Chương 13
Bông hoa thứ tư xuất hiện đúng vào hôm thứ năm sau cái ngày Khải bị chất vấn. Đó là một đóa hướng dương vàng rực và tươi tắn. Cái cọng kẽm dùng để làm cuống hoa hướng dương có lẽ dài hơn những cọng hoa khác nên khi cắm vào lọ, đóa hướng dương bỗng nhiên cao vượt hẳn lên. Nó ngự trị ở trên cao và đưa mắt nhìn xuống lũ hoa hồng, cẩm chướng và lay-ơn với vẻ gì đó như là sự trịch thượng. Và khi Nga phát hiện ra đóa hướng dương bí ẩn này, Nga có cảm giác nó ngạo mạn và thách thức với cả chính mình.
Phản ứng đầu tiên của Nga trước sự xuất hiện đáng sợ của bông hoa thứ tư này là... rùng mình. Không bực bội hay tò mò như những lần trước, lần này thấy bông hoa như thể thấy ma, Nga nghe lạnh toát sống lưng. Và ngay lập tức, Nga chạy vù xuống bếp, miệng hớt hải:
- Chị Ngàn ơi chị Ngàn !
Chị Ngàn vừa bắc ấm nước, chưa kịp cắm bếp điện, đã vội giật nảy mình trước điệu bộ cuống cuồng của Nga. Chị quay lại, lo lắng:
- Chuyện gì vậy ?
Nga thở hổn hển, giọng đứt quãng:
- Bô...ô...ông ho...o...a...
Chị Ngàn cố tỏ ra bình tĩnh:
- Bông hoa sao ?
Nga đè tay lên ngực để trấn áp cơn xúc động:
- Thêm một bông hoa nữa. Hoa hướng dương.
Nga vừa nói dứt câu, chị Ngàn đã tức tốc chạy lên nhà trên.
Và đóa hướng dương đang phô sắc trên đầu tủ khiến chị sững sờ. Chị đứng như chôn chân trong phòng khác, miệng lẩm bẩm:
- Lạ thật.
Nga đứng sau lưng chị Ngàn, thở dài ngán ngẩm:
- Lại Khải chứ ai !
Chị Ngàn cắn môi:
- Vô lý.
Nga hừ giọng:
- Bây giờ mà chị còn có lý với vô lý nữa ! Không phải Khải thì ai vô đây ! Chẳng lẽ nhà mình có ma thật ?
Chị Ngàn khẽ nhíu mày:
- Nhưng hôm trước mình đã hỏi Khải rồi. Chẳng lẽ Khải lại dám đùa dai như vậy.
Nga nhún vai:
- Dám chứ sao không ! Sau khi mình "truy" nếu Khải ngưng ngay trò đùa, Khải sợ mình nghi ngờ. Vì vậy, Khải cố cắm trộm thêm vài bông hoa nữa để chứng tỏ ta đây không dính dáng gì đến chuyện đó. Và Khải sẽ chấm dứt trò đùa nghịch của mình vào một lúc thích hợp.
Sự phân tích của Nga không phải là không có lý. Chị Ngàn khẽ gật gù nhưng chẳng bày tỏ ý kiến gì. Bỗng nhiên chị hỏi:
- Hoa hướng dương tượng trưng cho điều gì, em biết không ?
Nga lắc đầu:
- Không. Nhưng em sẽ hỏi. Bạn em chắc biết.
- Ai vậy ? Hạnh hả ?
- Không.
- Vậy chứ ai ?
Tự dưng Nga đâm lúng túng. Thấy vậy, chị Ngàn bật cười:
- Thôi, chị biết rồi. Anh chàng Quỳnh của em phải không ?
Nga đỏ mặt:
- Sao lại "anh chàng Quỳnh của em" ! Chị chỉ chọc em. Em với Quỳnh chỉ là bạn thôi. Bạn một trăm phần trăm.
Chị Ngàn nheo mắt:
- Làm gì em phải khẳng định ghê thế ! Bạn tới một trăm phần trăm lận ?
- Thôi, em chẳng thèm nói chuyện với chị nữa đâu ! - Nga ngúng nguẩy - Chị nói gì đâu không hà !
