23/1/13

Chuyện xứ Lang Biang (Q4-C31+NT)

Chương 31: NGÀY CUỐI CÙNG Ở XỨ LANG BIANG

Khi Nguyên, Kăply, Êmê, K’Tub và Păng Ting đổ ra đại lộ Brabun thì phố xá đã giống như đang vào mùa lễ hội. Y như một khu phố mới vừa mọc lên chỉ trong một đêm, mặt đường sạch bong, sáng loáng như mới đánh bóng, nhà cửa hai bên đã được sơn phết lại, và từ đầu đường đến cuối đường, nhà nào cũng treo đèn và kết hoa. Tất cả các cửa hiệu đều đồng loạt treo bảng GIẢM GIÁ.

Trùm sò như mụ Kibo mà còn treo trước cửa tiệm BAY LÊN NÀO tấm băng rôn đỏ chót trên đó loằng ngoằng dòng chữ ngọt như đường: “Tiền bạc không phải lúc nào cũng quan trọng. Hôm nay bổn tiệm cho thuê chổi miễn phí 100%”.

Kăply đang tính mở miệng khen mụ, quai hàm đột nhiên cứng đờ. Ánh mắt nó vừa nhác thấy dòng chữ nhỏ xíu kẻ nắn nót ngay bên dưới: “Ngày mai, tăng giá gấp đôi”.

Suýt chút nữa Kăply đã văng ra một câu bậy bạ nếu thằng K’Tub không thình lình giật mạnh tay nó. Kăply ngoảnh lại, thấy thằng nhóc ra hiệu cho nó nhìn về phía Êmê.

Hoàn toàn có thể liên tưởng sự kinh ngạc của Kăply với vẻ mặt của người đang trông thấy một con cá biết bay: Cách nó khoảng năm mét, Êmê hai tay ôm cặp, đang đứng ngẩn ra say sưa thưởng thức bản nhạc cực kỳ nhăng nhít phát ra từ cửa tiệm của lão Seradion:

Khi thất tình
Vào đây đi em
Không thất tình
Vào đây đi xem
Nếu không từng giọt lệ
Rớt xuống mồ thành ba ly kem…

Kăply quay sang Nguyên, lẩm bẩm:

- Nhạc này giống nhạc nhái quá hà. Tao nghe quen quen.

Nguyên nhún vai:

- Balikem mà còn sống, có cho vàng lão Seradion cũng hổng dám đem tên của ả ra giễu.

K’Tub khều vai Êmê, ranh mãnh nhại lại câu nói hôm qua của bà chị:

- Nè, nói không phải nịnh chứ bản nhạc này cũng hay quá chứ hả, chị Êmê?

Đến lúc đó, Êmê mới choàng tỉnh. Mặt đỏ bừng, nó thò tay cốc thằng nhóc một cái và co giò chạy thẳng trước tiếng cười ngặt nghẽo của tụi bạn.

Thiệt tình mà nói thì ngày hôm đó chỗ nào cũng đầy ắp tiếng cười. Chung quanh bọn trẻ người đông nghìn nghịt, đến mức bọn Kăply có cảm tưởng toàn thể cư dân Lang Biang đều kéo hết ra đường, người ta tha hồ quàng vai bá cổ và chòng ghẹo nhau, bất chấp trước đó họ có quen biết nhau hay không.

Ngay cả hai tờ Lang Biang hằng ngày và Tin nhanh N, S & D cũng biến mất vẻ thù địch. Cả hai tờ đều ra phụ trương buổi sáng, phát hành cùng một giờ, cùng đưa ở trang nhất một bài bình luận nóng bỏng có tít giống hệt nhau “TA ĐÃ THẤY MẶT TRỜI”. Cả nội dung cũng giống nhau đến từng chữ, thậm chí đến từng dấu chấm phẩy, ca tụng hiệu trưởng N’Trang Long và hai chiến binh giữ đền lên tận mây xanh, bằng thứ từ ngữ hoa mỹ nhất mà đầu óc con người có thể nghĩ ra.

Kinh khủng hơn nữa, trên cả hai tờ báo có truyền thống đối nghịch đó, bút danh ký dưới bài bình luận là một tổ-hợp-không-thể-tin-được, ghép bởi ba cái tên: Pôlôna – Y Riêng – Chor.

Hồi sáng, trước lúc ra khỏi nhà, Êmê chúi mũi vào hai tờ báo trên bàn đọc lấy đọc để rồi mỗi tay chộp một tờ, nó giơ cao lên khỏi đầu, vung vẩy như thể đó là hai lá cờ:

- Chuyện chưa từng có, bà con ơi!

Thằng K’Tub sau khi đọc lướt qua hai tờ báo, cũng nhảy tưng tưng:

- Ba ơi, xem này!

- Ta xem rồi, con trai. – Ông K’Tul trả lời từ chỗ ngồi quen thuộc ở đầu bàn, lần này bên cạnh ông ngoài bà Êmô còn có cả bà Ka Lên và vợ chồng K’Rahlan, và khi ông nói tiếp thì bọn Kăply hầu như không còn nhận ra ông nữa – Ta nghĩ sự bắt tay giữa Kan Blao và Ama Đliê là biểu tượng rõ rệt nhất của không khí hòa bình. Hừm, ta không tin có ai ngu ngốc đến mức không nhìn ra vai trò và công lao to lớn của hiệu trưởng N’Trang Long trong sứ mạng bảo vệ nền an ninh chung của cộng đồng.

Lúc đó Nguyên và Kăply không nói gì, chỉ mong vọt ra cổng cho lẹ, mặc dù không thể bảo là tụi nó không cố hết sức để đừng phì cười.

Tối hôm qua, nhờ hai chiếc áo tàng hình của Suku, hai đứa nó mới chui được vô phòng trót lọt. Tụi nó muốn tránh mặt vợ chồng K’Rahlan và bà Ka Lên.

Còn không đầy một ngày nữa, tụi nó sẽ trở về làng Ke và hai thằng K’Brăk và K’Brêt thật sẽ quay trở lại xứ Lang Biang để thế chỗ của hai đứa nó. Tụi nó không muốn chỉ vì đóng kịch vụng về trước mặt ba mẹ của K’Brăk và K’Brêt mà làm vỡ lở tất cả vào phút chót.

Hôm qua, khi khách khứa đã ra về hết, vợ chồng K’Rahlan và bà Ka Lên kéo nhau vào phòng Nguyên và Kăply xem tụi nó về chưa và họ hết sức kinh ngạc khi thấy tụi nó đang nằm ngáy khò khò trên giường.

Nguyên biết không thể không nói một câu với ông K’Rahlan và bà Ka Ming vào lúc đó. Nó dụi mắt, ngáp ngáp mấy cái, giả vờ ngái ngủ:

- Tụi con mệt quá. Sáng mai tụi con còn phải đi học sớm.

- Con ngủ đi. – Bà Ka Ming vuốt tóc nó, âu yếm – Con trở về là ba mẹ yên tâm rồi. Chúng ta còn nhiều thời gian để trò chuyện mà.

- Chúc ba mẹ và dì Ka Lên ngủ ngon.

Đó là câu cuối cùng của Nguyên trong buổi tối hôm qua trước khi nó nhắm tịt mắt như thể giấc ngủ đã thình lình đánh quỵ nó.

Sáng nay cũng vậy, nó và Kăply cố tình lề mề rất lâu ở trên phòng, bất chấp K’Tub và Êmê thay nhau dộng cửa rầm rầm, chỉ để khi xuống tới dưới nhà là tụi nó có thể vọt tuốt ra cổng vì sợ bị trễ học – lý do hết sức chính đáng của những đứa học trò mẫu mực.

Cổng trường Đămri với chiếc phù điêu hình chữ thập bằng vàng hiện ra trước mắt cắt đứt những suy nghĩ lan man trong đầu Nguyên.

Bộ mặt đầy mụn của thằng Steng đón tụi Kăply ngay ở cánh cổng thứ hai. Nó chỉ tay vào lớp Cao cấp 1, cười hề hề:

- Có thông báo dán trước cửa. Tụi mày vào xem đi.

