Chương 5
Sáng hôm sau, Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh đến trường thật sớm. Sớm đến mức cổng trường vẫn còn đóng im ỉm, bên trong sân, bác bảo vệ còn đang xách ấm đi lấy nước về đun để pha cữ trà sáng.
Thế mà trước cổng trường, thằng Bá đã đứng đợi sẵn rồi. Nó tựa lưng vào bờ tường cạnh cổng, mắt nhìn hút về phía cuối con phố dẫn đến trường.
- Có tin gì mới hở mày? – Quý ròm hỏi ngay.
- Không!
Quý ròm tròn xoe mắt:
- Thế sao mày đi học sớm thế?
Bá chà tay lên mũi, lỏn lẻn:
- Tao cũng chả biết nữa. Không hiểu sao tao cứ nôn nao muốn gặp tụi mày.
Rồi nó ngập ngừng hỏi lại:
- Thế còn tụi mày? Sao giờ này tụi mày cũng đã có mặt ở đây rồi?
Quý ròm toét miệng cười:
- Tụi tao cũng giống như mày thôi! Không hiểu sao đứa nào cũng nôn nao muốn nhìn thấy mặt mày dễ sợ!
Nhỏ Hạnh nhíu mày:
- Hôm qua bọn bắt cóc không có liên lạc gì hở Bá?
- Không thấy gì cả! – Mẹ tôi bỏ một buổi hàng, suốt ngày ngồi nhà ôm cái máy điện thoại, nhưng chẳng có ai gọi lại.
Bá chớp chớp mắt:
- Tôi thấy lo quá hà!
- Lo làm quái gì cho mệt! – Tiểu Long vỗ vai Bá – Hôm qua không gọi thì hôm nay chúng sẽ gọi. Chúng giữ rịt em mày đâu có ích lợi gì!
Tiểu Long nói bừa mà trúng phóc.
Chiều hôm đó, dì Năm ra chợ về, vừa bước vào nhà đã thấy một lá thư nhét trong khe cửa, đúng ở vị trí dì phát hiện lá thư lần trước.
Như bị điện giật, mắt dì chớp lia chớp lịa. Dì những muốn chạy ngay lại chỗ lá thư nhưng chân cẳng cứ quíu lại.
Ngay cả khi cầm lá thư lên, những ngón tay dì cũng cử động rất khó khăn, thực tình dì không hiểu mình đang lo hay đang mừng.
Cũng như lá thư trước, lá thư này vẫn không có một dòng nào ngoài bì. Bên trong vẫn là một tờ giấy học trò xé tư, chạy loằng ngoằng mấy dòng chữ: “Đúng bảy giờ tối mai, đem mười triệu đồng đến Công viên Tao Đàng, vào cổng Cách Mạng Tháng Tám. Ở chiếc ghế đá thứ sáu tính từ ngoài vào có một cái lu bể. Bỏ tiền vào đó rồi rút ngay, sẽ có người đến nhận. Làm y lời, con của ông bà sẽ trở về an toàn. Nếu để lộ chuyện, đừng trách!”.
Dì Năm nắm chặt lá thư, có cảm giác những con chữ đang phập phồng trong lòng bàn tay. Lần này thì dì biết rõ lòng dì đang khấp khởi vui mừng. Mười triệu đồng đối với một người buôn bán như dì không phải là món tiền quá sức. Dì nhất định sẽ làm y theo lời dặn của bọn bắt cóc. Thế là thằng Triều sắp trở về. Ý nghĩ đó đốt nóng trái tim dì và trong khoảnh khắc đó dì cảm thấy rất rõ má dì đang ươn ướt.
Những lúc như thế này dì rất cần có người bên cạnh để chia sẻ nhưng trong nhà lại chẳng có ai. Thằng Bá đi học thêm còn dượng Năm thì bỏ đi đâu mất. Chắc dượng lại đang ngồi tì tì bên chiếu rượu. Dì Năm bực bội nghĩ. Hôm qua, dì phải ở nhà từ sáng đến tối để chờ tin tức của bọn bắt cóc một cách vô ích. Hôm nay, trước khi ra chợ, dì cẩn thận dặn dượng Năm đừng đi đâu. Dượng phải ở nhà, phòng bọn kia gọi tới. Dượng Năm hùng hổ gật đầu, nhưng theo như những gì đang nhìn thấy trước mắt thì dì biết chắc là sau khi dì ra khỏi nhà, dượng Năm cũng tức tốc chuồn đi. May mà bọn bắt cóc có vẻ thích chơi trò nhét thư vào khe cửa. Nếu không dì sẽ chẳng biết được bọn chúng muốn gì.
