TÉ RA ÔNG BÙI TIẾN M... TRÚNG SỐ KHÔNG VÌ VẬN ĐỎ
Thời vụ số trước có nói đến vụ ông Bùi Tiến M... trúng số 4 nghìn. Chúng tôi
cho rằng: sự phát tài ấy của ông M... là nhờ ở vận đỏ mà ra. Một người trước
đây 10 năm còn là thừa phái bị cách chỉ vì có dự vào bộ trọng yếu của đảng Việt
Nam Quốc dân mà biết nhiều sự bí mật của đảng ấy... rồi không biết làm sao
trong khi bảy tám đồng chí và ông nhạc mình đi Côn Lôn, thì mình đặc cách làm
ông tri châu, rồi tri huyện, rồi tri phủ, bây giờ lại trúng cả số độc đắc, như
thế ai không bảo là vận đỏ. Kỳ thực không phải! Sự trúng số đó cũng nhờ công
lao khó nhọc của ông M... mà có, chẳng phải là sự ngẫu nhiên. Theo lời ông M...
đã nói với phóng viên Việt báo thì ít lâu nay, ngoài việc chăn dân Yên Sơn, ông
ấy còn bị quan tỉnh Tuyên Quang cử ra trông nom công cuộc tu bổ mấy ngôi đền ở
Tam Cờ nữa. Công cuộc thứ hai đó tuy có vất vả nhưng ông ấy không hề quản ngại.
Các đền chữa xong, theo ý ông M... đâu đâu cũng đẹp cả, chỉ hiềm có lớp mái
hiên quá hẹp nó không đủ sức che chở mưa nắng làm lạt màu vàng son, ông rất lấy
làm áy náy trong lòng. Thế rồi, một hôm ông ấy khấn đầu trước bóng Thánh mẫu,
khấn rằng:
Nếu được "mẫu" run rủi cho một dịp phát tài thì ông sẽ bày tỏ với
quan tỉnh sửa lại cái mái hiên ấy cho rộng thêm và đẹp thêm. Cố nhiên những câu
khấn ấy đều là những sự thành tâm. Nó cũng thành tâm như khi các quan nhỏ dâng
cái "vi thiềng" lên các quan lớn, chứ nó không giống những lời thề
nhảm ở trước bàn thờ tổ quốc của đảng Việt Nam Quốc dân. Bởi thế, sau khi trúng
số, ông M... mới thành thực nhận là công hiệu của mấy câu khấn. Nghĩa là mấy
câu khấn ấy lọt đến tai "mẫu", nên "mẫu" phù hộ ông M...
được 4 nghìn đồng. Có thể thế được lắm. Thánh mẫu tuy là thần thánh song cũng ở
trong đất An Nam, lẽ dâu lại không thích những cái "vi thiềng" của
người ta khấn? Nghe nói ông M... đã sắp sửa thực hành những lời khấn đó. Bằng
món tiền 4 nghìn đồng, ông ấy đương định sửa lại cái mái hiên của đền Hiệp
Thành và cứu giúp cho kẻ nghèo khổ, còn nữa thì để làm vốn cho các con, chứ
không làm chay siêu độ cho những đám u hồn đương vẩn vơ ngoài Côn Đảo.
Như thế cũng phúc đức lắm rồi. Với cái công đức lớn lao ấy chắc thánh mẫu lần
này sẽ phù hộ cho ông M... bằng hai lần trước. Không phải tôi nói kỳ sau
"mẫu" sẽ run rủi cho ông M... trúng số 8 nghìn. Đường đường một ông
tri phủ có thiếu gì của? Cái cần của ông M... ngày nay có lẽ là con. Vì khi
tiếp phóng viên Việt báo ông ấy mới kể Ngô Tất Tố phê phán Bùi Tiến M... đã thề
trung thành vói Việt Nam Quốc dân đảng (Nguyễn Thái Học) nhưng sau đó lại phản
bội. tên hai cô con gái do hai bà phủ đẻ ra và một cậu con nuôi của ai đẻ hộ
thì không biết, chứ không thấy nói đến tên con trai. Nếu như ông ấy chưa có con
trai thì là trời không có mắt. Chắc rằng chuyến này "mẫu" sẽ phù hộ
ông ấy cố đẻ lấy năm, bảy người con trai để cho có kẻ thừa nhận những cái phú
quý mà ông ấy đã lập lên từ viên thừa phái bị cách đến chức tri phủ! Nhưng đó còn
là câu chuyện về sau. Bây giờ chỉ nên nhớ rằng: nhờ sự trúng số của ông M... mà
cụ Khổng lại được lòi ra một vị tín đồ. Phải, khi tiếp phóng viên Việt báo, ông
M... có tự phô mình là tín đồ của cụ Khổng thật. Không biết ông ấy đã đi theo
cụ Khổng hồi nào? Có lẽ là lúc còn làm thừa phái. Dù sao mặc lòng, trong khi
thánh đạo suy vi mà được có một ông phủ tự nhận làm tín đồ, cụ Khổng chắc lấy
làm hả! Điều đáng nói là nếu ông M... mà là tín đồ cụ Khổng, thì ông Nhiễm Cầu
chắc phải ghen đến hộc máu. Ông này không phản đảng, chỉ có cái tội làm giàu
cho kẻ quyền thần họ Quý! Thế mà cụ Khổng còn sai học trò thúc trống đuổi đi,
không cho là môn đệ mình nữa. Ấy, cụ Khổng ngày xưa nghiệt như thế đấy. Không rõ
quan phủ Bùi Tiến M... có biết hay không?
