Chương 9
Lúc này kim đồng hồ trên tay Quý ròm đã chỉ sang con số một. Mặt trời thôi đứng ngay giữa đỉnh đầu, đổ chiếc bóng ngắn ngủn của hai đứa trẻ xuống vỉa hè.
Tiểu Long và Quý ròm lững thững đi dọc lề đường. Tiểu Long là đứa mau đói, gặp ngày khác chắc nó đã kêu trời như bộng rồi. Nhưng bữa nay không có chút gì giống như vậy. Bữa nay nó quên bẵng đã quá giờ ăn trưa mà nó vẫn chưa có gì vào bụng. Chẳng qua do đầu óc nó rối rắm quá.
Tiểu Long ơ hờ đạp chân lên chiếc bóng của mình, miệng cảm khái:
- Thật tao chẳng hiểu ra làm sao!
Quý ròm rầu rầu xác nhận:
- Tao cũng thế.
Như được khuyến khích, Tiểu Long ca cẩm tiếp:
- Thế là tụi mình công toi. Bọn bắt cóc mặc sức hoành hành.
Lần này thì Quý ròm phản đối:
- Không thể nói vậy được! Dù sao tụi mình cũng giúp thằng Bá tìm lại được em nó.
- Tao chẳng hiểu ra làm sao cả! – Tiểu Long lặp lại câu nói khi nãy, lần này vừa than nó vừa bứt tai – Tại sao mẹ thằng Bá lại dễ dãi với bọn bắt cóc như thế? Phải để công an vào tóm cổ hết bọn chúng chứ!
Quý ròm cũng đang ở trong tâm trạng giống như bạn. Cho nên Tiểu Long bứt tai thì nó vò đầu:
- Ừ, khoan hồng như vậy không đúng chỗ chút nào.
Tiểu Long nhìn mái tóc rối bù của bạn, giọng băn khoăn:
- Chả rõ mẹ thằng Bá có nộp cho bọn chúng mười triệu không há!
- Tao nghĩ là có! – Quý ròm tặc lưỡi đáp – Tao nghĩ hai bên đã thỏa thuận với nhau để cho mọi chuyện êm xuôi!
Tiểu Long đấm hai tay vào nhau:
- Tức thật! Việc gì phải nhân nhượng kia chứ. Bọn mình đã lần ra hang ổ của bọn chúng rồi mà!
Quý ròm cũng tức tối không thua gì Tiểu Long. Nó cũng muốn đấm hai tay vào nhau như thế lắm. Nhưng sợ đau tay nên rốt cuộc nó cố tìm một lý lẽ để giúp cho sự tức tối trong lòng dịu xuống:
- Người mẹ nào cũng thế thôi. Cũng chẳng muốn làm om sòm rắc rối. Chỉ cốt sao cứu được con mình.
Thấy Quý ròm đem tình mẫu tử ra làm bằng chứng, Tiểu Long hết ham nói tới nói lui. Nó nghiến răng ken két:
- Đợi cho thằng Triều về nhà an toàn rồi, tụi mình sẽ đến đồn công an trình rõ sự việc.
- Chẳng ăn thua gì đâu! – Quý ròm nhếch môi – Ngay trưa nay, bọn chúng đã cao chạy xa bay rồi.
Hai đứa vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc đã đến ngã ba Cây Điệp.
Tiểu Long vẫy tay:
- Tạm biệt nhé!
Nhưng Quý ròm chẳng có vẻ gì muốn tạm biệt. Nó vẫn đứng trơ giữa đường, cặp lông mày nhíu lại:
- Gượm đã!
- Gì thế?
Quý ròm khoát tay:
- Tao và mày khoan về nhà vội.
Tiểu Long nhướn mắt:
- Quay lại khách sạn Hoa Hồng hả?
Quý ròm lắc đầu:
- Không! Bây giờ tụi mình đến nhà nhỏ Hạnh lấy cặp. Rồi hỏi ý kiến nó về vụ này xem sao!
Tiểu Long nhăn nhó sờ tay lên bụng, bây giờ nó chợt nhận ra bao tử nó đang lép kẹp:
- Tao chưa ăn gì cả!
Quý ròm kéo tay bạn:
- Mày cứ đi với tao! Nhà nhỏ Hạnh chắc là vẫn còn thứ gì đó cho mày bỏ vào bụng.
Nhỏ Hạnh đón tiếp hai bạn bằng ánh mắt thăm dò kèo theo câu hỏi cụt ngủn:
- Ra sao rồi?
Câu trả lời của Tiểu Long còn tệ hơn sự cụt ngủn. Nó đau khổ chỉ tay vào bụng, không nói một tiếng nào.
Nhỏ Hạnh nhìn theo tay chỉ của thằng mập, giọng thấp thỏm:
- Long bị tên bắt cóc thoi vào be sườn hả?
- Nó chưa ăn trưa!
Thấy nhỏ Hạnh lộ vẻ lo lắng, Quý ròm đã vội lên tiếng giải thích.
Năm phút sau, ba đứa đã ngồi quanh mâm cơm bày trên căn gác gỗ. Dưới nhà có phòng ăn rộng rãi, nhưng muốn trò chuyện kín đáo nên bọn trẻ quyết định bê mâm cơm lên phòng học của nhỏ Hạnh.
Nói ba đứa ngồi quanh mâm cơm là nói về vị trí địa lý, nói cho xôm. Chứ ăn thì chỉ một mình Tiểu Long ăn. Còn Quý ròm và nhỏ Hạnh chẳng hề rớ tới chén đũa. Một là chúng đã ăn rồi, hai là lúc này một đứa đang lo nói, một đứa đang lo nghe.
Đứa say sưa nói là Quý ròm, đứa say sưa nghe là nhỏ Hạnh. Còn Tiểu Long vừa nhai nhồm nhoàm vừa thỉnh thoảng thêm mắm dặm muối vào câu chuyện ly kỳ Quý ròm đang thuật lại.
