Chương 3
Ngày hôm sau, Văn Châu lại lò dò đi tìm bọn Quý ròm.
- Thế nào hở Hạnh? – Vừa gặp mặt, Văn Châu đã hỏi ngay – Ba của bạn đã bày cho tụi mình cách góp tiền vào các quỹ từ thiện chưa?
- Rồi. Ba Hạnh bảo có thể đem tiền đến nộp tại Ban công tác xã hội của các toà báo. Ở đó người ta tập trung tiền đóng góp của các nhà hảo tâm rồi chuyển đến tận nơi mình muốn giúp đỡ.
- Hay lắm! – Văn Châu hớn hở – Vậy trưa nay tôi đem tờ vé số đi đổi tiền nghe?
- Đừng vội! – Nhỏ Hạnh lật đật ngăn cản – Để Hạnh viết ra một danh sách cụ thể những trường hợp nào cần giúp đỡ đã, sau đó chúng ta còn phải bàn bạc mỗi trường hợp nên giúp bao nhiêu. Xong đâu đấy rồi bạn hãy đi đổi tiền.
Văn Châu gật gù:
- Ờ, phải rồi! Bây giờ mà đổi tiền ra cũng chẳng biết cất ở đâu!
Nhỏ Hạnh là con người nhanh nhẹn. Mới nói buổi sáng, buổi chiều nó đã chìa ra một bản danh sách dài ngoắng.
Tiểu Long, Quý ròm và Văn Châu chụm đầu đọc:
- Làng mồ côi SOS.
- Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu.
- Trại phong Bến Sắn.
- Đồng bào vùng lũ lụt miền Trung.
- … …
Văn Châu ngước mắt lên khỏi tờ giấy, chép miệng:
- Tôi thấy trường hợp nào cũng đáng được giúp đỡ …
Nhỏ Hạnh hắng giọng:
- Bây giờ tụi mình tính xem trường h㰠nào cần giúp bao nhiêu.
Bọn trẻ lập tức bàn tán ỏm tỏi.
Văn Châu chọn giải pháp đơn giản:
- Có tám trường hợp, cứ chia đều ra, mỗi nơi bốn triệu là vừa chẵn ba mươi hai triệu.
- Không được! – Quý ròm phản đối – Tôi thấy đồng bào các vùng bị lũ lụt có nhu cầu khẩn cấp hơn, do đó cần được trợ giúp nhiều hơn.
Tiểu Long khụt khịt mũi:
- Quý ròm nói đúng đấy. Những nơi khác cũng cần giúp đỡ nhưng là chuyện lâu dài. Nếu lần sau còn trúng độc đắc nữa, mình sẽ …
Nhỏ Hạnh tủm tỉm:
- Nếu giải độc đắc mà trúng liền tủ tì như thế thì chẳng mấy chốc bọn mình ai nấy đều thành tỉ phú mất!
Câu nói của nhỏ Hạnh làm Tiểu Long đỏ mặt. Nó bẽn lẽn bào chữa:
- Tôi chỉ nói “nếu” chứ bộ!
Quý ròm cằn nhằn:
- Thôi đừng trêu nhau nữa! Các bạn góp ý xem …
Bọn trẻ lại xúm vào bàn cãi.
Sau một hồi san qua sẻ lại, cả bọn đồng ý tăng khoản đóng góp cho các vụng bị lũ lụt lên thêm một chút.
Chuyện tưởng thế là xong, không ngờ Văn Châu chưa kịp đem tấm vé số đi đổi tiền, ngày hôm sau nhỏ Hạnh đã hớt hơ hớt hải đi tìm nó:
- Khoan đã Văn Châu ơi!
- Có chuyện gì thế?
Nhỏ Hạnh chớp chớp mắt:
- Bản danh sách hôm qua mới chỉ nên những trường hợp chung. Còn những cá nhân gặp hoàn cảnh không may nữa …
Rồi không để Văn Châu hỏi tới, nhỏ Hạnh tuôn ra một hơi:
- Như trường hợp gia đình chú Hà Văn Đậu nè, mẹ bỏ đi chưa về, ba mất sau một tai nạn giao thông, ba đứa con không ai nuôi nấng, mà đứa lớn nhất chỉ mới mười tuổi. Hay trường hợp em Võ Hà, ba mẹ là giáo viên nghèo, em lại mắc khối u ác hiểm không có tiền chữa trị …
Nhỏ Hạnh kể tới đâu, Văn Châu chớp mắt lia lịa tới đó.
