Chương 5
Quý ròm hỏi nhỏ Hạnh:
- Hôm qua hạnh ở lại làm gì thế? Nhỏ Hạnh mỉm cười:
- Tổ 2 và tổ 5 mời ban cán sự lớp ở lại bàn bạc. Quý ròm trố mắt:
- Về hoạt cảnh văn nghệ ấy ư?
- Ừ.
- Lạ thật! - Quý ròm nhíu mày - Sao lại phải có ý kiếm của ban cán sự lớp trong chuyện này kìa?
Biết Quý ròm có nghĩ đến sói trán cũng không ra, nhỏ Hạnh liền nhanh nhẹn giải đáp bằng cách thuật lại cuộc tranh luận chiều hôm qua cho bạn nghe.
- Hay đấy! - Nghe xong, Quý ròm gật gù. Nhỏ Hạnh không hiểu:
- Quý bảo cái gì hay?
- Tôi bảo Hạnh và Xuyến Chi hay!
- Hay chuyện gì?
- Làm bộ hoài! - Quý ròm nheo nheo mắt - Thì về chuyện hai bạn mạnh dạn bênh vực cho hoạt cảnh của tụi thằng Lâm chứ chuyện gì!
Nhỏ Hạnh khịt mũi:
- Quý cũng cho rằng hoạt cảnh này không có gì "phạm thượng" hả?
- Tôi chả thấy có gì gọi là "phạm thượng"! - Quý ròm nhún vai - Tôi tin rằng khi xem hoạt cảnh này, các thầy cô sẽ rất thích thú.
- Quý nói vậy thì Hạnh yên tâm rồi! - Nhỏ Hạnh thở dài - Thực ra, Hạnh vẫn cảm thấy chưa thực sự tự tin lắm. Thậm chí, có lúc Hạnh còn định xin ý kiến cô Trinh.
- Nếu muốn khỏi băn khoăn thì Hạnh cứ đi gặp cô Trinh. Nhỏ Hạnh lắc đầu:
- Nhưng Hạnh lại không muốn cô biết trước mọi chuyện. Hạnh muốn dành cho cô sự bất ngờ.
- Hạnh lộn xộn quá! - Quý ròm nhăn mặt - Lúc thì muốn gặp cô lúc lại không muốn gặp! Nhỏ Hạnh nhoẻn miệng cười:
- Bây giờ thì Hạnh không muốn gặp nữa. Nhưng như vậy, ban cán sự lớp phải bám sát tổ 2 và tổ 5 trong khi dàn dựng. Thế còn Quý?
Câu hỏi đột ngột của cô bạn khiến Quý ròm ngẩn tò te.
- Tôi đâu có định đi gặp cô Trinh!
- Vô duyên! Ai hỏi chuyện đó hồi nào! - Nhỏ Hạnh cười khúc khích - Hạnh hỏi là hỏi bài thơ của "thi sĩ Bình Minh" kia! "Thi sĩ" đã làm xong bài thơ để đọc trước lớp chưa?
- Chưa! - Quý ròm vò đầu - Mới được có hai câu à!
- Quý nói gì! - Tới phiên nhỏ Hạnh sửng sốt - Quý mới làm được có hai câu thôi sao?
- Ừ.
Nhỏ Hạnh há hốc miệng:
- Bây giờ mà mới có hai câu thế đến chừng nào mới làm xong?
- Hạnh yên tâm đi! - Quý ròm huơ tay - Tuy chỉ mới có hai câu nhưng đã là phân nửa bài thơ rồi đấy!
- Nghĩa là sao? Quý ròm cười hì hì:
- Nghĩa là bài thơ của kẻ hèn này chỉ có bốn câu thôi chứ sao!
- Trời đất! - Nhỏ Hạnh kêu lên - Thơ gì mà ngắn ngủn vậy?
- Hạnh chả biết gì mà cũng nói! - Quý ròm hừ mũi - Thơ hay đâu kể ngắn dài! Bốn câu của tôi là bốn câu đầy ý nghĩa, bốn câu chất lượng như vàng... bốn số 9 cơ đấy!
Nghe Quý ròm quảng cáo thơ y hệt người ta quảng cáo bia Tiger trên ti-vi, nhỏ Hạnh đâm tò mò:
- Thế Quý có thể đọc cho Hạnh nghe hai câu Quý đã sáng tác được không?