Nhỏ Hạnh ngồi im nghe, không nói một tiếng nào, chỉ có đôi mắt sau tròng kính chớp lia chớp lịa.
Quý ròm kể xong, ngước nhìn cô bạn gái, hồi hộp chờ một lời giải thích thông minh.
Nhưng nhỏ Hạnh chẳng giải thích gì cả. Nó đẩy gọng kính trên sống mũi và nói có một câu, lại là cái câu mà Quý ròm và Tiểu Long đã nói đến thuộc lòng:
- Hạnh chẳng hiểu ra làm sao cả!
Quý ròm méo xệch miệng:
- Hạnh không phát hiện ra điều gì đáng ngờ trong câu chuyện này sao?
- Đáng ngờ thì có! – Nhỏ Hạnh thủng thỉnh đáp – Chẳng hạn khi giải thoát được thằng nhóc Triều, theo lẽ thông thường mẹ bạn Bá phải cuống quít dẫn con về ngay. Đằng này, cô ấy vẫn để con mình ở lại chỗ bọn bắt cóc, cả Bá cũng ở lại đó. Cách xử sự như thế, theo Hạnh là không bình thường.
- Đúng rồi! – Tiểu Long reo lên – Tôi vẫn cảm giác có điều gì đó không ổn trong chuyện này nhưng không rõ đó là chuyện gì. Bây giờ Hạnh nói, tôi mới biết.
Tiểu Long gục gặc đầu:
- Hèn gì cứ thấy là lạ thế nào!
Quý ròm gãi cằm:
- Thế bây giờ tụi mình phải làm sao?
- Phải gặp bạn Bá! – Nhỏ Hạnh lắc mái tóc – Trước tiên, tụi mình cần phải biết chính xác chuyện gì đã xảy ra trong khách sạn!
Nhỏ Hạnh là đứa ăn mắm ăn muối. Nên nó nói đâu có đó. Nó vừa nhắc tới thằng Bá thì tiếng thằng Bá đã oang oang trước cửa:
- Hạnh ơi, Hạnh có nhà không?
Ba đứa trẻ vội vã xô nhau xuống cầu thang, không đợi thằng Bá kêu đến lần thứ hai.
Quý ròm phóc đến chỗ cửa lưới trước tiên, giọng hấp tấp:
- Gì thế hở mày?
- Mở cửa tao vô đi!
Vừa đặt chân vô nhà, Bá lôi từ trong túi một tờ giấy, chìa ra:
- Tụi mày đọc đi!
Quý ròm giật lấy tờ giấy, chúi mũi đọc. Ở bên cạnh, Tiểu Long và nhỏ Hạnh cũng chụm đầu dán mắt vào tờ giấy trên tay bạn.
Đập vào mắt bọn trẻ là những dòng chữ quen quen: “Tám giờ tối mai, đem mười triệu đến quán cà phê Bụi ở cạnh hồ Con Rùa, đặt trên chiếc bàn trong cùng bên phải, rồi lập tức ra về. Làm y lời, con của ông bà sẽ có mặt ở nhà ngay sau đó. Lần này, nếu để lộ chuyện, hãy nói lời vĩnh biệt với con mình là vừa!”.
Kiểu chữ quen thuộc viết trên mẩu giấy học trò quen thuộc, với cái giọng tống tiền na ná lá thư lần trước cho thấy đây là sản phẩm của bọn bắt cóc. Điều đó khiến bọn Quý ròm giương mắt nhìn nhau đầy kinh dị.
- Ở đâu ra lá thư này thế? – Tiểu Long ngơ ngác hỏi.
- Ở nhà tao. Vẫn trong kẹt cửa như mọi lần! – Bá khụt khịt mũi – Khi nãy, vừa về đến nhà, lượm được lá thư này, tao chạy ngay đến nhà Quý ròm. Rồi đến nhà mày. Chẳng thấy đứa nào về, tao đoán tụi mày ghé đây.
- Nhưng mày đem lá thư này đến đây làm gì? – Quý ròm nhìn Bá bằng ánh mắt lạ lùng, trong một thoáng nó nghi đầu óc thằng này chắc đang gặp chuyện gì trục trặc. Ừ, dám lắm, Quý ròm lo lắng nhủ bụng, gặp chuyện căng thẳng, rắc rối suốt mấy ngày liên tiếp như thế, đâu phải thần kinh ai cũng chịu đựng nổi.
Bá có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi vặn của bạn:
- Sao mày lại nói thế?
- Không nói thế thì tao nói gì bây giờ! – Giọng Quý ròm nhốm bực bội – Thằng Triều đã về nhà rồi thì lá thư này đâu còn giá trị gì nữa! Tại sao mày không vứt quách nó vào thùng rác, lại đem đến đây?
Tới phiên thằng Bá giương mắt ếch:
- Ai bảo mày thằng Triều đã về nhà?
Quý ròm nhún vai:
- Nó về nhà hay nó còn ở đằng khách sạn thì cũng thế thôi!
- Đằng khách sạn nào?
- Bá ơi là Bá! – Quý ròm bứt tóc, ngay trong lúc đó nó chợt nhận ra chính cái đầu của nó chứ không phải của thằng bạn ngớ ngẩn đang đứng trước mặt nó sắp sửa nổ tung – Sao mày lẩm cẩm thế hở Bá? Chẳng phải hồi trưa chính thằng Tiểu Long chạy về nhà mày kêu mẹ con mày đến khách sạn Hoa Hồng để gặp thằng Triều đó sao?
- À, – Bá đưa tay gãi đầu, lỏn lẻn – tao quên nói với tụi mày. Thằng nhỏ tao gặp trong khách sạn Hoa Hồng không phải là thằng Triều.
