21/1/13

Nghìn lẻ một ngày (C1+C2A-D)

Chương 1: CHUYỆN NÀNG CÔNG CHÚA NƯỚC CASƠMIA

Vương quốc Casơmia (Một vương quốc nhỏ nằm giữa nước Ấn Độ và xứ Tây Tạng) ngày xưa có một nhà vua trị vì tên là Tugrun-Bây. Vua sinh hạ một hoàng tử và một công chúa được mọi người đương thời vô cùng ái mộ. Hoàng tử Farucru (Có nghĩa là Ánh sáng tốt lành) thật sự là một vị anh hùng niên thiếu được thần dân tin yêu về đức độ, còn em gái của chàng, công chúa Farucna (Có nghĩa là Niềm kiêu hãnh tốt lành) thì đẹp tựa Hằng Nga giáng trần.
Quả vậy, nàng công chúa ấy vừa xinh tươi vừa sắc sảo đến nỗi bất kỳ người đàn ông nào mà cả gan trộm ngắm dung nhan nàng đều không thể không đem lòng say đắm; nhưng đấy rốt cuộc là mối tình bất hạnh bởi phần lớn các chàng đều trở nên người mất trí hoặc sa vào một nỗi đam mê trầm lặng làm thân thể héo mòn.
Mỗi lần ra khỏi hoàng cung để đi săn bắn, công chúa thường không đeo mạng che mặt; thế là đông đảo dân chúng ùa theo sau, vừa đi vừa reo hò tỏ lòng vui sướng được tự mắt nhìn thấy dung nhan người đẹp. Nàng thường cưỡi một con ngựa thuần chủng Tarta lông trắng như tuyết có điểm những đốm nâu; quây quần quanh nàng một trăm nữ nô lệ ăn mặc lộng lẫy ngồi trên lưng những con ngựa đen tuyền. Tất cả các cô đều không đeo mạng, và phần lớn ai cũng xinh đẹp duyên dáng tuyệt trần; tuy nhiên chỉ có nữ chủ nhân là thu hút về mình mọi đôi mắt của dân chúng theo sau. Bất chấp cả một đội cận vệ đông đảo kiên quyết ngăn chặn, dân chúng ai cũng chen lấn để cố gắng đến được gần nàng hơn chút nữa. Lính tráng gươm tuốt trần lăm lăm ở tay, cũng chẳng sao xua được mọi người tránh xa nàng ra một ít; nhiều binh sĩ còn đang tâm đánh đập thậm chí giết hại những người sán đến quá gần nàng, vậy mà những chàng trai đáng thương ấy đã không lo cho số phận thảm thương có thể đón chờ mình thì chớ, lại dường như tỏ ra thích thú được bỏ mạng ngay trước mắt nàng công chúa mà họ coi là thần tượng của mình.
Quốc vương mủi lòng trước những điều bất hạnh xảy ra cho thần dân do nhan sắc con gái mình gây nên, liền quyết định từ nay không cho phép công chúa xuất hiện lộ liễu trước mắt các chàng trai. Vua cấm nàng ra khỏi cung cấm, thế là dân chúng không còn dịp ngắm nhìn người đẹp nữa. Tuy nhiên tiếng đồn về nhan sắc chim sa cá lặn của công chúa lan truyền khắp các nước phương Đông, khiến nhiều nhà vua không hẹn mà nên, ai cũng chắc chắn tin rằng đấy đích thực là một tuyệt thế giai nhân. Vậy là chẳng bao lâu, nhân dân nước Casơmia hay tin sứ thần tất cả các nước châu Á đang từ nhiều nơi trẩy tới kinh đô tìm các cầu hôn công chúa nước này cho con trai quân vương họ. Nhưng trước khi các sứ giả tới kinh thành, công chúa Farucna một đêm nằm mộng, cơn mộng khiến nàng cho rằng tất cả mọi người đàn ông trên trái đất đều khả ố. Đêm ấy nàng mơ thấy một con hươu đực sa bẫy, con hươu cái tìm mọi cách giúp con đực thoát ra, đến lượt con hươu cái chẳng may cũng sa vào chính cái bẫy ấy, thì lúc này con hươu đực chẳng hề cứu giúp, lại thản nhiên để mặc con cái vướng trong bẫy mà một mình bỏ đi.
Tỉnh dậy, lòng công chúa bị xáo động dữ dội bởi giấc mơ. Nàng không nghĩ đấy chỉ là chuyện mộng mị thường tình mà cho rằng đây hẳn một điềm mà Ngọc hoàng Thượng đế do quan tâm đến số phận của nàng, đã bằng cách báo mộng dạy cho nàng biết, tất cả đàn ông trên trần thế này chẳng qua đều một duộc những tên phản trắc chuyên lợi dụng lòng dạ cả tin của đàn bà con gái mà thôi.
Bị ám ảnh bởi ý nghĩ kỳ quặc ấy, và lo sợ mình rồi có thể sẽ là vật hy sinh cho một vị quân vương nào đấy trong vô số những người đang phái sứ thần lũ lượt đổ về kinh đô Casơmia cầu hôn, nàng vội tìm đến xin gặp vua cha. Không để lộ cho phụ vương biết lòng mình căm ghét đàn ông, nàng chỉ nước mắt giọt vắn giọt dài van xin người chớ vội gả con cho một người đàn ông không hợp ý nàng. Nước mắt đứa con gái yêu làm mủi lòng vua cha Tugrun-Bây. Ông nói: „Không, con gái của cha ơi, cha chẳng bao giờ ép buộc duyên con. Mặc dù lẽ đời đối với con gái, cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy, cha vẫn thề với con trước đức Ngọc hoàng thượng đế rằng không một hoàng tử nào, cho dù đấy là con trai Quốc vương nước Ấn Độ vô cùng hùng mạnh đi nữa, được phép làm bạn với con nếu không được con đồng ý “. Công chúa tin tưởng vào lời thề mà nàng biết thế nào vua cha cũng giữ vẹn, rất hài lòng trở về cung riêng, lòng dặn lòng dứt khoát từ nay chẳng bao giờ đồng ý trao thân cho bất kỳ một hoàng tử nào.
Mấy ngày sau, sứ thần nhiều nước tới kinh thành. Họ lần lượt được Quốc vương Casơmia tiếp kiến. Sứ thần nào cũng khoe khoang về đất nước thịnh vượng của mình và ngợi ca tài năng đức hạnh hoàng tử mình. Quốc vương Tugrun-Bây đãi đằng họ hết sức trọng vọng, song nói rõ với mọi người là công chúa được quyền tự định đoạt hôn nhân, rằng vua đã thề trước Ngọc hoàng Thượng đế không ép duyên con, trái với ý muốn của nàng. Mà nàng công chúa thì chẳng hề ưng thuận một ai, thành ra rốt cuộc mọi sứ thần các nước lần lượt theo chân nhau ra về, ai cũng bối rối trong lòng vì không làm tròn sứ mệnh được giao.
Vua Tugrun-Bây là người khôn ngoan, vua phiền lòng nhìn các sứ giả ra về; ông những lo các nhà vua hùng mạnh bị khước từ việc cầu hôn sẽ nổi cơn thịnh nộ rồi tìm cách trả thù mối nhục chăng. Ông tự trách mình sao dễ dàng thề thốt, để rồi biết đâu chẳng gây nên một cuộc chiến tranh, liền cho gọi bà nhũ mẫu của công chúa Farucna đến gặp.
- Này bà Xutlumêmê (Có nghĩa là Bầu sữa), vua nói-ta nói thật với bà, cách xử sự của công chúa làm ta rất đỗi ngạc nhiên. Ai đã gây nên cho nàng sự chán ghét hôn nhân dường ấy? Bà nói ta nghe, có phải chính bà là người đã gợi nên trong lòng công chúa suy nghĩ lạ lùng kia?
Bà nhũ mẫu đáp:
- Muôn tâu hoàng thượng, không phải tại tôi. Tôi xưa nay đâu có phải người hận thù nam giới, ấy là do một giấc mộng gây nên cho nàng.
Vua ngạc nhiên:
- Một giấc mộng ư? Bà nói gì với ta vậy? –Suy nghĩ một lát vua nói tiếp- Ta không thể tin lời bà. Có giấc mộng nào lại gây ấn tượng mạnh mẽ vào tâm trí con gái ta đến vậy?
Bà Xutlumêmê thuật lại cho vua đầu đuôi câu chuyện, và thưa tiếp:
- Muôn tâu hoàng thượng, đấy chính là giấc mộng đã tác động sâu xa đến công chúa. Qua thái độ con hươu đực, công chúa suy ra mọi đàn ông trên đời này đều vô ơn bội nghĩa không khác nào con vật ấy, cho nên mới khước từ mọi đám đến cầu hôn.
Lời bà nhũ mẫu càng làm tăng thêm sự ngạc nhiên của nhà vua. Không hiểu làm sao chỉ một cơn mộng mị lại đưa công chúa đến nông nỗi ấy, vua nói:
- Này, bà Xutlumêmê thân mến, bà xem chúng ta có cách gì chữa cho đầu óc con gái ta thoát khỏi cái bệnh nghi kỵ đàn ông ? Bà có tin, có thể tìm ra phương sách nào làm cho công chúa phục hồi lý trí?
- Tâu hoàng thượng, -bà nhũ mẫu đáp- nếu ngài cố giao cho tôi nhiệm vụ ấy, tôi hy vọng sẽ có cách làm tròn một cách tốt đẹp.
