Chương 4 (A): CHUYỆN NHÀ VUA TRẺ XỨ TÂY TẠNG VÀ CÔNG CHÚA MAIMAN
Thiếu phụ nói tiếp:
- Tôi là con gái một nhà vua người bộ tộc Naiman. Phụ thân tôi qua đời, không có con trai nối dõi, trừ mình tôi là con gái, lúc này mới lên bốn tuổi. Các vị bô lão và toàn thể nhân dân trong bộ tộc tấn phong tôi làm hoàng hậu. Trong khi chờ đợi tôi đến tuổi trưởng thành để có thể tự mình chăm lo công việc quốc gia, các cụ bô lão ủy thác cho tể tướng Aly Ben Haytam làm phụ chính đại thành, trong nom mọi việc triều đình. Ông là chồng bà nhũ mẫu từng nuôi nấng tôi, một người ai ai cũng thừa nhận có năng lực và công tâm. Vị đại thần ấy còn được giao thêm việc giáo dục tôi nữa.
Đến khi tôi bắt đầu khôn lớn, tể tướng truyền dạy cho nghệ thuật trị vì đất nước. Tôi vừa quen dần các đại sự quốc gia, thì định mệnh vốn có quyền định đoạt trao vương miện cho ai hoặc phế truất người đó khỏi ngôi báu, bỗng nhiên hắt nhào tôi từ trên ngai vàng cao sang xuống đáy vực thẳm khủng khiếp.
Một người anh em của phụ thân tôi tên là hoàng thân Muaphac, mà mọi người ngỡ đã qua đời từ lâu, bởi xưa nay trong nước vẫn loan truyền tin ông tử trận trong một trận chiến chống lại người Mông Cổ, bỗng nhiên một hôm xuất hiện tại lãnh địa tộc người Naiman chúng tôi. Nhiều vị đại thần trong triều vốn là bạn cũ của ông, xuất phát từ lợi ích riêng của họ, hưởng ứng tham vọng của hoàng thân muốn chiếm đoạt ngai vàng. Họ cùng nhau mưu đồ dây lên một cuộc phiến loạn, nhằm đặt hoàng thân lên ngôi. Tể tướng ra sức dẹp loạn, nhưng chẳng những không dập được ngay từ đầu và còn để cho sự biến lan rộng, bởi bọn độc ác có đủ thời gian phỉng phờ và lôi kéo dân chúng đứng về phe Muaphac.
Sau khi lên ngôi, tên thoán đạt muốn bắt giữ và giết hại tôi ngay để ngừa hậu họa, vì cũng có một số bạn bè còn ủng hộ chúng tôi, e rồi đến lúc nào đấy họ sẽ tìm cách giành lại ngôi báu cho tôi chăng. Nhưng tể tướng Aly và phu nhân, tức bà nhũ mẫu của tôi kịp nhận ra ác ý, đã mau chóng tìm cách giúp tôi thoát thân. Một đêm, họ lén đưa tôi ra khỏi hoàng cung, rời kinh thành, theo những con đường quanh co hiểm trở tới được xứ Tây Tạng.
Chúng tôi lánh ở thủ phủ xứ ấy, tể tướng trong vai một họa sĩ người Ấn Độ, còn tôi là con gái đẻ của ông. Hồi trẻ ông có học môn hội họa, và thật sự có tài. Chẳng bao lâu ông nổi tiếng trong toàn xứ Tây Tạng là một nghệ sĩ tài hoa. Mặc dù chúng tôi có mang theo được không ít ngọc ngà châu báu, có thể nhờ đó tiếp tục sống cuộc đời nhung lụa, song chúng tôi cố ý sinh hoạt khiêm nhường, làm như thể cả gia đình chỉ sống nhờ vào mỗi cây cọ của họa sĩ Aly. Chúng tôi e sợ bọn thám tử của Muaphac lần ra tung tích, cho nên cố sức sao cho mọi người chung quanh ai cũng tin đây thật sự gia đình một nghệ sĩ nghèo.
Chúng tôi sống được hai năm trong cảnh trốn tránh ấy. Dần dà tôi cũng quên đi những cảnh tráng lệ huy hoàng mà có thời mình từng được hưởng, bắt đầu quen cuộc sống tằn tiện của dân nghèo, rồi dần dà đến chỗ ngỡ mình từ khi sinh ra đã là con gái một thường dân. Tôi cũng chẳng buồn nhớ mình từng có lúc ngự trên ngai vàng. Cuộc sống thanh bình thường nhật giúp tôi quên đi quá khứ hoàng kim. Nếu thỉnh thoảng tôi sực nhớ mình có mang trong người dòng máu vua chúa, thì cũng coi chuyện ấy như một gánh nặng mà thôi. Chẳng màng quyền uy tối thượng của vua chúa nữa, tôi tha thứ cho định mệnh đã truất bỏ vương miện của mình. Than ôi! Giá mà trời cứ để cho tôi được yên lành sống những ngày còn lại của cuộc đời trong cảnh nghèo nàn nhưng hạnh phúc ấy! Nhưng biết làm sao! Đành phải tuân theo số mệnh thôi. Phàn nàn than thở vì những bất hạnh mình đang gặp hoặc muốn tìm cách phòng tránh nỗi bất hạnh, ắt đều phí công vô ích như nhau.
Vị nguyên tể tướng vẽ một số tác phẩm được toàn thành phố Tây Tạng ngợi ca. Nhà vua xứ ấy nghe tiếng, muốn tới xem tranh. Vua thân hành đến tận nhà Aly, được họa sĩ mời xem mấy bức tranh mới vẽ. Nhà vua vô cùng thú vị về các tác phẩm, cũng như cách đàm đạo của nghệ nhân. Trong khi hai người đang trò chuyện, chẳng hiểu vì sao tôi nảy ra sự tò mò muốn nhìn mặt nhà vua, liền bước vào phòng. Tôi nghĩ mình đang mang bộ dạng con gái một người nghệ sĩ nghèo, thì còn gì phải sợ nhà vua để ý hay không. Tôi đã nhầm. Vua chăm chú nhìn tôi, thậm chí có vẻ xúc động nữa là khác, tôi cũng nhận ra điều đó và vội vàng lui ngay. Tuy nhiên, nhà vua làm ra vẻ chẳng quan tâm đến tôi, tiếp tục trò chuyện với tể tướng, có điều lúc này ăn nói hay ngập ngừng bối rối, có khi có vẻ băn khoăn lo lắng nữa là khác. Thấy thế, tôi chẳng khó khăn gì không hiểu mình để lại ấn tượng nào đó ở chàng trai. Quả vậy, ngay ngày hôm sau nhà vua đã trở lại thăm Aly, rồi những ngày tiếp đó lại đến nữa. Lấy cớ tìm chọn tranh để mua, vua xộc vào tất cả các phòng, và khéo léo sắp xếp sao mà lần nào cũng xáp mặt tôi. Thực ra, vua chưa hề thốt với tôi một lời, nhưng qua đôi mắt quá đắm đuối của chàng, tôi hiểu ra ngay tình cảm chàng đối với mình.
Một hôm, nhà vua cho biết định tặng tể tướng một căn hộ ngay trong hoàng cung, cùng một khoản bổng thường xuyên khá lớn, lấy cớ muốn lưu giữ lâu dài ở đất nước mình một họa sĩ tài hoa. Chẳng khó khăn gì ông Aly không đoán ra được nguyên nhân sự mời tặng ấy. Suy nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra từ việc ấy, ông nói với tôi:
- Thưa bà, tôi nhận quốc vương xứ này đem lòng yêu quý bà rồi đấy. Trong chuyện nhà vua tặng nhà và cấp bổng cho gia đình ta, ái tình chiếm phần lớn hơn nghệ thuật rất nhiều. Chúng ta dời nhà vào sống trong khuôn viên hoàng cung, chắc chắn rồi đây ngày nào nhà vua cũng tìm đến gặp bà và bày tỏ chuyện yêu đương. Xin bà luôn luôn nhớ đến dòng dõi cao sang của mình, bà chớ nên để xiêu lòng trước những lời ngọt ngào năn nỉ của chàng trai, bà phải dũng cảm cưỡng lại, nhó chịu thua cuộc một cách chẳng vinh quan chút nào. Nếu nhà vua yêu quý bà tới mức nâng bà lên vai hoàng hậu, thì lúc ấy bà hẵng thuận tình, nhược bằng nhà vua có những mưu đồ khác, chúng ta sẽ tìm ra cách lẩn tránh.
