Chương 7: Ông tôi
Sáng nay, tôi và cu Nhàn theo mẹ về quê thăm ông.
Trước khi đi, mẹ dặn:
-Ông khó lắm, lại thích yên tĩnh, các con không được quấy rầy ông đấy nhé!
Đã về thăm ông, lại không được "quấy rầy" rõ thật chán! Tôi ngán ngẩm nhủ bụng. Nhưng mẹ đã nói thế, tôi không dám cãi. Theo lời mẹ tôi kể thì ông khó ơi là khó. Ông khó ngay từ thời trẻ. Ông hay la rầy mọi người. Lúc nào ông cũng có một cây roi bên cạnh, dù không để đánh ai.
Trong nhà ai cũng sợ ông một phép. Bây giờ thì ông đã già, râu tóc - cả lông mày nữa - đều bạc phơ. Vì thế ông lại càng khó.
Đã dặn chúng tôi trước khi đi rồi, chưa yên tâm, sắp đến nhà ông, mẹ lại nhắc:
-Các con nhớ đấy nhé! Đến nhà ông, không được làm ồn!
Chúng tôi ở thành thị, còn ông ở dưới quê, xa tít tắp. Mỗi năm, chúng tôi chỉ về thăm ông một lần. Với bọn trẻ chúng tôi, thời gian gặp lại ông như thế là xa lắm. Xa đến mức lạ lẫm. Tính ông lại ít nói. Ông không hay đùa giỡn với chúng tôi. vì vậy chúng tôi càng sợ ông, nhất là mẹ tôi cứ nhắc chằm chặp bên tai những điều cấm kỵ
Tôi và cu Nhàn theo mẹ rón rén vào nhà. Ông đang ngồi đọc sách trên ghế xếp, bên cạnh là một tách trà. Chúng tôi khẽ cất tiếng chào ông. Ông giở mục kỉnh ra khỏi mắt:
-Ờ, ờ, các cháu về thăm ông đấy hả?
-Dạ, con dắt mấy đứa về chơi.
Vừa trả lời thay, mẹ tôi vừa lừ mắt ngầm bảo chúng tôi ra ngoài. Có lẽ mẹ sợ chúng tôi ở lại chộn rộn khiến ông bực bội.
Chỉ đợi có vậy, tôi và cu Nhàn tót ra vườn. Bao giờ về nhà ông, tôi cũng khoái chạy nhảy ngoài vườn. Mà vườn ông thì vô khối cây ăn trái. Suốt buổi sáng, hai đứa tôi hết đu đưa trên cây mận lại ngồi vắt vẻo trên chạc ổi, miệng lúc nào cũng chóp chép.
Đến trưa trờ trưa trật, chúng tôi vẫn còn lùng sục quanh vườn. Mẹ tôi lẫn dì tôi đã mấy lần ra kêu vào ăn cơm nhưng tôi và cu Nhàn vẫn cứ nấn ná. Bỗng cu Nhàn níu tay tôi:
-Mình hái xoài ăn đi! Cứ nhai ổi và mận, chát miệng thấy mồ!
Cu Nhàn xúi toàn chuyện độc địa. Cây xoài mọc sát cửa sổ phòng ông, có cho vàng tôi cũng chẳng dám trèo. Tôi rụt cổ:
-Mày đừng có xúi bậy! Bộ mày muốn tao bị ăn đòn hả?
-Giờ này chắc ông ngủ rồi. Anh trèo thật khẽ, ông không biết đâu!
Giọng điệu trấn an của cu Nhàn làm tôi hơi yên tâm. Tôi liếc lên tán xoài cạnh phòng ông và ứa nước miếng khi ngắm nghía những trái xoài vàng lườm đang lủng lẳng như mời gọi.
-Hái thì hái, sợ gì! - Cuối cùng tôi nói, cố làm ra vẻ mạnh dạn.
Trong khi tôi bám cây trèo lên, cu Nhàn thập thò bên cửa sổ canh chừng. Vừa trèo tôi vừa chốc chốc quay đầu nhìn nó. Theo những tín hiệu của nó, tôi biết ông còn ngủ say sưa, và thế là tôi lặng lẽ nhích dần lên cao. Được một quãng, không nén được tò mò, tôi ngoảnh cổ nhìn qua cửa sổ. Lúc này, tôi có thể nhìn thấy ông rõ mồn một. Ông nằm trên ghế xếp, mắt vẫn đeo mục kỉnh, tờ bào úp trên ngực, chắc chắn là đang ngủ, nhưng không hiểu sao vẫn khiến tim tôi nhảy thình thịch.
