7. Mõ Bốn
Bác Bốn ở tận đâu đến không biết. Có người tình cờ trông thấy bác một mình từ cổng đồng đi vào. Cái khác mắt một chút, đương giữa ngày mùa, xóm làng quảy mạ, vác gầu nhộn nhịp, bác Bốn gánh, một bên hai hòn gạch vồ, một bên cái rọ lót rơm, trong đặt đứa bé độ lên ba. Đứa bé ngồi nhòm nhõm, hai tay víu mép rọ, mắt thao láo tròn xoe nhìn ra.
Đấy là bác Bốn và cái Muống. Bác nhặt được con bé ở gốc cây nào. Hay là vợ bác bỏ bác, hay là vợ bác chết, vợ bác ra làm sao, nào ai biết được ngọn ngành cái người đàn ông quảy đứa bé với hai hòn gạch vồ cho cân, người ấy đi đâu, đến đâu. Người ta ai cũng có cái phận, cái may cái rủi, cái được, cái hẫng, bác Bốn cũng thế. Đầu làng có con sông chảy qua, những gò rác lù lù nhô lên mấy cái cọc cột phơi lưới tôm hay là cái khung mái lều chợ. Thế là bác Bốn thấy được, dẫu sao cũng trông thấy cái sống cái ăn. Bác Bốn dễ tin vậy. Tre pheo bốn bên xanh ngắt. Trong dòng nước, trong bùn có con mài mại, con lươn, con trạch. Thì ta đan cái nơm, cái đó, thì ta vót cái cần câu. Bác Bốn đặt gánh rọ. Bác Bốn ở lại chỗ ngoài cổng đồng. Nơi hoang vắng đầu đồng, trong làng chẳng nhà nào dám ra chỗ trống không ở với ma đói cô hồn. Bác Bốn cắm que như đánh dấu chỗ. Rồi vào tam quan đình tìm chỗ ẩn trong chùm rễ đa xù xì cái đã.
Bác Bốn nhòm vào cửa đình. Thấy ngoài bậc thềm một ông lão búi tóc củ hành chon chỏn, gầy lõm hai xương bả vai. Ông lão đương cắm cúi đan cái lờ cá.
Bác Bốn nói to:
- Lạy cụ từ, cụ cho bố con cháu ngả lưng nhờ gốc đa ngoài kia...
Ông lão vẫn giơ tay giữ cái lạt. Bác Bốn đã trở ra, ông lão mải làm - hay là lão nghễnh ngãng. Bác Bốn cũng chỉ ở tạm gốc đa tam quan một đêm rồi ra gò rác cắm cái cọc và bác đi làm mọi cái bác đã định hàng ngày. Bác đan đó, bác tết ống lươn. Vơ vẩn dần dà rồi cũng kiếm ra miếng ăn. Năm tháng đi qua không đếm được, chỉ biết mới ngày nào cái Muống còn ngồi trong rọ, chẳng bao lâu Muống đã nhỉnh dần, đã đẹp gái. Rồi cứ chập tối cái Muống đi đặt ống lươn trong cửa cống rồi cả ngày Muống ra bờ đìa thả trùm hớt tôm muỗi. Bác Bốn đã thông thuộc các xóm, trong làng, các nhà ở túm tụm vào nhau, cả làng tứ phía vây um tùm những khoanh tre kiên cố chống cướp. Ngoài kia, dọc sông chỉ có cái chợ hôm chốc lát. Không một cái lều giạt đến. Đằng cổng đồng có cái bãi tha ma của làng.
Cứ đến tháng ba, làng cúng thần có hội lệ. Làng thịt trâu chia cho các giáp. Xóm đình có một giáp, chiều hôm trước, trương tuần đã dắt về một con trâu què, đem buộc vào búi rễ đa.
Bác Bốn hỏi:
- Bao giờ thì xóm ngả trâu?
Trương tuần chép miệng:
- Tối mai thui.
- Đã gọi thợ thui chưa?
Trương tuần lại chép miệng:
- Vẽ chuyện, chúng tớ mổ lấy.
Bác Bốn cười, xun xoe nói:
- Cho tớ một tay. Chỉ xin công một cái vó què thôi.
Trương tuần nói:
- Trưa mai vật trâu, thui ngay ở bãi cỏ bờ sông này. Làm được không?
- Đã bảo tớ là đồ tể mà.
Trưa hôm sau, bọn trai làng khuân ra tấm ván, con dao bầu, cái chã đựng tiết, lại cả mấy gánh rơm chất lên. Mọi người xúm lại xem bác Bốn mổ trâu đông như đám trong sân đình đang đào lỗ cắm cờ kỳ, đánh trống ngũ liên giục giã râm ran.
Có một lũ kéo ra bờ sông hóng thuyền phường chèo Bắc.
Bác Bốn buộc tròng lọng trão vào rễ đa, kéo một cái con trâu ngã chỏng bốn vó. Cái rọ buộc mõm khuýp sừng trâu xuống, bác liếc má dao lên cỏ, rồi chọc tiết, con trâu rống ò ò. Giội nước, cạo lông, làm lòng xong đâu đấy, bác Bốn đội cả con trâu đã mổ phanh lên giữa bãi, chất rơm thui. Một mình bác làm tất, gọn như mổ con ếch.
Hàng giáp được chia thịt, ai cũng khen thợ thui khéo, các mảng nách chân, khoeo đùi, khoanh cổ chín vàng đều như nhau. Cỗ trâu các giáp không bao giờ được ngon mã thế.
Một hôm, cụ từ ra bảo bác Bốn:
- Làng đương khuyết chân mõ, cụ chánh cho gọi mày đấy. Bố con sướng rồi, từ giờ được vào ở sau đình, khỏi lo chạy mưa nắng ngoài bãi.
Từ đấy, bác Bốn làm chân mõ làng, mõ Bốn. Mõ Bốn vẫn chạy vạy sấp ngửa đơm đó, chợ búa như mọi khi, chỉ thỉnh thoảng quét rác, mở cửa đình cho cụ từ. Làng có việc thì đánh cái mõ tre đi rao các xóm... Chiềng làng nước... Chiềng làng chiềng chạ... Bác Bốn cũng không nghĩ trong đời lại có khi đi làm, mõ nhưng cũng chẳng sao. Người ta làm gì mà chẳng được.
Có điều Cái Muống đã lớn như thổi. Có hôm bố bận chạy việc làng, Muống xách giỏ cua, mớ ốc, một mình ra chợ chiều, mừng nó đã đỡ đần được. Nhưng bác Bốn có nỗi lo khác. Cái lo âm thầm mà nặng chịu, không như cái lo đói. Trai gái đến tuổi thì bố mẹ phải lo toan dựng vợ gả chồng, làm con người thì phải lần lượt đến những đận như thế.
Nhưng mà cái thân con cua con cáy bây giờ lại cõng cái đời thằng mõ đi hầu thiên hạ thì tính sao được vuông tròn cho thân mình, khi cái con người ta sai đi đâu được đến đấy. Bao nhiêu năm đến ngụ đất này bố con bác Bốn chưa hề được bước chân vào cửa nhà ai.
