30. Tết rằm
Ban tổ chức hội thảo bảo tôi tham luận về vấn đề: Tết Trung thu độc lập đầu tiên của thiếu nhi ở Hà Nội. Trung thu năm ấy tôi cũng có ở bên hồ Hoàn Kiếm. Vui quá, nhưng tôi không thể viết nổi một bài văn miêu tả dài dòng được về cái buổi tối trăng nước huy hoàng của hàng vạn thiếu nhi của thủ đô đất nước vừa độc lập, mà tôi chỉ có một ý nghĩ và một đề nghị.
Cái tết Trung thu lâu đời của ta, cần duy trì và phát triển làm cho các cháu thấy được và có kỷ niệm cả đời về trung thu cũng có nghĩa giáo dục ý thức truyền thống tốt đẹp. Mỗi năm các cháu có hai ngày tết. Ngày 1 tháng 6, các cháu vui hát nhìn ra phương trời thấy được cả thế giới thiếu nhi quây quần. Ngày rằm tháng tám âm lịch các cháu vui tết trong trăng thanh gió mát đầu thu mà đời cha mẹ, đời ông bà đã có tết trung thu như thế. Những câu vừa viết đã khiến tôi nhớ lại những tết rằm tháng tám quê tôi xưa ở cái xóm nhỏ ven thành bên hồ Tây, tết trung thu sôi nổi, thật là của trẻ con. Người ta gọi thân mật là tết rằm, không cần là tết Trung thu, tết rằm tháng tám, đã biết rồi. Tết Nguyên Đán tết long trọng của mọi người, tết mùng năm cũng tết trẻ con, được đeo bùa túi, nhuộm móng tay móng chân đỏ bằng lá móng rồi bôi vôi vào rốn và chén quả mận, quả dưa, uống nước dừa tha hồ. Nhưng mùng năm tháng năm chỉ có một buổi sáng, tết chóng quá. Tết rằm tháng tám có những mấy tối gió mát trời sáng trăng, tết rằm được mong đợi nhất. Tôi kể ra đây cả các thứ trong tết rằm. Ngày ấy không phải nhà ai cũng có tiền sắm đủ các thứ ấy, nhưng cứ kể cho đủ lệ bộ mà trẻ nào cũng mong ước. Trước nhất là cái trống. Không phải trống cái, trống đình mà cái trống chỉ nhỉnh hơn cái đấu, cái thưng. Mặt trống mới, da bò ngửi còn mùi khét thú vị, lại có miếng da làm quai xách, tang trống bôi phẩm vàng nghệ. Cái dùi trống vót lấy chỉ to hơn chiếc đũa.
Trống được mẹ mua từ phiên chợ trước. Hầu như nhà nào cũng có trẻ nhất là có con trai đều có cái trống. Tiếng gõ tong tong khắp xóm, rộn rã vui tai suốt ngày đến tận tối. Rồi con sư tử. Không phải sư tử to như cái xảo đại, cái thúng đại có người chui vào múa, có người cầm vạt đuôi, có người múa ngọc như đám rước sư tử, đêm rằm giật giải ở chợ. Mà đây là cái đầu sư tử giấy bồi, chụp lên đầu như úp cái rổ. Ấy vậy mà cũng nhấp nhoáng trang kim, hai mắt lồi long lanh với bộ râu trắng không biết bằng rễ cây gì. Chặp tối, tụ tập đầu xóm, những đứa có sư tử đem ra múa vờn nhau trong tiếng trống đánh giục giã.
Ông tiến sĩ mẹ mua về chỉ bằng cái khay con con. Nhưng cũng áo thụng giấy vàng, thắt đai, mặt gỗ trắng phếch, ông tiến sĩ đội mũ cánh chuồn có cờ đuôi nheo cắm đằng trước, lọng che sau lưng. Cả xóm chẳng mấy nhà mua ông tiến sĩ về chơi vì chẳng nhà nào có trẻ con đi học. Cả nhà tôi chắc chẳng ai biết ông tiến sĩ là ông gì, nhưng thấy ông đội mũ, đi hia thế thì phải là ông quan, là ông quan học trò. Mẹ mua cho tôi ông tiến sĩ có ý cầu mong cho tôi học hành tấn tới cho ngày sau thành ông tiến sĩ.
Trên chợ bán nhiều đèn lắm. Đèn ông sao, đèn củ ấu, đèn trống, đèn mũ ông sư, đèn con thỏ. Mẹ mua cho hai cái đèn xếp rẻ tiền. Cái đèn này bằng giấy đỏ, gập tròn được, nên gọi là đèn xếp. Ở giữa cắm cây nến đỏ kiêng chơi nến trắng. Chặp tối, đứa nào cũng đem đèn ra ngõ. Tiếng trống múa sư tử các kiểu đèn chấp chới như sao sa. Có đèn củ ấu nhà làm lấy, trắng phếch. Chúng tôi chơi rước đèn, trông trăng múa sư tử mấy tối trước đêm rằm.
Nguy nga nhất là cái đèn kéo quân. Trong xóm chẳng nhà ai sắm được đèn kéo quân, mặc dầu có loại đèn kéo quân mỏng manh bốn mặt cũng không đắt mấy. Chập tối chúng tôi kéo lên chợ xem nhờ ở các hàng xén, hiệu tạp hoá.
