12/12/12

Tuyển tập truyện ngắn của Ngô Tất Tố (C1-10)

KIỂU ĐẤT Ở PHỐ HÀNG TRỐNG

Thấy cái đầu đề này, không khéo có người đem cáng đến đón mình đi làm đất. Xin chớ, vì khoa học Tả Ao mình thật dốt đặc, cái kiểu đất Hàng Trống mình nói đây chỉ là do ý tưởng tượng mà đoán ra, chẳng có căn cứ vào sách nào cả. Tuy không dựa vào sách, nhưng quyết là đúng. Ai không tin thử diễu một vòng qua phố Hàng Trống mà ngắm xem. Cái ngôi đền ở giữa phố choèn choèn bằng cái quán bán nước, thè lè ra mép đường đi, chẳng biết là thờ vị thần chi mà coi bộ sầm uất hết sức. Một năm 360 đêm, đêm nào cũng như đêm nào, khói hương nghi ngút, đèn nến bập bùng, đàn bà con gái đến lễ đông như nêm cối; có khi lễ trên hè không hết, lễ xuống cả dưới vệ đường, làm cho mình nhiều lúc đi qua trông thấy mà sợ thay, -vì nếu có hai chiếc tô tô gặp nhau ở đó, thì không khéo có kẻ mất mạng. Lạ nhất là bất kỳ bà nào, cô nào, hễ đã bước đến cửa đền, thôi thì đầu ai đầu nấy, gật lấy gật để, trông như mấy chục cái chày giã gạo cùng một lúc. Coi cho kỹ thì những người đến lễ đây, phần nhiều là những ả má phấn môi son, nếu không trông thấy ba chữ "Nghiễn thiên muội" ở trên cửa đền, ai cũng phải đồ là đền thờ vị thần mày trắng. Trước kia mình vẫn tưởng vì đền này thần thiêng cho nên đông khách lễ bái, đến nay xét ra, mới biết sự đông khách đó không tại thần thiêng chỉ tại "được đất". Bởi vì ở đó có phải chỉ có một mình cửa đền ấy mà thôi đâu, hai bên tả hữu còn có hai cái "xăm" nữa, nghe nói cả hai đều được "đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu" tất cả -theo câu tục ngữ: "tốt đất, cò đậu", thì có lẽ phố Hàng Trống là chỗ đất tốt, cho nên một đền hai "xăm" đều phát phúc như thế, không biết mạch đất từ ngôi đền chạy sang hai ngôi "xăm", hay là từ hai ngôi "xăm" chạy về ngôi đền? "Xăm" ở thành phố thì là sự bất thường không lạ, duá có ngôi đền quái gở ấy mà lại lù lù mọc ở Hà thành thì thật chướng mắt. Nếu có người Anh hay người Nhật qua đó, bụng họ tất phải hỏi thầm:
"Làm sao ở chỗ đô hội lớn của một xứ thuộc địa nước văn minh mà lại có chỗ kỳ khôi như vậy?" Nào các ông nghị viên thành phố ở đâu? Mọi ngày các ông hay soi xét những ngõ dơ phố bẩn mà xin sửa sang kia mà, cái ngôi đền Hàng Trống này đối với con mắt người ngoại quốc chẳng qua như đống rác ở giữa phố vậy. Các ông mần thinh sao đành?

MƯỜI NĂM NỮA BÁO CHÍ BẮC KỲ SẼ CỔ ĐỘNG ĐẾN "THÒ LÒ" "QUAY ĐẤT"

Đó là lời một người tiên tri mới nói với mình hôm chủ nhật vì được biết mình là người làng báo. Sau khi nghe hết câu ấy thì mình lấy làm sửng sốt, căm giận mà hỏi lại:
- Ông rủa làng báo chúng tôi hay sao? Báo chí chết rét nào mà lại cổ động những trò mọi rợ ấy?
- Tôi đâu dám rủa các ngài.
- Nhà tiên tri trả lời một cách điềm nhiên và tiếp:
- Các ngài là những người "hướng đạo"(!) cho quốc dân chúng tôi kia mà. Tôi đâu dám rủa các ngài. Tôi bảo mười năm nữa báo chí Bắc Kỳ sẽ cổ động "thò lò quay đất" đấy là theo quá khứ và hiện tại mà đoán định tương lai, cái luật tiến hóa phải như vậy.
- ??? Có lẽ là "bình thường"
- Ngài ở làng báo, chắc là ngài nhớ hơn chúng tôi. Về quá khứ, cách đây chừng hơn mười năm, một cuốn tạp chí hết sức cổ động chúng tôi học Truyện Kiều nhờ đó quốc dân chúng tôi mới biết bộ Tiểu sử của Hoa nô kia là Thánh thư phúc âm (!) của dân tộc Việt Nam, rồi đó chúng tôi mới đua nhau nghiên cứu về khoa "Kiều lẩy"; kế tiếp, một vài tờ báo cổ động cho quốc dân chúng tôi học hát ả đào, nhờ đó chúng tôi mới biết cái khoa "quỳnh rượu hát hãm" là một món quốc túy của thi nhân mặc khách ngày xưa, từ đó chúng tôi xô nhau mà học đánh chầu nghe phách, sách dạy đánh chầu in ra như bươm bướm. Thế là về quá khứ, chúng tôi đã nhờ các ngài mà bước được hai bước khá dài trên đường tiến bộ vậy. Còn về hiện tại, một bạn đồng nghiệp bằng quốc văn của các ngài vẫn thường có đăng những bài giải nghĩa những ván tổ tôm cắc cớ, quý nghiệp hữu sợ cổ động như vậy hiệu quả không được chóng lại xuất bản tờ báo bằng Pháp văn, luôn luôn đăng những kiệt tác dạy cho các hạng thanh niên tân học cái lối "nằm khàn bắt phỗng, ăn dọc, đá ngang"; rồi đến một cuốn tạp chí vừa mới ra đời kia, số đầu có một thiên đại bút (!) nói về môn học "xe pháo mã tốt", số hai đã dạy cho chúng tôi cái bí yếu của những anh ôm túi quân cờ, ngồi nơi đầu đường cuối chợ rồi. Phải, những món ấy là những món lợi dân ích quốc (!) không có các ngài "chỉ lối đưa đường" cho, chúng tôi đâu có biết. Từ thời kỳ các ngài khuyến khích chúng tôi học Kiều học hát ả đào đến thời kỳ các ngài chỉ dẫn chúng tôi đánh tổ tôm, đánh cờ tướng, chẳng qua trong vòng mười năm. Theo luật tiến hóa, chắc là sau mười năm nữa, sẽ có những ngài đem cái thành tâm đối với chủng tộc giang sơn đầy ăm ắp, nóng hôi hổi mà cổ dộng cho quốc dân học những món quay đất thò lò, vì nó cũng là món chơi đặc biệt của dân tộc Việt Nam bấy giờ quốc dân chúng tôi sẽ nhờ ơn các Hát hãm lúc uống rượu quý. ngài mà được mở mặt rạng mày với thế giới, "chen vai thích cánh" với các nước phú cường. ân đức của các ngài thật lớn lắm vậy.Nói đến đây, mình toan hỏi vặn lại thì nhà tiên tri kia trông mình mà nhổ toẹt xuống đất một bãi rồi ngoảnh mặt đi.