Nhiều khi, bác Bốn với cái Muống đi chợ - chỉ ở ngoài chợ thì mới không ai biết ai, lại có khi sang tận chợ tổng bên kia. Chợ vãn người hay chợ đông, đi như hóng cái may mà cũng chẳng khi nào thấy gặp phúc bắt được của rơi. Nhưng mà cái Muống thì đã nhớn rồi. Nghĩ vu vơ càng lo. Nhớ những năm 1940, tôi lại nhớ đến Khổng Văn Cu1 - thật tên cái anh mõ ở làng đồng chiêm thế, đi làm mõ mà có họ với ông Khổng Tử, người mõ cuối cùng làng Nghĩa Đô. Anh Cu đã đứng tuổi, vóc dáng bảnh bao, khoẻ mạnh thế mà cũng chưa bao giờ kiếm được một mủn vợ.
Lại nhớ dạo ấy thường về chơi quê Nam Cao ở làng Đại Hoàng, làng vùng ven sông cuối tỉnh Hà Nam. Chúng tôi nghe chị Nam Cao kể chuyện con gái lão mõ làng này còn dễ trông hơn nhiều cô gái đương thì trong làng. Có hôm tôi ra bờ sông, qua lều nhà mõ, thấy một cô gái mảnh dẻ, trắng trẻo mặc áo cánh chồi vấn khăn nâu non đỏ hoe như con gái làng hay chít khăn đỏ, cô ngồi trước cổng bán mía cây. Chị Nam Cao bảo cô ấy đấy. Đã ngoài ba mươi rồi, chắc là ế, con nhà mõ mà. Truyện ngắn Tư cách mõ của Nam Cao viết bấy giờ không đả động đến người con gái cao số ấy, nhưng rõ ràng anh miêu tả và lý sự về những thân phận người đi làm mõ.
Làng Hạ còn một tối hát chèo ngoài sân đình đêm nay. Dường như các xóm đổ cả đi xem kẻo rồi lại phải đợi sang năm đến dịp mới lại có chèo hát. Nhiều người rốn đứng đến tan chiếu hát gần nửa đêm.
Đương còn trăng cuối tháng. ánh trăng suông quyện sương mờ bàng bạc trên bóng lăn tăn cành tre non mới nở lá. Người từ cánh đồng vào đầu xóm cười nói xôn xao. Chẳng biết trong đám có những bọn ở đám xóc đĩa cuối xóm ra, có những tay đôi từ chặp tối đã lẻn xuống bờ tre bây giờ tan hát mới nhập nhoà lẫn vào đám người về các xóm. Người ta còn đương bàn tán, bắt chước và kể lại những đào kép vừa ra vai. Nàng Châu Long con mắt chín lừ. Chú tiểu đồng cầm roi giả cách dắt ngựa khéo quá. Ông Lưu Bình vinh quy xênh xang bước vào cổng nhà quan huyện họ Dương...
Bỗng nhớn nháo một đám đằng kia chạy lại.
- Những tiếng cười nói, bỗng hoá ra những tiếng kêu hốt hoảng. Cái gì, cái gì thế? Kẻ trộm à?
- Quân ăn sương khéo chõm vào lúc cả làng vắng nhà?
- Không, không...
- Thế thì cái gì?
- Giai gái!
Có một người cất giọng hát tuồng:
- Giai trên gái dưới ra sao nào, quân bay!
Tiếng cười hô hố.
- Không phải! Không phải!
- Thế thì cái chó gì mà ầm làng lên thế?
- Bắt được con nhà hương Sạ với cái Muống.
- Cái Muống nhà mõ Bốn ấy à?
- Lại còn cái Muống nào nữa!
- Thế thì loạn rồi. Đem trôi sông thôi.
Cả xóm người chạy lộn ra ngoài điếm canh. Sau bờ tre đã rừng rực ánh đuốc. Chen vào trong điếm, rõ ràng trông thấy mỗi bên cột trói đứng một ngòi. Thằng Sạ mặt xanh lét, cái Muống tóc bết kín mặt, đứt một bên cổ yếm váy bê bết bùn, hai đứa lấm như vùi chắc chúng nó trốn xuống đìa nước, mới bị lôi lên.
Lệ làng không có điều khoản cấm trai gái son rỗi tằng tịu với nhau. Chỉ ngả vạ đứa lộn chồng, đứa chùa hoang. Những dính với nhà mõ lại là cái điều xấu xa xưa nay không ai dám phạm. Dây đến đồ mõ, đến đứa ngụ cư cha căng chú kiết thì tội nặng tội nhẹ không biết đến thế nào. Tuỳ ở quan làng. Thế nhưng cũng lại trương phiên khán thủ bắt tội bắt vạ thế nào cũng được lắm khi chẳng phải bận đến các quan làng.
Ấy thế vẫn cứ phải hỏi lấy lệ. Ngay lúc ấy khán thủ vào nhà ông chánh. Ông chánh ở cuộc rượu tan hát về vừa ngất ngưởng nằm lên cái tràng kỷ. Ông chánh hờ mắt mơ màng nghe người khán thủ lẩm bẩm trình cụ. Ông chánh ngóc đầu lên quát:
- Làng này bắt lính còn chưa xong bắt ngay thằng Sạ đi chuyến này. Được được, con đĩ nhà mõ Bốn thì đem trôi sông, tống hẳn đi cho khỏi bẩn làng. Cút về mà làm thế.
Tuần tráng lục đục hối hả suốt đêm.
Bác khán thủ cầm gậy đến ngõ nhà ông hương, đứng ngoài cổng, hét vào:
- Trên huyện truyền thằng Sạ phải lên ngược đi lính chuyến này. Ở nhà lo xống áo lương ăn ba tháng cho kịp ngày đợi lên huyện.
Bác mõ Bốn ở nhà thì chẳng biết gì cả.
Nhà ở sau đình, trước sân có chiếu hát mà bác rượu vào đã đi nằm từ chập tối.
Tuần đinh đẵn tre, chẻ lạt, chặt cả chục cây chuối đóng bè. Phải thả bè cho nó trôi sông từ mờ đất, không được để người nào trông thấy. Mấy ông chức dịch đã chạy ra quát như thế.
Gà gáy sang canh ba. Mấy người tuần trở dậy vào điếm bật hồng đốt đuốc lên. Chỉ thấy hai cái cột chơ vơ. Những nút thừng rơi loằng ngoằng dưới mặt đất. Chúng nó cắn đứt cả dây thừng.
Cái Muống, thằng Sạ đã trốn mất.
***
Nửa đêm kia có hai bóng người len lén vào tam quan trong đình. Nén hương đen cả đêm thơm thoảng như mùi mật. Đĩa đèn dầu lạc đã lụt bấc còn leo lét xanh loè. Cụ từ ngồi tựa lưng vào cột, không biết cụ thức hay cụ vẫn quen ngủ ngồi.
- Lạy cụ từ.
Tiếng rè rè hỏi lại:
- Đứa nào?
- Lạy cụ từ, bố cháu đâu?
- Thằng mõ Bốn hả?
- Vâng ạ.
- Nó ra nằm tha ma ngoài cổng đồng rồi.
Giữa cơn mưa rào ào ạt đầu mùa hạ, thấp thoáng những đốm ma trơi xanh lơ trên các ngôi mả mới ngoài cổng đồng. Hai bóng người quỳ trong cơn mưa nặng hạt, chắp tay vái vào bóng tối bãi tha ma.
