16/2/13

Kính vạn hoa (C46-56)

46


Còn lắm chuyện xảy ra với bọn Quý ròm trong những ngày tôi đi xa.

Lần này thì chính nhỏ Hạnh kể. Đó là câu chuyện về cô bé Thơ Hoa.

Kể từ khi nghe Thơ Hoa thú nhận là mình đi đứng không tiện, nhỏ Hạnh rất hay gọi điện thoại trò chuyện với cô bé.

Hai chị em có vẻ càng ngày càng thân nhau. Thân đến mức một hôm Thơ Hoa cười khúc khích trong ống nghe:

- Có thật là sau này em sẽ mở tiệm bán bò viên không hở Hạnh?

Nhỏ Hạnh bẽn lẽn:

- Đó chỉ là mơ ước của em khi còn bé. Hồi còn bé, em rất ham ăn. Bây giờ thì khác rồi.

- Thế bây giờ thì em mơ ước những gì?

- Em cũng không rõ nữa. Nhưng chắc là không phải mở tiệm bò viên rồi! - Nhỏ Hạnh cười, rồi hỏi - Thế còn chị? Những mơ ước của chị là gì?

- Chị ấy à? Mơ ước của chị đơn giản lắm...

Thơ Hoa ngừng lại và giữa khoảng lặng, nhỏ Hạnh mơ hồ nghe thấy một tiếng thở dài, hoặc ít ra nó có cảm giác như thế.

- Chị ao ước được đi đây đi đó để thưởng thức những cảnh đẹp khắp nơi, chị cũng thích ra sân xem bóng đá, vào rạp xem phim... - Thơ Hoa nói tiếp bằng giọng gần như thì thầm, càng lúc càng nhỏ như đang thủ thỉ trong một giấc mơ.

Nhỏ Hạnh thốt nhiên nghe lòng mình chùng xuống. Những ao ước kia quá đỗi bình thường, nhưng với chị Thơ Hoa thì thật là xa vời quá đỗi. Chị bị liệt hai chân, suốt ngày ngồi dán mình bên cửa sổ, chỉ nội việc đi xuống đường mua một que kem cũng đã khó, nói gì đến chuyện vào rạp xem phim, ra sân xem bóng đá, lại còn đi đó đi đây!

Nhỏ Hạnh bất giác nhớ lại cuộc sống sôi nổi của mình. Nó muốn đi đâu thì đi. Nó cùng Tiểu Long và Quý ròm đi Vũng Tàu tắm biển, lên Đà Lạt hóng gió cao nguyên, xuống Bến Tre "truy tìm" thằng nhóc Triều, thậm chí theo nhóm Mèo Rừng ra tận miền Trung, lên tuốt trên núi cao lặn lội thăm dò "kho báu". Những chuyến đi chơi thú vị đó đối với chị Thơ Hoa chẳng khác nào một giấc mơ. Ừ, mà chị cũng đang nói về những mơ ước đơn sơ của mình như thể nói về những giấc mơ đấy thôi!

Hôm đó, nhỏ Hạnh kết thúc cuộc trò chuyện bằng lời hứa hẹn:

- Ít hôm nữa tụi em sẽ tặng chị một món quà.

- Quà ư? Các em định tặng chị quà gì thế?

- Kính vạn hoa.

- Kính vạn hoa? Lại tặng sách nữa ư?

- Không, không phải sách! - Nhỏ Hạnh mỉm cười - Lần này là một cái kính vạn hoa chứ không phải truyện Kính vạn hoa của chú Ánh!

Giọng Thơ Hoa lộ vẻ ngạc nhiên:

- Có một cái kính như thế sao?

Tới phiên nhỏ Hạnh sửng sốt:

- Chị chưa từng thấy cái kính vạn hoa bao giờ à?

- Chưa. Thậm chí chị cũng chưa từng nghe nói tới. Thế cái kính đó nó như thế nào?

- Cái kính đó tuyệt lắm! - Nhỏ Hạnh lim dim mắt, giọng mơ màng - Nhìn vào ống kính, chúng ta sẽ thấy một bông hoa rất đẹp, rực rỡ muôn màu. Khẽ lắc cổ tay một cái, bông hoa đó mất đi và trong ống kính hiện ra một bông hoa khác. Cứ như thế, nếu chúng ta lắc một triệu cái thì sẽ nhìn thấy một triệu bông hoa. Tuyệt nhất là không bông hoa nào giống bông hoa nào. Không bao giờ có hai bông hoa giống nhau.

- Đúng là tuyệt vời! - Thơ Hoa reo lên - Chị không thể nào hình dung có một thứ đồ chơi lý thú như thế trên đời.

- Tụi em sẽ tặng cho chị! - Nhỏ Hạnh vui vẻ nói - Rồi chị sẽ thích mê.

- Chắc chắn rồi! - Giọng Thơ Hoa hào hứng - Ngày nào chị cũng sẽ lấy ra xem. Chị sẽ tưởng tượng mình đang đứng trước một rừng hoa.

- Hẳn là thế rồi! - Nhỏ Hạnh hân hoan tiếp lời.

Cứ thế, hai chị em mê say nói về cái kính vạn hoa kỳ diệu, với muôn ngàn vẽ vời, muôn ngàn mơ mộng trong trí tưởng.

47


Tôi ngắt lời nhỏ Hạnh:

- Thế cháu đã tặng cho chị Thơ Hoa cái kính đó chưa.

- Rồi ạ. Cháu nhờ nhỏ Xảo đem tới.

- Nhỏ Xảo vẫn đặt ống kính ở chiếc ghế chỗ cửa phòng chứ?

- Vẫn thế. Đặt lên ghế rồi sè sẹ lui ra.

Nhỏ Hạnh đáp, rồi nó hớn hở khoe:

- Chị Thơ Hoa thích lắm. Ngày nào cũng xem.

Tôi nhìn vào đôi mắt long lanh của nó:

- Sao cháu biết?

- Chính chị Thơ Hoa nói. Chị bảo những bông hoa thật là đẹp.

Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi:

- Hơn nữa, lần nào đi ngang qua con đường đó, ngước mắt trông lên, tụi cháu cũng đều nhìn thấy chị Thơ Hoa...