Chị Ngàn cười khúc khích:
- Chị nói đàng hoàng mà em bảo gì đâu ! Chỉ có em "gì đâu" thì có !
Thấy chị Ngàn còn muốn trêu chọc nữa, Nga vội vàng ôm cặp chạy ra khỏi nhà. Nó hấp tấp dắt xe ra cổng, mặc cho chị Ngàn gọi giật sau lưng:
- Em ăn mì rồi hãy đi học chứ !
Tới lớp, thấy Khải đứng ngay trước cửa, Nga không thèm nhìn. Nó ôm cặp đi thẳng về chỗ ngồi.
Quỳnh đang lúi húi chép gì đó trong tập. Thấy Nga vào, anh vội vã gấp tập lại và nhét vào ngăn bàn.
Nga chẳng để ý đến vẻ lấm lét của Quỳnh. Nó xích lại gần anh, nói nhỏ:
- Nga hỏi anh cái này nè !
Quỳnh xoay qua:
- Gì vậy ?
Nga vuốt tóc, giọng ngập ngừng:
- Về ý nghĩa của các loài hoa ấy mà !
Quỳnh gật gù:
- À, tôi hiểu rồi. Cũng giống như lần trước Nga hỏi chứ gì !
- Ừ. Nhưng lần này là hoa hướng dương. Anh có biết hoa hướng dương tượng trưng cho điều gì không ?
Quỳnh giật thót. Gần đây, những câu hỏi của Nga về các loài hoa khiến Quỳnh cảm thấy ngờ ngợ. Anh mơ hồ nhận ra một điều gì đó. Tại sao hết hoa lay-ơn lại tới hoa hướng dương, quỷ thật ! Quỳnh mải theo đuổi những ý nghĩ trong đầu, quên cả trả lời Nga khiến Nga sốt ruột:
- Sao, anh nhớ ra chưa ?
Quỳnh lại giật mình. Anh vội vàng đáp:
- À, à, tôi nhớ ra rồi ! - Đang nói, Quỳnh bỗng ngập ngừng nhìn Nga, vẻ bẽn lẽn - Nhưng mà... nhớ cái gì hén ?
Nga phì cười:
- Anh đãng trí thật đấy ! Vậy mà cũng bảo nhớ ra rồi !
Mũi Quỳnh lập tức đỏ ửng. Anh nhăn mặt nhíu mày cố nhớ xem vừa rồi Nga hỏi câu gì. Và càng nhăn nhó, mặt anh càng khó coi, hai vành tai thì không ngừng động đậy. Vẻ khổ sở của Quỳnh khiến Nga động lòng. Nó liền nhắc:
- Ý nghĩa của hoa hướng dương !
Quỳnh thở phào. Anh lấy lại vẻ tươi tỉnh:
- Chà, vậy mà bỗng dưng quên mất !
Rồi anh nhìn Nga, hắng giọng:
- Hoa hướng dương hả ? Hoa hướng dương tượng trưng cho niềm tin và hy vọng.
Nga cắn môi. Niềm tin và hy vọng ? Khải còn hy vọng gì ở mình nữa đây không biết ! Khổ ơi là khổ ! Người đâu mà dai hơn đỉa. Người ta đã không ưa mà cứ đến nhà hoài. Cũng tại chi Ngàn mà ra tất. Chị có thiện cảm với Khải. Thế là anh ta cứ bám vào đó mà "tấn công" mình. Lại còn dám đùa dai với mình và chị Ngàn nữa. Bí bí mật mật, cứ làm như ta đây là Sherlock Holmes không bằng !
Vừa nghĩ ngợi, Nga vừa liếc ra cửa nhưng chẳng thấy Khải đâu. Chắc "con đỉa" đã bò đi chỗ khác rồi.
Quỳnh ngồi bên cạnh, dòm Nga lom lom. Anh thắc mắc đủ thứ nhưng vẻ thẫn thờ của Nga khiến anh ngậm tăm.
Mãi một lát sau, khi Nga quay lại mỉm cười với anh, anh mới khẽ hỏi:
- Sao hổm rày, Nga quan tâm đến các loài hoa dữ vậy ?