MẤY LỜI NHẮN NHỦ CÁC ÔNG ĐỒ BÁO CHÍ BẮC KỲ SẼ CỔ ĐỘNG ĐẾN "THÒ LÒ" "QUAY ĐẤT"

Đời vua Thái tổ Thái tôn, ngòi bút lông còn làm chúa tể cõi học đất Việt, thế lực của các ông đồ mạnh lắm kia chứ, ông đồ muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, thiên hạ chẳng ai dám trêu, lúc ấy vô phúc trêu đến ông đồ, thì ôi thôi! Nguy hiểm là nguy hiểm. Các cụ truyền lại:
Một khoa thi cuối đời Tự Đức (trường thi Hương còn ở Hà thành) có con gái của ông bá hộ K. là người giàu nhất thành phố, chỉ nói chua với ông đồ một câu, thế mà đồ nọ rủ đồ kia, trong một lúc kéo đến hàng nghìn, hò nhau phá nhà cụ Bá! Lính phòng thành không dám can thiệp. Cực chẳng đã cụ Bá phải chuồn cửa sau và kêu với quan tổng đốc. Lập tức quan tổng đốc tự mình đến điều đình, bắt cô con gái cụ Bá K. phải ra trước mặt ông đồ mà tạ tội. Bấy giờ các ông đồ mới tha cho. Kinh không? ông đồ thời ấy chẳng khác gì quân Tam phủ đời Lê, mình nghe chuyện mà dựng tóc gáy! Từ ngày lối học "chi hồ giả giã" đã chuyển sang lối "a, b, c" thế lực ông đồ chẳng còn chút nào, điều đó ai cũng biết, không cần phải nói. Trò đời, giậu đổ bìm leo, vận hội ông đồ đã suy, thiên hạ hay tìm ông đồ mà kiếm chuyện, bấy giờ ở Hà Nội này, vẫn có kẻ theo chân ông đồ mà xét nét từng tý, ông đồ hở đâu là họ chộp đấy... Quả có thế thật, trong rừng "nhà hướng đạo cho quốc dân" (!) bây giờ vẫn có thói giả mạo như vậy, thầy đồ thì hay nói đến Nã Phá Luân, Hoa Thịnh Đốn, Lư Thoa, Mạnh Đức, Tư Cưu mà thầy ký thì luôn luôn nhắc đến Khổng tử, Mạnh tử, có khi thầy còn giở cả Trang tử, Lão tử nữa kia. Nhưng mà có ăn thua gì, đụng đâu trật đấy, thầy đồ cũng vậy, thầy ký cũng thế... Vậy xin có lời cảnh cáo mấy ông đồ rằng:
Người ta xét nét các ông là như vậy đó, mà nay về sau, cái gì không biết thì xin các ông chớ nói, nhất là về môn học Phơ lăng xe! Vả chăng các ông không biết môn học này, cũng chưa chắc đã là dốt bởi vì cụ Khổng nhà ta đã dạy "biết đấy là biết đấy, chẳng biết là chẳng biết ấy biết vậy" kia mà.

