Chương 9
Nhỏ Diệp không chờ đợi một sự "đền ơn đáp nghĩa" tuyệt diệu như vậy. Nó loay hoay cả buổi sáng vẫn chưa giải xong mấy bài toán hóc búa về vận tốc. Đề nghị của Quý ròm trúng ngay "tâm sự" của nó.
Không chậm một giây, nó ba chân bốn cẳng chạy vù vào phòng, miệng rối rít:
- Anh đợi em một chút! Tưởng gì chứ toán khó thì lúc nào em cũng sẵn!
- Có bao nhiêu cứ lôi hết ra đây! - Quý ròm nhiệt tình - Khó đến mấy anh cũng cố giảng cho em hiểu!
Quý ròm thuộc loại người có máu bốc đồng. Miệng cao hứng nói bô bô như vậy, lại chuyển tong "anh anh em em" ngọt xớt, nhưng đến khi nhỏ Diệp lật đật đem cuốn tập toán ra và hân hoan chìa vào mắt nó thì nó bỗng sa sầm mặt:
- Trời đất! Bài toán vậy mà mày kêu khó hả?
Câu hỏi ngặt của ông anh làm tia hy vọng vừa lóe lên trong đầu nhỏ Diệp đột ngột tắt ngóm. Nó ấp úng:
- Em mày mò cả buổi vẫn không ra!
Lời phân trần yếu ớt của nhỏ em chẳng khiến Quý ròm động lòng tí ti. Giọng nó vẫn lạnh băng:
- Điều quan trọng là mày đã mò vào đâu! Nếu mày mò vào... bếp thì cả đời mày cũng đừng hòng mò ra!
Cái lối ăn nói của Quý ròm làm nhỏ Diệp bầm gan. Nhưng thấy Quý ròm đang nhíu mày đọc lại đề toán, nó không tiện trả đũa, đành ngồi im theo dỏi và chờ đợi.
Quý ròm vừa nhẩm đọc vừa gật gù: "Một người đi từ A đến B. Quảng đường AB dài 20km. Người đó đi bộ trong một giờ rồi gặp bạn đi xe đạp chở đi tiếp và tới nơi sau 1 giờ 20 phút. Biết rằng vận tốc của người đi xe đạp gấp ba lần vận tốc của người đi bộ, tính vận tốc của người đi bộ và của người đi xe đạp!". Đọc xong, nó ngẩng lên nhìn chòng chọc vào mặt nhỏ em:
- Mày không biết cách giải bài toán này thật hả?
Quý ròm làm nhỏ Diệp tự ái quá chừng. Môi nó mím lại:
- Nếu giải được em đã không nhờ anh!
Bắt gặp vẻ mặt khác lạ của nhỏ em, Quý ròm dường như kịp nhận ra câu hỏi của mình hơi "bất lịch sự", liền cười giả lả:
- Nghe tao hỏi nè! Muốn tính vận tốc mình phải làm sao?
Nhỏ Diệp nhăn nhó một hồi rồi chớp chớp mắt:
- Phải làm sao?
- Tao hỏi mày chứ không phải mày hỏi tao! - Quý ròm gắt - Ở đây tao là người hỏi, còn mày là người trả lời!
Nhỏ Diệp nuốt nước bọt:
- Nhưng em không biết!
Quý ròm nhún vai:
- Không biết thì trả lời là không biết!
Nhỏ Diệp thật thà lặp lại:
- Vậy thì em không biết!
Nào ngờ nó vừa "thành khẩn" thú nhận đã bị Quý ròm quạt cho một tràng:
- Không biết cái đầu mày! Muốn tìm vận tốc mà không biết phải làm sao thì còn học với hành cái quái gì nữa! Ở nhà đi lượm bao ni-lông quách!
Thái độ của ông anh làm nhỏ Diệp tức muốn ứa nước mắt.
Trước đây Quý ròm đã từng thề sống thề chết là sẽ không bao giờ áp dụng "phương pháp quát tháo" trong khi dạy nhỏ em học nữa, thậm chí còn nói "nếu anh còn nói nặng em một tiếng, anh sẽ tôn em lên làm chị còn anh tụt xuống làm em ngay" nhưng rốt cuộc Quý ròm chỉ giữ lời được có ba bữa. Từ bữa thứ tư trở đi, Quý ròm chứng nào vẫn tật nấy. Hễ bắt đầu giảng bài cho nhỏ Diệp là miệng mồm nó lập tức bốc khói. Cái tật đó lớn đến mức vừa mới vài phút trước đây thôi, nó cảm kích về thái độ và tình cảm của nhỏ Diệp dành cho nhà thơ Bình Minh không để đâu cho hết, vậy mà bây giờ nó đã vội vàng "lấy oán trả ơn" một cách tỉnh khô.