- Bà làm cách nào? –Vua Tugrun-Bây lại hỏi,
- Tôi thuộc lòng cơ man là câu chuyện thú vị, mang ra kể hầu công chúa có thể vừa giải trí nàng vừa làm cho nàng dần dần gỡ bỏ định kiến nặng nề đối với nam giới. Bằng cách làm cho công chúa tin rằng xưa kia từng có những người tình chung thuỷ, tôi sẽ từng bước làm cho nàng vỡ ra ngày nay trên đời cũng có khối đấng tình quân thuỷ chung như thế. Tóm lại, muôn tâu hoàng thượng, bà vú nói tiếp-xin ngài hãy cho phép tôi được giúp công chúa tự nhận ra mình đã nghĩ không đúng, tôi tin tưởng hoàn toàn có thể đạt được ý nguyện.
Được quốc vương đồng ý, bà nhũ mẫu chỉ còn lo nghĩ cách tìm ra cơ hội thuận tiện nhất để thực thi ý định của mình.
Vì thông thường sau bữa ăn trưa cùng nhà vua, hoàng tử anh trai và các quận chúa trong triều, công chúa bao giờ cũng dành suốt cả buổi chiều để thưởng thức cá nữ tì trong cung cấm đàn ca hát xướng mua vui. Bà Xutlumêmê nghĩ chỉ có các buổi sáng là thời gian thuận tiện nhất. Bà quyết định, nên thực hiện ý đồ của mình vào lúc công chúa đang ở trong nhà tắm. Bởi vậy ngay sáng hôm sau, chờ khi công chúa đã vào trong phòng tắm, bà nhũ mẫu mới ngỏ lời thưa:
Già này biết một câu chuyện có nhiều tình tiết hết sức đặc sắc, nếu công chúa vui lòng cho phép thì già xin được hầu chuyện, tin rằng công chúa nghe rồi, sẽ lấy làm thú vị cho mà xem.
Vậy là nàng công chúa nước Casơmia, có lẽ tự mình thích nghe câu chuyện thì ít, mà để làm hài lòng những cô hầu và người giúp việc đang nôn nóng được nghe kể chuyện hơn, liền đồng ý cho phép bà nhũ mẫu Xutlumêmê kể chuyện. Bà liền cất lời như sau.


Chương 2 (A): CHUYỆN ABUNCAXEM BASRI

Tất cả các sử gia đều nhất trí cho rằng Hoàng đế Harun An Rasit là nhà vua hoàn hảo nhất thời đại ông, tiếc một điều do vua nắm trong tay quyền lực hùng cường đệ nhất thời bấy giờ, cho nên sinh thói quen dễ nổi cơn thịnh nộ và tính tình kiêu căng không ai chịu đựng nổi. Lúc nào ông cũng một mực cho rằng trên đời này chẳng có vị quân vương nào hào phóng bằng mình.
Giapha, tể tướng sủng ái của vua, không chịu được chuyện hoàng đế cứ tự mình khoe khoang như vậy, một hôm bạo gan thưa với người như sau:
- Muôn tâu hoàng thượng, vị chủ nhân của tôi, đấng chủ soái của toàn trần thế, xin cho phép kẻ nô lệ này được mạo muội thưa với ngài rằng ngài không nên quá tự ngợi khen mình như vậy. Hãy nhường những lời ngợi ca ấy cho thần dân của ngài cũng như cho biết bao người nước ngoài đang chầu chực trong triều đình ngài. Ngài hãy hạ cố để cho thần dân cảm tạ Thượng đế đã sinh ra họ trên các quốc giao thuộc quyền ngài, và để người nước ngoài ai cũng hài lòng mình đã khôn ngoan biết rời bỏ tổ quốc để đến đây hầu hạ dưới trướng ngài.
Harun nổi cơn tự ái vì những lời nói ấy. Vua cao ngạo nhìn thẳng vào mặt tể tướng, và đùng đùng hỏi ông có quen biết người nào có thể sánh được vua về đức hào phóng hay không.
- Muôn tâu có,- tể tướng đáp- tại thành phố Basra (Trong bộ Nghìn lẻ một đêm, phiên âm là Banxora, thành phố ở Nam Irắc) có một chàng trai trẻ tên là Abuncaxem. Mặc dù chỉ là một thường dân, anh ta sống xa hoa lộng lẫy hơn tất cả mọi quân vương, và không một nhà vua nào trên đời này, kể cả ngài, muôn tâu hoàng đế, tính tình hào phóng hơn chàng.
Hoàng đế đỏ mặt, đôi mắt vua long lên vì bực bội. Vua nói:
- Ông nhớ rõ rồi chứ, bất cứ thần dân nào dám nói điều sai với vua đều phải tội chết?
- Tôi đâu dám thưa thốt điều gì không chân thực bao giờ- tể tướng đáp. Trong chuyến đi gần đây về Basra, tôi đã gặp chàng Abuncaxem ấy, tôi đã sống ở nhà chàng ta. Đôi mắt tôi, dù đã quen nhìn các kho báu vật của hoàng thượng, vẫn hết sức ngạc nhiên về sự giàu sang của chàng trai, và tôi vô cùng say mê phong thái hào hoa đại lượng của chàng.
Nghe đến đấy, Harun An Rasit không nén nổi cơn thịnh nộ. Vua quát:
- Ông thật đáng tội chết, Giapha à, sao dám đem một kẻ thường dân ra so sánh với ta. Tội khi quân của ông không thể không bị trừng trị.
Vừa nói vua vừa ra hiệu cho viên tướng chỉ huy đội cận vệ đến gần, và ra lệnh bắt giữ ngay tể tướng Giapha. Tiếp đó, vua đi thẳng tới dinh nàng Zôbêit, chính cung hoàng hậu của người. Thoạt trông vẻ mặt giận dữ của nhà vua, hoàng hậu tái người khiếp đảm. Bà hỏi:
- Có việc gì xảy ra, muôn tâu hoàng thượng? Kẻ nào dám gây cho ngài nỗi bất bình?
Hoàng đế thuật lại cho hoàng hậu nghe câu chuyện vừa xảy ra. Vua nói về Giapha với lời lẽ nặng nề khiến hoàng hậu hiểu ngay ông đang giận tể tướng tới mức nào. Nhưng bà hoàng hậu ấy vốn khôn ngoan, bà khuyên vua hãy tạm nén trận lôi đình, hãy nên phái một người nào đó tới thành phố Basra tìm xem hư thực thế nào; nếu điều Giapha nói là sai, hẵng trừng trị ông ta; ngược lại nếu ông ta nói đúng thì cũng nên cân nhắc, xử phạt ông ta tới mức như xử một tên phạm tội sát nhân e chưa được công minh lắm chăng.
Lời hoàng hậu làm dịu một phần cơn thịnh nộ của Harun. Vua nói:
- Hoàng hâu à, ta chấp thuận lời khuyên của nàng. Ta nhận đúng là cần phải đối xử công minh với một bậc đại thần như Giapha. Ta còn làm hơn thế. Để tránh xảy ra trường hợp người ta phái đi vì không ưa tể tướng mà có thể tâu trình không trung thực chăng, ta muốn tự mình đến Basra, tự mình tìm hiểu sự thật. Ta sẽ làm quen với chàng trai mà mọi người khoa trương sự hào phóng ấy. Nếu điều Giapha nói đúng sự thật, ta sẽ không để tâm về lời nói thẳng mà còn ban thưởng trọng hậu cho ông, nhược bằng ông ta dám dối trá với vua thì ta thề sẽ cho chém đầu ngay tức khắc.
Quyết định như vậy rồi, hoàng đế Harun An Rasit tính chuyện thực hiện ngay không chậm trễ. Một đêm vua bí mật rời hoàng cung. Ông lên ngựa và khởi hành, mà nhất thiết không cho phép bất cứ một ai theo hầu, mặc cho hoàng hậu Zôbêit tìm đủ lời lẽ thuyết phục vua chớ nên mạo hiểm đi một mình. Tới Basra, vua gò cương xuống ngựa ghé vào trạm du khách nhìn thấy trước tiên khi vừa vào thành phố. Người gác cổng là một cụ già. Harun nói:
- Bố ơi, tôi hỏi bố nhé, có phải trong thành phố này có một chàng trai trẻ tên là Abuncaxem, anh ta có thể vượt quá mọi đấng quân vương trên đời về sự giàu sang và đức hào phóng?
- Đúng vậy, thưa ngài- người gác cổng đáp- cho dù già này có đến một trăm cái miệng, và mỗi miệng có một trăm cái lưỡi, thì cũng không thể nào kể hết những hành vi hào phóng ông ấy từng làm.
Lúc này vua Harun đang cần nghỉ ngơi, vua chỉ dùng qua mấy món nhẹ rồi đi nằm.
Sáng hôm sau, vua dậy thật sớm, đi bách bộ trong phố cho tới khi mặt trời mọc. Gặp một hiệu may vừa mở cửa, ông vào hỏi nhà Abuncaxem ở về lối nào. Bác thợ may ngạc nhiên:
Ủa, ông từ xứ nào đến vậy? Hẳn ông chưa một lần tới Basra, cho nên mới không biết dinh cơ ngài Abuncaxem toạ lạc ở đâu. Nhà riêng ông ấy còn được dân tình biết đến nhiều hơn cả cung điện của nhà vua.
