CỨ ĐỂ CHO NÓ CHẾT
Vừa rồi, bác cựu binh Nguyễn Văn T... người làng Tứ Kỳ, tổng Thanh Liệt, huyện
Thanh Trì, Hà Đông tìm tới cái chết tại hồ Hoàn Kiếm Hà Nội chỉ vì đã mất 4, 5
trăm đồng bạc để khao vọng vào ngôi tư văn, mà chánh hội và tiên chỉ làng ấy không
cho vào chủ tế. Bị ức, bác phải thưa quan, mà quan cũng không xử cho. Giá tôi
là bác phu lục lộ của thành phố được chứng kiến lúc bác T... nhảy xuống hồ, khi
cứu lên mà được biết cái nguyên nhân đã làm cho bác chán đời muốn chết trong
thư tuyệt mệnh thì chẳng những tôi không cứu, không can không dẫn về cẩm, lại
muốn dìm xuống cho bác T... chóng chết là khác nữa!
Cái tư tưởng ấy tuy có khốc liệt một chút nhưng tôi muốn khu trừ cái nọc độc mà
Trần Thủ Độ xưa kia đã gieo cho dân một cái thảm họa tới nay chưa dứt được. Bày
ra một cái triều đình giả dối, lấy ông thần gỗ tôn lên ngôi báu, lấy tổng lý
làm công khanh, lấy thịt xôi làm bổng lộc để họ ham mê áo mũ xênh xang, trống giong
cờ mở. Những vị thần gỗ ấy, ngoài những đấng anh quân lương tướng mà ngày nay
họ dùng làm ông ngáo ộp để trừ tà trị bệnh, bói thẻ cầu mộng, lợi dụng cái lòng
mê tín dị đoan của lũ dân khờ dại, lại còn lẫn cả thần ăn trộm, thần ăn mày,
thần chết trôi, thần gắp phân, thần loạn dâm. Hơn nữa, lại thờ cả con rắn, con
voi, con ngựa. Đấng tối linh của họ đã có cái lịch sử, cái sự nghiệp khốn nạn
như thế, thì kẻ sùng bái tất nhiên là những kẻ ngu tham, ngoan ngạnh, thằng
khôn ăn vào đấy, thằng dại khổ vì đấy. Thế mà hết đời này sang đời khác, người
ta vẫn nhẫn tâm bắt dân đeo cái xích sắt ấy mà lại muốn cho dân cường nước
thịnh thì cũng lạ thay! Trong lúc người ta theo làn sóng cạnh tranh tiến hóa,
sôi nổi khắp mọi nơi, người ta đang ganh đua tài trí để quyết đấu quyết thắng
trong trường hoạt động, tìm lấy cách sống cho xứng đáng, gây lấy cuộc đời cho
rực rỡ, lập lấy sự nghiệp cho vẻ vang thì dân quê mình hãy còn mờ mịt tối tăm,
còn ham mải tranh xôi cướp thịt, tị nhau chiếu dưới chiếu trên, kiện nhau miếng
trầu biếu, bán gia tài cơ nghiệp để chuốc lấy cái hư vinh ông hiến, ông trùm.
Không được thỏa thì hồi tâm táng chí, lấy cái chết để rửa hờn rửa nhục! Bác cựu
binh Nguyễn Văn T... muốn chết cũng thuộc trong tình trạng như trên vừa nói.
Cũng là kẻ thụ độc của họ Trần! Nhưng bác muốn chết hay dọa chết đấy? Có lẽ bác
dọa chết: vì nếu bác muốn chết thật thì thiếu gì cách chết ở trong làng: treo
cổ lên cây, đâm đầu xuống giếng, uống thuốc độc... Nhưng chẳng qua là bác tới
đây tìm cái chết để cho có nhiều người cứu sống, mong. .. tố cáo cái tội ác của
lũ đàn anh kia đã ngăn trở không cho bác cái vinh dự vào "hầu hạ nhà
thánh". Tội chúng đã nặng nề mà quan bản hạt cũng làm ngơ. Bác muốn chết
thật ư? Giá tôi được chứng kiến lúc bác gieo mình xuống dòng nước, thì tôi rất
vui lòng đợi bác chết hẳn rồi mới xuống kéo lên cho khỏi thối nước hồ!
Không những thế, tôi lại mong cho những người có tư tưởng đớn hèn như bác theo
nhau mà chết để tẩy uế cho thôn quê, giải tội cho đình miếu, trừ cái nọc độc
của họ Trần để lại! Kìa cái chết của viên thuyền trưởng khi gặp nạn ngoài khơi.
Không phải tin mình bơi giỏi, sức khỏe mà không sợ chết, nhưng cái phận sự phải
nhường cái sống cho khách đi tàu, tung phao ra, thả xuồng xuống, quên mình đi,
cứu vớt người thoát nạn, mà cam tâm đợi phút cuối cùng! Cái chết anh hùng ấy,
chốn hương thôn chẳng làm gì có, nhưng cũng có người liều thân lăn vào đám cháy
cứu lấy sinh mệnh tài sản cho người; cũng có kẻ vì phận sự hộ đê, gặp thảm họa
tới nơi cũng cam lòng cho dòng nước trôi đi; cũng có kẻ dám xông xáo trong hồi
dịch tệ, cứu chữa cho người ốm, chôn cất cho người chết mà không hề quản ngại
đến thân. Đó là cái chết vì ích chung, vì đồng loại mà chết, vì lòng nhân mà
khổ sở. Tôi nhận cái can đảm ấy, cái khí phách ấy là xứng đáng với đạo làm
người. Đáng trọng lắm, đáng kính hương sùng bái lắm! Cái chết của bác cựu binh
Nguyễn Văn T... nếu được chết thật, bất quá cũng là cái chết vô ý thức. Song dù
chết thật hay chết giả, cái tâm hồn ấy có thể nói là tâm hồn bại liệt, không
đáng sống trong đời cạnh tranh kịch liệt này. Trước cái tình trạng dân thôn
ngày nay, ta có thể quả quyết mà nói rằng còn cái tiểu triều đình giả dối ấy,
còn có kẻ hám hư vinh, cơ nghiệp còn đồi bại. Trong chốn hương thôn, gây năm bè
bảy bối chỉ vì miếng ăn, chỗ ngồi sinh ra đánh nhau, kiện nhau kẻ bị giết, kẻ
tự giết còn đầy rẫy ra đó. Thế mà bề ngoài ta vẫn trông thấy đình rộng trống
kêu, cờ điều tán tía, mũ áo xênh xang. Đó chỉ là cái lớp phủ lên trên sự thối
tha, dơ dáy, thực cũng thảm thương thay!