PHẢI HỎI NGÔI ĐỀN ẤY THỜ ÔNG NÀO ĐÃ
Có lẽ dân làm muối ở Thái Bình hôm nay hãy còn mất vía về vụ đền làng Ngải Châu
bị đốt. Người đã đốt ngôi đền ấy không phải là gặp cướp, chính là ông Dauret,
nhân viên của sở thương chính. Bữa đó nhằm ngày 11 Aout, chừng ba giờ chiều,
ông Dauret có đem một bọn tùy tùng đến làng Ngải Châu để khám muối lậu. Nhưng
cái làng vô lễ, không biết chiều ý nhân viên nhà đoan trong khi ông này đến
khám, họ "dám" không có một hột muối lậu nào cả. Chừng cũng cáu về
tội đã làm cho mình phải lặn ngòi ngoi nước tới nơi, mà không kiếm được chút
tang vật gì có thể xin bắt phạt họ để lấy hoa hồng, ông Dauret liền sai lũ
người tùy tùng phóng hỏa đốt ngôi đền của làng ấy. Thế là ngôi đền ấy đã phải
chịu cái số phận của chùa Hồng Liên trong chuyện kiếm hiệp Tàu. Nghe nói dân
làng Ngải Châu đã phái người đi trình quan sở tại, và quan sở tại đã về tận nơi
làm biên bản để ghi lại cuộc "hỏa thiêu" ấy. Việc này chắc còn lôi
thôi. Chưa ai có thể đoán trước nó sẽ lôi thôi như thế nào. Người ta chỉ biết
dư luận vùng bể rất cay cú về cái hành động lạ lùng ấy của một ông nhân viên
nhà đoan. Một bạn đồng nghiệp trong khi đăng cái tin đó đã phải cho là một việc
đáng than phiền, vì nó phạm đến sự tín ngưỡng của người An Nam. Rồi bạn đồng
nghiệp ấy xin chính phủ răn bảo những viên chức nhà Thương chính từ nay không
được làm như thế nữa. Cố nhiên lời nghị luận của bạn đồng nghiệp vẫn là chính
đáng. Nhân viên sở Thương chính chỉ có trách nhiệm đi khám những nhân vật lậu
thuế, sao lại kiêm cả việc đốt đình đốt chùa của người An Nam?
Nhưng nếu nghĩ lại cho kỹ, chúng ta... phải hỏi xem cái đền ấy thờ ông nào đã.
Phải! An Nam
vốn là một nước nhiều Thần nhất thế giới. Cái vạ "thần mãn" kéo dài
mấy trăm, mấy nghìn năm nay, làm hại bao nhiêu trâu bò, gà lợn của chúng ta.
Đành rằng cũng nhiều ông thần có công với dân, đáng để cho dân kỷ niệm, song
cũng vô số ông thần cực kỳ bẩn thỉu, dơ dáy; thí dụ như ông thần Cường bạo đại
vương chẳng hạn, nếu còn sống chắc phải đi đày... Thế mà chúng ta cứ thờ bừa
đi, lễ bừa đi, há chẳng oan cho cái đầu, cái cổ! Bao nhiêu năm nay chúng ta
chẳng hô hào trừ sự mê tín đấy ư? Nhưng có được đâu? Nó vẫn bám vào hai chữ tôn
giáo mà được trơ như đá vững như đồng vậy!
THẾ THÌ NHÀ BÁO LÀ ÔNG TRỜI
Các báo Trung, Bắc chưa được có hân hạnh ấy. Đây là sự vinh dự của các bạn đồng nghiệp trong Nam! Nhưng không phải là chuyện tự do báo chí. Nó là dây dưa của nạn cướp lúa. Trong một bài trước, tôi đã nói qua, nạn ấy, độ nọ, đã làm cho nhiều nơi ở miền Hậu Giang hầu như lộn xộn trật tự. Cứ lời ông Nguyễn Văn Sâm đã nói trong báo Tự do, thì đầu đuôi trong mấy hôm trời, hai tỉnh Bắc Liêu, Rạch Giá xảy ra mười đám cướp lúa cả thảy. Nói là cướp, chẳng qua tôi muốn hà tiện cho cái ngòi bút. Kỳ thực bấy nhiêu đám đó đều chưa đủ điều kiện được gọi là những vụ cướp. Bởi vì bao nhiêu ngàn người dự các vụ ấy đều không có một tấc khí giới. Hơn nữa, khi đến những nhà chủ điền, nhiều người còn trao cho họ những bức văn tự vay nợ, có ký tên tuổi rõ ràng. Đáng lẽ phải gọi là vay. Nhưng vì trong khi hỏi vay, người ta không đợi chủ nợ ưng ý, cứ kéo ùa vào mà xúc lấy lúa, vay đâu có lối vay thế! Thà bảo là cướp còn có nghĩa hơn. Dù vay dù cướp cũng vậy, sự đặt tên ấy không quan hệ gì. Cái quan hệ là nguyên nhân nạn ấy ở đâu mà ra? Quan thống đốc Nam Kỳ bảo là có kẻ xúi giục. Ông Nguyễn Văn Sâm của báo Tự do bảo tại cái máy chính trị vụng về, không biết kiếm công tìm việc cho dân làm ăn trong khi túng thiếu. Bạn đồng nghiệp Lục tỉnh tân văn chừng muốn được lòng mấy ông xét tá đổ tội luôn cho đạo nghị định cấm việc cho vay nặng lãi. Còn tôi? Lúc đầu, tôi vẫn tưởng rằng:
Nạn đó, một phần là tại mấy ông chủ ruộng. Giả sử, ngày thường các ông ấy không bòn rút bọn kia một cách thái thậm, thì dù có gặp một năm mất mùa may ra họ cũng không đến nỗi đói. Hay là giả sử trong lúc họ trót đói rồi, các ông ấy chịu bố thí bớt cái thừa thãi của mình để cứu những bộ dạ dày trống rỗng của họ thì đâu đến nỗi họ phải rủ nhau đi cướp? Nhưng không thế! Những năm được mùa, người ta đã nạo xương họ, hút tủy họ chỉ để họ đủ sống một đời ngắn ngủi, rồi khi đói khổ, người ta khư khư khóa chặt "lẫm lúa" không chịu vung ra một hạt.
Nào ai cãi lại câu đó để tôi xin mời hai ông Hứa Quang Chiểu và Trương Quang Thành làm chứng. Bằng một thứ giấy bạc đặc biệt, ông Chiểu đã cho tá điền vay nợ với kiểu "một vốn tám chín mười lời". Và trước cái cảnh nheo nhóc của hàng nghìn dân đói, ông Thành vẫn chất lẫm một vạn ba nghìn giạ lúa để cho mọt ăn. Những chuyện ấy trong tờ báo này đều có nói đến.