Đúng vào lúc tôi đang định quay mặt đi để bớt hồi hộp thì ông bỗng cựa mình và dường như đang...từ từ mở mắt. Tay tôi bất giác run lên và như không thể khác, tôi rơi đánh "bịch" một cú như mít rụng.
Giữa ban trưa yên tĩnh, tiếng rơi của tôi chẳng khác nào tiếng trống làng. Mẹ tôi xô cửa chạy ra, thấy tôi phủi quần lồm cồm ngồi dậy, chưa kịp mắng đã tái xám mặt khi ông tôi thò đầu qua cửa sổ:
-Có chuyện gì thế?
Rồi sau khi đảo mắt một vòng, chừng như đoán ra mọi chuyện, ông tôi xỏ dép lẹp kẹp bước ra sau nhà.
-Chết rồi! Ông đi lấy roi đấy! - Cu Nhàn bắt đầu sụt sịt.
Tôi run trong bụng nhưng ngoài mặt vẫn làm gan:
-Mày đừng lo! Tao chịu tất!
Mẹ tôi không nói gì, chỉ sợ hãi nhìn về phía sau nhà, nơi tiếng chân nặng nề của ông mỗi lúc một rõ dần.
Và trước những cặp mắt thao láo, lo âu của ba mẹ con tôi, ông xuất hiện với cái thang trên vai. Ông lại bên tôi, dựng cái thang xuống, chậm rãi:
-Muốn hái xoài, cháu phải dùng thang! Trèo những cây cao như thế nguy hiểm lắm!
Như thường lệ, ông nói vừa đủ, không nhiều hơn. Giọng cũng không ấm áp hơn. Nhưng tôi hiểu, đấy là một người ông thật sự.
1993
Chương 8: Trứng chim sẻ
-Nghi ơi! Nghi à!
Nghi vừa bỏ mấy trứng chim sẻ vào túi áo, định leo xuống, bỗng giật thót người khi nghe tiếng dì Miên . Vừa nhỏm dậy, nó đã vội dán người xuống mái ngói, im thít .
-Nghi ơi, mày nấp ở đâu đấy ? Có chịu chui ra ngay đi không! - Tiếng dì Miên lại vang lên, lần này tiếng nói đã ra tới ngoài hiên .
Nghi vẫn nằm im, không động cựa . Không phải nó sợ gì dì Miên . Dì Miên hiền nhất nhà, chẳng bao giờ đánh nó . Ngay cả khi dì cố làm ra vẻ hung dữ, Nghi vẫn cười khì, thậm chí nó còn nghịch ngợm nháy mắt trêu dì . Nhưng kẹt một nỗi, lúc này nó đang ở trên mái nhà .
Bố bảo: Con không được leo trèo . Không được leo lên lan can, bệ cửa sổ và cây cối trong vườn . Bố sợ nó té ngã . Té ngã thì u đầu, sứt trán, có khi còn gãy cổ . Bố định mức phạt: hễ trèo cửa sổ lãnh ba roi, đu người trên lan can lãnh năm roi, còn trèo cây là mười roi . Bố không bảo leo lên mái nhà là bao nhiêu roi .Không phải bố quên, chỉ tại bố không nghĩ Nghi lại dám làm chuyện động trời đó . Nếu bố biết, hẳn mình lãnh hai mươi roi là ít, Nghi hồi hộp nhủ bụng và lại cố ép mình xuống .
Dì Miên bây giờ đã ra tới giữa sân . Một tay cầm cuộn len, tay kia vung vẩy cây que đan, dì vừa lê dép lẹp xẹp vừa dòm dáo dác:
-Nghi ới ời! Mày ở đâu về trông nhà cho dì đi chợ này!
Suýt chút nữa Nghi đã phì cười . Nó phải đưa tay bụm miệng lại . Nghi biết thừa là dì chỉ bịa . Sáng nay, nó đã thấy dì xách giỏ đi chợ . Dì giả vờ nói thế để Nghi ló mặt ra đó thôi . Nhưng Nghi nhất định không mắc bẫy . Nó tiếp tục dán người xuống mái ngói .
