Chương 13:
Phú ghẻ là chúa xúi bậy. Không biết nó ngốc thật hay ngốc giả bộ mà xúi tôi làm toàn chuyện "xưa nay chưa ai làm".
Ai đời con trai hẹn hò với con gái mà phải đi nhờ người con gái "giới thiệu" cho mình một vài điểm hẹn. Tôi mà dại dột nghe lời nó, ngoác miệng hỏi Cẩm Phô, chắc Cẩm Phô tưởng tôi vừa trốn ra từ bệnh viện tâm thần.
Dù ra sao thì ra, tôi quyết không nghe lời Phú ghẻ. Tôi tới nhà Cường.
Thấy tôi lại mò đến, Cường rụt cổ:
- Lại đến hỏi tội gì nữa đây?
Tôi ngồi xuống ghế:
- Tao tới nhờ mày.
Cường thở phào:
- Nhờ chuyện gì?
- Thì chuyện đó chứ chuyện gì! - Tôi gãi đầu - Tối nay mày ghé nhà Cẩm Phô giùm tao!
Cường cười:
- Chĩa chĩa ngón tay nữa hả?
Tôi gật đầu:
- Ừ, tao cần gặp mặt nó gấp! Khoảng một rưỡi trưa mai!
Cường tròn mắt:
- Cũng trong quán bà Thường?
- Thằng này hỏi lạ! - Tôi nhăn mặt - Không gặp ở đó thì gặp ở đâu?
Cường vẫn nhìn tôi lom khom:
- Mày hết sợ Liên móm rồi hả?
Tôi thở dài:
- Ngày mai tao gặp Cẩm Phô lần cuối cùng!
Lời tuyên bố của tôi khiến Cường sửng sốt. Nó lắp bắp:
- Ớ... ơ...
- Mày ở đó mà "ú ớ"! Tao về đây!
Nói xong, không đợi Cường kịp hoàn hồn, tôi bỏ về.
Tối đó, tôi trằn trọc mãi. Tôi đã quyết định rồi. Ngày mai tôi sẽ nói với Cẩm Phô là tôi sẽ không gặp nó nữa. Tôi cũng nói cho nó biết tôi không gặp nó nữa không phải là vì tôi hết yêu nó mà vì lũ bạn trời đánh của nó ngày nào cũng lôi tôi ra chọc ghẹo. Nhất là con Liên móm. Nó ỷ có cái miệng móm nó muốn nói gì thì nó nói! Nó nói riết, chắc từ giờ đến già tôi hết dám yêu ai! Tôi cũng nói cho Cẩm Phô biết tôi quyết định không gặp nó còn là vì tôi lo cho bản thân của nó nữa. Nếu con nhỏ móm xọm kia cứ nói ra nói vào, trước sau gì câu chuyện bí mật kia giữa tôi và nó cũng sẽ đến tai ba mẹ nó. Lúc đó, muốn thoát nạn, nó chỉ có nước bỏ xứ ra đi.
Hết ý này đến ý kia, tôi nằm thao thức, lan man nghĩ ngợi. Trong lòng tôi chất chứa toàn những chuyện buồn thương, oán trách. Ngày mai nghe tôi "trút bầu tâm sự", chắc Cẩm Phô nước mắt rưng rưng. Thấy tôi vì lo lắng cho nó đành để trái tim tan vỡ, chắc nó sẽ sụt sùi như mưa ngâu tháng bảy. Chắc nó sẽ không thèm nhìn mặt Liên móm. Ý nghĩ đó khiến nỗi giận hờn trong lòng tôi nguôi ngoai được một chút. Và tôi ngủ thiếp đi.
Hôm sau trên đường đạp xe đến quán bà Thường, tôi cứ dòm dáo dác. Dòm đến lần thứ... hai mươi, cổ tôi mỏi nhừ. Nhưng tôi không thể nào ra lệnh cho cái đầu nằm im trên cổ được. Nó hết ngoẹo bên này lại ngoẹo bên kia.
Từ trước đến nay, những lần đi đến chỗ hẹn với Cẩm Phô, tôi cứ cắm đầu cắm cổ chạy thẳng một mạch, chẳng thèm dòm quanh, ngó quất lôi thôi. Nhưng từ hôm Liên móm mở miệng trêu, tôi không còn giữ được vẻ thản nhiên đó nữa. Dọc đường đến quán bà Thường, lúc nào tôi cũng cảm thấy Liên móm và Thùy Dương đang nấp ở một xó xỉnh nào đó để rình rập theo dõi, nhất cử, nhất động của tôi.
Dĩ nhiên tôi biết những suy nghĩ đó là phi lý nhưng cứ chốc chốc tôi lại ngoảnh cổ dòm sau lưng và lia mắt quan sát từng gốc cây, cột điện ven đường xem thử có gì khả nghi không. Cảm giác đó thật là khốn khổ. Cứ hệt như mình là một kẻ bất lương.
Cẩm Phô dĩ nhiên không biết đến những gì đang xảy ra trong lòng tôi. Vừa trông thấy tôi nó đã hỏi ngay:
- Làm gì mặt mày anh bí xị vậy?
Tôi cười méo xẹo:
- Có gì đâu!
Cẩm Phô đưa tay hất mớ tóc ra sau lưng, mắt nheo nheo:
- Anh hẹn Cẩm Phô ra đây để nghe anh nói dối hả?
Con nhỏ Cẩm Phô này! Chơi với Liên móm riết, bây giờ nó ăn nói toàn giọng móc họng! Đã vậy, tôi chả thèm đắn đo nữa. Bằng một giọng ấm ức, tôi kể tất tần tật những "tội ác" của Liên móm mấy ngày vừa qua. Và tôi ngậm ngùi tuyên bố quyết định của mình.
Cẩm Phô ngồi nghe, không nói một lời. Chỉ đến khi tôi tuyên bố "chia tay", nó mới nhếch môi:
- Chỉ có vậy mà anh không muốn gặp Cẩm Phô nữa?
Tôi ấp úng:
- Tôi sợ cho Cẩm Phô!
- Tôi không sợ, việc gì anh phải sợ?