HỠI ĐỒNG BÀO VIỆT NAM CHÚNG TA NÊN VẼ MÌNH CHO CON CÁI CHÚNG TA

Dẫu rằng cuộc đời mỗi ngày một mới, mà ở xã hội "con rồng cháu tiên" thiếu chi người ưa những lối xưa. Cái phong trào "bảo tồn quốc túy" đã im đi một độ, độ này xem chừng lại thấy rục rịch nổi lên: tờ báo nọ hô hào bạn gái cứ giữ gìn cái sinh hoạt ở cửa buồng xó bếp, tờ báo kia cổ động dân quê nên duá trì cái thói tục ở góc điếm, sân đình, lại một cuốn tạp chí nọ hàng tuần đem những cặn bã ở cửa Khổng, sân Trình mà nhồi mãi vào óc độc giả! Tuy rằng người ta chưa cho mình nghe những tiếng la "bảo tồn quốc túy", nhưng kỳ thực cái không khí bảo tồn quốc túy vẫn tích tụ ở giải đất từ núi Ngôi đến bến Nhị mà lan tràn ra khắp nơi. Phải, bảo tồn là phải! Những món đó đều là những tinh hoa trong văn minh An Nam, chẳng bảo tồn, lỡ ra mà nó tiêu diệt đi thì dân tộc An nam sinh tồn sao được. Phải, bảo tồn là phải! Có khuyến khích được nhiều người bảo tồn những món đó mới xứng đáng là cơ quan độc nhất của phụ nữ, mới xứng đáng là hướng đạo cho quốc dân, mới xứng đáng là hướng tiền phong trong đội quân tiến thủ (!) Nhưng có điều đáng tiếc là những cái quốc túy mà mấy tờ báo chí đang hô hào bảo tồn đó mới là những cái, những món quốc túy về đời trung cổ mà thôi - tục ngôi thứ trong đình, mới đặt ra từ Trần Thủ Độ, món cặn bã của đạo Chu Khổng, cũng mới tải vào từ khi Sĩ Nhiếp làm thứ sử, còn cái lý thuyết nam ngoại, nữ nội tuy không biết xuất hiện từ đời nào, nhưng "cổ" lắm đi nữa chẳng qua cũng mới từ khi đời Sĩ Nhiếp là cùng, vì nó cũng là một thứ "hàng Tàu" nhập cảng
- Đã bảo tồn thì bảo tồn hẳn những món quốc túy thượng cổ kia có được không? Tội gì mà bảo tồn những món quốc túy trung cổ ấy? Xét trong quốc sử, cái tục "vẽ mình" là cái văn minh rất cổ của dân tộc An Nam, vì nó xuất hiện từ đời vua Hùng kia. Đời đó dân tộc ta còn sống về nghề mò tôm bắt cá, nhiều người xuống nước bị thuồng luồng ăn thịt, các cụ ta mới phát minh ra kiểu vẽ mình đó, nghĩa là đẻ con ra thì dùng chàm mà vẽ vào mình nó những con rồng, con rắn, con ba ba v.v... để cho nó lúc lớn lên khi nào xuống nước, các giống dưới nước sợ mà phải tránh. Tục đó còn truyền mãi đến đời vua Anh Tôn nhà Trần mới bỏ. Món quốc túy ấy cổ biết chừng nào! Có lẽ không cái gì là cổ hơn nữa. Nếu món ấy mà bảo tồn được thì dân tộc An Nam mới xứng đáng là dân tộc An Nam. Vậy tôi xin thay mặt các nhà bảo tồn quốc túy mà hô lớn lên rằng:
"Hỡi đồng bào Việt Nam! Chúng ta nên vẽ mình cho con cái chúng ta".

ĐỪNG GIỞ NHỮNG NGÓN ẤY RA NỮA TÔI CAN MẤY ÔNG NGÀY NAY

Từ khi còn là đời báo Phong hóa cho đến bây giờ đổi sang đời báo Ngày nay, chưa ai từng thấy mấy ông trưởng giả ở hai cơ quan ngôn luận ấy sốt sắng với một việc gì, ngoài cái việc dùng môn giáo dục "đánh phấn, xoa nước hoa, lựa màu quần áo" để câu nhử bạn đọc phụ nữ. Chẳng những không sốt sắng, có khi mấy ông ấy còn dùng nhiều ngón gian quyết phá thối công việc chính đáng của người khác nữa. Đem giọng trào phúng pha vào những chuyện quan hệ, khiến cho trong óc độc giả, chuyện quan hệ hóa ra chuyện khôi hài, cố nói sai lạc sự thực, khiến cho trong óc Chỉ việc họa sĩ Nguyễn Cát Tường (thường ký Lơ muya) cổ động phong trào "vui vẻ trẻ trung", vẽ các kiểu quần áo, dạy cách trang điểm cho phụ nữ. độc giả không thể phân biệt phải trái. Ấy là những ngón sở trường của mấy ông ấy. Người ta vẫn tưởng đối với những việc không quan trọng mấy, thì mấy ông đó mới dùng ngón ấy, cho nên không ai chỉ trích làm chi. Chẳng ngờ đến việc quan hệ tới vận mệnh dân nước, mấy ông đó cũng cứ giở những ngón ấy ra...!