Chú thích:
1 Khổng Văn Cu - Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài - Nhà xuất bản Hà Nội 2000 trang 132
8. Ngày cuối năm
Cõi đất hoang cuối làng Hạ ngay bên bãi tha ma. Chỗ đất trống ấy bỏ um tùm vì nhà nào có mồ mả cũng không muốn để sát vào luỹ tre bên xóm có người ở trong. Chỗ này mọc lên những bụi cây ké, cây lá cối xay, cây dướng và bụi lau. Đôi khi, con trâu đi qua quơ mõm chẳng có cỏ rả nhai được, lại lảng ra.
Thế mà vẫn có người ở. Chỗ tận cùng nào chẳng có người ở. Nhưng trong làng không bao giờ coi đấy là xóm, là ngõ, kẻ đến kẻ đi không biết thế nào. Chỉ những người lưu lạc đến đây ngụ cư, trai tráng không có tên trong sổ đinh, không được đóng hàng giáp. Thằng mõ làng còn được chia phần ngồi một mình ngoài cửa, chứ người ngụ cư thì chưa được bằng cu mõ. Ấy thế nhưng hàng năm khi nước sông Cái lên to, trên phủ sức về lấy đinh đi hộ đê thì ông phó lý lại tróc đến cái xóm hoang này. Mày đến nương nhờ đây, mày uống nước giếng đầu làng đây thì mày phải làm thân con lừa cõng việc quan sai. Lão ta trôi giạt đến bãi hoang từ bao giờ. Người ta gọi lão là lão, tên lão là lão hay đấy là cái tiếng để gọi người già mà lão già từ khi nào lão cũng không nhớ.
Chẳng mấy lúc đã đến ba mươi tháng chạp. Phiên chợ áp Tết, tiếng à à chợ búa nháo nhác đằng cây đa bên kia cánh đồng đã vang động từ sớm. Tiếng vịt cạc cạc, tiếng bò rống, tiếng người chửi nhau... Có xào xạc thế mới ra ngày chợ vét. Bởi vì sớm mai đã mùng một năm mới rồi. Ai dư dả tiền thì chúng họ thong dong đi sắm sửa từ những ngày chợ trong năm. Phiên chợ này của người cố cùng mới chạy được vài tiền, vội nhoáng nhoáng đi vơ cút rượu, thẻ hương, miếng thịt lợn cúng, lẻ gạo nếp... Lão cũng chẳng đào đâu ra đồng nào mà mó đến những thứ sắm sửa ấy. Lão chẳng màng đến phiên chợ. Cái Tết, lại cái Tết, rồi lại cái Tết, những tết nhất thờ Ơ qua đi.
Khốn khổ, ấy thế mà lão, chỉ có lão, lão thuộc tất cả ruộng lúa, ruộng màu, ruộng đồng cao, đồng xa của mọi nhà trong làng. Bởi vì lão quanh năm đi làm thuê đã cày bừa tát nước tháo nước nhẵn các mặt ruộng.
Bây giờ thì lão đi cuốc. Ruộng trồng màu phải cuốc mới kỹ được đất. Để cắm dây khoai lang, khoai nghệ, lại cải thìa.., lắm giống mới quá. Ruộng huệ hoa trắng lôm lốp như đứa chít khăn đại tang. Chúng nó hoá rồ đến nơi, trồng các cái ăn cái uống linh tinh. Chẳng bận đến lão. Lão chỉ biết bổ nhát cuốc, lão mong được có việc làm suốt giêng hai. Nhưng đến năm cùng tháng tận thế này thì cũng chẳng nhà nào còn mướn cuốc ruộng nữa. Lão không làm dối, mà có lẽ bởi lão cuốc chậm. Cái già đã hất miếng cơm của lão. Nhưng chẳng cần, lão có việc khác, lão ối việc, có người thì có việc. Nhà kia gọi sửa bờ rào, đóng cổng ngăn, đào cái rãnh tát nước dưới ao, lại đánh gộc tre và không đi làm thì lão đi đặt đó, đánh lờ, kéo vó tôm, câu ếch, lão không đi chợ, nhưng thấy người ta đi chợ Tết thì lão cũng nghĩ có khi ta nên đi chợ đong lẻ gạo nếp, mua thẻ hương, khốn khó đến thế nào thì cũng phải lo nhớ đến các cụ. Nhưng chỉ nghĩ chứ chưa Tết nào lão đong được bát gạo, mua được thẻ hương, rồi cái nghĩ nhạt dần, rồi thôi, mà cứ mùng một Tết, lão múc bát nước mưa đem vào đặt lên hòn gạch ông đồ rau trong bếp cúng ông vải và vua bếp, lão cúng chay.
Ờ thì cũng phải đi chợ một cái xem làng nước họ chợ búa ra sao. Cái phiên chợ chửi nhau, đánh nhau, cướp giật của nhau cũng vui mắt đấy. Vẫn còn hàng lá dong, lạt giang bởi vì cũng chẳng thiếu nhà tối ba mươi mới luộc được đôi bánh chưng. Bác hàng dừa bày lên mặt gánh một đống gáo dừa có chuôi cả sọ, có cái đã đẽo thành muôi, chỉ một chốc đã bán hết nhẵn. Thiên hạ mua gáo, mua muôi làm gì mà đổ xô vào thế. Tết nhất lắm thứ phải đong, phải múc, phải khảo chăng. Có đứa bảo sọ dừa già gọt làm quân xóc đĩa còn nảy rền trong bát hơn quân vỏ diêm. Chẳng biết thế nào, chỉ biết vào những tháng củ mật tháng ăn chơi thế này thì đâu cũng có đám thò lò, đám xóc đĩa.
Dãy hàng tranh lơ thơ chỉ còn mớ tranh tiền rẻ nhất. Tờ giấy hồng điều đỏ khé in từng chuỗi hình mười đồng tiền. Một chinh Khải Định được lấy mười tờ tranh tiền.
Có năm lão đã mua chơi tranh tiền. Lão dán các cột lều, ngoài cửa, trong bếp. Để bói xem năm mới có tiền vào nhà không. Nhưng không khi nào có tiền vào nhà, cũng không có tiền đội nón ra đi, chẳng thấy gì cả.
Lão vào bãi bán trâu bò. Lúc nãy chắc có nhiều trâu, nhiều bò, bởi cái bãi lầy bùn còn in vết móng trâu, lại lắt nhắt móng dê hay móng chó. Lúc này thì chợ trâu bò vắng tanh, chỉ còn mỗi một người mổ bò thuê đương cọ mấy con dao trong cái xảo thả dưới ao làng. Trong cái xảo còn có bốn cái móng bò đen gồ ghề nổi lơ lửng trên mặt nước.
Lão nói:
- Này đằng ấy cho tớ bốn cái móng bò nhé. Tớ xin cái móng chứ không xin cái vó đâu!
Bác đồ tể mặt còn đỏ lựng. Dáng hẳn lúc nãy vừa mổ, vừa xả thịt vừa nốc rượu. Bác đồ tể nói to:
- Có cái bong bóng nữa. Định đem vứt cho chó gặm, người có tết thì cũng phải cho chó cái tết chứ. Lão giơ hai tay như can đôi bên đánh nhau. Ấy chết. Ấy chết, đừng phí của giời. Cái móng bò ninh lên cũng được nồi nước xuýt. Cái bong bóng thì đem phơi nắng may ra bán cho con mẹ hàng rượu. Một đống tiền cả đấy. Ông ơi!