Tôi gật đầu:

- Vẫn ngồi bên cửa sổ?

- Vâng ạ. Ngồi bên cửa sổ, với ống kính vạn hoa trên tay.

Tôi cắn chặt môi, lòng thầm cảm ơn bọn trẻ của tôi quá chừng. Tôi viết bộ truyện lấy tên là Kính vạn hoa nhưng không nghĩ ra chuyện tặng thứ đồ chơi tuyệt vời đó cho cô bé Thơ Hoa tội nghiệp. Với một người ngồi bất động một chỗ, cái kính vạn hoa thật là món quà quí giá biết bao!

Chiều đó, không nói gì với bọn Quý ròm, tôi một mình lẳng lặng quay trở lại con phố ngắn và hẹp chạy ngang trước chung cư Thơ Hoa ở. Tôi lại dựng xe dưới tàng cây trứng cá bên này đường, ngồi bệt xuống vỉa hè, ngẩng đầu nhìn lên ô cửa sổ ở tầng lầu bên kia.

Thơ Hoa ngồi đó, mái tóc đen nhánh xõa trên vai làm nổi bật khuôn mặt trắng trẻo. Bên cạnh cô, vẫn chậu hồng vàng mà tôi đã nhìn thấy hôm trước. Và đúng như nhỏ Hạnh nói, trên tay cô bé lúc này có thêm chiếc kính vạn hoa.

Tôi thấy Thơ Hoa cứ chốc chốc lại đưa chiếc kính lên, thận trọng kê mắt vào ống kính, say sưa ngắm nghía, thỉnh thoảng lại lắc khẽ cổ tay. Tôi ngồi xa quá nên không trông rõ những biểu hiện trên mặt cô bé nhưng tôi đoán hẳn cô rất thích thú khi được nhìn ngắm hằng trăm bông hoa thay nhau xuất hiện sau mỗi rung động dưới tay mình.

Tôi ngồi bên vệ đường lâu thật lâu, lòng miên man bao nhiêu là ý nghĩ. Cho đến khi một người phụ nữ đứng tuổi, có lẽ là mẹ cô bé, xuất hiện bên cạnh Thơ Hoa thì tôi mới đứng dậy thong thả dắt xe đi.

48


Cái ý định đó chập chờn trong đầu tôi suốt dọc đường về. Rằng sẽ có một ngày tôi cùng Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh kéo nhau đến thăm Thơ Hoa. Sẽ đến thăm cô, ở bên cạnh cô như những người bạn gần gũi bằng xương bằng thịt chứ không chỉ là những tiếng nói vọng ra từ ống nghe.

Bọn trẻ của tôi sợ rằng Thơ Hoa không muốn tiếp xúc với người lạ. Tụi nó sợ cô bé sẽ ngượng nghịu, sẽ mặc cảm khi phơi bày sự tật nguyền của mình. Tôi không nghĩ thế. Chính sự xa lánh, dù với động cơ tốt đẹp thế nào đi chăng nữa, mới dễ khiến cô bé thu mình vào vỏ ốc cô đơn. Đến gặp Thơ Hoa, cư xử với cô như với một người bình thường, xem chuyện không may của cô là điều vẫn đôi khi xảy đến cho người này người nọ, điều đó giúp cô tự tin và cởi mở hơn trong cuộc sống.

Tôi suy nghĩ trong đầu như thế, nhưng vin vào cớ gì để bốn chú cháu có thể đàng hoàng, hiên ngang đến thăm cô bé thì thực tình tôi chưa nghĩ ra.

Chính bọn Quý Hồ đã gián tiếp gợi ý cho tôi.

Phải thừa nhận rằng Quý Hồ và Đức Long không ưa bọn trẻ của tôi ra mặt, nhưng sự quý mến tụi nó dành cho tôi vẫn không hề thay đổi.

Cho nên tôi không chút ngạc nhiên khi một hôm tụi nó đến tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng tìm tôi. Lúc bấy giờ cảnh quay cuối cùng của phim Nhà ảo thuật đã kết thúc hơn hai tháng và có lẽ đã sắp xong phần hậu kỳ.

Chúng tôi vẫn ngồi ở quán nước quen thuộc kế tòa soạn.

- Lâu lắm tụi cháu mới đến thăm chú! - Khánh Ly nói giọng vẻ như biết lỗi.

Tôi cười:

- Không lâu lắm đâu. Hơn nữa, tụi cháu còn phải đi học nữa mà.

Rồi để bọn trẻ khỏi áy náy, tôi hỏi lảng qua chuyện khác:

- Phim các cháu đóng đã lồng tiếng xong chưa?

- Xong hết rồi chú! - Quý Hồ hớn hở - Hôm nay tụi cháu đến gặp chú cũng vì chuyện ấy đấy.

Tôi nhìn bọn trẻ, im lặng chờ nghe tiếp.

- Đúng mười hôm nữa, phim sẽ chiếu trên đài truyền hình thành phố.

Tôi tròn mắt:

- Nhanh đến thế cơ à?

- Vâng ạ! Tụi cháu muốn báo cho chú biết để chú bật tivi lên xem. Chú đừng rầy nếu tụi cháu làm chú thất vọng nghe chú!

- Chú tin là các cháu không làm chú thất vọng đâu. Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh đã kể với chú tất cả rồi. Tụi nó khen các cháu đóng hay lắm.

Lần đầu tiên tôi lơ đãng khi nhắc đến tên bọn Quý ròm. Chỉ một thoáng hớ hênh đó thôi đủ làm Quý Hồ nhăn mặt bất bình:

- Chú vẫn gọi các bạn ấy là Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh hở chú?

- Thật chẳng công bằng tí nào! - Đức Long lắc đầu - Cháu nghĩ chính tụi cháu mới xứng đáng với những tên gọi đó hơn!

Khánh Ly tỉm tỉm:

- Các bạn ấy bây giờ đã là Kiếng Cận, Tăm Tre và Trư Bát Giới rồi kia mà.

Tôi chưa kịp phân bua, Quý Hồ đã hậm hực "xổ" tiếp một tràng:

- Nếu tự trọng, các bạn ấy đã không nhận vơ vào như thế. Ai lại vào tận trường quay rồi mà vẫn cứ tự tiện xưng hô lung tung, chẳng "biết người biết ta" chút xíu nào!