Nhưng Nghi đã vội nhỏm người lên ngay . Nó sực nhớ đến những quả trứng trong túi áo và sợ chúng sẽ vở nát nếu bị ép chặt .
Nếu thế, nó sẽ chắng biết ăn nói làm sao với nhỏ Trang hàng xóm.
Cách đây một tháng, nhỏ Trang bảo Nghi:
-Mấy hôm nay em thấy chim sẽ về làm tổ trên mái ngói nhà anh.
Nghi "ừ". Nhỏ Trang lại nói:
-Hôm nào anh trèo lên lấy trứng chim xuống cho em xem với!
-Không được! - Nghi hừ mũi - Như vậy thì ác lắm!
Nhỏ Trang chớp mắt:
-Em chỉ xem thôi chứ bộ! Xem xong mình trả lại!
Nghi lại "ừ". Nhưng rồi nó quên bẫng đi mất. Chỉ đến hôm qua, thấy nhỏ Trang sốt nằm thu lu trên giường, chăn quấn tận cằm, Nghi thấy tội tội, bèn nói:
-Trưa mai tao sẽ lấy trứng chim xuống cho mày chơi! BIết đâu nhờ vậy mày sẽ chóng hết bệnh!
Nhớ đến cặp mắt long lanh đầy vẻ biết ơn của nhỏ Trang, Nghi khẽ mỉm cười và nhướn cổ liếc xuống sân.
Dì Miên đang lò dò đi về phía cổng, đầu nghiêng nghiêng ngó ngó. Chắc dì nghĩ Nghi đang nấp đâu đó sau bờ rào. Chốc chốc dì lại kêu:
-Nghi ơi! Nghi à!
Rồi vẫn không thấy thằng cháu yêu quý đâu, dì thở dài, đe dọa một cách bất lực:
-Mày cứ trốn kỹ đi! Phen này dì mà tóm được, mày chết với dì!
Nghi vẫn ngậm tăm, đợi cho dì đi xa. Đến khi thấy dì mãi lúi húi vạch vạch tím tìm bên bờ rào, nó nín thở và thận trọng tụt xuống.
Bỗng một tiếng "cạch" đột ngột vang lên khiến Nghi tái mặt. Âm thanh rõ to làm dì Miên quay phắt lại. Nghi biết mình vừa dẫm phải một viên ngói vỡ nhưng nó chưa kịp hụp đầu xuống, dì Miên đã trông thấy.
-Ối giời ơi! - Dì tròn mắt sửng sốt - Mày làm gì trên ấy thế hở thằng ôn dịch?
-Cháu lấy trứng chim! - Nghi ấp úng đáp và đảo mắt tìm chỗ đặt chân.
Dì Miên nắm chặt hai tay, giận dữ và lo sợ. DÌ tính quát thằng cháu nghịch ngợm thêm vài câu cho hả nhưng thấy Nghi đang loay hoay tìm cách tụt xuống khỏi mái ngói cao nghều, dì đành tặc lưỡi hạ giọng:
-Này, cháu từ từ mà xuống nhé! Coi chừng ngã đấy!
Rồi dường như thấy cách xưng hô chuyển từ "mày" qua "cháu" vẫn chưa có tác dụng thiết thực lắm, dì chớp chớp mắt cố nghĩ ra một câu thật ngọt ngào để trấn an Nghi:
-Con trai là phải biết leo trèo cháu ạ! - Dì ngừng lại, khẽ nhăn mặt vì lời nói trái ý muốn của mình - Bố cháu hồi bé cũng leo trèo giỏi lắm! - Bố cháu còn leo cao hơn cháu nhiều! Nhưng bao giờ bố cháu cũng bình tĩnh!
Nghi hơi ngạc nhiên về những lời dì Miên nói. Nhưng bận dọ dẫm trên mái ngói, nó chẳng có thì giờ đễ nghĩ ngợi sâu xa. Nếu không, Nghi đã phát hiện ra hàng đống sơ hở của dì. Dì Miên chẳng thể nào biết bố khi bố còn bé. Mãi khi bố đã cưới mẹ, dì mới biết bố là ai.
