Chương 3: Những đứa trẻ cùng lớp
Cái tin chúng tôi được nghỉ học một tuần quả là một bất ngờ thú vị.
Sáng nay, chuông reo vào lớp đã hơn mười phút, cô Lan vẫn không thấy xuất hiện. Trong khi cả lớp đang ồn ào bàn tán thì cô hiệu trưởng xuống báo: cô Lan ốm, chúng tôi được nghỉ hết tuần này.
Cô hiệu trưởng vừa quay ra, thằng Cường đã hét toáng:
-A ha! Thế là tớ khỏi phải học bài!
Nhỏ Thúy reo:
-Mình sẽ chơi nhảy dây suốt!
Tôi cũng hân hoan không kém:
-Tớ sẽ đi Vũng Tàu thăm bố tớ. Tớ sẽ tha hồ tắm biển!
Ba đứa tôi chưa hết hí hửng, nhỏ Nam Lai đã nạt ngang:
-Cô giáo ốm, các bạn vui lắm hả?
Nhỏ Nam Lai là lớp trưởng. Nó lên tiếng, chúng tôi đành im miệng. Hơn nữa, nó hỏi "móc họng" kiểu đó, chẳng biết phải đáp thế nào. Chẳng lẽ bảo thật là mình rất vui?
Mãi một lát, Cường mới ấp úng:
-Tớ vui vì khỏi phải học bài chứ đâu phải vì...cô giáo ốm!
Tôi lập tức hùa theo:
-Tớ cũng vậy! Tớ chỉ vui vì sắp được đi thăm bố tớ thôi!
Nhỏ Nam Lai nguýt dài:
-Các bạn muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, nhưng chiều nay phải tới thăm cô!
Trưa đó, trong bữa cơm, tôi nói với mẹ ý định đi thăm bố của tôi.
Mẹ bảo:
-Nếu con muốn, đi ngay chiều nay cũng được. Chiều nay có ô-tô của cơ quan bố con đi Vũng Tàu.
-Không được, mẹ ạ! - Tôi khịt mũi - Sáng mai con mới đi được. Chiều nay con phải đi thăm cô giáo.
Ba giờ chiều, cả bọn có mặt ở nhà Nam Lai, đợi nó dẫn đi. Chỉ có Nam Lai là biềt nhà cô Lan. Nó từng tới nhà cô nhiều lần để giúp cô cộng điểm và sắp xếp sổ sách. Nhỏ Nam Lai bảo nhà cô rất nghèo. Chồng cô là cán bộ địa chất, quanh năm đi suốt. Cô ở nhà một mình, làm bạn với bà hàng xóm sát vách.
Đường đến nhà cô rất ngoằn ngoèo. Nhỏ Nam Lai dẫn cả bọn chui qua nhà lồng chợ, quanh ra phía sau những hàng rau cải, nhảy qua ba vũng nước rồi đến một con hẻm.
Nhà cô Lan ở cuối hẻm. Đó là một căn nhà nhỏ, mái tôn vách ván, nằm liền dãy với những căn nhà khác. Khi chúng tôi gõ cửa, bà hàng xóm ở nhà bên cạnh thò đầu ra. Thấy chúng tôi, biết là học trò cô Lan, bà bước qua mở cửa:
-Các cháu vào đi!
Cô Lan đang nằm trên chiếc giường kê sát cửa sổ. Thấy chúng tôi vào, cô chậm chạp chỏi tay ngồi dậy, giọng đượm mừng vui:
-Các em vào đây với cô!
Thấy cô cử động có vẻ khó nhọc, nhỏ Nam Lai vội bước dậy đỡ lưng cô:
-Cô cứ nằm nghỉ đi!
Nhỏ Thúy hỏi, giọng lo âu:
-Cô bị bệnh gì thế hở cô?
Cô Lan đặt tay lên ngực:
-Phổi cô có nước, hễ trở mình là đau nhói. Các bác sĩ bảo cô vào nằm viện để họ lấy nước ra, nhưng cô không muốn. Cô chỉ ở nhà chích thuốc thôi!
Thằng Cường làm không:
-Vào nằm viện tốt hơn chứ cô?
-Thì tốt hơn! Nhưng nằm viện sẽ mất hàng tháng, cô sẽ không thể dạy các em được! Vả lại, nghĩ đến cảnh các bác sĩ sẽ đâm mũi kim to sụ vào lưng mình, xuyên tới tận phổi để rút nước, cô sợ lắm!
Nhìn cô Lan vừa nói vừa rụt cổ, tôi ngạc nhiên nhận thấy cô chẳng giống chút nào với vẻ oai nghiêm ở trên lớp. Trước mặt tôi là một phụ nữ hiền lành, nhỏ nhắn, ốm đau và đơn độc. Tôi không rõ chứng bệnh của cô có liên quan gì đến việc cô phải suốt ngày hao hơi khản tiếng với bọn tôi không, nhưng dù không phải như vậy, sự vui mừng của tôi trước tin cô ốm sáng nay quả là một thái độ đáng xấu hổ!