Thế là người ta chế tạo ra lũ dân đói để bắt họ phải đến nhà mình mà cướp chứ gì? ấy là khi trước thì tôi nghĩ vậy. Song, sợ mất lòng mấy ông điền chủ, cho nên hôm nọ tôi phải kết án cho con ma đói. Nhưng xét cho kỹ buộc tội nó oan nó, chính nó cũng là khổ chủ, không phải thủ phạm. Vì thế, tôi đương muốn trút tội lỗi vào đầu ông trời. Bởi tại ông ấy gây ra nạn lụt nạn "tim", lấy hết lúa gạo của lũ dân cày, cho nên mới đẻ ra lũ ma đói chuyên xui đàn bà con nít kéo đi cướp lúa. Quả báo! Tôi mới nghĩ vậy mà chưa kịp nói, thì, như muốn trả thù cho trời, mấy ông điền chủ trong Nam đã quay trở lại mà đổ tội luôn cho các bạn đồng nghiệp của tôi trong ấy. "Cái nạn dân đói cướp lúa, chỉ tại các báo quốc âm gây ra", khi quan thống đốc xuống miền Hậu Giang, các ông ấy nói ở trước mặt ngài như thế, và các ông ấy còn yêu cầu chính phủ khôi phục lại việc kiểm duáệt báo chí là khác. Cố nhiên các báo trong ấy không có báo nào xui dân đi cướp lúa, cũng không báo nào xui dân "đói đi". Thế thì cớ sao lại bị người ta gắp lửa mà bỏ bàn tay? Hay là các bạn đồng nghiệp trong ấy đã có bí thuật gây ra nạn lụt, nạn "tim"? Nếu thế thì các báo quốc âm cũng có uá quyền thiêng liêng như ông trời rồi còn gì! Nhưng không nên trách mấy ông chủ ruộng, chỉ trách các báo trong ấy. Làm sao các bạn đã lĩnh cái trách nhiệm hướng đạo quốc dân, mà còn để cho khu vực của mình vẫn có những ông điền chủ ngây thơ đến vậy? Tôi muốn yêu cầu các bạn từ đây trở đi, mỗi bạn nên mở thêm một mục "điền chủ giáo dục" dành riêng cho mấy ông ấy.
TỘI TRẠNG CÔ VŨ THỊ CÚC
Hỡi ôi thương thay, ông huyện Trường Bắc Giang đã theo ông huyện Toán Yên Bái mà há sinh tính mệnh cho nghề đào mỏ mất rồi. Thế là trong một năm trời, cái nghề tai hại đã giết chết của dân Bắc Kỳ hai ông "phụ mẫu". Thật là "sinh ư nghệ, tử ư nghệ", tôi xin trịnh trọng có lời chia buồn cùng các tang quyến. Chỉ tiếc nghề đào mỏ này không giống nghề đào khác, người ta không thể vin luật lao động mà đòi tiền tuất của chủ. Tội nghiệp! Với ông huyện Trường cũng như ông huyện Toán tôi phải kính trọng vong linh những người đã quá cố (dù là quá cố về nạn đào mỏ cũng không dám động đến). Và nếu có cần, tôi cũng kính trọng cả cái nghề nghiệp của các ông ấy luôn thể. Bởi vì nhân sinh bách nghệ, ai thích nghề gì làm nghề ấy, miễn là nhất nghệ tinh, thì nhất thân vinh. Hai ông ấy đã làm tri huyện lại kiêm cả nghề đào mỏ chẳng qua cũng muốn vinh thân như mọi người vậy. Chẳng may gặp phải cái "mỏ dữ", các ngài đã lỗ đến thân thể, thì nó chỉ thiệt cho đời các ngài chứ có hại gì đến ai mà nói. Không nói ông huyện Trường. Nhưng không thể nể cô Vũ Thị Cúc, cái cô hàng gạo đã có mỏ để ông Trường đào và đã vừa đâm vừa chém ông Trường đến 34 nhát. Người ta đồn rằng: cô ấy có biết võ nghệ. Trong lúc mở cửa hàng gạo, cô ấy tuy lượt thượt với bộ quần áo tân thời, nhưng có lần đã một mình đẩy một chiếc xe gạo từ Hà Đông lên Hà Nội không quản ngại. Có thật vậy không? Nếu quả như vậy thì cô Cúc cũng là một hạng đàn ông trong đám đàn bà. Vả lại, trong khi sắp giết ông Trường, mà gặp ông ấy đương ngủ, cô ta còn đánh thức dậy để bảo cho biết sự hành động của mình, không thèm giết vụng, giết trộm.
Như vậy, cô ấy vẫn không tránh khỏi tội lỗi. Tôi không nói cái tội giết người. Là vì việc đó phần của Tòa án. Tha bổng hay làm án cô ấy do ở quyền các quan tòa, phúc đức nhà tôi được bao mà dám buộc tội cho người? Tôi chỉ ghép cô ấy vào cái tội dốt, không đọc Cung oán ngâm khúc. Các ngài hẳn không ai mà không nhớ ở trong Cung oán ngâm khúc, tác giả đã nói nhiều câu chí lý, đáng làm gương cho các cô gái kén chồng. Thí dụ:
Mỗi phú quí dử làng xa mã, Bả vinh hoa lừa gã công khanh Giấc Nam kha khéo bất bình, Bừng con mắt dậy thấy mình tay không Hay là Miếng chung đỉnh phong lưu nhưng lợm Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon Cùng nhau một giấc hành môn Lau nhau ríu rít có con cũng tình Giả sử cô Cúc mà đọc những câu đó, tất nhiên không phải mang tội sát nhân. Bởi không chịu đọc những bài học đó, nên cô ấy mới say mồi phú quí, thèm bả vinh hoa, mà đem mỏ của mình dâng cho ông Trường, để hòng mua lấy chức bà huyện. Rồi vì thích làm bà huyện, cô ấy mới bị ông Trường hắt hủi trong khi quặng mỏ đã hết. Lâm đến nước ấy, cô gái táo bạo kia nếu không làm kẻ giết người, thì chỉ còn cách tự tử, chứ biết ăn làm sao nói làm sao cho khỏi nhục với cha mẹ chị em! Thôi thế cũng xong! Từ nay trở đi xã hội An Nam có lẽ sẽ ít người nghiệm làm bà và cũng đỡ sản xuất những ông kỹ sư đào mỏ.