AN NAM LẠI SINH THÁNH
Thánh có nhiều hạng. Cái hạng thánh nhất trong các vị thánh là những ông lập ra tôn giáo. Từ nửa trên thế kỷ 20 về trước, tất cả thế giới chỉ có bốn ông thánh về hạng này. Một là ông Thích Ca Mầu Ni sáng lập ra đạo Phật, hai là ông Gia tô Cơ đốc sáng lập ra đạo Gia tô, ba là ông Mô-hãn-mặc-đức sáng lập ra đạo Hồi, bốn là cụ Khổng, thủy tổ của đạo Nho. Bốn vị đại thánh nhân đó đều đẻ ra trong giải đất Y châu. Thích Ca là người ấn Độ, Gia tô là người Do Thái, Mô-hãn-mặc-đức là người Thổ Nhĩ Kỳ, cụ Khổng là người ở Trung Hoa. Đó là một điều rất lạ. Đất cát năm châu không hẹp, cớ gì các ngài không đẻ san ra các nơi khác, lại chen nhau sinh vào một khu? ông Lương Khải Siêu, một nhà thông minh bác học ở Tàu cũng không hiểu được lẽ đó, đã phải đánh đố như vầy: Ai mà nói được cái cớ vì sao ba vị đại thánh nhân ấy (Gia tô, Thích Ca, Khổng Tử) lại cùng đẻ ở châu Y thì tôi xin cầm roi ngựa mà theo hầu. Nhưng xét ra cớ ấy cũng không có gì là khó giải. Chẳng qua vì Y châu là nơi "thổ sản giáo chủ" cũng như Sơn Tây là nơi "thổ sản rau muống", Đình Bảng là nơi "thổ sản củ mài" vậy, cho nên các ngài mới cùng tìm đến Y châu mà đẻ. Nói thế không phải là nói chày cối, tôi có nghiệm xét rõ ràng. Nếu Y châu không phải là nơi thổ sản giáo chủ thì sao lại cứ sản ra giáo chủ luôn luôn? Cho nên ngày nay của "hiếm có" ấy vẫn cứ nẩy ra ở đại lục này như thường. Cái ông giáo chủ cuối cùng là người nước ta, thánh hương ở ấp Bến Tam, tỉnh Biên Hòa, thánh húy là đức Xã Phúng, đạo của ngài là đạo Nhất tâm. Theo báo Lục tỉnh tân văn, đạo Nhất tâm xuất hiện mới 4 tháng nay, tín đồ hiện đã đông lắm. Mỗi tháng cứ đến hai ngày rằm và mùng một là kỳ giảng đạo, trong nhà thờ đèn nến sáng choang, đàn ông đàn bà "con chiên" rải nệm ngồi la liệt từ ngoài đầu sân ngồi vào. Quá luật của đạo này cũng giống quá luật của đạo Thiên chúa, ai đã theo đạo thì phải theo gọn cả nhà, không được để ở nhà mình có một người nào ngoại đạo. Lạ lùng nhất là phép chữa bệnh của đức giáo chủ. Kẻ nào có bệnh xin chữa thì ngài hoặc dùng roi mây mà quất vào đít, hoặc dùng nước lã mà đổ vào mũi, hoặc dùng bùa giấy mà thọc vào trong cuống họng, để chảy ra rãi xanh, rãi vàng. Vậy mà nhiều người cũng cứ đem bệnh đến cho ngài chữa. Nghe nói ngài đang dự định soạn một bộ kinh thánh để truyền bá cho đời, không biết nay đã xong chưa! Tiếc rằng ngài sinh khí muộn, nếu sớm được hai nghìn năm nữa... chắc đâu bây giờ ngài không là một vị cứu thế? Đi ngược trở lại, ta còn thấy nhiều đức giáo chủ khác cũng giống như giáo chủ Nhất tâm. Giáo chủ của Tam Kỳ đại đạo, giáo chủ của Bạch liên giáo, đều sản ở Y châu tất cả. Coi đó biết Y châu thật là cái ổ nở ra giáo chủ. Quý hóa thay!
VIỆC NÀY LẠI PHẢI NHỚ ĐẾN CỤ NGHÈ BÂN
Tôi rất vui vẻ và không dám cười để báo tin cho bạn đọc hay rằng: đến ngày rằm tháng Bảy An Nam sắp tới -và trăm năm về sau cũng vậy -các bạn sẽ được nghỉ một buổi chiều, nếu như các bạn là công chức, là học sinh, là thợ thuyền hay là tù phạm. Bởi vì hiệp tá đại học sĩ sung Bắc Kỳ phật giáo hội hội trưởng kiêm Hà Nội Quán Sứ tự trụ trì Nguyễn Năng Quốc đại nhân, mới xin được nửa ngày đó để làm cả ngày phục thiện, coi như công lễ của hai xứ Trung Bắc Kỳ. Các bạn chắc cũng biết qua lai lịch của ngày rằm tháng bảy? Ngày ấy, nhà Phật gọi là tiết Vu Lan Bồn. Theo kinh "Phật thuyết Vu Lan Bồn" thì gây ra tiết ấy bởi tại bà mẹ ông Mục Kiên Liên.
Bà ta lúc sống ác lắm, lúc chết phải án "giam vào ngục lửa". Giả sử nó là lửa của trần gian vẫn dùng đun nấu thì vô luận vật gì, bỏ vào một lúc, tức thì ra tro. Nhưng lửa của âm phủ chừng như không nóng, cho nên bà kia bị tống vào đó hàng mấy chục năm mà vẫn còn sống, tuy rằng bà ấy đã chết. Rồi khi ông Mục Kiên Liên theo Phật đắc đạo xuống chơi địa ngục thăm mẹ thì thấy bà cụ đói lắm, đại khái cũng đói độ như dân đói ở Bắc Ninh bây giờ. Ông ấy rất thương xót bèn hóa phép chế một nải chuối đưa cho mẹ ăn. Nhưng tội nghiệp, bà ấy vừa đưa lên miệng thì chuối bỗng hóa ra lửa mất cả. Buồn quá, ông ấy trở về hỏi Phật xem có cách gì cứu mẹ mình. Phật bảo ông ấy đúng đến ngày rằm tháng bảy, lập đàn Vu Lan Bồn, bố thí cơm cháo cho mấy vạn đại chúng thì bà ấy sẽ được siêu thoát. Đại lược sự tích ngày rằm tháng bảy là vậy. Bởi sự tích ấy hơi có tính cách ân xá, cho nên về mùa sau những người bắt chước ông Mục Kiên Liên dùng ngày ấy mà cúng tổ tiên, họ thường gọi là ngày "vong nhân xá tội".
Nhưng cũng nhiều người không chịu cúng bái vào ngày ấy. Vì họ tin rằng: tiên tổ nhà họ không làm gì nên tội, không bị giam cầm, muốn về dương gian ngày nào cũng được, chẳng riêng gì ngày rằm tháng bảy. Nói vậy kể cũng có lý, song nó trái với thuyết của Phật. Cứ như Phật nói thì cái thế giới thứ 13 là chỗ chúng ta ở này cũng như Sơn La, Lao Bảo hay Guyan, chỉ là nơi đầy ải "kẻ có tội". Đã đẻ vào đây, vô luận ai ai, đều là hạng can án tất cả. án ấy không biết ở đâu dựng lên, tội nhân trả trong lúc sống chưa hết, chết rồi còn phải trả nữa. Đương sống mà chết, Phật bảo là kiếp luân hồi tức là một chuyến tù đổi sở giam. Vậy thì, vô luận ai ai, nếu theo đạo Phật, lúc chết đều phải vào hỏa lò của vua Diêm, chỉ có ngày rằm tháng bảy là ngày đại xá, mới được tự do mà thôi. Nếu trong ngày ấy, con cháu không cúng, có khi vong nhân sẽ phải "reo đờ fanh" suốt đời. Hoặc giả vì sợ tư tưởng ấy (cái tư tưởng "phản đối" ngày rằm tháng bảy) lan rộng mãi ra, thì không khéo phong trào tuyệt thực ở nhà lao Phong đô sẽ mỗi ngày mỗi lớn, có khi đến rối cuộc trị an ở cõi âm, cho nên cụ hội trưởng của hội Phật giáo mới xin cho thiên hạ nghỉ ngày Trung nguyên để họ có thì giờ mà cúng vong nhân. Nếu không, cụ đã xin nghỉ vào ngày vía Phật. A di đà Phật! Việc này của cụ thật là "ơn tới xương khô"!