Kể đến đây bà nhũ mẫu của công chúa Farucna dừng lời bởi một nữ tì vừa vào, cô này có nhiệm vụ đến báo công chúa biết sắp tới giờ đi cầu kinh trưa. Hễ trông thấy tì nữ này xuất hiện là công chúa ra khỏi nhà tắm, vận lại trang phục. Bà nhũ mẫu lúc này cũng ngừng lời, chờ đến hôm sau, khi công chúa bước vào nhà tắm mới kể nốt câu chuyện. Tu sĩ Moclét khi chuyển ngữ từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Ba Tư đã sắp xếp theo cung cách trên các truyện kể trong bộ Nghìn lẻ một ngày. Dịch giả vẫn bám sát nguyên tác, tuy nhiên xin phép được lược bớt những câu đưa đẩy trước và sau mỗi buổi tắm, chúng tôi nghĩ như vậy sẽ đỡ làm chán người đọc; độc giả có thể coi một mạch toàn bộ các câu chuyện mà không bị ngưng ngắt dở chừng.
Như vậy là sang ngày hôm sau, bà Xutlumêmê mới tiếp tục câu chuyện kể dở.

Chương 2 (B): NGÀY 2, 3

Hoàng đế đáp lời người thợ may:
- Vâng, tôi là người nước ngoài, tôi không quen biết ai trong thành phố này. Tôi vô cùng biết ơn bác nếu bác vui lòng cho người dẫn tôi đến nhà chàng trai ấy.
Bác thợ may sai ngay một chú bé học việc dẫn hoàng đế đến tận dinh cơ của Abuncaxem. Đấy là một dinh thự xây bằng những tảng đá đẽo nguyên khối, cổng làm bằng cẩm thạch có hoa văn từa tựa vân ngọc thạch anh. Nhà vua bước vào sân, ở đấy có vô số gia nhân trẻ tuổi và nô lệ đã được trả lại tự do, họ đang đùa vui với nhau trong khi đợi lệnh chủ nhân. Vua tiến đến gần một người và nói:
- Người anh em ơi, tôi nhờ người anh em vui lòng giúp cho một việc, nhờ anh em vào bẩm với ngài Abuncaxem rằng có một người ngoại quốc mới đến, xin được tiếp kiến ngài.
Nhìn bộ dạng hoàng đế, cậu gia nhân biết ngay đây không phải là một người bình thường, vội chạy đi báo với ông chủ. Chủ nhân thân hành xuống sân đón tiếp vị khách nước ngoài, cầm tay dẫn khách đến một gian phòng rất đẹp. Vào phòng, hoàng đế nói vui từng được nghe danh tiếng tốt đẹp của chủ nhân, do vậy không sao cầm được ước mong được đến đây xin diện kiến ngài. Abuncaxem khiêm nhường từ tạ lời ngợi ca, mời vua ngồi xuống chiếc trường kỷ, rồi hỏi khách từ xứ nào đến, nghề nghiệp là gì, hiện đang nghỉ trọ nơi nao trong thành phố Basra. Nhà vua đáp:
Tôi là một thương nhân thành Batđa, hiện tôi tạm trú tại trạm du khách đầu tiên nhìn thấy khi vừa đặt chân vào thành phố.
Sau đôi ba lời hàn huyên, vua thấy bước vào phòng mười hai gia nhân da trắng, tay bưng những chiếc vò bằng mã não và pha lê khảm hồng ngọc, đựng đầy rượu nhẹ tuyệt vời; theo sau là mười hai nữ nô lệ khá xinh, người thì bê những mâm sứ xếp đầy hoa quả tươi thơm, người thì nâng những chiếc hộp bằng vàng ròng đựng các loại mứt cực ngon.
Các gia nhân đều nếm thử rượu trước khi dâng mời khách. Hoàng đế nhấp mấy thứ, mặc dù quá quen thuộc mọi của ngon vật lạ khắp các nước phương Đông này, vẫn phải thú thật rằng chưa bao giờ mình được uống loại rượu tuyệt vời đến thế. Chẳng mấy chốc đã đến giờ dùng bữa tối, Abuncaxem mời khách sang một căn phòng khác, ở đây đã bày sẵn trên bàn bao nhiêu thứ cao lương mỹ vị đựng trong đĩa bát đúc toàn bằng vàng khối.
Dùng xong bữa, Abuncaxem cầm tay mời khách sang một căn phòng thứ ba, đồ đạc bày biện còn sang trọng hơn hai căn phòng kia. Gia nhân mang đến không biết bao nhiêu là vò rượu bằng vàng khảm ngọc đựng nhiều loại rượu khác nhau, cùng những đĩa sứ cổ bày các loại mứt trái cây khô. Trong khi chủ khách nâng chén thưởng thức các loại rượu ngon hiếm thấy thì nhiều nhạc công và ca sĩ bước vào, cùng cử một khúc hoà tấu hay đến mức làm hoàng đế Harun tựa hồ mê mẩn. Nhà vua tự nhủ: „Trong cung ta có vô số những giọng hát hay, song phải nhận là những người ấy không đáng mang ra so sánh với các ca sĩ này. Ta không hiểu sao một tư nhân lại có điều kiện sinh hoạt lộng lẫy xa hoa dường này“.
Trong khi Harun đang chăm chú nghe một giọng ca êm đềm chưa từng thấy, thì Abuncaxem ra khỏi phòng, lát sau quay trở lại tay cầm một cây nhỏ, thân cây bằng bạc, còn cành lá toàn bằng lam ngọc và các quả là hồng ngọc. Trên ngọn cây đỗ một con công vàng chạm khắc thật tinh xảo, thân chim là một khối hổ phách toát ra hưưong cây lô hội và các mùi thơm khác. Chàng đặt cây bạc xuống chân hoàng đế, rồi cầm chiếc đũa khẽ gõ lên đầu chim. Thế là con công giương đôi cánh, xoè cái đuôi và múa với nhịp điệu khá nhanh, chim múa càng gấp càng làm lan toả ra mọi thứ hương thơm nức cả căn phòng.
Hoàng đế đang mải mê ngắm không biết chán cái cây bạc và con công vàng, chưa kịp ngỏ lời ngợi khen, thì chàng Abuncaxem đã nhấc cả cây lẫn chim bước ra khỏi phòng khá đột ngột. Nhà vua hơi mếch lòng về cử chỉ ấy, ông thầm tự nhủ: „Như thế là thế nào? Chàng trai này hình như chưa biết cách xử sự lịch sự như ta tưởng. Chàng ta cất cái cây và con công đi trong khi ta đang mải ngắm, sợ ta ngỏ lời xin mất vật ấy chăng? Ta e rằng Giapha đã quá lời khi đánh giá con người này hào phóng“.
Vua còn thẫn thờ với ý nghĩ ấy, thì chàng Abuncaxem đã lại bước vào, theo sau có một chú hầu trẻ cực kỳ tuấn tú khôi ngô. Chú bé dễ thương này mặc một chiếc áo gấm dệt bằng kim tuyến có đính nhiều viên ngọc và kim cương, tay dâng một chiếc ly làm bằng một viên hồng ngọc lớn đựng một loại rượu mầu đỏ sẫm. Cậu tiến đến trước nhà vua quỳ lạy rập đầu sát đất và dâng ly rượu. Hoàng đế cúi đỡ chiếc ly, đưa lên miệng uống cạn, và thật diệu kỳ làm sao, uống xong nhà vua trao trả cái ly cho cậu bé thì nhận ra cái ly rượu vẫn đầy tràn. Vua lại đỡ ly rượu, uống tiếp một hơi cạn không còn một giọt. Đưa trả chiếc ly cho cậu bé, vua nhận ra ly rượu đã lại đầy mà không hề nhìn thấy ai rót rượu vào.
Vật kỳ diệu này khiến hoàng đế Harun ngạc nhiên đến mức quên phắt chuyện cây bạc công vàng, và cất lời hỏi do đâu có chuyện lạ lùng đến vậy. Abuncaxem đáp:
Thưa ngài, đấy là công trình sáng tạo của một bậc hiền thời xưa, vị ấy am tường mọi bí quyết trong trời đất.
Vừa đáp xong, chàng đã cầm tay cậu gia nhân, bước ra khỏi phòng cũng vội vã y như lần trước. Hoàng đế cảm thấy bất bình:
- Quái,- vua tự nhủ- xử sự đến thế thì chàng trai này quẫn trí rồi. Chàng ta tự ý mang các vật ấy ra khoe với ta mà chẳng chờ ta nhờ hỏi; chàng phô ra trước mắt ta; và mỗi lần nhận thấy ta lấy làm thú vị về vật ấy thì vội vàng mang đi. Thật chẳng có chi lố bịch và khiếm nhã bằng. Này, hỡi lão Giapha kia, rồi ta sẽ dạy cho lão biết cách đánh giá đúng người đời.