Cái đèn kéo quân đồ sộ được bầy ở trước cửa hàng, trên một bàn cao. Đèn lục lăng sáu mặt dán giấy tàu bạch. Ngọn nến đỏ ở trong giữa được châm lên, có đèn thắp bằng đĩa dầu lạc có bấc. Lửa lên làm gió thổi quay các hình trên vòng ở trong. Có lẽ vì quay vòng thế mà đèn này còn có tên là đèn cù. Ô kìa, hình lên mặt giấy tàu bạch bóng con voi, con ngựa, người quảy lúa, người dắt trâu, nhiều nhất hình người lính tập đội nón chóp, lính nhiều quá, có lẽ vì thế mà đèn này cũng tên là đèn kéo quân. Chợ tết rằm mới có hàng bán bánh dẻo, bánh nướng. Bánh nướng làm ở đâu đem ra bày bán. Bánh dẻo thì nhào bột, đóng bánh cho người ta mua ngay đấy. Mẹ mua hai chiếc bánh dẻo về bày cỗ.
Mỗi nhà một mâm cỗ trên bàn hay mâm chõng. Mâm cỗ nhà tôi bày trên án thư. Chẳng có mấy thứ, nhưng thủa ấy trông đã sướng mắt. Cái đèn xếp vẫn xách đi chơi được treo lên vách, ngọn nến đỏ sáng le lói. Lại đốt mấy xâu hạt bưởi phơi khô cháy như liến, chỉ phải cái khói và khét, nhưng mà người ta đương thích thì chẳng để ý.
Giữa bàn cỗ, ông tiến sĩ ngồi chễm chệ. Cái trống để dưới chõng, chốc lại gõ mấy tiếng tong tong vui vui. Hai chiếc bánh dẻo phong giấy điều đặt hai đầu bàn. Bốn quả bưởi vỏ đỏ bốn bên, hai quả bưởi đào đã bổ sẵn bóc cùi chốc nữa phá cỗ thì chén. Trên bàn la liệt những mía đỏ đã được tiện khẩu lại bổ đôi như cái mũ ông tiến sĩ, chỉ thiếu hai cánh chuồn.
Đấy, mâm cỗ tết rằm, chốc nữa khi trăng lên đến ngọn cau thì phá cỗ được nhai mía, lại ăn bánh, vừa gà gà mắt ngủ, ngoài kia tiếng trống. tiếng hò reo và ánh trăng rằm sáng trắng bạch. Thấy nói ngoài Kẻ Chợ, chỗ phố Hàng Thiếc bán nhiều đồ chơi tân thời lắm. Có nhiều tàu thuỷ, chiếc ô tô bằng sắt, lên dây cót rồi thả vào chậu nước, tàu thuỷ bơi xình xịch như tàu thật. Nhưng trẻ con cá xóm chỉ nghe đồn, chùa trông thấy bao giờ. Những cái vừa kể là tết rằm của trẻ con. Người lớn có tết Trung thu không? Có chứ. Nhà nhà mua thịt lợn, giết gà, thổi xôi, trên giường thờ thắp hương cúng. Nhà tôi quấy nồi bánh đúc lá giềng xanh lét. Mẹt bánh đúc đặt ra giữa sân. ốc nhồi hồ Tây tháng tám đương béo, mẹ mua về bung một nồi với chuối xanh. Bừa cỗ tết rằm, cả trẻ con người lớn cùng vui chơi trăng.
31. Thịt rừng, chim trời và con bướm
Hôm ấy, trời hiu hiu, tôi bỗng nổi máu ăn thịt chó, đã hẹn được một bọn. Nhưng gặp nhau thì việc thịt chó đâm ra hỏng.
- Mát trời, đi đả khuyển kama hay lắm.
Chữ kama, sáng tạo của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, trong kháng chiến ở Việt Bắc. Ka ma là bốn chữ đầu: “không ai mời ai”, có nghĩa là canh ty tiền đi đánh chén.
Tôi bị hỏi lại:
- Hôm nay ngày mấy, biết không?
- Mùng một dương lịch.
- Âm hay dương, mặc giời, phiên chợ đầu tháng, chẳng ma nào bán cái xúi quẩy ấy đâu.
Nhưng tôi chưa thất vọng. Có bạn nói.
- Ta đi chén thịt rừng.
Cả bọn hoan hô.
Ở chợ Bưởi hay chợ Mơ đôi khi cũng có thịt rừng - thịt rừng rởm. Cánh gà công nghiệp chặt ra, nướng cháy vàng, chủ quán bảo là thịt gà rừng. Cũng chịu. Bởi nó thơm thơm, khen khét, lại rắc đôi chút ngọt mì chính. Cãi với nhà hàng thì không cãi nổi, đánh nhau thì chắc thua, đành ngồi ăn lặng im vậy. Thịt rừng thứ thiệt, ở trên Lương Sơn kia. Hà Nội lên Lương Sơn Hoà Bình hơn bốn mươi cây số, áng chừng bằng đi Sơn Tây, chỉ trong ngoài một tiếng xe ôm.
Ở phố huyện này có hai ba quán treo bảng: thịt tươi hươu, nai, gà gô... Nơi địa đầu sơn cước mà nhà hàng khá vui mắt, bàn ghế Xuân Hoà và phòng riêng, rèm trứng sáo. Nghe nói khách thành phố thường ôtô biển trắng, biển xanh dập dìu. Hàng quán ở cạnh rừng và núi đá, có thể tin là thịt thú rừng thật.