Chẳng những thế thôi, với việc này, cụ còn gỡ lại rất nhiều thể diện cho tín đồ của đạo Phật nữa. Xứ này là xứ ba cái tôn giáo trộn lẫn, tín đồ suýt soát như nhau. Vậy mà bao nhiêu ngày lễ trước đây đều là ngày kỷ niệm của đạo Gia tô, các tín đồ của đạo khác đều phải nghỉ nhờ, nghỉ "boóng". Bây giờ mới có ngày lễ chính thức của đạo Phật để bù chỗ thiệt thòi từ xưa đến giờ. Ấy là đạo Phật đã trả được nợ cho đạo Gia tô rồi vậy! Còn đạo Khổng nữa! Gà người gáy không lẽ gà nhà cứ im. Nếu không có một ngày công lễ của đạo Nho thì cụ Khổng há chẳng lép vế lắm à? Có lẽ phải nhờ đến cụ nghè Bân. Bởi vì trong các nhà Nho hiện thời, cụ là nhiều tuổi hơn hết. Lúc này làng cụ mới bị hỏa hoạn thê thảm, chắc cụ còn bận về việc chẩn tai tuất hoạn, chưa có thì giờ nghĩ đến chuyện khác. Mai mốt rảnh việc, thể nào cụ cũng xin cho nhà Nho một ngày công lễ, để cụ Khổng khỏi thẹn với cụ Thích, cụ Gia. Xin cụ nhớ xin nghỉ vào ngày xuân đinh, thu đinh vì những ngày trên có sỏ trâu, sỏ lợn.
BẮC NINH CẦU CỨU
Lật sang trang sau, các bạn sẽ thấy bức thư của mấy ông hội viên hàng tỉnh Bắc Ninh gửi lên toàn quyền, quan thống sứ và ông hội trưởng của hội Phổ tế Bắc Kỳ xin phát chẩn cho nhân dân mấy huyện của tỉnh ấy. Đọc hết bức thư ấy, có khi các bạn sẽ không cầm được nước mắt, nếu các bạn là người dễ cảm. Từ ngày dân chúng Bắc Kỳ có người thay mặt đến giờ, chưa có ông hội viên hàng tỉnh hay ông nhân dân đại biểu nào nói đến tình cảnh của dân một cách thiết tha như bức thư ấy. Đó không phải là các ông hội viên ấy đã cố viết ra lời văn cảm động. Chỉ vì cái sự thực làm tài liệu cho bức thư ấy vốn là những cảnh đau đớn vô cùng. Nếu không tiện về tận những hạt đang bị đày đọa, các bạn hãy cứ giở tờ Việt Báo tháng trước và tờ Đông Pháp gần đây, hoặc là sang đầu cầu Đuống mà coi, chúng ta sẽ thấy vô số dân đói đã cách xa sự sống nhiều lắm, tuy rằng họ vẫn chưa chết. Những kẻ ngắc ngoải muốn chết đó, phần nhiều là dân các huyện Lang Tài, Gia Bình, Thuận Thành, Quế Dương, Võ Giàng, Tiên Du và Đông Ngàn nữa. Trong mấy huyện khổ đó, nhất thì Lang Tài, Gia Bình, Thuận Thành. Đời họ chỉ sống bằng nghề làm ruộng, vậy mà hai năm bị hai trận lụt nước sông, lại kèm một trận "tiêu khô cháy đồng" ở giữa, như thế đến cỏ cũng chết đừng nói người. Ai đáng phải chịu trách nhiệm với họ trong những tai nạn thảm khốc ấy? Ngày xưa thì đổ cho trời, nhưng bây giờ... ít nhất cũng phải truy vào sở Lục lộ Bắc Ninh. Hàng năm, họ phải nuôi sở Lục lộ bao nhiêu thuế bách phân và các thuế khác, chỉ nhờ sở ấy trông nom đê điều cầu cống cho mình. Vậy mà người ta cứ để cho họ luôn luôn phải lụt, phải hạn hán, rồi phải chết đói. Kể cũng nhẫn tâm. Giả sử ở đời mà có công lý và nhân đạo, tất nhiên họ sẽ được tiền bồi thường xứng đáng với sự thiệt hại. Những việc bồi thường như thế, với chính phủ cũng không lạ gì. Bởi vì chính phủ thực hành đã quen, nhất là người Pháp, thí dụ như việc vừa rồi bồi thường một vạn đồng cho nhà thầu khoán Soyez-Lucien về sự thiệt hại trong khi làm cầu cho đường xe lửa ở Song Long Song. Nhưng họ là dân nhà quê, vạn đời không dám mong cái hân hạnh như nhà thầu khoán người Tây. Trái lại họ chỉ muốn được đi ăn xin trong khi vì sự bất lực của sở Lục lộ mà tan nát tài sản. Song sự ăn xin của họ ở tỉnh Bắc Ninh bây giờ cũng đã tuyệt vọng.
Người ta đã lấy cơ sự phát ra bệnh dịch tả mà phá cái nhà tế bần Đạt tráng để đuổi họ đi. Hơn nữa, người ta còn cắt người canh gác các đầu đường, không cho họ được lai vãng vào trong thành phố! Thì ra họ chỉ vì một cái tội "đói" mà đã bị tỉnh Bắc Ninh khép án trục xuất và cấm lưu trú. Không hiểu cái chính sách ấy là chính sách gì vậy? Dưới cái chính sách kỳ quái đó, họ bị ma đói giết chết đã nhiều, những kẻ sống sót đến bây giờ, chỉ còn cách mong vào cuộc phát chẩn của chính phủ. Cái đó, họ được quyền mong. Là vì từ khi nghe tin Bắc Kỳ có nạn vỡ đê, các nhà từ thiện quyên giúp cũng nhiều, riêng một số tiền của bên Pháp gửi cho cũng đã đến 18 vạn. Hoặc giả trước kia vì không ai kêu, chính phủ chưa kịp xét đến tình cảnh quá khổ của họ.
Bây giờ các ông hội viên Bắc Ninh đã bày tỏ một cách rõ rệt, chắc là chính phủ cũng phải cảm động. Với cái nạn dịch tả ở phủ Thường Đức tỉnh Hồ Nam bên Tàu, chính phủ còn hảo tâm giúp họ 50 vạn ống thuốc trừ tả, huống chi với dân Bắc Ninh, một tỉnh cạnh nách Hà Nội, lẽ nào chính phủ lại không đoái thương đến họ? Chúng tôi tin rằng cái đơn của mấy ông hội viên Bắc Ninh sẽ có hiệu quả. Điều nên nói là, nhân dân trong mấy huyện ấy, chịu đói, chịu khổ đã hơn hai năm, họ sống được đến ngày nay cũng là cố lắm. Nhiều kẻ chỉ chực chờ chết. Trên hai con đường Bắc Ninh
- Phả Lại và Hà Nội - Thái Nguyên luôn luôn có người chết đói nằm ở ven đường. Đó là chưa kể ở các thôn quê còn có những kẻ không đi được nữa. Chính phủ có thương đến họ thì việc phát chẩn cũng nên tìm cách giản dị, mau chóng. Nếu lại theo cái kiểu mọi ngày, tư về quan tỉnh để quan tỉnh bắt các phủ huyện kê khai số người đói khổ trong hạt, rồi mới đưa tiền đưa gạo về phát, thì có nhiều người sẽ không thể sống được đến lúc lĩnh gạo phát chẩn mà ăn.