Quả như dì Năm nghĩ, khi dượng Năm trở về nhà thì người đặt chân qua ngưỡng cửa kia là một hình nhân chếch choáng, xiêu vẹo chứ không phải là ông chồng tỉnh táo mà dì trông thấy ban sáng.
Dì Năm giận đến mức mắt dì lạnh tanh. Dì giúi lá thư vào tay dượng:
- Đọc đi nè! Con bị đem đi, ông chẳng lo, chỉ lo nhậu nhẹt! Thật tệ quá!
Dượng Năm dí sát lá thư vào cặp mắt kèm nhèm. Rồi dượng cất giọng lè nhè, và đưa ra cái lý luận lạ đời đến nỗi dì Năm phải đưa tay bị tai lại:
- Hề hề, bà phải biểu dương tôi mới đúng! Tôi mà không ra khỏi cửa, còn khuya bọn chúng mới dám nhét thư vô khe cửa.
Bá bước vào nhà giữa lúc ba mẹ nó đang cự nhau.
Nghe thoáng qua câu chuyện, nó đã nhanh chóng nắm bắt được sự việc. Thế là bọn bắt cóc đã đưa tin đến. Hóa ra mục đích của bọn chúng là tống tiền.
Bá thở một hơi dài, đi luôn vào phòng trong. Nó không biết chính xác mình đang nghĩ gì, có hàng chục cảm giác khác nhau đang nhộn nhạo trong lòng nó. Lúc này, Bá chỉ rõ một điều: Nó muốn gặp lại bọn Quý ròm càng sớm càng tốt. Có những chuyện người ta không thể giữ một mình. Cũng như có những tâm sự người ta không thể ấp ủ một cách đơn độc.
Trong bữa cơm tối, Bá rụt rè hỏi mẹ:
- Bọn chúng bắt chúng ta nộp tiền chuộc vào tối mai hở mẹ?
- Ừ.
- Thế nhà ta có nộp không?
- Dĩ nhiên là phải nộp con à! – Dì Năm hắng giọng đáp, rồi dì ngước lên, nhìn thẳng vào mắt con trai và nói nhanh như để ngăn ngừa một sự phản đối – Tiền bạc dẫu sao cũng không thể quý bằng tính mạng của em con được.
Bá cúi đầu, rũ tóc lên chén cơm, lí nhí:
- Con cũng nghĩ vậy.
Quanh bàn ăn có tất cả ba người. Nhưng trước sau chỉ có hai người đối đáp. Dượng Năm lặng lẽ nhai cơm, không thốt một tiếng nào. Không phải dượng không muốn tham gia câu chuyện, nhưng khổ nỗi, đề tài này quá gai góc đối với dượng, vì nó liên quan đến tiền bạc. Với một người chồng thất nghiệp, sống nhờ vào đồng ra đồng vào của vợ, thì tiền bạc là đề tài không nên dây vào, càng không nên có ý kiến về việc sử dụng đồng tiền ra sao. Dượng nghĩ vậy, nên chỉ ngồi nghe, không đến nỗi bàng quan nhưng cũng là xa cách lắm. Tất nhiên, thỉnh thoảng dượng có ngước mắt lên nhưng thật khó mà nói lúc đó cặp mặt của dượng đang nhìn đi đâu.
Nói cho đúng ra, trước đây dượng Năm cũng có công ăn việc làm. Dượng giữ chân thủ kho ở một công ty vật tư. Nhưng dượng chỉ làm ở đó một thời gian, cho đến ngày người ta bắt gặp dượng nằm ngáy khò khò bên đống vỏ chai lăn lóc, với cánh cửa kho mở toang hoác. Rồi dượng lại xin được việc ở một chỗ khác. Rồi vẫn với sự trợ giúp tích cực của hơi men, dượng lại tiếp tục để ông sếp mới bắt gặp dượng trong một tình trạng mà ông ta không thể nhận ra dượng, còn dượng thì đương nhiên không nhận ra ông ta. Khi hai người làm cùng cơ quan không nhận ra nhau thì rõ ràng cách tốt nhất là tổ chức linh đình một bữa tiệc chia tay, và một khi ông sếp cơ quan không thể ra đi vì trách nhiệm trên vai quá lớn thì người lủi thủi bước ra khỏi cổng phải là dượng.