Đợi bạn nghỉ lấy hơi, nó liếm môi hỏi:
- Sao bạn biết những chuyện này vậy?
- Hạnh hỏi ba Hạnh. Ba Hạnh còn kể nhiều nhiều nữa, nhưng Hạnh chỉ nhớ chừng đó thôi!
Văn Châu nuốt nước bọt:
- Vậy bạn kê thêm vào bản danh sách của tụi mình đi!
Kế hoạch bổ sung của nhỏ Hạnh khiến Quý ròm bóp muốn móp cả trán:
- Số tiền đóng góp vậy là phải chia nhỏ ra nữa?
Nhỏ Hạnh thở dài:
- Đành vậy chứ sao!
Tiểu Long hiến kế:
- Hay là tôi bớt khoản tiền của tôi lại để chuyển qua cho quỹ từ thiện. Tôi chỉ nhận hai triệu như Hạnh và Quý ròm thôi.
Câu nói của Tiểu Long khiến Văn Châu ngơ ngác:
- Hạnh và Tiểu Long sao lại chỉ có hai triệu? Hôm trước cả bọn đã thống nhất chia mỗi người ba triệu mà.
- Àm ấy là vì Hạnh và Quý mỗi người định chia bớt cho anh em thằng Nở đó mà.
Nhỏ Hạnh bối rối giải thích, mắt len lét nhìn Văn Châu, bụng nơm nớp sợ bạn phật ý.
Nhưng điều nhỏ Hạnh lo lắng đã không xảy ra. Văn Châu không những không phản đối, mà còn gật gù:
- Ừ, anh em thằng Nở quanh năm túng quẫn, chia thêm cho tụi nó là đúng.
Rồi nó vung tay, hùng hồn:
- Cả tôi nữa, tôi cũng chỉ nhận hai triệu như các bạn thôi. Một triệu còn lại tôi sẽ góp vào quỹ từ thiện như bạn Tiểu Long.
Rốt cuộc, bọn trẻ quyết định chỉ giữ lại mười sáu triệu. Trong mười sáu triệu đó, phần anh em thằng Nở đã là tám triệu, còn Văn Châu, Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh mỗi đứa hai triệu.
Nhưng số tiền hai triệu đó cũng chưa chịu đứng yên.
Hôm sau vào lớp, thấy thằng Đặng Đạo mặt mày buồn xo, Tiểu Long ngạc nhiên hỏi:
- Có chuyện gì mà ủ rũ thế hở mày?
Đặng Đạo không hé môi, làm như nó không nghe Tiểu Long hỏi gì.
- Mẹ mày lại chuyển qua quét chợ ban đêm hở? – Tiểu Long tiếp tục dán mắt vào mặt bạn.
- Không! – Lần này thì Đặng Đạo mấp máy môi.
- Thế sao trông mày buồn thế?
- Mẹ tao ốm! – Đặng Đạo thở dài.
- Ốm nặng không?
- Không nặng lắm, nhưng …
- Nhưng sao?
- Nhưng …
Thấy Đặng Đạo ngập ngừng nửa muốn nói nửa muốn không. Tiểu Long khụt khịt mũi:
- Mẹ mày hết tiền mua thuốc hở?
- Ừ.
- Nhiều không?
Đặng Đạo tặc lưỡi:
- Chừng một, hai trăm ngàn.
Suýt chút nữa Tiểu Long đã vọt miệng “Mày đừng lo! Tao sẽ …” nhưng nó tốp lại. Nó sực nhớ cho đến giờ phút này nó vẫn chưa có đồng nào trong tay. Nó không thể hứa vung lên như thế. Tốt nhất là đợi đến khi Văn Châu đem tờ vé số đi đổi, lúc đó nó sẽ giúp mẹ Đặng Đạo tiền mua thuốc.
Nhưng trong lớp không chỉ có Đặng Đạo cần giúp đỡ.
Giờ ra chơi, nhỏ Hạnh bắt gặp Mỹ Linh ngồi thẫn thờ một mình ngoài hiên.
Mỹ Linh ngồi ở dãy bàn bên kia, thuộc tổ 1 của thằng Tần, lại là học sinh mới chuyển đến đầu năm học, nhỏ Hạnh không chơi thân lắm.
Nhưng không chơi thân không có nghĩa là bỏ mặc bạn ngồi lẻ loi buồn bã.
