16/2/13

Gia sư (C3-4)

Chương 3

Thế là Quý ròm làm thầy, Quỳnh Dao làm trò. Thầy giáo Quý ròm kèm học trò Quỳnh Dao mỗi tuần ba buổi chiều, từ ba giờ đến năm giờ.

Ba Quỳnh Như lái tàu, quanh năm ở ngoài khơi. Mẹ Quỳnh Như là công nhân dệt, suốt ngày ở xưởng.

Những khi Quý ròm tới, nhà chỉ có hai chị em. Có hai chị em mà như có một người.

Trước khi chính thức thọ giáo Quý ròm, Quỳnh Dao ngoắt bà chị, giao hẹn:

- Lúc em ngồi học, chị không dược ngồi gần đấy nhé!

- Sao kỳ vậy?

Quỳnh Dao tuyên bố thẳng thừng:

- Có mặt chị, em không học được!

Hôm dạy học đầu tiên, Quý ròm ngạc nhiên khi không thấy Quỳnh Như đâu:

- Chị em đi vắng hở?

- Chỉ ở nhà sau.

- Sao chỉ không lên trên này?

- Em không cho lên đó thầy! - Quỳnh Dao chúm chím.

Quý ròm lắc đầu, nhìn đống bút thước Quỳnh Dao vừa bày ra bàn, ngạc nhiên lần thứ hai:

- Những thứ này sao mới tinh vậy?

Quỳnh Dao khoe:

- Dạ, chị em mới mua cho em.

Nó láu lỉnh nói thêm:

- Hôm nay khai giảng mà thầy.

- Bút thước nào mà chẳng học được! Bày vẻ cho cho tốn kém!

Quý ròm tặc tặc lưỡi, bắt chước câu nói cửa miệng của bà nó. Vừa nói nó vừa gật gà gật gù ra dáng một bậc sư phụ đạo cao đức trọng, bụng tiếc hùi hụi không có râu để vuốt.

Nhưng học trò Quỳnh Dao làm sư phụ Quý ròm cụt hứng quá xá. Sư phụ đang thuyết giảng về lối sống giản dị, tiết kiệm nghe cao xa, sâu sắc là thế, nào ngờ học trò trả lời nghe trớt quớt:

- Không mua lấy chi mà học, thầy?

Quỳnh Dao làm Quý ròm ngẩn tò te:

- Chứ bút thước của em đâu?

- Hôm trước em làm mất hết rồi.

Quỳnh Dao giải thích nghe nhẹ như không. Cứ theo cái giọng của nó thì nếu không thường xuyên đánh mất những thứ trong cặp của mình thì dứt khoát chẳng phải là học trò.

Thái độ thản nhiên đó càng khiến Quý ròm thêm bực mình. Nó nhịp tay xuống bàn, hừ giọng:

- Hôm trước em làm mất sách, bây giờ lại tới bút thước, như thế là không được!

Có lẽ từ trước đến giờ Quỳnh Dao đã nghe những lời quở trách như thế quá nhiều lần nên nó chẳng tỏ vẻ gì lưu ý lắm. Mặc cho thầy giáo lớn tiếng phê bình, nó cứ ngồi chăm chú cắn móng tay, ra cái điều những chuyện nhảm nhí đó ta đây đã biết từ khuya rồi, ngươi đừng lải nhải nữa điếc tai ta lắm.

Quý ròm liếc vẻ lơ đãng của cô học trò, bụng tức sôi:

- Người học trò muốn giỏi thì phải giữ gìn, yêu quí dụng cụ học tập của mình, em biết không Quỳnh Dao?

- Biết chứ thầy!

Lần này thì Quỳnh Dao vừa đáp vừa ngọ ngoạy người và thò tay ra sau lưng gãi sồn sột.

Cho nên nó nói biết mà Quý ròm cảm tưởng là nó chẳng biết gì cả. Thế là Quý ròm lại tiếp tục gân cổ:

- Thế em có biết bút thước tập vở đối với học trò cũng quan trọng như vũ khí đối với người lính không hả?