Chủ quán mừng rỡ. Các ông may quá, hôm nay có thịt rồi, con rúi mới mua được của phường săn, có tiết canh, rượu tiết. Ngày trước, ở cánh đồng Mường Lò mùa gặt, tôi đã được ăn thịt rúi đào được ở chân đồi thịt nướng thơm như thịt con nhím. Chúng tôi gọi món thịt rúi, nhưng cũng cẩn thận ăn món giả cầy, không gọi thịt luộc. Cái rượu tiết chẳng biết tiết gà hay tiết ngan. Còn giả cầy thì bì dai như da trâu. Con rúi hay con gì, nào biết được. Mới tỉnh ra một điều. Các thứ thịt quen thuộc con gà, con chó, con bò cũng có con béo, con bệnh, có con chết rồi người ta đi bán chui. Mà các bà các cô ở nhà đi chợ mua đều phải nắn lườn, xem chân, xem mỏ chứ đâu phải con nào cũng béo tốt. Huống chi con vật hoang dại trên rừng đâu phải lúc nào cũng ngon thịt cho ta chén.
Mới đây, nhiều báo đăng tin báo động: rừng quốc gia trên núi Tam Đảo người các làng ở quanh kéo vào rừng bắt bướm, từ bướm ma cho đến bướm rồng, bướm nào cũng bắt đem về bán cho khách du lịch người nước ngoài. Có loại bướm quý được trả đến 200 đô la một con. Cho nên, ở bốn phía Tam Đảo từ Vĩnh Phúc sang Thái Nguyên người ta vào rừng bắt bướm nhiều lắm, chẳng ai ngăn cấm như rình bọn trộm gỗ, nhưng thấy bán được nhiều tiền thế cũng đâm sợ, cho nên cứ bán ngay cho Tây đã đợi ở cửa rừng mắt trước mắt sau như bán ma tuý.
Núi Tam Đảo sắp hết giống bướm. Tôi tin ngay như thế. Bởi vì cách đâu đến mười mấy năm tôi đi nghỉ trên Tam Đảo, lần nào cũng gặp có người nước ngoài, người Pháp người Anh, người Nhận họ leo núi tay xách lồng tay cầm vợt với một lũ trẻ con vác sào chạy theo. Thấy bảo đấy là trẻ con đi bắt bướm, mỗi con bướm được Tây cho bao nhiêu tiền đấy.
Việc xảy ra đã từ nhiều năm nay rồi đến bây giờ còn rầm rộ hơn thì bướm chẳng tiệt giống thì cũng sắp mất giống.
Xin trích tình cờ một cái tin vặt về bướm đã đăng trên báo nước ngoài: Bướm họ Tridơ Alôtây Troide Aliotei ở quần đảo Salômôn nam Thái Bình Dương được người chơi bướm cho là loại bướm đẹp nhất thế iới. Năm 1966, một con bướm Tridơ ướp hộp kính bán đấu giá ở Paris, những nhà sưu tập bướm các nước đến tranh nhau đặt giá mua, sau cùng, xác con bướm hoa nọ được giá lên tới 9000 phơrăng pháp
Ở trong thành phố bây giờ khó lòng còn nghe tiếng chim hót, chim kêu - không kể mấy con khướu bị giam trong lồng. Nửa đêm về sáng cũng không còn tiếng vạc đi ăn đêm về kêu xa xa tiếng một. Hoạ hoằn chỉ nghe tiếng chim lợn bay kêu éc éc rợn tai- con chim lợn báo điều không tốt lành sắp đến, ai cũng sợ.
Kể ra, người giết chim cũng đã nhiều, nhiều lắm. Mấy năm trước, mùa nào chim ấy, chim được đem bán hàng thúng những con ngói, con sẻ, con nhạn nước đã làm lông, moi bụng sẵn. Chim ngói người ta đặt lưới bắt ở những cánh đồng vừa gặt. Chim sẻ thì bẫy ở cái bãi rác. Con nhạn nước thì chăng lưới các gốc cây ở bờ hồ Hoàn Kiếm và đường Thanh Niên, hai bên hồ Tây, hồ Trúc Bạch, sáng sớm mùa đông sương mù, cả nghìn cả vạn con nhạn nước lượn về mắc lưới.
Lại dạo ấy, thỉnh thoảng thấy cái xe máy buổi chiều chủ nhật đi từ ngoại ô vào, người trên xe, vai khoác khẩu súng săn, trong túi trước mặt quàng một xâu dài các thứ chim và con cò, con diệc, con sâm cầm, con đen con trắng. Họ ra các ven hồ đầm ngoại thành bắn chim về “cải thiện”. Mấy năm nay không thấy nữa. Chắc phải đi quá xa, mà đi xa quá thì lại gặp người ở Phủ Lý, ở Sơn Tây cũng đi bắt chim “cải thiện”.
Những chìm nổi đời chim ngày một tàn tạ. Đọc cái truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trung ở tạp chí Văn nghệ Quân đội thấy đời con chim, con người cứ vui ít buồn nhiều như thế.
Chuyện rằng ở Sài Gòn bây giờ, bà con đi chùa cũng bắt chước bên Nôm Pênh hay mua chim rồi thả phóng sinh lấy khước, lấy phúc. Người nhà giàu nọ đi chùa lễ cầu tài, cũng mua chim thả, lại muốn mua cả cái lồng về cho con chơi. Nhưng ông lão chỉ bán chim, không bán lồng. Người nhà giàu mắng thằng già gàn sắp chết đói lại làm phách. Ông già gàn xách cái lồng về, đi cùng với người viết lại câu chuyện, lên nhà ngồi uống nước trên sân thượng. Mấy con chim vừa bán đã bay về xúm xít vào cái lồng quen thuộc. Sớm mai ông già lại xách cái lồng chim ra ngồi cửa chùa, đàn chim được người mua phóng sinh lại bay về. Mẹo kiếm ăn còm, thì cái lồng chim cũng là cái cần câu cơm của ông lão.