- Mỹ Linh!
Nhỏ Hạnh bước lại gần, khẽ giọng gọi.
- Gì thế Hạnh?
Mỹ Linh đáp, và khi nó ngước lên, nhỏ Hạnh thấy cặp mắt nó hoe hoe đỏ.
Mỹ Linh dường như cũng chợt nhớ ra điều đó nên vừa ngước lên, nó đã vội quay mặt đi chỗ khác.
Nhỏ Hạnh đặt tay lên vai bạn, dịu dàng hỏi:
- Bạn đang có chuyện buồn hở?
Mỹ Linh không đáp, chỉ khẽ gật đầu.
- Bạn buồn chuyện học tập hở?
- Không phải.
- Hay có bạn nào trong lớp chọc bạn?
- Không.
Nhỏ Hạnh chớp mắt:
- Vậy chắc là bạn buồn chuyện gia đình?
Mỹ Linh nín thinh làm nhỏ Hạnh thắc mắc quá. Nó nhíu mày:
- Gia đình bạn có chuyện gì vậy?
- Thực ra cũng chả có chuyện gì! – Mỹ Linh do dự môt lúc rồi ngập ngừng đáp – Chỉ là chuyện chiếc lọ thôi.
Nhỏ Hạnh tròn xoe mắt:
- Chuyện chiếc lọ?
Mỹ Linh gật đầu:
- Ông mình thích sưu tập những chiếc lọ.
Câu trả lời của Mỹ Linh không khác gì câu đánh đố. Nhỏ Hạnh ngơ ngác:
- Thế thì sao?
Mỹ Linh “đánh đố” lần thứ hai:
- Ông mình rất khó tính.
- Rồi sao nữa?
- Cả nhà mình ai cũng sợ ông mình.
Nhỏ Hạnh há hốc miệng:
- Vậy cho nên bạn buồn?
Mỹ Linh lắc đầu:
- Hôm qua trong khi cùng chị giúp việc lau tủ, mình đã đểnh đoảng làm vỡ một chiếc lọ quý của ông.
- Ra vậy! – Nhỏ Hạnh buột miệng “à” lên một tiếng – Thế là bạn bị ông đánh đòn?
Mỹ Linh thở dài:
- Không. Nghe tiếng “xoảng” vang lên, ông bước vào. Nhìn thấy chiếc lọ bị vỡ làm năm, sáu mảnh, mặt ông trông rất kinh hãi. Ông thét lên giận dữ “Đứa nào? Đứa nào đã làm vỡ chiếc lọ?” Lúc đó hồn vía lên mây, mình không dám thú nhận là mình làm vỡ. Ông nhìn xoáy vào mặt mình “Chính cháu làm vỡ phải không?” Không đủ can đảm gật đầu, mình lấm lét nhìn chị giúp việc ra ý cầu cứu. Thấy mình sợ đến rúm người lại, chị giúp việc động lòng bèn nói đỡ cho mình “Không phải Mỹ Linh đâu, chính cháu làm vỡ đấy” …
Nhỏ Hạnh ngạc nhiên:
- Chị giúp việc không sợ ông ư?
Cặp mắt Mỹ Linh rơm rớm:
- Chị ấy còn sợ ông hơn cả mình. Nhưng chị ái ngại cho mình nên liều nhận tội thay mình thôi.
- Sau đó thì sao? – Nhỏ Hạnh hồi hộp – Ông có phạt chị ấy không?
- Không. Nhưng ông bắt chị phải đền chiếc lọ. Cả triệu đồng lận.
Nhỏ Hạnh lo lắng:
- Chị ấy tìm đâu ra khoản tiền lớn như thế?
- Chị ấy bảo chị ấy sẽ làm suốt ba tháng không nhận lương.
Mỹ Linh lại sụt sịt:
- Tất cả cũng do mình thôi. Mình hèn nhát nên đã làm khổ chị ấy.
Câu chuyện của bạn khiến nhỏ Hạnh ngẩn ngơ. Nó trầm ngâm lâu thật lâu vẫn chẳng biết phải khuyên gì. Dù thế nào thì mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi.
- Đã mấy lần mình định thú thật với ông nhưng chị ấy ngăn cản! – Tiếng Mỹ Linh lại thút thít vang lên – Chị ấy bảo nếu mình nói ra sự thật, chị ấy sẽ mắc thêm tội lừa dối ông. Như vậy tội chị sẽ nặng gấp mười.