Bọn học trò đang xúm đen xúm đỏ trước bản thông báo khiến tụi Kăply rất vất vả mới len vào được.

- Trùm Bastu và đồng bọn đã bị lực lượng an ninh chính thức bắt giữ vào hôm qua. Âm mưu gây bạo loạn của phe Hắc Ám xem như đã bị dập tắt hoàn toàn.

- Học sinh trường Đămri, kể cả sinh viên lớp hướng nghiệp, được nghỉ học ba ngày tính từ ngày hôm nay để đón chào sự kiện trọng đại này.

- Toàn thể giáo viên trường Đămri từ nay được phép tự do đi lại trên toàn lãnh thổ Lang Biang, ngày cũng như đêm mà không cần bất cứ giấy phép đặc biệt nào.

Ký tên: N’Trang Long
Hiệu trưởng trường Đào tạo Tài năng Đămri

Bản thông báo chỉ gồm ba cái gạch đầu dòng, ngắn gọn và lạnh tanh như vừa vớt ra từ thùng nước đá.

K’Tub chui ra khỏi đám đông, mặt phừng phừng:

- Hổng ra cái con khỉ gì hết. Chỉ được mỗi khoản nghỉ học ba ngày.

- Ờ, – Êmê khịt khịt chiếc mũi hếch, phụ họa bằng giọng quàu quạu – lẽ ra thầy hiệu trưởng phải biểu dương công trạng của anh K’Brăk và anh K’Brêt trong vụ này chớ.

- Biểu dương tôi nữa. – Steng vọt miệng, nó và Tam, Mua, Kan Tô, Bolobala đến cạnh tụi Kăply từ lúc nào.

- Cả tao nữa. – Thằng Kan Tô khoái chí hùa theo.

- Mày á? – Steng quay phắt lại, sừng sộ – Tao muốn kêu thằng Suku bán cho mày một lọ thuốc lột da nữa quá, Kan Tô à. Hôm qua, mày dẫn nguyên một đám rượt theo tao làm tao muốn tè ra quần luôn đó. Bộ tụi mày tưởng là tao đi chơi chắc?

- Đừng nói thế, Steng. – Nguyên lướt mắt qua tụi thằng Tam, mỉm cười ý nhị – Mày không biết đó thôi, Tam, Bolobala, Mua và Kan Tô đã chia sẻ hoạn nạn với tụi tao nhiều rồi.

Khi nói câu đó, Nguyên cảm thấy lòng mình bất giác chùng xuống. Nó chợt nhớ ra rằng chẳng bao lâu nữa nó sẽ chia tay mãi mãi những đứa bạn thân thiết này.

Từ lúc đó, Nguyên nhận ra nó chỉ nghĩ mãi đến chuyện này, hổng để ý gì đến cuộc tranh cãi của tụi bạn quanh bản thông báo của nhà trường.

Đang bâng khuâng, Nguyên nhác thấy bàn tay Bolobala đang ngủ say trong tay thằng Tam như một con mèo. Bolobala đang phồng má cãi nhau với Steng, say sưa đến mức không biết bàn tay nó đang nằm ở đâu, hay nó biết nhưng cho rằng đương nhiên bàn tay nó phải nằm trong tay thằng Tam. Nguyên lẩn thẩn nghĩ và hoàn toàn không tự chủ, nó sè sẹ thò tay nắm tay Êmê.

Nó bóp khẽ bàn tay mềm mại của nhỏ bạn, cảm xúc chưa kịp dâng trào, đã giật bắn khi nghe Kăply tru tréo như cháy nhà:

- Mày làm gì vậy, K’Brăk? Buông tay Mua ra!

oOo

Lẽ ra cuộc đi chơi sau đó phải rất vui. Nhưng K’Tub chẳng thấy gì giống như nó tưởng tượng.

Ờ, có bao nhiêu chuyện để vui trong một ngày đặc biệt như vậy. Tự dưng được nghỉ học nè. Trùm Bastu đã bị bắt nè. Khi nãy tụi bạn hè nhau tung hô K’Brăk và K’Brêt quá trời nè. Tuy bản thông báo của nhà trường không nhắc gì đến K’Brăk và K’Brêt nhưng từ sáng sớm hai tờ phụ trương Lang Biang hằng ngày và Tin nhanh N, S & D đã rêu rao khắp nơi về vai trò và thành tích của chiến binh giữ đền. Rồi những linh hồn trót bán cho Macketa đã được trả lại cho từng người nè. Rõ ràng, thái độ của Ama Đliê đối với thầy N’Trang Long đột ngột quay ngoắt 180 độ đâu phải là chuyện tự nhiên. Ngay cả mối quan hệ giữa nó và ba nó nữa, cũng hết sức phấn khởi so với trước đây. Bây giờ, đối diện với ông K’Tul, nó không còn bắt gặp trong lòng mình cảm giác khó chịu và ước muốn gây gổ như lúc trước nữa. Cái cảm giác thù nghịch vô hình đó đã biến mất không còn dấu vết kể từ giây phút ba nó tìm lại được chiếc bóng của mình. Dĩ nhiên K’Tub hiểu rất rõ tại sao lại như vậy.

Ngay lúc này nếu có điều gì khiến nó không hiểu thì đó là vẻ mặt dàu dàu của hai ông anh nó. Hồi sáng, K’Brăk và K’Brêt còn cười nói bình thường, nhưng từ lúc rời khỏi trường đến giờ cả hai đột nhiên giống như khoác nhầm bộ mặt của kẻ sắp đâm đầu xuống sông vì chán đời.

Sau khi xem thông báo, biết được cả bọn được nghỉ học, chính anh K’Brăk xướng ra chuyện đi chơi ở CÔNG VIÊN CÁC THỨ KẸO chứ ai. Thậm chí ảnh còn bảo mình lôi chiếc ống Siêu cảm ứng ra kêu thằng Suku tới nữa. Vậy mà khi mọi người đông đủ rồi thì ảnh và anh K’Brêt làm như vừa nốc cả thùng bia Chết quách cho rồi! K’Tub bực bội nghĩ, vẫn không đoán ra tại sao hai ông anh của nó tự nhiên khoái làm hai con gà rù đến vậy.

Nguyên và Kăply không biết thằng K’Tub đang bất bình, mà giả như có biết thì tụi nó cũng không tìm đâu ra niềm vui để bơm vào tâm hồn mình được.

Mặc cho tụi bạn hò hét, cười giỡn và thỉnh thoảng rú lên vì nuốt phải những viên kẹo quái chiêu mọc khắp nơi, Nguyên và Kăply vẫn lặng lẽ len lỏi qua những bụi cây như kẻ mộng du. Tụi nó đi mà không biết mình đi đâu, cứ để mặc cho nỗi buồn dẫn dắt.

Còn một thời gian rất ngắn nữa thôi, tụi nó sẽ âm thầm chia tay những đứa bạn đáng yêu của mình. Êmê, K’Tub, Păng Ting, Suku, Mua, Tam và những đứa khác chắc sẽ không buồn lắm. Đối với những đứa ở lại dĩ nhiên sẽ không có cuộc chia tay nào. K’Brăk và K’Brêt thật sẽ trở về ngay khi tụi nó vừa ra đi, sẽ lấp đầy khoảng trống mà tụi nó để lại và sẽ chẳng ai biết gì hết nếu Tam tiên, ông K’Tul và hai thằng K’Brăk và K’Brêt không nói ra.

Tất nhiên tụi Êmê những ngày đầu sẽ rất ngạc nhiên về cách ứng xử khác lạ của K’Brăk và K’Brêt, nhưng ông K’Tul chắc chắn sẽ nghĩ ra một cách giải thích hợp lý nào đó, như đã từng nói dối thành công về sự có mặt của tụi nó trong những ngày mới đặt chân đến xứ Lang Biang.