Vua không biết nên nghĩ thế nào về tính khí chủ nhân, hay đúng hơn vua bắt đầu có ý không hay về chàng, thì lần thứ ba chàng trai quay trở lại. Theo sau là một cô nương trang sức đầy ngọc ngà châu báu, mà nhan sắc có một không hai xem ra còn ăn đứt bộ trang phục vô cùng lộng lẫy. Hoàng đế gặp một giai nhân xinh tươi dường ấy, trố mắt nhìn. Nàng cúi đầu rất thấp, xá một xá, rồi bước tới gần vua, bộ điệu duyên dáng khiến khách càng thêm mê mẩn. Vua mời nàng ngồi cạnh mình. Vừa lúc ấy, Abuncaxem gọi mang ra một cây đàn tì bà đã lên dây sẵn. Gia nhân dâng cây đàn làm bằng ngà voi, hổ phách, gỗ mun và trầm hương. Chàng trai chuyển đàn cho cô nương, cô đỡ lấy, so giây và bắt đầu tấu một bản nhạc điêu luyện tới mức vua Harun vốn là người rất sành điệu, cũng không cầm được thốt lên. „Ôi chàng trai trẻ ơi, số phận của chàng thật đáng để người đời ganh tị. Tất cả cá vị vua chúa vĩ đại nhất trên đời này, ngay đến Đấng thống lĩnh các tín đồ đi nữa, cũng chẳng thể nào có được hạnh phúc sánh tày chàng“.
Chàng trai vừa để ý thấy vị khách say mê cô gái trẻ , liền cầm tay dắt vội nàng ra khỏi phòng.
NGÀY THỨ BA.
Đấy lại là một điều nhục nữa cho hoàng đế Harun An Rasit. Suýt nữa thì vua nổi trận lôi đình, nhưng người cố nén giận. Chủ nhà quay trở lại ngay tức khắc, và hai người tiếp tục trò chuyện chén tạc chén thù cho đến lúc mặt trời lặn. Harun nói với chàng trai:
- Hỡi chàng Abuncaxem hào phóng, tôi thật quá cảm kích về sự tiếp đãi của ngài đối với tôi, giờ xin cho phép được cáo từ, để ngài nghỉ ngơi.
Không muốn phiền lòng khách, chàng trai thành phố Basra nhã nhặn nghiêng mình. Tránh không làm trái ý vua, chàng lịch sự tiễn người ra tận cổng; trước khi chia tay ngỏ lời mong khách vui lòng lượng thứ cho về việc chủ nhà đã không có cách đón tiếp người trọng thể hơn nữa, cho thật xứng đáng địa vị của người.
Trên đường trở về trạm nghỉ dành cho du khách, vua Harun An Rasit nghĩ thầm. „Ta thừa nhận về mặt giàu sang Abuncaxem vượt xa các vua chúa; song xét về sự hào phóng, tể tướng của ta đã sai lầm khi dám đặt chàng sánh ngang ta, bởi rốt cuộc anh chàng có tặng ta món quà nào đâu? Thế mà mấy lần ta thốt lên ngạc nhiên trước vẻ đẹp cảu cành cây thân bạc lá ngọc, cũng như khi trong thấy cái ly, về tên hầu trẻ tuổi và cô gái xinh tươi, trông ta tỏ ý ngợi ca như vậy, nhẽ ra anh chàng phải tự hiểu và trao tặng ta một món nào trong số ấy chứ. Không, anh chàng này chỉ là một con người chỉ thích khoa trương thôi; cậu chàng ham phô bày vật báu của mình cho khách nước ngoài ca ngợi; để làm gì? để thoả mãn sự kiêu ngạo và bản tính thích khoe khoang của mình. Thực chất, cậu chàng là một tên keo kiệt. Ta không thể nào tha thức cho Giapha về cái tội đã dối trá ta“.
Đang suy nghĩ những điều chẳng lấy gì tốt lành cho vị tể tướng, vua về tới trạm nghỉ của du khách. Làm sao nói hết sự kinh ngạc của người khi thấy bày ra trước mắt bao nhiêu liều trại huy hoàng vừa dựng lên gồm nhiều gian nhà vải, những tấm thảm lụa trải trên nền cùng một số lớn gia nhân và nô lệ đã được trả tự do; bên cạnh đấy nào ngựa nào lừa nào lạc đà, ngoài ra có đủ thân cây cành bạc và con công vàng, chú gia nhân trẻ tuổi cùng chiếc ly rượu của y, cả cô nô tỳ xinh đẹp cầm đàn tì bà ở tay nữa.
Bọn tôi tớ quỳ mọp sát đất chào ông chủ, trong khi cô gái dâng vua một cuộn lụa bạch. Vua mở ra và đọc những dòng như sau:
„Ôi hỡi ngài đồng thực khách mà tôi chưa hân hạnh quen biết; có thể tôi đã không biết cách đãi đằng ngài thật đúng lễ; cúi xin ngài hãy rộng lòng đại xá cho những lỗi lầm thiếu sót mà tôi có thể mắc phải khi tiếp đón ngài, xin ngài chớ làm tôi thêm hổ thẹn mà khước từ mấy món quà nhỏ mọn gửi đến tặng ngài. Cây bạc, con công, chú tiểu đồng, cái ly và cô gái trẻ, những vật mọn ấy đã thuộc sở hữu của ngài vì hình như chúng vừa ý ngài; từ trước tới nay bất kỳ những vật gì các vị đồng thực khách với kẻ này tỏ ý ưa thích thì chúng không còn là tài sản của tôi, mà trở thành vật sở hữu của quý vị“.
Đọc xong bức thư, hoàng đế vô cùng ngạc nhiên về tính tình rộng rãi của Abuncaxem, và đành thừa nhận mình vội suy xét không đúng về chàng trai. Vua thốt lên:“Triệu triệu phúc lành ban cho Giapha. Chính nhờ lão mà ta được biếu tặng hậu hĩnh thế này. Này, hỡi Harun! từ nay chớ có khoe khoang nữa ông là người giàu sang và hào phóng nhất thế gian; một tên thần dân của ông đã vượt xa ông rồi đó. Nhưng- nhà vua nghĩ tiếp – làm sao một tư nhân bình thưưòng lại có thể biếu tặng người khác những vật phẩm quý hiếm mức ấy nhỉ? Nhẽ ra ta phải hỏi anh chàng kiếm đâu ra nhiều tài sản đến vậy. Ta thú nhận mình đã sơ xuất khi không gạn hỏi anh chàng điều ấy. Ta không muốn quay trở về Batđa mà chưa sáng tỏ câu chuyện này. Cũng quan trọng lắm chứ, việc trong đất nước thuộc quyền ngự trị của ta, lại có một người dân thưòng sống cuộc đời còn nhung lụa hơn cả ta. Nhất định ta phải gặp lại anh chàng, ta sẽ khéo léo tìm cách khơi gợi chàng dốc bầu tâm sự cho ta rõ do đâu chàng có được một gia sản khổng lồ dường ấy“.
Quá sốt ruột để thoả mãn sự hiếu kỳ, vua để mặc bọn gia nhân mới trong trạm lưu trú du khách, một mình quay trở lại ngay dinh cơ chàng trai tre. Khi chỉ có mình vua với chàng, vua cất lời hỏi:
- Hỡi chàng Abuncaxem vô cùng đáng mến, các tặng phẩm của ngài cho tôi quá ư to tát, làm sao tôi dám nhận mà không sợ lạm dụng tấm lòng hào hiệp của ngài. Xin ngài vui lòng cho phép tôi gửi trả lại. Sự tiếp đãi trọng hậu của ngài đã đủ làm cho tôi vô cùng cảm kích; trở về đến Batđa tôi sẽ loan truyền cho mọi người biết về sự giàu sang cũng như tính hoà hoa kháng đạt của ngài.
- Thưa ngài quý mến,- chàng trai đáp vớ vẻ bị xúc phạm- chắc hẳn ngài có điều gì phàn nàn về tên Abuncaxem khốn khổ này. Có thể một hành động nào đó của kẻ hèn mọn đã làm ngài không hài lòng, bởi ngài khước từ các tặng vật của tôi. Giá như ngài vừa lòng, hẳn ngài đã không để cho tôi phải bị nhục mạ vì bị khước từ như vậy.
- Không đâu, thưa ngài, - hoàng đế vội phân trần- nói có trời chứng giám, tôi thật quá cảm kích về thái độ lịch sự của ngài, các tặng phẩm của ngài quý giá quá. Những món quà ấy vượt xa tặng phẩm các đấng quân vương trao cho nhau. Xin phép ngài cho tôi được nói ra điều tôi suy nghĩ, nên chăng ngài chớ quá phung phí tài sản như thế, nên suy nghĩ là rồi đến một ngày nào các kho tàng của ngài sẽ cạn kiệt.
Nghe đến đấy, Abuncaxem mỉn cười và cất lời đáp như sau:
- Trình ngài, quả thật tôi rất vui được biết, không phải ngài muốn trừng phạt tôi về một lỗi lầm nào đó nhỡ với ngài trong khi đón tiếp cho nên khước từ tặng vật. Để mong ngài thoải mái chấp nhận cho, xin phép được thưa tôi có thể ngày nào cũng trao tặng những món quà tương tự thậm chí quý báu hơn nhiều mà chẳng có gì phải bận tâm.
Điều tôi vừa thưa hẳn khiến ngài ngạc nhiên- chàng trai nói tiếp- song ngài sẽ không lấy làm lạ nữa nếu ngài vui lòng cho phép thuật lại những điều từng xảy ra trong đời kẻ này. Xin cho tôi được giãi bày tâm sự với ngài.