Nhỏ Hạnh cắn môi:
- Chị ấy vờ nói thế thôi. Chị ấy không muốn bạn bị ông phạt đấy.
- Mình cũng nghĩ vậy! – Mỹ Linh quẹt nước mắt – Nhưng chị ấy hù mình ghê quá. Chị ấy làm mình sợ.
- Chị ấy hù bạn thế nào?
- Chị ấy bảo đức tính quan trọng nhất của một người giúp việc là sự trung thực. Lỡ tay làm vỡ lọ thì không sao, cùng lắm là đền tiền, chứ nếu chủ nhà phát hiện người giúp việc nói dối thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, có khi chị ấy sẽ bị đuổi việc không chừng.
Mỹ Linh nói tới đâu, cặp lông mày nhỏ Hạnh nhăn tít tới đó. Trong thâm tâm nó vẫn tin chị giúp việc cố tình phóng đại mọi chuyện để Mỹ Linh không dám hè môi về vụ chiếc lọ. Nhưng dù sao những điều chị ấy nói không phải là không có lý. Nếu bây giờ khuyên Mỹ Linh kể hết sự thật với ông, nhỡ ông tức giận buộc chị người làm nghỉ việc thì nó sẽ hối hận vô vàn.
Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, nhỏ Hạnh dịu giọng an ủi:
- Thôi, bạn đừng buồn nữa. Để Hạnh nghĩ cách giúp bạn.
Mỹ Linh nắm lấy tay nhỏ Hạnh, giọng cảm động:
- Mình cảm ơn bạn nhiều lắm. Nhưng trong chuyện này, bạn không giúp gì được đâu. Số tiền lớn quá.
Nhỏ Hạnh không nói gì, nó kép Mỹ Linh đứng dậy:
- Hạnh hy vọng là Hạnh sẽ tìm ra cách. Thôi, tụi mình vào lớp đi!
Chương 4
Quý ròm nghe Tiểu Long và nhỏ Hạnh trình bày kế hoạch giúp đỡ Đặng Đạo và Mỹ Linh bằng cặp mắt nheo nheo.
- Thế đấy! – Nó nhún vai, giọng hờn dỗi – Ai cũng có việc để làm, chỉ có thằng còm nhỏm còm nhom này là không!
Giọng điệu của Quý ròm khiến Tiểu Long cảm thấy áy náy quá chừng. Nó cảm thấy có lỗi khi nó giúp Đặng Đạo, nhỏ Hạnh giúp Mỹ Linh trong lúc thằng ròm chẳng có ai để giúp.
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi, ấp úng phân trần:
- Đó là chuyện tình cờ thôi …
Nhỏ Hạnh phụ hoạ:
- Ừ, chẳng thà không biết hoàn cảnh của bạn bè, biết rồi lẽ nào không giúp.
Quý ròm vò đầu:
- Nhưng làm sao Tiểu Long và Hạnh biết mà tôi không biết? Tôi cũng ngồi trong lớp chứ đâu!
- Tại Quý không để ý đó thôi!
Nhỏ Hạnh đáp bằng giọng bình thường nhưng Quý ròm có cảm giác như một lời trách móc.
Ừ, tính mình xưa nay vốn thờ ơ! Quý ròm giật mình nghĩ. Vì vậy nên mình đã không nhìn thấy những điều Tiểu Long và nhỏ Hạnh nhìn thấy.
Hôm sau vào lớp, Quý ròm quyết tâm tập “để ý”.
Suốt buổi học, cặp mắt nó không ngừng láo liên quét dọc các dãy bàn.
Thái độ kỳ lạ của nó làm thằng Đỗ Lễ ngồi bàn sau không nén được tò mò:
- Mày tìm cái gì thế hở Quý ròm?
- Ờ, ờ …
Quý ròm ậm ừ và tiếp tục đảo mắt quanh lớp.
- Đứa nào “chôm” đồ của mày hả?
Đỗ Lễ không kìm được, lại hỏi.
- Ừm … ừm …
Hết “ờ, ờ” tới “ừm, ừm” Quý ròm làm Đỗ Lễ thắc mắc quá. Nó bắt chước bạn, đưa mắt nhìn quanh nhưng chẳng thấy gì đặc biệt.
Thằng ròm này nó mắc chứng gì thế nhỉ? Đỗ Lễ nhủ bụng và chán nản không thèm hỏi nữa.