- Không được! - Quý ròm nghiêm nghị - Khi nào làm xong cả bốn câu, tôi mới đọc cho Hạnh nghe được!
Rồi làm ra vẻ bí mật, Quý ròm thấp giọng nói thêm:
- Tôi chỉ có thể tiết lộ một điều thôi.
- Điều gì?
- Trong câu thơ đầu tiên có tên Hạnh đấy!
- Có tên Hạnh? - Nhỏ Hạnh trò xoe mắt.
- Ừ
Nhỏ Hạnh nhăn mặt:
- Quý đưa tên Hạnh vào thơ làm gì thế?
- Rồi Hạnh sẽ biết!
- Thôi, thôi, Hạnh không chịu đâu! Quý rút tên Hạnh ra đi!
Quý ròm vỗ ngực:
- Không chịu cũng phải chịu! Tên Hạnh hay như thế, nếu rút ra bài thơ sẽ dở ẹc liền! Rồi nó nhe răng cười hề hề:
- Nếu Hạnh muốn "trả thù" thì Hạnh làm một bài thơ khác rồi đưa tên tôi vào!
Nhỏ Hạnh bĩu môi:
- Xì! Ai mà thèm đưa tên Quý vào thơ! Cái tên gì nghe xấu hoắc!
Tiểu Long lo lắng không thua gì nhỏ Hạnh. Tổ 4 của nó chỉ có mỗi tiết mục của Quý ròm. Vì vậy, sắp tới buổi liên hoan văn nghệ, nó cứ đi theo gạ Quý ròm:
- Mày đọc tao nghe bài thơ của mày thử xem!
- Tao làm chưa xong!
Tiểu Long liếm môi:
- Chưa xong cũng được! Tao chỉ nghe khúc đầu thôi! Quý ròm thở hắt ra:
- Khúc đầu chả có gì hay! - Đang nói, mắt Quý ròm bỗng sáng lên - À, chỉ có một điều độc đáo thôi!
- Điều gì vậy?
- Có tên của mày trong câu thơ của tao.
- Tên tao?
- Ừ.
Tiểu Long ngơ ngác:
- Mày đưa tên tao vào thơ chi vậy?
- Rồi mày sẽ biết! - Quý ròm lặp lại câu trả lời bữa trước với nhỏ Hạnh. Tiểu Long ngẫm nghĩ một hồi rồi reo lên:
- A, tao biết rồi! Mày đưa tên tao vào để khen tao phải không? Quý ròm chìa cùi chỏ:
- Khen cái mốc xì! Tiểu Long chột dạ:
- Chứ chẳng lẽ đưa vào để chê? Quý ròm khịt mũi:
- Chả khen chê gì sất! Tao thích cái tên mày, thế là tao đưa vào thôi!
Tiểu Long liếm môi:
- Thế ngoài tao ra, mày còn đưa tên ai vào nữa?
- Nhiều lắm! Đứa nào tao thích, tao đều đưa vào tất!
- À, phải rồi! - Tiểu Long gật gù - Bài thơ của mày là bài thơ viết về lớp mình mà lại!
- Đúng vậy!
Thấy Quý ròm xác nhận sự phỏng đoán của mình, Tiểu Long càng hăng hái:
- Thế ra đây là bài Lớp em 2 đấy? Quý ròm giật thót:
- Lớp em 2 là sao?
Tiểu Long tỏ vẻ hiểu biết:
- Thì bài thơ "Lớp em ca hát thật là hay ho... là bài Lớp em 1, còn bài thơ này là Lớp em 2!
Mày làm tới hai bài thơ về "lớp em" lận mà!
- „Một, hai" cái đầu mày! - Quý ròm gầm gừ - Bài thơ này chẳng liên quan gì đến bài thơ
hồi trước cả, mày đừng co xâu vào!
Thấy mình nhắc nhỏ chuyện quá khứ để ca ngợi "sự nghiệp văn chương" của bạn mà không hiểu sao mặt bạn lại xụ xuống một đống, Tiểu Long hết dám chứng tỏ mình là người thông minh. Nó nói, giọng ỉu xìu:
- Không xâu thì không xâu!