Tôi hứa với tể tướng sẽ nhất nhất nghe theo mọi lời khuyên bảo của ông. Tôi không hé cho ông rõ, là tôi cũng có nhận thấy mối tình si ở nhà vua chẳng khác gì ông, cũng như không để lộ mối tình ấy có tác động gì đến tôi hay chưa. Thật tình, nhà vua xứ ấy trẻ, đẹp trai, phong thái cao sang, tôi không sao ngăn được lòng mình cũng có gợn lên tình cảm nào đó chẳng mấy khác những gì tôi gây nên trong lòng chàng trai.
Chương 4 (B): NGÀY 20, 21
NGÀY THỨ HAI MƯƠI.
Tuy nhiên, tôi tự hào cho dù đem lòng ái mộ nhà vua xứ Tây Tạng đến đây chăng nữa, tôi cũng sẽ cố che giấu tình cảm của mình, nếu chàng chỉ nhằm mỗi một mục đích lợi dụng nhan sắc của tôi mà thôi. Nhưng chàng không để cho tôi phải tự nén lòng quá lâu. Chúng tôi vừa dời nhà vào trong hoàng cung, thì nhà vua đã đến tỏ tình đúng theo cách mà tôi mong ước. Chàng nói:
- Nàng đã làm cho lòng tôi chao đảo ngay từ giờ phút đầu tiên được nhìn thấy nàng. Tâm tưởng tôi lúc nào cũng hướng về nàng. Tôi nghĩ mình không thể sống thiếu nàng. Nhưng cho dù ước vọng của tôi có mãnh liệt đến đâu, xin nàng chớ vội nghĩ tôi có ý định đối xử với nàng như với một nữ tì. Tôi hết mực kính trọng nàng, y như tôi kính trọng đích thân công chúa hoàng đế Trung Hoa vậy. Tôi đã nhất quyết, xin thề với nàng, là sẽ tấn phong nàng làm hoàng hậu xứ Tây Tạng.
Tôi cảm tạ quốc vương về ý định cao quý ấy. Và muốn nhân cơ hội này để nhà vua rõ tôi là ai, tôi thuật lại cho chàng nghe hết mọi sự tình. Nhà vua tỏ ra xúc động lắm, chàng thốt lên:
- Thưa bà hoàng yêu quý của tôi, đúng là trời đất dành cho tôi vinh hạnh được là người sẽ đứng ra giúp nàng báo mối hận, bởi trời đã giun giủi cho nàng đến lánh nạn tại xứ Tây Tạng tôi. Vâng, tên Muaphac nham hiểm kia thế nào rồi cũng phải bị trừng trị đáng tội, vì dám thoán đạt vương miện của nàng. Xin nàng hãy cho phép tôi được làm lễ thành hôn với nàng ngay hôm nay, và xin nàng tin chắc cho, nội nhật ngày mai tôi sẽ phái sứ thần sang báo cho tên thoán nghịch ấy biết, sẽ không tự nguyện trao trả lại ngôi báu cho nàng, tôi sẽ lập tức tuyên chiến với y.
Tôi cất lời cảm tạ quốc vương một lần nữa và thú thật với chàng, lần đầu tiên hai người trông thấy nhau, nếu tôi đã gây cho chàng chút ấn tượng nào đó, thì cũng chẳng phải tôi nhìn chàng mà không cảm thấy rung động trong lòng.
Nhà vua rất cảm kích về lời thú nhận ấy. Chàng nắm bàn tay tôi, đưa lên môi hôn nồng nàn, rồi hứa sẽ yêu tôi đến trọn đời. Nhà vua cưới tôi ngay trong ngày hôm ấy. Hôn lễ chúng tôi đựoc cử hành với nhiều cuộc hội hè vui chơi của nhân dân toàn thành phố.
Sáng hôm sau, đúng như lời đã hứa với tôi, nhà vua cử ngay sứ thần nước của người bộ tộc Naiman. Sứ thần tức tốc khởi hành. Vua đặt chăn tới triều đình của Muaphac, xin được triều kiến ngay. Được chấp nhận, sứ thần Tây Tạng thông báo cho Muaphac rõ quốc vương xứ họ đã cưới và phong tôi làm hoàng hậu, đòi Muaphac trả lại ngôi báu đã thoán đạt lại cho tôi, nếu khước từ ngay lập tức sẽ xảy ra chiến tranh giữa hai nước.
Cho dù tự lượng sức mình khó địch nổi xứ Tây Tạng, Muaphac vẫn một mực kiêu căng. Các sứ giả buộc phải trở về tâu lại với nhà vua rằng kẻ thoán đạt dám khước từ không chấp nhận đòi hỏi của nhà vua. Thế là xứ Tây Tạng được lệnh động binh ngay. Một đạo binh lớn huy động từ khắp xứ về, hội quân tại kinh thành. Tuy nhiên đại quân chưa kịp lên đường sang đánh vua Muaphac, thì một phái đoàn đại biểu cho tộc người Naiman cấp tốc đến Tây Tạng tỏ lòng thần phục, và báo cho biết kẻ thoán đạt đã bỏ mình sau mấy ngày lâm bệnh nặng.
Được tin, vua xứ Tây Tạng ra lệnh lui binh, và quyết định cử tể tướng Aly về xứ Naiman thay tôi trị vì. Vị đại thần đã sẵn sàng lên đường về nước, chợt bị cầm chân lại do một sự kiện mà tôi không chút chờ đợi mới xảy ra.
Một buổi tôi đang ngồi trong phòng riêng, đọc máy chương Kinh Coran. Đọc xong, tôi đi sang phòng vua, chàng đã đi nghỉ trước. Chợt có một con ma khủng khiếp hiện ra trước mặt, ngăn tôi lại, sau đó biến mất ngay. Tôi kinh hoàng thét lên một tiếng, làm nhà vua bừng tỉnh giấc, chạy vội sang gặp tôi. Vua hỏi có chuyện gì phải thét lớn như vậy. Tôi kể lại nguyên nhân. Sự có mặt của nhà vua hẳn làm tôi bình tâm trở lại, tôi nghĩ chuyện ma quái ấy làm gì có, chẳng qua nảy ra trong trí tưởng tượng của mình, có lẽ dù việc đọc kinh gây nên. Nhà vua lắng nghe rất chăm chú. Không những không giúp tôi vượt qua sự sợ hãi, vua còn nói:
- Hoàng hậu à, ta cũng đang bối rối chẳng kém bà. Ta không hiểu vì sao bà cùng một lúc vừa ở bên phòng ta lại vừa có mặt tại đây.
- Tâu hoàng thượng,- tôi đáp- quả thật em chưa hiểu ngài định nói gì. Xin ngài vui lòng nói rõ hơn.
- Nếu vậy thì mời bà đến gần chiếc giường hơn ít nữa, bà sẽ nhìn thấy một sự kỳ lạ nhất trần đời,-vua nói.
Tôi tiến đến cạnh chiếc giường ngủ, và ôi, kinh ngạc xiết bao, ngài chẳng thể nào tưởng tượng nổi đâu, thưa ngài, tôi nhìn thấy đang nằm trên giường một phụ nữ hoàn toàn giống tôi. Vóc dáng cũng như khuôn mặt người đàn bà ấy chẳng khác tôi một tí nào.
Nhìn thấy cảnh tượng ấy, tôi thét lên:
- Ôi trời đất! Có vật gì trên giường tôi vậy? Tại sao có chuyện kỳ dị thế này?
- Này, có mẹ độc ác kia!- người đàn bà ấy ngắt lời tôi, giọng nói của mụ giống hệt giọng nói tôi, chẳng sai một ly- mày hẳn đốn mạt lắm cho nên mới dám hiện hình dưới dạng ta? Con yêu tinh kia, mày âm mưu điều gì? Hẳn mày nghĩ rằng hoàng thượng phu quân ta kia có thể nhầm lẫn trước hình dạng mày giống ta, mà lệnh cho ta ra khỏi giường, để cho mày nằm thay vào chỗ này chắc? Thôi đi, mọi mưu đồ của mày đều tốn công vô ích thôi. Cho dù mày có phép yêu, phu quân ta cũng biết rốt cuộc mày chỉ là con mụ phù thủy khốn kiếp mà thôi.
Thưa lang quân quý mến,- mụ quay sang nói tiếp với nhà vua xin hoàng thượng hãy ra lệnh bắt giam ngay con mụ điêu ngoa này, ngài hãy truyền giam ngay mụ vào hầm tối, rồi sáng mai cho mụ chết mất kiếp trên giàn hỏa thiêu!