HỌ VẪN ĂN VÀO CÁI XÁC CHẾT
Ông lý Bá làng tôi đáo để thật! Tôi xin thuật ra đây một cái "đáo để" mà ông ta đã dùng để kiếm tiền.
Một hôm trời gần tối, người tuần phu đến lượt quét chợ, hấp tấp chạy vào trình rằng ngoài chợ có bà lão ăn mày chết. Ông ta hỏi:
- Nó nằm ở gian hàng nào? - Bẩm ông, nằm ở gian hàng bà năm Ngẩn.
- Có phải gian hàng bán quà bánh phải không?
- Bẩm vâng!
- Được rồi, thế thì mày đi gọi con mẹ năm Ngẩn lại đây, bảo đã.
Anh tuần chạy đi một lát thì thấy mụ năm Ngẩn lật đật chạy theo đến. Ông lý ra vẻ ôn tồn nói:
- Chỗ bà con tôi bảo thật, ngày mai có phiên chợ, gian hàng bán quà bánh của bà lại có cái xác mụ ăn mày nằm chết tại đấy, thì ngày mai bà hãy nghỉ hàng, vì tôi còn phải trình quan khám biên đã rồi mới đem nó đi chôn được, và sau này bà có phải lên tỉnh xuống huyện khai báo về cái xác chết ấy thế nào, bà cứ liệu mà nói. Nhưng khéo ra bà cũng phí tổn ít nhiều, vì nó chết ở gian hàng của bà, nếu không khéo thì cũng rầy rà kia đấy.
Mụ Ngẩn nghe nói rụng rời, những nghe nói hàng mình có xác chết đã sợ, lại thấy nói phải lên quan thì kinh hãi biết dường nào, hàng bán đồ ăn thức uống, thuế nộp rồi, nếu cả chợ họ biết người chết ở gian hàng mình thì còn ai mua bán gì nữa. Mụ bèn năn nỉ nói:
- Chết chửa, thế thì làm thế nào? Thưa ông, nhờ ông nghĩ giùm cháu, nhờ ông châm chước đi cho.
- Châm chước thế nào? Xác chết ở hàng nhà bà, chẳng lẽ bây giờ bà bảo tôi đem về nhà tôi chăng?
- Thôi, trăm sự nhờ ông, ông nghĩ cách nào cho cháu nhờ thì cháu không dám quên ơn ông.
- Cứ về lo lấy chục quí (10p) đem lại đây thì tôi liệu cho. - Chết! Nhà cháu còn có gì nữa, vốn liếng được bao nhiêu, ông dạy thế thì cháu lo liệu làm sao cho được, lạy ông giơ cao đánh sẽ, xin ông làm phúc giúp cháu.
- Thôi thế thì chục gián (6p) là nhẹ lắm rồi, chẳng qua là cái hạn của bà, bán đường dài mua đường ngắn chỗ bà con tôi cũng đành cáng lấy cái chết cho bà vậy, nếu bà còn nói lôi thôi nữa thì tôi mặc, sau này bà phí tổn vài ba chục thì bà đừng trách tôi khoảnh độc.
Mụ Ngẩn tụt bao lưng, giốc ra một cái túi vải nâu, đổ ra đếm cả xu lẫn hào và tiền trinh được 1p30 và ba cái giấy một đồng, vừa khóc vừa nói:
- Thưa ông, cả cửa nhà cháu chỉ có thế này, xin ông làm ơn nhận giúp cho, nếu còn nữa, cháu không dám tiếc, nếu bây giờ đi vay mượn đâu, sợ lộ chuyện có đứa nó cáo giác ra thì cháu chết, thôi xin ông dón tay làm phúc.
Ông lý ngần ngại một hồi mới chịu nhận và dặn phải kín đáo. Anh tuần phu chạy theo đánh chó cho mụ Ngẩn đi ra rồi lại quanh vào đứng dựa cột chờ lệnh ông lý. Ông lý ngước mắt nhìn bác tuần phu ra vẻ đắc chí.
- Con mẹ này xưa nay vẫn có tính keo bẩn, bây giờ bóp cổ mới chịu lè lưỡi. Thầy trò ta có chén rồi đây! Bây giờ mày chịu khó một tí nhé, mày ra kéo cái xác con mẹ ăn mày đến gian bán thịt của thằng Khướu, rồi mày lại gọi nó đến đây cho tao, ông cho thằng này một vố nữa đã!
Anh tuần phu dạ một tiếng dài, một tiếng dạ có hơi kim khí! Lanh lẹ ra đi một lát đã thấy bác Khướu, rượu say bí tỉ, miệng bỏm bẻm nhai trầu tiến vào, tưởng là cụ Bá có lợn muốn bán. Sau tiếng chào của bác Khướu, cụ Bá hất hàm hỏi:
- Mai anh mổ mấy lợn?
- Bẩm cụ, mai vừa tết Đoan ngọ lại chính phiên chợ, cháu mổ cả thảy ba lợn, lại lấy thêm thịt bò về bán kèm nữa, trong cụ có lấy gì xơi không?
Cụ Bá cau mày:
- Thế thì lỡ việc của anh rồi, tuần nó vừa vào trình tôi rằng tại gian hàng của anh có người ăn mày chết về bệnh tả, anh thử ra xem có thực thế không, nhưng đừng làm huyên náo mà mất cả buôn lẫn bán đấy.
Câu nói của cụ Bá chẳng khác gì tiếng sét đánh vào tai bác Khướu, mắt tròn lên, miệng há hốc ra, hơi men như ngừng bốc, những giọt mồ hôi trên trán toát ra. Giữa tình trạng ấy, cụ Bá cứ làm thinh lơ đãng như không để ý.
- Chết! Lợn, cháu đã lấy về lò sát sinh rồi, thịt bò, cháu đã đặt tiền rồi, làm thế nào hở cụ?
- Làm thế nào, anh hãy nghỉ hàng, mai tôi còn trình quan khất khám, còn tẩy uế đã, rồi trước mặt quan, cửa hàng của anh có xác chết, anh muốn khai thế nào thì khai, tôi biết đâu.
Anh tuần đứng ngoài hớt vào:
- Thôi, bác nói với cụ, nhờ cụ che chở châm chước đi cho, buôn bán còn lâu dài, nếu để đến ngày mai, cả chợ họ biết gian hàng của bác có người chết dịch tả thì bác bán thịt cho ma nó ăn.
- Vâng, bác ấy nói chính phải, cháu cũng nghĩ thế, thôi xin cụ làm ơn giúp nhà cháu, hay là cụ để cho cháu ra vác nó đi chôn quách một chỗ là xong, ai biết đâu.
- Anh nói đã dễ chưa, mạng người có họa là cái bánh hỏi, lỡ gặp phải anh nào nó biết thì anh mất nghiệp. Ừ, anh muốn thế, tôi thây kệ anh, anh có giỏi thì thử ra vác đi tôi xem nào.
Bác lái lợn xem ra đã chợn, đứng đực mặt, chẳng biết nói sao. Cụ lý ôn tồn bảo:
- Này tôi bảo, muốn xuôi việc thì cứ "con công", "con công" tớ giúp cho yên ổn, ngày mai lại buôn bán như thường, nếu không thì tùy ý, muốn làm thế nào thì làm.