Rốt lại chỉ có mình và Nguyên là cảm nhận được sự trống vắng khi không còn những đứa bạn thân bên cạnh! Nhắm mắt lại với một vẻ mặt đau đớn, Kăply tự nói với mình. Ờ, mà nói bạn thân cũng không chính xác. Còn hơn cả bạn thân nữa, đó là những đứa bạn từng sống chết có nhau, thời gian gắn bó tuy ngắn ngủi nhưng kỷ niệm để nhớ thì nhiều ơi là nhiều. Thế mà chốc nữa đây mình sẽ không nhìn thấy tụi nó nữa. Cảm giác đó thiệt là kinh khủng! Kăply rùng mình nghĩ đến ngày mai và quay sang Nguyên như để tìm kiếm một sự chia sẻ, dù chỉ bằng ánh mắt.

Người lẳng lặng đi bên cạnh Kăply nãy giờ hóa ra không phải là Nguyên. Kăply thộn mặt ra khi bắt gặp hai bím tóc quen thuộc của Mua. Nhỏ bạn đang nhìn nó bằng ánh mắt buồn thỉu buồn thiu.

- Sao bạn lại gạt tôi, K’Brêt? – Mua giận dỗi hỏi khi vẫn nhìn Kăply chằm chặp.

- Gạt Mua ư? Làm gì có. – Kăply ấp úng.

- Bạn nói là bạn sẽ không bao giờ giấu tôi chuyện gì nữa kia mà.

Kăply chết điếng người. Nó khựng lại như con thú bị trúng đạn. Hổng lẽ Mua đã biết mình và Nguyên sắp bỏ đi?

- Tôi có giấu Mua chuyện gì đâu. – Kăply lấm lét đáp, giọng dò xét.

- Hôm qua đó. – Mua ngúng nguẩy làm hai bím tóc đánh qua đánh lại khiến Kăply nhìn sững – Bạn đến làng Ea Tiêu tìm báu vật rồi sau đó đánh nhau với phe Hắc Ám…

- Ờ ờ, chuyện đó hả? – Kăply thở phào, quay mặt ngó lơ chỗ khác và bắt đầu nói dối – Chuyện đó thì… thì… thiệt ra tôi đâu có định giấu Mua. Nhưng mọi thứ xảy ra đột ngột quá, tôi không thể thông báo với Mua kịp.

Kăply nói một tràng, đầu loay hoay nghĩ tới câu nói dối tiếp theo. Nhưng nó chờ lâu thiệt lâu vẫn không thấy Mua vặn vẹo, liền quay đầu lại.

Mua vẫn nhìn nó bằng đôi mắt ướt, nhưng sắc mặt đã tươi hơn và trên môi dường như thấp thoáng một nụ cười. Kăply mừng rỡ:

- Mua đã tin tôi rồi phải không?

Đôi bím tóc lại nhảy nhót trên vai Mua khi cô bé lắc đầu quầy quậy như đánh nhịp cho câu trả lời:

- Không tin. Không tin. Không tin.

- Tôi thấy Mua cười nè.

- Bạn biết tại sao tôi cười không?

Kăply gãi đầu, ngơ ngác:

- Không.

- Bởi vì thú thiệt là tôi không sợ bạn giấu giếm hay dối gạt tôi nữa. Trùm Bastu và tay chân đã bị bắt, tôi không phải thấp thỏm lo lắng cho bạn như trước đây. Bây giờ trở đi nếu bạn thích nói dối thì cứ nói dối, tôi không giận bạn nữa đâu, K’Brêt.

Nói xong, Mua nhe răng sún ra cười. Nhưng khác với mọi khi, lần này Kăply không cười theo nhỏ bạn. Như hai gương mặt bất thần đổi chỗ cho nhau, lúc Mua vui vẻ thì đôi mắt Kăply bắt đầu hoe hoe đỏ. Tại nó thấy Mua tốt với nó quá.

Lần thứ hai trong vòng năm phút, Kăply ngoảnh mặt đi khi đang trò chuyện, lần này là để giấu cảm xúc của mình.

- Không đâu, Mua. – Nó nói, không quay đầu lại, giọng nghèn nghẹn – Tôi hứa với Mua từ giờ trở đi tôi sẽ không bao giờ nói dối Mua bất cứ một chuyện gì nữa.

- Cũng không giấu bất cứ chuyện gì?

- Ừ. – Kăply ngập ngừng một lát rồi gật đầu đáp, đau khổ biết rằng mình lại đang nói dối nhỏ bạn thân yêu.

Mua không biết bạn mình đang hết sức khổ tâm. Nó nói, háo hức một cách hồn nhiên:

- Hôm nào K’Brêt làm bay ra con chim vàng cho tôi coi nhé.

- Ờ, hôm nào.

- K’Brêt phải giả chết đó.

- Ờ, hôm đó tôi sẽ giả chết. – Kăply thẫn thờ nói, cảm thấy mình đang chết từng phút một, và không có vẻ gì là giả chết.

- Tôi sẽ kêu Suku biến ra một con chim vàng khác, không cần nhờ đến pháp thuật của họa sĩ Yan Dran.

- Ờ, Suku chắc chắn sẽ làm được. – Kăply lại máy móc hùa theo, lòng trống rỗng.

Không rõ Mua sẽ nói với Kăply những chuyện gì nữa và Kăply sẽ tiếp tục hứa cuội với Mua bao nhiêu lần nữa nếu Păng Ting không bước lại.

- A! – Cô bé reo lên – Thì ra anh K’Brêt và chị Cặp Sách đang ở đây.

- Chị Cặp Sách á? – Mua tròn mắt nhìn Păng Ting, đến bây giờ nó vẫn chưa hiểu tại sao thỉnh thoảng tụi bạn lại gọi nó là cái cặp sách – Là gì vậy hở Păng Ting?

Păng Ting ỡm ờ:

- Chị hỏi anh K’Brêt ấy.

Kăply đỏ mặt khi thấy Mua đang đau đáu nhìn mình, chờ đợi.

- Hôm nào đi Mua. – Nó bối rối – Hôm nào tôi sẽ nói cho Mua biết.

- Nhớ nha. – Mua nói và chìa ngón út ra. Kăply nhìn ngón út cong cong của Mua, ngạc nhiên thấy cách giao hẹn của bọn trẻ xứ Lang Biang giống hệt kiểu cách của bọn trẻ làng Ke.

Kăply nghéo lấy ngón tay của Mua rầu rĩ:

- Nhớ mà.

Păng Ting nheo mắt:

- Anh K’Brêt nè. Anh nói nhớ mà vẻ mặt của anh đang nói ngược lại đó.

Như không nghe thấy lời trêu chọc của Păng Ting, Kăply hắng giọng:

- Păng Ting, anh đang có chuyện nhờ em đây.

Nhìn vẻ mặt ngẩn ra của cô bé, Kăply nói luôn:

- Em có thể cho anh mượn chiếc hộp hôm nọ xem qua một chút được không?

- Chiếc hộp nào, anh K’Brêt? – Păng Ting ngớ ra.

- Chiếc hộp màu trắng bữa trước em đưa cho thám tử Eakar xem đó. Hôm nọ tụi mình đi tìm bản danh sách ma cà rồng thuần hóa…

- Em nhớ rồi. – Păng Ting đập tay vô túi áo, cắt ngang – Nhưng em không có chiếc hộp đó ở đây, anh K’Brêt. Đó là chiếc hộp của bà em.

Kăply hoàn toàn không chờ đợi một câu trả lời như thế, mặt bất giác thuỗn ra.

Păng Ting ngạc nhiên khi thấy Kăply giống như vừa hụt chân rớt xuống nước:

- Em nghĩ trên đời này chỉ có thám tử Eakar mới tò mò về cách ăn mặc và các kiểu tóc của em thôi chớ.

- À, nếu vậy thì anh là người thứ hai. – Kăply thận trọng đáp, cố làm ra vẻ bông đùa.

- Em không mang chiếc hộp theo, nhưng em có thể nói cho anh biết nếu anh thực sự muốn biết. – Păng Ting vô tư nói – Đó là chiếc hộp liên giới.