NGÀY THỨ HAI MƯƠI MỐT.
Bà hoàng hậu người Naiman kể tiếp:
Nếu sự giống nhau hoàn hảo giữa người đàn bà ấy với tôi đã làm tôi ngạc nhiên, thì tôi còn quá đỗi kinh hoàng hơn nữa khi nghe mụ thốt ra những lời vừa rồi. Tôi chẳng cách nào đối đáp với mụ theo giọng lưỡi ấy, tôi chỉ còn biết khóc mà thưa với nhà vua:
- Tâu hoàng thượng, em nghĩ đời em tai qua nạn khỏi rồi. Em những tưởng khi số phận em được gắn bó với cuộc đời chàng, mọi nỗi bất hạng của em đã chấm dứt. Nhưng than ôi! Có ngờ đâu một con quỷ cái ghen tuông hạnh phúc của em lại đến quấy đảo đời em lần nữa. Mụ ta lấy hình dạng của em, mụ muốn chàng tưởng nó là em, và nó đã thành công rồi đấy. Chàng không còn nhận ra đâu là vợ chàng nữa. Xin chàng hãy nhìn thẳng vào em. Nếu em vẫn là người vợ yêu quý của chàng, thì chắc chắn trái tim chàng có thể phân biệt được ai thành thật ai điêu ngoa. Em nói có trời đất chứng giám, thì em là hoàng hậu người Naiman.
Một lần nữa con mụ nằm trên giường lại ngắt đứt lời tôi:
- Thôi đi, mày chớ dối trá nữa, mày là một con vô đạo, chừng ấy thôi đủ rõ mày là ai. Quân phản trắc bao giờ chẳng mạnh miệng thề thốt, đứa nào chẳng khóc lóc thở than khi thực hiện mưu đồ xấu xa của chúng.
- Lúc này nhà vua lên tiếng:
- Thôi hãy im đi, các bà chớ cãi nhau nữa, các bà càng làm ầm ĩ bao nhiêu càng làm cho ta thêm rối trí bấy nhiêu. Ta chẳng biết ai đúng là hoàng hậu của ta. Một trong hai bà nhất định là một con yêu tinh tìm cách mê hoặc ta. Giờ đây ta chưa phân biệt rõ nên chưa quyết, sợ chẳng may trừng trị nhầm người vô tội chăng.
Nhà vua không sao phân biệt được người nào là vợ mình, liền gọi viên trưởng hoạn nô đến, lệnh đưa giam hai chúng tôi vào hai căn phòng biệt lập. Chúng tôi ngủ qua đêm mỗi người mỗi nơi. Sáng hôm sau, vua cho mời vợ chồng tể tướng Aly đến, thuật lại cho nghe câu chuyện xảy ra. Ông bà xin được gặp cùng lúc tôi cùng con mụ kia, tin chắc dù nhà vua quả quyết vậy, làm sao họ chẳng nhận ra ai là con gái mình. Nhưng cả tể tướng và bà nhũ mẫu cũ của tôi cũng chẳng cách nào phân biệt ai đúng ai sai. Ngay bà nhũ mẫu, sực nhớ từ khi tôi mới ra đời đã có một cái bợt son nơi đầu gối, lại một lần nữa ngạc nhiên thấy hai người cùng có một bợt son giống hệt như nhau và ở cùng một chỗ. Chưa nản lòng, họ tạch con mụ và tôi hai nơi, hỏi chuyện riêng rẽ từng người. Kỳ lạ quá, con mụ nhất nhất trả lời mọi câu họ hỏi giống hệt như lời tôi. Tuy nhiên bà nhu mẫu của tôi dường như có linh cảm, khẳng định đích thị hoàng hậu.
Mặc dù vậy, những người khác không đồng tình với bà. Toàn thể các vị đại thần trong triều được triệu đến, ai cũng cho rằng người đàn bà đã nằm trên giường vợ chồng tôi hẳn là hoàng hậu, còn người kia là yêu tinh, và đi đến kết luận nên mang thiêu sống tôi.
Nhà vua không chấp nhận ý kiến của triều thần, e rằng chẳng may lầm lẫn mà đi thiêu sống bà vợ thật của mình chăng. Vua chỉ ra lệnh đuổi tôi ra khỏi triều định. Thế là người ta lột bộ xiêm y tôi đang mặc, vận cho tôi áo quần rách như xơ mướp, đuổi tôi ra ngoài thành phố. Tôi còn sống sót và lê chân được tới đây nhờ có thức ăn những người nhân hậu bố thí cho. Thưa ngài, đấy là câu chuyện của tôi bà hoàng người Naiman nói với nhà vua Trung Quốc. Bây giờ thì tôi hy vọng ngài nhận rằng câu trả lời của tôi lúc nãy hẳn không phải không có lý: Tôi là con gái của vua và là hoàng hậu vợ vua. Tôi là bà vua nhưng giờ đây tôi không còn là tôi.
Quốc vương Trung Quốc thấy hoàng hậu xứ Tây Tạng kể đến đây ngừng lời, liền nói với nàng như sau:
- Thưa bà, xin bà hãy tạm khuây nguôi. Bà chịu nhiều bất hạnh đến mức ấy là cùng cực rồi. Hãy tin rằng bĩ cực thái lai. Bà hãy nghe lời một nhà thi sĩ của chúng ta ngày xưa từng viết: Bất kỳ sự vật gì đạt tới cực điểm cao thì bắt đầu xuống dốc; nỗi bất hạnh nào đến tận cùng là sắp tới hồi hạnh phúc. Nhà thơ ấy còn nói: Hãy sẵn sàng mà chịu hạn đi, khi ngươi tự cho ngươi đang trăm phần hoàn hảo. Hãy chờ đợi để đón niềm vui, chừng nào người cảm thấy đau khổ tột cùng. Thiên tào đã định sự đời dưới trần thế này như vậy. Thưa hoàng hậu, để bà tin chắc hơn nữa những tôi vừa kể, tôi xin kể bà nghe sau đây chuyện tể tướng Cavecsa.
Chương 5 (A): CHUYỆN TỂ TƯỚNG CAVECSA
Ngày xưa ở nước Hiêccani có một nhà vua danh hiệu Côđaven. Vua có một vị tể tướng tên là Cavecsa. Quan đại thần này là một người tinh thần cao cả, am tường thế sự. Một hôm, tể tướng muốn đi tắm. Đứng cạnh bồn nước, ông tháo chiếc nhẫn đeo ở ngón tay, vừa tháo vừa đùa, chẳng may làm rơi luôn vào bồn. Chiếc nhẫn lại không chìm xuống đáy bồn mà cứ trôi nổi trên mặt nước.
Giặt mình trước hiện tượng kỳ lạ, tể tướng vội truyền cho gia nhân mau chóng thu dọn mọi của cải trong nhà, mang đến một nơi khác cất giấu. Ông nói trước với mọi người, chắc nhà vua sắp xuống lệnh tống giam ông. Quả nhiên, những người giúp việc chưa kịp chuyển hết đồ đạc đi, đã thấy viên quan chỉ huy quân cấm vệ kéo cả một đội quân lính đến nhà. Ông này nói, vua lệnh cho ông bắt trói tể mang về giam vào ngục tối.
Tể tướng đứng yên cho bắt, trong khi lính tráng lục soát và tịch thu tất cả của cải còn lại trong nhà. Vị đại thần ấy sở dĩ gặp nạn, vì vua Côlaven nghe lời sàm tấu của bọn triều thần bất lương ghen ghét ông. Cavecsa bị giam nhiều năm trong ngục. Ông chịu đối xử hết sức tàn tệ. Ông không được phép gặp bạn bè đến thăm. Mọi yêu cầu nhỏ nhặt của ông đều bị bác bỏ. Thậm chí mỗi ngày lại có thêm một lệnh nào đó của vua ban xuống đày đọa ông tồi tệ hơn.
Đã lâu, ông thèm ăn món romanasi. Ngày nào cũng hỏi xin nhưng lần nào cũng bị từ chối. Người ta không cho chỉ cốt làm ông thêm phiền muộn. Một hôm, một người canh ngục đem lòng thương hại, lén mang vào cho một đĩa. Tể tướng mừng quá, lấy ra sắp sẵn ăn, bỗng có hai con chuột cắn nhau đâu từ ngoài, rượt nhau chạy vào nhà giam, rồi cả hai con nhảy luôn vào đĩa thức ăn ông vừa đặt tạm xuống đất, quần nhau trong ấy. Thế là đành bỏ cả đĩa romanasi đi, vì bị chuột vấy bẩn mất rồi. Nhìn thấy cảnh ấy, ông nhờ người nhắn tin cho người nhà, bảo đi lấy đồ đạc từ nơi cất giấu mang về như cũ. Ông nói vua sắp xuống chiếu tha tội và phục chức cho ông.
