo nước Hà Nội chóng ngay xương lắm! Đi làm đỡ nạn mấy tháng khi về lại quen đi, không gồng gánh nặng nhẹ được thì khổ, ấy cũng nhiều người thế đấy, rồi sau vợ chồng sinh chán nhau hoặc bỏ chồng theo những anh bồi bếp để ăn trắng mặc trơn, nhiều anh mất vợ vì thế đấy.
- Có "tâm" là lòng, "ý" là lòng chứ, ai cũng thế thì còn ai dám đi làm lụng gì nữa. Vả lại bác gái nhà bác bồ chề xốc xếch thế thì việc gì!...
Bác nghe câu khuyên giải của tôi, nét mặt lại bình tĩnh như thường. Tôi bỗng nhắc bác:
- Kìa từ nãy tới giờ, mải nói chuyện mà quên cả cất vó? Dễ vợ chồng con sộp nó đem nhau vào ở cữ trong vó của bác rồi cũng nên!
Bác khanh khách cười, tay nâng sào vó, khom lưng rút khung gọng vó, nước sóng sánh chuyển động chiếc bèo tây đang đủng đỉnh trôi xuôi. Mẻ vó suông! Bác khoan khoan cho vó xuống, tôi thẫn thờ nhìn ánh nước rập rờn trên bức vách.
GIA THẾ ÔNG VŨ TRỌNG PHỤNG
Hình như riêng ở phương Đông, cái nghèo cũng là cái trường đúc nên văn sĩ.
Đào Tiềm, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hàn Dũ, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, mấy tay văn thơ có tiếng ở Tầu ngày xưa đều ở “trường nghèo” mà ra. Nghèo nhất thì là Đỗ Phủ, Đào Tiềm... Đào đã có lúc phải đi ăn xin, Đỗ đã bị một đứa con trai chết đói.
Ở ta cũng vậy. Trong hồi gần đây, ông Trần Tế Xương, “một tuồng rách rưới con như bố”, ông Nghiêm Phúc Đồng “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”. Ông Nguyễn Khắc Hiếu tuy có xã hội giúp đỡ, trước khi nhắm mắt, một số đồ đạc cũng bị tịch thu vì thiếu tiền nhà.
Ở ta cũng vậy. Trong hồi gần đây, ông Trần Tế Xương, “một tuồng rách rưới con như bố”, ông Nghiêm Phúc Đồng “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”. Ông Nguyễn Khắc Hiếu tuy có xã hội giúp đỡ, trước khi nhắm mắt, một số đồ đạc cũng bị tịch thu vì thiếu tiền nhà.
Thì ra trong cái non nước Đông Phương, những người giàu có, không ai lọt vào cổng làng văn. Hoặc có, cũng là một số hú họa.
Cái đó không có chi lạ. Giàu thì cơm no, cật ấm, ruột gan lú lấp, người ta còn chứa học vấn, tư tưởng vào đâu?
Vậy là riêng ở phương Đông đã có đạo nhất định: Phú quý thì không thể làm nhà văn. Đã làm nhà văn thì đừng mong gì phú quý. Đạo luật đó cũng giống câu Dương Hóa nói trong Mạnh Tử: “Vi phú bất nhân, vị nhân bất phú”.
Thế cũng phải. Cái người đã có tư tưởng học vấn để làm thỏa mãn tinh thần của mình, nếu lại giàu về tiền tài, chẳng là chiếm hết hạnh phúc của nhân loại! Trong đạo thừa trừ của tạo vật, không thể có sự bất công như thế.
Bởi vì chắc có luật ấy nên tôi không hề phàn nàn điều gì về thân thế ông Vũ Trọng Phụng.
Trong các nhân vật làng văn hiện thời, ông Phụng là người nghèo lắm. Khắc hẳn những ông Trần Tế Xương và Nghiêm Phúc Đồng, cái nghèo của ông Phụng lại là thể “nghèo gia truyền”, không phải “nghèo lỏi”.