Câu hỏi của Cẩm Phô khiến tôi cứng họng. Không biết đáp sao, tôi đành kể cho Cẩm Phô nghe tâm trạng khổ sở của tôi trên đường đạp xe đến đây.
Nghe xong, Cẩm Phô tặc lưỡi:
- Vậy tôi với anh đừng đến chổ này nữa là xong!
Tối hôm qua, tôi tưởng tượng khi nói chuyện chia tay, Cẩm Phô nếu không ngất xỉu cũng sụt sịt. Nào ngờ nó tỉnh khô. Thậm chí nó còn tán thành ý định của tôi một cách chóng vánh.
Tôi là người đề nghị "không gặp nhau nữa", nhưng đến khi Cẩm Phô đồng ý với đề nghị đó, tôi lại xìu như bún. Nếu bây giờ có một người ngất xỉu thì chắc chắn người đó là tôi, chứ không phải Cẩm Phô. Con gái gì mà lòng gang dạ sắt!
Cẩm Phô ngó tôi:
- Anh làm sao vậy?
Tôi đáp như kẻ chết rồi:
- Mai mốt không gặp Cẩm Phô nữa, tôi buồn lắm!
- Ai bảo anh là không gặp?
Tôi buồn thỉu buồn thiu:
- Gặp trên trường thì nói làm gì?
- Ai bảo anh là gặp trên trường?
Cẩm Phô làm tôi ngẩn ngơ quá đỗi. Tôi nhìn nó lạ lùng:
- Chứ gặp ở đâu?
- Ở nhà chị Cẩm Phiêu!
Cẩm Phiêu là chị của Cẩm Phô. Chị đã lấy chồng ra ở riêng hai năm nay. Nhà chị ở gần bến xe thị trấn. Tôi chưa gặp chị bao giờ, chỉ nghe Phú Ghẻ "tường thuật" sơ qua khi kê khai lý lịch của Cẩm Phô dạo nọ. Vốn sẵn ấn tượng về ba mẹ Cẩm Phô, tôi vừa mừng vừa ớn:
- Chị Cẩm Phiêu có... giống tính ba mẹ Cẩm Phô không?
Tôi không dám nói "dữ" bèn sửa lại là "giống tính ba mẹ". Cẩm Phô là đứa thông minh. Nó hiểu ngay tôi muốn nói gì, nên mỉm cười đáp:
- Chị Cẩm Phiêu hiền khô hà!
Nụ cười của Cẩm Phô lúc này đẹp như nụ cười của thiên thần. Đúng là chỉ có thiên thần thứ thiệt mới tìm ra lối thoát nhanh chóng và dễ dàng như thế. Nếu không có nó, tôi chẳng biết tiếp tục chuyện tình của mình ở đâu. Nếu không có nó, trước đây tôi đã gặp hiểm họa khi dại dột đột nhập vô nhà nó một mình một bóng. Phú ghẻ nói đúng, tụi con gái thông minh hơn tụi con trai gấp tỉ lần. Và Cẩm Phô là đứa con gái thông minh nhất trong những đứa con gái. Vậy mà tôi nỡ giận dỗi đòi chia tay với nó vì một chuyện cỏn con không đáng một đồng xu. Càng nghĩ ngợi, tôi càng cảm thấy xấu hổ. May mà Cẩm Phô tưởng tôi đỏ mặt vì trưa nắng.
- Nhưng không phải đến nhà chị Cẩm Phiêu ngồi chơi đâu à nghen! - Cẩm Phô cười cười nhìn tôi - Anh phải ôm tập tới đó học chung với Cẩm Phô!
Lời đề nghị bất thần của Cẩm Phô khiến tôi giật thót. Nỗi hân hoan chưa kịp ngấm vào... lục phụ ngũ tạng đã vội vàng nhưng chỗ cho sự lo âu. Tôi là đứa học hành chẳng ra ôn gì, năm nào cũng ì à ì ạch như trâu kéo cày. Người ta bảo "xấu che, tốt khoe". Vậy mà Cẩm Phô lại yêu cầu tôi học chung với nó. Học chung với nó chẳng khác nào vỗ ngực xưng tên "Tưởng gì chứ chuyện học tập, từ trước đến giờ chưa thằng nào sợ thằng này".
Nhưng tôi không thể thoái thác. Thoái thác chẳng khác nào "chưa đánh đã khai". Rằng tôi là người đầu óc ngu si, tứ chi phát triển. Rằng tôi sợ học còn hơn sợ quỉ một giò. Vả lại, từ chối chuyện học chung có nghĩa là tôi từ chối luôn cả cơ may tình cảm của mình. Từ chối một lần là mãi mãi chia tay.
Không còn cách nào khác, tôi đành phải gật đầu và chiều hôm đó tôi phóng xe xuống nhà Phú ghẻ.
- Chết tao rồi, mày ơi! - Vừa bước vào nhà tôi vừa hổn hển kêu lên.
Phú ghẻ sờ tay lên vai tôi:
- Mày còn sống nhăn mà!
Tôi ngồi phịch xuống ghế:
- Nhưng mà sắp chết!
- Mày định uống thuốc ngủ tự tử hả?
- Thuốc ngủ cái đầu mày! Sắp tới Cẩm Phô bắt tao học chung với nó!
Rồi không đợi Phú ghẻ hỏi tới hỏi lui, tôi kể cho nó nghe nội dung cuộc gặp gỡ giữa tôi và Cẩm Phô hồi trưa.
Không quan tâm đến sự lo lắng của tôi, Phú ghẻ cười toe:
- Thấy chưa! Tao đã bảo là Cẩm Phô nó sẽ nghĩ ra một điểm hẹn mới cho tụi mày mà!
Tôi hừ mũi:
- Đây là "điểm học" chứ không phải là "điểm hẹn"
- Học hay hẹn gì cũng vậy thôi! Đằng nào tụi mày cũng có chỗ để gặp nhau!
Tôi thở dài:
- Nhưng tao có biết cóc khô gì mà học chung với nó! Học chung với nó chỉ tổ lòi cái dốt của mình ra!
