Chương 3
Chuyện Hải quắn và nhỏ Quỳnh Như sắp trở thành nhà bác học trong nay mai là tác giả nói phóng lên cho vui. Nào ngờ hôm sau chính miệng thầy Khuê xác nhận điều đó.
Sau khi xem xét các mẫu thí nghiệm của học trò và hỏi han cẩn thận về quy trình thực hiện, chủ yếu là hỏi Quỳnh Như và Hải quắn vì những đứa khác do chính thầy hướng dẫn tụi nó thực hành trong phòng thí nghiệm nhà trường hôm trước, và khi biết chắc hai đứa này tự mình tiến hành thí nghiệm chứ không chép kết quả của bạn bè, thầy Khuê không ngớt tấm tắc khen ngợi. Hôm đó thầy chỉ phát ra có bốn điểm 10. Bốn đứa được nhận vinh dự đó là Quý ròm, nhỏ Hạnh, Hải quắn và Quỳnh Như.
Quý ròm và nhỏ Hạnh là “siêu học sinh” từ hồi còn học cấp hai ở trường Tự Do (một đứa là “thần đồng”, một đứa là “bộ từ điển biết đi”), thầy Khuê dạy chừng vài buổi đã điều tra ra “lý lịch” của hai đứa này nên thầy chẳng lấy làm lạ về sức học của hai đứa nó. Thầy chỉ ngạc nhiên về Quỳnh Như và bây giờ là Hải quắn.
Thầy đứng trước bảng đen, tay giơ lên cao như đang diễn thuyết, rồi hắng giọng:
- Điểm 10 của hai em Quý và Hạnh là đương nhiên, thầy không cần bình luận. Nhưng thái độ học tập nghiêm túc của Quỳnh Như và sự tiến bộ của em Hải trong vài tuần trở lại đây khiến thầy ngạc nhiên vô cùng.
Thầy bỏ tay xuống (có lẽ do mỏi) trong khi vẫn tiếp tục:
- Em Quỳnh Như và em Hải không chỉ tự mình làm thí nghiệm tại nhà, không chỉ học thuộc những gì được ghi chép trong sách giáo khoa mà còn tự giác đọc thêm sách báo tài liệu về môn công nghệ. Vừa rồi thầy rất ngạc nhiên khi nghe em Hải nhắc tới Jethro Tull, kỹ sư và là nhà nông học lỗi lạc người Anh...
Giọng thầy càng lúc càng hùng hồn, lúc này thầy lại giơ tay lên (chắc hết mỏi):
- Thầy sung sướng tin rằng nếu vẫn say mê môn công nghệ với nhiệt tâm như thế, hai em có nhiều khả năng trở thành những nhà bác học trong tương lai...
Xúc động trước thái độ học tập của học trò trước môn học khô khan của mình, thầy Khuê không kềm được sự phấn khích. Thầy nói có hơi quá, dùng từ “nhà khoa học” thì nghe chừng mực hơn là “nhà bác học”, nhưng vẻ mặt của thầy, cử chỉ của thầy và ngữ điệu của thầy biến lớp học thành khung cảnh trang nghiêm như trong một buổi lễ tôn vinh nhân tài đất nước, cho nên nếu thầy có cao hứng phóng đại lên nhiều lần nữa thì cả lớp vẫn thấy thuận tai, thậm chí còn khoái trá nữa.
Cho nên thầy vừa chấm dứt bài diễn văn đầy tính tiên tri của mình, đứa nào đứa nấy thi nhau vỗ tay rào rào.
- Hay quá thầy! - Thằng Đỗ Lễ bô bô - Mai mốt hai nhà bác học Quỳnh Như và Hải quắn sau khi đoạt giải Nobel có thể nói “Trước đây tôi từng học ở trường Đức Trí” được chứ hả thầy?
Thầy Khuê mỉm cười, vui vẻ:
- Dĩ nhiên là hai bạn đó nói thế rồi.
Thằng Lâm vọt miệng:
- Bạn Hải quắn nói thêm “Hồi đi học tôi phục nhất là bạn Lâm” có được không, thầy?