Nói xong, Abuncaxem dẫn nhà vua vào một căn phòng trang trí bày biện ngàn lần sang trọng hơn những phòng vua đã thấy. Nhiều lư hương toả mùi thơm dìu dịu. Giữa phòng đặt một chiếc ngai bằng vàng ròng, dưới sàn trải nhiều tấm thảm quý. Hoàng đế Harun An Rasit không thể nào hình dung mình đang ở trong nhà một người dân thường mà cứ ngỡ đây là cung điện một bậc đế vương còn hùng mạnh hơn cả mình. Chàng trai trẻ mời vua ngồi lên ngai, chàng ngồi xuống một chiếc ghé bên cạnh, và bắt đầu thuật chuyện đời mình như sau.

Chương 2 (C): NGÀY 4, 5

NGÀY THỨ TƯ.
Tôi là con trai một nhà buôn kim hoàn thành phố Cairo tên là Apđêlazit. Cụ tôi sở hữu quá nhiều tài sản, cụ sợ sự giàu sang của mình có thể làm cho hoàng đế nước Ai Cập, vốn là người keo kiệt sinh lòng đố kỵ nên dời sang lập nghiệp tại thành phố Basra này. Cụ tôi kết hôn cùng người con gái duy nhất của thương nhân giàu có nhất Basra.
Tôi là đứa con một của cuộc hôn phối ấy. Thành ra tôi thừa hưởng tất cả gia sản của cha tôi cũng như của mẹ tôi. Sau khi song thân tôi từ trần, và trở thành một người vô cùng giàu có. Nhưng hồi ấy tôi còn trẻ lắm, tôi ham tiêu pha chơi bời. Tính tôi vốn hào phóng, nói đúng hơn tôi là con người phóng đãng, khi thấy mình có điều kiện rồi, tôi ăn chơi thả giàng, tha hồi ném tiền qua cửa sổ. Do vậy chỉ trong vòng hai, ba năm cả gia tài khổng lồ của tôi tan theo mây khói. Đến lúc này, cũng như mọi người từng hối tiếc về các cuộc truy hoan của mình ngày trứoc, tôi bắt đầu có những suy nghĩ đứng đắn hơn.
Đang có ít nhiều danh tiếng ở thành phố, tôi nghĩ tốt hơn là nên lánh đi khỏi thành phố này, tìm cách kéo lê những ngày tàn đói khổ ở nơi đất khách quê người. Tôi nghĩ sống bần hàn trước con mắt những người chưa hề quen biết dù sao cũng dễ chịu đựng hơn sống nơi mọi người đều rõ mình từng có một thời giàu sang. Tôi bán ngôi nhà, tài sản cuối cùng còn sốt lại. Tôi nhập vào một đoàn nhà buôn, theo họ đến thành phố Muxem, rồi từ đó sang Đamat. Băng qua sa mạc Arabi và dãy núi Pharan, tôi đến thành phố Cairo hùng vĩ.
Phố xá nhà cửa đẹp đẽ, các thánh đường lộng lẫy làm cho tôi rất đỗi ngạc nhiên. Chợt nhớ đây chính là thành phố nơi thân sinh tôi, cụ Apđenlazit ra đời, tôi không thể cầm lòng không rơi nước mắt, thở vắn than dài. „Ôi thân phụ của con ơi- tôi thầm khấn – giá như cha còn sống trên đời, nhìn thấy đứa con trai đáng lẽ giàu sang lại ra nông nỗi này, hẳn cha đau lòng biết bao!“
Bị ám ảnh bởi những suy tư phiền não, tôi đến bên bờ sông Nin và đi dạo một mình. Lúc này tôi đang đứng ở mặt sau của Cung hoàng đế. Bỗng nhiên ở một cửa sổ xuất hiện một phụ nữ mà nhan sắc thoạt trông đã làm tôi ngây ngất. Tôi dừng chân ngắm nàng. Nàng để ý thấy và vội lùi vào trong nhà. Lúc này trời đã tối, mà tôi thì chưa tìm ra nơi nghỉ ổn định, đành vội đi hỏi tìm thuê một nhà trọ quanh vùng.
Đêm hôm ấy tôi chẳng làm sao nghỉ ngơi yên ổn. Bóng dáng người đẹp cứ theo đuổi tâm trí tôi. Tôi nghĩ thầm: „Giá mà trời không xui khiến nhìn thấy và để ý tới nàng, thì ta đã không đến nỗi đắm say một mối tình vô vọng. Mà sao ông trời không cho phép ta được ngắm nhìn nàng lâu hơn ít nữa!“
Ngày hôm sau tôi cố tình đến chỗ hôm qua, nơi có cửa sổ phòng nàng, với hy vọng có thể lại nhìn thấy dung nhan người đẹp. Nhưng chỉ là hy vọng hão huyền mà thôi, nàng không xuất hiện. Điều ấy làm tôi buồn phiền ghê gớm, tuy nhiên tôi không hề nản; hôm sau nữa tôi lại đến, và lần này may mắn hơn. Phu nhân hiện ra bên cửa sổ. Khi thấy tôi chăm chăm nhìn, nàng mắng:
- Này tên vô lễ kia, mày há không biết nghiêm cấm đàn ông dừng chân trước các cửa sổ của dinh thự này? Hãy đi nơi khác ngay tức khắc. Nếu các võ quan của hoàng đế nhìn thấy mày ở đây, họ sẽ giết chết mày.
Không chút lo âu về lời cảnh cáo ấy, tôi phủ phục sát đất rồi ngẩng đầu lên thưa:
- Trình phu nhân, tôi là một người từ nước ngoài mới đến, chưa am tường luật lệ thành phố Cairo ta, nhưng cho dù có biết, cũng không ngăn cản tôi dừng chân chiêm ngưỡng sắc đẹp của bà.
- Tên bạo gan kia, mày không sợ ta sai bọn nô lệ ra trừng trị tội mày hay sao?
Nói xong, nàng biến mất. Tôi lo nàng bất bình về sự táo gan của tôi, chắc đang đi gọi người đến đánh đập.
Tôi chờ đợi lính tráng tay đao tay thước đến bổ nhào vào mình. Tuy nhiên xúc động về cơn giận của người đẹp còn mạnh hơn lo âu vì sự doạ nạt của nàng, tôi chẳng hề cảm thấy hiểm nguy, cứ thản nhiên thả bộ về nhà. Đêm ấy quả là một đêm sóng gió nữa của tôi. Bởi quá chấn động về mối tình, người tôi lên cơn sốt, máu tôi cứ như sôi lên, nhắm mắt chỉ mơ toàn ác mộng.
Tuy nhiên ước mong được nhìn thấy lại người đàn bà, hy vọng được nàng đối xử nương tay hơn một chút, cho dù biết đấy là một niềm hy vọng rất đỗi mong manh, làm cơn sốt của tôi dịu dần. Một sự đam mê điên rồ cuốn hút tôi, ngày hôm sau lôi chân tôi trở lại bên bờ sông Nin, và tôi đứng như trời trồng đúng vào chỗ mấy ngày hôm trước.
Chắc nhác trông thấy tôi, phu nhân ấy tiến đến bên cửa sổ; song vẻ kiêu sa của nàng khiến tôi khiếp đảm. Nàng quát:
- Này, tên khốn khiếp kia, ta đe doạ mày đến thế, mà mày còn dám dẫn xác đến đây nữa sao? Hãy trốn ngay khỏi chốn này, vì thương hại mày mà ta cảnh báo cho một lần nữa; nếu mày không biến ngay tức khắc thì mất mạng là cái chắc.- Thấy tôi chưa chịu đi, lát sau nàng nói tiếp – Cái gì giữ chân mày lại đây, hở tên trẻ tuổi táo gan kia? Hãy sẵn sàng đi, sấm sét sắp giáng xuống đầu mày rồi đó.
Những câu ấy giá như người khác ít đam mê hơn tôi nghe hẳn đã tin ngay, ấy thế mà tôi đáng lẽ bỏ đi lại cứ nhìn nàng một cách âu yếm và đáp:
- Hỡi phu nhân xinh đẹp, nhẽ nào nàng nghĩ một chàng trai bất hạnh đang si mê nàng, đang hết sức ái mộ nàng cho dù vô vọng, lại sợ chết hay sao? Hỡi ôi! Tôi thà chết còn hơn sống trên đời mà không được sống vì nàng.
Người phụ nữ liền đáp:
- Nếu mày đã cứng đầu cứng cổ đến vậy, thì hãy đi vào trong phố chơi cho hết ngày hôm nay đi, tối trở lại dưới của sổ phòng ta.
Vừa nói xong câu, nàng nhanh chóng biến mất, để mình tôi kinh ngạc đứng ngẩn người ra đấy, lòng tràn trề yêu đương và vui sướng.
Nếu cho đến lúc ấy tôi cứ cưỡng lại mọi mệnh lệnh dứt khoát của phu nhân, ngài có thể hiểu lần này tôi lại sẵn sàng tuân thủ; câu chuyện vừa xảy ra làm cho tôi cảm thấy dịu ngọt trong lòng. Trong khi chờ đợi niềm lạc thú mà tôi tưởng tượng nên, tôi thấy tan biến đi mọi điều bất hạnh. Tôi tự nhủ: „Ta chẳng có gì phàn nàn về số mệnh nữa. Thật không ngờ định mệnh hôm nay lại ưu ái ta đến vậy, cũng mãnh liệt như nó từng giày xéo ta thời gian qua“. Thế là tôi trở về nhà, chỉ còn lo mỗi một việc ăn mặc, chải chuốt, ngắm nghía và xức nước hoa thơm phức người.