- Dạ, cái này em cũng biết.

Quý ròm mím môi:

- Thế theo em người lính sẽ làm được gì nếu ra trận mà không đem theo vũ khí?

Quỳnh Dao tỉnh rụi:

- Dạ, làm chỉ huy ạ.

Quỳnh Dao buông một câu khiến Quý ròm chết diếng. Bài giáo huấn nhập môn đầy hình ảnh bóng bẩy của nó bỗng chốc bị con oắt làm cho sụp đổ tan tành.

Quý ròm như không tin vào tai mình. Có đến một lúc lâu, nó nhìn sững cô học trò đang ngồi trước mắt, không dời mắt đi đâu được.

- Làm gì thầy nhìn em chằm chàm vậy? - Quỳnh Dao giương cặp mắt đen láy - Bộ em nói không đúng hở thầy?

- Ðúng cái mốc xì! - Quý ròm tức muốn xịt khói ra đằng mũi - Ai bày em trả lời như vậy?

- Ðâu có ai bày, thầy! - Quỳnh Dao hồn nhiên - Em xem tiết mục "Thư giãn" trên tivi, thấy người ta nói vậy đó thầy!

Trong một thoáng, Quý ròm bỗng muốn khóc quá. "Thư giãn" là tiết mục hài hước, con quỷ con lại đem ra "vận dụng", bảo Quý ròm không dở khóc dở cười sao được.

- Người ta nói đùa đó em! - Quý ròm thở đánh thượt, rồi chẳng tha thiết gì đến bài thuyết giảng dang dở kia nữa, nó vội vã chuyển đề tài - Thôi, em giở tập ra học đi!

Quý ròm đã kịp kết luận rồi: tốt nhất là đừng dại dột lý sự với con nhỏ ưa lý sự này. Nó khờ thật hay giả bộ khờ để trêu chọc sư phụ nó, có trời mới biết.

Quỳnh Dao dường như chẳng để ý đến tâm trạng rối bời của thầy nó. Nó vừa lật tập soàn soạt vừa bô bô:

- Thầy dạy làm sao cho em được điểm cao nha thầy. Ở lớp em toàn được điểm 4, điểm 5 không hà.

Quý ròm nheo mắt nhìn cô học trò:

- Em kém nhất môn gì?

- Dạ, môn gì em cũng kém.

Quý ròm nhíu mày:

- Môn đạo đức, môn sức khỏe, môn khoa học cũng kém?

Quỳnh Dao chép miệng:

- Những môn đó em càng tệ.

Quý ròm ngạc nhiên:

- Ðây là những môn chỉ cần học thuộc lòng thôi mà.

- Dạ.

- Có nghĩa là tối về em không học bài?

- Ðừng nói oan nha thầy! - Quỳnh Dao nghinh mặt - Thầy hỏi chị Quỳnh Như coi, tối nào em cũng học bài đến khuya lơ khuya lắc. Học đến đỏ kè con mắt luôn.

- Vậy sao khi trả bài em lại bị điểm kém?

- Em cũng không biết nữa. Khi thầy cô hỏi, tự nhiên em quên sạch sành sanh.

Quỳnh Dao đáp. Và nó vui vẻ nhận xét:

- Lạ quá hén thầy?

Quý ròm không nói gì, nhưng rõ ràng nó cũng cảm thấy rất lạ. Tuy nó chỉ gặp cô học trò nhỏ của mình mới có hai lần nhưng nó vẫn tin Quỳnh Dao là cô bé thông minh. Ðôi mắt tinh anh, láu lỉnh trên gương mặt lúc nào cũng rạng ngời của nó không cho phép bất cứ ai hoài nghi điều đó.

Nhưng niềm tin đó bây giờ bắt đầu bị lung lay. Một học trò thông minh thì không thể học bài vất vả đến thế. Hy con quỷ con này chỉ liến láu mồm miệng còn đầu óc thực ra lại mít đặc?