Thuở bé, tôi nuôi chim chào mào, cho con chào mào chén cơm muối, chào mào đâm nghiện thức ăn mặn. Có thả ra, chim cũng chỉ bay quanh quẩn rồi lại vào lồng.
Nhưng những vui buồn cỏn con ấy với con chim cũng tan nát đến nơi rồi, không còn nữa. Mới đây, được tin dữ, mới đây thôi, khủng khiếp quá. Dạo này, ở Cần Thơ, ở Sóc Trăng, tận các thành phố huyện hẻo lánh, thế mà cũng có nhiều nhà hàng bán buôn cò, vạc, diệc và nhiều quán nhậu đặc sản thịt cò, cò ấau bún, cò rán chả, cò nướng nhậu lai rai.
Bẫy được cò nhiều lắm, ấy bởi người ta vừa sáng chế ra cái máy bẫy chim hiệu nghiệm cực kỳ. Máy gồm có: bộ lưới dài có thể úp được cả đàn chim hộp cát xét chạy pin có băng thu được tiếng chim, cò kêu, bìm bịp kêu, cuốc kêu, chim kêu thứ thiệt. Người đánh chim căng bẫy, giăng lưới, rồi mở băng. Trong đêm hay giữa ban ngày, tiếng chim trong loa gọi líu lo, đàn chim đương bay liệng xuống với đàn bạn, thế là toi mạng. Đồng bằng mênh mang cánh đồng, lạch nước và chim sa lưới một mẻ có khi được đến trên năm trăm con vạc, con mồng két, con cò lửa...
Đài tiếng nói Việt Nam, mục “Thị trường giá cả phát lúc 5 giờ sáng kể ở các chợ thị trấn đồng bằng sông Cửu Long bán những bộ máy bẫy chim như thế, cả lưới và cát xét mỗi máy giá 3 triệu. Thế thì sắp tiệt giống chim rồi. Cả những con chim lợn kêu eng éc báo điềm xấu cũng chẳng thoát. Người ta mở băng có tiếng chim lợn mái kêu, mày ngỡ vợ mày gọi, mày sà xuống thì mày bỏ đời.
Ca dao mới:
Con cò con vạc con nông.
Ba con cùng béo vặt lông con nào
Vặt lông tuốt tuột cho tao.
32. Tôi lại chơi Dế mèn
Ngày xửa ngày xưa tôi đã chơi dế mèn. Bây giờ lại chơi con dế mèn với một sự tình cờ và rất thời sự.
Đầu xuân 2001, tết âm lịch năm nay, trẻ con có thêm một đồ chơi mới. Ở cổng vườn Bách Thảo- cả chỗ vào vườn Thủ Lệ, vườn Thống Nhất, đều có cái xe máy đỗ ghếch vỉa hè, sau yên đặt một chiếc thừng gỗ mở nắp. Thoạt trông tưởng người ta bán con tò he nặn bằng bột xanh đỏ ngày trước lại mới mọc ra. Không, đấy là hàng bán dế mèn. Mà dế sống, như dế ở bãi cỏ nhảy vào, không phải dế con bằng nhựa, vặn dây cót, dế nhảy nhảy - đồ chơi Thái Lan, mà tôi cũng có một con như thế đặt trên giá sách. Đằng này là dế thật, dế mèn đàng hoàng. Một đám khách hàng trẻ con xúm lại bên cái thùng gỗ như mặt bàn, trên bày những chiếc lồng dế bằng những bao diêm xếp chồng lên nhau, trong mỗi lồng nhốt một con dế.
Con dế bây giờ hình như nhỏ hơn những con dế thủa xưa, thời tôi còn là trẻ chơi dế. Mình dế dẹp đét, bóng nhoáng, lung lay hai sợi râu dài. Loại dế này dữ lắm đấy. Mỗi hộp dế, mặt trên che một mảnh lưới sắt. Dưới đáy, gài then, đấy là cửa đưa thức ăn, và cũng là cửa đấu võ khi hai mặt hộp áp lại, dế nhảy sang thành cái đấu trường cho hai võ sĩ lên đài tỉ thí.
Trong thùng có tới hàng trăm lồng dế, hộp dế. Người bán dế bảo tôi mua hai hộp và hai con dế lại cắt nghĩa: “Dế chọi phải nuôi đôi cho chọi nhau. Chơi dế phải bắt chứng nó choảng nhau mới khoái chứ”. Tôi mua tám hộp, tám con dế. Mỗi hộp dế giá hai nghìn. Tám hộp là bốn bộ, 16 nghìn. Ba đôi tôi cho bọn cháu tôi đương choai choai tuổi chơi cho biết, ở thành phố các cháu chưa biết mặt con dế bao giờ.
Tôi giữ chơi một đôi. Người bán dế đã bảo cách cho dế ăn, tôi mua một củ đậu, thái miếng, đút vào hộp. Trước kia mày ăn cỏ, bây giờ thời mới được ăn bánh mý cơm hộp. Cũng hay.