Lâm pha trò làm tụi bạn cười bò. Lớp học thoáng mắt ồn như cái chợ.
Nhưng hôm nay thầy Khuê đang vui. Thầy nheo nheo mắt ngắm các gương mặt nghịch ngợm của lũ học trò, bất giác nhớ lại tuổi thơ của mình, lòng chợt bâng khuâng quá đỗi.
Tiết công nghệ hôm đó diễn ra ngọt ngào như ướp mật, mặc dù bài “Biện pháp cải tạo và sử dụng đất bạc màu, đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá” khô không khốc.
Quỳnh Như chắc chắn là đứa hạnh phúc nhất ngày hôm đó. Nhìn vẻ rạng rỡ của thầy Khuê, nghe những lời khen hào phóng của thầy, nó cảm thấy mình đã không uổng công trong những ngày qua.
Thực ra, cũng khó mà nói đứa hạnh phúc nhất là Quỳnh Như hay Hải quắn. Hải quắn hạnh phúc vì từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay, chưa bao giờ nó được thầy cô biểu dương trước lớp theo cái cách thầy Khuê đã làm sáng nay. Cái cảm giác đó đối với nó lạ lẫm quá. Nó nghe mặt mày nóng ran nên đáng lẽ nghênh nghênh quay tới quay lui để khoe thành tích, nó lại chúi đầu xuống cuốn tập để giấu gương mặt mà nó biết là đang rất giống một quả cà chua chín.
Trong khi gằm đầu như thế, Hải quắn thầm biết ơn con nhỏ Quỳnh Như quá sức. Như vậy là Quỳnh Như nói đúng. Quỳnh Như không lừa nó. Hôm trước Quỳnh Như bảo nhà nông học tức là nhà bác học. Hôm nay thầy Khuê cũng nói tương tự, thậm chí thầy còn đi xa hơn khi quả quyết nó rất có tiềm năng trở thành một nhà bác học thứ thiệt. Ôi, mình mà thành nhà bác học chắc ba mẹ mình xỉu mất!
Nhưng trong khi chờ đợi tương lai huy hoàng đó xảy ra, trước mắt Hải quắn phải lo đối phó với những lời trêu ghẹo của tụi bạn trong lớp.
Trước tiên là thằng Quới Lương cùng băng “tứ quậy” với nó xưa nay.
Giờ ra chơi, Quới Lương bá vai nó, cười hề hề:
- Dạo này mày ăn thứ gì vậy hả, Hải quắn?
- Thì tao cũng ăn như bình thường thôi. Buổi sáng ăn bánh mì, buổi trưa...
- Tao không hỏi chuyện đó. - Quới Lương cắt ngang - Tao muốn biết ngoài những món ăn hằng ngày, mày có ăn trúng thứ gì đặc biệt không kìa!
- Tao có ăn thứ gì đâu. - Hải quắn ngập ngừng đáp, giọng cảnh giác.
- Thế sao đột nhiên mày giỏi môn công nghệ quá vậy?
Hải quắn khụt khịt mũi:
- Ờ, không hiểu sao năm nay tự nhiên tao thích môn này.
Quới Lương liếc xéo bạn:
- Ở đời làm gì có chuyện tự nhiên hở mày!
- Tự nhiên thiệt mà.
- Tự nhiên cái khỉ mốc! - Quới Lương buông tay khỏi vai bạn và nhìn lom lom vô mặt thằng này - Chứ không phải mày thích con nhỏ Quỳnh Như nên mày thích luôn môn công nghệ hả?
Hải quắn thót bụng lại:
- Làm gì có!
- Chối đi! - Quới Lương bĩu môi, trông bộ tịch giống như nó vừa bắt gặp Hải quắn tặng cho Quỳnh Như cả chục bó hoa hồng.
Hải quắn cười khổ:
- Thiệt mà. Tao đâu có chối.
- Thế sao nhiều đứa trong lớp bảo dạo này tụi nó nhìn thấy mày với nhỏ Quỳnh Như cặp kè nhau như hình với bóng ngoài phố?