- Đừng có nhè ra đấy! - Quý ròm liếc gương mặt đang chảy dài của nhỏ em - Tao mắng mày không oan chút nào đâu! Học trò lớp năm mà không biết muốn tìm vận tốc phải lấy quãng đường chia thời gian thì bảo ai mà không nổi quạu cho được!
- Ơ! - Quý ròm vừa nói dứt câu, nhỏ Diệp chợt ngẩng lên - Cái đó thì em biết!
- Mày bảo mày biết cái gì cơ?
Mắt nhỏ Diệp sáng trưng:
- Thì biết cái chuyện muốn tìm vận tốc phải lấy quãng đường chia cho thời gian ấy!
Quý ròm nhướn mày:
- Sao lúc nãy tao hỏi mày lại bảo là không biết?
- Khi nãy em tưởng anh bảo em tính vận tốc của người đi bộ và người đi xe đạp trong bài kia kìa!
- Thì ra vậy! - Quý ròm gục gặc đầu - Nhưng tính vận tốc của người đi bộ và người đi xe đạp cũng áp dụng công thức đó thôi!
Nói xong, Quý ròm đưa cuốn tập lại cho nhỏ Diệp rồi "e hèm" một tiếng, thủng thẳng nói:
- Mày nhìn vào đề toán và suy nghĩ cho kỹ trước khi trả lời những câu hỏi của tao nghe chưa?
Chờ cho nhỏ Diệp chuẩn bị tinh thần đâu đó xong xuôi, Quý ròm bắt đầu hắng giọng:
- Câu thứ nhất: Người đi xe đạp chở người đi bộ tới đích trong thời gian bao lâu?
- Trong 1 giờ 20 phút! - Câu hỏi quá dễ, nhỏ Diệp đáp ngay.
Quý ròm gật đầu khen:
- Giỏi! Câu thứ hai: Vận tốc người đi xe đạp gấp mấy lần vận tốc người đi bộ?
Cũng như lần trước, nhỏ Diệp đáp nhanh như máy:
- Gấp ba lần!
Quý ròm lại gật đầu:
- Giỏi! Câu thứ ba: Thế nếu không gặp người đi xe đạp thì người đi bộ phải vượt qua quãng đường đó trong mấy giờ?
- Làm sao em biết được?
Cái câu nói "bi quan" muôn thuở của nhỏ Diệp làm Quý ròm nổi khùng:
- Mày lúc nào cũng "không biết, không biết"! Chứ cái đầu đang nằm trên cổ kia, mày để dành làm gì mà không chịu đem ra suy nghĩ?
Lần này bị ông anh nói nặng nhưng nhỏ Diệp không thấy ấm ức lắm. Đang phấn khởi vì đã đáp trúng hai câu hỏi đầu tiên, nó loay hoay tìm cách giải đáp câu hỏi thứ ba. À, phải rồi, vận tốc người đi xe đạp nhanh gấp ba lần vận tốc người đi bộ có nghĩa người đi bộ phải vượt qua quãng đường đó lâu hơn gấp ba lần so với lúc ngồi trên xe.
- Em nghĩ ra rồi! - Nhỏ Diệp hớn hở - Nếu không được bạn chở đi, người đi bộ phải vượt qua quãng đường đó trong 4 giờ!
- Giỏi! Giỏi! - Quý ròm nhịp nhịp tay xuống bàn - Mày giỏi gần bằng... một phần mười tao rồi đấy!
Không để ý đến giọng huênh hoang đùa bỡn của ông anh, nhỏ Diệp nôn nao hỏi:
- Thế câu hỏi thứ tư là gì? Đã gần ra đáp số chưa?
- Yên chí! Sắp ra đáp số rồi! Câu thứ tư: Vậy người đi bộ rốt cuộc đã vượt qua quãng đường AB trong bao nhiêu lâu?
Nhỏ Diệp lắc mái tóc:
- Tính luôn 1 giờ đầu tiên nữa là 5 giờ!
Lần này Quý ròm không gật gù "Giỏi! Giỏi!" nữa mà nheo mắt:
- Thế tới đây mày đã có thể tính ra vận tốc của người đi bộ chưa?
Mặt nhỏ Diệp tươi roi rói:
- Rồi! Lấy quãng đường 20 km chia cho thời gian 5 giờ!
- Và một khi đã tính được vận tốc của người đi bộ thì...