Ðể kiểm tra sự phỏng đoán của mình Quý ròm quên phắt mình đến đây để dạy toán. Nó lật cuốn sách khoa học, dở đại một trang, hỏi:

- Em học tới bài "Ong mật" chưa?

- Dạ, chưa, thầy.

- Vậy để anh đọc em nghe một đoạn nhé.

- Nghe chi vậy, thầy?

- Em chú ý lắng nghe. Một lát anh hỏi, em ráng trả lời cho được.

Rồi không để Quỳnh Dao hỏi tới hỏi lui, Quý ròm nâng cuốn sách lên ngang tầm mắt, đọc thao thao một đoạn dài: "Con ong có 6 chân, 4 cánh, sống trong tổ rất có trật tự. Tổ ong có đến hàng vạn con nhưng chỉ có một ong chúa chuyên đẻ trứng..."

Ðọc một hơi, Quý ròm đặt cuốn sách xuống, ngó cô học trò:

- Em nghe kịp không?

- Dạ kịp, thầy.

- Vậy bây giờ anh hỏi em nhé!

- Dạ, thầy cần gì cứ hỏi. Cứ tự nhiên đi, thầy!

Quỳnh Dao đáp bằng cái giọng như thể Quý ròm là học trò còn nó mới là cô giáo.

Quý ròm vờ như không để ý đến giọng điệu của con quỷ con cúi nhìn vào sách hắng giọng:

- Em hãy cho biết ong đực và ong thợ làm những công việc gì?

- Dạ, ong đực và ong thợ chuyên việc hút nhuỵ hoa làm mật, xây tổ bằng sáp, canh gác và nuôi ong non ạ.

- Giỏi lắm! - Quý ròm gật đầu - Thế em có nhớ quá trình biến hình của ong không?

- Dạ, nhớ chứ ạ, khi nãy thầy có đọc qua rồi mà! - Quỳnh Dao lại thao thao. Ong đẻ trứng, trứng nở ra sâu ong, sâu hóa nhộng và nhộng lột xác thành ong.

Quỳnh Dao làm Quý ròm ngạc nhiên quá. Nó mới đọc qua có một lần, không ngờ Quỳnh Dao lại nhớ vanh vách, không sai một mảy. như vậy là con nhỏ này đầu óc thông minh sáng láng thật chứ đâu chỉ giỏi mồm mép.

Quý ròm liếm môi, hỏi tiếp:

- Thế người ta nuôi ong làm gì?

Quỳnh dao lại đáp ro ro:

- Dạ, người ta nuôi ong để lấy mật và sáp. Mật ong rất bổ, dùng làm thuốc, sáp ong dùng làm đèn thắp...

- Thôi, đủ rồi em.!

Quý ròm thình lình cắt ngang. Rồi nó nhìn thẳng vào mặt cô học trò, ngờ ngợ hỏi:

- Em chưa học qua bài này thật à?

Quỳnh Dao thô lố mắt:

- Ủa, khi nãy em nói với thầy rồi mà. Bộ thầy không tin em hả?

Quý ròm chìa tay ra:

- Em đưa tập cho anh xem nào!

Quỳnh Dao đẩy cuốn tập khoa học đến trước mặt Quý ròm:

- Thầy xem đi! Ai nói dóc với thầy làm chi!

Quý ròm cầm lấy cuốn tập, cẩn thận lật từng trang. Quả nhiên, lớp Quỳnh Dao chưa học tới bài "Ong mật". Bài mới nhất trong tập là bài "Tằm".

Phát hiện đó khiến Quý ròm ngẩn ngơ. Bây giờ thì nó tin rằng trí nhớ của Quỳnh Dao không thua gì nhỏ Hạnh, bạn nó. Nhỏ Hạnh có trí nhớ siêu phàm, từ năm lớp sáu đã được bạn bè dặt cho những biệt danh mỹ miều như "Nhà thông thái", "Cuốn từ điển biết đi"...