- Đứa nào nói? - Hải quắn giật bắn trước thông tin của Quới Lương, mặt nó lập tức đỏ phừng phừng - Tao mà biết đứa nào bịa chuyện, tao đập nó cho coi!
Đang đằng đằng sát khí, sực nhớ tới một chuyện, Hải quắn chợt xụi lơ:
- À, tao nhớ rồi. Có, có.
Quới Lương cười he he:
- Thấy chưa!
- Thấy gì mà thấy! - Hải quắn “xì” một tiếng - Chắc tụi nó nhìn thấy tao và Quỳnh Như đi mua các vật liệu về làm thí nghiệm.
Quới Lương nheo mắt:
- Thế ra lúc này hai đứa mày học chung với nhau à?
- Chỉ học chung thôi! - Hải quắn nói như phân bua.
Quới Lương tính trêu bạn thêm vài câu nhưng lần này nó chưa kịp mở miệng đã vội vàng bỏ đi như chạy. Tại Hải quắn sau khi bị Quới Lương quần cho tối tăm mặt mũi, chợt nhớ ra “điểm yếu” của đối phương, liền toét miệng hỏi:
- Ủa, còn chuyện mày với con nhỏ Thạch Anh tới đâu rồi?
° ° °
Với thằng Lâm, Hải quắn cũng giở “chiêu” đó.
Lâm xán lại, mới hó hé:
- Chà, dạo này mày ngon quá há, Hải quắn?
- Ngon gì đâu! Cũng giống như mày với Thủy Tiên thôi!
Quả nhiên, bị Hải quắn chơi “đòn phủ đầu”, mặt thằng Lâm méo xẹo. Những câu chọc ghẹo nó chuẩn bị sẵn trong đầu bay biến đâu mất.
Đòn của Hải quắn quả là lợi hại, nghĩa là bên cạnh cái lợi có cả cái hại. Lợi là những đứa “có tật giật mình” không dám chọc ngoáy nó. Còn cái hại là nó nói kiểu đó khác nào nó thừa nhận với thằng Lâm rằng nó thích Quỳnh Như.
Nhưng Hải quắn chẳng băn khoăn chuyện đó lắm. Vì thực ra nó cũng mơ hồ nhận ra hình như nó có cảm tình với Quỳnh Như thật. Trong những buổi học chung với nhau, nó thấy nhỏ bạn nó thật dịu dàng, dễ mến. Nó không biết các “siêu học sinh” như Quý ròm hay nhỏ Hạnh học hành thế nào, còn trong mắt nó Quỳnh Như đúng là một học sinh gương mẫu đáng để nó noi theo. Nó chưa thấy đứa nào chỉ học một bài học trên lớp thôi mà về nhà tìm đọc đủ thứ sách báo tài liệu có liên quan rồi chui vô internet lùng sục tra cứu đến mờ con mắt. Ngay cả chuyện Quỳnh Như thích làm thí nghiệm tại nhà hơn là chui vô phòng thí nghiệm nhà trường cũng cho thấy “tính độc lập” của một “nhà bác học” tương lai rồi.
Hải quắn càng cảm mến Quỳnh Như hơn nữa khi nhờ con nhỏ này nó đã có thể hiên ngang khoe với ba mẹ điểm 10 đầu tiên trong cuộc đời học trò dài dằng dặc của nó. Nó thấy rõ mí mắt ba mẹ nó ửng lên vì sung sướng nhưng do đóng vai phụ huynh của một đứa lười biếng quá lâu năm, ba mẹ nó vẫn bán tín bán nghi:
- Thiệt không đó, con?
- Dạ thiệt mà.
Đến khi nó chìa ra bài thực hành công nghệ với điểm 10 đỏ chói bên cạnh thì ba mẹ nó mới tin. Ba nó che miệng hắng giọng thiệt to để không tỏ ra quá cảm động trước “kỳ tích” của đứa con:
- Giỏi lắm, con trai!
Mẹ nó cụ thể hơn, bà nhìn nó âu yếm:
- Tối nay con thích ăn món gì hở con?