Sau đó, dượng Năm còn kiếm được vài chỗ làm nữa nhưng cũng như những lần trước, dượng nhanh chóng rơi ra khỏi chỗ làm với vẻ mặt hầm hầm. “Không có công việc nào trên đời này hợp với tôi”, cuối cùng, từ những thất bại dắt díu nhau đến với dượng, dượng tìm ra ngay lý do và tuyên bố điều đó với vẻ quả quyết và không kém phần hả hê của một kẻ tìm ra chân lý, trong khi dì Năm cho rằng dượng không hợp với bất cứ công việc nào là một lập luận dễ tin hơn.
Vì những lẽ đó mà lúc này dượng mặc dì Năm và thằng Bá bàn tính chuyện chuộc thằng Triều. Dượng dán mình trên ghế, yên lặng và trệu trạo nhai cơm.
Có vẻ như dượng sẽ im như thóc suốt bữa ăn. Nhưng khi nghe thằng Bá hỏi:
- Thế tối mai ai sẽ đem tiền đến công viên Tao Đàn hở mẹ?
Và dì Năm đáp:
- Mẹ chứ ai.
Thì dượng bất chợt gầm lên:
- Không được! Bà không đi được!
Trong khi Bá tròn mắt ngạc nhiên thì dì Năm quay sang chồng:
- Sao thế hở ông?
- Đây là chuyện nguy hiểm! Phụ nữ và trẻ con như bà và thằng Bá không thể làm chuyện này được.
Dì Năm chau mày:
- Thế ông sẽ tự tay đem tiền đi à?
- Chính tôi sẽ đi đến đó! – Dượng Năm đập tay lên ngực, đã lâu lắm rồi dượng mới có được cử chỉ kiêu hãnh đó, có lẽ dượng cho rằng trong hoàn cảnh nguy nan này, so với người góp của thì kẻ góp công xứng mặt anh hùng hơn nhiều – Tôi sẽ trực tiếp đương đầu với bọn bắt cóc, nếu như bọn chúng định giở trò.
Bá nuốt nước bọt:
- Con nghĩ bọn chúng sẽ không làm gì mình đâu!
- Con biết gì mà nói! – Dượng Năm quắc mắt – Chúng ta làm sao lường được bụng dạ bọn xấu đó!
Câu nói của dượng Năm làm thằng Bá đâm lo. Ừ há, biết đâu bọn bắt cóc chẳng còn âm mưu gì khác. Trong trường hợp này, không thể lấy bụng ta suy ra bụng người được. Bụng dạ bọn chúng chắc là thâm hiểm lắm!
Đêm đó, Bá thao thức mãi mới dỗ giấc được. Sáng sớm hôm sau, nó leo xuống giường thật lẹ, vọt ra sau nhà rửa mặt qua loa rồi lật đật chạy lên quơ vội quơ vàng tập vở nhét vào cặp. Bá sốt ruột đến mức không thể bình tĩnh ngồi ăn sáng như thường lệ. Nó chỉ kịp cầm lấy ổ bánh mình trên bàn tuồn vội vào túi quần rồi ba chân bốn cẳng phóng ra đường.
Bọn Quý ròm đang ngồi trước cổng trường, thấy Bá hớt hơ hớt hải chạy đến, liền đứng bật cả dậy.
Không đợi các bạn kịp hỏi, từ đằng xa Bá đã hổn hễn nói:
- Có tin rồi!
Quý ròm nín thở:
- Bọn bắt cóc gọi điện tới hả?
- Không! – Bá lắc đầu – Bọn chúng nhét thư vào khe cửa như lần trước.
Vừa phập phồng thở Bá vừa bồn chồn thuật lại những gì xảy ra ở nhà nó vào tối hôm qua.