Câu hỏi của Quỳnh khiến Nga phân vân. Nga không biết có nên kể thật với Quỳnh câu chuyện về những bông hoa hay không. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, Nga nhủ bụng: Thôi, kể làm gì ! Trò tán tỉnh nhăng nhít của Khải hay ho gì mà nói cho Quỳnh biết ! Nó bèn nói tránh:
- À, tại vì... lúc này Nga đang học cắm hoa.
- Học cắm hoa ?
Thấy Quỳnh có vẻ chưa tin, Nga "phịa" luôn:
- Ừ, Nga học ở Câu lạc bộ Phụ Nữ. Mai mốt, Nga còn học làm bánh nữa.
Quỳnh lại hỏi, giọng ngạc nhiên:
- Bộ ở đó người ta không dạy cho Nga biết ý nghĩa của các loài hoa sao ?
Nga ậm ừ:
- Ờ, ờ... không ! Không hiểu sao Nga chẳng thấy ai dạy điều đó. Người ta chỉ dạy cắm hoa thôi.
Nga vừa "phịa" vừa nhìn Quỳnh bằng ánh mắt cảnh giác. Nhưng Quỳnh chẳng phát hiện ra điều gì. Nghe Nga nói, Quỳnh chỉ gật gù:
- Kỳ quá hén ! Nhưng mà tôi nhớ những điều này có đầy đủ trong các cuốn sách dạy cắm hoa. Để hôm nào tôi sẽ tìm cho Nga.
Trước nhiệt tình của Quỳnh, Nga chẳng dám hó hé một lời. Nga chỉ lặng lẽ gật đầu. Nó sợ nó lên tiếng, Quỳnh sẽ tiếp tục hỏi về chuyện cắm hoa. Nó "phịa" một hồi, đằng nào cũng bị "lòi đuôi".
Nhưng dường như Quỳnh chẳng rõ tâm trạng của Nga. Anh mấp máy môi định hỏi tiếp, bất chấp chuyện Nga có lên tiếng hay không.
Vẻ "quan tâm" của Quỳnh khiến Nga lo sốt vó. Nó chưa biết làm sao để thoát ra khỏi tình huống ngặt nghèo này thì đúng lúc đó, Luận xuất hiện. Nga thở một hơi dài não ruột. "Thoát" khỏi Quỳnh mà "rơi" vào tay Luận thì còn tệ hơn một triệu lần.
Theo đúng như bài bản trước nay, Luận xuất hiện... cao cao bên cửa sổ.
Như đã chuẩn bị sẵn, vừa xuất hiện là Luận phát pháo liền. Lần này, rút kinh nghiệm, Luận "tránh" Nga ngay từ đầu. Nó chỉ "nện" Quỳnh:
- Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh ngồi gần
Mai anh ngồi xa
Xích vô rồi lại xê ra
Mũi anh đỏ tấy tới ba bốn ngày.
Cũng như lần trước, dàn đồng ca lập tức phụ họa:
- Tới ba bốn ngày ! Tới ba bốn ngày !
Thấy Luận khôn khéo né mình, Nga chưa tìm ra cớ để vặc lại. Nó chong mắt dòm ra cửa, thầm mong Hạnh xuất hiện. Nhưng Hạnh đã tếch đi đâu mất.
Trong lúc đó, Quỳnh mím môi ngồi im. Anh không co rúm người lại như trước đây. Chỉ có mặt anh đỏ ké, cái mũi vừa đỏ vừa túa mồ hôi.
Thật ra, từ lâu Luận chẳng còn thấy hào hứng trong chuyện châm chọc Quỳnh. Thằng quỷ nhỏ hiền như cục bột, chọc hoài cũng chán. Luận chỉ muốn "nện" Nga. Nhưng lần trước Nga làm dữ, mấy đứa cùng cánh với Luận sợ run. Luận không sợ, nhưng chưa nghĩ ra cách trấn an đồng bọn, Luận đành phải tạm thời "tha" Nga.
Nga được tha thì Quỳnh phải lãnh. Hai đứa chơi thân với nhau thì đứa này phải gánh cho đứa kia. Hơn nữa, lần trước Luận đã trêu tụi nó một trận ra trò. Nếu Hạnh không kịp thời can thiệp, chắc thằng quỷ nhỏ xỉu tại chỗ. Vậy mà tụi nó vẫn không ngán. Sau lần đó, Nga và Quỳnh vẫn tiếp tục cặp kè với nhau, chẳng coi Luận ra cái thá gì hết. Càng nghĩ, Luận càng ức. Nó liền nheo mắt nhìn Quỳnh, eo éo ghẹo tiếp:
- Đũa mốc mà vọc mâm son
Hai tai chàng vẫy như con bướm vàng.