Nhưng người hiếu danh thường hay giấu giếm, gia thế, nếu như tiền nhân nhà họ không có người nào hiển đạt. Ông Phụng không có óc ấy, chính ông kể cho tôi biết tổ phụ ông chỉ làm lý trưởng, thân phụ ông chỉ là một người thường dân và đã tạ thế từ khi ông mới bảy tháng, tổ phụ ông mới ngoài sáu mươi. Ở nơi quê quán, ông không có lấy một tấc đất cắm dùi và đã lâu nay, vì khi ông bước chân tới.
“Tư tưởng xã hội của tôi nó đã kết lại từ trong mạch máu”.
Có lần ông nói với tôi như thế.
Người khác nghe những chuyện đó, có lẽ sẽ cho là ông xấu số. Nhưng tôi, tôi nhận thấy chính là cái may của ông.
Thật vậy.
Nếu được sinh trưởng vào nhà phú quý, hay được học hành thi đỗ, có một việc làm cao lương, thì ông cũng đến làm một cậu ấm phá của, hay một ông chủ xe hơi nhà lầu, xã hội ai còn biết ông là ai, tôi đâu có bạn với ông?
Nhờ về trong máu sẵn có tư tưởng xã hội, ông mới nên một nhà văn xã hội, để sản xuất cho người đời một số tác phẩm đáng khóc và đáng cười. Thế là cái nghèo gia truyền của ông có thể kể là một hòn đá tảng trong nền văn học sử của nước nhà vậy.
Tôi biết ông mới từ hồi làm báo Công dân, cách đây độ bốn, năm năm chi đó. Hồi ấy có lẽ là hồi quẫn bách nhất trong đời ông, vì rằng, ngoài báo Công dân ông không có chỗ làm nào khác, mà báo Công dân thì lại chỉ là cơ quan của một bọn anh em nhà văn nghèo dúm rau, dúm bếp làm với nhau, ít khi trả tiền in rồi, trong két được có tiền thừa mà trả cho người cầm bút.
Thế nhưng, ông cũng không tỏ ra mình cần tiền. Mỗi khi ở Gia Lâm sang nhà báo, ông cứ cặm cụi cuốc bộ đi, lại cuốc bộ về, hôm nào mỏi lắm mới lấy năm xu đi xe.
Một điều quan trọng hơn nữa là đời ông luôn luôn thấy sự túng thiếu, nhưng không lúc nào ông tự đem sự túng thiếu của mình mà làm phiền lụy người nào, dù khi túng thiếu cực điểm cũng vậy.
Từ bữa nghe ông tạ thế, chẳng riêng gì các bè bạn, phần nhiều độc giả các sách của ông đều lấy làm thương tiếc. Ngoài sự ái ngại cho cái gia đình thảm đạm của ông, người ta còn ái ngại cho cái số mệnh ngắn ngủi của ông là khác.
Đành rằng vậy. Trong một thế giới lắm người bảy tám, chín mươi, mà ông chỉ được có hai mươi tám tuổi, kể cũng thiệt thòi nhiều lắm.
Tuy vậy, vị tất ông đã chết non.
Đối với vũ trụ vô cùng vô tận, hai mươi tám tuổi với tám chín mươi tuổi không thể kể là ít với nhiều. Vì vậy, Trang Tử mới bảo Bành Tổ là yểu mà đứa trẻ con chết đẹn là thọ.
Thọ hay yểu, không quan hệ với với cái sống nhiều sống ít, nó quan hệ ở chỗ có gì để cho đời sau hay không. Xã hội chỉ thiếu những người làm nên công nghiệp, không thiếu những ông ăn nước thịt ép và bú sữa người. Ngoảnh lại mà xem, những ông bú sữa người và ăn nước thịt ép ngày xưa, đến nay còn có gì là di tích?
Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống với mai sau. Thế cũng là thọ.
Nhớ ông, thương ông, tôi cũng như các bạn của ông, nhưng không kể ông là người không thọ. Cái mà tôi lấy làm ân hận chỉ có một câu trả lời khi ông nằm trên giường bệnh.