Đêm hôm ấy, chờ đến lúc thuận tiện để tới nơi tình yêu đang vẫy gọi, tôi mò mẫm đi trong bóng tối. Tôi nhận ra, tại một cửa sổ căn hộ của nàng, có mắc sẵn một sợi dây dòng xuống đất. Tôi bám sợi dây leo lên, vào được trong nhà rồi tôi còn phải qua hai gian nữa mới tới một căn phòng rộng bày biện trang hoàng hết sức lộng lẫy, chính giữa phòng đặt một chiếc ngai bạc.
Tôi chẳng chút quan tâm đến bàn ghế quý giá cũng như mọi thứ khác trong phòng, mắt tôi chỉ dán vào một người phụ nữ. Ôi, thưa ngài, phu nhân ấy mới xinh đẹp làm sao! Không hiểu sao thiên nhiên có thể sẵn đúc một toà tuyệt tác như vậy, hoàn hảo đến vậy và phô ra cho cánh mày râu chúng ta chiêm ngưỡng? Chẳng phải vì tôi đã đam mê nàng, nên sẵn có định kiến nàng là người đẹp cho nên không nhận ra khiếm khuyết nào nơi giai nhân, thành thật tự đáy lòng tôi thấy quả nàng đẹp vô song.
Nàng mời tôi yên vị lên ngai, rồi ngồi xuống bên cạnh, và hỏi tôi là ai. Tôi thuật lại hoàn toàn chân thực câu chuyện đời mình. Tôi để ý thấy nàng chăm chú nghe, và dường như có hơi chút mủi lòng khi thấy định mệnh đưa tôi tới nông nỗi này. Vẻ thương hại từ một trái tim độ lượng hiện lên nét mặt người đẹp càng làm cho tôi thêm say đắm, như chưa từng một người đàn ông đang yêu nào trên đời yêu đắm say đến thế. Tôi nói:
- Thưa phu nhân, cho dù tôi đang trong cảnh bất hạnh đến mức nào, tôi thôi không tự thương thân trách phận nữa, bởi đã được phu nhân hạ cố đem lòng thông cảm.
NGÀY THỨ NĂM.
Bất giác cuộc trò chuyện giữa nàng và tôi dần dần trở nên dịu dàng âu yếm, nàng tỏ ra một con người đầy trí tuệ. Nàng thú thật, nếu tôi đã đắm say nàng ngay khi thoạt trông thấy, thì nàng cũng không thể tự ngăn mình chớ để ý đến tôi. Nàng nói tiếp:
Bởi chàng đã cởi mở cho em biết chàng là ai, em không muốn để chàng không hay biết em là con người như thế nào.
Tên em là Đacđanê. Em sinh ra tại thành phố Đamat. Phụ thân em vốn là một trong những vị đại thần của nhà vua đang trị vì ở đấy, quý danh cụ là Bêtru. Bởi thân sinh em là người xưa nay chỉ biết coi niềm vinh quang của nhà vua và lợi ích quốc gia là nguyên tắc dắt dẫn mọi hành vi của mình, người có không ít kẻ thù, họ là những kẻ suy nghĩ và sống theo những nguyên tắc khác. Ấy thế là họ tìm đủ cách xúc xiểm để rốt cuộc nhà vua ghét bỏ người. Quan đại thần Bêtru không may ấy, sau nhiều năm phục vụ hết mình, một hôm thức dậy chợt thấy bị gạt ra khỏi triều đình. Ngài lui về sống ẩn dật tại một ngôi nhà gần cổng thành, và chỉ còn mỗi việc mang hết tâm trí chăm lo giáo dục con cái. Nhưng than ôi! Phụ thân em đâu có được hưởng thụ kết quả công lao nuôi nấng dạy dỗ của mình: người qua đời khi em vẫn còn là một đứa trẻ vị thành niên.
Cha em vừa qua đời, mẹ em liền bán hết gia cư điền sản lấy tiền mặt. Người đàn bà khốn nạn, sau khi bán con gái cho một người chuyên buôn nô lệ, mang theo tiền của theo người tình trẻ cùng nhau lên đường sang nước Ấn Độ. Trong thời gian ấy, nhà buôn kia đưa em cùng một lúc với nhiều thiếu nữ khác ông vừa mua được, sang thành phố Cairo. Ông may sắm cho chúng em áo quần thật sang trọng, rồi chờ khi có dịp đưa chúng em đến ra mắt hoàng đế Ai Cập. Ông dẫn cả bọn vào hoàng cung, đến một gian phòng rộng, ở đó hoàng đế đang ngự trên ngai vàng.
Chúng em lần lượt diễu qua trước mặt vị quân vương, người tỏ vẻ thích thú khi nhìn thấy em. Người bước xuống ngai, tiến đến gần em và nói:
- Con bé này trông dễ thương quá! Hãy nhìn xem đôi mắt, hãy nhìn xem cái miệng nó kìa! Này anh bạn- vua quay lại nói tiếp với nhà buôn- từ ngày ông đi tìm kiếm nữ nô lệ mang về triều đình cho ta chọn, chưa bao giờ ông kiếm được một đứa đẹp bằng con bé này. Không, quả thật không có người phụ nữ nào có thể sánh tày cô gái hôm nay. Này, cần bao nhiêu, ông hãy ra giá đi, đắt đến đâu ta cũng đồng ý mua cô thiếu nữ xinh như hoa này.
Nhà vua khoái chí quá, sai mang trả cho nhà buôn một khoản tiền khá lớn, rồi cho ông cùng tất cả các cô gái khác lui về. Tiếp đó, người gọi viên trưởng hoạn nô đến bảo:
- Này, Kêcabia, ông hãy dẫn tuyệt thế giai nhân này đi và đưa nàng đến ở một ngôi nhà biệt lập.
Viên trưởng hoạn nô tuân lệnh, đưa em đến ngôi nhà này, đúng là một ngôi nhà đẹp nhất trong hoàng cung. Em vừa tới nơi, thì cơ man là nữ tì trẻ có già có, vội theo chân tới. Người thì mang đến cho em nhiều bộ xiêm y lộng lẫy, người thì dân hoa quả và nước giải khát, một số khác mang đàn ra hoà tấu khá hay. Tất cả đều thưa, chúng được hoàng đế phái tới hầu hạ em, mọi người nguyện cố gắng hết sức mình làm tròn nhiệm vụ hoàng đế giao.
Chẳng bao lâu hoàng đế thân hành tới thăm em. Người bày tỏ với em tình yêu bằng lời lẽ nồng nhiệt nhất; những câu chuyện ấy đối với em mới lạ quá, câu trả lời thơ ngây của em chẳng những không làm hoàng đế không hài lòng, mà ngược lại càng khiến người thêm quý mến. Cuối cùng em trở thành cung phi được sủng ái nhất của nhà vua. Tất cả mọi cung tần mỹ nữ tự cho mình đủ nhan sắc để có thể ngồi vào địa vị của em đều rất ganh tị chuyện đó, chàng không sao tưởng tượng hết mọi thủ đoạn chúng bày ra suốt ba năm qua để hãm hại em đâu. Nhưng em bao giờ cũng tỉnh táo đề phòng, thành ra chúng nó dù ma mãnh đến đâu cũng vô ích mà thôi. Chẳng phải tại em hài lòng với số phận của mình; bởi em không thể nào thật lòng yêu hoàng đế và em cũng chẳng loá mắt trước những vinh danh người dành cho mình. Em chỉ ghét bọn tình địch lúc nào cũng tìm đủ mọi cách hạ bệ em, thế cho nên em cố gắng để cho cả bọn thấy chúng chỉ mất công toi thôi. Mong chàng bỏ quá cho chuyện nhi nữ thường tình ấy.
Nàng nói tiếp:
Nỗi buồn phiền của bọn tình địch thua cuộc làm em sảng khoái hơn tình yêu của hoàng đế dành cho em. Cũng phải thừa nhận vị quân vương ấy rất khả ái; nhưng phần thì có phải đâu tình yêu phụ thuộc vào lý trí của mình, phần thì dường như định mệnh đã dành trái tim em riêng chờ chàng đến, bởi chàng là người đàn ông đầu tiên em để mắt nhìn.
Đáp lại lời tỏ tình hiếm hoi làm tăng tiến vận may của mình, tôi hứa với người đẹp sẽ dành cho nàng một tình yêu bất diệt, và tôi thúc giục nàng chớ nên chần chứ sớm ban cho tôi hạnh phúc. Đúng vào lúc trước khẩn khoảng đòi hỏi yêu thương của tôi, nàng Đacđanê sắp xiêu lòng mà ban cho tôi đỉnh cao lạc thú, thì có tiếng đập cửa khá dập dồn và mạnh mẽ. Cả hai chúng tôi đều rụng rời chân tay. Người đẹp thì thầm: „Trời đất ơi, bọn chúng nó đã phản bội em. Chết chúng ta rồi. Đích thân hoàng đế đến đấy.“
Giá như chiếc thừng đã giúp tôi leo lên ở đúng vào gian phòng này, hẳn tôi đã dễ dàng bám lấy nó tụt xuống đất và thoát thân, nhưng nó lại mắc ở gian hiện nay đang có mặt hoàng đế, thành ra chỉ còn mỗi một lối thoát duy nhất là chui xuống trốn dưới gầm chiếc ngai bạc. Nàng Đacđanê ra mở cửa.

Chương 2 (D): NGÀY 6, 7

NGÀY THỨ SÁU.