Vì những lẽ đó mà con nhà Hải quắn cảm thấy tất cả những gì gắn với Quỳnh Như đều trở nên đáng yêu: dao, kẹp, giấy thấm, kể cả những hạt giống và những mẩu đất khô. Thậm chí ngay cả em gái của Quỳnh Như, con nhỏ Quỳnh Dao tinh nghịch lém lỉnh, cũng là một phần không thể thiếu trong những giấc mơ êm đềm của Hải quắn.
Mà ai chứ con quỷ con này thì lắm trò.
Năm ngoái, có một thời nó “thọ giáo” Quý ròm.
Năm nay, lên lớp năm, nó có thể tự mình đứng nhất lớp mà không cần gia sư kèm cặp.
Ba nó lái tàu, mẹ nó suốt ngày ở xưởng dệt. Ngoài thời gian ôm tập đến lớp, ở nhà chỉ có hai chị em quanh quẩn với nhau. Cho nên từ hôm Hải quắn lò dò đến học chung với chị nó, con nhỏ Quỳnh Dao mừng lắm.
Nó cứ bám tò tò theo thằng này hỏi chuyện khiến Quỳnh Như phải gắt:
- Em đi chỗ khác chơi để anh Hải làm thí nghiệm.
Quỳnh Dao “đi chỗ khác” một lúc, đợi khi chị nó chạy xe ra ngoài mua thứ gì đó, nó lại mon men lại gần Hải quắn:
- Anh Hải nè.
- Gì hở em?
- Anh học giỏi không vậy?
Trong hằng trăm câu hỏi trên cõi đời, con nhỏ Quỳnh Dao không hỏi câu nào khác, lại hỏi đúng câu Hải quắn sợ nhất. Với một đứa học hành lẹt đẹt như Hải quắn, hỏi câu đó chẳng khác gì chọc dao vô be sườn nó. Nếu đứa nào trong lớp hỏi nó câu đó, Hải quắn tin chắc đứa đó đang chửi cha mình. Chắc chắn nó sẽ đỏ bừng mặt và lập tức xắn tay áo quyết ăn thua đủ. Nhưng với Quỳnh Dao, Hải quắn biết đó là câu hỏi vô tâm.
Quỳnh Dao vô tâm chứ Hải quắn đâu có vô tâm. Nó hóp bụng lại, ấp úng đáp, mồ hôi túa ra sau gáy:
- Anh hở? Ờ, ờ... anh học không giỏi lắm...
Rồi sợ con nhóc này nghĩ mình học dốt (mặc dù chẳng có gì oan), Hải quắn lại lật đật bổ sung:
- Nhưng cũng... không dở...
Con nhỏ Quỳnh Dao làm như không để ý đến sự lúng túng của Hải quắn. Nó tuyên bố tỉnh bơ, giọng rất độ lượng, y như nó là giáo viên chủ nhiệm đang đánh giá trình độ của học trò:
- Không dở là được rồi!
Hải quắn thở phào, cảm giác mình vừa được quan tòa tha bổng. Nhưng đến khi Quỳnh Dao hỏi tiếp câu thứ hai thì nó mới biết đó là câu “kết án”:
- Em hỏi anh cái này nha?
- Ờ.
Hải quắn “ờ” mà bụng nơm nớp.
- Anh biết Nguyễn Trường Tộ không?
- Nguyễn Trường Tộ hả? - Hải quắn rùng mình - Anh không biết!
Nó lấm lét nhìn con nhỏ:
- Nguyễn Trường Tộ là ai vậy em?
Quỳnh Dao như không nghe thấy Hải quắn. Nó trả lời câu hỏi của thằng này bằng một câu hỏi khác:
- Thế anh biết Võ Duy Dương không?
- Không!
- Còn Nguyễn Hữu Huân?
- Không luôn! - Hải quắn đưa tay ra sau gáy chùi mồ hôi - Anh đâu có quen với mấy người này!
Quỳnh Dao tròn xoe mắt:
- Anh nói thiệt đó hả?
Cách nhìn như nhìn một sinh vật lạ đến từ sao Hỏa của con nhỏ này làm Hải quắn tự ái quá xá. Nó sầm mặt:
- Thiệt chứ sao không thiệt!