Cái việc lựa chọn đại biểu, thảo tập nguyện vọng để chờ đưa cho ủy ban điều tra đối với óc người Việt Nam, ai chẳng coi là việc quan trọng, dù rằng chưa chắc ủy ban đó có sang hay không. Sống trong hoàn cảnh eo hẹp đã mấy đời nay, bây giờ bỗng có một dịp, có thể mong rằng may ra quốc dân được khỏi cảnh ấy, việc như vậy, chẳng là quan trọng, thế nào nữa mới là quan trọng? Hiện nay, hầu hết cả nước, nhất là anh em trong Nam, đương sốt sắng lo lắng cho cái việc ấy được có kết quả tốt đẹp, người thì tự xuất tiền nhà sang tận Pariạ để vận động cho Đông Dương Đại hội, người thì vì việc hô hào Đông Dương Đại hội mà không quản đến những chuyện bị bắt, bị giam. Thế mà mấy ông đồng nghiệp ở đường Quan Thánh lại định làm cho việc quan trọng thành ra việc "lùng tùng xòe". Cái đó mới nhẫn tâm chứ! Chúng ta hãy giở tập tuyển báo Ngày nay số 28 coi thử cái nhẫn tâm của mấy ông ấy như thế nào? Trang trào phúng, dưới cái đầu đề "Trung thu thỉnh cầu" mấy ông Ngày nay vẽ mấy cái hình một đứa con nít xin với ủy ban điều tra cho mình ông trăng trên trời, thế mà mấy ông bảo rằng "Ai thảo tập nguyện vọng nên xin những điều vừa vừa chứ thôi! Nếu xin những việc to lớn thì cũng như những đứa con nít muốn xin mặt trăng". Phải vậy không? Thử hỏi trong vụ thỉnh cầu này, xin những chuyện gì là to lớn? Chưa thấy ai bàn xin cho nước Nam độc lập. Người ta chỉ nói nên xin đổi lại chính phủ hiện thời, hoặc trực trị, hoặc tự trị, to lớn đến thế là Phong trào Đông Dương Đại hội (1936) phát động phong trào lấy nguyện vọng dân chúng để đưa cho ủy ban điều tra của Gô-đa sắp sang Đông Dương. cùng. Cũng thừa biết rằng xin vậy, chưa chắc đã được, nếu như ủy ban điều tra có sang đến đây. Nhưng dù không được đi nữa, thì xin vậy cũng có thể tỏ cho bên Pháp biết rằng: dân Nam đã muốn như vậy. Cái "xin" lần này tức là bậc thang cho cái "xin" lần sau:
Cái xin ấy thật không con nít, và có hão huyền cũng không đến nỗi khôi hài như xin mặt trăng. Mấy ông bảo là con nít, mấy ông bảo là xin mặt trăng, không những là khinh mạn người ta, lại còn hiểm độc là khác. Bởi vì những bức vẽ ấy có thể khiến cho nhiều người tưởng những việc kia là trò khôi hài của con nít mà nhụt mấy cái chí hăng hái hành động. Đó là tranh vẽ, còn lý luận nữa. Trong bài Dân nguyện mấy ông nói rằng:
"... Miệng nói vì dân vì nước, mà họ chỉ vì đảng phái, hơn nữa vì người". Sao lại cố nói ra ngoài sự thực như vậy? Bảo rằng đảng phái thì đúng. Hiện trọng vụ này, Bắc kỳ quả có hai phái: phái ông Phạm Huy Lục và một phái nữa không hợp tác với phái ấy. Vì sao lại có phái không muốn hợp tác với phái ông Lục trong bài "Dân chúng không "hoan nghênh việc làm của bọn ông Lục đăng ở Tương Lai số 1 đã nói kỹ rồi. Điều nên nói thêm là, một đằng chủ trương đưa tập Dân nguyện lên phủ thống sứ, một đằng chủ trương đưa thẳng tập ấy cho ủy ban điều tra. Chưa nói đến ý kiến khác nhau, nhưng một chỗ chủ trương không giống nhau đó, phái nọ cũng không thể nào hợp tác với phái kia được. Còn bảo người ta chỉ vì đảng phái, vì người, thì không đúng. Những người không hợp tác với phái ông Lục, là vì việc làm của phái ấy có những tính cách chuyên quyền, độc đoán, lén lút, mờ ám v.v... Không phải họ vì đảng phái hay cá nhân nào. Sao lại nói nộm như thế? Cũng trong bài ấy, mấy ông Ngày nay viết rằng:
"Chỉ đệ những bản thỉnh cầu lên phái bộ điều tra. Chẳng lẽ ai lại đi thỉnh cầu những điều khốn nạn. Mà ai để cho làm như thế!". Câu nói vô lý làm sao! Những người có óc khốn nạn, họ sẽ thỉnh cầu những điều khốn nạn, chứ ai? Mấy ông chưa đọc sử Nam nên mới có gan nói liều đến thế. Nếu mấy ông có đọc sử Nam, mấy ông biết rằng nước Nam có Trần ích Tắc, thì chắc không dám nói như vậy. Hạng người như Trần ích Tắc thì đời nào mà không có. Sau hồi âu chiến, Wilạon sáng lập ra thuyết "dân tộc tự quyết, bấy giờ An Nam cũng đã có người bày mưu tự quyết thay cho nước Nam đây mà! ấy là một hạng khốn nạn. Còn một hạng nữa - cái khốn nạn sau đó chính ở trong óc mấy ông mà ra. Cũng trong bài ấy, mấy ông khuyên hạng trí thức và các nhà báo nên để ý tìm hộ nguyện vọng cho dân quê để đưa vào tập dân nguyện. Mấy ông trưng ra năm sáu vấn đề, có cả vấn đề tuần phòng. Mấy ông nói rằng:
"Dân quê có được ngủ yên hay không, những phương pháp hiện thời thi hành để giữ sự yên ổn nơi thôn quê có hiệu nghiệm hay không tưởng không phải là những điều không đáng để ý đến". Thấy mấy ông lo cho thôn quê mà buồn. Ở thôn quê, tuần phòng là việc thiết thân của họ, và họ có toàn quyền tự do, nên họ làm việc được rất hoàn toàn, chẳng cần mấy ông phải để mắt đến. Vả, giá cho việc ấy không được hoàn toàn đi nữa, cũng không có ai điên rồ mà đem sự dân quê ngủ không yên vào tập dân nguyện. Nếu như mấy ông đưa cả việc ấy vào tập dân nguyện, nay mai phái bộ điều tra sang đây ngó thấy, thì người ta sẽ tưởng tượng ra sao? Tôi chắc người ta sẽ bật cười mà nói với nhau rằng: "khốn nạn". Cái lối thỉnh cầu khốn nạn ấy, chẳng phải chỉ riêng mấy ông mới có. Còn nữa. Còn có người muốn xin ấn định tiền thuế cho phu xe. Còn có người muốn xin cho dân An Nam lại học chữ Hán. Còn có người muốn xin đừng thi hành luật tuần lễ 40 giờ. Những người ấy cũng như mấy ông đều trực tiếp hoặc gián tiếp thuộc về bọn ông Lục tất cả. Như thế, khốn nạn hay không khốn nạn? "Ai để cho làm như thế", mấy ông tự mắng là phải. Nhưng "ai" đó là ai? Chắc không phải bọn ông Nguyễn Tường Tam, những người về phái ông Lục, vì các ngài đều là xuất sản gia của những điều thỉnh cầu khốn nạn kia rồi. "Ai", đó hẳn là những người phản đối lại phái ông Lục. Không cho phái ông Lục được làm như thế, phải dùng cách gì? Nếu hợp tác với phái ông Lục đến khi quyết nghị việc gì tất bị thiểu số, không thể ngăn nổi những việc độc đoán kia, thế thì ai đứng vào địa vị ấy, mà không phải lập riêng một phái? Cớ sao mấy ông lại nói nộm là "họ chỉ vì đảng phái, vì người". Tóm lại một câu: mấy ông Ngày nay thật là đủ ngón gian quáệt, nhưng mà những ngón ấy bây giờ đã bại lộ rồi! Tôi can mấy ông không nên giở lại nữa. Đối với việc thảo tập dân nguyện, mấy ông đừng cổ động người ta đưa những điều vụn vặt khốn nạn vào tập ấy.