-Bố cháu hồi bé cũng thích trèo lên tổ chim lấy trứng như cháu vậy! - Dì Miên tiếp tục đòn tâm lí - Trứng chim luộc lên, ngon ngon là! Lát nữa cháu đưa trứng cho dì, dì sẽ luộc cho cháu ăn!
Lúc này Nghi đã chạm được chân vào đầu cầu thang áp sát mái ngói phía sau vườn . Ở phía dưới, dì Miên đang ghì chặt chân thang . Nhưng vừa đặt chân xuống nấc thang thứ nhì, nghe dì Miên nói vậy, Nghi bỗng rụt chân lên .
-Cứ xuống đi cháu! - Dì Miên nói - Đừng sợ, đã có dì giữ chắc đây rồi!
Nghi lưỡng lự, không biết có nên nghe lời dì hay không . Thực ra Nghi đâu có sợ ngã . Lúc nãy ở trên mái nhà cao chót vót Nghi còn không sợ, huống hồ bây giờ đã xuống tới đầu cầu thang, Nghi chỉ sợ dì Miên giành lấy những quả trứng và đem luộc chín . Như vậy thì những quả trứng xinh xinh kia sẽ chẳng bao giờ nở ra những chú chim con được nữa . Nghi bần thần nhớ đến những tiếng ríu rít của lũ chim sẽ nơi đầu hồi mỗi buổi sáng vẫn đánh thức Nghi dậy, bỗng thấy nhói nơi ngực .
-Sao cháu cứ đứng ì mãi trên đó vậy ? Xuống đi chứ - Dì Miên lại giục .
Chẳng còn cách nào khác, Nghi lưỡng lự một hồi rồi tặc lưỡi rón rén leo xuống . Dì Miên vừa giữ chân chân vừa dán mắt vào từng cử động của thằng cháu, chờ đợi .
Nhưng dì chỉ hoài công . Khi còn cách mặt đất khoảng ba nấc thang, bất thần Nghi bắn vọt người ra xa và rơi huỵch một cái xuống đất .
-Này, này! - Dì Miên hét lên sau một thoáng sững sờ - Mày làm gì thế, thằng ôn dịch ?
Vẫn một tay túm chặt những quả trứng nơi túi áo, tay kia chỏi đất lồm cồm bò dậy, Nghi quay về phía dì Miên thè lưỡi một cái rồi lật đật chạy biến qua nhà nhỏ Trang .
Ra tới bờ rào, Nghi vẫn còn nghe tiếng dì Miên hốt hoảng đuổi theo:
-Này, này, đưa mấy cái trứng cho dì để dì trả lại cho lũ chim! Lúc nãy dì nói đùa đấy! Trứng chim sẻ ăn dở lắm, chả ngon lành gì đâu!
"Hóa ra dì muốn cứu lũ chim con!", Nghi hơi khựng lại vì bất ngờ . Nó thở ra một hơi dài nhẹ nhõm rồi co giò chạy tiếp . Lần này nó vừa chạy vừa cười .
1994
1983
Chương 9: Người anh
Sau khi cô giáo ra đề tập làm văn "Tả anh của em" thì cả lớp bàn tán xôn xao, sôi nổi mặc dù đó là bài tập ra về nhà làm, tuần sau mới phải nộp.
Thằng Tình huơ tay, khoe:
-Anh tao hết sẩy à nghe! Ảnh là cầu thủ bóng đá hạng A1 toàn quốc đó mày! Tao mà tả ảnh thì ngon lành ! Sút nè!
Thằng Đạt trề môi:
-Anh tao oai hơn anh mày nhiều. Anh tao là bộ đội, ảnh có súng bắn đạn thật nè!
Thằng Dũng nhún vai:
-Có vậy mà cũng khoe! Anh tao là kỹ sư ở hãng Xi-trô-en tao còn chưa thèm khoe nữa là! Hễ xe hơi mà hư, ảnh chỉ cần đụng ngón tay út vô là "bình bịch", bình bịch" liền!
Nghe nói tới xe hơi, mấy ông nhỏ châu đầu vô nghe. Đang lúc đó, thằng Thịnh bước lại:
-Gì đó tụi mày?