Lần này ông anh chưa kịp nói hết câu, nhỏ Diệp đã hí hửng reo lên:
- Thì có thể tính được vận tốc của người đi xe đạp!
- Thấy chưa! - Quý ròm thở phào - Bài toán này có khó quái gì đâu!
Nhỏ Diệp vui vẻ:
- Ừ, chả khó gì cả!
- Thế mà lúc đầu mày la khó! - Quý ròm trách.
Nhỏ Diệp nhe răng cười:
- Lúc nãy em tưởng thế! Bây giờ mới biết là không phải!
Quý ròm liếc cuốn tập trên tay nhỏ em:
- Thế bây giờ mày đã có thể giải được những bài toán còn lại chưa?
- Chưa!
Câu trả lời tỉnh rụi của nhỏ Diệp khiến Quý ròm giương mắt ếch:
- Sao lại chưa? Mày đã biết những bài toán này không phải là những bài toán khó rồi kia mà?
Nhỏ Diệp hồn nhiên:
- Chỉ khi nào anh đặt câu hỏi cho em trả lời như vừa rồi thì những bài toán mới trở thành dễ! Còn để tự em làm thì bài nào cũng khó! - Trời ơi là trời! Diệp ơi là Diệp! - Quý ròm vò đầu - Chẳng lẽ tao phải đi tò tò theo mày suốt đời để luôn mồm đặt câu hỏi cho mày trả lời hay sao?
Giọng điệu của Quý ròm đã bắt đầu lộ vẻ nóng nảy. Nhỏ Diệp cuối nhìn xuống đất:
- Nhưng những bài toán về vận tốc với thời gian này rất rắc rối! Khi thì cùng vận tốc nhưng khác quãng đường, khi thì cùng thời gian nhưng khác vận tốc, khi thì...
- Thôi, thôi, tao biết rồi! Mày đừng kể lể con cà con kê nữa!
Quý ròm hấp tấp ngắt lời rồi một tay bịt tai một tay xách cặp, nó đứng dậy ba chân bốn cẳng chạy tọt vào phòng học.
Hành động đột ngột của ông anh làm nhỏ Diệp tức muốn bể phổi. Đụng đến thơ thì xanh mặt chối bay chối biến mà đụng đến toán thì làm ra vẻ ta đây oai phong lắm! Hừ, mai mốt mình chả thèm nhờ nữa, mình sẽ nhờ chị Hạnh! Nhỏ Diệp đưa cặp mắt giận dỗi nhìn theo Quý ròm, bụng ấm ức nhủ.
Nhưng đến chiều thì nhỏ Diệp nhận ra mình đã nghĩ oan cho ông anh.
Sau giấc ngủ trưa, nó đang ngồi đằng bàn nặn óc "nghiên cứu" mấy đề toán thì thấy Quý ròm lò dò lại gần. Mặt nó liền xụ xuống một đống.
Quý ròm cười hì hì, hỏi:
- Bộ mày giận tao hả?
Nhỏ Diệp vờ như không nghe, mắt vẫn cắm vô tập.
- Mày ngước lên tao cho mày xem cái này nè! - Quý ròm lại nói.
Nhỏ Diệp vẫn không buồn nhúc nhích.
- Cái này hay lắm! - Quý ròm khụt khịt mũi - Có cái này trong tay, không cần tao phải đặt câu hỏi, mày vẫn thừa sức giải mấy bài toán này như thường!
Câu nói cuối cùng của Quý ròm khiến nhỏ Diệp không làm mặt lạnh được nữa.
Nó tò mò ngước mắt nhìn lên.
Trong tay Quý ròm là một tờ giấy. Nhỏ Diệp liếc những con chữ đang xếp hàng ngay ngắn trong đó, thấy nó giông giống những bài thơ nháp của thi sĩ Bình Minh, liền ngạc nhiên hỏi:
- Thơ hả?
- Thơ nhưng không phải là thơ!
Vừa nói Quý ròm vừa đặt tờ giấy xuống trước mặt nhỏ em.
Nhỏ Diệp cúi đầu nhẩm đọc:
Này cô em ngốc
Muốn tìm vận tốc
Ta lấy quãng đường
Chia với thời gian
Muốn tính thời gian
Cứ lấy quãng đường
Chia cho vận tốc
Nếu như bài tập
Bắt tìm quãng đường
Thì lấy thời gian
Nhân cho vận tốc
Hiểu chưa hả ngốc?
Lần đầu tiên nhỏ Diệp chả thấy tức mình tẹo nào khi bị ông anh mắng "ngốc", lại còn bật cười:
- A, bài thơ hay quá!