Đức Long giận lẫy phụ họa:

- Cháu chẳng hiểu tại sao chú có thể thân thiết với các bạn ấy được!

Thôi rồi, tôi giật mình nhủ bụng, hóa ra xưa nay hai ông mãnh này sở dĩ ác cảm với bọn Quý ròm hẳn là vì thấy tôi hay cặp kè với bọn trẻ, chắc thế!

Như để chứng minh sự phỏng đoán của tôi, Đức Long nói tiếp bằng giọng cay đắng:

- Chính tụi cháu mới là những người thể hiện các nhân vật Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh của chú lên phim. Còn các bạn kia chẳng qua chỉ biết trổ vài tài lẻ!

Quý Hồ hạ một câu độc địa:

- Lại khéo nịnh nọt và giỏi tài bám lẵng nhẵng theo chú thôi!

49


Sự ghen tị đã khiến bọn nhóc trước mặt tôi tối tăm mặt mũi. Nhận xét cay độc của Quý Hồ làm tôi bất ngờ đến sửng sốt.

Thấy tôi ngồi im nhìn đăm đăm vào mặt nó, Quý Hồ có vẻ ngượng; nó bối rối ngó lơ chỗ khác, và căn cứ vào cái cách nó vừa quay đi vừa ngúc ngoắc đầu, tôi chắc nó cũng chợt nhận ra vừa rồi nó đã để sự tức tối dắt đi quá xa.

Vẻ mặt của tôi lúc đó chắc nom kỳ dị ghê lắm. Cho nên không chỉ Quý Hồ, mà cả Đức Long và Khánh Ly đều lấm la lấm lét. Nhìn cái kiểu tụi nó liếc trộm tôi như các cô cậu học trò phạm lỗi thập thò liếc trộm thầy cô, tôi đoán tụi nó đang lo lắng chờ tôi thốt ra một lời quở trách nặng nề.

Nhưng tôi đã không quở trách. Cũng chẳng nói một lời nặng nhẹ. Tôi chỉ trầm ngâm buông một tiếng thở dài:

- Thực ra không phải các bạn ấy bám theo chú mà chính chú đã bám theo các bạn ấy!

- Chú nói sao? - Đức Long vọt miệng, nó nói nhanh đến mức có cảm tưởng câu hỏi tự động bật ra trước khi nó kịp ý thức nó đang hỏi gì.

- Chú không đùa đấy chứ? - Câu hỏi của Quý Hồ thốt ra gần như đồng thời. Cũng như Đức Long, rõ ràng nó không tin một cái tai nào trong hai cái tai của mình.

Khánh Ly không hỏi, không phải vì không muốn hỏi, mà vì các bạn nó đã nhanh miệng quá. Lúc này nó đang giương cặp mắt tròn xoe, chờ câu xác nhận của tôi.

- Chú không đùa! - Tôi thở dài lần thứ hai - Không đùa một chút nào!

Lần này thì Khánh Ly kịp mở miệng trước hai bạn:

- Tại sao chú lại phải bám theo các bạn ấy hở chú? Tụi cháu không hiểu gì cả!

- Bởi vì... - Tôi ngập ngừng một thoáng, và phải nhắm mắt lại để cố nói hết câu - bởi vì các bạn ấy chính là... Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh.

- Là sao ạ? - Cả ba cái đầu trước mặt tôi cùng chồm tới trước, ba cái miệng cùng ré lên.

- Còn sao nữa! - Tôi cố nặn một nụ cười và mở mắt ra - Ba bạn ấy là ba nhân vật chính trong truyện Kính vạn hoa của chú chứ là sao!

Gương mặt của bọn Quý Hồ khi nghe tôi tiết lộ điều bí mật trọng đại đó tạo cho tôi cảm tưởng tụi nó vừa nhìn vào chiếc đầu của con yêu Méduse. Trong thần thoại Hy Lạp, bất cứ ai, kể cả thần Atlas, nếu dại dột nhìn vào chiếc đầu của Méduse đều tức khắc biến thành đá, không sai chạy vào đâu được!

50


Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh không hay biết tí gì về câu chuyện vừa xảy ra giữa tôi và nhóm Quý Hồ nên đúng mười ngày sau cuộc gặp gỡ lịch sử đó, vừa lò dò đến nhà tôi theo lời hẹn, tụi nó vô cùng kinh ngạc khi thấy Quý Hồ, Đức Long và Khánh Ly đã ngồi sẵn ở phòng khách.

- Chà! - Quý ròm gãi gáy - Lại cả gan lần mò đến tận đây nữa cơ đấy!

Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:

- Chắc lại định kiện cáo gì với chú Ánh đây!

Đang nói, như sực nhớ ra, Tiểu Long vội bỏ tay xuống:

- Xin lỗi nhé! Trư Bát Giới này quẹt mũi là do thói quen, chứ không phải cố tình giả làm Tiểu Long đâu đấy!

Mọi lần, nghe Quý ròm và Tiểu Long xỏ xiên như vậy, Quý Hồ và Đức Long đã nóng mặt phản ứng ngay lập tức.

Nhưng hôm nay, chẳng có chút gì giống mọi lần. Mặc Quý ròm và Tiểu Long thay nhau giễu cợt, hai thằng nhóc ngồi tỉnh khô. Còn toét miệng ra cười. Cứ như thể Quý ròm và Tiểu Long vừa khen tụi nó chứ không phải là châm chọc.

Quý ròm tròn mắt nhìn tôi:

- Chú ơi, bữa nay có "chuyện lạ bốn phương" hở chú?

Tôi tủm tỉm chưa kịp đáp thì Quý Hồ đã đứng bật dậy và tiến tới trước mặt Quý ròm, chìa tay ra:

- Rất hân hạnh được làm quen!

- Ối chà! - Quý ròm bật kêu - Chuyện gì nữa đây? Thách đấu kiểu hiệp sĩ châu Âu chăng?

Nó thò tay nắm tay Quý Hồ, gật gù:

- Được thôi! Hiệp sĩ Tăm Tre sẵn sàng phục vụ ngài, thưa hiệp sĩ Quý ròm!