Nhưng "nhà thông thái" Hạnh mỗi lần lên bảng đều kiếm điểm chín, điểm mười ngon ơ, chứ có đâu lẹt đẹt như "nhà thông thái " Quỳnh Dao này.

Quý ròm băn khoăn nhìn cô học trò trước mắt:

- Em sáng dạ như thế mà trả bài không thuộc thi khó hiểu thật!

Quỳnh Da toét miệng cười:

- Thầy cô trên lớp cũng nói giống y như thầy.

- Thế khi thầy cô dò bài thì em quên sạch thật à? - Quý ròm nhíu mày.

- Nói đúng ra thì em vẫn còn nhớ lõm bõm được mấy câu.

- Lạ thật đấy! - Quý ròm nhún vai - Mới học đêm hôm trước, sáng hôm sau chỉ còn nhớ có vài câu!

- Không phải đâu thầy! - Quỳnh Dao cãi - Ðêm hôm trước em đâu có học bài dó!

- Em nói sao? - Quý ròm hỏi lại, cảm thấy đầu óc càng lúc càng mơ hồ.

- Em nói là đêm hôm trước em học bài khác.

- Bài khác là bài nào?

- Là những bài thầy cô dạy ban sáng đó thầy.

Quỳnh Dao càng giải thích, Quý ròm càng thấy rối rắm. Phải mất thêm một hồi dò hỏi cặn kẽ, Quý ròm mới hiểu ra. Và khi đã hiểu ra, suýt chút nữa nó té xỉu ngay giữa nhà.

Thì ra từ trước đến nay, Quỳnh Dao không học bài theo thời khoá biểu. Buổi sáng thầy cô dạy bài nào, tối về nó cặm cụi học thuộc ngay bài đó. Nó không bao giờ học bài cho ngày hôm sau. Cho nên dù có trí nhớ tột đỉnh, nó không thể nào nhớ được những gì đã học một tuần trước đó.

Quỳnh Dao đã chứng minh cho Quý ròm thấy những kẻ thông minh đôi khi vẫn tỏ ra khờ khạo một cách khác thường. Hồi học lớp hai, chỉ một lần nghe được lời dặn dò bình thường của cô giáo "Các em về nhà nhớ xem kỹ và học thuộc bài cô dạy hôm nay nhé", Quỳnh Dao đã nhớ như in, đã về nhà học ngay bài học hôm đó và đã áp dụng một cách sai lệch câu nói đó cho đến tận ngày hôm nay.

Cũng may Quỳnh Dao là một đúa có trí nhớ đặc biệt, nếu không, với kiểu học bài lạ đời kia, nó đã ở lại lớp hết năm này qua năm khác rồi.

- Em nhìn vào đây nè! - Quý ròm chỉ tay vô thời khoá biểu - Ngày mai thứ tư phải không? Thứ tư có những môn gì, tối nay em phải học môn đó, hiểu chưa?

Quỳnh Dao ngước nhìn Quý ròm với vẻ ngỡ ngàng:

- Ủa, phải học theo kiểu vậy hả thầy?

- Phải học vậy chứ! Ai lại học như em!

Quỳnh Dao gãi cổ:

- Em đâu có biết! Trước nay có ai nói với em chuyện này đâu!

Buổi dạy đầu tiên, Quý ròm chẳng dạy cho Quỳnh Dao được chữ nào. Nhưng việc nó khám phá và điều chỉnh cách học hành ngược đời của cô học trò có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Vì vậy, Quý ròm chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi hai ngày sau, nó vừa lò dò dắt xe qua cái cổng rào bằng gạch, đã thấy Quỳnh Dao chạy ùa ra, mặt mày hí hửng:

- Thầy chỉ em cách học bài hay ghê! Hôm qua em được một con mười. Hôm nay được con mười nữa là hai.

Chương 4

Quỳnh Như khen Quý ròm:

- Quý dạy giỏi ghê!

Quý ròm cười cười, biết mình "ngồi mát ăn bát vàng".