- Tốt! – Nghe xong, mắt Quý ròm sáng lên – Như vậy bọn chúng đã có động tĩnh rồi!
Nhỏ Hạnh gật gù phụ họa:
- Bây giờ bọn chúng ở ngoài sáng còn tụi mình ở trong tối.
Bá liếm cặp môi khô rang:
- Mấy bạn định làm gì?
Quý ròm chém tay vào không khí:
- Theo dõi và tìm ra sào huyệt của bọn chúng chứ làm gì!
Tiểu Long hào hứng bổ sung thêm:
- Tối nay, tụi này sẽ mai phục ở công viên Tao Đàn.
Bá giật thót:
- Í, không được đâu!
- Sao không được? – Quý ròm hỏi lại.
Bá không giấu vẻ lo lắng:
- Nếu bọn chúng biết được tụi mày theo dõi, tính mạng em tao sẽ không an toàn.
Nhỏ Hạnh lên tiếng trấn an:
- Làm sao biết được! Công viên là chỗ dạo chơi, tụi này chỉ vờ đi thơ thẩn loanh quanh chỗ đó thôi, chẳng làm gì để chúng nghi ngờ cả.
Quý ròm đặt tay lên vai Bá:
- Mày yên tâm đi. Bọn chúng chỉ đề phòng công an thôi. Lóc chóc như tụi tao, bọn chúng chẳng để ý đâu.
Nghe tụi bạn “thuyết” một hồi, Bá cảm thấy bùi tai:
- Cũng được!
Rồi nó cẩn thận dặn:
- Nhưng tụi mày phải tuyệt đối không được lộ tông tích đấy nhé!
Quý ròm hừ mũi:
- Sao mày lo xa quá vậy! Nếu tụi tao dại dột để lộ tông tích, thì chính tụi tao gặp nguy hiểm trước tiên chứ chưa đến lượt em mày đâu.
Lý lẽ của Quý ròm giúp Bá nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Ừ nhỉ, rình rập bọn bắt cóc là một việc vô cùng nguy hiểm, có thể bị trừ khử như chơi, bọn Quý ròm tất nhiên phải đề cao cảnh giác.
Nhưng Bá chỉ yên tâm được có hai tiếng đồng hồ. Tới giờ ra chơi, đang đá cầu với bọn Quý ròm, tình cờ ngó ra đường, nó bỗng rùng mình như thể thấy ma. Sát bên ngoài hàng rào, một người đàn ông mang kiếng đen với bông hồng trắng thêu trước ngực áo đang chăm chú nhìn vào chỗ tụi nó đang chơi.
Bá chưa trông thấy người đàn ông này lần nào, nhưng qua những gì nhỏ Hạnh mô tả hôm trước, nó biết ngay đó là một tên trong bọn bắt cóc vẫn thường lén lút theo dõi mình.
Thấy Bá để rơi quả cầu không buồn nhặt lên, mắt lại nhìn đi đâu ngoài phố, mặt đờ ra, Tiểu Long ngạc nhiên hỏi:
- Nhìn gì thế hở mày?
- Hắn … hắn …
Bá mấp máy môi, lưỡi quíu lại.
Bọn Quý ròm lập tức ngoảnh cổ theo hướng nhìn của Bá:
- Ai thế?
- Người đàn ông … mang … kiếng đen! – Bá lắp bắp như người mộng du.
Bọn Quý ròm căng mắt quan sát một lần nữa, vẫn chẳng thấy người đàn ông Bá nói đâu cả.
Quý ròm nhún vai:
- Có ai đâu! Chắc mày mơ ngủ quá hà!
- Tao thấy thật mà! Ông ta đứng ngoài hàng rào nhìn vô chỗ tụi mình.
Bá vừa nói vừa chớp chớp mắt, kinh ngạc nhận ra người đàn ông không còn ở chỗ cũ.
Nó buột miệng “ủa” một tiếng, vội vàng đưa tay lên dụi mắt. Nhưng tên bắt cóc đã biến mất như khói.
- Rõ ràng hắn vừa ở đây!
Bá hậm hực kêu lên và co giò phóng ra cổng.
- Bá! – Vừa chạy được mấu bước, nó đã nghe tiếng nhỏ Hạnh gọi giật – Quay lại đi!