Quỳnh nghiến chặt răng. Anh cố trân mình giữ thân người thật thẳng. Quỳnh tự bảo mình: phải bình tĩnh, phải bình tĩnh, đây chỉ là trò đùa chơi của Luận, chứ nó chẳng có ác ý gì đâu ! Mặc dù tự động viên mình như vậy, nhưng những lời châm chích của Luận khiến lòng Quỳnh nhói đau. Nếu ngồi một mình, có lẽ Quỳnh đã để mặc những giọt nước mắt buồn tủi lăn dài trên má. Quỳnh sẽ khóc tha hồ như ngày bà ngoại qua đời. Quỳnh sẽ khóc nức nở như ngày ba Quỳnh từ bỏ mẹ con Quỳnh để đi theo một người đàn bà xa lạ. Vâng, Quỳnh sẽ khóc tức tưởi mà không thèm chùi nước mắt. Nhưng đó là khi ngồi một mình kia. Còn ở trong lớp, giữa bao nhiêu bạn bè, chẳng bao giờ Quỳnh làm thế. Quỳnh chỉ nghiến răng, khụt khịt mũi và thầm mong trò đùa tai ác của Luận sẽ nhanh chóng qua đi.
Nhưng Luận là chúa đùa dai. Nó đã trêu ai là trêu đến nơi đến chốn. Nếu Hạnh hoặc Khải không can thiệp, chắc chắn chẳng bao giờ Luận buông tha Quỳnh nửa chừng. Khổ nỗi, sáng nay cả Khải lẫn Hạnh đều trốn đâu mất biệt.
Trong khi đang than thầm trong bụng thì may thay, chuông vào lớp đột ngột vang lên.
Quỳnh thở phào. Nhưng anh chưa kịp đứng dậy, tiếng Nga đã khẽ vang lên bên tai:
- Anh không buồn chứ ?
Nga hỏi anh giống hệt như lần trước. Và anh cũng trả lời hệt như lần trước:
- Không ! Tôi không buồn !
Nhưng lần này, Quỳnh nói dối. Lời trêu chọc của Luận sáng nay lần đầu tiên bắt Quỳnh phải nghĩ tới sự cách biệt giữa "đũa mốc" và "mâm son".
Chương 14
Luận ra về vội vàng.
Trưa nay, nó phải ăn cơm sớm để đầu giờ chiều đi công chuyện.
Chả là dì Sáu, em ruột của mẹ nó, sắp sửa xuất cảnh đi Úc. Trước khi đi, dì hứa tặng lại cho gia đình nó một số đồ gỗ trong nhà, gồm hai cái tủ, hai cái bàn và một cái đi-văng vừa có thể làm ghế ngồi vừa có thể làm giường ngủ được. Trong các món đó, Luận đã "chấm" trước cái tủ sách. Luận rất mê đọc sách nhưng trong nhà chẳng có được một cái tủ sách cho ra hồn. Trước nay, sách mua về, Luận chỉ nhét dấm dúi vào các ngăn bàn. Lâu ngày, cuốn thì bị mọt ăn, cuốn thì bị chuột gặm, trông đau lòng hết sức. Bây giờ, vớ được cái tủ lộng lẫy của dì Sáu, Luận mừng rơn.
Khi Luận lên tiếng đòi "sở hữu" cái tủ, ba Luận đồng ý ngay. Ba Luận còn hứa sẽ dành thêm cho Luận một cái bàn để Luận làm bàn học riêng. Ôi, nếu được vậy thì còn mong muốn gì hơn nữa. Kể từ hôm đó, Luận cứ mong chóng đến ngày mình được làm chủ cái gia tài bằng gỗ kia.
Vì vậy, khi dì Sáu hẹn một giờ chiều nay qua chở mọi thứ về, suốt buổi sáng ngồi trong lớp, Luận cứ lóng nga lóng ngóng chờ chuông reo tan học.