Quý Hồ cúi đầu, lịch sự:

- Kẻ hèn này đã biết ngài là ai rồi, ngài đừng giả bộ nữa! Ngài mới chính là hiệp sĩ Quý ròm!

Quý Hồ nói năng ôn tồn, nhỏ nhẹ nhưng Quý ròm có cảm giác đối phương vừa phóng ra một nhát kiếm vô hình. Nó bất giác thót bụng lại, mặt ngẩn ra:

- Gì thế này? Chẳng lẽ...

Quý ròm ném sang tôi một cái nhìn dò hỏi:

- Chú...

- Đúng thế! - Tôi chưa kịp mở miệng, Đức Long đã mau mắn - Chú Ánh đã cho bọn này biết tất cả rồi!

Quay sang Tiểu Long, Đức Long cười hề hề:

- Bây giờ thì tôi đã biết cái động tác quẹt mũi của bạn là "bản chính" chứ không phải "bản sao"! Và những cú đá đẹp mắt ở trường quay là "sản phẩm" của "võ sư vô địch đại lực sĩ song phi cước thiết đầu công" chính hiệu!

Khánh Ly nhìn nhỏ Hạnh, tươi cười phụ họa:

- Và bạn mới đúng là Hạnh, "bộ từ điển biết đi", còn mình chỉ là Khánh Ly thôi!


51


Trong thoáng mắt, một bầu không khí vui vẻ, thân thiện tràn ngập khắp phòng.

Quý Hồ cười hà hà:

- Thế mà trước nay tụi này cứ tưởng các bạn cũng là một bọn lôm côm như tụi này, vì nhận vơ là các nhân vật trong truyện Kính vạn hoa nên gặp rắc rối phải "cầu cứu" chú Ánh.

Đức Long đấm hai tay vào nhau, vờ giận dữ:

- Thế mà chú Ánh lại có vẻ biệt đãi các bạn hơn tụi này mới tức chứ!

Tiểu Long tủm tỉm "đế" một câu:

- Nhất là mấy bạn trông giống Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh hơn bọn mình nhiều!

- Chà, bạn nhắc mới nhớ! - Quý Hồ hấp háy mắt vẻ tinh nghịch - Quý ròm, Tiểu Long, nhỏ Hạnh đứng hạng chót trong cuộc thi xem ai giống mình nhất kể cũng ly kỳ thật đấy!

Đức Long thở ra:

- Cũng vì chuyện oái oăm đó mà tụi này mới không nghĩ các bạn chính là... các bạn!

- Thôi, bỏ qua đi! Ông bà đã nói rồi: "trước lạ sau quen"! - Quý ròm khoát tay, láu lỉnh - Miễn là từ nay về sau bạn Quý Hồ đừng dùng giọng lưỡi của... Quý ròm để châm chọc bọn mình là được rồi!

Tiểu Long ngồi xuống ghế:

- Đúng vậy, anh em một nhà cả! Bây giờ tất cả "ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh" đi, rồi có gì... từ từ thương lượng.

- Thương lượng? - Đức Long tròn mắt - Thương lượng chuyện gì?

- Ủa, chả phải hôm nay chú Ánh hẹn tất cả chúng ta đến đây để bàn chuyện trọng đại gì sao?

Quý Hồ sực nhớ ra:

- A, mình quên thông báo cho các bạn! Chiều nay lúc 6 giờ, đài truyền hình thành phố sẽ chiếu phim Nhà ảo thuật.

- Hay quá! - Tiểu Long vỗ tay bôm bốp - Vậy chắc chú Ánh hẹn bọn mình đến xem ti-vi rồi!

Quay sang tôi, nó hí hửng:

- Đúng không chú?

- Chỉ đúng một nửa thôi! - Tôi mỉm cười - Sáu giờ chiều nay, chúng ta sẽ cùng nhau xem phim Nhà ảo thuật, nhưng không phải xem tại nhà chú.

- Chứ xem ở nhà ai ạ?

- Xem ở nhà chị Thơ Hoa! - Nhỏ Hạnh thình lình lên tiếng.

- Xem ở nhà chị Thơ Hoa? - Tiểu Long ngơ ngác - Ai bảo Hạnh vậy?

- Chẳng ai bảo cả! Hạnh đoán thế!

Quý ròm nheo nheo mắt:

- Nhưng Hạnh dựa vào đâu mới được chứ?

Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, và đáp bằng giọng thản nhiên cứ như thể nó nói sai thì trời sập quách xuống đầu nó cho rồi:

- Hôm trước chú Ánh bảo nếu có dịp, chúng ta sẽ kéo đến chơi với chị Thơ Hoa. Hạnh nghĩ chắc không có dịp nào tốt hơn dịp này!

- Đúng rồi đó! - Tiểu Long reo lên - Chị Thơ Hoa thường nghe đi nghe lại cuộn băng cát-xét Nhà ảo thuật, nếu được xem phim này, chắc chị còn thích hơn nữa!

Tiểu Long vừa dứt câu, Quý ròm liền hướng mắt về phía tôi, không phải để chờ tôi xác nhận lời suy đoán của các bạn nó, mà để nôn nóng giục:

- Xuất hành được rồi chú ơi!

52


Trên đường đi, Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh thi nhau kể cho bọn Quý Hồ nghe về Thơ Hoa.

Câu chuyện về hoàn cảnh đáng thương của cô bé khiến bọn Quý Hồ mặt mày cứ thuỗn ra vì xúc động. Đứa nào đứa nấy khụt khịt mũi không ngừng và nhìn những chiếc xe của tụi nó liên tục nảy tưng tưng khi băng qua các ổ gà lồi lõm, tôi biết tụi nó đang nôn nao lắm.

Đằng trước mặt, những con phố ngắn dần và hẹp dần, cành lá hai bên đường bắt đầu giao nhau.

Cuối cùng, chúng tôi dừng lại dưới tàng cây trứng cá quen thuộc.

- Tới rồi hở chú? - Khánh Ly hỏi.

- Ừ, tới rồi!

Tôi đáp, và chỉ tay lên tầng ba ở chung cư bên kia đường, khẽ giọng:

- Thơ Hoa đó!