TỘI TẠI BÀ CHÚA HÀNG TRỐNG
Tôi muốn nói thêm về vụ án mạng ông Nguyễn Xuân Trường. Nhưng chưa biết công việc xét xử của các quan tòa ra sao. Nhưng mà những người thân với ông Trường, chắc ai cũng muốn trị tội cô Cúc thật nặng, trừ ra ông Nguyễn Duá Long. Cố nhiên, đối với kẻ thù, nhất là kẻ thù đã đâm và chém người thân của mình, người ta phải có ý ấy. Nhưng theo ý tôi, cô Cúc dù phạm tội đi nữa, cũng chỉ là tội tòng phạm. Còn kẻ thủ phạm phải là bà chúa Hàng Trống. Bà con Hà thành thì không ai lạ cái đền Hàng Trống. Nhưng nếu hỏi vị thần đền ấy là ai, có lẽ cũng ít người biết. Ấy là một bà "cô đào" đã thuê ông Nguyễn Công Trứ quẩy đàn bà và bị ông ấy cưỡng bách làm vợ mấy phút ở nơi đồng vắng đêm khuya, rồi khi việc cũ đã quên, bà ấy còn làm cho ông cụ kia phải nhớ tình xưa bằng một câu hát:
Giang sơn một gánh giữa đồng Thuyền quyên "ứ hự", anh hùng nhớ quên? Từ địa vị nàng hầu ông Nguyễn Công Trứ lên đến địa vị bà thần của phố Hàng Trống, không biết bà ấy còn phải trải qua những thế nào nữa. Chỉ biết từ lúc làm thần đến nay bà ta ra bộ thiêng lắm. Chẳng thế mà ở cửa đền, ngày nào như ngày ấy, người vái cứ đông nghìn nghịt, đủ cả Tây, Tàu, An Nam, chỉ thiếu có người Nhật Bản. Họ vái một cách tàn nhẫn, vái lia vái lịa, vái hủy vái hoài, vái từ dãy hè bên kia chõ sang dãy hè bên này, không nể những người đi đường. Không thiêng liêng sao lại được thế? Vì thiêng, cho nên thỉnh thoảng lại có những người đem đầu đến đó mà thề.
Cứ lời cô Cúc đã khai với quan dự thẩm Bắc Giang, thì lúc cô ấy với ông huyện Trường nhân tình với nhau, hai người đã có đem nhau đến thề ở đền Hàng Trống. Ông Trường thề rằng:
"Một khi đã công thành danh toại sẽ cùng Cúc kết tóc xe tơ..." Đó là theo tin của báo Đông Pháp. Tuy rằng báo ấy chỉ thuật có thế, nhưng mà người ta có thể chắc rằng ở dưới câu đó còn một câu độc địa bằng chữ "nếu"... Nếu như không thế thì sao thành ra lời thề và sao cô Cúc lại tin? Trong thế gian này, bao nhiêu cuộc thề đều có linh nghiệm cả. Ai không tin hãy giở Truyện Kiều ra mà coi:
Kim Trọng khi gặp Thúy Kiều thì:
Tiên thề cũng thảo một chương, Tóc mây một món dao vàng chia đôi Vầng trăng vằng vặc giữa trời, Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Mã Sinh khi mua Thúy Kiều thì: Cạn lời khách mới thưa rằng Bước chân thôi cũng xích thằng nhiệm trao Mai sau dù có thế nào, Kìa gươm nhật nguyệt, nọ dao quỉ thần.
Tú Bà khi mua Thúy Kiều thì: Mụ rằng con hãy thong dong Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi? Mai sau ở chẳng như lời, Trên đầu có bóng mặt trời sáng soi.
Bạc Hạnh khi lừa Thúy Kiều thì:
Bạc Sinh quỳ xuống với nàng Quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công. Sở Khanh lúc dắt Thúy Kiều đi trốn, cũng có thề, cho nên nàng mới nói với Mã Kiều là chàng đã "thề thốt nặng lời, có đâu mà lại ra người hiểm sâu". Bấy nhiêu người thề với cô Kiều, trừ ông tri huyện Kim Trọng đã được vuông tròn, vì đã trước sau tha thiết với nàng còn các người khác không giữ lời thề, đều phải máu rơi thịt nát tất cả. Người ta vẫn bảo việc đó do ở Từ Hải làm ra, kỳ thực đâu có phải vậy. Sở dĩ bọn đó mà phải mất đầu, chỉ tại những vị trời đất, quỷ thần đã bị mời làm giám thệ, cố sức làm việc phận sự, xui khiến đại vương họ Từ báo oán cho Thúy Kiều đó. Bà chúa Hàng Trống cũng bị ông Trường, cô Cúc mời làm giám thệ, và ít ra cũng có ăn lễ của cô ấy nữa tất nhiên bà ấy cũng phải làm hết phận sự khi thấy ông Trường có ý lỗi thề. Nếu như bà ta mà bỏ phận sự không làm, thì sau này còn ai đến đó mà lễ và vái. Vậy thì cái vụ án mạng ông Trường, chẳng qua bởi tại bà chúa Hàng Trống xui giục cô Cúc phải đối đãi với ông huyện Trường bằng cách "thề sao thì lại cứ sao gia hình", không phải hoàn toàn là tại cô ấy. Vì thế nên coi bà ấy là bậc thủ phạm trong vụ này.