Tiết lộ của Bá khiến bọn Quý ròm chưng hửng. Lúc này, nếu có một chiếc đĩa bay đáp ngay chốc xuống trước mặt chắc tụi nó cũng không thể sửng sốt hơn.
Tiểu Long há hốc miệng:
- Không phải thằng Triều hở?
Bá lắc đầu:
- Không.
Quý ròm có tất cả là hai cái tai, nhưng lúc này quả tình là nó không tin được cái tai nào. Cho nên cặp lông mày nó nhíu sát vào nhau:
- Thế sao mẹ mày bảo đó là em mày?
- Ừ, nó là em tao.
Xưa nay, bọn Quý ròm đều biết Bá không phải là đứa ưa đùa cợt. Nhưng lúc này tụi nó lại không thể quả quyết được điều đó.
- Tụi tao hỏi thật mà mày lại giỡn! – Quý ròm gầm gừ, vẻ bất bình.
- Tao đâu có giỡn! – Bá nhăn nhó – Thằng đó là em tao thật mà.
Quý ròm nghiến răng ken két:
- Ngoài thằng Triều ra, mày làm gì còn đứa em nào nữa!
Bá chớp mắt, ngập ngừng:
- Tao với thằng nhỏ đó là anh em … cùng cha khác mẹ.
Tiểu Long kinh ngạc:
- Vậy là ba mày có tới hai vợ?
- Ừ.
- Thôi chết rồi! – Quý ròm bỗng ôm đầu, lo lắng – Thế là tụi tao vô tình dẫn đường cho mẹ mày tới đụng độ với …
Bá cắt ngang sự áy náy của thằng ròm:
- Ba mẹ tao chia tay lâu rồi.
- Mày nói gì thế? – Tiểu Long giật thót – Tao thấy ba mày vẫn ở chung nhà với mẹ con mày kia mà.
Bá cụp mắt xuống và câu trả lời của nó nghe như một tiếng thở dài:
- Người đó không phải là ba ruột của tao. Ba của tao chính là … là …
Nhỏ Hạnh từ nãy đến giờ đứng cạnh không nói gì, nay thấy Bá có vẻ bối rối, liền nhỏ nhẹ đỡ lời:
- Hạnh biết rồi. Ba ruột của bạn chính là người đàn ông mang kiếng đen vẫn theo dõi bạn phải không?
Chương 10
Khi thằng Bá vừa tròn một tuổi thì ba nó bỏ mẹ con nó để đi theo một người đàn bà khác. Cả bên nội lẫn bên ngoại đều phản đối quyết liệt, nhưng ba nó vẫn một mực làm theo ý mình. Trong một đêm mưa gió, ông lặng lẽ bỏ nhà ra đi.
Mẹ nó giận ba, giận luôn bên nội, cương quyết cắt đứt mọi quan hệ, không cho gia đình chồng nhìn cháu.
Bá lên hai tuổi, mẹ nó ẵm nó rời làng lên thành phố lập nghiệp. Rồi mẹ nó gặp dượng Năm, tức là ba thằng Triều sau này.
Dượng Năm thương yêu Bá như con đẻ. Và cả hai vợ chồng quyết định không cho Bá biết gì về thân phận của nó. Lớn lên, Bá coi dượng Năm như ba ruột, chẳng thắc mắc mảy may.
Và cuộc đời Bá sẽ mãi mãi trôi qua như thế nếu những ngày gần đây ba nó không đi tìm nó.
Chả là năm ngoái, bà nội Bá qua đời. Nguyện vọng trước khi nhắm mắt của bà là tìm lại cho được Bá, đứa cháu mà mỗi khi nghĩ đến, bà luôn luôn ray rứt. Ba nó lúc này cũng cảm thấy hối hận, nhưng ông không biết tông tích gì của hai mẹ con Bá. Phải mất gần một năm trời, ông mới tìm ra chỗ ở của hai mẹ con.
Thằng Bá thuật lại câu chuyện với giọng ngùi ngùi. Quý ròm, nhỏ Hạnh, Tiểu Long nghệt mặt nghe, thấy lòng bâng khuâng quá đỗi.
Mãi một lúc, Tiểu Long mới mở miệng:
- Thế ba mày làm gì trong khách sạn Hoa Hồng vậy?
- Khách sạn đó là của ba tao! – Bá gãi đầu – Ba tao là giám đốc.
Bá tiết lộ:
- Ba tao xây khách sạn đó lâu rồi. Hồi trước nó có tên là Phương Đông. Khi bà tao mất, ba tao mới đổi tên thành Hoa Hồng.
- Ngộ quá há! – Tiểu Long chớp mắt – Tự nhiên lại đổi tên.
- Không phải tự nhiên đâu! – Bá giải thích – Lễ Vu Lan năm ngoái, ba tao đi chùa cầu siêu cho bà tao. Biết ba tao vừa mất mẹ, một anh nọ gắn cho ba tao một bông hồng trắng trên ngực áo …
- Hạnh hiểu rồi! – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi – Vu Lan là mùa báo hiếu. Các thanh niên phật tử thường gắn bông hồng đỏ cho những người còn mẹ và bông hồng trắng cho những người mất mẹ.
Quý ròm vỗ đùi đen đét:
- Hèn gì nhân viên trong khách sạn của ba mày người thì thêu bông đỏ người thì thêu bông trắng trước ngực! Hóa ra đó là sáng kiến của ba mày! Thế mà tao và Tiểu Long cứ tưởng …
Đang hào hứng, suýt một chút nữa Quý ròm đã khai huỵch toẹt những nghi ngờ trong đầu, may mà đến phút chót nó tốp lại kịp.
Nhưng Bá không phải là đứa khù khờ. Nó nheo mắt nhìn thằng ròm:
- Mày tưởng đó là dấu hiệu chỉ cấp bậc trong một băng tội phạm chứ gì?
- Ờ … ờ … – Quý ròm bối rối – Nhưng cũng tại ba mày nữa. Ngày nào cũng theo dõi mày, lại còn đeo kiếng đen.