Đỗ Lễ chán nản một thì Quý ròm chán nản mười. Suốt hai tiết học, nó đã quan sát kỹ càng từng đứa bạn nhưng chẳng thấy đứa nào buồn bã hay tỏ ra phiền muộn cả. Đứa nào đứa nấy trông vui như sáo khiến nó hoang mang tợn.
Quý ròm nhất định không chịu thua Tiểu Long và nhỏ Hạnh. Nó phải giúp bạn. Nó phải “chia sẻ niềm vui” cho những bạn bè gặp khó khăn.
Nhưng dường như sáng nay đám bạn của nó cương quyết không chịu gặp khó khăn. Đám bạn quỷ quái của nó cương quyết không cho nó chia sẻ, cương quyết “tẩy chay” nó.
Quý ròm buồn tình quá. Giờ ra chơi, nó bước ra sân với bộ tịch ủ rũ đến nỗi Tiểu Long phải giương mắt ếch:
- Mày có chuyện gì buồn hở?
Quý ròm không đáp. Nó đang chán, nghe thằng mập hỏi nó càng chán hơn. Hoá ra sáng nay chỉ có một mình nó buồn. Còn ai nấy đều vui, đều rạng rỡ. Thật chẳng ra làm sao!
Thấy Quý ròm nhất mực làm thinh, lại lặng lẽ lảng ra xa, Tiểu Long chẳng hiểu mô tê gì, liền đi kiếm nhỏ Hạnh:
- Bữa nay thằng ròm nó làm sao ấy.
- Làm sao là làm sao?
- Tôi thấy mặt nó dàu dàu.
- Thế sao Long không hỏi thử xem!
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:
- Tôi có hỏi. Nhưng nó không thèm nói, lại bỏ đi tuốt.
- Quý đi đâu?
Tiểu Long quay người một vòng:
- Chẳng biết nữa.
Nhỏ Hạnh nhìn quanh, ngạc nhiên lẩm bẩm:
- Lạ thật! Quý gặp chuyện gì thế nhỉ?
Tiểu Long và nhỏ Hạnh không biết ngay lúc đó Quý ròm đang đuổi theo thằng Dưỡng ca sĩ.
Chả là trong khi đang chán nản vì không tìm ra đối tượng để giúp đỡ. Quý ròm mắt bỗng sáng trưng khi thấy thằng Dưỡng đang thất thểu lê bước ra sau hè, chân kéo lệt xệt đôi săng-đan cũ với chiếc quai sau bị đứt phải buộc lại bằng dây kẽm.
Quý ròm chưa tới nhà Dưỡng bao giờ nhưng nhìn đôi săng-đan tả tơi kia, nó đoán nhà Dưỡng có lẽ khó khăn lắm. Có khi còn khó khăn hơn cả nhà Tiểu Long nữa.
Quý ròm âm thầm đi sau lưng bạn, tặc lưỡi cảm khái “Tội nghiệp nó ghê! Chắc nhà nó nghèo rớt mồng tơi!”
Dưỡng không biết có người đi theo mình. Nó liếc trái liếc phải, không thấy ai liền len lét bước lại bờ rào, vạch quần tè vào gốc bạch đàn sát cọc đậu.
Thằng Dưỡng làm Quý ròm chới với. Nó bám tò tò theo thằng ca sĩ ôpêra này để mong thủ thỉ tâm tình và dò hỏi nỗi khổ tâm ẩn náu đâu đó trong lòng bạn. Đang xúc động dạt dào, thấy Dưỡng tè bậy, Quý ròm cảm thấy hụt hẫng quá. Một tay bịt mũi, một tay che mắt, Quý ròm rên rỉ thảm thiết:
- Mày làm gì thế hở Dưỡng?
Bất thần bị bắt quả tang, Dưỡng giật bắn người. Nó vội vàng “chỉnh đốn y phục”, bối rối quay lại:
- Ờ … ờ …
Dưỡng tẽn tò đáp, mặt đỏ lựng.
Quý ròm buông tay xuống:
- Sao mày không vào nhà vệ sinh mà vãi ra đó?
Dưỡng cười gượng gạo:
- Tụi nó chui vô đó đông quá.
- Mày làm thế là không được!
Quý ròm ra oai, trong một thoáng nó tưởng nó là lớp phó trật tự Minh Vương.
- Mày đừng nói cho ai biết nhé?