Rồi nó vung tay:
- Thế em có biết Quang sứt không?
- Không.
- Thế Tần ghẻ, em có biết không?
- Không. - Quỳnh Dao tò mò - Mấy người đó là ai vậy anh?
Hải quắn toét miệng:
- Thấy chưa! Anh không biết Nguyễn Trường Tộ, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, em cũng đâu có biết Tần ghẻ với Quang sứt! Mấy người đó hả? Đó là mấy đứa bạn cùng lớp với anh.
Nó sung sướng kết luận, không để ý con nhỏ Quỳnh Dao đang nhìn nó bằng cặp mắt lé xẹ:
- Bạn người nào người nấy biết thôi chớ! Làm sao biết hết được!
Chương 4
Hải quắn bị cái “vố” đó đau quá sức là đau.
Dĩ nhiên con nhỏ Quỳnh Dao không vạch trần cái tội dốt của Hải quắn ngay lúc đó. Nó cũng giấu biệt cả Quỳnh Như. Có lẽ nó sợ thằng này xấu hổ không tới học chung với chị nó nữa.
Chỉ do tình cờ mà Hải quắn biết được.
Hôm đó không biết thằng Lâm và Thủy Tiên cãi nhau chuyện gì mà giờ ra chơi, con nhà Lâm không buồn chạy nhảy như mọi hôm mà lết lại chỗ ghế đá ở góc sân ngồi một đống.
Hải quắn chạy lại, chưa kịp rủ rê đã ngạc nhiên thấy mặt thằng này chầm dầm:
- Có chuyện gì thế hở, Lâm?
Như chỉ đợi có người hỏi để mình xổ ấm ức, thằng Lâm gầm lên:
- Tao chán nó lắm rồi.
Hải quắn đoán ra ngay:
- Thủy Tiên hở?
- Nó chứ ai.
- Tụi mày lại giận nhau chuyện gì à?
- Lúc nào nó cũng phịa chuyện làm tao tức muốn chết. Lần trước nó phịa với tao là nó học trường Nguyễn Hữu Huân, lần này nó bảo...
Lâm nói thao thao một tràng dài nhưng Hải quắn không nghe thấy đoạn sau. Ba từ “Nguyễn Hữu Huân” đập vô màng nhĩ nó làm nó choáng váng, tai ù đi.
- Trường Nguyễn... Nguyễn Hữu Huân ở... ở đâu... hở mày? - Hải quắn lắp bắp hỏi, mắt dại đi từng phút một.
Lâm thô lố mắt nhìn bạn:
- Trường Nguyễn Hữu Huân ở Thủ Đức. Mày hỏi trường này chi vậy?
Hải quắn không nhìn thấy vẻ ngạc nhiên của Lâm, tiếp tục thốt lên thành tiếng những lo lắng trong đầu:
- Thế ông này là nhân vật lịch sử à?
- Chắc vậy. Nếu không thế ai đặt tên đường làm gì!
- Thế ổng sống ở thời nào mày biết không?
- Chuyện này thì tao không nhớ. Mày đi hỏi nhỏ Hạnh ấy. - Lâm nhăn nhó đáp, trong một thoáng thái độ khác lạ của Hải quắn làm nó quên bẵng sự bực dọc của mình đối với nhỏ Thủy Tiên.
Lâm ngoẹo đầu châm chọc:
- Sau khi chinh phục môn công nghệ của thầy Khuê, mày muốn chinh phục tiếp môn sử của thầy Huấn à?
Lâm trêu, nhưng không biết Hải quắn có nghe thấy câu hỏi của mình không. Vì ngay khi nghe nó bảo “mày đi hỏi nhỏ Hạnh ấy”, con nhà Hải quắn đã vội vàng quay người đi tuốt.
° ° °
Chưa bao giờ Hải quắn thấy sống lưng mình lạnh đến thế. “Nhà thông thái” Hạnh càng nói người nó càng giống như gây gây sốt:
- Nguyễn Hữu Huân là một chí sĩ, quê ở Định Tường, nay là Tiền Giang. Năm 1852, ông đỗ thủ khoa kỳ thi hương, nên còn gọi là Thủ Khoa Huân. Lúc giặc Pháp xâm chiếm miền Nam, ông đứng vào hàng ngũ kháng chiến cùng với Âu Dương Lân và Võ Duy Dương...