Người đồ tê cười hề hề:
- Ờ thì cái bong bóng để đấy chốc nữa bán cho con mẹ buôn rượu. Còn cho bố cầm cái guốc bò này về, của thằng con rể sêu tết đấy nhé.
Câu tán dại đâm ra mất cái bong bóng. Phải mau mau kẻo nó không cho cái móng bò nữa thì có mà ăn mày. Lão vơ đâu được cái giỏ mất hom, nhét cả bốn cái móng bò còn dính lầy nhầy lông và bùn lấm. Rồi tất tả đi ngay.
Ra khỏi chợ, lão nhìn lại cài giỏ móng bò mới thực yên tâm. Chẳng có đồng mốc nào, đi chợ cũng được những thứ này. Cái xương, cái móng cứ đun mãi tất phải ra sụn ra nước xuýt. Thế là có tết rồi.
Đến cái quán giữa đồng, lão ngồi buộc lại giỏ. Bà hàng nước đã nghỉ dọn hàng quán trống gió thổi ào ào vào lều. Lão trói vào lại tháo ra, lại cầm từng cái móng bò lên ngắm, ngắm chán rồi lại đâm nghĩ ngợi lấn thẩn. Khốn nạn thân ông, cái móng bò không phải là cái vó bò, cái vó bò thái ra chấm tương gừng, nhai rau ráu, cái móng thì... thôi thôi ông cứ đắp bùn hầm cho mấy ngày mấy đêm thì đến sừng trâu móng trâu cũng phải chảy ra nước xuýt. Thuở xưa thằng vua còn ninh mầm đá ra ăn cơ mà...
Ngoài ruộng, một đàn quạ khoang xúm xít trên một luống đất cày ải. Bọn chim chóc trộm ngày này đương chơi trò tranh nhau cái gì đây. Lũ quạ thoáng thấy người ra bay rào rào lên, lão trông thấy trong luống đất một chiếc bong bóng lợn, à mà không phải bong bóng lợn cái bong bóng trâu mới to ngồn ngộn lên thế. Không biết bọn quạ tha ở đâu về hay là đứa nào ném ra đây.
Thằng mổ bò kia không cho ông thì ông cũng được giời cho, giời cho ông cái bong bóng trâu còn to bằng mấy cái bong bóng bò. Thật là của giời cho.
Những con quạ chết đói lại táp xuống. Có con nhảy vào mổ cái bong bóng. Có con táo tợn đậu xuống vai ông lão, như toan quào vào mặt cái thằng người đến cướp cơm của nhà quạ. Những những con quạ khoang địch sao được lão ông mà túm được con nào thì ông cũng cho chúng mày vào nồi tất. Tết này ông ăn tết thịt bò ông ăn thịt quạ. Lập tức, lão huơ tay lên. Những con quạ khôn ngoan đã đọc được cơn giận nổi đùng đùng trên mặt lão. Cả lũ bay biến đi. Thế là lão nhặt cái bong bóng nhét vào giỏ. Lão nhổ cái cỏ xước tết làm lạt buộc những cái móng bò xách một bên tay.
Lão chợt lắng tai. Tiếng chuột kêu chí chí ở góc tường đất. Không phải tiếng chuột nhắt đuổi nhau. Hình như tiếng chuột nhút nhít mới đẻ chưa mở mắt, đương chen nhau trong ổ, lão rón chân bước lại. Lão nhấc hòn gạch vồ.
Một ổ chuột tý nhau lúc nhúc đỏ hon hỏn. Con chuột mẹ nằm giữa chưa kịp ngoái đầu lên, bàn tay lão đã chít cổ lôi ra. Con chuột mẹ giãy được mấy cái, tắc thở. Thế là cả chuột mẹ chuột con lão dốc tuột vào giỏ. Đã có thịt bò, lại thêm thịt chuột, được quá
Lão về đến những túp lều cái xóm người ngụ cư. Cái lều của lão như đống rạ lởm chởm. Gió rét ngăn ngắt. Tự dưng, lão lẩm bẩm một câu bơ vơ: À à thế này mới là Tết lão đương hả hê ta đây. Mấy cái lều ở ngoài chưa thấy hơi hướng ai về. Gió thổi kẽo kẹt như có ma ở các ngôi mộ đằng kia lên đánh đu trên bụi tre.
Người ta đi đâu, lão không biết, lão cũng chẳng để ý Chúng nó trốn tết hay chạy tết, có khi kéo nhau bỏ đi luôn cũng nên. Ở ngoài tha ma có nhà nào đi sửa mộ cuối năm. Gió tạt vào mùi hăng hắc hương đám ma. Nhưng trong đầu lão chỉ đương có những cái mừng. Nước xuýt luộc bò, cho thêm cái bong bóng này vào thì ngon ngọt đứt đuôi rồi. Lại còn xó rượu đấy, rượu nhắm với thịt chuột bao tử nướng.
Lão đã tưởng ra tiếng pháo xa xa, tiếng trống đình, tiếng chuông chùa nối lên. Ba ngày tết qua rồi, đã có người gọi hẹn mừng tuổi lão từ trong năm, mùng bốn vào dọn vườn động thổ. Hôm ấy thì được chén tuỷ luý thẳng thừng rồi.
Lão nhìn cái bờ rào cúc tần. Để những thức ăn sống sít này chỗ cao ráo cho khỏi con kiến bò vào, không khéo thì có khi cả con chó đến ngoạm mất. Nhìn trước nhìn sau, rồi lão gài cái giỏ chuột vào hốc thân cây dướng. Bốn cái móng bò và cái bong bóng trâu thì treo trên cành cây dường ở ngay cửa lều, trông ra thấy ngay.
Lão vào bếp thổi lửa, vơ mấy cái que củi đốt sưởi rồi ngả người xuống ổ rơm.
Lão cứ nghĩ vơ vẩn toàn những cái vui, tưởng như vừa được một buổi sắm sửa bận rộn rồi lại đã cơm no rượu say ngoài chợ. Hai con mắt lão gà gà díp lại trong tiếng pháo lạch tạch đâu đây.
Lão chợp mắt một lúc. Tiếng gió lùa rào rạt trong vòm trời âm u, trở dậy không biết sắp tối hay còn ban ngày. Lão ngồi dậy lò dò ra đem các thứ vào bếp.
Trong hốc cây dướng để cái giỏ chuột. Bốn cái móng bò, cái bong bóng trâu thì treo trên. Nhưng chẳng thấy các thứ ấy đâu cả. Đứa nào đã thón mất. Hay con cầy, con cáo tha rồi.
Lão nhìn quanh xem như còn có cái gì rơi xuống đất. Không thấy. Lão đứng tần ngần, cũng chẳng nghĩ ngợi ra sao.
9. Những thương những giận
Cái năm Tây về lập bốt ngay đầu đình, nhiều nhà phải bỏ làng tản cư đi các nơi. Đến năm Tây thua ở Điện Biên Phủ rút chạy vào Nam thì những nhà ngày trước đi bây giờ lại lần lần trở về.
Bác Thậm về muộn nhất, mà về một mình. Những đưa trẻ chạy theo, đố nhau đoán xem ông ấy là cán bộ hay là bộ đội. Đứa nào tò mò thì đến đếm xem trên áo ông có mấy cái huân, cái huy, ông mặc áo đại cán bốn túi hay áo lính trơn hai túi, thắt lưng da.