- Đó là tại vì ba tao sợ gặp phải mẹ tao và bị mẹ tao nhận ra! – Bá thở ra, giọng nó trở nên buồn buồn – Ngay cả tao, ba tao cũng chưa dám lại gần bắt chuyện …
Cứ mỗi lần thằng Bá thở dài là ba đứa bạn nó lại cảm thấy lòng mình xao xuyến sao sao ấy!
Nhỏ Hạnh cắn môi:
- Chắc tại ba bạn cảm thấy mình có lỗi …
- Ừ! – Bá vung tay như để xua một làn khối vô hình trước mặt – Nhưng dù sao thì mẹ tôi cũng đã bỏ qua cho ba tôi rồi. Trưa nay, hai người đã nói chuyện với nhau …
Tiểu Long sực nhớ tới một chuyện:
- Nếu thằng nhóc đó là con ba mày, sao hồi trưa nó lại khóc đòi về?
- Nó đòi về với dì tao? – Bá mỉm cười – Gia đình sau của ba tao ở ngã tư Hàng Xanh. Chỉ có ba tao ở lại khách sạn để trông coi thôi.
Nếu cái đầu óc chậm chạp của Tiểu Long đã nghĩ ra được một câu chất vấn thì không có lý do gì cái đầu óc lanh lợi của Quý ròm lại không nảy ra được một thắc mắc nào:
- Ơ, thế còn thằng Triều?
Câu hỏi bất ngờ của Quý ròm khiến nhỏ Hạnh và Tiểu Long giật thót. Nãy giờ, mải nghe câu chuyện ly kỳ của Bá, tụi nó quên bẵng mất chuyện thằng Triều. Ngay cả thằng Bá dường như cũng quên mất mục đích đến đây của mình.
- Ờ há! – Tiểu Long đưa tay quẹt mũi – Phải nghĩ cách cứu thằng Triều ra chứ!
Quý ròm cúi xuống tờ giấy vẫn cầm trên tay, lẩm bẩm:
- Quán cà phê Bụi …
Nó bỗng ngước nhìn Bá:
- Thế ba mẹ mày tính sao? – Đang nói, giọng nó đột nhiên ngập ngừng – Ba mày tức là, ý tao muốn nói là … ba sau của mày ấy …
- Vẫn nộp tiền cho bọn chúng thôi! – Không buồn để ý đến vẻ lúng túng của bạn, Bá nhún vai đáp.
- Thế ba mày vẫn giành đem tiền đi hở?
- Ừ. Lần này, sốt ruột quá, mẹ tao đòi đi theo nhưng ba tao dứt khoát không cho.
Nhỏ Hạnh thình lình lên tiếng, mắt nhìn chăm chăm vào mặt Bá:
- Hôm qua, bạn còn ngăn không cho tụi này tham gia vào chuyện thằng Triều, sao bữa nay bạn lại đưa lá thư của bọn bắt cóc cho tụi này đọc?
- Ừ, nhất là lời lẽ hăm dọa trong lá thư này còn cứng rắn hơn lá thư hôm trước rất nhiều! – Tiểu Long phụ họa.
Bá chớp chớp mắt:
- Tôi cũng không biết tại sao. Có lẽ từ khi phát hiện ra người đàn ông mang kiếng đen là … ba tôi, tự dưng tôi bớt sợ …
- Í! – Quý ròm bất thần kêu lên – Nếu người đàn ông mang kiếng đen là ba mày thì rõ ràng đâu phải là thành viên của băng bắt cóc.
- Mày làm sao thế hở ròm? – Tiểu Long hừ giọng – Chẳng lẽ đó là phát hiện mới nhất của “thần đồng” Quý ròm sao?
Phớt lờ giọng châm chọc của bạn, Quý ròm tiếp tục trình bày ý nghĩ trong đầu:
- Nếu ba mày không phải là người của bọn bắt cóc thì làm sao bọn chúng biết được chuyện tụi tao mai phục ở công viên Tao Đàn.
Nhắc nhở của Quý ròm khiến ba đứa bạn nó bất giác rùng mình.
Tiểu Long nghe như có một làn gió lạnh thổi qua người, mặt lập tức méo đi:
- Ờ há.
Còn thằng Bá thì ngẩn ra:
- Tao cũng không hiểu ra sao nữa!
Hôm trước, bọn bắt cóc gửi thư kêu ba mẹ thằng Bá đem tiền tới bỏ vào chiếc lu bể trong công viên Tao Đàn để chuộc thằng Triều về. Bọn Quý ròm biết chuyện, bí mật mai phục quanh “hiện trường”. Không ngờ bọn bắt cóc đánh hơi được, chẳng những không xuất hiện mà còn tống một lá thư cảnh cám vào khe cửa nhà thằng Bá.
Lần đó, bọn trẻ cho rằng câu chuyện đổ bể là do người đàn ông mang kiếng đen. Ông theo dõi Bá hằng ngày, thấy nó thường cặp kè với Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh nên đã suy ra hành tung của bọn Quý ròm.
Nhưng bây giờ, tất cả đều biết người đàn ông đó không liên quan gì đến bọn bắt cóc. Ông là ba ruột của Bá, theo dõi Bá với mục đích hoàn toàn khác. Vậy thì bằng cách nào bọn bắt cóc biết được kế hoạch theo dõi của bọn Quý ròm vào ngày hôm đó?
Quý ròm gõ ngón tay lên trán, lẩm bẩm:
- Lạ thật đấy!
- Bọn này đúng là đáng sợ! – Tiểu Long vừa nói vừa rùn vai.
Nhỏ Hạnh nhìn Bá, vẻ trầm ngâm:
- Ngoài bạn ra, còn ai biết chuyện tụi này mai phục ở công viên Tao Đàn không?
- Không! – Bá lắc đầu.