- Mày yên chí! Cẩm Phô nó còn học dốt hơn mày nhiều!
- Xạo đi mày! - Tôi nhìn Phú ghẻ giọng bán tính bán nghi - Trên đời làm gì có đứa học dốt hơn tao!
Phú ghẻ khịt mũi:
- Nhưng Cẩm Phô là một đứa như vậy! Mấy đứa con gái đẹp đẹp bao giờ cũng học dốt!
Tôi bĩu môi:
- Ai bảo mày vậy?
- Cần gì ai bảo! Cẩm Phô năm ngoái học lớp mười, năm nay cũng học lớp mười, chẳng lẽ như vậy gọi là... học giỏi?
Sự tiết lộ của Phú ghẻ làm tôi chưng hửng. Tôi há hốc mồm:
- Nó... lưu ban?
Phú ghẻ nhún vai:
- Chứ còn gì nữa! Nó học lớp mười bên Trần Cao Vân, thằng Luyện học lớp mười bên Huỳnh Thúc Kháng, nếu nó không bị lưu ban, làm sao em nó học ngang lớp với nó được!
Tôi nhìn ra đường và thở một hơi dài thườn thượt. Lòng tôi bỗng chốc não nề. Tôi không ngờ Cẩm Phô đã từng học lớp mười năm ngoái. Như vậy là nó lớn hơn tôi một tuổi. Nó không chỉ là "chị hai nhỏ Châu" mà còn đáng mặt làm "chị hai" của tôi nữa.
Phú ghẻ không hiểu bụng dạ tôi. Thấy tôi mặt mày ủ ê, nó tưởng tôi chán ngán vì vớ phải một người yêu học hành chẳng ra gì. Nó tưởng tôi tuyệt vọng vì đã dốt lại trót "trao thân gởi phận" cho một người còn dốt hơn, tương lai sẽ đen như mực tàu pha hắc ín. Vì vậy, nó vỗ vai tôi, giọng trấn an:
- Mày đừng buồn! Cẩm Phô mặc dù bị lưu ban nhưng cũng giỏi hơn cả khối đứa!
Cái lối bào chữa vụng về của Phú ghẻ, con nít cũng không tin nổi! "Giỏi hơn cả khối đứa" nhưng vẫn cứ bị "lưu ban" thì "giỏi hơn" làm cái cóc khô gì!
Nhưng tôi mặc xác Phú ghẻ, không thèm vặn vẹo. Tôi chỉ chép miệng:
- Nhưng tao vẫn thấy sợ sợ là.
- Sợ chuyện gì?
Tôi gãi đầu:
- Thì chuyện học chung ấy!
- Việc quái gì phải sợ! Nó giỏi hơn cả khối đứa nhưng đâu có giỏi hơn mày! - Phú ghẻ trấn an tôi.
Tôi tặc lưỡi:
- Chính vì nó không giỏi hơn tao nên tao mới sợ!
Phú ghẻ lắc đầu:
- Tao không hiểu! Mày nói gì nghe bí hiểm quá!
Tôi cười gượng gạo:
- Hai đứa dốt học chung với nhau, nó hỏi tao, tao trơ mắt ếch, tao hỏi nó, nó giương.... mắt nai, vậy học chung để làm cái khỉ mốc gì!
Phú ghẻ dòm tôi lom khom:
- Chứ chẳng lẽ mày muốn nó giỏi hơn mày?
- Không! - Tôi toét miệng cười - Tao muốn tao giỏi hơn nó!
- Dễ thôi! Chỉ sợ mày không có quyết tâm!
Phú ghẻ vừa nói, vừa nhìn tôi bằng ánh mắt thăm dò.
Tôi nhìn lại nó:
- Làm sao mới gọi là "có quyết tâm?"
Phú ghẻ liếm môi:
- Mày không được copy bài làm của tao nữa! Phải tự mình học hành đàng hoàng!
Tôi "xì" một tiếng:
- Tưởng gì! Tao thèm vào cóp-pi bài làm của mày!
- Mày lại dốc tổ! - Phú ghẻ nheo nheo mắt.
- Để rồi xem! - Tôi thu nắm tay lại - Bắt đầu từ ngày mai, tao sẽ cho mày biết tao là một con người như thế nào!
Sau khi tuyên bố một câu chắc nịt như đinh đóng cột, tôi hầm hầm bỏ về.
Tôi rơi vào kế khích tướng của Phú ghẻ mà không biết.
Kể từ hôm đó, tôi như trở thành một con người khác. Hễ đi học về tới nhà, ăn qua loa vài chén cơm xong là tôi ôm tập ra sau vườn ngồi học. Ngày nào cũng vậy.
Học đến tối mờ tối mịt, đến khi không còn đọc thấy chữ nữa, tôi mới vứt tập trên bãi cỏ và đứng dậy xách thùng đi múc nước tưới hoa.
Tưới hoa xong tôi lại vào phòng chong đèn ngồi... học tiếp.
Thấy tôi đột ngột đổi tính, nhỏ Châu lạ lắm. Nó tò mò quan sát tôi như thể quan sát một quái vật đến từ... kỷ Jura.
Nó tò tò đi theo tôi riết đến nỗi tôi phát bực, gắt:
- Mày làm cái trò gì mà cứ lẽo đẽo bám theo tao hoài vậy?
Nhỏ Châu gãi tai:
- Em coi thử!
- Coi cái gì? - Tôi hầm hè - Tao có phải là khỉ sở thú đâu mà mày theo coi!
Nhỏ Châu chớp mắt:
- Em coi thử tại sao anh siêng học bất tử như vậy?
Tôi ngẩng mặt nhìn trời:
- Tao học siêng từ hồi nào đến giờ chứ bộ!
Nhỏ Châu "xì" một tiếng:
- Siêng học mà đòi xuống nhà ngoại đi chăn bò!
Nhỏ Châu nhắc chuyện cũ khiến tôi đỏ mặt. Tôi ậm ừ:
- Hồi đó khác, bây giờ khác! Bây giờ tao lớn rồi, tao phải... có ý thức chứ!