Quý ròm phổng mũi. Được "độc giả" khen làm thơ hay, "thi sĩ Bình Minh" mới thấy đây là lần đầu.
Nhỏ Diệp tiếp tục tán dương:
- Những công thức này em cũng biết nhưng có bài thơ của anh thì em dễ nhớ hơn! Thích ghê!
Quý ròm mỉm cười:
- Bài thơ này thật ra chả thích lắm đâu!
Quý ròm làm nhỏ Diệp chưng hửng:
- Bài thơ này mà anh bảo chả thích?
- Ừ! - Quý ròm thản nhiên gật đầu - Tao còn một bài thơ thích hơn nhiều!
Vừa nói Quý ròm vừa cho tay vào túi lôi ra bài thơ thứ hai đặt xuống bàn:
- Chính bài thơ này mới cần cho mày!
Nghe ông anh "quảng cáo", nhỏ Diệp nôn nóng chộp ngay lấy tờ giấy, trố mắt đọc:
- Hai xe chung một quãng đường
Xe Dream tới trước, xe thường tới sau
Vận tốc chậm, thời gian lâu
Xe nhanh nên nó chạy mau là thường
Hai xe vận tốc tương đương
Xe đi lâu ắt quãng đường dài ra
Thời gian nếu chẳng khác xa
Xe đi chậm sẽ tà tà phía sau...
Quý ròm khoanh tay đứng cạnh, mắt dán vào mặt nhỏ em, theo dỏi từng phản ứng.
Nó mừng thầm khi thấy càng đọc "thơ", nét mặt của nhỏ Diệp càng dãn ra, càng tươi lên và cuối cùng khi đặt bài thơ xuống, nhỏ Diệp ngẩn nhìn ông anh, giọng không giấu vẻ thán phục:
- Cực kỳ! Bài thơ này chắc chắn sẽ giúp em rất nhiều!
Rồi như không nén được, nó cảm khái nói:
- Em tưởng anh chỉ giỏi toán không ngờ anh làm thơ cũng hay ra phết!
Lần này, nhỏ Diệp không reo hò cũng không xuýt xoa. Nhưng đối với Quý ròm, lời nhận xét bất ngờ và đầy chân tình của nhỏ em khiến nó nức lòng nức dạ. Nó bèn hồ hởi nói:
- Mai mốt có bài học nào hóc búa, mày đưa tao "phổ thơ" giùm cho!
Chương 10
Trước nay trên thế giới người ta chỉ nói "phổ nhạc". Hai chữ "phổ thơ" từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay nhỏ Diệp mới nghe nói tới lần đầu. Nhưng nó chẳng ngạc nhiên hay thắc mắc. Vừa rồi Quý ròm đã "biểu diễn" cho nó thấy "phổ thơ" lợi hại như thế nào.
Ngay cả Quý ròm, nó cũng không ngờ cái chuyện thơ ca cao sang kia lại có thể áp dụng vào chuyện đời thường một cách suôn sẻ và hữu ích như thế.
Trước đây nó viết các bài "Lớp em", "Nhà em" rồi "Khu vườn của em" chỉ toàn chuốc lấy thất bại. Không ngờ đến khi nó vận dụng những hiểu biết về vần luật để "sáng tác" bài "Dạy toán cho em" thì lại thành công rực rỡ, được nhỏ Diệp ngưỡng mộ ra mặt.
Dĩ nhiên Quý ròm thừa biết hai bài thơ "Này cô em ngốc - Muốn tìm vận tốc..." và "Hai xe chung một quãng đường..." mà "cô em ngốc" khen lấy khen để kia không phải là thơ ca đúng nghĩa. Tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ từng bảo thơ phải có tình, cố hồn, phải bộc lộ được tình cảm. Trong khi những bài thơ toán học của Quý ròm chẳng có tình lẫn hồn, cũng chẳng bộc lộ được tí ti tình cảm, chỉ bộc lộ... năng khiếu toán của tác giả mà thôi. Chúng khác xa với bài "Dép là - Làn da - Bên ngoài - Cơ thể - Dép là - Chiếc ghế - Của năm - Ngón chân..." của thi sĩ mầm non Lan Kiều. Thơ của Lan Kiều mới thực là thơ! Quý ròm lặng lẽ nhủ bụng. Nhưng Quý ròm không buồn. Từ lâu rồi, nó nhận ra chính Lan Kiều, chứ không phải nó, mới là đứa có khiếu làm thơ thực sự. Vì vậy, cũng từ lâu rồi, nó đã từ bỏ ý định trở thành thi sĩ. Nó không muốn hao phí thời gian và tâm sức để cố trở thành một thứ mà nó không thể. Sự gắng gượng chắc chắn chẳng đem lại gì ngoài sự thất bại ê chề.