Thậm với tôi là anh em họ. Thậm bậc trên. Thậm trở về làng nhưng Thậm ở đâu hay công tác đâu, tôi không biết. Chỉ thấy Thậm vẫn cao to, mặt gồ ghề xương hóc. Thậm mặc áo cổ Tôn Trung Sơn, ka ki màu xi măng, đi đôi giày tây đen, đầu đội mũ cát két tím, lưỡi trai bóng nhoáng. Thậm dắt cái xe trâu Trung Quốc, quan trọng là cái xe đạp đeo biển sơn xanh, xe biển xanh là xe cơ quan, xe của nhà nước. Cán bộ cỡ nào mới được cấp trên cho đi xe đạp công. Thế là Thậm đã là cán bộ khá rồi.
Tôi hỏi:
- Bác công tác tận đâu mà bây giờ mới về?
- Ở trên Việt Bắc. Bận quá, không lúc nào dứt ra về chơi được.
Rồi Thậm hỏi lại tôi một câu thân mật:
- Cái lão thịt chó ở gốc cây đại trên chợ còn chứ?
- Còn.
- Hay đấy! Tớ thết chú. Chẳng mấy khi. Chợ quê vẫn tản mát thế, chỉ đông vào ngày phiên. Chủ quán gầy gò ngồi lù lù sau cái mâm thõng. Thịt luộc xả ra bày lên những tàu lá chuối. Chậu mắm tôm, cái bát đàn riềng ớt thái sẵn, một rổ rau ngổ, húng quế, mơ tam thể bề bộn cạnh một lũ vò rượu nút lá chuối.
Tôi hỏi Thậm:
- Nhớ lão quán này không?
- Nhớ chứ, quán rẻ nhất, lão bán tinh chó chết bả.
- Tây bắn ông lão ấy chết năm kia rồi. Thằng này là thằng con cả ngồi nối ngôi đây.
Thậm nhìn lại chủ quán rồi im lặng như biết rồi. Lát sau, Thậm hỏi tôi:
- Chú có gặp anh cán bộ hồi bí mật... anh gì nhỉ?
- Cán bộ Bản.
- Phải rồi, cán bộ Bản. Có gặp không?
- Thấy bảo rồi ngày ấy anh Bản đi Nam tiến.
Tôi cũng ngạc nhiên nghe Thậm hỏi thăm cán bộ Bản. Bởi tôi còn nhớ một việc xấu hổ cho Thậm hồi sắp Tổng khởi nghĩa.
Trưa hôm ấy, cán bộ Bản vừa đi vào làng thì một bọn lính khố xanh với lính Nhật thình lình ập về vây ngoài luỹ. Bí quá, tôi đưa cán bộ Bản sang nhà Thậm. Đằng ấy xóm vắng có lối trổ xuống đồng thoát ra được Thậm đương vác cái giậm, sắp ra ngoài đìa càn cá. Thấy tôi và người lạ, Thậm đoán được ngay. Thậm hạ cái cán giậm, quỳ xuống chắp tay:
- Lạy các ông, các ông đi ra ngay không thì chết cả bây giờ.
Hôm sau, Thậm chửi tôi:
- Mày dắt hội kín về, định gieo vạ vào nhà ông à? Tiên sư mày?
Thậm uống hết chén rượu, rồi nói như kể chuyện:
- Tớ quên thế nào được cán bộ Bản. Gay go thế thì chuyện phải nhớ đời chứ. Lúc ấy tớ vạch trổ bờ tre sau nhà, rồi lấy cái thúng bơi đưa cán bộ Bản sang bên kia sông an toàn. Bọn Nhật vây đằng đầu làng trơ mắt chẫu ra, không biết. Thế Việt Minh mới tài chứ! Ha, ha...
Chốc chốc, Thậm lại hỏi:
- Chú có nhớ không? Chú có nhớ không.
Câu chuyện dựng đứng thật ly kỳ mà thật cụ thể khiến cho tôi đâm ngờ ngợ cả trí nhớ tôi, hay là thế thật, tôi quên cũng nên.
Từ đấy, đôi khi bác Thậm thường về nhà tôi.
Bây giờ thì bác Thậm với tôi đã thân hơn, tôi đã quen lối chè chén suồng sã và kiểu ăn nói phét lác của bác và cũng được biết bác thật hơn.
Tôi hỏi Thậm:
- Các người tản cư đã về làng cả, bác còn nấn ná trên ấy mãi sao?
Bác Thậm nói:
- Mười mấy năm công tác rừng xanh núi đỏ lặn lội đến ngã nước, chết đi sống lại nên trên mới ưu tiên, các anh ấy cho được về nghỉ sớm. Lại nghĩ đã quen thung quen thổ, thôi thì đất nước đã độc lập, đâu cũng là nhà, ở đâu chẳng được.
Tôi đã có lần lên chơi nhà bác Thậm. Kể ra nhà bác cũng chẳng xa xôi núi đỏ rừng xanh tận đâu, chỉ qua huyện Chương Mỹ sang đầu huyện Lương Sơn đã đến. Bác gái chuyến đi rừng kiếm măng về ngâm lại buôn chè tươi ngồi bán ở chợ huyện. Thằng con cả bác lái xe tải thỉnh thoảng có chuyến Sơn La - Hoà Bình lại lai bố đi chơi.
Nó bảo tôi:
- Tính bố cháu hay huếch một tấc đến giời, cho người đi đây đi đó một chuyến về khoe cả tháng chưa hết chuyện.
Rồi dần dần tôi hiểu hơn cái nông nỗi bác Thậm không muốn về ở làng. Bác hay đi vắng, xóm giềng thì thào bác là công an chìm, có tuổi rồi mà vẫn phụ trách công tác đặc biệt. Thật ra, bác thạo chạy chợ, các chợ nửa quê nửa đường ngược. Bác Thậm buôn thừng, chão ở ô Cách đem vào các mối bán chợ Bắc Qua, có khi ngược chợ Phương Lâm, chợ Bờ mua giang, nứa, đay, tre.., tải về cho các thổ đánh thừng ở ô Cách. Sắp Tết lại thồ ống giang về các hàng làm lạt gói bánh chưng, bánh giò. Thằng con tài xế phổi bò đã thuộc tính bố, lại nói giễu: ấy chỉ thương nghiệp dân doanh vậy mà bố tôi đi đâu cũng đóng đại cán, cái xe đạp biển xanh. Khi về đến nhà lại chững chạc cái kính đen bí hiểm, cái túi da đeo vai làm túi tài liệu kỳ tình trong để mấy tờ báo. Đôi khi bác Thậm đạp xe thong dong như cán bộ trung ương về quê chơi.
Một hôm bác Thậm khẩn khoản mời tôi. Bác nói lý do:
- Phiên chợ này có việc vui với mấy ông bạn ở địa phương. Chẳng là sắp bầu lại hội phụ lão, anh em muốn giữ ở lại khoá mới. Tiếng là nghỉ mà đã được nghỉ đâu. Mệt quá. Thế nào cũng lên chơi với tớ nhé.
Tất nhiên, chẳng nói tôi cũng biết là bác Thậm có việc cần tôi thế nào chứ chẳng phải chơi không. Hôm ấy đánh chén thịt vịt. Đương mùa vịt Bàu Bến béo, cái xương cũng như cái sụn mà đánh tiết canh thì tuyệt cú. Mấy ông khách đến chơi, nghe loáng thoáng mỗi lúc bác Thậm giới thiệu với tôi ông uỷ ban, ông đảng uỷ, người này người này, tôi lờ mờ đoán được ý bác Thậm.