Những điểm mười Quỳnh Dao gặt hái được mấy hôm nay xét cho cùng chẳng có công sức gì của nó. Từ lúc nắm được cách học bài theo thời khó biểu, Quỳnh Dao tự mình đi săn lùng điểm mười. Và con nhóc làm việc đó một cách vô cùng hăng hái và hiệu quả.

Không chỉ ở các môn học bài, ở các môn toán và ngữ pháp cũng thế. Sẵn trí thông minh, Quý ròm giảng tới đâu, nó hiểu tới đó. Chỉ bài tập nào, nó giải ngay bài tập đó. Ðiểm chín, điểm mười trong tập nó ngày một nhiều.

Chị nó sửng sốt. Mẹ nó sửng sốt. Thầy cô trên lớp cũng sửng sốt. Ai cũng xuýt xoa: "Quỳnh Dao lớn rồi, đã biết chăm học rồi!". Chỉ Quý ròm biết: Thực ra đâu phải thế!

Rốt cuộc, Quý ròm đi dạy mà khoẻ re. Vì con nhỏ Quỳnh Dao xem ra đâu có cần kèm cặp gì nhiều. Trước nay sỡ dĩ nó học trầy trật là vì nó không biết cách học đó thôi. Biết cách rồi, tự nó thừa sức hoàn tất những phần việc còn lại.

Và cũng vì thế, những lúc gặp nhau gần đây hai thầy trò xem ra chơi nhiều hơn học.

Chẳng hạn như chiều nay, vừa ngồi vào bàn chừng mười lăm phút, Quỳnh Dao bỗng vươn vai:

- Nghỉ giải lao đi thầy!

- Mới học có chút xíu mà.

- Thầy cứ cho nghỉ đi! Rồi em chỉ thầy xem cái này hay lắm!

- Cái gì vậy?

Quỳnh Dao chỉ tay qua nhà hàng xóm:

- Thầy nhìn kỹ đi, xem có thấy cái gì không?

Quý ròm nhìn kỹ:

- Thấy cái nhà.

- Cái nhà có cái gì?

Quý ròm ngập ngừng:

- Cái nhà có... cái mái nhà.

- Em đâu có kêu thầy tả cái nhà! - Quỳnh Dao nhăn mặt - Em muốn hỏi thầy là chung quanh cái nhà có cái gì kìa!

- À, cái vườn.

- Ðúng rồi, thầy thông minh lắm!

Quỳnh Dao reo lên. Nhìn nó gật gù khen ngợi, Quý ròm cừ tưởng trước mặt mình là cô giáo chủ nhiệm.

Trong khi Quý ròm đang phân vân không biết nên cười hay nên khóc thì Quỳnh Dao đã hỏi tiếp:

- Thế thầy có thấy mấy cái cây trong vườn không?

Quý ròm lại nhìn qua bên kia hàng rào:

- Thấy. Cây chuối, cây đu đủ, cây xoài...

- Cây mọc gần nhà mình nhất là cây gì?

- Cây mận.

Quý ròm đinh ninh Quỳnh Dao chỉ hỏi đố cho vui, nào ngờ lần này nó vừa trả lời xong, con quỷ con liền "ra lệnh":

- Thầy leo lên hái mấy trái mận kia xuống cho em đi!

Quý ròm ngơ ngác:

- Mận của người ta mà.

- Dạ, mận của người ta.

- Như vậy là hái trộm?

Quỳnh Dao thản nhiên:

- Dạ, hái trộm.

- Í, như vậy đâu có được! - Quý ròm rụt cổ.

- Sao thầy nhát gan quá vậy? - Quỳnh Dao liếc Quý ròm bằng cặp mắt nheo nheo - Xưa nay em vẫn hái hoài mà đâu có sao!

Thấy con nhóc nhìn mình bằng ánh mắt khi dễ, Quý ròm tự ái quá xá. Nó hừ mũi:

- Anh không nhát gan. Anh chỉ không muốn hái trộm thôi.

Quỳnh Dao cười hí hí:

- Những người nhát gan đều nói y như thầy.