Quý ròm là đứa thông minh. Người thông minh đôi lúc vẫn có thể phạm sai lầm, nhưng người thông minh khác người kém thông minh ở chỗ kịp thời nhận ra sai lầm của mình và nhanh chóng tìm cách sửa chữa nó.
Quý ròm sửa chữa sai lầm bằng cách không thèm làm thơ con cóc gửi đăng báo nữa. Bây giờ nó chỉ vận dụng những mẹo luật học được trong thời gian phấn đấu trở thành nhà thơ Bình Minh để "sáng tác" những bài vần vèo giúp em mình học toán.
Làm thơ cực dở nhưng khi "phổ thơ", thi sĩ Bình Minh tỏ ra là một tay tài hoa đặc biệt.
Nhỏ Diệp tất nhiên rất tin tưởng vào năng khiếu "ích nước lợi dân" này của anh mình. Khi học bài gặp những công thức nào khó nhớ, nó đều ghi ra giấy nhờ Quý ròm "phổ thơ".
Tiểu Long và nhỏ Hạnh hoàn toàn không hay biết thi sĩ Bình Minh đã chuyển nghề.
Vì vậy một hôm tới chơi, mới đặt chân qua cửa đã nghe nhỏ Diệp ngồi bên bàn ngoác miệng tụng ra rả:
- Muốn tìm diện tích hình thang
Đáy trên đáy dưới ta mang cộng vào
Rồi đem nhân với chiều cao
Chia hai dứt khoát thế nào cũng ra!
Cả hai đứa bất giác tròn mắt nhìn nhau.
Nhỏ Diệp nhìn ra cửa, phát hiện Tiểu Long và nhỏ Hạnh, liền buông tập xuống, vui vẻ:
- A, anh Tiểu Long, chị Hạnh!
Nhỏ Hạnh bước lại gần nhỏ Diệp, mỉm cười hỏi:
- Em đang học bài gì thế?
- Em học toán!
Tiểu Long cười khì:
- Toán gì lại có "dứt khoát" với "quyết tâm" lạ thế?
Nhỏ Diệp khịt mũi:
- Anh Quý bảo phải thêm hai chữ "dứt khoát" vào cho câu thơ đủ tám chữ, nếu không...
Đang nói, sực nhận ra mình lỡ lời, nhỏ Diệp liền im bặt.
Nhưng đã trễ, nhỏ Hạnh nheo mắt hỏi ngay:
- Ủa, thế ra bài thơ diện tích hình thang này do anh Quý em viết đấy?
Nhỏ Diệp đang đắn đo không biết có nên gật đầu hay không thì Tiểu Long đã gật gù:
- Chà, chà, thằng Quý ròm này còn có nghề làm thơ dạy toán mà lại giấu tụi mình! Tôi phải đi tìm nó hỏi cho ra lẽ mới được!
Nói xong, Tiểu Long quay mình tính tiến về phía phòng học của Quý ròm.
Hành động của Tiểu Long làm nhỏ Diệp xanh mặt. Nó gọi giật:
- Gượm đã, anh Tiểu Long!
- Gì thế?
Nhỏ Diệp ấp úng:
- Lát nữa gặp anh Quý, anh và chị Hạnh đừng hỏi gì về chuyện bài thơ diện tích hình thang này nhé!
Trước yêu cầu của nhỏ Diệp, không chỉ Tiểu Long mà cả nhỏ Hạnh cũng cảm thấy lạ lùng.
- Em sợ chuyện gì thế? - Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, tò mò hỏi.
Nhỏ Diệp chớp chớp mắt:
- Em chả sợ chuyện gì cả!
Nhỏ Hạnh càng thắc mắc:
- Nếu vậy tại sao em lại muốn chị và anh Long đừng hỏi?
Câu hỏi vặn của nhỏ Hạnh làm nhỏ Diệp phân vân quá thể! Bởi cái lý do khiến nó ngăn cản Tiểu Long và nhỏ Hạnh là một lý do vô cùng khó nói. Anh Quý nó dù muốn hay không cũng đã là nhà thơ Bình Minh và chính vì thế mà anh nó đã phải cắn răng chịu đựng bao trò trêu chọc. Nó từng nhìn thấy vẻ rầu rĩ đau khổ trong ánh mắt của Quý ròm khi anh nó thuật lại cho nó nghe những màn đùa dai của tụi "tứ quậy" trên lớp. Vì vậy, nó không muốn bây giờ Tiểu Long và nhỏ Hạnh nhắc đến chuyện thơ ca trước mặt Quý ròm, sợ sẽ khơi dậy "vết thương lòng" của anh nó.