Bác lái được lời cụ lý truyền cho, nhẹ mình như cất gánh nặng, đành nhắm mắt, nặn hầu bao lấy đủ năm đồng, đặt vào cái đĩa, rồi gãi đầu xin cụ thu xếp đỡ cho.
- Thôi được, cứ về, nhưng phải câm nhé, nếu có đứa nào nó biết thì tôi không thể nào che chở được mà anh thì tiền mất tật mang đấy, thôi anh tuần đánh chó cho anh ấy về.
Bác Khướu về khỏi, cụ Bá tính gộp lại hai món được 9,30. Anh tuần còn nhắc:
- Bẩm cụ, con lại lôi sang gian hàng khác, cụ nhé!
Cụ Bá tủm tỉm lườm anh ta một cái rồi chửi yêu: - Lôi mẹ mày đi đâu mà lắm thế! Ăn lắm không sợ hóc à? Này đây ông cho bữa chén.
Miệng nói tay vứt cho anh tuần 1p30 và dặn: - Bây giờ một mình mày làm thế nào tha con mẹ ấy ra quán Trúc mà để, đấy là địa phận làng Yên Xá rồi.
Sáng hôm sau, nghe ngóng mới biết lý dịch Yên Xá đã kéo xác mụ ăn mày xuống bờ Trầm mây, địa phận làng Lôi! Đấy, một cái xác chết của kẻ khốn cùng, họ nỡ nhẫn tâm như thế. Nếu hỏi họ tại sao làm điều vô đạo ấy thì họ thản nhiên mà đáp: Pháp luật bây giờ lắm khi vì làm phúc mà phải tội là thường.
NGƯỜI CÓ DANH VỌNG TRONG LÀNG
Tôi về thăm quê một người bạn cũ. Sau những câu chuyện hàn huyên, tôi bèn hỏi:
- Ở dân ta thì ai là bậc danh vọng nhất trong làng? Bạn tôi mỉm cười mà hỏi lại:
- Bác hỏi người có đức độ hay người có thế lực? Nếu người có đức độ thì làng tôi hiếm lắm, nhưng hạng người có thế lực không ai bằng ông lý bá Khánh. Ông tục danh là thằng Bòi, con một nhà giàu nhất làng. Từ lên một tới lên bảy thì ông vào hàng con cưng, cha mẹ sợ ông yếu, nên không dám cho đi học. Năm lên tám tuổi, ông đã vớ một cô vợ kếch xù, con gái họ Đào, người rất đảm đang, xinh xắn, tuổi mười bảy, trước đã hứa gả cho con trai họ Tạ, tuy con nhà nền nếp thi thư, nhưng phải tội nghèo, nhà ông Khánh chỉ dẫn hơn hai trăm bạc mà đắc thắng một cách dễ dàng. Năm 16 tuổi, ông đã có con rồi từ đấy vợ cứ sinh năm một cho tới chẵn hai cỗ bốn trai bốn gái. Tuy không biết chữ, nhưng sinh vào con nhà giàu, theo thói đặt lãi cho vay, ông rất thông thạo những văn tự cầm, văn tự đợ, gốc lãi tính phân minh không nhầm lẫn. Trong làng cũng nhiều kẻ khinh ông vô học, năm 20 tuổi, ông tức khí bỏ tiền ra mua cái khóa sinh, chẳng phải ôn nhuần học tập, cứ ngồi nhà đợi giấy sức lĩnh bằng, khao một bữa lên ngay ông khóa, vọng tư văn sánh với bọn văn thân.
Được bên thân, chẳng chịu kém bên hào, năm 25 tuổi, thấy miếng lý trưởng ngon lành, ông vứt mấy trăm mua cho bằng được, chẳng lên phủ xuống huyện, chẳng lạy quan van dân, nhưng chức lý trưởng chẳng ai dám cãi. Ông vọng đủ các ngôi các món, những năm ông chịu đăng cai chứa đám, thì danh tiếng lừng lẫy khắp vùng. Năm 29 tuổi, nhân cuộc âu chiến, nhà nước cần tiền, ông vứt ngót nghìn bạc ra quyên, được thưởng ngay bá hộ, những Bên thân bên hào: bên văn thân bao gồm những người có học và bên hào bao gồm bọn tổng lý. ngày rước sắc cùng mấy ngày khao của ông, phí tổn mấy nghìn đồng, trâu bò lợn gà chết về tay ông như chết dịch. Năm ông 39 tuổi, làng có tiệc khánh thành đình, ông viện thế quan tỉnh quan huyện về làng quyết tranh cho được chức mạnh bái với ông kép Viên.
Liền sang năm ông 40 tuổi, ông khao ngôi trùm cả để nhòm ngôi tiên chỉ, phí tổn cũng chẳng phải vừa. Năm ông 48 tuổi, làng khuyết chân thứ chỉ, ông lại ra tranh, mỗi lần ông tranh là mỗi lần ông thắng, mỗi lần ông thắng là mỗi lần ruộng đất của ông phải đổi chủ sang tên cho người khác. Hiện nay ông định vượt lên ngôi tiên chỉ, cho nên ông cố cầu thân với quan trên quan dưới, để hòng cái chương mỹ bội tinh, thì cái hàn lâm ông nắm chắc, cái thủ lợn béo phính của làng, ông cụ Kép tất có ngày phải rời ra. Đấy cái lý lịch của một người có danh vọng trong làng tôi rực rỡ vẻ vang là thế. Ông hết sức báo hiếu cha mẹ trong những ngày ma chay giỗ tết, ông hết lòng sùng phụng đức thượng thần trong những ngày đản, ngày hội, ông hết sức kính trọng dân làng bằng những tiệc khao tiệc vọng, ông hết sức theo đuổi công danh một cách hăng hái, dù bán gia tài mua lấy danh phận ông cũng chẳng từ, ông hết lòng mến phục các quan trên, từ ngày giỗ mọn cho chí ngày tết to, trong các quan trên tỉnh dưới huyện, không bao giờ vắng được mặt ông, mà những đồ lễ của ông đưa đến bao giờ cũng được hơn người, ai cũng phải khen là một người lịch sự, phúc hậu, không cái kiện nào là cái kiện ông chịu thua ai, dù ông trái mười mươi cũng vậy. Bước công danh của ông thoăn thoắt tựa bậc thang, không bao giờ vấp vảy, từ ông khóa mãi (khóa sinh mua) tới ông lý quyên (quyên tiền cho làng mà được) rồi tới ông bá quốc (quốc trái), rồi đến chức Hàn lâm ông đương cày cục thực dễ dàng, đó là nhờ ở sức đồng tiền mồ hôi nước mắt của người trong dân, nhân lúc cha mẹ lâm chung hay buổi sưu thuế cập kỳ, ông lèn một vốn bốn lời cho đẫy túi.
Bạn tôi kể xong, rồi chép miệng mà rằng:
- Trong lúc nhá nhem này, dân làm sao thì nước làm vậy, những kẻ mà ta thấy họ tâng bốc nhau là thượng lưu trong nước hiện nay thì thiếu chi những kẻ có cái dĩ vãng xấu xa đê tiện, họ làm mặt cao sang, huênh hoang yêu nước thương nòi, lại có kẻ tung tiền ra mua chuộc lấy những tiếng hư vinh, gây thế lực để mong lũng đoạn những kẻ bần cùng khốn khó, thế mà họ không biết thẹn với lương tâm, dơ với thực giả, thực cũng đáng buồn thay.