Tôi ghép hai hộp, mở then cửa cho chúng nó xông sang võ đài. Nhưng hai con dế chỉ đứng im. Có lẽ còn lạ chuồng - tôi nghĩ thế. Tôi đóng cửa lại, đặt hộp lên thành cửa sổ. Cả đêm lặng lẽ. Sáng hôm sau, hai con dế vẫn đứng im. Tảng răng mỗi con ngập trong miếng củ đậu. Chúng nó nhấm nháp củ đậu. Nhưng sao im thế. Hay là chết rồi, chúng nó chết giữa lúc còn đương ngoạm răng vào miếng ăn. Tôi nhớ thằng dế mèn lúc nào cũng hay đụng đậy sợi râu. Tôi lấy chiếc tăm gầy gầy. Cái râu nhúc nhích. Không phải con dế chết. Hai võ sĩ đều khoẻ mạnh, nhưng chẳng con nào hung hăng đánh nhau cả.
Tôi hỏi tụi dế ở nhà cái cháu. Có ba con đã chầu trời ngay đêm ấy. Hôm sau, dế của tôi cũng ngoẻo một con. Nhưng con dế còn lại một mình lại sống dai. Dế nhấm cả ngày hết miếng củ đậu bằng đốt ngón tay, dế là cứt vụn đen như cứt gián. Hôm mới mua dế tôi đã thấy cái đồ chơi dế này chẳng dính mảy may đến chuyện ông dế ngày xưa của tôi đi chu du thiên hạ đến đỗi sang Thái Lan người ta phải lưu luyến làm đồ chơi kỷ niệm. Chẳng phải thế đâu. Bởi tôi đã xem vô tuyến truyền hình thành phố Quảng Châu bên Trung Quốc chiếu phim giới thiệu cái nhà máy làm đồ chơi, có một xưởng nuôi dế hàng chục công nhân săn sóc dế ăn, dế ngủ, dế đẻ, dế lột xác, dế được ở trong nhà hộp, những lồng nan nhựa xanh đỏ sặc sỡ, con dế coi thật bảnh bao công tử. Rồi những chuyến xe tải cả nghìn cái lồng hộp đựng dế đem ra chợ, bày ở các cửa hàng ngoài phố. Người mua dế về cho trẻ con chơi rất đông vui.
Chắc chắn là có người ở trong Chợ Lớn- Sài Gòn đã xem phim Quảng Châu bắt chước làm rồi đem dế từ trong Nam ra bán trong dịp tết này. Tất nhiên, so với cái xưởng sản xuất dế bên Quảng châu thì mình còn cò con, nhếch nhác, mới thấy như cái hòm đựng dế ở công viên Thủ Lệ. Một đêm kia, con dế của tôi bỗng kêu vang. Mùa đông, phòng tôi đóng cửa kính, tiếng dế kêu đinh tai. Không biết dế khóc hay dế cười, nhưng thật chưa bao giờ tôi thấy ở đâu có tiếng dế kêu dữ dội đến thế. Vì, có lẽ con dế ngoài trời xưa nay vẫn tiếng to mà tôi không biết. Cũng như những người làm ruộng nói với nhau ở ngoài đồng không mông quạnh, cũng oang oang, khác người nói nhỏ nhẹ ở trong phố, trong nhà.
Tôi nghĩ rồi cũng đến phải cho con dế này ra ngoài mới hợp. Tôi thả con dế lên giàn hoa kim ngân bên cửa sổ.
Đêm ấy nghe tiếng dế ong ong trên giàn kim ngân, nhưng chỉ xa xa thoang thoảng. Nhà tôi ở đây xưa là cánh đồng làng, nhưng nhiều năm rồi cánh đồng đã thành phố phường, không khi nào còn tiếng giun tiếng dế nữa. Bây giờ trong bóng tối và ánh điện giữa tiếng ôtô, xe máy gầm gừ qua lại, có tiếng con dế ri ri phảng phất, cũng lạ mà cũng buồn. Đêm sau, chẳng nghe tiếng dế nữa. Con dế bò đi đâu. Con dế đi đằng nào giữa những vỉa hè xi măng, những bờ tường bê tông xám mênh mông.
33. Trên sông Hồng
Có người hỏi tôi sông Hồng với Hà Nội quan hệ như thế nào? Câu hỏi rộng quá, mà tôi chẳng chuyên môn ngành nào về cuộc đời non Sông và thành phố, tôi chỉ có thể có cảm tưởng và kỷ niệm về cái nơi tôi đã được sinh sống. Dưới bến Phà Đen hàng ngày bây giờ vẫn có thững chuyến tàu xuôi các bến xuống Cầu Bo dưới Thái Bình. Ngày trước, vào mùa nước còn có tàu huỷ ngược lên Sơn, lên Tuyên.
Và hôm nay thì ở bến đầu cầu chân cầu Long Biên ngày ngày có tàu du lịch xuôi ngược sông Hồng đến hết địa phận Hà Nội, khách ngồi trong tàu ngắm lên thành phố. Chưa bao giờ có thuyền chơi đêm sông Hồng như đêm sông Châu ngày rước và đêm Việt Trì cũng như đêm sông Hương rước kia và hôm nay.