- Ba mẹ bạn cũng không biết à?
- À, ba mẹ tôi thì biết! – Bá liếm môi – Hôm đó tôi có về nói với ba mẹ tôi. Hai người la tôi quá trời. Ba tôi còn bắt tôi ngăn không cho các bạn mò đến công viên Tao Đàn. Nhưng hôm đó tôi đến nhà từng người mà chẳng gặp ai.
Trán nhỏ Hạnh nhăn tít theo từng lời thằng Bá kể. Nó đang cố xâu chuỗi lại những sự kiện đã xảy ra từ ngày thằng Triều mất tích.
- Trưa nay, sao chỉ có hai mẹ con bạn đến khách sạn Hoa Hồng? – Mãi một lúc, nó mới lên tiếng hỏi – Lẽ ra ba bạn phải đi cùng chứ!
- Lúc Tiểu Long đến báo thì ba tôi đi vắng.
- Thế khi mẹ con bạn trở về thì ba bạn đã về nhà chưa?
- Về rồi.
Nhỏ Hạnh nhìn xuống lá thư trên tay Quý ròm:
- Vậy ai là người đã phát hiện ra lá thư này?
- Mẹ tôi.
Quý ròm đột ngột thắc mắc:
- Hình như trước nay thư của bọn bắt cóc chỉ có mẹ mày phát hiện, còn ba mày thì không?
Tiểu Long nhanh nhẩu hùa theo:
- Ờ, lạ lùng ghê há!
Bá chép miệng:
- Tại ba tao thường xuyên vắng nhà.
Rồi nó hất đầu về phía hai đứa bạn đang băn khoăn giương mắt nhìn nó:
- Bộ hai đứa mày nghi ngờ gì mẹ tao à?
- Ờ … không … không! – Quý ròm bối rối – Tao chỉ hỏi thế thôi.
Tuy Quý ròm lật đật phủ nhận, Bá vẫn tỏ vẻ không hài lòng về thái độ ngờ vực của bạn. Nó khẽ nhún vai, mặt cau lại:
- Tụi mày đừng có vớ vẫn! Mẹ tao đang lo phát ốm mấy ngày nay!
- Hạnh cũng nghĩ như Bá! – Nhỏ Hạnh lên tiếng phá tan sự căng thẳng – Không người mẹ nào lại bắt cóc chính con của mình!
Thấy nhỏ Hạnh đứng về phe mình, mặt Bá từ từ giãn ra. Nhưng mặt nó mới giãn một chút xíu đã dừng lại. Vì nhỏ Hạnh đã tiếp tục lên tiếng:
- Nhưng dù sao trong chuyện này cũng có nhiều điểm rất đáng ngờ!
Nó nhìn thẳng vào ánh mắt dò hỏi của Bá:
- Hạnh vẫn chẳng giải thích được bằng cách nào bọn bắt cóc có thể biết được kế hoạch mai phục của tụi này.
Nghe nhắc đến chuyện đó, Bá lập tức xụi lơ:
- Ừ, khó hiểu thật!
Nhỏ Hạnh đưa tay rờ rẫm gọng kính trên sống mũi và chậm chạp hít vào một hơi dài. Trông điệu bộ của nó, cứ như thể nó sắp sửa quyết định một điều gì hệ trọng lắm.
Hai đứa bạn thân của nó là Quý ròm và Tiểu Long tất nhiên nhận ra ngay điều đó. Ngay cả thằng bá cũng cảm thấy điều khác lạ. Nên nó dè dặt hỏi:
- Bộ Hạnh phát hiện ra manh mối gì hở?
Nhỏ Hạnh trả lời Bá bằng cách nghiêm trang hỏi lại:
- Hôm trước có phải mẹ bạn dặn nếu có ai hỏi tới thằng Triều thì bảo là nó đang ở nhà cô Tám của bạn không?
- Ừ.
Bá gật đầu, chẳng hiểu tại sao nhỏ bạn mình lại nhắc tới chuyện đó.
Như để làm cho đầu óc thằng Bá rối bời hơn nữa, nhỏ Hạnh lại hỏi:
- Thế ngoài cô Tám ra, nhà bạn còn bà con nào ở gần đây không?
Bá nghĩ ngợi một lúc rồi lắc đầu:
- Không.
- Hôm trước bạn bảo nhà cô Tám bạn ở Bến Tre phải không?
- Ừ, cô tôi ở Mỏ Cày.
Nhỏ Hạnh thình lình nói:
- Vậy sáng mai tụi mình đi Mỏ Cày!
Lời tuyên bố bất ngờ của nhỏ Hạnh làm ba đứa bạn nó chới với.
Tiểu Long há hốc miệng:
- Sáng mai?
- Ừ! – Nhỏ Hạnh thản nhiên – Ngày mai là chủ nhật, tụi mình có thể đi và về trong ngày!
- Nhưng tại sao lại kéo nhau xuống đó? – Bá kêu lên – Chuyện gửi thằng Triều về nhà cô Tám là do mẹ tôi bịa ra để hàng xóm khỏi tò mò thóc mách chứ có phải thật đâu!
- Cứ nghe theo lời Hạnh đi! – Quý ròm đập tay lên vai Bá – Chuyện đời lắm bất ngờ, làm sao tụi mình lường hết được.
Bá không đáp lời Quý ròm mà quay sang nhỏ Hạnh, giọng bất bình:
- Ngay cả Hạnh cũng nghi ngờ mẹ tôi sao?
- Hạnh đã nói rồi. Hạnh không nghi ngờ mẹ bạn.
- Thế sao …
Nhỏ Hạnh cắt ngang thắc mắc của Bá:
- Thì ngày mai tụi mình cứ xuống nhà cô của bạn đi đã. Nếu tụi mình tìm thấy thằng Triều, nó sẽ cho tụi mình biết tại sao nó lại ở đó. Nếu không tìm thấy, coi như tụi mình đi chơi cuối tuần, có sao đâu!