Mọi sự diễn ra đúng như dự đoán. Ngay trong ngày hôm ấy, quốc vương truyền tha tội cho tể tướng, mời ông vào triều và tuyên bố:
- Ta đã nhận ra tể tướng chẳng có tội tình tình gì. Ta đã trừng trị bọn ghen ghét muốn hãm hại ông. Ta phục nguyên chức tể tướng cho ông. Ta vẫn tin cậy ông như ngày trước.
Các bạn bè của Cavecsa biết đầu đuôi sự việc, ai cũng tìm hỏi tể tướng do đâu ông biết trước mình sắp bị tống giam, cũng căn cứ vào điều gì mà tin mình sắp được vua tha tội và phục chức. Tể tướng giảng giải như sau:
- Khi tôi nhìn thầy chiếc nhẫn không chìm xuống đáy bồn lại nổi lên mặt nước, tôi hiểu mình đã đạt tới cực điểm vinh hoa phú quý, phúc nhà tôi tột cùng rồi, đến đây không thể nào tăng thêm nữa; như luật trời đã định, hết phúc rồi, sắp gặp họa lớn tới nơi. Khi ở trong ngục thất, tôi chỉ ngỏ lời xin có món romanasi mà xin hoài không được, tôi hiểu tai họa mình chưa tới lúc qua. Đến khi có người thương hại mang cho, lại bị hai con chuột phá không sao đụng đũa tới món ăn ấy được nữa, tôi hiểu sắp tới hồi khổ tận cam lai.
Kể đến đây, quốc vương nước Trung Hoa nói tiếp với bà hoàng:
- Vậy cho nên, thưa bà, xin bà chớ vội tuyệt vọng. Số phận sắp mang hạnh phúc đến cho bà rồi đấy. Bà hãy theo gương tôi, hay luôn luôn nuôi niềm hy vọng trong lòng. Than ôi! Chính lòng tôi lúc này cũng đang phân vân, không rõ mình có phải là nạn nhân của một mụ phù thủy tương tự trường hợp của bà, hay con người mà tôi hằng đem lòng thương nhớ kia chỉ là một con yêu tinh đáng kinh tởm.
Nói xong, nhà vua nói thật cho bà hoàng xứ Tây Tạng rõ mình là ai, tiếp đó thuật lại cho bà nghe đầu đuôi, bắt đầu từ chuyện về con hươu cái trắng.
Nhà vua hầu như vừa ngừng lời, cả hai người bỗng để ý một chàng trai trẻ đang phi ngựa tới. Chàng trai người gần như trần truồng, còn con ngựa thì phi nước đại. Người cưỡi ngựa chạy như bay, phi ngang qua trước mặt họ, cũng khá gần. Người phụ nữ nhận ra và kêu lên thảng thốt:
- Trời đất! Chính vương phu tôi đấy.
Nhưng chàng trai ấy có vẻ đang hết sức kinh hoàng, chẳng để ý đến nàng, cứ thúc ngựa phóng như điên, thỉnh thoảng quay đầu nhìn lại phía sau, ý chừng sợ có người đuổi riết.
Chương 5 (B): NGÀY 22, 23
NGÀY THỨ HAI MƯƠI HAI.
Bà hoàng hậu xứ Tây Tạng và nhà vua Trung Quốc cùng đưa mắt dõi theo người cưỡi ngựa. Bỗng lại thấy một kỵ sĩ khác đang ra sức thúc ngựa phi nhanh tới. Chàng trai này mặc áo quần rất sang trọng, tay cầm một thanh đại đao vấy máu. Nhìn bộ dạng ấy, đủ rõ chàng đang ra sức đuổi bắt cho được người cưỡi ngựa chạy trước. Tuy nhiên điều lạ lùng nhất là chàng kỵ sĩ này giống như in người cưỡi ngựa kia, đến mức bà hoàng hậu nhác trông, lại không thể không kêu lên:
- Ôi trời đất! Lại cũng chính vương phu tôi đấy!
Chàng kỵ sĩ mải mê đuổi, thành ra chẳng để ý đến nàng. Nhà vua Trung Quốc ngạc nhiên:
- Thưa bà, thật chẳng có gì kỳ quặc hơn thế.
Bà hoàng hậu tiếp lời vua:
- Vâng, thưa ngài, qua những điều trông thấy trước mắt, hẳn ngài không cho câu chuyện tôi vừa kể hầu ngài là bịa đặt
Trong khi hai người chưa hết ngạc nhiên về những gì vừa xảy ra, chợt xuất hiện một kỵ sĩ thứ ba. Người này cho dù cũng thúc ngựa chạy như bay chẳng kém hai người trước, vẫn kịp để ý thấy hoàng hậu cùng quốc vương đứng cạnh nhau. Kỵ sĩ thứ ba này chính là tể tướng Aly Ben Haytam. Ông và bà hoàng cùng lúc nhận ra nhau. Tể tướng vội vàng xuống ngựa, đến quỳ xuống trước mặt bà hoàng và thưa:
- Ôi, thưa hoàng hậu! Có đúng là mắt tôi được nhìn bà đây chăng? Tạ ơn trời đấy đã giữ cho bà bình yên vô sự. Nếu có lúc nào trời từng để cho cái ác tạm thời có cơ lấn loát cái thiện, và người vô tội có khi cam chịu hàm oan, ấy là đẻ rồi sau đấy mọi người càng thấy rõ hơn luật trời bao giờ cũng hết sức công minh. Quả vậy, con mụ kẻ thù nguy hiểm của bà đã chết mất kiếp. Chính tay quốc vương đã trừng trị mụ; thanh long đao của người còn vấy máu mụ kia. Và để trả hoàn toàn mối hận lớn, hoàng thượng đang đuổi theo sát tên khốn nạn dám đội lột vua. Tôi muốn có nhiều thời giờ hơn mới có thể thuật lại hầu bà mọi sự xảy ra trong triều kể từ ngày bà buộc phải rời bỏ hoàng cung ra đi, vậy xin gác việc ấy lại chờ một dịp khác. Hoàng thượng đã đi xa chúng ta quá rồi, mời bà hãy mau mau lên ngựa, chúng ta phải theo ngay mới kịp người.
Nhà vua Trung Quốc vội ngăn:
- Không nên, thưa ngài, xin chớ làm hoàng hậu phải mệt sức. Ngài hãy ở lại đây cùng bà. Tôi xin đảm đương việc theo kịp quốc vương và mời nhà vua trở lại chốn này.
Nói xong, vua Trung Quốc nhẹ nhành bay lên mình ngựa và nhanh chóng thúc ngựa đuổi theo nhà vua xứ Tây Tạng, chẳng buồn nghe hết những lời chúc tụng và cảm tạ của bà hoàng. Nhà vua đi khỏi, tể tướng hỏi hoàng hậu chàng trai trẻ ấy là ai. Ông hết sức ngạc nhiên được biết chính nhà vua cả nước Trung Hoa đấy. Bà hoàng nói thêm:
- Giờ xin tể tướng hãy cho tôi được rõ, bằng cách nào con mụ phù thủy ấy bị lột mặt na?
- Giờ xin tể tướng hãy cho tôi được rõ, bằng cách nào mụ phù thủy ấy bị lột mặt nạ?
- Thưa bà,- tể tướng đáp- vương quân của bà, sau khi nghe triều thần ai nấy đều quả quyết người đàn bà kia đúng là hoàng hậu Naimani, vua đã sống chung với người đàn bà ấy hoàn toàn hòa hợp. Vài hôm trước, vua cùng người mà vua ngỡ là vợ mình đến nghỉ tại tòa lâu đài mà bà đã rõ, cách kinh đô chừng chín, mười dặm. Sáng hôm nay, hoàng thượng và tôi định đi săn, chỉ cho mỗi tên nô lệ theo hầu. Chúng tôi đi cũng đã khá xa, chợt hoàng thượng sực nhớ là quên dặn hoàng hậu một điều gì đó rất quan trọng. Chúng tôi liền quay trở lại. Đến cổng tòa lâu đài, nhà vua xuống ngựa, bảo tôi chờ, rồi theo cầu thang phụ lên thẳng phòng riêng. Lát sau, tôi thấy từ đấy hớt hãi chạy bổ xuống một người đàn ông gần như trần truồng, đầu không đội khăn, mặt mũi trông giống như in nhà vua chúng ta. Tôi ngỡ đấy chính là quốc vương nên vô cùng thảng thốt:
- Ôi, tâu hoàng thượng, do đâu ngài ra nông nỗi này?