VIỆC TUẦN PHÒNG Ở CÁC LÀNG
Hương thôn có tuần tráng cũng như ở thành thị có cảnh sát, để ngày đêm canh giữ trong làng và ngoài đồng, ngăn ngừa trộm cướp, cấp cứu thủy hỏa cùng thi hành những mệnh lệnh của dân. Người đi tuần đã vì công an, công ích mà xuất lực, thì phận sự của người cùng làm đều vui lòng báo lại bằng lệ lấy lúa sương, mỗi sào vài lượm, hoa màu ngô khoai thì mỗi sào mấy xu, trong làng thì cho thu tiền nóc nhà chia ra làm ba hạng, nhà ngói nhà gỗ và nhà tre, thuế trâu bò và tiền cheo của con gái khi đi lấy chồng. Cổ lệ, thì mỗi làng cắt mười người đàn em chia nhau canh gác trong năm trống canh, hai người trương tuần thì hiệp lực với phó lý để trông nom đốc thúc. Những món lợi hàng năm mà dân cho chẳng qua chỉ là món phụ cấp, chứ không phải lương, vì món tiền ấy chẳng được bao nhiêu. Về sau, những nhà giàu có, đến tuổi đóng góp với làng không chịu gánh vác việc khó nhọc ấy, nhà nghèo thì trông vào số lợi ấy không đủ nuôi thân cũng sinh lòng chán nản, người ta mới nghĩ cách mua nhiêu mua xã để cho hạng bạch đinh trọc phú bỏ của ra cho khỏi phải chịu việc khó nhọc. Thế là từ đấy, những việc gian lao nguy hiểm ấy trút cả cho bọn cùng đinh. Bắt những người nghèo khó, nhà tranh vách đất, ăn đói mặc rét, phải canh giữ cho những người giàu có sung sướng. Bọn đó cố nhiên là ai cũng có quyền khinh rẻ thì những món lợi mà dân để cho lại bị bọn tổng lý, nha lại, lính lệ, lính tuần lấy thế là người được quyền kiểm soát, đốc thúc rồi cũng tìm cách ăn bớt, ăn chặn mất cả. Ngoài việc phận sự canh gác, lại còn phải hầu hạ các ông tổng lý, nào là theo hầu ông lý ông bá trong các đình đám, nào là phục dịch trong nhà các ông ấy khi có giỗ chạp, hoặc sai bảo việc này việc khác của những ông có quyền đánh mắng. Quyền lợi đã không có, công việc lại khó nhọc, thế mà trong việc canh giữ nguy hiểm thì khí giới không có, luyện tập cũng không thì địch lại thế nào được những quân trộm cướp hung bạo.
Một khi trong làng có trộm cướp xảy ra, nếu không đút lót cho tổng lý, van lạy sự chủ thì sẽ bị người ta khép vào tội không ứng cứu mà bắt đền, bắt lỗi nữa. Xưa nay việc trộm cướp xảy ra trong làng phần nhiều là do bọn du thủ du thực kết nạp với bọn ở ngoài mà đem việc trộm cướp về làng. Việc xong rồi cũng có người biết là tự thằng nọ thằng kia mà không dám nói rõ trước mặt nhà chuyên trách, vì việc thám báo đã chẳng lợi gì, mà có khi mắc tội man báo, có khi bị chúng nó thù oán khó lòng làm ăn yên ổn được. Bọn tổng lý nhân đấy tìm cách ăn thông với cướp, tìm cách che chở bênh vực, dọa nạt sự chủ, tuần phiên, rồi lập tờ trình qua quýt cho xong chuyện, ngoài việc dối trá trong việc khai trình, còn bắt sự chủ và tuần phiên đút lót với quan nữa. Việc phòng thủ thôn quê hiện nay có mấy điều khó khăn là cấp lương cho tuần phiên thì dân đinh, điền họ đóng góp nặng nề lắm rồi, không chắc có thể nuôi nổi lương tuần, mà tuần có lương, tổng lý không có lương thì trước hãy xảy ra một cuộc đấu giá cho nha lại tổng lý, rồi sau này anh nào được còn phải cung ứng cho khỏi bị họ hành hạ để bóp nặn. Việc luyện tập thì không có người huấn luyện, mà cũng chưa biết huấn luyện theo phương pháp võ nghệ của ta, hay theo lề lối của nhà binh. Nếu tập theo võ nghệ của ta thì môn ấy đã thất truyền từ lâu, và có cũng không thể đem giáo mác gậy gộc ra đối địch với quân cường đạo có súng ống đạn dược.
Nếu tập theo cách nhà binh thì hẳn là chính phủ không bao giờ dám cấp súng cho tuần. Việc dò xét trộm cướp cần phải có một cơ quan thám thính, thì hiện nay sở liêm phóng bắt buộc sự chủ phải nộp tiền lệ phí rất nặng, rồi mới ra lệnh truy tầm là một sự rất khó khăn, mà quan bản hạt thì trăm việc đổ vào đầu, không sao làm xiết được, nếu trong hạt mà trộm cướp nổi lên lại là một dịp kiếm tốt, một việc không quan thiết tới cuộc thăng thưởng của mình như việc bán rượu cho chạy, thu thuế cho róc, thì tội gì vất vả khó nhọc, mà có khi lại còn nguy hiểm tới thân...
ĐẺ CHẬM MẤT VÀI NGHÌN NĂM
Theo tin của báo Tự do, ở tỉnh Tân An mới có một cuộc tôn vương. Đức tân quân hãy còn đương tuổi ấu xung, ngài lên ngôi sau khi ra đời độ vài ba ngày, có lẽ còn chưa khai sinh, chưa kịp đặt tên, đặt hiệu. Cứ như bài tường thuật của báo Tự do, thì ngài chỉ là cháu ngoại một người hương chức, gọi là Hương X. Không phải người của cành vàng lá ngọc nào cả. Sở dĩ ngài được lên ngôi báu hoàn toàn nhờ ở mệnh trời. Người ta nói rằng: bà thân của ngài, năm nay tuổi mới đến thì. Người còn là hạng gái tân, chưa có kết duyên với ai. Thế mà từ mấy tháng trước, tự nhiên thân thế của người cứ phinh phính lớn giữa lớn ra, y như một người có chửa. Ông Hương, bà Hương cho là chuyện lạ, đã cố gạn hỏi căn do.
Người nói: chính người chưa từng gần với đàn ông. Chỉ vì một hôm nằm mơ được ăn một quả đào tiên rồi sinh ra thế. Nếu là ngày xưa tất nhiên người không thể ở nhà được nữa. Vì nếu ở nhà sẽ bị làng bắt mất trâu. Nhưng ở ngày nay thì không ai động đến lông chân, người vẫn tự do như thường. Thấm thoát hết hạn 9 tháng 10 ngày, quả đào tiên ở trong bụng người cố nhiên phải tìm đường ra. Thì ra đó là một đứa con trai, cũng như vô số cái bào thai khác. Chắc là chung quanh đứa con trai ấy cũng chẳng có gì lạ đâu.