Bá nhăn nhó:
- Thế còn vụ quán cà phê Bụi tối mai?
Quý ròm nheo mắt:
- Đem tiền đi nộp là chuyện của ba mày chứ đâu phải của mày. Hơn nữa, lúc đó tụi mình đã về tới thành phố rồi.
Trước khi Bá ra về, nhỏ Hạnh nghiêm nghị dặn:
- Chuyện tụi mình đi Mỏ Cày, Bá phải tuyệt đối giữ kín, không để cho ai biết đấy nhé!
Bá gật đầu, và sáng hôm sau khi gặp nhau ở bến xe Miền Tây, không đợi ai hỏi, nó đã cười hì hì, khoe:
- Mẹ tôi hỏi đi đâu mà trưa không về, tôi bảo đi ôn tập ở nhà mấy bạn. Mẹ tôi không vặn vẹo gì, còn giúi vào tay tôi năm chục ngàn nữa.
Lúc này, bọn Quý ròm đã hoàn toàn yên tâm. Cả bọn lục tục leo lên xe đò.
Chạy hơn một tiếng đồng hồ, xe đến Mỹ Tho. Sau khi chen chúc qua phà Rạch Miễu, bọn trẻ đặt chân lên đất Bến Tre, huyện Châu Thành. Lại đón xe đi thêm một chặng.
Khi cả bọn qua khỏi phà Hàm Luông, Bá hào hứng:
- Bây giờ đi thẳng một lèo là tới.
Bá vừa nói vừa cười, và ngạc nhiên thấy tụi bạn không đứa nào cười theo nó.
Bá thụi vào hông Quý ròm:
- Tụi mày làm sao thế?
Quý ròm liếm môi:
- Tao hồi hộp quá!
Quý ròm làm Bá hơi lo lo, nhưng nó cố nhe răng cười:
- Có gì đâu mà hồi hộp.
Nó huơ tay:
- Tao dám cá với tụi mày là thằng Triều không có ở nhà cô tao. Chắc chắn em tao lúc này đang ở thành phố, chỗ bọn bắt cóc! – Bá nói tiếp với giọng như để trấn an mình – Và tối nay nó sẽ có mặt ở nhà sau khi ba tao đem tiền đến quán cà phê Bụi.
Mặc cho Bá thao thao, bọn Quý ròm chẳng hó hé một tiếng nào.
Sự im lặng của tụi bạn làm Bá đâm bực. Có cảm giác tụi này chẳng thèm đếm xỉa gì đến những điều mình nói, Bá hất đầu về phía Quý ròm:
- Sao, mày dám cá với tao không?
Quý ròm lắc đầu:
- Không.
Bá xoáy mắt vào mặt Tiểu Long:
- Còn mày?
- Tao cũng thế! – Tiểu Long rùn vai.
- Thế Hạnh thì sao?
Nhỏ Hạnh trả lời Bá bằng một câu chẳng ăn nhập gì đến sự thách thức của nó:
- Xe tới rồi kìa.
Thái độ của tụi bạn làm thằng Bá buồn bực quá. Có vẻ như chẳng đứa nào tin nó, nhưng khi nó rủ đánh cá thì chẳng đứa nào nhận lời. Được rồi, hãy đợi đấy! Bá hậm hực nhủ bụng và từ lúc đó nó ngồi thu lu trên xe, cương quyết không thèm hé môi.
Bá chỉ mở miệng khi con đường đất dẫn vô nhà cô nó hiện ra trong tầm mắt:
- Cho xuống đi, bác tài ơi!
Đối với những đứa trẻ ít có dịp về miền Tây như bọn Quý ròm thì con đường dẫn vô nhà cô thằng Bá là con đường tuyệt đẹp. Nhìn chung quuanh chỉ thấy rợp một màu xanh dịu mắt. Hai bên đường là những vườn dừa xanh ngát, nối nhau như không bao giờ dứt. Xen kẽ và nằm sâu phía trong là những vườn mận chi chít trái. Dọc hai bên lối đi, những lạch nước phẳng lặng nổi bập bềnh những chiếc xuồng ba lá khiến khung cảnh trông thật nên thơ, thanh bình.
Lòng dạt dào cảm xúc, Quý ròm định lên tiếng khen ngợi nhưng nó chưa kịp mở miệng thì cái khung cảnh yên tĩnh đó đột ngột bị phá tan bởi một tiếng reo tở mở:
- A, anh Bá! Anh xuống đưa em về hả?
Cả bọn giật mình ngoảnh về phía tiếng reo. Đập vào mắt tụi nó là một chiếc xuồng nhỏ đang bơi dọc theo lạch nước, trên xuống có ba thằng nhóc, đứa ngồi đằng trước và đứa ngồi đang sau đang vung mái dầm khoát nước. Còn đứa ngồi ở giữa lúc này đang nhấp nhổm đứng lên làm chiếc xuồng chao qua chao lại khiến nó phải lật đật ngồi xuống.
Không cần nói, bọn Quý ròm biết gnay cái thằng nhóc không ngừng cựa quậy đó là thằng Triều chứ không ai khác.
- Ủa, Triều! Em ở đây thật hả? – Bá dán mắt vào mặt em nó, giọng mừng rỡ pha lẫn sửng sốt.
- Sao anh hỏi kỳ vậy? – Tới lượt thằng Triều ngẩn tò te – Ba kêu cô Tám dẫn em xuống đây mà.
- Ba kêu? – Mắt thằng Bá trợn ngược.
- Dạ, ba bảo lúc này thành phố nhiều bụi bặm quá, em lại mắc chứng viêm mũi nên ba bảo em xuống ở chơi nhà cô Tám vài hôm cho đỡ khụt khịt.