Thấy tôi ăn nói có vẻ chững chạc, trịnh trọng, nhỏ Châu không dám cà khịa nữa. Nó đứng nhìn sững tôi một hồi, rồi quay lưng chạy vụt vô bếp. Chắc nó đi kể với mẹ tôi về việc một đứa lười chảy thây như tôi đột nhiên lại đâm ra "có ý thức" một cách không thể nào tin nỗi.
Có lẽ nhỏ Châu tỉ tê với mẹ tôi thật. Nên trong bữa cơm tối hôm đó, tôi thấy mẹ tôi nhìn tôi bằng ánh mắt âu yếm gấp bội ngày thường.
Và qua ngày hôm sau, trong mâm cơm thình lình xuất hiện đĩa thịt bò xào thơm phức và chễm chệ một tô canh bí đỏ nấu với đậu phộng. Người ta đồn, bí đỏ ăn bổ óc. Mẹ tôi cho tôi ăn món này chắc muốn đầu óc tôi thông minh sáng láng như con người ta. Mẹ tôi sợ tôi biếng nhác lâu ngày, đầu óc sinh ra mụ mẫm, học trước quên sau, học sau quên trước. Còn dĩa thịt bò chắc là để tăng thêm chất dinh dưỡng cho một người "suốt ngày chỉ biết lo học" như tôi.
Lâu nay nhà tôi chỉ toàn ăn cá và các loại rau củ, nay vớ được đĩa thịt xào, tôi ăn ngấu nghiến, hệt như một kẻ sắp chết đói, chết khát tới nơi.
Mẹ tôi ngồi bên, không những chẳng la rầy, chốc chốc lại còn lên tiếng "cổ vũ":
- Ăn đi con! Ăn nữa đi con!
Nhỏ Châu thường ngày hay dành ăn với tôi, bữa nay hình như nhận hiệu lệnh từ trước, suốt từ đầu đến cuối bữa ăn, nó tuyệt nhiên không rớ đũa đến đĩa thịt thơm nứt mũi kia lấy một lần, làm như đó không phải là đĩa thịt bò mà là... một quả bom nguyên tử vậy.
Sự siêng năng đột ngột của tôi lay động đến cả trái tim sắt đá của ba tôi. Trong bữa ăn, ông không nói gì nhưng đến tối, lúc tôi đang ngồi học trong phòng, ông lặng lẽ bước vào và tiến sát đến sau lưng tôi.
Tôi biết ông vào nhưng tôi không ngẩng đầu lên, cứ chúi mũi vào cuốn tập trước mặt. Mặc dù không làm gì sai trái, hễ có ông đứng bên, tim tôi lại đập thình thịch. Bao giờ cũng vậy. Điều đó gần như là một phản ứng tự nhiên, có nguồn gốc từ xa xưa lắm, có lẽ từ ngày tôi lãnh cú "thiết cước" của ông lần đầu tiên vào mảnh be sườn non nớt.
Tôi hồi hộp ngồi phía trước, ba tôi câm nín đứng phía sau, hệch như cảnh mèo rình chuột. Mãi một lúc lâu, khi biết chắc cuốn sách trên tay tôi là cuốn giáo khoa chứ không phải cuốn "tự học ghi ta" hay một cuốn truyện võ hiệp vớ vẫn nào, ba tôi mới nhẹ bước quay ra sau khi buông thõng một câu:
- Kêu con Châu làm nước chanh cho mà uống!
Tính cách của ba tôi hoàn toàn xa lạ với những biểu hiện mềm yếu. Lần này cũng vậy, giọng nói của ông chẳng có lấy một chút dịu dàng. Nhưng dù sao, so với vẻ lạnh lẽo thường ngày thì sự quan tâm của ông đối với tôi như vậy đã là nồng nhiệt lắm. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng biết đâu ông vừa bước ra khỏi phòng vừa rưng rưng nước mắt, vì không kềm giữ được nỗi xúc động khi bắt gặp cái cảnh thằng con mình chong đèn ngồi học, cái hình ảnh mà từ khi sinh ra tôi đến giờ ông chỉ nhìn thấy trong mơ...
Ba tôi, và cả mẹ tôi lẫn em gái tôi nữa, đâu có biết rằng sở dĩ tôi siêng học bất tử như vậy là vì tôi sợ "quê mặt" khi học chung với Cẩm Phô chứ chẳng phải tôi "có ý thức ý thiếc" gì ráo. Nếu học cho tôi hoặc cho gia đình tôi thì ... còn lâu!
Hè vừa rồi học để thi chuyển cấp, tôi học còn chẳng ra hồn, suýt chút nữa phải "chuyển ngành" về quê chăn bò cho ngoại, huống chi bây giờ đang giữa năm học, tôi ngu gì gò lưng tôm học lấy học để cho khổ thân! Nhưng dù vậy, thấy mọi người vì cái sự siêng học đột xuất của tôi mà đâm ra quấn quít cả lên và thay nhau chăm sóc tôi từng li từng tí, tôi mơ hồ nhận thấy cái sự siêng năng ở đời xem ra cũng lắm hay ho!
Chỉ có Phú ghẻ là biết rõ "động cơ đen tối "của tôi. Nhưng nó là thằng kín miệng. Trước sau không hề "tố giác" bí mật của tôi với bất cứ ai.
Cứ chiều chiều vào khoảng bốn rưỡi, năm giờ, nó đạp xe đến nhà tôi kèm tôi học. Nó muốn tôi đừng copy nó thì nó phải có nghĩa vụ làm sao cho tôi nếu không giỏi hơn thì ít ra cũng giỏi bằng nó. Đó là lẽ đương nhiên.
Phú ghẻ học giỏi, tận tình với bạn nhưng có cái tật là hay đổ quạu.
Bữa đầu tiên chỉ tôi học, thấy tôi lơ đãng, nó độp liền:
- Cặp mắt mày để ở đâu vậy?
- Thì vẫn để trên mũi chứ đâu!
- Học ra học, giỡn ra giỡn! - Phú ghẻ sừng sộ - Mày mà còn giở cái giọng đó ra lần nữa là tao bỏ về ráng chịu à!