Nhưng nếu nói huỵch tẹt cho Tiểu Long và nhỏ Hạnh biết những ý nghĩ của mình, nhỏ Diệp buộc phải tiết lộ bí mật của Quý ròm, điều mà nó không muốn. Mặc dù ngay tối hôm đó nó đã tìm cách nhét những bài thơ nháp của Quý ròm vào lại trong cuốn sách nhưng nó tin rằng với những chứng cớ cụ thể nó đã phát hiện, nó là người duy nhất trên trái đất này biết đích xác nhà thơ Bình Minh tội nghiệp kia là ai. Và vì thương anh nó, nó muốn mãi mãi chôn giấu bí mật đó tận đáy lòng.
Nhưng đó là ý định của nhỏ Diệp trước đây kia. Còn lúc này nhỏ Hạnh và Tiểu Long cứ dán mắt chằm chặp vào nó vẻ dò hỏi thì nó biết rằng mình khó mà không khai ra "lý lịch" của thi sĩ Bình Minh.
Tất nhiên, nhỏ Diệp không chịu đầu hàng ngay. Nó tìm cách chối quanh:
- Em sợ anh Quý mắng em!
- Mắng chuyện gì? - Nhỏ Hạnh không hiểu.
- Thì mắng chuyện để lộ bài thơ này đó! - Nhỏ Diệp tiếp tục dóc tổ.
- Chuyện đó có gì phải mắng! - Tiểu Long bĩu môi "xì" một tiếng - Anh Quý mày làm như bài thơ hình thang này là bí mật quốc gia không bằng!
Nhỏ Diệp cắn môi:
- Nhưng anh Quý em không muốn mọi người biết ảnh làm thơ!
- Trời đất! - Nghe nhỏ Diệp nói vậy, Tiểu Long ôm bụng cười bò - Cả thế giới đều biết nó là thi sĩ Bình Minh "mật mong ngóng ai - mà mật ngọt ghê", còn giấu giấu giếm giếm gì nữa!
Trong một thoáng, nhỏ Diệp nghe tai mình ù đi! Nó tưởng trên trái đất bao la này chỉ có mình nó biết được gốc gác của nhà thơ Bình Minh, hóa ra thiên hạ đều biết tỏng!
Nó nhìn Tiểu Long, thẫn thờ hỏi lại:
- Anh nói thật đấy hả?
Tiểu Long nhún vai:
- Tao nói dóc với mày làm chi! Nếu không biết tao đã chẳng nói câu vừa rồi!
Thôi thế là khốn khổ cho anh Quý rồi! Nếu mọi người biết Bình Minh là ảnh! Ẳnh sẽ bị trêu tối mày tối mặt! Ẳnh sẽ bị tụi "tứ quậy" quậy cho hết đất sống! Càng nghĩ nhỏ Diệp càng lo lắng. Bất giác nó buột miệng:
- Chết rồi!
Nhỏ Hạnh ngạc nhiên:
- Em bảo cái gì chết rồi?
Giọng nhỏ Diệp vẫn xụi lơ:
- Em bảo anh Quý chết rồi! - Chợt nhận ra mình vừa nói câu xúi quẩy, nó vội vàng chữa lại - Ý em muốn nói nếu biết anh Quý là Bình Minh, bạn bè trong lớp sẽ tha hồ chọc ghẹo ảnh, nhất là tụi "tứ quậy"! Tụi này chắc chắn sẽ không để cho ảnh yên!
Mắt Tiểu Long tròn xoe:
- Sao mày biết tụi "tứ quậy"?
- Em nghe anh Quý kể!
Đến đây nhỏ Hạnh đã lờ mờ hiểu ra tâm sự của em gái bạn mình. Nó đặt tay lên vai nhỏ Diệp, dịu dàng nói:
- Em yên tâm! Khi nãy anh Long nói đùa đấy! Trong lớp chỉ có bọn chị biết anh Quý em là Bình Minh thôi!
Nhỏ Diệp tưởng mình nghe nhầm:
- Chỉ có chị và anh Tiểu Long biết thôi?
- Ừ.
- Những người khác không biết?
- Không ai biết!
Nhỏ Diệp nín thở:
- Cả tụi "tứ quậy" gì đó cũng không?