Thơ Hoa đang ngồi bên cửa sổ. Bao giờ Thơ Hoa cũng ngồi bên cửa sổ, như thể cô đã ngồi ở đó cả ngàn năm nay rồi, và chưa hề một phút rời đi. Vẫn mái tóc đen dài viền quanh gương mặt trắng trẻo, vẫn chậu hồng vàng trên bục cửa sổ với những cánh hoa như rực lên trong nắng chiều, hình ảnh đó đập vào mắt tôi như một bức tranh tĩnh vật khiến tự dưng tôi nghe nhói trong lòng.

Cũng may mà bọn trẻ của tôi đã tặng cho cô bé chiếc kính vạn hoa. Chốc chốc, cô lại giơ ống kính lên, ghé mắt vào ngắm nghía. Cô cử động nhẹ nhàng, khoan thai nhưng cũng đủ giúp bức tranh im lìm kia vơi bớt phần tịch mịch.

Nhỏ Hạnh kéo áo tôi:

- Mình lên đi chú!

Chúng tôi đem xe vào bãi gửi của chung cư, rồi nối đuôi nhau lần bước lên các bậc thang.

Tới tầng ba, chúng tôi đứng tần ngần mất một lúc, sau đó mới dọ dẫm ngoặt theo hành lang bên trái dưới sự dẫn dắt của Quý ròm.

- Đúng hướng không đó mày? - Tiểu Long thấp thỏm hỏi.

- Sao lại không? - Quý ròm hừ giọng - Chắc chắn là hành lang này!

- Nhưng làm sao biết là nhà nào? - Tiểu Long vẫn chưa hết lo lắng - Phải chi tụi mình rủ nhỏ Xảo theo...

- Yên chí đi! - Quý ròm nhún vai - Khi nãy tao đã đếm rồi. Chị Thơ Hoa ngồi ở cửa sổ thứ mười hai tính từ ngoài vào, tức là phòng thứ sáu. Đây rồi!

Quý ròm giơ tay lên, nhưng nửa chừng không hiểu nghĩ sao lại bỏ xuống:

- Hạnh gõ cửa đi Hạnh!

- Sao Quý không gõ?

Quý ròm cắn môi:

- Không hiểu sao tôi thấy ngài ngại.

- Để tao!

Tiểu Long vọt miệng và nhanh tay gõ vào cánh cửa gỗ.

- Ai đó? - Tiếng Thơ Hoa từ trong phòng vọng ra - Cứ đẩy cửa vào đi!

Tiểu Long đẩy cửa. Bên trong không khóa nên Tiểu Long khẽ nhích tay, cánh cửa gỗ đã từ từ hé mở.

Tiểu Long thò đầu vào:

- Chào chị! Em là Tiểu Long.

Giọng Thơ Hoa lộ vẻ vui mừng, lúc này cô bé đã ngồi quay mặt về phía cửa chính:

- A, em tới thăm chị hở? Vào nhà đi em!

- Em đi cùng Quý ròm và nhỏ Hạnh! - Tiểu Long nuốt nước bọt - Có cả ba bạn đóng trong phim Nhà ảo thuật nữa. Cả chú Ánh cũng đến thăm chị đấy!

- Ôi, vui quá! Cả chú Ánh cũng đến nữa hở? - Thơ Hoa vừa nói vừa đứng lên khỏi ghế - Em mời chú Ánh và tất cả các bạn vào nhà đi!

Lúc này, chúng tôi chưa ai đặt chân hẳn vào trong phòng nhưng nhờ cửa mở toang nên tất cả đều nhìn rõ cô bé chủ nhà.

Cho nên, cả mười bốn con mắt đều trợn tròn và bảy cái miệng cùng há hốc khi Thơ Hoa đột ngột đứng lên.

53


Như vậy là đôi chân của Thơ Hoa vẫn bình thường. Tôi càng tin chắc điều đó khi Thơ Hoa chậm rãi tiến về phía chúng tôi. Cô chỉ bước đi có ba bước thôi, rồi đứng lại. Nhưng chừng đó đã quá đủ để khẳng định phỏng đoán trước đây của chúng tôi sai bét bè be.

Thơ Hoa không hề bị tật ở chân. Nhưng tại sao thế nhỉ? Tại sao cô lại thú nhận mình là người có số phận không may? Tại sao khi nhỏ Xảo đem sách của tôi đến, cô không bước ra lấy mà bảo nhỏ Xảo đặt ở cửa phòng? Tại sao khi bọn Quý ròm rủ đi chơi, cô bảo cô đi đứng không tiện? Tại sao cô cứ kiên nhẫn dán mình hằng giờ bên cửa sổ, không hề rời đi đâu? Hàng trăm câu hỏi quay cuồng trong óc tôi như một bầy ong ruồi ai vừa ném vào trong đó.

Bên cạnh tôi, bọn trẻ cũng đang đứng ngẩn tò te. Tiểu Long khù khờ ngơ ngác đã đành. Cả "nhà thông thái" Hạnh lẫn "thần đồng trường Tự Do" Quý ròm lúc này cũng trơ ra như hai pho tượng.

Còn bọn Quý Hồ thì liên tục ngọ nguậy đầu, hết nhìn Thơ Hoa lại ngoảnh sang dòm chúng tôi, ánh mắt hoang mang chạy qua chạy lại giữa những mặt người.

- Sao chú Ánh và các bạn không vào nhà đi? - Thơ Hoa có vẻ ngạc nhiên trước sự bất động của chúng tôi, lên tiếng giục.

- Vâng, vâng! Chú vào đây!

Tôi bối rối đáp, lập bập, ngô nghê, và dè dặt đặt chân qua ngưỡng cửa. Những đứa trẻ cũng bắt đầu nhổ chân lên khỏi mặt đất, rón rén bước vào.

Thơ Hoa chỉ tay về phía chiếc đi-văng kê sát tường, niềm nở mời:

- Chú và các bạn ngồi đây chơi. Cháu không có đủ ghế ngồi. Tại chú và các bạn tới thăm bất ngờ quá!

Bọn Quý ròm đã trò chuyện với Thơ Hoa qua điện thoại nhiều lần, trước khi đến đây, tụi nó cũng định nói với cô bé biết bao nhiêu là chuyện, nhưng lúc này cả đám đột nhiên á khẩu, nhường phần đối đáp lại cho tôi.