- Liên giới là sao?

- Là nhìn vào bên trong chiếc hộp, chúng ta có thể quan sát được các thế giới khác ngoài thế giới chúng ta đang ở.

- Thế à.

Kăply tặc lưỡi, thất vọng. Nó không ngờ câu giải đáp lại đơn giản đến thế. Thì ra xưa nay Păng Ting đã mô phỏng thời trang của các thế giới khác, trong đó có thế giới của Nguyên và Kăply, bằng cách nhìn vào chiếc hộp liên giới này. Dĩ nhiên, nếu Păng Ting có mang chiếc hộp theo người, Kăply cũng rất muốn nhìn về làng Ke một cái để xem mọi người ở làng đang sống như thế nào, nhưng dù sao thì nỗi khao khát đó cũng không đến mức cháy bỏng lắm. Chỉ chốc lát nữa thôi, nó và Nguyên đã có mặt ở làng mình rồi.

Nghĩ đến Nguyên, Kăply đảo mắt tìm nhưng nó chỉ thấy toàn cây xanh. Những viên kẹo bọc giấy màu lủng lẳng trên các cành nhánh như những ngọn đèn chùm, trông thật đẹp mắt.

Biết bao giờ mình mới quay lại công viên độc đáo này nữa nhỉ? Kăply bần thần tự hỏi và ngước mắt nhìn lên cao, bâng khuâng dõi mắt theo những đám mây trắng đang bềnh bồng trên nền trời xanh thẳm như những chiếc thuyền khổng lồ lênh đênh trên biển cả. Chết rồi! Kăply hoảng hốt nhớ tới lời dặn của thầy N’Trang Long khi nhận thấy mặt trời đã sắp lên tới đỉnh đầu.

- K’Brăk ơi! Về thôi!

Kăply kêu lên đến lần thứ hai thì Nguyên, Êmê và Suku từ trên đỉnh đồi thi nhau chạy xuống.

- A, anh K’Brêt. – Vừa tới nơi, Suku hấp tấp chìa tay ra – Hai chiếc áo tàng hình hôm qua em cho anh mượn đâu?

Nguyên vỗ vai thằng oắt:

- Đòi làm gì. Để tụi anh giữ làm kỷ niệm.

- Đúng rồi đó. – Kăply nhe răng cười.

- Kỷ niệm á? – Ánh mắt Suku đi qua đi lại giữa Nguyên và Kăply – Hai anh bắt đầu lãng mạn từ lúc nào thế?

Nguyên không đáp, cố tình phi thật nhanh xuống chân đồi mặc tụi Êmê hối hả đuổi theo, miệng la chí chóe.

Một lúc lâu, Nguyên vẫn không lơi chân. Nó muốn đến nơi hẹn với thầy N’Trang Long càng sớm càng tốt. Nó muốn rời xa những đứa bạn của nó thật nhanh. Nó sợ nấn ná, nó sợ cứ nhìn mãi những gương mặt thân thuộc của Êmê, Păng Ting, Suku, K’Tub, Mua nó sẽ không cầm lòng được. Cũng như Kăply, mới vừa rồi đây nó đã nghe thấy tiếng gì như tiếng thở dài vẳng ra từ đáy lòng nó khi nó bấm bụng hứa với Êmê biết bao nhiêu là chuyện – những chuyện mà nó biết nó không bao giờ thực hiện được. Anh K’Brăk nè, hôm nào mình đến cửa hiệu của lão Seradion chơi nữa nhé? Êmê nói. Và nó “Ừ”, khổ sở khi không nghĩ ra cách trả lời nào khác. Êmê lại nói: Em muốn nghe ban nhạc cà rốt của lão chơi nhạc như thế nào? Và nó lại “Ừ”, lòng trống rỗng. Êmê nắm tay nó: Rồi hôm nào anh nói thầy Yan Dran dạy vẽ cho em nhé? – Ừ, hôm nào! Nó thở ra, câu trả lời của nó giống hệt câu trả lời của Kăply với nhỏ Mua. Cả thái độ cũng giống nữa, vì lúc nói câu đó nó vội vã quay đi để Êmê không nhìn thấy vẻ mặt khác lạ của nó.

Nguyên vừa chạy vừa lúc lắc đầu thật mạnh. Nhưng những hình ảnh về Êmê, về tụi bạn vẫn cứ bám chặt lấy nó, như thể tất cả những kỷ niệm ngọt ngào ở xứ Lang Biang đã được cột chặt vào tâm trí nó bằng một sợi xích vô hình nhưng cực kỳ vững chắc.

oOo

Nguyên và Kăply xuôi xuống hết sườn đồi đã thấy thầy N’Trang Long đứng đợi tụi nó ngay cạnh con suối nhỏ.

Hai đứa chui ra khỏi áo tàng hình:

- Chào thầy ạ.

Khi nãy tụi nó phải dùng hai chiếc áo này mới lẻn đi được. Vừa vô phòng, quẳng cặp sách lên bàn là tụi nó khoác vội áo tàng hình vào người và chuồn đi ngay, mặc dù cả Nguyên lẫn Kăply đều rất muốn được nhìn thấy bà Êmô lần cuối, nếu được thì tìm cách ôm hôn bà một cái trước khi đi, vì quả thật thì tụi nó rất yêu quí bà.

Lúc đi ngang qua chiếc bàn ăn giữa vườn, thấy thằng Đam Pao và con Chơleng đang loay hoay dọn các món ăn quen thuộc, tụi nó bỗng thấy một cái gì nó như là sự nghẹn ngào đột ngột dâng lên trong ngực khiến cả hai phải đứng lại một hồi mới tiếp tục bước đi được.

- Tụi con đã sẵn sàng hết rồi đó chớ?

Giọng nói trầm ấm của thầy N’Trang Long cất lên kéo hai đứa trẻ ra khỏi những mắt lưới cảm xúc cứ quấn lấy tụi nó hai ngày nay.

- Dạ, thưa thầy.

Kăply đáp và tò mò quét mắt ra bốn phía.

- Đằng kia kìa. – Thầy N’Trang Long chỉ tay vào một bụi cây rậm ở phía xa xa – Ở chỗ đó có một lối qua lại giữa hai thế giới.

Kăply mừng quýnh:

- Thế mai mốt tụi con có thể quay lại đây được hả thầy?

- Thế giới của tụi con là thế giới thứ ba. Xứ Lang Biang mà tụi con sắp rời bỏ thuộc về thế giới thứ nhất. Còn nhiều thế giới khác nữa cùng tồn tại song song với chúng ta. Các thế giới đều có những chỗ giáp mí với nhau, đó chính là nơi xuất hiện những hành lang xuyên thế giới. Nhưng chỉ những ai sống trong thế giới thứ nhất và thế giới thứ tư mới có đủ năng lực đi ra khỏi thế giới của mình.

- Nhưng tụi con đã đến được đây? – Kăply kêu lên.

- Dĩ nhiên là ta đâu có đui. – Thầy N’Trang Long khẽ nhăn mặt – Nhưng chỉ khi nào người của chúng ta cố tình đưa tụi con đến thì tụi con mới đến được.

- Có nghĩa là tụi con không đến đây được nhưng thầy và các bạn đi thăm tụi con thì được chứ gì? – Kăply hỏi lại bằng giọng khấp khởi, mắt nó dán cứng vào vầng trán rộng của vị hiệu trưởng. Rõ ràng nó đang hồi hộp rình một cái gật đầu.

- Về lý thuyết dĩ nhiên là được. – Lâu thật lâu, thầy N’Trang Long mới cất tiếng, Nguyên và Kăply nhận ngay ra sự đắn đo trong cái cách thầy mò tay lên chòm râu cằm – Nhưng xưa nay chỉ những ai bức bách hoặc liều lĩnh lắm mới nghĩ đến chuyện xâm nhập vào thế giới khác.

Kăply há hốc miệng thay cho câu hỏi “Sao vậy thầy?”.