BÁO TÂN VIỆT NAM VÀ VỢ CHU MÃI THẦN
Bạn đọc chắc không ai lạ gì anh Chu Mãi Thần. Hắn là người đời nhà Hán bên Tàu, một tay có tài mà vẫn nghèo xác, nghèo xơ, ngày ngày phải trông vào nghề kiếm củi mà sống. Thế nhưng, hắn vẫn tin rằng mình vẫn có ngày phú quý. Những khi vai đèo gánh củi, hắn thường vừa đi vừa hát, ra bộ rất ung dung. Vợ hắn không chịu nổi cảnh cùng quẫn của gia đình, một hôm phát cáu hỏi chồng. Cái ngày phú quý của anh sẽ là ngày nào? Hắn bảo mười hai năm nữa. Bấy giờ hắn năm mươi tuổi rồi, đợi đến mười hai năm nữa mới được phú quý thì phỏng còn gì là đời. Nghĩ vậy, chị ta bèn xin lá dị đi lấy người khác.
Thế rồi, mười hai năm sau hắn được vua Hán cho làm tể tướng. Chị vợ nghe tin lại bỏ chồng mới trở về thăm hắn và xin đoàn tụ như xưa. Hắn liền đưa cho chị ta bát nước, bảo hắt xuống đất rồi lại hót lên, nếu còn nguyên như trước, thì hắn sẽ lại cho về làm vợ. Ấy là chuyện vợ Chu Mãi Thần đại khái là thế. Cái đời Tân Việt Nam cũng giống như vậy. Một ông đã thoái ngũ ở hội Thanh niên đồng chí, một ông bị trục xuất ở cuộc vận động Đông Dương Đại hội và một ông nữa... khó nói lắm, xin thôi không nói, với những quá khứ quý hóa ấy, không cần nói đến lịch sử người ta cũng đủ trông thấy bộ óc "xã hội" của họ là thế nào rồi! Huống chi mỗi ông lại có một thiên lịch sử rất đẹp, nhiều người biết rõ, trừ ra chi nhánh của đảng xã hội SFIO... Ấy thế mà không ai bảo ai, cả ba ông ấy lần lượt đều xin vào đảng xã hội. Cố nhiên họ không thèm biết chủ nghĩa xã hội là tai ếch hay là đầu cua. Mục đích vào đảng của họ, chỉ cốt mượn tiếng đảng ấy làm thang để trèo lên ghế nghị viện, trong kỳ sắp tới. Chi nhánh của đảng xã hội SFIO ở đây chỉ cần đông người, không cần giữ danh dự của đảng, cho nên người ta cứ nhận bừa họ làm đảng viên. Phường trò ra hề còn phải bôi mượt một lượt nhọ vào mặt, chứ họ đóng vai đảng viên xã hội, không hề dính tí "sơn" nào của quốc tế thứ hai, từ ngoài mặt cho đến trong óc. Thế nhưng, trót đã đeo cái nhãn hiệu xã hội, tất nhiên họ phải theo đuôi quần chúng để hòng lường gạt quần chúng. Bởi vậy trên báo Tân Việt Nam, họ phải luôn luôn bưng miệng không cười mà hô những tiếng "Anh em thợ thuyền", "chị em lao động". Họ chỉ "anh em" "chị em" ở trên mặt báo, nghĩa là anh em chị em với 4 đồng xu mua một số báo mà thôi. Thật thế, nếu ai mà bắt gặp họ gọi người cùng dân là anh là chị hay là em khi đứng trước mặt những người ấy, thì tôi xin đi đằng đầu.
Họ tưởng chỉ hô "anh em", "chị em" sẽ có thể bịp được quần chúng tức thì. Chẳng ngờ quần chúng xứ này bây giờ khôn lắm, họ hô mặc họ, không ai thèm thưa. Bởi thế họ đã dỗi với chủ nghĩa xã hội mà quay ra quảng cáo cho đế quốc Nhật. Cái cảm tình của họ đối với quần chúng khi ấy thật chẳng khác gì cảm tình của vợ Chu Mãi Thần đối với chồng khi thấy chồng nghèo mà xin đi lấy người khác. Giả sử đế quốc Nhật nuôi sống được họ thì họ đã đặt quần chúng xuống dưới gót chân từ lâu rồi. Chỉ vì bợ đỡ đế quốc Nhật cũng chẳng được ăn là bao, cực chẳng đã họ lại quay vào mặt thợ thuyền lao động mà hô anh em, chị em. Lần này, quần chúng không những không thưa, lại cho họ biết một bài học. Bài học ấy họ nhận thấy khi đón từng ôm báo của nhà dây thép hàng ngày đưa lại và khi xem sổ kết toán hàng tháng của các đại lý bán báo. Những bài học đáng "tỉnh người ra". Vì thế, hồi này họ hô "anh em", "chị em" càng riết để hòng cố lừa quần chúng cho được. Thấy cái cảnh "có hô mà không có ứng" của họ thật cũng đáng thương. Nhưng bát nước đã hắt xuống đất, hót lại sao được? Vợ Chu Mãi Thần ngày xưa, chỉ có thế mà xấu hổ đến phải tự tử.
HỌ LẠI KIẾM ĂN VÀO NẮM XƯƠNG KHÔ
Chúng tôi tưởng các nhà đương sự cũng nên vì dân quê mà trừ khử lũ thầy địa kia, vì chính họ là những kẻ lường gạt. Hồi này vì kinh tế khó khăn, ở các thôn quê lại đẻ ra rất nhiều thầy địa. Bọn đó là một hạng người vô nghệ nghiệp, họ chỉ có một cái la kinh làm vốn để lân la hết làng này đến làng khác, hết nhà này đến nhà kia, mục đích cốt kiếm vài bữa cơm, hoặc năm ba đồng bạc. Điều đó tuy là tội của phường bất lương, nguyên nhân cũng vì sự mê tín của dân quê mà ra. Xưa nay dân quê rất tin phong thủy, tín ngưỡng quỷ thần, phụng sự tổ tiên đều có hàm một cái tính cách ỷ lại vào sức mầu nhiệm vô hình của khoa phong thủy mà cầu lợi. Họ yên trí rằng cái số phận dân làng may rủi hay hèn, đều theo ở hướng đình, con cháu cường thịnh hay suy vong, đều trông vào ngôi mộ tổ. Chỗ đình chùa trong dân thôn còn bị chi nọ chi kia ràng buộc, không mỗi chốc di đi dịch lại được, chứ như trong một nhà, thì nắm xương kẻ chết bị họ đào lên chôn xuống luôn luôn - hòng nhờ sự kết phát để cầu đinh tài, quyền chức.
Người ta bảo họ dùng nắm xương cha mẹ để làm mồi cầu phú quí, thực không oan. Một việc vô lý và vô đạo như vậy, không hiểu vì sao vẫn có người tin? Bảo rằng cuộc thành bại hưng vong trong sự nghiệp và thân thế con người ta là do sự chủ trương của đấng cao xanh mà khoa phong thủy, dùng âm phần dương trạch của người ta làm cái "cầu chì" để thành toán cho sự chủ trương của trời đất, thì người ta một khi đã gặp được thầy phong thủy để cho ngôi đất, cắm cho ngôi nhà, rồi cứ nghiễm nhiên tọa hưởng kỳ thành, không học mà hay, không làm mà có hay sao?