- Không sao đâu, cháu! - Tôi ngồi xuống đi-văng, vui vẻ nói - Gặp cháu là vui rồi, ngồi đâu chẳng được!

- Cháu thích truyện Kính vạn hoa của chú lắm. Cháu cảm ơn chú về những cuốn sách chú đã tặng cháu.

Đang nói, Thơ Hoa bỗng kêu lên:

- Ủa, hôm nay không có cô bé hôm nọ cùng đi hở chú?

- Cháu nói cô bé nào?

- Cô bé đem sách đến cho cháu ấy mà.

- À, đó là bé Xảo. Hôm nay, Xảo phải ở nhà.

Cho tới lúc đó, Thơ Hoa vẫn đứng im tại chỗ. Cô không di chuyển, khi chuyện trò cô chỉ xoay mặt về hướng chúng tôi.

Cử chỉ lạ lùng đó khiến tôi bỗng ngờ ngợ. Hay là cô bé bị tật ở chân thật, xưa nay cô vẫn ngồi một chỗ, bây giờ mới bắt đầu tập đi theo hướng dẫn của bác sĩ?

Sau khoảnh khắc ngỡ ngàng, Quý ròm dần lấy lại bình tĩnh. Tiếng nó thình lình vang lên cắt đứt suy nghĩ trong đầu tôi:

- Chị ơi, sao chị không mở đèn cho sáng hở chị?

- Em là Quý phải không? - Thơ Hoa mỉm cười chỉ tay về góc phòng - Em bước lại chỗ công-tắc mở đèn giùm chị đi. Chị quên mất hôm nay nhà có khách.

Trong sáu đứa trẻ có mặt trong căn phòng lúc này, nếu có đứa thứ hai ngứa miệng sau Quý ròm, đứa đó phải là Quý Hồ. Và đã là Quý Hồ thì lúc nào cũng ra vẻ ta đây:

- Có khách hay không có khách gì thì chị cũng nên mở đèn cho sáng chứ chị. Đã chiều rồi còn gì!

Thơ Hoa khẽ lắc mái tóc dài:

- Một mình chị thì không cần em à.

"Ngốc tử" Tiểu Long lập tức chứng minh là không có ai ăn nói vụng về hơn mình. Thấy hai bạn đã mở miệng, nó lật đật mở miệng theo:

- Chắc là chị tiết kiệm điện?

- Không phải vậy đâu, Tiểu Long!

Nghe Thơ Hoa gọi tên mình một cách thân mật, Tiểu Long khoái lắm. Nhưng niềm vui trong lòng nó không kéo dài được quá một phút. Câu nói tiếp theo của Thơ Hoa khiến lòng nó bất giác chùng xuống:

- Chị không mở đèn tại vì chị không nhìn thấy gì đó thôi!

54


Không chỉ Tiểu Long, mà tất cả chúng tôi đều sửng sốt và cảm thấy lòng trĩu nặng sau lời thổ lộ bất ngờ của Thơ Hoa.

Bây giờ thì tôi đã hiểu ra tại sao khi nhỏ Xảo đem sách đến, cô bé không tự mình bước ra nhận lấy, tại sao cô từ chối đi chơi với bọn Quý ròm, cũng như tại sao cô cứ ngồi hoài bên cửa sổ ngày này qua tháng nọ. Không phải là cô không đi lại được mà vì mắt cô không nhìn thấy gì. Vậy mà từ trước tới nay, ngồi bên kia đường nhìn lên, bao giờ tôi cũng mường tượng đôi mắt cô rất đẹp, rất sáng...

- Chú xin lỗi cháu! - Cuối cùng, tôi bước lại nắm tay cô bé, cố nói giọng thật nhẹ nhàng - Tại chú và các bạn đây không biết đôi mắt cháu như vậy. Để chú dìu cháu lại đằng bàn.

- Không cần đâu chú! - Thơ Hoa nhoẻn miệng cười - Cháu tự đi được mà. Đi đâu xa thì không được chứ đi loanh quanh trong phòng này, cháu quen rồi.

Thơ Hoa tự mình bước đi, chậm rãi nhưng vững vàng. Và khi ngồi xuống ghế, thái độ của cô bé cũng thật tự tin.

Cô ngồi xoay mặt về phía đi-văng, và như đoán được tâm trạng của chúng tôi, cô cất giọng bông đùa như để cắt đứt luồng không khí ngột ngạt đang chạy quanh phòng:

- Sao nãy giờ Hạnh không nói gì với chị cả thế? Mới giờ này mà em đã nhớ món bò viên rồi sao?

- Chị Thơ Hoa ơi, - nhỏ Hạnh gượng gạo lên tiếng, rõ ràng không phải để trả lời câu hỏi trêu của Thơ Hoa mà để bộc bạch tâm sự đang chất chứa trong lòng - Hôm trước nghe chị bảo ao ước cháy bỏng của chị là được đi đây đi đó để thưởng thức những cảnh đẹp khắp nơi, thích ra sân xem bóng đá, thích vào rạp xem phim, em cứ ngỡ là chị không đi lại được, chứ em không ngờ là...

- Có sao đâu em! - Thơ Hoa âu yếm ngắt lời nhỏ Hạnh - Điều quan trọng là các em đã đối xử với chị rất tốt...

Nhỏ Hạnh ray rứt:

- Lẽ ra tụi em không nên tặng chị... chiếc kính vạn hoa.

Câu nói của nhỏ Hạnh khiến tôi giật bắn mình, sống lưng lạnh toát. Từ khi bước vào phòng đến giờ, bao nhiêu sự kiện dồn dập xảy ra khiến tôi quên bẵng mất chuyện đó. Bây giờ nghe nhỏ Hạnh nhắc tới, tôi chết điếng cả người. Tặng một người mù chiếc kính vạn hoa là một sự xúc phạm nặng nề, khó bề tha thứ được. Nhưng khi chúng tôi nhận ra mình phạm phải điều cấm kỵ thì đã quá muộn.

Trong phòng có tám người thì có đến bảy người như đang bị dìm vào hố băng. Mọi đôi môi, mọi ánh mắt và cả hơi thở nữa dường như đông cứng lại sau phát hiện khủng khiếp của nhỏ Hạnh.