- Đại khái đó là một hành động nguy hiểm. – Thầy N’Trang Long vừa nói vừa nhìn đứa học trò – Nó có thể làm nổ ra xung đột giữa các thế giới. Nói tóm lại vì lý do an ninh, điều đó không được phép. Cũng như con không được phép hả họng ra giữa một nơi gió máy như thế này, Kăply à.

Câu cuối cùng, thầy chuyển qua bông đùa nhưng Kăply không thể ép mình cười được. Nó ngậm miệng lại nhưng mặt thì xịu xuống, cảm thấy niềm hy vọng của mình vừa bị ai phũ phàng giật mất.

- Thầy ơi, thế còn K’Brăk và K’Brêt thì sao hở thầy? – Nguyên băn khoăn – Sẽ không ai phát hiện ra tụi nó đi vắng thời gian qua chứ?

- Chuyện đó không thể giấu được, con à. Vấn đề là lúc nào thì nên nói ra. – Thầy N’Trang Long đột nhiên đăm chiêu, Nguyên thấy rõ trán thầy cau lại – Ta biết tất cả các siêu phù thủy đều nghi ngờ chim thần Garuda không phải là linh vật ở thế giới thứ nhất, chỉ có điều họ không tiện thắc mắc công khai thôi. Hơn nữa giấu mà làm gì, khi chính ta cũng cho rằng lịch sử Lang Biang cần ghi nhận hiện tượng có một không hai này: chiến binh giữ đền đời thứ ba là những sứ giả đến từ thế giới khác.

Thầy N’Trang Long thở ra:

- Nếu vai trò cứu tinh của tụi con được chính thức thừa nhận, Hội đồng Lang Biang và cư dân ở đây sẽ có cái nhìn thân thiện và cởi mở hơn về các thế giới khác. Lúc đó những quy định về việc đi lại giữa các thế giới sẽ được nới lỏng và biết đâu nhờ vậy ta và bọn nhóc ở đây sẽ có dịp đến thăm tụi con vào một ngày đẹp trời nào đó.

- Tuyệt quá, thầy! – Kăply reo to, cố giữ đôi chân không nhảy bật lên.

- Nếu điều đó xảy ra, còn có thêm một cái tuyệt nữa. – Như không nghe thấy Kăply (mặc dù rõ ràng là thầy nghe thấy khi chôm chữ “tuyệt” của nó), thầy N’Trang Long tiếp tục những ý nghĩ trong đầu – Ka Ming, K’Srêgơl, K’Brăk và K’Brêt lúc đó sẽ không bị truy cứu trách nhiệm về tội tùy tiện xâm nhập thế giới thứ ba. Cả tội trạng của K’Tul cũng sẽ được ân xá.

Ông K’Tul âm mưu tráo người bằng cách dụ K’Brăk và K’Brêt tới làng Ke rồi đưa tụi nó về đây. Chuyện này thì Nguyên và Kăply đã biết. Nhưng tụi nó không hiểu tại sao thầy hiệu trưởng lại nhắc tới bà Ka Ming và ông K’Srêgơl.

Nguyên ngơ ngác:

- Ba của K’Brêt mất tích mười hai năm nay rồi mà thầy?

- K’Srêgơl mất tích là mất tích ở đây thôi, chứ ổng đâu có hóa thành cát bụi. – Thầy N’Trang Long nhún vai – Mười hai năm nay cái tên chết nhát đó vẫn trốn chui nhủi ở làng Ke và đang dạy học loăng quăng gì dưới đó.

Nguyên và Kăply “ơ” lên một tiếng, và như không cưỡng được cả hai cùng chìa vẻ mặt kinh dị vào mắt nhau, hai cái miệng cùng há ra sửng sốt:

- Thầy Râu Bạc?

- Trước đó một năm, Ka Ming sau khi được bọn ta cứu thoát cũng hốt hoảng chạy xuống làng Ke, nhưng chừng một thời gian ngắn cô ta lại quay trở về. Chỉ có K’Srêgơl là ở lì dưới đó. Thiệt tình!

Ngay lập tức, Nguyên nghĩ ngay đến mụ phù thủy mà thầy Râu Bạc đã kể cho tụi nó nghe hôm trước. Bây giờ thì Nguyên hiểu ra ngọn đồi ở quê nó sở dĩ mang tên đồi Phù Thủy chính là bắt nguồn từ sự xuất hiện của bà Ka Ming.

- Sao hết bà Ka Ming đến ông K’Srêgơl rồi đến K’Brăk và K’Brêt, tất cả đều đổ xô đến làng Ke mà không chịu đến nơi nào khác hả thầy? – Nguyên ngạc nhiên hỏi.

- Đơn giản là ở thế giới thứ ba thì làng Ke chính là điểm giáp mí với thế giới thứ nhất. Lát nữa tụi con chui vô bụi cây đằng kia thì lúc đi ra thế nào cũng đụng phải ngọn đồi ở làng Ke. Cho nên mới có chuyện buồn cười: K’Tul đâu có biết khi ổng đẩy thằng nhóc K’Brêt xuống làng Ke thì đã có ba nó đợi sẵn ở dưới.

- Không đúng đâu, thầy. – Như chợt nghĩ ra điều gì, Kăply đột ngột la lên – Mụ phù thủy đó đến làng Ke lâu lắm rồi. Cả thầy Râu Bạc cũng vậy. Ông ngoại con và ông nội của Nguyên từng là học trò của thầy Râu Bạc. Nếu thầy bảo ông K’Srêgơl mới đến làng Ke hồi mười hai năm trước thì con nghĩ…

- Kăply. – Thầy N’Trang Long phác một cử chỉ như thể muốn nói trước khi “con nghĩ” thì hãy nghe “ta nói” đã – Tại tụi con chưa biết điều này: thời gian ở thế giới thứ nhất chỉ bằng 1/10 thời gian ở thế giới thứ ba…

Mặt tái mét, Nguyên run run hỏi lại:

- Tức là một năm ở đây bằng mười năm ở làng Ke hả thầy?

- Không xong rồi, thầy ơi. – Kăply nhảy tưng tưng như đứng trên ổ kiến lửa – Tụi con đã ở đây được bốn, năm tháng rồi, hổng lẽ khi quay về làng Ke, tụi con đã mười tám, mười chín tuổi?

- Chính xác là như vậy đó con. – Thầy N’Trang Long thản nhiên.

- Thế thì chết tụi con rồi. – Kăply mếu xệch miệng, giọng nghe như sắp khóc – Ở làng Ke, con trai tuổi đó đều bị ba mẹ bắt lấy vợ hết đó thầy.

- Làm gì mà con sắp ngất xỉu thế, Kăply. – Thầy N’Trang Long hấp háy mắt, cố làm ra vẻ nghiêm nghị – Ta tưởng đó là chuyện vui chứ đâu phải chuyện buồn…

Rồi thấy thằng nhóc có vẻ sắp lăn đùng ra thiệt, thầy vội nói thêm:

- Thôi, được rồi. Nói vậy chứ ta đâu nỡ để các con lâm vào cảnh khó xử. Lát nữa ta sẽ dán ở bụi cây mà tụi con sắp chui vô một lá bùa nén thời gian để điều chỉnh lại sự chênh lệch giữa hai thế giới. Tóm lại, tụi con ra đi như thế nào thì sẽ trở về như thế nấy.

Câu nói của thầy hiệu trưởng y như làn gió mát và làn gió vô hình đó lập tức quét sạch vẻ lo lắng trên mặt hai đứa trẻ.

Kăply sung sướng giơ tay lên nhưng nó chưa kịp vỗ tay đã thõng xuống, nín thở nghiêng tai lắng nghe.

Một tiếng sáo du dương vẳng tới từ đâu đó bên kia suối. Tiếng sáo lúc đứt lúc nối trong gió nhưng nghe rõ mồn một và âm thanh thoắt vui thoắt buồn của nó cho thấy người thổi sáo dường như đang vật lộn với những cảm xúc hoàn toàn trái ngược nhau.