Bá bất giác ngoảnh nhìn bọn Quý ròm. Ánh mắt nó cho biết nó đang hoang mang tột độ. Nhìn bộ tịch của Bá, nhỏ Hạnh sợ thằng này sẽ thốt lên những điều bất lợi, liền vội vã quay sang thằng Triều, nó cười:
- Em đừng nghe anh Bá nói đùa! Ba mẹ em kêu ảnh xuống đón em về đi học đó.
Lúc này chiếc xuống con đã đủng đỉnh cập sát đường đi. Thằng Triều nhanh nhẹn nhảy lên bờ cỏ, một tay cầm lủng lẳng xâu cá lóc, một tay đập lên vai anh nó:
- Anh định đóng kịch lừa em hở?
- Ờ … đùa tí cho vui mờ.
Nó nhìn theo hai thằng nhóc đang bơi xuống đi tuốt đằng xa:
- Mấy đứa nào vậy?
- Bạn em đó. Tụi nó ở trong xóm! – Thằng Triều đáp, rồi giơ xâu có lên khoe – Sáng nay tụi nó dẫn em vô trong đìa tát cá. Vui ghê!
Triều đưa cặp mắt vui vẻ nhìn bọn Quý ròm:
- Bạn anh hở?
- Ừ, bạn học tao đó! – Bá nhoẻn miệng cười – Mày đi chơi có mấy ngày mà ba mẹ phải cửa cả đoàn xuống đón mày, sướng không?
Bá pha trò nhưng nụ cười trên môi nó không giấu vẻ gượng gạo. Gặp lại em nó, Bá mừng lắm. Nhưng khi sự mừng rỡ qua đi, nó lại thấy lòng nó sao sao ấy. Bây giờ thì nó biết là nhỏ Hạnh đã đoán đúng, mặc dù nhỏ bạn nó không nêu đích danh thủ phạm là ai.
Bá không ngờ người “bắt cóc” em nó lại chính là ba nó. Bây giờ nhớ lại, nó mới hiểu tại sao “kẻ bắt cóc” lại chọn lối liên lạc nguy hiểm là nhét thư vào khe cửa. Bọn bắt cóc thực sự không bao giờ đưa tin theo cách thức liều lĩnh như vậy. Nó cũng hiểu ra tại sao hôm nào mẹ nó hoặc nó ở nhà thì những lá thư kia không xuất hiện, tại sao ba nó cương quyết không cho mẹ con nó bén mảng đến địa điểm giao tiền, và nhất là tại sao cuộc mai phục bí mật của tụi bạn nó ở công viên Tao Đàn bị “bọn bắt cóc” phát hiện dễ dàng đến thế. Vậy mà những ngày qua, nó và mẹ nó chẳng nghi ngờ gì. Cũng tại ba nó đóng kịch khéo quá. Khi nghe tin thằng Triều mất tích, ông cứ nằng nặc đòi đi báo công an, bảo mẹ con nó không bị lừa sao được. Bây giờ thì Bá mới vỡ lẽ ba nó chỉ vờ hùng hổ thế thôi, vì ba nó biết tỏng thế nào mẹ nó cũng quyết liệt ngăn cản.
Đầu nghĩ lung, trên con đường về nhà cô Tám, mặc cho thằng Triều huyên thuyên cùng bọn Quý ròm, Bá chỉ lặng lẽ bước, thỉnh thoảng nói vài câu nhát gừng, chẳng đâu ra đâu.
Nhỏ Hạnh liếc Bá, thấy bạn không vui nhưng chẳng biết cách nào khuyên giải.
Chỉ đến khi nhà cô Tám hiện ra trong tầm mắt và thằng Triều ba chân bốn cẳng chạy về trước báo tin, nhỏ Hạnh mới lại gần Bá, nhỏ nhẹ:
- Tìm được thằng Triều rồi, vui lên Bá ơi!
Bá cười méo xẹo:
- Mình chỉ vui có phân nửa hà.
Quý ròm hắng giọng:
- Ba mày làm vậy chỉ do ham rượu thôi, chứ đâu có ác ý gì.
Tiểu Long gật gù:
- Ừ, có khi do bạn nhậu xúi giục cũng nên.
- Chứ tống tiền thực sự, chẳng ai lại đòi có mười triệu cả! – Nhỏ Hạnh phụ họa – Mình đọc báo, thấy bọn bắt cóc đòi tiền chuộc tới mấy trăm triệu lận!
Quý ròm vỗ vai Bá:
- Dù sao ba mày vẫn có cái hay là không để cho cô Tám mày và thằng Triều hay biết tí gì về vụ này. Ba mày chỉ muốn vòi tiền của mẹ mày thôi.
Mỗi đứa nói một câu, Bá từ từ tươi tỉnh dần. Và nó thấy ba nó không đến nỗi tệ như nó nghĩ.
Thế là nó hấp háy mắt, đùa:
- Một cái hay nữa là nhờ chuyện này mà tao được gặp lại ba ruột của tao. Nhưng theo tao, điều hay nhất trong vụ này là …
Nói tới đây, thằng Bá bỗng dưng ngưng nửa chừng khiến bọn Quý ròm sốt ruột đồng thanh:
- Là gì?
- Là tao phát hiện tao có những người bạn vô cùng tốt!
Khi nói câu đó, Bá toét miệng cười và nhìn các bạn nó bằng ánh mắt phải nói là long lanh y hệt hai giọt nước.
Không khí vui vẻ giữa bọn trẻ còn kéo dài suốt buổi trưa hôm đó, khi cô Tám kêu dượng Tám ra cái ao sau hè bắt lên cả chục con cá tai tượng làm món chiên xù đãi tụi nó.
Tiểu Long vừa ăn vừa hít hà:
- Ngon quá!
Nhỏ Hạnh xuýt xoa:
- Cá này ở thành phố đắt tiền lắm đó. Ba Hạnh vào nhà hàng, sang lắm chỉ dám gọi một con thôi!