- Tụi đó lại càng không!
Nhỏ Diệp thở phào. Nhưng cặp lông mày nó chợt nhíu ngay lại:
- Thế sao chị và anh Tiểu Long lại biết?
- Đó là chuyện khác! - Nhỏ Hạnh mỉm cười - Anh Long, anh Quý em và chị chơi thân với nhau, người này ắt phải đoán ra người kia đang làm gì chứ! Thế còn em, sao em lại biết Bình Minh là bút hiệu của anh Quý?
Tiểu Long khịt mũi:
- Chắc là Quý ròm láu táu để hở ra!
- Không phải đâu! - Nhỏ Diệp lắc đầu - Anh Quý em giữ kín chuyện này lắm! Em biết được là do tình cờ tìm thấy bản nháp của mấy bài thơ!
- Thì ra vậy! - Tiểu Long gục gặc đầu, rồi nó nheo nheo mắt nhìn nhỏ Diệp - Và thế là mày bị ông anh quạt cho một trận nên thân đến giờ vẫn còn hãi?
- Anh đoán sai bét bè be rồi!- Nhỏ Diệp bắt đầu lấy lại vẻ lém lỉnh - Anh Quý không hề phát giác ra điều đó! Đến giờ ảnh vẫn chưa biết em đã biết ảnh là ai!
- Chà, chà, khó hiểu thật! - Tiểu Long "e hèm" một tiếng - Nếu ông anh mày không tự nhận mình là nhà thơ tại sao lại làm bài thơ diện tích hình thang này cho mày học!
- Đấy là do em nhờ ảnh giảng toán! - Nhỏ Diệp giải thích - Ẳnh không giảng, chỉ làm mấy bài thơ này đưa em!
- Ôi, tới mấy bài thơ kia đấy? - Nhỏ Hạnh kêu lên - Đâu? Em lấy ra đưa chị xem thử nào!
Đón lấy mấy bài thơ nhỏ Diệp đưa, nhỏ Hạnh cắm cúi đọc. Tiểu Long cũng nhướn cổ cò xem ké.
- Chà, hay thật! - Nhỏ Hạnh vừa đọc vừa xuýt xoa - Chị phải chép mấy bài thơ này về cho thằng Tùng học!
Nhỏ Diệp ngạc nhiên:
- Tùng mới học lớp bốn kia mà!
- Thì chị để dành! Khi nào Tùng lên lớp năm, chị sẽ tặng mấy "cẩm nang" này cho nó!
Nghe nhỏ Hạnh nói vậy, Tiểu Long vội hùa theo như sợ mất phần:
- Nhỏ Oanh của tôi đang học lớp năm chung với nhỏ Diệp, tôi phải chép ngay về cho nó!
Nhỏ Diệp cười khúc khích:
- Khỏi! Em đã chép cho bạn Oanh một bản rồi!
Đang cười, đột nhiên nhỏ Diệp bỗng nghiêm nghị hỏi:
- Thế anh Quý đã biết anh Long và chị Hạnh khám phá ra ảnh là nhà thơ Bình Minh chưa?
- Tất nhiên là chưa!
Nhỏ Hạnh nói vừa dứt câu, tiếng Quý ròm thình lình thốt lên từ phía sau lưng:
- Ai bảo là chưa?
Sự xuất hiện đột ngột của Quý ròm khiến cả ba đều giật thót và đồng loạt quay lại.
Quý ròm đứng cạnh chiếc tủ búyp-phê tự bao giờ và đang nhe răng cười hì hì.
- Quý đứng đây lâu chưa? - Nhỏ Hạnh hỏi, giọng ngỡ ngàng.
- Lâu rồi!
Câu trả lời của Quý ròm làm nhỏ Hạnh, Tiểu Long và nhỏ Diệp nóng bừng mặt. Hóa ra Quý ròm đã nghe thấy tất tần tật câu chuyện nãy giờ giữa ba đứa. Tất nhiên chẳng ai nói xấu gì Quý ròm nhưng dù sao bị bắt quả tang đang nói lén sau lưng người khác vẫn là một tình huống vô cùng tệ hại.
Cuối cùng, nhỏ Hạnh lên tiếng phá tan bầu không khí ngượng ngập:
- Quý biết bọn này phát hiện ra Quý là nhà thơ Bình Minh tự bao giờ thế?