XIN NHỜ LƠMUYA CÁT TƯỜNG VIỆC NÀY NỮA

Càng ngày càng thấy Cát Tường Lơ muya là bậc vĩ nhân. Nhà họa sĩ ấy nếu mà vẽ khéo một chút, chắc cũng nổi tiếng như các họa sĩ khác. Sự thi đậu thứ bét trường Mỹ thuật của ông ta chẳng cấm ông ta đem cái óc cách mệnh mà tô điểm cho nước Việt Nam. Cuộc cách mệnh bắt đầu từ mấy cái gấu quần, gấu áo của bạn gái kẻ chợ mà cách mệnh đi. Trước đây, chừng năm, sáu năm chi đó, gấu áo gấu quần của bạn gái kẻ chợ đâu được văn minh như ngày nay. Nó còn bàn bạt bằng cái quân bài kia chứ. Nhờ về một bầu máu nóng của họa sĩ họ Lơ tuôn xuống dưới ngòi bút vẽ, mà đến bây giờ, bao nhiêu gấu quần gấu áo... hủ bại ngày xưa đều bị đánh đổ tất cả. Cuộc cách mệnh ấy đã lan đến các cụ cao mũ dài áo. Các cụ đang hăng hái cách mệnh cái áo thụng cho khỏi mang tiếng hủ bại. Việc này rất nên có! Không cần nói đến quốc thể. Chúng ta cứ tưởng tượng một cụ có râu hay không râu, náu mình trong tấm áo màu lam, cổ tràng vạt, hai ống tay bằng hai cái cống tháo nước, đứng trước một bà kẻ lông mày, bôi môi son, bận quần trắng, đi giày cao gót, phỏng chừng bà nọ có thể nhắm mắt mà hôn cụ kia một cái được chăng? Sợ cụ thì sợ thật, còn hôn cụ quyết không dám. Theo tin của một tờ báo hàng ngày, kiểu phẩm phục đó, nhà họa sĩ nọ vẽ theo lối lễ phục của sứ thần các nước đời xưa. Nghĩa là áo kiểu tây, mà khi mặc, đít nó xòe ra như cái đuôi tôm. Các cụ cho thế là được. Chắc rằng các bà ở nhà cũng nhận như thế là được. Rồi đây trên trường quan lại, dân chúng sẽ vui vẻ được trông các cụ tân thời, cũng đẹp mắt như ngày nay được nhìn các bà tân thời. Trong mấy năm trời, nhà họa sĩ đó đã làm đỏm cho phụ nữ, lại làm đỏm cho các quan, thượng lưu nước nhà, họ sắp sửa đẹp đẽ cả rồi. Bây giờ tôi muốn ông mỹ thuật thứ bét hãy ngó mắt đến kẻ hạ lưu, thôn quê... Giả sử mẹ Phó nhà tôi mà cách mệnh được cái váy của nó, thì tôi rất cám ơn ông.

GIẾT NGƯỜI LẤY CỦA

Biết vài tiếng Pháp mà không có học thức thì nên đi làm thầy cò. Biết vài chữ Hán mà không có kinh nghiệm về nghề thuốc thì nên đi làm nho ở phủ huyện. Biết mặt vị thuốc mà không có học thức kinh nghiệm về nghề thuốc thì nên gánh bồ về các chợ mà bán thuốc cái, nếu không đủ tiền mở hiệu buôn thuốc sống ở tỉnh thành. Ngày nay không phải là ngày mà những kẻ không đọc sách thuốc, không học nghề thuốc được tự do núp sau những biển "dược phòng", "y quán", "dược xá", "y viện" hay "gì gì đường" đó, dùng dao cầu thuyền tán, ống tiêm ống thụt giết hại dân nghèo để lấy tiền nuôi vợ nuôi con và làm giàu.
* * *
Thưa các ngài. Trong cái xã hội của chúng ta ngày nay, hạng người nào giỏi bịp và độc bụng hơn hết? Nếu đã xem xét một cách kỹ càng, các ngài chắc không ngần ngại gì mà không nói rằng:
- Chỉ có hạng người ít học hay không học mà dám làm thầy lang.
Thật thế. Một số rất lớn cụ lang, ông lang, chú lang, anh lang kia đều là tổ sư, thánh sư, tiên sư và kỹ sư của nghề "bịp"... gọi họ là "lang" hay coi họ là "lang" ấy là chúng ta tự lầm. Chữ "lang" chỉ xứng đáng với những người có học thuốc biết chữa bệnh, còn phường đại bịp kia đâu có "lang" một chút nào! Họ là thầy đồ đọc cuốn sách nho không hiểu nghĩa. Họ là cậu học trò tây đi thi tiểu học không đậu. Họ là kẻ "Hán tự không biết Hán, Tây tự chẳng biết Tây", trong tay không có nghề gì nuôi sống lỗ miệng. Đi ăn mày mà nhiều người cho, đi ăn cắp mà không bị tội, thì họ cũng chẳng xoay ra cái nghề làm lang. Nhưng hai cái nghề kia không phát tài lại nguy hiểm, cho nên họ phải giở đến cách lường gạt người ốm. Nếu đã biết một vài chữ Hán thì họ học thêm ít tên, bài thuốc Tàu rồi họ đóng vai thầy lang mốt cũ. Nếu có biết năm ba tiếng Tây thì họ học thêm ít tên vị thuốc Tây rồi họ đóng vai thầy lang mốt mới. Còn nếu chỉ biết có chữ quốc ngữ, ngoài ra không hiểu một thứ chữ nào, thì họ tự xưng là làm thuốc gia truyền, rồi mua vài cuốn sách thuốc quốc ngữ để tập lấy những câu nói sáo. Trong lúc nghề thuốc còn lộn xộn, không ai có quyền được hỏi lý lịch của người làm lang. Hễ mà họ có tủ thuốc, ô thuốc, có dao cầu, thuyền tán, có tiêm, có thụt, có áo blouạe, ấy là họ lên mặt cứu dân độ thế, cũng cho đơn, cũng bốc thuốc, cũng tiêm, cũng thụt, cũng cao, đan, hoàn, tán, họ giở không thiếu trò gì. Các ngài nghĩ xem, nghề thuốc có thể dễ dàng như vậy được chăng?
Một người đã thông chữ Hán muốn học thuốc Tầu, theo thầy chữa bệnh hàng mười mấy năm, đọc đi đọc lại mấy trăm pho sách mà khi thành nghề, vẫn còn có bệnh chữa lầm. Một ông đốc tờ chưa chắc chữa bệnh khỏi sai, sau khi đã trải sáu, bảy năm trời vừa làm vừa học ở nhà thương. Huống chi bọn đại bịp đó, ngoài ngón bịp ra, hầu hết là kẻ ngu dốt. Vậy mà hôm trước còn là thầy đồ dốt, còn là anh thi trượt bằng tiểu học, còn là đứa lang thang vô nghề nghiệp, hôm sau đã là "lang" rồi, phỏng chừng họ có biết nghề thuốc là cái gì nữa! Chúng tôi dám nói quyết rằng: họ ra đóng vai thầy lang, mục đích không cốt ở sự chữa bệnh.
"Mỗi người bị lừa một lần thì tôi sẽ thành một nhà triệu phú". Đó là câu của một thầy lang giả hiệu đã có cửa hàng đồ sộ ở Hà thành trả lời chúng tôi trong khi bị hỏi dồn đến cùng đường. Té ra sự làm thuốc của họ chỉ là một sự lường đảo, ăn cắp. Nhưng nếu họ lường đảo, ăn cắp bằng cách khác, chúng ta chỉ mất tiền, mất của mà thôi. Cái độc ác là họ lại lường đảo, ăn cắp bằng nghề làm thuốc, cho nên chúng ta đã mất tiền cho họ lại mất mạng về họ nữa. Các ngài đừng tưởng thục đại, dương qui, đẳng sâm, bạch truật là không chết người. Các ngài đừng tưởng thủy ngân, khinh phấn, hoạt thạch, hải kim sa là không hại gì. Các ngài cũng đừng tưởng Gonacrine, vaccinantigonoccocique mà người nào cũng có thể tiêm được. Không thế đâu. Nếu không biết dùng, nếu dùng không trúng bệnh, nước lã cũng giết người được nữa là thuốc. Biết vậy, mà nhiều người đành nhắm mắt để cho họ lừa, nhắm mắt đem tính mệnh mà giao phó cho họ. Chỉ vì chúng ta phần nhiều là hạng người nghèo. Nghèo không có tiền, lúc ốm không lấy đâu mà tìm chỗ chữa bệnh chắc chắn, nên phải đánh liều dùng thuốc của họ, phó sống thác cho sự rủi may. Không ai ngờ rằng đã mượn kẻ mù đưa đường, thì không có may chỉ có phần rủi. Trong chúng ta, chắc đã có người uống thuốc của họ. Thuốc chủng trừ vi khuẩn bệnh lậu cầu nhiễm huyết.