-Anh thằng Dũng là kỹ sư xe hơi mày ơi, tất cả xe chạy trong thành phố là do ảnh sửa hết đó! -
Một đứa nói.
-Hứ, tưởng gì! Tụi mày biết thủy thủ là gì không?
Tụi bạn reo lên:
-Biết, biết! Thủy thủ là số dách rồi! Bộ anh mày là thủy thủ hả?
Thịnh vênh mặt:
-Chứ gì nữa!
Một đứa tò mò:
-Vậy anh mày là hải quân chứ gì? Thịnh "hừm, hừm" trong miệng, không trả lời thẳng là đúng hay không, nhưng nhìn điệu bộ của nó thì đích thị anh nó là hải quân rồi.
Bỗng một đứa kêu lên:
-Anh nó đâu phải là hải quân. Tao biết anh nó mà. Anh nó chỉ đi đánh cá thôi!
Thịnh đỏ mặt, giả bộ ngó lơ chỗ khác. Nhưng trong bọn, có đứa nói:
-Đánh cá hay hải quân gì cũng vậy thôi! Hễ đi biển là ngon rồi, y như Xin-bát trong truyện "Nghìn lẻ một đêm"!
Cứ vậy hết đứa này đến đứa khác, đứa nào cũng đưa anh mình ra khoe và tìm đủ mọi cách để chứng minh chỉ có anh mình mới là người đứng đầu trong tất cả các người anh trên thế giới.
Chỉ có thằng Thời và thằng Quân, hai đứa ở cạnh nhà nhau, là không tham gia vô cuộc tranh chấp sôi nổi đó. Quân không đem anh mình ra khoe với một lý do chính đáng là vì nó không có anh. Còn thằng Thời có anh nhưng lại cố ý giấu vì một lý do hoàn toàn khác. Số là anh nó đi thanh niên xung phong, quanh năm cuốc đất đào kênh ở những vùng đất xa xôi hẻo lánh, công việc chẳng có gì hấp dẫn mà tên tuổi cũng chẳng ai biết đến, thành ra trước những ông anh rực rỡ của tụi bạn tự nhiên nó có mặc cảm về ông anh "cù lần" của mình. Và vì vậy, suốt buổi nó chỉ ngồi nghe và ngưỡng mộ các ông anh không phải của mình, trong lòng vừa buồn rầu cho số phận mình hẩm hiu vừa thèm thuồng một ông anh "hách xì xằng" như tụi bạn.
Để khắc phục cái thực tế phũ phàng đó, về nhà là Thời bắt tay ngay vô việc bịa ra một người anh tưởng tượng. Nó đã phải vẽ ra rồi xóa đi rồi vẽ ra trong óc của nó hàng chục lần mới chọn được cho mình một ông anh vừa ý. Đó là một ông anh ca sĩ.
Trong ý nghĩ của nó, ca sĩ là một người nổi tiếng nhất. Nó đã từng được ba mẹ dẫn đi coi ca nhạc nhiều lần, nó đã chứng kiến niềm vinh quang của người ca sĩ khi những tràng vỗ tay nổ ra như bắp rang và kéo dài không ngớt của đông đảo khán giả vang lên trong rạp hát, thậm chí có người còn bước hẳn lên sân khấu tặng hoa cho ca sĩ nữa. Thật là tuyệt vời! Đó là chưa kể người ca sĩ hằng đêm còn xuất hiện trên ti-vi trước sự chờ đợi của hằng bao nhiêu người. Ngoài ra, người ca sĩ còn cười tươi, duyên dáng suốt một năm trên tấm lịch của biết bao gia đình và được treo ở chỗ đẹp nhất trong nhà.
Do đó, trong bài làm của mình, Thời quyết tâm biến anh nó từ một thanh niên xung phong chân lấm tay bùn thành một ca sĩ bảnh ba ođể địch lại những ông anh kỹ sư, cầu thủ...của tụi bạn.
Chiều thứ bảy, thằng Quân qua nhà thằng Thời chơi. Ngay lập tức, Thời đem bài của mình ra khoe bạn.
Thằng Quân càng đọc càng ngạc nhiên:
-Ủa, anh mày làm ca sĩ hồi nào?
-Có, tao có một ông anh làm ca sĩ.
Quân tỏ vẻ ngờ vực:
-Sao tao không biết ảnh?