Rồi Thậm nói về tôi, chỉ một câu như đinh đóng cột:
- Báo cáo các đồng chí, chú em tôi đây, anh em chúng tôi đã cùng nhau hoạt động từ bao nhiêu năm còn bóng tối, nằm ổ rơm, ăn sắn trừ bữa, rải truyền đòn, đánh Pháp đuổi Nhật.
Tôi nghĩ ngượng và bực. Nhưng chẳng nhẽ nói thế nào. Hôm sau, đưa tôi ra bến xe buýt, bác
Thậm nói:
- Thế là ăn chắc chân chủ tịch, chú ạ.
Ít lâu sau, bác Thậm lại về chơi. Bác bảo bác đi công tác, nhân tiện tạt vào. Bác cởi ở xe đạp ra một bọc bún lá với gói nilông mắm tôm đồng, cả củ sả, gừng, tía tô. Bác bảo: “Thịt chó chính cống Cầu Giẻ đấy!”. Cái chão còn quấn chồm cả lên yên xe với hai vành bánh bùn đã khô lở từng mảng. Chắc là bác vừa tải chuyến thừng chão về ô Cách rồi qua đây có việc chẳng phải tình cờ.
Quả nhiên thế.
Mấy chén vào rồi, bác Thậm cười khớ khớ, bảo:
- Chú biết đấy, tôi đã đi rải truyền đơn, tôi đã hoạt động từ ngày bóng tối với cán bộ Bản. Thế mà phần thưởng lão thành, thưởng tiền khởi nghĩa, tôi chưa có cái gì cả. Thiệt thòi lắm, phải không chú? Tôi nghe mà gai cả người. Tôi nghĩ bụng, dạo trước mà tôi chẻ hoe với bác sự thật về cái hôm chạy mật thám Nhật ở làng thì tôi đã rảnh thân. Nhưng tôi đã trù trừ, rồi tôi câm miệng hến. Tôi nghĩ giật lùi thì nó lại cứ xưng xưng ra thế này rồi tôi đâm ra quên cả tôi. Tôi chỉ còn hăng máu lúc tôi một mình.
Thậm thì thào:
- Bây giờ xin chú chứng nhận cho tôi, chỉ có chú mới chứng nhận được cho tôi.
Tôi không dám làm chứng không phải vì tôi biết Thậm không hoạt động và tôi dám lật tẩy Thậm. Mà tại chỉ vì tôi biết thể thức chứng nhận hoạt động cách mạng phải có hai người cùng hoạt động ở thời kỳ ấy ký vào làm chứng thì mới bảo đảm giá trị. Biết thế, nhưng tôi lại chỉ lờ mờ hoãn binh. Để tôi nghiên cứu các văn bản thế nào rồi tôi nói lại với bác.
- Cần lắm, chú cố gắng cho. Chả là có bạn tôi đương làm tổ chức trên huyện uỷ, cả trên tỉnh uỷ.
Tôi cũng đớp mấy chén rồi, tôi lại đương hăng:
- Tôi đã bảo mà. Bác vô tư đi.
Tuần sau, bác Thậm lại xuống. Tôi lo, nhưng lo thế nào thì cái câu trả lời cũng phải có, mà tôi không còn lối nào để huênh hoang được.
Tôi thở khướt một cái:
- Em chẳng có cách nào giúp được bác.
- Sao thế?
- Luật đã ra là phải có hai người cùng hoạt động, cùng ký chứng nhận, một người không ăn thua.
Nói được thế rồi, tôi được đà, tôi chửi vu vơ:
- Bây giờ lắm người chữa lý lịch, khai man, xoay xoả gian dối lắm.
Tôi trông thấy bác Thậm nhăn nheo, rúm lại, bàn tay run bần bật. Thế là tôi mất hứng lại sinh ra động lòng và thương bác Thậm. Có thể giá lúc ấy có ai ký cho bác Thậm thì tôi cũng cầm bút ngoằng một cái theo cũng nên. Bác Thậm thẫn thờ thở một hơi như người nhả khói thuốc lào.
- Thế là tôi tay không, tôi công cốc. Chú bảo tôi làm thế nào?
Tôi chỉ còn biết một câu nói lại lờ mờ:
- Tôi đã báo cáo cả với bác rồi.
Thậm ngồi thừ một lúc, rồi như nhớ ra:
- Bây giờ chỉ làm thế nào mà gặp được cán bộ Bản thì mới xong được. Có phải không chú?
Tôi lặng yên.
Thật ra tôi đã gặp Bản. Nhưng lúc này tôi đâm ngại, không muốn vẽ chuyện mà sinh sự vơ vào mình làm gì, cái thằng tôi cả nể.
Chuyện tôi gặp lại Bản cũng là tình cờ. Lần ấy tôi sang ô Cách, ngồi nghỉ chán uống bát nước chè tươi ven đường... Tôi trông thấy đi qua ngoài kia một ông lão dường cũng chưa già mấy nhưng lưng đã còng, bộ quần áo và cái mũ bộ đội đã xám xỉn. Ông xách bốn cái lồng chim gáy. Trời hơi lạnh, mỗi lồng phủ vuông lụa điều như các cụ ngày trước chơi chim gáy hay bọc cái lồng quả vả vào mùa rét như thế. Cái ông gánh bốn chiếc lồng chim gáy đã là lạ, nhưng với tôi càng thật ngạc nhiên, bỗng nhiên mà bồi hồi.
Tôi nhớ chim gáy ở miền Nam thì bay rợp trời, nhiều vô kể. Cái ông lão quẩy chim đang đi ven sông Đuống này chẳng khác những bác già sành điệu gác cu đương thẩn thơ mà mải miết chăm chú lội ruộng qua các cánh đồng liền bờ ở Vĩnh Long, ở Bạc Liêu. Không phải các tay chơi này bẫy cu, gác cu đem bán chợ, đem nướng chả. Không, các lão này gác phải con cu dở thì thả ra, thì ném xuống sông, được con cu tướng mạo hay, mỏ nhọn đuôi thon, gáy như hát thì nuôi luyện thành cu mồi - có những con cu mồi đã ở cả đời với người gác cu, trường thọ đến ngoài năm mươi năm.
Ông lão gác cu, cái tai lúc nào cũng khoái tiếng cu cao thấp, giọng đồng giọng chuông, giọng thổ lại mê man nhìn hai con vờn nhau trước cửa cụp, trên đồng mênh mông cánh cò, hai chân bước giữa trời đất giữa đồng không, chỉ tràn đầy tiếng cu gáy. Những cái điều còn làm tôi đến ngân ngơ cả người. Ấy là ô hay trông cái ông lão gánh bốn lồng chim gáy ở quãng đường này sao giống cán bộ Bản thế. Đã đành ngày ấy Bản, khỏe mạnh, tầm thước, nhanh nhẹn, không gầy còm thế này, nhưng mà cứ hao hao. Đến lúc ông gánh chim ngước mặt bước lên tam quan đình cạnh gốc đa, thì dẫu cho đã bao nhiêu năm cách xa rồi, tôi vẫn trông ra ra anh Bản thuở ấy.
Tôi bước đến, chắp tay:
- Chào ông. Ông đi chơi.
- Chào ông.
Ông già cười đáp:
- Người đi chơi thì cũng cho chim được đi đổi không khí chứ. Thê mới công bằng, có phải không?