Chúng tôi muốn hỏi có ai khỏi bệnh hay không? Một nghìn lần không. Nếu có khỏi nữa cũng chỉ là sự hú họa. Bệnh không khỏi, tiền vẫn mất. Vì vậy mà họ mới chóng làm giàu. Các ngài hãy ngắm mà coi. Biết bao kẻ không nghề, không nghiệp, sau ít năm đóng vai thầy lang, đột nhiên có ô tô, có nhà lầu, có ruộng đất liền khu ở quê rồi. Mỗi lần họ mua ruộng đất, cất nhà lầu, sắm ô tô thì bao nhiêu mạng vô tội chết oan về họ! Giặc cướp thuở xưa không đến nỗi tàn ác như vậy. Nói theo sách cổ "tội ác của họ nay đã đầy sâu". Đứng về phương diện xã hội, chúng tôi tưởng không nên dung thứ mãi cho một hạng "giết người lấy của" ấy cứ dùng tính mệnh dân nghèo để làm giàu! Nhưng mà trị họ bằng cách nào? Gần đây, nghe có nhiều người muốn lập ra một hội y giới, nói rằng mục đích cốt để chấn hưng nghề thuốc. Việc đó, chúng tôi rất hoan nghênh nhưng chỉ lo cho lúc lựa người vào hội. Ông nào đáng, người nào không đáng là hội viên, đó là một điều rất khó phân biệt. Mà nếu không chịu phân biệt, ai có dao cầu thuyền tán đều cho vào hội tất cả, thì những kẻ "giết người lấy của" sẽ mượn thanh thế của hội mà lấy thêm của, giết thêm người. Một hội như vậy, chẳng những vô ích mà còn hại cho xã hội giống nòi nhiều lắm. Theo ý chúng tôi, muốn trừ hết bọn "giết người lấy của" chỉ có một cách:
Đem hết những cách làm thuốc, khóe làm tiền của họ tuyên bố lên báo cho mọi người đều biết.