Thằng Triều hãnh diện khoe:
- Mấy hôm nay em ăn món cá này phát ngán luôn!
Ăn trưa xong, bọn Quý ròm còn được giải khát bằng món nước dừa đặc sản.
Sau đó, bọn trẻ đi nghỉ trưa.
Nhỏ Hạnh giao hẹn với cả bọn: Chỉ nghỉ trưa chừng hai mươi phút thôi. Để đúng hai giờ chiều là bắt đầu về lại thành phố.
Mặc dù đứa nào đứa nấy tuân theo răm rắp, rốt cuộc giờ khởi hành vẫn trễ mất gần nửa tiếng đồng hồ.
Đầu đuôi là do một biến cố ngoài mong đợi: lúc bọn trẻ đang loay hoay cột các túi trái cây chuẩn bị mang ra đường lộ thì một bóng người thình lình xuất hiện ngay cửa: dượng Năm.
Dượng Năm vừa đặt chân qua ngưỡng cửa đã sững lại như trời trồng.
Dượng hoàn toàn không ngờ lại đụng độ với thằng Bá và các bạn nó ở đây.
Mấy hôm nay, sự lo lắng đến tiều tụy của dì Năm làm dượng xót ruột quá. Thoạt đầu, lúc nảy ra mẹo này, dượng đâu có nghĩ sự thể lại kéo dài đến vậy. Dượng định gửi thằng Triều xuống nhà cô Tám một hai hôm thôi, chờ khi lấy được tiền để trang trải nợ nần cho các quán rượu quen, dượng sẽ dẫn thằng Triều về giao tận tay dì, và lợi dụng lúc vợ đang mừng mừng tủi tủi trước sự trở về của đứa con, dượng sẽ tỉ tê thú nhận “tội lỗi” của mình. Nhưng sự can thiệp bất ngờ của bọn Quý ròm khiến diễn biến của sự việc càng lúc càng tuột khỏi tầm kiểm soát của dượng. Hôm nghe tin bọn Quý ròm mai phục ở công viên Tao Đàn, dượng đã muốn ở nhà quách, dượng đã muốn nói huỵch toẹt mọi chuyện cho dì Năm biết, nhưng ngặt nỗi nếu chỉ nghe dượng nói suông, nếu không tận mắt thấy thằng Triều trở về, dì Năm dễ gì bỏ qua cho dượng, dì sẽ làm ầm lên là cái chắc.
Sáng nay, lúc nhận được gói tiền từ tay dì Năm, dượng quyết định đi một vòng trả các món nợ, sau đó lập tức đón xe xuống Bến Tre. Dượng tính rồi, dượng sẽ dẫn thằng Triều về, không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Rồi dượng sẽ xin dì tha thứ. Rồi hai vợ chồng sẽ bàn bạc với nhau. Thằng Triều sẽ không biết gì. Y như chuyện dượng gửi nó xuống nhà cô Tám là chuyện dì dượng đã thống nhất từ trước. Thằng Bá cũng thế, nghĩa là cũng sẽ không biết gì. Dượng sẽ bảo nó đó là trò đùa do dượng bày ra, với sự phụ họa của dì.
Dọc đường đi, ngồi trên xe đò, dượng tỉ mỉ sắp xếp mọi thứ trong đầu. Và dượng sung sướng khi thấy không có một kẽ hở nào trong kế hoạch hoàn hảo của dượng. Dượng phục tài mình quá.
Thế mà vừa đến nơi, chỉ mới đặt chân qua ngưỡng cửa, mọi sắp xếp của dượng bỗng chốc sụp đổ tan tành.
Dượng há hốc miệng, những muốn thụt lui lại nhưng chân dượng đã cứng đơ. Và cũng bởi ngay lúc đó bọn trẻ đã nhìn thấy dượng.
Thằng Triều chạy ào ra, choàng tay ôm lấy ba nó:
- Ba!
Cô Tám mỉm cười:
- Anh cẩn thận gớm! Đã sai bọn trẻ xuống đón thằng Triều về, mà vẫn chưa yên tâm sao?
Trong khi Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh nháy nhau quay mặt đi chỗ khác thì thằng Bá tủm tỉm:
- Tính ba con xưa nay vẫn cẩn thận vậy đó cô!
Thằng quỷ con làm dượng Năm nhột nhạt quá.
Nhưng dượng không biết làm gì hơn là cười gượng gạo:
- Ờ … ờ … tôi cũng muốn sẵn dịp này ghé thăm cô dượng …
Cô Tám lại cười nói:
- Thằng nhỏ đi mấy ngày, chắc anh chị nhớ nó lắm?
- Ờ … nhớ chứ! – Dượng Năm trả lời mà mặt đỏ rần.
Thằng Bá ác nhơn lại cười khì, chêm vô:
- Ba con nhớ sơ sơ thôi, mẹ con mới nhớ dữ!
Từ lúc đó cho tới lúc dắt thằng Triều quay trở ra đường đón xe, dượng Năm như ngồi trên đống lửa. Dượng vừa mắc cỡ vừa lo lắng trăm bề, bụng dạ cứ thấp tha thấp thỏm.
Đã vậy, thằng con trời đánh của dượng cứ luôn miệng cười hì hì, không có chuyện gì đáng cười cũng nhe răng khỉ ra cười khiến dượng càng thon thót.
Dượng nhíu mày suy tính: Đợi lúc lên xe, mình giành chỗ ngồi cạnh nó, rồi kiếm cách nói chuyện phải trái với nó mới được.
Sở dĩ dượng Năm phải cực lòng “sắp xếp” cái “kế hoạch” cỏn con đó, bởi dượng không biết một khi đã toét miệng ra cười như vậy, thằng Bá đã thông cảm cho dượng và quyết định quên đi câu chuyện đáng quên đó từ lúc nãy rồi.
Thành phố Hồ Chí Minh 2001
Nguồn: diendan.game.go.vn