Nhưng vì ông Hương bà Hương hoặc giả có đọc truyện Phấn trang lâu, cho nên mới nói thêm rằng: Thằng con trai ấy lúc lọt lòng mẹ, tay phải thấy có hai chữ "sơn hà" tay trái thì có hai chữ "xã tắc". Sơn hà xã tắc nằm ở trong tay, chẳng phải là vua thì gì? Thế là dân kéo đến bệ kiến rất đông. Họ đặt đứa con trai ấy lên bàn thờ, rồi họ thi lễ bái và gọi là vua. Việc đó đến tai quan quận. Trong lúc lễ đang cử hành một cách linh đình thì có lính quận đến bắt. Dân làng, ông Hương, bà Hương và đức Thái mẫu đều chạy tán loạn, chỉ còn ấu quân vẫn nằm nghiễm nhiên trên bàn thờ. Thế là tân quân ấy hóa ra ông Phế đế. Than ôi, quốc tộ thật là ngắn ngủi! Cái đó chỉ vì ngài đẻ khí chậm. Giả sử đẻ sớm vài nghìn năm nữa, nếu không làm vua quyết là ngài cũng làm chúa. Các vị vua chúa ngày xưa cũng thường ra đời một cách đột ngột như ngài. Bà mẹ ông Tiết chỉ vì nuốt trứng chim chả thành ra có mang, rồi mới sinh ra ông Tiết. Bà mẹ ông Tắc thì vì ướm chân vào cái vết chân một người to lớn, bà liền thụ thai rồi sinh ra ông Tắc. Đức thánh mẫu của đạo Thiên chúa tuy có chồng nhưng vẫn là gái đồng trinh, chỉ vì mơ thấy thiên sứ hiện vào mình mà cũng có thai và cũng đẻ ra đức chúa Giêsu. Những chuyện ấy đều có chép ở Kinh thi và kinh thánh của đạo Thiên chúa, chắc không sai với sự thực. Bởi sự giáng sinh khác thường cho nên đức chúa Giêsu mới trở nên vị chúa cứu thế, ông Tiết mới làm ông Tổ nhà Chu, khiến cho muôn đời sùng bái. Cuộc ra đời của vị ấu quân Tân An có khác gì thế.
Nếu không bị ông quận Tân An phá ngang, thì chưa biết chừng sau này có khi ngài làm vua làm chúa chứ kém gì! Bởi thế có người đã trách ông quận Tân An không biết lịch sự, dám làm một việc bạo nghịch. Trách là phải! Có điều trong lúc phong trào phụ nữ giải phóng đương thịnh hành, nếu những việc ấy mà không bị ngăn cản, e rằng trong nước sẽ không đủ nhà bảo anh để chứa những đấng dị nhân.
MỘT NGƯỜI OAN, MỘT NGƯỜI KHÔNG OAN
Tôi muốn nói vụ án Quốc gia tuần báo bị truy tố vì một bức hí họa đăng ở số 4. Bạn đọc chắc đã biết rõ, vụ ấy có ba người bị cáo, chủ bút là ông Trương Tửu, họa sĩ là ông Nguyễn Đỗ C... và quản lý là mụ Ngô Thị Thoa, vợ Lê Ngọc Thiều tức Bảo Ngọc, tức Bình Hưng tức chủ một hàng thuốc lậu. Người ở các tỉnh còn chưa biết lắm, chứ ở Hà Nội không ai lạ gì chị họ Lê này. Ngoài Lê Ngọc Thiều còn Lê Huy Phách anh ruột hắn và Lê Ngọc Vụ em ruột hắn cũng đều làm nghề bán thuốc hạ bộ. Đã mấy năm nay cả chi đều trông vào số dân lậu mà ăn. Không biết từ trước đến giờ, đã có những ai uống thuốc của nhà ấy mà được khỏi bệnh. Người ta chỉ biết về đường học vấn, Thiều cũng như Phách mà Phách thì cũng như Vụ, cả ba đều xứng đáng treo làm câu đối hai câu "Hán tự đếch biết Hán, Tây tự đếch biết Tây" của ông Tú Xương. Nhưng quốc ngữ thì không mít đặc. Họ cũng đọc được chỉ có viết thì không thông. Ấy vậy mà trong bọn đó có kẻ đã dám rao rằng chính mình đang mở một lớp hàm thụ dạy về nghề thuốc kia đấy. Xã hội Việt Nam chưa hết người khờ dại. Thuốc của họ có người mua, tất nhiên việc dạy thuốc của họ cũng có người học. Giả sử họ yên phận sống về nghề lậu thì có ai thèm nói đến. Cái tức cười là mấy tháng trước đây, Lê Ngọc Thiều lại táo bạo vác cái bằng sơ học yếu lược để theo vợ vào làng báo, mới khổ cho người ta chứ. Hẳn là hắn cũng tưởng rằng: nhà đã có đất phát về nghề bán thuốc lậu, thì cũng có đất phát về nghề buôn báo chứ gì?
Nhưng, hình như mả tổ của hắn chỉ có ống thụt, không có quản bút. Bởi thế, tờ báo của hắn ra 16 số thì bị đình bản và bị tòa án truy tố. Sau mấy tháng điều tra, trong phiên mới đây, tòa đã xử xong việc ấy. Ngô Thị Thoa phải phạt trăm quan, ông Trương Tửu thì bị gấp hai, họa sĩ Nguyễn Đỗ C... thì được trắng án. Vụ này lúc đầu một vài tờ báo trong Nam đã có nói đến, và cho Thị Thoa cũng oan như hai người kia.
Chừng như các bạn tưởng rằng vợ chồng thị ấy là người quý lắm, có thể là bạn đồng nghiệp với mình, nên cố bênh vực cho họ. Tôi không nhận họ là bạn đồng nghiệp, nhưng tôi cũng cho Thị Thoa bị án là oan. Trên kia tôi phải nói qua về nghề nghiệp của anh em vợ chồng nhà thị cốt để minh oan cho thị. Thì một người đàn bà trong một nhà chuyên bán thuốc lậu như thế, còn biết báo là cái gì. Thế mà người ấy lại được can án về việc báo, há chẳng oan sao? Nhưng ông Trương Tửu thì không oan một chút nào. Ai bảo ông ấy "thí nghiệm ngòi bút" với hạng người ấy? Trời cho mình cái bút, cũng nên trân trọng mới phải. Lẽ nào cái chỗ chỉ chứa thuốc lậu mà cũng chọc nó vào được! Huống chi ông ấy không những chỉ chọc vào đó mà thôi, lại còn đem những tư tưởng chính trị quảng cáo cho nhà thuốc lậu, để vì nhà ấy mà mua tín nhiệm của quốc dân nữa chứ! Đừng tưởng thế là không hại cho ai.