KÍNH MỪNG VIỆT NAM TỔ QUỐC VÀ TIẾC THAY CHO LÀNG BÁO CỦA NÓ

Trời thật hay dọa tổ quốc Việt Nam, nói cho đúng, cái tổ quốc của báo Tổ quốc Việt Nam. Hồi cuối năm ngoái, khắp xứ Đông Dương đều nô nức về những cuộc đón tiếp hai ông đại biểu của Chánh phủ Bình dân, người ta ngong ngóng sau chân hai vị đại hiến, sẽ có những cuộc cải cách tốt đẹp. Thì sét đánh ngang trời, cái tổ quốc của tờ báo "Tổ quốc Việt Nam" bỗng chốc xảy ra một tin quan hệ như tin trời đổ. Ông Võ hiển Hoàng Trọng Phu từ chức tổng đốc Hà Đông. Trời đất ơi, ai mà yên dạ cho đành! Con rồng cháu tiên của tổ quốc, nhất là những người Bắc Kỳ, hết thảy đều lo ngay ngáy. Họ sợ cái góc tổ quốc phía Bắc sẽ đổ đánh ụp một cái. Phải lắm! Năm tỉnh đàng ngoài có năm tổng đốc, ví như nhà có năm cột. Từ chức đi một ông tổng đốc Hà Đông, ấy là nhà thiếu một cột, đứng sao được mà chẳng đổ! Mà tổ quốc đã đổ, thì quốc... dân sẽ ở vào đâu? Nếu quả vậy, há chẳng là trời gieo vạ lớn cho tổ quốc? Phúc bảy mươi đời, tổ quốc lại sinh ra báo Tổ quốc Việt Nam.
"Trong dịp quốc dân đều phập phồng lo sợ thì cái báo "con cầu con cưng" của tổ quốc ấy đã có bài sớ vãn lưu ông Hoàng đăng trên trang nhất. Nghe nói bài sớ ấy, lời rất thiết tha cảm động, chẳng kém gì văn chầu bà chúa Thượng ngàn. Dầu vậy mặc lòng, ông Võ hiển vẫn không ngoảnh lại, cái đơn từ quan đã đệ lên phủ thống sứ, nhất định ông không rút ra. May sao, trời cũng dọa chơi chứ không làm thực. Bước sang đầu xuân tức thì đã có tin mừng. Ông Võ Hiển đã bị giữ lại trên ghế tổng đốc Hà Đông thêm một hạn không nhất định. Có thế chứ. Bài sớ của tờ báo "Tổ quốc Việt Nam" thật đã thấu đến tai trời, mới có sự tốt lành ấy. Lá sớ quí hóa đó thật là đáng giá ngàn vàng.
Nếu không, nếu tỉnh Hà Đông bị thiếu một ông tổng đốc, thì tổ quốc có khi sẽ thành tổ... cò, chúng mình còn mặt mũi nào mà sống ở đời được nữa! Vạn tuế! Tổ quốc vạn tuế, vạn vạn tuế! Tuy vậy, mừng cho tổ quốc bao nhiêu, tôi cũng tiếc cho làng báo bấy nhiêu. Tương lai số 1 đã tỏ ý mừng rằng Làng Báo chúng tôi sẽ được một viên chúa tể của Làng Quan làm bạn đồng nghiệp, thế vào cái chân ông Thượng Giáo dục đi mất năm xưa. Bây giờ ông Hoàng đã vì tổ quốc mà ở lại, cố nhiên đẹp cho tổ quốc, song cũng thiệt cho Làng Báo. Không biết bao giờ trời mới bù lại chỗ ấy?

BÃI NƯỚC BỌT TRÊN MẶT MỘT ÔNG TUẦN PHỦ

Đây là mặt ông Nguyễn Doãn T... tuần phủ hưu trí, hiện đương làm việc thả lãi và vẫn vui cảnh "cố viên tùng cúc" ở làng Du Lâm. Bãi nước bọt ở trên mặt ngài không phải nước bọt của các cô nhỏ, cậu nhỏ nhà ngài, mà là nước bọt của ông Nguyễn Phương Đ... nguyên thông phán phủ toàn quyền, cùng họ với ngài và đương làm chánh hội làng Du Lâm. Lịch sử bãi nước bọt ấy hơi dài. Số là ở làng Du Lâm, họ Nguyễn của ông T... và ông Đ... thuần túy là một quý tộc, đã lắm quan, lại đông người hơn hết các họ bách tính. Xưa nay quyền chánh trong làng đều ở họ này, mấy họ khác chỉ là bọn phục tùng mệnh lệnh. Đối với họ Nguyễn, dân làng Du Lâm quen gọi bằng tiếng "quan họ".
Vậy mà từ ngày nhận chức chánh hội, ông Đ... lại không trị dân bằng chế độ phong kiến. Nghĩa là ông ấy không muốn cách biệt với bọn bách tính, cho họ được ngồi ngang với mình khi bàn các việc của làng. Hơn nữa, ông ta còn làm mấy việc chỉ có lợi cho bình dân, không lợi cho quý tộc. Một người đại thần phong thể như ông T... cố nhiên không thể vui lòng với những chứng bệnh lạ lùng ấy của ông Đ... Mích lòng cụ lớn hơn hết là việc quân cấp công điền mà ông Đ... cố ý muốn làm. Làng Du Lâm chẳng phải là xóm Hoa Lâm của nhà Lý à? Công điền làng ấy đã chiếm một phần rất lớn trong địa giới! Nhưng mà đến hồi gần đây, số ruộng công ấy bị hóa thành ruộng tư rất nhiều, những ruộng chia cho trai làng chỉ có độ hơn một nửa. Thình lình có lệnh của ông công sứ Bắc Ninh bắt phải chia lại số ruộng công ấy. Nếu là người không muốn lôi thôi mất công, thì thôi, ruộng công còn bao nhiêu, chia cho dân đinh bấy nhiêu, miễn là công bằng, dân cũng nhớ ơn lắm rồi. Ông Đ... không thế, cứ muốn theo đúng địa bạ Gia Long, móc hết những số ruộng công đã bị hóa làm ruộng tư mà chia luôn thể. Cái khó chịu của ông T... là ở chỗ đó. Bởi vì trong những ruộng tư của ông tuần này lại có một thửa hay nhiều thửa đã bị ông Đ... và dân làng Du Lâm giở đến căn cước của nó mà bảo nó là ruộng công ngày xưa. Việc đó tuy rằng đích thực, không thể chối cãi, nhưng ông T... vẫn có quyền xích mích với ông Đ... Cách đây không lâu, bỗng có lá đơn của mấy ông tộc biểu đệ lên tòa sứ Bắc Ninh kiện ông Đ... về mười sáu khoản hà lạm. Theo sự dò la của ông Đ... thì vụ kiện ấy do ông T... cầm đầu cho lũ nguyên đơn. Với một người đã có bộ mặt Châu Xương như ông Nguyễn Phương Đ..., vụ kiện không có sự thực kia chính là mớ lửa đốt cho cơn giận bùng lên. Một hôm, giữa đám cỗ của người trưởng họ, ông Đ... hỏi thẳng ông T...:
- Có phải anh đã sai lũ tộc biểu đi kiện tôi không? Lẽ tự nhiên là ông T... phải chối. Ông Đ... chỉ mặt ông T... nói tiếp:
- Thế thì anh là kẻ hèn nhát, không có can đảm tự nhận cái việc mà mình đã làm, tôi phải nhổ vào cái mặt hèn nhát của anh. Rồi một bãi nước bọt từ miệng ông Đ... nhẩy luôn sang mặt ông T... Chuyện vẫn chưa hết. Ông T... còn lấy nhiều người làm chứng mà kiện ông Đ... Ở tòa sứ Bắc Ninh. Khi ấy, ở tỉnh Bắc Ninh người ta đã xét ra rằng mười mấy khoản của bọn tộc biểu đã kiện ông Đ... đều là vu khống. Đến lúc nhận được đơn kiện của ông T..., ông sứ nói với ông tổng đốc Bắc Ninh như vầy:
"Nếu ông tuần phủ Nguyễn Doãn T... cũng có công tâm lo lắng việc dân như ông chánh hội Nguyễn Phương Đ... thì chúng ta không phải mất công xét xử những chuyện lặt vặt như thế này". Vụ kiện còn đương xét hỏi chưa xong, thì ông T... theo lời điều đình của người trong họ, lên tỉnh xin rút đơn ra. Ngài không kiện ông Đ... nữa. Bấy giờ việc mới kết liễu. Chuyện này xảy ra, những người trong tỉnh Bắc Ninh đều biết. Họ đã thì thầm hỏi nhau:
"Không biết lúc ấy ông T... có rửa mặt không?". Chắc không, vì cụ lớn là một viên quan thâm nho, mà trong sách nho đã chép một chuyện rất hợp với chuyện của cụ. Ấy là chuyện Lâu Sư Đức. Lâu Sư Đức nhà Đường có người em được cử làm thái thú châu Đại, khi hắn sắp sửa tới nhậm, ông ta có dặn cần phải tốt nhịn. Hắn nói:
"Từ nay nếu ai nhổ vào mặt tôi, tôi cũng chùi đi mà thôi". Sư Đức chưa cho là phải, và bảo thêm rằng:
"Người ta nhổ vào mặt mày là giận mày đó. Nếu mày chùi đi càng khích cho họ giận thêm. Phải để cho nó tự nhiên khô đi". Thiên quan châm ấy có ghi trong bộ Đường thư. Ông T... khi mới xuất chính ắt đã đọc rồi. Thế thì trong lúc làm quan, ông T... chắc biết trước mình sẽ có ngày phải thực hành câu nói của Lâu Sư Đức. Bây giờ hưu rồi, việc mới xảy ra, đó cũng là may mắn lắm. Rửa chi cho tốn nước và hại xà phòng!