Dưỡng cất giọng năn nỉ, vừa nói nó vừa bước lại gần Quý ròm.
Khi Dưỡng vừa cất bước, nó lại kéo lệt xệt đôi săng-đan. Quai sau bị đứt, phải buộc lại, nhưng xem ra vẫn còn lỏng xà lỏng xạch.
Quý ròm nhìn lom lom xuống chân bạn, quên ngay nhiệm vụ giáo dục kẻ vi phạm trật tự vệ sinh công cộng. Nó sực nhớ đến mục đích chính của cuộc theo dõi:
- Xỏ đôi săng-đan này, đi đứng thế quái nào được hở mày!
Dưỡng không nói không rằng, lặng lẽ rút đôi săng-đan ra lót dưới mông rồi ngồi phệt xuống cỏ, dựa lưng vào tường. Đoạn, nó nhăn nhó đưa tay bóp bóp hai bàn chân trần.
Quý ròm hừ mũi:
- Mày cứ kéo lê đôi săng-đan sắp hỏng này, làm sao không đau chân được!
Nó vung tay, hào phóng:
- Nếu mày chưa có tiền, tao sẽ mua cho mày một đôi giày mới.
Quý ròm thốt với giọng hả hê sung sướng. Rốt cuộc nó cũng tìm ra được đối tượng để giúp đỡ. Thằng Dưỡng tuy là chúa tè bậy, nhưng dù sao cũng đang gặp khó khăn. Mà khó khăn của Dưỡng không dễ gì nhìn thấy. Phải tinh ý như nó mới hòng phát hiện được nhà thằng Dưỡng nghèo mạt rệp. Quý ròm phục mình quá. Càng nghĩ càng phục. Tiểu Long và nhỏ Hạnh còn lâu mới hiểu được hoàn cảnh đáng thương của Dưỡng.
Thấy Dưỡng không phản ứng trước đề nghị của mình, mải cắm cúi bóp chân, Quý ròm cao giọng nhắc:
- Tao sẽ mua tặng mày một đôi giày mới để mày đi nhé?㍊
Dưỡng ngước lên, giọng cảm động:
- Sao tự dưng mày tốt với tao thế?
- Sao lại tự dưng! – Quý ròm tự ái quá xá, nó ưỡn ngực – Xưa nay tao luôn tốt với bạn bè, chỉ tại mày không để ý đó thôi.
Dưỡng chớp chớp mắt:
- Cảm ơn mày. Nhưng hiện nay tao chưa cần.
- Mày đừng ngại! – Quý ròm ân cần – Chỗ bạn bè với nhau …
Dưỡng không để Quý ròm nói hết câu:
- Tao có ngại gì đâu. Nhưng ba tao vừa mua cho tao hai đôi giày mới. Giày Ý đàng hoàng. Kẹt nỗi, một đôi thì rộng, một đôi thì chật. Hôm qua tao xỏ đôi chật đi học nên hôm nay mới đau chân ấy chứ!
Giải thích của Dưỡng làm Quý ròm choáng váng. Hoá ra nhà thằng Dưỡng đâu có nghèo như nó nghỉ. Mua một lúc những hai đôi giày, lại là loại giày đắt tiền như thế, hẳn nhà nó giàu sụ.
- Sáng nay ba tao đem hai đôi giày đi đổi nên tao phải mang tạm đôi săng-đan cũ xì này.
Tiếng thằng Dưỡng tiếp tục vang lên bên tai khiến Quý ròm nhăn mặt. Nó có cảm giác thằng này đang nhạo báng nó.
- Thế thì thôi! – Cuối cùng, Quý ròm thở ra – Vậy mà tao cứ tưởng mày không có tiền mua giày mới.
Dưỡng không nhận thấy vẻ mặt xuôi xị của bạn, giọng vẫn hơn hớn:
- Chừng nào ba tao đem hai đôi giày về, tao sẽ tặng cho mày một đôi. Mày tốt với tao chẳng lẽ tao không biết tốt lại với mày.
Dưỡng không biết Quý ròm đang dở cười dở khóc. Nó đứng lên, vỗ vai thằng ròm:
- Mày không được từ chối đấy nhé! Mày không nhận là tao giận đấy!
Dưỡng đi một đỗi xa rồi, Quý ròm vẫn chưa hết bàng hoàng. Nó đứng chôn chân trên bãi cỏ sau hè, mặt dài ra như quả dưa leo.
Nguồn: hgth.vn