Quý ròm là tay tổ khích tướng. Nhưng lúc này nó rơi vào bẫy của học trò nó một cách dễ dàng. Chắc tại giọng cười của con quỷ con như chọc vào gan nó.

Nó đứng phắt dậy, đầu nóng phừng phừng:

- Anh không thích hái trộm, nhưng lần này anh sẽ hái cho em coi.

Nói vừa dứt câu, Quý ròm đã ở cạnh hàng rào.

Thấy ông thầy khom người dòm quanh quất, Quỳnh Dao chỉ tay vào lỗ hổng ở góc rào:

- Chui qua đây nè thầy.

Quý ròm vẹt mớ dây leo lòa xòa, rón rén trườn người qua lỗ hổng Quỳnh Dao chỉ.

Vừa đặt chân vào bên trong khu vườn, Quý ròm ngẩng đầu lên thận trọng quan sát.

Nó cảm thấy hơi run khi nhận ra khoảng cách từ chổ nó đứng đến bức vách của căn nhà hàng xóm sao mà gần quá. Khu vườn cũng không rộng như nó tưởng, dăm cây ăn trái mọc thưa thớt chẳng che chắn được gì. Cũng may lúc này trong nhà không có ai. Chắc là mọi người đã đi làm cả rồi! Quý ròm tự trấn an và dọ dẫm lần tới chỗ gốc mận.

- Thầy cứ leo lên đi, em đứng đây canh chừng cho! - Tiếng Quỳnh Dao xì xào bên kia hàng rào.

Quý ròm ngoảnh đầu ra phía sau, chưa xác định được con nhóc đứng ở đâu, đã nghe tiếng nó dặn dò tiếp:

- Khi nào nghe em hát bài Hổng dám đâu là thầy biết có người đi ra nghe thầy. Lúc đó thầy không được nhúc nhích à. Còn khi em hát bài Em là hoa hồng nhỏ tức là an toàn rồi.

Tuy không thấy rõ con nhóc, Quý ròm vẫn gật đầu lia lịa, ý nói ta đây đã nghe rõ cả rồi, nhà ngươi nhớ canh chừng cho kỹ kỹ chút.

Năm phút sau, Quý ròm đã ở trên cây mận. Nó ngồi vắt vẻo chỗ chạc ba, hai chân kẹp cứng cành cây, khoái chí hái từng chùm trái thảy xuống bên kia hàng rào cho Quỳnh Dao chụp bỏ vô giỏ.

Vẫn không một bóng người thấp thoáng trong suốt thời gian Quý ròm hăm hở hành nghề "đạo chích". Cho nên nó bình tĩnh lắm. Vênh vênh nữa.

Nó vừa hái mận vừa nghĩ: Con nhỏ Quỳnh Dao này thật lắm trò! Việc quái gì phải canh chừng, lại còn "ám hiệu" này nọ nữa!

Ðang hiu hiu tự đắc, suýt chút nữa Quý ròm đã tuột tay rơi xuống đất. Tại vì ngay lúc đó, ở bên kia hàng rao tiếng hát của Quỳnh Dao bất thần cất lên:

- Trên cành cao chim hót mời em đi giữa mùa xuân...

Ðó là câu đầu bài Hổng dám đâu. Có nghĩa là Quỳnh Dao đang báo động. Có nghĩa là mình sắp bị bại lộ tới nơi. Tim đập binh binh, Quý ròm ôm chặt cành cây trên đầu, căng mắt ngó xuống.

Và nó chợt run cả người khi nhìn thấy một người đàn ông đang từ trong nhà đi ra. Lại đi xăm xăm về phía cây mận.

Nguy rồi! Té ra từ nãy đến giờ ông ta đã rình rập, đã trông thấy tất. Thế mà mình ngu ngốc tưởng trong nhà không có ai. Tự nhiên Quý ròm muốn đưa tay lên cốc đầu mình quá.

Còn vài bước nữa là người đàn ông tới được chỗ gốc mận. Quý ròm liền nhắm tịt mắt lại. Nó không muốn chứng kiến cảnh nó bị bắt. Nó không muốn nhìn thấy... cái chết đáng thương của mình.