Ông đau từ mấy năm trước. Trước khi chết độ sáu, bảy tháng, đã có một đêm nguy kịch. Sáng sớm hôm sau, ông cho gọi tôi lên nhà thăm bệnh và nói cho tôi biết rằng: Chiều hôm trước một viên bác sĩ chữa bệnh cho ông đã khuyên ông đi nhà thương. Trong đêm vừa rồi, ông đã làm sẵn mấy bản chúc thư. Ông bị đau phổi, vẫn sốt hâm hấp, ho ra đờm đặc. Từ mấy bữa trước, không thể gượng ngồi dậy được mà chỉ nằm được một bên sườn. Ho cũng đau, nói cũng đau, hễ hơi trở mình thì trong sườn nghe có tiếng nước óc ách.
Bấy giờ người ông tuy đã tiêu nước, nhưng, mạch hai tay vẫn còn có lực. Sau khi coi mạch và hỏi các chứng, tôi kê cho ông bài “nhị trần thang” hợp bài “nung thang” gia một lạng ý dĩ và dặn ông uống một ngày hai thang.
Sáng mai, tôi lại lên thăm, ông khoe với tôi bệnh đã bớt nhiều, có lẽ không chết. Từ đó ông cứ uống mãi đơn ấy, tuy thỉnh thoảng cũng thay đổi ít nhiều, những đại thể vẫn không ngoài hai phương thuốc trước.
Một tháng sau, ông dậy được, đã đến thăm tôi ở báo Thời vụ. Đau ngực, đau sườn, tiếng nước óc ách, khỏi cả, chỉ có cái sốt hâm hấp không khỏi và sắc mặt ông vẫn xanh như người hết máu.
Rồi ông nói cho tôi biết trong vài bữa nữa, ông sẽ lên nghỉ Tam Đảo, để tránh cái không khí tù hãm của đất Hà Nội. Lúc ấy tôi có khuyên ông đừng đi, bởi vì ở đó không khí ẩm thấp, không lợi cho người đau phổi. Nhưng ông không nghe.
Lên Tam Đảo được tám ngày, thì ông phải về, vì ho nhiều và hai ống chân bị bại. Bấy giờ ông mới chịu tôi nói đúng và lại bảo tôi kê đơn.
Nghĩ không còn cách gì hơn, tôi lại thêm bớt hai bài thuốc cũ để ông uống xen với bài “nhân sâm dưỡng vinh” bỏ quế và kỳ. Lần này không có công hiệu, uống năm thang thuốc, bệnh tuy không tăng, nhưng cũng không giảm, hai chân vẫn bại không đứng dậy được. Vì muốn trút trách nhiệm cho người khác, tôi cố khuyên ông hãy dùng thuốc tây. Hình như ông cũng nhận thấy ý tôi, nên mới hỏi rằng:
- Bác tưởng tôi có chết không?
Câu hỏi của ông làm cho tôi buồn vô hạn, nhưng tôi vẫn bình tĩnh mà đáp lại rằng:
- Chết làm sao được!
Tôi nói dối ông. Thực ra, bệnh trạng của ông, còn ai dám chắc rằng sống! Tôi đã nhiều lần than với bè bạn rằng ông khó mà qua được đến mùa rét.
Nhưng ông tin tôi, cho nên trong hai tháng trời thôi thuốc ta uống thuốc tây, ông vẫn cho lời tôi nói có lý.
Nghe nói mấy bữa trước ngày lâm chung, ông mong tôi lắm. Không biết mong để làm gì, hay để trách tôi nói dối.
Nếu quả thế, tôi đành phụ ông. Nhưng vì không muốn để ông trước khi từ giã cuộc đời, ngoài cái lo nghèo, lại thêm một cái lo chết. Cho nên tôi phải nói thế. Nói thế vị tất đã là nói dối. Bởi vì một chồng tác phẩm của ông còn kia.
Tao Đàn, số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng, 1939
Nguồn: truyenviet.com