Thấy Phú ghẻ mới làm thầy chưa được năm phút mà đã bày đặt quát tháo, tôi định ngoác mồm nói "Bỏ về cái đầu mày!" nhưng sực nhớ lần này tôi học không phải vì tôi mà vì... Cẩm Phô nên đành đấu dịu:
- Để từ từ tao học! Mày làm gì dữ vậy!
Nhưng hai "thầy trò" chỉ ngồì với nhau thân ái được chừng mười lăm phút, Phú ghẻ bỗng khám phá ra tôi đần độn hơn nó tưởng, liền ngả người vào thành ghế, kêu lên bằng một giọng thảm thiết:
- Trời ơi!
- Ơi - Tôi phì cười đáp.
Phú ghẻ đứng phắt dậy, mặt hầm hầm:
- Mày ở đó mà "ơi"! Tao về!
Nói xong, nó đùng đùng bước ra cửa.
Tôi phải chạy theo níu tay nó, miệng rối rít:
- Thôi, thôi, tao không giỡn nữa!
Phú ghẻ giật tay ra:
- Kệ mày! Tao về!
Tôi lại chộp lấy tay nó:
- Thôi mà! giận hoài!
Thấy tôi nhất định không cho nó về, Phú ghẻ quay mặt lại:
- Mày thề đi!
- Thề sao?
- Thề sẽ ngồi học đàng hoàng!
Tôi giơ tay lên trời:
- Thề sẽ ngồi học đàng hoàng!
Phú ghẻ nhìn tôi lom khom:
- Đứa nào nói láo thì sao?
Tôi nuốt nước bọt:
- Thì xe cán chết... đứa kia!
"Vù" một cái, Phú ghẻ ra tới ngoài sân. Lần này không chộp tay nó được, tôi bèn phóng người ôm lấy hai chân nó. Và nằm lăn dưới đất, tôi ngoác mồm kêu inh ỏi:
- Xe sẽ cán chết đứa nào nói láo còn đứa kia vô can!
Phú ghẻ lắc đầu vẻ ngán ngẩm. Nó không nói, cũng không cười, chỉ thất thểu quay vào bàn học. Nó có vẻ khoái làm bạn tôi hơn là làm thầy tôi.
Nhưng tôi chỉ trêu tức Phú ghẻ mấy bữa đầu. Những ngày kế tiếp, sự chăm chỉ của tôi khiến Phú ghẻ ngạc nhiên tột độ. Cũng như nhỏ Châu, nó không tin vào mắt mình. Nó không tin tôi là thằng Chuẩn nó quen biết từ hồi học lớp sáu. Thằng Chuẩn đó lười kinh người chứ đâu có như thằng Chuẩn đang ngồi nghểu cổ trước mặt nó và đang há hốc mồm uống từng lời nó giảng.
Phú ghẻ chơi đòn khích tướng, lừa cho tôi học. Nhưng đến khi tôi chịu học, mặt nó thuỗn ra vì kinh ngạc. Và cả sung sướng nữa. Nó hân hoan tuyên bố:
- Nếu cứ như thế này, mày sẽ đứng nhất lớp!
Tôi vung tay:
- Nhất trường nữa!
- Ngồi lại đàng hoàng đi!
Nhưng chỉ một lát sau, Phú ghẻ quên ngay trò phá bỉnh của tôi. Nó lại gật gù biểu dương tôi:
- Mày quả sáng dạ hơn tao tưởng!
Nhưng dù "sáng dạ" đến đâu, tôi cũng không thể đuổi kịp chương trình ở lớp. Bỏ bê bài vở quá lâu nên dù được Phú ghẻ kè tận lực, tôi cùng chỉ nhúc nhích từng bước một, không thể nhảy vọt một cái thành nhất trường ngay được.
Cũng vì vậy tôi chưa thể hiên ngang ôm tập đến nhà chị Cẩm Phiêu để học chung với "chị hai nhỏ Châu", dù trái tim tôi ngày nào cũng nhắc chằm chặp. Tôi nấn ná đợi cho trình độ học vấn của mình nâng cao thêm vài cen-ti-met nữa.
Trong những ngày này, Cẩm Phô chắc nhớ tôi lắm. Nên một hôm đang ngồi chơi ở nhà Phú ghẻ, tôi thấy thằng Luyện chạy qua.
- Chị Cẩm Phô hỏi anh sao không đi học? - Luyện nói, mắt nhìn tôi vẻ dò xét.
Tôi ngơ ngác:
- Hồi sáng tao có đi học mà!
Luyện bằng tuổi tôi, nhưng tôi coi nó như "em" nên xưng hô "mày tao" thoải mái.
- Đi học thêm kìa! - Luyện nheo nheo mắt, chắc nó tưởng tôi giả bộ.
Nhưng tôi quên thật. Phải ngớ người ra một hồi, tôi mới hiểu Luyện muốn nói gì.
- À! - Tôi khịt mũi - Mày về nói với Cẩm Phô là vài bữa nữa tao mới đi được! Hổm rày tao bận... đi kiếm mấy cây hồng dại về ghép nhánh!
Tôi vừa nói vừa dòm chừng Phú ghẻ, sợ nó ngứa miệng nói bậy. Nhưng Phú ghẻ chỉ ngồi cười cười. Sao tự dưng nó bỗng dễ thương ghê vậy không biết?
Chương 14:
Tôi nói với thằng Luyện chừng vài bữa nữa tôi sẽ đi "học thêm". Nhưng chương trình khổ luyện nhằm lấy lại những gì đã mất kéo dài cả tháng trời đằng đẵng.
Trong thời gian đó, Cẩm Phô không thèm nhìn mặt tôi. Nó chỉ sai thằng Luyện đến gặp.
Luyện đến mang theo một lô câu hỏi:
- Bộ anh giận chị Cẩm Phô hả?
- Đâu có!
- Vậy sao anh không ghé nhà chị Cẩm Phiêu?
- Tao đã nói rồi. Tao bận.
- Chừng nào anh mới hết bận?
Tôi gãi cằm:
- Tao cũng không biết nữa.