-Rồi ai chăm sóc và lo cơm nước cho cô, hở cô? - Tôi day dứt hỏi.
-Các em đừng lo! Cô đã nhờ bác hàng xóm!
Rồi như không muốn chúng tôi lo lắng, cô hỏi sang chuyện học tập của từng đứa.Cô dặn chúng tôi trong thời gian nghỉ sắp tới, mỗi ngày nên dành ra một ít thì giờ ôn bài cho khỏi quên. Cô dặn chúng tôi phải vâng lời bố mẹ. Cô khuyên không nên ăn quà vặt ngoài đường vì mùa này đang có dịch tả. Cô còn nói nhiều nhiều nữa, đến nỗi nhỏ Nam Lai phải nháy mắt bảo chúng tôi xin phép cô ra về để cho cô nghỉ.
-Tối nay tớ sẽ ôm tập đến ôn bài với nhỏ Thúy! - Trên đường về, thằng Cường bỗng buộc miệng tuyên bố.
Nhỏ Thúy lắc mái tóc:
-Buổi tối ôn bài, còn ban ngày mình đến chơi với cô! Mình chẳng thích chơi trò nhảy dây nữa!
Nhỏ Nam Lai không nói gì. Nó chỉ khụt khịt mũi và liếc tôi. Nhưng tôi chẳng nói chẳng rằng, cứ lầm lũi bước, mãi đến tận nhà. Chỉ đến khi mẹ tôi giục thu xếp đồ đạc để sáng mai đi Vũng Tàu thăm bố, tôi mới ngập ngừng lên tiếng:
-Ngày mai con chưa thể đi được mẹ ạ!
1989
Chương 4: Em gái
Mai Pha là em gái tôi. Nó có tật ưa khóc.
Trường làng tôi chỉ mở tới lớp năm. Lên lớp sáu, tôi phải ra trường huyện, ở trọ nhà chú tôi.
Năm sau, tôi lên lớp bảy, Mai Pha lên lớp sáu. Nó phải khăn gói ra huyện ở chung với tôi. Đêm đầu tiên, Mai Pha nằm trong mùng khóc rưng rức.
Tôi không ngủ được, bèn day qua nạt:
-Mày có im đi không!
Nghe tôi la, nó im được một lát. Rồi có lẽ không nén nổi, nó lại khóc thút thít.
Tôi lại day qua:
-Làm gì mày khóc hoài vậy?
Nó sụt sịt:
-Em nhớ mẹ.
-Mày nhớ mẹ thì sáng mai tao kêu chú Năm chở mày về nhà.
Nó mừng lắm:
-Anh nói thật hén?
-Ừ. Mày về nhà đi giữ bò với thằng Tèo, khỏi cần đi học!
Biết tôi nổi sùng, nó im re.
Lát sau tôi lại nghe loáng thoáng những tiếng nấc nghèn nghẹn từ giường nó. Chắc là nó úp mặt vô gối.
Sáng hôm sau, chú Năm nh́n Mai Pha cười cười:
-Hồi hôm chuột kêu rúc rích suốt đêm, cháu có nghe không?
Mai Pha đỏ mặt. Nó đấm vào lưng chú Năm thùm thụp.
Chuột còn kêu rúc rích suốt ba đêm nữa. Tới đêm thứ tư, Mai Pha mới hết khóc. Tôi hỏi nó:
-Mày hết nhớ mẹ rồi hả?
-Còn.
-Sao mày không khóc nữa?
-Em không biết. Chắc là em hết nước mắt rồi.
Tôi bĩu môi:
-Mày mà hết nước mắt! Tướng mày "mít ướt" thấy mồ!
Nghe tôi chê, Mai Pha nhe răng cười. Nó không đính chính gì hết.
Có lần, tôi với Mai Pha đang ngồi đọc sách. Nghe tiếng thút thít, tôi quay lại và thấy mắt nó đỏ hoe.
Tôi ngạc nhiên:
-Khóc nữa hả?
Nó cười bẽn lẽn:
-Đâu có.
-Xạo đi mày! Tao nghe tiếng thút thít rõ ràng!
Mai Pha đưa tay dụi mắt:
-Có con gì đó bay vô mắt em.
Tôi nhìn nó, nghi ngờ:
-Ai ngu gì chui vô mắt mày!
Dòm cuốn sách trong tay nó, tôi nói:
-Mày đưa cuốn sách tao coi thử! Chắc là mày đọc cái quỷ gì trong này!
Mai Pha chưa kịp đưa, tôi thò tay giật phắt.