- Tiên ông Pi Năng Súp hả thầy? – Nguyên mấp máy môi.

- Tụi con đi theo ta.

Thầy N’Trang Long buông gọn, rồi không để hai đứa học trò kịp thắc mắc về câu trả lời không hề giống trả lời chút nào của mình, thầy dẫn Nguyên và Kăply đi xuôi theo dòng suối, tiến về phía bụi cây mà theo thầy nói thì lát nữa tụi nó sẽ chui vô đó.

Có một tảng đá to bên kia suối, đối diện với bụi cây. Rêu xanh và các loại dây leo bám quanh tảng đá khiến nó trông giống như một hòn núi nhỏ. Có một thằng nhóc cỡ tuổi Kăply ngồi thõng chân trên chóp tảng đá, đang lim dim mắt say sưa thổi sáo. Mặt trời ban trưa nhả xuống trên đầu trên vai nó từng mảng nắng nhưng thằng nhóc dường như không cảm thấy nóng bức. Nó cũng không hề hay biết có ba người đang đứng ở bờ suối bên kia lặng lẽ quan sát nó.

- Tụi con biết ai đó không?

Ngay từ khi nhìn thấy thằng nhóc lạ mặt này, Nguyên và Kăply đã hồi hộp căng mắt nhìn và cả hai tin chắc mình chưa gặp qua nó lần nào. Lâu nay ở xứ Lang Biang, tụi nó chưa từng trông thấy đứa con trai nào khôi ngô như vậy. Gương mặt trắng trẻo, trán rộng và phẳng, chiếc mũi nhỏ và thanh mảnh như mũi con gái, Nguyên và Kăply không nhìn thấy đôi mắt của thằng nhóc nhưng phải công nhận hai hàng lông mày của nó đẹp và dài như hai lưỡi kiếm vẽ bằng bút lông. Cả đôi môi của nó nữa, nếu không bị ống sáo che khuất, Nguyên và Kăply tin rằng tụi nó sẽ nhìn thấy một đôi môi hồng như hai cánh hoa đào. Tất cả được viền quanh bởi những lọn tóc vàng óng ả xõa xuống hai bên vai, trông nó như các chàng trai Bạch kỳ lân được thu nhỏ nhưng thanh tú và đáng yêu hơn.

- Ai vậy thầy? – Kăply tò mò hỏi.

- Giáo sư Akô Nô đó.

Thầy N’Trang Long nói khẽ, gần như thì thầm, nhưng với Nguyên và Kăply tiết lộ của thầy không khác nào một tiếng sét.

Kăply nhảy dựng, đã rất muốn ré lên nhưng nó vừa ngoác miệng, thầy N’Trang Long đã đưa một ngón tay lên môi, ra dấu bảo nó đừng có mà làm ầm lên một cách ngu ngốc.

Kăply nhích lại gần thầy hiệu trưởng, hạ giọng vo ve như muỗi kêu:

- Sao lại là thầy Akô Nô được hả thầy? Thầy Akô Nô mới có mười tuổi, lại để tóc trái đào…

“Thằng nhóc đó chính là giáo sư Akô Nô”. Lần này cả Kăply lẫn Nguyên đều nghe giọng nói của thầy N’Trang Long vang lên trong đầu mình. “Hổng biết ổng làm sao mà mới có một ngày một đêm, ổng đã lớn thêm được ba, bốn tuổi. Giỏi thiệt!”.

Nguyên mấp máy môi, không nhận ra nó vừa đưa tay dứt tóc:

- Nhưng thầy Akô Nô đã trở về núi Lưng Chừng…

“Con đừng quên núi Lưng Chừng là hòn núi không ở cố định một chỗ. Có khi hiện giờ nó ở rất gần đây cũng nên. Hơn nữa, nếu giáo sư Akô Nô đã kịp lớn lên nhanh đến vậy thì rất có thể ổng đã tìm được cách thoát khỏi tình trạng khốn khổ của mình”.

Thầy N’Trang Long nói một hơi dài. Có lẽ đây là dịp cuối cùng để thầy dùng thuật thần giao cách cảm trò chuyện với Nguyên và Kăply nên thầy có vẻ không muốn kết thúc cuộc đối thoại quá sớm.

“Thiệt tình mà nói thì giáo sư Akô Nô muốn gửi gắm điều gì trong tiếng sáo họa may chỉ có Păng Sur biết chứ ta đâu có hiểu cái cóc khô gì. Ta thì ta chỉ thấy ổng thổi sáo chẳng ra cái con khỉ gì hết. Chậc, cứ cái đà này, ta nghi chắc ổng còn làm khổ lỗ tai của ta và Pi Năng Súp dài dài. Thiệt bó tay ổng luôn!”.

Nguyên nghiêm trang nói, cố kềm một tiếng cười khi nghe những lời than vãn của thầy N’Trang Long:

- Tụi con lại chào từ biệt thầy Akô Nô…

- Không cần đâu. Ta nghĩ tụi con không nên quấy rầy ổng trong lúc này. Hơn nữa, đã tới giờ tụi con phải lên đường rồi.

Thầy N’Trang Long dẫn Nguyên và Kăply đến trước bụi cây, lấy trong túi lá bùa vẽ hình chiếc đồng hồ cát cẩn thận ghim lên nhánh lá.

Thầy bước lui lại một bước, đặt tay lên vai hai đứa trẻ, trầm ngâm một lúc rồi tặc lưỡi nói:

- Thôi, tụi con bước vô đi.

Trong một thoáng, Nguyên và Kăply nhận thấy một cảm giác gì đó như là sự mất mát đang lấp đầy tụi nó. Cặp chân tụi nó tự nhiên trở nên yếu đuối và giống như không còn hơi sức, cứ đứng ì ra.

- Đi đi tụi con.

Như nhận ra sự bịn rịn của hai đứa trẻ, thầy N’Trang Long cất tiếng giục.

“Chúc tụi con lên đường bình an”.

Đó là câu nói cuối cùng Nguyên và Kăply nghe thấy khi tụi nó quay lại nhìn vào ánh mắt trìu mến của thầy hiệu trưởng trước khi mím môi bước chân vào bụi cây, thẫn thờ biết rằng trong tích tắc nữa thôi ở phía sau lưng xứ Lang Biang sẽ lặng thầm khép lại…


Ngoại truyện: NHẬT KÝ CỦA NGUYÊN

Chiều nay tôi và Kăply lại rủ nhau lên đồi Phù Thủy. Từ khi trở về làng Ke đến nay, hai đứa tôi đã trở lại ngọn đồi này không biết bao nhiêu lần.

Thầy Râu Bạc cùng với hai thằng K’Brăk và K’Brêt đã biến mất khỏi làng vào cái ngày chúng tôi quay về nên không còn ai dòm ngó chuyện chúng tôi mò lên đồi vào mỗi buổi chiều nữa. Hơn nữa, bây giờ nếu còn ở làng Ke thầy cũng chẳng có lý do gì để cấm cản chúng tôi khi mà tôi và Kăply đã biết tỏng bí mật của ngọn đồi, thậm chí hai đứa tôi còn biết nhiều hơn thầy bao nhiêu là chuyện.

Hôm đó, sau khi đặt chân vào bụi cây bên bờ suối theo lời chỉ dẫn của thầy N’Trang Long, chúng tôi cảm thấy hai mí mắt đột nhiên nặng như chì. Chưa ý thức được chuyện gì, hai đứa lập tức không còn biết gì nữa – y như thể bị giấc ngủ thình lình chụp lấy. Tình huống xảy ra giống hệt lần chúng tôi bị lừa đến xứ Lang Biang.

Khi tỉnh dậy, chúng tôi nhận ra hai đứa đang ở trong căn nhà gỗ trên đỉnh đồi Phù Thủy. Căn nhà vẫn sạch sẽ, láng bóng, đồ đạc bên trong vẫn y như lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy, thậm chí ngay cả vị trí cũng không hề xê xích một li. Vẫn chiếc giường nằm ở sát vách. Chính giữa nhà là chiếc bàn với ba chiếc ghế láng o, như thể chưa từng có ai ở đây trong thời gian chúng tôi mất tích.