Nhờ sự quảng cáo ấy của ông Trương Tửu mà họ mới dám rao lên báo rằng: Quốc gia tuần báo đình bản là cần sửa soạn để ra hàng ngày. Rồi họ in luôn 10 vạn biên lai mua báo Quốc gia giống hệt như vé sổ số Đông Dương và gửi bán khắp cả ba kỳ. Chính Lê Ngọc Vụ đã đem 43 tập vé giả ấy vào bán ở Sài Gòn rồi. Coi đó đủ biết số người bị lừa về kiểu "mập mờ đánh lận con đen" của anh em nhà hắn không phải là ít. Ông Tửu tuy không dính đến việc ấy, nhưng cũng không thể chối được trách nhiệm. Nếu không có ngòi bút của ông ấy thí nghiệm một cuộc làm báo với họ thì họ đâu biết ngón lường gạt ấy?
Vả chăng, ông Tửu dù không phải chịu trách nhiệm về việc giả mạo số vé đi nữa, thì cũng phải chịu trách nhiệm về sự lường gạt của báo Quốc gia. Phải! Báo Quốc gia rao với độc giả là sẽ xuất bản hàng ngày. Vậy mà bây giờ họ lại dùng nó để in những tập tiểu thuyết mót lại của Tàu, khuôn khổ vừa vặn bằng cái bàn tay, như thế không là lường gạt, thì thế nào nữa mới là lường gạt ? Cố nhiên ông Trưởng Tửu cũng không can liên gì đến việc này, nhưng chính ông ấy là người đã lôi bọn đó vào làng báo. Bây giờ bọn đó vấy bẩn làng báo như vậy, ông ấy không chịu trách nhiệm thì để ai chịu? Thế thì cái án hai trăm quan tiền mà tòa trừng trị mới phạt ông ấy còn là nhẹ lắm. Đáng lẽ còn phải mấy năm quản thúc ngòi bút, để cho ông ấy khỏi thí nghiệm nó một cách bừa bãi.
BÀ GIÀ ĐÃ TÁM MƯƠI TƯ, NGỒI TRONG CỬA SỔ ĐƯA THƯ KÉN CHỒNG
Tôi muốn nói về cụ đồng nghiệp Trung Bắc Tân Văn ở phố Đường Thành. Phải gọi bằng cụ, là vì đối với làng báo Đông Dương, cụ chỉ kém ngài Lục tỉnh Tân Văn vài tuổi mà đối với làng báo Bắc Kỳ thì cụ là bậc thọ khảo hơn hết. Tuy vậy cụ mới sống có 26 năm, nhưng ở cái xứ báo chí luôn luôn chết non chết yểu, bất đắc kỳ tử về chính trị hay về tiền tài thì bấy nhiêu tuổi đã là nhiều lắm. Nếu ta tạm tính một tuổi báo chí bằng hai tuổi người, thì ít ra cụ cũng có cháu tứ đại. Hình như cũng nhận mình là bậc già lão trong xã hội báo giới, cho nên, hàng ngày tuy vẫn nói bàn việc nọ việc kia, mà lúc nào cụ cũng ra thái độ mỗi ngày mỗi suy. Suy như nằm kề miệng lỗ. Thấy cái giọng nói rời rạc uể oải của cụ, mấy kẻ hậu tiến đương muốn khuyên cụ xây sẵn một ngôi sinh phần, để phòng bị cho cái tuổi "ngọn đèn trước gió" thì thình lình thấy cụ rao lớn lên rằng:
"Xuân Trung Bắc Vui vẻ trẻ trung... Nhớ đón xem..." Té ra cụ tuy tuổi tác, nhưng cũng thích làm đỏm như bọn Tiểu thuyết thứ năm bây giờ và Phụ nữ tuần báo độ nọ. si! "Bà già đã tám mươi tư, ngồi bên cửa sổ đưa thư kén chồng", câu ca dao ấy đúng với cái cử chỉ này của cụ. Tuy vậy, chúng ta cũng nên nhớ rằng: sự làm đỏm ấy không phải tự cụ mà ra. Cái người làm đỏm cho cụ chính là ông Nguyễn Văn Luận, thừa trọng tôn của cụ. Bởi ông ấy còn thích vui vẻ, trẻ trung, nên mới bắt cụ cũng phải vui vẻ trẻ trung như ý muốn của mình. Nhưng mà ông Luận, kể tuổi cũng không phải là hạng trai tơ. Ở làng báo ông ấy đã lên bậc "bô", anh em báo giới đã tặng cho ông cái tên "bô" Luận. Ngó bộ trán hói gần đỉnh đầu, người ta có thể đoán rằng tý nữa bô sẽ sáu chục tuổi. Thế mà bô còn thích vui vẻ, trẻ trung: thật là nhân lão tâm bất lão. Nói vậy thì nói, không phải tôi dám chê bai gì bô. Cố nhiên trên đời ai cũng kính trọng người có tuổi. Nhưng tự các bậc có tuổi, phần nhiều lại ghét cái già, chỉ muốn người ta coi mình là hạng còn tơ. Các bạn không tin hãy coi ở các đường phố Hà Nội thì biết. Trên các đường phố Hà Nội, nhất là phố Paul Bert biết bao nhiêu bà mắt đã lõm, má đã hóp, có khi mái tóc đã bạc gần nửa. Nhưng vẫn gia công tô son đánh phấn, kẻ lông mày, nhuộm má đào và vẽ môi trái tim, để hòng kéo cái xuân xanh ở lại. Với những bà ấy, nếu kẻ nào vô phúc mà chào là cụ, tuy có xứng đáng, nhưng không khéo sẽ bị nguyền rủa một hồi. Bô Luận có lẽ cũng cùng một tâm lý với mấy bà ấy. Bô không thích già, không muốn cho cụ Trung Bắc nhà mình mang tiếng già, nên mới cố bắt cụ phải vui vẻ trẻ trung trong dịp năm mới. Tiếc thay bô là đàn ông.