Nhà vua, theo sau có nhiều hoạn nô cầm đèn soi đường, giận dữ bước vào và quát:
- Con khốn kiếp kia! Có thằng đàn ông nào đang ở đây với mày? Nhiều người thấy nó leo lên qua một cửa sổ căn phòng này, và sợi thừng còn mắc ở cửa sổ ngoài kia!
Nghe vua quát, Đacđanê hoảng hồn, nàng đứng câm như thóc, không thốt nổi một lời. Nàng đã liều lĩnh đến mức ấy, thì bây giờ đến lúc phải trả giá thôi. Hoàng đế phán bảo những người theo hầu:
- Chúng mày hãy lục soát khắp nơi. Không được cho tên khốn kiếp ấy thoát khỏi trừng phạt của ta!
Bọn hoạn nô răm rắp tuân lệnh. Chúng lục lọi khắp nơi. Phát hiện thấy tôi chui dưới gầm ngai, chúng lôi cổ tôi ra, kéo lê đến trước chân nhà vua. Hoàng đế quát:
- Tên khốn nạn kia! Khá khen cho mày to gan lớn mật! Cả thành phố Cairo này hẵn thiếu giống đàn bà cho mày hay sao? Lẽ nào đến hoàng cung của ta, mày cung không kính nễ?
Tôi cũng khiếp đảm chẳng kém nàng cung phi, thiếu chút nữa thì đã lăn ra bất tỉnh nhân sự. Tôi nghĩ giá như câu chuyện ấy diễn ra đối với ngài ở thành phố Batđa, ngài lâm vào cảnh ngộ của tôi khi ngài bị hoàng đế Harun An Rasit vĩ đại bắt chợt (cúi xin ngài lượng thứ cho ý nghĩ vừa rồi), thì tâm trạng ngài hẳn cũng chẳng khác tôi khi ấy. Tôi không đủ sức nói ra lời. Tôi quỳ mọp dưới chân hoàng đế, chỉ còn chờ chết nữa thôi. Nhà vua đã rút gươm sắp sửa chém thì bỗng xuất hiện một bà cụ già lai đen ngăn vua lại. Bà nói:
- Ngài làm gì vậy, muôn tâu hoàng thượng? Sao ngài lại để tay mình vấy dòng máu đê hèn dường ấy? Chúng nó không đáng để mặt đất này vùi thi thể của chúng, một tên dâm phu không biết thế nào là lòng kính trọng hoàng đế, một con dâm phụ đã đang tâm phản bội ngài? Xin ngài hãy ra lệnh ném cả hai đứa xuống dòng sông Nin, để cho tôm cá rứt xác chúng ra.
Hoàng đế nghe theo lời khuyên. Thế là bọn hoạn nô lôi hai chúng tôi đến bên cửa sổ một tháp canh xây nhô ra sông, ném cả hai xuống dòng Nin.
Tuy có bị choáng khi đập thân xuống nước, vốn là một người giỏi bơi lội, tôi bơi sang bờ bên kia, đối diện với hoàng cung. Thoát khỏi một cái chết cầm chắc, tôi nghĩ đến người phụ nữ, mà cơn thất thần trước lưỡi hái thần chết đã khiến tôi quyên lãng. Thế là tình yêu vượt lên nỗi sợ chết, tôi lại lao xuống dòng sông, cũng hăm hở như khi cố sức trèo lên bờ cho thoát nạn. Tôi bơi xuôi theo dòng, và mặc dù đêm tối đen như mực, vẫn cố giương to mắt nhìn khắp chốn mọi nơi, may ra tìm được xác người đàn bà mà tôi đã gây nên cái chết. Hồi lâu thấy sắp đuối sức, tôi lần leo lên bờ để giữ mạng sống, bởi chết lúc này phỏng còn được ích lợi gì.
Tin chắc mười mươi nàng cung phi sủng ái đã mất mạng, tôi đau đớn tự trách mình không sao tả xiết. Thế là mang thêm mối hận gây nên cái chết cho một con người. Tôi khóc như mưa như gió:
- Hỡi ôi! Giá không có ta, không có mối tình sát hại của ta, thì nàng Đacđanê, nàng Đacđanê xinh đẹp lúc này vẫn sống. Tại sao ta lại dẫn xác đến thành phố Cairo này? Tại sao, đã biết là hoạ vô đơn chí, sự bất hạnh này tất kéo theo sự bất hạnh khác, mà ta vẫn cố tìm kiếm tình yêu ở một con người xinh tươi dường ấy?
Quá đau đớn thấy chính mình là nguyên nhân đưa đến cho người mình yêu quý nỗi bất hạnh tuyệt cùng, sau khi đã trót xảy ra chuyện ấy, việc tôi chần chừ nán lại thành phố Cairo chỉ còn là một sự đáng nguyền rủa mà thôi, tôi lên đường đến thành phố Batđa.
Sau nhiều ngày đi đường, một hôm tôi đến chân một ngọn núi, qua bên kia núi sẽ gặp một thành phố lớn. Tôi dừng chân bên một con suối để nghỉ ngơi và quyết định tạm qua đêm ở nơi này. Tôi ngủ thiếp đi cho đến khi mặt trời đã sắp mọc. Chợt vẳng tiếng khóc rên cách chỗ tôi nằm chừng mấy bước, làm tôi tỉnh hẳn giấc. Tôi lắng tai nghe, dường như đấy là tiếng rên la của một người đàn bà đang bị hành hạ. Tôi vội dậy, tiến đến gần chỗ phát ra tiếng khóc rên, và trông thấy một người đàn ông đang đào huyệt bằng một cái cuốc.
Tôi nấp sau bụi cây để quan sát. Thấy anh chàng sau khi đào cái hố, đặt một vật gì xuống đấy, phủ lớp đất mỏng rồi hối hả bỏ đi. Lúc này mặt trời đã mọc, tôi đến gần xem cho rõ sự tình. Tôi moi lớp đất phủ, thấy một cái túi may bằng vải lớn đẫm máu, trong túi đựng xác một người con gái trẻ dường như vừa trút hơi thở cuối cùng. Bộ quần áo cô mặc cho dù dầm dề máu, vẫn cho thấy rõ đây là một con người thuộc giới thượng lưu. Lòng đầy đau xót và kinh tởm, tôi kêu lên:
- Sao có người dã man đến mức đang tâm hãm hại một thiếu phụ lịch sự thế này? Xin trời đất hãy tiêu diệt tên sát nhân!
Người đàn bà tôi tưởng đã chết, nghe tiếng than, liền cất lời:
- Hỡi người anh em tín đồ hồi giáo, xin hãy đem lòng nhân ái cứu giúp tôi. Nếu người biết kính yêu đấng tạo hoá, xin hãy làm phúc cho tôi ngụm nước, cho dịu bớt cơn khát đang dày vò, để cho tôi bớt đau hơn chút ít.
Tôi vội vàng chạy đến giếng, lật chiếc khăn xếp đội trên đầu xuống vục một khăn đầy nước mang đến cho người thiếu phụ. Uống xong, nàng mở mắt nhìn tôi:
- Ôi hỡi chàng trai trẻ vừa kịp thời cứu mạng em, xin hãy tìm cách cầm máu em lại. Em không nghĩ mình bị tử thương. Xin hãy cứu sống em, rồi người anh em chẳng phải hối tiếc đâu.
Tôi xé chiếc khăn đội đầu và rứt một thân tấm áo đang mặc, băng bó tạm vết thương cho nàng. Nàng nói:
- Người đã làm phúc cho em, xin làm đến nơi đến chốn. Hãy tìm cách đưa em về thành phố, để người ta chữa chạy cho em.
- Thưa phu nhân xinh đẹp,- tôi đáp- tôi là một người nước ngoài, không quen biết ai trong thành phố này. Nếu nhỡ có gặp ai và hỏi tại sao tôi mang theo một người con gái vừa bị ai sát hại này, thì tôi biết trả lời ra sao?
- Hãy bảo đây là em gái chàng, còn mọi việc khác chàng không phải lo âu.
Tôi cõng người thiếu phụ trên lưng, đưa vào thành phố, đến một trạm lưu trú dành cho du khách, nhờ sửa soạn cho nàng một chiếc giường. Tôi cho mời một thầy thuốc đến chạy chữa cho nàng. Ông quả quyết các vết thương của nàng chẳng có gì đáng lo ngại. Quả nhiên chỉ một tháng sau nàng bình phục hoàn toàn. Trong thời gian dưỡng bệnh, nàng hỏi lấy giấy bút, ngồi viết một bức thư đặt vào tận tay tôi và nói:
- Anh hãy tìm đến nơi các thương nhân thường tụ họp với nhau, hỏi có vị nào tên là Maya, và trao bức thư này cho ông ấy. Ông ấy đưa thứ gì, anh hãy nhận lấy và mang về đây cho em.
Tôi mang bức thư của nàng đến tìm trao cho Maya. Ông đọc thư rất chăm chú, kính cẩn hôn bức thư rồi đặt lên đầu. Tiếp đó ông lấy ra hai túi lớn đựng đầy những đồng xơcanh (đơn vị tiền cổ) vàng trao cho tôi. Tôi mang về đưa cho thiếu phụ. Nàng nhờ tôi tìm thuê một ngôi nhà. Thuê được nhà rồi, hai chúng tôi dọn về đấy ở. Vừa tới nhà mới, nàng lại viết cho Maya một bức thư thứ hai, lần này ông trao cho tôi những bốn túi đầy xơcanh. Theo lệnh người thiếu phụ tôi đi mua nhiều trang phục cho nàng và cho tôi, cùng mấy tên nô lệ để hầu hạ trong nhà.