Bá ngoảnh đầu lại, nhưng chân vẫn chôn tại chỗ. Mắt nó trố lên ra ý hỏi.
Nhỏ Hạnh đành phài bước về phía Bá:
- Nếu hắn cố tình tránh né, bạn không thể tìm thấy hắn đâu!
Cặp mắt thằng Bá càng mở to hơn nữa, lần này nó ngạc nhiên một cách sung sướng:
- Như vậy Hạnh tin tôi không mơ ngủ?
- Tất nhiên rồi! – Nhỏ Hạnh mỉm cười – Quý và Long không tin, nhưng Hạnh tin.
Bá không chờ đợi câu nói nào tốt đẹp hơn thế. Trong một thoáng, Bá quên phắt nỗi lo lắng trong lòng. Nó vênh mặt nhìn Quý ròm và Tiểu Long, đập hai tay vào nhau và reo lên bằng giọng đắc thắng:
- Thấy chưa!
Chương 6
Từ nhà Bá đi bộ đến công viên Tao Đàn mất khoảng nửa tiếng đồng hồ. Bọn bắt cóc hẹn bảy giờ. Có nghĩa là đúng sáu giờ rưỡi dượng Năm phải ra khỏi nhà.
Trước đó, dì Năm đã gói sẵn mười triệu đồng vào một tờ giấy báo, ràng dây thun bên ngoài rồi bỏ vào một túi nilông đưa cho dượng.
Dượng Năm cầm tiền với vẻ nhăn nhó. So với vẻ hùng hổ tối hôm qua, chiều nay làm như dượng không được tự tin lắm. Nhưng đừng nghĩ là dượng sợ hung hiểm. Dượng đâu có ngán gì bọ bắt cóc. Tối hôm qua, khi giành lấy nhiệm vụ đi giao tiền, dượng đã đập tay lên ngực mình và cái đập đó không phải là nhẹ. Khi người ta đập tay lên ngực đánh “bộp” như thế nghĩa là người ta đã quả quyết lắm.
Nhưng rõ ràng là bữa nay dượng hơi chùn. Nói chính xác thì dượng nhụt chí ngay từ bữa ăn trưa, lúc thằng Bá hí hửng thông báo là bọn Quý ròm sẽ lảng vảng quanh khu vực đó để truy lùng sào huyệt của bọn bắt cóc.
Vừa nghe Bá tiết lộ, dượng bàng hoàng đưa tay ôm lấy thái dương, cảm thấy đầu mình như muốn nổ tung ra:
- Trời ơi là trời! Con có điên không hở Bá?
Còn dì Năm thì suýt ngã lăn ra khỏi ghế. Và khi gượng lại được thì dì rên lên thảm thiết:
- Con muốn giết em con hở Bá?
Phản ứng của ba mẹ khiến mặt thằng Bá tái mét. Nó ấp úng:
- Con nghĩ … bọn chúng … không biết đâu!
Dượng Năm nghiến răng ken két. Dượng nhìn Bá như muốn ăn tươi nuốt sống thằng con ngốc nghếch:
- Hừ, con nghĩ! Cái đầu óc bé tí của con mà nghĩ được gì! Bọn chúng xuất quỷ nhập thần, vào ra nhà mình như chỗ không người, việc làm dại dột của con làm sao qua mắt được bọn chúng! Hừ, thật dại dột! Đúng là quá dại dột!
Mắt long lên, dượng càng nói càng hăng, có lúc tưởng như dượng sắp nhảy xổ vào Bá khiến thằng nhóc sợ đến rúm người lại.
Dì Năm không gầm gừ như dượng Năm, nhưng lời than vãn ai oán của dì lại làm thằng Bá khổ sở hơn:
- Quyết định một chuyện quan trọng như vậy đáng lẽ con phải hỏi ý kiến của ba mẹ chứ! Ai đời lại đem tính mạng của em mình ra đùa giỡn như thế này hở trời!
Bá kêu lên bứt rứt, tự nhiên nó thấy nó tội lỗi ngập đầu:
- Mẹ ơi, con không đùa giỡn! Con chỉ muốn bọn xấu phải bị tóm cổ thôi!