Giả sử trời cho là đàn bà, quyết là phen này bô phải cạo răng đen, cạo lông mày, để lượt thượt với bộ quần áo tân thời, dù mà hàm răng của bô sắp rụng. Chúc bô vui vẻ trẻ trung. Và khuyên anh em thợ in ở nhà in Trung Bắc, tết này đừng mừng tuổi bô. Vì mừng tuổi bô tức là rủa bô.
HẾT NĂM
Còn một ngày và nửa đêm nữa thì đủ ba trăm sáu chục ngày của "ông ba mươi". Nếu quan thế của nhà trời đúng với sự tin tưởng của người phương Đông, thì khi số báo này đến tay các bạn, có lẽ cụ lớn Đương niên hành khiển của năm Mậu Dần đương làm bàn giao với cụ lớn Đương niên hành khiển của năm Kỷ Mão, để nghỉ một hạn là mươi hai năm. Năm cũ đã hết. Theo lệ, nhà báo cũng như nhà buôn, lúc giao thời này phải cộng hết số công việc trong mười hai tháng vừa qua, để báo cáo. Và luôn thể để quảng cáo với độc giả. Nhiều bạn đồng nghiệp của chúng tôi đã làm tròn cái phận sự ấy. Tựu trung làm được oanh liệt hơn hết là ông Hoàng Đạo của báo Ngày nay. Phải! Giữa lúc dừng chân ngắm công đức của báo ấy trong năm Mậu Dần, nhà "độc quyền ru ngủ chúng ta bằng món xã thuyết" của đồng nghiệp trên đường Quan Thánh đã nói thế này:
"Trong công cuộc ấy, một điều rõ rệt hơn nhất, là chúng tôi đã dừng hai bước -để tỏ lòng phẫn uất đối với những vụ bất công, những điều ức hiếp, công kích chế độ dã man, những phong tục cổ hủ, những sự mê tín không lý, vạch rõ những sự thật xấu xa che đậy dưới sự xảo quáệt của người..." Chà chà công đức vô lượng! Nhưng chưa hết, ông ấy còn bới trong tập lưu cảo của Ngày nay để nhắc lại với chúng ta nhiều công lao khác và kết luận rằng:
"Ngay bên công cuộc chỉ trích, phác họa xưa (?) chúng tôi đã xây dựng một công cuộc kiến thiết vững vàng (?). Trên đời còn gì hơn hiểu và biết. Các bạn và chúng tôi đã dắt tay nhau đi vào vườn trí thức, ngắt những bông hoa của tinh thần, những bông hoa thơm của văn chương, những bông hoa lạ của tư tưởng...". Tốt đẹp vậy thay những sự nghiệp ấy của báo Ngày nay. Té ra báo Ngày nay đã dắt được những ông nào, có lẽ bà nào thì đúng hơn - những bà nào đó, vào vườn trí thức, không rõ là kiến thiết cái gì - rồi đấy. Thế mà đồng bào, quốc dân và cả mấy ông Ngày nay vẫn đều không biết. Oan uổng. Đọc hết bài ấy của ông Hoàng Đạo, tôi rất kính phục và nhớ luôn đến câu này của mấy ông lang thuốc lậu vẫn nói trong máy truyền thanh:
"A lô! A lô! Xin các quí ngài chú ý! A lô! A lô! Bản hiệu từ khi ra đời, đã chữa được mấy triệu người bệnh, danh tiếng lừng lẫy khắp cả Đông Dương không ai mà không biết! A lô! A lô!". Hai thứ văn chương ý thật giống nhau như tạc có điều ông Hoàng Đạo là nhà ngôn luận, cho nên giọng nói của văn hơn, mấy ông cứu thế độ của... hạ bộ nước nhà. Trông người mà ngắm đến ta, tôi rất buồn bã. Là vì, tôi cũng là kẻ viết báo, đáng Chế giễu văn chương báo Ngày nay đã quyến rũ các bà các cô vào con đường lãng mạn, hư hỏng. lẽ cũng phải tụng công đức của mình như người ta chứ. Nhưng mà nghĩ mãi hai ba ngày nay, chưa biết nên tụng các công đức nào. Thật khổ cho tôi. Giả sử cũng gác liêm sỉ một bên để quảng cáo cho mình như ông Hoàng Đạo hay bọn lang thuốc lậu, thì tôi cũng có thể khoe với các bạn như vầy:
"Một điều rõ rệt hơn nhất là tôi đã dùng trào phúng để đánh đổ cái chính sách độc tài của Hít le, cái thủ đoạn chuyên chế của Muạạolini, cái cử chỉ tàn bạo của bọn Nhật Bản. Và ngay bên ấy, tôi đã xây dựng một nền tảng cho cuộc hòa bình của âu châu. Vì có lời nói của tôi mà nước Đức mới thân thiện với nước Pháp bằng bản hiệp ước Pháp - Đức, vì có lời nói của tôi, nước Pháp mới tỏ thái độ cương quyết trong khi nước ý đòi đất của mình, vì có lời nói của tôi, quân Nhật ở đất Tàu, mới dùng dằng không dám đánh vào Quảng Tây, Vân Nam". Nói vậy, tôi cũng có lý hơn ông Hoàng Đạo, bởi vì chính tôi đã có nói tới công việc của mấy nước ấy. Và tôi tin rằng nói thế Hít le, Muạạolini hay bọn quân phiệt Nhật Bản, cũng không cải chính. Nhưng chỉ sợ bạn mắng tôi là vô liêm sỉ. Thế thì tôi biết nói làm sao? Không lẽ lại nín không nói. Vậy theo cái lễ phép của mọi năm, tôi xin chúc mừng các bạn năm mới. Nhưng mà những cái bình an, mạnh giỏi, đắc tài, đắc lộc, các bạn chắc không thiếu gì bởi vì người ta chúc tụng các bạn đã nhiều. Về phần tôi, tôi xin cầu cho các bạn, trong năm sắp tới, không phải nghe giọng ru ngủ của ông Hoàng Đạo. Đó là hạnh phúc thứ nhất trên đời.
Nguồn: truyenviet.com