Sau khi ngồi thừ ra tại chỗ (dĩ nhiên là ngồi bệt dưới nền nhà), và đưa tay dụi mắt cả chục lần để ép đầu óc làm quen với sự có mặt của chúng tôi tại làng Ke và cũng để tự xác nhận với mình những ngày vừa qua không phải là một giấc mơ, tôi và Kăply lóp ngóp đứng lên và bắt đầu dọ dẫm bước ra khỏi căn nhà gỗ mà bây giờ chúng tôi tin chắc là do bà Ka Ming dựng lên một trăm ba mươi năm về trước.

Cây cối dường như um tùm hơn, tôi nhận thấy thế khi nhìn những con sóc kéo những chiếc đuôi dài ra khỏi bụi rậm, băng qua trước mặt chúng tôi để láu táu chui vào một bụi rậm khác. Khi ngước mắt nhìn lên, tôi bắt gặp một cảm giác thân thiết khi nhận ra những-con-chim-cho-đến-bây-giờ-tôi-vẫn-không-biết-tên với sải cánh bự chảng và dài như tấm phản chao lượn trên đầu.

Kăply nôn nóng giục, bực mình khi thấy tôi cứ tà tà ngắm cảnh:

- Về nhà đi chứ. Hổng lẽ mày nghĩ thời gian tụi mình ở xứ Lang Biang chưa đủ lâu?

- Về ngay bây giờ ư? – Tôi nhún vai và liếc Kăply qua khóe mắt – Mày thử nhìn hai đứa mình đi, xem đã giống thằng Nguyên và thằng Kăply chưa đã!

Rõ ràng câu đáp trả của tôi có tác dụng không kém gì câu thần chú Trẹo quai hàm. Tôi thấy Kăply há hốc miệng, như thể nó đang ngậm cả nùi cá pha lê. Đã quen nhìn hai đứa trong hình dáng của K’Brăk và K’Brêt, Kăply quên mất chúng tôi không thể trở về nhà trong bộ dạng như thế này được.

- Ờ há! – Lâu thật lâu, Kăply mới tìm lại được tiếng nói, chỉ để nói một câu quen thuộc đến mức tôi phải cố hết sức để đừng nhăn mặt.

- Chờ một lát đi. – Tôi hừ mũi – Thế nào tụi mình cũng…

- Anh K’Brăk! Anh K’Brêt!

Tôi chưa nói hết câu đã giật bắn người khi nghe tiếng kêu mừng rỡ bất thần vang lên từ phía sau. Kăply còn tệ hại hơn: lẽ ra phải hoan hỉ, trông nó lại giống như người đang cảm thấy một cái gì đó trơn trợt và lạnh ngắt như một con rắn đang trườn qua bao tử.

Chúng tôi quay phắt ra sau, chết sững khi thấy thằng Đam Pao và con Chơleng đang từ trong căn nhà gỗ chạy ào ra.

- Trời đất! – Thằng Đam Pao vừa chạy vừa la như cháy nhà – Ôi, anh K’Brăk và anh K’Brêt kìa! Sao hai anh lại ở đây?

- Chứ còn… còn tụi mày? Sao tụi mày cũng… cũng ở đây?

Tôi lắp bắp hỏi lại, hai tay cầm lấy quai hàm lắc lắc để nó khỏi đông cứng lại vì kinh ngạc:

- Dĩ nhiên tụi này ở đây là có lý do. – Đam Pao toét miệng cười – Nhưng còn hai anh…

Tôi chưa kịp mở miệng đã nghe một tiếng “bụp” khe khẽ vang lên. Ngay tức khắc thằng Đam Pao hết cười nổi. Lần này, tới lượt nó và con Chơleng đứng như trời trồng. Trước mặt nó, K’Brăk và K’Brêt thình lình biến mất, thay vào đó là hai thằng nhóc làng Ke chính hiệu từ tóc tai, màu da đến cách ăn mặc.

Trong khi tôi và Kăply sung sướng nhìn nhau và thở phào nhẹ nhõm thì Đam Pao ú a ú ớ:

- Hóa ra tụi bay là… là hai thằng nhóc làng Ke…

- Nè, mày đừng có hỗn nghe chưa? – Kăply thu nắm đấm dứ dứ trước mặt Đam Pao, gầm gừ – Dù tụi tao có là dân làng Ke thì vẫn lớn tuổi hơn hai đứa mày…

Lần thứ hai trong vòng năm phút, một tiếng bụp lại vang lên. Y như thể trúng phải thần chú Bất di bất dịch, cánh tay đang giơ ra phía trước của Kăply bỗng treo bất động trên không. Còn tôi thì giống như bị trời sập trúng đầu: hai đứa đầu bếp của lâu đài K’Rahlan trong tích tắc bỗng biến thành một ông cụ và một bà cụ – người nào người nấy già khụ và vẻ ngoài của họ đúng là hình dáng không thể nhầm vào đâu được của các bô lão làng Ke.

- Con hiểu rồi. – Tôi thở hắt ra sau khi trấn tĩnh – Ông và bà cũng bị người ta lừa đến xứ Lang Biang.

- Lừa ư? – Bà cụ lắc đầu, có lẽ bà đang nhăn trán nhưng vì những đường rãnh trên mặt không thể hằn sâu hơn được nữa nên tôi chỉ có thể đoán điều đó qua nét mặt – Hừm, lừa còn khá. Mười ba năm trước, à không, phải nói là một trăm ba mươi năm trước, ta và lão này bị bà Ka Ming bắt cóc. Bả đưa bọn ta về lâu đài K’Rahlan và biến bọn ta thành hai đứa lóc chóc như tụi bay thấy đó.

Thốt nhiên tôi phì cười:

- Chỉ có ông và bà mất tích, thế mà có người bảo là thời kỳ đó gần một nửa dân làng biến mất và tất cả đều phơi xương dưới đáy vực.

- Tệ hại thiệt tình! – Kăply méo xệch miệng – Ở chung với nhau bao nhiêu lâu mà tụi con đâu có biết ông và bà là người ở thế giới thứ ba, lại là người cùng làng…

Ông cụ tặc lưỡi:

- Thì bọn ta cũng đâu có nhận ra hai đứa bay.

- A. – Kăply bỗng kêu lên – Hèn gì có lần nghe ông bảo gì chứ sở thích về ăn uống thì dù trăm năm cũng không thay đổi, con cứ tưởng thằng Đam Pao láo, nó sống được bao nhiêu năm trên đời mà dám khoác lác…

Trong khi bà cụ mỉm cười thì ông cụ dường như không quan tâm lắm đến những gì Kăply nói. Ông nhìn tôi, mắt trợn lên:

- Ủa, thế ra tụi bay bị người ta lừa à?

- Dạ.

Một cách tóm tắt, tôi thuật sơ qua chuyện chúng tôi đã đến xứ Lang Biang trong trường hợp nào.

- Và những gì xảy ra sau khi hai đứa con đến xứ Lang Biang thì ông và bà cũng biết rồi đó. – Tôi tặc lưỡi kết luận, hai tay nhốt trong túi quần để khỏi dứt tóc theo thói quen.

- Ừm. – Ông cụ gật đầu, vui vẻ – Công nhận tụi bay giỏi thiệt đó. Hà, chiến binh giữ đền đâu có phải chuyện chơi.

- Ông cũng đâu có kém gì. – Kăply cười hì hì – Thần chú cầu vồng đâu phải thứ ai cũng học được.

- Ối dào. – Ông cụ phẩy tay – Ba thứ đó hay thì hay thiệt, nhưng về tới đây hổng xài được chút xíu nào hết.