CON CHÁU KHÔN HƠN ÔNG VẢI ?

Tôi muốn nói hai ông Khổng Đức Chương và Mạnh Khánh Đường, nhân vật hiện thời của nước Tàu. Đức Chương là cháu bảy mươi đời cụ Khổng, ai cũng biết rồi. Còn Khánh Đường bây giờ mới được nhắc tới, tuy chưa có tin nói đích ông đó là con cháu cụ Mạnh, nhưng ông ta đã họ Mạnh, lại ở huyện Châu là quê cụ Mạnh và làm thủ từ đền Y thánh là chỗ thờ cúng cụ Mạnh thì chắc là con cháu cụ ấy không sai. Cả hai ông ấy hồi này đều được người Nhật biệt đãi. Năm ngoái, khi lấy trôi mấy tỉnh Hoa Bắc, những nhà đương cục bên Nhật muốn lập cho vùng đó một cái chính phủ, họ đã đến tận Khúc Phụ (quê cụ Khổng) cố rước Đức Chương sang Bắc Bình để mần vua.
Mới rồi, khi một đạo quân Nhật kéo đến huyện Châu, viên tướng chỉ huy đạo quân ấy cũng đến tận đền Y Thánh xin vào ra mắt Khánh Đường, hòng nói năm ba câu chuyện, chắc cũng định dựng cho ông ta một chức gì đó. Nếu như theo đúng "đạo thống" tổ truyền, thì hai ông Khổng con Mạnh con, tất nhiên phải hoan nghênh người Nhật chẳng mần vua thì mần quan, chẳng giữ chức lớn thì giữ chức nhỏ. Nhưng mà không:
Đức Chương thì viết thư từ chối người Nhật, còn Khánh Đường thì một mực khăng khăng, thà chết không chịu tiếp kiến tướng Nhật. Thật là con cháu khôn hơn ông vải! Cụ Khổng, cụ Mạnh ngày xưa đâu có khó tính như vậy? Hai cụ ấy tuy đẻ cách nhau hơn một trăm năm, nhưng là thày trò với nhau, thày trò bằng lối cách bức, và cái "đạo" của các cụ, nhiều chỗ giống nhau như tạc, nhất là hai cái chủ nghĩa: hành đạo và tùy thời. Hành đạo, nói một cách nôm na, tức là làm quan, làm quan để thực hành đạo giáo của mình. Mà tùy thời? Cắt nghĩa một cách không cho ai hiểu, thì là... tùy thời (!) Khổng Tử sính làm quan lắm. Cứ như Trang Tử đã nói thì chính mình cụ đã đem "đạo" đi rao với 72 ông vua, dấu ngựa, bụi xe của ngài khắp cả các nước, rút lại vẫn không đắt hàng. Cùng quá, đến nỗi hai anh tướng giặc nước Lỗ, cái "nước cha mẹ" của ngài, trong khi chiếm đất làm loạn, muốn mời ngài đến giúp việc, ngài cũng định đi với họ. Đó là một nghĩa tùy thời.
Mạnh Tử cũng vậy. Tuy không "bệ kiến" nhiều vua như cụ Khổng, nhưng với vài chục cỗ xe đi trước vài chục đầy tớ đi sau, cụ này đã ăn khắp lượt mấy nước chư hầu và đã yết kiến vua Tuyên nước Tề, vua Huệ nước Lương, cho đến vua Văn nước Đằng, một nước giật gấu vá vai mới được năm chục dặm đất, cũng có dịp được gặp cụ nữa. Cầu quyền với các vua ấy như thế, không phải cụ ấy có thiết gì danh vị, chỉ cốt làm quan để thực hành cái "đạo" của mình. Đó là cụ cũng tùy thời như cụ Khổng vậy. Ấy đó, hai cụ tùy thời một cách dễ dãi như vậy, mà sao lại sinh ra hai ông cháu khó tính thế kia?


Nguồn: truyenviet.com