Chỉ một người tươi cười. Đó là Thơ Hoa.

Cô bé quay ra sau, quờ tay cầm lên chiếc kính vạn hoa.

Rồi quay lại phía chúng tôi, cô vui vẻ nói:

- Tại Hạnh, Quý và Tiểu Long không biết đó thôi, đây là món quà thật tuyệt vời đối với chị.

- Chị chỉ an ủi tụi em! - Giọng nhỏ Hạnh rầu rầu.

- Không đâu! - Thơ Hoa khẽ vung vẩy chiếc kính trên tay, nói giọng xúc động - Mỗi khi nhìn vào ống kính, chị vẫn trông thấy những bông hoa trong trí tưởng tượng của mình. Và đúng như Hạnh đã mô tả, mỗi khi chị lắc nhẹ một cái, một bông hoa biến đi, nhường chỗ cho một bông hoa mới. Từ hôm có chiếc kính đến nay, chị đã trông thấy hằng nghìn bông hoa rực rỡ và đúng là không bông hoa nào giống bông hoa nào...

Thơ Hoa càng nói càng mơ màng, đôi lúc giọng cô ngân nga như tiếng sáo, có vẻ như cô bé đang nói với những cánh hoa sặc sỡ đang hiện ra lung linh trong trí tưởng của cô hơn là nói với chúng tôi.

Bây giờ thì nhỏ Hạnh tin là Thơ Hoa không phải nói để an ủi nó. Vì tất cả chúng tôi đều nhận thấy Thơ Hoa nói về những bông hoa tưởng tượng kia một cách say sưa, chân thành và trong khi cô nói, chúng tôi nhìn thấy nụ cười dịu dàng phảng phất trên môi cô, và rõ ràng trên gương mặt trắng trẻo của cô lúc này đang bừng lên một thứ ánh sáng vui tươi nom vô cùng rạng rỡ.

Tôi nhè nhẹ thở ra và bồi hồi liếc sang bên cạnh. Trên gương mặt của bọn trẻ, nét căng thẳng đã không còn, thay vào đó là vẻ gì như bâng khuâng xao xuyến.

Và khi Thơ Hoa mỉm cười, sáu đứa trẻ của tôi bất giác mỉm miệng cười theo, mặc dù trên sáu đôi mắt long lanh kia tôi thấy rõ là đang ngân ngấn nước.

55


Hôm đó, còn xảy ra thêm một chuyện lạ.

Nhân lúc Thơ Hoa và bọn Quý ròm râm ran trò chuyện, Khánh Ly khẽ kéo áo tôi, thì thầm:

- Mình về thôi, chú ạ.

- Sao về sớm thế cháu?

- Sắp tới giờ chiếu phim rồi.

Tôi chợt nhớ ra. Hôm nay chúng tôi kéo đến đây là để rủ Thơ Hoa xem phim Nhà ảo thuật. Chúng tôi không gọi điện thoại báo trước cốt đem lại cho cô bé một bất ngờ thú vị. Không ngờ như vậy lại hóa hay, nếu không chúng tôi lại phạm phải một điều ngu ngốc nữa.

Tôi nháy mắt với bọn trẻ rồi bước lại chỗ Thơ Hoa. Tôi cầm lấy bàn tay mảnh mai của cô bé:

- Hôm khác, chú và các bạn sẽ đến chơi với cháu. Hôm nay tụi chú phải về.

Không ngờ Thơ Hoa lắc đầu:

- Chú và các bạn không được về bây giờ!

Sự phản đối của Thơ Hoa quả ra ngoài dự liệu của chúng tôi. Bảy bộ mặt chưng hửng, ngơ ngác nhìn nhau.

Thơ Hoa vỗ nhẹ lên cánh tay tôi:

- Sắp tới giờ chiếu phim Nhà ảo thuật rồi. Chú và các bạn ở lại xem với cháu!

Cô láu lỉnh nói thêm:

- Khi đến đây, chẳng phải chú và các bạn đã có ý định đó sao?

Lúc đó nếu nhìn thấy một con voi ma-mút chui vào nhà, chắc chúng tôi cũng không thể sửng sốt hơn.

Tôi há hốc miệng:

- Sao... sao cháu biết?

Thơ Hoa mỉm cười:

- Mỗi tối cháu vẫn "xem" ti-vi. Dĩ nhiên là cháu chỉ "xem" bằng tai. Chương trình hôm nay có gì, đài truyền hình đã thông báo trước cả tuần rồi mà chú.

Tôi nhìn quanh:

- Cháu để ti-vi ở đâu sao chú không thấy?

Thơ Hoa chỉ tay vào cánh cửa thông màu xanh bên vách trái:

- Ở bên kia. Bên kia cũng là nhà cháu. Ba mẹ và em cháu ở bên đó. Từ khi cháu rời khỏi trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, ba mẹ cháu dành cho cháu căn phòng này để cháu nghỉ ngơi và học tập.

- Học tập? - Tôi ngớ người - Cháu đang học gì thế?

- Cháu học tiếng Anh qua băng cát-xét.

Thơ Hoa chỉ tay vào chiếc máy cát-xét đặt trên kệ sách nhỏ cạnh cửa sổ, nơi cuộn băng Nhà ảo thuật nằm kế các cuộn băng tiếng Anh, rồi quay lại khoe tôi:

- Cháu vừa thi đậu bằng B tiếng Anh đó chú!

Trong một thoáng, tôi nhìn sững Thơ Hoa. Nếu Thơ Hoa trông thấy cái nhìn trân trối của tôi, hẳn cô bé sẽ đọc được sự cảm phục trong ánh mắt tôi. Quả thật tôi chưa từng gặp một người tật nguyền nào như cô. Cô sống ung dung, tự tin, không một chút mặc cảm. Cô biết chấp nhận số phận không may của mình, biết cách thích nghi và bình tĩnh vượt qua nó. Chúng tôi đến với cô bằng sự thương cảm nhưng đối diện với sự vững vàng của cô, chúng tôi không có chút xíu cơ hội nào để bày tỏ điều đó. Thậm chí những lúc tôi và bọn trẻ rơi vào tình thế khó xử, chính Thơ Hoa đã khéo léo và nhẹ nhàng dìu chúng tôi ra khỏi cơn bối rối. Cô bé vừa có sự nhạy cảm tinh tế của nhỏ Hạnh, lòng dũng cảm của Tiểu Long và sự thông minh lanh lẹ của Quý ròm. Mà mắt cô lại không nhìn thấy gì. Cô cũng chỉ mới mười tám, mười chín tuổi chứ bao nhiêu!