-À, đó là vì...sau khi lấy vợ, ảnh ở riêng, ở tít bên Phú Nhuận lận!
-Sao tao không thấy ảnh về chơi? Mày nói xạo! Để tao hỏi lại mẹ mày nghe?
Nghe vậy, Thời hoảng hốt:
-Thôi, thôi, tao giỡn chút xíu mà mày làm gì hỏi kỹ vậy. Nói thiệt với mày, đây là ông anh con bác tao.
-Sao mày không tả anh Hai mày mà đi tả con ông bác?
Thời tặc lưỡi:
-Thì tả ai lại không được, miễn là anh thôi chứ!
Đột nhiên Quân lên giọng:
-Nhưng tao biết chắc là mày xạo. Mày cóc có ông bác nào hết!
Bị sửa gáy hoài, Thời nổi sùng:
-Thì tao cũng cần cóc gì ông bác nào! Bài làm này do tao bịa ra đó. Cô giáo đâu có bắt buộc phải tả đúng anh mình thật đâu mà sợ.
-Nhưng tại sao mày không tả anh mày?
-Tại tao thích bịa hơn chứ sao! Mày cũng phải bịa ra kia mà!
Quân gãi đầu:
-Tại vì tao không có anh. Còn mày thì khác.
-Cũng vậy thôi chứ khác gì.
Quân nheo mắt nhìn bạn:
-Tao biết tại sao mày bịa ra ông anh ca sĩ rồi.
Thời giật mình đánh thót:
-Sao?
-Tại mày muốn có một ông anh ngon hơn tụi thằng Tình, thằng Thịnh chứ gì!
-Ờ đó, rồi sao?
Bị nói trúng tim đen, Thời đành phải thú nhận. Quân cười ranh mãnh:
-Đâu có sao, nhưng đã bịa thì bịa cho tới nơi luôn! Mày bỏ ông anh ca sĩ đi, tao sẽ chỉ cho mày tả một ông anh còn nổi tiếng gấp mấy chục lần ca sĩ lận.
-Đâu? Mày tả sơ sơ thử coi! - Thời háo hức gịục.
Quân vừa tả vừa vung tay làm điệu bộ:
-Nghe kỹ nè: Anh là một người dày dạn phong trần, tóc phất phơ trong gió, đôi chân giang hồ của anh đã từng giẫm nát bao nhiêu quãng đường dài, dọc ngang qua trăm nơi nghìn chốn.
Thỉnh thoảng, anh dừng chân đứng trước đám đông, trước bao nhiêu cặp mắt đang nhìn anh thèm thuồng, và anh dõng dạc hô to...
Đang thao thao bất tuyệt, Quân đột ngột dừng lại hỏi:
-Sao, mày thấy ông anh này có oai không?
Thời gật đầu lia:
-Oai, oai!
-Hơn ông anh ca sĩ của mày chưa?
-Hơn nhiều! - Thời thừa nhận.
-Vậy mày tả ông anh này hả?
-Ừ! - Thời đồng ý liền nhưng nó còn thắc mắc - Khi nãy mày tả tới chỗ ảnh hô to trước đám đông nhưng ảnh hô gì sao mày không nói?
Quân nhe răng cười:
-Tao định nói rồi, nhưng để tao hỏi ý kiến mày coi mày có thích không đã rồi tao mới nói. Mày biết ảnh hô gì không?
-Làm sao tao biết được, nhưng chắc oai lắm hở mày?
-Ừ, oai lắm! Ảnh hô: "Cà rem cây đây! Hai đồng một cây đây!". Ảnh bán cà rem dạo mà!
Nói xong, Quân ôm bụng cười sằng sặc còn thằng Thời thì tức anh ách vì bị lừa, nó đấm thùm thụp lên lưng bạn:
-Nghỉ chơi mày ra!
-Ai biểu mày ham thứ "xịn" chi!
Quân đưa bài tập làm văn lại cho bạn:
-Trả ông anh ca sĩ lại cho mày nè!
-Đừng có chọc quê! Tụi nó mà đọc bài làm của tao, tụi nó lác mắt luôn.
-Nè! - Quân đột ngột đề nghị - Mày không chịu tả anh Hai của mày thì để tao tả nghe?