Thủ Khoa Huân thì Hải quắn biết. Con đường có tên Thủ Khoa Huân nằm ở quận 1, sau lưng chợ Bến Thành. Nhà dì nó ở đường này, nó đã từng đến đó nhiều lần. À, tuần trước nó vừa mò đến mượn cái cân kỹ thuật và máy đo PH của thằng em họ chứ đâu. Nó chỉ không biết Thủ Khoa Huân và Nguyễn Hữu Huân là một người thôi. Còn ông Võ Duy Dương nữa, theo như nhỏ Hạnh nói thì ông này cũng là một anh hùng chống Pháp. Chắc mình có học qua rồi nhưng sao đầu mình chẳng nhớ chút xíu nào hết! Hải quắn rầu rĩ nhủ bụng, người đang lạnh chuyển sang nóng, y như đang lên cơn sốt rét.
- Còn Nguyễn Trường Tộ là một danh sĩ thời Tự Đức, người Nghệ An. Ông là người đi nhiều biết rộng, trí tuệ lỗi lạc, giàu lòng yêu nước, từng viết nhiều bản điều trần gửi cho triều đình, đề nghị cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục để biến Việt Nam thành một nước hùng cường...
Nhỏ Hạnh nói một hồi, rồi chớp chớp mắt nhìn Hải quắn:
- Ủa, sao bữa nay bạn thắc mắc về mấy nhân vật này?
- À, ờ, tại tôi đang... kèm học cho thằng em. - Hải quắn bịa, cố tránh ánh mắt thăm dò của nhỏ bạn - Nó hỏi tôi về mấy nhân vật này, nhưng học lâu quá tôi quên khuấy đi mất.
Chiều hôm sau, trên đường đến nhà Quỳnh Như, bụng Hải quắn nóng ran như có ai đang cời than quạt lửa. Nó lo lắng không biết Quỳnh Dao đã rêu rao cái dốt của nó cho Quỳnh Như biết chưa. Nếu con quỷ con ton hót với chị nó, chắc Quỳnh Như sẽ nhìn mình bằng một cặp mắt khác. Quỳnh Như sẽ coi thường mình. Quỳnh Như sẽ xấu hổ khi làm bạn với một đứa dốt đặc cán mai. Nó sẽ không thèm rủ mình học chung nữa.
Lòng quặn lại, Hải quắn run run dắt xe vào trong sân. Bông hải đường đỏ lập lòe ngay sau cổng rào như con mắt đang nhìn nó châm chọc càng khiến nó hoang mang tợn.
Nhưng Hải quắn không thấy Quỳnh Như đâu. Chỉ có con nhóc Quỳnh Dao đang ngồi cặm cụi xoay khối rubic trên ghế.
Đang tập trung vô trò chơi, con nhóc không thấy Hải quắn vào nhà. Hải quắn càng không dám gọi, chỉ vừa nhìn thấy con nhỏ này, tim nó đã đập như trống lân rồi.
Nhưng xui làm sao, trong khi đang rón rén, Hải quắn va phải cạnh bàn đánh “kịch”.
- A, anh Hải! - Quỳnh Dao giật mình ngước lên, mặt mày hớn hở.
Hải quắn thoáng đỏ mặt khi bắt gặp ánh mắt của Quỳnh Dao, nhưng rồi nó dần bình tĩnh trở lại khi thấy con nhóc này chẳng có vẻ gì muốn chế giễu mình. Rõ ràng Quỳnh Dao mừng rỡ một cách thành thật khi thấy nó xuất hiện.
Hải quắn chùi mồ hôi trán, nhè nhẹ thở ra:
- Chị Quỳnh Như đâu em?
- Chị Quỳnh Như hở? - Quỳnh Dao ngoái đầu nhìn quanh - Em không biết!
Rồi quay sang Hải quắn, nó nói giọng tỉnh queo:
- Bạn người nào người nấy biết thôi chớ!