Tôi đã thường ngược xuôi Sơn Tây, Thái Bình xưa kia và bây giờ có khi ngồi tàu du lịch trên sông Hồng. Sông Hồng và thành Hà Nội thế nào, sông Hồng đã chứng kiến ra đời Thăng Long từ nghìn năm. Sông Hồng hùng vĩ từ giữa lòng châu Á ra biển Đông, sông Hồng không cùng số phận hẩm hiu của sông Thiên Phù đã bị chui vào lòng đất và sông Hồng cũng không bị phai mờ như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu chỉ còn cái tên hoài cổ. Sách viết tên là sông Hồng, là Nhĩ Hà, Hồng Hà đoạn qua Hà Nội nhưng người Hà Nội xưa kia đều gọi nôm là sông Cái. Hầu như khắp mặt đất trên thế gian những trung tâm đất nước có sông lớn chảy qua đều gọi là sông Cái, sông Mẹ, sông Mê Kông, người Lào gọi là sông Mẹ Mẻ Khoỏng sông Nin người Ai Cập gọi là sông Mẹ. Tiếng cổ Việt Nam bố là cha, cái là mẹ, con sông Cái thân thiết và thiêng liêng đời đời.
Sông Cái là sông dữ. Màu nước quanh năm rực đỏ, con sông cả đời quằn quại giữa hai bờ. Trăm năm trước, dòng sông nghiêng về bên thành phố. Nước mấp mé ven đê mới có Bến Nứa và phố Hàng Nâu thì ở chân cổng ô Quan Chưởng- củ rừng được bè tải về Kẻ Chợ đổ lên đấy.
Trông cái bãi Giữa chân cầu Long Biên theo năm tháng bốn mùa có thể thấy được nguồn cơn vùng vẫy của con sông.
Thủa nhỏ, tôi học trường tiểu học Yên Phụ, buổi trưa thường lên cầu Long Biên chơi trông xuống bãi ngô xanh xanh ẩn hiện xóm cát, có cái thang tre làm lối lên cầu của người bãi Giữa. Chẳng bao lâu, bãi Giữa lại lặn cả vào làn nước cuồn cuộn đỏ. Và bây giờ cái bãi Giữa lại đương xanh tốt hớn hở bãi ngô và mọc lại đôi ba lều của người các nơi về làm màu khi mùa nước rút. Các xóm đất bãi đã sống trong những hãi hùng và những phẳng lặng ấy, không phải chỉ đến khi chạy lụt nước lên, mà sông Hồng quanh năm nước ngoạm lở đất, mất nhà, mất vườn rau và cây cối, mất người. Bây giờ vẫn khủng khiếp thế.
Thời Hà Nội thuộc Pháp trước 1945, chính quyền Tây không cho làm phố, làm nhà xây dưới bãi. Người làm cu li khuân vác, người ăn mày tụ tập dưới bãi ở nhà lá, lều lá. Có những năm vợ chồng nhà văn Nguyên Hồng về ở phố đã trú ngụ ngoài bãi. Nhà xây dưới bãi bắt đầu khoảng 1947 khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội. Người Pháp chưa hoàn hồn, chưa chắc chân, nhiều việc hành chính bỏ bê còn lo đối phó với kháng chiến, dân hồi cư xuống bãi ở tràn lan chen chúc. Đến bây giờ nửa thế kỷ đã qua thì nhà xây, nhà tầng nổi ra đến tận mép nước.
Đợi cho đến bao giờ trị thuỷ sông Hồng sang giai đoạn hết lụt mới thật là yên tâm, chứ còn thử tưởng tượng như hôm nay, đến kỳ nước lên, nước lúc nào cũng sẵn sàng đánh sóng đẩy cả dãy nhà dãy phố xuống lòng sông. Cái cảnh sụt đất và chạy lụt vẫn diễn ra, là còi báo động đấy chứ đâu. Sông Hồng có vẻ đẹp hùng tráng của con sông dữ. Trên máy bay nhìn xuống bờ bãi và con nước đỏ không có cây cỏ nào có thể mọc sát mép nước trên đất bãi chuyển động. Chẳng như các con sông miền Nam lúc nào cũng lơ thơ cụm lục bình trôi như từ trong lạch vườn ra, không như sông Hương mảnh mai, yểu điệu, cây cỏ la đà quét xuống mặt nước xanh trong êm đềm.
Con sông dữ đượm vẻ nên thơ riêng của sông dữ. Tuy nhiên ngành du lịch và các dịch vụ chưa mấy phát hiện ra vẻ đẹp khác thường ấy của sông Hồng. Chơi trên sông Hồng, tham quan các làng mạc và đình chùa hai bên sông, còn ít ai biết. Tàu ngược rồi tàu xuôi, khách trên tàu người đi chơi giữa sông một quãng - hệt như cái “thuyền rồng” trên Hồ Tây lừ đừ từ bờ ra giữa hồ rồi lừ đừ quay về, thế gọi là tham quan Hồ Tây. Tàu đỗ bờ sông, lên làng gốm Bát Tràng, lên đền Chử Đồng Tử, lối đi ngổn ngang lầy lội chẳng khác đường sau làng ra làm đồng.
34. Tức nhau tiếng gáy
Làng tôi vào đám.
Ngày trước, tháng ba có hội lệ. Thịt con bò, chia phần bốn giáp. Vài ba năm lại có rước chạ, cắt lượt chạ trên chạ dưới. Nhưng các chạ đều nghèo, không làng nào sắm nổi cỗ kiệu, đám rước chỉ khiêng cái long đình gỗ mộc.