Nhưng Quý ròm chờ hoài, chờ hoài vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Nó lấy làm lạ quá, liền he hé mắt dòm xuống.

Quý ròm không mở mắt còn đỡ. Mở mắt ra, nó muốn khóc quá chừng.

Thì ra người đàn ông không phát hiện ra nó. Ông ra vườn chỉ để đi tè. Khỗ nỗi, tè đâu không tè, ông lại tè ngay vào gốc mận.

Mắt nhắm mắt mở, người đàn ông vừa tè vừa nói lảm nhảm. Nhìn bộ dãng xốc xếch kia, nghe cái lối nói năng lịu nhịu, lè nhè kia, Quý ròm biết người đàn ông đang say lắm.

Người say lắm cũng là người uống nhiều lắm. Cho nên ông đứng lâu thật lâu.

Quý ròm muốn đưa tay lên bịt mũi quá. Nhưng sợ gây ra tiếng động, nó đành ngồi im. Khi nãy Quỳnh Dao đã dặn nó rồi: Lúc đó thầy không được nhúc nhích à!

Quý ròm không nhúc nhích. Nhưng nó cố nính thở càng lâu càng tốt. Nó nín thở và mếu máo nghĩ: Lát nữa lúc tụt xuống, thế nào mình cũng dính "chất độc" ông ta vừa bôi vào gốc cây cho mà xem.

Rồi thời gian đằng đẵng cũng trôi qua. Cuối cùng, người đàn ông không còn lý do gì để nấn ná chỗ gốc mận nữa.

Ông lững thững quay vào nhà, nhìn buớc chân biết là nhẹ nhõm hơn lúc đi ra nhiều. Con nhóc Quỳnh Dao đứng bên kia hàng rào chắc chả nhìn thấy sự kiện kinh hãi vừa xảy đến cho Quý ròm, hí hửng cất tiếng hát:

- Em sẽ là mùa xuân của mẹ. Em sẽ là màu nắng của cha...

Lần này, phấn khởi thấy thầy giáo thoát hiểm, con nhóc hát to quá. Giọng nó vút lên lanh lảnh, đến mức không chỉ Quý ròm mà cả Quỳnh Như ở nhà sau cũng nghe thấy.

Quỳnh Như ngạc nhiên bươc ra sân

- Em làm gì ồn ào thế, Quỳnh Dao?

Quỳnh Dao chu miệng:

- Em hát mà chị kêu ồn ào.

- Sao đang ngồi học lại chạy ra đây đứng hát?

- Thầy Quý cho em nghỉ giải lao.

Quỳnh Như đảo mắt nhìn quanh:

- Anh Quý đâu?

Thừa dịp bà chị ngó đi chỗ khác, Quỳnh Dao nhanh nhẹn lấy chân đẩy giỏ mận vào dưới đám lá um tùm chỗ chân rào:

- Thầy Quý hở? Thầy đang ngồi trong nhà chứ đâu!

Quỳnh Như nhìn vào trong nhà, kêu to:

- Quý ơi, Quý!

Quỳnh Dao đưa tay lên miệng suỵt khẽ:

- Chắc thầy đang ngủ. Chị đừng la lớn.

- Em đừng xạo! - Quỳnh Như cau mày - Ai lại ngủ vào giờ này!

Vừa nói Quỳnh Như vừa quay mình đi thẳng vào chỗ bàn học.

- Ê, ê! - Quỳnh dao hoảng hốt gọi giật - Hôm trước chị hứa gì với em, bộ chị quên rồi sao?

- Hứa gì?

- Hứa khi em ngồi học, chị không lên nhà trên!

- Nhưng lúc này em có đang ngồi học đâu!

Quỳnh Như nhún vai đáp và tiếp tục rảo bước.

Quỳnh Dao thấy mình đuối lý, chẳng biết làm gì hơn là lẽo đẽo chạy theo.