Y như có một phát đạn sượt qua tai, suýt chút nữa Hải quắn đã rụng người xuống đất. Nó không ngờ Quỳnh Dao lại lặp lại câu nói của nó bữa trước để trêu nó.
Mặt Hải quắn lập tức ửng lên. Nhưng nó biết nó không làm gì con quỷ con này được. Trong ba mươi sáu cách, nó tin cách tốt nhất là cách... năn nỉ.
- Thôi mà em! - Giọng Hải quắn xụi lơ - Anh biết anh sai rồi.
Quỳnh Dao trưng ra bộ mặt ngây thơ:
- Anh sai gì cơ?
Mặc dù biết con nhóc “giả nai”, Hải quắn vẫn phải bấm bụng “khai báo”:
- Thì chuyện về Nguyễn Trường Tộ, Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân đó. Họ là danh nhân trong lịch sử mà anh đâu có biết.
- Thế bây giờ anh biết rồi hở?
- Ờ, biết rồi. - Hải quắn xuôi xị, bụng chỉ mong đề tài này trôi qua lẹ lẹ.
Nhưng con nhóc Quỳnh Dao dai như đ ỉ a:
- Thế anh có biết Phan Ngọc Bích không?
- Không. - Hải quắn thấp thỏm hỏi - Vị anh hùng này sống dưới thời nào vậy em?
- Sống dưới thời này. - Quỳnh Dao cười toe - Nhưng Phan Ngọc Bích không phải là anh hùng. Thằng đó nó học cùng lớp với em.
Lần thứ hai trong vòng năm phút, Hải quắn muốn lăn đùng ra đất. Nó đang thần hồn nát thần tính, rơi vào bẫy của con quỷ con một cách dễ dàng.
Thấy mặt này Hải quắn mếu xệch, Quỳnh Dao bất giác cảm thấy tội tội. Nó không muốn trêu ông anh nó nữa.
Nó chép miệng nói:
- Em chỉ giỏi nhớ lịch sử thôi, còn các môn khác em dốt lắm.
Hải quắn nhìn gương mặt sáng sủa của con nhóc, không tin “các môn khác em dốt lắm” là lời thú nhận thật thà, nhưng dù sao nó cũng cảm thấy được an ủi phần nào.
Nó càng thấy ấm lòng hơn nữa khi Quỳnh Dao nói tiếp:
- Các môn khác chắc em dốt hơn anh nhiều.
Hải quắn ấm lòng không phải vì được con nhóc ca lên mây xanh, nó biết nó “dốt đều các môn" (tất nhiên trừ môn công nghệ) và nó cũng biết con nhóc này “giỏi đều các môn” (nó từng nghe Quỳnh Như khoe nhỏ em mình tháng nào cũng đứng nhất lớp). Nhưng thấy con nhóc cố tình đánh giá trật lất trình độ học tập của hai bên để nó đỡ buồn, Hải quắn cảm động lắm.
Hải quắn còn cảm động hơn nữa khi nó ấp úng hỏi:
- Thế em đã kể chuyện “bạn người nào người nấy biết” cho chị Quỳnh Như nghe chưa?
Và nghe con nhóc khẳng khái đáp:
- Ngu sao nói! Đó là “bí mật” giữa hai anh em mình mà.
Rồi sợ Hải quắn không tin, nó thình lình giơ tay lên trời:
- Nếu em nói láo ra đường...
Quỳnh Dao chưa kịp thốt hai chữ “xe cán”, Hải quắn đã rối rít xua tay:
- Thôi, thôi, khỏi cần thề! Anh tin em mà!
Chính vì Quỳnh Dao là một đứa dễ thương như vậy nên mặc dù không ít lần nó đẩy Hải quắn vô cảnh dở cười dở mếu, thằng này vẫn rất mến con nhóc và trong thâm tâm nó tự coi Quỳnh Dao như... em gái mình.
Dĩ nhiên đó là con nhà Hải quắn tự coi thôi. Còn Quỳnh Như có coi Hải quắn như “anh của em gái mình” hay không thì Hải quắn không biết.