NGÀY THỨ BẢY.
Đối với bà con trong khu phố, tôi là anh trai thiếu phụ, mà trên thực tế tôi sống đúng như một người anh trai thật, cho dù nàng là một con người khá hấp dẫn. Người đẹp Đacđanê vẫn choán hết tâm hồn tôi. Chẳng những không muốn kiếm tìm những cuộc tình mới, hơn một lần tôi định từ biệt nàng, song nàng khẩn khoản van tôi chớ bỏ nàng mà đi. Nàng nói:
- Hãy chờ cho ít nữa, hỡi chàng trai trẻ, em cần có anh một thời gian nữa. Rồi đây em sẽ nói cho anh rõ em là ai, và em những muốn sẽ đền đáp xứng đáng công ơn anh đã giúp đỡ em trong cơn hoạn nạn.
Vậy là tôi vẫn phải ở cùng nhà với nàng. Tất cả những việc tôi làm cho nàng đều thuần tuý xuất phát từ lòng hào hiệp. Cho dù rất muốn biết do căn cớ nào nàng bị người ta âm mưu sát hại, tôi không có cách nào làm cho nàng hé lời. Nhiều lần tôi tạo ra cơ hội để nàng giãi bày đầu đuôi câu chuyện xảy ra, nàng vẫn một mực lặng im, không chịu đáp ứng lòng hiếu kỳ của tôi. Một hôm, nàng đưa cho tôi một túi đựng đầy đồng xơcanh và bảo:
- Anh hãy vào phố tìm một nhà buôn có tên là Namahran. Hãy nói anh cần mua nhiều vải đẹp. Ông ta khắc bày ra nhiều loại, anh chọn mua mấy tấm mà anh thấy vừa ý, rồi trả tiền không mặc cả. Anh hãy tỏ ra thật lịch sự với ông ta, rồi mang vải về đây cho em.
Tôi tìm hỏi nhà ông Namahran ở đâu. Biết địa chỉ rồi, tôi tìm đến nơi, thấy ông đang ngồi trong hiệu. Đấy là một chàng trai trẻ vóc dáng khá đẹp, mái tóc xoăn đen nhánh hơn hạt huyền. Ông mang đôi hoa tai rất sang, và hai bàn tay ngón nào cũng đeo nhẫn nạm những viên kim cương rõ to. Tôi ngồi xuống cạnh ông, hỏi mua vải. Ông đưa ra cho tôi xem nhiều thứ. Tôi chọn lấy ba tấm. Ông ra giá, tôi đếm đủ tiền ngay, và sau khi lịch sự xin cáo từ, tôi sai một tên nô lệ vẫn theo hầu mang về nhà.
Hai hôm sau, thiếu phụ lại trao cho tôi một túi tiền vàng khác, nhờ tôi đến hiệu ông Namahran hỏi mua thêm nhiều loại vải vóc nữa. Lần này nàng lại dặn:
- Xin anh nhớ là chớ có mặc cả, ông ta đòi bao nhiêu, trả đủ bấy nhiêu cho em.
Nhà buôn ấy vừa trông thấy tôi bước vào hiệu, và hiểu rõ ý của khách, vội vàng phô ra nhiều loại vải đẹp nhất. Tôi chọn mấy thứ vừa ý. Đến lúc trả tiền, tôi ném túi đồng vàng cho Namahran, bảo giá hết bao nhiêu, xin ông hãy đếm và cầm tiền hộ. Ông ta có vẻ rất thú vị trước cách ăn chơi ấy. Ông nói với tôi:
- Thưa ngài cao quý, ngài có thể cho tôi vinh hạnh được một hôm nào đó mời ngài đến dùng bữa tối ở tệ xá?
Tôi đáp:
- Rất vui lòng. Có thể ngay ngày mai, nếu như ngài muốn.
Ông chủ hiệu vải mừng rỡ, được như vậy thì vô cùng vinh hạnh cho ông.
Khi tôi thuật lại với thiếu phụ ông chủ hiệu buôn muốn mời tôi dùng bữa tối ở nhà ông, nàng tỏ vẻ vui mừng khôn xiết. Nàng nói:
- Xin anh chớ quên đến đấy dùng bữa nhé. Sau đấy nói đến lượt anh muốn thiết đãi ông ta, mời ông ta chiều hôm sau tới nhà mình. Em sẽ sai chuẩn bị bữa tiệc.
Tôi chẳng hiểu sao nàng tỏ vẻ vui mừng đến vậy; chắc có ý đồ chi đây. Tuy nhiên tôi chẳng muốn tìm hiểu sâu làm gì. Vậy là ngày hôm sau tôi tới nhà ông chủ hiệu vải. Ông ta đãi đằng tôi hết sức trọng thị. Trước khi chia tay ra về, tôi nói ông rõ nhà chúng tôi ở đâu, và ngỏ lời muốn đến lượt mình mời ông ngày hôm sau đến nhà dùng cơm chiều.
Ông ta đến đúng hẹn. Chúng tôi ngồi vào bàn, và suốt buổi chiều hôm ấy, cùng nhau thưởng thức những loại rượu ngon nhất. Người thiếu phụ không muốn cùng tham dự bữa tiệc, hơn nữa nàng cố tình giấu mặt trong suốt bữa ăn. Trước đó nàng đã hết sức cẩn thận dặn tôi cố hết sức làm vui lòng ông khách, và gắng làm sao chớ để ông ta ra về tối hôm ấy. Thế là tôi khẩn khoản cầm chân ông lại. Chúng tôi lại cùng nhau uống rượu, chơi bời đến tận nửa đêm. Lúc này tôi dẫn ông vào một căn phòng gia nhân đã sửa soạn tươm tất, mời ông tạm nghỉ rồi lui về phòng riêng của mình.
Tôi lên giường nằm và ngủ luôn. Song chưa nghỉ ngơi được mấy chốc đã thấy thiếu phụ đến đánh thức. Tôi thấy nàng tay cầm bó đuốc, tay kia nắm cây dao găm. Nàng nói:
- Hỡi chàng trai trẻ, xin hãy tỉnh dậy, hãy đến xem vị đồng thực khách của anh đang ngập trong vũng máu kia.
Những lời nói nghe mà kinh hoàng làm tôi choàng tỉnh. Tôi vội vàng mặc áo, theo chân thiếu phụ đến căn phòng ông khách nghỉ, thấy anh chàng khốn khổ nằm chết sóng sượt trên giường. Tôi kêu lên:
- Hỡi con người độc ác kia, nàng làm gì vậy? Tại sao nàng nỡ có hành vi đen tối đến thế. Tại sao nàng biến tôi trở thành công cụ cho nàng thực hiện cơn điên?
Chàng trai trẻ ơi, - nàng đáp- xin chớ bực mình đã giúp em trả thù Namahran, nó là một tên phản trắc. Anh sẽ không còn thương hại hắn ta nữa một khi anh rõ tội ác của nó, hay đúng hơn khi anh biết chính hắn là kẻ đã gây nên cho em bao điều bất hạnh, mà em xin thuật lại để anh tỏ tường sau đây.
Nàng nói tiếp:
- Em là con gái nhà vua đang trị vì ở thành phố này. Một hôm trên đường đến nhà tắm công cộng, em nhìn thấy Namahran trong cửa hiệu của y, tự nhiên em xúc động trong lòng. Mặc dù cố ngăn mình, hình ảnh anh chàng luôn hiện diện trong tâm trí em. Em cảm thấy si mê hắn ta, em đã cố xua đuổi đi ý nghĩ ấy vì cảm thấy như vậy thật chẳng xứng đáng với địa vị của mình, và đôi lần những tưởng có thể vượt qua. Nhưng em đã nhầm lẫn. Tình yêu chiến thắng sự kiêu sa. Em trở nên bồn chồn rầu rĩ, căn bệnh ấy ngày một trầm trọng thêm, khiến em ngã bệnh nặng. Chắc em đến chết mất vì căn bệnh tương tư ấy. Tuy nhiên bà quản mẫu của em, vốn quen thuộc các triệu chứng của cơn bệnh tình giỏi hơn các vị ngự y nhiều, bà hiểu rõ căn nguyên. Bà khéo léo dỗ dành để em thú thật là suy đoán của bà quả không sai. Em kể cho bà nghe em trở nên say đắm mối tình này trong trường hợp nào. Nghe xong, bà hiểu ra ngay, rõ ràng em đang mắc bệnh si mê Namahran như dại như điên.
Bà tỏ ra thương hại em. Bà hứa sẽ tìm cách làm cho em đỡ đau khổ. Quả vậy, một hôm bà tìm được cách đưa anh chàng nhà buôn trẻ cải trang thành con gái vào được ngôi nhà em đang ở. Em vui mừng được nhìn lại anh ta, đồng thời cũng nhận ra anh vô cùng tỏ ra diễm hạnh trước tình yêu của em. Sau khi giấu anh chàng nhiều ngày trong một gian phòng để có dịp đi lại với em, bà quản mẫu lại khéo léo tìm cách đưa anh chàng ra trót lọt khỏi hoàng cung, y như lần vào. Thế là lâu lâu anh chàng lại đến với em dưới dạng cải trang ấy.

Nguồn: docsach.mobi