Dò ngay trang nó đang đọc một hồi, tôi vỗ đùi một cái "đét", miệng la:
-Đúng ngay chóc rồi! Máy đọc tới đoạn tả cảnh nghỉ hè, mấy đứa quỷ trong này nó chia tay nó khóc tùm lum. Vậy là mày khóc theo chứ gì! Tao đoán đâu có sai!
Thấy tôi nói trúng tim đen, Mai Pha xấu hổ thò tay giật cuốn sách lại, chống chế:
-Anh đừng có đoán mò!
Tôi "xì" một tiếng:
-Thôi đi mày ơi! Tụi nó chia tay có mấy tháng, tới ngày khai trường, tụi nó lại gặp lại, có gì đâu mà khóc lóc!
Mai Pha khụt khịt mũi:
-Nói như anh thì nói làm gì!
Cãi không lại tôi, bao giờ Mai Pha cũng nói câu đó.
Mà có đứa em như nó cũng mệt. Nó "nhão nhè nhão nhẹt"! Đọc sách nó cũng khóc. Xem phim nó cũng khóc.
Nhân vật chính trên màn ảnh mới bị thương sơ sơ, trầy da chảy máu có chút xíu, nó đã nấc bốn, năm cái rồi. Đên khi nhân vật chính về chầu ông bà thì thôi khỏi nói! Nó sụt sịt cả buổi.
Vừa mất hứng, vừa mắc cỡ với những người chung quanh, tôi gắt nó:
-Mày có chịu tắt cái đài của mày đi không! Lần sau là tao không có dẫn mày đi xem phim nữa đâu!
Nhưng cái "đài" của nó mà đã mở thì không làm sao tắt được. Ở trong rạp xi nê chứ đâu phải ở nhà mà úp mặt vô gối. Rốt cuộc, không biết làm sao tôi phải lấy tay bụm miệng nó lại.
Trên đường về, tôi nói:
-Mày ngu quá! Thằng cha đó nó đóng phim nó giả bộ chết chứ đâu phải chết thật mà mày khóc!
Mai Pha rụt cổ:
-Ai chẳng biết!
-Biết sao mày còn khóc?
Mai Pha cứng họng, không trả lời được.
Tôi tưởng vậy lần sau nó sẽ không khóc nữa. Hóa ra không phải! Lần nào nó cũng khóc. Hễ có người chết là nó sụt sùi.
Không biết làm sao, tôi đành thở dài:
-Lớn lên chắc mày đi làm nghề khóc mướn quá!
Nhưng người ta chết nó khóc đã đành. Đằng này mèo chết nó cũng khóc. Khóc cả buổi.
Tôi đi học về không thấy Mai Pha đâu. Ra sau vườn, thấy nó đang ngồi một đống.
Tôi hỏi:
-Mày làm gì đó?
Mai Pha đáp khẽ, mặt vẫn cúi gằm xuống đất:
-Con Bông Bụp chết rồi!
Bông Bụp là tên con mèo của chú Năm tôi.
Tôi chép miệng:
-Nó chết là phải! Bỏ ăn bốn, năm ngày mà sống sao nổi!
Mai Pha không nói gì. Nó ngồi im lấy tay vẽ ngoằn ngoèo trên đất.
Tôi sực nhớ Mai Pha chưa trả lời câu hỏi của tôi:
-Nhưng con Bông Bụp chết rồi thì thôi, mày ngồi đây làm chi?
-Em chôn nó.
Bây giờ tôi mới nhìn thấy nắm đất nhỏ trước mặt Mai Pha. Chắc nó đắp mộ cho con Bông Bụp. Đằng trước nắm đất, nó còn cắm thêm mấy cây que, giả làm nhang.
Tôi quỳ một chân bên "mộ" và thò tay cầm mấy cái que lắc lắc.
Mai Pha la hoảng:
-Anh làm gì vậy?
-Tao coi thử.
Vừa nói tôi vừa nhìn Mai Pha và thấy nó nước mắt nước mũi dàn dụa. Hóa ra từ nãy đến giờ nó ngồi nó khóc, hèn gì mà nó cứ cúi gằm, không dám ngước lên nhìn tôi.
Tôi không nhịn được cười:
-Mèo chết mà mày cũng khóc! Mày đúng là đồ "mít ướt"!
Mai Pha xấu hổ, vùng chạy vô nhà. Vừa chạy nó vừa đưa tay quệt nước mắt.
Có lần, chú Năm mua cho tôi và Mai Pha mỗi đứa một trái mãng cầu. Vì nó là em nên được trái lớn hơn.
Đợi cho chú Năm đi khỏi, tôi gạ Mai Pha:
-Mày đổi cho tao đi! Mày nhỏ ăn trái nhỏ, tao lớn ăn trái lớn!