Bây giờ, có lẽ Kăply đang nhớ lại cuộc đối thoại với ông cụ và vẫn còn thấy tiếc hùi hụi. Cho nên bất thần nó quay sang tôi, đập đập tay vô túi áo, xuýt xoa:

- Tao chả cần thần chú chiến đấu hay chiếc áo tàng hình vô tác dụng này. Chỉ cần làm cho cọng lông chim bay lên như hồi ở xứ Lang Biang đủ khiến khối đứa trong trường lé mắt rồi.

- Mày toàn nghĩ chuyện vớ vẩn. – Tôi lừ mắt nhìn nó – Mày nên nghĩ cách làm sao cuối năm đừng đứng bét lớp thì hay hơn.

Nhắc nhở của tôi làm mặt Kăply lập tức xệ xuống. Thời gian tôi và Kăply trong lốt K’Brăk và K’Brêt lang thang ở xứ Lang Biang, K’Brăk và K’Brêt cũng bày đặt biến thành hai đứa tôi, ngày ngày ôm cặp tới lớp, tối tối vẫn về nhà ăn ngủ bình thường. Nói chung là chẳng ai nghi ngờ gì hết. Nhưng chả hiểu hai thằng ôn dịch đó học hành cách sao và thầy Râu Bạc cho điểm kiểu gì mà ngày đầu tiên từ xứ Lang Biang trở về, tôi và Kăply vừa ló đầu vô nhà đã bị các bậc phụ huynh chửi như tát nước. Bữa đó ba thằng Kăply rút từ trên vách một cây roi dài ơi là dài khiến nó xanh mặt, phải ba chân bốn cẳng chạy trốn qua nhà tôi.

Làm như cái cảnh nó chạy phía trước ba nó cầm roi chạy phía sau lúc này đang hiện ra trong đầu nó hay sao mà đang nói chuyện tôi thấy mặt nó thình lình quạu đeo.

Y như tôi đoán, nó hổn hển một lúc rồi nghiến răng trèo trẹo:

- Tao mà gặp lại thằng K’Brăk và thằng K’Brêt, tao sẽ cho tụi nó biết tay.

Giọng nó đột ngột chuyển sang than thở:

- Chà, hôm bị ba tao rượt, tao giống như người mộng du mày ạ. Tao rút chiếc áo tàng hình trong túi ra tính tròng vô người, nhưng sực nhớ ra ở làng Ke thì chiếc áo của thằng Suku chẳng khác gì một miếng giẻ rách…

- Dần dần rồi tụi mình sẽ quen. – Tôi an ủi nó, bằng cái giọng người ta vẫn thường dùng để an ủi chính mình – Hôm trước tao gặp lại thằng Đam Pao, à quên, gặp lại ông cụ hôm nọ. Ổng than dạo này ổng cứ khoái mò vô bếp lục đục làm lũ con cháu cứ phải lôi ổng ra. Ổng và bà cụ kia đã lỡ phịa chuyện cả hai bất thần rơi vào giấc ngủ mê man trên đồi Phù Thủy suốt một trăm ba mươi năm qua, nay đành phải phịa tiếp rằng trong quãng thời gian dài dằng dặc đó đêm nào hai người cũng mơ thấy mình là đầu bếp…

Tôi vừa nói vừa kín đáo quan sát Kăply, ngạc nhiên thấy nó chẳng tươi tỉnh lên được chút nào. Tôi có cảm giác Kăply không nghe tôi nói gì. Gương mặt nó đột nhiên trở nên xa vắng như thể tâm trí nó đã rời bỏ nó để chạy đi đâu.

- Mày nghe tao nói gì không, Kăply? – Tôi hắng giọng, mắt vẫn dán chặt vào vẻ mặt lạ lùng của nó.

Kăply vẫn không trả lời.

Tôi nhắc lại câu hỏi, một lần rồi hai lần. Đến lần thứ ba thì tôi nghe Kăply thì thầm:

- Giờ này Mua đang làm gì hở mày?

Thực ra tôi không nghe thấy Kăply. Giọng nó thấp đến mức tôi phải nhìn cử động của đôi môi mới đoán được nó định nói gì.

- Mua á?

Tôi hỏi lại một cách máy móc, mặt bất giác ngẩn ra. Tự nhiên, hình ảnh của đám bạn xứ Lang Biang hiện ra trong đầu tôi. Ký ức tôi bây giờ giống như bức màn trong rạp chiếu phim và tôi đang nhìn vào đó, thấy mồn một từng bóng người diễu qua. Đến khi mái tóc vàng và chiếc mũi hếch của Êmê hiện ra và cô nàng cười với tôi thì tôi thấy tay mình run lên.

- Bữa nay tụi nó đã biết mình là ai chưa nhỉ?

Tôi nghe tiếng Kăply lẩm bẩm bên tai. Tôi không rõ Kăply hỏi ai, hỏi nó hay hỏi tôi, nhưng vẫn nói:

- Chắc là biết rồi.

Im lặng một lúc, Kăply lại buột miệng băn khoăn:

- Thế tụi nó có nhớ mình không hở mày?

- Dĩ nhiên là nhớ. – Tôi nói nhanh.

- Sao mày biết?

- Sao lại không biết. – Tôi giận dỗi đáp – Nếu mình nhớ tụi nó thì đương nhiên tụi nó cũng nhớ mình.

- Nếu nhớ mình sao tụi nó không đến thăm mình? Mình đã đợi tụi nó trên ngọn đồi này bao nhiêu buổi chiều rồi.

- Chắc chắn tụi nó sẽ đến. Một ngày nào đó tụi nó sẽ đến. – Tôi quả quyết nhưng giọng lại yếu ớt đến mức người nghe hoàn toàn có thể hiểu ngược lại.

Kăply không nói gì, mặt nghệt ra. Có vẻ như nó đang lắng nghe tiếng chim đập cánh trong những tàng cây đầy nắng. Tiếng chim động khẽ trong nhánh lá một cái rồi thôi, đồi Phù Thủy lại chìm vào sự im lặng buồn tênh và trống rỗng.

Lâu thật lâu, Kăply mới mấp máy môi:

- Tao nghĩ tụi nó sẽ không đến, Nguyên à. Tao biết mày chỉ an ủi tao thôi.

- Nghe tao nói nè, Kăply.

Tôi đặt tay lên vai Kăply như muốn bằng cử chỉ đó sưởi ấm nó, nhưng tôi chưa kịp nói câu tiếp theo đã nghe những tiếng gọi lanh lảnh từ phía sau, đúng là tiếng của đám bạn mà chúng tôi ngày đêm mong ngóng:

- K’Brăk! K’Brêt! Anh K’Brăk! Anh K’Brêt!

Tôi choáng váng đến mức phải mất mấy giây sau mới nhúc nhích được cái cổ để quay sang Kăply, thấy Kăply cũng đang sửng sốt nhìn tôi.

“Đây là sự thực hay ảo giác?”. Hai đứa tôi đều đọc thấy nỗi hoang mang đó trong mắt nhau và điều đó đã ngăn chúng tôi ngoảnh phắt lại như lẽ ra phải thế. “Làm sao tụi Êmê, K’Tub, Suku, Păng Ting, Tam, Mua… có thể nhận ra tụi mình khi tụi mình đã trở lại hình dáng của những đứa trẻ làng Ke?”. Tôi nhìn thấy thắc mắc của Kăply trong mắt nó và biết nó cũng sung sướng nhìn thấy câu trả lời trong mắt tôi “Có lẽ K’Brăk và K’Brêt đã mô tả về tụi mình. Ờ, mà cần gì. Păng Ting hoàn toàn có thể nhìn thấy tụi mình qua chiếc hộp liên giới…”.

Tới đây thì tôi và Kăply nhận ra mình không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Chúng tôi ngần ngừ một thoáng rồi cắn chặt môi từ từ xoay người lại, chậm chạp như hai cây kim xoay trên mặt đồng hồ, vừa xoay vừa nhắm nghiền mắt như để cầu nguyện cho những tiếng gọi vừa rồi không phải là tiếng dội của nỗi nhớ bên trong…

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/8/2006

Nguồn: diendan.game.go.vn