Người ấy không buồn đáp lời tôi, mà chạy vội đến nhảy lên lưng ngựa, trông có vẻ hốt hoảng lắm. Tôi vẫn nghĩ chắc có một tai nạn gì ghê gớm lắm vừa xảy ra nên trong lòng như có lửa đốt. Tôi định thúc ngựa theo, cố gắng bắt kịp để hỏi cho tường, chợt nghe có tiếng gọi đằng sau:
- Hãy chờ, tể tướng, hãy chờ ta!
Lập tức tôi kìm cương dừng ngựa, quay lại nhìn, thấy quốc vương đang từ tòa lâu đài chạy bổ xuống, đôi mắt nảy lửa, long đao tuốt trần cầm ở tay. Vua chạy vội đến, vừa chạy vừa nói với tôi:
- Tể tướng à, chúng ta đã sai lầm khi đuổi bà hoàng hậu thật đi, và giữ lại một con mụ khốn nạn đã dùng yêu thuột đội lốt bà hoàng. Ta vừa giết chết con mụ khốn khiếp ấy, giờ ta phải lấy đầu thằng khốn nạn dám đội lốt ta đây. Hãy trao con ngựa của mày cho ta- hoàng thượng bảo tên nô lệ theo hầu- ta muốn đuổi theo tên súc sinh ấy, nó đừng hoàng thoát khỏi tay ta.
Vừa nói, vừa nhảy phóc lên mình ngựa của tên nô lệ, theo dấu chân con ngựa trước, rược đuổi đến tận chốn này.
Trong thời gian hoàng hậu nghe tể tướng thuật chuyện thì vua Ruvansat đã thúc ngựa đuổi kịp vua Tây Tạng, đuổi hăm hở chẳng kém lần trước, khi bén gót theo con hươu cái trắng. Về phần mình, trong lòng thội thúc bởi hận thù, quốc vương Tây Tạng không ngừng ra roi thúc con tuấn mã. Bởi vua là tay kỵ sĩ thành thạo hơn nhiều người đang bị vua đuổi, thành thử chẳng mấy chốc đã bắt kịp. Vua vung đao chém một nhát vào vai tên khốn kiếp, nó ngã lăn xuống đất. Lập tức nhà vua cũng xuống ngựa định kết liễu đời kẻ thù, nhưng tên khốn nạn ấy đã kịp ngỏ lời cầu van, xin tha mạng sống. Vua nói với hắn:
- Ta chấp nhận, với điều kiện mày thưa rõ mày là ai, tại sao và bằng cách nào mày dám đội hình dạng ta; nếu mày không làm sáng tỏ được tất cả những điều ta muốn biết thì mày mất mạng.
- Thưa ngài, - tên khốn nạn đáp – bởi hoàng thượng đã tha cho tội chết, tôi đâu dám giấu diếm điều gì. Tôi xin thành thật tâu trình ngài rõ tất cả mọi sự. Để ngài tin chắc, trước hết tôi xin được lấy lại hình dạng tự nhiên ban đầu của mình.
Nói xong hắn rút chiếc nhẫn đeo ở ngón tay ra, ngay lập tức nhà vua chỉ còn thấy một lão già xấu xí khủng khiếp.
NGÀY THỨ HAI MƯƠI BA.
Quốc vương xứ Tây Tạng khá ngạc nhiên trước sự đổi hình thay dạng ấy, càng hiếu kỳ muốn rõ ngay những điều lão già sắp kể. Tên khốn nạn ấy nói:
- Thưa ngài, đây chính là hình dạng nguyên của tôi như bình thường. Xin phép cho tôi được thuật lại hầu ngài từ đầu chí cuối toàn bộ câu chuyện cuộc đời tôi.
Tôi là con trai một người thợ dệt thành phố Đamat. Mocben là tên tôi. Thân sinh tôi ngày trước khá giàu và là người tằn tiện, chỉ sinh hạ có mỗi tôi, thành ra sau khi cụ qua đời, tôi thừa hưởng một khoản tài sản khá lớn so với những người cùng địa vị chúng tôi. Đáng ra phải noi gương cần kiệm của cha, hay ít cũng chớ nên tiêu xài quá đáng, đằng này tôi lại nghĩ đến chuyện chơi bời. Tính tôi vốn thích đàn bà; sau khi cha mất, sớm chiều tôi chỉ lo có mỗi việc là làm sao lấy lòng người thiếu phụ bên nhà hàng xóm. Người đàn bà ấy xinh đẹp và khôn ngoan nhưng cũng là một con người gian xảo, có nhiều nết xấu. Không ít đàn ông theo đuổi thị; anh chào nào cũng ngỡ thị yêu mình hơn hết thảy, bởi thị biết cách đối xử với bất kỳ chàng trai nào cũng có vẻ như mình quý trọng đặc biệt mỗi một người ấy. Tôi cũng bị thị lừa như nhiều người khác. Thế mà đầu óc mê muội, tôi cứ tưởng cô nàng yêu đương mình hơn cả, chỉ có mình là người may mắn nhất trong cả lũ; còn tất cả bọn tình địch kia đều bị thị lừa dối tất. Ý nghĩ ấy càng làm tăng thêm sự si mê của tôi, khiến tôi tiêu xài phung phí khủng khiếp. Ngày nào cũng như ngày nào, tôi đều mang biếu Đinuzê một tặng vật mới – Đinuzê là tên của thị, thưa ngài. Tôi cho thị rất nhiều tặng phẩm đắt tiền đến nỗi chỉ sau có ba, bốn năm, tôi hoàn toàn khánh kiệt. Các tình địch của tôi vẫn đua nhau đổ tiền của cho thị để được thị yêu thương; bằng cách đó con mụ giàu sụ lên trên sự khánh kiệt của tất cả bọn tình nhân chúng tôi.
Sau khi làm tiêu tan hết tài sản của mình. Tôi nghĩ sắp bị thị ruồng bỏ tới nơi, và rất buồn vì thực lòng tôi vẫn rất yêu thương thị. Mặc dù Đizunê xưa nay là một con người thích làm dáng và chỉ biết vụ lợi, một hôm thị nói với tôi:
- Mocben ạ, chắc hẳn anh nghĩ rằng em sắp đuổi anh khỏi nhà em, bởi anh không còn có điều kiện cho em tặng vật nữa. không, không phải thế đâu, anh yêu ạ. Anh là người si mê em nhất trong tất cả bọn tình nhân, và bởi anh là người bị khánh kiệt sớm nhất, em muốn đến lượt mình, tỏ cho anh thấy em cũng là con người hào hiệp. Em có ý định chia sẻ với anh tất cả những gì em sẽ nhận được từ các tình địch của anh, và trả lại cho anh sòng phẳng những gì tình yêu của anh đối với em đã khiến anh tiêu pha không tiếc của.
Quả vậy, đã không để cho tôi phải thiếu thốn vật dụng hằng ngày, thị còn cho tôi thêm bao nhiêu là vàng bạc. Thành thử tôi có vẻ như giàu có hơn cả ngày trước. Ngoài ra, thị lại tin cậy ở tôi hoàn toàn, thị không làm việc gì mà không hỏi ý kiến tôi. Chúng tôi chung sống hòa thuận với nhau theo cung cách ấy trong nhiều năm.
Mặc dù chẳng để ý, Đizunê dĩ nhiên mỗi ngày một già đi. Thế là số tình nhân của thị mỗi ngày mỗi giảm bớt. Và cuối cùng, thời gian đã không để lại cho thị một mảnh tình nào. Với một người đàn bà lúc nào cũng thích có đàn ông cặp kè bên cạnh, chuyện ấy thật đau đớn buồn bã xiết bao! Đizunê chẳng thể nào khuây nguôi khi thấy mình bị tất cả các chàng trai rẻ rúng. Thị tâm sự với tôi:
- Này, anh Mocben ạ, em thú thật cái già không sao chịu đựng nổi. Từ thuở bé, em đã quen được bọn con trai vuốt ve nuông chiều. Bây giờ em không sao chịu đựng nổi chúng nó dè bỉu. Bây giờ chỉ còn cách hoặc là em chết đi để tự giải phóng khỏi nỗi buồn sâu sắc đang dày vò, hoặc là em phải đi đến tận sa mạc Pharan, tìm cho được bà pháp sư Bedra. Đấy là bà thánh có pháp thuật cao cường nhất châu Á. Cả trái đất này đều cúi đầu khuất phục trước các phù phép của bà. Bà đã muố thì sông cũng phải chảy ngược dòng; nghe tiếng bà mặt trời cũng phải tái mặt mà đi thụt lùi, còn mặt trăng thì ngừng lại giữa bầu trời. Em quyết tìm gặp cho được bà ta. Em đã rõ chỗ bà ấy ở trong sa mạc. May ra bà ấy sẽ bày cho em một bí quyết nào đó để làm sao cho dù già nua, em vẫn được cánh đàn ông bám theo quý yêu chiều chuộng.