Lúc đầu giờ, chọc phá thằng quỷ nhỏ một hồi, Luận còn khuây khỏa được chút xíu. Lúc đó, thấy thằng quỷ nhỏ sắp khóc đến nơi, Luận cũng thấy tội tội. Và Luận chợt nhận ra mình chọc hơi ác. Đã mấy lần Luận tính buông tha Quỳnh, nhưng nếu tự nhiên rút lui, Luận lại sợ "quê" với Nga. Tiếng chuông reo kịp thời đã giúp Luận... rút lui trong danh dự. Và từ lúc ấy, Luận quên phắt cả Quỳnh lẫn Nga. Nó chỉ nhớ đến dì Sáu và mấy thứ đồ gỗ của dì.
Ăn qua quít vài chén cơm, Luận tót lên giường nằm đọc sách. Nó không ngủ trưa. Vừa đọc sách, Luận vừa nhấp nhổm canh đồng hồ.
Mới một giờ kém hai mươi, Luận đã chồm dậy phóng xe ra khỏi nhà như bị ma đuổi. Đồ gỗ của dì Sáu cồng kềnh, xích lô không chở nổi. Luận phải đi kêu xe ba gác.
Chẳng biết xe đậu bến chỗ nào, Luận đứng bên mé đường, trông ngang ngó dọc một hồi. Lâu thật lâu, Luận chẳng tìm được chiếc xe nào. Có hai, ba chiếc chạy qua trước mặt Luận thì đã chất đống hàng hóa.
Gần nửa tiếng đồng hồ sau, khi Luận đã đứng mỏi nhừ cẳng, mới có một chiếc xe không trờ tới. Chắc là chiếc xe vừa dỡ hàng xong, Luận nhủ thầm và mừng rỡ ngoắc lia:
- Ba gác ! Ba gác !
Chiếc xe vội vã tấp vào lề. Ngồi thùm thụp trong thùng xe là một thằng nhóc trạc cỡ Luận. Nó mặc một chiếc quần ka ki bạc phếch, chiếc áo màu xám, có hai, ba miếng vá to bằng bàn tay, mũ kéo sụp xuốn trán che kín nửa mặt. Nhưng Luận không buồn để ý đến thằng nhãi phụ việc đó. Nó liếc người đàn ông đang ngồi trên yên xe, vồn vã:
- Có mấy cái tủ mấy cái bàn, chú chở giùm về Ngã Bảy chút !
- Đồ để đâu ?
- Gần đây nè ! Chú đi theo cháu !
Nói xong, Luận quày quả đi trước. Người đàn ông chậm rãi đạp xe theo sau.
Đồ đạc nhiều, người đàn ông và thằng nhóc đi theo phải xoay ngang xoay dọc, ken tới ken lui một hồi mới chất hết lên xe. Trong khi người đàn ông ngồi dính trên yên để giữ thăng bằng thì thằng nhóc cầm cuộn dây thừng đi vòng quanh thùng xe để ràng chặt những món đồ gỗ vào các thanh sắt bằng những vòng quấn chằng chịt.
Khi mối gút cuối cùng đã được cột xong, Luận liếc người đàn ông, nôn nao hỏi:
- Đi chưa chú ?
- Đi.
Người đàn ông gật đầu, đáp gọn lỏn.
Người đàn ông nói "đi" là để trả lời Luận. Nhưng với thằng nhóc phụ việc, đó là một hiệu lệnh. Nó vội vàng chạy lại phía sau thùng xe, tì tay vào thanh sắt, gập người đẩy mạnh.
Các bánh xe nhúc nhích và uể oải lăn. Sẵn trớn, người đàn ông mím môi nhấn mạnh bàn đạp, "đề-pa".
Xe chở nặng nên chạy rề rề. Thằng nhóc bây giờ lếch thếch đi bộ theo sau, thỉnh thoảng lại chạy lúp xúp. Luận đạp xe tà tà bên cạnh, chốc chốc lại buộc miệng chỉ đường mặc dù người đàn ông chạy xe còn rành đường hơn cả Luận.
Tới một ngã tư không có đèn hiệu giao thông, xe cộ qua lại nườm nượp, chiếc ba gác phải nhích từng chút một. Thằng nhóc lại nắm lấy thanh sắt nơi thành xe, đẩy phụ.