-Ừ, mày tả đi. Tao cho mày mượn ảnh đó. Tao không hiểu mày khoái tả ảnh ở chỗ nào.
-Mày không khoái nhưng tao khoái. Ba tao nói những người như ảnh có cuộc sống đẹp, đi xây dựng đất nước...
Thời nhăn mũi:
-Mày làm như những người khác không ai xây dựng đất nước hết.
-Nhưng ba tao nói ảnh phải chịu đựng nhiều gian khổ.
-Thì ai mà chẳng biết chuyện đó, nhưng tả ảnh vô bài làm thì đâu có oai. Cứ tả cái xẻng, cái cuốc của ảnh hoài chán thấy mồ!
-Tao đâu có cần oai. Tao khoái anh mày nên tao tả ảnh, vậy thôi!
-Nhưng mày đâu có biết ảnh nhiều?
-Sao không biết, ảnh kể chuyện cho tao nghe hoài!
Thề là mấy ngày sau, thằng Quân đem nộp cho cô giáo bài văn tả anh của thằng Thời, còn thằng Thời thì đem nộp bài văn tả một ông anh...không biết của ai.
Tới ngày cô giáo trả bài tập, cả lớp xôn xao bàn tán. Thời đinh ninh ông anh ca sĩ của mình nếu không chiếm giải nhất thì ít ra cũng đoạt giải nhì hoặc giải ba. Không ngờ, khi cô hô điểm từng đứa thì bài thằng Thời chỉ được có 5 điểm. Ba bài đạt điểm cao nhất là của Đạt, Thịnh và Quân, mỗi bài được 8 điểm.
Sau khi trả bài, cô giáo nhận xét:
-Kỳ này các em làm bài tương đối tốt, không có em nào dưới điểm 5. Có lẽ là vì em nào cũng có anh và anh là người gần gũi, thân thuộc trong gia đình cho nên em nào cũng tả được. Riêng bài của em Đạt, em Thịnh và em Quân có bố cục gọn gàng, ít sai lỗi chính tả và chân thực nhất.
Đặc biệt bài của em Quân viết rất xúc động. Bây giờ em Quân đứng lên đọc bài làm của mình cho cả lớp nghe!
Mỗi lời nói của cô giáo như một mũi kim chích vô trái tim của thằng Thời, đau nhói. Nó không ngờ nhờ ông anh "thiệt" của nó mà thằng Quân được điểm 8, lại còn được cô giáo khen hết lời. Còn nó thì như một thằng ngốc chính cống, nằm trên đống vàng mà không hay, để rốt cuộc người khác làm giàu nhờ của cải của mình. Nó càng nghĩ lại càng tiếc, càng tức. Nó có cảm giác đây là một sự gian lận mà chính thằng Quân là đứa cướp đoạt phần vinh quang đáng ra phải thuộc về nó. Và trong sự ghen tị tối tăm mặt mũi đó, nó đứng bật dậy, không kịp suy nghĩ:
-Thưa cô, đó là anh của em chứ không phải anh của bạn Quân ạ.
Cô giáo ngạc nhiên:
-Tại sao là anh của em? Anh của em là ca sĩ kia mà!
Thời lúng túng giải thích:
-Đó là...em bịa ra ạ. Bạn Quân cũng vậy, bạn ấy mượn anh của em để tả chứ bạn ấy làm gì có anh.
Quân đứng lên:
-Nhưng em biết anh của bạn ấy, thưa cô! Ảnh hay kể chuyện cho em nghe và em cũng rất mến ảnh nên em tả ảnh trong bài làm.
Cô vẫy tay ra hiệu cho hai đứa ngồi xuống rồi nói:
-Các em tả anh của mình hay bịa ra một người anh, điều đó không ai bắt buộc. Nhưng nếu tả anh thật của mình thì tốt hơn, bởi vì đó là người anh mà mình nhìn thấy, hiểu biết và gắn bó, do đó mình tả sẽ sống động, chính xác và nhiều tình cảm hơn. Anh của các em, có người làm nghề này có người làm nghề nọ, nói chung nghề nào cũng tốt, không có nghề nào cao quý và nghề nào thấp hèn. Tuy nhiên trong thời kỳ đang xây dựng lại đất nước như hi65n nay thì hình ảnh người thanh niên xung phong đi đến các công trường, nông trường đề lao động có một ý nghĩa nổi bật. Bên cạnh đó, dù người anh trong bài làm không phải là anh ruột của mình, nhưng em Quân đã có tình cảm yêu mến với người anh đó, nên bài làm vẫn rất chân thành và xúc động.