Lần nào, Luyện cũng hỏi tôi những câu hỏi đó. Và tôi cũng chỉ biết trả lời mơ hồ như vậy. Sau vài lần Cẩm Phô đâm chán, không thèm sai Luyện đi "nắm tình hình" nữa.
Cẩm Phô đâu có biết tôi nhớ nó còn hơn nó nhớ tôi nhiều. Tôi nóng lòng được gặp lại nó biết bao. Nếu không bị thôi thúc bởi ước muốn sớm được gặp lại nó, tôi đã chẳng vùi đầu học hùng hục như một tên tù khổ sai như thế.
Tôi vốn không phải là đứa thông minh sáng láng. Chơi bời tôi chẳng bằng Cường. Học hành tôi thua Phú ghẻ. Ở nhà ai cũng bảo tôi lù đù, chậm chạp. Ba tôi ưa so sánh, gọi tôi là "thằng đầu bò". Mấy con bò nhà ngoại tôi mà nghe thấy, chắc chúng buồn lắm. Giữa tôi và chúng, chưa biết ai ngu hơn ai! Nói chung, tôi chỉ vĩ đại dưới mắt mỗi một người. Đó là nhỏ Thảo hàng xóm. Với nó, tôi luôn luôn là số một.
Tôi là một đứa đần độn như vậy, nếu không vì Cẩm Phô, chẳng việc gì tôi phải tự hành hạ mình cho chết xác. Chính vì nó, chính vì cái chức "chị hai nhỏ Châu" mà tôi dự định phong cho nó, tôi đành phải "lấy cần cù, bù khuyết điểm". Tôi học ngày học đêm. Tôi học đến toát mồ hôi trán, váng mồ hôi đầu. Ròng rã cả tháng trời như vậy.
Nói cho chính xác, từ hôm đầu tiên Luyện hỏi thăm sức khỏe tôi ở nhà Phú ghẻ cho đến buổi chiều tôi có thể đàng hoàng gấp tập lại và bước ra khỏi phòng với tư thế đĩnh đạc của một thằng Chuẩn vừa "đại tu" lại đầu óc, trái đất đã quay chung quanh nó cả thảy là hai mươi sáu vòng.
Tới ngày thứ hăm bảy, tôi đi lùng thằng Luyện. Tôi mò xuống tận bờ sông, nơi nó và thằng Cường cùng một lô một lốc những đứa Huỳnh Thúc Kháng khác đang thi nhau lặn hụp.
Thấy tôi thình lình xuất hiện, Cường mừng rơn. Nó toét miệng cười vồn vã:
- Mày kiếm tao hả?
Tôi bĩu môi:
- Kiếm mày làm cái mốc gì! Tao đi kiếm thằng Luyện!
Nghe thấy tôi đi kiếm nó, Luyện quày quả lội vào bờ.
- Mày nói với Cẩm Phô là tao ghép hoa xong rồi. Ngày mai tao sẽ ghé nhà chị Cẩm Phiêu.
Luyện vuốt mái tóc ướt:
- Mấy giờ?
- Hai giờ. Mày nói Cẩm Phô tới trước đợi tao. Tới đó một mình tao sợ lắm.
Luyện "ừ". Rồi nó rủ:
- Anh xuống tắm không?
Tôi từ chối:
- Để bữa khác! Chiều nay tao bận lắm!
Tôi không dám nói với Luyện là tôi đang thèm nhảy xuống nước muốn chết, nhưng tôi phải về coi lại bài vở để chuẩn bị cho cuộc chạm trán ngày mai. Đây là kỳ thi cực kỳ đặc biệt trong cuộc đời học trò của tôi. Tôi có thể thi rớt ở bất cứ kỳ thi nào nhưng với kỳ thi này tôi bắt buộc phải đậu. Nếu không chỉ có nước treo cổ.
Khi tôi quay xe về, Cường la toáng lên từ dưới mặt sông:
- Để chiếc huy chương vàng lại đó! Lấy xe tao mà về!
Nhưng mặc cho nó la làng, tôi phóng xe chạy tuốt.
Trưa hôm sau ăn cơm xong, tôi cứ bồn chồn đi tới đi lui trong nhà. Chốc chốc tôi lại liếc đồng hồ, rồi lại... đi lui đi tới. Tôi không dám ghé nhà chị Cẩm Phiêu sớm. Tới sớm nhỡ Cẩm Phô chưa tới, tôi không biết phải đối đáp như thế nào với chị nó.
Nhỏ Châu ngó tôi:
- Anh bị muỗi đốt hả?
- Không.
- Hay là anh bị kiến cắn?
- Kiến đâu mà cắn!
Nhỏ Châu chớp mắt:
- Chứ sao anh không ngồi một chỗ mà đi loanh quanh hoài vậy?
Nhỏ Châu làm tôi bực mình quá xá.
- Kệ tao! - Tôi gắt - Chân tao, tao đi, mắc mớ gì đến mày!
Thấy tôi sửng cồ, nhỏ Châu không hỏi nữa. Nhưng làm thinh được một lát, nó lại ngứa miệng:
- Chị Cẩm Phô nghỉ chơi anh ra rồi hả?
Tôi giật mình:
- Ai bảo mày vậy?
- Đâu có ai bảo! - Nhỏ Châu vừa đáp vừa nhìn tôi bằng ánh mắt thăm dò - Tại em thấy anh dạo này không đi gặp chị nữa!
Tôi hừ mũi:
- Mày ngu quá! Bây giờ tao đi gặp nó đây nè!
- Gặp ở đâu? - Cặp mắt nhỏ Châu mở lớn, lộ vẻ tò mò.
- Ở nhà chị nó. Chị Cẩm Phiêu ấy!
Miệng nhỏ Châu há hốc:
- Thật không? Sao anh gan quá vậy ?
Tôi nhún vai:
- Tao đến đó để học chứ đâu phải để chơi! Tao dạy cho chị hai mày học!
- Xạo đi!
Tôi nhếch mép:
- Tao xạo mày làm chi! Trình độ tao bây giờ dạy cho Phú ghẻ cũng còn được nữa là Cẩm Phô!