Không chỉ có nhỏ Hạnh và Tiểu Long "quan tâm" đến bài thơ của Quý ròm. Từ khi cô Trinh tuyên bố sẽ trao phần thưởng cho tiết mục nào xuất sắc nhất, những đứa xưa nay vốn thờ ơ với chuyện văn chương như thằng Cung và hai con nhỏ Kim Em, Hiển Hoa cũng xúm lại gặng hỏi "thi sĩ Bình Minh" chằm chặp:
- Thế Quý có chắc bài thơ của Quý sẽ đem giải thưởng về cho tổ mình không đấy?
- Tôi không biết.
Không thỏa mãn với câu trả lời của thi sĩ, nhỏ Hiển Hoa nhăn nhó:
- Sao lại không biết? Quý phải tự tin lên chứ! Quý ròm bực mình:
- Không tự tin tự tỉn tự tìn gì hết! Tôi làm thơ không phải để đoạt giải! hê:
Sự gắt gỏng đột ngột của Quý ròm khiến nhỏ Hiển Hoa thè lưỡi. Còn thằng Cung thì cười hê
- Cứ làm ra vẻ ta đây! Thế đứa nào hôm trước ra sức giành giật "giải thưởng lớn" với thằng Lâm trong cuộc thi "phổ thơ" các bài học thế?
Bị thằng Cung chơi trò "thọc gậy bánh xe", Quý ròm tức anh ách. Thực ra, trong cuộc thi với thằng Lâm "thi sĩ Hoàng Hôn" bữa trước, ngay từ đầu Quý ròm đã muốn rút lui. Nó chả thích thú gì với chuyện tranh tài này. Nhưng nhỏ Hạnh cứ theo năn nỉ. Nhỏ Hạnh đưa ra đủ thứ lý do. Nào là Quý phải vì lợi ích chung. Nào là Quý phải biết thương bạn bè. Nếu Quý từ chối cuộc thi, "thi sĩ Hoàng Hôn" sẽ rảnh rỗi, sẽ lại đem tài làm thơ ra đặt vè châm chích người khác... Nghe riết, "thi sĩ Bình Minh" bùi tai, bèn chấp nhận sự thách thức, quyết đem tài hèn sức mọn ra thi thố với "thi sĩ Hoàng Hôn".
Quý ròm tham gia cuộc thi với "tình thương bao la" như vậy, và những bài thơ phổ công thức của nó và thằng Lâm sau đó còn giúp cho khối đứa thuộc làu các quy tắc hóc búa của các môn học, vậy mà bây giờ thằng Cung "ăn cháo đá bát" kia nỡ đem chuyện đó ra để giễu cợt, bảo Quý ròm không sôi gan sao được!
Nó nhìn thằng Cung bằng cặp mắt như muốn ăn tươi nuốt sống:
- Ai bảo mày là tao giành giật "giải thưởng lớn" với thằng Lâm? Cóc biết gì mà cũng nói! Cung bĩu môi:
- Xì! Chuyện đó ai chẳng biết! Nhỏ Kim Em can:
- Thôi, chuyện cũ bỏ qua đi! Hai bạn đừng cãi nhau nữa! Nhỏ Hiển Hoa gật đầu hùa theo:
- Kim Em nói đúng đó! Bây giờ tụi mình chỉ bàn về bài thơ sắp tới của Quý thôi!
Đang bực mình, Quý ròm gạt phắt:
- Không có bàn tới bàn lui gì sất! Đợi tới hôm liên hoan, tôi sẽ đọc cho các bạn nghe!
Nói xong, nó quay lưng đi thẳng một mạch, mặc cho ba đứa kia thộn mặt đén trông theo.
Chương 6
Quý ròm quyết tâm giữ bí mật đến cùng. Tụi bạn dò hỏi vài lần mỏi miệng, đâm chán, chẳng thèm tọc mạch nữa.
Ngược với tổ 4, hoạt cảnh về cô ở tổ 2 và tổ 5 được đem ra bàn bạc công khai, mười mấy cái miệng xúm lại cãi nhau chí chóe.
Chỉ riêng việc phân công các vai diễn thôi, cả bọn đã làm ỏm tỏi. Lan Kiều nhất định không chịu đóng vai cô Trinh, Nó từ chối mà mặt nhăn mày nhó:
- Eo ôi, mình không dám giả làm cô chủ nhiệm đâu! Mình sợ lắm! Để bạn Bội Linh đóng đi!
Nhỏ Bội Linh lập tức giãy đùng đùng:
- Thôi, mình cũng không đóng vai cô chủ nhiệm đâu! Mình đóng vai khác cơ!
Hải quắn đổ quạu:
- Mấy bạn không đóng thì ai đóng?