Tôi đáp:
- Em nghĩ thế là phải. Anh sẵn sàng theo em, nếu em muốn.
Thị nhờ tôi cùng đi với thị. Chúng tôi chuẩn bị mang theo thức ăn nước uống cùng một vài tặng phẩm dâng thánh Bêdra, rồi dắt nhau tìm đường đến vùng sa mạc khô cằn.
Tới nơi, chúng tôi còn phải đi trên đồng cát suốt hai ngày trời. Lúc này, Đinuzê mới chỉ cho tôi nhìn thấy đằng xa có một quả núi, bảo rằng bà thánh sống ở đấy. Chúng tôi tiếp tục đi nữa cho đến tận chân quả núi. Chúng tôi nhận ra một cái hang rất rộng, rất sâu, từ trong hang bay ra cả ngàn con chim xấu xa kinh dị, hay đúng hơn những con quỷ biết bay mang nhiều khuôn mặt khác nhau. Chúng vút cao tận mây xanh, vừa bay vừa rít lên những tiếng kêu tang tóc. Đến sát cửa hang, chúng tôi nhìn vào, thấy dưới ánh sáng một ngọn đèn bằng thép rọi xuống cái hang, có một cụ già bé nhỏ ngồi trên một tảng đá lớn. Đấy chính là bà thánh Bêdra. Bà pháp sư ấy đang đọc dở một cuốn sách lớn đặt trên đầu gối. Trước mặt có cái lò bằng vàng, trên lò đặt một cái chảo bằng bạc đựng đầy một chất trông như đất đen cứ sôi sùng sục dù chẳng thấy có lửa đốt trong lò.
Chúng tôi hiểu ngay đã gặp được người mình cần gặp. Chúng tôi rón rén bước vào hang, tiến đến gần bà cụ và cất lời chào hết sức kính cẩn. Chúng tôi dâng tặng bà những vật phẩm mang theo. Rồi Đinuzê thưa với bà những lời như sau:
- Kính thưa bà thánh Bedra quyền lực vạn năng, con đến đây cầu xin sự cứu giúp của mẹ. Con chẳng cần phải nói điều gì đã xui con đến đây, bởi với pháp thuật cao cường mẹ đã rõ hết tất cả.
Chương 5 (C): NGÀY 24, 25, 26
NGÀY THỨ HAI MƯƠI BỐN.
Sau khi nghe Đinuzê trình bày như vậy bà pháp sư bảo:
- Thôi thôi, chẳng cần con phải nói, ta đã rõ hết rồi.
Nói xong bà già đứng lên lấy hai cái lọ thủy tinh mang ra ngoài hang đặt xuống đất và bỏ vào trong mỗi lọ một chiếc nhẫn vàng. Trong khi cụ già làm phù phép, chúng tôi nhìn thấy tự nhiên có ngọn lửa bùng lên từ một cái lọ thủy tinh, còn từ cái lọ kia một ngọn khói dày đặc bốc cao lên trời, gây nên một cơn sấm sét dữ dội. Nhưng trận sấm sét ấy tan nhanh. Lúc này nhìn vào, không thấy có gì bốc lên từ hai cái lọ thủy tinh nữa. Thế là bà Bedra rút từ hai lọ ra hai chiếc nhẫn, lấy một cái đeo vào ngón tay của Đinuzê và bảo thị:
- Đi đi, hỡi người đàn bà, từ nay con hãy tha hồ vui thú, lời ước của con đã được thực hiện. Cái nhẫn mà mẹ trao cho con đây, chừng nào con còn đeo ở ngón tay, thì con có quyền năng muốn mang hình dáng bất kỳ người phụ nữ nào con muốn. Con chỉ cần bày tỏ ước mong mình được giống cô gái này hay người đàn bà nọ, ngay lập tức con sẽ trở thành giống hệt như người ấy đến mức không ai có thể phân biệt người này với người kia. Còn anh, hỡi Mocben. – cụ già quay về phía tôi nói tiếp – ta muốn tặng con cái nhẫn kia, nó cũng có quyền năng giúp con hiện lên dưới vóc dáng bất kỳ người đàn ông nào con muốn mình giống hệt như người ấy.
- Nói xong bà già đeo vào ngón tay tôi chiếc nhẫn kia.
Chúng tôi cảm tạ thánh Bedra về những món quà quý giá, rồi xin phép cáo từ. Chúng tôi nôn nóng không đợi trở về đến thành Đamat mới dùng thử những chiếc nhẫn thần kỳ, mà nôn nóng thí nghiệm quyền năng của chúng ngay khi còn đang ở giữa sa mạc. Chúng tôi bày tỏ ước mong được mang hình người này người này người nọ mình quen biết, và ngay lập tức chúng tôi trở thành giống như in người mình ước.
Vừa trở về đến Đamat, Đinêzu vốn là con người nồng nhiệt, muốn lúc nào cũng có nhiều đàn ông nịnh hót chiều chuộng, chẳng chịu để cho cái nhẫn của mình không có việc làm. Thị đội luôn hình dạng một vài phu nhân đẹp nhất trong thành phố, rối tìm đến những người tình của họ, tìm cách mồi chài để chàng trai ấy biếu tặng cho nhiều khoản tiền lớn hoặc vật có giá. Về phần mình, để giải trí cho vui và thỉnh thoảng cũng để trộm tiền của ngưới khác, tôi cũng đôi khi mang cái nhẫn của mình ra làm phép. Khi tôi hiện lên dưới hình dạng người đàn ông này, khi thì đôi lốt một chàng trai khác. Sau khi chung sống với nhau một thời gian theo cách ấy ở thành phố Đamat, chúng tôi nảy ra ý thích muốn đi du lịch đó đây.
Chúng tôi sang Ai Cập, rồi từ nước ấy đi lang thang hết thành phố này đến thành phố nọ, đi đến tận xứ sở của người bộ tộc Naiman. Đến đấy, chúng tôi hay tin vừa có một nàng công chúa trẻ tuổi, hay đúng hơn một đứa trẻ con mới lên làm vua; và tể tướng Ali Ben Haytam đang làm phụ chính đại thần cai quản công việc quốc gia. Ông này có quyền uy lớn, và do đó làm cho không ít người ghen tị, bất bình. Nhiều người mong hoàng thân Muaphac chú bà vua trẻ, tức là em trai của quốc vương quá cố, trở về nước. Nhưng mọi người đều nghe tin hoàng thân đã bỏ mình từ lâu trong một trận đánh chống lại người Mông Cổ; từ hồi xảy ra chiến sự ấy đến nay, chưa bao giờ có ai gặp hoàng thân. Nghe lỏm những câu chuyện ấy. Đinuzê bảo với tôi:
- Đây thật đúng là một cơ hội tốt cho hai ta làm ông vua bà hoàng. Chỉ cần anh hiện ra giống y nguyên hình dạng hoàng thân Muaphac cho em.