Khi chiếc ba gác sắp qua khỏi giao lộ, thình lình một chiếc xích lô chở đầy nhựa phế phẩm trờ tới sát bên, những ống nhựa trên xe chỉa lởm chởm cả ra ngoài.
Thằng nhóc vừa nhác thấy, chưa kịp hụp người tránh thì một ống nhựa đã quẹt trúng đầu. Chiếc xích lô chạy chậm, ống nhựa quẹt trúng chẳng hề hấn gì. Nó chỉ hất văng cái nón trên đầu thằng nhóc. Thằng nhóc vội vàng nhoài người xuống đường nhặt lấy cái nón. Nó vừa khom mình vừa lấm lét liếc về phía Luận, cánh tay còn lại che ngang mặt.
Nhưng Luận đã kịp thời trông thấy. Nó sửng sốt kêu:
- Quỳnh !
Biết không thể giấu giếm được nữa, Quỳnh đứng thẳng người dậy và ngượng ngập đập đập cái nón vào ống quần.
Người đàn ông chạy xe ngạc nhiên nhìn Luận:
- Ủa, hai cháu biết nhau hả ?
Luận liếc Quỳnh, lúc này đang bối rối quay mặt đi chỗ khác, ấp úng đáp:
- Dạ, chúng cháu là... bạn.
Người đàn ông cười hỏi:
- Bạn sao nãy giờ không nhận ra ?
Luận lúng túng. Nó không biết phải trả lời làm sao trước câu hỏi hóc búa đó. Từ nãy đến giờ, Luận đâu có biết thằng nhóc đẩy xe là Quỳnh. Quỳnh ăn mặc khác hẳn lúc ở trường, lại kéo cái nón che hết nửa mặt, có thánh mới nhận ra. Vả lại, không bao giờ Luận nghĩ một học sinh về nhà lại đi đẩy xe ba gác. Vì vậy, ngay từ đâu Luận chẳng để mắt nhiều đến thằng nhãi lam lũ kia. Nếu Quỳnh không rủi ro đánh rớt cái nón, có lẽ chẳng bao giờ Luận biết được hoàn cảnh của Quỳnh.
Không trả lời câu hỏi của người đàn ông, nhưng từ lúc đó, Luận không ngồi thong dong trên xe đạp nữa. Nó dắt xe đi bộ bên bạnh Quỳnh.
Lúc này, Quỳnh đã kéo vành nón lên khỏi trán, nhưng anh vẫn lặng thinh đếm bước. Từ khi Luận phát hiện ra Quỳnh đến giờ, Quỳnh vẫn chưa hé môi một lần nào.
Sau một thoáng ngỡ ngàng, Luận dần dần bình tĩnh trở lại. Biết Quỳnh còn ngại ngùng vì sự gặp gỡ bất ngờ, Luận tìm cách phá tan sự im lặng. Nó hắng giọng hỏi, cố làm ra vẻ thản nhiên:
- Mày chạy xe vầy có kiếm được khá không ?
Quỳnh liếm môi. Anh nói, vẫn không nhìn Luận:
- Cũng tàm tạm. Tao chỉ phụ cho ông chú.
- ổng không chạy một mình được sao ?
- Trước đây ổng vẫn chạy một mình. Gần đây, ổng mắc chứng đau lưng, phải cần tao phụ.
Ngập ngừng một lát, Luận lại hỏi:
- Mày phụ cho ông chú lâu chưa ?
- Khoảng bốn tháng nay. Sắp tới, chú tao nghỉ, tao đạp một mình.
Luận ái ngại:
- Mày đạp một mình nổi không ?
- Chắc là nổi.
- Nhưng như vầy thì cực lắm !
Quỳnh cắn môi:
- Mày đừng lo ! Tao chịu cực quen rồi !
Giọng Quỳnh bình thường nhưng Luận nghe như một lời than. Tự nhiên Luận cảm thấy thấy bùi ngùi. Nó nhìn Quỳnh, vẻ băn khoăn:
- Chứ ba mày làm nghề gì ?
- Ba tao hả ? Ba tao... chết rồi !