Thầy giáo Quý ròm ngồi nhấp nhổm trên cây, nhìn thấy hết mọi chuyện nhưng không biết làm sao cứu học trò mình, lòng nóng như lửa đốt.

Nó không dám tụt xuống, cũng không dám lên tiếng. Trong hoàn cảnh của nó bây giờ, bị nhà bên này hay nhà bên kia phát giác đều là tai họa.

Con quỷ con Quỳnh Dao nghịch ngợm, quậy phá không ai chịu nổi, đến mức mẹ nó định tống sang nhà ông cậu, cho nên Quý ròm mới xung phong nhận kèm. Bây giờ nếu phụ huynh Quỳnh Như biết được ông thầy không những không uốn nắn được học trò mà còn hào hứng nghe lời xúi bậy của học trò chui rào qua nhà hàng xóm hái trộm mận, chắc nó xỉu quá.

Nghĩ vậy nên Quý ròm đành nín thinh. Ðành đu mình trên cây, nhướn cổ nhìn vào trong nhà dò la động tĩnh hệt như Tôn Ngộ Không đang nấp ngoài cửa động sốt ruột nghe ngóng xem Tam Tạng sau khi bị bắt vào hang sẽ đối phó với yêu quái ra làm sao.

Sở dĩ Quý ròm nơm nớp như vậy bởi nó đánh giá tài ứng phó của học trò mình quá thấp. Nó quên rằng giữa hai chị em, con oắt Quỳnh Dao xem ra hợp với vai yêu quái hơn.

Vào đến nhà, Quỳnh Như hỏi ngay:

- Anh Quý ngủ đâu mà ngủ! Ảnh đi đâu rồi?

Yêu quái Quỳnh Dao vờ ngơ ngác:

- Lạ thật! Thầy Quý mới ở đây mà.

Rồi nó cụp mắt xuống:

- Vậy chắc thầy có chuyện phải về nhà rồi.

Quỳnh Như không nghĩ Quý ròm lại ra về sớm thế nhưng nó không tìm ra cách giải thích nào hợp lý hơn.

Ðang gật gật đầu định đồng ý với lời phóng đoán của nhỏ em, ánh mắt Quỳnh Như chợt bắt gặp chiếc xe đạp Quý ròm dựng ngoài cửa:

- Không phải đâu! Xe của anh Quý còn dựng kia kìa!

Phát hiện bất ngờ của bà chị khiến Quỳnh Dao thót bụng lại.

Cặp mắt nó lập tức đảo lia. Nhìn vào hai tròng mắt đang chuyển động một cách khác thường đó, nếu tinh ý như tác giả, Quỳnh Như sẽ biết ngay là con oắt đang tìm cách đánh lừa mình.

Nhưng Quỳnh Như không phải là tác giả, nên nó chả biết cóc gì cả. Khi con quỷ con làm bộ "à" lên:

- Em đoán ra rồi! Như vậy là thầy Quý ra ngoài đầu đường mua thứ gì đó.

Nó liền ngẩn ngơ hỏi lại:

- Thứ gì đó là thứ gì?

Quỳnh Dao hiền khô:

- Làm sao em biết được!

Rồi con oắt ranh mãnh xúi:

- Hay chị chạy ra kêu ảnh vô đi!

Sau khi dùng kế "điệu hổ ly sơn" đẩy bà chị ra khỏi nhà, Quỳnh Dao tí tởn quay đầu sang phía nhà hàng xóm, định kêu thầy mình tụt xuống.

Nhưng tiếng kêu chưa kịp thốt lên, Quỳnh Dao bỗng ngậm chặt miệng. À quên, nói ngậm chặt miệng là không đúng. Nó vẫn mở miệng, nhưng là để chuyển qua hát bài ca báo động:

- Trên cành cao chim hót mời em đi giữa mùa xuân...

Ấy là vì ngay lúc đó, nó nhác thấy thằng nhóc con nhà hàng xóm đang thấp thoáng ngoài vườn.

Nguồn: diendan.game.go.vn