Tôi rụt rè:
- Xin lỗi ông, tôi hỏi điều này khí không phải, ông có phải là cán bộ Bản cái hồi Việt minh không?
Ông nhìn tận mặt tôi, rồi giơ bàn tay gồ ghề, xương xẩu nắm vai tôi, lắc lắc:
- À anh... anh... - Rồi ông ôm chầm lấy tôi - Nhớ rồi, nhớ cái hôm chạy Nhật... Nhớ rồi...
Thế là anh Bản với tôi ngồi chuyện suốt cả trưa sang chiều bên hốc cây đa. Vậy là anh đi Nam tiến rồi ở lại chiến trường miền Nam cho đến khi đất nước thống nhất.
Nửa đời người chiến trường khi thì ở chủ lực, khi sang địa phương quân là cán bộ tổ chúc du kích huyện là bộ đội tỉnh. Giải phóng rồi, trở về miền Bắc và giải ngũ. Ở ô Cách. Vùng đây cũng chẳng phải quê anh mà chỉ là nơi có khi đóng quân lâu từ ngày trước khi đi Nam tiến. Ông đại tá về xin làng đất làm nhà, rồi ở đấy như quê. Anh Bản nài tôi đến nhà anh chơi ngay hôm ấy ở mấy hôm cũng được, nhưng tôi hẹn khi khác. Thế rồi nấn ná lâu lâu đâm ra ngại. Đã mấy lần định đi rồi lại thôi.
Ấy thế nhưng rồi việc lại chẳng đừng. Bác Thậm lại về chơi. Đã thành lệ, xe của bác thế nào cũng đèo cái bọc, cái gói. Lần này bọc lá chuối tươi to lù lù. Mở ra thì là mấy gói quà, quà rẻ thôi nhưng không phải mấy khi đã dễ kiếm mà bác vòi tôi là dân ưa nhấm nháp với đôi ba chén. Ấy là gói bún lá, hai chục cái đậu phụ nghệ nướng. Bây giờ chỉ có mấy nơi chợ búa quê xa mới còn bán cái món lôm lam ngày xưa này. Đậu phụ nghệ vàng nướng để nguội uống rượu chấm với muối, cắn ớt cả quả.
Và thế nào bác Thậm cũng có chuyện mới, chẳng khi nào không. Bác Thậm thưỡn mặt ra một lát, rồi thì thầm như thờ ơ nói một mình:
- Tôi vận rấp quá. Có đứa tố cáo tôi khai man lý lịch, tôi không phải đảng viên. Chúng nó đòi đấu tôi.
Quả là việc nghiêm trọng. Tôi hỏi:
- Thế thì bác thấy thế nào?
Bác Thậm quắc mắt, quát:
- Chú lại hỏi anh thế nào? Chú cũng nghi anh à?
Tôi nhẹ nhàng:
- Là em hỏi bác đã giải quyết như thế nào ấy mà.
Bác Thậm xắn một bên tay áo, sừng sộ.
- Tôi phải cho chúng nó biết tay. Tôi phải giết, giết hết.
Nghe bác Thậm nói trừng trợn thế mà trong bụng tôi lại êm ả. Thật tình, cả tôi cũng ý ngờ bác chứ chẳng phải ai. Bác vào đảng khi nào mới được chứ? Thiên hạ bây giờ cơ man người man trá, tôi chẳng tin mấy ông tự nhận, lại có cả người chứng nhận nữa, đã tham gia từ năm tuổi mười ba mười bốn, bây giờ là cán bộ tiền khởi nghĩa, là cán bộ lão thành. Những năm ấy nước ta chưa có cơ quan lưu trữ, chưa có nghề lưu trữ. Cái năm tôi hay anh chuyển công tác, thường chỉ là cầm lý lịch đem về nộp cơ quan mới. Thì tội gì mà tôi chẳng mở ra xem, chẳng chữa, chẳng thêm bớt. Ở chỗ khai sinh, tôi chữa chữ số 0 sang số 8, ở mục khác thì khéo thu xếp cho khớp, kéo thêm 8 năm hay 18 năm mới đến tuổi hưu. Ngon ơ. Ấy là tôi còn ngù ngờ, chứ ma mãnh như bây giờ người ta còn vá lắp được khối chỗ, tôi còn giật được mấy cái bằng trình độ chính trị trung cấp cao cấp và bằng các thứ chuyên môn nghiệp vụ nữa chứ chẳng chơi. Tôi ấy chứ không phải ai, kể gì bác Thậm.
Nghĩ thế tự dưng tôi lại đâm ra thương cho thân phận bác Thậm. Cả đời loay hoay vừa bốc phét lại vừa dối trá, mà cũng là người làm ăn tử tế mình nai lưng ra xoay xở lấy miếng cơm manh áo chỉ có cái là cứ lúc nào cũng muốn cao cao thì bây giờ lại ngã ngửa ra, thế cũng là khốn khổ thôi.
Tôi thương bác Thậm thật, bác chưa được là cái đinh, khối đứa còn táng tận, còn muối mặt gấp vạn bác. Bác Thậm ơi, bác Thậm, tôi thương bác.
Tôi gật gù bật nói:
- Bác ạ, tôi đã gặp cán bộ Bản, ừ cán bộ Bản tôi đã gặp.
Bác Thậm để rơi bịch cái chén không xuống chiếu, trợn tròn mắt, kêu:
- Ối giời ôi?
Rồi hét:
- Thế thì phen này chúng mày chết rồi.
Tôi không để ý cơn giận dữ sung sướng đến phát rồ của bác Thậm. Tôi nói thong thả những việc sắp làm:
- Tôi đưa anh đến chơi nhà cán bộ Bản. Chắc là bác ấy mừng lắm, bác ấy đã có hẹn tôi mà. Bác ấy và tôi sẽ viết giấy xác nhận cho anh. Tôi đã nói phải có hai người cùng hoạt động chứng nhận cho lý lịch cho thành tích.
Ngồi giữa chiếu rượu mà bác Thậm cứ thở hổn hển như người đương chạy cật lực. Còn tôi trong lúc rượu vào, tôi thấy tôi đương thông cảm với anh em, tôi vẫn được, tôi chẳng mất gì. Phiên chợ sau, bác Thậm xuống nhà tôi. Đằng sau xe chằng thừng đay một cái lọ, trong có đôi gà trống tơ, một buộc chè Thái, bọc cái lá gồi, lại một quả mít chín cây vừa mở mắt vàng hây.
Nhưng mà cái hôm tôi bốc đồng muốn đưa ngay bác Thậm đến nhà cán bộ Bản, lúc ngủ dậy lại tần ngần không còn hăng như đang khi ở trong chén rượu. Đến lúc trông thấy bác Thậm xăm xăm đi vào thì tôi nhụt hẳn chẳng còn được như hôm trước nữa. Thế là cái vạ miệng đã đưa việc đến đít rồi, không lủi đi đâu được.
Bác Thậm đẩy cả cái xe đạp thồ lỉnh kỉnh như thế đi với tôi dật dờ sang ô Cách. Đến quán bà bán nước chè tươi hôm trước, rẽ vào làm bát nước nhân tiện hỏi thăm đường.