Nhỏ Bội Linh chỉ lên bàn trên:
- Lệ Hằng nè! Mình thấy bạn Lệ Hằng đóng cô Trinh là hợp nhất! Lệ hằng chỉ lên bàn trên nữa:
- Theo mình, chỉ có Quỳnh Như là thích hợp với vai này! Quỳnh Như trang nghiêm, ít nói nhất trong lớp, rất hợp với vai giáo viên chủ nhiệm!
Thấy tụi con gái đùn qua đẩy lại nãy giờ, Quới Lương đã gai mắt. Nay nghe nhỏ Lệ Hằng nhận xét về cô Trinh sai bét, nó liền cong môi "xì" một tiếng rõ to:
- Ai bảo bạn cô Trinh ít nói? Giáo viên chủ nhiệm mà ít nói, lớp học có mà loạn!
Lệ Hằng là đứa xưa nay hiền lành. Ở tổ 2, nó ngồi cạnh hai đắ trong băng "tứ quậy" là Hải quắn và Quốc Ân nhưng chưa lần nào xảy ra tiếng nặng tiếng nhẹ. Nhưng bữa nay, nghe Quới Lương cài khịa, bỗng dưng nó nổi dóa. Nó hừ mũi:
- Nhưng giáo viên chủ nhiệm mà nói nhiều như bạn, lớp học còn loạn hơn!
Bị con nhỏ lù khù này phản kích, Quới Lương mặt mũi đỏ gay. Nó ngoác miệng tính trả đũa
thì tổ trưởng Minh Vương đã cắt ngang.
- Thôi, thôi, các bạn đừng cãi nhau nữa!
Rồi nhìn Quỳnh Như, Minh Vương thấp thỏm hỏi:
- Quỳnh Như thấy thế nào? Bạn có đồng ý đóng vai cô Trinh không?
Trong khi nhỏ Quỳnh Như đang ngần ngừ thì một tiếng nói thình lình phát ra ngay bên cạnh Minh Vương:
- Nếu các bạn ngại thì để Hải Ngọc đóng cho!
Hải Ngọc không phải là con nhỏ nhanh nhẹn, lại chẳng có năng khiếu diễn xuất. Hôm thi hoạt cảnh lịch sử, nó chỉ được giao đóng vai "ba quân dạ dạ", từ đầu đến cuối không nói được một câu, chỉ lót tót đi đằng sau "Lê Lợi" Minh Vương và "Lê Lai" Đỗ Lễ. Vậy mà bây giờ nó xung phong đóng vai cô Trinh, một vai không đứa nào dám nhận, thì quả là chuyện bất ngờ.
Minh Vương quay phắt lại, mắt trố lên:
- Bạn nói thật đấy hở? Hải Ngọc bẽn lẽn:
- Thật.
Lớp trưởng Xuyến Chi ngồi im lặng "dự khán" nãy giờ, phấp phỏng hỏi:
- Thế bạn định đóng vai cô Trinh như thế nào?
Không chỉ Xuyến Chi, cả nhỏ Hạnh, Vành Khuyên lẫn toàn thể tổ viên hai tổ đều dồn mắt vào Hải Ngọc, tò mò xem con nhỏ chậm ăn chậm nói mày trả lời ra sao.
Thấy mọi người nhìn xoáy vào mình, Hải Ngọc đỏ mặt ấp úng:
- Hải Ngọc định... định...
Thấy Hải Ngọc "định, định" cả buổi nhưng rốt cuộc chẳng biết nó "định" gì, Hải quắn sốt ruột:
- Bạn định "câu giờ" cho đến tối chứ gì?
- Không phải! - Hải Ngọc liếm môi - Hải Ngọc định sẽ... ho húng hắng... Đỗ Lễ cười hê hê:
- Tưởng sao! Nếu lên sân khấu đứng ho khan thì ai đóng vai cô Trinh chả được! Chí Mỹ nhún vai:
- Bạn đóng như thế, cô Trinh sẽ khóc thét! Cô sẽ nghĩ bạn đem bệnh tật của cô ra chế giễu!
- Cô sẽ không nghĩ vậy đâu! - Nhỏ Hạnh bênh Hải Ngọc - Cô sức khỏe yếu, lại hết lòng dạy dỗ chúng ta, còn phụ đạo thêm ở nhà nên bệnh ho của cô vẫn chưa dứt! Diễn tả điều đó nhằm nói lên sự tận tụy của cô đối với học trò chứ không phải là giễu cợt!