Nếu nhận rằng phong thủy là một khoa học do cái văn minh xán lạn của Trung Hoa cấu tạo nên, lấy thiên cơ địa đạo hộ vệ cho nhân sinh, sự mầu nhiệm có quan hệ tới sự cùng thông đắc táng một cách rõ rệt, thì sao hiện nay dân quốc Trung Hoa lại hạ lệnh trừ khử một cách cương quyết những kẻ làm nghề phong thủy? Hẳn là họ cũng đã xét cái khoa học ấy, một là nhất truyền, hai là vô hiệu, nếu còn để mãi thì chỉ gây ra cái họa quần manh dẫn quần manh vào con đường mê tín và ỉ lại là hai cái trở lực cho cơ tiến hóa, cho nên họ phải cấm đi. Có người nói rằng di hài cha mẹ là bảo vật của người con chí hiếu, kẻ hiếu dưỡng cha mẹ lúc sinh tiền thì ăn tất dâng cơm dẻo canh ngọt, ngồi tất đặt giường cao chiếu sạch, thì khi tử hậu tất cũng phải tìm chỗ đất lành, phong cảnh đẹp đẽ để an táng mới yên lòng. Nếu chỉ một ý nghĩ trọng hậu ấy thì hà tất phải dùng thầy phong thủy, moi móc nắm xương tàn, tha hết đồng này xứ khác. Xét về môn học phong thủy mà được thịnh hành ở xứ ta, hoàn toàn nhờ sự cổ động của sách vở đời xưa còn lại. Chẳng những người ta tán dương nó bằng sách địa lý mà còn ca tụng nó bằng sách truyện ký nữa. Sách Công dư tiệp ký chép những lương tướng hiền thần, lập nên sự nghiệp lẫy lừng, không chuyện nào không nói đến việc phong thủy. Ông nọ được về ngôi mả hổ táng, ông kia được ngôi mả thiên táng; vua Đinh Tiên Hoàng là con rái cá, bố ông trạng Mạc Đĩnh Chi là con con khỉ độc, bịa đặt toàn những chuyện hoang đường. Sau pho sách ấy là quyển Nam hải dị nhân của ông Phan Kế Bích biên dịch cũng một tính cách như thế. Thế mà ngày nay được Nha học chính công nhận là hạng sách giáo khoa. Quyển sách ấy chẳng biết tốt cho lũ trò non về phương diện nào, nhưng về phương diện phong thủy thì hẳn lũ trò non sẽ truyền thụ được cái thói ỉ lại di truyền, và họ sẽ in sâu vào bộ óc non nớt ấy rằng, tuy sống ở đời khoa học thực tế này, riêng con dân Nam Việt còn phải nhờ hòn đất mới được vinh thân phì gia, nhờ hòn đất mới được phấn vua lộc nước, tài năng học thức chỉ là món phụ thuộc mà thôi. Nếu như thế thì những kẻ làm con trong thời buổi khó khăn, gặp cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại đèo bòng cha già mẹ yếu, vợ mọn con thơ, hẳn cũng có khi thoáng một ý nghĩ mơ hồ rằng: sao hai đống thịt yếu hèn kém cỏi kia, sống đã vô dụng thì chẳng chết quách đi cho mình tìm nơi đất kết mà chôn để ta được giàu có sang trọng như người, còn bắt mình nuôi "báo cô" mãi tới bao giờ? Tóm lại, cái nghề phong thủy nó đã làm hại dân ta đủ các phương diện, nhất là hồi này, vì kẻ vô nghệ nghiệp đều xoay ra làm nghề ấy lại càng tai hại hơn. Chúng tôi tưởng các nhà đương sự cũng nên vì dân quê mà trừ khử lũ thầy địa kia, vì họ chính là những kẻ lường gạt.
TRỪ NẠN CHO VAY NẶNG LÃI, LẠI NẢY RA NẠN BÁN RẺ
Muốn trừ nạn cho vay nặng lãi, chính phủ định ra các điều kiện nghiêm ngặt để hạn chế các chủ nợ. Các chủ nợ ngày nay không dùng tiền để đặt lãi được, xoay ra mua rẻ sản nghiệp của kẻ cần tiền, thì lại càng nguy khốn hơn nữa. Trước kia, số tiền lãi 5 phân hay 10 phân, còn có hạn, con nhà công nợ tuy phải nhắm mắt mà vay, nhưng còn há vọng có món nọ đập món kia, hoặc tới hạn dù không trả được gốc thì cố lo lấy tiền lãi, khất lại để giữ lấy ruộng đất mà làm ăn. Cùng ra, không trả được, chủ nợ muốn tịch biên gia sản, còn phải trước bạ văn tự, thưa tòa án, xin bán đấu giá, còn bị nhiều khoản phí tổn. Nay họ viện lẽ nhà nước cấm cho vay, không chịu cho người cần tiền cầm ruộng đất, phải bắt viết văn tự bán đứt, hạn chuộc lại, chỉ ước hẹn với nhau bằng miệng mà thôi; đã thế, quá mười đồng thì chỉ bán được hai ba thôi và tính gốc lãi tới ngày giao hẹn viết bằng văn tự. Tới hạn, không trả được thì văn tự ấy chỉ cần trước bạ sang tên thôi.
Kỳ trả nợ của dân quê tức là sau vụ gặt bán thóc để chuộc ruộng thì lại bị kẻ trung gian, kẻ đầu cơ bắt chẹt lần nữa! Ruộng đất đã bán rồi, chẳng lẽ ngồi không nhịn đói, vì dân quê, ngoài việc cày cuốc ra chẳng còn nghề nghiệp gì làm kế sinh nhai cả, bất đắc dĩ lại phải đem đầu tới chủ ruộng xin làm giấy lĩnh canh, vì chỉ có những kẻ lĩnh canh mới có há vọng vay mượn khi túng bấn. Mùa mất, chiêm hỏng, mặc mình chủ ruộng cứ chiếu số thóc ghi trong giấy bắt phải nộp. Nếu số thóc còn thiếu ít nhiều thì chủ ruộng, tuy lại cho chịu, nhưng bắt phải giấy nhận lĩnh số thóc ấy làm lương ăn mà chủ ruộng cấp cho, chờ vụ lúa sau sẽ nộp trả, nếu không có trả thì xin chịu tội lừa đảo. Vụ lúa sau, cố nhiên cũng không trả được, vì số lương ăn viết nhận trong giấy chỉ là nợ, muốn có ăn, tất phải vay nữa. Muốn tránh cái tội lừa đảo chủ ruộng bắt làm giấy gán người, người đàn ông mạnh khỏe cày bừa được thì mười hai đồng một năm, người đàn bà cấy hái được thì tám đồng, trẻ con từ 15 tuổi trở lên 4 đồng, ở làm trừ khi hết nợ, trái chủ xé văn tự cho về; bỏ trốn đi, thì cái tội lừa đảo kia còn ở trong tay chủ nợ. Cái sản nghiệp của người dân quê đã mỏng manh, cho nên từ anh hữu sản đến anh vô sản, từ anh vô sản tới anh can án, từ anh can án tới anh trộm cướp, những cái "giai cấp" không cách xa nhau mấy nỗi.