Dì Năm hỏi lại:
- Thế nhỡ chúng biết tụi bạn con theo dõi chúng thì sao?
- Con nghĩ …
- Chả cần nghĩ ngợi gì nữa sất! – Dượng Năm hừ giọng – Bây giờ con phải tìm cách liên lạc với tụi bạn con, bảo tụi nó tối nay ở nhà, không được léng phéng tới công viên Tao Đàn, rõ chưa?
Ngay lập tức, Bá chồm lại máy điện thoại, quay số của Quý ròm. Quý ròm không có nhà. Nó quay số của nhỏ Hạnh. Nhỏ Hạnh cũng đi vắng. Chỉ còn Tiểu Long, nhưng nhà thằng mập lại không mắc điện thoại. Thế là Bá đứng dậy xách xe đạp, chạy đi.
Nó đi cả buổi, rồi quay về, lắc đầu buồn bã:
- Con không gặp đứa nào hết.
Dượng Năm chán nản:
- Vậy là mệt rồi!
Lúc cầm bọc tiền đi ra, dượng thở đánh thượt:
- Đành phải phó thác cho số phận thôi!
Không biết có phải vì rốt cuộc đã không ngăn cản được bọn Quý ròm hay không mà dượng Năm đi đứng không được hào hứng lắm.
Dượng cứ tà tà bước, nửa tiếng đồ hồ sau đã đến công viên Tao Đàn, mé đường Cách Mạng Tháng Tám.
Dượng lọt qua cổng, ngoảnh đầu nhìn tứ phía, không rõ dượng định tìm xem bọn bắt cóc nấp ở đâu hay là tìm bọn Quý ròm.
Nhưng dĩ nhiên là dượng chẳng nhìn thấy bất cứ ai. Trong khi bọn Quý ròm trông thấy dượng rõ mồn một. Ngay từ khi dượng vừa bước vào cổng, bọn nhóc đã phát hiện ra rồi.
Chúng thấy dượng bước vào, quay đầu nhìn quanh rồi lững thững đi men theo con đường rải sỏi có kê một dãy ghế đá dọc hàng rào cây xanh.
Ở chiếc ghế đá thứ sáu tính từ ngoài vào, quả nhiên có một cái lu bể nằm sát chân ghế.
Dượng Năm bỏ bọc tiền vào lu, rồi sau khi đảo mắt nhìn quanh một lần nữa, dượng nhún vai, ra về theo con đường cũ.
Quý ròm huých khuỷu tay vào hông Tiểu Long:
- Bây giờ mới tới hồi quan trọng đây!
Ba đứa lúc này đang ngồi uống nước trong một căn nhà tròn kế đó, mắt chăm chăm nhìn ra chỗ cái lu.
Tiểu Long mím môi:
- Yên chí đi! Hễ chúng xuất hiện là bọn mình bám theo liền.
Nhỏ Hạnh khua muỗng vào thành ly làm phát ra những tiếng lanh canh:
- Bọn mình không được chủ quan. Chúng mà phát hiện ra bọn mình là chúng không để yên đâu!
Bọn trẻ vừa trò chuyện vừa dán mắt vào người qua kẻ lại trên con đường rải sỏi, ngạc nhiên thấy đã chục phút trôi qua kể từ khi dượng Năm bỏ tiền vào lu mà vẫn chưa có ai đến lấy. Từ nãy đến giờ có tới năm, sáu người đi ngang qua chỗ cái lu nhưng chẳng có ai dừng lại.
- Sao thế nhỉ? – Tiểu Long sốt ruột thì thầm – Hay là bọn chúng đã đánh hơi được điều gì?
- Không có đâu! – Nhỏ Hạnh trấn an – Có lẽ bọn chúng đợi ba bạn Bá đi xa thật xa mới dám ló mặt ra!
Bọn Quý ròm lại nhấp nhổm ngồi đợi thêm một lúc và cho tới khi cả bọn biết chắc ba thằng Bá đã đi xa lắc xa lơ rồi, vẫn chẳng thấy tên bắt cóc nào mò đến chỗ cái lu bể.
- Lạ thật!
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi, lẩm bẩm. Rồi dường như để cho cái sự lạ đó lạ hơn nữa, tiếng thằng Bá đột ngột vang lên:
- Quý ròm ơi, Tiểu Long ơi, Hạnh ơi! Mấy bạn ở đâu thế?