Nói xong, bất giác Quỳnh đỏ mặt. Anh buộc lòng phải nói dối Luận. Anh không muốn bất cứ ai biết ba anh bỏ nhà đi theo vợ bé. Chuyện chẳng hay ho gì !
- Còn mẹ mày ? - Luận lại hỏi.
- Mẹ tao sao ?
- Mẹ mày làm nghề gì ?
- Mẹ tao bán thuốc lá.
- Bán ngoài chợ hả ?
Quỳnh lắc đầu:
- Không. Ở ngoài chợ là người ta bán sỉ. Còn mẹ tao bán thuốc lẻ. Đặt thùng thuốc trước nhà, ai mua thì bán.
Luận chép miệng:
- Bán vậy đâu có được bao nhiêu tiền ?
- Thì không được bao nhiêu cho nên tao mới đi theo ông chú đẩy xe ba gác. Tao phụ thêm cho mẹ tao được đồng nào hay đồng nấy.
Luận không hỏi nữa. Nó lặng lẽ đi bên Quỳnh, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn bạn thương cảm. So với Quỳnh, Luận sướng hơn nhiều. Ở nhà, Luận chẳng phải làm gì nặng nhọc. Luận chỉ có mỗi việc học hành, khi nào muốn đi chơi thì xin tiền ba mẹ. Chẳng bao giờ Luận phải bận tâm về cuộc sống. Trước đây, Luận tưởng bạn bè trong lớp đứa nào cũng giống như mình. Hôm nay tình cờ gặp Quỳnh, Luận mới vỡ lẽ mọi chuyện không giống như mình nghĩ. Hóa ra trong cuộc đời, bên cạnh những người sung sướng vẫn có bao nhiêu người vất vả.
Nghĩ ngợi một hồi, Luận lại liếc Quỳnh, khẽ nói:
- Hôm nào tao ghé nhà mày chơi hén ?
Quỳnh ngần ngừ:
- Nhà tao xa lắm !
Luận khịt mũi:
- Xạo đi mày ! Tao vẫn thấy mày đi bộ tới trường hoài ! Nhà xa sức mấy mày đi bộ nổi !
Quỳnh nuốt nước bọt:
- Nhưng nhà tao... nghèo lắm ! Chẳng có gì cả !
Luận nhún vai:
- Nghèo giàu thì ăn thua gì !
Rồi không đợi cho Quỳnh từ chối, Luận nói luôn:
- Tao đến chơi hén ?
Túng thế, Quỳnh đành phải gật đầu.
Luận cười toe:
- Vậy mày cho địa chỉ đi !
Quỳnh nói số nhà. Không đem theo giấy bút, Luận phải nhẩm tới nhẩm lui địa chỉ của Quỳnh trong miệng cho khỏi quên.
Khi xe tới nhà, Luận không đứng ngó như lúc ở nhà dì Sáu. Nó xông vào phụ với Quỳnh khiêng các thứ tủ bàn lỉnh kỉnh vào nhà. Luận còn rủ Quỳnh ở lại chơi nhưng Quỳnh lắc đầu:
- Tao còn phải đi chở hàng đằng kia. Hẹn với người ta rồi.
Rồi Quỳnh ấp úng dặn Luận:
- Mày đừng nói với ai về chuyện bữa nay nghen !
- Ừ, tao không nói đâu !
Và Luận đột nhiên nắm lấy tay Quỳnh, giật giật:
- Nhưng mà này...
- Gì vậy ? - Quỳnh nhìn Luận, ngạc nhiên.
Luận chớp mắt:
- Mày không còn giận tao chứ ?
- Giận chuyện gì ?
- Chuyện... tao chọc mày trên lớp đó ! Tao bậy quá !
Quỳnh cười:
- Tao không giận mày đâu ! Tao chỉ buồn thôi. Nhưng bây giờ tao cũng hết buồn rồi.
Nói xong, Quỳnh quay ra xe.
Luận đứng trước hiên nhà ngẩn ngơ nhìn theo bạn. Nó quên bẵng cái tủ sách và cái bàn học bấy lâu ao ước. Trong đầu Luận lúc này đang lởn vởn mấy câu vè độc địa trước đây nó vẫn dùng để "làm khổ" Quỳnh, những câu vè nó đang cố quên đi.
Nguồn: docsach.mobi