Được lớp phó học tập lên tiếng ủng hộ, Hải Ngọc thêm tự tin. Nó nói, mắt long lanh:
- Nhưng Hải Ngọc không chỉ... đứng ho khan thôi đâu! Đỗ Lễ lại phá bĩnh:
- Bạn định hắt xì hơi nữa chứ gì!
Minh Vương quay sang tên tổ viên lắm mồm, trừng mắt:
- Mày có thôi đi không! Đây không phải chuyện đùa đâu đấy! Hải quắn nhìn Hải Ngọc:
- Bạn cứ nói tiếp đi, đừng thèm để ý đến thằng "để lỗ"
Đỗ Lễ là thủ môn dự bị cho thằng Tần trong đội bóng lớp 8A4. Nó bắt bóng cũng tạm được nhưng thỉnh thoảng hay để thua những quả lãng xẹt, vì thế tụi bạn hay trêu nó là thằng "để lỗ". Hồi đầu năm, đội bóng 8A4 đụng với đội hạng xoàng trong trường là đội 8A3, gặp lúc thằng Tần về quê ăn giỗ, Đỗ Lễ bắt thay, bị đối phương đá thủng lưới tới năm quả khiến đội nhà bị thua 4-5. Sau lần đó, "thi sĩ Hoàng Hôn" làm tặng Đỗ Lễ hai câu: "Bởi Đỗ Lễ chuyên môn "để lỗ". Mình tốn tiền mua rổ đựng banh" khiến cả lớp được một phen nôn ruột.
Bây giờ Hải quắn lôi cái "biệt danh" đó ra, Đỗ Lễ tức sôi nhưng biết càng đôi co càng bất lợi, nó đành ngậm bồ hòn làm ngọt và dỏng tai chờ nghe con nhỏ Hải Ngọc uống mật gấu này nói tiếp ra sao.
Hải Ngọc nói:
- Hải Ngọc nhớ có một câu cô Trinh hay hỏi chúng ta. Cô hỏi "Con công trang sức bằng bộ lông, còn con người thì trang sức bằng gì hở các em?"
Cả chục cái miệng đua nhau đáp:
- Thưa cô, con người trang sức bằng học vấn ạ!
Thấy tụi bạn đồng loạt hưởng ứng, lại còn "thưa cô" với Hải Ngọc, Đỗ Lễ ngứa tai không thể
tả. Nó nhếch mép cà khịa:
- Giỏi ghê nhỉ! Thế sao lần đầu cô hỏi, các bạn không đối đáp thông minh như thế đi!
Câu "bắt giò" của Đỗ Lễ khiến cả bọn đang hào hứng bỗng khựng lại. Chả là những tuần đầu mới nhập học, lớp 8A4 ồn như một cái chợ, cô Trinh phân công các tổ chấm điểm thi đua lẫn
nhau nhưng chẳng ăn thua gì, mỗi lần vô lớp cô giảng bài đến rát cả cổ mà dường như lũ học trò nhí nhố kia chẳng để vào tai được mấy tí. La hoài không được, một hôm cô hỏi:
- Các em có biết con công trang sức bằng cái gì không? Câu hỏi quá dễ, cả lớp đồng thanh:
- Thưa cô, con công trang sức bằng bộ lông ạ!
- Giỏi lắm! - Cô Trinh gật đầu - Thế còn con người? Con người trang sức bằng cái gì? Lần này thì câu trả lời rất phân tán. Nhỏ Tú Anh nhanh nhẩu nói trước:
- Thưa cô, con người trang sức bằng dây chuyền và vòng vàng ạ! Kim Em bổ sung:
- Bông tai nữa chi!
Bội Linh không chịu thua:
- Trâm cài tóc nữa!
Lệ Hằng, Vành Khuyên, Hiền Hòa, Quỳnh Như cũng thi nhau thêm thắt:
- Nơ nữa!
- Băng-đô nữa!
- Son phấn nữa, cô!
Bọn con trai xem các đồ trang sức kia chỉ là thứ xoàng xĩnh. Thằng Lâm bô bô:
- Thưa cô, đó là cà-vạt, giày da, cổ cồn, khuy cài tay áo, bi-dăng-tin xịt tóc, nón lưỡi trai...