CÔ TÂY HOẺN
Gặp phải cảnh mẹ chồng cay nghiệt, cô Hoẻn cắp áo trốn nhà ra đi, đoạn tuyệt với anh chồng lưng đen, khố bện, từ giã cái cảnh cà chua mắm mặn, với cái đời chân lấm tay bùn. Cô đi đâu? Bẵng đi sáu bảy tháng trời, biệt vô âm tín khiến cho hai họ xảy nhiều điều xếch mếch. Bỗng một hôm, lũ trẻ chăn trâu tới tấp chạy về làng, hoảng hốt báo:
"Có tây về làng ta!" Các tướng nấu rượu lậu nhớn nhác xô nhau cất dọn giấu giếm, cả cái lão trùm Đẩu đương du dương say tỉnh với mấy phân thuốc phiện ngang cũng vội nhỏm dậy lẻn ra đầu nhà vứt cái hến thuốc xuống ao! Tây càng đi gần tới, lũ trẻ càng xô nhau chạy, mọi người đứng trong bụi hàng, hay nấp trong cổng nhìn ra:
Một anh tây lính mũi lõ râu xồm, mình cao, bụng phệ, dắt chiếc xe đạp đi bên cạnh một người đàn bà phấn son sặc sỡ, quần áo lam, giày cao gót, chiếc ô xanh biếc, chiếu xuống bộ mặt phấn bị mồ hôi loang lổ, bộ răng trắng nhom nhem khấp khểnh như rã rụa với bộ môi cong mỗi khi cười nói. Bộ răng ấy, bộ môi ấy đã làm cho dân làng nhận được là cô Hoẻn, con ông đĩ Hoét! Đi sau là một mụ vú già khệ nệ vác chiếc va li to kệch. Lũ trẻ quê ngờ nghệch chắp hai tay lên cổ, hấp háy trông theo, các "chủ lò rượu" yên tâm, chỉ lão trùm Đầu tha thiết tiếc mấy phân thuốc phiện, giậm chân, đạp cẳng, lẩm bẩm chửi bâng quơ cho hả giận rồi vào! Một bữa cơm thết chàng rể mà cảnh nôn nao rộn rịp như trong làng có loạn, nào xua gà, đuổi cá, chuốc từ nải chuối, kén từ mớ rạ, vất vả nhất là ông anh đi lùng mua rượu, bánh. Trong khi ấy thì cô tây Hoẻn dắt đức lang quân đi khắp đình chùa miếu mạo. Ông đĩ Hoét cũng áo the khăn lượt dẫn theo sau, giảng giải từ bệ tế thần nông tới văn chỉ tế thánh Khổng, mở rộng cửa đình cho con rể xem chỗ phụng tự, chỗ ăn ngồi. Sau những tiếng rụt rè nhỏ nhẹ của ông đĩ Hoét, cô Hoẻn lại cong môi chĩa răng ra thông ngôn lại bằng một chuỗi tiếng bồi, lũ trẻ chạy theo xem cũng học lỏm được mấy chữ "lúy phe", "lúy điếc".
Bác lính tẩy lúc bấy giờ trông hiền lành ngoan ngoãn tệ! Chẳng thế mà mỗi lần đi ra xa một tý, cô Hoẻn gầm lên một tiếng "sê ghi" mà chậm lại, là cô nhả tiếng ta chửi thống cho một hồi, chỉ thấy anh Tây há hốc mồm ra cười, chứ không hằm hằm độc dữ như mấy anh tây đoan về bắt rượu mọi ngày. Cô Hoẻn càng thấy dân làng đổ ra xem, lại càng trổ tiếng tây dữ! Vừa nói vừa khua tay mua chân cười nói tự nhiên, nhưng cũng nhiều người chê là lố bịch! Chiếc va li trong đựng những gì? Đó là những khí cụ văn minh của tây đủ cải hóa cả một gia đình ông đĩ Hoét! Này thì đây: Của quý mà con gái và con rể đem lại cho ông: một cái kê pi, một cái cát két, hai thứ tiện dụng cho cha và anh lúc cày bừa, dùng nó che nắng mà không bị gió lật như đội nón, bốn chiếc bành tô vàng đã cũ, hai cái sơ mi đàn ông, ba cái cóc sê viền đăng ten, trông cũng hay hay, bà đĩ Hoét tính không hay đỏm dáng, chỉ dấn vài nước nâu là được một cái vừa làm áo vừa làm yếm, tiện biết bao! Này lại hai đôi giày, một đôi bằng da dưới có đinh lởm chởm, đôi này ông đĩ sẽ dùng khi có đám thứ việc làm, còn đôi băng túp thì để cho ông anh khi đi tuần có cái dùng cho đỡ xéo phải gai. Đến cái khăn bông tắm kích nô, tuy còn lành nhưng hân ố nhiều chỗ. Ông đĩ Hoét bảo:
Cái này nhấn vài nước vỏ xó để mùa rét làm khăn bịt đầu thì ấm chán! Một cuộn tranh trong có đủ cả ảnh mấy tướng Foch, lòe loẹt, những mẫu áo tây gọn ghẽ của hàng thợ may, cô Hoẻn mắt trông, tay chỉ cho cả nhà xem những cái hay cái lạ trong quyển cát ta lô nào cái cối xay hạt tiêu, cái cối xay cà phê, cái cối vắt nước chanh, cái cùi dìa, cái phóng sét.
Ai cũng nắc nỏm khen cô thông minh sáng láng, giá không đi ra ngoài, thì đời nào biết được như thế! Cô lại quá cao hứng bắt ông bố đặt tên hai con chó. Một con đặt tên là con phốc để thay tên con cộc, một con đặt tên là ki ki để thay tên là cái! Vì cô rất ghét gọi chó mà lại cứ rống lên êu-êu, cộc-cộc! Cô bắt dọn riêng cho cô một cái chái nhà để cô đem bộ giường về kê, phòng khi đi về có chỗ nằm, hoặc khi chồng đi "man nơp" hay đi "câu lơn" thì cô về ở cho vui. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang, vợ chồng cô sắp từ biệt ra đi, ông đĩ Hoét còn giữ lại việc trả của cho người chồng cũ. Cô trợn mắt nói:
"Thây mẹ chúng nó, tôi lấy tây thì tôi tức là đầm rồi, đứa nào vô phúc thì động đến lông chân tôi mà chơi, thầy đừng lo! Việc làm ăn cứ chăm chỉ rồi có muốn tậu ruộng tậu vườn, nếu trong làng ai bán thì thầy cứ ra bảo tôi. Thằng này tuy khá, nhưng nó sắp phải về tây, chẳng bòn cũng thiệt".
- Thế "anh nó" không sang nữa ư? Rồi làm thế nào? - Không sang thì thôi, lấy thằng khác, cần gì! Trong khi nói chuyện anh tây lúi húi sửa cái xích xe đạp, cô Hoẻn cầm cái ô tần mần xỉa xuống đất thành những lỗ con, rồi ngước mắt nói:
- Rồi tôi sẽ dắt díu cho lũ trẻ làng ta ra ngoài ấy, dạy dỗ cho tiếng tây thông thạo, phấn son vào, ăn mặc vào rồi mối manh cho khéo, bùa thuốc cho linh, thay quyền cha mẹ chúng nó mà gả bán cho tây thì phải biết là khá!... Tội gì mà cứ bắt chúng nó chăn trâu cắt cỏ ở chốn quê mùa này, khổ bỏ mẹ đi ấy.
Tiếng chuông xe đạp bấm kính coong, báo hiệu giục đi, cô Hoẻn nhoẻn mép nghiêng mình chào bố mẹ, bác lính tây ngả mũ, chìa tay ra bắt tay ông đĩ Hoét mà bảo:
“Ông già bố cu tốt" kèm theo một tiếng cười ròn rã gửi lại cái nhà tranh. Lũ trẻ chạy theo một cách bạo dạn hơn!
Nguồn: truyenviet.com