Chẳng khó khăn gì tôi không đóng được vai trò ấy. Tôi tìm hiểu hoàn cảnh xứ này hồi có chiến tranh chống lại người Mông Cổ. Tôi dò hỏi những người vốn là các đại thần thời trước, họ toàn là bạn tốt của Muaphac. Cuối cùng, khi đã biết rõ tất cả những điều cần thiết ấy, tôi ngỏ lời ước được mang hình hoàng thân. Ngay lập tức tôi trở thành một người giống ông ta như đúc. Dưới hình dạng ấy, tôi tìm gặp những người mà người ta bảo trước đây rất trung thành gắn bó với Muaphac. Mọi người hết sức mừng vui thấy tôi trở về. Tôi vừa hé cho họ hay mình có ý định đoạt lại ngôi báu, họ đều cam kết sẽ dùng tất cả uy tín và ảnh hường giúp tôi thực hiện ý đồ. Những lời hứa hẹn của họ quả không phải vô ích. Người Naiman, một bộ tộc sống bên bờ sông Amo, nghe lời khuyến dụ của các vị đại thần bạn của Muaphac, bắt đầu nổi loạn chống lại bà vua và ủng hộ hoàng thân. Những ai xưa nay vốn căm ghét tể tướng Aly còn tiếp tay giúp sức thêm. Thế là cuộc biến loạn lan nhanh như lửa cháy ra toàn vương quốc. Nhân dân kinh đô tự mở cổng thành nghênh đónkhi chúng tôi kéo tới. Sau khi tôi được dân chúng suy tôn làm vua xứ Naiman, mọi người đều thề sẽ tuân lệnh vua mới và thực hiện tất cả những gì tôi phán bảo. Ngay lúc ấy, tôi muốn bắt và tống giam luôn bà vua trẻ tuổi hoặc mang giết đi để phòng hậu họa, nhưng tể tướng Aly đã kịp thời cứu sống nàng và bí mật đưa nàng trốn khỏi vương quốc.
Vậy là tôi yên vị trên ngai vàng và trị vì với quyền uy tuyệt đối. Tôi thưởng công cho tất cả những ai đã góp phần đưa mình đạt tới địa vị này. Tôi giao cho họ những chức vụ quan trọng nhất trong triều; giá mà hoàng thân Muaphac đích thực ở vào địa vị tôi; ông cũng không thể nào sử dụng quyền uy một cách tốt hơn thế. Tôi sống như vậy khá hài lòng cùng với Đinuzê, lúc này thị đội hình dáng một phu nhân trẻ đẹp, xem cũng ra dáng bà hoàng. Tôi cho loan truyền rằng thị vốn là công chúa con vua, sau khi thất trận tôi đã tìm đến lánh nạn tại vương quốc thân sinh thị, và nhà vua nước ấy đã gả con gái cho để an ủi một vị hoàng thân trong cơn bất hạnh. Thị được cấp riêng một ngôi nhà lộng lẫy trong hoàng cung, cùng với không biết bao nhiêu nữ tỳ khả ái, tất cả đều tìm cách làm hài lòng và mua vui cho hoàng hậu.
Thưa ngài, chúng tôi đang sống đầy lạc thú như vậy, chợt nhận được tin các sứ thần của ngài đến thông báo, ngài đã cưới nàng công chúa xứ Naiman làm vợ, và đã quyết định sẽ tuyên chiến nếu tôi không chịu trả lại cho bà chiếc vương miện mà tôi chiếm đoạt. Tôi đã trả lời sứ giả ngài một cách kiêu ngạo, làm như thể tôi coi thường mọi sự đe dọa, nhưng trong thâm tâm vô cùng lo sợ. Vừa cho các sứ thần của ngài ra về, cả hai người: Đinuzê và tôi, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ và bàn bạc cách đối phó làm sao bây giờ.
Sau khi trao đổi hồi lâu, chúng tôi đều hiểu xứ Naiman quá yếu, làm sao kháng cự nổi quân đội của ngài, đành phải rời bỏ thôi chiếc ngai vàng không có cách nào giữ được. Nhưng chúng tôi quyết định phải báo thù ngài cùng bà hoàng hậu người xứ Naiman, như thể các vị đã gây cho chúng tôi một sự bất công lớn nhất trên đời. Sau đây là cách chúng tôi thực hiện sự báo thù.
NGÀY THỨ HAI MƯƠI LĂM. Mocben kể tiếp:
- Tôi lại phải nhờ đến chiếc nhẫn. Tôi giả vờ ốm nặng mấy ngày, rồi để cho dân chúng tin hẳn ràng tôi đã chêt, tôi mang hình dạng một tử thi. Người ta làm lể tang cho tôi, đưa tôi đi chôn cất. Ngay đêm hôm ấy, Đinuzê đến mở cửa ngôi mộ quàn xác tôi. Chúng tôi trồn khỏi kinh thành dưới dạng của mình ngày trước. Chúng tôi tìm đướng đến thủ phủ nước Tây Tạng. Vừa tới nơi chúng tôi đã thấy phái đoàn các bô lão người Naiman đến gặp bà công chúa nay đã trở thành hoàng hậu của ngài, báo tin hoàng thân Muaphac đã qua đời, và khẳng định họ thừa nhận bà này là nhà vua hợp pháp đất nước họ. Được tin ấy, ngài cho lui các đạo binh vừa đã tập trung về thủ phủ, và quyết định phái tể tướng Aly trở về ngay xứ sở người Naiman thay mặt hoàng hậu cai trị xứ ấy.
Trong thời gian đó, Đinuzê dưới hình dạng của một nữ tì trẻ của hoàng hậu, và tôi đội lốt một viên hoạn nô, một đêm chúng tôi xâm nhập vào hoàng cung. Chúng tôi vào đến tận phòng ngủ của ngài, và chẳng khó khăn gì không thực hiện được ý đồ của mình. Lúc ấy ngài đã đi nghỉ, còn hoàng hậu đang đọc sách trong một căn phòng bên. Đinuzê dùng thuật biến hình cho giống hoàng hậu rồi leo lên giường nằm cạnh ngài. Khi người vợ đích thực của ngài định rời phòng đọc sách để sang phòng ngài, tôi liền hiện lên trước mặt bà dưới dạng một con ma khủng khiếp. Bà sợ hãi thét lên một tiếng, tôi biến luôn. Thưa ngài, sau đó xảy ra những việc gì ngài đều đã biết rõ cả rồi, xin miễn cho tôi phải trình thêm. Giờ tôi chỉ còn có việc thưa nốt để hoàng thượng rõ, tại sao ngày hôm nay tôi đội lốt của chính ngài. Sáng sớm nay, vừa trông thấy ngài ra khỏi lâu đài đi săn, tôi lẻn vào phòng ngài dưới dạng viên trưởng hoạn nô. Đinuzê đang nằm ngủ trên giường. Trông thấy tôi, thị bảo:
- Anh Mocben à, hãy cởi đồ ra rồi lấy dạng nhà vua, đến đây nằm cùng với em.
Tôi làm theo lời thị, lên giường ngủ với thị. Bỗng thấy cửa phòng ở cầu thang phụ mở ra, và ngài đột ngột xuất hiện. Ngài rút long đao định chém tôi, may sao tôi tránh thoát. Nhưng có lẽ trời đất không muốn để tôi ác của chúng tôi không bị trừng phạt, đã bắt tôi chịu tội trước ngài.
Vâng, thưa ngài, tôi nhận rằng tội tôi đáng chết. Nếu hoàng thượng sau khi nghe tất cả những chuyện không hay ho gì trong suốt cuộc đời tôi như tôi vừa kể, mà hối tiếc vì sao đã hứa tha tội cho kẻ bất lương này, thì tôi chấp nhận ngài rút lui lời hứa, để ngài có thể rảnh tay trừng trị một tên khốn nạn đã chính nó nhận ra mình không đáng sống.
Nhà vua xứ Tây Tạng đáp:
- Đúng là đáng ra, ta phải đối xử với mày như đã đối xử với con mụ đồng lõa khốn nạn của mày. Đáng ra ta phải làm cho trái đất này sạch bớt đi một con quỷ sứ như mày. Nhưng bởi ta đã hứa tha tội chết, thì ta giữ lời. Ta chỉ cần thu chiếc nhẫn ở tay mày, đấy chính là công cụ giúp mày thực hiện bao nhiêu tội ác. Để từ đây, mày chẳng thể nào làm hại nhân loại được nữa, và để cho sự già nua sẽ trở lại là nỗi khổ của mày.
Vua xứ Tây Tạng nói đến đấy thì nhìn thấy quốc vương Ruvansat đang phóng ngựa đến như bay. Qua trang phục của chàng, vua biết đây không phải là một con người bình thường, nhìn rất chăm chú. Tới nơi, Ruvansat xuống ngựa chào nhà vua và nói:
- Thưa quốc vương, tôi đến báo cho ngài một tin tốt lành; hoàng hậu của ngài, nàng công chúa người Naiman hiện nay còn sống. Mặc dù bà bị đuổi ra khỏi thủ phủ xứ Tây Tạng một cách bất công, mặc dù bà đã phải chịu đựng bao nhiêu khổ ải kể từ ngày hôm ấy, tôi có thể thưa để ngài biết chắc bà vẫn còn sống trên đời. Giờ chỉ còn tùy ý ngài, nếu ngài muốn, ngài có thể gặp bà ngay lúc này.