Quỳnh Như có coi như vậy không ta? Thỉnh thoảng Hải quắn bắt gặp câu hỏi đó lởn vởn trong đầu. Nhưng tiếc là nó chỉ bắt gặp câu hỏi thôi. Còn câu trả lời thì nó tìm hoài không thấy.
Cũng có lúc nó thấy câu trả lời thấp thoáng hiện ra ở chỗ nào đó trong tâm trí nó, khi nó tự hỏi “Tại sao bao nhiêu bạn bè nó không rủ học chung mà lại rủ mình?” rồi hân hoan tự giải thích “Chắc nó có ý gì đó với mình!”.
Hải quăn hân hoan chút xíu lúc tự mình chơi trò hỏi-đáp thôi, rồi ngay sau đó nó buồn bã nhận ra thực tế không hề giống với những gì diễn ra trong đầu óc mơ mộng của nó.
Quỳnh Như rất hào hứng khi nó đến học chung, rất hào hứng khi cả hai đạp xe chạy lòng vòng khắp phố để mua vật dụng thí nghiệm, rất hào hứng khi cùng nó chúi mũi vào mớ hạt giống, mớ đất khô... và tất nhiên là rất hào hứng khi cả hai được thầy Khuê khen nức nở trước lớp.
Nhưng tất cả chỉ có vậy thôi. Như một người bạn với một người bạn. Hổng giống chút gì với câu chuyện nên thơ (mặc dù thường xuyên cãi cọ và giận hờn) giữa thằng Lâm và Thủy Tiên, thằng Tần và Minh Trung hay Quới Lương và Thạch Anh. Ờ, chẳng giống chút xíu gì hết!
Hải quắn, Lâm, Quới Lương và Quốc Ân là bốn đứa trong băng “tứ quậy” hồi còn học cấp hai trường Tự Do. Lên lớp mười, Quốc Ân chuyển qua trường Thanh Niên, ba đứa còn lại vô trường Đức Trí, băng “tứ quậy” coi như rã đám. Nhưng dù “vật đổi sao dời” thì tình thân giữa bốn thành viên vẫn không hề sút giảm. Thực sự, nếu bây giờ bốn đứa cùng dồn chung một lớp thì cái băng tai tiếng này chắc cũng không còn quậy phá như cũ.
Lên cấp ba đã là người lớn rồi, dĩ nhiên tụi nó phải ít “quậy” hơn trước. Mà muốn “quậy” cũng chẳng đứa nào dám. Thủy Tiên ho một tiếng là thằng Lâm nín khe, nhỏ Thạch Anh nguýt một cái Quới Lương nhũn như con chi chi là cái chắc. Bây giờ đến lượt con nhà Hải quắn bị Quỳnh Như “xỏ mũi”, băng “tứ quậy” coi như cáo chung không kèn không trống.
Rất nhiều lần Hải quắn muốn thổ lộ tâm sự của mình với Lâm và Quới Lương để nhờ hai thằng này làm “quân sư”. Trong lãnh vực tình cảm, hai đứa bạn nó bây giờ kinh nghiệm đầy mình, hoàn toàn đáng mặt làm “sư phụ” nó. Nhưng Hải quắn lại ngần ngại.
Hải quắn đã trót huênh hoang rồi. Hôm trước nó lỡ cười vô mũi thằng Lâm “Cũng giống như mày với Thủy Tiên thôi” khi thằng này nói xa nói gần về mối quan hệ giữa nó và Quỳnh Như, bây giờ thú thật chuyện của mình và chuyện của thằng Lâm chẳng giống nhau cái củ khoai tây gì hết thì nhục quá!
Cho nên rốt cuộc con nhà Hải quắn vẫn phải tự bươn chải trên con đường tình cảm mờ mịt của mình. Chẳng ai giải đáp cho nó rằng nhỏ Quỳnh Như có tình cảm gì đặc biệt với nó hay không.
Rốt cuộc, nếu có ai sẵn sàng trả lời cho nó thắc mắc âm ỉ này thì người đó chính là Quỳnh Như.
Nguồn: diendan.game.go.vn