Mai Pha không chịu:
-Thôi, em không đổi đâu!
Tôi vẫn kiên trì:
-Mày đổi cho tao, lát nữa tao lấy giấy xếp cho mày chiếc ghe đẹp hết xẩy!
Mai Pha vẫn lắc đầu:
-Em không lấy cái gì hết!
Vừa nói nó vừa giấu trái mãng cầu ra sau lưng.
Biết không dụ nó được, tôi lột trái mãng cầu của tôi ra ăn. Mai Pha ngồi bên cạnh, dòm.
Ăn xong, tôi sai nó:
-Mày đi đổ vỏ giùm tao đi!
Không chờ tôi bảo lần thứ hai, Mai Pha cúi xuống nhặt nhạnh mớ vỏ tôi vứt bừa bãi trên nền nhà rồi chạy ra sau vườn ném xuống hố rác.
Lát sau, nó quay vào. Tôi nheo mắt, nói:
-Mày lột trái mãng cầu của mày ra ăn đi!
Tôi tính dụ nó ăn để gạ cắn vài miếng. Ai dè nó xoè tay ra, cười khúc khích:
-Em ăn mất rồi!
-Xạo đi mày!
-Thật!
Tôi quan sát Mai Pha thật kỹ nhưng không thấy trái mãng cầu ở đâu. Chắc là nó giấu đâu rồi! - Tôi nghĩ thầm và định bụng sẽ tìm cho ra.
Trưa hôm sau tiếng trống tan trường vừa vang lên, tôi đã ba chân bốn cẳng chạy về nhà.
Đúng như tôi nghĩ, Mai Pha chưa kịp về tới. Chắc nó còn đang đi thơ thẩn dọc đường.
Tôi vội vàng lục tủ nó và mừng rỡ khi thấy trái mãng cầu "trốn" trong góc tủ, sau chồng quần áo.
Thế là tôi chộp ngay trái mãng cầu và chạy ra sau hè lột ăn ngon lành.
Đang ăn, tôi bỗng nghe tiếng Mai Pha thét ầm ĩ trong nhà:
-Trái mãng cầu của em đâu rồi?
Nghe nó la bài hãi, tôi ăn vội ăn vàng, mấy miếng sau cùng tôi nuốt luôn cả hột.
Nhưng tôi chưa kịp phi tang thì Mai Pha đã chạy ra. Thấy đống vỏ lăn lóc dười đất, nó òa ra khóc.
Thấy nó bù lu bù loa, tôi cáu tiết, nạt:
-Mày có thôi om sòm đi không!
Mai Pha mếu máo:
-Ai bảo anh lấy cắp mãng cầu của em!
Tôi trợn mắt:
-Mày bảo tao là đồ ăn cắp hả? Tao cho mày một bạt tai bây giờ!
Nó sụt sịt:
-Mãng cầu em để dành trong tủ, ai bảo anh lấy chi!
Tôi "hừ" một tiếng:
-Ăn không chịu ăn, ai bảo để dành!
-Có phải em để dành cho em đâu!
-Xạo đi mày! Không để dành cho mày chứ để dành cho ai?
-Em để dành cho thằng Tèo chứ bộ! Nó thích mãng cầu nhưng đâu có mà ăn!
Thằng Tèo là em tôi. Nó kế Mai Pha. Nhà tôi không có người nên cho nó nghỉ học một vài năm, ở nhà đi giữ bò.
Nghe Mai Pha nói, tôi chưng hửng:
-Vậy sao mày không nói trước, tao đâu có biết!
Mai Pha không đáp. Nó cứ ngồi "híc, híc" nghe phát mệt. Nhưng lần này tôi không la nó. Trái lại, tôi nhẹ nhàng cầm tay nó. dỗ:
-Thôi nín đi! Bữa nào mẹ cho tiền, tao sẽ mua cho thằng Tèo trái mãng cầu khác.
-Anh nói thật không?
Tôi gật đầu:
-Thật, tao sẽ mua cho mày một trái nữa!
Mai Pha cười, những giọt nước mắt còn lấp lánh trên má:
-Còn anh nữa chi!
-À quên, tao nữa! Nhưng trái của tao nho nhỏ thôi!
Mai Pha cười khúc khích:
-Anh lấy trái nho nhỏ để đổi cho em chứ gì?
Tôi lắc đầu:
Lần này tao không gạ mày đổi nữa đâu!
Đang nói, không hiểu sao tôi nghe cay cay nơi mắt, liền đưa tay rờ.
Hình như có cái gì đó ươn ướt giống nhu nước mắt. Tôi hoảng hồn quay mặt đi chỗ khác và giật mình tự hỏi: Chẳng lẽ mình lây cái thói "mít ướt" của Mai Pha?
1990
Nguồn: docsach.mobi