Nói xong tôi giật mình ngó ra sân, xem Phú ghẻ có lảng vảng đâu đây không.
Tôi thở phào khi thấy ngoài sân vắng ngắt. Ban trưa trời nắng, thiên hạ ở cả trong nhà. Phú ghẻ chắc lại càng ngủ kỹ.
Tôi liếc nhỏ Châu, thấy nó đang nhíu mày bặm miệng, có vẻ đang suy nghĩ lung lắm. Con nhỏ này, ngoài mặt thì nó kêu tôi xạo nhưng trong bụng chắc nó đã tin tôi đến chín chục phần trăm!
Trong vòng một tháng trở lại đây, thấy tôi cắm đầu học lấy học để sách không rời tay, dám nó tưởng tôi đã thành "nhà bác học" rồi không chừng! Nhất là nó thấy tôi cứ liên tục vỗ ngực xưng tên, nào là "có ý thức" nào là "có trình độ", những từ ngữ mà trước đây anh hai nó chưa bao giờ dám nghĩ tới chứ đừng nói là huênh hoang khoe mẽ!
Nhưng nó nghĩ gì mặc nó, tôi liếc xuống đồng hồ nơi tay và vội vã phóng xe ra khỏi nhà.
Cẩm Phô đứng chờ tôi ngay trước cửa nhà chị nó. Vừa trông thấy tôi nó cụp mắt xuống giọng hờn dỗi:
- Tưởng anh quên luôn Cẩm Phô rồi chứ!
Tôi quệt mồ hôi trán, cười cười:
- Quên sao được mà quên!
- Không quên sao bữa nay mới tới?
Tôi lại nhe răng khỉ:
- Mấy bữa nay tôi bận ghép hoa!
Không biết Cẩm Phô có tin tôi không mà nó quay phắt lại, ngúng nguẩy đi vào.
Tôi dắt xe lên hiên, dựng sát vách tường rồi lật đật đi theo.
Cẩm Phô dẫn tôi đi xuyên qua hành lang tới một căn phòng rộng có dăm chậu hồng kê sát cữa sổ. Tôi ngắm mất chậu hồng bằng nửa con mắt: Xấu hoắc! Không bằng một góc mấy chậu hồng của mình!
Nhưng những chậu hồng còm cõi kia không làm tôi ngạc nhiên bằng sự vắng lặng của ngôi nhà. Không biết anh chị của Cẩm Phô đi đâu mà để tôi với nó một mình một cõi. Hệt như hai đứa tôi đang ngồi với nhau trong quán bà Thường.
Nghĩ tới đó, tôi ngẩn người ra nhìn "chị hai nhỏ Châu". Phải chăng Cẩm Phô cố tình bày ra như vậy. Nó tìm cách đuổi khéo anh chị nó đi để tôi và nó được tự do "tình tự". Phú ghẻ nói y như thánh. Con gái mà đã chọn "điểm hẹn" thì bao giờ cũng hết ý! Cẩm Phô đã tốn bao nhiêu công sức mới sắp đặt được một chỗ "học chung" tịch mịch như thế, vậy mà tôi cứ nấn ná chần chờ. Hèn gì nó trách tôi quên nó! Tội nghiệp nó ghê!
Tôi đặt tập vở lên bàn, hai tay xoa xao vào nhau, cố tìm một từ ngữ tương xứng để khen tặng Cẩm Phô. Nhưng tôi chưa kịp mở miệng đã có người mở miệng trước:
- Em là Chuẩn phải không?
Tiếng nói phát ra ngay sau lưng khiến tôi giật mình quay lại. Đứng ngay ngưỡng cửa là một người phụ nữ hao hao giống Cẩm Phô. Dù chưa gặp mặt lần nào, tôi biết ngay đó là chị Cẩm Phiêu.
Chị Cẩm Phiêu hai tay cầm hai ly nước rau má, mắt nhìn tôi vẻ thân thiện.
- Dạ... dạ...
Tôi đáp, giọng không giấu vẻ bối rối mặc dù chị Cẩm Phiêu trông chẳng giống chút nào với các "vị thần giữ cửa" đằng tiệm thuốc Hồng phát.
Tôi "dạ, dạ" được mấy tiếng rồi đứng im, chẳng dám nói gì, cũng chẳng dám ngồi xuống. Cẩm Phô đứng bên cạch che miệng cười hích hích càng khiến tôi thêm lúng túng.
Cũng may chị Cẩm Phiêu là một ngườì tử tế. Thấy tôi không được tự nhiên, chị bước lại đặt hai ly nước lên bàn, giọng dịu dàng:
- Thôi, các em ngồi học bài đi! Chị để nước đây, khi nào khát thì uống!
Nói xong, chị nhẹ gót quay ra.
Cẩm Phô ngó tôi:
- Chị Cẩm Phiêu hiền không?
-Hiền.
- Chị hiền nhất thế giới! - Cẩm Phô tán dương chị.
Tôi định nói "Chỉ không hiền nhất thế giới đâu! Nếu hiền nhất thế giới, bữa nay chỉ đã... di vắng chứ đâu có ở nhà!". Nhưng cuối cùng tôi đã tỉnh táo tốp lại kịp. Tôi mà bộp chộp nói ra "ý nghĩ đen tối" đó, Cẩm Phô sẽ cho tôi là một kẻ chẳng ra gì, học không lo học, chỉ nghĩ toàn chuyện bậy bạ. Tính lợi tính hại một hồi, tôi giở giọng a dua, hùa theo Cẩm Phô:
- Ừ, chỉ hiền nhất thế giới! - Rồi tôi chép miệng nói thêm - Không những hiền nhất thế giới mà còn hiền nhất vũ trụ nữa!
Cẩm Phô nguýt tôi:
- Lại dóc đi!
Tuy nói vậy nhưng đôi mắt Cẩm Phô vẫn ánh lên vẻ thích thú.
Chỉ tiếc là sự thích thú của nó không kéo dài. Khi nỗi hân hoan về một bà chị hiền nhất vũ trụ lắng xuống, Cẩm Phô sực nhớ ra mục đích của cuộc gặp gỡ hôm nay.