Bà hàng như nhận ra người quen, lại nghe hỏi thế, mặt bà tươi tỉnh hẳn lên. Bà giơ cái gáo, chỉ ngay:
- Cái ông vẫn gánh lồng chim đi chơi phải không? Hai bác sang qua bờ ao đình rồi vào xóm hỏi nhà ông đại Gáy thì trẻ con lên ba cũng biết. Rồi lại biết thoạt đầu người làng chào hỏi ông là đại tá chim gáy, sau rồi thân hơn thì đâm nhờn, bây giờ quen gọi tắt là ông đại Gáy. Ông đại Gáy chỉ móm mém cười đùa lại: Đứa nào rủ được ả ấy ả ấy về ở với ông đại Gáy thì hay đấy”. Đàn bà con gái ô Cách cũng chẳng vừa, còn nói lỡm nhả hơn mà chắc bà hàng nước này cũng được một mũi. Bà kêu: Giời ơi là giời, đứa nào đến ở nhà ông để nghe chim ông gáy cả đêm thì còn ngủ nghê lúc nào nữa.
Nhà ông đại Gáy không ở ngay xóm Đình nhưng quả là ai cũng biết. Trẻ con ríu rít hội nhau chạy theo dẫn đường chúng tôi.
Nếp nhà một gian hai chái mái lá cọ, mặt ao bên kia vườn tha bè củ ấu lẫn rau muống. Lối cổng vào đầu ngõ kê rải rác những hòn đá tảng mặt phẳng vừa bước, phòng những hôm mưa ngập. Hai bên giàn thiên lý và kim ngân treo chim gáy, có đến hàng mấy chục, hàng trăm lồng quả vả không đếm hết được. Mỗi khi người đi qua, những con chim gáy rối rít cong cổ dạng chân cúi đầu cất tiếng gáy. Như những chiếc đồng hồ quả lắc, cứ đúng giờ thì nhả chuông liền liền. Ái chà chà, tiếng đồn thật không ngoa về ông đại tá chim gáy, ông vua chim gáy.
Trong nhà, bàn khách ấm chén tinh tươm, sạch bóng nhưng ngăn nắp, gọn ghẽ quá mà lành lạnh: có thể đoán được nhà người i có tuổi ở một mình với vùng trời và mặt đất toàn chim gáy.
Ông đại tá đương rửa cái cuốc, rồi ông từ cầu ao bước lên sân. Cả trăm con chim từ ngoài đầu ngõ vào hai lên vườn lại nhao nhao gáy rập rờn...
Trông thấy, ông đại tá nhận ra tôi ngay reo to:
- Ô mày! Tao đợi mày mãi!
Rồi ông đại tá nhìn bác Thậm. Ông đại tá bỗng mở chừng mắt, dựng ngược ca lông mi, lông mày:
- Nam, thằng Nam? Ối giời ơi, thằng Nam!
Ông đại tá nắm hai vai Thậm lắc lắc, hai hàng nước mắt đổ lã chã. Ông nói đứt quãng không la đầu không ra đuôi:
- Mày chết rồi kia mà. Chỉ có một mình tao nhảy ra khỏi hầm được. Ối giời ơi, tao thắp nhang cho mày kia. Có phải thằng Nam? Thằng Nam: mày là con ma hay mày là thằng Nam?
Ròi ông lập cập kéo chúng tôi sang bên vườn. Trong giữa luống đất có một búi gừng và một cây bằng lăng rợp bóng đang ra hoa tím tùng đám như cây rừng miền Đông trong kia. Bên gốc bừng lăng là một cây hương cao ngang mặt. Một cái lư hương đắp hình con chim gáy đồ sộ, trên lưng con chim khoét thành cái đỉnh thắp hương. Hai bên dụng hai hàng bia đá nho nhỏ. Ông đại tá nói:
- Bao nhiêu năm, đánh bao nhiêu trận, tao nhớ được thằng nào hy sinh thì tao khắc tên vào bia đặt lên cây, anh em thờ nhau ở đâu. Chiều nào tao cũng thắp hương thỉnh một hồi chuông chiêu hồn chúng nó.
Ông đại tá đánh diêm châm một nén hương cắm vào hình lưng con chim cu chi chít chân phương. Ông nhấc một tấm bia. Trên mặt bia khắc dọc dài những hàng tên người. Nước mắt ông đại tá nhỏ cả xuống mặt bia ông miết ngón tao cái chùi vào hàng chữ khắc: Liệt sĩ Nguyễn Văn Nam hy sinh ngày... ấp Sóc Đồn, xã Hùng Hội...
- Tên mày. Tên mày đây... Anh em nào mà tao nhớ được, tao khắc vào.
Rồi đột nhiên ông đại tá cười to, cười sằng sặc như người lên cơn. Ông vừa cười, vừa khóc:
- Nam ơi. Mày! Mà thật còn sống à? Thế mà tao cứ tưởng mày đây kia mà, làm sao mà mày sống được?
Ông đại tá tức tốc rối rít la lệnh:
- Chúng mày với tao dồn mấy con gà đằng chuồng, bắt mấy con cũng được. Chúng mày làm gà. Tao buộc cái chũm, xuống ao kéo mấy con cá. Ở đây, ở đây mấy hôm... ở với tao vài tháng, ở mãi cũng được. Mày kể cho tao nghe hết, nghe hết từ trong hầm ở ấp Sóc Đồn, nó thả lựu đạn xuống, rõ ràng mày chết rồi mà mày lại về được tận đây là ra làm sao?
Bác Thậm mặt tái ngoét, run lẩy bẩy:
- Cho tôi ra.., mua thuốc...
Tôi hỏi:
- Bác mua thuốc gì, tôi đi cho.
Bác Thậm lắp bắp: Không, không, rồi bác Thậm lật đật lom khom chạy ra chỗ để xe đạp. Cân chè, quả mít và đôi gà vẫn buộc sau xe. Bác Thậm đùng đùng lôi cả cái xe ra cổng. Ông đại Gáy giật giọng hỏi tôi:
- Nó đi đâu thế?
Tôi nói:
- Nó lên cơn động kinh ấy mà.
Tôi lúng túng không nói hết câu. Ông đại tá cau mặt, buồn hẳn, rồi trầm ngâm:
- Thằng này đã nhiều phen hụt chết lắm rồi, tôi biết, tôi đã chứng kiến. Cái dạng thần kinh này không bao giờ lành được. Có khi còn điên nữa. Anh chạy theo xem nó mua thuốc gì mua cho nó. Hay là dỗ nó, đưa nó vào Trâu Quỳ. Đây gần bệnh viện Trâu Quỳ, người ta có thuốc chuyên trị thần kinh.
Tôi lúng túng chưa biết nên thế nào, ông đại tá lại gọi tôi:
- Anh không đi một mình được. Tôi phải đi với anh ra giúp nó mới được.
Tôi vội can:
- Anh mặc tôi, tôi thuộc bệnh nó rồi. Anh cứ ở nhà, còn thịt gà, còn chũm cá chứ.
Ông đại Gáy nghe tôi, vác cái chũm xuống ao. Bác Thậm mất hút từ hôm ấy. Cũng không lai vãng xuống nhà tôi nữa. Còn tôi cũng lẩn thẩn, đâm ra ngày một nhát như con cáy. Cả đầu hôm ngồi bó gối, nghe tiếng ô tô chạy trong phố ra qua đầu nhà hay có khi chỉ một tiếng ai gọi cũng hốt hoảng giật mình. Không biết tại sao.
Nguồn: Cái áo tế Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/