56


Câu chuyện này đến đây có thể xem như kết thúc.

Hôm ở nhà Thơ Hoa trở về, Quý ròm, nhỏ Hạnh và Tiểu Long rất vui. Chúng bảo hôm nào chúng sẽ rủ thằng Nở, nhỏ Xảo, rủ Văn Châu, Bò Lục, Dũng cò đến chơi với cô bé. Nếu thằng Mạnh ở Vũng Tàu lên, thằng K'Brết ở Bảo Lộc xuống, tụi Dế Lửa, Tắc Kè Bông và thằng Lượm ở ngoài quê vô, chúng cũng sẽ kéo đến chỗ Thơ Hoa tất.

Hôm đó, bọn Quý Hồ cũng vui, nhưng không vui bằng tụi Quý ròm. Vì rốt cuộc "nhân vật chính" bữa đó là Thơ Hoa đâu có xem được tài nghệ diễn xuất của tụi nó. Nhưng đó là nói lúc đang xem phim. Khi ra về, bọn Quý Hồ nhận được một lời khen không mơ thấy nổi.

Thơ Hoa vuốt tóc Khánh Ly, thủ thỉ:

- Chị không trông thấy các em trên phim nhưng các em vẫn là Quý, Hạnh và Tiểu Long của chị. Chị nghĩ các em thông minh và tốt bụng không kém các bạn kia đâu!

Rốt cuộc, trong những vị khách hôm đó chỉ có tôi là không vui. Đúng hơn trong niềm vui của tôi đã chớm phảng phất nỗi buồn. Vì trong giây phút đó, không hiểu sao tôi bỗng nhớ đến ông giám đốc nhà xuất bản Nguyễn Thắng Vu và chị Lê Phương Liên, nhớ đến buổi chiều bên bờ hồ Tây lộng gió và những kỳ vọng họ gửi gắm vào tôi.

Tôi thở dài khi hồi tưởng lại cái bắt tay thật chặt của ông giám đốc và gương mặt tươi roi rói của ông khi thốt ra câu nói đầy tin tưởng "Mình sẽ chờ đợi để ăn mừng tập Kính vạn hoa 50!". Vì ngay lúc này, tôi biết chắc Kính vạn hoa tập 50 sẽ không bao giờ được viết ra nữa rồi!

Tôi buồn còn vì nghĩ đến các độc giả nhỏ tuổi đáng yêu của tôi. Khi nghe phong thanh tôi sẽ kết thúc bộ truyện, biết bao em nhỏ đã gửi thư đến cho tôi. Có em động viên, có em phản đối, có em năn nỉ và có rất nhiều em hờn giận. Em Phan Hà Hồng Nhung ở 40 ấp Đông, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM viết "Chú Ánh ơi, cháu cầu xin chú hãy viết tiếp truyện đi ạ, nếu chỉ có 45 tập thôi thì ít xịt hà, chú ơi". Em Nguyễn Thị An Bích Mỹ Xuân ở 501 Tân Bình, Bình Minh, Thống Nhất, Đồng Nai còn yêu cầu cao hơn: "Chú Ánh ơi, chú đừng có dừng lại ở tập 45 mà hãy viết tiếp Kính vạn hoa đến một ngàn tập luôn chú nhé, chú hãy viết đến lúc nào chú thành một ông cụ thì thôi". Em Lê Thượng Tôn ở 861/B, ấp Thượng, Tân Quới, Thanh Bình, Đồng Tháp ra thời hạn càng "rùng rợn" hơn nữa: "Chú hãy viết tiếp truyện Kính vạn hoa cho tới chừng nào cháu đã già nghe chú". Em Đỗ Vân Quỳnh ở 36/8T tổ 11 khu phố I, phường Tam Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai thì "dọa dẫm": "Chú đừng kết thúc bộ truyện Kính vạn hoa ở tập 45 nhé. Nếu chú mà làm vậy thì cháu sẽ không đọc truyện của chú nữa đâu!".

Trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo, tôi có nói rằng điều tôi sợ nhất trong đời viết văn của mình là làm các độc giả thất vọng. Nhưng lần này có lẽ là lần đầu tiên tôi đành phải làm điều tôi không hề mong muốn đó.

Tôi biết chia tay Kính vạn hoa, các em buồn lắm. Các anh chị ở nhà xuất bản Kim Đồng cũng buồn. Và tôi, chắc chắn tôi sẽ rất buồn. Nhưng tôi chẳng biết làm cách nào khác hơn. Như tôi đã nói ở đầu cuốn sách, đồng xu sáng tạo của tôi ngừng lăn hoàn toàn là do ngẫu nhiên. Và tôi xem đó như một phán quyết không thể thay đổi của định mệnh.

Việc bọn Quý Hồ tìm đến tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng gặp tôi, dẫn đến việc lôi tuột Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh từ trong tác phẩm ra ngoài đời thường đã là một dấu hiệu cho thấy vai trò của các nhân vật của tôi sắp chấm dứt. Cho đến cái ngày bọn trẻ của tôi nghĩ ra việc mua tặng cho cô bé Thơ Hoa chiếc kính vạn hoa thì tôi linh cảm thời điểm kết thúc của bộ truyện đã gần lắm rồi.

Cuối cùng, đến cái hôm rời khỏi nhà Thơ Hoa, tôi đứng dưới đường ngoái cổ nhìn lên tầng ba, thấy Thơ Hoa tựa người vào thành cửa sổ, tay vẫy vẫy chiếc kính trên tay thay cho lời chào tạm biệt thì tôi biết rằng đã đến ngày tôi phải nói lời chia tay bạn đọc.

Ngày đó tức là ngày hôm nay, mười bốn tháng bảy năm hai ngàn lẻ hai.

14/7/2002

Nguồn: diendan.game.go.vn