- Trời đất ơi! Tôi có dám tin hay không những điều vừa nghe nói? – vua xứ Tây Tạng thốt lên – Có thể nào hoàng hậu còn sống được sau bấy nhiêu khổ ải? Nhưng thưa ngài, - vua nói tiếp với quốc vương xứ Trung Hoa – ngài tỏ ra am tường mọi sự kiện lạ lùng từng diễn ra trong gia đìng tôi, xin ngài làm ơn cho biết ngài là ai, và cho tôi làm gì đây để tạ ơn ngài.
- Tôi là một người nước ngoài – Ruvansat đáp – tôi sẽ nói rõ với ngài họ tên tôi vào một dịp khác. Sự tình cờ đã xui tôi gặp được bà hoàng. Bà đã kể cho tôi nghe những chuyện bất hạnh của bà, và cũng không phải tôi chưa rõ những gì vừa xảy ra sáng hôm nay. Tể tướng Aly vừa cho tôi biết hết mọi chuyện. Hiện ông ta đang cùng hoàng hậu ở một nơi, tôi đã hứa với họ là sẽ dẫn ngài tới đó.
Tin vui đó làm cho nhà vua trẻ xứ Tây Tạng mừng rỡ khôn cùng. Quá nôn nóng gặp lại được người vợ đích thực của mình, nhà vua tức tốc lên ngựa cùng quốc vương Ruvansat quay trở lại, bỏ mặc đó tên khốn nạn Mocben sau khi đã đoạt chiếc nhẫn ma quái của nó.
NGÀY THỨ HAI MƯƠI SÁU.
Hai nhà vua vừa trở lại chỗ tể tướng Aly Ben Haytam đang cùng hoàng hậu chờ. Vua xứ Tây Tạng vội vàng xuống ngựa. Vua đón vào đôi tay mình bà hoàng yêu quý, bà vừa trông thấy vua cũng vội bước tới để ngả vào lòng chàng.
- Thưa hoàng hậu, - nhà vua nói – từ nay làm sao bà có thể nhìn mặt một người chồng đã hành hạ mình đến vậy? Nhưng nàng ôi! Cho dù tôi có hành động quá đáng đến mức nào, xin nàng hiểu cho, chớ vì vậy căm ghét kẻ này, bởi trong khi hành tội nàng, tôi cứ ngỡ làm vậy để trả thù cho nàng.
Hoàng hậu đáp:
- Thưa hoàng thượng, chúng ta hãy quên đi quá khứ. Sự sai lầm của ngài đủ là lời tạ lỗi, tại sao thời gian qua ngài đối xử với em như vậy. Phép lạ trời xui khiến cho chúng ta được gặp lại nhau hôm nay là một lý do nữa để em bỏ qua sự sai lầm của ngài.
- Không thưa hoàng hậu, - nhà vua đáp – tôi thấy sai lầm ấy làm sao bỏ qua được. Chính tôi cũng chẳng bao giờ tha thứ cho mình. Cho dù giữa bà và con khốn nạn đội hình dáng bà có giống nhau đến bao nhiêu, lẽ ra qua rung động của con tim cũng bằng như trí tuệ, tôi phải cảm nhận được ai mới đúng là hoàng hậu của mình chứ.
Sau nỗi mừng vui bất ngờ được gặp lại nhau, hoàng hậu hỏi chồng, bằng cách nào vua nhận ra chân tướng con mụ mà vua ngỡ là vợ mình trong bấy nhiêu lâu. Nhà vua đáp:
- Sáng nay, tôi lên phòng riêng của hoàng hậu bằng cầu thang phụ. Vừa mở cửa phòng tôi đã nhìn thấy một người đàn ông đang nằm cùng mụ ấy; giận điên tiết, tôi rút long đao tiến đến, định kết liễu cuộc đời cả đôi gian phu dâm phụ. Nhưng tên đàn ông khéo léo tránh được nhát đao, chạy xuống cầu thang. Trước khi đuổi theo nó, tôi muốn khuất mắt không còn phải nhìn thấy một người vợ thiếu chung thuỷ. Người ấy đã đứng lên giơ hai tay xin tôi tha tội. Lúc ấy tôi quá giận dữ chẳng buồn nghe; tôi đưa một nhát đao chặt đứt bàn tay có đeo nhẫn. Bàn tay vừa lìa khỏi thân, thế là khuôn mặt xinh đẹp của thị biến mất luôn, và hiện ra trước mắt tôi chỉ còn một mụ già nhăn nheo xấu xí đến khủng khiếp. Mụ già ấy nói:
- Tâu hoàng thượng, khi chặt đứt bàn tay tôi, ngài đã huỷ hoại cái phép thần từng lừa dối đôi mắt mọi người. Bởi do quyền năng của chiếc nhẫn ấy, tôi mới có thể mang dáng vóc và khuôn mặt hoàng hậu. Người đàn ông vừa chạy thoát khỏi tay ngài kia cũng nhờ có một cái nhẫn nữa mới có thể đội hình dong của chính ngài. Xin tha tội chết cho tôi; tôi tự thấy mình quá khốn nạn khi dám xúc phạm đến ngài.
Tôi quát lên:
- Này con khốn khiếp kia! Mày chớ hy vọng hão. Chớ nghĩ rằng có thể kêu gọi lòng độ lượng của ta. Không đâu, tội ác của mày làm sao tha thứ được. Giá như mày chỉ xúc phạm đến ta thôi, có thể ta thương hại mà tha tội chết cho mày. Nhưng mày đã phá hoại cuộc sống hoà hợp của vợ chồng ta. Chính mày là nguyên nhân khiến cho ta đối xử với hoàng hậu bất công đến vậy. Ta đã đuổi nàng ra khỏi hoàng cung, và rồi đây chắc sẽ chẳng bao giờ nhìn lại nàng được nữa. Bởi ta tin, chắc vì quá buồn đau và không chịu nổi đày đoạ, nàng đã tìm cách tự kết liễu số phận đáng thương của mình rồi.
Nhà vua kể tiếp:
- Tôi vung thanh đại đao chặt đầu mụ già độc ác. Sau đấy, không để mất thời gian, tôi cấp tốc đuổi theo tên khốn nạn kia.Tạ ơn trời đất đã không cho nó kịp thoát khỏi sự trừng phạt xứng đáng của tôi.
Sau khi vua xứ Tây Tạng thuật lại cho hoàng hậu hay mọi điều như vậy, vua lại kể tiếp những gì xảy ra giữa Mocben và vua thời gian trước đó. Vua thuật lại đầy đủ những thủ đoạn tên khốn nạn ấy đã cùng với Đinuzê mưu đồ để chiếm đoạt ngai vàng của xứ người Naiman ra sao, và bằng cách nào ít lâu sau đó, chúng lại phải rời bỏ ngôi báu dắt nhau trốn chạy. Hoàng hậu và tể tướng Aly lắng nghe câu chuyện ấy rất ngạc nhiên và chăm chú.
Kể xong, vua xứ Tây Tạng quay lại, hướng về Ruvansat trịnh trọng nói:
- Thưa vị khách nước ngoài cao quý, ngài đã đóng góp hào hiệp xiết bao cho việc khôi phục hạnh phúc của chúng tôi, giờ ngài muốn chúng tôi tạ ơn ngài bằng cách nào? Xin ngài hãy nói ra, xin hãy vui lòng cho biết những gì ngài cần. Xin ngài tin cho, tôi thực hiện mọi yêu cầu của ngài.
Ruvansat định đáp thì bà hoàng hậu trẻ vội ngắt lời, nói với chồng:
- Thưa hoàng thượng, ngài chưa biết vị khách nước ngoài ngài đang thưa chuyện đây, chính là hoàng đế nước Trung Hoa.
Vừa nghe bà hoàng nói vậy, vua xứ Tây Tạng vội vàng quỳ xin Ruvansat thứ lỗi vì mình không biết nên không đối xử với nhà vua theo đúng lễ tiết. Vua Trung Hoa ngắt lời, không để chàng nói tiếp. Hai vị quân vương ôm hôn nhau nhiều lần. Sau đấy tất cả mọi người cùng trở về toà lâu đài vua xứ Tây Tạng. Quốc vương Ruvansat nghỉ lại đấy mấy hôm. Vua được đãi đằng vô cùng trọng thể. Rồi chàng từ biệt mọi người, lên đường trở về nước.
Nguồn: docsach.mobi