Không phải xưa nay đám thứ đều giống nhau. Cứ như tuổi tôi, từ thủa còn để chỏm tới ngày nay đã thấy bể dâu lắm nỗi. Cái năm kháng chiến, ngôi đình bị phá san phẳng theo lệnh tiêu thổ kháng chiến. Chỉ còn ba cây muỗm cổ thụ và một bờ rào duối đằng hậu cung. Đến khi Tây lại đóng đồn, sợ du kích về ẩn nấp, đã chặt nốt bờ rào duối, thế là cái đình cái sân nhẵn nhụi. Chỉ không biết cái long đình biến đi đâu. Có người đã lội xuống ao làng mò, hay là người ta đã giấu xuống đấy. Người không thấy.
Hoà bình lập lại, ngôi đình không dựng lại được nữa. Nhưng rồi làng cũng đóng góp xây lên được ba gian lợp ngói. Không có ông từ, nhưng tuần rằm mùng một, cũng có các cụ ra thắp hương. Đến cái năm cải cách ruộng đất, cái đình con con được cất lại ấy cũng bị bỏ hoang, Mấy người hay ra thắp hương cũng bị quy là mê tín dị đoan. May chỉ là “mấy ông lão lạc hậu” mới kém hiểu biết, mới chậm tiến thế, nên được châm chước chứ nếu còn tuổi trung niên chắc đã bị đem ra đấu ở xóm rồi.
Nhưng bây giờ đã khác, tôi nghe người trong làng ra kể ngôi đình đã được xây lại. Chỉ có cây muỗm cổ thụ thì không thể sống lại được nữa không biết ai có sáng kiến đem về trồng hai cây xà cừ cho chóng có bóng mát.
Làng vào đám năm nay tôi về được trông thấy đình mới. Cũng vẫn trong khuôn khổ ngôi đình ngày trước, nhưng quét vôi vàng và vôi màu đỏ loè loẹt sặc sỡ. Không còn bức tường rêu đằng hậu cung và con nghê sành đắp nổi trên cột trụ ngoài sân đình ngày trước của một bà con gái làng lấy chồng xa, vợ chồng về làng nộp treo, người rể làng có máu mặt đã cung tiến con nghê. Người ta thường nghĩ theo kỷ niệm, chẳng vui chẳng buồn, thế mà cũng nhớ.
Trong đình lúc ấy rộn rã người đi lại, trống đánh từng hồi. sắp tế thần. Cả loạt hơn chục ông, áo thụng xanh lam, mũ phốc, quần lụa mơ gà hoa chanh, đi hia đế trắng xốp mũi hia bọc nhung đỏ. Thoạt trông lạ mắt, nhưng rồi nhìn dần nhận ra, toàn mặt quen. Nhiềt ông trong làng, cũng có nhưng ông người thiên hạ, lấy vợ làng này hay tậu đất ở đây trạc trên sáu mươi, bảy mươi, cán bộ về hưu. Chà chà, xống áo tế lễ đẹp quá, sang quá. Ngày trước, năm ấy ông ngoại tôi đến tuổi đến phiên được làm chủ tế. Cả cỗ tế hơn hai mươi người chỉ có một ông tôi được mặc áo thụng xanh. Mọi người khác đều áo the, khăn lượt chít như thường ngày có việc đi đâu. Cái áo thụng lam ông tôi mặc cũng là của làng, của công, ai đến lượt làm chủ tế thì được mượn.
Ông chủ tế ra tiếp tôi. Ông ấy trước công tác ở bộ Nông nghiệp về hưu. Mấy người nữa xúm xít ra. Tôi lâu ngày mới về làng, chứ đều là quen biết trước kia, có khi còn có họ và tất cả đều là cán bộ là bộ đội về hưu - có anh ở tỉnh có anh trên ngành ở trung ương. Nói đùa có thể hội ý chi bộ hay tổ đảng ở đám tế được.
Hầu hết các ông này vẫn còn thua tuổi tôi. Như tuổi tôi mà còn ở thời ngày trước, hội hè thế này, bấy giờ đương là trai tráng trong làng. Những cuộc tể lễ như hôm nay mới chỉ được các cụ cắt ra những chân cầm cờ, che tán - gươm vàng, bát bửu thì chưa phải mặt, chưa đến lượt được vác. Ngoài ra thì khiêng long đình, kéo xe trống... Còn các anh hôm nay áo thụng đi hia ra bắt tay chào rồi ngồi chơi với tôi đây lúc ấy cũng chỉ khoảng lên mười, đầu để hoa roi, mũi thò lò, cứ ngó nháo nhác đi xem rước và ngồi chầu hẫu xem tế mà thôi.
Tôi hỏi một người ngồi cạnh:
- Các cậu cũng biết tế à? Giỏi nhỉ.
Mấy người cùng cười.
- Mỗi thời một khác. Mời bác ngồi chơi xem, em vào việc thánh.
Trống đánh nhịp, chủ tế ra đứng giữa chiếu hoa, các ông bồi tế bước lên, kẻ đứng ngồi quỳ chắp tay theo thứ tự. Các ông bồi tế lặng yên, kính cẩn. Ở ngoài, hai lên đứng lấp sau cột, xa hai mép chiếu, các ông bồi tế khác lần lượt xướng tế: Hương... Bái... Tiến tước... Quán tẩy sở... Tiết tửu...
Theo lời xướng, các ông bồi tế trong chiếu lóp ngóp quì xuống đứng lên, có lúc cúi đầu, có lúc hai tay bưng hai chén rượu như ông chủ tế, trịnh trọng bước lên.