- Bữa nay mình ôn môn gì hén?
Mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhưng mỗi lần nghe nhắc đến chuyện học, tôi vẫn nghe sống lưng đột ngột ớn lạnh - hệt như đó là một "phản xạ bẩm sinh". Nhưng chính chữ "mình" trong câu hỏi của Cẩm Phô đã cổ vũ tôi. Cái tiếng thân thương đó đã giúp tôi đứng vững trước nỗi sợ hãi. Và tôi ưỡn ngực dõng dạc:
- Tùy Cẩm Phô! Tôi thì... ôn môn gì cũng được!
Cẩm Phô dòm vô thời khóa biểu:
- Ngày mai có hai tiết toán. Vậy bữa nay ôn lại hình học đi!
Trong các môn, tôi khá nhất là môn toán. Vì vậy tôi gật đầu ngay, sợ để lâu Cẩm Phô đổi ý:
- Vậy mình ôn môn hình!
Tôi vừa nói vừa lật tập sột soạt, vẻ hăng hái như sắp sửa đi thi học sinh giỏi toán toàn quốc đến nơi.
Thật ra trình độ của tôi hiện nay chưa chắc đã giỏi hơn ai, nhưng so với Cẩm Phô thì rõ ràng tôi đáng... làm thầy nó.
Đúng như Phú ghẻ nói, tôi đã dốt, Cẩm Phô còn dốt hơn tôi nhiều.
Học chung với nó một lát, tự nhiên tôi cảm thấy tôi vĩ đại quá chừng. Tôi giảng thao thao bất tuyệt, còn nó chỉ biết ngóc cổ ngồi nghe, chốc chốc lại gật đầu phụ họa.
Lúc cao hứng tôi cũng lên giọng quát tháo om sòm, quên bẵng người ngồi trước mặt là "chị hai nhỏ Châu" tương lai. Nói chung mấy hôm trước Phú ghẻ nạt nộ tôi thế nào, bữa nay tôi nạt nộ lại Cẩm Phô y như vậy, thậm chí còn hơn nữa!
Nhưng mặc tôi hung hăng giương nanh múa vuốt, Cẩm Phô trước sau tịnh không trách móc hoặc giận hờn. Chắc nó cũng quên bẵng tôi là thằng Chuẩn quần thừa áo vá. Nó đinh ninh tôi là thầy giáo mới đổi về dạy ở trường. Thật khác xa với những lúc nó bắt chước miệng lưỡi con Liên móm để "quay" tôi như quay dế trong quán bà Thường! Sự hứng khởi trong lòng tôi dâng lên cao đến mức đôi khi tôi có cảm tưởng được làm thầy Cẩm Phô khoái hơn làm người yêu nó nhiều!
Mà làm sư phụ một đứa như Cẩm Phô thì đúng là hách xì xằng thật. Căn bản môn hình học dường như nó cất đâu trong các ngăn kéo ở ngoài tiệm thuốc tây. Bài "Các phép biến hình" dễ ơi là dễ, vậy mà tôi giảng hoài nó vẫn ngơ ngơ ngác ngác.
Tôi bảo nó phân biệt phép biến hình đồng nhất với phép quay tâm O, nó cạy cục vẽ tới vẽ lui cả buổi vẫn chưa xong.
Tôi bảo nó chứng minh tích của hai phép dời hình là một phép dời hình, nó lại chứng minh là nó không hề biết gì về những chuyện như vậy.
Thế là tôi lại được dịp "lên lớp". Nào là muốn học giỏi ngồi trong lớp phải tập trung nghe thầy giảng ra sao, lúc về nhà phải chịu khó làm bài tập như thế nào...
Cẩm Phô không biết tôi lặp lại vanh vách những điều Phú ghẻ vừa "lên lớp" tôi nên nó cứ giương mắt dòm tôi đầy thán phục.
Buổi "xuất quân"đầu tiên của tôi lẽ ra còn thành công rực rỡ và trọn vẹn hơn nữa, nếu như trong bài "các phép biến hình" không có phần về tam giác đồng dạng.
Thông thường, hai tam giác đồng dạng là hai tam giác có các cạnh tương ứng tỉ lệ với nhau. Nhưng riêng với tam giác vuông, chỉ cần biết cạnh huyền và một cạnh góc vuông có tỉ lệ tương ứng bằng nhau cũng có thể suy ra trường hợp đồng dạng.
Những định lý này ngay từ hồi cấp hai chúng tôi cũng đã từng được nghe giảng sơ qua. Vậy mà khi tôi vẽ hai tam giác vuông với hai cạnh có tỉ lệ tương ứng, rồi hỏi:
- Hai tam giác này có đồng dạng không?
Cẩm Phô cứ cắn viết suy nghĩ cả buổi. Chắc có lẽ nó thấy thiếu một cặp cạnh tương ứng tỉ lệ.
Sốt ruột, tôi "gà":
- Cẩm Phô thấy hai tam giác này có gì dặc biệt không?
Lúc bình thường, có lẽ Cẩm Phô đáp ngay không cần nghĩ ngợi. Nhưng nãy giờ bị tôi quát tháo ghê quá, nó mất bình tĩnh đến mức hầu như chẳng hiểu tôi hỏi gì.
Thấy nó một mực làm thinh, tôi đâm quạu:
- Tam giác này là tam giác gì?
Tôi hỏi giọng gắt gọng. Cẩm Phô dường như cũng hết mức chịu đựng. Thấy tôi quạu, nó quạu theo:
- Tam giác Béc-mu-da!
Đòn phản công bất thần của Cẩm Phô làm tôi choáng váng mặt mày, hệt như vừa ăn một cú đấm của Mohamet Ali vào quai hàm. Trong một thoáng, tôi cảm thấy căn phòng như nghiêng hẳn đi. Và trong cái thế giới vẫn còn đang đảo lộn ghê gớm đó, tôi chếch choáng đứng dậy và ôm tập đi thẳng ra cửa không một lời từ giã...
Nguồn: docsach.mobi