Lâm kê một lô một lốc, cứ như thể nó là chuyên viên quảng cáo cho các dịch vụ trang điểm chú rể.
Đỗ Lễ cười mũi:
- Những cái đó là chuyện vặt! Con người hiện đại phải trang sức bằng xe phân khối lớn và điện thoại di động cơ!
Chờ cho bọn học trò cãi nhau chí chóe và cuối cùng ngồi thở hổn hển sau những cuộc cãi cọ
bất phân thắng bại, cô Trinh mới từ từ nói:
- Tất cả những điều các em liệt kê nãy giờ chỉ là những trang sức bề ngoài. Hình thức đẹp nhưng nội dung trống rỗng, sơ sài thì cũng chẳng giá trị bao lăm. Trang sức đáng quý nhất của con người chính là học vấn các em à!
Nhìn lướt qua những bộ mặt ngẩn ngơ của học trò, cô thong thả nói tiếp:
- Nếu không có học vấn thì trí tuệ kém phong phú, nghĩ suy kém sâu sắc, ứng xử kém khéo léo, và đã như vậy thì dù các em có ăn vận đẹp đẽ đến mấy cũng chẳng khiến người nể phục!
Cả lớp im phăng phắc nghe cô giảng giải. Trước nay, cô răn đe đủ thứ, bọn học trò chả sợ, nhưng bây giờ nghe cô kể ra những tai hại to lớn của việc lười học, khối đứa giật mình thon thót. Chẳng đứa nào muốn "trí tuệ kém mở mang, kiến thức kém phong phú, nghĩ suy kém sâu sắc, ứng xử kém khéo léo" vì vậy đứa nào đứa nấy "kém ồn ào" hơn hẳn thường ngày.
Sau lần đó, lớp học nề nếp, trật tự hơn và tất nhiên là cô Trinh bớt khản giọng hò hét hơn. Kết quả bất ngờ đó khiến cô hài lòng quá đỗi, vifvaayj hôm nào học trò của cô học tập có vẻ lơ là cô lại tủm tỉm hỏi:
- Con công trang sức bằng cái gì hở các em? Tức thì hàng chục cái miệng tranh nhau:
- Thưa cô, con công trang sức bằng bộ lông, còn con người trang sức bằng học vấn ạ!
Cô mới hỏi câu thứ nhất, học trò của cô đã mau mắn trả lời nốt cả câu thứ hai, rõ bép xép còn
hơn tép nhảy! Nhưng cô Trinh chẳng lấy thế làm phật ý. Cô gật đầu:
- Vậy thì khi cô giảng bài các em nên im lặng hay nên ồn ào? Cả lớp lại đồng thanh:
- Dạ, nên im lặng ạ!
Bây giờ nghe nhỏ Hải Ngọc nhắc lại câu nói ưa thích đó của cô, Hải quắn khoái chí vô cùng. Phớt lờ sự phá đám của Đỗ Lễ, nó nhìn Xuyến Chi, cười hỏi:
- Xuyến Chi thấy thế nào?
Dĩ nhiên ban cán sự lớp vui vẻ tán thành ngay đề nghị của Hải Ngọc. Nhỏ Vành Khuyên chỉ dặn:
- Nhưng lúc nói câu đó, ai cười thì cười nhưng bạn Hải Ngọc cấm có được cười đấy nhé? Hải Ngọc chớp mắt:
- Ừ, Hải Ngọc sẽ cố không cười!
Việc phân công diễn viên chỉ khó khăn khi tìm người thủ vai cô chủ nhiệm. Bây giờ Hải Ngọc đã xung phong đứng ra nhận, những vai trò còn lại tương đối ít tranh cãi hơn. Lam Kiều sắm vai cô Kim Anh dạy hóa học, Minh Vương sắm vai thầy Đại dạy giáo dục công dân, Quốc Ân sắm vai thầy Đoàn dạy thể dục, Quỳnh Như làm cô Nga, Lệ Hằng làm cô Hạ Huệ...
Bốn đứa trong ban cán sự lớp ngồi bên cạnh hỏi tới hỏi lui cặn kẽ và nhiệt tình góp ý cho từng vai diễn.
Cuối buổi họp, mọi chuyện coi như xong. Bây giờ chỉ còn chờ khả năng dàn dựng của đạo diễn Hải quắn và tài nghệ diễn xuất của tập thể diễn viên vào ngày quyết định...
Nguồn: hgth.vn