Quý ròm hấp háy mắt:
- Từ hôm Hạnh bảo Tiểu Long "Làm thơ nhiều chữ mới khó chứ nếu cứ viết hai chữ rồi xuống hàng như bài "Lớp em" thì cả khối người làm được, đâu nhất thiết phải là Quý!" thì tôi đã nghi Hạnh biết rồi! Đến hôm Hạnh và Tiểu Long cãi nhau chí chóe với tụi thằng Dưỡng ở căng-tin để bênh vực một cách vô lối cho nhà thơ Bình Minh thì tôi không còn nghi ngờ nữa, mà biết chắc! Hì hì!
- Đừng vội "hì hì"! - Nhỏ Hạnh mỉm cười nháy mắt với nhỏ Diệp - Quý thông minh thì thông minh thật, nhưng Quý chỉ đoán ra Hạnh và Tiểu Long thôi, chứ Quý đâu có biết nhỏ Diệp cũng đã khám phá ra bí mật của Quý!
- Hạnh muốn nói con nhỏ tinh quái ưa sục sạo này hả? - Quý ròm đánh mắt sang nhỏ Diệp và hừ mũi một cái khiến nhỏ Diệp rúm người lại - Hừ, nó đâu có qua mắt ông anh nó được! Cách đây mấy hôm, tôi lục tìm mấy bài thơ nháp, thấy chúng vẫn nằm trong sách nhưng kẹp sai số trang, tôi đã biết ngay ai là thủ phạm rồi! Chỉ có điều tôi không thèm hỏi tội nó thôi!
Quý ròm nói tới đâu, nhỏ Diệp giật mình tới đó. Không những giật mình, nó còn lo nữa. Trước nay, Quý ròm không buồn hỏi tội nó nhưng hôm nay mọi chuyện bỗng nhiên vỡ lở, chắc chắn ông anh nó sẽ không tha cho nó.
Nhưng khi Quý ròm nói tiếp tiếp thì nhỏ Diệp mới biết là mình lo lắng hão. Quý ròm nói:
- Thực ra, từ khi báo Khăn Quàng Đỏ nhận xét thẳng thắn thơ của Bình Minh, tôi đã biết là mình làm chuyện dại dột rồi! Tôi có giấu cũng chỉ muốn giấu tụi thằng Lâm thôi! Chứ Hạnh, Tiểu Long và nhỏ Diệp biết thì đâu có sao! Mọi người đâu có nỡ trêu chọc tôi phải không?
- Không những không trêu chọc mà còn phục tài bạn nữa! - Nhỏ Hạnh cười nói - Đối với bọn này, trước sau bạn vẫn là một nhà thơ! Những bài thơ về toán học của bạn khiến tụi này phục sát đất!
Lời khen ngợi của nhỏ Hạnh làm Quý ròm thoáng đỏ mặt:
- Thôi đi! Hạnh đừng có chọc quê tôi!
- Hạnh không chọc quê Quý đâu! - Nhỏ Hạnh nghiêm trang - Hạnh còn định mượn nhỏ Diệp mấy bài thơ để chép về cho thằng Tùng học nữa đó!
Tiểu Long hoan hỉ phụ họa:
- Tao cũng vậy! Tao định chép cho nhỏ Oanh nhưng em mày đã chép cho nó rồi!
Sự ngưỡng một bất ngờ của hai "độc giả" đáng yêu này làm Quý ròm cảm động và sung sướng quá xá. Nhưng Quý ròm bây giờ không giống Quý ròm mấy hôm trước nữa. Nó vẫn đủ sáng suốt để bình tĩnh thừa nhận:
- Thơ gì mấy bài này! Đây chỉ là cách công thức toán được soạn theo vần điệu để dễ nhớ thôi!
- Không! - Tiểu Long khăng khăng - Dù sao chúng vẫn là thơ! Trong mắt tao, mày dứt khoát là thi sĩ không sai!
Lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của Tiểu Long làm Quý ròm phì cười:
- Thi sĩ cái khỉ mốc! Thi sĩ hạng ruồi thì có!
Sự ví von của Quý ròm tức cười quá xá.
Nhưng ba đứa trẻ không phải cười cùng lúc. Tiểu Long cười trước. Sau đó tới nhỏ Hạnh. Cuối cùng nhỏ Diệp che miệng cười theo. Trong ba đứa, nếu ai chịu khó lắng tai nghe kỹ như tác giả, sẽ thấy giọng cười của nhỏ Diệp xem ra sảng khoái nhất. Nó không còn sợ anh nó hỏi tội. Nó cũng không còn sợ anh nó khổ tâm và buồn tủi về thất bại trong "sự nghiệp văn chương" như trước nay nó vẫn hình dung nữa.
Nguồn: diendan.game.go.vn