Tiếng kêu oang oang của Bá khiến bọn Quý ròm giật bắn.
Ba đứa ngoảnh ra, thấy Bá từ ngoài cổng lò dò đi vào, đang quay đầu dòm dáo dác.
- Trời đất! – Tiểu Long nhăn nhó – Thằng này mò đến đây chi vậy kìa?
Quý ròm bứt tai:
- Nó bô bô như thế thì còn gì là bí mật nữa hở trời!
Thằng Bá làm như chẳng biết tụi bạn đang chửi nó tơi tả, cứ đi hai ba bước lại ngoác mồm kêu rống lên.
Bá kêu chừng vài lần chân đã đến chỗ cái lu bể. Thế là nó thò tay vô lu, khoắng một cái và lôi bọc tiền ra.
Tới nước này thì bọn Quý ròm không thể án binh bất động được nữa.
Ba đứa nhảy phóc mấy cái đã đến cạnh thằng Bá.
Quý ròm hừ mũi:
- Mày làm trò gì vậy?
Bá ngoảnh lại, thấy ba đứa bạn xuất hiện đông đủ, liền cười hì hì:
- Thế mà tao tưởng tụi mày về rồi chứ.
Tiểu Long nhíu mày:
- Mày moi gói tiền ra chi vậy? Tụi tao đang chờ bọn kia đến lấy mà.
Bá lắc đầu:
- Bọn chúng không đến đâu.
Nhỏ Hạnh ngạc nhiên:
- Sao Bá biết?
- Khi ba tôi cầm tiền đi được khoảng hai mươi phút, mẹ tôi bỗng nhặt được một lá thư nằm ngay trước cửa …
- Thư của bọn bắt cóc? – Nhỏ Hạnh kêu lên.
- Ừ.
- Bọn chúng viết gì thế?
Mặt Bá méo xệch:
- Bọn chúng bảo địa điểm và thời gian giao tiền đã bị lộ và có người theo dõi nên bọn chúng hủy bỏ và sẽ có thông báo mới.
Tiết lộ của Bá khiến bọn Quý ròm tự dưng không rét mà run.
Lâu thật lâu, Quý ròm mới quay sang nhỏ Hạnh, mặt mày căng thẳng:
- Làm sao bọn chúng biết được hở Hạnh?
- Hạnh cũng không rõ! – Nhỏ Hạnh lắc đầu, giọng không giấu vẻ hoang mang.
- Đúng rồi! – Tiểu Long thình lình kêu lên, nó đấm hai tay vào nhau – Người đàn ông mang kiếng đen!
Nhắc nhở của Tiểu Long khiến ba đứa bạn tròn mắt nhìn nhau.
- Tiểu Long nói đúng! – Quý ròm thở hắt ra – Chính hắn ta đã nắm được mối quan hệ giữa thằng Bá với tụi mình.
Bá cắn môi:
- Nhưng dù nhìn thấy chúng ta đi chung với nhau, hắn cũng không thể biết được các bạn sẽ mai phục ở công viên …
- Hắn không biết chắc nhưng hắn có thể suy đoán! – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, tặc lưỡi đáp.
Quý ròm nhanh nhẩu tiếp lời:
- Và để cho an toàn, hắn đã hủy bỏ cuộc hẹn tối nay.
Nhỏ Hạnh đập tay lên trán:
- Không sao! Chúng ta sẽ theo dõi chúng bằng cách khác …
- Thôi, thôi, các bạn đừng nhúng tay vào chuyện này nữa! – Bá giãy nảy – Bọn bắt cóc đã đe rồi, lần đầu chúng chỉ cảnh cáo, nhưng lần thứ hai chúng sẽ không để yên.
- Nhưng bọn mình chỉ …
- Tôi nói không là không! – Bá kêu lên bằng giọng kiên quyết, có lẽ những lời hăm dọa mới nhất của bọn bắt cóc đã làm nó sợ hãi.
Nhỏ Hạnh nháy mắt với Quý ròm và Tiểu Long, rồi quay sang bá, mỉm cười:
- Ừ, nếu Bá không muốn thì thôi!
Nguồn: diendan.game.go.vn