Các ông đứng ngoài không mặc áo thụng đi hia mà áo sơ mi quần phăng, dép lê như tôi. Mặt mũi còn non lắm, chỉ được cái tiếng hô to. Và vì không mặc quần áo tế, các ông đứng nép vào cột. Ở ngoài của không trông thấy.
Phần nào, tôi đã đoán ra. Tôi hỏi một người ngồi xem bên cạnh:
- Đám thợ tế là các cậu thuê ở đâu?
Người ấy nói:
- Phải vào gọi tận Mễ Trì, xa lắm. Hẹn trước cả tháng đấy mà cơm rượu, lại phần phò, lại tiền nong tốn kém ghê. Dạo này vùng mình hội hè tế lễ nhiều mà.
Đến trưa, vào ngồi ăn việc làng, tôi nói với chủ tế - cái lão trước làm ở bộ Nông nghiệp:
- Làm gì mà khổ thế. Mà bát nháo cả. Làng mình xưa kia chẳng có tế thì đã sao.
Ông chủ tế mặt rượu đỏ lựng:
- Làng nó có làng mình cũng phải có chứ. Ông mà về làng, ông cũng đóng vai chủ tế thuê tế như tôi.
Tôi cười:
- Một chữ nho bẻ đôi không biết, tớ cũng chẳng biết tên cụ thành hoàng làng ta.
Ông chủ tế xua tay:
- Chẳngcần, chẳng cần!
35. Vỉa hè
Xưa nay cắt tóc theo thói quen, đôi ba tháng một lần. Ngồi đâu cũng thế, gốc cây, bờ tường và anh phó cạo, phó húi nào đè đầu tôi ra cũng được.
Lâu nay, cắt tóc cho tôi là một cậu trạc tuổi cháu tôi. Cái hộp thiếc đựng đồ nghề và cả sách vở. Làm việc chỗ gốc me, đóng sẵn cái đinh treo miếng gương. Trò chuyện, nghe lý lịch trích ngang cậu ta tự kể: Quê Thanh Hoá. Cả nhà bảy anh em và bố mẹ anh em đều ra ở Hà Nội. Mỗi người một nghề không nói nghề gì. Cậu là con lớn nhất. Học năm thứ ba Đại học Giao Thông. Kết luận: “Nhà cháu nghèo lắm. Cháu lo lấy ăn học, lại phải giúp nhà đôi chút”.
Tôi nói:
- Dạo nọ chẳng thấy còn cái chợ cóc ở đây.
- Vẫn đấy, ông ạ. Chỉ có trời mưa mới đuổi được thôi. Còn các ông ấy có đuổi thì cũng là đóng kịch trên sân khấu thôi ạ.
Tôi chẳng hiểu thế nào.
Tôi vừa tới, cậu cười, chào:
- Ông ra cắt tóc.
Lại nói ngay:
- Ông đợi cháu một tý.
- Có khách đâu mà phải đợi?
- Các ông công an sắp đi dẹp vỉa hè. Các ông ấy đi qua thì cháu mời ông ngồi.Hay là ông vội thì ông vào góc tường kia, cháu đứng cắt cho ông ngay.
“Góc tường kia” là chỗ các bợm bia hay ra đứng đái. Tôi nói:
- Tao chẳng vội gì cả.
Vỉa hè chỗ ấy là cái chợ cóc. Thường buổi sáng đứng vài cái xe đạp thồ rau muống, hành hoa, bó mía. Có hôm thấy người ta đem đến treo lên cột đèn con trăn rồi lóc thịt, lại chặt khúc ra bán. Ông công an hỏi, người bán trăn bảo trăn nhà nuôi, “không phải vật quý hiếm”, thế là ông công an cũng mua một khúc xương trăn về ngâm rượu chữa bệnh đau lưng.
Cái chợ chính của quận quản lý thì ở cuối đường. Năm cái cầu chợ mái ngói đỏ, trông khang trang, đẹp mắt. Có chợ to, nhưng các chợ cóc vẫn lởn vởn ở đâu đây. Hôm nay tôi mới được chứng kiến các nhà chức trách dẹp cái chợ cóc. Người ta đều đã biết trước cả. Các chị hàng hoa, hàng rau ôm rau, ôm hoa vào gửi quán bia. Cái xe đạp thồ mía đương giả vờ lững thững đi tôi đương di chứ tôi không đứng bán. Chị bán thịt gà bê cái mẹt vào gửi nhà nào không biết.
Xong đâu đấy rồi một chiếc mô tô có thuyền ba bánh đùng đùng tới có cái loa gọi cẩn thận. Những người hàng rong chẳng còn ai. Bên gốc cây. không biết người nào dùng cái đòn gánh thế là đã bắt được đem về đồn chắc để làm tang vật đã dẹp chợ. Cái xe mô tô ầm ầm qua thế là dẹp chợ cóc xong.
Xe đi khỏi các chị rau, hàng hoa và mẹt thịt gà, cái xe mía ở đâu lại ra tụ tập đứng như lúc nãy. Còn tôi thì ngồi xuống chiếc ghế bên gốc me của cậu cắt tóc vừa vào góc trong bưng ra với cái hộp thiếc đồ nghề.
Tôi hỏi chú bé:
Hôm nào cũng dẹp mà chưa hết chợ cóc à?
- Hết thế nào được ạ. Chợ chính thì quận thu thuế, chợ cóc thì lấy lệ phí, quận hay phường cũng đều cần tiền tiêu, cho nên cứ đóng kịch quanh quanh thế thôi.
Nguồn: Cái áo tế Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/