Thôi em Quân đọc đi!
Quân đứng dậy, cầm cuốn tập bằng hai tay, bắt đầu đọc.
Cả lớp im lặng, lắng nghe:
"Những ngày đào kinh ở Củ Chi, anh của em và đồng đội đã hì hục lấp hàng trăm hố bom trên khắp làng mạc đồng ruộng. Rồi trên những mảnh đất khô cằn đó, suốt ngày đêm, dù dưới mưa dầm hay nắng gắt, anh vẫn không ngơi tay cuốc từng lát đất để mong ngày mai có những con kinh chở dòng nước ngọt tưới mát ruộng lúa. Có đôi khi cuốc phải đá ong, những kẽ tay rịn máu đỏ lòm mà anh không biết, phải đến khi các bạn kêu lên anh mới ngừng tay để băng bó".
Từng chữ, từng câu từ từ chảy vô trái tim tức tối của thằng Thời như một dòng suối êm mát, xoa dịu mọi tình cảm nhỏ nhen và gợi lên một niềm xúc động lạ lùng. Hình ảnh của anh Hai nó dần dần hiện lên trong bài văn của bạn. Những câu chuyện đó, những chi tiết đó, Thời biết từ lâu nhưng nó không hề để ý, thậm chí còn coi thường, sao bây giờ trong bài văn của bạn, chúng lại đẹp đẽ và cảm động đến như vậy!
"Những ngày anh về phát hoang trồng dừa ở nông trường Duyên Hải, muỗi bay từng đàn như trấu, bệnh sốt rét rất nhiều và gai chà là đâm đau thấu xương, anh vẫn không hề chán nản. Còn nước ngọt thì hiếm hoi vô kể, những lu nước ngọt từ Nhà Bè chở tới bằng ghe, anh và các bạn coi quý hơn cả vàng!".
Cả lớp vẫn im phăng phắc, tưởng chừng có thể nghe rõ tiếng ruồi bay. Giọng thằng Quân vẫn đều đều:
"Má kêu anh về thành phố làm việc mấy lần, anh không về, anh đòi ở lại. Anh sống gian khổ ghê, ăn mặc lại rất xuềnh xoàng, cứ bộ đồ màu cỏ và đôi dép râu mà đi dạo phố. Nghe nói anh ăn uống thiếu thốn lắm, vì ở xa thành phố đi chợ rất khó khăn. Người anh gầy, da anh ngày càng đen. Em chê anh, anh chỉ cười hiền lành và nói: Tụi anh phải chịu đựng gian khổ xây dựng đất nước để ngày mai các em lớn lên được sung sướng. Em nghe anh nói mà muốn khóc. Em thương anh ghê".
Thằng Quân đọc xong rồi mà cô giáo chưa cho ngồi xuống. Cô mãi nhìn đi đâu ra ngoài cửa sổ, đâù óc vẫn còn suy nghĩ đến những hình ảnh của bài văn. Trong lớp cũng chẳng đứa nào vỗ tay, chỉ có những gương mặt thừ ra vì xúc động. Chợt cô quay lại, ra hiệu cho Quân ngồi xuống. Lúc đó, cả lớp như bừng tỉnh, tiếng vỗ tay vang lên như sấm dậy.
Thằng Thời không vỗ tay. Nó ngồi gục mặt xuống bàn, nước mắt ướt hai bên má. Nó cảm thấy xấu hổ với anh nó. Nó cảm thấy có lỗi khi phải nhờ đến bài tập làm văn của một người bạn thì mới hiểu hết anh mình. Một lúc sau nó ngẩng đầu lên và nhoài người kéo vạt áo thằng Quân làm thằng này quay lại nhìn. Nếu biết suy nghĩ như người lớn thì thằng Thời nói "Tao cảm ơn mày" nghe nó sâu sắc hơn, nhưng vì không phải là người lớn nên nó chỉ lắp bắp:
-Tao...xin lỗi mày!
1983
Nguồn: docsach.mobi